The pure and simple truth is rarely pure and never simple.

Oscar Wilde

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 34
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 46
Cập nhật: 2023-03-26 23:07:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
hị Nguyệt tôi chưa được xuống tóc, nhưng riêng tôi lại được. Ngay hôm sau khi đến chùa, sư bác Độ đưa tôi ra vườn chùa, dưới gốc nhãn, lấy kéo cắt phăng mớ tóc đen nhánh trên đầu tôi. Rồi bác lấy khăn ướt tẩm xà phòng xoa mạnh lên mớ tóc bị cắt nham nhở. Xoa tới lúc cái đầu sủi bọt xà phòng trắng xóa. Sư bác dọa tôi.
- Ngồi yên không nhúc nhích! Con dao cạo này sắc lắm. Ngọ ngoạy là mất đi một mảng da đầu như chơi.
Nhìn đôi mắt to trắng dã, cái gò má xương xẩu vêu ra, và bộ râu quai nón mọc tua tủa của bác, tôi sợ hãi ngồi im thin thít. Thực quả là tôi sợ. Tôi sợ đôi bàn tay khuềnh khoàng xương xẩu kia. Chắc hẳn chúng cứng quèo vụng về giống như cái dáng thô kệch của sư bác. Bác Độ vừa cạo xoèn xoẹt vừa nói chuyện với tôi:
- Chú thật là may. Vừa đến đã được sư cụ yêu mến ngay. Chú tưởng làm tiểu dễ đấy hả? Trong làng có hai thằng bé nhà nghèo ngoan ngoãn. Bố mẹ chúng ra chùa năn nỉ xin cho chúng ở chùa nhưng không được. Cụ bảo riêng chú có duyên với Bụt… Mà này, lạ thật! Chính tôi cũng thấy quý chị em chú… Khốn khổ, cái đời mạt pháp!
Xoẹt xoẹt… xoẹt xoẹt…
- Này… Bố mẹ chú có phải là Việt Minh không? Chú biết không, ở nhà chùa cũng có sư Việt Minh.
- Thế sư cụ là Việt Minh hở bác?
- Không phải! Không phải! Người khác cơ. Nhưng, bao giờ chú lớn lên … Rồi sẽ biết.
Xoẹt xoẹt… xoẹt xoẹt…
- Xong rồi! Thật là đẹp! Cái đầu chú tròn xoe như quả bưởi nên lúc cạo đi trông thật là đẹp.
Sư bác Khoan Độ cười ha hả, lấy tay xoa mãi lên cái đầu nhẵn thín của tôi, hể hả vì công trình mà bác cho là tuyệt mĩ của mình. Bác kéo tôi ra cầu ao, bắt tôi soi mình trên mặt nước:
- Thấy chưa? Tuyệt chưa? Không một vết xước nhỏ. Tôi đã phải mài con dao cạo suốt hai tiếng đồng hồ. Lần đầu tiên cạo đầu, tôi không muốn chú sợ. Tại vì lần đầu tiên xuống tóc, sư thúc là sứt mấy miếng da trên đầu tôi… Ôi chao là xót!... Ôi chao là sợ!...
Sư bác lại cất tiếng cười ha hả. Tiếng cười xóa tan những thành kiến ban đầu của tôi về bác. Hóa ra, đôi tay xương xẩu tưởng như vụng về kia lại vô cùng khéo léo. Hóa ra con người có gương mặt tưởng như dữ tợn kia lại có một tiếng cười sảng khoái hồn nhiên đến thế. Tiếng cười rất vui của sư bác, tuy nhiên, vẫn không xua tan được nỗi buồn sâu đậm trong lòng tôi.
Những ngày đầu ở chùa, cả ngày tôi chả nói một tiếng. Tôi cứ lì lì ngồi ở thềm nhà bếp. Giải vũ bên tái, một đầu làm bếp, khoảng giữa để cối xay, cối giã, còn đầu kia quây hai tấm giại tre làm buồng cho tôi ở.
Đêm nào cũng thế, tôi không tài nào ngủ được. Nằm đấy để nghĩ vơ vẩn. Nằm đấy để nghe tiếng mõ đều đều của sư cụ tụng kinh. Bài học tu hàh đầu tiên của tôi là gõ mõ. Sư cụ bảo:
- Người chân tu phải lúc nào cũng tu. Đi cũng thiền. Ăn cũng thiền. Uống cũng thiền. Nói cũng thiền. Từng giây từng phút đều thiền….
Tôi ngơ ngác. Đầu óc non nớt của tôi lần đầu tiên được tưới tắm bằng những giọt nước mát lành nhưng quá cao siêu. Tuy nhiên, tôi vẫn cảm được vị trong trẻo dịu dàng của nó qua đôi mắt hiền hậu ấm áp, qua cái vóc dáng từ bi như tỏa ra một vùng từ lực. Sư cụ cầm lấy cái mõ, cầm lấy cái dùi:
- Con ơi! Tiếng mõ là tiếng nói của đức Phật. Tiếng mõ đánh thức sự tốt lành, đánh thức cái tâm Phật trong mỗi con người. Tiếng mõ đêm khuya vang lên trong làng xóm nói với thế gian rằng Phật luôn luôn ở giữa cuộc đời này… Phải nghiêm trang, kính cẩn mà gõ. Phải quán tưởng đến hạnh từ bi mà gõ. Đến một lúc nào đó, tâm hồn ta sẽ sáng bừng. Ta sẽ được sống trong sự an lành vô biên…
Tôi còn quá non nớt để hiểu những lời tâm huyết của sư cụ. Nhưng tôi cũng hiểu đó là những lời an ủi, đó là sự xoa dịu những vết thương sâu hoắm trong tâm hồn một đứa trẻ.
