Số lần đọc/download: 2353 / 65
Cập nhật: 2015-07-18 13:00:36 +0700
Chương 5
Đ
êm hôm tôi gặp lại cậu tôi có lẽ là một trong những đêm dài nhất đời tôi. Tôi đã kể cho cậu tôi nghe tất cả những gì tôi đã SỐNG ở Hà Nội trong vòng mười năm.
Xin mời bạn đọc quyển Biển Lửa và Núi Tro tôi đã viết, trong đó tôi mô tả tinh thần kháng chiến giành độc lập như một biển lửa và cái biển lửa đó trở thành một quả núi tro trong lòng dân Nam Kỳ và toàn dân Việt Nam.
Cậu tôi nằm nghe, không hỏi nhiều, chỉ thở dài. Mãi đến khuya, tôi mới hỏi cậu:
- Cậu biết anh Mạch Văn Tư bây giờ ở đâu không?
- Cậu nghe nói ảnh lên Sài Gòn.
- Hèn chi cháu không gặp ảnh ở ngoài.
- Một vài bạn quen của cậu có cho biết lúc sắp chuyển quân ra Bắc, các ông Hoàng Xuân Nhị, Hà Huy Giáp có đến gặp ảnh ở tại nhà thuyết phục ảnh đi tập kết, nhưng ảnh nói:“Nhiệm vụ tôi với Tổ Quốc đến đây là đủ. Bây giờ tôi phải làm trọng trách của tôi đối với gia đình tôi.” Ảnh nhất định về Sài Gòn.
- Có chuyện đó nữa sao cậu? Cháu thật không ngờ.
- Lúc kháng chiến cháu còn nhỏ, cháu không hiểu được chuyện nọ chuyện kia bên trong hoặc đằng sau lưng Cách Mạng. Cậu biết hết nhưng cũng đành im chớ làm gì được. Đối với cậu, họ cũng lôi kéo xô đẩy dữ lắm. Cậu là người giữ đạo Công Giáo thì có bao giờ vô đảng được. Và cậu có biết đảng là cái gì.
- Còn anh Tư?
- Ảnh không có đạo, nhưng ảnh là người cứng đầu. Mấy ông Phan Thêm, Bảy Khánh là bí thư, phó bí thư tỉnh ủy hồi đó muốn ảnh vô đảng để gây ảnh hưởng trong giới trí thức trẻ đi theo kháng chiến. Cháu biết hồi kháng chiến chống Pháp, trí thức tỉnh mình đi theo kháng chiến đông lắm. Trước nhất là ông Đốc Thỉnh, kế đó là ông Đốc Huệ, rồi giáo sư Nghĩa thầy của cháu. Những người có bằng Tú Tài khá đông. Còn giới thầy giáo thì có thầy Hữu, thầy Ngọc, thầy Viễn, thầy Báu, thầy Hậu.
- Có chị Ba Định nữa chớ!
- Chị Ba là Phụ Nữ xã Lương Quới bên Bảo vì dễ bảo nên được mấy ông tỉnh ủy nâng đỡ lên làm đoàn trưởng Phụ Nữ tỉnh, coi như tay mặt tay trái của tỉnh ủy.
Đột nhiên cậu hỏi tôi.
- Cháu nhớ Bùi Ngọc Nghi không?
- Dạ nhớ chớ. Ảnh là Phó của anh Tư.
- Họ thấy không thuyết phục được anh Tư nên gởi ảnh lên Miền. Lên Miền, ảnh gần mấy ông lớn ở Khu, nhưng ảnh vẫn không chịu vô đảng. Cho nên ảnh bị đưa luôn lên xứ đoàn làm ủy viên thường vụ kiêm trưởng ban tuyên huấn Thanh Niên Cứu Quốc Nam Bộ. Cháu nhớ tập san Lửa Hồng không? Đó là do tay của ảnh làm. Ảnh có tài tuyên truyền và huấn luyện, nên người ta muốn ảnh vô đảng. Có vậy thôi.
