Số lần đọc/download: 1718 / 18
Cập nhật: 2015-12-12 10:59:26 +0700
Chương 5 - Chủ nhật, ngày 29 tháng 7
Đ
ọc đến đây, hẳn các bạn phải lấy làm lạ. Bây giờ đã sắp mười giờ rồi. Ánh nắng chói loà, bầu trời xanh ngắt. Nếu chúng tôi không sợ người ta chê cười thì vui biết bao nhiêu. Phần lớn chúng tôi còn nằm cả trong lều, vì không dám nhìn mặt ai hết.
Chỉ có mấy thằng trơ trẽn như Mai-ơ, Đích-dơ, Măm-phơ-lê, Lô-ti, Phu-lân và Chích choè là vẫn cứ nhơn nhơn chạy đi chạy lại. Chúng nó đã quên ráo cái bẽ đêm qua.
Chúng tôi thì chịu, không dám ló mặt ra. Ai nấy nhắm mắt lại, không nói không rằng.
Trời có vẻ oi nóng. Từ ngoài hồ, tiếng reo hò vang lên, đưa tới chỗ chúng tôi nằm. Chắc là có người đang tắm đấy. Chúng tôi cũng có ý muốn đi chơi một lát.
- Chị Hai-ga đi đâu ấy nhỉ? – Pô-le thình lình hỏi.
Lúc đầu không ai trả lời. Lát sau Khơ-lao nói:
- Từ nay chị ấy quyết không đến đây nữa đâu.
Mọi người đều trố mắt há miệng, không nói tiếng nào. Mãi sau, Li-pu-li-pu mới gãi đầu nói:
- Nếu chi ấy giận, là chỉ tại chúng mình thôi.
Hen-mu ngước mắt lên, nói:
- Giận! Chị Hai-ga quyết... quyết không bao giờ lại giận cả.
- Thế sao chị ấy không đến? – Oan-tơ hỏi.
- Từ trước chị ấy vẫn không đến ăn sáng bao giờ. – Han-si nói. – Chỉ có lúc chào cờ xong, chị ấy mới đến đây thôi.
Pi-tơ đang nằm ngửa chăm chú nhìn lên nóc lều bỗng nói:
- Chúng ta đi một cái đi, có nên không?
- Đi đâu?
- Đi tìm chị Hai-ga.
- Lại còn phải tìm chị ấy! – Khơ-lao càu nhàu.
Chích choè ở ngoài thình lình chạy sấn vào, nói thật to:
- Nếu chị ấy không rộng rãi quá với chúng ta thì hôm qua chúng ta cũng tập được một tiết mục gì, không đến nỗi ê thế.
Mọi người đều lườm nó và mỗi người một câu, ai cũng trách nó là nói láo. Nó hoảng lên, hai con mắt cứ như không biết nhìn vào đâu nữa.
Hen-mu ấp úng nói không ra tiếng. Li-pu-li-pu thì như con quạ điên, quàng quạc lên một hồi. Pô-le thì một tay vuốt mái tóc bờm ngựa, một tay chỉ vào mặt Chích choè quát luôn cho một trận.
Oan-tơ có vẻ đứng đắn hơn, nó nói:
- Mày nói không biết nghĩ, Chích choè à! Mà cũng chỉ có mày mới nói thế. Chị Hai-ga vẫn nghĩ cách để thúc đẩy chúng ta làm việc, và chị ấy đã tự nêu gương cho chúng ta theo để thuyết phục chúng ta, song chưa thành công, thì đó cũng là khuyết điểm của chị ấy. Nhưng mày bảo chị ấy là quá rộng rãi, hoàn toàn sai. Làm hay không là mình phải tự nguyện tự giác chứ. Việc này, trách nhiệm không ở chị Hai-ga mà chỉ ở chúng mình thôi.
- Đúng, nó nói có lí lắm. – Li-pu-li-pu tiếp. – Chích choè à, còn mày thì không có quyền nói mới đúng, vì hôm qua mày chuồn!
Chích choè thở một hơi, ngồi im thin thít.
Ơ, chị Hai-ga thình lình đã đến ngoài lều. Cũng như mọi khi, chị đứng ở cửa lều, nhìn vào chúng tôi trong này. Chúng tôi cũng nhìn lại chị.
- Chào chị Hai-ga. – Pô-le cười.
- Chào Pô-le. – Chị Hai-ga cũng cười, đáp lại.
- Mời... mời chị vào, chị Hai... Hai-ga. – Hen-mu vừa nói vừa vẫy tay. – Chả... chả lẽ chị lại không... không muốn vào à?
- Sao chị lại không muốn?
- Ơ, đúng là chị đang nghĩ...
- Nghĩ gì?
Hen-mu gãi đầu:
- Vì hôm... hôm qua...
Chị Hai-ga cười, ngồi len ngay vào giữa Pô-le và Pi-tơ, rồi chị liếc nhìn khắp lượt chúng tôi với một vẻ hơi là lạ. Trong tia mắt của chị, tôi thấy như có vẻ trách móc chúng tôi, khiến mọi người đâm ngài ngại.
Chị hỏi ngay một câu:
- Các em bây giờ định làm gì thế?
- Chúng em ấy ư? Không làm gì cả. – Khơ-lao đáp một cách chán nản.
- Các em ạ, – chị nói. – đến chiều thứ ba sắp tới này, toàn trại sẽ tổ chức lễ bế mạc thật to. Những chi đội khá nhất đều được biểu diễn lại lần nữa…
- Thế chị định để chúng em biểu diễn nữa à? – Li-pu-li-pu vừa hỏi vừa nhăn mặt làm trò.
