Số lần đọc/download: 1321 / 10
Cập nhật: 2016-04-09 07:25:55 +0700
Chương 5
N
am đứng trước cửa, sốt ruột nhìn ra hẻm. Cơn mưa rả rích từ chiều cho đến tối vừa ngơi hạt. Mặt đất loang loáng nước, soi bóng ngọn đèn đường hiu hắt nhạt nhòa, buồn bã như lòng Nam bây giờ. Mẹ trở bệnh từ lúc nào Nam không rõ. Buổi sáng Nam đi học, mẹ vẫn mở cửa hàng tạp hóa buôn bán bình thường, trưa về, Nam gặp bác Chu nơi thềm nhà:
- Nam, mẹ cháu đi đâu mà để cửa mở toang thế?
Nam ngạc nhiên:
- Mẹ cháu vẫn bán hàng mà.
- Bán buôn gì chớ. Bác sang mua gói bột ngọt, nhìn vô nhà không thấy mẹ cháu, gọi hoài chẳng có ai trả lời – Bác tặc lưỡi –Đi đâu cũng phải đóng cửa cẩn thận chứ. Thời buổi bây giờ, không tin ai được đâu.
Nam chạy vào phòng, thấy mẹ nằm thở dốc, hai tay ôm ngực, môi tái ngắt, da mặt xanh xao. Bệnh tim của mẹ trở nặng rồi. Nam cúi xuống:
- Mẹ ơi, ráng một chút, con ẵm mẹ đi bệnh viện.
Mẹ Nam mệt mỏi nhìn con, hé miệng nói nhưng tiếng không thoát ra được. Nam thương mẹ nhói lòng. Nước mắt Nam ứa ra. Bác Chu thấp thoáng bên ngoài:
- Nam ơi, mẹ cháu có sao không?
- Bác gọi giùm cháu chiếc taxi.
Con hẻm hẹp, ngoằn ngoèo dẫn ra đường cái, taxi không vào được. Nam lấy chiếc nón lá che tạm rồi ẵm mẹ ra cửa. Bác Chu chạy đến:
- Taxi đã tới, nhanh lên.
- Bác coi nhà giùm cháu.
- Yên tâm.
Bác bước đến, nhét một nắm tiền vào túi Nam:
- Cháu giữ lấy trả tiền taxi và bệnh viện, đừng ngại.
Nam sực nhớ là mình chỉ có vài ngàn mẹ cho dằn túi, nếu bác Chu không nhắc nhở, không biết Nam sẽ ăn nói sao với người tài xế taxi. Rồi còn tiền khám bệnh, tiền thuốc thang cho mẹ nữa. May quá, thôi thì cứ mượn bác, chờ ba về sẽ tính sau.
- Cháu cám ơn bác.
- Ơn nghĩa gì. Đi nhanh lên.
Bác Chu đã ngoài năm mươi nhưng trông dáng dấp còn nghệ sĩ lắm. Nghe nói hồi còn trẻ, bác chơi đàn trong các ban nhạc ở phòng trà, vũ trường… không tên tuổi, không tiếng tăm, nhưng cũng đủ sức sắm xe, mua nhà, đem đến cuộc sống an nhàn đầy đủ cho vợ con. Nhà của bác cạnh nhà Nam, không to lớn sang trọng gì nhưng so với con hẻm nghèo này, nhà bác nổi bật nhất nhờ giàn hoa giấy đủ màu trên vòm cổng, và phía sau cánh cửa gỗ sơn xanh là vuông đất nhỏ mọc đầy những loài hoa dại: hoa mười giờ, hoa dừa cạn, hoa tầm xuân, hoa chuồn chuồn… khiến sân nhà bác lúc nào cũng rực rỡ, lung linh màu sắc. Khi nhà Nam dọn đến, bác Chu đang làm công nhân cho một hãng nước ngọt ở ngoại ô thành phố. Bác gái đã mất, người con trai duy nhất của bác đang học cấp ba. Làm việc trong môi trường không được tốt, thể chất lại yếu, bác cứ ốm đau hoài. Đến khi người con tốt nghiệp Đại học, tìm được việc làm lương cao trong một công ty liên doanh với nước ngoài, anh khuyên bác làm đơn xin về hưu non, ở nhà nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già.
