Thành công có nghĩa là thoát khỏi những nếp nghĩ cũ kỹ và chọn cho mình một hướng đi độc lập.

Keith DeGreen

 
 
 
 
 
Tác giả: Trần Đan Yến
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Thượng Hải Đích Hồng Nhan Di Sự
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 3
Cập nhật: 2020-10-20 22:08:21 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
Tháng giêng năm 1967, “Nhân dân nhật báo” đăng bài “Yêu nước hay bán nước” của Diêu Văn Nguyên (người cùng với Giang Thanh, Trương Xuân Kiều và Vương Hồng Văn hợp thành “Bè lũ bốn tên”) bắt đầu nã pháo vào kịch bản “Thanh cung bí sử” do Diêu Khắc (cha đẻ của Diêu Diêu) sáng tác để mở cái màn hạ bệ chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ. Bài viết của Văn Nguyên nhắc lại lời buộc tội mà Mao Trạch Đông đã chụp cho Diêu Khắc “đó là một văn nhân đại phản động”. Lúc này con gái Diêu Khắc vẫn đang đeo băng đỏ, tượng trưng cho quyền lực cách mạng tối thượng ở Trung Quốc. Vì sao người của Mao lại dễ tính như vậy, nguyên nhân là do ai trong Học viện Âm nhạc Thượng Hải cũng đều rõ, rằng lúc Diêu Diêu chưa biết nói, cô bé đã bị Diêu Khắc “bỏ rơi”, tội nghiệp cho đứa trẻ không cha, bà Thượng Quan Vân Châu từng là vợ họ Diêu nên đã không tránh khỏi búa rìu của Xưởng phim Thượng Hải, nhưng ở đây Nhạc viện thì chưa đụng chạm tới cô sinh viên Diêu Diêu.
Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ đã bị đấu, bị cách ly, bị giam hãm và bị khai trừ đảng tịch, quan to quan nhỏ của chính phủ bị quy kết thành “phái đương quyền đi theo con đường tư bản chủ nghĩa” và bị phế truất khỏi cương vị cũ. Một đợt soát nhà, phân vạch ranh giới, du đấu, phê đấu, cách ly, tự sát nữa lại rộ lên vào mùa xuân năm 1967, và thêm một lớp người mới đã lâm trận, sa vào bẫy của Mao. Gió cách mạng thổi bùng lên bão táp và đến mùa thu năm đó cửa trường bỗng mở, để học năm môn: Tư tưởng Mao Trạch Đông, đấu học, lao động học, quân sự thể dục học và một tý chuyên môn, nhưng thực tế chẳng có ai lên lớp, đại bộ phận giáo chức đang bị nhốt ở chuồng trâu, còn sinh viên thì lại say sưa với cơn cuồng si đỏ.
Cũng như nhiều cán bộ bị đoạt quyền, bị đả kích, gia đình Yến Khải đã không hồng như xưa, cha anh bị quy chụp thành “người đại lý của Lưu Thiếu Kỳ” ở Cục công nghiệp hóa chất, thuộc phái đi theo con đường tư bản và tất nhiên không tránh khỏi số phận bãi quan, đưa ra đấu tố, nhà cửa bị soát xét rồi niêm phong. Yến Khải phải dẫn em út trèo qua cổng hậu để “lấy trộm” một ít vật dụng cần thiết. Tương tự, cha của Diệp Dữ Nhân mang tội danh đặc vụ bị tống ngục, sóng gió cách mạng đã cuốn luôn vô số gia đình cách mạng, và trong nháy mắt đỏ biến thành đen, tuy vậy con em họ vẫn hăng say tạo phản, đại loạn mà, ai nhanh tay người ấy đoạt được quyền, khôn sống bống chết, lên voi xuống chó là lẽ thường tình.
Hạ Lục Thing đang bị giam hãm, ông không khuất phục và chẳng cần tự sát, nhà âm nhạc quật cường, anh dũng, đượm chút ngây thơ ngày đêm chuẩn bị tài liệu tố cáo cách mạng, rằng “tôi vô tội”. Trong khi đó Diêu Diêu theo bạn bè lập nên phân đội tuyên truyền tư tưởng Mao Trạch Đông tự động rời khỏi nhà trường kéo nhau đến các chốt tiền tiêu Đông Hải, vùng ven biển Tô Bắc biểu diễn lưu động cho các chiến sĩ quân giải phóng, cô về nhà lấy một ít quần áo ấm để qua đông.
