Số lần đọc/download: 848 / 11
Cập nhật: 2017-05-19 13:25:00 +0700
Chương 4 - Trận Đánh Không Được Báo Trước
M
ấy tháng trước trận Mậu Thân tôi về căn cứ để học vũ khí. Giao liên dẫn tôi đến Sa Đéc vào lúc xế chiều và tôi đi xuồng máy đến nơi khi trời đã tối mịt.
Buổi học bắt đầu vào sáng hôm sau trên một bờ mương. Người du kích trải tấm ni-lông xuống đất và bày biện các loại vũ khí ra. Súng AK47, B40, lựu đạn, chất nổ TNT, chất nổ C4, các loại kíp nổ, dây cháy chậm…
Chúng tôi không ai biết rằng lớp học này là để chuẩn bị cho trận Mậu Thân 1968.
Khi về Sài Gòn, Nguyễn Tấn Tài (sau giải phóng anh làm Chỉ huy phó Lực lượng Cảnh sát TPHCM) rủ tôi đi “đánh thử một quả coi sao.” Tôi khoái quá OK liền. Tôi hỏi:
-Bây giờ mình dùng kíp nổ nào? Kíp acid hay kíp thường?
-Kíp acid là kíp nổ có hẹn giờ, rất hiếm, không nên phí phạm.
-Mình chơi kíp thường cũng được.
-Mới đánh lần đầu xài kíp thường nguy hiểm lắm. Tui có cách này rất hay. Cũng giống như kíp hẹn giờ vậy, nhưng mình xài thuốc lá.
-Thuốc lá?
Nguyễn Tấn Tài rút gói Rubi Queen thảy trên mặt bàn. “Đồ nghề” của anh gồm một bánh chất nổ TNT, một kíp nổ, một đoạn dây cháy chậm dài chừng 5 phân, một bao thuốc Rubi và một bao diêm.
Anh cắt chéo hai đầu dây cháy chậm, dùng những que diêm buột vòng quanh nó rồi nhét điếu Rubi vô giữa các que diêm.
-Đánh kiểu này nên dùng thuốc Rubi vì nó cháy rất tốt, không bao giờ tắt nửa chừng.
Nói xong Tài nhét đoạn dây cháy chậm vào kíp nổ và nhét kíp nổ vào bánh TNT.
-Xong rồi. Tài giải thích, mình sẽ đốt điếu thuốc. Phải mất ba phút nó mới cháy đến những que diêm. Diêm bốc cháy, dây cháy chậm cháy theo. Và nổ.
Đó là cách đánh “hẹn giờ” sáng tạo của dân biệt động thành Sài Gòn.
Đó là “trò chơi” của hai anh em chúng tôi.
Anh lái chiếc xe Honda 67 màu đen. Tôi ôm trái mìn tự tạo ngồi phía sau. Chúng tôi từ dưới đường Trần Hưng Đạo chạy lên. Tôi móc trái mìn trong áo ra, châm lửa đốt điếu thuốc rồi đặt trái mìn trên bàn chân. Khi đến ngay vọng gác của Tổng nha Cảnh sát tôi hất nhẹ trái mìn vô hàng rào kẽm gai. Anh Tài vẫn cho xe chạy bình thường. Không tăng tốc.
Chúng tôi bọc qua đường Hùng Vương. Vẫn chưa nghe tiếng nổ.
-Sao lâu quá vậy? Tôi hỏi.
Tài quẹo sang đường Trần Bình Trọng. Ngay lúc ấy mìn phát nổ. Tôi đập mạnh bàn tay lên đùi anh và chúng tôi cùng cười ha hả.
Chúng tôi tà tà quay lại hiện trường xem kết quả nhưng không vào được vì cảnh sát đã bao vây. Giao thông tắt nghẽn.
