Cái tốt đẹp nhất trong mọi cái là việc học. Tiền có thể bị mất, sức khỏe và sức mạnh có thể bị mất, nhưng những gì trong đầu bạn thì là của bạn mãi mãi.

Louis L’Amour

 
 
 
 
 
Tác giả: Tô Hoài
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 19
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1778 / 36
Cập nhật: 2017-08-29 15:43:50 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Áp-Ga-Ni-Xtan Mùa Xuân Này
ÂY GIỜ, các nhà khảo cổ vẫn tìm thấy hầu như cả vùng Tây Nam châu Á dấu vết mọi sinh hoạt từ thời thượng cổ. Những nền văn minh đã qua còn vô vàn dấu vết đứng trên mặt đất cho đời này chiêm ngưỡng. Một hiện tượng hiếm có. Bức tường đất luyện. Mảnh đồ dùng đá đẽo. Những cung điện, đền đài...
Phía tây bắc Áp-ga-ni-xtan còn lại chứng tích từng vùng canh tác, chăn nuôi bốn nghìn năm trước công nguyên. Ở Kan-đa-hai, cánh đồng, máng nước. Trong lòng đất vùi những đồng tiền Kút Cham và những đồ vật của đế quốc La Mã đem tới, việc buôn bán và giao lưu đã có từ những thời rất xa.
Văn hóa Kút Cham, thế kỷ thứ nhất, ngày nay còn nguyên cả từng làng, từng phường, với tường bọc quanh nhà. Như vừa có động đất, có nạn chạy giặc, bỏ y nguyên lại tất cả.
Cả nước Áp-ga-ni-xtan trập trùng núi đất núi đá vằn đen vằn vàng giữa những cánh đồng cỏ lốm đốm từng đàn cừu đi qua. Ở Ben-gram, cách Ka-bun hơn sáu mươi cây số, dưới chân pháo đài Hin-đu Quých, đứng sừng sững một thành phố cổ bên dòng suối nước xanh như ngọc.
Quả vậy, văn hóa Kút Cham, đến thế kỷ thứ Năm bị chiến tranh hủy hoại hết. Người Sat-ra-nít ở I-ran tràn sang. Các dân tộc du mục phía bắc xuống. Tuy nhiên, văn hóa Kút Cham đã trở thành truyền thống khởi thủy văn hóa Áp-ga-ni-xtan và toàn tây nam Á.
Nhưng đất nước Áp-ga-ni-xtan rực rỡ văn hóa Tây Nam Á cao cao khuất nẻo trên mái nhà thế giới giữa các triền núi cao nhất trái đất, từ Hy-ma-lay-a sang triền Thiên Sơn, Áp-ga-ni-xtan đã tối tăm trong các thế lực các triều đại vua chúa. Thế kỷ 19 thực dân Anh tới, mù mịt hẳn.
Năm 1918, Lê-nin đã viết:
“Thực dân Anh, sau khi hoàn toàn chiếm Áp-ga-ni-xtan - một bàn đạp cho chúng có điều kiện mở rộng vùng ảnh hưởng và chiếm đất ra khắp Trung Á, tiêu diệt độc lập dân tộc của các nước này. Nhưng, trước nhất, chúng dùng Áp-ga-ni-xtan làm cơ sở cho chúng tấn công nước Nga Xô-viết”.
Đúng như Lê-nin nhận xét, ở đấy lúc nào cũng sẵn sàng những âm mưu chống phá Liên Xô, dằng dặc từ hơn nửa thế kỷ nay. Nhưng chưa có cơ hội. Trách chi, Cách mạng tháng Tư 1978 thành công, mắt xích Áp-ga-ni-xtan của đế quốc vây thành trì cách mạng ở thế giằng co ngót sáu mươi năm nay, bị vỡ, chúng đã phải điên lên.
Những ngày trứng nước của cách mạng Áp-ga-ni-xtan thật sự nghiêm trọng. Năm mươi trại huấn luyện biệt kích nuôi hai mươi nghìn kẻ cướp ở dọc biên giới lăm le tấn công vào. Chúng đã rắp kế hoạch chia Áp-ga-ni-xtan thành hai nước: nửa phía bắc gồm những tỉnh các dân tộc theo đạo Hồi phái Su-mít. Phía nam một nước theo đạo hồi Chi-ít. Và những thủ đoạn gây đổ máu liên miên giữa các dân tộc Put-tun, Tru-men, Ha-gia-na, Tắc-dích… trong đại gia đình các dân tộc Áp-gan.
