Số lần đọc/download: 164 / 25
Cập nhật: 2020-06-05 02:27:43 +0700
Chương 5 - Ông Quốc Thanh
C
hẳng mấy lúc bầy trẻ đã thuộc lòng bài thơ Tổ Quốc.
Trong tiếng cưa xẻ rầm rì, tiếng dùi đục lách cách gõ tràng bạt của ba người thợ mộc, các em ca ríu ran: “Em ơi, trăm mến ngàn yêu. Là sông là núi là nhiều đất đai.”
Khoảng tuần sau, một hôm trong giờ giải lao, vừa đang ngân nga bài thơ nọ vừa chơi đùa ở ngoài sân trường, bỗng như gà con thấy bóng ác điểu, các em dạt hết vào mái hiên, ngậm miệng im bặt.
Có gì lạ vậy?
Có! Có một người đàn ông lạ mặt mới từ phía Bản Ngò ngược dốc lên, đi qua bãi đá, đột ngột xuất hiện ở trước sân trường. Người này trạc ngoại tứ tuần, vóc trung bình, lưng đeo ba lô, sườn móc xà cột bạt, vai vắt ruột tượng gạo. Sùm sụp cái mũ cắt két da khiến gương mặt to phệnh đã đen lại càng thêm âm u, đi đôi giầy cao cổ buộc dây gai nặng chịch, người đàn ông tiến vào và đứng lại ở giữa sân trường, lù lù một khối đen sầm, hất hàm vào đám học trò, hỏi trống không:
- Ê, nhà chủ tịch xã ở đâu?
Lũ trẻ ít khi tiếp xúc với người lạ mặt, lại thấy tướng mạo, phong độ người nọ vừa dị thường vừa có ý nạt nộ, liền díu vào nhau, dùn đẩy trưởng lớp Giàng A Tú ra trả lời. Tú lấy lại can đảm, bước ra giọt gianh, nhìn người nọ, dõng dạc:
– Pú dỉn tờ!
- Pú dỉn tờ là cái con khỉ gì mà chỗ chó nào cũng thấy nói thế, hả?
Người nọ dận đánh thịch một chân giầy, trợn mắt sừng sộ. Như đã định sẵn cách ứng phó, Tú lập tức lui về cùng bạn bè đang tụ lại trong mái hiên, thành hình rồng rắn lòn ra phía đầu hồi, miệng đồng thanh như hô khẩu lệnh: “Chi pâu ề!”. Chi pâu ề là tiếng Mèo. Pú dỉn tờ là tiếng Quan. Cả hai cũng hàm nghĩa: Không biết! Không biết! Tôi không biết! Chúng tôi không biết! Đó là ứng đáp tự vệ. Là hàng rào cách ngăn, là cửa đóng then cài, là bất hợp tác.
Mặt hăm hăm, hai con mắt đỏ nọc, người nọ huỳnh huỵch bước tới, nhẩy lên hiên và nhao tới, tóm ngay được tay em Giàng Thị Xay không hay đầu cuối vừa trong lớp chạy ra.
- Chi pâu ề, chi pâu ề là cái mẹ gì thế, thầy giáo mày đâu, đồ mất dạy!
Nghe thấy tiếng Xay kêu choe choé hoảng sợ, Thiêm vội từ trong lớp chạy ra. Người nọ buông tay Xay, thở đánh rầm. Thiêm nhìn. Người này dị tướng. Thấp hơn Thiêm, nhưng vai rộng, ngực bè, lưng tròn. Mặt phẳng bẹt khiến cái mồm đã rộng lại càng thêm rộng, dưới cái mũi nở to là đôi môi mỏng vén cao, hở hàm răng nhe nhe trong cả khi nói. Lạ nữa là đôi mắt lưỡng mục, vòm mắt nổi mu, đuôi mắt có tia gai, bên mắt to bên mắt nhỏ, khi ngưỡng thiên khi ngưỡng địa, bất trắc khôn lường. Nhìn toàn cục, con người này có cái vẻ thô mãng, trần tục nhưng ở trạng thái lưỡng phân, nghĩa là vừa chất phác ngô nghê vừa gian giảo độc địa.
- Đồng chí là thầy giáo Thiêm hả?
- Tôi là Thiêm. Đồng chí mới ở đâu đến công tác ạ?
Không trả lời Thiêm, người nọ vặn nửa người sang trái rồi sang phải, ngó quanh. Thoáng thấy bóng cô Seo Mùa lất phất vạt váy xanh, dắt con trâu kéo gỗ đi qua phía đầu hồi trường học, liền toét môi nở một cái cười làm quen, rồi mới quay lại với Thiêm:
- Chà La Pan Tẩn cao xa thấy mồ, quái quỷ, trâu trông thấy người chạy ra húc, không thấy một dòng khẩu hiệu hưởng ứng chủ trương lập hợp tác xã, xem chừng xứ này mê muội chưa biết chủ nghĩa xã hội là gì rồi!
