Books are a refuge, a sort of cloistral refuge, from the vulgarities of the actual world.

Walter Pater

 
 
 
 
 
Tác giả: Võ Thị Hảo
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Tiểu Di
Số chương: 13
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 7126 / 123
Cập nhật: 2015-09-04 02:58:38 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5 - Cửu Trùng
háng ba.
Kinh thành đỏ rực hoa. Hàng cây gạo bên sông Cái, sông Nhuệ, sông Tô nghiêng những con rồng lửa quấn quýt nực nội xuống dòng sông. Những cánh hoa rơi lăn lóc trên mặt cỏ như bùi nhùi rơm nhỏ xíu lập loè cháy. Mênh mông mang đầy trời tiếng ong bay.
Vua Lý Nhân Tông ngự lãm điểm binh ở cánh đồng Gỉang Võ.
Bao quanh đài cao là đội Ngự lâm quân do quan Tả đô cấm vệ chỉ huy sứ chỉ huy. Vòng ngoài là mười vệ Điện tiền cấm quân gươm giáo sáng loà, trùng trùng lớp lớp trải rộng, cờ xí rợp trời, kéo dài tới tận sát nơi chuồng ngựa chuồng voi Kim Mã, Cống Vị. Các đạo Tả Quảng Thánh, Hữu Quảng Thánh, Tả Ngự Long, Hữu Ngự Long, Tả Bổng Nhật, Hữu Bổng Nhật, Tả Thần Điện, Hữu Thần Điện… Trên trán mỗi cấm quân đều thích ba chữ son đỏ: "Thiên tử quân". Khi triều đình truyển mộ trai tráng vào các đạo cấm vệ quân, Thái uý Lý Thường Kiệt đã tâu lên vua: "Bẩm bệ hạ. Ta nên chọn dân châu Hoan. Dân đó xưa nay dù mang tiếng gàn dở nhưng một dạ trung thành. Bệ hạ sai chúng gác cổng Cấm thành, chẳng phải chỉ kẻ lạ mặt mà dẫu cha chúng nó xin vào thành nhổ một ngọn cỏ rồi trở ra tức khắc, chúng cũng quyết không cho!…".
- Hoàng thượng giá lâm!
Tiếng hô của quan Tả đô cấm vệ chỉ huy sứ. Cả biển người chuyển động, hô theo như sấm rền:
- Thánh thượng vạn tuế! Thái hậu vạn tuế vạn vạn tuế!
Xa giá tới.
Thớt voi trắng dẫn đầu cỗ xe THÁI BÌNH. Bành voi Bồng la nga cẩn vàng. Cổ voi đeo một chuỗi ba mươi sáu chiếc chuông bạc, mỗi bước đi, tiếng chuông ngân lên trong vắt. Hai quan Chánh phó Điện tiền chủ huy sứ cưỡi ngựa trắng hộ tống hai bên. Đức Nhân Tông ngồi trên bành voi, mặc áo bào tía, đầu đội mũ hành phục quan màu vàng có đính hạt châu. Ngài ngự đang ở tuổi hai mươi hai. Da đỏ hồng hào. Trán dô. Cái nhìn như đóng đinh người ta. Hàm vuông miệng rộng. Tay dài quá gối. Bên cạnh Ngài, Thái hậu Ỷ Lan mặt tròn như trăng rằm, mày tằm, mũi như trái mật treo, quyền cốt nổi rõ dù đám thị nữ đã khéo che phủ bằng một lớp phấn màu hoa đào. Thái hậu đội mũ thêu cửu long chầu nguyệt, tóc búi cài đôi trâm vàng có chữ thọ kết bằng ngọc quý. Mặc áo bào dệt bằng tơ đậu tám sợi thêu rồng. Xiêm cũng dệt bằng tơ đậu tám sợi màu trắng thêu chim phượng.
Đi sau Nhà vua và Thái hậu là Thái uý Lý Thường Kiệt và nhà sư Khô Đầu, vị quốc sư mới được nhà vua tấn phong hồi tháng Giêng, tay cầm tiết việt. Lý Thường Kiệt đã vào tuổi lục tuần nhưng tráng kiện trong bộ võ phục màu đen nẹp trắng, đai tơ sẫm màu, trước ngực thêu hình đầu hổ chỉ bạc. Dưới vành mũ Thái uý là gương mặt đẹp uy nghi. Dải mũ bản to quá khổ nhằm che khuất chiếc cằm trắng không râu. Đi sau nữa là các hoàng thân quốc thích, quan lại từ Tứ phẩm trở lên đội mũ phốc đầu, chân đi hia đế cao. Diên Thành hầu dẫn đầu. Áo bào đỏ viền đai cẩn ngọc quý, hầu là vị quan nhất phẩm được vua Nhân Tông nể vì. Là vị vua có hiếu với mẹ, Đức vua rất hài lòng khi thấy vợ chồng Diên Thành hầu thường xuyên đến thăm Thái hậu, dâng hương liệu lạ, châu ngọc quí và có những câu pha trò khiến Thái hậu vui.
Đến trước đài cao, theo hiệu lệnh của quản tượng, voi trắng rống lên một tiếng trầm đục rồi quì hai chân phủ phục. Thái giám, thị vệ, thị nữ xúm xít đỡ Vua và Thái hậu. Ba hồi chín tiếng trống dóng lên. Theo nhịp trống, Vua và Thái hậu dẫn đầu cùng các quan văn võ bước lên đài.
Đức Nhân Tông kiêu hãnh phóng tầm mắt.
Dưới chân đài, một rừng quân tướng hàng ngũ chỉnh tề, khí giới sắc quắc đứng nín thở chờ đến lúc Ngài phát lệnh điểm binh.
Xa hơn, đội kỵ binh và đội tượng binh uy nghi bên tả, bên hữu…
Và xa hơn nữa, đám dân chúng chen chúc nhau mong được trộm ngắm mặt rồng.
Đức Nhân Tông vui mừng trong dạ. Đất nước qua bao cơn bĩ cực đã tới tuần thái lai.