Nhà trưng bày võ khí bắt được của địch ở Gia-la-la-bát, thành phố biên giới với Pa-ki-xtan. Tận mắt ai cũng thấy tội ác của bọn Mỹ, Anh, Tàu Bắc Kinh, Tàu Đài Loan, Tây Đức, Ai Cập, I-xra-en, rốc-két, bom hóa học Mỹ. Mìn lỏng Đài Loan, Ai Cập. Liên thanh Mỹ. Moóc-chi-ê Anh. Súng phòng không Trung Quốc. Một tấm ảnh chụp Zi-nhi-ep Rê-gien-ky, cố vấn an ninh của tổng thống Ca-tơ chụp năm 1980. Tên cao bồi già ấy đứng cầm tiểu liên Trung Quốc chĩa sang Áp-ga-ni-xtan, giữa một chợ trời súng ở đầu mốc biên giới Pa-kit-xtan với tỉnh Gia-la-la-bát.
o O o
Những ngày đầu cách mạng, đất nước nào cũng tương tự những dữ dội và những trái ngược.
Ở Cu Ba, khởi nghĩa vừa thành công, máy bay lên thẳng của biệt kích Mỹ và bọn phản động cất cánh từ Mai-a-mi sang ném bom, hạ xuống bắn lung tung giữa đại lộ bờ biển thủ đô Ha-ba-na. Nhưng suốt dọc biển nhìn sang Mỹ, tên lửa của quân đội cách mạng Cu Ba đứng đều từng quãng, từng dãy, như lính gác.
Những vết đạn còn lỗ chỗ tường trụ sở phường giữa thủ đô A-đi A-bê-ba ở E-ti-ô-pi. Các chiến sĩ tự vệ, súng cắm lưỡi lê, gác trên khắp các đầu phố.
Ở Ăng-gô-la... ở Ni-ca-ra-goa... Ka-bun cũng vậy, hôm nay và hôm qua, cuộc chiến đấu chằng chịt, xen kẽ. Như mới hôm qua. Mà thật mới hôm qua. Đầu phố, một xe ô tô chở khách bị biệt kích đốt, bốn bánh lật ngược. Ở ngoại ô phía bắc, một trường tiểu học bị mìn nhét trong đốt nối ống dẫn nước. Một nhà thờ, biệt kích phá phòng rao giảng. Cái vỏ mìn vẫn treo lơ lửng đầu lỗ tường hổng, nhãn hiệu USA 1978 Aréa control. Mìn hóa học của Mỹ ngay giữa Ka-bun. Trong khi đế quốc Mỹ lu loa, tru tréo: Liên Xô rải chất độc hóa học ở Áp-ga-ni-xtan.
Áp-ga-ni-xtan đương đổi mới và cũng đương lẫn lộn những lạc hậu. Ở đây, cách mạng sôi sục tiến tới, trong khi mọi thủ đoạn chống phá của địch cũng dữ dằn hơn ở đâu hết.
Đồng chí lái xe đã có tuổi. Bộ râu ngoắc, khăn trắng tầy vố. Quần áo trắng cháo lòng lụng thụng, như mọi người trên đường. Nhưng cũng có cái khác. Một chuỗi đạn súng ngắn vắt ngang ngực. Còn đồng chí phiên dịch Sa-lêch khẩu súng Mát báng gập của đồng chí ấy dựng ngay bên thành xe.
Tôi không hỏi. Tôi đã thấy những quang cảnh tương tự năm trước, trên sân bay và các ngã tư, ngã năm ở A-đi A-bê-ba. Và ở đất nước tôi, trên ba mươi năm trước, chính quyền cách mạng vừa thành hình. Những ngày Hà Nội rực cờ Tổng khởi nghĩa cách đây gần nửa thế kỷ, còn rọi bóng cho tôi nhìn Ca-bun hôm nay với niềm tin mãnh liệt: Cách mạng, cách mạng đã tới châu Mỹ, châu Phi, tới những đất nước khuất nẻo này.
Ca-bun sôi nổi và quyết liệt, thật đặc biệt. Sân bay quốc tế, máy bay Bô-ing 727 của hãng hàng không Áp-ga-ni-xtan đậu một dãy. Những chiếc xe chở khách du lịch chạy đi chạy lại, cửa kính xanh treo tranh kim lóng lánh. Cùng lúc, nhộn nhịp máy bay lên thẳng của quân đội liên tiếp bay. Chiến sĩ bộ đội Áp-gan, phù hiệu đỏ chói ve áo, cầm nghiêng súng. Trên nét mặt đen sạm lẫn lộn nét hớn hở, nét trang trọng, nét hiên ngang của người du mục vào thành phố làm cách mạng.
