Nguyên tác: Fleurs De Ruine
Số lần đọc/download: 0 / 18
Cập nhật: 2023-07-22 21:46:19 +0700
Chương 5
T
ôi còn nhớ ke Artois, khởi đầu từ chân cây cầu cạn. Ngay đối diện là đảo Chó Sói. Hồi năm một chín sáu tư và năm một chín sáu lăm, tôi hay đến hòn đảo ấy: Claude Bernard, một người mà tôi đã bán cho một hộp nhạc và vài quyển sách cổ đã nhiều lần mời Jacqueline bạn gái tôi và tôi tới nhà mình. Ông sống trong một dạng nhà gỗ, với các bow-window[6] và các hàng hiên. Một chiều nọ, ông đã chụp ảnh cho chúng tôi trên một trong những hàng hiên ấy, vì ông muốn thử một cái máy ảnh cũ, và sau một lúc, ông chìa cho chúng tôi bức ảnh màu: Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy một bức ảnh Polaroïd.
Ông Claude Bernard đó chừng bốn mươi tuổi và chuyên buôn bán đồ cũ: ông sở hữu các nhà kho, một sạp hàng ở chợ trời Saint-Ouen, và cả một tiệm chuyên bán sách cũ, trên đại lộ Clichy, nơi tôi đã làm quen với ông. Sau bữa tối, ông hay chở chúng tôi, Jacqueline và tôi, về Paris trên một chiếc Jaguar màu ghi. Vài năm về sau, tôi hoàn toàn mất dấu ông. Gian hàng của ông ở chợ trời và hiệu sách trên đại lộ Clichy không còn tồn tại. Số điện thoại ngôi nhà của ông trên đảo Chó Sói “không còn là thuê bao mà quý khách cần liên lạc”.
Tôi nghĩ đến ông vì đảo Chó Sói. Trong một bài viết về cái mà các tờ báo từng gọi là “cuộc truy hoan bi thảm”, người ta ngụ ý rằng cảnh sát đã xác định được danh tính một trong những người lạ mặt mà cặp vợ chồng T. cùng hai phụ nữ hẳn đã gặp tại quán ăn-sàn dancing trên ke Artois: Đó là một người sống ở Le Perreux. Đối với tôi, người đó chỉ có thể sống trên đảo Chó Sói. Và nếu tính đến cả lời chứng khả nghi của người phục vụ, tôi tự hỏi cặp vợ chồng T. và hai cặp kia, đêm hôm đó, có vào quán ăn-sàn dancing trên ke Artois hay không. Tôi có cảm giác đúng hơn thì một trong những người lạ mặt đã dẫn họ sang đảo Chó Sói, bởi chính ở đó có ngôi nhà với cái thang máy màu đỏ.
Ngày hôm nay, tôi tìm cách tái lập hiện trường, nhưng vào thời còn hay đến gặp Claude Bernard, thì tôi đã không hề nghĩ tới chuyện đó. Đã từ lâu Claude Bernard không còn sống trong căn nhà gỗ lớn có nhiều hàng hiên và bow-window ấy nữa. Một ki ốt bằng gỗ được dựng ở cuối vườn.
Chủ nhân trước của nó là ai? Là một người tên Jacques Henley chăng? Bức ảnh chụp Henley xuất hiện trong các danh bạ điện ảnh cũ, cùng dòng chữ. “Nói tiếng Anh, tiếng Đức rất thạo”. Một khuôn mặt đậm chất Anh: hàng ria vàng, mắt rất sáng màu. Địa chỉ của ông ta được viết: Jacques Henley, “Les Raquettes”, Đảo Chó Sói, Nogent-sur-Marne (Seine), Tremblay 12.00. Nhưng cùng số điện thoại đó được liệt kê trong danh bạ dưới cái tên E. J. Dothée. Trong số các cư dân xưa kia khác của hòn đảo mà tôi đã thống kê được có:
William H. / Tremblay 33.44
Magnant L. / Tremblay 22.65
Dothée tức Henley và hai người kia ngụ tại phần của hòn đảo thuộc Nogent-sur-Marne, những người sau đây thì ở phần Đông, tức là phía Le Perreux:
Hevelle / Tremblay 11.97
Verchère E.L., Les Heures tranquilles, Đảo Chó Sói (từ tháng Năm đến tháng Mười). Tremblay 09.25.
