Số lần đọc/download: 0 / 54
Cập nhật: 2021-05-22 19:07:47 +0700
Chương 4 - Khám Phá Bờ Biển Lần Đầu - Briant Và Gordon Vào Rừng - Tìm Không Ra Một Cái Hang - Kiểm Kê Lương Thực, Vũ Khí, Quần Áo, Đồ Dùng Nhà Bếp, Dụng Cụ, Công Cụ - Bữa Trưa Đầu Tiên - Đêm Đầu Tiên
B
ờ biển vắng lặng như Briant đã nhận thấy khi ngồi quan sát trên xà ngang cột buồm trước. Đã một tiếng đồng hồ du thuyền nằm bất động trong cái ổ cát do nó tạo nên mà chưa thấy bóng dáng một người bản xứ nào. Cả dưới những lùm cây trước chân vách đá, cả trên bờ lạch nơi thủy triều đang dềnh lên cũng không có nhà cửa, lều lán gì hết. Trên mặt bãi chỉ có một vành dài rong biển do sóng đánh vào mà không hề có dấu chân người. Ở cửa lạch không có thuyền đánh cá và trong chu vi giữa hai mũi đất bắc và nam của vịnh cũng không thấy sợi khói nào bốc lên.
Đầu tiên, Briant và Gordon cho là phải đi qua rừng để xem có lối trèo lên vách đá không. Gordon nói:
- Chúng mình đã ở trên bộ, thế cũng hay rồi! Nhưng đất này là thế nào mà hình như không có người ở…
- Điều quan trọng là liệu có thể ở đây được không? Chúng ta đang có lương thực và đồ dùng ít lâu… Chỉ còn thiếu chỗ ở… ta phải tìm được, ít ra là để cho các em bé có nơi trú ẩn… trước hết là cho các em! - Briant trả lời.
- Đúng! Cậu nói phải! - Gordon tán thành.
- Giải quyết xong những việc cần kíp, chúng ta sẽ tìm hiểu nơi này. Nếu là lục địa thì có nhiều cơ may là ta được giúp đỡ… Còn là một hòn đảo… một đảo hoang… thì ta sẽ liệu sau! Nào Gordon, chúng mình đi khảo sát xem sao!
Hai cậu nhanh chóng tới bìa rừng mọc xiên từ vách đá tới bờ phải con lạch, cách cửa lạch khoảng ba, bốn trăm bộ. Trong rừng không thấy có dấu vết con người, không một chỗ trổ quang, không một đường mòn. Những thân cây đổ gục vì già cỗi nằm trên mặt đất, đầu gối hai cậu ngập trong lớp lá rụng. Tuy nhiên, chim chóc thì lẩn tránh như là đã biết sợ người, cho thấy nếu như nơi đây không có dân thì họa hoằn có thể người bản xứ ở chỗ khác cũng đã tới.
Mất khoảng mười phút, càng vào gần chân vách đá rừng càng rậm rạp. Vách đá dựng đứng như bức tường, cao khoảng một trăm tám mươi bộ, giá dưới chân vách có hang trú ẩn được thì hay quá. Thật vậy, một cái hang được rừng cây chắn gió biển và không bị sóng biển xâm phạm, kể cả khi thời tiết xấu sẽ là chỗ trú ẩn quá tốt cho các nạn nhân ở tạm trong khi đợi khảo sát kĩ hơn để có thể vào sâu xứ này một cách an toàn. Khốn thay, ở mặt này vách đá dựng đứng như bức tường thành, Gordon và Briant không tìm được một cái hang nào, ngay cả khe nứt để bám vào mà leo lên đỉnh cũng không có! Muốn vào sâu đất này, rất có thể phải đi vòng qua vách đá mà Briant đã biết được hình thế khi ngồi quan sát trên thanh ngang cột buồm trước tàu Sloughi.