Chị Hai-ga cười:
- Làm gì có chuyện ấy, chị không bao giờ lại có ý nghĩ thế. Chị đang định một kế hoạch khác. Nếu các em bằng lòng thì thứ ba này, chúng mình vẫn có thể lại lên sân khấu được.
- Ha ha. – Khơ-lao cười nửa tin nửa ngờ.
- Lại đọc thơ ấy ư? – Phu-lân cười, hỏi.
- Cù hay thật! – Chích choè nói.
Chị Hai-ga thủ thỉ:
- Chúng ta cứ thử cũng nghĩ xem: vì còn những hai ngày nữa cơ.
- Hai ngày nữa. – Oan-tơ nhắc lại, rồi cất đầu lên nhìn chị Hai-ga.
Bỗng có ba bốn cậu trong bọn tôi cũng cất đầu lên một cách rất hăng hái. Thậm chí Pô-le và Hen-mu nhảy lên, reo:
- Được, chúng ta thử một chuyến xem, có khi được cũng chưa biết chừng.
- Được thì rất có thể được. – Khơ-lao xen vào. – Nhưng làm thế nào nghĩ ngay được tiết mục gì bây giờ đã?
- Cái… cái đó thì dễ thôi. – Hen-mu lắp bắp. – Cứ là… là… làm làm…
- Làm gì? Làm cái trò thổi kèn cà lắp ấy à? – Khơ-lao cười nhạt, nháy Hen-mu.
Hen-mu lườm nó một cái, rồi lắp bắp nói:
- Là… là… làm một vở kịch nói, thật đơn giản ấy.
“Kịch nói ra sao đây?” – tôi nghĩ bụng thế. “Đào đâu ra vở? Thời gian lại gấp rút, liệu có tập kịp hay không? Tôi thì không có can đảm.”
Còn chị Hai-ga? chị đang cười.
- Ý kiến đó hay lắm, – chị nói. – Nhưng chúng ta đã có vở kịch chưa?
Một phút im lặng. Một đứa nói:
- Em chắc là chị đã có cách gì rồi thì phải.
- Chị chưa có vở gì hoàn chỉnh cả.
- Thế thì chúng em chỉ đành là lại hát thôi. – Pô-le vừa nói vừa thở dài.
- Như thế không được. Chúng ta phải biểu diễn một trò gì thật đặc biệt. Phải có một tiết mục để có thể nói lên với các chi đội bạn rằng: chúng ta không phải là những đứa đần độn, chúng ta cũng có tài nghệ riêng thế này thế khác. Cần nhất là chúng ta phải quyết tâm rửa sạch cái hình ảnh xấu xa chiều hôm trước.
Chị Hai-ga nói giọng hết sức trịnh trọng. Chúng tôi nhìn chị, đợi xem chị bảo sẽ biểu diễn trò gì. Cuối cùng chị trình bày một ý kiến làm chúng tôi đều ngây cả người ra. Chị bảo: “Chỉ cần chúng ta đóng ngay một vở kịch về bản thân chúng ta thôi”. Chị nói rất tự nhiên, hình như chị cho cái việc mình đóng ngay mình là một việc hết sức bình thường. Chúng tôi đều không ai tưởng tượng được là làm thế nào để mình lại đóng kịch về mình được.
Chị Hai-ga liền giải thích. Chị tóm tắt những sự việc xảy ra từ hôm thứ tư chị mới tới đến nay cho chúng tôi nghe một lượt. Đó là những chuyện mà tôi đã có ghi trong nhật kí này. Rồi chị nói tiếp xuống dưới, nói là chúng tôi đã chuyển biến ra sao. Nghe tới đây, chúng tôi đều giật mình, nhất là Pô-le, Hen-mu, Chích choè cũng cười sung sướng. Không phải nó cười một cách ngu ngốc đùa cợt như mọi khi, mà là cười vì sẵn sàng chờ đón cái phút thành công. Bỗng Chích choè không nói không rằng, chạy vụt ngay ra ngoài.
Lúc quay vào, nó dẫn cả mấy đứa theo nó là Lô-ti, Phu-lân, Măm-phơ-lê, Đích-dơ và Mai-ơ. Chúng nó đều hỏi lấy hỏi để những câu kì quặc, chăm chú nghe thật kĩ từng câu trả lời và nghe xong, chúng nó cứ muốn được tập luôn. Chúng tôi đều ngạc nhiên, không ngờ rằng những cậu mới hôm qua chỉ có một bài hát cũng không chịu hát, vậy mà hôm nay đã tự nhiên tình nguyện tham gia đóng kịch rồi! Lúc này, ngay cả Lô-ti và Phu-lân cũng hăng hái lên. Măm-phơ-lê thì nằng nặc đòi mang cả con thằn lằn lên sân khấu. Chỉ có Mai-ơ và Đích-dơ là còn đang nghĩ ngợi điều gì, chưa quyết hẳn. Một cậu thì ngồi im lặng như thóc, một cậu thì nằm lăn ra trên đệm.
Đến đây tôi phải nói một tí về vở kịch chúng tôi đã biên soạn ra sao. Người ta đều biết là muốn viết một vở kịch, thì mỗi diễn viên đều phải nhớ mình đóng vai gì, và nói những câu gì.
