Số lần đọc/download: 1284 / 25
Cập nhật: 2018-08-18 10:47:52 +0700
Chương 5
T
ảng sáng lão Bành đã thức dậy, lão cời bếp nhóm lửa rồi chọn những củ khoai lang to rửa sạch cho vào nồi luộc. Việc xong đâu vào đấy lão lại thức mấy đứa dậy, giọng lão ân cần:
- Mấy đứa rửa mặt mũi chân tay, khoai chín ăn rồi đi học.
Mấy đứa cùng choàng dậy. Thằng Tùng đảo mắt nhìn thấy bếp lửa đỏ rực, nồi khoai đang sôi lên ình ịch nó reo lên:
- Hoan hô bố Bành!
Cả đám cùng reo theo:
- Hoan hô bố Bành...!
Nhìn đám trẻ hồn nhiên, lão Bành thấy lòng dạ sảng khoái lạ thường. Lão vớ cái chổi xể lom khom quét dọn nhà của, sân hè. Xong việc lão gạt lửa bếp đổ nồi khoai ra cái rổ. Mặt trời cũng bắt đầu bừng sáng sau đỉnh núi Châm. Đám trẻ xúm vào rổ khoai lang luộc lão vừa đổ ra, mỗi đứa ăn nhồm nhoàm vài củ rồi cắp sách tung tăng đi học. Nhìn đám trẻ hồn nhiên, lão Bành chạnh lòng và lại thấy ân hận vì những ngày qua lão tệ bạc với chị em thằng Hữu. Lão ngẩn người nhìn theo đám trẻ và kéo vạt áo lau ngang mắt, đoạn lão gổng đôi quang dành phăm phăm đi ra công trường của đội chuyên canh. Thấy lão thằng Thịnh Nháy cười hềnh hệch.
- Hôm nay có đua gánh sáu sọt được nữa không?
- Đua chứ, chỉ sợ bố mày không đủ sức.
- Cứ thử xem- Thịnh Nháy nói như thách thức.
- Được rồi, Bành này sẽ gánh sáu giành cho tròn mắt ra nghe.
- Sáu giành thì Thịnh Nháy thua là cái chắc, phen này cô Chăm phải phục và chịu làm vợ anh Bành rồi!... - Cô Sáu chống cái xẻng xuống mặt đê vừa nói vừa cười hả hả. Ông đội trưởng Điểu cùng anh em trong đội cũng lục đục đến. Nghe câu chuyện đang rôm, ông Điểu bảo:
- Cô Chăm có treo giải không nhỉ?
- Em mà thèm hai tay ấy à!- Giọng cô Chăm chát chúa nhưng đôi mắt vẫn liếc lộn về phía lão Bành. Lão Bành cài số lùi:
- Dành cho chú Thịnh Nháy thôi. Bành này cao số lắm, hai đời vợ rồi, chả thèm lấy nữa đâu!...
- Đừng có mà đài, thèm cũng chả đươc!- Giọng cô Chăm kiêu kỳ.
- Đừng vội làm cao, cái thứ ấy mốc cũng đếch làm tương được đâu- Giọng Thịnh Nháy đủng đỉnh. Mọi người cười phá lên. Ông Điểu đội trưởng bảo:
- Vui thế này, việc hôm nay sẽ năng suất gấp đôi đấy, ta vào việc đi. Làm sớm, nghỉ sớm.
Cả đội chuyên canh lại lẳng lặng theo lời ông Điểu, ai vào việc ấy. Người đào đất, người xúc đất, người gánh cứ hỳ hụi đùn đất lên mặt đê. Lão Bành mồ hôi nhễ nhãi nhưng chuyến nào lão cũng lèn đầy bốn giành đất. Nhìn bắp chân cổ tay lão nổi gân, cô Chăm cười ha hả:
- Vừa thôi, được tiếng khen ho hen chẳng còn, cụp xương sống ra đấy lại làm khổ thằng Hữu.
- Khổ thằng Hữu chứ có khổ cô đâu mà phải can thiệp vào.
Lão Bành cười hềnh hệch. Cô Chăm đưa mắt lườm rất dài. Thịnh Nháy bĩu môi rồi lắc đầy bốn sọt đất chạy vù vù lên mặt đê. Mọi người cứ cười phá lên làm cho không khí lao động thêm hăng say, sôi nổi. Giọng ông Điểu oang oang.
- Hôm nay không có đội thông tin tôi thay cái loa tuyên dương cô Chăm đã có công làm công tác động viên cổ vũ rất tài tình. Hai lực sĩ Bành và Thịnh chạy hơn mười chuyến bốn giành. Cứ tốc độ này đôị ta sẽ vượt chỉ tiêu và lại được tặng giấy khen của huyện đấy. Mọi người cùng cố gắng noi theo hai tấm gương sáng ngời của đội ta.
Cả đội cùng hô theo:
- Cố gắng, cố gắng.
Tiếng kẻng tầm hết giờ từ nhà ông Bếp Thìn vang lên, mọi người xếp dụng cụ lao động gọn gàng vào một chỗ. Ai về nhà ấy. Lão Bành tuột cái áo cháo lòng ướt sũng mồ hôi vắt lên vai lững thững đi, đến chỗ ngã ba ao Chuôm lão ngần ngừ rồi đi thẳng lên đồi Mom Thị. Vừa đi lão vừa tần ngần nghĩ ngợi. Nếu bà Tứ ở nhà sẽ hỏi cho ngã ngũ cái việc mình phải kiểm thảo vì không tiên phong phá đền chùa. Việc không phá đúng hay đi phá là đúng. Bọn thằng Hữu nó nói lập lờ khó hiểu quá, chả nhẽ mình là bố nó lại hỏi thêm, lại phải để cho nó giảng giải mãi à! Phải hỏi bà Tứ, chắc bà ấy sẽ nói đến ngọn ngành vì trong cuộc họp xã viên hôm ấy bà chỉ ngồi im, thỉnh thoảng còn ngước mắt nhìn lão rất thiện cảm. Có khi bà ý ấy cũng có những suy nghĩ như bọn thằng Hữu, như ông giáo Thuyên. Lão phăm phăm bước vào ngõ nhà bà Tứ, giọng oang oang:
- Bà Tứ đã đi làm về chưa? Bà Tứ ơi...