Bác sĩ nói:
- Mẹ cháu không sao, nên nghỉ ngơi nhiều một chút. Nhớ nhắc mẹ uống thuốc đều đặn nhé.
Nam bước vào hiệu thuốc tây rồi lại trở ra. Mắc quá, Nam không dám mua, phải hỏi ý kiến của ba đã. Vả lại, tiền bác Chu đưa chỉ còn đủ trả taxi lượt về. Dìu mẹ vào phòng, đỡ mẹ ngồi xuống, Nam với tay lấy chiếc gối tựa đầu giường:
- Mẹ dựa vào đây một lát, nằm hoài cũng mệt. Để con ra bắc nồi cháo.
- Mẹ khỏe rồi, để mẹ làm cho.
Bác Chu ghé mắt nhìn vào phòng:
- Chị nghỉ ngơi đi, tham công tiếc việc làm gì hổng biết.
Bác theo Nam xuống bếp:
- Sao? Bác sĩ cho thuốc gì? Cháu đã mua chưa?
Nam lục túi lấy toa thuốc đưa cho bác:
- Nặng tiền quá bác ạ, để ba cháu về rồi tính.
Bác la:
- Cháu không thương mẹ cháu sao? Có thiếu tiền thì nói với bác, cái thằng này…
Bác “hứ” một tiếng rồi giật toa thuốc đi thẳng ra cửa. Một lát, bác quay lại, trên tay cầm một túi xốp nhỏ:
- Thời buổi này không có bảo hiểm y tế thì người nghèo chết chắc.
Bác để gói thuốc trên bàn, dặn dò:
- Cháu đọc kỹ hướng dẫn của bác sĩ nhé.
- Cháu cám ơn bác. Ba cháu về sẽ trả…
- Ơn nghĩa gì, con trai sao nhiều chuyện quá. Ba cháu dạo này lu bu lắm, từ từ rồi tính.
Tình láng giềng lâu ngày còn thân thiết hơn ruột thịt. Ba Nam xem bác như người anh đáng kính và bác cũng vậy, đối xử rất tốt với gia đình Nam và sẵn lòng giúp đỡ trong tầm khả năng của bác. Ba Nam chạy xe ôm, hằng ngày thồ hàng, chở khách nhưng vẫn tranh thủ về nhà ăn cơm với mẹ con Nam. Từ ngày mẹ Nam bị bệnh tim, ba Nam đi từ sáng sớm đến tối mịt mới về, làm việc cật lực kiếm thêm tiền thuốc thang nên không còn thời gian gần gũi gia đình như trước nữa.
Nam đi ra đi vào, sốt ruột nhìn chằm chằm chiếc đồng hồ cũ kỹ treo trên tường. Cây kim ngắn sắp qua số 12. Chưa bao giờ ba Nam về khuya như vậy. Không biết ba đã gặp chuyện gì? Dạo này báo chí thường loan tin tụi cướp xe ôm đang lộng hành khắp nơi, chúng không từ bỏ thủ đoạn tàn nhẫn nào, miễn sao đạt được mục đích đen tối. Lòng Nam như lửa đốt. Một cảm giác sợ hãi siết lấy tim Nam. Nam ngồi bệt xuống thềm nhà, đầu óc trống rỗng. Có tiếng xe quen thuộc văng vẳng từ xa rồi rõ dần. Mặt Nam tươi lên:
- Ba về.
Nam giúp ba đưa xe vào nhà, vừa kể cho ba nghe tình trạng của mẹ. Ba Nam hấp tấp bước vào phòng. Mẹ vẫn còn thức đợi ba. Ba đỡ mẹ nằm xuống:
- Anh đã nói rồi, dẹp hàng tạp hóa đi là vừa. Anh đủ sức nuôi hai mẹ con mà. Thôi ngủ đi em.
- Anh chưa về, em không ngủ được.
- Đừng lo cho anh. Hôm nay anh chở người khách quen đi Biên Hòa, nên mới về hơi khuya một chút.
Ba Nam lấy trong túi ra một xấp tiền dày, đưa hết cho Nam:
- Con giúp ba trả cho bác Chu nhé.
