Outside of a dog, a book is man's best friend. Inside of a dog it's too dark to read.

Attributed to Groucho Marx

 
 
 
 
 
Tác giả: Alice Munro
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ngân Phan
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 11
Cập nhật: 2020-11-29 02:13:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
ách đây đã nhiều năm, khi ngành đường sắt còn duy trì nhiều tuyến nhánh, một hôm có một người phụ nữ trán cao, lốm đốm tàn nhang với mái tóc xoăn màu hung đến nhà ga để hỏi về vận chuyển đồ nội thất.
Nhân viên trực nhà ga theo thói quen thường buông lời trêu ghẹo với phụ nữ, nhất là những người trông làng nhàng và có vẻ thích được bông đùa.
“Đồ nội thất hả?” ông vặn hỏi cứ như chưa ai từng có ý định chuyển loại hàng đó bao giờ. “Rồi. Thế… Để xem phải chuyển những loại đồ gì đây?”
Một bộ bàn ăn kèm sáu ghế. Trọn bộ giường tủ trong phòng ngủ, một cái xô pha, một bàn nước, hai bàn góc, một cây đèn đứng. Còn một tủ ly và một tủ búp phê nữa.
“Ái chà. Có vẻ cô muốn chuyển nguyên một căn nhà.”
“Không nhiều đến thế đâu,” cô ta đáp. “Không có đồ nội thất bếp và chỉ vừa cho căn nhà một phòng ngủ thôi.”
Răng cửa cô ta xô hết về phía trước như sẵn sàng tranh cãi.
“Cô sẽ cần thuê xe tải đấy,” ông nói.
“Không, tôi muốn chuyển bằng tàu hỏa về miền Tây, hướng Saskatchewan.”
Cô ta nói lớn tiếng như thể ông bị điếc hay chậm hiểu, và có cái gì đó không ổn trong cách phát âm. Bị pha giọng. Ông nghĩ thầm đến Hà Lan - nhiều người gốc Hà Lan đang chuyển đến vùng này - nhưng cô ta không có dáng vóc cao to của những người phụ nữ Hà Lan, cũng không có nước da trắng hồng hay màu tóc sáng. Có lẽ cô ta chưa đến bốn mươi, nhưng có nghĩa lý gì đâu nhỉ? Đâu phải là dạng hoa khôi, không bao giờ.
Ông liền tập trung vào chuyên môn. “Trước hết cô cần xe tải để chở đồ từ chỗ cô đang ở để đến nhà ga này. Và chúng ta nên xem tàu có qua ga nào gần chỗ cô muốn chuyển đến ở Saskatchewan không đã. Nếu không cô phải tìm cách nhận ở ga chính, chẳng hạn như là ga Regina.”
“Chỗ đó là Gdynia,” cô ta nói. “Tàu có chạy qua ga đó?”
Ông với tay lấy cuốn danh bạ lấm lem treo trên một cây đinh, rồi bảo cô ta đánh vần lại tên địa danh đó. Cô ta tự nhấc cây bút chì cứng treo ở một đầu dây và viết vào mảnh giấy lấy từ trong ví ra: GDYNIA.
“Từ này có gốc từ tiếng nước nào vậy?”
Cô ta đáp không biết.
Ông đòi lại cây bút chì và dò theo các tuyến.
“Rất nhiều địa danh ở đây theo tiếng Séc, hoặc Hungary hay Ukraina,” ông nói. Vừa nói ông vừa chợt nghĩ có thể cô là người gốc một trong những nước đó. Nhưng đâu có sao, ông chỉ nói một sự thật hiển nhiên thôi mà.
“Đây rồi, ổn thôi, đúng trên tuyến.”
“Vâng,” cô ta nói. “Tôi muốn chuyển vào thứ sáu - ông có thu xếp được không?”
