Medicine for the soul.

Inscription over the door of the Library at Thebes

 
 
 
 
 
Tác giả: Danielle Steel
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Yen Nguyen
Upload bìa: Yen Nguyen
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 10
Cập nhật: 2023-08-05 10:52:55 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
hristianna và hai vệ sĩ đi xe đến Zurich, rồi từ đấy bay đi Vienna. Ở đây, họ sẽ đáp máy bay đi Tbilisi ở Georgia, chuyến bay này kéo dài trong vòng năm giờ rưỡi.
Máy bay đáp xuống Tbilisi lúc bảy giờ tối và nửa giờ sau, họ lên một chiếc máy bay nhỏ, cũ rích để đến Vladikavkaz thuộc địa phận miền Nam nước Nga của Bắc Ossetia. Chuyến bay đông người, máy bay trông có vẻ xơ xác và bảo trì yếu kém. Chiếc máy bay cánh quạt rung lên khi cất cánh. Vì cả ngày ngồi trên máy bay, nên khi họ ra khỏi chuyến bay cuối cùng vào lúc chín giờ tối đêm đó, cả ba đều mệt nhừ.
Hai người vệ sĩ nàng đem theo là những vệ sĩ còn trẻ nhất. Cả hai đều được huấn luyện trong quân đội Thụy Sĩ, một người trước đó đã làm lính biệt kích cho Israel. Nàng đã chọn người giỏi để đi theo nàng.
Nàng không biết khi đến Digora nàng sẽ làm gì. Từ Vladikavkaz đến Digora xa chừng ba mươi dặm, Digora là nơi họ phải đến. Ngoài các chuyến bay ra, Christianna không thu xếp được gì hết. Khi đến hiện trường nơi xảy ra việc bắt giữ con tin ở Digora, nàng sẽ tìm Hội Chữ thập đỏ và đề nghị giúp họ bất cứ việc gì. Nàng tin họ sẽ được phép vào hiện trường, nàng hy vọng mình sẽ được vào. Nàng không sợ chuyện gì xảy ra, không có công tìm chỗ ở hay thuê phòng khách sạn. Nàng muốn làm việc tại hiện trường, nếu cần làm cả ngày lẫn đêm cũng được. Nàng đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng đứng nhiều giờ để làm việc, không ngủ để giúp đỡ những người thân của các nạn nhân hay các em bị thương. Nàng có học cách sơ cứu tại trường, nhưng ngoài kiến thức đó ra, nàng không có năng khiếu gì đặc biệt ngoài tình thương và sự nhiệt tình. Mặc dù cha nàng đã cảnh cáo, nhưng nàng vẫn không lo sợ những gian nguy có thể gặp ở trước mắt. Nàng sẵn sàng đón nhận hiểm nguy và nàng cũng biết bọn khủng bố chiếm ngôi trường, còn bên ngoài nhà trường ít nguy hiểm hơn. Nàng muốn có mặt ở đấy bằng mọi giá. Nàng biết các vệ sĩ sẽ bảo vệ nàng, cho nên nàng cảm thấy yên ổn.
Chuyến đi của nàng gặp phải trở ngại đầu tiên khi họ qua phòng nhập cảnh tại phi trường. Một người vệ sĩ của nàng đưa cha tấm hộ chiếu của họ cho nhân viên hải quan kiểm soát. Nàng đã dặn các vệ sĩ rằng họ không được tiết lộ gốc gác hoàng tộc của nàng với mọi người khi họ đến Nga. Trước đó nàng không nghĩ đến vấn đề này có thể gây rắc rối cho nàng. Nhưng đến đây nàng giật mình khi người nhân viên hải quan nhìn hộ chiếu của nàng thật lâu, rồi nhìn nàng. Ảnh trong hộ chiếu giống nàng, cho nên rõ ràng không phải là vấn đề trở ngại.
- Chính cô phải không? - Anh ta hỏi, vẻ hơi cau có. Anh ta hỏi bằng tiếng Đức với nàng, vì anh ta nghe nàng nói tiếng Đức với một vệ sĩ và tiếng Pháp với người kia. Nàng gật đầu trả lời phải, quên chuyện khác biệt giữa hộ chiếu của họ với của nàng.
- Họ gì? - Anh ta hỏi tiếp và nàng hiểu vấn đề.
- Christianna, - nàng bình tĩnh đáp. Trên hộ chiếu của nàng chỉ có một tên, tên đầu thôi, trường hợp của tất cả những người trong hoàng tộc. Nữ hoàng Elizabeth của nước Anh, công chúa Michael xứ Kent, bà nguyên là Marie Christine. Tất cả hộ chiếu cấp cho những người trong hoàng tộc ở xứ nào cũng chỉ ghi tên đầu thôi, không có tước vị hay có họ. Người nhân viên hải quan Nga có vẻ tức giận và lúng túng.
- Không có họ à? - Nàng ngần ngừ một lát rồi đưa cho anh ta lá thư vắn tắt do chính quyền Liechtenstein cấp, trong thư giải thích trường hợp hộ chiếu của nàng chỉ ghi tên đầu thôi và chứng nhận nàng là công chúa của Công quốc. Nàng cần bức thư trong thời gian theo học ở California và nàng cũng đã gặp những chuyện rắc rối như thế này khi nhập cảnh Hoa Kỳ. Bức công thư được viết bằng tiếng Anh, Đức và Pháp, nàng cất trong túi du lịch cùng với hộ chiếu. Nàng chỉ đưa bức thư ra nếu bị hỏi lôi thôi. Anh ta đọc kỹ bức thư, nhìn nàng hai lần, rồi nhìn hai người vệ sĩ và quay lại nhìn nàng, hỏi: - Cô đi đâu, cô công chúa? - Nàng mỉm cười. Rõ ràng anh ta không quen tước hiệu trong hoàng tộc, anh ta lớn lên trong nước cộng sản, nhưng có vẻ rất ấn tượng. Nàng nói nơi đến của họ, anh ta gật đầu, đóng dấu hộ chiếu rồi vẫy tay cho họ đi. Hộ chiếu của họ là nước trung lập, như Thụy Sĩ, nên họ dễ thông qua hơn những hộ chiếu của các nước khác. Và tước vị của nàng cũng thường giúp cho nàng dễ dàng hơn. Anh ta không hỏi thêm gì nữa, họ đến phòng cho thuê xe hơi, đứng sắp hàng thêm nửa giờ nữa.