Sư bác Khoan Độ không có những lời lẽ sắc sảo để giải tỏa cho nỗi u buồn của tôi rằng thế gian này mọi vật đều vô thường. Sư bác cũng không có những tinh tế để đoán biết những diễn biến của tâm hồn tôi để tùy lúc, tùy nơi tìm lời an ủi. Nhưng cần gì cơ chứ! Bởi vì lúc nào sư bác chả ân cần với tôi. Giọng nói thô kệch không biết rót mật xoa dịu vào tai tôi. Nhưng ánh mắt, vẻ mặt thì biết. Những tia mắt dịu dàng không biến hóa được ra bàn tay, ra giọng nói, nhưng lại biết ôm ấp, biết tạo ra một luồng từ khí ấm áp. Đó là tiếng nói của vô ngôn. Sau này lớn lên tôi mới hiểu tiếng nói có hạn chế của nó. Tiếng nói không bao giờ nói hết được, đấy là chưa kể có khi nó còn nói không đúng, còn tiếng nói của im lặng, của vô ngôn, của tia nhìn ấm áp thì ta chỉ có thể cảm nhận được, và nó chẳng bao giờ sai.
Tôi cảm nhận được điều đó khi sư bác ngồi kề bên tôi, nắm tay tôi và nói về ngôi chùa:
- Chúng ta là một gia đình.
Hóa ra, gia đình ngôi chùa quê của chúng tôi thật là sum suê, đông đúc. Chưa kể những vị tổ xa xưa, tôi chỉ tính từ vị tổ gần đây nhất.
Sư cụ Thích Vô Chấp có năm học trò trong đó có thầy tôi. Ba vị sư bác đã ra ở riêng, hiện trụ trì ở những tỉnh xa. Gắn với ngôi chùa Sọ, có hai người. Đó là thầy tôi Thích Vô Úy và sư thúc Vô Trần, một đệ tử tục gia.
Sư cụ Thích Vô Úy có một đệ tử rất đặc biệt. Đại sư huynh của tôi là một nhân vật huyền thoại. Và nếu có diup, về sau tôi sẽ nói. Nhị sư huynh là Thích Khoan Độ, một vị sư khá lạ lùng mà tôi vừa mới gặp. Còn người thứ ba là tôi, tôi vừa mới bước vào cửa tam bảo. Tôi vừa mới được sư phụ cho phép xuống tóc. Chẳng hiểu sư cụ nhìn thấy gì ở gương mặt tôi, mà người bảo với sư bác Khoan Độ rằng tôi có duyên với Phật. Tôi đã mười một tuổi nhưng không phổng phao. Người tôi loắt choắt chỉ bằng đứa bé lên chín. Một gương mặt chín tuổi! Chắc trên đó phải hằn in những nét sầu khủng khiếp, và nhưng nỗi kinh hoàng khiến đôi mắt mở to ngơ ngác. Dấu ấn ấy còn đọng lại mãi trên gương mặt tôi, trong trí não tôi. Rửa cũng không sạch. Dấu ấn ấy còn dai dẳng bám lấy tôi suốt cả cuộc đời. Có lẽ vì thế nên tôi hay nghĩ. Có lẽ vì thế nên sư cụ bảo tôi có duyên với Phật. Và chắc sư cụ muốn dùng ánh sáng của đức Phật để cứu vớt tôi, rửa sạch những vết u ám trong tâm hồn tôi chăng?
Chị tôi được ở ngoài vườn chùa cùng với bà vãi Thầm. Còn tôi, sư cụ sai dọn đầu hồi giải vũ bên trái làm chỗ ngủ. Sư bác Độ dùng hai tấm giại che đằng trước và bên cạnh quây lại, rồi đặt một chiếc chõng tre bên trong. Từ bé, tôi chưa bao giờ nằm một mình, ban đêm tôi vẫn rúc vào nách rúc vào lưng chị tôi mà ngủ. Chị tôi là người mẹ thứ hai của tôi. Tôi nghe nói thủa tôi mới sinh, u tôi ốm nặng, chị tôi đã bế tôi đi ăn mày sữa khắp làng. Nhờ có chị nên tôi mới sống, mới thành người như hôm nay. Nay thầy u tôi đều đã chết, tôi lại tách khỏi chị. Có lẽ tô như đứa trẻ bị tách ra khỏi vú mẹ. Tôi như đứa trẻ bị cai sữa. Cho nên cả đêm hôm ấy, tôi không tài nào ngủ được. Hôm sau, tôi thưa với sư cụ:
- Thưa thầy, xin cho con được ngủ chỗ khác. Ngủ một mình, con không tài nào nhắm mắt được.
