Bạn không thể tạo dựng thanh thế bằng những gì bạn SẼ làm.

Henry Ford

 
 
 
 
 
Tác giả: Thế Uyên
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Khôi Khiếu Mai
Số chương: 15
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2305 / 19
Cập nhật: 2015-07-16 13:43:59 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5 Ông Thầy Tội Nghiệp…
ôi vào nghề dạy học cách đây đã lâu lắm, đến mười ba năm, và nhập nghề một cách rất giản dị, đúng “truyền thống” ngày xưa: nhà nghèo, thi rớt một năm, vậy thì đi làm thầy đồ trẻ lấy nghề gõ đầu trẻ làm kế sinh nhai học tiếp khoa sau. Không hề có vấn đề chọn hay chí hướng mô phạm dứt khoát cho cuộc đời của mình…
Bằng cấp ít, tuổi cũng quá ít, không thể có chuyện xin dạy ở Sài Gòn. Vậy một buổi sáng trong một mùa khai trường, tôi nhét vài cuốn truyện vào cặp, chân đi đôi giầy vải bà ngoại cho tiền mua, mặc cái quần kaki xanh mẹ mua xôn ở chợ trời, áo sơ mi trắng mượn của bố, tôi nhảy lên xe lửa đi xuống miền Nam kiếm nơi bán chữ sinh nhai. Không hiểu vì lý do gì nữa, tôi không nam tiến xa, dừng ngay ở bên này sông Cửu Long. Có lẽ một phần vì hiệu trưởng trường trung học mang tên vị danh sĩ mù nổi danh trong lịch sử miền Nam sẵn sàng thâu nhận, một phần có lẽ vì thành phố ven sông này tôi đã từng xuống nhiều lần vì những đôi mắt đẹp không dẫn tới đâu cả.
Hiệu trưởng, một người đã đứng tuổi, trịnh trọng gọi tôi bằng “ông”, rất nghiêm khắc nhưng cũng rất tử tế, đã hướng dẫn những bước đầu cho tôi trong nghề. Học trò đứng xếp hàng thật ngay ngắn, im lặng chờ thầy đến, cúi chào mà đầu cứ thấp xuống như kiểu chào của người Nhật. Đó là thời đại hoàng kim cuối cùng của nền giáo dục Việt Nam – nhưng vào năm ấy, tôi đâu có ý thức được, cứ tưởng như thế là tự nhiên và mọi sự sẽ mãi mãi là như thế. Đó cũng là thời kỳ hiệu trưởng yêu cầu giáo sư không được chấm bài trên xe lửa, không được mặc áo dài tay mà lại sắn lên, và dĩ nhiên áo phải mầu trắng, những phiên họp hội đồng giáo sư hàng tháng tổ chức trịnh trọng và trang nghiêm. Đó là thời kỳ những ông thầy đồ trẻ đi dạo chơi trong thành phố mắt cứ phải nhìn lên ngọn cây để bớt phải chào đáp lễ các học trò ở rải rác lúc nào cũng sẵn lòng kính cẩn cúi chào. Nhưng dù còn ít tuổi, tôi lúc đó cũng cảm thấy nghề dạy học có một cái gì trục trặc, giả trá, bất bình thường đâu đây. Chỉ cảm thấy như thế thôi, chưa tìm hiểu, ý thức rõ được.
Sau hai niên học, tôi xin thôi để trở về Sài Gòn học tiếp rồi một lần nữa, vì sinh kế, tôi lại xin đi dạy học – lần này phải đi thật xa, một phần vì các trường gần đã hết chỗ, một phần vì trong khi mài đũng quần mấy năm ở Văn khoa, tôi đã là một sinh viên có những hoạt động mà chính quyền đương thời tha cho không bắt cũng đã là khoan hồng. Tôi phải lên tít cao nguyên xa, một xứ nổi danh bùn muôn thuở về mùa mưa và bụi mù trời về mùa nắng. Nhưng rất nhanh, lệnh nhập ngũ đã tới và tôi rời lũ học trò nửa thượng nửa kinh, rời phấn rời bảng để đi vào cuộc chiến tranh mà từ trước tới giờ tôi chỉ là kẻ đứng bên lề.
