Số lần đọc/download: 0 / 15
Cập nhật: 2020-11-18 15:22:00 +0700
Chương 5
T
rong khi cả cuộc đời Prosper đang trở thành mục tiêu của một cuộc điều tra kỹ lưỡng thì anh vẫn bị giam kín trong ngục.
Hai ngày đầu người ta đưa cho anh mấy tờ giấy theo yêu cầu của anh. Anh bực tức viết những lời bào chữa và đơn biện minh. Đến ngày thứ ba thì anh bắt đầu lo lắng vì chẳng thấy ai ngoài những người tù bị dùng vào những công việc “bí mật” và chỉ thấy người cai ngục có nhiệm vụ đem cơm cho anh.
- Người ta không hỏi cung tôi nữa à? - Lần nào anh cũng hỏi.
- Rồi sẽ đến lượt anh. - Lần nào người cai ngục cũng trả lời như vậy.
Thời gian cứ thế trôi qua, Prosper trở nên thất vọng hoàn toàn. Anh kêu lên:
- Tôi bị giam ở đây mãi sao?
Nhưng không, người ta đã không quên anh. Đến sáng thứ Hai, vào một thời điểm bất thường, anh nghe thấy tiếng chốt cửa lách cách. Anh đứng bật dậy lao ra. Nhưng khi nhận thấy một ngươi đàn ông tóc bạc đứng trước cửa thì anh bỗng sững người như bị sét đánh.
- Bố, - anh lắp bắp. - Bố tôi!…
- Phải, bố anh đây…
Sau phút giây kinh ngạc, Prosper cảm thấy vô cùng vui sướng. Vì dù thế nào đi chăng nữa thì một ông bố vẫn là người bạn đáng tin cậy nhất. Trong những giờ phút nguy nan, người ta thường nhớ đến người cha của mình, và cho dù không giúp được gì nhưng sự có mặt của người cha cũng làm cho anh vững tâm như một người bảo trợ có thế lực. Không một chút đắn đo, Prosper dang hai tay như muốn ôm lấy bố. Nhưng ông Bertomy đã nghiêm khắc đẩy anh ra.
- Tránh ra! - ông ra lệnh.
Ông bước vào xà lim và cánh cửa khép lại sau lưng ông. Prosper trở nên tuyệt vọng, còn ông Bertomy thì bực bội gần như đe nẹt. Bị khước từ bởi người thân cuối cùng, anh thủ quỹ bất hạnh đứng ngây ra trong cơn đau đớn khủng khiếp.
- Cả bố nữa, - anh kêu lên. - Bố cũng tin là con có tội ư?
- Hãy vứt cái trò đóng kịch xấu xa ấy đi, tôi biết hết rồi.
- Nhưng thưa bố, con không có tội gì. Con xin thề trước vong linh mẹ con.
- Thằng khốn nạn!… -Ông Bertomy quát. - Đừng có phạm tội báng bổ nữa!… - Ông bỗng cảm thấy mủi lòng. Ông nói tiếp bằng một giọng khẽ khàng gần như không ra lời:
- Mẹ anh mất rồi. Không biết đến lúc nào tôi mới tha thứ được cho Thượng đế vì Người đã cướp mất bà… Nhưng giá mà bà còn sống thì tội ác của anh cũng sẽ giết chết bà!
Im lặng một lúc lâu, cuối cùng Prosper nói tiếp:
- Bố đang làm cho con thất vọng đúng lúc con đang cần có can đảm, đúng lúc con đang là nạn nhân của một mưu mô bỉ ổi nhất.
- Nạn nhân ư! Thế có nghĩa là anh đang định bêu xấu con người đáng kính và tốt bụng đã hết lòng chăm sóc anh, đã đảm bảo cho anh một địa vị xán lạn, đã chuẩn bị cho anh một tương lai ngoài sức tưởng tượng. Anh ăn cắp tiền của ông ấy là đủ lắm rồi, đừng có vu khống người ta nữa.
- Bố hãy thương con! Hãy để cho con nói đã…
- Sao? Anh định phủ nhận lòng tốt của ông chủ ư? Chẳng phải chính anh đã tin tưởng vào tình cảm của ông ấy mà viết thư cho tôi bảo tôi chuẩn bị lên Paris hỏi cô cháu gái ông ấy làm vợ cho anh là gì! Hay là anh nói dối?…
- Không, không phải…
- Từ đó đến nay đã được một năm rồi. Hồi ấy anh đang yêu cô Madeleine, ít nhất là theo như anh viết cho tôi…
- Nhưng thưa bố, con vẫn yêu cô ấy, yêu hơn bao giờ hết. Chưa bao giờ con hết yêu cô ấy.