Khi ấy ba người đều rất đói, Christianna đưa cho hai người gói bánh bích qui nhỏ với hai chai nước mà nàng mang theo trong ba lô và mở cho mình một chai. Đợi một hồi thật lâu mới đến phiên họ. Khi đến phiên họ thuê xe, họ chỉ thuê được chiếc Yugo cũ mười năm, với giá cắt cổ. Christianna đành bằng lòng thuê vì không còn xe nào tốt hơn. Nàng đưa thẻ tín dụng cho người phụ trách sau quầy, lại một lần nữa nàng gặp rắc rối về việc thẻ không có họ. Người phụ nữ sau quầy hỏi nàng có tiền mặt không. Christianna có mang theo một ít, nhưng không muốn tiêu hết trong khi chuyến đi mới bắt đầu. Người đàn bà đành phải nhận thẻ tín dụng, sau khi nói với nàng rằng nếu nàng trả tiền mặt, họ sẽ khấu trừ bớt tiền thuê. Nhưng Christianna vẫn từ chối.
Nàng ký giấy hợp đồng, lấy chìa khóa xe và xin cái bản đồ. Mười phút sau, nàng và hai người vệ sĩ, Samuel và Max, đi ra bãi để tìm xe. Chiếc xe nhỏ và có vẻ tả tơi. Hai người đàn ông chen nhau ngồi ở trước, còn Christianna ngồi vào ghế sau với cái ba lô dễ dàng hơn, do nàng nhỏ con. Samuel khởi động xe, còn Max mở bản đồ ra xem. Theo người đàn bà trong phòng cho thuê xe nói, thì họ phải đi ba mươi dặm mới đến đó và có lẽ sẽ đến nơi vào lúc mười một giờ đêm. Samuel lái xe và khi còn trong bãi đổ xe, họ đã lấy súng trong xách ra, mang vào người. Khi xe chạy ra khỏi bãi, Max nạp đạp vào súng cho cả hai người. Christianna nhìn họ chuẩn bị súng, không lo ngại gì về súng ống. Nàng đã quen với cảnh này từ nhỏ. Nếu không có súng thì những người vệ sĩ này sẽ vô ích thôi. Chính nàng cũng đã được học bắn và là tay súng cừ khôi hơn anh trai nàng nhiều. Anh nàng không ưa súng, nhưng lại rất thích tham gia vào các cuộc đi săn vịt trời và gà gô.
Khi rời khỏi phi trường họ đói meo. Đi được nửa đường, họ dừng lại để ăn tối tại một quán ăn nhỏ ở bên đường. Samuel nói được ít tiếng Nga, nhưng cơ bản anh ta chỉ tay vào các món mà những người khác đang ăn và họ đành ăn bữa tối đơn giản, đạm bạc. Những thực khách khác hầu hết đều là tài xế xe tải đường dài, cho nên cô gái tóc vàng xinh đẹp và hai người đàn ông có vẻ mạnh khỏe đã được mọi người trong quán ăn chú ý. Nếu có ai đấy trong số này biết nàng là công chúa, chắc sẽ càng chú ý nhiều hơn. Nhưng họ chỉ biết nàng là một cô gái xinh đẹp, mặc quần jeans, đi ủng lao động mà nàng thường mang ở Berkeley, mặc áo len tay dài và áo khoác ấm có mũ trùm đầu. Nàng buộc mái tóc vàng ra phía sau. Hai người đàn ông mặc áo quần giống nhau và có vẻ như quân nhân. Chắc mọi người trong quán đều nghĩ rằng họ là an ninh mật vụ đang đi làm việc gì đấy, nhưng không ai hỏi họ. Sau khi ăn xong, họ trả tiền rồi lái xe đi. Họ thấy trên đường có một số xe tải nhỏ hiệu Daewoo được dùng như xe chở khách và sau này Christianna biết nó được gọi là “Marshrutkas”. Xe này được mọi người dùng làm phương tiện để đi lại.
Không thể đọc được các dấu hiệu chỉ đường và bối rối khi nhìn vào bản đồ, họ đã đi nhầm đường nhiều lần, cho nên đến nơi vào lúc nửa đêm. Họ bị chặn lại trước hàng rào giăng qua đường, những người lính Nga canh giữ chỗ này đều mặc áo quần chống bạo loạn. Họ đội mũ sắt, đeo mặt nạ, mang súng máy. Họ hỏi Christianna và các vệ sĩ của nàng tại sao đến đấy. Christianna ngồi ở ghế sau trả lời họ bằng tiếng Đức rằng nàng đến tìm người đại diện của Hội Chữ thập đỏ để làm việc với họ. Người lính canh ngần ngừ một lát, rồi bằng tiếng Đức bập bẹ, anh ta bảo họ đợi anh ta một lát, rồi đến hỏi ý kiến thượng cấp của mình, những người này đang bàn việc cách đấy một đoạn ngắn. Một trong số họ nói chuyện với anh ta, rồi đến gần chiếc xe hơi.