Mười sáu năm về trước, Nhâm Tý, Thái Ninh năm thứ nhất, mới mười bảy tuổi, Thái tử Càn Đức nối nghiệp cha lên ngôi hoàng đế. Mưa tầm tã hàng tháng trời. Vừa kịp rước Phật Pháp Vân về kinh để cầu tạnh thì xảy đến chuyện nhật thực u ám đất trời. Khắp kinh thành, trong các làng xóm thôn xã, người người chạy ra đường gào thất thanh: "Gấu ăn mặt trời! Gấu ăn mặt trời! Đuổi gấu! Đuổi gấu…". Nhà có mõ dùng mõ, nhà có thanh la dùng thanh la. Người đem nồi đồng mâm thau, liềm quốc ra sân, thất thần ngửa mặt lên trời gõ inh ỏi. Các bà mẹ lén lút dúi đầu con trẻ dưới vạt áo nâu, sợ gấu trông thấy sẽ thèm rỏ dãi, dãi rơi xuống nhân gian mà thành bệnh đậu mùa. Ông già bà cả dùng mỡ bò hoà với nhọ nồi, bắt cả làng bôi nhọ vào mặt trông cho dữ tợn, dùng đòn xóc hai đầu nhọn đẩy trai tráng nhẩy lên nóc nhà, leo lên ngọn cau hú đuổi gấu. Dân chúng hoang mang sợ hãi, nghĩ rằng con gấu đen đang ăn mặt trời trên kia trông thấy, sẽ sợ hãi nhả mặt trời ra mà bỏ đi.
Hết mưa dầm lại đến nắng hạn. Suốt bốn tháng hè không có một hạt mưa. Sông ngòi cạn kiệt. Đồng ruộng nứt nẻ khô rang. Trâu bò lăn ra chết từng đàn. Người người kéo cày thay trâu. Qua thu, cánh đồng lúa chín xơ xác, chó chạy hở đuôi lại bị chuột bọ sinh sôi cùng lũ châu chấu tràn về như những đám mây đen tàn phá. Đã lắm người chết đói. Sáng sáng, cứ mỗi làng bản lại có một đoàn bốn người chức việc mặc áo sô gai, mũ mấn trùm kín mặt, vác hai chiếc cáng tre đi khắp các nẻo phố, khắp hang cùng ngõ hẻm nhặt xác chết đem chôn. Nhiều nhất là xác trẻ con và người già. Không đủ áo tơi nón lá dể đắp xác người. Kín đầu thì hở cả đôi chân khô đét đen sạm. Kín chân thì để lộ cái đầu tái nhợt ghê rợn với đôi tròng mắt tụt như biến sâu vào trong hốc mắt. Thân nhân người chết cũng đói hõm bụng, vật vờ đi sau những chiếc cáng, không đủ sức há miệng cất lên tiếng khóc.
Khắp thiên hạ không thiếu lời xì xầm thị phi. Có kẻ bạo miệng dám nhắc lại chuyện trong cung Thượng Dương. Nói là đêm đêm Linh Nhân thái hậu không ngủ yên. Ruột gan như có ai bào. Canh ba là Thái hậu bật dậy, cuống cuồng đi lại, có lúc chạy điên loạn như bị người ta bắt, rồi quấn hàng chục lớp chăn gấm ôm chân ngồi co trên giường mà khóc kể, gào thét. Hàng trăm chùa chiền mà Thái hậu cho dựng lên khắp trong nước là để sám hối, rửa oan cho việc Thượng Dương thái hậu và bảy mươi sáu cung nữ vô tội bị sát hại năm nào…
Trong nước là vậy. Tình hình bên ngoài cũng đâu được yên ắng. Phía nam giặc Chân Lạp, Chiêm Thành quấy đảo bờ cõi. Bắt người, cướp thuyền bè, thóc lúa. Phía bắc nhà Tống tập trung binh hùng tướng mạnh diễu võ dương oai chỉ chờ dịp nuốt chửng vùng biên ải, dọn quang đường tiến thẳng xuống nội kinh.
Linh Nhân thái hậu che rèm cùng vua ngồi bàn chính sự. Thái sư Lý Đạo Thành và Thái uý Lý Thường Kiệt là quan văn, võ đầu triều được vời vào.
Thái sư Lý Đạo Thành nói:
- Bẩm tâu Thái hậu! Bẩm tâu Hoàng thượng! Ông trời ra hoạ, hết lũ lụt lại hạn hán. Nhưng đâu chỉ có vậy. Thiên hoạ không bằng nhân hoạ. Mấy năm nay nhân khi triều đình bận đối phó với giặc ngoài biên ải, lũ tham quan ô lại, bọn cường hào ác bá mọi nơi đua nhau lộng hành. Dân chúng đã khốn cùng lại càng khốn cùng hơn…
- Có vậy sao?
- Bẩm Thái hậu, kẻ hạ thần đâu dám ngoa ngôn, sàm tấu. Ngày đầu tháng vừa rồi, dân phủ Bình Giang kéo đến trước cửa Đô hộ phủ ngục tụng để kêu về việc tri phủ Lê Trường Tích hà lạm công quỹ, ức hiếp dân lành. Dân tình đói kém người chết đầy đường mà vụ mùa vừa rồi tri phủ tự ý nâng mức thuế vượt quá quy định của triều đình, rồi khai man để đổ thóc xuống thuyền bán cho con buôn với giá gấp năm gấp bảy.
- Sao chưa thấy Tam pháp ty tâu trình việc này?
- Dạ bẩm… Có lời nói Tri phủ Bình Giang dám làm việc sai trái đến vậy là do ỷ thế có chỗ dựa nơi quyền cao chức trọng trong triều đình… Do có…
"Chát!"… Thái sư Lý Đạo Thành giật nẩy người vì tiếng bàn tay Thái hậu đập mạnh lên mặt kỷ. Tiếng Thái hậu cất lên sang sảng sau rèm:
- Quân pháp bất vị thân… Ngay ngày mai ta sẽ đích thân xem xét việc này.
- Dạ… bẩm tâu Thái hậu. Thật phúc cho con dân! Thần trộm nghĩ… Bình Giang là một phủ chẳng xa kinh thành là mấy. Đất rộng, người đông. Không thiếu người hiển đạt, được hưởng tước vị bổng lộc của triều đình… mà còn vậy thì ở những nơi xa xôi hẻo lánh, dân tình ngu muội, triều đình xa quan nha gần thử hỏi thân phận đám dân đen sẽ còn ra sao…!
- Kế sách? - Tiếng Thái hậu với vẻ sốt ruột, nôn nóng.