Ông Bertomy làm một cử chỉ thương hại khinh bỉ:
- Đúng! Nhưng hình ảnh người con gái trong trắng ấy vẫn không ngăn anh khỏi lao vào con đường trụy lạc. Anh yêu cô ấy… Vậy làm sao anh dám gặp cô ấy mà không khỏi xấu hổ về đám bạn bè xấu xa của anh?
- Lạy Chúa! Bố hãy để con giải thích số mệnh nào đã…
- Thôi đủ rồi, ông con ạ, đủ rồi. Tôi đã biết tất cả. Hôm qua tôi đã gặp ông chủ. Sáng nay, tôi đã gặp ông cán bộ điều tra, và chính nhờ lòng tốt của ông mà tôi mới được vào đây thăm anh, anh có biết là tôi phải chịu để cho người ta lột quần áo khám xét mới được vào đây không? Người ta sợ là tôi sẽ đem vũ khí vào cho anh.
Prosper không còn muốn phản đối nữa. Anh tuyệt vọng gieo mình xuống ghế đẩu.
- Tôi đã nhìn thấy căn phòng của anh và tôi đã hiểu rõ tội ác của anh. Tôi đã được thấy những tấm màn trướng bằng lụa treo đầy cửa, những bức tranh lồng trong khung kính mạ vàng treo khắp tường. Căn nhà của bố tôi để lại chỉ có tường quét vôi trắng, và trong nhà chỉ có mỗi chiếc ghế bành, đó là chiếc ghế dành cho mẹ tôi. Tài sản xa hoa của chúng tôi chỉ là lòng trung thực. Anh là người đầu tiên trong dòng họ có thảm Aubusson để dùng. Và anh cũng là người đầu tiên trong dòng họ phạm tội ăn cắp.
Nghe thấy lời xúc phạm cuối cùng ấy, hai má Prosper đỏ bừng lên, nhưng anh vẫn không nhúc nhích:
- Nhưng thôi, - ông Bertomy nói tiếp. - Tôi đến đây không phải để trách móc anh mà là để cứu anh, để tên tuổi dòng họ nhà tôi không bị bêu xấu trên báo chí. Anh hãy đứng dậy nghe tôi nói đây.
Nghe cái giọng ra lệnh của người cha, Prosper đứng phắt dậy. Chừng ấy cú xúc phạm liên tiếp đã khiến anh rơi vào trạng thái vô cảm dữ tợn của một kẻ khốn nạn không còn gì để sợ.
-Trước hết anh hãy nói cho tôi biết số tiền ăn cắp được anh đã tiêu hết bao nhiêu?
- Thưa bố, một lần nữa con xin tuyên bố là vô tội.
- Thôi được, tôi cũng đoán là anh sẽ chối. Thế thì chúng tôi sẽ phải bồi thường thiệt hại do anh gây ra cho ông chủ anh vậy.
- Sao? Bố định bảo sao?
- Hôm được tin anh phạm tội, anh rể anh đã trao lại khoản tiền hồi môn 70.000 franc của chị gái anh cho tôi. Về phần tôi, tôi cũng góp được 140.000 franc. Tất cả là 210.000 franc, và tôi sẽ đem trả cho ông Fauvel.
Lời đe dọa trên đã làm cho Prosper bừng tỉnh.
- Bố không được làm như thế! - anh giận dữ quát to.
- Trong ngày hôm nay tôi sẽ làm điều đó. Phần còn lại ông Fauvel sẽ cho tôi nợ. Tôi sẽ tiết kiệm lương hưu, với lại tôi vẫn còn đủ sức khỏe để kiếm việc làm, còn anh rể anh…
Ông Bertomy bỗng ngừng lời vì kinh hãi trước vẻ mặt của đứa con trai. Mặt anh co rúm lại vì giận dữ. Đôi mắt anh ban nãy còn đờ đẫn bây giờ bỗng long lên sòng sọc.
