If you truly get in touch with a piece of carrot, you get in touch with the soil, the rain, the sunshine. You get in touch with Mother Earth and eating in such a way, you feel in touch with true life, your roots, and that is meditation. If we chew every morsel of our food in that way we become grateful and when you are grateful, you are happy.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Bà Tùng Long
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Saigon Vĩnh cửu
Số chương: 8
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2926 / 46
Cập nhật: 2017-04-07 17:54:05 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5
HIẾC XE HƠI CỦA TẤN VỪA ĐẾN ĐẦU LÀNG, từ từ ngừng lại bên chỗ đông người. Tấn mở cửa xe bước xuống, lễ phép hỏi một người đàn ông đứng tuổi:
- Thưa bác, nhà của ông Canh ở về phía nào, bác làm ơn chỉ giùm cháu.
Người đàn ông kia nhìn Tấn không nháy mắt:
- Cậu ở Sài Gòn về phải không? Bộ cậu đi lâu lắm hay sao mà quên mất đường sá trong làng?
Tấn nói:
- Làng mình bây giờ trù phú hơn trước. Nhiều nhà gạch quá, lại thêm đường sá mở rộng ra. Trường học, nhà bảo sanh, chợ búa đều mới mẻ, cháu không nhận ra.
- Thế cậu là ai?
Tấn chưa kịp trả lời thì một người đàn bà đứng gần đó vội vàng chạy lại, vui mừng kêu lên:
- Tấn, cháu về đấy à?
Tấn cũng đã nhận ra người đó nên vui mừng nói:
- Cô Năm, trông cô già quá.
- Chớ cháu lớn thế kia, cô không già sao được? Cháu về thăm anh cả, chị cả hả?
- Về thăm tất cả bà con ạ.
Người ta bu lại rất đông quanh Tấn. Cô Năm nhìn vào trong xe:
- Vợ cháu đấy phải không?
- Dạ phải!
Rồi Tấn gọi:
- Thúy, em xuống đây chào cô Năm và bà con đi em.
Thúy ẵm bé Lộc ra chào cô Năm và mọi người. Cô Năm nói:
- Các ông bà, cô bác quên thằng Tấn con anh Ba của tôi sao? Lúc anh tôi chết nó mới tám chín tuổi gì đó, anh chị cả tôi đem về nuôi được mấy năm rồi nó bỏ đi Sài Gòn tìm chú Tư của nó…
Cô Năm kể dài dòng, nhiều người mới nhớ ra, những người già cả kêu lên:
- Tấn, mày bây giờ sang trọng vậy sao Tấn? Ai dám nhìn mày trong bộ quần áo sang trọng và chiếc xe hơi kia…
Rồi người ta bao quanh Thúy, nhìn Thúy với đôi mắt tò mò và thèm thuồng vì nàng ăn mặc sang quá, chiếc áo dài gấm màu vàng chanh, chuỗi ngọc trai với mái tóc uốn thật đẹp, thật gọn.
Nhưng cô Năm không để người ta có thì giờ hỏi han gì thêm nữa:
- Thôi hãy về thăm hai bác của cháu đi. Còn một khúc đường nữa.
Tấn mời cô Năm lên xe, làm cô hãnh diện nhìn mọi người, mặt vênh váo.
- Lát nữa mời các cô các bác đến nhà anh chị của tôi chơi.
Tấn nói:
- Mai tụi cháu sẽ đi chào hết bà con lối xóm.
Thúy chào tất cả rồi lên xe, bé Lộc vẫy tay, miệng cười toe toét. Thằng bé đã gây được cảm tình với mọi người.
Cô Năm nói:
- Cô không ngờ cháu bây giờ giàu có như vậy. Anh Tư năm kia, năm kìa gì đó về đây, anh bảo về thăm bà con trước khi đi làm ăn xa. Anh Tư cũng giàu lắm, nhưng về một mình, không đem vợ con. Hỏi thì anh nói vợ anh không chịu về, chê họ hàng mình quê mùa dốt nát. Thấy anh Tư về, anh Cả khó chịu lắm. Bây giờ cháu về chắc anh không khỏi hổ thẹn. Trong khi anh Tư và cháu hai tay không ra đi rồi làm ăn nên nỗi thì anh Cả ở nhà bán lần hồi ruộng đất, căn nhà dột nát không tiền sửa sang. Khi anh Tư về, anh có cho tiền để lợp lại, vậy mà anh Cả xài hết, chỉ chêm vài miếng ngói cho đỡ dột. Cô Sáu của cháu chết rồi, chồng cô dẫn hai đứa con về Cần thơ làm ăn. Bây giờ con Nguyệt có chồng rồi, con Thu thì đi học. Dượng Sáu dỡ lắm. Họ hàng mình ở đây đâu có còn ai.
Tấn hỏi:
- Còn Dượng Năm đâu.
- Chết rồi, chết hồi tết Mậu Thân. Có hai đứa con đều đi lính hết. Một đứa được đổi về gầnnhà, một đứa đóng ở Bạc Liêu. Chắc cháu không biết tụi nó đâu. Thằng Minh và thằng Hà, Minh thì thượng sĩ, còn Hà binh nhì.
- Emnào ở gần cô.
- Thằng Hà.
Chiếc xe đã đến ngôi nhà cũ, Tấn nhận ra ngôi nhà của ông bà Tấn. Tấn nói với cô Năm:
- Cô đừng nói, để cháu làm bộ người xa lạ, vào nhà xem bác Cả có nhận ra cháu không.
- Tại sao không, cháu đâu có khác gì mấy?
Vừa thấy chiếc xe ngừng trước nhà, ông Cả đã chạy ra. Ông tiến về phía chiếc xe và nhìn Tấn vừa xuống xe cúi đầu chào ông:
- Thưa bác, bác có nhận ra cháu không?
Ông Cả đã thấy cô Năm ngồi trên xe. Biết người đàn ông kia là người quen nhưng chưa nhận ra, ông lên tiếng hỏi cô Năm:
- Ai vậy cô Năm?
Cô Năm nói:
- Đố anh đó?
Rồi cô Năm xuống xe cả Thúy nữa. Chị vú ẵm bé Lộc vẫn ngồi y trên xe. Cô Năm nói:
- Anh không nhận ra thì để tôi nói. Thằng Tấn, con chú Ba đó.
Ông Cả kêu lên:
- Mèn ơi! Thằng Tấn lên cái đất SàiGòn làm cái ông gì mà bây giờ bảnh quá vậy? Vợ con mày đó hả?
Rồi ông Cả kêu ầm lên:
- Bà ơi! Thằng Tấn về thăm vợ chồng mình đây.
Bà Cả lăng xăng chạy ra. Một màn giới thiệu thật rộn ràng vui vẻ. Bé Lộc cũng được ẵm, chuyền từ tay kẻ này đến tay kẻ khác, làm thằng bé nhăn mặt khi bị người ta hôn tới tấp lên đầu lên mặt nó. Ông Cả nói:
- Hãy vô nhà.
Lúc ấy những người hàng xóm nghe có Tấn về chạy qua thăm, giúp chị vú khuân đồ đạc, vào nhà. Bà Cả hỏi:
- Mua gì về mà nhiều quá vậy?
Thúy nói:
- Vợ chồng cháu mua quà về cho bà con họ hàng.
Cô Năm khen:
- Cháu biết điều quá.
Ông Cả hỏi:
- Hai cháu mới có một đứa con trai thôi sao?
Tấn nói:
- Dạ, cháu mới có cháu Lộc.
Cô Năm, bà Cả rồi những người đàn bà khác đều nói:
- Cháu Lộc giống cháu Tấn quá.
Thúy theo bà Cả để vào trong rửa mặt cho bé Lộc. Sau đó giao nó cho chị vú. Thúy soạn trà bánh ra mâm rồi nói với Tấn:
- Anh xin phép hai bác để cúng ông bà, cha mẹ.
Bác Cả nói:
- Các cháu biết điều lắm… Bưng lên nhà thờ đi cháu. Cô Năm nấu nước pha trà đi cô.