- Con sợ gì?
- Con sợ ma.
- Đây là đất Phật con ạ - Thầy tôi nghiêm trang giảng giải – đất Phật nên trên đầu chúng ta luôn có tàn lọng của đức Phật che chở. Dù có hiểm nguy nào, núp dưới bóng râm của người, thì cũng qua khỏi. Chẳng có ma chướng nào, chẳng có loài ngạ quỷ súc sinh nào đụng chạm được tới con.
Thấy tôi cứ cúi đầu xuống, không chịu đi, vẻ mặt thì đăm chiêu, tăn tiu, sư cụ liền ôn tồn nói với tôi một điều mà tôi ghi nhớ suốt đời:
- Con ơi! Trên đường đời dài dằng dặc, một người con của Phật, hay một con người cũng vậy, đều phải biết tự đi bằng đôi chân của mình…Phải biết độc hành con ạ… Chẳng biết thầy nói con có hiểu gì không? Đường của Phật gian nan lắm con ơi. Muốn tìm được đạo, phải biết được hành… Không có ai tìm hộ con đâu…
Nói xong câu nói dài ấy, sư cụ nhắm mắt lại. Thú thực, nghe câu nói ấy tôi cũng chẳng hiểu gì sâu xa. Tuy nhiên, cái ý đi bằng đôi chân của mình, thì tôi mang máng hiểu. Tôi hiểu rằng bây giờ tình cảnh đã khác rồi. Tôi hiểu rằng chị tôi không thể đi xin sữa nuôi tôi như thủa bé được nữa. Rằng chị tôi không thể dắt tôi đi trốn giặc được nữa, rằng chị tôi không còn có thể xòe cánh tay che chở cho tôi nữa. Tôi phải tự đi một mình.
Tôi rón rén lùi khỏi Phật đường. Câu nói của thầy thật khó, tôi chưa hiểu hết, nhưng ít nhất nó cũng làm cho tâm hồn tôi máy động. Ôi chao! Cha tôi chết! Mẹ tôi chết! Chị tôi không thể xòe tay ra với tôi được nữa! Và tôi phải bước chân một mình.
Đêm hôm ấy, nằm trên chiếc chõng tre, trong gian buồng quây, tôi thao thức mãi. Tôi ngắm ánh trăng luồn qua khe giại vẽ những vệt sáng trên nền nhà giải vũ. Mắt cứ chong ra mãi, tôi lền đứng dậy ra khỏi gian buồng. Ngoài gian buồng là nơi xay thóc, giã gạo. Chiếc cối xay lù lù như một bà già mặc váy đang ngồi tắm trăng. Tôi lấy chiếc chổi lúa quét sạch nền nhà, nằm xuống bên cạnh chiếc cối. hình như chiếc cối giống hình người làm tôi thấy đỡ cô đơn hơn là gian buồng trơ trọi chỉ có chiếc chõng. Hình như nơi đây còn vương hơi ấm của bà Thầm, chị Nguyệt. Ban tối, họ còn xay thóc, sàng gạo nơi đây. Ở đây còn có hơi người, còn trong kia chẳng có. Tôi nằm co ro ở đấy để gặm nhấm những nỗi đắng cay đã đột nhiên ào ạt đổ xuống đầu tôi trong những ngày qua.
Chắc mấy đêm nay chị tôi vẫn khóc. Bà vãi Thầm suốt đêm còn vẩn vơ bận bịu trò chuyện với những hồn ma ở cõi âm của bà. Lấy đâu ra tỉnh táo, lấy đâu ra tế nhị để an ủi nỗi đau của chị. Tôi biết chị Nguyệt vẫn khóc đêm vì sáng ra, thấy mắt chị sưng húp và đỏ ngầu
Riêng tôi, tôi thèm khóc lắm, nhưng dù cố thế nào thì nước mắt trong tôi cũng chẳng chảy ra. Tôi nằm đấy nghe tiếng chim đêm, nghe giun dế nỉ non, và tắm ánh trăng giàn giụa chảy từ mái chùa xuống. Ánh trăng cứ chảy, chảy mãi đến mức đầy ắp cái tâm hồn nức nở của tôi. Ánh trăng có cách xoa dịu của nó. Nó ru tôi một cách thầm lặng, và tôi ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Đang ngủ, tôi bỗng có cảm giác một cái gì rất mềm mại đã chạm vào tôi. Hình như có một cái gì xôm xốp mà tôi ôm lấy. Hình như có một bàn tay đang ve vuốt khuôn mặt tôi. Rất mơn man, rất nhè nhẹ. Phải chăng là gió? Phải chăng là trăng? Trăng mà cũng biết xoa dịu ta ư? Tôi từ từ mở mắt. Tôi dần dần từ cõi mơ trở về cõi thực. Đến lúc ấy, tôi mới biết tôi đang ôm con chó vàng. Thì ra chỗ này là chỗ nằm của con vàng hàng đêm vẫn ngủ. Thì ra hơi ấm lúc trước tôi cảm nhận không phải là của chị tôi cũng không phải của bà vãi Thầm. Con chó mà cũng biết cảm nhận nỗi buồn, nỗi cô đơn của tôi sao? Cám ơn vàng, cám ơn hơi ấm của mày, cám ơn cái lưỡi ấm áp của mày đã lau khô những giọt nước mắt hiếm hoi của ta; chỉ khi ngủ nó mới chịu ứa ra. Vàng ơi! Nhưng giọt lệ hiếm ấy chắc là mặn lắm.