Nuốt nước bọt đánh ực, xổ ra một tràng ý tứ không phân định vì không có ý thức ngắt câu, người nọ chìa bàn tay to xều bắt tay Thiêm, tiếp một hơi liền tù tì:
- Thôi giới thiệu luôn để dễ làm việc, tôi là Quốc Thanh, tất nhiên đó chỉ là bí danh hoạt động cách mạng, tôi mới ở dưới xuôi lên, nguyên là sĩ quan quân đội được bổ sung đặc phái viên của huyện Xin Ma Chải, trực tiếp phụ trách La Pan Tẩn, nghĩa là từ giờ phút này tôi nắm quyền lãnh đạo toàn diện tuyệt đối địa bàn này, từ nay mọi việc to nhỏ ở xã này đều phải được sự chỉ đạo của tôi, thôi tạm thời thế đã, nhà đồng chí đâu, về đó nổi lửa làm bát cơm chén cái đã, kiến bò bụng rồi!
Ngờ ngợ giây lát, Thiêm đã nhận ra người này, kẻ tự xưng phái viên của huyện, chính thị là nhân vật mua chó chưa trả tiền trong lá thư em Pùa đọc ở lớp học hôm rồi. Anh chỉ ngạc nhiên về hình dong diện mạo kỳ dị của ông, nhất là cách nói năng của ông. Ông không nói ngọng như ông Đường Xuân Ân, nhưng cứ liền mạch tù tì, chẳng phân thành câu cú gì hết, nghe vừa khổ tai lại tù mù lẫn lộn, rất buồn cười.
Lát sau, học sinh tan học, khói bếp đùn xanh um mái cỏ đầu hồi gian bếp. Nồi cơm sôi lục bục. Thiêm bê quả bí đỏ ở gác bếp ra, lấy con dao mài trên đá. “Gọt cả quả đi, tớ ăn khoẻ lắm đấy.” Ông Quốc Thanh vừa cởi giầy vừa liếc mắt thấy Thiêm đang gọt vỏ bí liền nói. Rồi mở xà cột, lấy ra cuốn sổ bìa đỏ, rút chiếc bút Trường Sơn gài vào bìa sổ, đặt trịnh trọng lên đùi, ông chắt nước chè pha trong cái ca sắt tráng men của Thiêm, tợp một ngụm, khà một tiếng, lè lưỡi:
- Đói quặn cả ruột lại tương thêm cái bố nước chè đặc này vào bao tử thì bỏ mẹ!
Nhìn Thiêm bỏ bí vào lòng chiếc chảo con đang ran tiếng mỡ sôi, ông tắc lẻm:
- Sao ít mỡ thế?
- Có đủ rồi đấy ạ.
- Cho kha khá vào một tí, bữa nay coi như cậu chiêu đãi thủ trưởng đúng không, này tranh thủ lúc cơm chưa chín, bí chưa nhừ cậu báo cáo vài nét về xã này đi!
Thiêm dốc cả lọ mỡ vào chảo bí, nói như đã thuộc lòng:
- La Pan Tẩn là xã thuần người Mèo xanh ở hạ huyện Xin Ma Chải.
- Mèo xanh là Mèo gì?
- Là một trong sáu ngành Mèo. So với các ngành Mèo khác, trang phục có khác tí chút. Chẳng hạn, váy phụ nữ Mèo xanh, nhiều màu xanh lam hơn các ngành khác.
Ông phái viên gật đầu, khậc một tiếng cười khoái trá:
- Như váy cái cô gì xinh xinh vừa nãy kéo trâu qua đây chứ gì!
- Tiếng Mèo xanh thanh, nhẹ hơn các ngành khác. Ví dụ, các ngành khác nói nả, nghĩa là mẹ, người Mèo xanh nói là nỉa.
Rút bút máy, mở sổ, ông Quốc Thanh nhằn nhằn môi, huẩy đầu:
- Thôi cho qua phần đó đi.
- Xã có 250 hộ, bốn xóm nhỏ, hai thôn lớn. 1.560 khẩu. 220 lao động chính. Lúa ruộng có 15 héc ta ở dưới bờ sông, còn nương du canh thì nhiều. Thôn lớn nhất là thôn này, gọi là thôn Bãi Đá hay La Pan Tẩn cũng được. Thôn lớn thứ hai là thôn Bản Ngò. Kia kìa, đồng chí có nhìn thấy không?
- Mấy hôm vừa rồi từ huyện vào tớ có ở đấy rồi, có phải cái thôn có nhiều chó giá rất rẻ không?
- Đó! Qua con suối lớn, đến bãi cỏ xanh thả ngựa, trâu bò là nó. Trông thế mà từ đây xuống phải đến sáu cây số đấy.
- Cậu nói vào vấn đề chính và nói lại chầm chậm một tí để tớ ghi đi, toàn xã có hai trăm bao nhiêu hộ, lúa ruộng ở dưới bờ sông gì có bao nhiêu hát a?
Ông phái viên dệnh dạng đôi chân, tạo thế ngồi ổn định rồi tì ngòi bút lên trang sổ đã mở. Khổ, ngòi bút lâu không viết đóng két mực. Ông phải vẩy một thôi một hồi, mực thông, mới lại đặt ngòi bút lên trang giấy, mắm môi mắm lợi ấn. Trông ông viết cũng thấy khổ lây. Môi ông uốn theo từng nét chữ. Đã có tờ lót kẻ hàng ở dưới làm cữ, mà chữ vẫn cứ như leo dốc. Đã vậy chữ nào chữ ấy đều to xều, chỉ được năm bẩy chữ đã lại phải chuyển dòng. Huyện ông viết thành huện. Bờ sông ông viết thành bờ xông. Ông không biết viết chữ hoa, không có khái niệm về chấm, phẩy. Con số ông viết nghiêng ngửa, không ra hàng lối. Gặp số ngàn là phải đếm lẩm nhẩm trong mồm và bấm ngón tay.