- Hồi ảnh mở trại huấn luyện Thanh Niên Cứu Quốc ở Cồn Chim…
- Cháu không nhắc là cậu quên rồi. Ảnh có bất mãn bỏ chức một lúc qua nằm ở Tiệm Tôm bên Ba Tri. Tỉnh ủy hoảng hồn cho người đi triệu ảnh về. Vì sợ ảnh theo Tây. Ảnh mới về mở trại huấn luyện đó. Một tay ảnh đào tạo cả ngàn cán bộ Thanh Niên Cứu Quốc cho tỉnh mình và cho tám tỉnh miền Trung. Ảnh hưởng của ảnh trong giới trẻ lớn lắm, nên tỉnh ủy vừa dùng ảnh lại vừa sợ ảnh. Nhưng ảnh đâu có tranh giành cái gì với ai. Ảnh chỉ huấn luyện cho thanh niên lòng yêu nước và lòng nhân đạo thôi. Cháu có còn nhớ hình mấy nhà văn treo ở giảng đường không?
Tôi nhanh nhảu đáp.
- Dạ Gorki, Barbusse và Rolland.
Cậu tôi tiếp:
- Tỉnh ủy muốn đưa Bùi Ngọc Nghi rủ rỉ để nhét “Chương trình cơ sở vấn đáp” của đảng do Trường Sinh soạn vào trại huấn luyện của ảnh (Mạch Văn Tư) nhưng ảnh cự tuyệt thẳng thừng. Do đó sau ba lớp đào tạo cán bộ cho tỉnh, ảnh định đề nghị biến nó thành trường huấn luyện cho Miền. Vị trí Cồn Chim rất thuận lợi về địa dư lẫn thiên nhiên. Nhưng vì sự cự tuyệt của ảnh mà ảnh bị đưa lên Miền. Lên đó xong ảnh lại xuống Trà Vinh tiếp tục mở lớp…
Bao nhiêu cái sự đời ở phía hậu trường kháng chiến, mãi tới bây giờ tôi mới được cậu tôi bảo cho nghe. Cậu tiếp:
- Sau khi ảnh lên Miền, tỉnh ủy đưa Bùi Ngọc Nghi sang thay thế. Nghi là một thanh niên nhưng tâm hồn cằn cỗi, kiến thức ít ỏi nên không làm được việc. Tỉnh ủy rút Nghi về cho anh Cao Thái Tôn sang. Anh Tôn là một thanh niên vườn, lại là một ông cụ non, chỉ được cái tính dễ bảo như bọn Lê Hoài Đôn, Xuân Ôn, đệ tử của Trường Sinh.
Tôi nói.
- Cái thời đó Văn Phòng đóng chết ở Bình Khánh và anh Tôn ra tiệm thuốc cao đơn hoàn tán ở chợ An Định để làm quỹ tự túc cho Thanh Niên Cứu Quốc. Hai Quang bây giờ là bí thư tỉnh ủy, hồi đó…
- Hồi đó chỉ là cán bộ của cậu thôi. Ảnh cũng học lớp của anh Tư.
Khuya hôm đó, tôi cầm đuốc đưa cậu tôi xuống bến đi trở lên Sài Gòn. Tôi buông cây đuốc xuống đất vì không muốn ánh lửa soi thấu giọt nước mắt chia ly. Qua giọng nói, tôi đoán hình như cậu tôi khóc. Cậu nghẹn ngào:
- Cháu cẩn thận nghe. Bom đạn bây giờ không phải như thời trước. Thỉnh thoảng về thăm ngoại dùm cậu.
- Dạ.
- Cậu không muốn lên Sài Gòn, nhưng ngoại không muốn cậu ở đây. Làng này bây giờ cậu thấy là của ai đâu không còn là của cậu. Nếu không có ngoại ở đây, cậu sẽ không bao giờ về nhà. Cậu muốn ngoại lên Sài Gòn quách cho rồi, nhưng cậu chắc chắn ngoại không đời nào chịu rời nơi đây. Đất đai mồ mả ông bà ở đây, bỏ đi sao được.