- Bố không có quyền, - anh quát lên. - Không, bố không có quyền làm như vậy. Bố không tin con thì tùy, nhưng bố không được làm hại con như vậy. Ai đảm bảo với bố là con có tội? Sao? Trong khi tòa án còn đang do dự mà bố lại nhẫn tâm kết án không cần nghe con nói ư?
- Tôi chỉ làm bổn phận của mình!
- Nghĩa là lúc con đang đứng bên miệng vực thì bố đến để đẩy con xuống. Như thế mà bố gọi là bổn phận ư? Sao? Bố không do dự giữa một bên là những người lạ buộc tội con với một bên là đứa con đang kêu khóc là mình vô tội à? Tại sao? Có phải vì con là con của bố không? Đúng là danh dự của gia đình ta đang gặp nguy, nhưng đó lại chính là một lý do nữa để bố phải ủng hộ con, phải giúp con bảo vệ và cứu thoát nó.
Prosper đã tìm được cách phá tan nỗi nghi ngờ của ông bố, làm cho ông xúc động.
- Dù sao, - ông khẽ nói. - Tất cả đều kết tội con.
- Ôi, thưa bố! Đó là vì bố không biết rằng trước đây con đã buộc phải xa lánh Madeleine. Vì thế con đã tuyệt vọng, con đã muốn làm cho mình khuây khỏa. Con đã muốn quên đi, con đã tìm thấy sự chán ngán và nỗi nhục nhã. Ôi Madeleine! …
Prosper trở nên mềm lòng. Nhưng chẳng mấy chốc anh lại lấy lại vẻ giận dữ.
- Tất cả chống lại con, điều đó không quan trọng! Con sẽ biết tự bào chữa, nếu không con sẽ phải hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Công lý cũng dễ bị nhầm lẫn lắm. Cho dù vô tội con vẫn có thể bị kết án. Được, con sẽ chịu hình phạt. Nhưng khi ra tù…
- Khốn nạn, con định bảo sao?…
- Thưa bố, bây giờ con là một người khác rồi. Từ nay trở đi mục đích của đời con là trả thù. Hiện thời con đang là nạn nhân của một mưu mô xấu xa. Còn một giọt máu trong người con sẽ còn truy tìm thủ phạm. Rồi con sẽ tìm ra, nó sẽ phải đền tội cho những nỗi thống khổ của con. Mưu mô này xuất phát từ nhà băng Fauvel mà ra, chính đó là nơi con phải tìm cho ra thủ phạm.
- Coi chừng đấy! Cơn giận sẽ làm cho con mất khôn!
- Vâng, con biết, bố sẽ lại ca ngợi lòng trung thực của André Fauvel. Bố sẽ nói rằng mọi đức hạnh đều ẩn náu trong cái gia đình gia trưởng ấy. Nhưng bố biết gì về nó? Có phải đây là lần đầu tiên những kẻ làm ra vẻ trung thực lại giấu giếm những bí ẩn xấu xa nhất không? Tại sao trước đây bỗng nhiên Madeleine lại cấm con không được nghĩ đến nàng? Tại sao nàng lại xua đuổi con trong khi nàng vẫn còn yêu con, bố có nghe rõ lời con không, nàng vẫn yêu con… con biết chắc điều đó, con có bằng chứng về điều đó.
Người cai ngục đến báo cho họ biết giờ thăm phạm nhân đã hết.
Trái tim ông bố bị giằng xé bởi muôn vàn tình cảm trái ngược nhau, làm cho ông không còn biết nói gì. Khuôn mặt ông đã mất đi mọi vẻ nghiêm khắc, đôi mắt ông long lanh giọt lệ. Ông muốn ra khỏi phòng với vẻ nghiêm nghị như lúc mới vào, nhưng ông không có can đảm để nhẫn tâm làm điều đó. Trái tim ông tan ra từng mảnh. Ông dang tay ôm Prosper vào lòng.
- Ôi, con trai của bố!… - Ông vừa thầm thì vừa rút lui. - Cầu mong cho con nói đúng sự thật!…
Prosper đã thắng. Anh gần như đã thuyết phục được bố về sự vô tội của mình. Nhưng anh không có thời gian để hưởng niềm vui thắng lợi ấy. Cánh cửa xà lim mở ra ngay sau khi nó vừa đóng lại sau lưng ông bố anh, và anh nghe thấy tiếng người cai ngục:
- Nào anh bạn, lên phòng xét hỏi.
