Nguyên tác: The Mill On The Floss
Số lần đọc/download: 1990 / 33
Cập nhật: 2015-10-05 18:59:31 +0700
Chương 5
Đ
ÁNG LẼ TOM PHẢI VỀ TỚI NHÀ KHOẢNG XẾ trưa hôm đó, nhưng chờ đã quá lâu mà vẫn chưa nghe có tiếng xe, bà Tulliver cũng bồn chồn không kém Maggie, nếu trên đời này, bà còn có được một mối thâm tình nào thì đó chính là tình thương con. Cuối cùng rồi tiếng xe cũng đã khua từ bên ngoài. Mặc dầu gió đang nổi mạnh, bà cũng ra tận ngoài cửa để đón con, một tay đặt trên mái đầu bướng bỉnh của Maggie và quên hết những phiền muộn từ sáng tới giờ.
- Kìa! Con cưng của tôi đây! Chúa ơi! Nó lại không mang cổ cồn, chắc là đánh rơi dọc đường rồi. Lại phải mua cho nó một bộ khác.
Bà Tulliver giang rộng tay, Maggie thì nhảy cởn trong khi Tom bước xuống xe. Nó tự thấy không nên biểu lộ xúc động mềm yếu nên nói lãng đi:
- Ê, Yap - mày đó hả?
Tuy vậy, Tom cũng để cho người ta hôn mình, nhưng khi Maggie lên tiếng và bám lên cổ nó, Tom đảo đôi mắt xanh dọc theo khu trại nhỏ, đàn trừu và con sông, nơi nó tự hứa sẽ ra câu vào sáng sớm mai. Tom là một cậu bé bình thường như các cậu bé khác trên khắp nước Anh, khoảng mười hai hay mười ba tuổi, ở lứa tuổi này chúng giống hệt nhau như những chú ngỗng con - một cậu bé tóc màu nâu sáng, má màu kem hồng, môi dầy, mũi và chân mày không có gì đặc sắc - một dung mạo chẳng có gì khác biệt lắm những cậu bé thường gặp. Nhưng Maggie thì khác hẳn, tạo hóa đã nhào nắn và tô điểm cô bé một cách tỉ mỉ. Nhưng cũng chính tạo hóa kỳ xảo đã che giấu tất cả dưới một bề ngoài khoáng đạt, nhu hòa, làm cho những người mới gặp đều tưởng rằng mình có thể nhìn suốt được tâm hồn của cô bé, trong khi cô ta âm thầm chuẩn bị một bác luận đối với lòng xác tín của họ. Dưới lớp vỏ ấy, cô bé giấu được sự lãnh đạm, tánh kiên quyết và hầu hết cá tính bướng bỉnh của mình, và đôi mắt đen láy, hiếu động trong chốc lát có thể đổi sang thụ động trong một dung mạo bình thường, hồng hào như con trai.
Khi mẹ vừa đi khỏi để soát lại rương quần áo, Tom kéo em tới một góc:
- Maggie, mày biết trong túi tao có gì không?
- Không, cái gì mà coi bộ nặng quá vậy anh Tom? Bi hay là hạt dẻ?
Tim Maggie chợt thắt lại, vì bỗng nhớ Tom vẫn thường không cho mình chơ trò bắn bi – cô bé chơi quá tệ.
- Không phải bi, tao đổi bi cho mấy đứa bạn hết rồi, cũng không phải hạt dẻ nữa, đồ ngốc, hạt dẻ mùa này hãy còn xanh. Coi nè!
Tom vừa nói vừa thò tay vào túi áo phải.
Maggie thì thầm:
- Cái gì vậy? Em chỉ thấy cái gì vàng vàng thôi.
- Kìa, đây là một vật mới... đoán thử coi, Maggie!
Maggie sốt ruột:
- Ồ, em không đoán nổi đâu!
Tom vừa nói vừa thọc tay vào túi, nét mặt quả quyết:
- Đừng có nóng, nếu không tao sẽ không nói đâu.