Hai cậu đi dọc theo chân vách đá và khoảng nửa giờ sau thì tới bờ phải con lạch chảy ngoằn ngoèo từ thượng nguồn ở phía đông. Bờ bên này cây cối rườm rà xanh tốt, còn bờ trái thì lại trơ trụi, bằng phẳng, dường như là một đồng lầy, trải mãi về chân trời phía nam. Thất vọng, không lên được đỉnh vách đá để mở rộng tầm nhìn hàng dặm, Briant và Gordon trở về tàu Sloughi.
Doniphan và mấy cậu nữa đang đi đi lại lại trên các mỏm đá, còn Jenkins, Iverson, Dole và Costar đang chơi trò mò sò, ốc.
Briant và Gordon thuật lại với các bạn kết quả khảo sát vừa rồi. Trong khi chưa thăm dò được xa hơn thì tốt hơn hết là cứ ở lại du thuyền đã. Mặc dù tàu đã vỡ đáy và nghiêng nhiều về mạn phải, nhưng vẫn ở tạm được, ngay tại chỗ bị sóng xô lên. Tuy boong phía mũi tàu, trên phòng thủy thủ bị hở nhưng phòng khách và các phòng khác ít ra cũng vẫn kín gió, trú lại được. Còn khoang bếp thì không bị thúc vào đá ngầm nên vẫn nguyên vẹn, khiến các chú bé rất vui vì các chú đặc biệt quan tâm đến bữa ăn.
Thật may mắn là không phải chuyển các thứ cần thiết lên bộ. Giả dụ các cậu phải làm việc đó thì cũng phải vượt bao khó khăn vất vả mới thành công được. Nếu con tàu vẫn mắc cạn trước bãi đá ngầm thì làm sao cứu được các vật dụng ấy? Biển mà phá bung du thuyền thì làm sao có thể dùng những mảnh tàu vỡ để vớt đồ hộp, vũ khí, đạn dược, quần áo, chăn đệm và các vật dụng thiết yếu cho cuộc sống của bọn trẻ? May sao con sóng thần đã nâng tàu Sloughi lên qua dải đá ngầm vào đây. Tuy tàu đã hỏng không thể đi biển được nữa nhưng vẫn ở được. Phần bên trên của nó trước đã chống chọi được với gió bão, sau lại chịu được khi va đập vào bãi cát, đáy tàu nay đã ngập sâu trong cát, không thể bật lên được nữa. Đương nhiên, dưới tác động của nắng mưa, rồi tàu sẽ phân rã, sườn tàu sẽ sập, boong tàu sẽ mở toang và không thể làm nơi trú ẩn được nữa. Nhưng từ giờ đến lúc ấy, bọn trẻ có thể tìm đến một thành phố, một làng mạc nào đó, hoặc nếu đây là đảo hoang thì các em sẽ tìm đến một hang động nào đó trên bờ biển.
Vậy tốt hơn hết là hãy trú tạm trên tàu Sloughi. Điều đó được thực hiện ngay. Các em buộc một thang dây bên mạn phải để lớn bé có thể leo lên các ca pô của boong tàu. Moko hơi biết làm bếp nên chịu trách nhiệm làm bữa với sự giúp đỡ của Service tính thích nấu ăn. Mọi người ăn ngon lành, Jenkins, Iverson, Dole và Costar còn tỏ ra thích thú. Chỉ có Jacques vốn là cây vui nhộn của trường lại cứ xa lánh mọi người. Sự thay đổi tâm tính và thói quen của cậu làm mọi người ngạc nhiên. Nhưng ai hỏi vì sao thì cậu lảng tránh không trả lời.
Cuối cùng, quá mệt mỏi sau bao ngày bao đêm trải qua hàng ngàn mối nguy hiểm của trận bão, mọi người chỉ nghĩ đến ngủ. Các em bé tản vào các phòng của con tàu trước, rồi các em lớn cũng vào theo. Tuy nhiên, Briant, Gordon và Doniphan vẫn thay phiên nhau thức canh. Biết đâu lại xuất hiện thú dữ hoặc một nhóm thổ dân cũng đáng sợ không kém. Nhưng không có gì xảy ra cả. Đêm trôi qua bình yên và khi mặt trời xuất hiện, sau khi đọc kinh tạ ơn Chúa, mọi người bắt tay ngay vào những việc cần làm do hoàn cảnh đòi hỏi.
