Số lần đọc/download: 2081 / 60
Cập nhật: 2017-08-09 10:29:01 +0700
Chương 4
P
hần đầu tiên của anh thức dậy vào buổi sáng là đôi tai. Chúng nghe thấy âm thanh của căn nhà đang trở mình, của những người đang cố hết sức chống chọi với cuộc sống hiện tại, khi toàn thân anh, đặc biệt là tâm trí, vẫn nằm mơ màng, chần chừ không muốn thức giấc. Mấy tháng nay, tình hình càng tệ hại hơn; mí mắt anh dường như mỗi ngày một nặng thêm. Một ngày đẹp trời kia, mà chắc sẽ là một ngày đầy mây, anh chắc rằng chúng sẽ chẳng mở ra nổi nữa. Rồi thì sao? Kwang Meng cũng không định trả lời câu hỏi này. Chỉ có là, anh đoán, mình sẽ nhớ biển lắm. Cuộn người trong chăn, anh ước gì mình là một ngư dân đơn giản, một con người của biển cả. Nhưng ngư dân có đơn giản không? Chắc là đơn giản hơn thủy thủ, loại người thứ hai gắn với biển. Dẫu sao thì, thủy thủ hẳn là đơn giản hơn thư ký. Kwang Meng loay hoay ngồi dậy, tin chắc rằng chẳng có gì trên đời này phức tạp hơn là làm thư ký.
Nước tắm lạnh ngắt, và những phút dài ngồi xổm trên toa lét khiến chân anh như tê đi. Kwang Meng lảo đảo đứng dậy, đã bị chứng táo bón hoàn toàn đánh bại. Rồi, mỉm cười với bóng mình sau tấm gương vuông trên bồn rửa mặt, anh quyết định chỉ cần đi vệ sinh ở toa lét nơi làm việc là được, trong giờ làm việc ấy.
Ha ha, anh đấm vào ngực như thể Tarzan, chúa tể rừng xanh đầy mãnh thú, như thể vừa thách thức cả thế giới này… trừ biển. Và trừ cả Lucy, anh thầm tự nhủ. Trong giờ làm việc ấy!
Khi anh ngồi xuống bàn ăn sáng, cả nhà đã ăn xong. Cha liếc xéo anh khi mẹ múc cháo rồi đẩy trước mặt anh. Đôi tay như vô thức, anh và cháo với kỹ thuật dùng đũa thượng thừa. Mười tám năm, ba tháng lẻ mấy ngày, là bao nhiêu cú và bằng đũa? Kỹ thuật của anh đã được nâng lên tầm chuyên nghiệp, hoặc như anh thích nói hơn, lên tầm nghệ sĩ. Xong bữa, anh đặt đũa một cách nghệ thuật ngang chén cháo rỗng, ngắm nhìn thành tựu của mình đầy tự hào, và chuyển sang uống cà phê. Không gì phức tạp hơn cuộc đời của một thư ký, lại trong thời gian thử việc. Sau vài năm, anh có thể bước lên vị trí cao quý giống như cha – một thư ký già, nếu anh đủ chăm chỉ và kiên trì. Tại sao không? Anh đủ trình độ lắm chứ. Ở trường anh được học đại số, Anh văn, địa lý, thực vật học, lượng giác (anh đã tự hào làm sao vào năm trưởng thành được tới cái môn có tên gọi khó nhớ đó! Mãi đến giờ, hai chữ ấy vẫn khiến anh kính nể), hóa học, Trung văn, lịch sử, số học, vệ sinh, giáo dục công dân, âm nhạc (đại khái thế, như là hát “Cát trắng và cát xám, ai mua cát trắng của tôi? Ai mua cát xám của tôi…” trong dàn đồng ca[11]), và thể dục nữa. Anh nhìn trộm sang cha, và bị ông trừng mắt lại, sự trừng phạt cho hành động lén lút ấy. Anh chuyển ánh nhìn sang tấm ảnh của cha, treo trên tường bên trên chạn bếp. Như thế an toàn hơn. Trong ảnh, cha anh, người đàn ông thấp bé tồi tàn trong chiếc bành tô cũ mượn của cậu Cheong, đang nhận chiếc đồng hồ đeo tay từ một người Tây cao lớn, giám đốc xí nghiệp vận tải nhân dịp ghé thăm Singapore. Đó là dịp kỷ niệm hai mươi lăm năm cha anh làm việc cặm cụi cho nhà máy ấy. Hai mươi lăm năm, và gia tài để lại chỉ là một chiếc đồng hồ và một tấm ảnh lộng khung treo trên tường phía trên chạn bếp.