“Chúng tôi chuyển đi được, nhưng tôi không hứa được ngày nào thì đến đấy đâu,” ông nói. “Còn phụ thuộc vào thứ tự ưu tiên nữa. Khi hàng của cô đến có người chờ nhận ở đầu kia không?”
“Có.”
“Thứ Sáu có chuyến vừa chở hàng vừa chở khách, lúc hai giờ mười tám phút chiều. Xe tải sẽ đến lấy đồ sáng thứ sáu. Cô có ở ngay thị trấn này không?”
Cô ta gật đầu, viết địa chỉ của mình xuống giấy: Số 106 đường Triển Lãm.
Các ngôi nhà trong thị trấn này chỉ vừa mới được đánh số cách đây không lâu, và ông không hình dung ra được nơi cô ta ở, mặc dù ông biết rõ đường Triển Lãm ở đâu. Nếu lúc đó mà cô ta nói là cái tên McCauley thì ông đã để ý hơn rồi, và mọi chuyên có thể xảy ra theo chiều hướng khác. Đường ấy có những ngôi nhà mới xây sau chiến tranh, dù vẫn được gọi là “các căn nhà thời chiến.” Ông đoán có lẽ cô ta ở một trong những căn nhà đó.
“Khi nào chuyển hàng cô mới phải trả tiền,” ông bảo cô ta.
“Tôi cũng muốn mua một vé hành khách cho mình trên cùng chuyến tàu đó. Chiều thứ Sáu.”
2
3
Thưa ông McCauley,
Tôi sẽ đi trên chuyến tàu chiều nay (thứ Sáu). Tôi biết mình đã không báo tin này trước cho ông, nhưng bù lại tôi sẽ không nhận kỳ lương cuối cùng, tức là tổng cộng ba tuần tính đến thứ Hai tuần tới. Có món bò hầm trong nồi cách thủy trên bếp, chỉ cần đun lại. Đủ cho ông dùng ba, nếu ăn dè thì có thể thành bốn bữa. Sau khi hâm đủ nóng và lấy đủ ăn, cần đậy vung lại và cất vào tủ lạnh. Nhớ là phải đậy ngay vung lại kẻo thức ăn có thể bị ôi. Thân chào ông và bé Sabitha, chắc tôi sẽ liên lạc lại sau khi ổn định.
Johanna Parry.
T.B: Tôi đã gửi đồ nội thất đến cho ông Boudreau vì có thể ông ấy cần chúng. Ông nhớ kiểm tra cho đủ nước ở đáy nồi cách thủy trước khi đun.
Ông McCauley chẳng khó khăn gì cũng xác định được Johanna đã mua vé đến Gdynia, tỉnh Saskatchewan. Ông gọi điện cho người trực ga để hỏi. Ông không biết cách tả nhận dạng của Johanna - cô trông già hay trẻ, gầy hay đậm người, mặc đồ màu gì? - nhưng khi ông nhắc đến đồ nội thất thì những thông tin đó không còn cần thiết nữa.
Khi ông McCauley gọi điện đến nhà ga, có vài người đang đợi chuyến tàu tối. Thoạt tiên người trực ga cố ghìm giọng nói nhỏ, nhưng khi nghe thấy rằng đó là đồ ăn cắp, ông chợt trở nên bị kích động (thực ra ông McCauley nói chính xác là “và tôi tin cô ta có mang theo vài món đồ nội thất”). Ông thề rằng giá mình biết được cô ta là ai và định làm gì thì ông đã không để cô bước chân lên tàu. Mọi người xung quanh đều nghe rõ, nhắc lại và tin chắc vào lời tuyên bố này, không ai thắc mắc rằng người trực ga sẽ làm cách nào để chặn một phụ nữ đã trưởng thành, mua vé đầy đủ, trừ phi ông ta có ngay bằng chứng rằng cô ta ăn trộm. Hầu hết những người nhắc lại lời tuyên bố đó của ông ta đều tin là ông có khả năng và quyết tâm chặn cô ta lại - họ tin vào quyền hành của người trực nhà ga và nhân cách của ông lão khả kính luôn đi lại đĩnh đạc trong bộ com lê nguyên bộ, đủ cả gi lê như ông McCauley.
