Số lần đọc/download: 2517 / 61
Cập nhật: 2016-06-21 19:07:15 +0700
John Boyd Dunlop
C
ách đây khoảng ba chục năm, một ông bảo tôi mua một chiếc xe máy giá 13 đồng cho ba người con trai còn nhỏ tuổi. Ba anh tôi tranh nhau quần nó suốt ngày đêm trong khoảng sân ở trước nhà. Ống chân người nào người nấy đầy những vết thương mà nét mặt thì hân hoan như bọn người lớn chúng ta trúng được số độc đắc, và tiếng reo hò, cười giỡn vang cả xóm, tới nỗi những người ở bờ bên kia rạch nghe thấy, cũng mỉm cười, bắc loa bằng tay, hỏi vọng qua: “Cái gì mà khoái dữ vậy?”. Sau một tuần bỏ cả ăn, bỏ cả ngủ, khi đã ngồi vững trên yên rồi, một người anh tôi vỗ đùi, bảo hai người kia: “Chỉ có mười ba đồng mà đào tạo được ba cái thiên tài, rẻ quá, phải không các chú mày? Nhất là nó gây cho chúng mình được bao nhiêu phút thần tiên”.
Bạn thử nhớ lại xem, hồi mười, mười một tuổi, có cái thú nào bằng cái thú tập xe máy không? Kể cả cái thú chơi đớn và đá banh nữa. Ngay bây giờ đây, đã gần năm chục tuổi, mà mỗi lần về tỉnh nhỏ, tôi vẫn thích nhảy lên một chiếc xe máy đi dạo trên những đường vắng, nghe tiếng chim ríu rít trên cành và nghe tiếng gió thổi nhè nhẹ ở bên tai. Hễ đi dạo thì tôi không thích xe hơi: nó nhanh quá và khét mùi xăng; ghét cả xe máy dầu: nó nặng quá mà ồn quá, nhất là vì nó không cho tôi được đạp. “Không được đạp thì có gì mà thích?” Có lần một em nhỏ bảo tôi như vậy. Thật đúng quá. Mà cái tiếng chuông xe máy hồi xưa nghe cũng khoan khoái, trong trẻo, thanh nhã biết bao: “Kíng keng! Kính keng!” Vạn tuế xe máy! Vạn tuế ông Kirpatrick Mac Millan, người đã phát minh ra xe máy.
Nhưng cũng phải vạn tuế ông Dunlop nữa, vì không có ông thì đạp xe máy tới bây giờ vẫn còn là một cực hình. Bạn nào đã lớn tuổi chắc chưa quên những xe kéo bánh sắt hồi xưa? Quên làm sao được. Nghĩ lại mà rùng mình! Bốn chục năm trước, mỗi lần ở Hà Nội về thăm quê ở Sơn Tây, chúng tôi phải đi bằng xe kéo bánh sắt, vì hồi đó, hãng xe hơi Mỹ Lâm chưa xuất hiện. Đường dài khoảng bốn chục cây số, mà chúng tôi phải ngừng bốn năm chặng: ở Cầu Giấy, ở Nhổn, Trạm Trôi, rồi Phùng… Mỗi lần ở trên xe bước xuống, chúng tôi thở nhẹ một cái, rồi vươn vai, vặn mình, kiếm cái chõng hay cái võng để ngả lưng. Xe chạy rất chậm, nhiều lắm là sáu cây số một giờ, nhưng chỉ vì hai cái bánh sắt mà nó lọc cọc, nhồi lên nhồi xuống, lắc bên đây lắc bên kia, thỉnh thoảng chúng tôi lại mắm môi, bám lấy sườn xe cho khỏi bị tung lên. Tới Sơn Tây, các khớp xương trong mình muốn long hết ra. Ấy là xe chở nặng, lò xo mạnh, mà còn như vậy. Thử tưởng tượng,bảy chục năm trước, xe máy còn bánh sắt, mà chạy mười, mười hai cây số một giờ, thì cái con người ngồi trên yên, sau một ngày du lịch, có lẽ không còn cái xương nào lành. Cho nên hồi đó, xe máy chỉ dành riêng cho lực sĩ, người thường như chúng mình ít ai dám leo lên nó. Phải đợi đến khi John Boyd Dunlop phát minh những bánh bơm thì đạp xe máy mới thành một thú thần tiên nhất của thanh niên.