Anh rời căn hộ cùng với cha, bước trên đường cạnh ông. Cụm cây già cỗi bên đường long lanh trong nắng sớm như cô hoa hậu Singapore 1965 vừa được bầu chọn. Họ đợi cùng nhau ở bến xe, và lên cùng chuyến buýt STC. Anh ngồi cạnh cha, không dám nhìn sang, tự dưng lại nhớ tấm ảnh. Khi anh còn nhỏ, cha anh đạp xe đi làm. Vào buổi tối, đôi lúc ông sẽ chở Kwang Meng đi một vòng trên xe đạp, mông đặt ngắc ngứ trên gióng xe. Đó là một chiếc Raleigh màu xanh. Những chuyến xe buổi tối ấy dường như đã mang họ đến một thế giới khác: thế giới lộng lẫy hào nhoáng xanh mướt như rừng của những khu nhà riêng trong thành phố. Một thế giới với những bãi cỏ rộng, những nhà boong ga lô sơn hồng trắng, hàng rào tre và con đường rợp bóng cây. Hồi đó họ còn sống ở khu phố Tàu, chen chúc trên tầng hai một cửa hiệu. Kwang Meng nhìn ra cửa sổ. Bây giờ, thành phố chẳng còn bóng dáng xe đạp. Con đường đã bị bỏ mặc cho số lượng xe ô tô ngày càng tăng lên. Singapore, thành phố không có xe đạp.
Cha anh xuống xe. Khi chiếc xe buýt rời đi, Kwang Meng ngoái lại nhìn ông già lúc này đã băng qua đường không một trở ngại. Quả là một phép mầu, đường phố đầy xe đến thế mà. Những chiếc xe ấy từ đâu đến? Những người lái xe tự tin đó là ai? Đồng bào Singapore ư? Anh chẳng có gì chung với họ, anh không có xe cũng chẳng biết lái. Lái xe là một chuyện xa lạ, một chuyện ngoại lai, anh không tưởng tượng được. Anh chỉ có thể nhớ lại những chuyến xe đạp buổi tối khi anh còn là một đứa bé, và cha anh, một người đàn ông đi xe đạp. Chiếc xe đạp Raleigh màu xanh. Chiếc xe đạp đã mang anh theo trên những chuyến đi diệu kỳ.
Xe buýt chợt giật mạnh, rồi dừng hẳn. Kwang Meng xuống xe, đứng lại trong chốc lát. Dòng xe cộ tấp nập trượt qua. Sự hối hả của ban ngày khiến tâm trí anh mờ đi như dùng thuốc ngủ.
Trước khi ngồi vào bàn làm việc, hay nói như cách của anh, là “bị giam” vào bàn làm việc, anh nộp giấy phép nghỉ ốm hôm qua cho ông chủ, ông Tan.
Nhìn qua tờ giấy với vẻ khó chịu rõ ràng, ông Tan ném nó sang một bên: “Hy vọng là anh khỏe hơn rồi đấy chứ?” ông ta mỉa mai với vẻ chua cay sắc lẹm.
“Khỏe hơn nhiều ạ, nhưng cháu chưa phục hồi hoàn toàn,” Kwang Meng trả lời, tiếp tục trò giả bộ chẳng đánh lừa được ai, rồi quyết định thêm vào: “Nhưng cháu còn thuốc của bác sĩ Chan, nên chắc ổn cả thôi.” Rồi sau đó là bước buồn bã và chậm chạp trở lại bàn như thể chịu cực hình, hy vọng sẽ được chú ý. Anh đã học được tất cả những trò bịp văn phòng ấy từ đầu, và giờ đây, sau nhiều lần luyện tập, đã cực kỳ thành thạo. Nó mang cho anh chút khoái cảm. Nhưng là loại khoái cảm nhỏ nhoi.