Món bò hầm quả là tuyệt, xứng với trình độ nấu ăn bấy lâu của Johanna, nhưng ông McCauley vẫn thấy nuốt không nổi. Ông bỏ mặc lời dặn về việc đậy nắp, và cứ để nồi mở tơ hơ trên bếp, thậm chí không buồn tắt bếp đi cho đến khi nước ở đáy nồi đun cách thủy bị cạn hết và ông chợt phát hiện ra mùi khét của kim loại cháy.
Đó là mùi của sự phản bội.
Ông tự nhủ vẫn còn may là ít nhất bé Sabitha cũng đã được thu xếp ổn thỏa, và ông không phải lo gì cho bé cả. Cô cháu gái - đúng ra là cháu họ của vợ ông, tên là Roxanne - đã viết thư kể cho ông những nhận xét của cô ta về Sabitha trong lần đi tham quan hồ Simcoe vào mùa hè rằng cô bé cần phải được uốn nắn.
“Nói thật là cháu nghĩ bác và cái cô làm thuê sẽ không thể làm chủ được tình hình khi bọn con trai bu đến xung quanh con bé.”
Cô không dám hỏi thẳng là ông có muốn con bé rồi cũng sẽ như Marcelle mẹ nó không, nhưng rõ ràng là có ý đấy. Cô nói sẽ đưa Sabitha đi học trường thật tốt để ít nhất con bé cũng học được cách cư xử lễ phép.
Ông bật ti vi để khỏi nghĩ về việc đó, nhưng chẳng tác dụng gì. Chính đống đồ nội thất làm ông sôi máu. Chính là Ken Boudreau.
Chuyện là cách đây ba ngày - và chính cái ngày Johanna mua vé tàu, theo như lời người trực ga vừa kể với ông - ông McCauley có nhận được một lá thư của Ken Boudreau yêu cầu ông: (a) ứng một chút tiền vì đống đồ nội thất thuộc sở hữu của gã (Ken Boudreau) và người vợ quá cố, Marcelle, đang nằm trong nhà kho nhà ông McCauley, hoặc (b) nếu ông không đồng ý làm như trên thì bán đống đồ đạc ấy được càng nhiều tiền càng tốt, và gửi số tiền đó càng nhanh càng tốt đến Saskatchewan. Chẳng đả động gì đến những khoản trước đây ông con rể đã vay của bố vợ, lần nào cũng lấy cớ vì giá trị của đống đồ nội thất này và đem cộng lại thì đã vượt xa số tiền có thể thu được nếu bán đống đồ đó đi ở bất kỳ thời điểm nào. Ken Boudreau đã quên tất cả những khoản đó rồi chăng? Hay là gã chỉ hy vọng - khả năng này có vẻ cao hơn - rằng ông bố vợ gã đã quên rồi?
Hình như giờ đây gã đã sở hữu một khách sạn. Nhưng lá thư của gã chứa đầy những lời rủa xả lão chủ trước, người đã lừa gã về nhiều điểm trong giao dịch này.
“Nếu con vượt qua được trở ngại này,” gã viết, “thì con tin rằng con vẫn có thể thành công.” Nhưng trở ngại này là gì? Là nhu cầu phải có tiền ngay, dù gã chẳng nói rõ là tiền để trả nợ lão chủ trước, hay ngân hàng, hay một quỹ nhận thế chấp tư nhân, hay cái quái gì. Vẫn là câu chuyện cũ rích - với một giọng điệu van vỉ, cầu xin pha lẫn một chút ăn vạ, kiểu như đòi bù đắp những thiệt thòi, bởi những tổn thương, những nỗi nhục nhằn gã đã phải chịu, liên quan đến chuyện Marcelle.