- Ông Bành đấy à. Mời ông vào nhà đi.
Lão lững thững bước vào cạnh cái bàn uống nước, bà Tứ nhấc ấm nước rót đầy bát nước vối đưa cho lão. Lão nâng bát nước uống một hơi rồi đặt bát nước xuống bàn, giọng lão hề hà:
- Cho lão Bành tôi hỏi thật việc này bà Tứ nhá.
- Việc gì thì ông cứ nói ra.
- Vâng. Hôm nọ họp xã viên tôi bị đưa ra phê bình kiểm thảo vì cái tội không tiên phong vào việc phá đình chùa để xóa bỏ mê tín dị đoan trong làng xã, khi về nhà thấy tôi buồn phiền, đám thằng cháu Hữu nó hỏi, tôi nói đầu đuôi câu chuyện như vừa nói với bà. Chúng nó lại cười ầm lên và bảo là: “Bố không phá là tốt vì đình chùa là nét đẹp văn hóa của mỗi làng quê chứ đình chùa không liên quan gì đến mê tín dị đoan". Chúng nó còn bảo ông giáo Thuyên dạy chúng nó thế, có đúng không bà? Mà nếu ông giáo Thuyên bảo thế tại sao làng xã không kiểm thảo ông giáo Thuyên mà chỉ kiểm thảo tôi?
Lão Bành thở dài rồi tròn mắt nhìn bà Tứ. Thấy lão khổ sở, bà Tứ chép miệng, giọng bà chân tình:
- Ông đã nghĩ được đến những việc như thế là tôi mừng lắm rồi. Giá như ngày đánh đuổi địa chủ cường hào, ông không gằm ghè với người em đồng hao vì cái gia tài của bà mẹ vợ, chắc gia đình ông không có chuyện li tán. Việc đều do ông gây ra, nhất là cái việc cháy nhà, ông rất tỏ. Bây giờ nhắc lại cũng chả để làm gì nhưng khi nào thuận ông phải lựa nhời mà nói với chị em thằng Hữu, đừng để nó oán giời, oán đất. Còn việc ông không tiên phong phá đền chùa mà bị đưa ra xã viên kiểm thảo cũng không bận gì cả. Điều này là có phúc cho ông đấy vì chủ trương của trên là bài trừ mê tín dị đoan chứ không phải bài trừ đình chùa, đúng như ông giáo Thuyên dạy bọn thằng Hữu đấy. Ta làm cái gì mà tả quá cũng hỏng, hữu quá cũng hư. Nhưng chắc chắn các cấp lãnh đạo làng xã sẽ dần dần nhận ra thôi! - Bà Tứ thở dài.
Lão Bành không hiểu được những suy nghĩ của bà nhưng nghe bà nói lão thấy yên cái bụng. Lão nhấc cái ấm rót đầy bát nước uống ực một hơi rồi lại tròn mắt nhìn bà, giọng lão rụt rè:
- Còn chuyện này chưa nói được với ai, nó cứ như cái cục ở trong bụng, nay tôi muốn bửa ra để bà nom hộ.
- Chuyện gì ông cứ bửa ra xem nào? - Giọng bà Tứ dò xét. Lão Bành ậm ừ mãi mới ra tiếng:
- Chuyện là hôm tôi với thằng cháu Hữu lên trả lễ cây thuốc cho bà lang ở đồng Mụng, bà lang ấy lại chính là bà Khăn nhà tôi, nhưng cực, bà ấy lạnh như hòn đá trên trời mưa xuống, coi tôi như kẻ không quen biết. Tôi định gợi chuyện thì bà ấy cúi đầu Mô phật, mà cái mồm tôi lúc ấy nó cũng như bị cấm khẩu không tài nào mở ra được, tôi đứng như cái cọc giữa sân. Thằng Hữu ngơ ngác nhưng nó chưa kịp nói gì thì bà ấy lại Mô phật và trao cho nó gói thuốc. Bà ấy còn ân cần dặn dò thằng Hữu cách sắc thuốc. Tôi chả dám nói gì nữa vì sợ thằng Hữu biết chuyện. Nhưng từ bữa ấy đến giờ lòng dạ tôi cứ vấn vương hình bóng bà ấy. - Lão lại thở dài.
Bà Tứ nhìn lão khẽ nhếch mép cười:
- Sự đời vốn ái oăm vậy đấy! Ông trời có mắt cả mà, ông đừng sợ. Tình cảnh của ông bấy nay như thế nào bà ấy biết cả, ngay cái đêm ông chui vào ở lì nhà mẹ con thằng Hữu bà ấy cũng biết đấy.
Lão Bành tròn mắt nhìn bà Tứ nhưng lão không nói được ra lời. Bà Tứ bình thản nói thêm:
- Đời người tan rồi hợp, lẽ thường vẫn có, nhưng vấn đề là việc tu tại tâm. Ông cứ yêu thương thằng Hữu và nuôi nó được ăn học cùng bạn bè, mọi việc sẽ đâu vào đấy cả. Đất làng Thông vẫn là nơi chim đậu mà!
Bà Tứ mỉm cười hiền lành. Lão Bành không biết hết được những ẩn ý? trong lời bà Tứ nhưng thấy bà cười hiền lành lão cũng thấy vững tâm. Lão ngước mắt nhìn bà Tứ rồi mạnh dạn bảo:
- Vậy là bà đã biết cả câu chuyện tôi vừa nói. Tôi cầu bà giúp tôi một việc. Khi nào thằng cháu Hữu nó học hết trường làng, lên trường huyện, bà nói với bà Khăn nhà tôi về đây ở cùng hợp sức nuôi thằng Hữu, chuyện cũ ai oán nhau mãi làm gì. Nếu bà ấy thuận tôi sẽ thân chinh đi đón và nguyện sống trọn đạo với bà ấy cho đến lúc chết.