Nhà của chị giờ thành bãi chiến trường, cơ man là báo chữ lớn, chửi bới nhục mạ Thượng Quan Vân Châu, mùi chua của giấy và hồ mà Diêu Diêu quá quen thuộc nay sặc sụa cả mấy căn phòng. Nhà của chị đã bị lục soát không biết bao nhiêu lần, ai cũng có thể đến, học sinh, công nhân, dân phố, ưng cái gì thì mang đi cái đó, trước khi ra về còn hăm dọa bà Thượng Quan, thậm chí đã đánh đấm con người bệnh hoạn ấy nữa.
- Má không thể nói cho con hay những điều tủi nhục. - Bà Thượng Quan chỉ thổ lộ như vậy với Diêu Diêu, nhiều bạn học thấy tình cảnh thương tâm khuyên chị đừng đi lưu diễn, hãy ở nhà với mẹ, nhưng Diêu Diêu vẫn trả lời:
- Má mình lại không muốn như thế.
Nghe nói khi ra đi Diêu Diêu mang theo tập ảnh, tất cả những tấm ảnh từ nhỏ, cùng má, cùng em, cùng bao nhiêu kỷ niệm, êm đềm cũng có mà buồn thương cũng nhiều, chị sợ để nó ở nhà sẽ không an toàn, sẽ bị cách mạng phá tan, nhưng tiếc thay trong một lần lưu diễn Diêu Diêu đã đánh mất nó, gia tài quý giá nhất của chị. Xe tải nhà binh mui trần chở Diêu Diêu cùng phân đội tuyên truyền tư tưởng Mao Trạch Đông tiến về miền duyên hải, vẫn hồng kỳ, vẫn biểu ngữ, vẫn ảnh của ông Mao cùng hành quân với đám trẻ, họ ôm ấp giữ gìn bức tranh sơn dầu “Mao Chủ tịch đi An Nguyên” vẽ một thanh niên vận trường bào màu xám, mắt dõi nhìn phía trước. Sau khi Lưu Thiếu Kỳ bị hạ bệ, bức tranh này rất được trọng dụng, thịnh hành, phe ông Mao muốn qua đó mà suy tôn ông không chỉ xứng danh thủ lĩnh nông dân, hơn thế nữa còn là lãnh tụ vô sản thợ thuyền, bởi vùng mỏ An Nguyên vốn thuộc về địa bàn khu trắng nơi Lưu Thiếu Kỳ đã dày công gầy dựng phong trào cộng sản. Diệp Dữ Nhân - người đang đắm say với mối tình đầu cùng Trọng Uyển bỗng phát hiện sao chuyến lưu diễn lần này Diêu Diêu lại thầm lặng đến thế, thường ngồi một mình, chẳng nói chuyện với ai và hệt như thế giới huyền bí với rất nhiều ẩn số. Về sau mới rõ, ấy là lúc Diêu Diêu và Yến Khải yêu nhau và mùa thu năm 1967 đã xao động cả đời chị.
Yến Khải là trang “đại hảo hán” Sơn Đông nhỏ hơn Diêu Diêu hai tuổi, phần nào chưa thành thục cho lắm. Với Diêu Diêu tâm tư tình cảm thường giấu kín trong lòng, nhưng Yến Khải lại thuộc loại người “trong suốt”, nội tâm được “viết” lên trên nét mặt. Cha Yến Khải là nhà cách mạng, là quân nhân xuất thân trong một gia đình nông dân Sơn Đông khá cùng khổ, giác ngộ giai cấp và một lòng vì Đảng, mẹ anh người Mông Cổ. Nếu theo quan điểm lúc bấy giờ, tình trạng như vậy là không “môn đăng hộ đối”, má Diêu Diêu diễn viên điện ảnh xã hội cũ, nay được lưu dung, còn ba chị, một văn nhân phản động đang sống lưu vong, nhưng họ vẫn yêu nhau. Nhiều bạn học nhớ lại, lần lưu diễn ấy phân đội tuyên truyền áp dụng hình thức quản lý quân sự hóa, Diêu Diêu và Yến Khải không đủ thời gian ở bên nhau để nuôi dưỡng tình yêu, có lẽ mỗi người đã tự cảm thụ, tưởng tượng mà đắm mình trong ái hà và sa chân vào lưới tình. Tất nhiên cũng không tránh được miệng thế gian, lên tiếng nhỏ to bảo Diêu Diêu “bán thân để dựa dẫm”.