Một đoàn xe quân cảnh bọc sắt từ từ qua một phố có một căn nhà đổ rụi. Cái phố như hàm răng hổng một lỗ.
Đồng chí Sa-lếch bảo tôi:
- Tuần trước, chúng tôi đã tiêu diệt biệt kích núp trong nhà ấy.
Tôi cũng không hỏi lại. Đồng chí Sa-lếch có lẽ vẫn chưa yên tâm vì sự lặng im của tôi. Đồng chí giơ cho tôi xem những tấm ảnh chụp ở một trại giam biệt kích. Bọn biệt kích râu tóc rậm rịt, quấn khăn, quần áo cũng lụng thụng như đồng chí lái xe ngồi trước mặt tôi, như mọi người đi bên đường.
- Anh có phân biệt được bọn biệt kích này người nước nào?
Tôi lắc đầu.
Đồng chí Sa-lếch cười:
- Anh không thể tưởng tượng được. Bảy thằng trong ảnh, năm đứa người Ý, hai đứa da màu Nam Phi. Anh ngạc nhiên lắm sao. Chúng nó chỉ cần để râu, rồi quấn khăn, mặc quần áo Áp-gan. Trên biên giới Pa-kit-xtan đầy rẫy ổ lê dương biệt kích như thế. Bọn giết người chuyên nghiệp khắp thế giới được đế quốc Mỹ mộ đến. Hôm nào anh tới đấy, sẽ biết.
Đêm Ka-bun thiết quân luật, lặng lẽ. Tiếng máy bay ầm ầm đã qua từ lúc hoàng hôn. Nhưng trong khuya, nghe tiếng hát i ô trong cửa sổ nhà ai bên kia vườn. Chợt nhớ đêm nay thứ bảy - ngày nghỉ trong tuần của đạo Hồi. Người ta thường đàn hát chơi suốt đêm.
Đêm Ka-bun, thảnh thơi và phấp phỏng.
o O o
Và cuộc sống hàng ngày, biết bao ý nghĩa khác nhau. Ka-bun, chữ cổ, nghĩa là ánh sáng. Nhưng thành phố Ả Rập, chỉ có nhà vuông góc không mái, tường xám tường nâu mờ mờ. Cuộc sống bây giờ mới đương thật có ánh sáng, mà con người mong ước từ thời cổ sơ.
Bởi vì, tất cả Áp-ga-ni-xtan trái ngược như Ka-bun là ánh sáng mà chưa có ánh sáng. Không phải vì trên đất nước đương vào cuộc cách mạng hiện đại, lại trông thấy chiếc rìu đã hơn năm nghìn năm ở bảo tàng lịch sử. Không phải vì mặt tượng Phật ở đây cũng như mặt người Áp-gan. Mũi cao, miệng cười cong, mắt một mí, mắt liếc tréo. Không phải vì Ka-bun có cái phố bán toàn chim yểng, chim sáo, chỗ nào người ta cũng đặt chõng ngồi uống nước chè bát, nghe chim hót, chim học nói. Và thấy bãi cỏ thì thấy trẻ con quần thảo, đá bóng. Và trên mỏm núi bên kia sông, tòa lâu đài mùa hè của nhà vua, đã thành hiệu ăn đồ sộ của thành phố, người ra vào tấp nập.
Thật âm thầm bí ẩn trong cái chàng mạng choàng trên người đàn bà lững thững đi trước mặt. Thật kỳ lạ trên đất nước mà những thành phố như những chấm xanh cây giữa hoang vu. Nhưng cái oái oăm đau lòng ấy là Áp-ga-ni-xtan nhiều hơi đốt, nhiều dầu lửa đã khai thác, thế mà tới hôm nay, cả đất nước vẫn còn là một cao nguyên chăn nuôi của người du mục, không sáng đèn, không một thước đường xe lửa.