Từ ngoài vòng vây, chúng tôi vẫn nhìn thấy vọng gác bị đánh sập một bên. Cả một đoạn hàng rào Tổng nha Cảnh sát bị xé nát. Đó là “chiến công” của hai chúng tôi, những thằng bạch diện thư sinh tập sự làm biệt động thành!
°
Sau trận đánh đó tôi được kết nạp Đảng. Hôm đó là ngày 02 tháng 12 năm 1968, anh Phạm Chánh Trực hẹn tôi tại nhà Trần Minh Đức (sau này là nhân vật quyền lực nhất của báo Tuổi Trẻ) ở Bàn Cờ. Lễ kết nạp diễn ra rất đơn giản. Phạm Chánh Trực lấy trong túi ra một cuốn sổ tay có bìa màu đỏ. Đức đưa cho anh cái kéo và tờ giấy thủ công màu vàng, anh cắt thành một hình búa liềm và dán lên cái bìa đỏ ấy. Vậy là có được lá cờ Đảng. Tôi đặt nắm đấm lên ngực trái và tuyên thệ, vậy là trở thành đảng viên.
Đến lượt Trần Minh Đức, hắn đã làm Phạm Chánh Trực phải bất ngờ. Hắn cứ cúi mặt, cười cười và nói: “Thôi, thôi…tôi không vô Đảng đâu” mặc dù trước đó hắn đã đồng ý rồi. Phạm Chánh Trực phải theo năn nỉ. Tôi thì tức cười, cầm cây ghita vừa đệm vừa cất giọng vịt đực hát to như đứa con nít: “gió lên đi cho thuyền ta ra khơi, thênh thang trên biển rộng thuyền ta như biển trời…”. Hát vừa hết bài, liếc nhìn đã thấy Đức đưa nắm đấm lên ngực trái. Đỏ mặt vì ngượng.
Ba mươi lăm năm sau Trần Minh Đức trở thành tỉ phú. Khi Báo Tuổi Trẻ thành lập công ty Thế Kỷ 21 anh làm chủ tịch hội đồng quản trị, trụ sở công ty là một cao ốc lộng lẫy sang trọng. Nhưng khi còn là sinh viên anh là một người hoàn toàn khác.
Đức bị bệnh ngứa da đầu, gãi riết thành mụn nhọt. Lúc chạy vô rừng, bệnh trở nặng mà thuốc thì chỉ có mỗi thứ cortisone. Anh uống thường xuyên. Xương bị thoái hóa, các đốt xương ngón tay ngón chân gồ lên, cứng đờ. Anh cầm cây viết một cách khó nhọc, chỉ để ký tên. Khớp mắt cá và đầu gối đã hóa vôi, đi đứng khó khăn, gần như lê từng bước. Nhưng cái đầu của Đức thì rất sắc sảo. Điều khiển một công ty lớn như thế anh làm rất tốt. Tàn tật và ít nói nhưng ai cũng sợ anh, trừ tôi, lý do là tôi không từng ăn lương của anh và nhờ vả anh điều gì.
Hồi mới trên rừng về anh ở một căn phòng nhỏ trong tòa soạn báo Tuổi Trẻ. Ngoại trừ người phục vụ đem các bữa ăn, gần như không ai được vào căn phòng này. Cánh cửa đóng. Nước sơn xanh đã ngả màu, ngăn cách anh và cái thế giới bên ngoài với những tiếng giày dép, tiếng máy chữ lóc cóc...
Tôi không hiểu sao lúc ấy anh phải điều trị bằng thủy ngân và thạch tín. Toàn thuốc độc. Những phân tử thủy ngân len vào tế bào, buộc tế bào phản ứng lại, tích tụ nước. Da thịt anh căng lên, mặt sưng phù.