Lão thở dài và những giọt nước lại ứa ra đầy hai hốc mắt lão. Thấy lão thực sự khổ sở bà Tứ ngậm ngùi an ủi:
- Nguyện vọng của ông là chính đáng nhưng đạt được cũng cần phải có thời gian. Nó cũng giống như những công việc ông đã từng làm để bọn thằng Hữu nó tin yêu ông thật sự ấy. Nói thì thấy khó nhưng khi mình làm thật, lòng mình thật với việc mình làm thì mọi cái tự nhiên nó cũng đến. Ông trời công bằng lắm mà!
Bà Tứ mỉm cười. Lão Bành tròn mắt ngơ ngác nhìn bà Tứ, trong lòng lão mơ hồ hiện ra phong cảnh đoàn tụ trong ngôi nhà của lão khi nay mai bà Khăn từ Đồng Mụng trở về. Lão lại lặng lẽ tự rót đầy bát nước bưng lên uống một hơi rồi chào bà Tứ ra về, đi qua những bờ tre đầy gió, lòng lão dạt dào hy vọng...
***
Sau buổi ở nhà bà Tứ về, lão Bành quên hết những chuyện quá khứ đã xảy ra ở ngôi nhà này, trong lòng lão chỉ còn một tâm niệm làm sao đi làm được nhiều công điểm để có lúa gạo sinh sống và nuôi thằng Hữu đi học. Nghĩ như vậy và lão cũng hành động như vậy. Trong đội chuyên canh lão luôn luôn đầu tầu gương mẫu. Lão đã phát huy hết khả năng nghề thợ thổ của lão trong việc đào đất lên mặt đê. Thấy lão cần mẫn lại thui thủi một mình, anh em trong đội chuyên canh bảo:
- Lâu dài bác Bành cũng phải tìm lấy một người bếp núc chứ cứ một mình thế này, công việc đào đất đã vất vả, về nhà lại cơm nước còn thở vào đâu. Bây giờ còn có thằng Hữu nó giúp con trâu, con bò. Nay mai nó đi học trường ở mãi trên huyện có một mình buồn chết vả cũng chả xoay sở nổi.
Lão Bành tần ngần nhìn mọi người chả biết nói gì. Ông Quang Hải cười khà khà và vẫn chủ đề cô Chăm, giọng ông như người cời đất vun vào gốc cây:
- Phải tìm kiếm ở đâu xa! Cô Chăm cô ấy chả nhằm từ đởi từ đời nào rồi!...
Ông Quang Hải chưa dứt lời, cô Chăm ở dưới hố đất đã nổi đóa, giọng cô như xé vải:
- Mỡ đấy mà tưởng. Đây chỉ bằng cái lá tre thôi nhưng thà để mốc còn hơn. Cái ngữ ấy mà đụng vào cái Chăm này bẻ gẫy tay ngay.
- Sợ chả bẻ mà lại nắm khư khư mãi chả chịu buông cho chứ chả đùa.
Thịnh Nháy vừa nói vừa cười khình khịch. Cô Chăm đỏ bừng mặt và hất xẻng đất về phía Thịnh Nháy giọng vẫn như xé vải:
- Đồ khỉ, khỉ gió!...
- Khỉ gió là ưng trong bụng rồi đấy, tấn công mạnh lên bác Bành ơi!...
Tiếng cười ầm lên đầy hố đất. Cô Chăm tức tưởi cứ hất tung xẻng đất vào khắp mọi người. Lão Bành thong thả bảo:
- Thôi, cô Chăm ơi! Người ta đùa tí cho nhẹ bớt gánh đất, chứ lão Bành "hủi" này đâu dám chòi mâm son! Vả lão cũng hai đời vợ, mọi người ai chả biết, tự lão, lão cũng chả còn ham hố nữa đâu! Cô cứ bình tâm mà làm "mốc" cái " lá tre" của mình!...
Nghe lão Bành nói, cái hố đất lại đầy lên tiếng cười. Cô Chăm đỏ mặt ngoay ngoảy vớ cái cuốc bổ hùng hục xuống đất. Thịnh Nháy lại cười khình khịch:
- Thỉnh thoảng được tiết mục như thế này năng suất lao động mỗi người bằng hai mà chả phải cờ dong trống giục gì. Cuối năm ông đội trưởng tha hồ đi huyện, đi xã lấy giấy khen. Khoái lắm. Bác Bành có khi còn gánh mỗi chuyến sáu sọt đất chứ chả phải bốn sọt nữa đâu!
- Các người đừng tưởng bở mà phò phỉnh tôi. Tôi mà hám giấy khen phần thưởng, tôi đã tiên phong phá đình phá đền rồi! Tôi gánh đất là vì để cho con đê nó cao lên, cho nước nó khỏi ngập lúa, ngập ngô, để cái công điểm mình làm ghi trong sổ của ông đội trưởng đến lúc chia lúa nó được cao lên. Một công 3 cân chứ không phải một công 8 lạng. Các ông các bà đi làm về tối vạng vài bát cơm rồi lên giường bo nhau kẽo kẹt nên phải lượng tiết kiệm sức. Còn tôi tối về nằm cóng một mình, đám thằng cháu Hữu lại chong đèn học suốt đêm, tôi phải gánh bốn sọt đất mỗi chuyến thì mới cân bằng được trên dưới chứ, cái mắt mới nhắm tít lại được chứ!...