Tiếng tù-và đò máy rúc vang tiễn chân cậu tôi và tôi. Hai cậu cháu trước kia cùng một đường. Bây giờ đã sang ngã rẽ. Tôi nhìn theo bóng con đò biến dần giữa bờ rạch rậm ri hoang dại. Không biết suy nghĩ gì, cảm xúc ra sao. Cho đến khi tiếng máy đã tắt hẳn thì tôi mới đứng đậy. Cây đuốc đã tắt tự lúc nào, bó lá dừa nằm trơ trên mặt đất, một mớ tro bên cạnh như chính nấm mồ của nó. Đó là hình ảnh của hai mùa kháng chiến. Lạ lùng thay cái cuộc kháng chiến này. Tôi sực nhớ lời Sơn Nam lúc hai đứa gặp nhau ở Chắc Băng:
- Mày có bao giờ thấy Cách Mạng lạ lùng như vầy không? Khi kháng chiến thì đồng cam cộng khổ, lúc Hòa Bình thì tên này trói tên kia quăng vô chuồng cọp rồi chạy đi nhậu nhẹt nhìn đồng chí mình bị cọp phanh thây.
Tôi quay vào nhà. Ngoại tôi đang đứng ở giữa sân như dõi theo cuộc chia ly của hai thế hệ. Có lẽ ngoại cũng đã khóc như cậu tôi và tôi. Tôi muốn nói câu gì nhưng không nói được. Tuy ngoại không nói nhưng tôi đoán ra nỗi lòng của ngoại. Ngoại không muốn cậu tôi ở lại quê.
- Thà nó đi cho khuất mắt, ngoại khỏi phải nhớ cậu Tám con.
Hoặc:
- Cuộc kháng chiến này là một sự phản bội. Nuôi dưỡng nó để rồi nó trở lại hại mình, giống như một thứ chó điên cắn cả chủ nhà.
Tôi hiểu mối hận trong lòng ngoại tôi và của cả gia đình ngoại tôi nữa. Tôi cũng hận tràn lòng nhưng không thể nói gì. Nói theo ngoại thì đụng Cách Mạng, mà đụng Cách Mạng thì sẽ không toàn mạng. Còn nói theo lập trường thì tôi không thể nào. Cái lập trường đó tôi đã từng lê nó tới bờ sông Bến Hải năm 1960, suýt tuột nó ra vứt lại bờ Bắc trước khi lội về Nam rồi. Bây giờ lôi nó về đến đây, quả thật nó không còn đầy được nửa túi quần, thì việc trút nó đi không khó.
Tôi đi vào nhà. Cái ảnh cậu Tám tôi trên bàn thờ vẫn còn đó. Đôi mắt buồn thảm như trách móc như nhớ nhung thằng cháu, cứ dau dáu nhìn tôi. Tôi thấy đau buốt tim gan. Từ ngày về, tôi vẫn chưa có dịp thăm qua mảnh vườn thần tiên của tuổi ấu thơ, có thể nói là góc trời thơ mộng của tôi. Ao nuôi cá, mương vũng, tre trúc, dừa đủ loại, có cả dừa Tân quan, mận ổi xoài cam quít mảng cầu, khế, cau, chuối, mít, không thiếu một thứ cây ăn trái nào, một khu vườn sum xuê xanh tươi quanh năm, tôi có thể chạy chơi leo trèo hái trái bắt chim, câu cá, tát cá bất cứ lúc nào.
Vậy mà bây giờ không còn gì hết. Không còn gì hết. Vì đạn bom tàn phá và không có bàn tay săn sóc, chỉ có bàn tay phá phách. Nền nhà xưa của ngoại tôi không tìm thấy nữa. Nền nhà đồ sộ vậy mà không còn dấu vết gì thì đủ biết sự tàn phá đến mức nào. Cây cối chết đi thì còn có thể hiểu được nhưng đến mương vũng cũng không còn ở chỗ cũ. Một bàn tay nào đã lấp đã đời đã hủy diệt tất cả. Tôi như lạc lối vào một mảnh vườn xa lạ. Đâu rồi cây khế ngọt ở mé mương mà tôi thường nhặt những trái rụng ăn như những quả ngọt của tiên ban? Đâu rồi cây mận xanh trái có núm ăn giống như trái lý ngoại tôi trồng lúc tôi giáp thôi nôi? Đâu rồi cây đào nhánh oằn những trái hồng tươi như những quả tim không bao giờ rụng. Nằm dưới gốc ngó lên tưởng như đào tiên của Ngọc Hoàng bị Tôn Hành Giả hái trộm thuở nào.