Anh mặc cảm về sự tàn tật của mình nên luôn giữ khoảng cách với những cán bộ cấp dưới. Nhưng mỗi lần gặp tôi Đức lại than thở:
-Tôi nào có muốn thế đâu, chính bệnh tật đã buộc tôi như thế. Cũng như ngày mới giải phóng tôi ở trong rừng về mang bên lòng biết bao tình cảm láng giềng chòm xóm. Muốn gặp tất cả mọi người, muốn hỏi han trò chuyện nhưng lại ở im trong nhà, ngại, không tiếp ai.
Có lần đang đi ngoài đường bỗng gặp một người bạn cũ. Biết mình đi kháng chiến trở về, anh ta rất mừng. Mình cũng cảm động trước tình cảm của anh ta nhưng lại chỉ cười gượng rồi lảng đi vì ngại phải chìa cái bàn tay tàn tật ra cho anh ta bắt. Về sau dường như người bạn ấy có than phiền với ai đó rằng “gần mười năm xa cách gặp lại nó, nó không thèm bắt tay”.
Đức tiếp lấy ly nước trong tay tôi và uống một hơi dài.
Nắng bên ngoài chỉ còn ánh lên một chút vàng trên khung cửa kính. Tôi bỏ ra ngoài ban công. Thành phố buổi chiều bỗng nhiên mới hẳn. Tôi như vừa từ một cõi nào khác bước vào cuộc đời và chợt thấy như những người đang đi dưới đường kia, những xe cộ đang chạy vùn vụt kia không hề nghĩ đến thời gian. Họ sống vô tư, dễ dàng và sung sướng. Thế sao chúng tôi không tìm được chút thanh thản cho cuộc sống mình?
Tôi gom những chiếc lá khô lại, ném xuống dưới sân. Những chiếc lá nhẹ tênh rải xuống bãi cỏ. Cỏ xanh đến lạ lùng. Ngày sắp hết mà cỏ vẫn tươi xanh như trong buổi mai rực rỡ.
Trần Minh Đức đến phía sau lưng tôi. Anh cười, hỏi tôi đang nhìn gì. Tôi bảo anh hãy đến, hãy đến và nhìn xuống đường xem người ta đi qua đi lại rất hồn nhiên, hãy đến để xem họ sống dễ dãi và hạnh phúc biết chừng nào.
°
Đó là chút kỷ niệm giữa tôi, Trần Minh Đức và Phạm Chánh Trực, người đã kết nạp đảng cho hai chúng tôi. Sau năm 75 Phạm Chánh Trực từng giữ những chức vụ quan trọng như Bí thư Thành đoàn, Bí thư quận ủy quận Năm, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TPHCM, và gần đây nhất là Giám đốc một công ty sản xuất “con chip” của ngành tin học.
Sở dĩ tôi nhắc đến chuyện kết nạp đảng vì nó độc đáo và nó xứng đáng. Ngày nay, có người vào Đảng bằng hai đầu gối, bằng “cửa sau” hoặc bằng cái “vốn tự có” của mình.
Tôi đã vào Đảng bằng một trái mìn tự tạo.
Đó là cuộc diễn tập cho trận Mậu Thân 1968, nhưng chúng tôi – và gần như cả đơn vị Thành Đoàn SGGĐ – không ai ngờ tới. Thậm chí khi chiến dịch mở màn, nhiều đơn vị, trong đó có chúng tôi, không ai biết chuyện gì!
Như thường lệ, phần lớn những sinh viên gốc miền Trung như chúng tôi đều về quê ăn Tết. Sáng mồng hai Tết có người nói’ “Việt cộng đánh vô Quy Nhơn.”
Quy Nhơn cách nhà tôi 41 cây số. Không biết thực hư. Tôi đi Quy Nhơn, thấy Ty Thông Tin tan nát. Đó là một ngôi nhà lớn sơn màu đỏ gạch, nằm đối diện sân vận động. Các chiến sĩ giải phóng đã chiếm tòa nhà đó một thời gian ngắn và vì không có tiếp viện nên bị phản công mãnh liệt bằng xe tăng. Tòa nhà đổ nát. Có lẽ người cũng không còn.