Đầu tiên là phải kiểm kê lương thực, thực phẩm và các vật dụng trên tàu như vũ khí, quần áo, đồ dùng, các thứ công cụ… Thức ăn là vấn đề quan trọng nhất vì bờ biển có vẻ hoang vắng. Chỉ có thể trông mong vào đánh cá và săn bắt chim thú, nếu nơi đây có chim, thú để săn bắt. Cho đến lúc này Doniphan, vốn là một tay súng giỏi, mới chỉ thấy những đàn chim trên dải đá ngầm và các mỏm đá ở bãi cát. Nhưng nếu chỉ được ăn chim biển thì chẳng thú vị gì. Cho nên cần phải xem trên tàu có bao nhiêu thức ăn, nếu dùng dè sẻn thì được bao lâu.
Sau khi kiểm kê thì thấy trừ bích quy là khá dư dả còn các thứ khác như giăm bông, bánh nhân thịt, thịt bò hộp, dù thật tiết kiệm cũng chỉ dùng được không quá hai tháng. Cho nên ngay từ đầu cũng phải sống dựa vào sản vật của nơi đây, để dành đồ hộp ăn đường khi phải vượt hàng trăm dặm để tới các hải cảng trên bờ biển hoặc thành phố trong nội địa.
Baxter lưu ý:
- Liệu có hộp thức ăn nào bị hỏng không? Sợ là nước đã lọt vào hầm tàu, lúc mắc cạn ở bãi đá…
- Ta mở thử vài hộp có vẻ đã bị hư… - Gordon đáp - có thể nấu lại vẫn ăn được.
- Để việc ấy cho cháu! - Moko lên tiếng.
- Thế thì làm luôn đi, chần chừ gì nữa - Briant tiếp lời - vì mấy ngày đầu ta buộc phải sử dụng thực phẩm của tàu.
Wilcox nói:
- Tại sao ngay hôm nay không đến các mỏm đá phía bắc vịnh nhặt trứng chim, rất ngon đấy!
- Đúng! Đúng! - Costar và Dole tán thành.
Webb nói thêm:
- Tại sao không đi câu? Chẳng phải trên tàu thì có cần câu, dưới biển thì có cá đấy ư?… Ai muốn đi câu nào?
Mấy em bé nhao nhao:
- Em! Em!
Briant lên tiếng:
- Được! Được! Nhưng không phải là chuyện chơi đùa đâu. Ai câu nghiêm chỉnh mới được nhận cần câu!
- Yên tâm đi, Briant! - Iverson trả lời - Tụi này coi đây là nhiệm vụ…
Gordon nói:
- Tốt! Nhưng ta bắt đầu kiểm kê đi, không nên chỉ nghĩ đến ăn.
- Nhưng vẫn có thể mò sò, ốc cho bữa sáng nay. - Service nhận xét.
- Được, cứ làm thế! Đi, đi! Ba, bốn em thôi, - Gordon đáp - Moko đi với mấy đứa nhé!
- Vâng, thưa cậu Gordon.
- Nhớ trông nom bọn nhóc cẩn thận đấy! - Briant nói thêm.
- Cậu đừng lo!
Chú thủy thủ là người đáng tin cậy, sẵn lòng giúp người khác, rất khéo léo và dũng cảm, sẽ giúp ích rất nhiều cho những nạn nhân bé bỏng này. Cậu ta rất trung thành với Briant; còn về phần mình, Briant cũng không che giấu là rất mến Moko, một tình cảm mà các bạn người Anh của cậu lại lấy làm hổ thẹn.
Jenkins reo:
- Ta đi thôi!
- Jacques, em không cùng đi à? - Briant hỏi em.
Jacques lắc đầu.