Điều đó với chúng tôi thật không thành vấn đề lắm. Vì đóng Oan-tơ là Oan-tơ; đóng Han-si là Han-si; Pô-le lại đóng vai Pô-le; Lô-ti đóng Lô-ti. Ai đóng vai người ấy.
Ấy, tuy thế mà cũng phải tranh luận chán.
Lô-ti, Phu-lân, Măm-phơ-lê và Chích choè, bốn cậu đều không muốn đóng vai mình. Đích-dơ và Mai-ơ thì có ý kiến là nếu cứ bắt chúng nó phải đóng vai của chúng nó thì chúng nó mặc, không chơi. Các bạn có biết tại sao mấy cậu này lại giở quẻ thế không? Đó là vì chúng nó cứ phải nguyên xi bê lên sân khấu những hành động và lời nói của chúng nó, mà như thế thì chúng nó không muốn đóng tí nào. Chúng nó xấu hổ. Chúng nó muốn đóng vai những đội viên khá như Oan-tơ hay Pi-tơ kia.
Chị Hai-ga lại phải cố hết sức giảng giải và thuyết phục chúng nó một hồi. Lúc đầu, chúng nó rất khó chịu, vì chị bảo:
- Các em đã thật sự là những em chúa nghịch và vô kỉ luật, thì muốn diễn cho đúng với tình hình sinh hoạt ở trại hè của chi đội ta, tại sao các em không thể đóng những vai xấu của mình được?
- Nếu thế, em không đóng. – Lô-ti giảu môi nói. – Vì rồi đây, các chi đội ở lều khác sẽ chế em. Chúng nó sẽ chỉ trỏ: các cậu trông kia, thằng ấy mà cũng là đội viên thiếu niên tiền phong đấy. Như thế thì em chịu sao được.
Chị Hai-ga vỗ vai nó, nói:
- Nhưng mà có phải là suốt cả vở kịch, lúc nào em cũng xấu như thế đâu. Em cũng tiến bộ cơ mà. Tới lúc gần hết vở, sắp diễn xong, em cũng đã có chuyển biến đấy thôi. Bấy giờ khán giả hẳn phải khen: “Nó đã thành một đội viên khá rồi!” Cái hay và mới của vở kịch này đặc biệt ở chỗ là mình lại đóng ngay chính mình đó. Không phải kịch bịa, mà là sự thật hẳn hoi. Nhờ vậy mà khán giả xem mình biểu diễn sẽ phải trầm trồ và xúc động vô cùng!
Lô-ti cúi nhìn ngón chân cái của nó. Chích choè thì toét miệng ra cười, nó thấy là vở kịch có thể thú vị lắm. Phu-lân mím miệng nhìn Măm-phơ-lê. Măm-phơ-lê gật đầu. Và rồi tất cả cùng gật đầu. Thế là mỗi cậu một câu, tranh nhau phát biểu ý kiến, bàn cãi thật ồn ào.
Nhưng, đến đây lại có việc khó thu xếp.
Măm-phơ-lê đòi mang cả thằn lằn lên sân khấu; Lô-ti và Phu-lân đòi làm cả cái bè.
May nhờ chị Hai-ga đã đặt sẵn kế hoạch thật rõ, nếu không mỗi cậu một ý, khó mà giải quyết được. Chị chủ trương chia vở kịch ra làm sáu lớp. Chị bảo chúng tôi phải trình diễn các sự kiện từ ngày mới tới trại hè. Sau đó, mới đưa dần đến những sự việc có liên quan tới anh Mích, trong đó có cả chuyện chúng tôi bướng bỉnh ra sao, anh Mích cáu gắt thế nào, và chuyện Pô-le bị bỏng cà phê nữa.
Trong lúc chị trình bày kế hoạch, bọn tôi đều ha hả cười với nhau.
Tất nhiên, chị Hai-ga cũng sắm một vai trong vở kịch; mà cái việc tối hôm qua, cũng phải viết vào. Chúng tôi phải biểu diễn lại thật tỉ mỉ lúc buổi sáng, chúng tôi lười tập ra sao và cả buổi chiều bị gãy trước mặt mọi người thế nào.
Tôi thấy chị Hai-ga suy tính thật chu đáo quá. Có điều tất cả đều là chuyện có thật, chị không phải sáng tạo gì. Chi đội chúng tôi quả đã có thay đổi, mà trong vở kịch này cũng có nói tới biến chuyển đó. Các đội viên đều nhận thấy là đội viên thiếu niên tiền phong phải làm gương cho các thiếu niên khác, vì thế, phải công tác và học tập cho thật tốt. Tất cả chúng tôi đều tham gia công tác, chịu khó làm lụng, kết quả là mọi mặt đều có thay đổi. Mọi người sẽ phải khen: “Chi đội lều số 13 đã thành một chi đội ưu tú!” Vở kịch diễn đến đây là hết.
Chúng tôi đều thấy đó là một chuyện rất hay. Ai nấy đều bực mình không thể tức khắc tập ngay được. Nhưng thật ra thì chưa thể tập được, vì bây giờ chưa ai biết là mình phải nói những gì.
Chị Hai-ga hỏi chúng tôi ngày hôm đầu ở trại hè ra sao, chúng tôi làm những việc gì, nghĩ ngợi thế nào… Chúng tôi cứ nói thật lại cho chị nghe, chị ghi vào sổ tất cả. Chị hay hỏi ý kiến chúng tôi xem từng đứa một có đồng ý nói câu này câu nọ như thế như thế không. Rồi chị đọc cho chúng tôi nghe, chúng tôi gật. Ai cũng phải phục là chị rất có tài tưởng tượng và đoán trúng những việc xảy ra. Chị viết tất cả thành một tập đối thoại cho từng người.