Trong những ngày đầu tiên ở chùa, tôi cứ một mình vật vã như vậy. Cứ tưởng như chẳng có ai quan tâm tới tôi. Về sau sư bác kể lại tôi mới biết sư cụ tôi nhiều đêm vẫn ngồi ở bàn nước nhà tổ nhìn ra, chứng kiến sự vật lộn của tôi. Sư bác Độ xin cụ tìm cách giúp đỡ tôi, nhưng cụ chẳng cho. Sư cụ chẳng bảo phải tự độc hành, độc bộ là gì. Chẳng ai có thể sống cả đồi núp dwowcis bóng cây. Sư cụ muốn tôi phải tự chữa lành cho vết thương của mình. Chẳng ai biết hết được sự tự chịu đựng, sự tự làm lành lại mình của con người mạnh mẽ đến thế nào đâu.
Những ngày ấy tôi chưa phải học gì, chưa phải làm gì. Có thể nói đó là đặc ân, Sư cụ cho phép, để mặc tôi lang thang trong chùa và vùng lân cận. Ý muốn của cụ là để tôi hòa hợp với khung cảnh mới, hay là để cho thiên nhiên chữa tâm bệnh giúp tôi.
Tôi lang thang nhưng chẳng biết lang thang để làm gì. Về sau này, có người bạn nghe chuyện, bảo rằng thực ra sự lang thang của tôi khi ấy là cuộc đi tìm nước mắt. Nghe qua, thấy thật nực cười, nhưng ngẫm nghĩ kỹ lại thấy có phần nào đúng. Quả thật, thời gian ấy tôi muốn khóc mà không tài nào khóc được. Tôi trở nên thằng bé lầm lầm lì lì. Lúc nào cũng ngơ ngác như phiêu du tận đẩu tận đâu. Có lúc, có người hỏi, thì mắt cứ trố ra giương to. Hình như tôi không nghe thấy hoặc không hiểu người ta hỏi gì. Có lúc chị tôi phải ôm mặt ngồi bên bờ ao khóc thút thít. Chị Nguyệt thương tôi quá. Chị chỉ sợ tôi trở thành kẻ ngớ ngẩn, kẻ điên rồ. Sư cụ khuyên chị đừng lo và dặn mọi người ai ai cũng phải đối xử với tôi dịu dàng. Phật chẳng bỏ ai đâu, nhất là những người gặp nạn.
Những ngày đặc biệt này, tôi rất thích lang thang ở khu rừng thông gần chùa. Gọi là rừng cho to, chứ thực ra chỉ là một quả đồi thấp trồng toàn thông. Thông trồng đã lâu, thân to đủ người ôm. Tán lá rậm rịt không có ánh nắng lọt xuống. Tôi thường ngồi ở chân đồi nghe thông reo, nghe đàn chim sẻ lắm mồm, ríu rít cãi nhau trên tán lá, thỉnh thoảng chúng lại vù vù cả đàn bay ào ra ruộng lúa.
Từ chân đồi, tôi có thể bao quát nhìn khắp cánh đồng trước mặt, cũng như quang cảnh khắp vùng. Nơi đây rất giống quê tôi. Cũng vẫn dãy Tam Đảo xanh ngắt, lừng lững ngồi, đội mây trắng trên đầu, lặng nhìn xuống trần gian. Cũng vẫn dãy Tam Đảo xanh ngắt, lừng lững ngồi, đội mây trắng trên đầu, lặng nhìn xuống trần gian. Cũng vẫn những đồi sim bát úp dâng hiến cho lũ trẻ nhỏ chúng tôi những trái sim tím bầm vừa ngọt, vừa thơm, lại chan chát, ngày nào cũng ăn mà không bao giờ biết chán. Cũng vẫn những khóm mẫu đơn dại mọc ê hề khắp nơi, để lũ con gái chăn trâu kết tràng hoa đỏ đội đầu, chơi trò cô dâu chú rể.
Tại sao tôi không khóc được nhỉ? Phải chăng vì tôi chưa quen với không khí nhà chùa? Nó mênh mông khác hẳn với không khí đầm ấm trong căn nhà bé nhỏ của cha mẹ tôi. Nằm dưới gốc thông, nhìn những đồi sim, tôi chợt nghĩ như vậy.
Thì ra những hoài niệm mà tôi không thể quên được đang kéo nhau trở về. Cả những kỷ niệm đau đớn, mà tôi muốn chôn vùi không bao giờ muốn nhắc lại, cũng lấp ló trong tâm hồn tôi. Và đi cùng với chúng là những xúc động. Tự nhiên trong người tôi thấy rưng rưng.