Anh đi theo người cai ngục. Nhưng dáng đi của anh không còn giống như trước đây nữa, một sự thay đổi hoàn toàn vừa diễn ra trong anh. Anh ngẩng cao đầu bước đi vững chãi… Ánh lửa quả quyết đang lóe lên trong mắt anh. Bây giờ anh đã thuộc đường rồi, và anh đi trước người cai ngục vài bước. Khi đi qua căn phòng thấp bé trong đó có mặt các nhân viên cảnh sát và đội bảo vệ, anh chạm trán với người đàn ông đeo kính gọng vàng mà hôm ở phòng thư ký đã nhìn anh chăm chăm.
- Can đảm lên, anh Prosper Bertomy! - Người đó bảo anh. - Nếu anh vô tội thì sẽ có người giúp anh.
Prosper ngạc nhiên dừng lại. Anh định trả lời nhưng người kia đã bỏ đi.
- Ông ấy là ai thế? - anh hỏi người cai ngục.
- Sao? Anh không biết ông ấy ư? - Viên cai ngục ngạc nhiên hỏi. - Ông Lecoq ở bên an ninh đấy!
- Lecoq là ai?
- Anh phải gọi là “ông”. - Viên cai phật ý bảo. - Ông Lecoq là người không ai có thể lừa bịp được, là người muốn biết điều gì là biết được ngay. Nếu anh được ông ấy đảm nhiệm thay cho cái gã Fanferlot ngu xuẩn kia thì vụ án của anh đã xong từ lâu rồi. Không ai có thể chê trách ông được điều gì cả. Nhưng ông ấy có vẻ là người quen của anh thì phải?
- Trước khi vào đây tôi chưa bao giờ gặp ông ấy.
- Đừng có cam đoan như thế, bởi vì, anh biết không, không ai dám huênh hoang là mình biết được bộ mặt thật của ông Lecoq. Hôm nay ông ấy thế này, ngày mai ông ấy lại thế khác. Lúc thì ông ấy để tóc nâu, lúc lại có tóc vàng, lúc thì rất trẻ, lúc lại già đến trăm tuổi. Này nhé, tôi xin nói là ông ấy muốn lừa tôi lúc nào cũng được. Có lúc tôi tưởng là mình đang nói chuyện với một người lạ, ấy thế mà hóa ra lại là ông ấy. Ai cũng có thể là ông ấy được. Nếu có người bảo anh chính là ông ấy thì tôi dám nói rằng: Rất có thể như vậy. Ôi! Một người có khả năng biến hóa như vậy thì có thể tha hồ huênh hoang.
Viên cai đáng lẽ còn kể nhiều nữa về truyền thuyết Lecoq, nhưng họ đã bước tới trước cửa phòng điều tra. Lần này Prosper không phải đợi ông mà ông đang đợi anh. Chính ông đã bố trí cuộc gặp gỡ giữa hai bố con anh, và ông cho gọi anh lên ngay với hy vọng là sẽ moi được sự thật khi đầu óc anh đang còn bị xúc động và tuyệt vọng. Cho nên ông rất ngạc nhiên khi thấy thái độ quả quyết của anh, một thái độ quả quyết mà không lạnh lùng, tin tưởng mà không xấc xược và không tỏ ra thách thức.
- Thế nào? Anh đã suy nghĩ kỹ chưa?
- Vì không có tội, thưa ngài, nên tôi chẳng có gì phải suy nghĩ.
- A! Nhà tù đã không làm cho anh khôn lên được. Anh đã quên rằng phải thành thật và hối cải thì mới được hưởng lượng khoan hồng của quan tòa à?
- Thưa ngài, tôi không cần khoan hồng và ân huệ.
Ông Patrigent không nén nổi bực mình. Ông im lặng một lúc rồi bỗng hỏi:
- Anh sẽ trả lời thế nào nếu tôi cho anh biết số tiền 350.000 franc ấy đã được sử dụng ra sao?
Prosper buồn bã lắc đầu.
- Nếu biết được thì tôi đã không phải ngồi ở đây nữa.
Phương pháp thông thường của ông cán bộ điều tra thường rất thành công. Nhưng lần này với một bị can tự tin như thế nó đã tỏ ra không có hiệu quả. Dù sao ông vẫn cứ cố thử:
- Như vậy là anh vẫn giữ ý kiến ban đầu. Anh vẫn cho là ông chủ anh phạm tội.
