Love gives light even in the darkest tunnel.

Anonymous

 
 
 
 
 
Tác giả: Hải Văn
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Mike Nguyen
Số chương: 10
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 997 / 5
Cập nhật: 2015-07-18 07:22:12 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5
ột hôm, Lan và Huệ đang ngồi với Hằng, một cô bạn cùng lớp quê ở Di Linh. Chợt nhớ tới lời nói của cụ Đôn, Huệ hỏi Hằng:
- Bồ có nghe đến ai tên là Khứu Đắc Dzu ở vùng Di Linh không?
- Có chứ, hắn ta có một trang trại ở cách nhà mình độ năm cây số. Công việc ở đó không được điều hoà cho lắm vì hắn ta luôn vắng nhà.
- Thế ai trông nom trại đó? Lan hỏi.
- Bà mẹ hắn ta và vài người nữa. Thỉnh thoảng mình cũng có đạp xe đến thăm bà ta vì bà sống rất đơn độc.
- Thế bà ấy có một đầu bếp người tầu nào tên là Phoóng không?
- Hình như không. Lần cuối cùng mình tới thì thấy một người Thượng phụ trách việc nấu ăn cho bọn công nhân trong trại.
- Có thể chú Phoóng mới được đem về đấy tuần trước thôi, Lan nói, và như vậy bồ không biết được.
- Có thể, Hằng gật gù. Mấy bồ cần tìm hiểu về người tầu ấy lắm sao?
- Ừ, Huệ đáp ngay.
- Nếu vậy, mình sẽ đánh điện cho ba má hỏi xem sao.
- Nếu thế thì tốt quá! Mình không biết làm sao để cám ơn bồ đấy, Lan xuýt xoa đáp. Bồ hỏi hộ hai bác xem anh em ông Dzu và chú Phoóng đã về đấy chưa nhé.
Sáng hôm sau Huệ và Lan mang điện tín ra Bưu điện gởi. Trong khi đón xe lam trở về trường, họ bỗng thấy bà Minh hớt hãi tiến về phía họ.
- Thưa bác có chuyện gì đấy ạ? Lan vội hỏi.
- Tôi đi kiếm một tiệm thuốc Tây! Bà đáp. Hai cô có biết tiệm nào gần đây không?
- Thưa bác, ngay ở phía tay trái kia ạ. Nhưng bác mua thuốc cho ai?
Bà Minh nghẹn ngào đáp:
- Thằng Vinh nhà tôi không biết nó làm sao mà cứ ngủ li bì không tài nào đánh thức nó dậy sáng nay được. Tôi lo quá.
Vừa nghe xong, hai cô đoán ngay là chứng bịnh của bé Vinh cũng y như của Huệ bữa trước. Họ bèn giải thích rằng giấc ngủ đó có thể do một loại thảo mộc gây ra và sau 12 tiếng nó sẽ qua.
- Thưa bác nhớ lại xem, Lan tiếp, chị Huệ cháu cũng đã bị ngủ như thế bữa trước và đã tỉnh sau một đêm đó ạ.
- Thế các cô nghĩ là thằng Vinh sẽ không sao cả chứ?
- Vâng, cháu tin chắc như thế! Lan cả quyết. Bác cứ để em nó ngủ yên, không sao đâu.
- Thật may quá! Bà Minh thở ra nhẹ nhõm. Nhưng mà cái cây ấy thuộc loại nào, tên gì?
- Thưa bác, tụi cháu cũng chưa rõ, Huệ thú nhận.
- Tụi cháu đang nghiên cứu về các thảo mộc có chất độc, Lan tiếp lời chị. Vì thế tụi cháu mới mượn cuốn sách của bác đó ạ.
- Thôi chào hai cô nhé, cám ơn nhiều.
- Vâng kính bác về ạ.
Về đến trường, hai chị em thấy Hằng đến tìm để cho xem lá thư mới nhận được.
- Thư của hai bác phải không? Huệ hỏi.
- Phải, ba má đã viết thư thay vì đánh điện tín vì có rất nhiều điều phải nói. Mình muốn mời các bồ về nhà vào kỳ nghỉ tới nhân dịp sinh nhật của mình, các bồ nghĩ sao?