Cuối cùng, ông buông bút, bẻ ngón tay, rồi nhíu mày, đăm chiêu nhìn Thiêm:
- Thế theo đồng chí khó khăn nhất hiện thời của xã này là gì?
- Là thiếu đói!
Không cần suy nghĩ, Thiêm đáp ngay tắp lự. Và Thiêm thật không ngờ, mới chỉ có thế, ông phái viên đã như bị chạm nọc. Ông sa sầm mặt, đang thân thiện lập tức chuyển ngay sang thái độ thù nghịch với Thiêm. Mặt ông đỏ xậm lại:
- Đồng chí ăn nói bậy bạ, sai hết quan điểm đường lối, vấn đề không phải là thiếu đói mà là cái này này - Ông chồm lên dứ ngón tay định gõ vào trán Thiêm - là cái đầu là tư tưởng là buông lơi sự lãnh đạo, là chưa dứt điểm giữa hai con đường, tôi hỏi nhé có phải hoà bình lập lại năm 54 xã này có ba tên địch chạy sang Lào vào Nam không? Hiện thời ở đây chưa có hợp tác xã, chưa có chủ nghĩa xã hội, chỉ huy điều hành ở đây tập trung tất cả vào tay một lão già gọi là hố pẩu có đúng không?
- Đồng chí nói cái gì thế!
Gạt tay ông phái viên định gõ vào trán mình, Thiêm đứng vụt dậy, trực giác mách bảo phải lên tiếng, mặt anh cau lại.
Ông Quốc Thanh đứng dậy theo Thiêm, biết là Thiêm phản ứng, liền dịu nét mặt:
- Đồng chí không hiểu thật hả đồng chí Thiêm?
- Đồng chí nói không rõ ràng rành mạch gì cả. Đồng chí vừa chân ướt chân ráo đến. Tôi ở đây năm bẩy năm nay…
- He he he…
- Đồng chí cười cái gì!
- Cười cái đồng chí không hiểu chứ cười cái gì! Ông phái viên hạ giọng, đột ngột vỗ vai Thiêm, vừa lấy lại thân mật vừa giữ vai kẻ cả tự thị - Tất nhiên tôi không trách cậu vì cậu không phải là nhà cách mạng chuyên nghiệp như tôi, đấy thoáng qua là tôi biết ngay, hoá ra năm bẩy năm ở đây cậu chẳng nắm được cái gì cả, chỉ ngày này qua ngày khác dạy trẻ con những bài hát yêu đương lăng nhăng thôi, này cứ nghêu ngao như thế có phen mất nước không biết đấy!
Đập bộp tay vào cái xa cốt, ông Quốc Thanh bật một tiếng cười cụt ngủn, rồi đẩy vai Thiêm, vẻ dễ dãi:
- Thôi sống lâu với nhau rồi sẽ hiểu, cơm chín rồi ăn đi đã, chiều nhớ chấm cơm cho tớ nhé, à này cậu có thích món cầy tơ không, gọi cả cánh thợ mộc cho họ đụng một góc đi, tớ mua được một con chó rẻ lắm còn đang gửi ở đàng kia.
Hoá ra ông Quốc Thanh đã đến La Pan Tẩn cả tuần nay rồi. Ông lò mò trong các thôn xóm, gặp người này, hỏi người kia, nghe ngóng dư luận, biết cả việc Thiêm địu cái vành xe ô tô về làm kẻng và sự thán phục của bà con với lòng tận tụy hăng say của Thiêm; các ý kiến nhận xét của ông về tình hình La Pan Tẩn do vậy không phải là không có căn cứ.
Thiêm đã bị áp đảo.
Thiêm phần nào còn bị ông thuyết phục. Ông nhiều tuổi hơn Thiêm, trải đời hơn, có nhiều lợi thế hơn anh. Ông thừa hưởng một món lợi nhuận kếch xù không mất công mất sức mà có. Chức vị đẻ ra quyền lực, đẻ ra giá trị, đẻ ra niềm tin, nhất là niềm tin. Thiêm như rất nhiều người, vốn được giáo dục trong tinh thần, với thượng cấp bao giờ cũng giữ niềm tin cẩn. Còn bây giờ, phái viên đặc biệt của huyện, nhà cách mạng chuyên nghiệp, những danh vị thiêng liêng cao quý, gợi niềm tin tưởng biết bao nhiêu cho người ta!
Thêm nữa, với Thiêm, cô đơn là một trạng thái tâm thần cần được chia sẻ thì nay, nhờ có ông Quốc Thanh, đã được chia sẻ. Có được một bạn đường cùng trang lứa đã là ước ao sở cầu trên con đường thiên lý xa lạ; huống hồ đây lại còn là một cấp trên, một điểm tựa. Thiêm từ nay có thể đặt vào ông niềm hy vọng về một sự trợ giúp, đối với sự nghiệp mà anh tôn thờ. Bên ông, anh thật bé nhỏ.
