Số lần đọc/download: 9287 / 264
Cập nhật: 2015-05-19 22:38:16 +0700
Phần năm
T
rong chùa Long Giáng kẻ tới, người lui, có vẻ tấp nập nhộn nhịp.
Dưới nhà ngang đối diện với nhà trai, ông Hộ và ba, bốn người làng đến giúp việc đứng bên chiếc bàn dài, kẻ lau lá mít kẻ đóng oản, tiếng kêu chí chát. Chốc chốc lại thấy có người đội voi giấy, ngựa giấy và những hình nhân đến.
Ngọc tuy lần đầu được mục kích quang cảnh ấy
ở chùa, nhưng cũng chẳng lưu ý tới. Lòng chàng đương băn khoăn về câu chuyện tối hôm qua, nên nhớt nhác chàng đi tìm Lan để dò cho ra bí mật.
Lên trên chùa chàng gặp chú Lan đương cầm phất trần phẩy bụi ở các pho tượng, còn chú Mộc thì lúi húi lau các cây đèn nến và bình hương, ống hoa. Ngọc lại gần hỏi:
- Chùa ta sắp có việc gì mà có vẻ náo nhiệt thế?
Chú Mộc quay lại trả lời:
- Hôm nay bắt đầu làm chay cho vong linh ông Hàn.
- Thảo nào ở nhà tổ thấy nhiều đồ mã thế.
Ngọc chỉ hỏi, chỉ nói cho qua quýt, nhưng bao tinh thần đều chăm chú cả vào Lan, mong cho chú Mộc bỏ đi để được ở lại một mình với Lan. Im một lúc lâu, chàng lại vơ vẫn hỏi Mộc:
- Chú không xuống nhà giúp việc đóng oản?
- Không phải việc của tôi.
Câu trả lời cộc lốc khiến Ngọc khó chịu. May sao, chú Lan như giúp nguyện vọng của chàng, bỗng bảo chú Mộc chạy qua xuống nhà tổ xem sư cụ có truyền điều gì không, vì hai người cắm cúi suốt từ sáng sớm đến giờ ở trên chùa. Ngọc nghĩ thầm: "Hắn vô tình hay hắn muốn ở lại một mình với ta? " Song tuy được như lòng ước mong mà chàng cũng chẳng biết hỏi câu gì? Quái lạ, trước chàng mới ngờ bạn là gái thì đứng trước mặt bạn, cử chỉ ngôn ngữ còn được tự nhiên. Nay đoán chắc bạn là gái rồi thì lại thấy mình bẽn lẽn, ngượng nghịu. Có lẽ đó là tính nhút nhát của con người có giáo dục, có lương tâm. Hay đó chính là ái tình?
Ngọc mủm mỉm cười. Trong lòng sung sướng, chàng đương tìm cách khai mào câu chuyện. Bỗng có tiếng guốc lộp cộp. Ngoảnh lại, thì sư cụ đã đến gần, cười bảo Ngọc:
- Cháu lên đây để nghỉ ngơi, cần được yên tĩnh mà gặp tuần chay thế này chắc phiền cho cháu lắm nhỉ?
- Bạch cụ, cũng không sao ạ. Nhưng cháu ở chùa làm phiền cụ và làm khó nhọc cho các chú tiểu, tới nay đã hơn nửa tháng, nên cháu muốn xin phép cụ mai cháu về Hà Nội.
Ngọc vừa nói vừa nhìn Lan xem Lan có tỏ ra vẻ mặt vui, buồn chăng, nhưng vẫn thấy Lan điềm nhiên đứng cầm phất trần phẩy bụi, không hề lưu ý đến mình.
Sư cụ ngẫm nghĩ một lát, rồi trả lời:
- Nếu cháu sợ chuông trống làm ầm ỹ thì bác chả dám giữ.
- Bạch cụ, không phải thế.