- Quí vị là nhân viên của Hội Chữ thập đỏ à? - Ông ta hỏi, cau mày nhìn ba người với ánh mắt nghi ngại. Ông ta không biết họ làm việc gì, nhưng ông nghĩ họ không có vẻ gì là bọn khủng bố.
- Chúng tôi là tình nguyện viên, - Christianna đáp. Ông ta ngần ngừ, mắt cứ nhìn đăm đăm. Ông ta không thấy xe cắm cờ đỏ để báo cho mọi người biết.
- Quí vị từ đâu đến? - Ông ta không muốn thấy du khách đi vào chỗ đang lộn xộn do họ kiểm soát. Giống như người đàn ông nói chuyện với họ đầu tiên, người này cũng có vẻ mệt mỏi. Việc xảy ra đã bước sang ngày thứ hai, chiều nay đã có thêm nhiều trẻ em nữa bị giết ném ra ngoài sân trường, khiến cho mọi người mất tinh thần. Hai em khác cố trốn thoát đã bị bắn chết. Tình hình diễn ra giống hệt vụ bắt cóc con tin trước đây nhiều năm ở Beslan, tại cùng khu vực ở Bắc Ossetia, chỉ khác một điều là qui mô nhỏ hơn một chút. Những cảnh chết chóc đã gia tăng hàng ngày và vẫn còn viễn tượng chưa hết.
- Chúng tôi từ Liechtenstein đến, - nàng đáp. Tôi là người ở đấy, còn hai người này ở Thụy Sĩ. Chúng tôi đều là thành phần trung lập, - nàng nói để nhắc ông ta nhớ điều này, ông ta lại gật đầu. Nàng không biết vấn đề trung lập có làm cho tình thế khác đi hay không, nhưng nàng nghĩ nhắc cho ông ta nhớ cũng chẳng hại gì.
- Có hộ chiếu không? - Người vệ sĩ ngồi ở phía trước đưa hộ chiếu cho ông ta xem. Ông ta cũng có phản ứng như nhân viên hải quan khi nhìn hộ chiếu của nàng.
- Hộ chiếu của cô không có họ, - ông ta nói, vẻ bực tức, như thể đây là sai sót do nàng gây nên khi làm hộ chiếu. Nhưng lần này nàng không muốn đưa cho ông ta xem bức thư, nàng không muốn mọi người trong khu vực biết nàng đang ở đây, hay là quá chú ý đến việc này.
- Đúng thế, xứ tôi thỉnh thoảng làm thế. Riêng cho phụ nữ thôi. - Nàng nói thêm, nhưng ông ta vẫn không tin, bắt đầu tỏ ra nghi ngờ. Trước tình hình như thế này, ông ta nghi là phải. Miễn cưỡng, nàng đưa cho ông ta xem bức thư. Ông ta đọc rồi ngẫm nghĩ, hết nhìn nàng rồi lại nhìn hai người vệ sĩ, rồi lại nhìn nàng, ánh mắt ngạc nhiên, như có vẻ hâm mộ. - Công chúa trong cung à? - Ông ta hỏi giọng kinh ngạc. - Công chúa mà đến đây làm việc với Chữ thập đỏ à?
- Hy vọng chúng tôi sẽ làm. Lý do khiến chúng tôi đến đây là thế thôi. - Nàng đáp. Người sĩ quan bắt tay tài xế xe nàng, nói cho biết nơi để tìm trụ sở của Hội Chữ thập đỏ, cấp cho họ giấy đi đường, rồi vẫy tay ra hiệu cho họ đi. Cho họ đến hiện trường đang diễn ra việc bắt cóc con tin là việc thật phi thường, Christianna có cảm giác rằng nếu không phải là công chúa, chắc họ không để cho nàng đi vào trong khu vực này. Người sĩ quan kính trọng nàng, và kính trọng hai người đàn ông đi với nàng đến Nga. Thậm chí ông ta còn cho biết tên của người chỉ huy tổ chức. Và trước khi họ lái xe đi, Christianna yêu cầu ông ta đừng nói cho ai biết nàng là công chúa. Nàng nói nếu ông ta không nói, công việc sẽ rất thuận lợi cho nàng. Ông ta gật đầu và khi xe đi rồi, ông ta vẫn còn vẻ rất ấn tượng. Nàng hy vọng ông ta sẽ giữ bí mật. Để cho mọi người biết nàng là ai, nàng sẽ gặp rất nhiều khó khăn và công việc có thể hỏng bét. Không ai biết nàng là công chúa, công việc sẽ dễ dàng hơn cho nàng. Nếu báo chí biết nàng có mặt ở đây, họ sẽ đi theo nàng khắp nơi và nàng chỉ còn nước ra về mà thôi. Đây là điều nàng không muốn. Nàng muốn mình là người hữu dụng, chứ không muốn là đề tài cho báo chí quảng cáo rùm beng.
Khi họ đến gần trường, khắp nơi đều có dây giăng ngang của cảnh sát, hàng rào chắn của quân đội, cảnh sát chống bạo động, lính biệt kích, lính mang súng máy. Nhưng vì họ đã được hàng rào đầu tiên kiểm soát rồi, nên những nơi này không kiểm tra kỹ nữa. Khi được hỏi hộ chiếu, họ đưa ra, các lực lượng an ninh nay chỉ xem qua, không hỏi kỹ như trước. Họ nhìn vào những con đường đi qua tạm thời, gật đầu ra dấu cho xe nàng đi. Họ thấy những người dân ở đấy hầu như đều khóc lóc, họ hoặc là cha mẹ hoặc là người thân của những học sinh hay giáo viên còn bị cầm giữ trong trường. Cảnh tượng thật giống cảnh xảy ra trước kia, mọi người đều sửng sốt khi thấy hai trường hợp giống nhau đã xảy ra trong cùng một tiểu bang. Cuối cùng, sau khi tìm kiếm nhiều nơi, họ đi qua một hàng xe cấp cứu dài, họ thấy bốn chiếc xe tải lớn của Hội Chữ thập đỏ, rất nhiều nhân viên đang làm việc quanh đấy, họ mang băng trên cánh tay với nền trắng, chữ thập đỏ để phân biệt với những người khác ở đấy. Nhiều người đang ôm các em. Họ phục vụ cà phê, chăm sóc các ông bố bà mẹ đang hoảng sợ và đứng lặng lẽ trong đám đông.