Tiếng chuông chiều, chuông thu không đang vang lên ngân ga từ gác tam quan. Tiếng chuông lại kéo tôi về thực tại. Nhắm mắt lại, tôi cũng cảm nhận được sự u tịch của ngôi chùa. Ở xa xa thế này, tôi cũng ngửi thấy được mùi hương ngào ngày, cũng như nghe thấy được tiếng mõ đều đều, buồn buồn, lúc xa lúc gần… Phải chăng những thứ đó là quá trang nghiêm đối với tâm hồn măng sữa của tôi. Hình như tiếng chuông, tiếng mõ, cả mùi hương nữa… tất cả đều mang một triết lý sâu thẳm rất cần cho những tâm hồn từng trải u uẩn, còn tôi, tôi là đứa bé mà trái tim bị một vết tử thương sâu thẳm, tôi cũng u uẩn chứ, nhưng khi ấy tôi thèm cái sự an ủi là một cái gì rất cụ thể, rất vật chất, như một bàn tay ấm áp của mẹ chẳng hạn. Nhưng than ôi! Mẹ tôi đã chết rồi.
Phải chăng vì thế nên ở trong chùa tôi không dám khóc, hay nói cho đúng hơn, tâm hồn tôi đang khóc nhưng không tài nào chảy nước mắt. Mà hoàn cảnh một đứa trẻ như tôi lúc ấy rất cần khóc. Mà phải khóc to thành tiếng, khóc giữa thanh thiên bạch nhật, giữa mênh mông trời đất. Phải khóc cho nỗi tang thương vón cục thành khối thành hòn trong trái tim được tan chảy ra. Giữa bao la, nỗi đau chắc chắn tan đi nhanh hơn. Gió sẽ mang nó đi, gió sẽ hòa loãng nó vào mênh mang.
Vả lại, tôi chỉ muốn khóc một mình. Tôi chẳng muốn có ai nhìn thấy tôi đang khóc. Vì nhút nhát chăng? Vì kiêu hãnh chăng? Vì sợ hãi sự thương hại của người đời chăng? Tôi nghe người ta kể, có những con voi già nua bệnh tật, khi biết mình sắp chết, liền một mình đi vào rừng sâu, rồi một mình gục xuống, chung quanh chẳng hề có một cặp mắt nào của đồng loại. Có lẽ đó là mặc cảm của mọi sinh linh trên thế gian này chăng. Thực ra, tôi chẳng hiểu căn ngueyen hành vi của tôi ở đâu. Chỉ biết rằng nỗi đau là của riêng tôi. Tôi chỉ muốn một mình tôi gánh chịu.
Như đã nói, lúc ấy tôi rưng rưng. Cái bao la mênh mông, cái một mình riêng lẻ quả là hiệu nghiệm. Nhờ có chúng nwocs mắt của tôi tự nhiên trở về. Những giọt nước mắt mặn không biết từ đâu tới, bỗng đột nhiên tràn đầy khóe mắt. Rồi chúng tràn ra bò lăn trên mặt. Tôi mặc cho chúng tuôn rơi. Và cùng với chúng là những hình ảnh hiện ra. Phải nói là những hình ảnh ghê rợn. Đúng rồi! Chính những hình ảnh này là điều tôi muốn quên đi, muốn không bao giờ nhắc tới. Có lẽ nào chính chúng đã làm tôi thành kẻ mất hồn, kẻ không khóc nổi ra nước mắt.
Tôi sẽ còn nhớ đến suốt đời cái ngày Tây càn, cái ngày đã làm tôi tan nát.
Hôm ấy, nghe lời thầy tôi, chị Nguyệt dắt tôi chạy trước, còn thầy u tôi dìu nhau chạy sau. Tôi thuộc những đường ngang ngõ tắt trong làng như lòng bàn tay. Cho nenekhoong phải chị Nguyệt dắt đường, mà chính tôi đã kéo chị tôi đi. Tôi không chạy theo đường chính. Tôi đi tắt qua những vườn, những trổ tre, nên chỉ một lát sau chúng tôi đã đến đồng mà chẳng gặp ai cả. Chị em tôi lội ra giữa cánh đồng Miễu, tìm một ruộng lúa tốt um rồi trốn ở đấy. Đáng lẽ theo lời thầy u tôi, thì hai chị em phải chạy đến dốc núi Bò. Qua dốc ấy là ổn, bởi vì đã đến gần rừng. Nhưng nhìn ra còn đường đến núi Bò lại thấy người chạy như vịt và Tây nổ súng đì đẹt đuổi theo. Chị Nguyệt thấy thế, quyết định cứ ở lại ruộng lúa cao.
Hai chị em ngồi đấy có đển nửa tiếng vẫn thấy rất im lặng. Nhưng rồi có tiếng xì xồ đâu đấy. Hóa ra chị em ngồi thụp xuống nên không trông thấy lũ lính đi càn đã sục cả xuống cánh đồng để tìm Việt Minh. Chị Nguyệt vội vã thì thầm vào tai tôi:
- Em bò vào giữa ruộng lúa đi. Nằm bẹp xuống nước. Không được động đậy.
- Còn chị?