- Dạ bẩm… Thần trộm nghĩ… Mọi kế sách lúc này của triều đình là sao cho no cái bụng của người dân. Dân có no thì nước mới mạnh. Triều đình cần ra chính sách khuyến nông khuyến điền. Xét giảm thuế má cho những nơi mất mùa dân tình thực sự đói kém. Khai thông mương máng dẫn thuỷ nhập điền, bồi đắp đê điều phòng khi lũ lụt. Khuyến cáo người khai phá đất hoang trồng ngô trồng lúa… Song hành cùng việc đó, triều đình cử quan khâm sai đi các châu phủ để xem xét dân tình, tra xét hành vi của bọn tham quan ô lại để giữ nghiêm phép nước, cất nhắc những người hiền lương có tài văn võ cho quản quân dân… Không lúc nào bằng lúc này triều đình cần lời nói thẳng.
- Những việc đó cần làm ngay!
- Dạ, bẩm Thái hậu. Thật là hồng phúc cho muôn dân!
Thấy Lý Đạo Thành đã dập đầu lạy, nhưng vẫn cứ quỳ nguyên trước rèm, Thái hậu lên tiếng hỏi:
- Quan Thái sư còn có điều gì nữa?
- Dạ bẩm Thái hậu. Bẩm Hoàng thượng…
- Quan Thái sư chẳng vừa nói, triều đình ta đang cần người nói thắng mà!
- Bẩm Thái hậu. Thần vốn nông nổi, chỉ e lời nói khó lọt tai, mà khéo người nói lại chuốc hoạ…!
Sau rèm, Thái hậu cả cười. Là người đàn bà tuệ mẫn sáng láng, lại quyền biến trong những những năm chấp trị đất nước thay đức Thánh Tông đi đánh giặc bình định đất phương nam, bà am hiểu tỏ tường, biết sở trường sở đoản của từng quần thần văn võ đang phủ phục trước mặt kia. Đôi môi Thái hậu đầy đặn đỏ thắm:
- Thái sư cả nghĩ! Ta dẫu phận đàn bà nhưng nhờ ơn tiên đế cũng phân biệt được trăng sao. Có điều gì quan Thái sư cứ nói!
Thái sư Lý Đạo Thành ngập ngừng giây lát rồi mới cất tiếng:
- Từ thời đức Thái Tổ dựng nước, triều đình ta đã lấy đạo Phật làm gốc. Nhờ Phật pháp giáo hoá chúng sinh mà dân an nước thịnh. Nhưng những năm gần đây, dân tình đói khổ mà ngược lại chùa chiền lại dựng lên quá nhiều. Bao nhiêu của cải, công sức đổ vào nơi cửa Phật. Qúa nửa dân trong nước đi làm sư sãi, mải cầu kinh mà trễ nải nông tang. Số ruộng đất lành để làm Qui điền cho các chùa chiền rất nhiều mà thường lại bỏ hoang hoá vì đa phần sư sãi không lo chuyện ấy mà chỉ trông vào của cúng lễ của chúng sinh… Thần xin liều chết mạnh dạn tâu trình lên Thái hậu cùng Hoàng thượng… Triều đình cần ra định mức quy điền cho mỗi chùa tuỳ theo quy mô và số sư sãi trụ trì nơi đó. Số ruộng dôi dư sẽ chia cho các nông phu chăm chỉ làm ăn mà hiện không một tấc đất trong tay. Đồng thời cho củ soát nghiêm ngặt các nơi tu hành để loại bớt những kẻ lười biếng, không thực bụng tu hành, chỉ muốn nằm lười làm ăn nhờ trong cửa Phật… Như thế, Thái hậu sẽ có đến quá nửa người nhà chùa nhập thế lo việc nông tang. Mặc khác Phật đạo cũng vì thé mà lại thịnh vượng hơn nhiều. Triều đình cũng tránh được tiếng thị phi…
Sau rèm lặng ắng hồi lâu.
Rồi tiếng Thái hậu lạnh lùng ban ra: "Bãi triều!".
Ba ngày sau hoả đầu được lệnh nấu những nồi cháo lớn đặt ở sân chùa, ngã ba ngã tư đường phát chẩn cho thiên hạ. Những bát cháo loãng còn rất ít ỏi, người chết đói vẫn đâỳ đường đầy chợ nhưng những nồi cháo thí cũng khiến cho dân chúng cảm động, từ chỗ oán thán chuyển sang ngợi ca công đức của Thái hậu và đấng minh quân. Thái hậu lại vời riêng một đám nho sĩ, ca công ra ân mưa móc cho được ân hưởng lộc điền trạch, ban phát lụa vàng. Đám nho sĩ, ca công được nuôi nấng chăm chút trong triều tưởng đời chẳng còn mong gì hơn, chỉ còn một việc ngaỳ đem uốn bút dẻo lưỡi bày đặt những diễm khúc tụng ca cuộc sống no ấm của chúng dân dưới công ơn mưa móc của Thái hậu và Hoàng thượng cùng những anh hùng dám lìa bỏ mẹ già vợ yếu con thơ đi chiến trận.
Nhưng cũng chẳng bao lâu sau buổi lên triều hiến dâng kế sách, Thái sư Lý Đạo Thành được gọi lên giao chức Tả Gián nghị đai phu vào trông coi châu Nghệ An xa xôi. Thái sư biết đây là hậu quả của việc mình quá lời tâu bày. Tới nơi trị nhậm mới, Đạo Thành lập Viện Địa Tạng trong miếu Vương Thánh. Uy nghi giữa điện đặt tượng Phật và vị hiệu của đức Thánh Tông, sớm hôm thờ phụng.
Năm Kỷ Mùi, Anh Chiêu Vũ Thắng thứ tư, châu Lạng dâng voi trắng. Có mưa đá. Nhưng cả nước lại được mùa to. Nhà nhà thóc chứa đầy cót, khoai củ chật gầm giường. Khắp nơi vang vang tiếng ca ngợi công đức của Linh Nhân Thái hậu và đức Nhân Tông trị nước.
Chúng dân lại nức lòng theo việc triều đình. Cả nước hăng hái dồ tận lực vào việc quân. Nhà nhà gươm giáo vũ khí sáng choang, cung nỏ dầy đặc trên vách. Trai định cuộn vế xoa tay mắm môi mắm lợi chỉ chờ lệnh trên gọi là lập tức đội nón vác đao đi làm việc quân. Việc đồng áng ruộng nương ở nhà tất thẩy đều do người già, đàn bà trẻ con gánh vác. Mỗi nhà đều giắt sẵn trên vách một tù và sừng trâu. Hễ có động là tiếng tù và rúc lên vang dội, gọi lũ lượt trẻ con, người già và đàn bà tay cung tay nỏ đổ túa ra đường… Không đủ vải trắng làm khăn tang cho người chết. Nhưng tất cả không ngăn được giòng thác người sẵn sàng chờ lệnh xung quân theo những tiếng tù và xông trận đầy ma lực.