Lão Bành cười hì hì. Mọi người cùng cười theo, cái hố đất lại rộn ràng, tấp nập cho mãi đến khi tiếng kẻng tầm từ nhà ông Bếp Thìn dóng lên mọi người mới xếp quang giành cuốc xẻng về nghỉ.
Lão Bành tranh thủ lội dọc bờ ngòi vặt rau rớn, khi cái mũ đầy rau, lão lếch thếch bê cái mũ ngang thắt lưng về nhà. Lão cời bếp hì hụi nấu nướng. Cơm canh chín lão bày ra cái mâm gỗ, việc vừa xong thì thằng Hữu cũng đi học về. Hai bố con hớn hở ngồi vào mâm. Thằng Hữu lôi trong cái túi rếp ra cút rượu. Lão Bành tròn mắt, gạt tay bảo thằng Hữu cất đi. Thằng Hữu nhoẻn miệng cười:
- Rượu bà lang ở xóm Đồng Mụng gửi cho đấy bố ạ! Bố đi làm mệt có chén rượu trong bữa ăn nó cũng dãn cái xương cái cốt. Bà lang bảo con thế. Bố cứ uống đi. Bố có nát rượu đánh đập con như ngày xưa đâu mà sợ!
Lão Bành tròn mắt nhìn thằng Hữu rồi đỡ cút rượu đặt xuống lề cái mâm. Thằng Hữu lấy cái chén rót đầy rồi đưa cho lão. Lão đỡ chén rượu nhắp một ngụm rồi lại đặt cái chén xưống lề mâm. Lão tròn mắt nhìn thằng Hữu lần nữa và những giọt nước từ đâu cứ tràn đầy hai hốc mắt lão. Lão khóc, khóc tu tu, chính lão cũng không biết lão khóc hay rượu khóc. Thằng Hữu im lặng dường như nó mơ hồ nhận ra những nỗi niềm lão muốn sám hối. Có điều nó không biết cụ thể là những điều gì bởi những chuyện riêng xảy ra trong đời lão từ khi lão đến ở làng Thông này nó còn nhỏ. Nó không tỏ tường. Nó ngậm ngùi một lúc rồi nói như người lớn:
- Bố đừng khóc nữa! Bây giờ trong căn nhà này chỉ còn có con với bố thôi. Chuyện cũ đã qua rồi. Bố mẹ con đã chết, con chỉ nom vào bố, coi bố như bố đẻ và ngược lại. Đó chắc cũng là nguyện vọng của hai bố con mình và cũng là ước nguyện của người làng Thông. Làm được điều này chắc là ở nơi âm phủ bố mẹ đẻ của con cũng mát lòng. Bố đừng nghĩ, đừng khóc nữa bố nhá!...
Thằng Hữu nói như cầu xin. Lão Bành ngẩng mặt nhìn nó rồi lão lại ôm mặt khóc tu tu. Giọng lão thổn thức như trẻ nhỏ:
- Con ơi, Hữu ơi! Lão Bành này tội lỗi quá. Lão biết ơn bóng mát ngôi nhà này thật nhiều, biết ơn tấm lòng con, con đã quên những vết sẹo roi cật nứa mà vì bố.
Lão lại khóc tu tu. Thằng Hữu vẫn một giọng lễ phép:
- Thôi mà bố, để cho bữa cơm nó ngon, bố đừng khóc nữa, con hiểu lòng bố mà!...
- Bố cảm ơn con, vì thế bố không muốn giấu giếm con điều gì nữa, nếu không nói ra được với con thì trong bụng bố vẫn còn cái cục, cái cục ấy nó cứ âm ỉ khổ lắm con à! Bây giờ con lớn rồi, bố không được phép giấu con khi bố đã tự coi con như ruột thịt.
- Con cám ơn bố, nhưng chuyện gì thì bố cứ nói ra, nói ra con mới biết được chứ.
Thằng Hữu ngoan ngoãn. Lão Bành quệt tay áo lau mặt rồi tròn mắt nhìn thằng Hữu, giọng lão mếu máo:
- Tại bố tất cả con ạ! Bố là thằng nông dân, nông dân nhưng lại bỏ việc cấy cày đi làm chân thợ thổ, lang bạt đến đây, nhờ lộc đất làng này bố có nhà, có cửa. Bà lang ở Đồng Mụng chính là bà Khăn, là vợ của bố đầu tiên. Bố lấy được bà ấy là nhờ uy tín và cái lộc của bà mẹ nuôi là bà cụ Đỡ. Bà cụ Đỡ có mối quan hệ ân tình với ông Vuông, là bố mẹ của bà Khăn do vậy mới vừa lòng gả bà Khăn cho bố. Ông bà ấy cũng chỉ có hai chị em, bà Khăn và người em dì là cái Lụa. Khi bà Khăn lấy bố được một thời gian thì cô em dì cũng đi lấy chồng ở mãi bên làng Xão. Nhà chồng của cô em dì đông anh em trai, ông bà Vuông lại hiếm con, thế là chú em đồng hao được ông bà nhận ở rể. Chú em vô tình được kế nghiệp cái gia tài ấy. Do tính ích kỷ bố sinh hiềm khích với chú em đồng hao. Nhiều lần bố xui bà Khăn tìm cách chia đôi tài sản nhưng bà Khăn không nghe. Bà chỉ một mực: “Anh em, lọt sàng xuống nia bận gì phải chia với bôi. Vả bố bầm còn sống đấy, ông đừng lôi thôi!... "Bố đành ấm ức chịu nhưng thỉnh thoảng bố lại thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với bà ấy, trên người bà ấy cũng không thiếu những vết sẹo bầm tím như con!... - Lão thở dài rồi nói tiếp - Năm ta đánh đổ địa chủ cường hào giành ruộng cho người bần nông, bố lại là thành phần bần cố, dựa vào thế mình, bố xui bà