- Chị bò sang ruộng bên kia…
Tôi theo lời chị, tôi như con lươn trườn một loáng đã chui vào giữa ruộng lúa xanh um. Và tôi nằm im như chết. Tôi ngơ ngẩn thật. Thực ra, chung quanh đấy có ruộng lúa nào tốt để có thể làm chỗ trú ẩn được đâu. Chẳng qua là chị cũng như bố tôi thôi. Họ muốn bảo vệ tôi, vì tôi là đứa con trai độc nhất trong dòng họ.
Về sau này, nghe kể lại, tôi mới biết chị Nguyệt bị bắt tập trung ở đình làng. Dạo ấy, chị tôi ăn mặc rách rưới. Cái quần thì bạc phếch vá chằng vá đụp. Cái áo thì thùng thình. Hình như là cái áo của thầy tôi cắt ngắn ống tay đi. Không phải là chị tôi không có quần áo tươm tất, vừa vặn. Lần chạy giặc trước, khi giặc yên trở về làng, u tôi nhìn bộ quần áo gọn gàng trên người chị Nguyệt liền rên lên:
- Con ơi là con! Sao mày ăn mặc thế kia? Người thì mơn mởn phây phây. Cái yếm thì căng ra. Ăn mặc thế kia có khác nào mỡ để miệng mèo. Gái thời loạn, đừng có phơi ra mà chết. Làm sao để che giấu đi. Làm sao để cho xấu đi…
Và từ đấy, u tôi giấu cái gương của chị tôi đi. Và bắt chị ăn mặc sao cho xấu xí, lem luốc. Cái áo, cái quần thì bạc phếch, thùng thình. Các đường cong trời ban cho người con gái làm duyên đều biến đi hết.
Ở sân đình mấy thằng lính phụ tá cho viên trung úy Tây lai Bernard gãi đầu gãi tai nói với sếp của chúng:
- Thưa trung úy… Cái đám kia ạ…
- Toàn là đàn bà con gái…
- Bẩm, trong đó có lẫn cả Việt Minh. Không nên để sót….
- Thì làm sao?
- Chúng em khám ạ…
- Ừ thì khám. Nhưng vừa vừa phải phải thôi nhé. Đừng để cho chúng kêu la là không được với ông đại úy đâu…
Được phép rồi, một tiểu đội cả Tây đen, Tây trắng lẫn lính ba ti dăng (1) bắt tất cả đàn bà con gái ra khám xét.
- Bẩm quan lớn. Con còn bé ạ
- Bẩm quan lớn. Con già lão rồi ạ.
Một chuẩn úy nói to:
- Trẻ con hay bà lão cũng khám tuốt tuột. Việt Minh ngụy trang khéo lắm. Cứ tốc áo lên, khám vú là rõ tất cả. Đứa nào chưa có vú hay vú quả mướp thì thả ra. Tất cả những đứa vú mẩy đều giữ lại. Họ đều là tráng niên, đều là Việt Minh.
Một lính ba ti dăng tếu táo:
- Thế đứa có vú sữa thì sao ạ?
- Vú có sữa càng tốt chứ sao – Đứa ấy mới là Việt Minh thứ thiệt.
- Vậy thì đem tra khảo lũ đàn bà Việt Minh này ở đâu ạ?
- Tùy thích. Nơi nào càng kín càng tốt.
Đàn bà làng tôi, tất cả đều cuống lên. Sắp xảy ra vụ cưỡng hiếp cả làng. Mỗi thằng lính túm một người đàn bà sau khi đã khám vú. Chúng lôi xềnh xệch họ đi. Tiếng kiêu la vang trời. Chỉ riêng viên trung úy không tham dự. Hắn khoanh tay đứng ở thềm đình.
May thay, lúc đó ông lý trưởng trông thấy chị Nguyệt của tôi đang bị một tên lĩnh da đen bế đi. Chị tôi giãy giụa và gọi ông lý:
- Ông lý ơi! Cứu cháu với.
Chả biết chị Nguyệt đã lọt vào mắt ông lý tự lúc nào, hay là chỉ khi chị Nguyệt cầu cứu đích danh ông, ông mới nảy ra ý nghĩ biến chị tôi thành bà lý năm. Dù sao chăng nữa, hành động bấy giờ của ông lý cũng được hàng xóm khen ngợi. Ông vội vàng chạy sang nhà ông giáo là nơi viên đại úy Thalan chỉ huy cuộc càn đang ngồi nói chuyện.
Đại úy Thalan là một nhà quân sự có học, có nguyên tắc. Được ông lý báo tin, Thalan chạy ngay ra sân đình và hét lên:
- Tất cả dừng lại!
Ông rút súng lục bắn chỉ thiên. Ông ta mời lý trưởng và ông giáo đứng bên mình. Ông bắt đám lính vô kỷ luật phải xếp hàng nghiêm chỉnh. Ông cũng mời dân làng tập hợp lại và diễn thuyết.
- Người Pháp chúng tôi đến đây chỉ cốt đánh đuổi Việt Minh. Chúng tôi hoan nghênh tất cả những ai chăm chỉ làm ăn và không chống đối lại chúng tôi. Nếu những người lính của tôi có làm điều gì xúc phạm tới các bà các chị, khi về đồn, tôi sẽ phạt họ thật nặng. Mong các vị kỳ hào, bô lão trong làng hiểu cho những ý định tốt của chính phủ Pháp.