Khi Christianna thấy họ, nàng bước ra khỏi xe và Samuel, người vệ sĩ được huấn luyện trong ngành biệt kích đi theo nàng sát một bên, trong khi Max đem xe đến đỗ vào bãi đậu xe dành cho gia đình và báo chí. Chiếc xe nhỏ chật, nhưng họ đã nhờ nó mà đến được đây. Christianna hỏi tên mà người sĩ quan nơi hàng rào chắn đã cho họ biết, được người ta dẫn đến chỗ có đám ghế gần một chiếc xe tải. Một phụ nữ tóc bạc đang ngồi ở đấy, bà ta nói chuyện với một nhóm phụ nữ bằng tiếng Nga. Bà cố hết sức để trấn an những người này. Rất ít có khả năng người ta thấy được chuyện gì bên trong xảy ra, họ chỉ thấy cảnh lính tráng di chuyển, đổi phiên cho nhau và đứng với vẻ cảnh giác, sẵn sàng hành động. Tất cả những phụ nữ Nga đều đang khóc. Christianna không muốn làm gián đoạn họ, nàng đứng sang một bên, đợi cho đến khi bà già nói xong. Nàng nghĩ có thể phải đợi hàng giờ nữa bà mới khuyên giải họ xong. Christianna kiên nhẫn đứng đợi cho đến khi người phụ nữ chỉ huy đội Chữ thập đỏ trông thấy nàng, đưa mắt nhìn nàng với vẻ ngạc nhiên.
- Cô đợi tôi phải không? - Bà hỏi bằng tiếng Nga, giọng có vẻ thắc mắc.
- Vâng - Christianna đáp bằng tiếng Đức, hy vọng hai người có cùng chung ngôn ngữ. Thường trong những trường hợp thế này, người ta nói tiếng Anh hay tiếng Pháp, và nàng có thể nói lưu loát cả hai thứ tiếng. - Tôi có thể đợi được. - Nàng không đi đâu và không muốn làm gián đoạn công việc của bà. Người chỉ huy Hội Chữ thập đỏ vỗ lên cánh tay một phụ nữ với vẻ vỗ về, an ủi, sau đó xin lỗi rồi bước đến chỗ Christianna đứng.
- Có chuyện gì thế? - Bà ta hỏi. Rõ ràng Christianna không phải là người địa phương hay người thân của học sinh trong trường. Trông nàng sạch sẽ, không lôi thôi nhếch nhác, như những người ở quanh họ. Thấy cảnh tang tóc diễn ra trước mắt, mọi người ai mà không đau đớn. Ngay cả những người lính cũng rơi lệ khi thấy cảnh các em bị bắn chết vứt ra sân.
- Tôi muốn tình nguyện làm việc, - Christianna nói, vẻ bình tĩnh, tự tại. Bà không biết nàng là ai.
- Cô có giấy tờ xác nhận của Hội Chữ thập đỏ không? - Bà ta hỏi. Họ nói bằng tiếng Pháp. Trông bà có vẻ như người ngoài mặt trận trở về. Và quả đúng như thế, bà đã gói xác của các học sinh bị chết, ôm các cha mẹ khóc nức nở vào lòng từ hai hôm nay, chăm sóc những người bị thương cho đến khi các thầy thuốc chở họ đi. Bà đã làm bất cứ gì có thể được từ khi đến đây trong suốt hai ngày xảy ra cuộc tấn công, thậm chí còn phục vụ cà phê cho những người lính mệt mỏi.
- Tôi không phải nhân viên làm cho Hội Chữ thập đỏ, - Christianna đáp. - Tôi bay đến từ Liechtenstein với hai... người bạn... - Nàng nhìn hai người đàn ông ở bên cạnh nàng. Nếu cần nàng sẽ tình nguyện làm việc như là phái viên nhân đạo của nước nàng, nhưng nàng thích làm việc ẩn danh. Nàng phân vân không biết họ có cho nàng làm như thế hay không. Nàng nghĩ chắc họ sẽ không cho. Bà già ngần ngừ một lát, nhìn Christianna chăm chú.
- Tôi xin phép xem hộ chiếu của cô được không? - Bà bình tĩnh hỏi. Ánh mắt của bà có vẻ nghi ngại, khiến nàng nghĩ rằng bà ta đã biết nàng là ai. Bà mở hộ chiếu ra xem, nhìn vào cái tên Christianna độc nhất. Bà xếp hộ chiếu lại, cười và trả lại cho nàng. Bà biết Christianna là ai. - Tôi đã làm việc với vài người chị em họ người Anh của cô trong những nước ở châu Phi. - Bà không nói những người chị em họ đó là ai, nhưng nàng gật đầu.
- Có ai biết cô đến đây không? - Nàng lắc đầu. - Chắc những người đàn ông này là vệ sĩ của cô? - Nàng gật đầu. - Chúng tôi cần sự giúp đỡ, - bà nói tiếp. - Hôm nay chúng ta đã mất thêm hai mươi em nữa. Chúng vẫn đưa ra yêu sách đổi tù nhân, cho nên có lẽ trong vài giờ tới, chúng ta sẽ chứng kiến thêm nhiều trường hợp tử vong nữa - Bà ta ra dấu cho nàng và hai người đàn ông đi theo bà. Bà bước lên chiếc xe tải, rồi bước xuống với cha cái băng đeo ở cánh tay đã phai màu. Băng mới đã hết. Bà đưa băng cho Christianna và hai vệ sĩ, họ đeo vào cánh tay. - Cám ơn công chúa đã đến giúp, thưa công chúa. Tôi nghĩ công chúa đến đây chính thức phải không? - Bà hỏi bằng giọng mệt mỏi nhưng dịu dàng. Bà lộ vẻ nhân ái, chân thật khiến Christianna cảm thấy như được bà ôm hôn một cách trìu mến. Christianna rất hài lòng vì nàng đã đến đây.