Chẳng thế mà Vương An Thạch, tể tướng dạ dầy mưu lược của triều đình nhà Tống, ngoài từng đánh đông dẹp bắc, trong đã từng dâng nhiều kế sách trị quốc an dân, được hoàng đế Tống rất trọng nể, vẫn bị mắc lỡm khi phái thám quân sang dò la đất Giao Chỉ.
Quân về báo với ngài tể tướng rằng hiện vua Giao Chỉ còn trứng nước, mới chưa đầy mười tuổi, mới được Thiên tử triều Tống phong làm Giao Chỉ quận vương để an ủi mà ngoan ngoãn giữ thuần phục, nhưng nay giao chỉ quá lao lực về việc binh. Dân gầy còm vì đói kém lâu ngày, lại phải gánh vác lao dịch xây nhiều chuà chiền, nay tuy tướng với quân đều còn hăng hái nhưng phía nam phải lo đối phó với quân Chiêm Thành sang đánh phá liên miên, vì thế phía bắc có thể lơi là việc trấn giữ biên ải. Trải qua nhiều cuộc đao binh quân số hao mòn tổn hại, cả nước có lẽ không còn đến vạn binh…!
Nhân tin đó, Vương An Thạch tính kế tâu với vua Tống:
- Thần trộm nghe, việc mở mang bờ cõi làm rạng danh tổ nghiệp vốn là việc trọng đai của bản triều ta… Nước Nam đang suy yếu, vua nhỏ tuổi, dân tình ly tán đói khổ. Ta nên nhân dịp này mà xua quân đánh chiếm lấy để chia thành quận huyện thuộc thiên triều. Như vạy cũng là nhổ bỏ cái gai trong đế giầy vương giả, tránh cái hoạ tiềm ẩn phương Nam nhiều đời tiên triều ta vẫn phải lao tâm định liệu…
Vua Tống nghe lời tâu, cả mừng, bèn sai hai tướng tài Thẩm Khởi và Lương Di làm tri Quế Châu, chuẩn bị binh mã, cấm các châu huyện không được giao du mua bán với dân Giao Chỉ. Trên bộ thì ngầm dấy binh người Man động quấy rối vùng biên giới, dưới nước đóng thuyền bè ra sức dàn quân thao luyện thủy chiến.
Đứng từ đỉnh núi bên này trông sang, Thái uý Lý Thường Kiệt nhìn thấy dọc vùng biên, quân Tống ngựa xe dàn binh đen kịt, cờ xí rợp trời. Các chiến thuyền với hàng tay chèo lực lưỡng đậu sẵn trên bến sẵn sàng xuất trận. Lý Thường Kiệt cười nhạt nói với các phó tướng đang đứng quanh: "Xưa nay ta vẫn nghe tài dụng bình của THẨM KHỞI và LƯƠNG DI, trong lòng cũng có phần nể trọng. Gìơ mới được tận mắt nhìn thấy… lẽ nào lời truyền trong thiên hạ lại là ngoa ngôn?".
Lý Thýờng Kiệt khẩn cấp về triều tâu lên vua kế sách chống giặc:
- Muôn tâu hoàng thượng! Thế giặc dẫu mạnh nhưng xin người đừng quá lo lắng làm hao tổn mặt rồng. Hạ thần đã có kế phá…
Đức vua khi dó mới mười tuổi, nghe thế giặc mạnh đã ngợp người kinh sợ, phán:
- Nay quân ta còn đang phải đối phó với rợ Chiêm Thành. Chiến trận liên miên thôn xóm nào cũng văng vẳng không dứt tiếng khóc người chết trận. Quân số còn lại ít ỏi sao có thể đối phó lại với giặc phương Bắc hung dữ như hùm như sói kia…
Thái hậu ngồi sau rèm toan cất lời thì Thái uý tâu tiếp:
- Hoàng thượng! Xin chớ nhọc lòng. Dân Đại Việt ta xưa nay nhiều chỗ kém người nhưng cũng có những điều mà thiên hạ không thể sánh kịp. Khắp thôn xóm bao đời nay chưa lúc nào nguôi tiếng khóc người chết trận…
Nhân Tông cau màu, vẻ bực bội hiện rõ trên mặt. Nhưng Thái uý đã tâu tiếp:
- Mà tiếng trống ra quân và tiếng tù và vào trận cũng chẳng khi nào ngập ngừng lưỡng lự. Mà mỗi dân đen là một tên lính dũng mãnh… Cái hơn của người Nam ta so với người thiên hạ là vậy. Mặt khác, dân chúng tuy lao dịch khổ ải nhưng Bệ hạ cũng biết rằng chính sự khổ ải trong cuộc sống trần thế này khiến cho con nhà nông phu nhẹ buông mạng sống hơn trong chiến trận. Trong thôn xóm vẫn có nhiều kẻ mong nhập quân để được bữa no cơm.
Thái uý rút từ trong tay áo ra một cuốn sách chữ viết bay bướm như hoa nở lá chào trên giấy hoa tiên màu vàng nhạt, nói tiếp:
- Và khắp trong dân gian, miệng lưỡi lũ ca nhi cùng ngòi bút lông cùn của kẻ sĩ xưa nay vẫn chẳng không ngừng đón ý Bệ hạ để làm bản ca ngợi cái chết nơi chiến trận, biến những chiến trận đẫm máu thành những lễ hội tưng bừng của kẻ thắng cuộc đó sao! Lẽ nào Bệ hạ không biết rằng dùng miệng lưỡi của bọn ca công và ngòi bút kẻ sĩ lùa người ra trận còn dễ còn nhẹ hơn nhiều lần lệnh chiêu binh mãi mã của triều đình?
Trong rèm chợt vang lên giọng cười sang sảng của Thái hậu:
- Ta không ngờ quan Thái uý lại tinh tường lòng người đến vậy. Thật cũng hả lòng với thiên hạ ngoa truyền rằng ta là phận nữ nhi mà cũng khéo biết dùng người. Vậy Thái uý hãy kíp đem binh đi lo liệu việc này.