- Hay cháu sợ ngăn trở việc học của cháu. Nếu chỉ có thế thì cháu cứ kê các tên sách cháu cần dùng, vài hôm nữa bác bảo chú Lan về Hà Nội lấy lên cho cháu.
Ngọc ngỏ lời xin về là chỉ để dò ý tứ Lan, nên thấy sư cụ giữ thì đứng im. Sư cụ biết Ngọc thuận ở lại quay ra bảo Lan:
- Xong việc làm chay, chú về Hà Nội...
Ngọc vội đỡ lời:
- Bạch cụ, cháu đã đem đủ các sách rồi.
- Thế thì càng hay. À, này cháu, bác nghe nói Tây người ta cũng dịch kinh Phật, có phải không?
- Bạch cụ, vâng. Nhất là một quyển của người Ðức, cháu nghe nói có giá trị lắm, nhưng cháu chưa đọc.
- Cháu biết tiếng Ðức à?
- Bạch cụ không, nhưng sách ấy có bản dịch chữ Pháp.
- Vậy thì cháu nên mua mà xem để biết qua đạo Phật.
Ngọc nhìn Lan mỉn cười:
- Bạch cụ, để rồi cháu nhờ chú Lan giảng cho cũng đủ.
- Chú ấy đã biết gì. Nhưng cháu còn bận bao nhiêu thứ. Khi nào thi đỗ đã rồi hãy khảo cứu về đạo Phật cũng được. Cháu chỉ nên biết rằng đạo Phật huyền bí lắm, chứ những điều trông thấy ở trước mắt không phải là điều cốt yếu của đạo Phật đâu. Cho chí những việc lễ bái, đàn chay cũng là phải có để khuyên đàn bà và những kẻ vô học làm điều thiện đó thôi.
Sư cụ đứng nhìn quanh một lượt rồi hỏi chú Lan:
- Chú Mộc đâu?
- Bạch cụ, chú Mộc vừa xuống nhà Tổ.
- Chú ấy chưa đi mời các sư ông chùa Long Vân, Hàm Long đến dự lễ à?
- Bạch cụ, chưa.
- Thôi chú ở lại sửa soạn, quét tước để ta bảo chú Mộc đi ngay kẻo muộn.
Sư cụ vội vàng đi ra.
Ngọc đứng ngắm chú Lan làm việc, cố tìm cách gợi câu chuyện bí mật. Chàng đến gần nói:
- Tôi xin về, cụ chưa cho về, chán quá!
Lan không quay lại, trả lời:
- Ông quen ở nơi đô hội náo nhiệt, lên đây thấy cảnh chùa chiền tịch mịch chắc buồn lắm.
- Không phải thế. Tôi chỉ sợ tôi ở đây lâu làm phiền chú, mà lại phiền cả cho tôi.
- Sao lại phiền đến tôi được, thưa ông? Còn như ở đây có ai làm phiền ông thì ông cứ lên bạch cụ.
Nghe câu trả lời gióng giẳng. Ngọc mủm mỉm cười, rồi bạo dạn nhìn thẳng vào mắt chú Lan và nói:
- Có gì phiền đâu, chỉ vì trước kia tôi yêu một người hình dung, diện mạo như hệt chú...
Chú Lan điềm nhiên nói tiếp:
- Nên nay ông gặp tôi lại nhớ tới, A di đà Phật, người tình nhân của ông, phải không?
- Chính thế! Tình nhân của tôi tên là Thi.
Lan khẽ hỏi:
- Tên là Thi?
Chú mặt ngẫm nghĩ, rồi ngẩng phắt lên mạnh bạo nhắc lại:
- Tên là Thi, thưa ông?
- Phải, tên là Thi, Chú là lạ chăng?
- Cũng hơi lạ.