- Ông ấy hoặc bất cứ một người nào khác.
- Xin lỗi!… Chỉ có ông ấy thôi, vì chỉ có ông ấy biết mật mã. Ông ấy có lợi gì nếu ông ấy tự ăn cắp?
- Thưa ngài tôi không biết.
- Thôi được! Còn về phần anh thì tôi sẽ nói cho anh biết anh sẽ có lợi gì nếu anh ăn cắp. Anh có thể nói cho tôi biết từ một năm nay anh đã tiêu hết bao nhiêu tiền không?
Prosper đáp ngay không một chút suy nghĩ:
- Được, thưa ngài, khoảng 50.000 franc.
- Thế anh lấy số tiền đó ở đâu ra?
- Trước hết, thưa ngài, tôi có 12.000 franc do mẹ tôi để lại. Tôi hưởng lương và phần trăm lãi suất ở nhà băng ông Fauvel là 14.000 franc. Tôi được 8.000 franc ở thị trường chứng khoán. Số còn lại tôi đi vay, hiện nay tôi đang nợ, nhưng có thể trả được bởi vì tôi có 15.000 franc gửi tại nhà băng Fauvel.
Mọi khoản đều rõ ràng và dễ kiểm tra, chắc chắn là chính xác.
- Thế ai cho anh vay tiền?
- Anh Raoul de Lagors.
- Thôi được, tôi sẽ không hỏi thêm về điểm này nữa. Anh cho tôi biết tại sao đã có lệnh chính thức của ông chủ mà anh còn rút tiền ở ngân hàng trước ngày thanh toán.
- Thưa ngài, đó là vì ông Clameran yêu cầu tôi cho ông được lĩnh tiền ngay từ sáng sớm. Hơn nữa tôi nghĩ là sáng hôm sau mình sẽ đi làm muộn.
- Ông Clameran là bạn của anh à?
- Hoàn toàn không. Thậm chí tôi dám nói là tôi còn ghê tởm ông ấy mà không biết tại sao. Nhưng ông ấy rất gắn bó với anh bạn de Lagors của tôi.
Trong suốt thời gian khá lâu đủ cho viên lục sự Sigault ghi những câu trả lời của bị can, ông Patrigent bóp trán tự hỏi không biết chuyện gì đã xảy ra giữa cha con ông Bertomy mà làm cho Prosper thay đổi như vậy.
- Xin hỏi một điều nữa, - ông cán bộ điều tra nói tiếp. - Tối hôm trước khi xảy ra vụ án anh làm gì?
- Năm giờ chiều hôm đó tôi rời cơ quan ra tàu đi Saint-Germain rồi về nhà anh de Lagors ở Vésinet. Tôi đem trả anh ấy 1.500 franc theo yêu cầu của anh ấy và vì anh ấy không có nhà nên tôi đã trao lại cho người hầu của anh.
- Người ta có bảo với anh là anh de Lagors phải đi xa không?
- Không, thưa ngài, thậm chí tôi không biết là anh ấy không có mặt ở Paris.
- Tốt lắm. Và sau khi ra khỏi nhà bạn anh, anh đã làm gì?
- Tôi về Paris rồi vào một tiệm ăn ăn tối cùng một anh bạn.
- Rồi sau đó?
Prosper ngập ngừng.
- Anh không nói à? - ông Patrigent nói tiếp. - Vậy thì tôi sẽ nói thay cho anh. Anh về nhà tại phố Chaptal, anh lại mặc quần áo và tới dự buổi dạ hội tại nhà một người đàn bà thuộc loại tự cho mình là diễn viên kịch nhưng chỉ làm ô danh sân khấu thôi, đó là chị Wilson.
- Đúng thế, thưa ngài.
- Người ta chơi bạc lớn ở nhà chị Wilson chứ?
- Thỉnh thoảng.
- Vả lại anh đã quen với những loại hội họp như thế này. Anh có dính líu vào một vụ bê bối tại nhà một người đàn bà thuộc hạng người nói trên có tên là Crescenzi không?
- Có phải là ông định nói rằng tôi đã được tòa gọi ra làm nhân chứng cho một vụ trộm?
- Đúng thế, cờ bạc dẫn đến trộm cắp. Và ở nhà chị Wilson có phải anh đã thua 1.800 franc trên chiếu bạc không?