Lý Thýờng Kiệt kính cẩn chắp hay tay trước ngực:
- Thần đội ơn Thái hậu đã có lời động viên kẻ ra trận. Nhưng thần cũng mạnh gan xin đề bạt lên Thái hậu và Hoàng đế bệ hạ xem xét…
- Quan Thái uý cứ nói…
- Triều đình nhà Tống lúc này tạm yên lòng với phương Bắc. Hiện muốn dồn sức thể thôn tính nước Nam ta. Thuỷ bộ hai mặt đều dùng tới. Lại thêm quân Man động là đân sơn cước hung hãn quen lối đánh hiểm thọc sâu… Kế sách dụng binh của ta xưa nay vẫn là lấy tinh thắng thô, lấy mưu trị lực. Nhưng cũng không thể dùng đê mỏng mà ngăn sóng dữ xô bờ…
Thái hậu xô rèm bước hẳn ra ngoài:
- Thái uý nói chí phải!
- Thần trộm nghĩ, mười vạn tinh binh là việc lúc này cần bằng mọi giá triệu tập…
Thái hậu thảng thốt, nhướng cao đôi mày ngài đen mượt:
- Sao? Lẽ nào Thái uý không biết rằng quân ta sau nhiều lần chinh chiến đã hao hụt tổn hại rất nhiều, nay có gắng gỏi vớt vét trong cả nước cũng chỉ được hơn mười vạn?
Lý Thường Kiệt thong thả chắp tay:
- Qủa có thế, tâu Thái hậu. Nhưng thần trộm nghĩ, xưa nay chiến trận giữa ta và phương Bắc có lúc thắng có lúc thua. Ngay lúc thắng thì đất nước dân tình cũng chỉ yên ổn được dăm năm. Còn mầm hoạ thì vẫn không loại được…
- Vậy quan Thái uý muốn gì?
- Dạ bẩm, xin Thái hậu và Hoàng thượng cho phép. Muốn dụng người phải dụng tận tâm. Muốn diệt hoạ phải diệt tận gốc. Lúc này dẫu binh sĩ ta không nhiều nhưng khí thế lại hăng say. Từ kinh thành đến nơi thôn dã nghe phong thanh quân Tống rập rình ngoài cõi, mọi người đã nhấp nhổm chờ lệnh trên truyền gọi:
Thái hậu cười, gương mặt đày đặn sáng ngời như khuôn trăng:
- Ta nghĩ, thứ dân trong thiên hạ, không đâu dễ sai bảo như thứ dân của nước Nam này.
Lý Thường Kiệt phác một cử chỉ không ra đồng tình, không ra phản đối, bàn tay rơi xuống lưng chừng:
- Vì thế, cứ theo ngu ý của thần, trận này không chỉ khoanh tay ngồi chờ giặc thù tràn vào bờ cõi mới đánh… mà phải ỷ vào sức quân lòng dân mà dấn trước… Ta phải tràn qua đất phương Bắc để đập tan mầm hoa, khiến lũ cầy cáo phương Bắc phải táng đởm kinh hồn, cha mẹ con cái truyền nhau đời đời không còn dám nhòm ngó đụng chạm đến nước Nam ta…
Ngai vàng lặng ắng. Thái uý thản nhiên chờ đợi.
Hồi lâu, tiếng Thái hậu vang lên sang sảng giữa triều đường:
- Bay đâu… Truyền lấy ấn tín. Giao toàn quyền cho Thái uý định liệu, thống lĩnh mười vạn tinh binh để trị tội lũ giặc phương Bắc…
Được ngự ấn, Lý Thường Kiệt chọn Tông Đản làm phó tướng, nhất nhất chỉnh đốn lại quân mã trong các châu huyện. Một mặt, cấp tốc luyện tập thuỷ bộ mười vạn tinh binh. Một mặt khẩn trương cho người đi khắp các thôn xóm động dân vi binh chuyển ngay về phía Nam phòng quân Chiêm Thành thừa lúc trong nước đang dồn quân lên phương Bắc mà tranh thủ sang quấy phá. Đàn ông trai tráng đã vét cạn kiệt. Trong đoàn dân binh chuyển về phía Nam đề phòng quân Chiêm Thành không thiếu những mái tóc đã bạc hay những chỏm tóc trái đào.
Đại binh thuỷ bộ rầm rập kéo lên phương Bắc. Mùa đông. Thái uý chỉ huy cánh quân vây hãm châu Khâm châu Liêm. Phó tướng Tông Đản vây đánh châu Ung trên đất nhà Tống. Vua Tống sai Đô Giám Quảng Tây là Trương Thủ Tiết mang quân đến cứu. Lý Thường Kiệt điều quân lên đón đánh ở cửa ái Côn Lôn, phá tan quân tiếp viện, chém Trương Thủ Tiết tại trận.
Thành Ung châu bị vi ròng rã bốn mươi ngày. Lương thảo cạn kiệt, quân Tống giết ngựa chiến để ăn thịt, vặt rơm cỏ cầm hơi, ngày đêm đỏ mắt trông đợi viện binh. Tri Ung châu là Tô Gíam là một kẻ trung thành, nghĩa khí, buộc mình và vợ con chịu đựng khổ sở cùng quân lính, bữa bữa cũng chỉ húp cháo thịt ngựa cầm hơi. Dân thành UNG châu thấy thế, không oán thán nữa, cắn răng cố thủ. Đến khi ngựa thị hết, quá nhiều người chết đói, quan lính bị dịch bệnh quá nửa, lại nghe tin cánh quân cứu viện của Trương Thủ Tiết dã bị tướng Giao Chỉ là Tông Đản đánh cho tan tác, quân dân trong thành kiệt hết nhuệ khí, không còn sức mà chống cự. Nghe tiếng loa mo cau của quân Giao Chỉ ngày đêm chõ vào thành gọi hàng, nhiều kẻ xáo động, bàn Tô Giám nên mở cổng thành để bảo toàn tính mạng.
Tô Giám ra đứng chắn trước cổng thành, cho người đi gọi vợ con quyến thuộc tất cả ba mươi sáu người đến. Lúc ấy quân Giao Chỉ đã cởi áo dồn đất buộc làm thành bao, chất lên cao ngất mà trèo vào mở cổng thành, tràn vào như nước vỡ bờ. Tô Giám biết thể đã cùng, quỳ xuống trước mặt vợ con xá ba xá:
- Xin nàng cùng các con tha tội. Thân nam nhi đứng trong trời đất, hưởng lộc vua ban mà lúc nguy nan không đền đáp được, chẳng còn mặt mũi nào nhìn thấy vầng ô kia nữa…!
