Tôi luôn cố gắng làm những gì tôi chưa biết và nhờ đó, tôi có thể làm được những điều tưởng như ngoài khả năng của mình.

Pablo Picasso

 
 
 
 
 
Tác giả: Paul Auster
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 18
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3351 / 199
Cập nhật: 2017-09-12 19:28:08 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
húc thư cuối cùng cùng Israel Lichtenstein. Warsaw; 31 tháng Bảy, 1942.
“Với lòng nhiệt thành và say mê tôi đã lao mình vào công việc để giúp tập hợp lại các tài liệu lưu trữ. Tôi đã được tin cậy để trở thành người bảo hộ. Tôi giấu những tài liệu ấy. Ngoài tôi ra, không ai biết về chúng. Tôi chỉ hé lộ với Hersh Wasser bạn tôi, cũng là cố vấn của tôi… Chúng được giấu kỹ. Cầu Chúa cho chúng được bảo quản tốt. Đây chính là những tài liệu lưu trữ hoàn thiện nhất, tốt nhất mà chúng tôi có được trong hoàn cảnh hiện tại kinh hoàng này… Tôi biết rằng chúng ta không chịu đựng được mãi mãi. Sống sót và tiếp tục tồn tại sau những vụ giết người và thảm sát ấy là điều không thể. Vì thế tôi viết chúc thư này. Có thể tôi chẳng có gì đáng để được nhớ đến, nhưng chỉ vì nỗ lực làm việc trong Cộng đồng Oneg Shabbat của tôi, và vì phải đối mặt với nguy hiểm khi tôi là kẻ giấu toàn bộ các tài liệu. Đó là một điều nho nhỏ đáng để tôi đứng ra. Tôi mạo hiểm cả tính mạng của người vợ thân yêu Gele Seckstein và vật báu của tôi, cô con gái nhỏ, Margalit… Tôi không muốn bất cứ sự biết ơn nào, bất cứ tượng đài nào, bất cứ lời ca ngợi nào. Tôi chỉ muốn được nhớ đến. Gele Seckstein, nghệ sĩ, cả tá tác phẩm, tài năng, không thể nào xoay xở được một cuộc triển lãm, không khoe ra với cộng đồng. Trong suốt ba năm chiến tranh làm việc với bọn trẻ với tư cách một nhà giáo dục, giáo viên, làm các đạo cụ cho sân khấu, trang phục biểu diễn cho các tác phẩm của bọn trẻ, nhận giải thưởng. Giờ cùng với tôi, chúng tôi chuẩn bị nhận cái chết… Tôi muốn con gái nhỏ của tôi được nhớ đến, Margalit, giờ được 20 tháng tuổi. Đã nói thạo tiếng Do Thái, chỉ nói tiếng Do Thái thuần túy. Đã bắt đầu nói tiếng Do Thái rất rõ từ lúc 9 tháng tuổi. Về trí thông minh thì con xếp ngang hàng với các bé 3, 4 tuổi. Tôi không muốn khoác lác về con. Người chứng kiến điều này, nói với tôi về điều này là một giáo viên tại trường học ở số 68 Nowolipki… Tôi không thấy xót xa về đời mình hay đời vợ mình. Nhưng tôi thấy xót xa cho đời cô gái nhỏ tài năng ấy. Con cũng xứng đáng được nhớ đến… Có thể chúng tôi là người chuộc tội cho toàn bộ người Do Thái khắp thế giới. Tôi tin vào sự sống sót của dân tộc chúng tôi. Người Do Thái sẽ không bị tuyệt diệt. Chúng tôi, người Do Thái ở Ba Lan, Czechoslovakia, Lithuania, Latvia, là những người phải gánh chịu nỗi khổ cho toàn bộ dân Israel ở những vùng đất khác.”