- Về nhà Hằng à? Coi bộ hơi khó đấy, vì tụi mình chỉ được nghỉ có một ngày thôi mà.
- Hai bồ chớ lo, mình đã xin phép bà Đốc rồi và bà đã chấp thuận cho tụi mình nghỉ một lèo từ thứ sáu đến thứ hai, tuyệt không? Bây giờ chỉ còn xin phép cô Hạnh là được rồi.
- Điều ấy thì chắc chắn được, Huệ đáp. Hằng ơi! Bồ tử tế quá!
- Bạn bè với nhau thì chuyện đó là thường. Hơn nữa hai bồ có thể tìm biết về anh em ông Dzu nữa chứ, tiện lắm.
- Ừ, thế hai bác có đề cập gì đến họ trong thư không?
- Có, ba nói là hiện giờ họ đang có mặt ở nhà.
- Nếu thế thì có hy vọng tụi mình sẽ đưa vụ cô Yến Nhi bị mất tích ra ánh sáng đó, Lan reo lên. Đây cũng là lý do để cô Hạnh cho phép tụi mình đi với Hằng.
Quả nhiên, khi hai cô điện thoại xin phép cô Hạnh thì cô chấp thuận ngay. Tuy nhiên, còn một trở ngại duy nhất: bà Đốc đã loan tin là kỳ thi lục cá nguyệt sẽ bắt đầu vào tuần tới và bà không muốn cho nữ sinh nào bị điểm dưới trung bình được nghỉ thêm phép. Huệ và Lan không lo sợ cho chính mình mà lo cho Hằng vì cô này hơi yếu về một vài môn.
- Mình ngại sẽ thiếu điểm về môn Sử Ký, Hằng tâm sự với hai bạn. Nếu vì lỗi của mình mà ba đứa không đi được thì mình sẽ ân hận suốt đời!
- Hằng khỏi lo, tụi này sẽ giúp Hằng ôn lại bài, khó gì.
- Thế thì tuyệt quá! Hai bồ biết không, cứ đến chỗ nào quan trọng nhất là mình quên mới khỉ chứ! Nhưng mà mình không muốn làm phiền hai bồ đâu.
- Trái lại, tụi này rất vui khi giúp được Hằng, Huệ vội nói. Chúng mình bắt đầu ngay nhé?
- Ở đây à? Hằng ngập ngừng hỏi. Rồi mọi người sẽ thấy cái kém cỏi của Hằng thì sao?
- Ta đến khu rừng nhỏ đằng sau trường, Lan đề nghị. Ở đó sẽ chẳng có ai làm rộn mình đâu.
Ba bạn gom góp những sách vở cần thiết và lẳng lặng đi ra khu rừng nhỏ. Từ cửa sổ phòng mình, Ly đã chứng kiến tất cả sự việc.
- Không hiểu chúng định làm trò gì mà bí mật thế kia? Cô tự hỏi. Mình phải theo xem mới được.
Vô tình không biết là có người đang theo dõi, Huệ, Lan và Hằng chọn một chỗ tốt cạnh con lạch nhỏ để ngồi. Họ lần lượt đọc và bình luận các bài học. Ly núp mình sau một bụi cây gần đấy và không bỏ sót một câu nào. Cho đến lúc Huệ gấp cuốn sách Sử Ký lại, Ly mới biết là mình đã lầm to.
- Chúng chả có gì bí mật để nói với nhau cả! Cô bất mãn tự nhủ. Làm mình mất bao nhiêu thời giờ vô ích!
Tức giận, cô vừa định bỏ đi thì một con rắn nước bò qua con đường trước mặt cô. Ly hốt hoảng la lên, làm ba người kia phát giác ra sự có mặt của cô ở đấy.
- Ủa, Ly! Bồ cũng ra đây à? Lan vờ ngạc nhiên hỏi.
- Tôi… tôi đang đi dạo. Cô gái lắp bắp. Tôi bị một con rắn lớn cuộn vào chân, ghê quá.
- Ly muốn nói đến con rắn nước nhỏ kia à? Hằng vừa nói vừa chỉ con rắn nước đang nằm dưới một bụi cỏ.
- Tôi… tôi tưởng là nó lớn chứ…
- Thế thì mắt bồ quáng gà rồi đấy! Huệ lạnh lùng nói. Nhưng bù lại thì bồ lại có đôi tai rất thính phải không?