Dù đầy nghi ngại, nhưng nhớ ra Ken Boudreau rốt cuộc cũng là con rể mình, từng chiến đấu trong cuộc nội chiến, vả lại đã phải trải qua cuộc hôn nhân với những nỗi khổ mà chỉ có trời mới biết được, ông McCauley cũng ngồi xuống và viết thư hồi âm, nói rằng ông không biết bán những món đồ đó đi bao nhiêu là được giá, và ông không biết hỏi ai, và ông gửi kèm đây một tờ chi phiếu, coi như là tiền của ông cho gã vay riêng. Ông mong chàng rể sẽ ghi nhận đúng tính chất việc làm của mình, và nhớ tổng số tiền ông đã từng cho vay kiểu như thế này - mà ông tin rằng tính gộp đến nay đã vượt quá các loại giá trị của đống đồ nội thất. Ông gửi kèm thư một danh sách liệt kê ngày tháng từng lần gửi và số tiền. Ngoài năm chục đô được trả cách đây đã gần hai năm (với lời hứa sẽ gửi thêm theo định kỳ), ông chẳng nhận được cái gì hết. Ông con rể hẳn phải biết rằng những khoản cho vay chẳng thu được cả vốn lẫn lời đó đã khiến thu nhập của ông McCauley suy giảm nhiều, vì lẽ ra ông có thể đem số tiền đó đầu tư.
Ông định thêm rằng, “Tôi chẳng ngốc như anh nghĩ đâu,” nhưng lại quyết định thôi, vì như thế là làm lộ sự bực tức và có lẽ cả sự yếu đuối.
Và giờ thì thế đấy. Gã con rể lại còn ăn non và dụ dỗ Johanna tham gia vào mưu mô của gã - gã luôn lấy lòng được đàn bà - và chiếm đoạt được cả đống đồ nội thất lẫn tiền của ông. Cô ta đã phải bỏ tiền túi ra trả tiền vận chuyển, người trực ga nói vậy. Mấy thứ đồ gỗ phong trông bóng bẩy kiểu tân thời ấy đã được danh giá quá cao trong các giao dịch trước, và hai đứa sẽ không thu được mấy tiền đâu, nhất là nếu tính cả khoản cước phí đường sắt đã trả. Nếu chúng thông minh hơn thì lẽ ra chỉ cần lấy món gì đó từ trên nhà chính, một cái tủ cổ hay cái trường kỷ phòng khách ngồi đến là khó chịu vì được làm ra và mua về từ thế kỷ trước. Tất nhiên, nếu chúng làm như thế thì đã thành hành vi ăn cắp rõ rồi. Nhưng làm thế này thì cũng chẳng khác mấy.
Ông đi ngủ với quyết tâm sẽ đưa họ ra pháp luật.