Cuối cùng cũng giam mình vào bàn làm việc ở cái văn phòng chật chội ồn ào đó, Kwang Meng lê lết vì đồng lương cuối tháng, chẳng biết của có đáng công không. Những thành ngữ người ta học ở trường hóa ra lại tóm tắt đời người rõ ràng thế! Điều đó biện minh cho việc học hành chăng. Khi làm những điều người ta yêu cầu ở anh, và cuối cùng nhận cái phong bì vàng nhỏ vào cuối tháng, Kwang Meng đôi lúc mơ mộng về cuộc đời khác có thể dành cho anh, càng lúc càng thường xuyên. Nếu anh là ngư dân thì sao nhỉ, trong chiếc thuyền độc mộc dài và thanh nhã khai thác của cải lòng biển cả, còn trong suốt những mùa bão tố khi gió mùa đổi hướng, khi biển gầm gào, anh có thể dựa người vào gốc dừa mà vá lưới. Bãi cát mềm mại dưới chân anh như tấm nệm êm đềm. Hay là một thủy thủ, trên giường tầng trong cabin vào buổi đêm, lắng nghe tiếng biển ầm ào, còn ban ngày thì ở trên boong dõi theo những tia nước mặn mòi, chẳng có gì hết xung quanh ngoài biển, biển, và biển. Mỗi cuộc ghé vào khắp các bến tàu trên thế giới, Aden, Amsterdam, Hamburg, Tokyo, New York, Hong Kong, Colombo, Vladivostok, là một trận đập phá mê tơi trong các hàng quán bên cảng. Hoặc là nông dân thì sao nhỉ, chăm chút cho khoảnh đất nho nhỏ của mình, trồng những loại cây xanh mướt non tơ bằng chính đôi tay mình. Anh chắc mình có thể truyền ý chí cho cây cối nảy mầm. Và những bữa cỗ ngày thu hoạch mới thật sự đáng trông chờ chứ. Hay là một công nhân xưởng đóng tàu ở Jurong, hàn tấm thân bọc thép han gỉ của con tàu chở dầu đồ sộ, trang bị đèn khò chạy khí ôxy, hay là acetylene nhỉ, những tia sáng mỏ hàn bắn vụt như sao rơi mà người thợ lành nghề như anh sẽ chẳng thèm để mắt, và sau giờ làm việc, anh sẽ rửa đôi tay lực lưỡng đầy dầu mỡ, bật nắp chai bia Guinness cứ như quảng cáo trên ti vi. Loại đồ uống cuối ngày dành riêng cho những người đàn ông mạnh mẽ.
Kwang Meng lại nhìn văn phòng. Trong tâm trí, anh thấy lại tấm ảnh cha trên bức tường phía bên trên chạn bếp. Anh cảm thấy đích đến của mình hẳn cũng giống tấm ảnh đó, hai mươi lăm năm sau, lại được đóng đinh treo trên một bức tường bếp khác ở bên trên cái chạn bếp khác. Đây là anh, một thư ký có cuộc đời phức tạp. Sao mà chán chường vậy. Sao họ dạy anh tất cả những thứ đó, Đảo giấu vàng, Walter Scott… mớm cho anh làm chi những cuộc phiêu lưu. Kwang Meng rời khỏi bàn, tạm thoát phòng giam, và bước đi kiêu hãnh, hùng dũng, tới toa lét văn phòng. Trong giờ làm việc đấy!
Anh đốt thời gian trong toa lét bằng cách nhìn lên những hình vẽ bậy bạ trên tường. Toa lét công cộng nào cũng đều có những thứ đó cả. Kwang Meng thích đọc chúng, có thể nói anh còn cuồng đọc những thứ đó. Đôi lúc Kwang Meng bị thôi thúc ghé thăm một cái toa lét công cộng tình cờ gặp phải, chỉ đơn giản để coi những hình vẽ bậy bạ hơn là giải quyết nhu cầu tự nhiên, nói một cách lịch sự. Một vài tuần nữa, anh sẽ viết bài thơ đầu tiên lên tường toa lét bằng bút bi đen. Tiếc là anh không biết vẽ, vẽ hình tục cũng không nổi.
Ờ, có người không biết hát, có người không biết sơn, không biết vẽ, không biết yêu, không biết sống… Ai mà chẳng có khuyết điểm chứ, anh thầm triết lý.
Xong xuôi, anh bước ra khỏi toa lét như vừa thắng trận vẻ vang, cảm thấy đầu gối hơi mỏi, chân trái đã tê nhừ do ngồi quá lâu, trận chiến duy nhất trong khả năng của anh. Và như một cựu binh, anh mệt mỏi trở về với hòa bình, trở lại với bàn giấy. Một chốc sau, anh nhận được điện thoại của Hock Lai gọi đi ăn trưa.