Nhờ sự giúp đỡ của chị em Huệ Lan, Hằng đạt được kết quả như ý muốn trong kỳ thi. Ly cũng gián tiếp được lợi, vì trong lúc cô nghe lén, Huệ và Lan đã ôn cho cô tất cả những vấn đề quan trọng trong bài.
- Bây giờ thì chẳng còn gì trở ngại nữa, Lan vui mừng nói khi điểm được tuyên bố.
- Thôi, tụi mình bắt đầu sửa soạn va li là vừa. Huệ đề nghị.
Trong khi họ lựa chọn quần áo phải mang theo, Lan tiếc rẻ nhìn chiếc máy của mình đang nằm trên bàn.
- Không biết mình có nên… Cô bắt đầu nói.
- Em không định mang theo cái đó chứ? Huệ vội hỏi.
- Không đâu, chị đừng lo! Lan vừa cười vừa nói. Nhưng mà thú thật khi xa nó, em thấy… thiếu thốn.
° ° °
Khởi hành từ Đà Lạt bằng xe đò lúc tám giờ sáng, ba bạn đã tới Di Linh khoảng hơn một giờ sau. Họ thuê một chiếc xe Lam để về nông trại của ông bà Chất, song thân của Hằng. Bà Chất rất mến bọn trẻ nên tiếp đãi Huệ và Lan rất nồng hậu. Bà để cho ba chị em được tự do dùng thời giờ trong mấy ngày nghỉ.
- Mình đề nghị mai đi thăm trại của ông Dzu, các bồ nghĩ sao? Hằng hỏi đôi bạn.
- Đồng ý, Lan háo hức đáp.
- Tụi mình có thể cắm trại luôn thể, Huệ tiếp.
Sáng hôm sau, ba cô sửa soạn lương thực và dùng xe đạp để đi đến trại ông Dzu.
- Tụi mình đi con đường mòn nhé? Xa 10 cây số thôi, Hằng đề nghị.
- Đường nào cũng được, tụi mình có gấp đâu, Huệ đáp.
Họ vừa đi vừa ngắm cảnh, thỉnh thoảng đậu lại để chụp vài tấm hình và hái hoa rừng, thật là thần tiên.
Đến 11 giờ, họ dừng lại để dùng bữa trưa dưới một gốc thông già.
Đến một nơi hoang vắng, trên một ngọn đồi, Hằng đưa tay chỉ một lùm cây ở phía Đông:
- Hai bồ thấy cái lùm cây đó chứ? Trại của ông Dzu đấy.
- Chỗ này hoang vu quá nhỉ, Lan nhận xét.
- Mấy gian nhà đã cũ, Hằng nói. Bà cụ Thân đã già nên không thể chăm nom tu sửa và hai anh em ông Dzu thì không hề để ý đến việc ấy.
- Bà Thân có bao nhiêu người con vậy? Huệ hỏi.
- Bà ta chả có đứa con ruột nào hết. Ba mình nói là ông Dzu và cô Yến Nhi chỉ là con nuôi thôi.
- Vậy hả? Lan ngạc nhiên thốt lên.
- Nếu anh em lão ta có mặt ở đây, chắc chắn là tụi mình sẽ được tiếp đãi “rất nồng hậu” rồi, Huệ nói. Tốt hơn là chúng ta hãy cẩn thận khi lại gần đấy, Hằng đề nghị. Như thế, họ sẽ chỉ trông thấy mình khi mình tiến lại sát căn nhà mà thôi.
Họ dựng xe đạp dưới mấy gốc cây, và đi bộ về phía trại. Cách độ vài chục thước, Huệ bỗng dừng lại, Lan và Hằng kkhông hiểu gì cũng dừng theo.
Ngay lúc đó, họ trông thấy một bà cụ già, với khuôn mặt nhăn nheo và đôi mắt đẫm lệ, từ trong nhà bước ra và chậm rãi tiến về phía khu rừng.
- Bà Thân đó phải không? Huệ hỏi bạn.
- Đúng, Hằng đáp. Thấy bà cụ đang xách cái xô đựng nước, cô tiếp:
- Có lẽ bà ta đi múc nước ở suối đấy.