Rồi quay sang những người lính của mình, ông ta nói:
- Các chiến hữu của tôi cần phải biết rằng chúng ta là những chiến binh của nước Pháp văn minh và vinh quang. Chúng ta đem ánh sáng đến cho xứ sở này. Vậy, đối với người dân, chúng ta phải là bạn. Nhưng đối với Việt Minh, kẻ thù của chúng ta, chúng ta quyết không nương tay. Các bạn hãy giải tán, vào làng lục soát từng nhà, quyết không bỏ sót một tên Việt Minh.
Trong khi diễn ra bao nhiêu chuyện ngoài đình, tôi vẫn nằm im trong ruộng lúa. Thấy yên yên, tôi bò ra gần mép ruông, nhìn qua bờ cỏ, thẳng về phía ngôi miếu hoang xa xa. Ngôi miếu cô hồn. Bên trong chỉ có chiếc bệ thờ bằng gạch trên có pho tượng. Trước cửa miếu có một cây bàng rất xanh tốt làm chốn nghỉ trưa cho người làm đồng. Miếu làm trên gò, nơi đây vào đêm mưa phùn thường thấy ma trơi như những quả bóng xanh lơ bay đi bay lại. Người ta bảo gò miếu là nơi chôn người chết giặc ngày xưa. Xác chết gom lại thành nấm mồ hoang tập thể. Nhiều ma lắm nên miếu rất thiêng. Trẻ chăn trâu chúng tôi tuy nghịch ngợm nhưng cũng không dám phá phách. Chẳng thế mà pho tượng làm đã rất lâu vẫn không hề suy suyển. Tượng nặn bằng đất mà tay chân vẫn không bị gãy. Mặt sơn trắng, chỉ bị bạc đi với thời gian, chứ không bị vẽ than nhem nhuốc. Đặc biệt pho tượng có đôi mắt xếch bằng thủy tinh nên trông rất dữ tướng. Chỉ nhìn vào mắt đã thấy khiếp. Cho nên miếu cô hồn đã bao đời nay vẫn còn đủ cả cửa.
Cái ngày đặc biệt ấy, từ ruộng lúa, tôi thấy mấy lần bọn lính Tây dẫn người vào ngôi miếu đó. Rồi những tiếng kêu la từ ngôi miếu thoát ra. Tôi nghĩ bụng: chúng nó đưa người vào miếu hoang tra tấn. Ba lần thì phải. Cả ba lần đều nghe thấy người kêu khóc, rồi lại bặt im. Lần cuối cùng, nghe thấy cả tiếng thét, tiếng chửi rủa và tiếng súng. Tôi tự hỏi: “Không biết chúng nó bắt ai?” Tôi run lên sợ hãi. Tôi nghĩ bụng: “Lỡ chúng đi ra và nhìn về phía mình thì sao” Nghĩ vậy, nên tôi lại lùi sâu vào ruộng lúa. Nhưng cũng từ lúc ấy, sự tò mò nảy sinh ra trong óc tôi. Tôi không phải là đứa can đảm, nhưng tôi nóng lòng chờ cho bọn giặc rút quân. Tôi rất muốn đẩy cánh cửa miếu, nhìn vào bên trong. Chắc có người chết nhưng thể nào cũng còn người sống. Không biết người nhà tôi có ai bị bắt vào đó không? Hay chỉ bị ra đình… Nghĩ vơ vẩn mãi, tôi lại nghĩ tới chị tôi, thầy u tôi.
Đến chiều thì giặc rút. Tôi thấy tiếng xe nổ máy. Tôi trông thấy người chạy về làng. Tôi cũng đứng lên khỏi ruộng lúa song tôi không về làng. Tôi đi về phía miếu cô hồn.
Trong cả làng, tôi là người đầu tiên đến miếu sau trận càn. Tôi đứng dưới gốc bàng nhìn thấy cửa miếu vẫn đóng im ỉm. Tôi lắng tai nghe. Quái lạ! Không có tiếng người bên trong. Tôi kêu lên:
- Cháu đây! Thằng An đây! Có ai còn sống không?
Không thấy tiếng trả lời, tôi liền tiến gần lại. Lúc ấy đã xế chiều. Ánh nắng xiên khoai nên lọt qua được tán bàng chiếu đúng vào bậc thềm đạu kín những ruồi. Bước chân của tôi làm ruồi bay vù vù lên không trung để lộ ra cái bậc thềm toàn máu đỏ. Máu từ trong miếu chảy ra.
Thằng Tây cuối cùng ra khỏi miếu thật cẩn thận. Khi khép cửa lại nó dùng một đoạn tre làm cái chốt xuyên qua hai đinh khuy giữ cho cửa khỏi mở. Tôi rút chốt. Hai cánh cửa mở tung và một vật nặng ngã ra. Tôi hét to vì vật nặng đó là một cái xác người chết. Mắt tôi trợn tròn, vì nền miếu là một ao máu. Lúc trước có xác người dựa vào cửa nên máu chảy ra ít. Ngay xác người đổ dọc, cái cửa lại mở nên máu chảy ào ra. Chảy qua thềm, xuống đến gốc bàng. Tôi hết hồn nhìn vào những xác người bị trói. Tất cả đều bị cắt cổ. Có cả những đầu người bị cắt rời ra. Những cái đầu. Những cái xác không đầu. Có cả những người bị trói đứng vào cột. Cái đầu lâu chưa bị đứt hản còn lủng lẳng treo trước ngực. Có thể cuộc hành lạc của lũ lính sắp sửa xảy ra ở ngoài đình bị ngăn chặn làm lúc lính bất mãn, nổi điên lên mới xảy ra vụ thảm sát man rợ đến thế.