- Tuy vậy thấy họ yêu nhau mà nhiều người đã “phát thèm”, đã ghen tị, nó đẹp như đông tàn xuân đến, như bao hình ảnh trong phim tình yêu ngoại quốc. Bản thân tôi lúc ấy cũng đang yêu, nhưng không được chói ngời, say sưa như họ - Trọng Uyển kể lại - Trở về trường, Yến Khải và Diêu Diêu chính thức công khai, chẳng hề giấu giếm gì cả, giữa thanh thiên bạch nhật Yến Khải ngang nhiên bồng nổi Diêu Diêu lên xoay tròn đến là hạnh phúc, đến là cuồng si. Thật hiếm có một tình yêu như vậy giữa cái thời cấm dục và khổ hạnh. Diêu Diêu sung sướng, mặt đỏ bừng như quả táo và cười ré vang, một giọng cười như xé tan bao u ám từng trùm kín tuổi xuân.
Chu Tiểu Yến lúc ấy là giáo sư dương cầm đã kể: - Tôi không phải là Hồng vệ binh, nhưng không thể không tham gia Đại cách mạng văn hóa, tất nhiên thuộc phái “từ xa” bởi vì triết lý của tôi là lẩn tránh người khác, không tin bất cứ ai, không tin bất cứ điều gì, tự mình đơn độc hành động. Rồi đêm ấy, đã rất khuya, trên đường về ký túc xá, tôi nhìn thấy Diêu Diêu và Yến Khải đi bên nhau, ôm ấp vỗ về, tôi sững người và nước mắt bỗng trào tuôn, tôi thương cho họ quá chừng vì dự cảm mối tình này sẽ có một chung cuộc bi ai. Trong não trạng tôi chợt hiện lên hình ảnh bộ phim “Người thứ 41” của Liên Xô, một nữ Hồng quân và một nam Bạch vệ, kẻ thù đối địch của nhau, số phận đẩy họ lên hoang đảo không một bóng người và giữa họ đã bùng cháy những cuộc tình trai gái, đẹp vô cùng, giống như Diêu Diêu và Yến Khải, nhưng đến một ngày nọ thuyền của Bạch quân cập đảo, chàng trai bỏ tình yêu chạy theo lý tưởng, cô gái buộc lòng phải bóp cò nổ súng, người thứ 41 đã gục ngã dưới tầm ngắm của nữ Hồng quân, điều oái ăm và trớ trêu chính ở chỗ chàng là tình nhân của nàng. Tôi không nghĩ Diêu Diêu và Yến Khải ai sẽ bắn ai, nhưng tôi cám cảnh cho tình yêu của họ đang đâm chồi, nẩy lộc trên mảnh đất cấm dục và khổ hạnh, không khéo cả hai đều bị bắn, vì lúc ấy họ đã yêu nhau đến mức như điên.
Mùa xuân năm 1968, tất cả nam nữ, đàn ông đàn bà, người lớn trẻ con ở Trung Quốc đều mặc một loại đồng phục màu xanh, ai bị báo chữ lớn nặc danh tố cáo là trai gái lăng nhăng, quan hệ yêu đương thì phải chịu hình phạt một đêm sỉ nhục, chẳng khác nào như Chúa bị đóng đinh trên cây thánh giá, sau một đêm ê chề đau đớn, họ bỗng già đi, và tới lúc bình mình nhiều người đã tự sát, yêu mà cũng là tội thì sống phỏng có ích gì. Những cô cậu học sinh, sinh viên hễ phát hiện thấy “léng phéng” là y như bị tống đi Tân Cương lao động cải tạo, và sau đó người ta chẳng rõ họ đang ở xó xỉnh nào, có thể giữa những mỏ dầu bùn lầy ẩm thấp, có thể trên những cánh đồng rau cải hoa vàng, nhớ nhà, nhớ bạn, nhớ người yêu và rồi hóa điên, sống dở chết dở.