* * *
Đứng nhìn và quan sát. Ngồi xuống. Nằm trên giường. Đi bộ trên phố. Ăn các bữa tại Square Diner, một mình trong một cái quán, báo chí trải trên cái bàn trước mặt. Bóc thư từ. Viết giấy tờ. Đứng và quan sát. Đi bộ xuyên các con phố. Nghe được từ một người bạn gốc Anh, T., rằng gia đình của hai người đều xuất thân từ một thành phố (Stanislav) ở Đông Âu. Trước khi chiến tranh thế giới thứ nhất bắt đầu, nó vốn là một phần của đế chế Áo-Hung; giữa các cuộc chiến tranh nó là một phần của Ba Lan; và giờ, từ sau cuộc chiến tranh thế giới thứ Hai, là một phần của Liên bang Xô-viết[8]. Trong lá thư đầu tiên từ T. thì có một vài bằng chứng cho thấy họ rốt cuộc là họ hàng. Tuy nhiên, lá thư thứ hai cho thấy một sự xác nhận rõ ràng hơn. T. biết được từ một bà dì cao tuổi là hồi ở Stanislav gia đình T. tương đối giàu có; gia đình A., ngược lại (và chuyện này khớp với mọi thứ anh từng biết), khá nghèo. Chuyện là một trong số các họ hàng của A. (một ông chú hay ông anh họ hay đại khái vậy) đã từng sống tại một ngôi nhà gỗ nhỏ trên đất gia đình T.. Ông ta đem lòng yêu cô tiểu thư của nhà chủ, ngỏ lời cầu hôn, và bị từ chối. Từ đó ông rời khỏi Stanislav vĩnh viễn.
Điều đặc biệt thú vị mà A. tìm được trong câu chuyện ấy là tên của người đàn ông ấy giống hệt như tên con trai mình.
Vài tuần sau đó, anh đọc hết toàn bộ mục sau trong Từ điển bách khoa Do Thái:
AUSTER, DANIEL (1893-1962). Luật sư người Israel và thị trưởng vùng Jerusalem. Ông Auster, sinh ra tại Stanislav (thời đó là Tây Galicia), học luật tại Vienna, tốt nghiệp năm 1914, và chuyển tới Palestine. Trong chiến tranh thế giới thứ Nhất, ông phục vụ tại tổng hành dinh của lực lượng viễn chinh ở Damascus, nơi ông hỗ trợ Arthur Ruppin trong việc gửi các gói trợ giúp tài chính từ Constantinople tới người yishuv[9] đói khổ. Sau chiến tranh, ông thành lập một văn phòng luật tại Jerusalem, đại diện cho rất nhiều nhân vật Do Thái Ả-rập, và làm việc với tư cách thư ký cho Bộ Pháp Luật của Hội ủy thác Do Thái Phục Quốc[10] (1919, 20). Năm 1934, ông Auster đã được bầu làm hội viên hội đồng Jerusalem; và từ năm 1936– 38 và 1944–45 ông giữ quyền thị trưởng. Ông Auster đại diện cho vụ người Do Thái chống lại việc quốc tế hóa Jerusalem diễn ra trước thời Liên Hợp Quốc năm 1947-48.
Năm 1948, ông Auster (người đại diện cho đảng Tiến Bộ) đã được bầu làm thị trưởng của Jerusalem, người đầu tiên giữ chức vụ ấy tại Israel độc lập. Ông Auster tại vị cho đến năm 1951. Ông cũng là một thành viên của Hội đồng Lâm thời tại Israel năm 1948. Ông lãnh đạo Hội liên hiệp Hợp quốc Israel từ lúc nó bắt đầu đến khi ông qua đời.”
* * *
Trong suốt ba ngày tại Amsterdam, anh bị lạc lối. Quy hoạch của thành phố tạo theo hình tròn (một loạt các vòng tròn đồng tâm, bị cắt đôi bởi những con kênh, một chuỗi các cây cầu bé xíu xếp song song, cái này lại nối với cái kia, rồi cái kia, như thể dài đến bất tận), và bạn không thể cứ thế đơn giản “đi theo” các con phố như bạn vẫn làm ở các thành phố khác. Để tới nơi nào đó thì bạn cần biết trước nơi mình định đến. A. không làm vậy, vì anh là một khách lạ, và hơn nữa anh thấy bản thân từ chối một cách kỳ quặc việc kiếm lấy một tấm bản đồ. Trong ba ngày ấy trời mưa, và trong suốt ba ngày ấy anh cứ thế đi bộ thành vòng tròn. Anh nhận ra rằng nếu so sánh với New York (hay New Amsterdam, như anh vẫn hứng khởi nói bản thân sau khi quay lại), Amsterdam là một chốn bé xíu, và người ta có thể nhớ hết tên các con phố ở