Maggie nắm lấy bàn tay của anh đang giữ chặt trong túi, nài nỉ:
- Không đâu Tom, em không xấu tánh đâu, chỉ tại em không thể đoán nổi thôi. Em năn nỉ anh mà.
Tay Tom từ từ duỗi nhẹ ra:
- Được rồi, dây câu đây - hai bộ mới tinh - một bộ dành cho mày, Maggie, mày toàn quyền sử dụng. Tao bớt ăn bánh kẹo để dành tiền mua đó, thằng Gibson và Spouncer đã đánh lộn với tao vì tao nhịn ăn quá... còn đây là lưỡi câu, nhìn xem... Tao tính ngày mai mình ra Vũng Tròn câu, chịu không? Và mày sẽ câu được cá cho chính mày, Maggie, móc mồi vào và nhiều thứ khác nữa, chịu chưa?
Maggie trả lời bằng cách quàng hai tay lên cổ Tom, im lặng áp má vào má anh. Trong khi đó Tom mở gói dây câu sau một thoáng ngần ngừ:
- Mày thấy bây giờ tao có phải là một người anh tốt chưa? Tao mua dây câu cho mày xài. Mày biết chớ, tao đâu có bị bắt buộc phải mua cho mày nếu tao không muốn.
- Phải, anh rất, rất tốt... Em thương anh Tom lắm.
Tom cho bộ dây vào túi áo trở lại, mân mê hai lưỡi câu một lúc rồi tiết lộ:
- Tụi nó đánh tao vì tao không chịu thua chúng về chuyện kẹo.
- Trời ơi! Chắc tụi nó đánh anh ở trong trường hả Tom, anh có đau không?
- Đau hả? Không bao giờ.
Tom vừa nói vừa cho móc câu vào túi, lấy ra một con dao xếp to bản và chậm chạp mở lưỡi dao to nhứt ra, trầm ngâm nhìn trong khi ngón tay vuốt dài theo sóng. Một lúc sau, nó tiếp:
- Tao đánh bầm mặt thằng Spouncer – ai bảo nó muốn đánh tao, tao không chia quà bánh vì ai cũng muốn đánh lộn với tao.
- Ồ, anh can đảm quá! Em thấy anh như Samson. Nếu có con sư tử nào muốn vồ em, chắc chắn là anh sẽ đánh nó – phải không anh Tom?
- Làm gì có sư tử vồ, đồ ngu! Không hề có sư tử, chỉ có trong kịch thôi.
- Thì không, nhưng nếu mình sống ở xứ sư tử - em muốn nói Phi Châu nơi đó nóng dữ lắm - sư tử ăn thịt người ta ở đó. Em có thể đưa anh coi cuốn sách mà em đã đọc được.
- Được, vậy thì tao sẽ sắm một khẩu súng để bắn nó.
- Nhưng nếu anh không có súng? Chúng ta bắt buộc phải ra ngoài - thí dụ như đi câu cá, rồi có một con sư tử khổng lồ gầm lớn chạy tới, và mình không thể chạy đi đâu được thì anh Tom sẽ làm gì?
Tom ngập ngừng, và sau cùng khinh khỉnh quay đi:
- Nhưng sư tử đâu có mà chạy tới. Nói chuyện như vậy có ích gì?
Maggie đi theo.
- Nhưng em thích tưởng tượng lúc đó. Để coi... lúc đó anh sẽ làm gì?
- Ồ, đừng lôi thôi, Maggie! Mày đúng là một con khùng. Để tao đi coi mấy con thỏ.
Tim Maggie đập rộn.
Cô bé không dám nói ngay sự thật, mà chỉ im lặng, run rẩy bước theo Tom, nghĩ cách phải báo tin thế nào để Tom vừa nghe mà không thấy giận và hối tiếc. Thật vậy, Maggie không sợ gì hơn là cơn giận của Tom – khác hẳn với cơn giận của chính cô.
