Người không đủ can đảm để mạo hiểm thì sẽ không gặt hái được gì trong cuộc sống.

Muhammad Ali

 
 
 
 
 
Tác giả: Nhượng Tống
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 21
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2245 / 53
Cập nhật: 2016-05-21 23:21:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
ôi vò đầu mà nghĩ xem làm thế nào cho Hữu yêu tôi.
Tôi nhìn lại những điều đã xảy ra ở cõi lòng tôi trong mấy hôm vừa qua. Tôi khờ dại mà tin lòng Hữu cũng như lòng tôi. Tôi cho rằng trước khi làm cho Hữu yêu tôi, cần phải làm cho Hữu biết sự yêu tôi là ở trong vòng lễ giáo. Tôi chưa nghĩ đến kế làm cho Hữu yêu tôi vội. Tôi hãy nghĩ đến cách làm cho Hữu biết: Tôi cùng Hữu, nếu yêu nhau, có thể lấy được nhau...
Cũng như một, vài người bạn tôi, tôi hồi đó rất sính viết văn. Chẳng những có gan viết, tôi còn có gan gửi đi các báo nữa. Cũng vì thế, ngày nào tôi cũng mượn các báo của chú tôi. Ông này mua đủ mọi thứ báo quốc văn, nhưng mua để bày cảnh buồng tiếp khách hơn là để đọc. Mỗi khi cầm tờ báo, tay tôi lại run run và trong lòng lại chứa chan hy vọng. Nhưng khi tôi trông khắp tờ báo không thấy tên mình đâu cả thì tôi lại thở nấc lên một tiếng cho đỡ buồn. Tôi lại có thừa ngốc thừa tem để hỏi các ông chủ bút các báo: Tại sao không đăng bài của tôi? Cũng may mà không ai chơi ác trả lời cho tôi cả. Tuy vậy mà tôi vẫn kiên nhẫn, vẫn chịu khó gửi văn đi các báo. Mãi sau, những văn thơm tho và giá trị của tôi mới được hoan nghênh vào báo Khai Hóa, trong mục "Thiếu Niên văn đàn". Ông chủ nhiệm lại có lòng tốt, gửi báo tặng nhà "Thiếu niên văn sĩ"! Bút nào mà tả được sự vui mừng của tôi lần thứ nhất được nhận báo biếu và được thấy văn mình in trên mặt báo! Tôi mà được biếu báo! Văn tôi mà được đăng lẫn với văn các nhà viết báo mà xưa nay tôi vẫn sùng bái, và coi như thần thánh không thể tới gần được!
Đáng cho tôi hãnh diện với các bạn hữu biết là bao nhiêu! Biết là bao nhiêu! Từ đó trở đi, tôi thấy tờ Khai Hóa từ nội dung đến hình thức đều hơn hẳn các báo một từng. Và không bỏ một dịp nào chê bai các báo khác và tâng bốc tờ Khai Hóa. Đền lại sự tận tâm ấy, ông chủ nhiệm vẫn cho tôi cái thú vị được nhận báo biếu, và được đọc lại văn mình trên báo. Những lúc đọc lại ấy, tôi thấy văn tôi hay hơn khi mới viết gấp đến mấy lần.
Nói rút lại là hồi đó, có nhiều lúc tôi ngồi trong buông học mà viết... văn. Và mỗi khi Hữu bắt được là lại đòi xem và hỏi vặt. Tôi đương nghĩ xem thế nào cho Hữu biết: Tôi cùng Hữu yêu nhau chẳng phải là có tội với luân lý thì chợt nhớ đến điều đó. Trong trí tôi bỗng như bật ra một tia sáng. Tôi liền nghĩ ra một kế hoạch rất cong queo hợp với tính nhút nhát của tôi...