Ông thức dậy trong căn nhà trống vắng, không có mùi cà phê đang pha hay mùi bữa sáng đang nấu trong bếp, đã thế lại còn phảng phất mùi nồi cháy trong không khí. Hơi thu lạnh lẽo đã ngự trị trong tất cả các căn phòng trần cao, trống trải. Đêm qua và nhiều đêm trước căn nhà rất ấm cúng - thì ra lò sưởi chưa bật, và khi ông McCauley đi bật lò sưởi lên thì làn hơi ấm đầu tiên kéo theo mùi căn hầm ẩm ướt, mùi mốc, mùi bụi và mục rữa. Ông tắm rửa và mặc quần áo rất chậm rãi, đôi lúc lại lơ đễnh ngừng lại, rồi lấy một mẩu bánh mì ra phết bơ lạc làm bữa sáng. Ông thuộc về một thế hệ có những trang nam nhi mà người ta bảo là đến cả đun nước sôi cũng không biết, và ông là một trong số đó. Ông nhìn ra ngoài cửa sổ mặt tiền và thấy hàng cây bên kia đường đua chìm trong làn sương mù buổi sớm, đáng ra vào giờ này đã phải tan rồi mà trông vẫn như đang dày thêm, lan tỏa khắp trường đua. Ông còn tưởng như nhìn thấy tòa nhà Triển lãm cũ trong làn sương mù - với những gian nhà thô kệch, rộng huếch hoác như những kho cỏ khổng lồ. Chúng đã tồn tại ở đó nhiều năm mà không được sử dụng - qua suốt cuộc chiến - và ông chẳng nhớ cuối cùng điều gì đã xảy ra với chúng: bị phá hay tự sụp? Ông hận những cuộc đua ngựa giờ đây đang diễn ra ở đó, hận đám đông với cái loa và bọn uống rượu trái phép, hận những tiếng la hét sập trời vào những ngày Chủ nhật suốt mùa hè. Nhớ đến cảnh đó và ông lại nghĩ đến cô con gái tội nghiệp Marcelle, nhớ cô thường ngồi trên bậc thềm gọi lũ bạn học, giờ đã trưởng thành, vừa mới xuống xe bãi đỗ để vội vã vào trường đua. Cô cứ tíu tít cả lên, thể hiện niềm vui mừng khi được về quê, ôm ấp rồi giữ chân người ta, nói liến thoắng luôn miệng về những ngày thơ ấu và nỗi nhớ mọi người. Rồi cô nói rằng điều duy nhất không hoàn hảo trong cuộc sống và nỗi nhớ chồng, anh Ken, đang phải bơ vơ ở miền Tây vì công việc.
Cô ra ngoài đó trong bộ đồ ngủ bằng lụa, với mái tóc nhuộm màu vàng kim bù xù không chải. Tay chân cô gầy guộc, nhưng khuôn mặt có vẻ hơi phù, và nước da mà cô bảo là rám nắng hình như là sắc nâu xỉn do bệnh tật chứ không phải do bắt nắng. Có thể là triệu chứng vàng da.
Con bé con thì ở trong nhà xem ti vi - chương trình hoạt hình Chủ nhật dành cho lứa tuổi nhỏ hơn nó nhiều.
Ông không thể nói, đúng ra không thể biết chắc có cái gì đó trục trặc hay không. Marcelle đi London để làm chuyện gì đó của phụ nữ, rồi tử vong ở bệnh viện. Khi ông gọi điện cho chồng cô, Ken Boudreau hỏi, “Cô ấy uống thuốc gì vậy?”
Nếu mẹ Marcelle còn sống, liệu mọi chuyện có khác đi không? Sự thật là bà ấy, khi còn sống, cũng hoang mang chẳng kém gì ông. Bà từng ngồi khóc trong bếp trong khi cô con gái, lúc ấy đang ở tuổi dậy thì, bị khóa trái trong buồng riêng, đã trèo qua cửa sổ, trượt xuống mái hiên và được một lũ con trai đánh xe đến đón.
Ngôi nhà này phủ đầy cảm giác bị ruồng bỏ nhẫn tâm, cảm giác bị phản bội. Ông và vợ ông hiển nhiên đã là ông bố bà mẹ tốt, nhưng bị dồn đến chân tường vì cô con gái Marcelle. Khi cô trốn nhà đi với một phi công, họ đã từng hy vọng rằng mọi việc của cô cuối cùng cũng sẽ ổn. Họ đã rộng lượng với hai đứa, như với một cặp vợ chồng trẻ đàng hoàng. Nhưng rồi cũng chẳng đâu vào đâu. Ông cũng từng rộng lượng như vậy với cô giúp việc Johanna Parry, và xem cô ta đã tráo trở với ông như thế này đây.
Ông quyết định đi bộ vào trung tâm tới khách sạn để ăn điểm tâm. Cô phục vụ bàn niềm nở, “Hôm nay ông đến sớm thế!”