Trong bọn tôi, có nhiều dứa đòi được ra sân khấu nhiều hơn nữa, có nhiều đứa lại đòi nói những câu ngoa ngoắt thêm. Chị phải sắp xếp lại tất cả cho hợp lí rồi ghép lại thành lớp thành vở, cho mỗi người có một phạm vi nhất định, không được thêm thắt và đi quá xa.
Chúng tôi đều cảm thấy trò mới lạ này rất thú vị. Tiếc vì thời gian hạn chế, tôi không thể ghi tỉ mỉ hết ra đây: vì còn chuyện thi đua thể dục chiều nay nữa, thế nào tôi cũng phải viết vào nhật kí chứ.
Ở đây, tôi chỉ nói qua vài cậu. Mãi tới gần một giờ chiều chị Hai-ga mới viết xong vở kịch, và viết xong là chị mang đi ngay. Rồi tới khi chúng tôi ngủ trưa dậy, chị mới quay lại đưa cho mỗi đứa chúng tôi một vài tờ đánh máy vở kịch, chị phân vai, và tờ của ai chị đưa cho người ấy. Xong chị hẹn với chúng tôi là sáng mai, mọi người đều phải học thuộc lời kịch của mình.
Mười phút sau, cuộc thi thể dục thể thao bắt đầu. Mục thứ nhất là thi chạy việt dã khá lớn, tất cả mười sáu chi đội đều dự.
Thi thể dục thể thao ở trại hè cũng có khác những cuộc thi ở sân vận động thành phố.
Mỗi lần có cuộc thi ở Bá-linh là bao giờ cũng có treo cờ và khẩu hiệu; đồng thời lại có cả âm nhạc không lúc nào ngớt; tiếng rao bán kem và quà bánh ồn ào, khiến người ta hầu như không còn biết đâu vào đâu nữa.
Còn ở hồ Cây gạo này thì khác hẳn.
Ở đây không có sân rộng, cũng không có ai bán kem, trật tự có phần tốt hơn nhiều. Do đó cuộc thi cũng được tổ chức chu đáo, ai nấy đều hả hê về mọi mặt.
Người ta thấy ngoài những lá cờ của Đội Thiếu niên tiền phong ra, còn có cờ của Đoàn Thanh niên tự do Đức, cờ của Đoàn Thanh niên dân chủ thế giới và quốc kì, cùng bay cao trên ngọn cột.
Trên nền trời xanh, có điểm lưa thưa từng lớp mây trắng như vây cá, người ta thấy như bầu trời đã nắng lại càng nắng to hơn. Trong rặng thông già dưới nắng bốc ra một mùi hương đậm đà hơn hẳn mọi ngày. Đất cát nóng bỏng, người nào đi chân không sẽ không thể đứng yên mãi một chỗ được.
Sau môn thi chạy việt dã, là đến các môn thi khác chia làm ba nơi khác nhau.
Ở sân vận động thì tổ chức các môn thi chạy, nhảy, ném tạ, đấm bóng. Bóng chuyền tổ chức ở khu trại bên cạnh. Còn dưới hồ, có cuộc bơi tiếp sức bốn trăm mét.
Mỗi chi đội đều cử một người tới dự ba môn thi trên. Chúng tôi cử Han-si đi. Vòng đấu loại về môn đấm bóng do hai đội con trai bắt đầu, về bên chúng tôi có Phu-lân, Măm-phơ-lê và Khơ-lao tham dự. Chúng tôi hết sức cổ vũ cho ba cậu, chỉ mong sao chúng nó thắng lợi. Vì có thắng ở vòng đấu loại này, mới được vào đấu với đội chính thức. Hễ thắng nốt cả đội cuối cùng thì nhất định giật giải quán quân toàn trại. Các đội con gái cũng thế, đều phải qua vòng đấu loại rồi mới được đấu chính thức.
Ở một chỗ có bóng mát gần trại, hai đội nam nữ đang đấu bóng chuyền. Đội bóng của chi đội chúng tôi có Pi-tơ, Pô-le và Mai-ơ ghép với ba đội viên khác của một đội nữ; Chích chòe, Hen-mu và Éc-vin thì giữ chân dự bị. Chúng tôi đi thi bơi về mới được rõ tình hình ở đây và thành tích của các bạn.
Bây giờ, xin nói về chuyện chúng tôi thi bơi ra sao.
Tôi xếp vào quãng thứ ba trong cuộc thi bơi tiếp sức của chi đội tôi; Li-pu-li-pu ở quãng sau chót, vì nó sở trường nhất lối bơi tự do. Còn quãng đầu là Lô-ti, quãng thứ hai là Oan-tơ.
Tất cả có mười sáu đội dự thi, tám đội nam và tám đội nữ. Các đội nữ thi trước.
Điểm xuất phát và điểm cuối cùng đều lấy chỗ cầu phao tàu đỗ làm đích. Chiếc cầu phao này nằm duỗi dài ra tận giữa hồ. Cách chân cầu năm chục thước, người ta có đóng một hàng cọc gỗ. Mỗi tuyển thủ đều phải bơi từ cầu phao ra tới hàng cọc gỗ rồi lại bơi trở lại là vừa được một trăm thước.