Rời quân trường với tư cách bộ binh, trong có bốn năm quân vụ, tôi bảy lần đổi KBC, thay mười hai lần đơn vị. Vào thời kỳ đó, chưa có lệnh ấn định bốn năm cho về, ai đi lính đều tin chắc phen này sẽ đi như lời thơ của một người xưa: “Chàng Siêu mái tóc điểm sương mới về”. Bởi thế, tôi đã sống như một người lính đích thực, nghĩa là đổ mồ hôi, là lội bùn, băng rừng, khóc bạn, chôn bạn và dĩ nhiên là có cả giết người nữa – điều đó tất nhiên nếu không lính để làm gì… Những lúc rảnh rang, tôi đi nhậu nhẹt với đồng đội. Nhẹ ra thì ba giờ sáng rét cóng sờ vào nòng thép như muốn bỏng tay, đi tuần tiễu trở về, ông hạ sĩ già đã ngả một con gà không biết rõ xuất xứ cạnh mấy chai đế màu hổ phách. Và lúc đó thì thôi rũ sạch sương gió bùn lầy ở ngoài lều vải, cả bọn ngả nghiêng trong chén rượu cay, nói những thứ truyện lính tráng rất muôn thuở, nghĩa là rất tiếu lâm và trần truồng trắng trợn, để rồi tám giờ sáng ra chào cờ, đứng trước hàng quân nhìn ngọn cờ chưa lên quá nửa cột đã biến mất mà tự hỏi không hiểu sương mù sáng nay quá dày đặc hay mình quá say… Còn nặng ra thì như trường hợp có đồng đội nằm xuống hay đang tự hỏi mình chiến đấu cho ai, thì dăm ba thằng bạn cùng kéo ra thị trấn, quần áo còn dính máu và bụi hoặc tâm hồn nặng trĩu chán nản bơ vơ, vào một quán nào đó có gái hầu rượu và bia chảy như suối. Đóng cửa quán lại để tránh quân cảnh, uống cho tới tờ mờ sáng, chồng chất trên xe jeep, hát nghêu ngao như lũ cuồng mà về.
Còn gái. Tất nhiên phải có và có nhiều. Dù gái điếm hay gái nhà lành thì đều là một thứ repos du guerrier. So với nhiều bạn trong quân ngũ, tôi không hề là lính ba gai ba búa, nhưng ngả chiêu đãi viên ra bàn mà hôn trong quán rượu ồn ào và nhận chìm tất cả thân mình trong vòng tay những con gái cho thuê thân xác – có gì đáng nói về chuyện ấy nữa một khi lắm lúc lũ chúng tôi thấy phận mình nào có hơn gì, chẳng qua một thứ lê dương da vàng…
Thế rồi đến một ngày kia thời thế thay đổi, thiên hạ đếm đủ bốn năm quân vụ rồi cho tôi trở về. Về thì về. Do sự lười biếng của lính sau khi giải ngũ – phải vài ba tháng trở lên mới hoàn hồn… dân sự – guồng máy hành chính cứ quay nên một buổi sáng đẹp trời, tôi ngủ dậy chợt thấy mình lại là nhà giáo, ông thầy, nhà mô phạm ngay tại Sài Gòn. Vậy thì tôi lại lên bục cầm phấn mà chi hồ giả dã phen nữa.
Nhưng lần này rất nhanh, tôi thấy ngay là mọi sự không còn là như xưa, mọi sự đều trục trặc, hỗn loạn và giả trá. Tôi đứng trên bục mà cảm thấy đó không phải là vị trí của mình – tất cả chỉ còn là kịch, một thảm kịch.
Trước hết là về phía ông thầy, kẻ đứng trên bục gỗ mà rao giảng những điều hay lẽ phải cho lớp hậu sinh. Cuộc chiến tranh đã quá khủng khiếp, xã hội đang đi tới mức phân hoá tột cùng, tất cả với tôi là người trong cuộc. Tôi đã nhìn thấy nhiều sự thực, tôi đã ý thức được nhiều điều và đã lao mình vào cuộc tranh đấu nhằm xây dựng một xã hội mới tốt đẹp hơn. Vậy làm sao bây giờ đứng trên bục này, tôi có thể giảng cho đàn em những điều hay điều thiện mà chính tôi biết là không có và lỡ mà chúng lại tin theo thì lớn lên chúng sẽ nguyền rủa tôi là tên nói láo hay nặng hơn nữa, đồ xui trẻ ăn cứt gà. Tôi nói về dân chủ ư? Dân chủ nào. Tôi nói về tiết nghĩa ư? Tiết nghĩa nào. Tôi giảng đạo đức: các em không được rượu chè trai gái nghiện hút chăng? Tôi nói dối mất: tôi đã hút thuốc như điên, uống bia như hũ chìm và… chơi gái chín phương chỉ còn để mỗi một phương lấy vợ. Giá tôi cho tôi đã làm những điều đó là sai là xấu thì còn được, đằng này tôi không hề thấy những việc đó là xấu xa – tôi đâu có định xuống tóc vào chùa hay phát nguyện vào đại chủng viện để phải tiết dục.