Maggie rụt rè lên tiếng khi cả hai bước ra ngoài.
- Tom, anh mua bầy thỏ hết bao nhiêu?
Tom hãnh diện:
- Năm si-ling (1) sáu xu
- Chắc là cái hộp thiếc đựng tiền của em trên lầu còn nhiều hơn số tiền đó. Em sẽ nói má cho anh.
- Để làm gì, tao không cần tiền của mày, đồ ngốc. Tao còn có nhiều tiền hơn mày nữa, và tao là con trai mà. Lúc nào tao cũng có nhiều đồng vàng để mua đồ Giáng Sinh. Tao sắp là một người đàn ông, còn mày thì chỉ có năm si-ling là hết mức rồi vì mày là con gái, hiểu chưa?
- Hiểu, nhưng em muốn dự chi cho anh năm si-ling sáu xu, để anh mua thêm thỏ, được không?
- Mua thêm thỏ? Không cần.
- Nhưng mà... anh Tom ơi, chúng nó chết hết rồi.
Tom dừng sững lại, quắc mắt:
- Mày quên cho chúng ăn, và thằng Harry cũng quên luôn, phải không?
Hai má thằng bé nóng ran lên một lúc, rồi tái xanh ngay:
- Tao sẽ đánh thằng Harry. Và tao sẽ không thương mày nữa, Maggie. Ngày mai mày không được đi câu với tao. Tao đã dặn mày lo cho lũ thỏ mỗi ngày mà.
Tom tiếp tục bước đi.
- Phải, nhưng em quên – em không thể làm gì được, thật đó, Tom. Em cũng tiếc chúng ghê lắm.
Nước mắt cô bé ràn rụa nhưng Tom vẫn lạnh lùng nghiêm khắc:
- Mày là một đứa con gái hư. Tao tiếc là đã mua dây câu cho mày. Tao không thể thương mày được nữa.
Maggie sụt sùi:
- Tom, anh độc ác quá. Lúc nào em cũng sẵn sàng tha thứ cho anh, nếu anh có quên làm bất cứ một chuyện gì cho em cũng chẳng bao giờ em giận anh.
- Phải, nhưng mày khùng quá còn tao thì không bao giờ quên bất cứ chuyện gì.
- Tom, em xin anh tha lỗi, em khổ sở lắm rồi.
Maggie vừa nói vừa khóc nức nở, cô bé bám vào cánh tay Tom và áp má đẫm ướt nước mắt của mình vào vai anh.
Tom hất em ra, dừng bước lần nữa, giọng thật quả quyết:
- Nè, Maggie, mày nghe tao nói đây. Tao có phải là người anh tốt đối với mày không?
- Phả... ả... ải!
Maggie ngửng nhìn lên rồi lại gục đầu:
- Có phải tao đã nghĩ tới chuyện mua dây câu cho mày, tao đã để dành tiền, không mua kẹo chia cho thằng Spouncer để nó gây lộn với tao không?
- Phả... ả... ải... và em cũng thư... ơng anh Tom nữa.
- Nhưng mày hư quá. Kỳ lễ trước mày đã làm hư hộp màu của tao, lần trước nữa mày đã để cho xuồng kéo chìm dây câu của tao mặc dầu tao đã dặn mày coi chừng giùm, mày lại còn làm hư con diều của tao và nhiều thứ khác nữa.
- Nhưng em đâu muốn vậy. Em không biết phải làm thế nào.
- Hừ, mày có thể làm được tất cả nếu mày chịu chú ý tới việc mày làm. Nhưng mày hư quá, mày sẽ không được đi đâu với tao sáng mai.
Sau quyết định khủng khiếp đó, Tom bỏ mặc Maggie, chạy thẳng vào nhà máy, tìm bác thợ cả Luke, than phiền về thằng Harry.