Có hai chiếc thuyền con và một chiếc thuyền to luôn luôn đi kèm bên cạnh luồng bơi đề phòng chuyện bất trắc. Đó là việc rất cần, vì rất có thể trong lúc bơi người ta bị chuột rút hay đuối sức là thường.
Bọn chúng tôi ngồi cả trên lan can cầu để xem. Lát sau, có rất nhiều đội viên nhỏ cũng kéo ra xem, đứng chật cả cầu, làm nước hồ tràn khắp lòng cầu. Những em sính tắm rất có thể rình lúc đông người, nhảy xuống nước bơi một vài vòng chơi nghịch.
Nhưng các anh phụ trách đã kiểm tra lại tất cả những đội viên dự thi và không cho phép những ai ngoài cuộc được đứng trên cầu. Thế là chúng tôi phải đổi chỗ, lên cả trên bờ, ngồi đầy cả, mà đứa nào cũng cho chân xuống nước nghịch.
Trên cầu, không còn một ai lảng vảng. Trạm gác ở đầu cầu ngăn giữ không cho một đứa nào lẻn xuống cầu hết.
Tám tuyển thủ của một đội nữ đứng dàn sẵn trên cầu, chờ lệnh xuất phát. Chúng tôi lắng chờ, để xem các cô gái ấy bơi ra sao.
- Bắt đầu! – một vài đứa tinh nghịch ngồi gần chỗ chúng tôi hô lên thế. Nhưng trên cầu vẫn yên lặng, tám tuyển thủ vẫn đứng nguyên.
- Phải thổi còi mới lừa được chúng nó. – Li-pu-li-pu nói thế rồi cho hai ngón tay vào miệng huýt một tiếng thật to.
Mấy đứa con gái như vẫn đang chờ lệnh chỉ huy, nghe thấy tiếng còi vội trèo qua bao lơn, không nói chuyện nữa.
Chúng tôi nghe rõ tiếng chúng nó cười khúc khích, một vài đứa thích chí nhảy cả lên.
Tiếp đó, còi xuất phát đã thổi thật.
Chúng tôi lăn cả ra mà cười. Tưởng thế nào, hóa ra các bạn gái không ai biết nhảy bổ nhào hết! Chúng cứ nhảy tõm xuống như khối đá ấy, có đứa lại còn đưa tay lên bịt mũi rồi mới nhảy.
- Ha ha ha, – Li-pu-li-pu cười lên thật to và múa tít đôi chân trông có vẻ rất thích thú. Sau lưng chúng tôi cũng có một cậu đang cười, tiếng cười hể hả như có vẻ thú vị xem người ta thất bại. Tôi nghe thấy tiếng quen quen, vội quay lại nhìn, thì quả nhiên là Lô-ti. Nó đang ôm bụng cười, toàn thân ướt sũng. Đúng là nó đã đi tắm trộm, mặc dù chúng tôi vẫn không yên tâm về nó, quả nhiên nó đã giở quẻ ngay. Giờ thì nó đã đứng đấy, khắp người nổi ốc, mà quần áo tắm thì ướt hết cả.
- Cậu ướt hết rồi đấy, Lô-ti ạ. – Tôi bảo nó.
Nó cười đáp:
- Vậy bây giờ làm thế nào?
Oan-tơ lúc này cũng quay lại nhìn:
- Còn hỏi cái gì nữa, đã giao hẹn là không ai được tự ý tắm trước cơ mà.
- Ê, thôi đi, dừng lên mặt nữa, cậu nhát lắm!
Câu nói này của Lô-ti làm Oan-tơ nổi nóng. Nó hỏi ngay:
- Nhỡ xảy ra tai nạn thì làm thế nào?
Lô-ti trợn mắt không nói được. Li-pu-li-pu đe luôn:
- Nếu cậu còn thế nữa, chúng tớ sẽ tìm đứa khác, không khiến cậu dự đâu.
Tôi đoán là nghe câu đó, thế nào Lô-ti cũng gõ trán rồi giận dỗi bỏ đi. Nhưng không. Nó không tỏ thái độ gì chỉ trỏ tay xuống nước, khẽ nói:
- Chúng nó sắp đổi người tiếp sức rồi, để xem đứa sau bơi thế nào.
Chúng tôi cùng quay cả ra, và lại tiếp tục xem như trước.
Chúng tôi đoán là các bạn gái thế nào cũng còn nhiều cái đáng buồn cười nữa. Nhưng không, mấy đứa tiếp sức lần này đều biết nhảy nhào đầu xuống nước. Tuy cũng có đứa bị đập bụng trên mặt nước rất đáng chê, song chúng tôi cũng không ai cười.
Thấy mấy đứa tiếp sức biết nhảy lao từ trên cầu xuống rất đẹp mắt, chúng tôi đều tỏ vẻ thán phục. Không những thế, chúng còn bơi rất cừ và có mấy đứa tư thế rất đẹp nữa.
- Trông kia. – Li-pu-li-pu kêu lên và trỏ tay.
Những đám con gái trên bờ đều reo ầm lên. Chúng luôn mồm gọi “In-cơ! In-cơ!”. Để có tính hữu nghị, chúng tôi cũng gọi theo.
Đợt dự thi đội thứ ba đã bắt đầu. Tình hình có phần gay hơn trước.
Lúc này, bọn con gái đang gọi “Mi-a, Mi-a!” và chúng tôi cũng gọi theo thế, tuy chúng tôi chả đứa nào biết In-cơ và Mi-a là tuyển thủ của chi đội nào. Nhưng chúng tôi thấy là cứ xem người ta thi bơi tiếp sức với nhau ở dưới nước và cùng hò hét với mọi người, thì kể cũng vui vui.