Nam leo lên căn gác xép. Giang sơn của Nam. Đó là một khoảng sàn ván, diện tích chưa tới bốn mét vuông được Nam lau chùi mỗi ngày sạch bóng, bày biện ngăn nắp. Tấm nệm cá nhân để sát tường, cạnh những ngăn tủ đựng quần áo và sách vở. Bàn học đặt sát cửa sổ, nhìn xuống những mái tôn cũ kỹ, nơi đây, ánh sáng và gió khó lọt vào bởi những nóc nhà cao tầng bên ngoài hẻm che mất không gian. Nam ngả người xuống nệm, nỗi lo âu đã nhẹ bớt đôi phần. Vậy là trước mắt, bệnh tim của mẹ tạm ổn. Nam sẽ cố thuyết phục mẹ sang hết hàng hóa cho người khác, dành thời gian nghỉ ngơi để hồi phục lại sức khỏe.
Nam nhắm mắt nhưng trí óc vẫn ráo hoảnh, Nam nghĩ linh tinh đủ thứ chuyện. Không biết Sở tổ chức văn nghệ văn gừng làm gì, khiến cho cả chùm sao quả tạ chiếu tướng Nam dồn dập. Hết thầy Tú nạt: “Em có xứng đáng làm lớp trưởng không? Hả?”, đến cô Nhung la: “Em phát ngôn bừa bãi làm cho cô mất mặt quá”, rồi nhỏ Phương vặn vẹo: “Tại sao Nam nói tôi là “vô tích sự” hả? Hả?”. Oan Thị Kính quá, Nam nói nhỏ “không làm được gì”, nhỏ lại suy ra: “Đồ vô tích sự”! Bị nhỏ túm áo trước mặt bạn bè khiến Nam mắc cỡ, muốn chui xuống đất cho xong. Nếu Phương là con trai, nhất định Nam phải đấm cho một cái mới hả tức.
Thật ra, có nên ấm ách nhỏ Phương nhiều như vậy không? Đăng ký các tiết mục văn nghệ kỳ này là nhiệm vụ chính của lớp trưởng mà, Nam không làm thì để yên cho ban Văn nghệ đảm trách, tại sao Nam cố tình thọc gậy bánh xe, chê bai đủ thứ. Bản thân Nam đã giúp ích được gì cho lớp chưa? Chắc cô Nhung buồn Nam lắm.
Nam ngồi dậy, đến bên bàn học. Đêm rất khuya. Không gian tĩnh lặng. Tiếng thằn lằn tắc lưỡi trên trần nhà nghe rõ mồn một. Làn gió thoáng qua cửa sổ mang theo hơi nước mát lạnh. Mây đen che khuất những vì sao hiếm hoi sau những mái nhà cao. Nam khép cửa sổ, về chỗ nằm. Lại nghĩ ngợi lan man. Chả biết nhỏ Phương làm ăn ra sao, các tiết mục văn nghệ có hy vọng gì không? Thấy các bạn đăng ký ào ào, chắc cũng không đến nỗi. Thế nào nhỏ Phương cũng chọn được vài tiết mục, nhưng chắc chắn người trình diễn không phải Sa và Phác rồi. Nam còn lạ gì “tài nghệ” của hai ông tướng này, thật là kinh dị, điếc không sợ súng.
Mẹ Nam bệnh lai rai cả tháng nay, nhưng vẫn tham công tiếc việc, không chịu nghe lời ba nghỉ bán hàng, khiến ba bực bội, sinh ra cãi cọ, không khí gia đình trở nên nặng nề. Nam cũng theo đó buồn lây, học hành giảm sút và dửng dưng với mọi sinh hoạt nhà trường. Bây giờ thì tình hình hơi sáng sủa một chút, mẹ đã chịu nghe lời ba, hy vọng sức khỏe sẽ khá hơn, Nam không còn lý do gì để chán nản nữa. Vì danh dự lớp, vì cô Nhung, và vì… con nhỏ trưởng ban Văn Nghệ nữa, Nam phải ra tay thôi.
° ° °
- Ra tay gì? Làm như ngon lắm. Cậu thử hát một bài, xem con nhỏ đó có “duyệt” không?
Nam nhìn nét mặt hằm hằm của Phác, giọng nói thì cứ gằn từng tiếng, nghe mắc cười quá. Nhưng Nam không nỡ cười, chỉ hỏi:
- Làm gì cay cú vậy? Nói thử xem.