Bình thường anh sẽ ăn trưa một mình, luôn từ chối đi ăn cùng đám bạn công sở. (Anh không thể gọi là đồng nghiệp, không phải tỏ ý khinh thường họ, mà là tự hạ mình, đó là sự khiêm tốn.) Bữa trưa của anh tốn sáu mươi xu, năm mươi xu cho kway teow tức bánh đa đỏ xào hoặc một tô bún laksa, mì trộn kiểu Phúc Kiến hoặc kiểu Ấn, ăn khô hoặc ăn nước, một đĩa cơm cà ri, và mười xu cho một ly nước mía, chanh vắt hay nước dừa. Anh thường đi đến khu quầy hàng ăn bên bờ sông Singapore, gần cửa biển. Một dãy hàng ăn chi chít nằm bên tổ hợp văn phòng và khu thương mại to cao. Ở đó, mùi đủ thức nấu nướng pha với mùi bùn đất và chất thải ở dòng sông. Ôi, ước gì ta có một dòng sông với nước sạch, xanh biếc, anh từng thở dài, nhìn xuống tầng nước xám xịt, ngó những sà lan ngược xuôi, chuyên chở những kiện cao su hoặc các thứ hàng hóa khác.
Hock Lai dẫn anh đến quán G. H. Café gần Đường Battery. Chẳng có dấu hiệu nào chỉ ra G. H. là tên viết tắt của cái gì. Các hàng ăn, sông Singapore, so với nơi này là cả một thế giới khác. Nhà hàng có gắn điều hòa nhiệt độ, có ghế đệm, khăn trải bàn trắng (đôi lúc có vệt bẩn), và một người đàn bà Ấn mập mạp ngồi bên chiếc piano, hát những bài kinh điển Broadway cũ. Cole Porter, Oscar Hammerstein hay Richard Rogers vơ vẩn trong phòng ăn lớn, tối mờ một cách dễ chịu, trong khi những anh giám đốc trẻ và luật sư hay bác sĩ ăn trưa trong dĩa bằng dao, nĩa và thìa, những bộ đồ ăn bạc đã hơi mờ đi do sử dụng. Tuy thế, tất cả đều có chạm nổi chữ G. H. Kwang Meng nghe Hock Lai nói rằng nhà hàng ban ngày này ban đêm sẽ trở thành quán bar, cũng đủ loại gái gú. Ban ngày nó chỉ phục vụ bữa trưa.
Khi họ tiến vào, khí lạnh từ máy điều hòa đập vào mặt anh như một làn gió lạ. Hock Lai ra dấu cho người bồi bàn, anh ta dẫn họ đến một bàn ăn. Kwang Meng ngồi đối diện Hock Lai và nhìn ra phía người ca sĩ Ấn tứ tuần. Bà ta đang ngồi trên bục gỗ, nhấn nhá cây piano đứng cũ kỹ.
“Ngày cũng như đêm, anh chính là người ấy
Chỉ mình anh, dưới ánh trăng hay ánh mặt trời…”[12]
Hock Lai đang đeo cà vạt. Một chiếc cà vạt quấn quanh cổ như thòng lọng, anh nhớ lại thời trung học mình từng phải đeo cà vạt trong dịp lễ lạt nào đấy. Anh không thích các dịp lễ lạt trong nhà trường mấy. Đúng hơn, anh không thích mọi dịp lễ lạt chút nào.
Khí lạnh từ máy điều hòa dường như đang len vào bàn chân không mang vớ của anh, trần trụi cho cả thế giới biết. Nhưng khi nhìn quanh, anh nhận ra không ai để ý. Họ vẫn mê mải ăn, hay nhâm nhi Nescafe mà thảo luận thị trường chứng khoán. Một người bồi bàn đến giúp họ gọi món.
“Meng, tao cần nói lại mày chuyện tối qua.”
“Ờ.”
“Cái chuyến đi chơi Chủ nhật ấy, tao nghiêm túc đó.”
“Tao không đi được mà!”
“Thôi đi. Tao đang nói nghiêm túc đấy. Bọn con gái đó ngoan ngoãn lắm. Mày sẽ thích Anne Tan, con bé mày sắp cặp bồ ngay.”
“Tao cặp bồ á?”