Bốn mươi nhăm tuổi đời. Hai mươi tuổi đảng. Hai mươi hai tuổi quân. Xuất thân không tấc đất cắm dùi ở một huyện nghèo của tỉnh Hải Dương. Lên Hà Nội từ năm mười ba tuổi, gia nhập đội quân vô sản thành thị. Đánh giầy. Bán báo. Nấu rượu lậu. Bị nhà đoan Tây bắt giam. Ra tù, bốc vác ở nhà ga xe lửa, kéo xe tay thuê. Tình cờ bị hiến binh Nhật bắt. Trốn tù, về làng đúng lúc cách mạng bùng nổ. Vác mã tấu lên chém xả vai tri huyện. Đánh cướp. Bị Việt Minh bắt vì dính líu vào một vụ cướp của giết người. Được khoan hồng. Nam Tiến vào chiến trường Đồng Nai. Hoà bình lập lại, tập kết ra Bắc, theo học trường học sinh Miền Nam một năm rồi chuyển sang làm cán bộ cục vận tải đường sắt. Ít lâu sau lên đây trong chức danh: phái viên huyện.
Ôi, những trang tiểu sử ly kỳ, oai dũng và kiêu hùng! Đất nước biến động, phản ánh những thăng trầm, xáo lộn, qua những nhân vật của mình. Quốc Thanh, với những gì đã trải, hoàn toàn có thể vỗ ngực kiêu ngạo, rằng mình chính là một phần tử tiêu biểu của cuộc sống dữ dội mấy chục năm qua mà không chút hổ thẹn. Bị thôi miên vì ánh hào quang của lịch sử, đã có lúc Thiêm nghĩ, ông Quốc Thanh, với vị trí đứng đầu một cái xã rẻo cao nhỏ mọn như La Pan Tẩn, cũng chưa xứng đâu. Ông còn phải ở vị trí cao hơn, với quyền hành lớn hơn nữa mới phải.
Trái hẳn với những câu nói lằng nhằng dính nhau, không phân cách bằng dấu chấm, dấu phẩy, tác phong sinh hoạt và cung cách nghĩ ngợi của ông lại thật đơn giản, rõ ràng. Việc nhỏ nhặt như việc ăn uống, ông xử sự cũng rất sòng phẳng. Ông ăn như hổ đổ đó, như hủi ăn mỡ, mỗi bữa bảy bát sắt, nhưng góp gạo thổi cơm chung, ông yêu cầu chỉ đong đúng hai trăm năm mươi gam gạo phần ông và bảo: độn thêm khoai sắn vào để ăn no chứ không được phạm tiêu chuẩn gạo. Tiền thức ăn, mỗi tuần ông thanh toán một lần với Thiêm. Hai hào rưỡi một bữa nhân với số bữa chấm hàng ngày, không thể sai, vì ngoài bản chấm cơm dán công khai ở bếp, ông còn ghi ở sổ tay riêng. Bữa nào ra huyện họp hay xuống Bản Ngò, đi các thôn làm việc, không ăn, đố có bao giờ nhầm. Bữa nào ông bảo: ghi tớ ăn cơm không thôi, thì dẫu Thiêm có múc riêng một bát canh bí đỏ với ngầm ý biếu ông, không tính tiền, ông cũng nhất quyết không động đũa. Phân miêng lắm. Thường những bữa ấy ông có thức ăn riêng: một con cá suối ông bắt được, lọ riềng trộn muối ông chế biến lấy hoặc miếng thịt lạp ai đó cho ông. Những bữa ấy, đón bát cơm Thiêm xới đưa cho, đặt xuống rồi ông mới len lén lôi ra từ túi áo dưới lọ thức ăn, để lên rìa mâm, vặn nút; sau đó thò đũa vào gắp một miếng xong là lập tức đậy nút liền. Không bao giờ ông mời Thiêm một tiếng, dù là lấy lệ. Những bữa như thế, Thiêm thường ăn quáng quàng cho xong rồi ra bãi đá xem tốp thợ mộc làm việc. Thiêm cứ nghĩ, có mặt mình ông sẽ ngượng.
Ông rất giản đơn và thô thiển trong đời sống tinh thần. Gặp tình thế nan giải, thường mắt ông mở tráo trưng, miệng ông chép chép: “Tôi vẫn bình tĩnh đây!” Ông tuyên bố phương châm xử thế như sau: Khi xem xét sự việc, 51 phần trăm là lý trí, 49 phần trăm là tình cảm. Nhưng khi ra quyết định thì ngược lại. 51 phần trăm là tình cảm, 49 phần trăm là lý trí. “Tôi vốn là người tình cảm.” Ông tự nhận, nhưng ngay sau đó, lại tự thú: “Tôi cũng là thằng lỳ lợm đấy. Hồi nhỏ đi bắt cua, thò tay vào hang nào, dù lôi phải con rắn ra thì tôi cũng bóp chết nó ở cửa mà. Tôi không chịu trắng tay đâu. Giờ, anh nào định ép tôi, định thúc tôi, đừng có hòng. Đừng mong qua nổi tính trơ lì của tôi!” Tính cách là sản phẩm của môi trường. Có lẽ ông thành nhân ở môi trường thất học, không thuần chất.