Jenkins, Dole, Costar, Iverson theo Moko đi dọc dải đá ngầm đã lộ ra vì thủy triều xuống. Trong các hốc đá rất có thể có những loài nhuyễn thể như vẹm, sò đốm và cả hàu nữa cũng nên, dù ăn sống hay nấu chín cũng là món góp thêm đáng kể cho bữa sáng. Các em vừa đi vừa nhảy nhót vì vui thích hơn là vì lợi ích. Ở lứa tuổi ấy, nếu như những thử thách vừa trải qua chỉ còn mờ nhạt trong trí nhớ thì những hiểm nguy sắp tới cũng chẳng đáng bận tâm.
Các chú bé vừa đi khỏi, các cậu lớn đã bắt đầu lục lọi trong tàu. Nhóm Doniphan, Cross, Wilcox, Webb kiểm kê vũ khí, đạn dược, quần áo, chăn đệm, đồ dùng, công cụ. Nhóm Briant, Garnett, Baxter và Service kiểm kê đồ uống, rượu vang, bia, brandy, whisky, gin chứa trong các thùng có dung tích từ mười đến bốn mươi gallon* ở hầm tàu. Kiểm xong thứ gì, Gordon vào sổ thứ ấy. Cuốn sổ tay này chi chít những ghi chép về việc sắp xếp và về các thứ đồ đạc, vật dụng trên tàu. Chàng trai Mỹ chỉn chu này có thể nói là một nhà kế toán bẩm sinh với đầy đủ tố chất, chỉ cần kiểm tra để xác nhận nữa mà thôi.
Đơn vị dung tích Anh tương đương 4,54 lít.
Trước hết, phải công nhận là con tàu có một bộ buồm dự trữ hoàn chỉnh, đủ loại thừng, chão, dây cáp… Nếu du thuyền còn có thể đi biển được thì có thể thay thế hoàn toàn những thứ bị hư hỏng. Tuy nhiên, những vải buồm thượng hạng, những thừng chão mới ấy, dẫu không được dùng để tái trang bị cho tàu, thì cũng rất hữu dụng cho việc phải ở lại đây. Những ngư cụ đã được vào sổ như cần câu, lưới đáy, lưới quét là những thứ rất quý, miễn là vùng biển này nhiều cá. Về vũ khí, cuốn sổ ghi: tám súng săn, một súng bắn vịt trời tầm xa, mười hai súng ngắn, đạn dược có ba trăm viên có đui* cho súng có khóa nòng, hai thùng thuốc súng, mỗi thùng hai mươi lăm livre*, khá nhiều viên chì ghém và đạn. Những thứ này dự định để săn bắn mỗi khi tàu Sloughi ghé vào bờ biển New Zealand trong cuộc du lịch, nay sẽ được sử dụng tốt hơn để bảo đảm cuộc sống cho bọn trẻ, cầu cho không phải là để bảo vệ các em. Trong hầm tàu còn có một số pháo hiệu dùng khi tàu vận hành ban đêm và khoảng ba mươi mồi thuốc và đạn cho hai khẩu pháo nhỏ trên tàu, cũng mong rằng không phải dùng để chống người bản xứ tấn công.
Loại đạn bắn xong lại có thể nhồi thuốc súng và các viên chì ghém bắn tiếp, dùng bắn chim thú.
Đơn vị đo khối lượng tương đương 0,5 kilôgam.
Còn các đồ phục vụ tắm giặt, dụng cụ nấu ăn thì đủ dùng dù cho các nạn nhân phải lưu lại khá lâu. Khi tàu va vào đá ngầm, bát đĩa bị vỡ một phần, nhưng số còn lại cũng đủ dùng. Vả chăng đây cũng không phải là thứ thật cần thiết. Có giá trị hơn là quần áo may bằng các loại vải flanen, dạ, vải bông, lanh đủ để thay đổi phù hợp với thời tiết. Thật vậy, nếu nơi này nằm cùng vĩ độ với New Zealand - có thể lắm vì từ lúc xuất phát, con tàu luôn bị gió tây đưa đi, thì mùa hè sẽ rất nóng mà mùa đông thì rất lạnh. May sao trên tàu đã chuẩn bị đủ quần áo cho một chuyến đi nhiều tuần. Thêm nữa, trong các hòm của thủy thủ còn có quần dài, áo va-rơi, áo ca-pốt da đánh xi, áo len dày dặn có thể sửa cho vừa tầm vóc các em để chống lại mùa đông khắc nghiệt. Chẳng nói cũng biết, nếu phải rời tàu đến một chỗ ở chắc chắn hơn thì các em sẽ mang theo chăn đệm, cẩn thận sẽ dùng được lâu dài…
Lâu dài!… Có thể nghĩa là mãi mãi!