Phác ngồi xuống ghế đá, dựa ngửa người, hai chân bắt chéo:
- Nó là cái thá gì chớ. Đồ ăn cháo đá bát.
Nam bật cười:
- Nó? Mà nó là ai?
- Con Ranh Phương chớ ai vào đây nữa. Đồ không biết nể mặt.
- Thì ra là nhỏ Thanh Phương. Nhưng sao cậu tùy tiện sửa tên người ta vậy? Thật không đáng mặt nam nhi chút nào.
Phác bật dậy, sửng cồ:
- Cậu nói gì? Chính cậu mới không đáng mặt nam nhi. Làm lớp trưởng mà vô trách nhiệm, chuyên viên bùi lan (bùi lan = bàn lui), thầy Tú la cậu thật đáng đời.
- Tớ đoán ra rồi. Cậu đang tức giận vì tiết mục đơn ca của cậu bị gạt ra, phải không?
Phác im lặng. Trúng tim đen của hắn rồi. Nam ngồi xuống cạnh, từ tốn:
- Tại cậu hát không đạt, nên mới…
Phác híc vào hông Nam đau điếng:
- Chung qui cũng tại cậu. Tại cậu nói tớ một nốt nhạc bẻ đôi cũng không biết, nên con nhỏ ấy mới có thành kiến với tớ.
- Cậu đổi qua họ Đổ từ lúc nào vậy? Múa vụng còn bày đặt chê đất lệch.
- Cậu nói tớ đổ thừa chớ gì? Vểnh tai lên mà nghe nè. Con nhỏ Phương cho tất cả nốc ao hết. Nó không thèm chọn tiết mục nào cả.
- Sao kỳ vậy?
- Kỳ với chả cục. Tớ nhắc lại, cậu thử hát một bài, xem con nhỏ đó có “duyệt” không? Nói tóm tắt là nó chảnh quá, giờ sinh hoạt tới, chúng mình xin cô Nhung truất phế nó cho rồi. Trưởng ban Văn nghệ gì nó, đồ lợi dụng.
- Cậu nói xấu con gái hơi nhiều đó nha.
Phác không trả lời, vùng vằng bỏ đi. Nam nhìn theo lắc đầu. Cái thằng nóng còn hơn Trương Phi. Có nên tin hắn không? Phác hát dở đã đành, Sa ngâm thơ nghe cũng khó lọt tai… nhưng còn các bạn khác thì sao? Nam thấy chúng nó ghi tên đông lắm mà. Phải tìm Phương hỏi cho ra lẽ mới được.
Giờ ra chơi sân trường tràn ngập học sinh, chỗ này đá cầu, chỗ kia rượt đuổi nhau. Đám con gái tụ tập dưới bóng mát của những tàng phượng vĩ lác đác vài bông hoa cuối mùa khô héo. Nam đưa mắt tìm kiếm. Trên chiếc ghế đá, ba cô nhỏ trong ban Văn nghệ đang chụm đầu vào nhau xầm xì to nhỏ, chắc là đang bàn tán về cuộc thi sắp tới. Trước khi “đàm phán”, Nam hít sâu một hơi, rồi từ từ thở ra. Nam cần phải giữ bình tĩnh để đương đầu với “những làn sóng dữ”, có thể chúng sẽ đổ ập xuống Nam bất cứ lúc nào! Nam rón rén bước đến gần. Một mùi thơm thoáng qua mũi khiến Nam dừng lại. Thấy Nam, Trang vội vàng gom tất cả muối ớt và những miếng ổi còn lại cho vào túi xốp. Hà kéo tay Trang lại:
- Mày làm gì vậy? Chưa ăn xong mà.
Phương nhìn Nam, cảnh giác:
- Bạn muốn kiếm chuyện gì đây?
Nam đấu dịu:
- Phương đừng nghĩ xấu cho tôi. Tôi…
Chuông reo hết giờ chơi. Phương liếc Nam rồi kéo Trang, Hà đi nhanh về lớp. Nam chạy theo:
- Phương, tôi có ý kiến…
- Ý kiến gì chớ. Bạn đừng có phá đám, tui méc cô à.
- Lát nữa tan học, tôi muốn nói chuyện với Phương.
- Xin lỗi, tui không thích.