Ông rất quan tâm đến việc tự tu dưỡng. Tối nào trước khi đi ngủ, ông và Thiêm theo quy định của ông, cũng ngồi với nhau mươi phút để tự kiểm điểm. Tất nhiên, chủ yếu là để ông góp ý, uốn nắn Thiêm. Ông chì trích gay gắt việc Thiêm gọi ông thợ cả là ông Kác-Mác, chỉ vì ông này có khuôn mặt, bộ râu giống với người sáng lập ra học thuyết giá trị thặng dư và chuyên chính vô sản. Ông nói đại ý: Điều đó chứng tỏ trình độ quan điểm lập trường của đồng chí rất kém nếu không nói là phản động. Ở Liên Xô mà như thế thì chắc chắn phải đi đầy ở sa mạc Xahara Còn ở Trung Quốc, dứt khoát là mặc quần đùi đỏ gánh đất cải tạo sông áp lục Giang rồi! Thiêm tuy nghĩ: chẳng qua chỉ là một cách so sánh dân dã vui vẻ, gì mà quan trọng thế, nhưng cũng tiếp thu vì thấy ông chân thành. Dẫu biết ông mắc tật ăn nói văng tê, sai sót nhiều trong kiến thức, nhưng vẫn nghĩ, ông có cái căn cốt chính trị vững vàng xứng đáng để mình trao gửi niềm tin cậy. Coi ông như Đức cha thay mặt Chúa và mình như con chiên, trong niềm kính tín pha màu mê hoặc, Thiêm đã giãi bày hết mọi chuyện gia đình riêng tư cho ông nghe. Ông nội Thiêm là nhà nho quân tử, tính khí khảng khái, bộc trực, lắm khi vô vi như trời đất, hoá ra không vừa lòng mấy ông cán bộ xã xuất thân thợ cầy. Ông bố Thiêm là một trí thức trẻ tài hoa. Kháng chiến chống Pháp ở những năm đầu đã lên đến chức Giám đốc Sở văn hoá khu, nhưng đa tình đa cảm, không thoát khỏi ải mỹ nhân, trót đa mang, đành bỏ dở cuộc kháng chiến của dân tộc, theo người tình trở vào vùng địch tạm chiếm, giờ là một ông già cô độc vô tăm tích bên trời Tây. “Đừng tưởng lão già bố đồng chí không còn khả năng chống phá cách mạng, rắn càng già nọc càng độc đấy.” Nghe Thiêm kể xong, ông phái viên nhìn Thiêm nghiêm nghị, rồi thêm: Như vậy là đồng chí rất nặng căn đấy vì đồng chí vừa nhiễm tư tưởng phong kiến địa chủ vừa nhiếm tư tưởng tiểu tư sản tư sản đồi truỵ phản động bọn này coi cái lờ của con đàn bà to hơn lý tưởng.
Thật tình nghe ông phê phán, đã có lúc Thiêm thấy mình xấu xa quá, tồi tàn quá. Thiêm ứa nước mắt xót xa. Thiêm muốn tát vào mặt mình, tự xỉ vả mình là quân ăn hại, đồ bỏ đi, kẻ nhơ bẩn.
Tất nhiên, sống với ông phái viên ít lâu, Thiêm cũng thấy nhiều nỗi phân vân, nhiều điều khó chịu. Trong sinh hoạt, ông lỗ mãng, quái dị, lắm khi như có hội chứng tâm thần. Ông không uống nước sôi. Uống nước lã, ông khen là ngọt là mát. Ông lấy ngón tay cọ răng. Dọn lên mâm bàn ông không thích bằng ăn ở trong bếp. Ăn cơm xong ông lấy đũa gạt qua hai mép thay cho khăn lau mồm.
Ở với Thiêm được hai hôm đến ngày thứ ba, như đã dóng trước, ông đi xuống một xóm nhỏ gần đó; buổi trưa dạy học xong, nghe thấy đám thợ mộc hét váng ở bãi đá, Thiêm đi ra, đã thấy ông đang trói ghì một con chó xồm cỡ mười lăm cân, mặt sư tử, lông vàng bóng. “Để tao hoá kiếp cho mày kiếp sau làm người nhé.” Ông nói, quờ tay tìm cái dùi đục. Khậc một phát, mũi con dao nhọn nhận nhát dùi thật gọn chọc trúng điểm huyệt ở gáy con chó. Con chó rẫy một cái, ông liền rút con dao díp từ trong cái túi đeo bên sườn, tay lần sờ cổ họng con vật, tay lách mũi dao, rồi hất ngược phựt một cái, huyết từ cổ con chó lập tức phụt ra sè sè.
“Trần đời em mới thấy người cắt tiết chó nhẹ nhàng như anh giai đấy.” Một gã sơn tràng chột do ông giới thiệu đến nhập bọn với cánh thợ mộc vừa hứng tiết chó vừa nắc nỏm khen ông. Sau Thiêm mới hiểu, mấy ngày xuống La Pan Tẩn ông Quốc Thanh được gã chột đưa đến ăn ở tại nhà một người đàn bà Mèo goá chồng ở thôn Ngải Chồ. Gã chột này quen ông hồi ông mới lên huyện Xin Ma Chải. Con chó mua của bố em Pùa chưa trả tiền, ít lâu nay vẫn gửi nuôi ở nhà người đàn bà này.
Bữa thịt chó diễn ra rất om sòm ở bãi đá còn là vì món dồi chó phết mỡ nướng do chính tay ông quạt lửa. Đặc sắc vô cùng, vì vừa bùi vừa ngậy. Tuy vậy cũng đã xẩy ra một trục trặc lúc chia phần đóng góp. Ông Quốc Thanh khai giá con chó tăng thêm ba đồng, tức thì hai chục và bổ đầu bốn người kia góp mười sáu đồng. Đã thế, sau khi ăn, ông lại nhặt nhạnh tất cả xương xẩu gặm dở rơi vãi đây đó và số thịt chưa ăn hết, tống cả vào một nồi, qua lửa lần thứ hai, gọi là nấu thắng cố hôm sau coi như của riêng, không cho ai động đũa. “Cha này vạch vôi vào mặt, không chơi được!” Ông thợ cả Kác-Mác tuyên bố vậy và cách ly từ đó với ông.