Bà Cả thấy mấy thùng quà mà khiếp người, nói với cô Năm:
- Tụi này làm ông Nghè, ông Cống gì trên ấy mà lắm tiền như vậy?
Cô Năm nói:
- Tôi cũng chưa kịp hỏi chị ạ. Nhưng trông con vợ có vẻ sang trọng lắm, chắc là con nhà giàu.
- Vậy mà nó chịu về đây là đáng quý lắm. Vợ chú Tư ỷ mình là con nhà giàu không chịu về thì sao. Con vợ thằng Tấn đẹp quá cô nhỉ?
- Tôi chưa thấy ai đẹp như vậy. Vợ ông Quận cũng chưa bằng nó. Mà nó dễ thương lắm. Lúc nãy ngồi trên xe nó vuốt ve tôi hoài. Nó nói để nó cho tôi hai cái quần sa tanh với một xấp hàng may áo dài.
Bà Cả nói:
- Không biết nó có nghĩ đến tôi không?
- Tại sao vậy?
- Vì hồi đó tôi đối xử với thằng Tấn chả được tử tế. Sợ thằng Tấn nói cho vợ nó biết.
- Làm gì có chuyện ấy. Nếu có giận nó đã không về đây…
Câu chuyện đến đây thì nước đã sôi, cô Năm xách lên cho Thúy chế trà. Hộp trà Đài Loan được khui ra, mùi trà thơm ngát. Thúy chế vào bình, rót ra chén, đặt lên cúng. Tất cả họ hàng bà con đều lạy ông bà, mừng ngày vui sum họp. Tấn nói:
- Ngày mai cháu xin bác Cả cho cháu gởi chút ít tiền để làm mâm cơm cúng ông bà và mời họ hàng về ăn cho vui.
Lời nói của Tấn đã làm mọi người có mặt hả hê trong lòng. Tấn nói thêm:
- Và nhân tiện để vợ cháu trổ tài nấu nướng. Vợ cháu nấu giỏi lắm, bánh trái rất khéo, lại chịu khó nữa.
Ông Cả khen:
- Nếu vậy thì cháu thật có phúc.
Ngày hôm sau, nhà ông bà Cả thật là rộn rịp, náo nhiệt. Họ hàng bà con tụ lại. Kẻ đi chợ, người làm gà làm vịt, người lặt rau đánh bột. Thúy điều khiển mọi người làm việc và Thúy đã làm ổ bánh bông lan, bánh gan trong vài giờ khiến ai cũng phải phục tài.
Rồi bà Cả, ông Cả bày thức ăn lên bàn thờ, họ hàng xúm lại cúng vái thật là một cảnh vui vẻ chưa từng thấy.
Khi cúng xong, mọi người ngồi lại ăn uống. Tấn hỏi đến chú Tư thì ông Cả nói:
- Chú ấy cách nay ba bốn năm gì đó có về thăm. Chú về để khoe cái giàu, chớ không giúp đỡ ai hết. Vợ chú không chịu về. Chú có đưa bác một số tiền để sửa sang nhà thờ và lo việc cúng giỗ. Mấy năm sau này công việc làm ăn của bác không ra gì. Mùa màng hư hại. Anh Hoàng của cháu chết trong kỳ tết Mậu Thân. Anh Hải ở trên cao nguyên làm ăn ra sao bác cũng không rõ. Nhưng chắc không khá. Hai bác giờ đây hiu quạnh lắm. Mấy chị của cháu có chồng xa ít về. Bác rất buồn mỗi khi nghĩ đến cháu. Hồi đó vì bác gái hơi hẹp hòi nên cháu mới ra đi…
- Bác nhắc chuyện cũ làm gì, cháu ra đi như vậy nên bây giờ mới giàu có. Cũng nhờ hai bác thôi. Hồi mới lên SàiGòn cháu cũng vất vả lắm bác ạ. Cháu đi làm công cho người ta để có tiền đi học. Lần lần thạo nghề cháu kiếm được tiền và nhờ gặp thời tiền vô rất dễ. Cháu mới lấy vợ cách đây ba năm.
Mọi người hỏi về Thúy:
- Vợ cháu chắc con nhà giàu.
- Nhà nề nếp, chớ không giàu gì, cha mẹ đều qua đời. Vợ cháu chỉ có một đứa em trai đang du học bên Úc.
Ông Cả khen:
- Cậu ấy học như vậy sao?
Rồi ông Cả hỏi địa chỉ của Tấn để khi nào có dịp thì lên Sài Gòn thăm. Tấn cười:
- Cháu đã về đây và biết làng mình vẫn được an ninh thì nay mai với phương tiện sẵn có cháu sẽ về thăm hai bác thường hơn. Bác già rồi, đi đứng không tiện. Lại nữa vì công việc làm ăn, cháu ít khi ở nhà lắm.
Cô Năm nói:
- Cháu Tấn nói rất phải, chúng ta đi thăm đâu tiện.
Ông Cả trừng mắt nhìn cô Năm thì cô Năm nói:
- Đừng có chỉ chỗ cho ảnh, rồi đây ảnh sẽ lên phá rầy cháu. Túi tham của ảnh không đáy mà. Anh Tư đưa tiền cho ảnh sửa nhà thờ, ảnh nào có sửa.
Trong bữa tiệc thết đãi họ hàng và những người tai mắt trong làng, Tấn chuyện trò vui vẻ và ai nấy cũng hả hê sau một bữa ăn ngon lành, có cả rượu mạnh và thuốc lá.
Mấy ngày sau đó, ông Cả đưa Tấn về quê ngoại của Tấn, nhưng bên ngoại của Tấn không còn ai hết, điều này làm cho Tấn không khỏi buồn lòng.
Chiều chiều, Tấn đưa Thúy ra bờ sông hóng gió và vợ chồng ra vẻ đuề huề lắm. Những lúc ấy, Thúy thường ẵm bé Lộc theo và thằng bé chạy tung tăng trên các bờ đê, trong sự vui mừng của Tấn và Thúy.
Tấn nói với Thúy:
- Giá em sanh được cho anh một đứa bé trai nữa.
- Em cũng ước mong như vậy, nhưng biết trời có chìu em không. Các bác sĩ bảo hết hy vọng sanh đẻ, nhưng biết có thật như vậy không?*
Câu chuyện cách đây hai tuần khi còn ở SàiGòn đã làm cho Thúy lo nghĩ, cho Tấn nghi ngờ thì bây giờ cả hai dường như quên rồi. Cả hai đang hưởng những ngày vui nhất của đời họ.
Tấn thở dài:
- Bây giờ anh thấy tình đời thật đáng khinh bỉ. Ngày trước bác Cả đối xử thật tệ bạc với anh, vậy mà bây giờ anh giàu, bác lại khúm núm sợ sệt anh mới buồn cười chớ. Nhất là bác gái, bác làm như cưng anh không ai bằng.
Thúy can chồng:
- Thôi bỏ qua chuyện cũ đi, nói làm gì. Mấy hôm nay bác gái cứ theo năn nỉ em xin vài chục nghìn sửa lại nhà thờ. Bác nói nay mai rủi chú Tư về thấy nhà thờ dột nát sẽ phiền trách hai bác tại sao chú đưa tiền mà không sửa.
Tấn dặn:
- Nếu bác gái nói chuyện ấy thì em cứ nói hỏi anh. Em không có tiền, tiền anh cất hết.
- Thì em cũng đã nói vậy.
Thúy nói xong thở dài:
- Mấy bà dì thì cứ hỏi xin quần áo cũ.
- Mấy bà dì nào?
- Họ bảo là bạn thân của mẹ.
- Họ nghèo nên mới xin như vậy, nhưng mẹ không có họ hàng ở đây và không có bạn. Em cứ từ chối khéo.
- Em hẹn với họ lần sau em về sẽ đem quần áo cũ về cho, lần này em không có đem theo. Thấy họ nghèo nàn, em muốn giúp họ lắm, nhưng ngặt em không có nhiều tiền.