Gần dấu đạn cà-nông kia có lẽ là gốc ổi bát ngoạt già ruột đỏ như mặt trời, lâu lâu mới có một trái nhưng ngoại không đốn vì đó là cây ổi lúc còn sanh tiền ông ngoại xin giống ở đâu về trồng.
Ở dọc mé mương ranh còn có mấy gốc dừa “heo cạ”, loại dừa thấp lùn, người ngồi có thể bẻ được, con heo đi ngang đụng buồng dừa, nước ngọt như dừa xiêm. Tận cuối vườn có cây dừa Tân Quan già cao chót vót nhưng rất sai trái. Vỏ nó nhai ngọt như nước mía. Cậu Tám tôi không thể móc tới, càng không thể trèo. Muốn ăn dừa Tân Quan phải nhờ ông Bảy Đạt trèo bẻ. Bây giờ cây dừa quí giá đó không còn, mà người độc nhất có thể trèo nó cũng đã mất, không biết hồi nào và tại sao. Cho đến bây giờ khi ngồi viết những dòng này thì cây dừa lẫn ông Bảy Đạt hiện lên tâm trí tôi như còn sống.
Ông là người tá điền lâu năm nhất hay có họ hàng gì của ngoại, tôi cũng không rõ. Chỉ biết là lúc nào ngoại tôi cần làm vườn, xay lúa giã gạo thì ông Bảy đến liền.
Hôm nọ khi tôi vừa về, đi ngang qua vườn, tôi thấy có một bà già cô đơn, bệnh hoạn ngồi dưới một mái lều. Vài ngày sau tôi đi ngang lại thấy bà vẫn ở đó. Thì ra đó là bà Bảy. Ông đã chết, bà thì không con cháu, không có ai săn
sóc, lại sống giữa chiến tranh. Ngoại tôi có hơn gì bà bao nhiêu. Thời gian thật là tàn nhẫn.
Những bạn gái từng chơi nhà chòi lợp bằng lá chuối, những bạn trai từng lặn hụp ở dưới mương nay đã lạc đi đâu hết, không còn một người nào quen gặp lại ở đây.
Ngày xưa chim chóc trong vườn đông lắm. Tôi và cậu tôi là những tay bắn giàn thun không kém Dương Bá Dương bách bộ xuyên dương là mấy. Những chú chim đủ loại, trao trảo, chim hát bội, gõ kiến... bị hạ thường nằm lểnh nghểnh trong chiếc túi vải của tôi. Bây giờ vào buổi sáng mà không thấy bóng một chú chim hút mật. Một sự vắng lặng đông đặc bao trùm lấy tôi. Tôi đắm mình trong sự vắng lặng hãi hùng đó, nhưng tôi không muốn thoát ra. Những ngọn cỏ và những mảnh sành vụn như níu lấy chân tôi.
Đó là sự sống dậy của những kỷ niệm.
Một miếng mái to nằm chênh vênh ở giữa vườn. Lòng tan vỡ của nó còn cố giữ lại một ít nước mưa. Từ đó nhô ra một bụi cỏ già, cái này như linh hồn của cái kia. Không có mảnh mái thì cỏ không có nước để sống, không có cỏ thì mảnh mái bể kia trở thành vô dụng hoàn toàn.
Có phải đây là một trong những chiếc mái vú quí giá cao khỏi đầu tôi mà ngoại dùng để đựng nước mưa bí uống vào mùa hè? Muốn múc nước trong mái tôi phải trèo lên chiếc ghế đẩu. Ngoại tôi sợ tôi cắm đầu vào đó không ai hay nên đã ràng nắp mái lại. Gần đó nằm chõng chơ một chiếc bàn thờ chỉ còn có hai chân, còn mặt bàn thì bị cháy.
Hình như mảnh vườn này đã hứng một trái bom cách đây đã lâu mà mưa nắng đã xóa đi gần hết dấu vết. Chiếc bàn thờ bằng gỗ trắc mun đen cao khỏi đầu tôi, chạm trổ hình chim và hoa lá. Ngoại tôi bắt cậu Tám tôi và tôi lau chùi thật kỹ mỗi khi có đám giỗ. Bên cạnh là chiếc bàn tròn có bộ chân lùn chạm trổ bốn con lân chụm đuôi vào nhau, đầu mỗi con quay ra một phía.