Khăn tố khổ, bà ấy không nghe. Một hôm bố đi họp với đội về khuya, bố châm lửa hút thuốc lào, hút xong mắt nhắm, mắt mở bố dụi cái đóm vào khe liếp rồi lăn ra ngủ. Cái đóm còn tàn đỏ bén vào phên cháy bùng lên. Nhà cửa thành tro bụi cả. Sau vụ ấy bố đổ cho chú em đồng hao đốt nhà của bố và bắt ép bà Khăn đấu tố trước đội. Bà Khăn ức quá bỏ chốn đi biệt tăm, còn vợ chồng đứa em dì thì dắt nhau về quê nội. Ông bà cụ thì không thèm nhìn mặt bố nữa, một thời gian ông cụ nghĩ ngợi rồi mất! Khổ! Đám ma của ông cụ chỉ lèo tèo vài người, ông cụ Bùi vừa cầm đuốc vừa lấy huyệt! Bà cụ thì lăn giãy kêu gào một mình!... Chôn cất ông xong, bà cụ cũng bỏ làng đi biệt tích.... Bố ở một mình và vạ vào cái bóng của bầm con. Nhưng bố vẫn cứ sa đà, hư đốn. Sau này mọi việc được được phân minh, bố ân hận nhưng không lại, từ ấy bố sinh quẫn, những vết sẹo trên người con cũng từ những hư đốn này mà ra. Nhưng đời bố vẫn còn may là con không bỏ đi, con vẫn ở với bố. Những điều bố làm được với con ngày hôm nay cũng nhờ sự nhẫn nại của con, của đám cái Dần và những điều trong sách vở ông giáo Thuyên dạy các con tỏa ra từ ánh đèn trong cái chai đom đóm mà bố nghe lỏm được. Chính những điều đơn giản tỏa ra từ cái đèn đom đóm đã đánh thức những đức tính làm người trong cái đầu thú dữ của bố sống lại. Bây giờ bố chỉ mong bà lang cũng có tấm lòng như con, bà ấy trở về đây cùng với bố gây dựng lại ngôi nhà này để con đi học.
Giọng lão tự nhiên cứ nghẹn lên. Thằng Hữu tròn mắt nhưng nó vẫn thản nhiên bảo:
- Bây giờ bố nói ra con mới biết ngọn ngành. Việc qua rồi cứ để cho nó qua. Cái chính bây giờ là cuộc sống của bố con mình ở trong ngôi nhà này thôi. Ngôi nhà này mà ấm áp thế nào bà lang ở Đồng Mụng chả về, con sẽ bảo bà Tứ đi đón thế nào cũng đươc.
Thằng Hữu hồn nhiên và nó cuời giòn tan. Trước sự hồn nhiên ngây thơ của nó hai hốc mắt lão Bành cũng khô ráo và sáng lên. Lão ân cần bảo thằng Hữu:
- Thôi, ăn cơm đi con ạ! Chủ nhật này bố con mình nhờ đám thằng Tùng phá cái bụi tre ở ngoài cổng đón ông phó Ngưỡng làm lại phên liếp cho ngôi nhà thật kín đáo con ạ!
- Vâng, hoan hô bố! Bọn thằng Tùng, nhất là cái Dần nó khoái lắm đấy.
Vừa nói thằng Hữu vừa nhìn lão Bành cuời thích thú. Câu chuyện giữa nó và lão Bành cứ rì rầm mãi. Gió ngoài đồng Cây Mơ cũng dìu dịu thổi vào làm căn nhà mát lịm.
***
Thằng Hữu học hết trường làng. Cái ngày nó phải khăn gói cùng đám cái Dần và thằng Tùng lên trường huyện học đã đến. Một hôm cũng vào bữa cơm tối, thằng Hữu thỏ thẻ nói với lão Bành:
- Đi trường huyện học chỉ còn có con và thằng Tùng, cái Dần, thằng Phú. Còn cái Tráng ở nhà cưới chồng, cái Dung đi học chuyên nghiệp, nó bảo nhà nó đông anh em, nó là chị nó phải nhường cho em nó sau này. Nhà mình có một bố, một con. Nếu con đi học bố sẽ vất vả lắm, con lợn, con gà, con trâu ai chăn thả? Bố thì suốt ngày công việc ở đội chuyên canh. Con sợ bố khổ vả việc đi học ở trường huyện nó tốn kém lắm. Tốn từ ăn mặc, đóng góp lại hàng tháng gạo nước phải mang đi, một mình bố làm đủ sao được. Hay bố để con ở nhà theo công điểm hợp tác xã, bao giờ bà lang ở Đồng Mụng về con xin đi chuyên nghiệp như cái Dung hoặc đủ mười tám tuổi con đi bộ đội cũng được.
Lão Bành thở dài, tròn mắt nhìn thằng Hữu, nước từ trong hai hốc mắt lão lại ứa ra, gịọng lão nghèn nghẹn như khóc:
- Bố cảm ơn con đã nghĩ về bố, nhưng nếu con thật lòng thương bố như bố đẻ thì bằng giá nào con cũng phải cố mà đi học. Đời bố nhọc nhằn và đầy những lỗi lầm. Tội là tại không có chữ trong đầu đấy con ạ! Con cứ đi học đi. Việc ở nhà bố khắc tự liệu được. Thế này con nhé: Ngày bố đi làm điểm ở tổ chuyên canh, bố kèm con trâu đi theo buộc lối cho nó ăn, tối dắt về, lợn gà thì chịu khó dậy sớm, thức khuya một tí. Hàng tháng con về lấy gạo thăm bố là được rồi.
- Gớm, hai bố con bàn gì mà say sưa thế? - Giọng ông giáo Thuyên sang sảng.
Cả hai bố con vội vàng đặt bát đũa đứng dậy:
- Con chào thầy.
- Chào ông giáo- Lão cũng chào theo thằng Hữu.