- Xin lỗi ngài, chỉ 1.100 franc thôi.
- Cứ cho là như vậy. Buổi sáng anh đã trả một tờ 1.000 franc chứ?
- Phải, thưa ngài.
- Ngoài ra, trong tủ bàn giấy của anh còn lại 500 franc, và khi bị bắt anh có 400 franc trong ví. Như vậy trong hai tư tiếng đồng hồ anh có 4.500 franc…
Prosper kinh ngạc. Anh tự hỏi làm sao trong vòng một thời gian ngắn như vậy mà ông cán bộ điều tra có thể thu thập được tin tức chính xác đến thế.
- Hoàn toàn chính xác, thưa ngài.
- Anh lấy đâu ra từng ấy tiền khi mà ngày hôm trước anh còn không đủ tiền để thanh toán một hóa đơn nhỏ?
- Thưa ngài, ngày hôm đó tôi đã bán bốn chứng khoán được 3.000 franc. Ngoài ra tôi còn lấy trước trong két 2.000 franc tiền lương tạm ứng. Tôi chẳng có gì phải giấu giếm cả.
Rõ ràng là bị cáo đã trả lời tất cả mọi câu hỏi. Ông Patrigent thấy cần phải tìm một điểm tấn công khác. Ông hỏi:
- Nếu anh không có gì giấu giếm thì tại sao anh lại phải bí mật ném mảnh giấy này cho bạn anh? - ông vừa hỏi vừa giơ bức thư ra.
Lần này đòn đánh của ông đã trúng đích. Ánh mắt Prosper dao động trước cái nhìn của ông cán bộ điều tra.
- Tôi nghĩ, - anh lúng túng. - Tôi muốn…
- Anh muốn giấu người tình của anh.
- Vâng, thưa ngài, đúng thế. Tôi biết là khi một người bị buộc tội thì mọi khuyết điểm của anh ta sẽ trở thành những lời buộc tội đáng sợ.
- Có nghĩa là anh đã hiểu rằng sự có mặt của một người đàn bà ở nhà anh sẽ làm tăng thêm sức nặng cho lời buộc tội. Bởi lẽ anh sống chung với một người đàn bà có phải không?…
- Tôi còn trẻ, thưa ngài…
- Thôi đủ rồi!… Luật pháp có thể tha thứ cho những lỗi lầm nhất thời, nhưng nó không thể dung thứ lối sống chung chạ bê tha như vậy được, vì đó là một sự thách thức luân thường đạo lý. Một người đàn ông sống với một người đàn bà hư hỏng là người thiếu tự trọng, anh ta không cứu vớt được người đàn bà mà chỉ sa đọa theo người đàn bà đó thôi.
- Thưa ngài!…
- Anh có biết người đàn bà đó là ai không?
- Thưa ngài, khi tôi quen cô Gypsy thì cô ấy là cô giáo tiểu học. Cô ấy sinh ở Porto* và đã theo một gia đình người Bồ Đào Nha sang Pháp.
Ông cán bộ điều tra nhún vai:
- Tên cô ta không phải là Gypsy, cô ta không bao giờ là giáo viên, cũng không phải là người Bồ Đào Nha.
Prosper định phản đối, nhưng ông Patrigent yêu cầu anh im lặng. Ông lục tìm trong một tập hồ sơ trước mặt mình.
- À, đây rồi, - ông nói. - Anh nghe đây. Cô ta là Palmyre Chocareille, sinh tại Paris năm 1840, là con gái của ông Jacques Chocareille, nhân viên Công ty Nghĩa trang, và bà Caroline Piedlent.
Bị can phác một cử chỉ sốt ruột. Anh không hiểu rằng lúc này ông cán bộ điều tra rất muốn chứng minh cho anh thấy rằng không có gì giấu giếm được cảnh sát cả.
- Palmyre Chocareille, - ông nói tiếp, được gửi học nghề mười hai năm tại nhà một người thợ đóng giày, và cô ta đã sống tại đó đến năm mười sáu tuổi. Chúng tôi vẫn chưa biết một năm sau đó cô ta làm gì. Đến năm mười bảy tuổi cô ta đi ở cho vợ chồng ông Dombas, người bán hàng thực phẩm khô tại phố Saint-Denis, và sống ở đó ba tháng. Chính trong năm đó, năm 1857, cô ta đã thay đổi tám đến mười nơi làm việc. Năm 1858, chán cảnh phục dịch, cô vào làm hầu gái cho một nhà buôn quạt tại ngõ Choiseul.