- Em đừng nghe họ than thở rồi tin. Mình ở đây ba hôm nữa rồi về Sài Gòn, ở lâu cũng phiền, cứ nghe các ổng bả than thở cũng nhức óc. Em không biết trước đây người ta lạnh nhạt với anh thế nào nên em thương hại họ, chớ anh thì chán cho tình đời lắm. Em thử nghĩ nếu ta nghèo về đây nhờ vả họ hàng thì có ai tử tế giúp đỡ mình không?
Thúy nhìn Tấn và hỏi:
- Kìa, sao anh nói như vậy? Anh thường giúp đỡ người nghèo, tâm nguyện của anh là như vậy mà? Chính với tâm nguyện ấy, em và Sơn mới được anh giúp đỡ. Với người xa lạ anh còn không tiếc của, tiếc công thì với họ hàng, bà con làng nước, lẽ nào anh lại hẹp hòi anh Tấn? Hai bác đã ăn năn nhiều về chuyện trước kia đối xử tệ với anh.
Tấn cúi đầu suy nghĩ, đoạn nói:
- Nhưng anh vẫn không quên được chuyện cũ. Anh xin ngày mai anh đi xem đất với bác Cả.
- Đất gì, ở đâu?
- Người ta bán mấy mẫu đất ở làng bên cạnh, bác khuyên nên mua để sau này có tiền về đây cất nhà.
- Vậy thì ngày mai anh cho em cùng đi, bé Lộc ở nhà với chị vú.
Tấn nói:
- Cũng được
Ngày hôm sau, Thúy và Tấn dậy sớm đưa ông Cả đi qua làng bên cạnh. Họ đi từ lúc sáng tinh sương. Vì Tấn còn định ghé thăm mấy nhà quen với cha Tấn lúc trước. Mãi đến chiều tối Tấn mới về đến nhà. Vừa nghe tiếng xe của Tấn, bà Cả và cô Năm vội vàng chạy ra và mạnh ai nấy rối rít:
- Ở nhà có chú Tư về thăm.
- Anh Tư về lúc mười giờ, anh đợi đến trưa không thấy anh Cả và cháu Tấn về nên anh lên tỉnh và hẹn đến mai trở lại.
Ông Cả hỏi:
- Sao không giữ chú ấy ở lại! Và có ai nói cho chú ấy biết vợ chồng thằng Tấn về đây không?
Bà Cả nói:
- Việc ấy ông khỏi lo, cô Năm kể hết rồi và cô còn bắt bé Lộc ra chào ông chú nữa. Chú Tư coi bộ thương thằng bé quá, chú nhìn nó sửng sốt và ẵm nó cả giờ không giao lại cho chị vú, vậy mà nó không khóc.
Cô Năm nói:
- Anh Tư nói anh rằng anh ở ngoại quốc về một tháng nay nhưng bận công chuyện chưa về đây thăm họ hàng. À, anh hỏi tại sao anh Cả chưa sửa lại nhà thờ?
Ông Cả nói:
- Có sửa chớ sao không? Nhưng ba năm rồi, nó phải dột chớ? Có chắc ngày mai chú ấy về không? Hay chú kiếm chuyện đi luôn?
Tấn hỏi:
- Chú Tư về bằng xe hơi?
Cô Năm nói:
- Về bằng xe hơi, nhưng xe mướn. Vì vậy đâu có đẹp bằng xe cháu Tấn.
Thúy để mọi người nói chuyện, chạy vào ẵm bé Lộc và hỏi chị vú:
- Chú Tư có ẵm bé Lộc phải không?
Chị vú nói:
- Bé Lộc tuy giống cậu Tấn nhưng sao nó lại giống chú Tư nhiều hơn, giống như đúc, ai cũng bảo vậy. Cả bác Cả và cô Năm..
Thúy linh cảm một chuyện không may sẽ xảy ra, Thúy tái mặt nói với chị vú:
- Chị tả sơ cho tôi nghe về chú Tư của cậu Tấn.
Chị vú nói:
- Chú Tư có nốt ruồi bên chân mày trái. Cái trán cao và người mập thấp hơn cậu Tấn.
Thúy nghe tim mình đập mạnh:
- Một nốt ruồi bên chân mày trái.. Thôi quả là lão Châm rồi. Lẽ nào lại như vậy.
Chị vú nói thêm:
- Lạ lắm, chú Tư cứ nhìn bé Lộc và hỏi bác Cả: Cháu bé này giống Tấn lắm phải không? Bác Cả nói giống cháu Tấn và giống bên nội. Trước khi ra về chú Tư có cho tôi hai trăm đồng và hỏi tôi vậy chớ mẹ cháu bé tên gì. Tôi nói tôi không biết thì cô Năm nói dường như nghe cậu Tấn gọi bằng Thúy. Vừa nghe vậy chú Tư ngồi thừ ra một lúc lâu và mặt mày chú buồn như đưa đám.
Thúy ẵm bé Lộc, siết chặt nó vào lòng, nói thật nhỏ:
- Con của mẹ! Rồi đây mẹ con mình liệu có tránh được sóng gió không?
Khi Tấn ở ngoài đi vào ẵm bé Lộc, Tấn không khỏi ngạc nhiên thấy nét mặt Thúy nhợt nhạt, thay đổi hẳn. Tấn biết Thúy đang xúc động mạnh nhưng không biết về chuyện gì. Tấn hỏi:
- Em làm sao vậy?
- Tự nhiên ở ngoài xe về, em cảm thấy mặt mày choáng váng.
Tấn nghe vậy vội vã đưa Thúy vào phòng nằm và lấy dầu xoa cho Thúy, vừa xoa Tấn vừa nói:
- Tay chân em lạnh ngắt.
Cái tin Thúy bị chóng mặt làm bà Cả và cô Năm lăng xăng vào hỏi, nhưng Tấn nói:
- Nhà cháu có bệnh máu xâm. Lúc chiều đi chắc bị trúng gió, trúng nắng, để nhà cháu nằm nghỉ một lúc sẽ khỏi.
Tối hôm ấy, Thúy không ăn cơm, cô Năm nấu cháo lòng đem lên cho Thúy. Đêm ấy, Thúy ngỏ ý về SàiGòn gấp:
- Ngày mai mình về SàiGòn được không anh?
- Em mệt như thế này làm sao về sớm được? Phải chờ em thật khỏe đã chớ.
- Em nghe đỡ rồi… Sáng mai về sớm.
- Đâu có được. Trước khi về mình phải chào họ hàng. Làm như chạy trốn vậy. Hai bác sẽ không bằng lòng.
Thúy thở dài:
- Đi hay ở là quyền của mình. Mình cứ nói vì có chuyện gấp phải về Sài Gòn.
Tấn nhất định không nghe:
- Ở đây chơi ít hôm nữa và anh đợi chú Tư về để anh thăm hỏi với chớ.
Nghe đến chú Tư, Thúy run lên khiến Tấn không hiểu sao cả.
Chú Tư đúng tám giờ ngày hôm sau đã trở lại. Cả nhà xúm lại mừng rỡ. Chú Tư ôm lấy Tấn, vỗ lên vai và hỏi:
- Mày khá như vậy sao Tấn? Nghe nói mày làm ăn phát tài lắm phải không? Vợ con đâu không gọi ra đây mừng chú?
Tấn nói:
- Vợ cháu hôm qua đi qua làng bên cạnh về thì bị trúng gió.
Chú Tư cười:
- Đi đâu bên ấy?
Ông Cả nói:
- Anh dẫn nó đi xem miếng đất.
Chú Tư hỏi:
- Bộ định về đây làm ăn sao chứ?
Tấn nói:
- Bác Cả bảo đi thì cháu đi cho vui chứ cháu đâu có ý định về đây làm gì. Cháu lên Sài Gòn mà sao cháu không bao giờ gặp được chú.?
Chú Tư kể Tấn nghe là hiện giờ đang làm ăn bên Úc, vợ con ở bên ấy.