đây trong mười ngày. Và nữa, thậm chí nếu anh đi lạc, thì chẳng phải anh vẫn có thể hỏi đường từ các khách bộ hành sao? Về mặt lý thuyết thì có thể, nhưng trên thực tế anh không thể nào làm được việc ấy. Không phải vì anh ngại ngùng trước người lạ, cũng không phải anh không thể nói được. Chính xác hơn, anh cảm thấy ngại phải nói tiếng Anh với người Hà Lan. Ở Amsterdam gần như ai cũng nói tiếng Anh làu làu. Sự dễ dàng trong giao tiếp, tuy nhiên, lại khiến anh thất vọng, như thể việc ấy bằng cách nào đó đã cướp mảnh đất này khỏi sự xa lạ. Không phải anh đi tìm sự lạ lùng mới mẻ, nhưng sự thể như thành phố không còn là chính nó nữa – như thể người Hà Lan, bằng cách nói tiếng Anh, đã phủ nhận đặc tính Hà Lan trong họ. Nếu anh có thể chắc chắn rằng không ai hiểu mình, anh không ngần ngại chạy tới một người lạ và nói tiếng Anh, trong một nỗ lực hài hước để người ta hiểu ý mình: với từ ngữ, cử chỉ, nét mặt… Và vì như thế, anh không muốn phá hoại tính chất Hà Lan của người Hà Lan, cho dù bản thân họ từ lâu đã cho phép kẻ khác phá hoại. Vì thế anh không nói gì cả. Anh lang thang. Anh đi bộ lòng vòng. Anh cho phép bản thân mình đi lạc. Về sau anh phát hiện ra, đôi khi, anh chỉ cách nơi mình muốn đến có vài bước, nhưng không biết rẽ lối nào, rồi lại đi sai hướng, nên cứ thế tự lôi mình đi xa hơn, xa hơn khỏi nơi anh nghĩ là mình đang đến. Anh chợt thấy là có thể anh đang lang thang quanh vòng tròn của địa ngục, rằng thành phố này đã được thiết kế theo nguyên mẫu của âm phủ, dựa theo vài hình ảnh đại diện cổ điển của nơi này. Rồi anh nhớ rằng nhiều biểu đồ khác nhau về địa ngục đã được các tác giả thời thế kỷ mười sáu dùng trong hệ thống ghi nhớ về chủ đề này. (Chẳng hạn như Cosmas Rossellius, trong cuốn Thesaurus Artificiosae, Venice, 1579). Và nếu Amsterdam là địa ngục, và nếu địa ngục là ký ức, thì anh nhận ra rằng có thể việc đi lạc của mình cũng có vài mục đích. Dứt ra khỏi tất cả những điều vốn quen thuộc với anh, không thể nào khám phá ra một chút gì gợi nhớ, anh thấy những bước chân mình, bằng việc chẳng đưa anh đi tới đâu, chẳng đưa anh đến đâu khác ngoài chính mình. Anh lang thang trong thế giới nội tại, và anh đi lạc. Không hề làm anh khó chịu, trạng thái đi lạc này trở thành nguồn vui, niềm hứng khởi. Anh hít nó sâu tới tận xương tủy. Như thể trên đà tiến tới nguồn kiến thức đã bị chôn giấu trước kia, anh hít sâu tới tận xương tủy và bảo với mình, gần như là đắc thắng: mình bị lạc.
* * *
Cuộc sống của anh dường như không còn neo đậu trong hiện tại. Mỗi lần thấy một đứa trẻ, anh lại cố tưởng tượng nó sẽ trông như thế nào khi đã lớn. Mỗi lần thấy một cụ già, anh lại cố tưởng tượng xem người đó trông như thế nào khi còn là một đứa trẻ.
Chuyện ấy luôn tồi tệ nhất với phụ nữ, đặc biệt là khi người phụ nữ ấy trẻ và xinh đẹp. Anh không thể ngăn mình nhìn xuyên qua lớp da trên mặt cô ta và tưởng tượng những mảnh xương vô hình đằng sau nó. Và khuôn mặt càng xinh đẹp, thì mong muốn tìm kiếm trong nó những dấu hiệu tuổi già đang xâm lăng của anh càng mãnh liệt: những nếp nhăn mới chớm, nhưng cái cằm thế nào cũng chảy xệ, những ánh nhìn đờ đẫn đầy thất vọng trong mắt. Anh muốn đặt một khuôn mặt này lên khuôn mặt khác: người phụ nữ này ở độ tuổi bốn mươi; người phụ nữ này ở độ tuổi sáu mươi; người phụ nữ này ở độ tuổi tám mươi; như thể, thậm chí khi đang đứng trong hiện tại, anh cảm thấy mình buộc phải săn đuổi tương lai, lần theo cái chết đang sống trong mỗi con người.