- Bà ta có thấy được tụi mình không? Lan hỏi.
- Ta cứ đứng khuất ở đây thì chắc không sao.
- Kìa! Có một người đàn ông đi ra theo bà cụ. Hình như là ông Dzu thì phải! Huệ nói.
- Chính hắn rồi! Lan đáp. Vậy thì hai anh em lão đều có mặt tại đây rồi! Nếu chúng ta đừng để lộ hình tích, chắc chúng ta sẽ biết được nhiều chuyện hay đó.
Núp sau một bụi cây, ba cô gái thấy tên Dzu tiến gần đến bà cụ. Hắn ta nói huyên thuyên, nhưng họ không nghe được rõ. Bà cụ buồn rầu lắc đầu, hai dòng lệ chảy dài trên má nhăn nheo.
- Bà cụ có vẻ thất vọng! Lan nhận xét. Không biết có chuyện gì xảy ra thế nhỉ?
Bà Thân và tên Dzu tiến đến con suối chảy rất gần chỗ ba cô núp. Bà ta múc đầy xô nước rồi ngồi bệt xuống đất, úp mặt vào hai tay.
- Đừng nói gì thêm nữa Dzu à! Bà buồn bã nói. Ở cương vị một người mẹ, thì mẹ thấy cuộc đời của mẹ đã là một thất bại chua cay. Mẹ đã cố gắng dạy dỗ hai con, ba mẹ đã thương yêu hai con như con ruột, nhưng hai con đã làm cho mẹ thất vọng đau đớn.
- Tại sao mẹ lại có thể nói vậy được? Mẹ chả hiểu gì cả.
- Mẹ hiểu chứ, hiểu rõ hơn là con tưởng… Ba mẹ đã cố gắng làm việc để nuôi dưỡng và dạy dỗ hai con cho nên người lương thiện, nào ngờ…
- Mẹ nói như là con và em Yến Nhi là bọn sát nhân không bằng.
- Mẹ kkhông biết… mẹ không biết nữa, bà cụ chán nản lập lại. Hai con làm những điều gì mà mẹ không thể tưởng tượng được, và nã tiền luôn canh…
- Mẹ à, mẹ đã sống suốt đời ở ruộng rẫy. Mẹ chẳng biết vật giá thời buổi này ra sao cả.
- Nhưng mà hai con đã ăn tiêu quá đỗi.
- Em Yến Nhi là gái thì nó cũng phải trưng diện một tí chứ. Còn con cũng phải giữ gìn thể diện trước mặt bạn bè chứ lùi xùi làm sao được.
- Giữ thể diện! Mẹ bảo cho con biết: con sẽ sung sướng hơn nhiều nếu con chịu sống một cuộc đời bình dị ở nông trại này.
- Chúng con không nhìn cuộc đời theo góc cạnh của mẹ, Dzu chán ngán nói.
Bà cụ thở dài uể oải đứng dậy. Tên Dzu xách lấy xô nước rồi hai người quay về nhà.
- Tụi mình đến không đúng lúc rồi, Lan nói khi bóng hai người đã khuất trong nhà. Họ sắp ăn cơm trưa thì phải.
- Ta nên đợi sau bữa ăn, Huệ đề nghị. Bồ không có gì gấp chứ Hằng?
- Không sao đâu, mình đã dành trọn ngày hôm nay để đưa mấy bồ đi cơ mà.
Ba cô ra ngồi bên dòng suối để chờ đợi. Họ phỏng ước cho bữa ăn cơm trưa của gia đình Dzu là 45 phút. Nhưng mới được nửa giờ, cánh cửa ngôi nhà bỗng xịch mở. Dzu và Yến nhi xuất hiện. Họ đang khiêng một chiếc rương nhỏ.
Huệ và Lan đứng bật dậy. Họ nhận thấy hai người kia có vẻ vội vàng như sợ có người khác bắt gặp.
- Chị đoán thử xem trong cái rương có gì? Lan hỏi Huệ.
- Đó chính là điều mà chị đang muốn biết.
Họ thấy hai anh em cô Yến Nhi tiến về phía một căn nhà nhỏ nằm sau trại.