Maggie đứng bất động, khóc ngất một hay hai phút rồi chạy vụt vào nhà, lên ngay gác thượng. Cô bé ngồi bệt xuống sàn ván, tựa đầu vào chiếc kệ cũ kỹ, buồn vô hạn. Tom đã về cô tưởng mình sẽ được nhiều sung sướng - vậy mà bây giờ Tom lại quá tàn nhẫn. Tom đã không còn thương cô nữa thì cuộc đời có nghĩa lý gì nữa? Ôi, Tom độc ác! Bộ cô không đề nghị đền tiền, không tỏ ý hối tiếc sao? Maggie biết mình hay ngỗ nghịch với mẹ, nhưng có bao giờ ngỗ nghịch với Tom đâu - cô không bao giờ muốn làm trái ý người anh đó cả.
- Ồ, anh ấy tàn ác quá!
Cô bé khóc to lên, và tìm đôi chút an ủi qua tiếng âm vang trên những khoảng trống dài nơi gác thượng. Cô không nghĩ tới việc đánh đập và chà sát con búp bê của mình nữa. Một khi đã quá khổ thì khó có thể mà nổi giận.
Ôi, những nỗi buồn thơ ấu! Ngày đó ưu phiền còn hoàn toàn mới mẻ và lạ lùng, ngày mà hy vọng chưa mọc cánh bay khỏi tháng ngày, và khoảng trống giữa các mùa hè hình như cứ kéo dài vô tận.
Maggie chợt nghĩ mình đã ngồi trên gác có lẽ đã hàng mấy giờ rồi và có lẽ bây giờ đang là giờ uống trà, cả nhà đang quây quần bên bàn và chẳng nghĩ gì tới cô nữa cả. Cũng được, mình sẽ ngồi lì nhịn đói ở đây – sẽ núp sau cái chậu gỗ và sẽ ở lại suốt đêm. Phải rồi, cứ để cho họ mặc tính hoảng sợ và mặc cho Tom hối hận. Maggie kiêu hãnh nghĩ thầm như vậy khi bò về phía sau chậu gỗ. Nhưng cô chợt khóc òa lên với ý nghĩ là biết đâu họ lại chẳng nhớ ra. Nếu bây giờ mình xuống, Tom có chịu tha thứ cho không? Cha cô đang có mặt ở đó, có lẽ người sẽ giúp cô. Nhưng Maggie lại muốn Tom tha thứ vì tình thương với cô hơn là vì phải vâng lời người lớn. Không, cô sẽ không bao giờ xuống nếu Tom không lên để đón cô. Toàn bộ vấn đề đã gây sôi nổi trong suốt năm phút trong bóng tối của cái chậu bằng cây. Nhưng sau đó, nhu cầu được thương yêu, cái nhu cầu mãnh liệt trong cá tính của Maggie bắt đầu tấn công lòng kiêu hãnh và tiêu diệt nó ngay. Maggie bò ra ngoài ánh sáng lờ mờ của buổi chiều trên căn gác, và ngay lúc đó có tiếng chân bước vội trên thang.
Tom đã chuyện trò khá vui vẻ với bác Luke, rồi đi thơ thẩn trong vườn tìm cây đẽo gọt làm cần câu. Nó chẳng nghĩ gì tới Maggie và hiệu quả sự giận dữ của mình đối với em. Nó muốn trừng phạt em, và nhất định phải thi hành ý định đó. Bởi thế nó chỉ bận rộn với những chuyện khác, y như một người lớn đã quen cùng thực tế. Nhưng khi được gọi vào dùng trà và người cha hỏi:
- Ủa, con gái tôi đâu rồi?
Và bà Tulliver cũng lên tiếng gần như cùng một lúc với chồng:
- Em con đâu?
Cả hai người đều tưởng Maggie và Tom đã ở bên nhau suốt buổi chiều:
Tom đáp gọn:
- Con không biết.
Nó không muốn nhắc tới Maggie vì còn giận, và bởi vì Tom Tulliver là một cậu bé có tư cách kia mà.