Trưởng Ty lúc đó là nhà văn Võ Phiến. Năm 2004 tôi sang Hoa Kỳ, có đến thăm ông. Ông đã ngoài tám mươi, vẫn sắc sảo. Ông nói: “Thế giới này hay lắm. Cũng may tôi còn sống để chứng kiến những biến động lịch sử đầy kịch tính. Cái thằng Bush nó giống như kép Thành Được, lí lắc và ưa chơi nổi.”
°
Sách “Lược sử Đoàn và phong trào thanh niên TP Hồ Chí Minh 1954-1975” xuất bản năm 2001 ở trang 98 đã viết về trận Mậu Thân như thế này:
“Đêm 30-01-1968 (mồng 2 Tết) cuộc tổng tiến công trên toàn miền Nam đã nổ ra nhưng mệnh lệnh tiến công không truyền đạt được tới Thành Đoàn. Tuy vậy sáng sớm ngày 31-01-68 ban thường vụ thành đoàn dưới sự chủ trì của Phan Chánh Tâm đã họp khẩn, làm công tác vũ trang tuyên truyền, làm chủ khu vực Bàn Cờ suốt ngày 31/01/68.
Bốn tháng sau:
Đợt 2 Mậu Thân, cán bộ Thành đoàn được bố trí vào 4 khu vực: Liên phường 3A gồm Bàn Cờ, Vườn Chuối. Liên phường 3B gồm Nguyễn Thông, Lê Văn Duyệt, Chí Hòa. Liên phường 5 gồm Phú Thọ, Cầu Tre. Liên phường 4A gồm Trương Minh Giảng, Trương Tấn Bửu.
Ngày 5/5/68 Đợt 2 nổ ra. Tại Bàn Cờ tổ vũ trang tấn công một xe tuần tiễu địch, Nguyyễn Sơn Hà (tức Bảy Thép) hy sinh. Ba khu vực kia không bắt được liên lạc.”
°
Tổ vũ trang của chúng tôi nằm trong số “ba khu vực không bắt được liên lạc” đó.
Tổ gồm 4 người: Tôi, Trương Văn Khuê, Nguyễn Trường và Tám Nhân. Chúng tôi thuê một căn nhà nhỏ ở sau chợ Trương Minh Giảng. Vũ khí chúng tôi bọc kín trong ba bốn lớp ni-lông, gồm hai khẩu AK47, hai khẩu K54 và một số chất nổ TNT. Truyền đơn và cờ Mặt Trận GP bọc trong các bao ni-lông khác. Tất cả được giấu trong lỗ cống sau bếp. Hàng ngày chúng tôi vẫn đi học, vẫn sinh hoạt bình thường. Nhưng trong tình hình chờ đợi hồi hộp căng thẳng như vậy thì còn lòng dạ nào mà học. Trương Văn Khuê và Nguyễn Trường thì tối ngày đánh bài Tu Lơ Khơ nhưng Khuê đặc biệt thích xì phé và hắn đánh rất giỏi. Sau này làm giám đốc nhà xuất bản Trẻ hắn đã có những quyết định táo bạo trong chủ trương cho tư nhân hợp tác bỏ vốn in sách. Khuê làm việc đó một cách sáng tạo và đã đem lại lợi nhuận cho nhà xuất bản rất nhiều. Tiếc rằng anh chết quá trẻ do bệnh ung thư gan. Nhà tôi ở gần bệnh viện nên tôi đến thăm anh thường xuyên. Khi mổ gan xong anh cười rất tươi và nói to với những bạn bè đến thăm:
-Tớ sẽ sống đến 150 tuổi!
Nhưng chỉ mấy hôm sau là anh xuống sức. Buổi chiều Mai Hương đến thăm, hỏi có biết ai đây không nhưng Khuê cứ nhắm mắt. Mai Hương khóc. Đó là giọt nước mắt hiếm hoi của người đồng chí cũ.