Suy nghĩ nhiều hơn, tôi tìm thấy một trục trặc khác nữa. Đó là vấn đề quan niệm về vai trò, quyền hạn và trách nhiệm của ông thầy. Ngày xưa, trên là quân dưới là đến sư, còn phụ đứng mãi hàng thứ ba. Ông thầy được ủy nhiệm quyền dạy dỗ cho đứa trẻ thành người. Nghĩa là ông thầy chịu trách nhiệm về cả trí dục lẫn đức dục của hậu sinh, và được uỷ đủ quyền hạn cần thiết để hoàn tất trách nhiệm của mình: học trò ghẹo gái vô lễ cách trường 30 dặm, ông thầy mà biết, mười ngày sau cũng còn gọi ra xỉ vả hay đánh đòn. Đỗ có đến tiến sĩ, làm quan có đến nhất phẩm triều đình, về thăm thầy ở làng xưa nếu cần vẫn cứ phải xuống ngựa từ đầu làng và đứng mà hầu chuyện thầy đồ trong lều tranh xơ xác. Hơn nữa, chương trình giáo dục cổ xưa cũng nhằm theo chiều hướng như thế. Được trao quyền hạn và trách nhiệm lớn như vậy, và được đãi ngộ về cả tinh thần lẫn vật chất tương xứng, nếu ông thầy ngày xưa có phải tiết dục, phải tu thân tối đa để làm mô phạm, điều đó là hợp lý. Còn bây giờ, trên bục gỗ, ông thầy hiện đại được trao quyền hạn ra rao? Tôi dạy Quốc văn đệ tứ chẳng hạn, sáu giờ một tuần với một chương trình rõ rệt phải dạy cho đủ. Học trò kém Quốc văn, lỗi tại tôi. Còn nếu chúng kém về đạo đức, điều đó làm sao tôi lãnh trách nhiệm cho được. Ai trao cho tôi việc rèn luyện đạo lý cho học trò đâu. Không cần giàu tưởng tượng cho lắm cũng biết điều gì sẽ xảy ra cho tôi nếu trước là hiệu trưởng sau là cấp Bộ biết rằng giáo sư… đã bỏ bê chương trình Quốc văn để chỉ giảng đạo đức cho học trò. Tôi đã từng dạy Công dân giáo dục để biết rằng đây chỉ là môn giảng về bổn phận và quyền hạn của người công dân – nghĩa là nhằm đào tạo một người công dân thôi và một công dân tốt là người biết tôn trọng luật đi đường (chương trình lớp đệ lục), biết đóng thuế đầy đủ, biết thi hành nghĩa vụ quân dịch, biết mình có quyền ra ứng cử và bầu cử, biết vài kiến thức về kinh tế học… Và một công dân tốt, nghĩa là làm hết những trách vụ công dân đó, không hề đương nhiên là một người tốt, có đạo lý. Một kẻ lưu mạnh, khốn nạn nhất xét theo phương diện luân lý, vẫn có thể là một công dân tốt như thường – nhất là trong xã hội hiện đại.
Đó là về quyền hạn và trách nhiệm. Còn về đãi ngộ? Có thể nói ngay là tội nghiệp ông thầy. Trước hết là về phương diện tinh thần đã. Không những ông thầy không được xã hội dành cho một kính nể nào đáng kể so với các nghề khác hiện tại, ông thầy còn bị ngáng trở trong việc giảng huấn bởi chính các phụ huynh học sinh. Trong một bài giảng nào đó, ông thầy mở rộng nói về đạo đức lễ nghĩa cho học trò nghe, thì thường thường là chương trình của mình dám sẽ bị quạt bay theo gió hết khi học trò trở về nhà, mang lời giảng ở lớp ra nói, và phụ huynh phê bình rằng: Ối dào! Nghe mấy thằng thầy của mày thì có mà đói rã họng ra! Và tôi đám đánh cá rằng ngày mai đây, nếu có học trò nào hư, hỗn láo, tôi nóng tát tai cho một cái thì ba bảy hai mốt ngày là trễ nhất tôi sẽ gặp đủ rắc rối: phụ huynh sẽ nhẹ ra thì khiếu nại với hiệu trưởng, nặng ra thì kiện tới Bộ hoặc viết bài “tố cáo hành động dã man của con chiên ghẻ trong ngành giáo dục”. Xa lắm rồi cái thời học trò hư bị thầy đánh cho mấy roi đuổi về, ngày hôm sau đương sự, sau khi bị lãnh thêm một trận ở nhà, bị bố lôi đến trường bắt xin lỗi thầy.