“Đương nhiên rồi. Tao đã kể cho con bé tất tần tật tuốt tuồn tuột về mày. Thật ra, bạn hiền à, tao quảng cáo cho mày dữ dội lắm. Chắc chắn sẽ làm mày phổng mũi.”
Kwang Meng không trả lời. Tất tần tật tuốt tuồn tuột về mình cơ đấy. Y kể cho cô ta tất tần tật về mình. Làm thế quái nào mà y làm nổi được chứ. Biết lúc nào bắt đầu, lúc nào kết thúc?
“Cecilia Ong là của tao. Đẳng cấp đó, con bé có đẳng cấp. Ba con bé là doanh nhân cỡ bự, tai to mặt lớn bên Phòng Thương mại Trung Quốc. Mà đó chưa phải tất cả đâu, mày phải thấy thân hình con bé kia!”
Y vung tay diễn tả trong không khí. Dáng người hình số tám. Người phục vụ mang xúp đến cho họ.
“Anne Tan thì khác hoàn toàn, bé nhỏ hơn nhiều. Hợp gu mày hơn. Nữ sinh trường tu dòng hồi xưa, đủ nghề cầm kỳ thi họa, chơi piano giỏi lắm. Chopin và ba cái loại jazz kiểu đó. Như tao nói, hoàn toàn hợp gu mày.”
Nhưng anh có thích âm nhạc đâu. Kwang Meng thầm phản đối trong đầu. Đúng hơn là không am tường về âm nhạc. Chẳng bao giờ ngồi xuống nghe cả.
“Thế nào, được không mày?”
Hock Lai đã thay đổi trong mấy tháng qua rồi. Có thể thay đổi không phải là từ đúng lắm. Hock Lai chỉ trở thành Hock Lai mới, như Hock Lai mới đã luôn ở đấy, chờ Hock Lai cũ trở thành mình. Hoàn thành một khả năng tất nhiên sẽ đến ư?
Dẫu sao, từ khi xin vào công ty bảo hiểm Mỹ đó, y đã luôn là Hock Lai như đang ngồi trước mặt anh đây: Mỹ hóa, cà vạt thanh lịch, đeo vớ, và ăn trưa ở G. H. Café. Cùng một cô bạn gái có ông già có thớ bên Phòng Thương mại Trung Quốc. Chuyện gì đã xảy ra với thứ nhiệt tình xã hội chủ nghĩa của họ thời trung học? Cũng là chuyện đã xảy ra với những giấc mơ các cậu trai ôm ấp ngày ấy. Một kẻ từng mơ trở thành kỵ sĩ chém rồng giờ đang hẹn hò với tiểu thư nhà rồng.
“Chủ nhật này thì không được đâu, Hock Lai.”
“Mày bất trị quá!”
“Xin lỗi.”
“Xin với chả lỗi. Kệ mày. Tao sẽ đưa một đồng nghiệp đi thế. Johnny Khoo, cái gã chủ xe Morris 1100 đó.”
“Tốt.”
“Tốt với lại tốt. Mày thật là hết nước. Mà thôi tối nay đi coi phim không? Tao sẽ sắp xếp một cuộc hẹn đôi cho. Phim ở Odeon ấy, tao nghe nói phim đó hay lắm.”
Kwang Meng chẳng còn biết nói gì. Anh không có cớ gì từ chối. Lucy đã bảo với anh rằng tối nay nàng bận, không thể ở cùng nhau.
“OK.”