Còn đây là mục liệt kê đồ dùng đi biển của Gordon: hai khí áp kế hộp, một nhiệt kế rượu bách phân, hai đồng hồ đi biển, nhiều kèn, còi đồng dùng để báo hiệu từ xa khi trời mù, ba kính nhìn gần và nhìn xa, một la bàn hộp và hai la bàn nhỏ, một ống báo bão, nhiều cờ của Vương quốc liên hiệp, chưa kể một bộ cờ để truyền tín hiệu giữa các tàu biển với nhau. Cuối cùng là một xuồng cao su, gập lại được như một chiếc va li, dùng để qua sông qua hồ.
Còn công cụ thì có cả một bộ đồ nghề thợ mộc khá hoàn chỉnh trong hòm, chưa kể những túi đinh, ốc vít, nẹp sắt các loại để sửa chữa vặt trên tàu. Cả đến cúc áo, kim chỉ cũng chẳng thiếu vì các bà mẹ chu đáo đã chuẩn bị phòng khi các em phải vá víu quần áo. Cũng không sợ thiếu lửa vì có rất nhiều diêm, bùi nhùi và bật lửa đủ dùng một thời gian dài.
Tàu còn có nhiều bản đồ, nhưng lại chỉ là bản đồ vùng biển New Zealand nên ở đây thì vô dụng. May sao Gordon lại mang theo một cuốn atlas các đại dương bao gồm cả cựu và tân lục địa mà lại đúng là atlas Stieler, được đánh giá là một trong số atlas đầy đủ nhất của khoa địa lí hiện đại. Rồi tủ sách trên tàu còn có một số tác phẩm hay của Anh và Pháp, nhất là truyện du kí và mấy cuốn sách khoa học, chưa kể hai cuốn truyện Robinson nổi tiếng của Service mà cậu giữ gìn chẳng khác gì Garnett giữ gìn chiếc phong cầm của mình khi con tàu gặp nạn. Cuối cùng, khoản giấy, bút, mực, bút chì đủ dùng để viết. Còn cuốn lịch năm 1860 được giao cho Baxter chịu trách nhiệm qua ngày nào thì xóa ngày đó đi. Cậu tuyên bố:
- Ngày 10 tháng 3 là ngày tàu Sloughi của chúng mình bị ném lên bờ biển này!… Tớ sẽ xóa từ ngày ấy trở về trước đã!
Trong két của tàu còn có 500 bảng tiền vàng. Nếu các em tới được hải cảng nào đó thì số tiền ấy có thể giúp các em trở về.
Gordon kiểm tra cẩn thận để xác định lượng đồ uống trong các thùng chứa ở hầm tàu. Khi tàu va vào đá ngầm, một số thùng bị nứt, vỡ, rượu chảy ra qua các chỗ hở. Thế là mất toi. Vì vậy phải giữ gìn cẩn thận số còn lại. Tổng cộng, trong hầm tàu còn 100 gallon rượu vang đỏ và rượu sherry, 50 gallon rượu gin, rượu brandy và rượu whisky, 40 thùng bia, mỗi thùng 25 gallon. Ngoài ra còn ba chục chai rượu mùi khác nhau, được bọc rơm cẩn thận nên hãy còn nguyên.