Cuộc sống ở đây đương thật sự chờ những đổi mới mà cách mạng sẽ mang đến. Tuyết rơi trắng trên dãy núi Ốc-noi-i, núi Hen-đô-cốt bao quanh thành phố. Tuyết càng trắng bông, trắng ngần, các vùng cằn cỗi màu đất. Ở một vườn táo đã trụi hết lá, người ta lấy xẻng bới rãnh đất làm tuyết khơi ra những hầm táo đỏ từ mùa thu hái xuống vẫn ủ trong lòng đất, bây giờ lấy lên đem ra chợ.
Các chợ, các phố, cũng như ở mọi nơi đô hội các nước đương phát triển, đường sá ngổn ngang hàng quán không tên - các thức ăn uống và mọi thứ cần thiết phục vụ lẫn nhau.
Người bán mía tiện khẩu rồi bọc giấy bóng từng gói. Những mâm đựng bánh ngô. Người thợ và người cắt tóc ngồi trong nắng...
La, lừa, dê, cừu, bò, và trẻ em nhiều hơn xe ngựa, xe đạp, ô tô. Phố nào cũng có bác thợ chụp ảnh đứng trước ống kính nhìn ra người đi, hai tay thu trong bọc, cả chiếc chăn dạ khoác trên mình. Bên kia, một đoàn lạc đà nằm ngóc cổ, đợi tải củi.
Trên đường, lũ lượt đàn la, đàn lạc đà chở củi về các đầu phố. Những con lạc đà lùi lũi quì hai chân trước. Người đến khiêng những cành củi xếp đặt giữa vấu lưng lạc đà. Củi đã được chất hết lên, lạc đà đứng dựng hai chân sau, nghiêng đôi mắt ti hí hiền lành, mồm vẫn nhai tóp tép. Khắp đầu phố, đầu chợ, lổm ngổm những đàn la đứng, những đàn lạc đà nằm.
Đàn la, đàn lạc đà ngất nghểu qua các nhà thờ gồ ghề đá xám, lại sặc sỡ, như có hàng cây hoa nở ngang tường, người đi xúm xít dưới. Nhìn kỹ, không phải hoa. Đấy là các thứ váy áo, đủ thứ, đủ màu. Có những áo vét-tông, áo khoác dạ còn tươm như mới. Có những cái đã rách lướp tướp. Tất cả được vắt lên tường nhà thờ, treo vào sợi dây thép, dây ni-lông, dài suốt phố. Xa trông như những cây hoa nở.
Những thứ ấy của các cửa hàng quần áo cũ. Tận các nước Tây Đức, Pháp, Nhật, Mỹ nhập về. Có vậy mới lắm thế.
Những của thải ấy, nghề ấy, những chợ trời này từ trước kia còn sót lại, nên có hay không, tôi không biết. Nhưng những hiện tượng ấy thật đáng cười, đáng nghĩ. Thế là trên thế giới mấy lâu nay mới ra đời những công ty buôn quần áo cũ ở những nước công nghiệp hàng đầu. Khách hàng là người những vùng nghèo khó. Cái nghề buôn bán quần áo cũ của các nước giàu có thế ấy mà phát tài, trở nên cuộc sát phạt cạnh tranh của các nhà tư bản kếch sù, đến độ chúng nó phải nuốt nhau, thành các công ty siêu quốc gia. Người nghèo đến cùng cực phải mặc sống váy thừa của người ta, thế mà bọn triệu phú cũng nghĩ được cách moi ra lời lãi, ăn uống trên đống đồ lề vứt đi ấy.
Còn thấy bao nhiêu ám ảnh như thế trên đường phố Ka-bun. Trong sương mờ mờ lũ lượt người hai bên bờ sông trần trụi. Khói lò đỏ rực, bên cạnh xếp từng dãy xiên thịt đợi nướng. Chả cừu Ka-lôp ngon nhất. Người vừa đi vừa nhai nhồm nhoàm, từ những căn nhà chen chúc lưng núi đi xuống. Ngoài cửa ô còn nhiều đất hoang mà người ta lại lên ở trên sườn núi chi chít đến thế kia. Rồi tôi mới biết đây là những dãy phố nấm mái tôn mái bạt của người nghèo. Dựng nhà trên núi không mất tiền thuê đất, mua đất của nhà giàu. Nhưng cả vùng ấy không có điện. Mới chặp tối, nhà phố và sườn núi đã mù mịt lẫn vào nhau. Những người đàn bà về muộn, lố nhố như nấm mọc, lùi lũi leo lên dốc.