Lan chỉ mỉm cười không trả lời. Ngọc càng ngờ lắm giả vờ kể lể chuyện riêng:
- Tôi yêu cô Thi, sắp sửa hỏi làm vợ thì bỗng cô ấy đi đâu mất. Dáng chừng chú cũng quen biết cô ta nên cho là một sự lạ chứ gì? Có người bảo tôi rằng cô ấy đi tu, nên tôi cứ lần mò các chùa chiền để đi tìm...
Lan nghe tới đó cười khanh khách nói tiếp theo:
- Vậy ra ông tới chùa Long Giáng chỉ có một mục đích ấy? Nhưng cô Thi tôi quen biết chắc không phải là cô Thi của ông đâu, xin ông đừng vội mừng. Ðáng lẽ ở trước cửa từ bi chẳng nên nói tới câu chuyện nhăng nhít, nhưng xin Ngài cũng thấu nỗi khổ tâm của kẻ tu hành này mà tha thứ cho. Ông nghe câu chuyện của tôi sắp kể đây xin giữ bí mật cho, nhé!
- Ðược, tôi xin giữ bí mật.
- Có gì đâu! Gần đây, một người thiếu nữ hơi có chút nhan sắc, hễ gặp tôi là thả lời chòng ghẹo, tôi van thế nào cũng không được. Tên cô ấy là Thi. Vì thế thường thường đêm khuya tôi vẫn lên Chùa cầu nguyện đức Thích ca phù hộ và giáng phép mầu nhiệm cho cô ta tỉnh ngộ mà buông tha cho kẻ tu hành này ra.
Ngọc nghe câu chuyện, ngẫm nghĩ: "Có lẽ nào lại thế? Hay hắn biết ta đã khám phá được sự bí mật của hắn nên hắn bịa ra câu chuyện ấy? " Ðã toan hỏi căn vặn, thì bỗng chú Lan nói một mình:
- Chết chửa! Chưa bảo ông Hộ đi mượn bàn.
Rồi chú hấp tấp chạy xuống nhà.
Lan tưởng làm thế để đánh trống lảng, nhưng ngờ đâu càng khiến Ngọc đoán chắc chú là gái. Vì Ngọc nhận ra rằng hễ khi nào câu chuyện đến chỗ nguy hiểm là Lan tìm cớ nọ cớ kia để xa lánh. Ngọc mừng thầm nói một mình: "Có tài thánh cũng không giấu nổi ta".
Vừa nói rứt câu đã thấy Lan ở dưới chạy lên, nét mặt thản nhiên tươi cười. Ngọc ỡm ờ hỏi:
- Chắc tối hôm nay làm chay có chạy đàn, thì thế nào cô Thi cũng đến xem nhỉ?
Lan vô tình không hiểu:
- Cô Thi nào?
- Cô Thi của chú, chú đã quên rồi.
- Nam vô A di đà Phật! Ông chớ nói đùa, nhỡ đến tay cụ thì còn ra sao?
- Nhưng chuyện có thực đâu mà chú sợ... Chú ạ, cô Thi của chú yêu chú, mà chú không thể yêu được, còn cô Thi của tôi, thì tôi yêu mà cô lại không thể yêu được tôi, hay cô không muốn yêu tôi.
Chú Lan nghiêm sắc mặt trả lời:
- Nếu ông còn muốn tôi nói chuyện với ông thì xin từ nay ông đừng đem những chuyện bậy bạ kể cho tôi nghe nữa.
- Xin vâng. Chỉ vì tôi coi chú là người bạn thân của tôi nên mới dám ngỏ tâm sự với chú. Nhưng chú không muốn nghe thì thôi, can chi mà chú phải giận.
Lan, mặt đỏ bừng, trách Ngọc:
- Xin ông biết cho rằng vì tôi thấy ông là người có lễ độ, có học vấn nên thỉnh thoảng muốn đem đạo Phật ra bàn cùng ông, cho rộng kiến thức. Nhưng nếu chỉ là câu chuyện bất chính, phạm tới tám điều răn thì xin từ nay ông tha cho.
Ngọc cười gượng:
- Thôi, xin lỗi chú.