- Để Hằng và em đứng đây trông xe, Lan đề nghị, chị Huệ lại gần xem thử đi. Em có cảm tưởng như sắp có chuyện gì xảy ra đó.
Huệ bèn rẽ lùm cây và lẳng lặng tiến về phía sau căn nhà gỗ. Cô lẻn đến gần cửa sổ và ghé mắt nhìn vào.
Hai anh em lão Dzu đã mở nắp rương ra. Trước con mắt kinh ngạc của Huệ, họ lần lượt lôi ra một số châu báu và chia ra làm nhiều túi nhỏ. Tất cả gồm có kim cương, hồng ngọc và bích ngọc.
- Thật là cả một gia tài vĩ đại, Huệ thầm nghĩ. Những thứ này không thể là của họ được.
Cô cho rằng anh em lão Dzu là bọn buôn lậu nữ trang. Sự việc này giải thích được tại sao cô Yến Nhi muốn trốn qua hàng rào quan thuế bằng cách sắp đặt một vụ chết đuối giả tạo. Rồi họ đã đem món hàng về giấu tại đây để đợi cơ hội đem bán số nữ trang một cách an toàn.
Bỗng Huệ nghe thấy tiếng động cơ xe hơi từ đàng xa tiến lại.
- Mình phải lỉnh đi nơi khác mới được, cô gái tự nhủ. Còn đứng đây, chắc sẽ bị bắt quả tang.
Khi nghe thấy tiếng xe hơi, anh em lão Dzu vội thu xếp món hàng lại.
- Chắc chắn là họ đang chờ đợi ai, Huệ vừa nghĩ vừa quay trở lại chỗ Hằng và Lan đang đợi.
Cô thuật lại cho hai bạn nghe rồi kết luận:
- Nếu chú Định có mặt ở đây ngay lúc này, chắc chú biết phải xử trí ra sao.
Chiếc xe hơi dừng lại gần căn nhà gỗ. Người lái xe cao lớn, tuổi độ tứ tuần. Khi hắn xuống xe, Lan thốt lên:
- Kìa, tên bắt cóc chú Phoóng! Thật là quá bất ngờ!
- Vấn đề lại càng thêm bí mật! Huệ nói tiếp.
Hai anh em lão Dzu xuất hiện trước căn nhà gỗ và niềm nở mời người kia vào.
- Bây giờ, tất cả đều được sáng tỏ như ban ngày! Huệ nói. Họ đã sửa soạn món hàng sẵn để Tư Xuân đến chở đi.
- Thế tụi mình rút lui chứ? Lan đề nghị.
- Còn số nữ trang kia thì sao? Huệ hỏi.
- Chúng ta đâu có thể nán lại lâu hơn nữa, Lan quả quyết, vì sẽ bị lộ tung tích. Chúng ta nên trở về nhà và đi báo nhà chức trách là hơn hết.
- Em nói phải, Huệ tán đồng sau một lát suy nghĩ. Ba đứa tụi mình chẳng có thể làm gì được chúng đâu.
Ba người bèn nhảy lên xe đạp và phóng về trại ông bà Chất. Nghe xong câu chuyện, ông Chất vội gọi điện thoại đến Ty Cảnh Sát và xin cho người đến khám xét ngay nông trại của anh em lão Dzu.
- Tôi sẽ đích thân đến đó, viên Cảnh Sát Trưởng nói. Câu chuyện này có vẻ khá quan trọng đấy.
Nhưng trước khi khởi hành, ông lại nhận được một tin cấp báo là một bọn ăn trộm ngựa đã lộ vết tích trong khu rừng cách đấy mười mấy cây số. Do đó, ông nghĩ rằng cần phải đến bắt quả tang bọn trộm ngựa hơn là thực hiện một cuộc khám xét mà chưa chắc đã mang lại kết quả gì. Ông bèn kéo nhân viên đi truy nã bọn trộm ngựa đã.
Trong khi đó, tại nông trại ông bà Chất, Huệ và Lan cứ đinh ninh rằng Cảnh Sát đang lục soát nông trại của anh em lão Dzu, nên họ yên trí giúp Hằng sửa soạn bữa tiệc sinh nhật chiều hôm ấy.
Giấc Điệp Triền Miên Giấc Điệp Triền Miên - Hải Văn Giấc Điệp Triền Miên