Những người đàn bà quàng chàng mạng âm u thấp thoáng. Chốc lại gặp, mơ hồ như có như không. Vuông chàng mạng vàng nhạt, tím nhạt, xám nhạt, sợi thô đếm được. Chàng mạng phủ từ đỉnh đầu xuống mặt, xuống gáy, xuống vai rồi tỏa ra, thành tấm lưới quây tròn đến tận chân. Chỉ còn trông được bàn chân mà đoán chơi xem đấy là người nạ giòng, người còn trẻ, hay người già... Cứ chàng mạng kín mít thế, xách túi đi chợ. Người chàng mạng bồng con ngoài chàng mạng. Những cái nấm người lướt thướt đi lại, qua phố, vào hiệu. Không ai nhìn ra người, mà chỉ có cái bóng lặng lẽ.
Lò than trong ngõ phố đương lên lửa đùng đùng, trên đặt vạc thuốc nhuộm. Những lò nhuộm chàng mạng. Chàng mạng màu nghệ, màu xám phơi lủng lẳng trên sợi dây thép căng cao cao. Như những xác thắt cổ, gió đánh lắc lư.
Con ma cuộc sống cũ lởn vởn.
o O o
Nhưng không phải Áp-ga-ni-xtan chỉ có những lạ mắt rầu rĩ ấy. Không, Áp-ga-ni-xtan ngày nay đương cực kỳ khí thế.
Áp-ga-ni-xtan - đất nước trên núi cao, quanh năm người theo cừu, cừu theo cỏ, mùa đông xuống thung lũng, mùa hạ, người và cừu lũ lượt đưa nhau lên tận phía bắc Hin-đu Quých, để lại những làng mạc và thị trấn cô đơn dọc triền sông.
Tôi đã được dự một cuộc mít tinh tình cờ thật náo nhiệt hào hứng mà trước nay tưởng chỉ được gặp ở đất nước Cu Ba sôi nổi. Hôm ấy, tôi lên thành phố Gia-la-la-bát trên biên giới Pa-kít-xtan. Thăm nhiều nơi, rồi tới trồng cây cam lưu niệm ở một hợp tác xã trồng cam.
Vườn cam chín đỏ. Từng hàng cây thủy tiên cánh trắng nhị vàng nở hoa viền luống cam. Hoa thủy tiên thơm thanh lạ lùng. Ở Hà Nội ngày trước, vào dịp Tết, thủy tiên được gọt củ, hãm đợi nở vào giao thừa - người chơi hoa nâng niu từng nhánh trong bát hoa. Ở đây, thủy tiên trồng giữ đất cho gốc cam, như cỏ tóc tiên. Những người chủ vườn đưa tặng khách cả một bó hoa thủy tiên, cuống xanh mọng, cành đơn trắng ngần.
Mỗi loài cây loài hoa sinh ra ở đâu thường có số phận khác nhau. Ở Áp-ga-ni-xtan, công viên và vườn nhà ai cũng trồng húng quế, hoa li ti tím ngát. Ngoài chợ, hoa húng quế bày bán cạnh hoa lay-ơn. Ở La Ha-ba-na, người điệu cốc-tay bao giờ cũng thả một nhánh lá húng quế vào cốc rượu. Ở nước ta, không ai để ý đến hoa cây húng quế và chỉ biết có lá húng. Lá húng quế để ăn với thịt chó, tiết canh vịt..., thật hợp vị và chỉ chuộng húng quế thế thôi.
Tôi ôm thủy tiên và bó hoa húng quế vừa được tặng vào thành phố, xem những phố xá Gia-la-la-bát gần biên giới căng thẳng khác ở Ka-bun thế nào. Bỗng thấy cờ đỏ rực xanh thẫm trên ngã tư đường lẫn với người rầm rập kéo ra.
- Thành phố hôm nay có kỉ niệm gì?
- Không.
- Sao đông người thế?
- Người đến chào khách Việt Nam đấy.
- Ồ.
- Anh sẽ nói. Cho chúng tôi được nghe tiếng Việt Nam.
Tôi lại chỉ biết “ồ” một tiếng ngạc nhiên và cảm động. Ngay ở góc ngã tư, ngẫu nhiên cuộc gặp mặt của những người thân thiết. Không giống một đám mít tinh nào như thường thấy. Các em gái trên đường đi học về, đứng lại. Những ông già râu tóc bạc phơ, miệng ngậm ống điếu. Ở giữa đám có cụ vẫn ngồi nguyên trên lưng con la, thõng hai chân xuống. Người ùn lại, trong khi xung quanh vẫn một vẻ tấp nập của phố xá đương đông. Người ra vào các cửa hàng bán hành, củ cải đỏ, hoa lơ. Quán chả nướng, khói thịt, khói nướng bánh nghi ngút trên ống thông hơi. Những người đương giở tay việc nhà trèo lên sân thượng nhìn ra.