Giờ đến đội thứ tư.
Tiếng còi vừa dứt, mấy đứa lao ngay xuống rất nhanh. Li-pu-li-pu thấy thế há miệng ra “à” một tiếng tỏ vẻ thán phục. Những bạn gái này bơi không chê được, ngay đến mấy đứa bơi chậm nhất cũng có một tư thế đẹp mắt, có lẽ trong bọn chúng tôi không đứa nào bơi đẹp bằng.
- Cừ thật đấy. – Li-pu-li-pu nói và lập tức hò theo mọi người: “An-ni, An-ni, An-ni”.
An-ni là người về đích đầu tiên. Thế là tuyển thủ của chi đội lều số 2 đã chiếm giải quán quân bốn trăm mét nữ.
Bây giờ đến lượt các đội nam chúng tôi.
- Đừng có hấp tấp đấy! – Li-pu-li-pu bảo Lô-ti. – Không nên cố gắng quá từ đầu, hễ bị hụt hơi là không bơi được đến đích đâu.
Lô-ti gật đầu. Tôi và Oan-tơ cũng gật theo.
Mấy phút cuối cùng trước khi xuất phát, thường là rất bồn chồn khó chịu.
Bao giờ cũng có người rì rầm dặn nhỏ các tuyển thủ phải chú ý thế này thế nọ. Họ có biết đâu là vào lúc này thì còn ai để ý nghe họ nói những gì nữa.
Lô-ti trèo qua bao lơn, nhìn chúng tôi cười ngây ngô.
Còi chuẩn bị đã thổi. Lô-ti khom lưng xuống. Li-pu-li-pu để ý thấy cái dáng điệu hơi sai, nhắc: “Để tay lên gối kia, phải khom nữa xuống mới được, gần như ngồi xổm ấy!”
Còi xuất phát vừa kêu, cả tám thằng con trai đều lao xuống hồ. Lô-ti đập bụng xuống mặt nước kêu to nhất. Nó hắt hơi và ngoi lên. Trước khi bơi, nó như con vịt, còn nhìn xem mặt nước một cái rồi mới toài đi.
- Thằng gàn quá! – Li-pu-li-pu gắt.
Tiếp đó chúng tôi cùng gọi:
- Lô-ti, Lô-ti...
Nó bơi rất hăng, bọt nước bắn tung toé. Nó là một trong mấy đứa bơi tới hàng cọc gỗ đầu tiên.
Bây giờ nó như con lợn bể, thở phì phò quay lại phía chúng tôi. Nó từ từ bơi được một lúc, bỗng nó quay ra bơi ngửa, thật là tai hại! Vì bơi ngửa rất dễ lạc đường. Chúng tôi phải gào lên để nhắc nó, nhưng nó không nghe thấy vẫn cứ quều hai cánh tay ra mà chèo; làm chúng tôi cứ cuống cả lên không biết làm thế nào được, đành chỉ còn mong nó chạm vào bụi lau sẽ biết lạc mà quay ra thôi.
Chúng tôi mong không đến nỗi uổng. Lô-ti đã giật mình như con vịt và quáng quàng nhìn ra, không nhận rõ đâu là phương hướng nữa. Lát sau, nó lại bắt đầu bơi thật khoẻ, song đã cách xa những đứa khác khá nhiều, dù có có gắng đến mấy cũng không tài nào đuổi kịp được. Chúng tôi lúc này đều cuống cả lên như kiến bò chảo nóng.
- Thật là ngốc thượng hạng! – Li-pu-li-pu tức tối. Nó nhắc lại câu này vài ba lượt và tự đấm vào đầu luôn mấy cái.
Thấy các tốp khác đã thay người tiếp sức, từng đứa một đã thi nhau nhảy xuống nước, chúng tôi lại càng cuống không thể tả. Oan-tơ lúc này vẫn cứ phải đợi. Chị Hai-ga cũng đã lên cầu. Li-pu-li-pu hậm hực nói:
- Cái thằng Lô-ti ngốc quá, lại đi rúc ngay vào bụi lau, thế có chết không chị?
Oan-tơ đợi nó, chúng tôi cũng đợi nó. Cuối cùng nó cũng mò tới cái cọc dưới gầm cầu. Tức thì Oan-tơ nhảy vọt ngay xuống, làm tung bọt nước lên rất cao. Nó lao đi như một mũi tên.
Lô-ti nắm chắc lấy cái cọc gỗ. Chúng tôi nghe thấy nó đang khịt mũi. Li-pu-li-pu nằm sát xuống bao lơn, trách:
- Chỉ có mày là mới làm ăn thế thôi đấy, Lô-ti ạ!
- Chúng ta đã thắng giải bóng chuyền rồi! – Chị Hai-ga bảo chúng tôi.
Nhưng chúng tôi không còn lòng nào mà mừng cả, ai nấy còn mải cuống lên, chỉ mong cho Oan-tơ bơi nhanh hơn chút nữa. Oan-tơ đang bơi ở khoảng giữa mấy đứa. Nó đã vượt được mấy cậu và đang ra sức đuổi những đứa trên.
- Nếu mày cũng bơi khá vào, thì chúng ta vẫn còn hi vọng đấy! – Li-pu-li-pu bảo tôi thế.