- Không, tôi không đến chính thức, - Christianna đáp. - Tôi muốn không ai biết tôi là ai. Nếu họ biết thì vấn đề sẽ rắc rối. Nếu bà chỉ gọi Christianna, tôi sẽ rất cám ơn bà. - Bà già gật đầu rồi giới thiệu tên mình là Marque. Bà người Pháp, nhưng nói được tiếng Nga thông thạo. Christianna nói được sáu thứ tiếng, kể cả thổ ngữ ở Liechtenstein, nhưng tiếng Nga thì chịu.
- Tôi hiểu, - Marque đáp. - Nhưng có thể có người nhận ra cô đấy. Ở đây có nhiều phóng viên báo chí. Ngay cả khi tôi mới thấy cô, cô đã có vẻ quen với tôi.
- Tôi hy vọng không có ai nhạy bén như bà, - Christianna cười đáp. Nếu báo chí biết, công việc của tôi sẽ hỏng bét.
- Tôi nghĩ chắc tình thế rất khó khăn. - Bà đã thấy báo chí đăng tin vung vít trước đây rồi, nên bà đồng ý nếu không ai biết nàng, vấn đề sẽ đơn giản hơn cho họ.
- Cám ơn bà đã cho phép chúng tôi làm việc với bà. Chúng tôi sẽ làm việc gì để giúp bà? Chắc bà mệt mỏi rồi, - nàng nói với vẻ thương cảm và bà già gật đầu.
- Nếu cô đi đến chiếc xe tải thứ hai, cô sẽ có việc để giúp. Chúng tôi cần có người giúp pha cà phê. Tôi nghĩ người của chúng tôi đều đi ra ngoài hết rồi. Và chúng tôi có một đống thùng đồ cần phải chuyển ra, thùng đựng thuốc men để dùng cho người bệnh và những thùng đựng nước uống. Có lẽ các vệ sĩ của cô có thể giúp chúng tôi làm việc này.
- Được chứ. - Nàng bảo Max và Samuel làm những công việc ấy. Họ đi đến chồng thùng đựng đồ, còn nàng đi đến chiếc xe tải thứ hai. Các vệ sĩ miễn cưỡng phải để cho nàng đi một mình, nhưng nàng nói sẽ không sao đâu. Khắp vùng đều được quân đội bảo vệ, nàng thấy không có gì nguy hiểm, dù họ có ở bên nàng hay không.
Marque lại cám ơn nàng đến giúp lần nữa, rồi đi đến an ủi tiếp số phụ nữ mà bà đang nói chuyện trước khi nàng đến.
Nhiều giờ sau Christianna mới gặp lại bà trong khi nàng đưa cà phê ra và sau đó đưa nước chai ra. Có chăn mền cho những người đang bị lạnh. Một số người ngủ trên mặt đất. Số khác ngồi cứng đờ hay khóc, đợi tin của con cháu ở trong phòng.
Như lời bà Marque tiên đoán, yêu sách của bọn khủng bố là thời gian để thả tù nhân của chúng ra trong vòng ba giờ và kết quả rất khốc liệt. Năm mươi học sinh bị bắn và bị bọn người đội mũ trùm kín đầu ném ra ngoài cửa sổ, các thi thể xấu số bay xuống sân như những con búp bê rách tả tơi, mọi người đều khóc thét lên và cuối cùng lính lôi xác các em dưới hỏa lực rất mạnh yểm trợ che chở cho họ. Khi người ta ra lấy xác các em, chỉ có một em còn sống, nhưng sau đó cô bé đã chết trong tay của mẹ em. Lính tráng, dân địa phương và tình nguyện viên đứng gần đấy đều rơi lệ. Thật là cảnh quá độc ác ngoài sức tưởng tượng. Nhưng tình hình chưa xong. Khi ấy đã có gần một trăm học sinh bị giết, cũng như nhiều người lớn và bọn khủng bố vẫn hoàn toàn kiểm soát tình hình. Một nhóm tôn giáo cực đoan của Trung Đông có trách nhiệm trong cuộc tấn công này với sự cấu kết của phe nổi dậy Checken. Chúng đưa ra yêu cầu chính phủ phải thả cha mươi tù nhân vì tội khủng bố, chính quyền Nga vẫn giữ vững lập trường khiến cho nhiều người nổi giận. Họ muốn phóng thích cha chục tù nhân để cứu sinh mạng của các học sinh. Đám người đứng quanh đấy đều tỏ ra thất vọng. Christianna đứng với những nhân viên Hội Chữ thập đỏ khác, nàng khóc ròng. Việc xảy ra ngoài sức tưởng tượng của nàng.
Từ khi đến đây nàng làm việc rất ít, chỉ chuyển cà phê và nước ra ngoài, rồi bỗng nàng thấy một phụ nữ Nga đứng bên cạnh nàng đang khóc nức nở. Bà ta có thai, tay dắt đứa bé mới biết đi chập chững. Rồi mắt bà ta gặp mắt Christianna và như thể họ là bà con lâu ngày không gặp nhau, hai người ôm chầm lấy nhau mà khóc. Christianna không biết tên bà ta, hai người lại bất đồng ngôn ngữ, chỉ thông cảm nhau trước cảnh các em chết quá đau đớn. Sau đó Christianna biết rằng bà ta có đứa con sáu tuổi bị trọng thương, bà chưa được tin tức gì của nó. Chồng bà cũng làm giáo viên ở đấy và ông ta là người bị sát hại đầu tiên vào đêm trước. Bà cầu nguyện cậu con trai vẫn còn sống.