Vừa đọc, ông cán bộ điều tra vừa quan sát Prosper để xem những điều phát giác của ông có tác dụng gì đến nét mặt anh không.
- Đến cuối năm 1858, - ông nói tiếp. - Cô Chocareille đi ở hầu hạ cho bà Nunès và theo bà sang Lisboa. Cô ta ở lại Bồ Đào Nha bao lâu? Làm gì bên đó? Điều này tôi chưa nắm được. Có điều chắc chắn là đến năm 1861 cô ta quay về Paris và tại đây cô ta bị tòa kết án ba tháng tù vì tội đánh lộn. À, cô ta từ Bồ Đào Nha về với cái tên là Nina Gypsy.
- Nhưng thưa ngài, tôi xin đảm bảo với ngài rằng…
- Vâng, tôi biết rồi. Tất nhiên là câu chuyện này ít thơ mộng hơn so với câu chuyện mà cô ta đã kể cho anh nghe. Nhưng giá trị của nó là nó là câu chuyện thật. Sau khi Palmyre Chocareille ra tù thì chúng tôi mất hút cô ta. Nhưng sáu tháng sau chúng tôi lại tìm thấy cô ta. Lần này cô ta làm quen với một nhân viên chào hàng có tên là Caldas. Anh này phải lòng sắc đẹp của cô ta và đã thuê cho cô ta một căn phòng gần ngục Bastille. Cô ta sống với anh ấy, mang tên họ của anh ấy, rồi cô ta bỏ anh ấy để theo anh. Anh đã nghe thấy nói đến cái tên Caldas chưa?
- Chưa bao giờ, thưa ngài…
- Anh chàng bất hạnh này rất yêu cô ả, đến nỗi khi cô ả bỏ anh ta thì anh ta đã suýt phát điên lên vì đau khổ. Anh ta có vẻ là một người có nghị lực, và anh ta công khai thề rằng anh ta sẵn sàng giết chết kẻ nào đã bắt cóc tình nhân của mình. Người ta có lý lẽ để tin rằng anh ta đã tự sát. Một điều chắc chắn là sau khi cô Chocareille bỏ đi anh ta đã bán hết đồ đạc trong nhà rồi biến mất. Mọi cố gắng hòng tìm ra dấu vết của anh ta đều vô hiệu.
Ông cán bộ điều tra ngừng lời một lúc như để cho Prosper có thời gian suy nghĩ, rồi ông nhấn mạnh từng chữ nói thêm:
- Đó chính là người đàn bà mà anh đã kết bạn, người đàn bà mà vì cô ta anh đã ăn cắp!…
Lại một lần nữa, vì không được Fanferlot cung cấp thông tin đầy đủ nên ông Patrigent đã đi lầm đường. Ông đang mong sẽ nghe thấy một tiếng kêu đau đớn của Prosper, nhưng không, anh vẫn tỏ ra thản nhiên. Trong tất cả những điều ông cán bộ điều tra vừa kể, anh chỉ nhớ tên của anh chàng nhân viên chào hàng tội nghiệp đã tự tử: Caldas.
- Ít nhất anh hãy thú nhận rằng người con gái này đã làm cho anh khánh kiệt.
- Tôi không thể thú nhận điều đó, thưa ngài, vì sự thật không phải như vậy.
- Anh đã phủ nhận một sự thật hiển nhiên. Anh cũng khẳng định rằng không phải vì cô ta mà anh đã từ bỏ những thói quen trước đây và chấm dứt việc đến chơi nhà ông chủ chứ?
- Không phải vì cô ta, thưa ngài, tôi xin khẳng định.
- Thế thì vì lý do gì?
- Tôi có những lý do không thể nói ra.
Ông cán bộ điều tra thở dài. Cuối cùng ông đã tìm thấy một điểm yếu của bị can.
- Có phải cô Madeleine xua đuổi anh không?
Prosper im lặng. Rõ ràng anh đang rất xúc động.
- Anh nói đi, đây là tình tiết nghiêm trọng nhất đấy.
- Dù thế nào tôi cũng không thể nói được.
- Hãy coi chừng, luật pháp không thể bằng lòng với những thái độ e ngại đâu.