- Chú không có con trai. Thím sanh tất cả năm lần đều con gái. Con gái út mười tuổi rồi, thím hết sanh. Chú về đây thăm nhà và sắp đặt vài công việc làm ăn.
Nói đến đây, chú Tư nhìn Tấn rồi hỏi mọi người:
- Cháu Tấn có giống tôi không?
Cô Năm nói:
- Nó giống anh Ba, mà anh Ba và anh Tư giống nhau nên Tấn nó cũng giống anh Tư.
Bà Cả nói:
- Vì vậy cháu Lộc con của Tấn cũng giống chú Tư nữa.
Chú Tư nói lớn và cười ra vẻ đắc chí:
- Chị nói phải. Lạ lùng sao thằng Lộc con cháu Tấn lại giống tôi.
Rồi nhìn Tấn, chú Tư nói:
- Này Tấn, hay là cháu cho chú bé Lộc đi, chú đem nó đi ngoại quốc.
Tấn nhìn chú Tư không khỏi lấy làm lạ là tại sao ông lại nói vậy. Tấn nói:
Cháu mới có một đứa con đầu, còn chú đã có cả đàn con rồi.
Cô Năm cũng nói:
- Anh nói sao dễ nghe quá à. Cháu Tấn giàu có như vậy, không nuôi nổi con hay sao mà phải cho anh? Thằng bé lớn lên, cháu Tấn cũng có thể cho đi ra ngoại quốc học như con thiên hạ vậy chớ. À, anh làm gì mà phải chạy tuốt sang bên Úc làm ăn? Bộ ở đây không làm ăn được à?
Ông Cả nói:
- Cô Năm nói phải lắm. Chú xin con kiểu gì lạ vậy? Lại nữa biết thím Tư có vui lòng nuôi bé Lộc không? Thím ấy khinh họ hàng nhà mình quá mà, ỷ giàu, không thèm về đây.
Ông Cả đã nói lỡ lời, lẽ ra ông không nên trách móc chú Tư vì ông đang có ý định nhờ chú ấy giúp tiền để chuộc lại mấy đám ruộng. Nhờ thì muốn nhờ nhưng chìu lụy thì ông lại không quen.
Từ lúc đi xem đất bên làng trên với Tấn, nhiều lần ông muốn gạ bán lại mấy đám đất này cho Tấn, nhưng ông lại không đủ lì lợm để nói. Những đám ruộng ấy là của chung là của ông bà để lại, ông Cả đã cướp hết của các em, giờ đây lại có ý định muốn bán cho Tấn và muốn Tấn mua thì ông Cả sẽ vẫn trông nom mấy đám ruộng, chớ Tấn đâu có về ở đây làm gì. Ông Cả toan tính lợi hại như vậy, nhưng chưa dám nói với Tấn.
Chú Tư về có thể làm hỏng chương trình của ông. Vì chú Tư sẽ kể Tấn nghe về những chuyện đã qua và như vậy khơi lại cho Tấn sự thù ghét ông bà Cả.
Tấn nãy giờ không vui, nhìn chú Tư và tự hỏi:
- Lạ thật, sao bé Lộc lại giống chú Tư như đúc thế kia? Và tại sao Thúy lại phát đau khi nghe tin chú Tư về đây?... Chắc thế nào cũng có nguyên cớ gì…
Chú Tư hỏi:
- Vợ cháu đâu, không ra trình diện với chú?
Tấn chưa kịp trả lời thì cô Năm nói:
- Anh này lẩm cẩm thật. Tôi đã nói với anh mẹ thằng Lộc bị trúng gió, sốt như vậy mà đòi về.
Bà Cả nói:
- Đang sốt đi đường gió máy sao tiện?
Ông Cả nói:
- Kìa sao về gấp vậy? Có chú Tư về đây thì ở đây cho vui.
Cô Năm nói:
- Mẹ thằng Lộc sốt quá, ở đây không tiện, hãy để Tấn đưa nó về nhà thuốc thang. Rồi đây đã biết họ hàng rồi thì đi về khó gì.
Chú Tư nói:
- Cô Năm nói phải đấy… Hãy để thằng Tấn đưa vợ nó về Sài Gòn, ở đây vợ nó nổi những cơn sốt bất ngờ, rủi có chuyện gì thì thêm phiền cho nhiều người.
Chú Tư muốn nói chuyện riêng với Tấn, nên làm bộ ẵm bé Lộc ra ngoài vườn bắt bướm khiến Tấn phải đi theo.
Thấy Tấn ra tới, chú Tư ngừng lại và hỏi:
- Cháu định về thật hả? Chú cháu chưa kịp chuyện trò gì cả. Rồi đây chú phải đi xa biết có còn dịp gặp nhau nữa không.
- Bao giờ chú lại đi Úc?
- Vài tuần nữa. Chú về đây tìm một người, nhưng chưa tìm ra. Chưa biết manh mối người ấy ra sao.
Tấn hỏi:
- Chú muốn tìm ai?
Tấn vừa hỏi vừa đưa tay định ẵm bé Lộc, nhưng bé Lộc ôm cứng lấy chú Tư, quay lưng lại với Tấn.
Tấn kêu lên:
- Thằng bé nịnh chưa? Nó ôm cứng lấy chú.
- Nó sợ mất chú. Cháu không nhận thấy nó giống chú như đúc sao?
- Nhiều người bảo vậy.
- Nhưng còn cháu, cháu nghĩ sao?
- Nó cũng giống cháu. Cháu giống chú là chuyện thường. Anh em con nhà chú, nhà bác giống nhau cũng là chuyện thường.
- Cháu cưới vợ hồi nào vậy? Vợ cháu con gái nhà ai?
- Cháu cưới vợ bốn năm nay rồi. Vợ cháu là con một gia đình công chức.
- Vợ cháu từ hồi nào đến giờ có đi làm ở đâu không?
- Vợ cháu không làm đâu hết.
- Thế cháu gặp vợ cháu ở đâu?
- Ở Sài Gòn.
Chú Tư cười:
- Ai không biết ở SàiGòn. Nhưng trong trường hợp nào?
Câu chuyện đến đây thì vú em đi ra xin phép ẵm bé Lộc vào nhà thay áo quần. Thằng bé bị rứt khỏi tay chú Tư, ré lên. Chú Tư cau mày:
- Tội nghiệp thằng bé chưa kìa…
Tấn hỏi:
- Chú không có con trai phải không?
- Chú chỉ có năm đứa con gái. Nhưng chú còn một đứa con nữa.
- Thím đang có thai?
Chú Tư cười lạt:
- Thím hết sanh đẻ được rồi. Đẻ con gái thứ năm thím bị giải phẩu và nghỉ luôn.
- Vậy tại sao chú nói chú còn một đứa con nữa?
- Chú không có quyền có vợ bé để kiếm con trai sao?
Tấn nói:
- À ra thế.
Chú Tư tâm sự:
- Thím cháu vì biết mình không có thể cho chú một đứa con trai nên ghen lắm, chỉ sợ chú có vợ khác vì vậy chú không dám đem vợ bé về.
- Chú có vợ bé?
- Cũng gần như vậy. Chú yêu một thiếu nữ, cô này sợ thím ghen nên đã bỏ đi. Sau đó thím buộc chú đi ngoại quốc làm ăn, chú và cô thiếu nữ kia mất liên lạc. Giờ đây khi chú về, chú nghe nói cô thiếu nữ ấy đã có chồng, chú đi kiếm mà không ra.
- Chú không biết địa chỉ của cô ta hay sao?... Thôi, nhà cháu đã sửa soạn rồi, để cháu vào đưa nhà cháu chào hai bác và bà con họ hàng để về Sài Gòn. Khi nào chú lên SàiGòn thì ghé lại cháu chơi. Chú Tư nói:
- Thế nào chú cũng phải ghé thăm vợ chồng cháu. Thường thì lúc nào, cháu có mặt ở nhà?
- Tối cháu mới có mặt ở nhà.
- Cháu đi làm cả ngày, buổi trưa cháu cũng chẳng về nhà sao?