Ông Quốc Thanh ăn khoẻ lắm, ăn như người rỗng ruột, lại háu đói, vào bữa bưng bát là và lấy và để, chưa nuốt xong miếng này đã lại lùa tiếp miếng khác vào miệng. Có lúc còn lấy tay bốc cho nhanh, cứ như là sợ kẻ khác ăn tranh mất phần. Ông ăn như ma đói ma khát ăn. Ăn như bị bỏ đói từ tiền kiếp. Lại thêm vừa ăn vừa nhe nhe răng như doạ nạt ai, trông mà khiếp. Không ngồi ghế, ông Quốc Thanh chỉ thích ngồi xổm. Điệu đi của ông cũng lạ. Đã lắc mạnh vai, lại hay cúi đầu, trông rất gian. Ông ngáy mới kinh, đã thế lại mắt mở trừng trừng trong khi ngủ. Ngủ với ông là cả một cực hình. Ông hay gác chân, quặp bụng Thiêm. Có bận, ông còn chồm lên người Thiêm, rồi dún dẩy rú rít như lên cơn ngộ dại.
Ngủ chung với Thiêm những hôm trời lạnh, thế nào ông cũng tìm cách mân mó chim anh, rồi cười hê hê:
- Bé như quả ớt thế này thì lấy vợ thế đ. nào được, à này biết mấy cái bướm đàn bà rồi?
Thiêm hất tay ông, quay đi, ông lại lay vai anh:
- Này, con Seo Mùa mông nó nở thế thì cái món kia của nó chắc phải lùm lùm như đĩa xôi cúng ấy nhỉ, này gái Mèo nó không mặc xơ líp, hả cậu?
Khi đã quen thân với Thiêm, ông chẳng còn giấu giếm gì Thiêm nữa. Ông khoe đã giao du với đủ hạng người, thông thạo đủ các ngón chơi bời. Ông nói, ông đã ngủ với khoảng năm chục người đàn bà. Ông bảo, cách gạ gẫm kiến hiệu ông vẫn hay áp dụng là thế này. Đàn bà hay mắc bệnh nhức đầu, ông bảo lại đây ông chữa cho khỏi liền. Cách chữa là đưa người nọ vào buồng kín, bắt cởi hết áo ngoài quần trong ra, rồi nằm áp vào ông khi ấy cũng trần như nhộng. Quan trọng là ngực, bụng áp nhau, âm truyền cho dương, dương truyền cho âm, cân bằng là khỏi. Khỏi là hứng, hứng là chơi. “Gặp phải cái con nó xấu quá thì úp cái khăn lên mặt nó rồi chơi!” Ông nói, cười hềnh hệch vô tư rồi cao giọng ca một bài hát thô tục của dân cu ly xe ngày xưa: Nhong nhong cưỡi ngựa lên đồn. Ông cho thúng gạo vạch l. ông xem. L. mày nhọ nhẻm nhọ nhem. Ông cho thúng gạo mà đem l. về.
Sống với ông ít lâu Thiêm còn nhận ra một đặc điểm quan trọng nữa của ông: Ông thật là một tay biến hoá kỳ tài. Đang như một tên du thủ du thực với lớp ngôn ngữ hạ đẳng kinh người, thoắt cái ông đã có bộ mặt, giọng điệu một anh cán bộ chính trị thâm niên đứng đắn. Đang là một gã đàn ông đàng điếm, hoàn toàn bị bản năng tình dục và cơn thèm ăn chi phối, ngoảnh đi ngoảnh lại, như trong trò chơi hoá trang, ông đã đóng trọn vai một chính khách, nhà cách mạng chuyên nghiệp, phái viên đặc biệt của huyện, mang nhãn quan chính trị vô cùng bén nhạy và tinh quái!
Lặn lội xuống các thôn xóm một tuần liền, trở về, ông Quốc Thanh củng cố nhận định và quyết tâm sau đây: La Pan Tẩn là một xã trắng. Chưa có phong trào. Chưa có chính trị. Chưa có kinh tế tập thể. Chưa có lực lượng bảo vệ an ninh. Phải quật một làn roi vào đầu nó cho nó thức dậy.
- Ta chia dân thành hai cụm để học tập nghị quyết của huyện - Ông Quốc Thanh bảo Thiêm - Cụm thứ nhất là thôn trung tâm này do đồng chí phụ trách, dưới sự trực tiếp chỉ đạo của tôi, cửu đại hơn ngoại nhân, dẫu sao tôi vẫn tin đồng chí, thêm nữa đồng chí sẽ được tôi bồi dưỡng thêm về nội dung nghị quyết, đồng chí lại biết tiếng Mèo nên sẽ có thuận lợi, cụm thứ hai đặt ở Bản Ngò do tôi lãnh đạo kèm thêm một phiên dịch phụ trách.
Thiêm gãi tai có ý ngại. Ông phái viên trợn trừng hai con mắt lệch nhau, nhăm nhe:
- Đây là dịp thử thách hiếm có với đồng chí đấy, quân lệnh như sơn, yêu cầu dẹp hết việc học văn hoá lại, thiếu tư tưởng chính trị thì lạc lối, chứ thiếu văn hoá cũng chẳng chết ai rõ chưa anh giáo!