Ông Patrigent im lặng. Ông đang đợi một câu trả lời mà không thấy. Ông nói tiếp:
- Anh ngoan cố lắm. Thôi được! Hiện thời anh đã tiêu hết tiền. Vậy anh đang định làm gì?
- Tôi chẳng biết làm gì cả, thưa ngài. Với lại…
- Với lại, “tôi sẽ lấy tiền trong két” có phải không?
- Ồ! Thưa ngài, - Prosper kêu lên. - Nếu tôi phạm tội thì tôi đã không còn ngồi ở đây nữa! Nếu tôi lấy tiền thì không dại gì tôi lại không bỏ trốn…
Ông Patrigent mỉm cười hài lòng:
- Có thế chứ! Đây đúng là một lý lẽ mà tôi đang mong đợi. Anh ở lại chính là để chứng minh trí thông minh của anh. Rất nhiều vụ án gần đây đã dạy cho các chàng trai thủ quỹ không trung thành biết rằng chạy trốn ra nước ngoài là một hạ sách. Tàu hỏa không thể nhanh hơn điện được. Thà ngồi tù vài năm để sau này được hưởng một khoản tiền lớn đã ăn cắp được còn hơn. Rất nhiều người sẵn sàng hy sinh năm năm để hưởng thụ 350.000 franc.
- Nhưng, thưa ngài, theo tính toán của tôi thì tôi sẽ phải ăn cắp một triệu đồng mới đáng.
- Ồ! Không phải lúc nào cũng có dịp may ấy đâu.
Prosper suy nghĩ một lúc rồi nói:
- Thưa ngài, có một chi tiết tôi quên chưa nói.
- Anh nói đi.
- Tôi đã buộc tiền cất vào két trước mắt anh chàng bảo vệ, người được giao nhiệm vụ ra ngân hàng lĩnh tiền. Và tôi đã rời cơ quan trước anh ta.
- Được, tôi sẽ hỏi anh chàng bảo vệ này. Bây giờ người ta sẽ đưa anh về xà lim, và mong anh hãy suy nghĩ kỹ đi.
Ngay sau khi bị can ra khỏi phòng, ông Patrigent liền hỏi lục sự:
- Này anh Sigault, có phải anh chàng bảo vệ ấy tên là Antonin và đã bị tai nạn mà vắng mặt không đến khai không?
- Đúng thế, thưa ngài.
- Anh ta đang ở đâu?
- Thưa ngài, anh Fanferlot bảo rằng anh ta đang nằm ở nhà thương Dubois.
- Được! Tôi sẽ hỏi cung anh ta ngay ngày hôm nay. Anh chuẩn bị các thứ cần thiết và cho người chuẩn bị xe đi.
Anh chàng bảo vệ bất hạnh bị ngã xe dập đầu gối. Anh đang bị đau kinh khủng nhưng đầu óc hoàn toàn minh mẫn. Nhìn thấy ông cán bộ điều tra cùng anh chàng lục sự bước vào, Antonin đoán ngay ra sự việc:
- Ồ! Ngài đến về vụ Bertomy?
- Đúng thế.
Anh bảo vệ khai tên là Antonin Poche, bốn mươi tuổi, sinh tại Cadaujac (Gironde), chưa vợ.
- Thế nào, anh bạn, - ông cán bộ điều tra lên tiếng, - anh có thể trả lời tôi được chứ.
- Hoàn toàn được, thưa ngài.
- Có phải ngày 27 tháng Hai anh là người đã ra ngân hàng lấy 350.000 franc về không?
- Phải, thưa ngài.
- Mấy giờ anh về tới nhà băng?
- Tôi về hơi muộn. Sau khi ra khỏi ngân hàng tôi có việc phải đến cơ quan Tín dụng Động sản. Phải đến năm giờ chiều tôi mới về tới nhà băng Fauvel.
- Anh có nhớ anh Bertomy làm gì khi anh giao tiền cho anh ấy không?
- Trước tiên anh ấy kiểm tiền, sau đó anh ấy chia làm bốn bó tiền rồi buộc lại cất vào két… Sau đó anh ấy khóa két rồi ra về.
- Anh cam đoan những điều anh nói là đúng chứ?
- Đúng!…Tôi xin lấy đầu ra bảo đảm.
Ra khỏi nhà thương ông Patrigent bảo viên lục sự:
-Thật là nghiêm trọng! Rất nghiêm trọng!