Tấn nói:
- Có khi về có khi ở luôn trong hãng thầu.
Tấn nói xong đi vào nhà và đưa Thúy ra chào mọi người. Trong khi ấy chị vú và cô Năm đem đồ đạc ra xe.
Tấn đi vào nhà và đưa Thúy ra chào mọi người. Trong khi ấy, chị vú và cô Năm đem đồ đạc ra xe.
Cô Năm nói:
- Khi về thì thùng này giỏ nọ, khi đi chỉ có một chiếc va-li.
Chị vú nói:
- Vậy mà cô cháu còn rinh không nổi. À, cô Năm có cùng lên Sài Gòn chơi không?
Cô Năm nói:
- Tôi muốn lên lắm chớ, nhưng thấy vợ chồng thằng Tấn không nhắc chuyện này nên tôi không nói nữa. Vợ chồng nó về dưới này đang vui bỗng có chuyện đau ốm… Trên ấy mợ Tấn của chị có hay đau không?
- Mợ ấy đau cả mấy tháng trước khi về đây làm cậu Tấn lo lắm, đưa đi Đà Lạt nghỉ mát rồi lại đi về quê.
- Cậu ấy cưng mợ đến mức ấy à?
- Còn phải nói.
- Vậy mà tôi cứ tưởng mợ ấy không muốn ở đây nữa nên giả đò đau.
- Đâu có.
- Tôi cũng nghi có lẽ tại anh Tư của tôi về. Và mợ chị không thích cái anh Tư ấy.
Chị vú làm thinh, chính chị cũng đã nghi vậy.
Khi Tấn đưa Thúy lại giới thiệu với chú Tư thì Thúy cố làm ra vẻ bình tĩnh chào chú. Hai người nhìn nhau, cả hai đều nhận ra nhau. Chú Tư không ai khác chính là ông Châm, phó giám đốc hãng Minh Quang, còn vợ Tấn, cô cháu dâu của chú Tư, không ai khác là cô Thúy, người bị ông làm hại cuộc đời. Thật là oái oăm và cay nghiệt! Tại sao ông Châm lại là chú của Tấn, tại sao Thúy lại gặp Tấn và yêu Tấn?
Thúy tái mặt khi thấy cặp mắt của ông Châm nhìn Thúy đăm đăm sửng sốt. Ông Châm chỉ nói:
- Rồi chúng ta sẽ gặp nhau. Còn nhiều chuyện cần phải nói với cháu.
Câu nói ấy, Thúy biết chú Tư muốn nói với Thúy, nhưng Tấn thì nghĩ chú Tư nói với mình nên nói:
- Dạ, cháu mong được đón tiếp chú Tư ở Sài Gòn. Bây giờ tụi cháu ra xe…
Ngồi vào xe rồi, Thúy thở phào và dựa lưng vào nệm xe, đôi mắt lim dim. Chị vú ẵm bé Lộc ngồi ở băng sau, Thúy không nghe cô Năm nói lớn khi xe chạy:
- Lần sau có về thì cho cô lên Sài Gòn chơi nghe cháu.
Xe chạy được một lát, Tấn hỏi Thúy:
- Em có mệt không? Hay là em ra nằm băng sau cho khỏe?
- Em ngồi đây được rồi.
Lúc ấy, Thúy không nghĩ cái gì khác hơn là cái chết. Nếu một tai nạn xảy ra lúc này để cả Tấn và Thúy cùng chết thì hay biết mấy. Rồi đây Thúy phải ăn nói làm sao với Tấn. Chắc Tấn đã hiểu tất cả rồi. Tấn chắc đã hiểu bé Lộc là con của chú Tư, nhưng chú Tư thì không dám chắc bé Lộc là con của chú.
Thúy còn lo lắng hơn nữa khi nghĩ tới chuyện đương đầu với ông Châm. Thế nào ông Châm cũng hỏi về đứa bé. Thúy nhất định sẽ không bao giờ cho ông. Nhưng với ông Châm, Thúy có quyền không cho ông bắt bé Lộc, còn với Tấn thì Thúy phải đối xử như thế nào đây?
Lẽ nào Tấn không đoán ra việc này? Và Tấn phải đối xử thế nào khi Tấn đã hay biết mọi việc? Chắc Tấn đau khổ lắm. Thúy dựa vào nệm xe, đôi mắt lim dim ra dáng mệt mỏi. Tấn thỉnh thoảng đưa tay đỡ đầu Thúy nằm ngay lại và khi Thúy mở mắt nhìn thì Tấn hỏi:
- Em nghe trong mình ra sao? Có thấy đỡ chút nào không?
Thúy thở dài:
- Em nghe đỡ rồi, nhưng em khổ lắm anh Tấn ạ.
- Việc gì thì cứ để về nhà hãy nói. Em hãy nằm yên cho khỏe.
Nói xong Tấn quay nhìn về phía sau để cho Thúy hiểu là chị vú đó, không tiện nói chuyện.
Trong khi ấy, đầu óc của Tấn cũng rối bời bời, Tấn tự hỏi:
- Rồi đây ta phải đối xử ra sao với Thúy? Để mất Thúy ta làm sao sống được? Còn cứ giữ mãi cái tình trạng này thì rắc rối quá. Chú Tư có thể vì đứa bé mà làm khổ Thúy, khổ ta… Trời ơi! Sao lại có chuyện oái oăm này? Cuộc đời của ta thật không may về đường nhân duyên tình ái. Lấy một người vợ đã có con và có một cái dĩ vãng như vậy mà rồi vẫn không yên thân thì thật đáng thương cho ta quá.
Thúy biết Tấn đang suy nghĩ nên nói:
- Anh phải giữ bình tĩnh để lái xe nghe anh. Đường lầy lội và nắng chiều gay gắt quá.
- Em hãy nằm yên mà nghỉ… Anh bình tĩnh lắm. Dù gặp phải cảnh nào đi nữa thì anh cũng không để em phải lo nghĩ, phải khổ sở.
Nghe Tấn nói vậy Thúy có vẻ an lòng và nằm yên ngủ một giấc cho đến khi xe về đến nhà mới giật mình thức dậy.
Thúy mở mắt và hỏi:
- Đã đến nhà rồi sao anh? May quá.
Tấn cười và hỏi:
- Cái gì may quá?
- Em lo sợ…
- Lo sợ cái gì?
- Vì em nằm mơ và giấc mơ thật hãi hùng. Em thấy bé Lộc...
Thúy vội quay về phía sau thì chị vú và bé Lộc đều ngủ say không hay biết xe đã về đến nơi. Thúy đánh thức chị vú dậy và ôm chặt bé Lộc vào lòng.
Thúy hôn bé Lộc và nói:
- Mẹ lo lắm con ạ.
Tấn đã vào nhà và chàng có vẻ mệt nhọc, chị bếp chạy lên thì Tấn nói:
- Chị làm cho tôi hai ly nước cam.
Tấn nhìn bé Lộc rồi thở dài. Thúy nói:
- Anh mệt lắm phải không?
- Sáu giờ ngồi y một chỗ, nắng chiều lại gay gắt làm sao không mệt.
- Anh vì em mà phải mệt như vậy. Cũng đã tối rồi, bảo chị bếp nấu cháo ăn anh nhỉ?
- Hay chúng ta đi Chợ Lớn ăn?
- Thôi anh, đi đường mệt ở nhà nghỉ cho khỏe.
Tấn buồn bã nói:
- Mình còn bao nhiêu ngày bên nhau?
- Anh nói gì lạ vậy, hay là…?
Và Thúy không dám nói hết câu, ôm bé Lộc chạy lên lầu. Bây giờ thì Thúy có quyền khóc nức nở, khóc thật nhiều cho vơi bớt sự lo âu và đau khổ. Bé Lộc thấy mẹ khóc chả hiểu gì hết, ôm chặt lấy mẹ và gọi:
- Mẹ! Mẹ!