Nghĩ đã chín, tôi quyết ý làm ngay. Đương đêm tôi vùng dậy, len lén lên buồng học. Đánh diêm thắp đèn rồi, tôi rút ngăn kéo lấy bộ Thạch đầu ký 1. Tôi giở phăn phắt để tìm cho được một bài thơ "khóc hoa" của Lâm Đại Ngọc, tôi nhẩm cho thuộc lòng bài thơ ấy. Xong, tôi xếp dọn tử tế rồi lại len lén trở về giường nằm. Tôi nằm mà dịch lấy được bài thơ dài ấy ra quốc văn. Công việc ấy đã làm cho tôi sáng hôm sau, phải thầy tôi vụt vào vai ba nhát thước thật đau mới biết đường mở mắt dậy! Dậy, súc miệng, rửa mặt xong, tôi xuống ngay buồng học. Hôm ấy là ngày nghỉ học, tôi lấy giấy viết lại bài thơ tôi dịch đêm qua. Viết đến nửa chừng, tôi nghe tiếng giày Hữu bước vào cửa phòng. Tiếng giày ấy như vang động đến trái tim tôi: Hữu đến vào giữa lúc tôi đương mong đợi. Tuy vậy, tôi cứ cắm đầu viết, làm ra bộ mê mải. Trong khi ấy thì mũi tôi đã thoáng thấy mùi nước hoa xức tóc của Hữu. Rồi thì: ngang vai tôi, tôi thấy một vài món tóc của Hữu chạm phải một bên má tôi. Tôi thấy hơi thở của Hữu đưa lại, âm ấm và nhẹ nhàng. Hữu đã đứng sau lưng tôi, ghé mắt lại mà đọc trang giấy tôi đương viết. Tôi đặt bút quay lại, tươi cười hỏi:
- Hữu đấy à?
- Vâng, anh cứ viết đi.
- Nhưng có em đứng đấy, bút nó thẹn, viết không ra chữ!
- Gớm! Thì đấy, để anh viết!
Hữu nguýt tôi rồi quay sang ngồi đối diện với tôi, trên tấm ghế dài đặt bên kia bàn. Tôi cười:
- Anh nói đùa đấy, chứ còn đâu nữa mà viết!
- Thế đưa em coi nào!
Hữu cầm lấy trang giấy tôi viết rồi hỏi tiếp:
- Thơ gì đây, anh?
- Thơ "khóc hoa"!
- Khóc hoa! Anh khéo rõ bày trò lắm!
- Có phải của anh đâu. Anh dịch đấy mà!
- Anh dịch của ai?
- Của Lâm Đại Ngọc. Hay là của người viết chuyện Lâm Đại Ngọc.
- Rõ những người viết chuyện hay bịa! Đời, ai lại khóc hoa?
- Có chứ! Đời đã có người khóc, tất có người khóc hoa.
- Thế là thế nào?
- Thế là anh cho rằng, bao nhiêu người khóc ở đời, đều là mình tự khóc mình cả. Khi nào họ tủi thân thì họ khóc. Có người chết, họ tự mượn chuyện người chết mà khóc. Không có người chết họ mượn một chuyện khác mà khóc. Hoa tàn, hoa rụng, cũng là một chuyện để họ mượn mà khóc được chứ sao?
- Anh nói cái gì mà càng nói càng không ra nghĩa lý gì cả!
Hữu chép miệng nói thế, rồi mỉm cười nhìn xuống trang giấy tôi viết. Câu nói của Hữu đã xa quá với điều tôi liệu trước. Tôi thờ thẫn cả người: cô tìm lời để dắt câu chuyện đến chỗ tôi định nói mà tìm không ra. Một lúc im lặng. Câu chuyện bị đứt quãng. Lòng tôi thấy một mối cảm như là hối hận. Tôi khinh bỉ vô cùng cái giọng triết lý nửa mùa của tôi. Tôi cho chỉ tự nó mà này đây cái kế hoạch nát óc tôi gần suốt một đêm có lẽ đến đi đời! Tôi mai mỉa thầm tôi: "Giở cái giọng ấy ra với các bạn đọc báo đã 'chửi đời' lắm rồi! Nhưng đến giở ra với một cô em mười bốn tuổi thì khí quá! Khí quá!" Giá phỏng không có Hữu ngồi đấy thì tôi quyết tát vào mặt tôi mấy cái thật mạnh! Tôi càng giận tôi thì lòng càng rối và óc càng bí. Mắt tôi chớp luôn mãi. Không cần phải soi gương, tôi cũng tự biết vẻ mặt tôi lúc ấy dơ dáng một cách tức cười, Hữu bỗng ngẩng lên cười hỏi tôi:
- Cái cô trong truyện này "tiểu thư" lắm phải không, anh? Thơ coi sầu thảm quá!