A-lếch dịch cho tôi biết đồng chí bí thư Đảng ủy quận 26 đương nói: Có bạn Việt Nam tới... - đồng chí ấy nói - Việt Nam - Áp-ga-ni-xtan, hai đất nước châu Á trên tuyến đầu chống mọi thủ đoạn của trùm sò đế quốc Mỹ và tay sai.
Các chị kéo đến, đông nghịt từ lúc nào. Tưởng như bây giờ tôi mới thật được trông thấy người phụ nữ trên đất nước này. Mọi khi, chỉ gặp những cái bóng chàng mạng ẩn hiện. Cả bao nhiêu học sinh và các chị trong thành phố tới, tươi cười rực rỡ suốt bên kia đường. Những cô gái mặc sơ-mi trắng, váy đen. Đôi má đỏ hồng. Đôi mắt nửa Ả Rập, nửa Ấn Độ, xám mờ thăm thẳm, tình tứ. Không, những nấm chàng mạng u tối đã mờ đi. Không, đất nước Áp-ga-ni-xtan nghìn năm chìm đắm đã được giải phóng rồi.
Các cụ đến nắm tay tôi. Các em học sinh dắt tay tôi. Chúng tôi như một vòng nhảy múa ùa vào trụ sở Đảng ủy quận 26.
Bí thư Đảng ủy là bác sĩ Khum-man Mô-ha-mét. Đồng chí nói:
- Tôi là bác sĩ phụ trách nhà an dưỡng của công đoàn thành phố. Tôi mới được bầu làm bí thư Đảng quận 26. Nghề chuyên môn giúp tôi hiểu đời sống xã hội để làm công tác Đảng.
- Lực lượng Đảng viên quận ta thế nào?
- Quận 26 chúng tôi có 244 đảng viên đảng Nhân dân Cách mạng Áp-ga-ni-xtan, 42 đảng viên công tác kỹ thuật, như tôi. Còn tất cả trong các ngành xã hội và ở công trường... Chúng tôi có 113 đoàn viên thanh niên.
- Về phụ nữ...
- Rất nhiều khó khăn. Quận 26 chưa thành lập được đoàn thể phụ nữ. Hầu hết chị em không biết chữ, sống quanh quẩn trong nhà. Đúng, những người ra đón đồng chí ban nãy là các cô giáo và học sinh, lực lượng phụ nữ cách mạng nhất của chúng tôi.
Công trường nhà máy ép dầu ô-liu - nhà máy đầu tiên tỉnh Gia-la-la-bát xây dựng trên địa phận quận 26. Cánh đồng, thung lũng, vùng đồi, đâu cũng xanh rờn những rặng ô liu. Giống ô-liu miền núi đồi có vị ngon, khác ô-liu ven Địa Trung Hải. Trước kia, đến mùa hái quả, các công ty nước ngoài đến mua buôn ô-liu rồi máy bay chở về châu Âu. Gia-la-la-bát không hề biết mặt cái hộp ô-liu tỉnh mình. Cũng như Áp-ga-ni-xtan không có đường xe lửa và còn ít nơi có điện, mặc dầu Áp-ga-ni-xtan khai thác được hơi đốt và dầu xuất khẩu!
Nhà máy sẽ hoàn toàn tự động. Bây giờ, trên vùng đất đồi trắng mờ, mở ra một công trường nửa thủ công. Cả tỉnh gửi thợ giỏi về xây đựng nhà máy. Các ông lão râu bạc phơ, đầu quấn khăn tày rế. Bên những cái hồ lô máy trộn xi-măng, từng toán thợ cầm bay trát tường, đánh vữa, vặn chão.
Lán mái cho thợ ở nhấp nhô khắp ngoài đồi.
Ông lão thợ xây Ô-lam Ra-bi vừa trên dòng tường bước xuống, kéo tôi vào lều uống trà.
Ông Ra-bi khoát tay, nhìn ra ngoài đồi:
- Đồng chí Việt Nam! Nhà máy của Gia-la-la-bát chúng tôi.