Như vậy, những kẻ sống sót trên con tàu Sloughi được bảo đảm về vật chất một thời gian dài nữa. Điều cần thiết là xem nơi đây có thể cung cấp cho họ những gì để tiết kiệm thực phẩm sẵn có. Thật thế, nếu trận bão ném họ lên một hòn đảo thì trừ phi có tàu chạy qua vùng biển này và họ báo được cho tàu biết, còn không thì chẳng có cách nào để rời khỏi đây. Sửa chữa du thuyền hoặc đóng một tàu mới từ những mảnh vỡ của tàu cũ thì vừa quá sức các em, vừa không đủ công cụ để thực hiện. Vả lại các em làm gì có đủ kiến thức để đưa con tàu vượt Thái Bình Dương, trở về New Zealand? Giá còn hai chiếc thuyền thì cũng có thể dùng để liên hệ với lục địa hoặc hòn đảo nào đó, nếu có, ở vùng biển này. Nhưng cả hai thuyền đã bị gió bão cuốn đi, chiếc xuồng còn lại thì cùng lắm cũng chỉ đi quanh ven bờ được thôi.
Gần trưa, Moko dẫn mấy chú bé về. Làm việc nghiêm túc, các chú đã góp phần mình vào lợi ích chung, mang về khá nhiều sò, ốc và Moko liền bắt tay vào chế biến. Còn trứng chim thì chắc là nhiều vì Moko đã phát hiện vô số chim câu núi làm tổ trong các hốc ở vách đá.
- Hay lắm! - Briant nói - Hôm nào ta tổ chức săn một buổi thì vớ to đấy.
- Chắc hẳn rồi! - Moko trả lời - Chỉ ba, bốn phát súng là được cả tá chim; còn trứng thì ta ròng dây tụt xuống là lấy được thôi, không khó đâu!
- Tán thành! - Gordon nói - Trong khi chờ đợi, liệu ngày mai Doniphan có muốn đi săn không?
- Mình không muốn gì hơn! - Doniphan đáp - Webb, Cross và Wilcox đi với mình chứ?
- Rất vui lòng! - Ba cậu bé cùng lên tiếng, thích mê vì sắp được nổ súng vào đàn chim hàng ngàn con kia.
- Tuy nhiên, - Briant nhắc nhở - mình lưu ý các cậu là đừng giết hại nhiều chim; cần để dành cho lúc ta cần đến, với lại không nên phí phạm thuốc súng và đạn.
- Thôi! Thôi! - Doniphan không muốn nghe ai nhắc nhở, nhất là Briant - Chúng mình có phải lần đầu đi bắn đâu, khỏi cần ai dạy bảo!
Một giờ sau, Moko báo bữa ăn đã sẵn sàng. Mọi người nhanh chóng lên tàu, vào phòng ăn. Vì con tàu nằm nghiêng trên ổ cát nên bàn ăn cũng nghiêng hẳn về bên mạn phải. Nhưng bọn trẻ chẳng quan tâm vì đã quen với sự chao đảo của con tàu trên sóng biển. Món sò ốc và đặc biệt là vẹm được khen ngon, mặc dầu nêm gia vị chưa đúng cách. Nhưng ở lứa tuổi ấy, sự thèm ăn chẳng phải là thứ gia vị tốt nhất sao? Bánh quy, thịt bò hộp, nước ngọt múc ở cửa lạch lúc thủy triều xuống để tránh vị lợ, nhỏ thêm mấy giọt brandy làm cho bữa ăn tạm chấp nhận được.
Buổi chiều dành để sắp xếp lại hầm tàu và phân loại các thứ đã vào sổ. Trong khi đó, Jenkins và bọn trẻ nhỏ ra con lạch có rất nhiều cá các loại để đánh bắt.
Sau bữa ăn tối, mọi người đi ngủ, trừ Baxter và Wilcox phải thức canh đến sáng. Đêm đầu tiên trên đất này của Thái Bình Dương đã trôi qua như vậy.
Tóm lại, bọn trẻ không bị thiếu thốn như nạn nhân bị đắm tàu ở các vùng biển vắng vẻ thường phải chịu. Ở vào hoàn cảnh như các em thì những người lớn khỏe mạnh và khôn khéo hẳn sẽ có nhiều cơ may vượt qua thử thách. Nhưng liệu lũ trẻ này, trong đó đứa lớn nhất mới mười bốn tuổi, nếu buộc phải lưu lại đây nhiều năm thì có đảm bảo được cuộc sống không? Chưa thể tin chắc được.