- Thôi nào, hai ông con cứ tự nhiên- Nói rồi ông giáo Thuyên cũng ghé ngồi xuống cái chõng tre gần mâm cơm. Giọng ông ấm áp:
- Nghe bà con làng Thông câu ra câu vào về cái việc thằng cháu Hữu nó đang lăn tăn việc đi học trường huyện hay thôi vì nhà ta khó khăn. Tôi sang đây lại gặp cả hai ông con cùng ở nhà, thật là may- Ông giáo Thuyên hắng giọng rồi lựa lời nói tiếp- Hữu là một học sinh giỏi của trường. Tôi cũng biết hoàn cảnh nhà ta lắm, chỉ có một bố một con, trường huyện lại xa hàng năm sáu chục cây số. Nếu em Hữu đi học thì ông cũng vất vả, khó khăn. Mà nếu để nó bỏ học thì phí quá. Làm thầy giáo dạy nó mấy năm nay tôi biết. Nếu được đi học tiếp, sau này thằng bé sẽ khá đấy ông ạ. Tôi cũng chỉ là một ông giáo làng chả giúp gì được ông và em Hữu đâu, chỉ động viên tinh thần nhau thôi. Ông cố khắc phục để cho em Hữu đi học tiếp thì tốt lắm....
Ông giáo Thuyên nói chưa hết lời, lão Bành đã reo to:
- Thế thì mừng quá, ông giáo đúng là người tiếp sức cho bố con tôi rồi. Chả giấu gì ông giáo, hai bố con tôi cũng đang to nhỏ với nhau chuyện ấy đấy. Thằng cháu Hữu nó cứ sợ tôi ở nhà một mình khổ, nó định không đi học để ở nhà theo công điểm hợp tác. Hai bố con đang bàn ra bàn vào, tôi thì ít lí lẽ để giảng giải cho nó có ngọn ngành. Ông giáo nói vậy chắc là nó nghe ra ngay- Vừa nói lão vừa quay ra vỗ vào vai thằng Hữu - Con nghe thủng lời ông giáo Thuyên chưa? Bằng giá nào cũng phải đi học trường huyện nhá!
Thằng Hữu ngơ ngác nhìn lão, nhìn thằy giáo Thuyên rồi khoanh tay hứa. Nhìn nó, ông giáo Thuyên mừng lắm, ông lần túi rút ra chục bạc giọng ngậm ngùi:
- Đây là tiền lương tháng thầy cho con, đi cố gắng cùng chúng bạn ngoan ngoãn và học cho thật giỏi!...
- Ây chết! Ông giáo đừng làm thế, bố con tôi...
- Đây là lòng tôi với học trò, tôi cũng coi em Hữu nhà ta như con cái, ông đừng ngại.
Nói rồi ông giáo Thuyên đặt chục bạc vào lòng tay thằng Hữu. Thằng Hữu cầm đồng tiền khoanh tay như thầm hứa với thầy giáo sẽ quyết tâm học tập để đền đáp lại tấm lòng của thầy. Lão Bành thì cứ đứng ngây, những giọt nước lại tràn ra đầy hai hốc mắt lão. Ngoài cổng đám cái Dần, thằng Tùng cũng léo nhéo kéo nhau đến. Thấy có thầy giáo Thuyên, chúng đứng nghiêm khoanh tay lễ phép chào:
- Chúng cháu chào bác Bành. Chúng con chào thầy giáo ạ!...
- Chào các em - Giọng thầy Thuyên ân cần- Các em ngồi cả xuống đây đi.
Mấy đứa cùng ngồi túm vào cái chõng tre. Lão Bành tất tả rót đầy nước vào chén, giọng lão hớn hở:
- Mời ông giáo uống nước, mời các cháu uống nước. Hôm nay nhà ta vui quá!...
- Vui thật bác ạ. Chúng cháu đến đây cũng để hỏi xem thằng Hữu nhà mình có tiếp tục đi học trường huyện với chúng cháu nữa không?...
- Sao lại không đi - Giọng lão Bành như đanh đóng cột- Bác đã nói với thằng Hữu rồi, dù khó khăn mấy cũng phải đi học. Bác Bành này cũn sức, còn làm ra được lúa gạo. Thằng Hữu nhà bác không phải lo gì cả. Hôm nay còn có cả ông giáo Thuyên ở đây nhá. Thằng Hữu mà không đi học tiếp trường huyện là bác không còn muốn sống nữa đâu. Các cháu cũng phải động viên ai ủi nó giúp bác với nhá!...
- Hoan hô bác Bành! Hoan hô bác Bành!...
Tiếng reo cười vang rộn khắp căn nhà. Lão Bành đứng nhìn đám trẻ, lão cứ cười ha hả, đoạn lão ngậm ngùi nói với ông giáo Thuyên:
- Có được những giây phút này là nhờ công đức của ông giáo nhiều lắm đấy. Suốt đời tôi biết ơn ông giáo. Nhờ ông giáo mà thằng Hữu nó ham cái chữ, cái chữ nó đã giữ thằng Hữu ở lại căn nhà này và nó cũng giúp tôi thuần phục lại tính người. Tôi, tôi biết bao giờ mới trả được công ông giáo.
Lão Bành đứng ngẩn, hai hốc mắt lão lại ròng ròng chảy ra những dòng nước. Thấy lão xúc động và hối hận, ông giáo Thuyên ngậm ngùi bảo:
- Thôi nào bác Bành, mọi việc đã qua rồi, bác đừng buồn nữa, buồn là bọn trẻ nó dễ nản lòng lắm đấy. Mình phải vui lên cho cả nhà cùng khỏe, để ngày mai các cháu đi trường thật phấn khởi....
- Vâng! Tôi vui lắm đấy ông giáo ạ! Vui nên nước mắt nó chảy ra thôi mà!...
- Hoan hô bác Bành! Hoan hô bác Bành! Chúng cháu sẽ hứa cùng với thằng Hữu học thật giỏi, học thành kĩ sư bác sĩ để không uổng công lao dạy giỗ của thầy Thuyên, của bác và làng xóm.