Người cha nhíu mày:
- Cái gì? Không phải nó đã chơi với con suốt buổi chiều sao? Nó mong con về lắm mà.
Tom vừa nói vừa ăn một miếng bánh nho:
- Hai tiếng đồng hồ con không thấy nó!
- Chúa ơi! Vậy là nó chết chìm rồi!
Bà Tulliver kêu hoảng, đứng phắt dậy và chạy ra cửa sổ:
- Sao con không chịu coi chừng nó?
Ông Tulliver gắt:
- Nè, nè, nó không chết đuối đâu. Con đã rầy mắng em, phải không Tom?
Tom cáu kỉnh:
- Thưa ba, không có đâu. Con tưởng nó ở trong nhà.
Bà Tulliver nói:
- Vậy chắc là nó đang ở trên gác thượng, ca hát nghêu ngao và nói chuyện một mình đến nỗi quên mất giờ ăn.
- Con lên gọi nó xuống đây, Tom.
Giọng ông Tulliver hơi xẵng, tình phụ tử sáng suốt khiến ông nghi ngờ thằng bé đã gắt gỏng với «đứa con gái cưng» của ông, có bao giờ nó chịu rời xa anh nó? Và ông tiếp:
- Phải dịu dàng với em, nghe chưa? Nếu không thì liệu hồn!
Tom không bao giờ dám cãi lời cha, vì ông Tulliver là người độc đoán và như thường nói, khi ông đã đánh đòn thì đừng hòng có ai cản ngăn nổi. Tom đành phải nhăn nhó đứng lên, nhưng không quên mang theo phần bánh của mình. Thằng bé chưa nghĩ đến chuyện tha lỗi cho em, hình phạt đâu có gì quá đáng. Tom chỉ mới mười ba, chưa xong văn phạm và toán pháp, nó xem đó như là những vấn đề toàn diện - chỉ có một vấn đề nó rất thấu đáo và tự chủ - đó là trừng phạt thật xứng đáng.
Tiếng chân mà Maggie vừa nghe chính là tiếng bước của Tom đúng vào lúc nhu cầu được thương yêu vừa chiến thắng lòng kiêu hãnh của cô. Maggie định xuống nhà với đôi mắt đỏ hoe và mái tóc rối bù để gợi lòng trắc ẩn của mọi người. Thế nào cha cô cũng vuốt tóc, dỗ dành đừng buồn, con gái. Sự cần thiết tình thương đã chiến thắng một cách tuyệt dịu nỗi khao khát của con tim cũng độc đoán như sự khao khát khác mà tạo hóa đã bắt buộc ta phải mang vào, và thay đổi cục diện thế giới.
Nhận rõ tiếng bước của Tom, tim cô bé đập rộn trong lồng ngực với một hy vọng tới bất ngờ. Tom chỉ đứng ở đầu thang và nói:
- Maggie, mày phải xuống ngay.
Nhưng cô bé đã chạy tới, bám vào cổ anh, nức nghẹn:
- Tom, tha lỗi cho em – em không chịu nổi – em sẽ luôn ngoan ngoãn, em sẽ nhớ hết tất cả – thương em nghe anh Tom!
Lúc đã lớn khôn, chúng ta đều biết tự chế. Khi cãi nhau, chúng ta biết cách làm ra vẻ dửng dưng, biết dùng những câu trí thức, một mặt để biểu lộ sự cương quyết của mình, và mặt khác, đề âm thầm nuốt ưu phiền. Chúng ta không còn xử sự theo những xung lực nhứt thời như những con vật hạ đăng mà hành động đúng theo phong thái của xã hội văn minh, tiến bộ. Maggie và Tom vẫn như hai con thú còn tơ, do đó khi Maggie dụi má vào má Tom và hôn tai anh một cách ngẫu nhiên, cậu bé nguôi giận và quên đi ý định trừng phạt em cho xứng đáng. Nó hôn lại và giọng dịu hẳn đi:
- Thôi, đừng khóc nữa, Maggie - nè ăn một miếng đi.