Trống ngực tôi đập thình thình. Oan-tơ đã về gần tới nơi.
Một vài cậu đã theo nhau nhảy xuống rồi. “Mau lên, Oan-tơ, mau lên, mày ơi!”
Còn ba thước nữa, hai thước nữa, một thước nữa thôi. Khi bàn tay Oan-tơ đã chạm tới chiếc cọc rêu; tôi lộn ngay xuống nước. Tôi thấy tôi nhảy khá lắm, vừa nổi lên mặt nước một cái, tôi tức khắc bơi luôn. Trong tiếng sóng nước ầm ì, tôi nghe rõ cả tiếng các bạn đang gọi tôi luôn miệng.
Trước khi tới hàng cọc gỗ trước mặt, tôi đã vượt qua hai đứa.
Lúc quay về lại có chiều khá hơn. Tôi trông thấy chị Hai-ga, Oan-tơ và Li-pu-li-pu. Tôi thấy ba người đang vẫy tay, tôi hăng lên. Mấy phút qua, khi chỉ còn cách cầu độ mươi thước, tồi liền soải tay ra bắt đầu bơi theo kiểu tự do. Tôi hít một hơi, thở một hơi, hai mắt nhìn thẳng vào chiếc cọc gỗ, đôi cánh tay đều đều bắt sải lao đi.
Lối bơi này chắc là xem ai cũng phải buồn cười, nhưng mà nhanh lắm; ngón tay tôi đã chạm vào cái cậu bơi phía trước.
- Cố lên! Cố lên tí nữa! – Li-pu-li-pu reo lên để giục tôi thêm.
Tôi nghĩ. Thế này là tận lực mất rồi, có lẽ bỏ dở cuộc mất! Nhưng may cuối cùng, tôi đã bơi được tới chiếc cọc gỗ. Tôi nghe thấy tiếng Li-pu-li-pu nhảy xuống nước, trong bụng rất mừng. Oan-tơ và chị Hai-ga đứng trên cầu, cả hai đều cao hứng. Chỉ có Lô-ti là không thấy đâu. Ra nó đã chuồn từ bao giờ không một ai biết.
Lúc này trên cầu rất ồn ào. Người ta đi đi lại lại ầm ĩ như có chuyện gì xảy ra. Những đội viên ngồi ở trên bờ cũng hết sức huyên náo.
- Li-pu-li-pu! – Oan-tơ reo lên thật to! – Li-pu-li-pu nó bơi đầu tiên kia kìa.
Tôi leo lên cầu, nhìn Li-pu-li-pu. Lối bơi bắt sải của nó quả là không chê được. Nó há hốc mồm ra, hai cánh tay cứ vươn ra đều đặn mà cào đi như một chiếc máy ấy.
- Chúng ta nhất định chiếm giải, nhất định chiếm giải! – Chúng tôi cười reo sung sướng, vừa nhảy vừa xoay người đi như chong chóng, làm chị Hai-ga cũng phải cười.
Càng bơi Li-pu-li-pu càng gần mãi lại; nó thở đằng mồm, thở cả đằng mũi và cuối cùng nó đã tóm được cọc gỗ.
Toàn thắng rồi, toàn thắng rồi!
Chúng tôi mừng chết đi được, không biết là phải làm gì cả. Thế là tốp bơi tiếp sức bốn trăm thước của lều số 13 chúng tôi đã giật giải quán quân!
Vì quá vui mừng, chúng tôi đã làm chị Hai-ga phải lựa mãi mới có dịp để nói với chúng tôi. Chị kể lại thành tích của Han-si trong cuộc thi ba môn và tình hình cuộc đấu bóng chuyền. Chị nói, chị chỉ xem Han-si thi có hai môn nhảy và chạy, mà cả hai môn này đều khá lắm.
Chúng tôi tắm qua loa xong, mặc quần áo, rồi tất cả cùng ra bãi bóng. Bấy giờ, đã qua đợt đấu loại. Pi-tơ, Pô-le và Mai-ơ cùng ba đứa nữa đang ngồi ở trong sân bóng đợi chúng tôi.
Li-pu-li-pu đã nhìn chúng nó từ đằng xa và kêu:
- Chúng tao chiếm giải rồi!
- Còn chúng tao thì thua to! – Chích choè vừa nói vừa cười. Vì nó chỉ là dự bị. Nếu không có chị Hai-ga có lẽ mấy đứa cứ khích nhau như thế là đến choảng nhau như mọi khi mất.
Chúng tôi ngồi yên tại chỗ, chờ xem đội các anh chị phụ trách đấu giao hữu với đội các anh chị huấn luyện viên thể dục thể thao. Về đội huấn luyện viên thể dục thể thao ngoài mấy anh chị hướng dẫn ra còn có mấy tuyển thủ ở đội bóng nghiệp dư bên nhà máy tới giúp sức. Tinh thần chúng tôi đều căng thẳng vì thấy chị Hai-ga cũng dự trận đấu này.
- Lẽ ra thì đừng cho anh ấy chơi mới phải. – Oan-tơ nói. – Anh ấy chỉ biết kể chuyện như những chuyện hôm nọ ấy thôi.
- Ờ, như thế là còn vinh dự cho anh ấy đấy. – Li-pu-li-pu nói.
Pô-le tiếp sang chuyện khác:
- Các anh chị huấn luyện viên chơi cừ thật! Còn các anh chị phụ trách của trại mình thật khó mà theo kịp.