Hai người phụ nữ đứng bên nhau, khi thì ôm lấy nhau khi thì nắm tay nhau. Christianna vừa khóc vừa đi lấy thức ăn cho đứa bé hai tuổi và đem đến cái ghế cho người phụ nữ có thai ngồi. Có rất nhiều người khác giống bà ta đến nỗi khó mà phân biệt trong đám đông.
Sau khi trời sáng, lính mặc đồng phục biệt kích bảo mọi người đi khỏi khu vực gần trường. Toàn bộ những người chờ đợi và nhân viên Chữ thập đỏ phải lui về phía sau. Không ai biết chuyện gì xảy ra, nhưng bọn khủng bố vừa làm những gì mà chúng đã đòi hỏi. Chúng nói nếu đòi hỏi của chúng không được đáp ứng, chúng sẽ cho nổ tung cả ngôi trường và việc này bây giờ có vẻ rõ ràng rồi. Chúng là bọn người bất lương, tàn nhẫn.
- Chúng ta cần vào hết trong xe tải, - Marque nói khi bà đi qua để tập hợp nhân viên trong nhóm. Bây giờ Christianna là nhân viên của bà. - Họ không nói gì với chúng ta, nhưng tôi nghĩ họ sẽ tiến vào, họ muốn chúng ta phải lui thật xa nơi đây. - Bà nói những người dân địa phương cũng làm thế. Nhiều người đi có, chạy có, qua khu vực ở phía sau hàng rào cảnh sát chống bạo động mới được lập nên. Cha mẹ có con bị bắt trong trường càng đau đớn hơn khi phải lùi xa thêm chỗ con họ bị nhốt. Nhưng những người lính đẩy mạnh đám đông ra sau, như thể họ sắp hết thì giờ.
Christianna bế đứa bé hai tuổi lên, quàng một cánh tay qua người thiếu phụ có thai, giúp bà ta đi vào trong một chiếc xe tải. Bà ta đi không nổi nữa, không chịu nổi những gì sắp xảy ra. Trông bà ta như sắp sinh đến nơi. Christianna không để ý đến hai vệ sĩ đang canh chừng nàng gần đấy. Họ biết lính địa phương sắp tấn công vào và nếu có chuyện gì không hay xảy ra, thì họ muốn nàng phải ở gần họ để họ còn bảo vệ. Marque cũng thấy họ, bà hiểu tại sao họ luôn luôn canh chừng bên nàng. Không ai muốn công chúa chết vì tay bọn khủng bố, cũng như không muốn học sinh chết thêm. Cảnh tang tóc đang bao trùm lên tất cả mọi vật. Đối với bọn khủng bố thì giết một công chúa, dù là công chúa của một nước trung lập, cũng là một chiến thắng vẻ vang. Cho nên nhất thiết họ phải giữ bí mật cho nàng và để nàng được bình an. Marque rất ấn tượng về việc nàng đã làm việc cật lực suốt đêm. Nàng làm việc không mệt mỏi, hăng hái nhiệt tình, có hiệu quả. Marque nghĩ rằng nếu có thì giờ tìm hiểu nàng, chắc bà sẽ thấy Christianna là một thiếu nữ đáng mến. Nàng có vẻ là người thực tế và có lý tưởng.
Mọi người chờ đợi đều lui xa hiện trường và trong vòng nửa giờ sau, súng nổ. Súng máy nổ liên hồi, hơi cay ném ra, bom liệng đến. Những đội biệt kích và những đội chống bạo loạn xông vào trường. Đám đông đứng xa nhìn, không ai xác định lực lượng nào làm chủ tình hình. Họ chỉ biết đứng đấy và khóc. Thật khó mà tin nỗi còn ai sống sót sau khi xong trận trong cả hai phe.
Christianna để người phụ nữ có thai nằm trên chiếc giường nhỏ trong xe tải, nàng tiếp tục hỏi tin tức việc đang xảy ra, nhưng chưa ai biết gì hết. Còn quá sớm chưa nói được, vì chiến trận đang diễn ra ác liệt. Christianna theo những nhân viên Chữ thập đỏ khác đem chăn mền, cà phê, nước và thức ăn cho đám đông. Họ đưa các em bé nhỏ vào chiếc xe tải, các em run vì buổi sáng trời lạnh. Mấy giờ sau tiếng súng mới ngưng. Khi súng hết nổ người ta lại càng lo hơn lúc súng bắt đầu nổ. Không ai biết tình hình như thế nào, không biết ai thắng ai thua. Họ chỉ thấy từ xa lính tráng di chuyển, rồi từ cửa sổ trên lầu, hiện ra lá cờ trắng. Đám đông đứng ở mép ngoài xa của hiện trường run vì lạnh, họ đợi tin từ trong trường đưa ra.
Hai giờ sau, một toán lính đi qua cánh đồng để đưa các nạn nhân ra, cảnh tượng thật bi thảm, có đến hai trăm xác học sinh phải được nhận diện, tiếng khóc thét vì đau đớn vang lên kéo dài mấy giờ liền. Những gia đình có con bị bắt trong trường đi tìm xác con mình, khóc than thảm thiết. Tất cả bọn khủng bố đều tự sát, trừ hai tên. Bom gài trong trường không nổ, đã được đội tháo bom mìn đến tháo ngòi nổ ra. Hai tên khủng bố còn sống được lính đem ra xe bọc thép, trước khi chúng bị đám đông nổi giận muốn xé xác chúng. An ninh quân đội muốn hỏi cung chúng. Tổng cộng, có năm trăm học sinh chết và hầu hết những người lớn không ai còn sống. Cảnh tượng thật quá dã man không ai quên được. Bây giờ việc đã xong, báo chí ùa đến khắp nơi. Cảnh sát không làm sao ngăn họ lại được.