Ngắt một hơi, lui một bước cách Thiêm, ông dằn giọng:
- Báo để anh biết, lúc này cần tập trung chứ không cần dân chủ, tôi đã lệnh cho các thôn: ai không đi học sẽ bị đưa ra phê bình, bị coi như chống đối.
La Pan Tẩn ở độ cao hai ngàn mét so với mặt biển, lúc này đang ngập trong đông giá. Chập tối sương lạnh sa đầy bãi đá, cách hai bước đã không nhìn thấy mặt nhau. Nửa đêm, nước chẩy trên máng cũng đóng băng. Ruộng nước ở trên núi lúc này đều vào dịp hưu canh. Vụ đông xuân chỉ còn trông cậy vào số ruộng mười lăm héc ta dưới bờ sông Chẩy. Miếng ăn, nỗi lo từ tiên tổ truyền lại, ám ảnh tâm trí từ ông già đến trẻ nhỏ. Sớm bửng, do vậy vợ chồng, con cái đã kéo nhau xuống núi. Chài chãi một ngày dài trong công việc cấy trồng, gặt hái, chăm bón, leo dốc trở về tới nhà đã xẩm xẩm lại còn phải chăm sóc lợn gà, nấu ăn bữa tối. Ăn xong bữa tối, mệt mỏi chỉ muốn lăn ra ngủ. Nhưng nghe kẻng thúc, sợ bị phê bình, bị quy tội chống đối, vội đốt đóm lò dò đến nơi tập trung.
Thiêm chuẩn bị bài giảng theo cung cách ông giáo soạn bài, thật chu đáo. Nhưng, vừa vào họp, mới nói được mấy câu mở đầu đã thấy xung quanh rầm rầm tiếng ngáy. Để mọi người thiếp đi chốc lát cho vơi cơn nhọc mệt, lúc sau Thiêm mới từ tốn đánh thức mọi người dậy, rồi nói thật tóm tắt, thật giản dị, cụ thể để mọi người hiểu được các ý tưởng. Tiếp đó cho mọi người nêu câu hỏi, thắc mắc để cùng trao đổi. Nhờ đó bà con tiếp nhận được nhiều ý tưởng mới và các buổi học tránh được thói hình thức vô bổ.
Không thể tả được nỗi vui mừng của ông Quốc Thanh khi sau đó mười ngày ông từ Bản Ngò trở về thôn trung tâm. Ông xoa xoa hai bàn tay, hoan hỉ:
- Hay lắm, thế là đủ bẩy tối với trăm phần trăm số gia đình có mặt học tập, tôi biểu dương đồng chí thầy giáo Thiêm nhé, nào cho biết chi tiết đi, thảo luận ra sao, yêu nhau bốc bải dần sàng bà con nhất trí hoàn toàn với nghị quyết chứ?
- Không hoàn toàn đâu!
Thiêm gần như buột miệng. Và thiên tính hồn nhiên của anh lại bị bất ngờ một lần nữa. Hai làn môi đang loe loe liền bậm xuống bẹp dí, hai con mắt thắt lại, dại hẳn đi, ông Quốc Thanh phắt ngay dậy:
- Trâu buộc đâu nát rào đó, lại mấy tên đầu sỏ thổ phỉ cũ thắc mắc phá phách chứ gì!
- Người lầm đường làm phỉ cũ có mấy đâu. Mà họ cũng là người nghèo khổ, bị lừa dối thôi, đồng chí ạ.
Khim khíp hai con mắt kích cỡ khác nhau, đuôi mắt tóp nhọn như mũi gai, ông phái viên phóng cái nhìn nghi ngờ thẳng vút vào mặt Thiêm. Rồi bật môi, thình lình xì ra một hơi thở giải toả, ông nắm chặt hai nắm tay, sừng sộ:
- Nào cho dân chủ đấy, có thắc mắc gì cho tha hồ nói, nói đi.
Thiêm liếm môi, thong thả:
- Họ nói, cán bộ đừng quá lời. Bảo cái gì cán bộ chủ trương cũng tốt đẹp, cũng thắng lợi là nói dối. Hai người cùng uống rượu, đừng nói chỉ một bên say. Nói thế là bịa tạc, xấu hổ lắm!
- Nói tiếp đi!
- Họ nói, may áo phải may cái túi đựng tiền. Mỗi người một cha một mẹ, một vợ một chồng, một mái nhà. Cái lý ngàn xưa là vậy. Cái lý người Mèo là vậy. Sao lại bảo: không được làm ăn cá nhân!
- Ngu thế không biết!
- Để tôi nói hết đã.
- Cả đồng chí nữa cũng ngu lắm, chủ nghĩa cộng sản sẽ cắt đứt hết những tư tưởng tư hữu cổ truyền hiểu chưa!
- Đồng chí cứ nghe cho hết đã rồi hãy giải thích. Đồng bào hỏi: hợp tác xã có giống cái rế để bắc cái nồi thu mua cho đỡ nóng không?
- Pình!
Chiếc bàn vô cớ bị tặng một quả đấm thôi sơn long cả đinh, rung cành cạch. Thiêm cau mặt:
- Đồng chí nóng, tôi không nói nữa!
- Nói như quân phản động!
- Chính đồng chí vừa nói: để dân tự do phát biểu ý kiến cơ mà.