Tôi hết hồn hết vía, chạy vội ra đường. Vừa chạy vừa kêu:
- Bớ làng nước! Tây nó cắt cổ người ta ở miếu cô hồn – Chạy giữa làng tôi cũng kêu to như vậy. Về đến nhà mới biết u tôi đã chết. Còn thầy tôi cũng không thấy mặt. Nghe lời líu ríu của tôi, chị Nguyệt vội chạy ra miếu cô hồn. Trận càn ấy, Tây đã cắt cổ mười lăm người làng tôi, trong đó có thầy tôi. Ngay tối hôm ấy, tôi lên cơn sốt đùng đùng.
Mỗi ngày sư cụ Vô Úy chỉ ăn một bữa vào buổi trưa. Hầu hết thời gian còn lại người dành để tham thiền, tụng kinh và đọc sách.
Còn bốn chúng tôi thì ăn hai bữa: bữa sáng và bữa tối mịt. Thường ngày, bà vãi Thầm, sư Độ và chị Nguyệt làm vườn, làm ruộng cho đến sẩm tối mới nghỉ. Bà Thầm và chị tôi vội rút rơm, rạ nổi lửa. Đun bằng rơm rạ chín rất nhanh. Mọi hôm, cứ đến nhập nhoạng là tôi bắt đầu dọn mâm bát.
Cái hôm tôi ra rừng thông, nhớ lại câu chuyện bi thảm trước kia để cho nước mắt trào ra, mọi người ngạc nhiên vì mãi không thấy mặt tôi. Cả khi sư Độ lên gác tam quan đánh trống thu không xong, tôi vẫn cứ biệt tăm. Đến khi ấy, mối ngạc nhiên chuyển thành lo ngại. Mọi người bổ nhào đi tìm. Tìm khắp xó xỉnh trong chùa, ngoài vườn đều không thấy. Khi trời nhập nhoạng, chị Nguyệt đã ôm mặt khóc, mọi người chuẩn bị đèn đi tìm bên ngoài chùa. Giữa lúc ấy, con chó vàng cứ nhìn mọi người mà sủa gâu gâu. Sư Độ nhìn con chó chợt nảy ý kiến:
- Con chó này đêm vẫn nằm ngủ với chú An ở cối xay lúa. Nó đã quen hơi chú ấy. Cứ theo nó chắc chắn sẽ tìm thấy chú tiểu.
Quả như vậy! Con chó như hiểu mọi người. Nó lon ton chạy trước dẫn họ ra khu rừng thông… Nó đánh hơi trên mặt đất rồi dẫn họ đến bụi cỏ ở bìa rừng, nơi tôi đang thiếp ngủ. Sau đó, sư Độ kể lại với tôi rằng tôi ngủ mê mệt mà vẫn khóc. Tôi khóc cả trong giấc mơ. Có lẽ những hòn cục vón lại trong tim tôi đều được dịp mà trôi ra hết. Sư Độ sờ vào khuôn mặt đầm đìa nước của tôi, sờ cả vào trán rồi kêu to:
- Thằng bé nóng như hòn than.
Sư bác vội cõng tôi lên lưng về chùa. Tối hôm ấy, tôi không ngủ bên cối xay lúa nữa. Sư cụ bắt tôi phải ngủ cùng buồng sư Độ - Tôi cần phải được chăm sóc. Đó là trận ốm nặng đầu tiên của đời tôi. Nó là một bước ngoặt. Bởi vì qua nó tôi mới hiểu tôi thực sự là thành viên của ngôi chùa. Con sốt kéo dài đến hơn một tuần. Qua đợt ốm tôi gầy trơ xương. Mọi người giúp tôi dần hồi phục. Da thịt tôi dần dần trở lại. Sư bác bảo:
- Da thịt cũ của cậu tiêu hết rồi. Da thịt mới này là của chùa đắp cho.
Có lẽ vậy! Hình như trước khi vào chùa tôi phải được lột xác. Tôi buộc phải để lại tất cả tục lụy từ thân xác đến tâm hồn ở ngoài cổng tam quan.
Cũng đến ngày ấy, tôi mới hiểu cả sư cụ, cả sư Độ đều là những ông thầy thuốc, nhất là sư Độ. Ông ta là một thầy lang chỉ dùng lá lẩu. Không hiểu trong cái vóc dáng thô tháp của ông còn ẩn chứa biết bao điều bí ẩn khác nữa?
Chú thích:
(1) Partisan: người Việt vào lính Pháp.
Đội Gạo Lên Chùa Đội Gạo Lên Chùa - Nguyễn Xuân Khánh Đội Gạo Lên Chùa