Mùa xuân mà lúc đó nhân danh cách mạng đã chà đạp, đã vùi dập một cách tàn nhẫn lên nhân tính con người còn để lại dấu ấn ở lũ nhỏ vừa lớn lên vào cái thời ấy, chúng mang một trái tim lãnh đạm với tình yêu.
Chính trong mùa xuân hà khắc đó, Diêu Diêu đã ung dung, tự nguyện bước vào phòng tập đàn của Yến Khải, ngày đêm quấn quýt bên nhau. Sự kiện nữ sinh Diêu Diêu thường không về ngủ ở ký túc xá đã nhanh chóng loan tin khắp trường, đây chẳng phải là chuyện nhỏ bởi vì nội quy đại học đã ghi rõ, trong thời gian học tập, ai yêu đương thì sẽ bị đuổi học. Đám sinh viên vừa kinh qua đợt tẩy não, đợt tắm máu “loại trừ ái tình” không biết xử sự thế nào trước trường hợp sống chung như vậy của Diêu Diêu và Yến Khải, họ đành giả bộ ba không, chẳng thấy, chẳng nghe, chẳng biết. Diệp Dữ Nhân giải thích:
- Đó mới là hạnh phúc, và chúng tôi mong cho Diêu Diêu hạnh phúc.
- Chị ấy nhất định phải sung sướng lắm vì chẳng sợ gì cả và mặc kệ mọi nội quy, kỷ luật, thật vậy sao - Tôi hỏi.
- Thật vậy mà, chẳng những sung sướng mà còn hạnh phúc lứa đôi, trai gái - Trọng Uyển trả lời. - Lúc ấy trong đội tuyên truyền tư tưởng Mao Trạch Đông cũng có nhiều đôi bí mật yêu nhau, nhưng không được dũng cảm, gan dạ, hồn nhiên, công khai như họ.
Thế mới biết ái tình một khi bị nhốt chặt, giam hãm, vẫn như cỏ dại gặp mùa xuân trỗi dậy, nảy nở sinh sôi rồi đốt cháy mọi gông cùm, oán hận, mọi nội tâm tạo phản hay bị tạo phản nhằm vươn tới cảnh giới thuần khiết giữa nam và nữ, như nàng Hồng quân và chàng Bạch vệ trên hoang đảo, như Diêu Diêu và Yến Khải trong phòng tập đàn, tạo hóa cho họ phục sinh trở thành Adam và Eva trinh nguyên. Hậu thế phải kêu lên, ôi tình yêu của cái thời cấm dục, thương thay cho Diêu Diêu và Yến Khải, những đóa hồng treo đầu họng súng, nhưng cũng mừng thay cho họ đã tự đào được một dòng suối mát chảy giữa số phận đẫm máu, biến nó thành ái hà để cùng đắm mình trong đó, chỉ tiếc là họ giống như những bông hoa nở lúc đông lạnh mà lại muốn diễm lệ, bừng sôi, mạnh mẽ trong mùa xuân ấm áp. Chuyện không nên xảy ra mà cứ xảy ra, âu cũng là lẽ thường, vì Thượng đế vẫn ngự trên thiên đường, vì con sông vẫn chạy giữa lòng sông, vì trẻ nhỏ vẫn nằm trong nôi xinh và thích đong đưa... nghĩa là chuyện ấy thật đáng xảy ra, đơn thuần, lặng lẽ.