Tiếng cười lại ran lên khắp căn nhà. Thằng Hữu nhìn thầy Thuyên, nhìn mọi người rồi nó nghẹn ngào nói với lão Bành:
- Nhà mình hôm nay vui thật bố nhề!
Lão Bành gật đầu và vội chạy xuống bếp bê lên nải chuối tiêu chín rựng. Lảo bảo:
- Mời ông giáo, mời các cháu. Ta liên hoan mừng cho đám trẻ chuẩn bị lên đường học trường huyện.
Không khí trong căn nhà càng thêm rộn ràng và câu chuyện đi học của Thằng Hữu cùng đám trẻ cứ rì rầm trong đêm!...
***
Thằng Hữu gấp hai bộ quần áo và một số đồ dùng cá nhân xếp gọn vào cái bị cói, một kỷ vật duy nhất của bầm nó còn sót lại. Lão Bành mở bì gạo múc đầy vào cái bao tượng rồi lão lọ mọ rửa cái bím cau nắm một nắm cơm to bằng con lợn con, đổ đầy cái ống nứa muối vừng rồi xếp vào cái bị cho thằng Hữu. Làm xong lão lại lần trong túi lấy ra tờ giấy bạc 5 đồng đưa cho thằng Hữu, giọng lão ân cần:
- Cơm bố nắm cho cả bốn đứa ăn trên đường và bữa tối nữa đấy. Từ nhà lên đến nơi cũng phải nhọ mặt người. Năm sáu mươi cây số chứ có gần đâu. Đi đường và xa nhà anh em nhớ phải bảo nhau, ở nhà dù khổ nhưng nó vẫn là nhà của mình. Đi đấy, xẩy nhà ra cái gì cũng thiếu đấy con ạ! Phải cố bảo nhau học thật nhiều cái chữ vào đầu ấy nhá!...
- Con cám ơn, bố chu đáo quá!
Nói rồi thằng Hữu khoác cái bị chào lão ra đi. Lão Bành đứng lặng nhìn theo nó, lòng lão bâng khuâng có cái gì vừa vui rộn vừa cô đơn nhưng lão thấy yên dạ vì từ nay lão chính thức nhận được bổn phận của một con người được làm bố, làm mẹ trên cõi đời này. Lão cứ đứng lặng nhìn hút theo bóng thằng Hữu đang khuất dần sau những cây muồng trắng hòa vào đám bạn bè ở ngoài đường cái lớn.
Đám thằng Hữu lên đến trường huyện thì mặt trời cũng tắt hẳn. Trường huyện nằm ở bên kia con sông Đáy, phải đi qua cây cầu bằng sắt thì mới tới được. Mấy đứa dắt díu nhau vào cổng trường. Biết là học sinh ở xa đến các thầy giáo ở trong khu tập thể ra đón và đưa mấy đứa vào khu kí túc xá của nhà trường ở. Sau khi nghe các thầy dặn dò, mấy đứa dọn dẹp đồ đạc vào phòng ở thật ngăn nắp rồi bày cơm nắm ra ăn. Thằng Hữu cứ tần ngần rồi thở dài. Cái Dần hỏi:
- Mày mệt à Hữu?
- Không, tao thương bố Bành, giờ này chắc bố đang ngồi ăn một mình ở cái chõng tre. Tội thật!...
- Mày đừng cả nghĩ mà ảnh hưởng đến sức khỏe, ngày mai không đến lớp được là gay đấy. Buổi học đầu tiên là phải thật sôi động, hăng hái vì nó là vạn sự khởi đầu nan mà... Chúng mình cùng lớn cả rồi phải biết để cho lí trí chiến thắng tình cảm chứ.
Cái Dần an ủi. Thằng Tùng nhìn thằng Phú cười hề hề:
- Nghe "bà chị" mà cái ruột cứ mát lịm từng khúc! Thôi ăn đi, ăn xong ra phố huyện chơi một tí là khuây thôi mà.
- Mày thì chửa chi đã nghĩ đến việc chơi bời. Chúng mình lên đây để học chứ có phải để đi xem phố xá đâu. Đã tôn cái Dần này lên làm bà chị thì tất cả nghe đây- Giọng cái Dần đanh đá- Ăn cơm xong, cậu Tùng đi lấy nước, cậu Phú rửa bát, chị Dần đi mua dầu đèn, còn Hữu kiểm sách vở để mai sẵn đó đi khai giảng.
- Sao lại chỉ là Hữu, cậu Hữu chứ! Chưa chi "bà chị" đã để mất công bằng thì làm chị mãi thế nào được!... - Thằng Tùng lại cười hề hề.
- Mày chỉ được cái tài bát nháo chi khươn, lên đây mà cứ bày cái trò lêu lổng là chị bắt ở một mình. Cái thứ mày mà ở một mình thì chỉ có mà ăn gạo sống, uống nước lã - Cái Dần bĩu môi lườm thằng Tùng.
- Vâng, vì thế Tùng này mới phải gọi là chị Dần...
- Thôi, chả có lại cãi nhau bây giờ. Theo tớ thì thế này: Bây giờ chúng mình là phải tự quản lấy nhau rồi. Thằng Hữu này khổ từ bé nên chả ngại khó nhọc nhưng còn các bạn khi ở nhà cũng tương đối đầy đủ, Cái gì bố mẹ cũng lo cho, bây giờ lên đây từ hớp nước cũng phải kiếm lấy. Chúng mình lại ở nhóm, không phân công cụ thể thì cứ lục đục suốt ngày vào cái việc ăn ở sẽ không có thời gian học bài đâu mà học cấp 3 bài vở nhiều lại khó, nếu ta không cùng nhau cố gắng thì nó cũng như con ong Đồng Dong ấy, có đi có về tốn tiền của, cơm gạo của bố bầm thôi! Nhóm mình có cái Dần là con gái vậy theo tớ nên giao việc quản lí tiền gạo cho nó. Nó sẽ chủ động việc chợ búa, bếp núc, cánh con trai chúng mình thì lo những việc nặng nhọc như lấy nước, kiếm củi, vào rừng cải thiện thêm nguồn rau cỏ để giành thêm tiền mua sách vở và đồ dùng học tập. Theo tớ ta tạm phân việc như thế này: Tùng thì chịu phần việc phục vụ "chị Dần" hàng ngày gánh đủ nước để nấu ăn, tớ và thằng Phú đi rừng lấy củi và tìm thêm nguồn cải thiện trong sinh hoạt. Tất cả những công việc này đều không đươc ảnh hưởng đến giờ giấc học tập. Nếu đồng tình thì giơ tay.