Câu nói ngẫu nhiên của Hữu đã gỡ tôi ra khỏi nơi bối rối. Tôi thấy cái kế hoạch của tôi còn có cơ cứu vãn lại được, vội vàng đáp:
- Em tinh đấy! Nhưng mà ở vào cảnh Đại Ngọc, ai mà chẳng phải buồn!
- Cảnh thế nào kia, anh?
- Cảnh yêu người mà người lại ra chiều hờ hững với mình. Đại Ngọc có tình với Bảo Ngọc, đôi bên là đôi con cô, con cậu...
- Chuyện gì mà nhảm thế! Anh em lại có tình với nhau!
Câu nói của Hữu dù vô tình, song tôi nghe cũng như một câu mắng vào giữa mặt tôi. Tôi ngượng ngùng đáp:
- Không phải nhảm đâu, em! Ở nước Tàu, con cô, con cậu lấy nhau được!
- Rõ thật "Tàu" nhỉ! Đã là anh em, lại còn lấy được nhau...
- Chả cứ ở Tàu, ta cũng có những anh em lấy được nhau.
- Những anh, em thế nào?
- Chẳng hạn như những anh, em cháu cô, cháu cậu...
Câu đó là câu tôi đã nhẩm đi, nhẩm lại ở trong trí có hàng nghìn lượt. Vậy mà khi ấy tôi cũng phải đem hết can đảm ra mới nói được lên tiếng. Và khi nói xong, tôi thấy trên mặt nóng bừng. Nhưng Hữu vẫn thản nhiên cười hỏi tôi:
- Cháu cô, cháu cậu như anh với em ấy à? Anh nói bịa!
- Anh nói bịa làm gì kia chứ!
Rồi tôi dẫn ra làm chứng câu chuyện đám cưới mà tôi mới được nghe hôm trước. Nhưng Hữu vẫn cười, ra vẻ không tin:
- Được! Để em hỏi chú coi!
Tôi choáng cả người, vội năn nỉ:
- Đừng... đừng hỏi chú, Hữu ạ!
- Sao lại đừng hỏi? Đích là anh nói bịa rồi!
- Không phải là anh nói bịa. Nhưng em hỏi, nhỡ chú hỏi lại, ai bảo em thế thì sao?
- Thì sao? Thì em thưa chú: Bẩm, anh Ngọc anh ấy bảo con thế ạ!
- Ấy thế mới chết! Chú mới mắng cho cả anh lẫn em không biết lối nào mà rỡ 2! Chú bảo: Anh em mày ra không chịu bảo ban nhau học hành gì cả! Chỉ ngồi nói nhảm với nhau thôi!
- Anh sợ thế à? Thế thì thôi, em không hỏi nữa!