Một thời gian sau, anh đọc được những suy nghĩ tương tự trong một lá thư của Flaubert gửi tới Louise Colet (tháng Tám, 1846) và kinh ngạc vì sự giống nhau: “… Tôi luôn cảm nhận được tương lai và phản đề của tất cả mọi điều luôn hiện ra trước mắt tôi. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy một đứa trẻ mà không nghĩ về chuyện nó lớn lên, hay nhìn một cái nôi mà không nghĩ tới nấm mồ. Hình ảnh một phụ nữ khỏa thân làm tôi nghĩ đến bộ xương của cô ta.”
Đi bộ dọc qua các hành lang của bệnh viện và nghe tiếng người đàn ông đang bị cắt bỏ chân gào la thảm thiết: Đau quá, đau quá. Mùa hè năm ấy (1979), mỗi ngày dài hơn cả tháng, đi xuyên thành phố tới bệnh viện ấy, hơi nóng không thể chịu đựng nổi. Giúp ông ngoại lắp răng giả. Cạo mặt cho ông cụ với chiếc máy cạo chạy điện. Đọc cho ông nghe điểm tin các trận đấu bóng chày từ tờ New York Post.
Lời phát biểu ban đầu của những chủ đề này. Những đoạn bổ sung nối sau.
* * *
Lời bình luận thứ hai về bản chất của cơ hội.
Anh nhớ mình đã cúp học trong một ngày tháng Tư mưa phùn năm 1962 cùng cậu bạn D. và tới sân vận động Polo Grounds để xem trận đấu đầu tiên của đội New York Mets. Sân vận động gần như trống trơn (người tới chỉ khoảng tám chín nghìn), đội Mets thảm bại trước đội Pittsburgh Pirates. Hai người bạn ngồi kế một cậu bé đến từ Harlem, và A. vẫn nhớ cảm giác thoải mái dễ chịu của cuộc trò chuyện giữa ba người họ suốt thời gian diễn ra trận đấu.
Anh quay lại Polo Grounds chỉ một lần vào mùa ấy, và đó là một trận đấu đôi[11] dành cho ngày lễ (ngày Tưởng niệm: Ngày của ký ức, ngày của cái chết) của đội Dodgers, hơn năm mươi nghìn người đứng dậy để xem, mặt trời chói lọi, và một buổi chiều của những sự kiện điên rồ trên sân đấu: ba trận liên tiếp, chạy chốt với bóng trong sân, hai lần cướp bóng. Anh đi với cùng một người bạn ngày hôm ấy, và họ ngồi trong một góc xa tít của sân vận động, không giống như chỗ ngồi tốt mà họ đã xoay xở lẻn vào được ở trận trước. Có một lúc họ rời khỏi chỗ ngồi đi ra chỗ quầy bánh mì kẹp, và ở đó, chỉ cách vài bậc bê-tông lại chính là cậu bé họ từng gặp hồi tháng Tư, lần này ngồi cạnh mẹ. Họ đều nhận ra nhau và chào hỏi thân mật, ai cũng kinh ngạc trước sự gặp lại tình cờ ấy. Và đừng nhầm lẫn: sự lạ lùng của việc gặp gỡ ấy là vô cùng lớn. Giống như hai người bạn, A. và D., cậu bé giờ đang ngồi với mẹ chưa từng đến xem một trận đấu nào từ hồi tháng Tư.
Ký ức là căn phòng, là cơ thể, là xương cốt, như bộ xương đóng khung căn phòng mà ở đó cơ thể trú ngụ. Như một hình ảnh: “Người đàn ông ngồi một mình trong phòng.”
“Sức mạnh của ký ức thật là phi thường,” Saint Augustine quan sát được. “Đây là một chốn linh thiêng mênh mông, không thể đo đếm nổi. Ai có thể dò hết được chiều sâu của nó? Và đó cũng là chốn cất giữ linh hồn tôi. Cho dù đó là một phần của bản thể tôi, tôi không thể hiểu được toàn bộ bản thân mình. Vậy nên, điều này có nghĩa là trí óc quá hẹp để có thể chứa đựng nó hoàn toàn. Nhưng đâu là phần của nó mà chính nó không lưu giữ? Liệu phần ấy có nằm đâu đó bên ngoài chứ không phải bên trong nó? Vậy thì, sao đó có thể là một phần của nó, nếu phần ấy không được chứa đựng trong nó?”
Khởi Sinh Của Cô Độc Khởi Sinh Của Cô Độc - Paul Auster Khởi Sinh Của Cô Độc