Maggie nín khóc, cắn một miếng bánh và Tom cũng cắn một miếng, hai anh em vừa ăn vừa cọ mãi vào nhau như hai chú ngựa con:
Khi đã hết bánh, Tom bảo:
- Thôi, tụi mình xuống uống trà.
Thế là một ngày buồn phiền đã đi qua. Sáng hôm sau Maggie chạy tung tăng ra khỏi nhà với chiếc cần câu riêng ở một tay và một tay xách giỏ, cô bé trông rạng rỡ dưới vành nón vì Tom đã có thái độ ân cần. Maggie nói là mình thích được anh móc mồi giùm cho, mặc dầu cô bé đã nhìn nhận lời của Tom cho rằng côn trùng không có cảm giác. Tom rất thông thạo về các loại côn trùng, cá và các thứ cùng loại, nó biết phân biệt các loại chim độc hại, biết cách mở ổ khóa và biết cách mở then cổng ra sao. Đối với Maggie, đó là loại kiến thức tuyệt dịu - còn khó nhớ hơn những thứ trong sách gấp mười lần. Maggie rất kính nễ anh vì Tom là người duy nhứt dám gọi sự hiểu biết của cô là «đồ lặt vặt» và không hề ngạc nhiên vì óc thông minh của em. Thật vậy, Tom cho rằng Maggie chỉ là một con ngốc, tất cả con gái đều ngốc nghếch – chúng không thể nào dùng đá ném được một thứ gì, không biết cách sử dụng dao xếp bỏ túi, lại còn sợ cả cóc nhái nữa. Tuy nhiên cậu bé cũng rất thương em, lúc nào cũng muốn bảo vệ em và trừng phạt khi em phạm lỗi.
Hai anh em đang trên đường tới núi Vũng Tròn – đó là một cái vũng được nước lụt tạo nên cách đây lâu lắm, không ai biết đích xác nó sâu được bao nhiêu, lại còn mang một sắc thái huyền bí nữa. Vũng nước có một hình dáng gần như tròn đều, được viền quanh bởi những cây liễu và những cụm lau sậy um tùm, chỉ có thể thấy được mặt nước khi đã tới sát bờ. Quang cảnh thích thú nhứt ngày xưa làm Tom cởi mở hơn. Nó thì thầm nói chuyện với Maggie một cách vô cùng thân thiện trong khi mở giỏ và bày dụng cụ ra. Nó ném dây câu cho em và đặt cần câu vào tay cô bé. Nhưng chỉ một lúc là cô bé quên khuấy chuyện cá, rồi cứ mơ màng nhìn mặt nước lóng lánh như gương.
- Coi kìa, Maggie!
Tom chợt kêu lên khe khẽ và chạy vội tới giữ cho cần câu khỏi tuột khỏi tay em. Maggie hoảng sợ vì tưởng rằng mình vừa phạm một lỗi lầm nào như thường lệ, nhưng ngay sau đó Tom vẫn kéo dây câu của em lên với một con cá mè khá lớn dẫy dụa trên bãi cỏ.
Tom phấn khởi:
- Maggie, lấy đồ trong giỏ ra mau, cưng!
Maggie không hiểu mình đã làm gì để được lời âu yếm bất thường này nhưng Tom đã gọi cô là Maggie và «cưng» tỏ ra hài lòng là đủ lắm rồi. Tràn trề hạnh phúc giữa những tiếng thì thầm và trong sự im lặng như mơ cô bé lắng nghe tiếng động nhẹ của con cá quẫy trên mặt nước và tiếng cây cối xạc xào dìu dặt. Dường như rặng liễu, hàng lau và mình nước đang vui vẻ trò chuyện với nhau. Đối với Maggie, ngồi bên vũng nước giữa khung cảnh êm đềm này cũng thần tiên như ở thiên đàng, và nhứt là không bị rầy rà, trách mắng. Nếu Tom không lên tiếng, cô bé cũng không biết cá đã mắc câu.