Thúy ôm chặt nó vào lòng và cứ khóc tỉ tê, buồn thương cho số phận. Thúy nghĩ:
- Ta không thể ở đây được nữa. Ta phải ra đi.
Nhiều ý nghĩ đã đến với Thúy, nhưng Thúy vội xua đuổi ngay. Thúy sợ hãi nếu chuyện ấy có thể xảy đến cho Thúy.
Khi chị bếp lên mời Thúy xuống dùng nước cam thì Thúy xây mặt vào vách nói:
- Chị cứ thưa với cậu dùng trước đi, khi nào có cháo chị hãy cho tôi biết.
Chị bếp đi xuống rồi, Thúy khóa cửa lại, nhưng tiếng giày của Tấn vang lên trên các bậc thang. Khi thấy cặp mắt của Thúy đỏ hoe. Tấn ngạc nhiên:
- Sao em buồn quá vậy? Việc gì cứ để thủng thẳng hãy tính. Em muốn gì cứ nói cho anh biết.
Thúy bỏ bé Lộc ra và ngã người vào mình Tấn, khóc rấm rức. Tấn ôm lấy Thúy:
- Kìa em đừng khóc, chết cả lòng anh.
- Anh ẵm bé Lộc đưa cho chị vú, rồi lên đây với em.
Tấn làm theo lời Thúy và dặn chị vú:
- Mợ mệt, hãy trông em cho mợ nghỉ. Nói với chị bếp khi nào cháo chín thì bưng lên lầu.
Dặn xong Tấn quay lên với Thúy. Thúy ngồi dậy lấy khăn chậm nước mắt:
- Chú Tư đã nói gì với anh?
- Chú ấy nói rằng chú từ Úc về đây để tìm người vợ bé. Chú muốn bắt đứa con hay muốn gặp lại người đàn bà đã có con với chú…
- Và anh nghĩ thế nào? Em không tin là anh chưa hiểu được người đã phá hoại cuộc đời của em là chú Tư của anh.
Tấn cầm lấy tay Thúy:
- Anh không ngờ chúng ta gặp chuyện khó xử như ngày hôm nay. Và anh có điều này muốn hỏi em.
- Điều gì anh cứ hỏi. Đến giờ phút này em không có gì phải giấu giếm anh cả.
Tấn liền nói:
- Vậy thì những gì em đã kể anh nghe về chuyện lão Châm nào đó có hoàn toàn đúng sự thật không?
Thúy hỏi lại:
- Anh hãy nhớ kỹ lại đi, chuyện của em, em đã kể cho anh nghe hay là chị Ngọc? Người nào kể trước?
- Em kể chồng tử trận, em mang thai…
- Đúng rồi, nhưng chị Ngọc đã kể lại sự thật, còn bi đát hơn là em có chồng tử trận, phải vậy không?
- Chị Ngọc kể em bị một tên ỷ thế đã gài em vào bẫy. Và chị Ngọc có kể đúng sự thật không?
- Chị Ngọc đã tự ý kể sự thật ấy cho anh nghe, mà không hỏi ý kiến của em. Em đã trách chị nhưng sau đó phải cảm ơn chị vì nhờ chị nói sự thật ấy mà anh để ý thương em.
- Nhưng có đúng như vậy không?
- Anh không tin em sao? Em đã nói với anh sau cái đêm ấy em không hề gặp lại ông Châm và em nghĩ rằng ông ta không thể nào biết được em đã có thai sau cái đêm đó. Vậy mà trước đây chị Ngọc có nói cho em biết ông Châm về tìm em để hỏi về đứa con, thật vô lý!
Tấn có vẻ nghĩ ngợi:
- Sáng nay khi anh vừa ẵm bé Lộc ra thì chú Tư đưa tay ẵm nó. Lạ thật em ạ, thằng bé lại ngã ngay vào lòng chú và chú đã ẵm nó, nâng niu nó, đến khi anh ẵm lại nó không cho.
Thúy thở dài thì Tấn nói tiếp:
-Chú Tư có hỏi anh gặp em trong trường hợp nào, anh nói em là con nhà tử tế … không có đi làm ở đâu hết. Chú Tư nói cho anh biết vợ chú chỉ có năm đứa con gái, chú phải tìm vợ bé để kiếm một đứa con trai, nhưng về chuyện này chú nói có vẻ úp mở, anh không hiểu gì cả? Nếu theo lời chú thì cô thiếu nữ ấy đã đồng ý làm vợ bé chú và khi hay biết vợ chú ghen thì đã tránh mặt đi.
- Và anh tin lời chú?
- Anh không biết phải tin ai… Nhưng rồi đây chú ấy sẽ đến thăm anh và câu chuyện còn rắc rối. Chẳng lẽ hai chú cháu lại đi giành một người đàn bà?
Thúy giận ra mặt:
- Bộ anh tưởng em để chú ấy …
- Làm cách gì để khỏi mang tiếng đây?
Thúy nhún vai:
- Nếu anh không tin em thì em không còn biết làm sao, chỉ còn cách là chúng ta phải xa nhau, khi nào anh hiểu lòng em sẽ hay.
Lẽ ra khi nghe Thúy nói thế, Tấn phải tức giận, nhưng lần này Tấn làm thinh, ra vẻ suy nghĩ:
- Nếu trong khi anh đi làm mà chú Tư đến đây tìm em thì em sẽ đối phó bằng cách nào?
- Em không tiếp chú.
Tấn lắc đà:
- Như vậy cũng không giải quyết được gì hết. Và rủi chú vào thình lình, em không thể tránh mặt thì em sẽ đối phó ra sao?
- Nếu trong trường hợp ấy em sẽ tiếp chú và nói cho chú biết bé Lộc không phải là con chú. Nó là con anh.
- Được lắm, nhưng chúng ta làm đám cưới ngày nào và đứa bé được khai sanh ngày nào, rủi chú ấy tìm ra những bằng chứng ấy?
Thúy ngẩn ngơ một chút đoạn nói:
- Ai mà tìm kiếm chi phiền phức như vậy?
- Người ta thật muốn tìm ra một đứa con… Họ nhờ thám tử tư.
Thúy lo lắng:
- Có thể làm được vậy sao anh?
- Được chứ.
Thúy vẫn cương quyết:
- Thì đứa bé ấy vẫn là con của em, em có quyền giữ nó, không có pháp luật nào bắt buộc em phải xa con em. Huống chi theo pháp luật nó là con anh. Nếu ông Tư kiện thì cũng thua kiện.
- Nói chi việc ấy. Nhưng nếu kiện thì mang tiếng lắm, em không nghĩ như vậy sao? Hai chú cháu giành nhau một đứa con!
Thúy kêu lên:
- Tôi van anh, anh đừng nói đến chuyện giành nhau một đứa con hay giành nhau một người đàn bà nữa. Không, chú Tư không có quyền gì hết.
- Nhưng rồi chú ấy cứ đến đây, anh phải đối xử với chú như thế nào?
- Trước khi anh đã từng nói với em, anh mà gặp lão Châm ấy thì anh sẽ cho lão một trận đòn.
- Khi anh nói câu ấy, anh đâu có ngờ lão Châm ấy lại là chú Tư…
- Nếu anh không tin em thì khi nào chú Tư đến anh cứ tiếp chú, tìm cách giữ chú lại để em đi kiếm chị Ngọc. Chị ấy sẽ vạch mặt chú, chú sẽ xấu hổ và không đến đây nữa cho anh xem.
- Anh không tin chú Tư biết xấu hổ.
- Vậy thì anh có giải pháp nào êm đẹp? Hay là anh không còn yêu em nữa. Hay là chúng ta phải xa nhau?
- Chỉ có một giải pháp…
- Giải pháp gì?
- Anh nói chắc em không bao giờ chịu nghe…
- Thì anh cứ nói cho em nghe đi.
- Không, để xem ra sao đã, để xem chú Tư có dám đến đây không. Để xem chú làm sao cho biết.