- Tự do nhưng phải có lãnh đạo, tự do nhưng phải có kiểm soát hiểu chưa, tôi nói để anh biết, đó là nguyên tắc và tôi sẽ lì ra, sẽ thách cả làng anh đấy.
Ô hay, sao lại nói một đằng làm một nẻo vậy. Đã vậy lập luận lại vòng vo luẩn quẩn. Thiêm quay người, bực bội, định bỏ đi. Nhưng như chợt nhận ra mình vô lý, ông phái viên vội giơ tay cản Thiêm:
- Đồng chí định đi đâu?
- Tôi đi soạn bài.
- Này đừng có qua mặt tôi, tôi vẫn bình tĩnh đây, đừng nói tôi nổi nóng, nào nói tiếp đi, việc cử người đi dân công làm thuỷ lợi ý kiến thế nào?
- Mọi người đều ngại. Đang ở trên núi mát mẻ, xuống vùng thấp đi dân công, không chịu được nóng nực, ruồi muỗi, hay ốm đau.
- Thế nào?
- Thế chứ còn thế nào!
- Khè khè…
Bất ngờ, ông Quốc Thanh giật ngực, ngửa cổ phát ra một tràng cười. Cười thật to, thật cởi mở. Hoá ra ông cười vì sự việc quá kỳ lạ, chưa từng thấy. Nhận ra điều đó, Thiêm bỗng thấy dịu hẳn đi cơn bực bội đang tích đọng trong người. Hoá ra, ông Quốc Thanh cũng còn có phần gần với bản tính con người, dẫu là con người thô sơ, không căn cốt nền tảng.
Đợi ông ngắt tiếng cười, Thiêm nói tiếp:
- Còn việc cấm mổ trâu là không được. Tôi đồng tình với bà con ý này. Người Mèo có câu nói: Bố nợ con một con dâu. Con nợ bố một con trâu. Đám ma, con trâu mổ là cái linh hồn dẫn người chết về với tổ tiên.
- Thế còn thuốc phiện?
- Có thấy cái độc hại. Nhưng bỏ thuốc phiện thì lấy cây gì trồng thay? Rét, lúa không đóng hạt, ngô không trổ cờ. Còn thuốc phiện trồng dễ. Một cục thuốc dắt cạp quần, đem đi chợ, mua đổi cái gì cũng tiện! Thuốc phiện là đời sống của bà con.
- Chó chết lại thêm đồng riềng!
- Sao?
- Đã bỏ là bỏ tất, anh có hiểu điều này không, đường lối là quan trọng nhất, dù cả làng hơn nghìn người này có chết đói hết cũng phải giữ vững đường lối!
- Nói thế không nghe được!
- Miễn tranh luận. Chỗ này tôi phải chuyên chính.
- Còn về thuế…
- Đòi đóng bằng tiền chứ không đóng thóc chứ gì!
Thiêm hất hai con mắt sâu trầm ngước lên, ông Quốc Thanh cười xoà một hơi:
- Đồng chí đã thấy chưa, vấn đề không phải là cái bụng đói mà là cái đầu đói tư tưởng, cái đầu u mê, cái đầu của kẻ địch, trời ơi có lẽ cả nước mình không còn có cái xứ nào lạc hậu như cái nơi này, hừ, hỏi như thế có đáng cho đi cải tạo, có đáng bỏ tù tất không?
Vằng tay trong không khí như một cử chỉ phản đối, Thiêm gắt:
- Đồng chí đừng nói to thế!
- Cái gì?
- Tôi yêu cầu…
- Tôi vẫn bình tĩnh đây!
- Bà con người ta có cái lý của người ta.
- Lý gì?
- Lý của lẽ tự nhiên, của đời sống. Đồng ý lập hợp tác xã, nhưng người học cao nhất mới có lớp ba bổ túc. Ai làm chủ nhiệm? Ai làm kế toán? Quản lý mấy chục hộ quan hệ đến đời sống cả trăm con người đâu có dễ!
Xì một hơi dài qua hai lỗ mũi rộng đầy vẻ khinh mạn, ông phái viên nhìn Thiêm, môi bìu bĩu, lên giọng khinh mạn:
- Này anh giáo, anh định dùng văn hoá để loè tôi đấy hả, nói cho anh biết nhé, tôi đây này, phái viên huyện nguyên chính trị viên đại đội đây này, cũng chỉ có lớp ba thôi, nhưng tôi vẫn cứ là cấp uỷ, vẫn cứ là lãnh đạo, chúng tôi không cần phép toán đại số đại siếc của bọn tư sản các người, chúng tôi kéo pháo áp sát vào lô cốt địch bắn, chúng tôi dùng hạt ngô hạt đỗ để làm tính cộng trừ, ba anh thợ da thành một Gia Cát Lượng hiểu chưa, ta ghê tởm bọn tri thức các người, các người chẳng qua cũng đáng giá một bãi cứt chó thôi hiểu chưa.
Ngưng lại vì đã thông thốc một thôi một hồi, ông phái viên hạ giọng, nhìn Thiêm, chuyển từ tức giận sang thương hại:
- Giai cấp tiểu tư sản các anh đúng là như cái đầu b. nghĩa là cương đấy mà ỉu xìu ngay đấy, này nói để anh liệu: tôi sẽ làm nên chuyện long trời lở đất ở cái vùng thâm sơn cùng cốc này cho anh xem, nào có theo không hay là chống lại?