Nói rồi, tự cầm kiếm bức gia thuộc ba mươi sáu người chết trước, chôn chung một hố rồi tự tay châm lưa đốt mình chết theo. Dân trong thành nhìn thấy cử chỉ ấy, hu hu khóc như khóc cha chết, liều mạng cố thủ. Cho đến lúc thành bị triệt hạ, quân và lính bị giết tới hơn năm vạn tám ngàn người. Cộng với số người nhà Tống bị giết ở cả ba châu đã tới hơn mười vạn người. Quân Giao Chỉ đã rút về nước rồi mà khắp mơi một giải đất giáp biên giới, dân Tống bỏ trắng đất đai nhà cửa mà tan tác chạy. Hàng chục dặm đường không nhìn thấy ánh lửa, không nghe thấy tiếng chó sủa mèo kêu.
Bị thua đau, Bính Thìn năm sau, vua Tống lại sai Tuyên phủ sứ Quảng Nam là Quách Qùi làm Chiêu thảo sứ, Triệu Tiết làm phó, đem quân chín tướng hợp với Chiêm Thành, Chân Lạp sang nước ta để trả thù. Vua sai Lý Thường Kiệt đem quân đón đánh, bên sông Như Nguyệt chém hơn một nghìn đầu giặc. Quách Qùi phải lui quân.
Tháng Ba, Đinh Tỵ, lại đem binh sang đánh châu Khâm và châu Liêm nước Tống. Rồi mùa đông, tháng Chạp, tướng Tống là Triệu Tiết đưa quân sang xâm chiếm bờ cõi nước ta. Đánh đi đánh lại giằng co, không khuất được thì tha làm phúc, năm Kỷ Mùi, nhà Tống đành đem trả cho ta châu Quảng Yên dẫu rằng trước đó họ đã đổi tên thành Thuận Châu nhằm vĩnh viễn nhập vào đất Bắc. Để đáp lại, vua ta cũng sai người mang voi trắng, ngựa trắng sang dâng vua Tống, trả lại cho nhà Tống dân, lính bị bắt ở ba châu Ung, Khâm, Liêm. Vua Tống hài lòng, tháng Ba năm ngoái, sắc phong vua ta làm Nam Bình Vương.
… Lớp lớp quân sĩ diễu hành qua trước chân đài cao. "Thái hậu vạn vạn tuế! Hoàng thượng vạn vạn tuế!". Đức Nhân Tông tươi cười, hả lòng đáp lại lời tung hô của các tướng sĩ. Ngài ngự nhìn sang bên, thấy Thái hậu cũng ngời ngợi niềm vui trên nét mặt.
Đoàn kỵ binh, tượng binh cuối cùng rầm rập diễu qua. Chiêng trống hoà trợ theo, tạo thêm cảnh tượng hùng tráng của buổi điểm quân.
Bỗng có tiếng ngựa hý, voi rống bất chợt vang lên phía cuối đoàn quân. Những con ngựa đang nhịp bước đều đặn đột ngột bị ghìm lại, tức tối tung hai vó lên trời, hí lên từng hồi.
Vua Nhân Tông cố nhướng mắt, vươn người để nhìn cho rõ.
Tả hữu văn võ đứng cả dậy, sửng sốt, giận dữ, cùng nhìn chằm chằm vào một hình thù trăng trắng đang cố sức vùng ra khỏi tay viên thống lĩnh ngự lâm lực lưỡng.
Con ngựa bị ghìm cương trước hai người càng lồng lên tức tối. Vó ngựa muốn giẫm nát kẻ trước mặt. Viên thống lĩnh sợ hãi buông lỏng tay, nhẩy dạt sang bên. Cái bóng trắng thừa cơ tháo thân, chạy vụt lên đài cao, đến trước mặt vua, quỳ mọp, hai tay giơ cao một mảnh lụa trắng thấm máu, rên xiết:
- Hoàng thượng! Oan ức quá!… Hoàng thượng!…
Bây giờ mới nhìn rõ, kẻ cả gan gây náo loạn đó là một thư sinh. Bộ áo sô gai không làm mờ được đôi mắt đang cháy rực trên gương mặt tuấn tú.
Cái thân hình nhàu nát đó là Từ Lộ.
Từ canh ba, Từ Lộ đã rời miếu cổ ven sông Tô, tay ấp chặt lá huyết thư vào ngực, lần đến cánh đồng Gỉang Võ nơi đức vua sẽ điểm binh. Chàng biết rằng việc mình định làm là vô cùng liều lĩnh, chiếu theo quân pháp có thể bị ghép vào tội chết tức thì. Nhưng nếu không nhân dịp này vượt qua mặt lũ tham quan ô lại được triều đình giao cho quyền cầm cân nẩy mực phán xử dân lành mà được tâu lên Thái hậu và Hoàng thượng nỗi oan khiên cùng cực của gia đình chàng, mong chờ lượng cửu trùng soi rõ cái chết oan ức của cha mẹ chàng thì dẫu có bị bêu đầu trên cọc nhọn, tứ mã phanh thây chàng cũng cam lòng.
Từ Lộ biết rằng từ thời Thái Tông hoàng đế anh minh, nhà vua đã xuống chiếu cho đúc một quả chuông tô treo ở sân Long Trì để thần dân thiên hạ ai có việc oan ức không bày tỏ được thì dến đánh chuông kêu oan. Có lần chính đức vua đã thân ngự ra xét xử. Nhờ thế, nhiều vụ oan khuất tày trời đã được minh định. Lũ tham quan ô lại bị trừng trị. Dân chúng phấn chấn, nức lòng ca ngợi ân đức cao xa, thương dân thương nước của Hoàng đế.
Nhưng đức vua thì có một mà nỗi oan khiên trong thiên hạ thì như rừng. Dần dần việc lớn việc nhỏ lại trở về Tam pháp ty và Đô hộ phủ ngục tụng tra xét, phán quyết. Quan Đô hộ phủ cho bốn tên lính cao to như bốn hộ pháp canh chùa đứng quanh quả chuông. Dùi chuông vẫn để đấy, chuông khiếu oan ngày đêm vẫn ngóng đợi tay người gõ nhưng đám dân đen oan khuất có bước được tới sân Long Trì thì vừa trông thấy lũ lính canh dữ dằn đã táng đởm kinh hồn, gan nào mà còn dám đụng đến dùi chuông. Qủa chuông kêu oan mưa nắng dãi dầu, dần dần hoen rỉ. Tiếng chuông thưa dần, ngài ngự trong cung thấy vắng tiếng chuông trong lòng lấy làm vui, nghĩ rằng phép công đã thấm đẫm xuống mọi dân đen con đỏ, thiên hạ yên bình, người người hoan lạc âu ca.