Kisseloff P. Tremblay 09.25
Korsak (de) Tremblay 27.19
Ryan (Jean E.), La Pergola, Đảo Chó Sói, Tremblay 06.69
Hội Khuyến khích Thể thao dưới nước (Tremblay 00.80) nằm ở phần Nogent-sur-Marne. Tôi nghĩ ngôi nhà của Claude Bernard thì nằm ở vùng Đông, địa hạt của Le Perreux. Nhìn chung, đảo Chó Sói gợi nhớ hòn đảo thuộc Antilles rơi vào tranh chấp giữa hai đất nước: Haïti và cộng hòa Dominica, chỉ khác ở chỗ nó đã không giành được độc lập, bởi vì nó nằm dưới sự quản lý của cả Nogent và Le Perreux. Cây cầu cạn băng ngang nó, và chính nó đánh dấu đường biên giới giữa hai vùng.
Các lùm cây, dọc theo bờ sông, che khuất ngôi nhà của Claude Bernard, ông đi thuyền đến đón chúng tôi, tại ke Artois. Khu vườn bỏ hoang được bao quanh bởi một thanh ba ri e trắng. Dưới tầng trệt, một căn phòng rất rộng mở ra hàng hiên được dùng làm phòng khách: một trường kỷ, hai phô tơi da, một cái bàn thấp và một lò sưởi gạch lớn. Claude Bernard luôn luôn ở một mình trong ngôi nhà ấy và ông có vẻ như đang cắm trại tại đó. Khi mời chúng tôi tới ăn tối, tự tay ông nấu nướng, ông từng nói với tôi rằng ông không còn muốn sống ở Paris nữa và ông cần, không khí vùng nông thôn cùng mặt nước gần sát bên, để ngủ.
Tôi cho rằng không còn lại bất kỳ dấu vết nào của nông thôn tại Le Perreux và trên đảo Chó Sói. Chắc hẳn người ta đã phá mất ngôi nhà của Claude Bernard. Những cái cây và các cầu tàu đã biến mất dọc theo bờ sông.
Ở lần gặp nhau đầu tiên giữa chúng tôi, trong hiệu sách của ông trên đại lộ Clichy, cái ngày tôi đề xuất bán cho ông hai mươi quyển bộ toàn tập Balzac - ấn bản Bà Góa Houssiaux - và ông bỏ 3.000 franc để mua chúng, chúng tôi đã nói chuyện về văn chương, ông thổ lộ với tôi, nhà văn ông yêu thích nhất là Buffon[7].
Những quyển Buffon đóng bìa da ma rô canh màu lục đặt trên bệ lò sưởi gạch của phòng khách là những sách vở duy nhất mà tôi để ý thấy có ở nhà ông. Tất nhiên, ngôi nhà trên đảo Chó Sói ấy với tôi dường lạ thường và các hoạt động “buôn bán đồ cổ” của Claude Bernard khiến tôi có chút băn khoăn. Nhưng ông hay nói chuyện với tôi về điện ảnh và văn chương, và bởi thế mà ông có nhiều cảm tình với tôi.
Tôi còn nhớ thứ gỗ ốp tường nặng nề quá mức trên các bức tường phòng khách, rồi thì các họa tiết sắt uốn, nhưng nhất là cái thang máy bịt nhung đỏ - nó không còn chạy nữa - mà Claude Bernard từng có hôm vừa cười vừa nói với chúng tôi, rằng cựu chủ nhân đã cho lắp đặt chỉ để đi lên phòng ngủ của ông ta, trên tầng hai.
Cái thang máy ấy là dấu vết duy nhất còn lại từ cái đêm tháng Tư năm 1933 khi vợ chồng T. đã đặt chân tới Le Perreux cùng hai cặp khác. Sau đó, họ quay trở về trong khu phố hiền lành của họ, phố Fossés-Saint-Jacques, nhưng cái đó thì còn quan trọng gì đâu. Đã quá muộn mất rồi. Số phận của họ đã được định đoạt tại Le Perreux và trong ngôi nhà trên đảo Chó Sói.
Hồi ấy, tôi chẳng mấy để tâm tới các biến cố của cái mà các tờ báo gọi là “cuộc truy hoan bi thảm”, cũng như tới vai trò của cái thang máy nhung đỏ mà Claude Bernard từng chỉ cho chúng tôi xem ở trong góc phòng khách. Đảo Chó Sói và vùng phụ cận của nó đối với chúng tôi chỉ là một vùng ngoại ô giống những vùng ngoại ô khác. Trên con đường chúng tôi đã theo từ ga đến ke Artois, nơi Claude Bernard đợi sẵn chúng tôi trên thuyền của ông, tôi nghĩ hẳn chúng tôi sẽ sớm khởi hành nhờ tiền bộ Balzac và hộp nhạc cổ mà tôi đã bán cho ông. Chỉ còn ít thời gian nữa thôi, Jacqueline và tôi, chúng tôi hẳn sẽ ở xa khỏi sông Marne và Le Perreux, ở Viên, nơi tôi sẽ tròn hai mươi tuổi.