Và trong lúc cô ta còn đang rót cà phê vào tách cho ông, ông đã bắt đầu kể về cô giúp việc bỏ đi vô cớ mà không báo trước, lại còn khuân theo một đống đồ nội thất thuộc sở hữu của con gái ông, giờ đây có vẻ thuộc quyền thừa kế của con rể nhưng không hẳn như vậy, vì chúng được mua bằng tiền mừng cưới của con gái ông. Ông kể lể chuyện con gái ông đã lấy phải một gã phi công bảnh bao, có vẻ ngay thẳng như thế nào, rồi hóa ra lại là kẻ bội tín ra sao.
“Xin lỗi ông,” cô chạy bàn nói. “Tôi rất thích chuyện trò, nhưng có nhiều người đang chờ tôi mang đồ ăn sáng quá.”
Ông thông cảm.
Ông leo cầu thang lên văn phòng, và ở đó, trải sẵn trên bàn là những tấm bản đồ cũ, vì hôm qua ông đang tra tìm vị trí chính xác của nghĩa địa đầu tiên trong hạt này (rồi bị bỏ hoang, ông tin như vậy, vào năm 1839). Ông bật đèn lên và ngồi xuống, nhưng nhận ra rằng mình không thể tập trung được. Sau lời trách cứ của cô chạy bàn - hay những lời ông cho là trách cứ - ông không thể nuốt trôi được bữa điểm tâm hay thưởng thức được ly cà phê nữa. Ông quyết định phải đi dạo để lấy lại bình tĩnh.
Nhưng thay vì đi tản bộ theo lối quen thuộc, chào hỏi qua loa những người quen mặt như thường lệ, ông lại tự nhiên không kìm được tâm sự. Khi mọi người vừa hỏi ông câu xã giao sáng nay thế nào, ông lập tức để xổ ra nỗi tức giận, một điều cực kỳ bất thường, thậm chí đáng xấu hổ, với tính cách của ông. Và cũng y như phản ứng của cô chạy bàn, những người này cáo bận và ừ ào rồi lảng lảng và xin lỗi phải đi. Sáng nay trời có vẻ lạnh lâu hơn và sương tan chậm hơn những buổi sáng mùa thu bình thường, và áo vét ông mặc có vẻ không đủ ấm, nên ông ghé vào các cửa hàng cho bớt lạnh.
Những người quen biết ông lâu nhất lại là những người bị sốc nhất. Ông chưa bao giờ thể hiện điều gì ngoài sự trầm tĩnh một quý ông lịch duyệt, đầu óc chỉ nghĩ về quá khứ, tính nhã nhặn như thể hiện sự ăn năn về đặc quyền mình được hưởng (mà thực ra là một điều nực cười, vì những đặc quyền đó chủ yếu do ông tự hồi tưởng và người khác không cảm nhận được). Ai chứ ông McCauley phải là người cuối cùng trên đời đi kể lể oan trái và cầu xin sự cảm thông - khi vợ chết ông không thế, thậm chí khi con gái chết ông cũng không thế - vậy mà giờ đây ông đang làm vậy, vừa kể vừa chìa ra mấy lá thư và hỏi người đối diện xem gã nọ moi tiền ông hết lần này đến lần khác như vậy có đáng nhục không, giờ lại còn đồng lõa với cô giúp việc nhà ông lấy trộm đống đồ nội thất sau khi đã lợi dụng lòng thương của ông thêm một lần nữa. Vài người còn nghĩ là ông bị mất đồ đang dùng trong nhà - họ tưởng ông già không còn giường ngủ hay bàn ghế trong nhà. Họ khuyên ông nên đi báo cảnh sát.
“Chẳng ăn chua đâu, chẳng ăn thua đâu,” ông nói. “Làm sao mà lũ mặt sắt ấy động lòng được?”
Ông vào hiệu Sửa Giày và chào bác Herman Shultz.
“Bác có nhớ đôi bốt bác làm đế lại cho tôi không, đôi tôi mua từ Anh ấy? Bác làm lại đế cách đây khoảng bốn, năm năm.”