Từ ngày cha bị hại, mẹ chết oan ức khi có lệnh phán quyết của Đô hộ phủ ngục tụng Trần Dĩnh, Từ Lộ không còn tin gì vào phép nước dưới bàn tay của lũ tham quan ô lại. Cũng đã nhiều làn chàng tự hỏi tại sao trước kia mình không thấy điều đó, và hiểu ra rằng những ngày mình sung sướng trong chăn êm nệm ấm, bữa bữa ngập mâm sơn hào hải vị, khi vui chơi thì xách cây đèn lồng nâng cây sáo Tiêu tương… thì làm sao có thể hiểu được nỗi khốn cùng của bàn dân thiên hạ.
Chàng biết rằng chỉ còn một cách, đợi ngày Dần tháng Tư sắp tới, Thái hậu cùng đức vua theo lệ hàng năm điểm quân ở cánh đồng Gỉang Võ tây bắc kinh thành, chàng sẽ liều mạng tới đó mong được bày tỏ nỗi oan khiên thấu trời trước mặt Thái hậu và Hoàng thượng anh minh.
- Tâu Thái hậu! Oan ức quá! Tâu Hoàng thượng!
Từ Lộ cố vặn mình dẫy dụa mong ra khỏi những cánh tay cứng như thép của mấy tên Ngự lâm quân để ngoài về phía đài cao.
Đã tạm yên tâm về tên nghịch tặc bị kìm chặt trong tay mấy tên lính ngự lâm quân lực lưỡng, quan Tả đô cấm vệ chỉ huy sứ lật đật chạy tới trước đài, quỳ mọp dưới chân vua, lạy như tế sao:
- Kẻ bề tôi ngu muội này vì sơ suất mà đắc tội làm kinh động đến Thái hậu và Hoàng thượng. Thật đáng tội chết!
Thái uý Lý Thường Kiệt nắm đốc gươm đeo bên người, cau mặt quát:
- Ta đã giao lệnh cho nhà ngươi, chốn võ trường phải phòng vệ nghiêm cẩn. Sao kẻ nghịch kia lại có thể len vào tới tận đây để khuấy động trước bệ rồng?
Quan Tả đô cấm vệ khúm núm dập đầu xuống đất:
- Dạ bẩm… Tên nghịch tặc này trà trộn trong đám người xem đứng điểm binh… Thấy hắn mặc đồ tang ai cũng nhường nhịn… Không ngờ hắn lại dám bạo gan liều mình cản đường voi ngựa làm kinh động ba quân. Xin quan Thái uý hãy lệnh cho quân sỹ chém ngay đầu hắn để làm gương trước dân chúng!…
- Hãy khoan…!
Tiếng quát uy nghiêm của đức vua cắt ngang lời quan Tả đô cấm vệ. Chung quanh im phắc chờ đợi.
Đức Nhân Tông nhìn xuống Từ Lộ đang bị mấy tên Ngự lâm quân giữ chặt tay chân dưới đài:
- Tên ngỗ ngược kia! Sao nhà ngươi dám to gan lớn mật gây náo loạn trong buổi điểm quân. Ngươi có biết như vậy là tội chém ngang lưng?
Từ Lộ nhân lúc các tên lính lỏng tay đón nghe lệnh của Nhà vua, chàng quỳ thụp xuống, hai tay dâng lá đơn viết bằng máu hướng lên phía Hoàng thượng:
- Bẩm, muôn tâu! Hạ dân biết tội này đáng chém. Nhưng trước khi chém đầu, xin Hoàng thượng gia ân, cứu xét việc phụ thần hạ dân này vì lòng trung trực mà bị kẻ cậy quyền cậy thế ám hại. Thân mẫu hạ dân ngậm miếng thác oan. Hạ dân nghĩ đó cũng là ý nguyện muôn đời của đấng Cửu trùng để giữ nghiêm kỷ cương phép nước. Lúc đó, hạ dân có chết cũng cam lòng.
Thái hậu nãy giờ vẫn lẳng lặng nhìn con người khăn sô áo trắng quỳ mọp dưới chân đài, bây giờ mới oai nghiêm lên tiêng:
- Hỗn xược! Tên dân đen càn rỡ không hiểu gì phép nước. Việc cứu xét án trạng, minh tỏ mọi nỗi oan khuất trong thiên hạ… dưới đã có các phủ các châu. Nơi kinh đô có Độ hộ phủ ngục tụng. Cao hơn nữa còn có Tam pháp ty… Nếu có quả có điều oan khuất tại sao ngươi không đến những nơi đó kêu trình mà lại dám đến đây cản đường điểm binh của quân sỹ. Cha ngươi, mẹ ngươi là những kẻ nào?
- Muôn tâu Thái hậu anh minh. Cha của hạ dân là Tăng đô án Từ Vinh, bị kẻ ác sát hại đêm Nguyên tiêu cách đây tròn ba tháng. Mẹ con hạ dân đã Đến đô hộ phủ ngục tụng kêu oan. Nhưng phán xét nơi cửa quan không được minh tường. Mẹ hạ dân phải chết trong oan khốc…!
Từ Lộ chưa dứt lời thì phía sai Thái hậu một người đã bước ngang ra. Người đó cúi gập áo bào trước mặt Thái hậu và Đức vua, rồi quay xuống chỉ vào mặt Từ Lộ quì dưới chân đầi:
- Muôn tâu Thái hậu. Muôn tâu Hoàng thượng! Kẻ ngỗ ngược kia là Từ Lộ con trai quan Tăng đô án Từ Vinh. Ba tháng trước, đêm Nguyên tiêu, quan Tăng đô án Từ Vinh đã vui chơi rượu say quá chén, trên đường về nhà hụt chân ngã xuống sông Tô mà chết. Mẹ con Từ Lộ không tin điều thật mà lại cho rằng chồng, cha mình bị người khác thù hằn ám hại. Mẹ con họ đã kiện cáo khắp nơi. Nhưng trời đất rõ tỏ. Công lý sáng bầy. Quan Đô hộ phủ ngục tục Trần Dĩnh đã đích thân mất nhiều công sức tra xét án này. Kết luận đã rõ ràng, khắp kinh thành người người đều công nhận. Thế mà tên Từ Lộ trẻ người non dạ kia vẫn không lấy thế làm yên, hôm nay lại còn dám đến tận nơi điểm quân này cản đường tướng sĩ, làm kinh động đến đức Thái hậu và Thánh thượng!