Tôi vào thăm nhà nghỉ của công đoàn quận. Đây xưa kia là biệt thự của một gia đình hoàng tộc. Nhà trên đồi, bao quanh vườn trúc và những cây dâu cổ thụ, trông xuống cánh đồng đương gặt, một dòng sông nhỏ viền quanh. Tôi hỏi chuyện một công nhân sắp chữ nhà in đương nghỉ ở nhà an dưỡng. Ông đã trên năm mươi tuổi. Lần đầu tiên, người thợ già được đến đây. Tất cả những người công nhân ở nhà an dưỡng ra đón khách tung hoa hồng, hoa thủy tiên, hoa húng quế trên lối đi. Chưa ai từng được ra vào chỗ này - cả đến đồng chí bác sĩ Khum-man Mu-ha-mét phụ trách nhà an dưỡng cũng thế. Thời ấy, bọn quý tộc khoe giầu chỉ thuê bác sĩ riêng người Anh, người Pháp.
Bữa cơm ấy các bạn Gia-la-la-bát thết tôi trong cung điện mùa đông của vua Áp-ga-ni-xtan. Tòa ngang dãy dọc này chẳng có gì hách lắm đâu, mà chỉ có vẻ lố lăng, hợm của. Đá hoa cương đỏ, thảm nhung xanh, đèn pha-lê chùm... Có thể, ông Chad nọ tàn ác như vua thời Trung cổ, nhưng nó cũng chỉ là tên bạo chúa độc ác và ngu xuẩn ở sâu trong ruột châu Á.
Nhưng cái vui nhất là nhà trí thức Mô-ha-mét, ông thợ nề Ô-lam Ra-bi, những người xã viên làm vườn cam, các cô giáo trường trung học, ông già cao tuổi nhất thành phố, những người có tên nôm na, những At-mêt No, A-đun Ba-ba, chưa ai bao giờ được vào đây. Bây giờ đương ngồi uống vốt-ka Ba Lan, ăn thịt cừu nướng trên cái bàn của vua chúa ngày trước.
Ngoài phố, các cô giáo còn đưa khách về trường xem nam học sinh đá bóng thi. Bây giờ mới được đá bóng. Người xem đông quá. Chạng vạng, chúng tôi mới trở lại Ka-bun.
Đất nước Áp-ga-ni-xtan trải ra trong hoàng hôn phẳng lì như một phiến đá vàng mờ. Tuyết trắng như thác đổ xuống trên các rẻo núi. Dòng sông trắng xóa chảy trên triền đá. Gia-la-la-bát thoáng một chút xanh lơ trong bóng thung lũng ô-liu.
Một đội bốn máy bay lên thẳng cất cánh, lẫn vào xanh cây thành phố. Máy bay lên biên giới tuần đêm.
Thế mà, cuộc sinh sống vẫn bình thường. Lúc nãy tôi đã đến câu lạc bộ thiếu niên, nghe các em đọc thơ và múa hát. Xe ô tô vui vui cửa kính lóng lánh trang kim từ các trường ngoại ô vào. Cuộc sinh sống bình yên, người cưỡi la, người dắt lạc đà, con lừa đèo hai bên lưng hai bó củi. Tất cả đi về phía biên giới trong bóng chiều êm ả, như cuộc sống êm đềm ở đây.
Nhưng mà vẫn phải nhớ, phải biết có những chợ trời bán đủ các thứ súng ở ngay bên kia. Thị trấn Pôn-la-va của Pa-kít-xtan nằm áp biên giới, nơi phản động Áp-ga-ni-xtan đóng đại bản doanh. Bọn phóng viên báo chí tư sản Anh, Mỹ đều lấy tin phát tin đi thế giới, ghi cả đánh tin ở Pôn-la-va, như việc làm dĩ nhiên. Trắng trợn như không!
Và năm mươi trại huấn luyện biệt kích gom đủ đầu trâu mặt ngựa lê dương quốc tế: Mỹ, Ý, Anh, Ai Cập, I-xra-en... ẩn núp rải rác trên một nghìn cây số với Pa-kít-xtan và chín mươi cây số biên giới với Trung Quốc.
Cuộc sống vẫn bình thường. Nhưng mà khẩu súng lục và băng đạn của đồng chí lái xe và khẩu Mat báng gập của A-lếch thật vẫn đương cần.
o O o
Mỗi ngày Ka-bun mải mê và miên man từ mỗi việc bình thường. Buổi sáng, mặt trời lên, cả triền núi tuyết trắng bỗng hồng lên, cực kỳ! Dưới đường, những đàn lạc đà chăm chỉ và nhẫn nại, từ ngoại ô vào đã trút hết củi trên lưng xuống cửa chợ. Rồi nằm xếp hai chân trước, hai chân sau, nhai bã trầu sùi bọt mép, mắt ti hí mơ màng, đợi chủ còn vào chợ mua bán.