Thúy tức giận:
- Anh đã nghĩ được giải pháp gì hay thì cứ nói với em rồi vợ chồng ta cùng tính, như vậy may ra còn được một lối thoát chăng. Em thì không thể nào xa bé Lộc, nó và anh đều là lẽ sống của em. Bé Lộc tuy mang dòng máu ông Châm nhưng em không bao giờ muốn cho nó biết ông Châm là cha của nó. Khi ấy ông cưỡng hiếp em, ông đâu có nghĩ đến đứa con mà chỉ cố chiếm cho được sự trinh tiết của em… Không, một trăm lần không, một nghìn lần không, em không muốn cho bé Lộc biết cha nó là ông Châm.
Tấn thở dài:
- Nhưng rồi đây chú Tư sẽ không để yên cho em nuôi bé Lộc.
- Ông ấy lấy quyền gì?
- Chú Tư có thể tìm gặp bé Lộc và nói hết sự thật cho nó nghe.
Thúy lấy hai tay ôm đầu và kêu:
- Trời ơi! Vậy thì làm sao bây giờ?
Từ hôm ấy, Thúy sống trong thấp thỏm lo âu. Không khí trong nhà không còn vui vẻ như trước nữa. Nhiều hôm Tấn không đi làm, cứ ngồi nhà chờ ông Châm đến. Đêm đêm Tấn ngủ riêng ở phòng ngoài và đến bữa cơm là cả hai đều cắm đầu ăn chớ không chuyện trò như trước. Tấn cũng ít khi ẵm bé Lộc.
Thằng bé đâu biết gì, thấy Tấn đi đâu về là nó chạy ra ôm lấy hai chân Tấn. Như mọi khi, Tấn đã ẵm nó lên, ôm nó vào lòng và hôn lên tóc nó, để rồi nói chuyện với nó như một đứa bé lên năm hay lên sáu tuổi. Bây giờ thì Tấn có vẻ ngượng nghịu mỗi khi phải ẳm bồng hay hôn nó..
- Kìa sao cha không hôn con?
Tấn kêu chị vú giao bé Lộc:
- Đưa em đi chơi cho mát.
Chị vú nói với Thúy khi Tấn đi khỏi:
- Dạo này sao cậu ít nói quá. Hay là việc làm ăn của cậu có gì khó khăn, thất bại chăng? Sao mợ không khuyên cậu? Và mợ cũng buồn quá vậy? Tôi thấy từ khi ở dưới quê về đây cậu đã thay đổi hẳn, không còn nuông chìu bé Lộc như trước nữa.
Thúy buồn rầu:
- Chị nói rất phải. Cậu thay đổi nhiều từ khi ở dưới quê lên. Cậu buồn bã và lo lắng cũng vì công việc làm ăn dạo này bị người ta cạnh tranh. Vì vậy tôi định nói với chị một chuyện. Trước đây hai tháng chị có xin về làm nông, vì theo chị nói dạo này ở dưới ấy được chia ruộng đất … tôi cầm chân chị lại vì tưởng tôi có thai. Nhưng bây giờ thì không phải..
Chị vú mừng nói:
- Hay là có phải vì chuyện này mà cậu hờn không?
- Không phải đâu. Vậy bây giờ nếu chị còn muốn về thì tôi sẽ để chị về một thời gian. Khi nào gặt hái hay cày cấy xong thì chị lên đây.
- Nếu mợ cho tôi về thì độ năm ba tháng tôi sẽ lên lại.
- Được, chị cứ về và khi nào xong việc thì trở lên. Bé Lộc đã lớn, dạo này chị bếp có thể trông chừng nó.
Chị Vú mừng lắm nói:
- May quá. Mợ không cho tôi về tôi không dám nói, nhưng ở nhà cứ nhắn lên hoài, tôi khổ tâm lắm.
Chị vú thu xếp đồ đạc và đợi Tấn về để thưa với Tấn. Khi nghe chị vú trình bày, Tấn hỏi Thúy:
- Em bằng lòng để chị ấy về? Rồi ai đỡ nhọc cho em?
- Dưới quê cứ nhắn lên xin cho chị về hoài, em thấy dạo này việc nhà cũng rảnh rang nên em để chị về giúp công việc đồng án năm ba tháng, khi nào rảnh thì lên.
- Vậy tùy em.
Và Tấn nghĩ:
- Chắc Thúy định ẵm bé Lộc đi… Chắc chắn Thúy không để cho chú Tư bắt bé Lộc, nhưng nếu ta cứ giữ bé Lộc thì ta cũng không biết phải xử ra sao.
Tấn hỏi chị vú:
- Mợ đã thanh toán tiền nong cho chị hết rồi chứ?
- Dạ xong rồi.
Tấn lấy thêm tiền đưa chị:
- Đây, tôi cho chị năm trăm để đi xe.
Khi chị vú đi rồi, Tấn hỏi Thúy:
- Em muốn gì mà cho chị ấy nghỉ?
Thúy thở dài, không nói gì hết…
Chiều hôm ấy, khi Tấn vừa ra khỏi nhà thì ông Châm đến. Lúc ấy cửa không đóng và Thúy đang ngồi may, bé Lộc ngủ trong phòng và chị bếp nằm trông chừng nó.
Thúy thấy ông Châm bước vào, không có một phản ứng nào. Thúy biết thế nào cũng có cái giờ phút ấy.
Ông Châm vào gặp Thúy và hỏi:
- Thằng Tấn không có nhà phải không?
Thúy hỏi:
- Ông đến đây làm gì? Tôi nghĩ ông nên có lương tâm và đừng theo phá rầy tôi. Trước kia tôi không kiện ông, để yên cho ông là tôi tử tế lắm rồi. Bây giờ tôi đã có chồng, chồng tôi lại là cháu ruột của ông.
Ông Châm hỏi:
- Chồng cô là cháu ruột của tôi, cô biết nói vậy sao tôi đến đây, cô không mời tôi ngồi? Cô lại đuổi tôi.
Thúy làm thinh, ông Châm kéo ghế ngồi:
- Tôi đến đây để hỏi về đứa bé.
Thúy hỏi và làm ra vẻ ngạc nhiên:
- Đứa bé nào?
- Bé Lộc, nó là con của tôi và cô.
Thúy cười lạt:
- Ông lầm rồi. Nó là con của chồng tôi, anh Tấn… Chúng tôi cưới nhau đàng hoàng, có hôn thú và bé Lộc là con chúng tôi, Tấn và tôi.
- Trên pháp luật nó như vậy, nhưng trong thực tế nó không phải là con của Tấn… Nó là giọt máu của tôi.
- Không. Nhất định là ông lầm, nó không phải là con ông. Ông đừng đến đây làm săng-ta, hay gây rắc rối cho tôi. Về chuyện tôi bị ông làm hại, tôi đã kể Tấn nghe khi Tấn ngỏ lời kết hôn với tôi. Có cả chị Ngọc làm chứng. Nhưng lúc ấy Tấn không biết cái ông Châm hèn hạ xấu xa kia là chú Tư của mình, vì vậy Tấn có nói nếu một ngày nào đó Tấn gặp cái ông ấy thì nhất định Tấn phải cho ông ấy một bài học đích đáng. Ông đừng tưởng tôi giấu giếm Tấn.
Nghe Thúy nói vậy, ông Châm ngẩn ngơ một lúc lâu, đầu cúi gầm xuống, rồi hỏi:
- Bây giờ Tấn đã biết tôi là ông Châm chưa?
Thúy nói ngay:
- Tôi chưa nói rõ.
- Tại sao?
- Vì lẽ ông là chú ruột của Tấn. Tôi không muốn cho tình ruột thịt trở nên thù hận.
Ông Châm làm thinh, lấy thuốc ra hút:
- Cô nghĩ nếu Tấn hay biết thì nó sẽ đánh tôi?
- Tôi không nghĩ như vậy, nhưng tôi yêu cầu ông đừng nên lui tới đây làm gì nữa.
- Bé Lộc không phải con tôi, tại sao nó giống tôi như vậy?
- Nó giống bên nội. Tấn giống cha, ông và cha Tấn giống nhau, cùng một máu mủ mà.