*
* *
Ông sinh năm 1840 ở Ayrshire, xứ Ecosse, trong một gia đình đã mấy đời theo nghề nông. Song thân ông thấy thể chất ông yếu mà tư chất thông minh, nên cho ông học chữ chứ không bắt làm ruộng. Ông rất đa tài: môn gì cũng thích, cũng giỏi, nhưng có khiếu nhất về khoa học và máy móc. Năm mười chín tuổi, ông đậu thú y và năm 1867, hai mươi bảy tuổi, ông qua Belfast ở xứ Irlande để hành nghề. Sau hai mươi năm, ông nổi danh, giàu có, đông thân chủ nhất miền. Những lúc rảnh, ông thường lưu tâm đến máy móc.
Hồi đó đã bắt đầu có xe hơi và xe máy; nhưng ít ai tin rằng hai loại xe đó sẽ phát triển ghê gớm. Chỉ những kẻ bạt mạng, muốn giỡn với tử thần mới dám lái xe hơi, và phải là hạng xương đồng da sắt mới dám đạp xe máy.
Thực ra xe máy đã có từ lâu (tức như kiểu một bánh lớn, một bánh nhỏ chế tạo ở đầu thế kỷ thứ 19); nhưng kiểu xe máy ngày nay thì ra đời cùng một năm với John Dunlop và ở cùng một xứ. Người chế tạo ra nó là Kirpatrick Mac Millan, làm nghề thờ rèn ở Keir, và năm 1842, ông là người đầu tiên dùng nó để đi một quãng đường dài trăm cây số từ Keir tới Glasgow. Đi mất hai ngày. Tôi phục cái tài sáng chế của ông đã đành rồi, mà còn phục cái sức chịu nhồi của ông nữa: đường thì lởm chởm những đá, xe không có lò xo, bánh lại bằng gỗ, mà đạp được một trăm cây số! Ít ai được như ông, cho nên non nửa thế kỷ sau kiểu xe của ông vẫn chưa được thịnh hành. Đã có người thay đai sắt của bánh xe bằng đai cao su, nhưng xe cũng chẳng êm hơn được bao nhiêu.
Ngoài những lúc đi thăm bệnh các súc vật trong trại, Dunlop thường nghĩ tới những bất tiện của bánh xe đặc, và tìm cách cải thiện nó. Nhờ tài phát minh của ông và nhờ có một cậu con mười tuổi, tên là Johnnie, mà ông đã làm thay đổi đời sống của nhân loại trong mấy thế hệ nay, và trong biết bao thế hệ sau này nữa.
*
* *
Ông tốn công suy nghĩ trong mấy năm, thí nghiệm nhiều giải pháp: dùng mọi kiểu lò xo, rồi mọi kiểu găm mà kết quả vẫn không được như ý. Sau cùng ông nảy ra một ý là trị bệnh tại gốc, nghĩa là phải chêm cái gì mềm vào giữa mặt bánh xe và mặt đường. Dùng cao su đặc thấy vô hiệu, ông nghĩa cách bơm không khí vào một ống cao su, ngoài bọc lớp vải, rồi đem quấn chung quanh bánh xe. Ngày nay ta cho ý đó rất tầm thường nhưng bảy chục năm trước, ai cũng phải nhận là tân kỳ. Năm ấy ông đã bốn mươi bảy tuổi, gần tới tuổi dưỡng lão.
Trong tập Ký ức, ông chép:
“Tôi đóng một bánh xe bằng gỗ, trực kính khoảng bốn chục phân; rồi tôi mua một tờ cao su dày bảy phân chín li, làm thành một cái túi chứa không khí (ta gọi là ruột xe), tôi lắp vòi vào… Dùng chiếc bơm để bơm banh của con tôi, tôi bơm không khí vô túi đó rồi tôi thắt vòi lại như người ta thắt vòi trái banh. Tôi đem ra sân chiếc bánh xe có vỏ bơm đó với một chiếc bánh nhỏ hơn, tháo ở xe ba bánh của con tôi. Làm bộ như không quan tâm gì tới cả, tôi hỏi một người đứng cạnh, ông John Caldwell: “Anh thử đoán xem hai bánh xe này bánh nào lăn nhanh hơn?” Ông ta đáp: “Bánh nhỏ lăn nhanh hơn, tất nhiên rồi!. Rồi tôi lăn chiếc bánh nhỏ mà vành bằng cao su đặc; nó chạy không hết mặt sân. Tôi lăn chiếc lớn có vỏ bơm không khí. Nó lăn tới cuối sân, đập mạnh vào lớp lưới sắt và dội trở lại. Ông Caldwell cho rằng tôi lăn bánh sau mạnh hơn bánh trước. Nhưng khi ông lăn lấy thì kết quả cũng như vậy… Con tôi cũng dự cuộc thí nghiệm ấy”.