Bữa trưa của họ được dọn đến: thịt lợn nướng với khoai tây cho Hock Lai và mì kiểu Java cho Kwang Meng. Bà người Ấn đang hát: “Tôi đang mơ về một Giáng sinh trắng.”[13]
Anh từng nằm trên giường mà mơ đến mùa đông trắng xóa, tuyết rơi khắp trời, tuyết trắng mái nhà. Màu trắng phủ lên thế giới một vẻ khác thường mới mẻ, trong khi nơi anh đang ở này đây chìm trong cái bình thường không mùa, chẳng thể gọi được hai lần nắng mưa mỗi năm là mùa. Mùa màng nghĩa là thay đổi, những cách sống khác nhau, những phương diện khác nhau của cuộc đời, trong khi ở nơi bất di bất dịch này, bầu trời quanh năm lúc nào cũng giống nhau như một căn bệnh mãn tính không thuốc chữa, như cơn sốt kéo dài lúc nào cũng bừng bừng trong không khí. Trên hòn đảo nhỏ Singapore này, không có lấy một ngọn đồi đích thực, không một dòng sông đích thực, không một ngọn núi… chỉ có biển mà thôi. Anh đã nằm trong đêm tối mà mơ… mơ về một thành phố chói lòa nơi xa, lấp lánh ánh sáng không chỉ là ánh đèn neon, trôi nổi ở nơi quá tầm với. Trong những cơn mơ, thời tiết thay đổi bốn mùa… những bức tường của các ngôi nhà, tán lá trên cây và bầu trời cũng chuyển sắc, thay từ gam màu này tới gam màu khác, liên hồi biến hóa đổi thay. Và thay đổi thật khiến người ta sảng khoái. Như một cuộc du lịch đến nơi xa. Xa vời vợi khỏi tất cả, tận Nepal, Bhutan, Sikkim, những vương quốc trên đỉnh Himalaya. Có đứa trẻ nào không từng bị lôi cuốn bởi những vương quốc xa xôi nép mình dưới bóng núi hùng vĩ cô liêu? Sự cô lập ấy gần như là thôi miên, là trong trắng đã gột rửa mùi thành thị. Những vùng đất cổ tích. Anh đã nhìn thấy những người Gurkha, những đứa con của các vương quốc ấy, bán những viên đá bí ẩn nhẵn thín, đứng bên vệ đường phía trước ngân hàng HSBC cao lớn ở khu thương mại Singapore. Họ đến từ rất xa, mặc quần áo tồi tàn để bán dạo những hòn đá nhẵn, mờ xỉn chứ không lấp lánh. Những hòn đá ấy họ đã lượm bên bờ những dòng suối mát lạnh trên núi, được dòng nước chảy trong vắt bào mòn. Những viên đá xám mù mờ, hoặc xanh và đỏ trầm lặng với chút hơi lạnh còn đọng lại từ nguồn. Kwang Meng thích những hòn đá ấy, và tin tưởng, hay gần như tin tưởng rằng chúng có đôi chút phép mầu. Tuy thế, chúng không khiến người ta thèm muốn như những loại đá quý, những thứ đồ trưởng giả lòe loẹt ở các hiệu vàng trên đường South Bridge, kề vai cùng những cái nhẫn vòng vàng thô tục. Những thứ hào nhoáng ấy, quà cho vợ nhì và bạn gái đại gia. Chúng mới là bạn bè của phái nữ. Không phải đồi, hay những dòng sông, những ngọn núi
“nơi những ngọn cây cũng lấp lánh
Và những đứa trẻ lắng tai
Chờ nghe tiếng chuông xe trượt trong tuyết…”
trong lời người đàn bà Ấn Độ ngâm nga trên cái bục gỗ trong nhà hàng điều hòa mát lạnh.
“Mày phải gắng gỏi lên chớ, nếu mày muốn thắng được cuộc đua chết tiệt này,” Hock Lai thuyết giáo trong khi họ ăn. “Mày hãy nhìn lại mày mà xem. Không vớ, quần dài nhăn nhúm, giày thì cũ. Mày không thành công được với cái bộ dạng này đâu. Mày phải nhớ tụi mình không tạo ra thế giới, mình chỉ có thể chấp nhận các điều khoản của nó, hoàn cảnh và quy ước của nó, không thì đi đứt. Đời là vậy, bạn hiền. Mày phải quyết định đi, quyết định thật nhanh! Nhiều đứa đang ganh đua với nhau lắm, và thân ai nấy lo thôi. Nghe tao đi. Tao đã học được nhiều thứ rồi.”
Anh chàng ngày xưa từng mơ ước thay đổi cả thế giới nói vậy đây, Kwang Meng hồi tưởng lại, lóng ngóng ăn mì bằng dao với nĩa. Nếu có đôi đũa cũ thì tốt biết mấy. Dùng đũa thì anh đã đạt tới đẳng cấp nghệ sĩ rồi.
“Sao cũng được, đêm nay mày phải đi với bọn này. Đừng có trở thành kẻ cô độc. Dạo này mày cứ thui thủi một mình ấy. Đừng làm kẻ cô độc. Trên đời này, mày càng có nhiều bạn bè càng tốt.”
Những lời đó ám ảnh anh suốt buổi chiều. Quyết tâm sẽ quên chúng đi, anh tập trung vào công việc. Buổi chiều ấy, anh hoàn toàn thuộc về văn phòng của mình.