Hữu nói đến đấy thì con Huệ, con hầu Hữu, từ ngoài bước vào, mời Hữu lên nhà ăn cơm. Tôi lại cầm lấy tờ giấy của tôi viết. Mắt tôi nhìn vào đấy song trí tôi thì để vào chỗ cái kế hoạch của tôi đã thất bại một cách khốn nạn! Tôi đã cho Hữu biết cái lẽ mà tôi muốn cho Hữu biết. Nhưng cho Hữu biết, cái đó không cần lắm. cần là chỗ Hữu chịu tin lời tôi. Thế mà Hữu đã tỏ ra rằng Hữu không tin lời tôi. Tôi thất vọng. Tôi lại còn lo Hữu khinh tôi, nếu khi vì câu chuyện vừa rồi mà Hữu dòm thấy cả bản tâm tôi. Chẳng những thế tôi còn sợ Hữu đem câu chuyện ấy mà hỏi lại người nhà. Nếu vậy thì người nhà Hữu cũng khinh tôi nữa. Cái ý nghĩ ấy làm cho người tôi lạnh ngắt. Tôi tự thấy cuộc đời sẽ không thể chịu nổi nếu khi cả nhà Hữu lại có lòng khinh tôi. Sự đó phạm đến lòng tự trọng của tôi, thế đã đau đớn lắm rồi. Sự đó còn có thể làm cho Hữu phải xa tôi, thế lại còn đau đớn gấp nghìn lần nữa. Nghĩ như vậy, cái kế hoạch của tôi, đêm qua cho là thần diệu bao nhiêu, thì bấy giờ tôi cho là đê hèn, bẩn thỉu bấy nhiêu! Tôi chán nản và lo ngại, đến nỗi suốt bữa tôi chỉ ăn có một bát cơm, và suốt ngày tôi nằm bải hoải như người ngộ cảm. Mà như người ngộ cảm thật! Trong bữa, mẹ tôi đã quở:
- Sao con ăn ít thế? Mà mặt, mũi trông ngơ ngác thế kia?
Nhưng tối đến, trong buồng học, thấy Hữu vẫn nói cười vui vẻ thì tôi cũng tạm yên lòng. Tôi không còn lo sợ Hữu khinh tôi nữa. Trong trí tôi nảy ngay ra hai ý nghĩ. Một ý nghĩ yên phận là: Có lẽ Hữu chưa biết tôi yêu Hữu. Còn một ý nghĩ xa vọng là: Có lẽ Hữu đã biết tôi yêu Hữu, nhưng mà Hữu cũng yêu. Tôi bám chặt lấy ý nghĩ thứ hai đó, như một kẻ đắm tàu bám mảnh gỗ trôi: Rời nó ra, tôi có thể chìm vào bể khổ... Tôi cũng không lo sợ người nhà Hữu khinh tôi nữa. Tôi tự nghĩ: Hữu đã nói thôi không hỏi là thôi không hỏi. Có mình quẩn trí nên sinh ra lo sợ hão huyền đó thôi. Những ý nghĩ ấy lướt qua trong trí tôi như những luồng gió mạnh. Theo đó mà những mối lo sợ đen tối, ám ảnh lòng tối từ buổi sớm, dần dần tan đi như những lớp mây tàn. Lòng muốn yêu của tôi lại ngùn ngụt bốc lên. Tôi sẽ đẩy đứa em Hữu ngồi nhích ra, để tôi ngồi đối diện với Hữu. Chúng tôi cùng cất tiếng học. Nhưng khi ai nấy đã để hết tinh thần vào việc học thì mắt tôi không thèm nhìn vào sách nữa: mắt tôi đăm đăm nhìn Hữu. Dưới ánh đèn sáng trong, tôi ngắm Hữu như ngắm một bức tranh tuyệt tác: tôi ngắm kỹ từng nét. Và mỗi khi tôi ngắm qua một nét là lòng tôi lại thêm một phần say đắm. Vì tôi nhận thấy không một nét nào là không thanh lịch đáng yêu. Sự ngắm Hữu cho tôi một cái cảm giác thanh thú vô cùng. Giá phỏng thần Thời gian có nghịch tinh mà kéo dài những giây, phút khi ấy ra hàng năm, hàng mấy