“Từ hôm đó, nó cứ nằng nặc đòi tôi chế tạo thật mau những bánh xe mới để nó thắng các bạn lớn tuổi hơn nó trong các cuộc đua xe máy sau giờ học ở công viên Belfast. Nó bảo rằng hằng ngày có phiên chợ, xe cộ nhiều quá, nó phải đạp trên đường xe điện, chậm quá. Nó khỏe mạnh, không sợ xóc, chỉ phàn nàn rằng xe ba bánh của nó chạy chậm như rùa”.
Chính vì muốn chiều con mà Dunlop đem thực hiện phát minh của ông. Mùa đông năm đó, ông chuyên tâm vào công việc. Ông lấy hai miếng ván, uốn cong thành hai vành xe, trực kính là chín chục phân, và cũng như lần trước, ông làm hai cái ruột cao su, bao một lớp vải dày, gắn vòi bơm hơi, và một khi bơm cứng rồi, ông lấy nhựa cao su gắn bịt lại. Ngoài lớp vải, ông phết một lớp cao su để dán với vành xe. Tới hôm 28 tháng hai năm 1888, mọi việc hoàn thành.
Cậu Johnnie nóng lòng, đem ngay ra thử, thì gặp lúc nguyệt thực, phải đợi đến gần nửa đêm, trăng mới tỏ trở lại, cậu mới đẩy xe ra đường được. Cậu thích quá, không ngờ xe chạy mau lạ lùng, và suốt đêm đó, cậu chỉ mong trời mau sáng để thắng chúng bạn trong cuộc chạy đua. Còn ông, đêm đó cũng trằn trọc, tự hỏi kiểu vỏ đó có bền không. Hôm sau, ông dậy, xem xét tỉ mỉ, không thấy một vết trầy nào cả, mỉm cười, khoan khoái.
*
* *
Ông mua ngay một chiếc xe ba bánh nữa, nhưng chỉ mua sườn, chứ không mua bánh. Ông chế tạo bánh mới, lắp vô và gởi đi cầu chứng phát minh.
Được chứng thư rồi, ông đặt một hãng cao su làm cho ông những vỏ và ruột xe thực tốt để lắp vô một chiếc xe cho cậu Johnnie chạy đua với chủ nhân tiệm xe máy lớn nhất ở Belfast là hai ông Edlin và Sinclair. Eldin từ trước vẫn giật giải quán quân một cách dễ dàng, lần đó thua một em nhỏ, trong một cuộc đua 800 thước. Khi tới mữa, ông hổn hển bảo Johnnie: “Giỏi! Em làm cho qua toát mồ hôi mà theo không kịp”.
Ông ta thí nghiệm kiểu vỏ mới, thấy còn bền hơn kiểu bánh cũ, bèn cho chế tạo thật nhiều và quảng cáo trên tờ Irish Cyclist:
BẠN HÃY ĐÒI CHO ĐƯỢC KIỂU XE MÁY MỚI VỎ BƠM!
Bảo đảm: Đường xóc cách nào, xe chịu cũng được.
Độc quyền chế tạo.
W. Edlin và công ti Garfiel St; Belfast.
Cũng trong số báo đó, ta đọc một bài giới thiệu, giọng mỉa mai rất nhẹ nhàng:
“Xin giới thiệu cùng độc giả một kiểu xe máy mới, kiểu xe máy bánh bơm. Hai chữ “bánh bơm” làm ta liên tưởng đến không khí, phải không bạn? Càng tốt chứ sao! Chúng tôi vẫn thích những ý khoáng đạt, thanh thoát, không bịt tắc như một nơi thiếu không khí.
…Chúng tôi sẽ báo tin thêm cho độc giả hay sau khi được cái hạnh phúc ngắm kỹ phát minh có tính cách “không trung” đó, vì nó liên quan với không khí mà!”