Cửa hiệu này như một cái hang vậy, với những cái đèn có chao treo rủ xuống các bàn làm việc. Không gian bí bách kinh khủng, nhưng ông McCauley lại thấy thứ mùi nam tính ở đây thật dễ chịu - mùi keo dán, mùi da, mùi xi và đống đế dạ mới cắt cùng những cái đế cũ đã mục. Đây là bác hàng xóm Herman Shultz, một người thợ thủ công đeo kính, da vàng vọt, vai lệch, tay nghề thành thạo, bận rộn quanh năm - luôn tay đóng đóng, tán tán những cây đinh sắt, hay cắt những miếng da theo hình đã định bằng một con dao mũi cong kỳ dị. Đế giày thì cắt bằng một dụng cụ trông giống một cái cưa cầm tay lưỡi tròn nhỏ xinh. Dụng cụ đánh bóng da phát ra tiếng rì rì, đĩa mài gắn giấy ráp thì phát ra tiếng xoèn xoẹt, đĩa cắt có đá mài tạo ra âm thanh chói tai như tiếng côn trùng máy, còn chiếc máy khâu thì lướt trên miếng da theo một nhịp điệu mẫn cán rất công nghiệp. Tất cả những âm thanh mùi vị này cũng như những công việc tỉ mỉ trong tiệm sửa giày đã quá quen thuộc với ông McCauley hàng thập kỷ nay rồi, song ông chưa từng ghi nhận hay suy nghĩ về chúng. Lúc này đây khi bác Herman, trong chiếc tạp dề da đen thui, tay vẫn đang cầm một chiếc bốt, đứng lên, mỉm cười và gật đầu, ông McCauley mới nhìn thấu cả cuộc đời bác hàng xóm trong cái hang này. Ông muốn thể hiện sự cảm thông, hay khâm phục, hay một điều gì còn hơn cả thế mà chính ông cũng không hiểu.
“Vâng, tôi nhớ,” bác Herman nói. “Đôi bốt đó thật đẹp.”
“Bốt xịn đấy. Bác biết là tôi mua đôi bốt đó trong chuyến trăng mật mà. Tôi mua ở Anh. Giờ tôi chẳng nhớ là ở chỗ nào nữa, nhưng không phải ở London.”
“Vâng, tôi nhớ ông đã kể thế.”
“Và bác đã sửa rất khéo. Đến giờ đôi bốt vẫn dùng tốt. Bác làm cẩn thận lắm, bác Herman. Ở đây có bác làm thật chu đáo. Bác làm việc rất uy tín.”
“Thế thì tốt.” Bác Herman liếc nhanh vào chiếc bốt đang cầm trên tay.
Ông McCauley hiểu rằng bác ta muốn tiếp tục làm việc, nhưng ông không buông tha.
“Tôi mới bị trắng mắt một cú. Sốc quá.”
“Thật à?”
Thế là ông lão liền rút bức thư ra và bắt đầu đọc to vài đoạn, đôi lúc dừng lại để thêm vào một nụ cười chua chát.