năm, có lẽ tôi cũng không biết có gì là đói, khát hay mỏi mệt: Nhìn Hữu, tôi đủ quên hết thảy! Tuy mở mắt mà tâm hồn tôi thấy mê man như trong giấc mộng. Một lúc lâu như thế. Hữu chợt đưa mắt lên nhìn tôi. Nhưng gặp mắt tôi, Hữu sẽ mỉm cười và vội vàng đưa mắt nhìn xuống. Tôi như người chợt tỉnh. Sự mừng rỡ bất kỳ làm cho trái tim tôi đập mạnh. Khóe nhìn thơ ngây ấy, nụ cười đằm thắm ấy, tôi nhận là những chứng cớ Hữu yêu tôi. Tôi không còn cất được tiếng mà đọc câu sách tôi đã đọc đi, đọc lại từ lúc mới vào ngồi. Giá phỏng không vướng có mấy đứa em, thì tôi quyết chạy sang mà ôm chầm lấy Hữu. Tôi ngồi không yên nữa. Chân tôi như muốn chạy, nhảy ra ngoài đường phố. Và miệng tôi muốn rao to lên cho thiên hạ biết rằng: Tôi yêu Hữu và Hữu yêu tôi! Trong lúc tôi như điên như dại ấy thì tiếng chuông đã điểm mười giờ, giờ nghỉ học của chúng tôi. Tôi giật mình, ngẩng lên nhìn chiếc đồng hồ đóng trên tường, còn mong là tai mình nghe nhãng. Nhưng đôi kim dài, ngắn vô tình kia nào có vì tôi mà quay trở lại. Tôi ngồi thừ ra trong khi các em xếp sách đứng dậy. Tôi nhìn theo Hữu cho mãi đến khi Hữu đi khuất, còn mong được một khóe nhìn, một nụ cười của Hữu. Nhưng mà có đâu!
Sau khi về giường nằm, tôi thấy người tôi khoan khoái và nhẹ nhàng, nhưng mắt tôi không thấy buồn ngủ. Chợt thấy một dải ánh trăng vàng lọt qua khuôn cửa kính. Tôi vùng dậy lững thững ra ngoài vườn hoa. Tôi đi đi lại lại cho bóng tôi lẫn với bóng hoa. Mắt tôi nhìn đâu cũng như thấy có hình ảnh Hữu. Một tàu lá rơi, một con vật nhỏ nào bắt mồi trong bụi, bất cứ một tiếng động sột soạt nào, tôi đều nghe ra tiếng giày Hữu khoan thai bước tới. Tôi mơ màng. Tôi mong đợi. Tôi bồi hồi, náo nức...
Nghe tiếng trúc gió lay, những tưởng
Tiếng chuyền vàng xoang xoảng nẻo xa...
Thấy bóng hoa trăng xế, ngỡ là
Bóng người ngọc thướt tha đã lại...
Tôi chợt nhớ đến mấy câu văn cổ ấy. Rồi lòng chứa chan sung sướng trong khi nghĩ lại lúc Hữu đã tỏ lòng yêu tôi bằng một khóe nhìn thơ ngây, một nụ cười đằm thắm. Hữu yêu tôi: một việc xảy ra rất nhỏ ở trong khoảng không gian, thời gian vô cùng tận! Vậy mà nó làm cho tôi sung sướng, làm cho tôi phải bồi hồi náo nức! Tôi: một kẻ đã từng có cái tâm hồn ẩn dật, cái tâm hồn thần tiên, cái tâm hồn anh hùng, nghĩa hiệp, cái tâm hồn đã tả trong một câu thơ kiêu ngạo hết chỗ nói:
Cất cánh muốn bay trên vũ trụ
Coi thường kim, cổ, hẹp năm châu!
@Chú thích
1 Thạch đầu ký do Tào Tuyết cần sáng tác được 80 hồi thì qua đời, 28 năm sau Cao Ngạc đã dựa vào di thảo của Tào Tuyết cần để viết tiếp 40 hồi nữa, Cao Ngạc cũng đổi tên Thạch đầu ký thành Hồng lâu mộng.
2 Đồng nghĩa với "gỡ".
Lan Hữu Lan Hữu - Nhượng Tống Lan Hữu