Tại sao tôi nói hiếm hoi?
Vì sau giải phóng bạn bè đối xử với nhau lạt lẽo. Trong vụ án văn học “Nổi Loạn” tôi bị cô lập, nhiều người sợ liên lụy, có người còn tệ hơn như phó chủ tịch quận Z Nguyễn Hoàng, nhạc sĩ Trần Long…tìm cách phủ nhận tác phẩm của tôi theo luận điệu của công an văn hóa, trong khi báo Diễn Đàn Paris thì gởi phóng viên đến nhà tôi thực hiện một bài phỏng vấn dài đăng trên số 28 phát hành tháng 3-1994 tại Pháp.
Bài phỏng vấn đó đã giúp tôi nói được hết ý nghĩ của mình và ở một góc độ nào đó nó đã cứu tôi khỏi nhà tù.
Dẫu sao vụ “Nổi Loạn” cũng giúp tôi xếp loại bạn bè, giúp tôi biết người nào thương mình, người nào ném đá giấu tay, người nào đánh người ngã ngựa.
Sau vụ này tôi gần như không giao du với những “đồng chí” trong phong trào sinh viên cũ.
Giờ đây đám bạn bè cũ chỉ còn lại hai bộ mặt: một bộ mặt vênh vang hãnh tiến của những ông quan tư sản đỏ và một bộ mặt lơ láo của những kẻ hết thời.
Tôi trôi giạt giữa những mặt người ấy vì tôi là một nhà văn chuyên nghiệp, tôi có thế giới của tôi, cũng giống như Lý Bạch:
Vấn dư hà sự thê bích san?
Tiếu nhi bất đáp tâm tự nhàn
Đào hoa lưu thủy yểu nhiên khứ
Biệt hữu thiên địa phi nhân gian
(Có người hỏi ta vì sao lại lên ở trên núi vậy? Ta chỉ cười mà không đáp. Lòng thanh thản nhìn hoa đào trôi giữa khoảng trời đất cách biệt với thế gian.)
°
Nhưng tôi phải trở lại cái buổi chiều tháng 5 năm 1968 ấy. Chín giờ tối chúng tôi họp:
-Đợt 2 Mậu Thân sẽ nổ ra đêm nay. Các đồng chí chuẩn bị lấy vũ khí truyền đơn và cờ lên sẵn sàng.
Mọi thứ được lôi lên khỏi lỗ cống. Nước không thấm vô được, nhưng những cái bọc ni-lông thì đầy trùn chỉ. Chúng đeo bám trong những khe, những nếp gấp làm chúng tôi mất rất nhiều thì giờ để dọn vệ sinh.
Trương Văn Khuê và Nguyễn Trường vẫn chơi bài trong khi chở đợi giờ G. Tôi và Tám Nhân ngồi chầu rìa.
Mười một giờ đêm. Thành phố vẫn yên tĩnh. Mười hai giờ. Vẫn không có gì. Một lát sau. Vài loạt súng lác đác ở đâu đó rất xa. Trương Văn Khuê ném những lá bài xuống bàn. Nguyễn Trường nhắc lại khẩu lệnh:
-Bộ đội Mười Dũng. Nhớ chưa?
Mười Dũng là bí danh của anh Phạm Chánh Trực hồi đó làm bí thư Đảng ủy Thành Đoàn. Anh là một người nghiêm khắc, kiên cường. Nhiều người trách anh độc đoán và nhiều tham vọng nhưng với tôi, anh vẫn là một người bạn tốt. Có lẽ con đường chính trị của anh cũng không suôn sẻ lắm. Chìm lỉm như một hòn sỏi trong dòng sông danh lợi đục ngầu.
Chúng tôi đã sẵn sàng. Nhưng thời gian vẫn trôi qua trong yên tĩnh. Khu vực Liên Phường 4A hoàn toàn bất động.