Chiếc bàn không còn nguyên và mưa nắng làm mất màu. Nó nằm hứng mưa phơi nắng như vậy có lẽ là vì sức nặng của nó. Ngoại tôi không thể tìm đâu ra tám người cùng một lúc để khiêng vào. Hơn nữa từ đây mà nơ nó xuống chòi thì phải qua những cây cầu dừa hoặc những khúc đứt lầy lội. Thôi đành để cho nó nằm ở đó tiếp tục cuộc đời sương gió.
Tôi nhìn thấy chiếc bàn mà đứt ruột đứt gan. Không phải vì nó đáng giá gì ghê gớm lắm, nhưng vì nó là vật thân yêu và nâng niu của gia đình. Chỉ những khách quí mới ngồi ở đó. Tôi thực tình không dám đứng lâu trước đống bàn ghế sứt mẻ, gãy nát, cháy vỡ gom lại thành đống như một chứng tích chiến thắng của Đồng Khởi mới vừa đây và của kháng chiến chống Pháp trước kia.
Tôi lẳng lặng quay bước. Vườn không có lối đi, phải rẽ cỏ. Bất ngờ tôi thấy một mảnh thiếc có kèm một miếng kiếng bể dính mắc trên cành cây, một thứ cây lạ xưa kia không thể mọc xen với cây ăn trái trong vườn này. Tôi nhận ra đó là một mảnh cửa của chiếc thùng hấp bánh khéo mà dì Năm tôi thường dùng.
Dì là người thông minh và khéo léo nhất nhà. Dì lúc nào cũng làm bánh, làm mứt, thêu thùa không khi nào ngớt. Những tấm tiền bàn, tấm chấn, y môn, cửa buồng treo trong nhà đều do đì thêu đẹp hơn cả hàng chợ. Tôi còn nhớ tấm chấn treo ở căn giữa dì thêu mất sáu tháng. Khi treo lên khách đều trầm trồ và ngợi khen kẻ đã tạo ra nó.
Hãy tướng tượng một người con gái mặt mày đỏ lơ đỏ lửng ngồi chăm chắm qua cửa kiếng của chiếc thùng theo dõi những chiếc bánh bông lan, tay quạt than đước trên nóc thùng, tùy độ chín của những chiếc bánh mà gia giảm độ nóng, mừng rỡ mãn nguyện khi bánh ngon, đau khổ khi bánh khét… từng giây mắt không rời, bỗng có hai thằng oắt con đến phía sau lưng nói lầm thầm:
- Tôi vái cho hư! Tôi vái cho hư!
Người con gái quay lại la lên:
- Má ơi! Xuống coi hai thằng quỉ nè má!
Ngoại tôi bênh con trai và cháu ngoại, hỏi:
- Tụi nó làm gì mà mày la?
- Nó vái cho bánh khét!
- Nó vái thì nó vái còn… khét hay không là do mày, la nỗi gì?
- Hai thằng quỉ đó là tôi và cậu Tám tôi.
Ức vì ngoại đã không rầy lại còn binh hai thằng quỉ, dì Năm tôi khóc, bảo:
- Có khét tao cũng không cho.
- Không cho tôi ăn cắp.
Dì Năm tôi nghe nói vậy thì càng sợ nên lấy cái bánh chai “thí” cho lũ quỉ và bảo:
- Dông đi rồi đừng có trở lại nữa nghe!
Hai thằng quỉ đớp bánh chạy đi. Ôi! những cải bánh tuyệt trần. Hai cậu cháu chạy đi bắn chim trèo cây ổi cây xoài một chốc rồi trở lại. Cậu tôi hỏi.
- Có cái nào khét nữa hôn chị Năm?
Dì Năm tôi sợ hai thằng quỉ nên vừa thí bánh cho vừa năn nỉ:
- Đi chơi đi rồi làm xong chị thưởng thêm.
Khi tôi vượt Trường Sơn, những đêm nằm dưới mưa tôi mơ thấy quê nhà. Bây giờ giấc mơ đã trở thành sự thực mà lại là giấc mơ tàn.