Chúng tôi lặng lẽ ngồi xem một lát, không ai nói gì. Cả bọn cứ quay đầu nhìn theo bóng tạt.
- Chị Hai-ga còn phải tập nhiều! – Li-pu-li-pu lại mở đầu.
- Tớ thấy chị ấy chơi không đến nỗi kém lắm. – Hen-mu lườm chúng tôi như có ý bênh chị Hai-ga. Thật ra chị Hai-ga chơi không những không kém, mà còn có thể gọi là chơi khá nữa cơ. Đó là một điều mà tôi thấy ít nhiều gì nó cũng vẻ vang cho chúng tôi. Vì dù sao, chị cũng là người phụ trách chúng tôi. Ngoài ra, hôm nay chúng tôi lập được nhiều thành tích rất tốt. Đến chiều ngày kia, trước khi lên sân khấu biểu diễn, hẳn chúng tôi còn phải lập thêm được nhiều thành tích khác nữa. Tất cả những cái đó, thật đã khiến chúng tôi vui mừng quá đỗi.
Chúng tôi chỉ cần người phụ trách chúng tôi biết đánh bóng và có lối chơi có thể khiến các anh chị đội bạn phải khen ngợi. Thế là đủ.
Nghĩ đến đây, tôi đứng dậy đi. Tôi nghĩ đến sổ nhật kí của tôi, cần phải viết ngay bây giờ, vì tối hôm nay còn phải dự lễ phát giải thưởng và sau đó còn phải nhẩm vai kịch cho thuộc.
Bây giờ thì không còn việc gì nữa. Cuộc thi đấu bóng chuyền đã kết thúc: bên các anh chị phụ trách thua to.
Tôi lại ngồi xuống bên bàn với quyển nhật kí. Trang giấy đã đặc những chữ. Tôi giở xem, và rất lo là sẽ hết giấy, mặc dù tôi đã định bụng không viết nhiều quá.
Thứ tư này là chúng tôi sẽ lên đường về Bá-linh. Nghĩ tới ngày về, tôi thật khó mà tin lại có thể như thế được. Chỉ còn ba ngày nữa là hết cả mọi việc, chúng tôi sẽ về nhà ư? Có thể như thế được chăng? Các bạn tôi có nghĩ như tôi không?
Chẳng hạn như Li-pu-li-pu. Nó đang ngồi trước mặt tôi nhẩm vai kịch. Đôi mắt nó cứ đăm đăm nhìn tôi và chau mày mấp máy môi.
Hay như Oan-tơ. Nó ngồi trên một cái rễ thông thô kệch, mở rộng trang đối ngoại của vở kịch trên đầu gối, hai tay ôm giữ lấy đầu.
Hay như Lô-ti kia nữa. Nó nằm dài trên một chiếc ghế, khẽ đọc lời kịch.
Hoặc như Phu-lân. Nó đã nói tới lần thứ ba là nó hoàn toàn thuộc làu rồi, nhưng tôi vẫn thấy nó thỉnh thoảng lại giở vở ra xem. Và như Hen-mu. Nó cứ vừa nhẩm đọc vừa hếch mũi lên, đồng thời cứ đưa tay vuốt mấy sợi tóc không biết để làm gì.
Tất cả những cậu khác cũng vậy, chúng đều ngồi nhẩm vở. Không rõ chúng có nghĩ rằng đến thứ tư này thì mọi người sẽ về hết, không ai còn ở lại đây nữa không? Có lẽ chúng nó không nghĩ lôi thôi đến thế.
Bây giờ tôi cũng phải đi nhẩm vở thôi. Nếu không chỉ có mình tôi không thuộc thì thật không ra thế nào hết.
Tối chủ nhật
Hôm nay, tôi còn phải viết thêm vài câu.
Trời đã tối mịt không trông thấy gì. Tôi đành ngồi xuống bên cạnh ngọn đèn dầu. Đàn muỗi cứ vo ve bay khắp xung quanh tôi. Bên ngoài có tiếng gì kêu lép bép không ngừng. Đó là tiếng cá quẫy trên mặt hồ, vì trong nước không đủ không khí, nên chúng phải ngoi lên để đớp. Đêm nay trời oi ả quá, tôi không kể dài dòng nữa, vì cũng đã hơi khuya rồi, tôi phải ghi những việc đáng ghi đã.
Lễ phát giải thưởng vừa mới tổ chức xong.
Thành tích của chúng tôi đều khá cả. Chúng tôi được giải quán quân về môn bơi tiếp sức bốn trăm mét, được giải ba về cuộc thi ba môn. Ngoài ra, những đội viên ở chi đội tôi dự cuộc thi đấm bóng cũng được giải quán quân. Thật là vinh hạnh. Tôi cho như thế là thành tích rất khá. Ngay các anh huấn luyện viên thể dục thể thao cũng phải công nhận như vậy. Anh tổng phụ trách cũng phải đưa mắt nháy chị Hai-ga mà cười một cách vừa mừng vừa phục. Chị Hai-ga cũng cười khanh khách đáp lại, và chúng tôi cùng cười theo.
Ngồi trong lều, tôi thật không sao chịu nổi.
Chúng nó đều nằm ườn cả trên giường tán hão với nhau, còn tôi thì phải cặm cụi viết cho xong những dòng nhật kí này ư?
Hôm nay, tôi thấy không được vui lắm. Tôi nghĩ là chi đội của chúng tôi nhất định còn có thể giật được cờ luân lưu của liên đội nữa ấy; ít ra thì cũng giật được một lần.