Còn đãi ngộ về vật chất? Giáo chức lãnh lương như mọi công chức khác – phụ cấp sư phạm có năm trăm và tám trăm không nghĩa lý gì. Nghĩa là đói rách tối đa – một giáo sư trung học bây giờ nếu có lương tâm, chỉ dạy đúng số giờ ấn định thôi không dạy tư, thì người đó và vợ con chỉ có quyền ăn cơm ngày một bữa thôi, còn quần áo thì lấy lá chuối mà che thân – vị nào không tin là tôi nói nghiêm chỉnh, tôi sẵn lòng cung cấp bản chiết tính. Còn về phía xã hội, tôi xin trình bày lần đi coi thi Tú tài năm vừa qua, tại một tỉnh nổi tiếng trong văn học của miền Nam. Chẳng gì cũng là một giám khảo, bước chân vào trường, mỗi sư giáo được cấp phát cho một chiếc chiếu ly lông nhỏ (có sự tiến bộ vì trước kia là chiếu cói) và một cái chỉ tay về phía một hành lang. Các vị giáo sư cứ việc ra tay mà quét bụi, kê các bàn ghế lại lấy chỗ mà nằm. Kỳ thi thì dài mà trường không có nước tắm – có nước rửa mặt đánh răng đã là may lắm. Chăn chiếu mùng mền phải mang theo mà dùng. Ăn cơm thì tự túc, và suốt trong kỳ thi tôi nhận thấy chín phần mười đều chỉ dám ăn cơm đĩa, những đĩa cơm rất bé bỏng. Coi thi rất dễ khát nước và tôi cùng các bạn không biết làm sao hơn là chung nhau tiền thuê lao công nấu nước cho uống. Một tỉnh văn hoá của miền Nam mà không đãi nổi các giáo sư đến tỉnh mình coi thi một ly nước trà và không cấp gì hơn một chiếc chiếu ny lông… Có thể nói trong thời gian thi cử này, chỉ có các người lính đang đi hành quân của sư đoàn 7 và các giáo sư đi coi thi Tú tài mới phải nằm đất hít bụi mà thôi… Các ông thầy tội nghiệp, bởi vì mọi sự không phải chỉ có thế: coi thi nghiêm chỉnh quá, rất dễ được học trò địa phương tiễn đưa bằng vài trái đấm hay nhẹ ra, cũng vài lời chửi tục ngay trước mặt.
° ° °
Mọi sự đến đây quả thực tôi không còn lý do gì để tiếp tục đeo đuổi nghề giáo. Chỉ riêng cái vị trí giả tạo, nguỵ trá mà xã hội tạo ra cho ông thầy, cũng đủ làm cho tôi mất thanh thản trong tâm hồn khi đứng trên bục gỗ rồi. Đơn xin thôi việc đã được chuẩn bị nhưng với Tết Mậu Thân, chiến tranh lại lôi tôi vào cuộc lần thứ hai và lần này, với tư cách giáo chức tái ngũ, tôi được sử dụng như một thứ huấn luyện viên quân sự lưu động trong đô thị, hết Sinh viên, Thanh niên trừ gian, lại đến Nhân dân tự vệ. Để rồi một buổi sáng nọ, thượng cấp chỉ thị cho các giáo chức tái ngũ được biết sẽ được biệt phái về nhiệm sở cũ “nếu có đơn xin”.
Tôi không làm cái “đơn xin” ấy. Tôi muốn thà ở lại các đơn vị huấn luyện quân sự học đường còn hơn. Ở đây tôi thoải mái, vị trí và trách nhiệm của tôi rõ ràng. Nếu làm huấn luyện viên, tôi chỉ trách nhiệm về môn tôi phụ trách, học viên khá về môn đó càng tốt, tôi lo cho đơn vị có kỷ luật, y phục chỉnh tề, so hàng đều, trình diện tốt. Ai bất tuân thì phạt. Còn các học viên của tôi có tham nhũng ngoài đời, có làm trò ma giáo, việc đó không liên quan gì đến tôi cả. Tôi có nhậu nhẹt, chơi bời vung vít, thì đó là việc riêng của tôi, các học viên không có lý do gì thắc mắc… Hoàn toàn là những điều, những tương quan, những vị trí, trách nhiệm mà chính thực ra phải là của ngành giáo dục bây giờ mới hợp lý.