Góc phố kia, có đám người đương làm nhà. Trong phố, nhiều nhà đương đắp tường, dựng cột. Người cùng phố làm giúp, xúm đông như hội. Nếp nhà giản dị, cổ kính, tường đất luyện. Cột, dầm, sàn gỗ đẽo rìu trắng lốp, sần sùi. Xứ sở trên cao, vài năm mới được một trận mưa. Đến tháng cuối năm mới phải gạt tuyết phủ trên nền đất mái bằng gác thượng xuống.
Tường đất vây quanh khoảng sân rộng. Núp hai tấm cửa gỗ, một đám trẻ đứng chơi, đứa trong đứa ngoài, cười nắc nẻ. Từng nếp nhà, một gian một, áp lưng vào tường.
Trong nhà, không giường ghế. Những tấm nệm da cừu, da lạc đà trải kín nền.
Ở đâu, công việc xây nhà làm nhà ở cũng là chuyện hạnh phúc yên vui. Tôi đi vào trong yên vui ấy với mọi người. Đám cỗ mừng nhà mới, thức ăn bày la liệt giữa sàn. Những cừu luộc, cừu thui nguyên cả con trên chiếc mâm đồng lớn. Người ăn cầm dao đến xẻo từng miếng đặt vào đĩa mình. Tiếng đàn phảng phất chỗ nào, không nhìn thấy người gảy. Những đám hoa thủy tiên cuống dài xanh ngắt mọc như cỏ trước sân. Cánh hoa đơn tròn xoe trắng mát, thơm ngất ngư.
Đêm nghe đàn từ biệt Ka-bun, đêm nay. Tiếng đàn thảnh thơi. Nhớ ngôi nhà tấn công biệt kích đổ sụp cũng ở đầu phố đây. Cái trường tiểu học bị chúng nó đặt mìn không xa căn phòng đầm ấm này bao nhiêu. Nhưng mà tiếng đàn cứ vờn lên, nhởn nhơ.
Đàn và trống kiểu Ấn Độ ở Ka-bun, Áp-ga-ni-xtan giữa ngã ba ngã năm thế giới, các nền văn hóa giao lưu - nhạc Ấn Độ ở Áp-ga-ni-xtan cũng như múa và nhạc châu Phi ở Cu Ba.
Trống xéc-tô, trống ta-bia, lòng tay, cùi tay, ngón tay người nghệ sĩ úp xuống, nâng lên, dẻo như múa, nảy lên những tiếng rền ngẩn ngơ tuyệt diệu. Mỗi chốc đổi cung, người đánh trống lại rút chiếc búa đồng nhỏ, nới vành đai da cừu. Đàn xấc-to, đàn đa-vi, tựa đàn bàu tiếng nguyệt.
Ba người đàn ông đàn và trống. Đến tận quá nửa đêm, vẫn lửng lơ tiếng đàn như gần như xa, tiếng trống nhấm nhẳn. Khách nghe mê mải, như ba người đàn, trống mê mải. Trên bộ ria rậm đen, người nghệ sĩ có đôi mắt chao chát, đong đưa, những con mắt đàn ông rất say, rất tình, rất đĩ ấy quyện vào tiếng đàn, tiếng trống quấn lấy người nghe người đàn người trống đêm nay.
Xtan có nghĩa là nơi ở. Áp-ga-ni-xtan, nơi ở của người Áp-gan. Hin-đu-xtan, quê của người Hin-đu. U-dơ-bê-ki-xtan, nơi ở của người U-dơ-bếch. Ca-dắc-xtan, nơi người Ca-dắc ở. Xtan, quê ở, quê thương, nơi nhớ, nơi đợi, nơi chờ của đời người. Đa-ghet-xtan, Pa-kít-xtan, những xtan quê hương con người. Mong muốn của con người từ nghìn xưa, trong tiếng xtan yên vui ấy.
Đó là cảm tưởng của tôi, khi quay mặt lại chào Ka-bun giữa những vằn núi, hoa tuyết nở trắng ngàn trên đỉnh.
Ký Ức Phiên Lãng Ký Ức Phiên Lãng - Tô Hoài Ký Ức Phiên Lãng