Đó là một trong những buổi sáng sung sướng nhứt của cả hai anh em. Cả hai cùng vui đùa với nhau vô tư lự, không nghĩ chút gì về những đổi thay trong cuộc sống. Nhà máy xay đang hồi phát đạt cây dẻ cổ thụ mà hai anh em thường chơi đùa dưới bóng mát ở nhà – con sông Riple bé nhỏ của riêng hai anh em, nơi Tom vẫn thường ngắm mấy con chuột nước, trong khi Maggie đi nhặt nhạnh bông lau tím để rồi sau đó lại chán và liệng bỏ hết đi – quyến rũ hơn hết là dòng sông Floss vĩ đại, mà hai anh em thường đi dạo dọc theo bờ với cảm giác của hai nhà thám hiểm, hoặc nhìn con nước Eagre hung hãn ùa vào như một hung thần, hay nhìn cây trần bì cổ thụ trước đây có lần phát ra những tiếng rên la như tiếng của người – tất cả những thứ đó không bao giờ thay đổi với hai anh em. Tom nghĩ tới những thiệt thòi mà dân chúng sống ở các nơi khác phải gánh chịu, còn Maggie khi đọc đoạn Christiana đi qua «con sông không một chiếc cầu», vẫn thấy con sông Floss chạy giữa những cánh đồng xanh, bên cạnh cây trần bì cổ thụ.
Cuộc đời đã thay đổi đối với Tom và Maggie, tuy nhiên chúng không hề sai lầm khi tin rằng tư tưởng và tình thương của những năm thơ ấu này sẽ luôn luôn dính liền vào cuộc sống của mình. Chúng ta sẽ không bao giờ thấy yêu thương đất đai nếu chúng ta không sống ở đó từ thuở nhỏ – nếu mảnh đất chúng ta đang ở, hàng năm vào mùa xuân không nở cho ta những nụ hoa mà chúng ta vẫn thường hái khi ngồi chơi trên cỏ; mùa thu, trên hàng rào cây, không thấy bóng dáng của nụ sơn trà và dã tường vi; và cũng không có những con chim họa mi cổ đỏ, vẫn được quen gọi là «loài chim của Thượng Đế» vì chúng không phá hại những hạt lúa quí báu của loài người.
Khu rừng nhỏ mà tôi đang dạo bước trong một ngày đầu xuân, với những tàng xồi vàng thẩm nhô lên giữa trời xanh, với những nụ ngọc trâm trăng trắng và những cây huyền sâm hoa xanh, với những dây trường xuân bò sát dưới chân tôi – những rừng chà là nhiệt đới, những cây dương xỉ kỳ lạ, những nụ hoa cánh to rực rỡ, có bao giờ khơi dậy một xúc cảm thâm sâu và dịu dàng trong tôi như những cảnh ở quê nhà? Những nụ hoa quen thuộc đó, những tiếng hót không bao giờ quên được này cũng như khung trời rực rỡ kia, cùng những cánh đồng xanh và những luống cày – tất cả những thứ đó đều là ngôn ngữ riêng của trí tưởng ta, một thứ ngôn ngữ chứa đầy những giờ phút êm đềm thoáng qua trong thời thơ ấu. Sự sung sướng của chúng ta trong một ngày nắng ấm, trên một bãi cỏ êm đềm hôm nay có lẽ cũng không hơn gì sự nhận thức của những tâm hồn mệt mỏi, nếu những ngày nắng và bãi cỏ xanh của những năm xa xưa không còn sống ở trong ta và biến đổi sự nhận thức của chúng ta thành một thứ tình thương.
Chú thích
(1) Tiền Anh, bằng 1/20 đồng bằng (pound sterling) bằng mười hai xu (penny)