- Nếu bé Lộc không phải là con tôi, tại sao cô lại tránh tôi? Khi ở nhà bác Cả, cô không ra chào hỏi.
Thúy cười khinh bỉ:
- Vì tôi khám phá ra người mà bây giờ tôi phải gọi bằng chú Tư lại là người đã làm khổ tôi.
Ông Châm thở dài:
- Cô không thể hiểu lòng tôi. Bất đắc dĩ lắm tôi mới phải làm vậy. Tôi đã yêu cô từ khi cô còn làm cho bà Trang, nhưng tôi biết lúc ấy tôi có nói ra cũng vô ích vì cô không bao giờ tin lòng chân thành của tôi. Tôi là người đàn ông đã có vợ con…
Thúy cắt ngang không để ông Châm nói tiếp:
- Tôi không muốn nghe gì nữa cả.
Ông Châm than:
- Ít ra cô cũng để tôi phân trần.
- Để làm gì? Vô ích. Tôi bây giờ là vợ của cháu ông… Hạnh phúc của tôi không chắc gì vững vàng như trước vì sự liên hệ gia đình của ông và Tấn, một chuyện rắc rối vì sự liện hệ gia đình giữa ông và Tấn. Nhưng dù sao thì vẫn còn đứa bé, tôi không muốn nó phải xa cha của nó.
- Tôi biết thế nào thằng Tấn cũng nghi ngờ chuyện này và tôi đến đây để thu xếp ổn thỏa. Tôi không tin bé Lộc là con của Tấn. Tôi biết tôi đã gửi cho cô trong cái đêm ấy một cái gì quí báu của tôi… Nhưng sau đó, tôi tìm đủ mọi cách liên lạc với cô. Tôi hứa sẽ đem lại cho cô một cuộc sống yên vui, dù phải xa vợ con, bỏ cả sự nghiệp, ra khỏi tay người vợ sâu sắc, thâm độc, để làm lại tất cả với cô. Nhưng tôi không tìm ra cô. Tại sao cô trốn tránh tôi để bây giờ gặp phải cảnh này? Nếu cô nghe theo lời tôi thì làm sao bây giờ cô lại là vợ cháu tôi được?
Thúy tức giận:
- Ông đừng nói gì cả… Vô ích lắm… Ông không có con trai thì mặc ông. Ông không phải là cha của bé Lộc, bé Lộc là con của Tấn. Mà dù bé Lộc là con của ông thì tôi cũng không đời nào để ông bắt nó. Nó là con của tôi…
Thúy vừa nói thế, ông Châm đã reo lên:
- Thôi được rồi, tôi hiểu rồi. Bé Lộc là con của tôi, nhưng cô không chịu giao nó cho tôi. Nếu vậy rồi đây cô sẽ biết tay tôi.
Thúy hốt hoảng:
- Ông hăm dọa tôi đấy à? Nếu vậy tôi phải nói cho anh Tấn biết ông chính là người đã làm hại cuộc đời của tôi. Ông hãy ra khỏi nhà này. Tôi không bằng lòng tiếp ông nữa, mặc dù ông là chú ruột của anh Tấn.
Ông Châm đứng lên đi ra cửa, nhưng rồi quay lại và nói:
- Tôi đến đây ngày hôm nay không phải để nói chuyện yêu thương cũ vì tôi làm sao bằng Tấn. Tấn vừa trẻ, vừa đẹp trai, vừa giàu có, đủ đem lại hạnh phúc cho cô. Tôi sở dĩ đến đây là để van xin cô giao đứa bé lại cho tôi. Tôi không có con trai. Cô còn trẻ, rồi đây còn có thể sanh đẻ được nữa, chớ tôi thì không thể nào có con khác, vợ tôi không còn sanh đẻ được.
Tức giận, Thúy nói:
- Ông ăn nói vô duyên quá! Ông không có con trai thì cứ cưới vợ bé để kiếm con trai, chuyện ấy ăn thua gì đến tôi mà ông kể lể. Bé Lộc là con của Tấn, tôi có hôn thú và thằng bé sanh ra một năm sau ngày cưới.
Ông Châm nói:
- Được rồi, cô đã nói vậy thì để tôi kiểm soát lại lời cô vừa nói có quả thật đúng không. Việc này đâu khó. Tôi đã biết Tấn làm ở đâu và bạn bè là ai thì dễ lắm. Cô đừng quên lão Châm này đã sống nhiều rồi, trải qua bao nhiêu thăng trầm cô ạ.
- Thì ông cứ điều tra đi, ông hãy ra khỏi nhà này…
Thúy không còn kiềm chế được lòng mình nữa, òa lên khóc. Lúc ấy Tấn đã hiện ra ở bên Thúy và chờ Thúy ngẩng đầu lên.
Thúy ôm lấy Tấn, quên rằng cả tuần nay Tấn cố tránh không đụng đến người Thúy. Thúy kêu lên:
- Anh Tấn, em khổ lắm anh Tấn ơi!
Tấn nhè nhẹ gỡ hai tay Thúy ra rồi đi lại ngồi trên chiếc ghế đối diện và nói với Thúy:
- Anh biết, em đang khổ lắm. Chúng ta đang ở trong một tình cảnh thật khó xử.
Thúy kêu lên:
- Lão Châm vừa đến đây, lão hăm dọa bắt bé Lộc.
- Anh đã biết tất cả rồi. Anh về đây khi ông ấy vừa lọt vào nhà. Anh đã nghe tất cả. Nhưng mà em không thể nào lừa gạt lão ấy được. Thế nào lão cũng khám phá ra bé Lộc là con của lão.
Thúy nói giọng quả quyết:
- Dù là con của lão, dù lão có khám phá ra cái chuyện ấy, em cũng không bao giờ giao bé Lộc cho lão. Bé Lộc là con của em, em không còn hy vọng sanh đẻ nữa.
- Thì em cứ giữ nó, và làm sao để ông ấy đừng đến đây phá rầy thì thôi. Thú thật với em lúc nãy nếu anh không dằn được thì anh đã nhảy ra cho lão ta một trận đòn rồi.
Thúy thở dài:
- Nhưng lão lại là chú của anh.
Tấn giận dữ:
- Chú bác gì? Họ tử tế gì với anh? Ông bác thì cướp giật gia tài của ông bà để lại, còn chú thì từ đâu mang xác đến phá tan hạnh phúc của anh, anh còn gì nữa để sống?
Nói đến đây Tấn xúc động quá, cúi đầu mà hai hàng nước mắt chảy dài. Thúy cũng biết Tấn đau khổ lắm, Tấn đã yêu Thúy như thế nào, vậy mà từ khi hay biết ông Châm là người làm hại cuộc đời Thúy thì Tấn bỗng trở nên dè dặt không còn muốn gần Thúy, chuyện vợ chồng như chấm dứt từ hôm ấy.
Thúy đi lại để tay lên vai Tấn:
- Anh khóc đấy à anh Tấn? Anh hãy tha thứ cho em, em thật không ngờ có chuyện này. Tại sao anh lại là cháu của ông Châm hả anh?
Tấn lau nước mắt:
- Em đâu có lỗi gì…
- Nhưng chính em là người gây cho anh đau khổ. Em vô cùng ân hận. Anh muốn gì thì em cũng có thể làm theo ý muốn của anh.
Tấn lắc đầu:
- Anh thấy khó xử quá.
Thúy ngồi xuống bên Tấn. Tấn nói:
- Anh biết em không bao giờ yêu chú Tư, một chuyện cưỡng hiếp mà em thù hận suốt đời. Nhưng rồi đây chú ấy sẽ đến đây… Tình gia tộc anh không thể đuổi chú…
- Anh có quyền không tiếp chú.
Tấn thở dài. Thúy hỏi:
- Anh muốn em phải làm gì?
Tấn ngập ngừng, đoạn nói:
- Làm gì thì rồi cũng không yên vui cả.
Định Mệnh Định Mệnh - Bà Tùng Long Định Mệnh