Tất nhiên là Dunlop có phần hùn trong công ty Edlin. Mới đầu họ chế tạo mười hai chiếc xe máy và sáu chiếc ba bánh. Kỹ thuật đã tinh xảo lắm, và chiếc vỏ đầu tiên lăn năm ngàn cây số mà không hề bể, còn bền hơn vỏ Labbé trong hồi đại chiến vừa rồi nữa. Hiện nay người ta chân tàng nó trong viện Royal Scottish Museum ở Edimburg.
*
* *
Tuy nhiên giới mộ xe máy vẫn nghi ngờ phát minh của Dunlop. Mãi đến mùa xuân năm 1889, William Hume, hội trưởng hội xe máy ở Belfast mới để ý tới nó, thử nó mấy lần và rút cuộc chịu dùng nó trong một cuộc đua.
Tới ngày đua, các nhà quán quân ở Irlande đều có mặt. Ai nấy đều cưỡi những chiếc xe vỏ bằng cao su đặc, riêng ông dùng kiểu bánh bơm. Ông đua bốn cuộc thắng cả bốn.
Dunlop ghi kết quả trong tập Ký ức:
“Khi ông Hume tới, trăm cặp mắt đều đổ dồn cả vào chiếc xe nhỏ, bánh bơm của ông. Trong vòng đua thứ nhất, tôi nghe có người nói: “Chiếc xe nhỏ chạy cũng nhanh bằng những chiếc xe lớn, thật lạ lùng!”. Người khác hỏi: “Nó có cái gì mà chạy nhanh được như vậy, kìa?” Tới vòng cuối, một người bảo: “Có ma quỷ gì trong chiếc xe đó!”
Hết cuộc đua thứ nhất, người ta mời tôi xuống sân để giảng về phát minh của tôi… Người ta xúm xít quanh tôi, khen ngợi tôi, và hoan hô tôi nhiệt liệt”.
Khi Dunlop trở về khán đài, một thể thao gia danh tiếng ở Dublin, ông William Harvey du Cros hỏi mua chiếc xe đó, nhưng Edlin đã hứa bán cho Hume rồi. Sự gặp gỡ ấy ảnh hưởng rất lớn tới tương lai của loại bánh bơm. Du Cros tìm hai nhà kỹ nghệ gia lớn ở Dublin, thuyết phục họ bỏ vốn ra khai thác phát minh của Dunlop. Dunlop bằng lòng và năm 1889, công ti Dublin thành lập.
*
* *
Du Cros hoạt động rất hăng hái, đi khắp châu Âu để trình bày kiểu bánh bơm, dựng xưởng chế tạo xe máy Dunlop và lặp chi nhánh để bán. Mới đầu ông gặp nhiều trở ngại vì ông làm hại các nhà sản xuất kiểu xe cũ. Có nhiều lần ông bị người ta đả đảo và đánh tới mang nhiều vết thương nặng. Nhưng ông không lấy vậy làm buồn, vì dư biết rằng mình có thành công thì thiên hạ mới ghen ghét.
Thực vậy, chỉ trong mấy năm, số vốn của công ty đã phải tăng lên tới năm triệu Anh-kim, tức một tỉ bạc ngày nay. Phát minh của Dunlop đã làm cho đạp xe máy thành một thú vui vô song và quần chúng đòi hỏi kiểu xe mới mỗi ngày mỗi nhiều. Ngay tới xe hơi, phát triển mạnh được như ngày nay cũng nhờ Dunlop, vì nếu phải dùng bánh đặc như hồi xưa thì ít ai dám ngồi xe hơi, mà tốc độ cũng không thể quá ba chục cây số một giờ.
Mặc dầu số xe hơi và xe máy dầu mỗi ngày một tăng, nhất là từ sau đại chiến thứ nhì, phương tiện giao thông rẻ tiền và tiện nhất vẫn là xe máy. Người ta đã tính ra, nước Anh có trên mười hai triệu xe máy, trung bình bốn người một chiếc. Ở Đức, số xe máy còn lớn hơn: mười tám triệu. Pháp dùng mười triệu chiếc, Nhật bảy triệu, Ý năm triệu. Dân chúng Hà Lan và Đan Mạch thích xe máy nhất: cứ hai người một chiếc. Tổng cộng khắp thế giới có tới bảy mươi lăm triệu chiếc, và từ các ông hoàng bà chúa, tới các trẻ bán báo, đánh giày, ai ai cũng nhờ Dunlop mà được hưởng cái thú thần tiên nhất của thanh niên.