Trong khi đó bên ngoài phòng tập đàn - tổ ấm của đôi uyên ương Diêu - Yến, cuộc cách mạng vẫn sùng sục sôi, viện trưởng Hạ Lục Thing bị đưa vào nhà tù Thượng Hải, chị em Hạ Hiểu Thu và Hạ Nguyên Nguyên bị giam lỏng ở trường. Hiểu Thu không ngừng bị nâng cấp đấu tố, chị hiểu rằng phái tạo phản nhất định sẽ thanh toán mình và chị vẫn kiên trinh bảo vệ cha, ngay trước mặt sinh viên vẫn dám khinh thường Diêu Văn Nguyên, một trong “tứ nhân bang” đang tác oai tác quái, là không biết gì về âm nhạc mà cũng đòi lên tiếng phê phán Hạ Lục Thing. Nhân khi người gác ngục bất cẩn, Hạ Hiểu Thu trốn về nhà uống thuốc ngủ, đóng chặt cửa, mở khí ga, nằm lên giường tự vẫn, một kiểu chết khá phổ biến của giới trí thức Thượng Hải lúc bấy giờ.
Ngày Hạ Hiểu Thu quyên sinh thì Diêu Diêu và Yến Khải đi du lịch Hàng Châu, họ như những người thoát ly thực tế, mặc kệ thiên hạ đấu đá ra sao, đây cứ say sưa tình cảm, tìm về chốn bồng lai tiên cảnh, chèo thuyền trên Tây Hồ, sóng đôi dưới rặng liễu và chụp khá nhiều kiểu ảnh, đến là tha thiết, yêu thương, duy có điều chẳng rõ vô tình hay hữu ý mà trên ống tay áo họ không hề đeo băng đỏ. Thoạt đầu ngắm nghía những tấm ảnh Diêu - Yến chụp ở Hàng Châu vào mùa xuân năm 1968, tôi xuýt xoa sao đẹp thế, nhưng sau mới hay là tại thời điểm ấy bà Thượng Quan Vân Châu đang sống mỗi ngày bằng cả một năm, còn Đăng Đăng tuy mới thiếu niên mà đã phải về Sơn Tây làm anh nông dân kiếm sống. Đó là lúc 136 nhân viên giáo chức của Học viện Âm nhạc Thượng Hải bị liệt vào danh sách “đối tượng phải thanh tra”, 98 người bị nhốt ở chuồng trâu và 26 người khác bị tra tấn đến tàn phế, đó là lúc các giáo sư âm nhạc do Hạ Lục Thing dày công mời từ ngoại quốc về trường dạy học đang lần lượt tự sát, ra đi, đó là lúc Hùng Thập Lực phẫn nộ với cụm từ “Đại cách mạng văn hóa”, ông viết nó khắp nơi, trên tường, trên bàn, trên sách, trên cả áo lẫn quần, cuối cùng tuyệt thực, tinh thần băng hoại và đi tới cái chết. Khi biết những điều này tôi trở nên nghiêm nghị và nhìn ảnh hỏi chị Diêu Diêu: Sao nỡ? Chị vẫn cười, một nụ cười như phải dùng sức lực mới hé được đôi môi, lộ hàm răng trắng. Tôi trách chị không có tâm can, chị đã có thể biến Hàng Châu trở thành hoang đảo, hay là chị cho rằng, ai có tâm can thì khó lòng sống nổi và do đó chị đã sớm chôn vùi tâm can mình ở một nơi nào đó không nhìn thấy. Như mọi người trên toàn thế giới thường muốn nấm mồ hoa nở để cái chết trở thành trang nghiêm và mỹ lệ, với Diêu Diêu nơi mai táng tâm can đã trồng một nụ cười, để làm gì vậy hỡi chị Diêu Diêu, cũng trang nghiêm, cũng mỹ lệ ư?
Sáng sớm ngày 23 tháng 11 năm 1968, Trọng Uyển nghe tiếng người kêu giật giọng “Vi Diệu (tức Diêu Diêu), nhà có chuyện, hãy về mau”. Sự thật phũ phàng là bà Thượng Quan Vân Châu nhảy lầu tự sát mới có thể làm cho Diêu Diêu tỉnh giấc mơ, mới có thể kéo Diêu Diêu từ hoang đảo ái tình trở về cùng cuộc sống đen ngòm những năm Đại cách mạng văn hóa.
Hồng Nhan Thượng Hải Hồng Nhan Thượng Hải - Trần Đan Yến Hồng Nhan Thượng Hải