Cùng với nhân viên Chữ thập đỏ, Christianna và cha mẹ học sinh đi qua đám trẻ em vô hồn để tìm con của họ. Nàng giúp các cha mẹ gói chúng và để vào hòm gỗ nhỏ, những chiếc hòm được người ta đem từ nơi khác đến. Khi nàng thấy người phụ nữ có thai ngồi ôm đứa con trai vào lòng và khóc, tiếng khóc tắc nghẽn trong họng vì khóc quá nhiều. Chú bé gần như trần truồng, nhưng còn sống và người chú dính đầy máu vì đầu bị rách một đường. Christianna đi đến bên bà, ôm ghì cả mẹ lẫn con. Nước mắt cô không ngớt chảy. Christianna cởi áo khoác của mình quàng quanh người chú bé, còn người phụ nữ cười qua nước mắt với nàng, cám ơn nàng bằng tiếng Nga. Christianna lại ôm lấy bà ta và giúp bà đưa chú bé đến y sĩ để khám cho cậu. Mặc dù bị chấn động mạnh và đầu bị toét, nhưng kỳ lạ thay, chú bé vẫn khỏe mạnh. Cảnh tượng diễn ra không lọt qua được đôi mắt của Marque, mặc dù bà làm việc luôn tay với các nhân viên khác, giúp nhiều người nhận diện xác con mình, đậy nắp hòm. Cả ngày lẫn đêm trong hiện trường làm cho họ kiệt sức, ngay cả những người lính và những ai đã từng chứng kiến cảnh tượng như thế này trước kia rồi. Trong lịch sử khủng bố trước đây, chưa có vụ nào tệ hại như vụ này. Còn đối với Christianna, đây là lần đầu tiên nàng dấn thân vào chốn nguy hiểm. Khi Christianna cúi xuống để giúp ai đấy, nàng nhận thấy người mình dính đầy máu. Bất cứ ai đã ôm các em vào lòng, dù còn sống hay đã chết, cũng đều bị máu các em dính sang.
Suốt buổi chiều và đêm, nhiều xe cấp cứu nữa được phái đến, và nhiều xe khác đủ loại và nhiều người từ các thành phố lân cận và xa xôi đổ đến. Cảnh tượng như thể cả nước Nga đều đến đây để giúp đỡ gia đình các nạn nhân, chôn cất người chết và chia buồn cùng họ. Đến khuya thì người ta đã nắm chắc ai bị giết, ai được cứu sống. Hầu hết các em bị mất tích sẽ được kiểm tra lại, nhưng vẫn có một số được đưa đến bệnh viện mà không ai biết tên họ của chúng. Đến nửa đêm thì Christianna và hai vệ sĩ giúp Marque và những người khác thu dọn hành lý lên xe tải. Công việc của những người tình nguyện đã xong, việc còn lại sẽ được các nhân viên chuyên nghiệp của Hội Chữ thập đỏ giải quyết, những người này sẽ giúp chính quyền tìm nơi các em đã nhập viện tại các địa phương khác. Christianna ở lại cho đến giờ phút chót. Nàng đứng ngoài chiếc xe tải cuối cùng, ôm ghì Marque, chảy nước mắt vì quá đau đớn và mệt phờ người. Họ đã chứng kiến nhiều cảnh đau đớn diễn ra trong mấy ngày qua. Christianna mới đến đây vào tối hôm trước, nàng nghĩ rằng đời nàng đã hoàn toàn thay đổi, rõ ràng như thế. Những việc mà nàng đã thấy, đã làm, hay trải qua trước đây, bây giờ không thích hợp với nàng nữa.
Hơn ai hết, Marque rất thông cảm với tâm trạng của nàng hiện giờ. Trong thời gian bà sống ở châu Phi, vì bà đã sống quá lâu trong thời gian bất ổn của chính trị, hai con của bà đã bị giết chết trong một trận nổi dậy của lực lượng chống chính phủ. Bà phải cố quên sự đau khổ này trong công việc, nhưng cuối cùng hành động này đã phá hỏng cuộc hôn nhân của bà. Sau đó bà ở lại châu Phi, gia nhập đội quân Chữ thập đỏ để giúp đỡ những người dân địa phương. Bà vẫn thường trở về làm việc ở Trung Đông trong nhiều trận chiến tranh và xung đột nhau, rồi làm việc ở Trung Mỹ. Ở đâu cần là có mặt bà. Bà không có quê hương. Bà là công dân của thế giới, quốc tịch của bà là Chữ thập đỏ, sứ mệnh của bà là giúp tất cả những ai cần bà, trong mọi tình huống, dù gian lao khổ cực hay nguy hiểm đến đâu bà cũng không ngại. Marque không sợ gì hết và thương yêu tất cả. Bây giờ bà đứng ôm quàng Christianna, nàng khóc như con nít. Họ đã cùng chứng kiến những cảnh khổ đau vừa xảy ra.