Nhưng chẳng có đơn xin thì đừng, lệnh trên vẫn cứ truyền xuống và tôi đành cởi quân phục trở về trường cũ. Làm nhà binh, không có cãi, thi hành trước khiếu nại sau. Buổi sáng ngày khai trường năm đó, trong những giáo sư đang đứng trên hành lang nhìn xuống học trò dưới sân tấp nập, tôi hẳn là ông thầy rầu rĩ nhất. Và lời giảng đầu tiên của tôi ở những lớp học sinh đã lớn dĩ nhiên là rất bất thường. Trước hết tôi tự giới thiệu như khi đi huấn luyện quân sự, nghĩa là nói tên họ, cấp bậc và môn phụ trách giảng dạy. Rồi kế đó tôi trình bày cho học sinh hiểu tôi quan niệm ra sao về tương quan giữa người đứng trên bục và những kẻ ngồi dưới. Tôi nói cho họ hiểu nhà trường chỉ giữ họ có bốn tiếng một ngày và chỉ giảng dạy về phương diện trí dục, và cũng chỉ chịu trách nhiệm chính yếu có thế. Nếu có chút nào về rèn luyện đạo lý cho con người, thì đó chỉ là kỷ luật học đường: y phục đồng phục, bảng tên, không nói chuyện trong giờ học, không hỗn láo, không làm hư hại vách tường, học cụ… Một thứ kỷ luật không nghĩa lý gì so với kỷ luật quân đội và còn thật xa mới có thể gọi những thứ kỷ luật ấy là rèn luyện đạo lý con người. Sau khi xác định rõ tôi đứng trên bục chỉ là một huấn luyện viên phụ trách môn… và chỉ chịu trách nhiệm về môn ấy (… “các em sau này hư hỏng hay thành người, có chí khí liêm khiết hay tham nhũng, lường thầy phản bạn, thì đó là do thầy mẹ các em nhiều hơn là do nhà trường – nhà trường, qua tôi và tôi qua những bài văn chương trích giảng, chỉ mang lại cho các em những hướng dẫn gián tiếp và tuỳ nghi mà thôi”…), tôi xác định về vấn đề xưng hô thầy trò (… “tôi không phải là ông thầy hiểu theo nghĩa ngày xưa bởi vì thứ ông thầy đó không còn tồn tại trong xã hội này, và giả thử có còn ông thầy đó thì tôi cũng không đủ xứng đáng để nhận…”). Tôi nói rằng tục lệ dưới cái mái trường ấn định người đứng trên bục phải gọi là thầy và các người ngồi dưới là các em thì chúng ta tuân theo tục lệ ấy… Thế thôi. Tôi không phải là ông thầy thực sự hiểu theo nghĩa cổ xưa (nghĩa là một thứ người đã bị diệt chủng từ lâu lắm rồi trong nền văn hoá Việt Nam), bởi thế một khi rời khỏi cổng trường này, mỗi người cứ việc đi mỗi ngả, hết thầy hết trò. Ai làm gì cứ việc làm, không ai có trách nhiệm gì với ai ngoài đường phố rộng lớn kia hết. Và sau cùng, để kết luận cho phần mở đầu đầu năm ấy, đã có lần tôi chua chát nói: “Ra khỏi trường, do đó, tôi cấm các em không được chào tôi bằng thầy. Tôi đâu có được xã hội này trao quyền làm thầy. Nhận là nguỵ tín, là tiếm quyền. Và giả thử ngày nào vì cớ gì tôi được phép làm thầy thực sự, thì lúc đó tôi e rằng có hơi nhiều học trò sẽ bất xứng không đáng làm học trò của tôi”.
Nói giản dị, tôi đã khước từ danh vị “thầy” bởi vì nó không có và tôi là quá ngay thẳng để nhận xằng. Tôi lui về vai trò đúng của tôi trong ngành giáo dục hiện đại: một huấn luyện viên phụ trách giảng dạy về một môn học nào đó. Tôi đành phải làm như vậy vì nếu có một nguyên tắc nào cần tôn trọng nhất trong ngành giáo huấn, thì đó là sự “chính danh” như người xưa đã nói. Tôi đành phải lui về cho rõ rệt như thế mới có thể mà mỗi ngày đứng lên bục gỗ cao, mà cất bình tâm tiếng nói lên điều gì cho lớp hậu sinh. Dĩ nhiên sẽ có rất nhiều người sẽ không đồng ý với thái độ đó, nhưng làm thế nào được – tôi đâu có hề muốn như vậy.
Đoạn Đường Chiến Binh Đoạn Đường Chiến Binh - Thế Uyên Đoạn Đường Chiến Binh