“Viêm phế quản. Nó nói nó bị ốm vì viêm phế quản. Không biết nhờ vả chỗ nào nữa. Con không biết nhờ vả được ai nữa. Hừ, lúc nào nó chẳng quá rõ phải nhờ vả ai. Sau khi đã cầu cạnh hết các cửa khác rồi mới lần đến tôi đây. Chỉ vài trăm thôi cho đến khi con hồi phục. Xin xỏ và cầu cạnh tôi trong khi đó vẫn đang ủ mưu với con giúp việc nhà tôi. Bác có biết không? Con đó ăn trộm cả đống đồ nội thất và khuân sang miền Tây rồi. Thì ra chúng bày trò mèo mả gà đồng. Chính cái thằng tôi đã cứu nguy hết lần này đến lần khác. Mà chưa bao giờ trả lại một xu. Không, không, tôi phải thành thực mà nói là nó có trả năm chục đô. Năm chục trong số hàng trăm nối tiếp hàng trăm đô. Hàng mấy nghìn rồi. Thì nó có tham gia Không quân trong chiến tranh, chắc ông cũng biết. Cái bọn lùn lùn ấy lại thường vào Không quân. Đi đâu cũng khệnh khạng ra vẻ ta đây là anh hùng đã trải qua cuộc chiến. À, tôi biết mình không nên nói điều này, nhưng tôi nghĩ chiến tranh đã làm hỏng đầu nhiều đứa trong số đó, chúng không bao giờ tái hòa nhập cuộc sống bình thường được. Nhưng chừng đó chưa đủ làm cái cớ để biện minh được. Đúng không nào? Tôi không thể tha thứ cho nó suốt đời chỉ vì cuộc chiến ấy được.”
“Đúng rồi, sao thế được.”
“Tôi biết nó là loại không thể tin được ngay lần gặp đầu tiên. Thế mới kỳ chứ. Tôi biết điều đó, mà vẫn để cho nó bòn rút. Có những kẻ như thế đấy bác ạ. Chỉ vì biết chúng đểu giả nên ta thương xót chúng. Tôi đã kiếm cho nó việc trong ngành bảo hiểm đó, tôi cũng có quen biết đôi chút. Tất nhiên là nó lại không trụ được. Đồ lưu manh. Có những kẻ suốt đời như thế.”
“Ông nói phải lắm.”
Hôm nay bác gái Shultz không có ở tiệm. Thường bác vẫn đứng ở quầy, nhận giày của khách mang đến sửa, rồi mang vào cho chồng xem sau đó ra nói lại với khách ý kiến của chồng, viết hóa đơn, thu tiền khi trả giày lại cho khách. Ông McCauley chợt nhớ mùa hè năm đó bác gái vừa trải qua một ca phẫu thuật gì đó.
“Bác gái hôm nay không ra cửa hàng à? Dạo này bà ấy khỏe không?”
“Hôm nay cô ấy muốn nghỉ ngơi. Tôi cho cháu ra giúp ông ạ.”
Bác Herman hất đầu về phía những cái giá bên phải quầy, nơi để những chiếc giày đã làm xong. Ông McCauley quay đầu nhìn theo và thấy Edith, con gái ông bà Shultz, thế mà từ lúc vào ông không nhận thấy sự có mặt của nó. Một bé gái gầy gò kiểu trẻ con với mái tóc đen thẳng đang sắp xếp lại những đôi giày, lưng quay lại phía ông. Đúng là phong cách mà nó thường thoắt đến thoắt đi khỏi nhà ông hồi còn làm bạn với Sabitha. Dường như không ai có thể nhìn kỹ được mặt nó.
“Giờ cháu có thể ra giúp bố được rồi đấy hả?” ông McCauley cất tiếng. “Cháu học xong rồi à?”
“Hôm nay là thứ Bảy,” Edith nói, hơi ngoái người lại và hé môi cười.
“Ờ nhỉ. Mà, đỡ đần cho bố thì dù sao cũng là việc tốt. Cháu phải chăm sóc cha mẹ. Họ đã làm lụng chăm chỉ và sống tử tế.” Với giọng pha nhẹ chút ân hận, như biết mình vừa lỡ lời phán xét, ông McCauley tiếp, “Hãy tôn kính cha mẹ, để được sống lâu trong…”[3]
Edith lẩm bẩm để ông không nghe thấy. Cô bé nói, “Hiệu sửa giày.”
“Tôi làm bác mất thì giờ, làm phiền bác quá,” ông McCauley nói giọng buồn bã. “Bác còn nhiều việc phải làm.”
Ghét, Thân, Thương, Yêu, Cưới Ghét, Thân, Thương, Yêu, Cưới - Alice Munro Ghét, Thân, Thương, Yêu, Cưới