Thằng Hữu vừa nói xong thì cả bốn cánh tay cùng giơ cao và cùng cười ran. Thằng Tùng bảo:
- Thế có phải gọi "chị Dần" nữa không?
- Gọi thì gọi chứ có ai cấm...
- Báu lắm đấy- Cái Dần bĩu môi.
- Thôi, bỏ qua chủ đề này, giữ nguyên chủ đề chính, bắt đầu từ mai nhá! Ai không thực hiện đúng cho ở riêng ngay. Nhất chí không? - Giọng thằng Hữu dứt khoát.
- Nhất trí... - Cả bốn đứa lại cùng đồng thanh. Căn phòng tĩnh lặng trở lại. Chợt thằng Tùng lại cười hề hề:
- Thế tối nay cậu Tùng ngủ cùng giường chị Dần nhề?
- Mỡ - Cái dần lại bĩu môi. Thằng Hữu nghiêm túc bảo:
- Cả phòng chỉ có ba cái giường, tối nay cái Dần ngủ một mình một giường, Thằng Tùng nằm một mình ở cái giường trong cùng, tao với thằng Phú nằm cái giường ở giữa. Nay mai ổn định vào rừng lấy nứa ngăn cho cái Dần riêng một phòng. Chúng mình lớn rồi, không còn cái thời nằm bo nhau trong cái nong rách ở nhà tớ nữa!..
- Thằng Hữu nói cái gì cũng như tiên đề hình học ấy. Chả còn thêm bớt gì được nữa- Thằng Phú vừa thủng thẳng nói vừa co chân lên giường nằm. Thằng Tùng đảo mắt nhìn khắp căn phòng rồi cười hềnh hệch một mình.
- Thôi, bây giờ thì mời các cậu dấp mắt đi cho, cả ngày đi chân nhừ ra đây này - Nói rồi cái Dần rải cái chiếu co chân lên giường quay mặt vào vách ngủ.
Thằng Phú và thằng Hữu cũng bo nhau lăn ra nằm, chỉ một lúc là chúng ngáy kho kho riêng thằng Hữu thì cứ thao thức, nó cố nhắm nghiền hai mắt nhưng lòng dạ nó cứ nôn nao. Nó chợt nhớ cái chai đèn đom đóm ở trong cái túi rết, khẽ lẻn dậy ngồi vào một xó nhà lấy giấy bút ra viết thư cho bố Bành. Nó vừa lôi giấy bút ra thì cái Dần ngóc đầu hỏi:
- Mày không ngủ còn làm cái gì thế hả Hữu?
- Tao viết thư cho bố Bành tao.
- Ông ấy có biết đọc đâu mà thư với từ cho mệt và tốn giấy.
- Trước khi đi tao đã dặn bố tao rồi, khi nào ông đưa thư gửi thì mang sang nhờ thầy giáo Thuyên hoặc bà Tứ đọc cho. Chả biết những giây phút như thế này tự nhiên tao lại thấy thương yêu ông ấy nhất, mặc dù tao biết ông ấy không phải bố đẻ ra mình vả có thời gian ông ấy còn tệ bạc và độc ác với chị em tao.
- Thôi, tao hiểu rồi. Mày cứ viết thư cho ông ấy đi. Viết xong ngủ lấy một giấc, mai còn đi học.
Nói rồi cái Dần lại nằm xuống quay mặt vào vách tường nhưng tự nhiên nó cũng không ngủ được. Nghĩ lại những ngày khổ ải lão Bành hành hạ thằng Hữu, lòng dạ nó cứ lộn lên. Nó muốm bảo thằng Hữu quên lão ấy đi cho nhẹ lòng nhưng khi hé mắt nhìn thằng Hữu đang cặm cui viết thư cho lão ấy, trong lòng cái Dần lại như có cơn gió thổi qua mát rượi. Cơn gió ấy giống như tấm lòng bao dung, độ lượng từ thằng Hữu cứ tỏa tràn ngập lút trong tâm hồn nó. Nó tự nhận ra một điều như trời đất bắt buộc nó phải gắn bó với thằng Hữu. Nếu như những ngày trước đây thằng Hữu phải ra vườn chuối nhà ông Tràng Chức để chờ nó mang củ khoai, củ sắn ra ăn, phải náu lão Bành để đi bắt đom đóm về học bài thì bây giờ nó lại phải tựa vào thằng Hữu để học hành, để suy tính được những điều lớn lao hơn để trở thành con người trên cõi đời này. Nghĩ được như vậy cái Dần cảm thấy nó đã sắp thành người lớn rồi. Nó thấy bằng lòng và đồng tình với công việc thằng Hữu đang thức viết thư cho lão Bành. Nó hy vọng mai này thằng Hữu sẽ là một con người rất hoàn hảo. Nghĩ vậy nó khép mắt thiu thiu ngủ. Tận ngoài kia sóng nước trên dòng sông Đáy cứ rì rào theo gió tràn vào. Gió và sóng như lời bầm êm dịu ru cho giấc ngủ của đám trẻ say nồng trong những ngày đầu nó đi xa quê...