Thái hậu cau mặt. Rồi bất ngờ, bà quay lại phía sau, cất tiếng:
- Đô hộ phủ ngục tụng Trần Dĩnh có đây? Truyền lệnh ta hỏi…
- Dạ bẩm… Có kẻ hạ thần!
Đô hộ phủ ngục tụng Trần Dĩnh từ phía sau lóp ngóp ngoi lên, quì mọp, vai so lại trước bệ rồng.
- Trần Dĩnh, có việc đó không?
Trần Dĩnh run rẩy:
- Muôn tâu Thái hậu. Muôn tâu Hoàng thượng. Dạ, có việc đó ạ!
- Đô hộ phủ, ngươi đã định việc thế nào?
Trần Dĩnh càng thất thần. Lưng gập lại mà vẫn cố lét nhìn lên nẹp áo bào đỏ của Diên Thành hầu. Bắt gặp nét mặt đe nẹt và cặp mắt lạnh lẽo của hầu, Trần Dĩnh thu mình, cố thu hết can đảm hồn vía trong người, lập cập tâu trình:
- Dạ, bẩm Thái hậu anh minh. Mẹ con nhà Tăng đô án bị khép tội vu cáo người ngay, làm náo động nhân tâm nơi kinh thành. Tội nặng đáng phải nghiêm trị. Nhưng xét công lao của Tăng đô án Từ Vinh trước đây, vả lại kẻ chết dẫu sao cũng đáng xót, nỗi đau của người sống dẫu sao cũng đáng thương nên chỉ cách xuống làm thứ dân, tịch biên toàn bộ gia sản.
Thái hậu gật đầu. Rồi bà quay trừng mắt quát Từ Lộ;
- Sự tra xét của quan Đô hộ phủ ngục tụng nghe vậy là có lý lại có tình. Kẻ học trò ngu muội kia! Ngươi còn gì để nói?
Diên Thành hầu lại vội quỳ xuống, tâu xen vào:
- Bẩm Thái hậu! Án của Đô hộ phủ ngục tụng ban ra, mọi người trong kinh thành đều hả dạ. Đều thấy rõ dưới thần oai sáng suốt của Thái hậu và Hoàng thượng, phép nước công minh, có uy có nhân. Muôn họ đều hết lòng ngợi ca… Thế mà bây giờ có kẻ nghịch tử ngông cuồng kia lại vẫn còn bạo gan làm rối bước ba quân, kinh động trước bệ rồng… Tội đáng chém ngang lưng. Xin Thái hậu ban lệnh để giữ nghiêm phép nước.
Thái hậu gật đầu:
- Các ngươi cứ theo phép nước mà thi hành. Nặng nhẹ đừng quá. Hãy nhớ, từng việc một, có con dân ở dưới theo dõi. Thôi, dọn kẻ này đi!
Nghe lời Thái hậu phán truyền, mấy tên ngự lâm quân xốc Từ Lộ dậy lôi đi xềnh xệch. Từ Lộ ngẩng mặt lên trời, kêu thống thiết:
- Từ Vinh cha ơi! Oan hồn người ở trên trời hay nơi địa ngục? Ngươi có nhìn thấu nỗi oan này không? Mẹ ơi! Hồn mẹ có thiêng, xin về chứng giám!
Tiếng kêu than của Từ Lộ vang thấu cõi trời. Dường như trời đang quang đãng bỗng tối sầm. Từ đôi mắt của Từ Lộ, đôi dòng máu chảy ra nhuộm đỏ cả khuôn mặt.
Trần Dĩnh bỗng rùng mình, đổ vật ra đất.
Ngồi bên Thái hậu, đức Nhân Tông thấy cảnh tang khốc, lại vốn tin vào các điềm lành dữ, nỗi từ bi hỷ xả của nhà Phật, ngài ngự giơ bàn tay ra phía trước, chậm rãi lên tiếng:
- Hãy khoan… Ta hỏi?
Lính ngự lâm vội ghìm Từ Lộ.
Nhân Tông:
- Tên học trò kia. Ngươi nói là cha ngươi bị kẻ ác dụng tâm hãm hại. Vậy ngươi có tang chứng gì không? Sao không đưa trình trước Đô hộ phủ?
- Dạ, bẩm tâu Hoàng thượng…!
Nghe đức vua hỏi, Từ Lộ rùng mình, lại khóc rống lên. Cổ họng chàng nghẹn tắc, không sao thốt được lên lời. Tang chứng ư? Chẳng lẽ lại dẫn ra được cái thây cha chàng dựng đứng trên sông Tô, ngón tay chỉ thẳng vào cửa nhà Diên Thành hầu. Chẳng lẽ lại có thể tâu lên đức Hoàng thượng cái khuôn mặt bầm máu và đôi mắt mở trừng trừng oan ức của cha trong những đêm hiện về báo mộng, kêu gọi mẹ con chàng phải trả thù?
- Oan ức lắm… Hoàng thượng!
Cuối cùng Từ Lộ một lần nữa chỉ biết kêu lên trước đấng Cửu trùng.
Đức Nhân Tông cau mày. Một niềm thương cảm thoáng hiện lên trông ánh mắt, khuôn mặt đức chăn dân.
- Thôi, tha cho kẻ học trò hồ đồ này. Trẻ người non dạ. Vả lại, nhà Tăng đô án Từ Vinh tang khốc như vậy là quá lắm rồi. Hãy lấy điều nhân nghĩa làm trọng.
Diên Thành hầu bầm mặt.
Linh Nhân Thái hậu đã đang suy nghĩ sang việc khác. Miệng bà mím chặt.
Nhân Tông phán truyền:
- Tha cho hắn! Trong ngày điểm binh, tối kỵ sát nhân gây rủi ro, làm nhụt lòng quân sĩ!
Trống lại điểm. Thanh la não bạt lại rộn ràng.
"Thánh thượng hồi cung!" Tiếng hô của quan Tả đô cấm vệ hùng dũng cất lên.
Thớt voi trắng được quản tượng điều tới, phủ phục trước đài cao.
Mảnh lụa viết bằng máu của Từ Lộ lảo đảo rơi xuống từ chín bậc Cửu trùng.
Từ Lộ bị lôi xềnh xệch ra khỏi đài cao, đẩy đổ gục xuống chân đám người nhốn nháo chen lấn. Trước khi ngất, Từ còn kịp thấy lớp lớp chân voi ngựa giẫm nát lá huyết đơn.
Giàn Thiêu Giàn Thiêu - Võ Thị Hảo Giàn Thiêu