- Tôi biết, - Marque dịu dàng nói và như mọi khi, bà không quan tâm đến sự mệt mỏi trong người. Công việc này là lẽ sống của đời bà và bằng lòng chia sẻ sức sống của mình cho những người nào cần nó hơn bà. Trong quá trình làm việc, bà không sợ chết. Bây giờ công việc là lẽ sống của bà, là niềm hạnh phúc đối với bà. - Tôi biết lần đầu tiên chứng kiến cảnh này cô rất đau đớn. Cô đã làm việc thật tuyệt vời. - Bà khen nàng. Christianna vẫn nép người trong vòng tay bà. Nàng không lớn hơn một đứa bé. Đêm đó, hai vệ sĩ của nàng đã khóc nhiều lần, họ khóc rất tự nhiên. Christianna quý trọng họ vì điều này. Giống như Marque đã thương nàng vì tất cả những hành động của nàng. Một hồi lâu, Christianna mới lau nước mắt và đứng nhích ra khỏi vòng tay của bà. Nàng không được mẹ ôm ấp như vậy đã lâu, nàng thường mong được có những giây phút như thế này. Mong có ai ôm ấp mình cho đến khi nàng lấy lại được can đảm để đương đầu với cuộc đời. Christianna không tin nàng đã lấy lại can đảm. Nàng không bao giờ quên những cảnh bi thương đã diễn ra trong đêm, không bao giờ quên cảnh mừng rỡ sung sướng của những cha mẹ tìm thấy con mình còn sống. Nàng đã khóc rất nhiều trước những cảnh tượng ấy.
- Nếu cô muốn đến làm việc với chúng tôi, thì hãy gọi báo cho tôi biết. - Marque nói, với tất cả lòng thành.
- Tôi nghĩ cô sẽ có được niềm vui trong việc này. - Bà đã tìm điều đó sau khi các con bà đã chết. Bà đã coi những đứa bé ở châu Phi như con mình. Trong những năm làm việc cho tổ chức này, bà thương yêu vỗ về những trẻ em trên khắp thế giới. Bà đã biến sự mất mát tang thương của mình thành niềm vui, hạnh phúc cho kẻ khác.
- Ước gì tôi đến làm việc được. - Christianna đáp, người vẫn còn run. Nàng biết chắc rằng làm việc cho họ là điều rất xa vời. Chắc cha nàng sẽ không cho phép nàng làm việc này.
- Cô có thể làm trong một thời gian ngắn thôi. Cứ suy nghĩ đi. Dễ tìm tôi lắm. Cứ gọi đến văn phòng Hội Chữ thập đỏ Quốc tế tại Geneva, mọi người ở đây đều biết tôi đang ở đâu. Tôi không ở đâu lâu. Nếu cô muốn, chúng ta sẽ nói chuyện với nhau.
- Tôi thích như thế, - Christianna đáp, lòng ước gì có thể thuyết phục được cha. Đồng thời nàng biết không hy vọng gì thuyết phục được ông. Nghe ý kiến ấy, thế nào ông cũng nổi trận lôi đình. Nhưng làm việc cho Hội Chữ thập đỏ có ý nghĩa hơn làm việc ở nhà rất nhiều, ngay cả làm việc cho cơ sở từ thiện. Đây là lần đầu tiên trong đời, nàng cảm thấy mình được sống hữu ích, như thể đời nàng có mục đích để sống, chứ không phải gặp đâu hay đó. Nàng nghĩ, cho dù rồi đây hai người không gặp lại nhau, nhưng nàng sẽ nhớ mãi Marque. Trên thế giới, có nhiều người đã có cảm nghĩ như nàng về bà như vậy.
Hai người phụ nữ lại ôm nhau hôn tạm biệt và khi xe của Hội Chữ thập đỏ ra đi lúc bình minh, Christianna, Max và Samuel quay lại chỗ họ để xe. Xe bị nhiều vết đạn bắn phải, tấm kính chắn gió vỡ vụn thành những miếng nhỏ li ti nằm dưới sàn xe. Hai vệ sĩ cố sức dọn sạch mảnh kính trong xe. Không có kính chắn gió, thế nào khi quay về phi trường họ sẽ bị gió lạnh. Sau khi xe của Hội Chữ thập đỏ đi một lát, họ cũng ra về vào lúc mặt trời bắt đầu ló dạng. Chỉ còn lính tráng và cảnh sát ở lại khu vực này. Tất cả xác chết đều đã được mang đi hết. Xe cấp cứu không còn chiếc nào.
Các học sinh chết ở đây sẽ được mọi người nhớ mãi không quên.
Chuyến đi về Vladikavkaz mọi người đều giữ im lặng. Cả Christianna lẫn hai vệ sĩ không ai nói với nhau quá vài tiếng. Họ quá mệt mỏi, quá xúc động trước cảnh tượng họ vừa chứng kiến. Lần này Max lái xe, còn Samuel ngủ ở chỗ ngồi phía trước, Christianna thì nhìn qua cửa sổ. Họ đã đến đây một ngày hai đêm, mà mọi người đều xem như quá lâu. Suốt chuyến ra về, Christianna ngồi thức, nghĩ đến người đàn bà có thai, bây giờ chị ta thành góa phụ với cha con. Nàng nghĩ đến Marque, đến nét dịu hiền trên mặt bà, đến lòng tốt và tình thương người vô bờ của bà. Nàng nghĩ đến lời bà nói lúc hai người sắp chia tay, nàng ước chi sẽ có cách để thuyết phục cha cho nàng đi làm công việc này. Nàng không muốn học để có bằng thạc sĩ ở Sorbonne. Cái bằng đối với nàng chẳng có ý nghĩa gì. Nhưng điều nàng nghĩ đến nhiều nhất là những khuôn mặt nàng thấy vào tối hôm đó, những người đã chết, những người thân của họ, những cảnh bi thương hãi hùng và những kẻ tàn bạo đã gây nên bao tang tóc, cũng như sự vô lương tâm của chúng. Khi về đến phi trường, nàng vẫn yên lặng và hoàn toàn tỉnh táo. Họ trả lại xe, cam đoan đền bù những thiệt hại cho hãng. Christianna nói họ cứ tính tiền sửa chữa xe vào thẻ tín dụng mà nàng đã đưa cho họ trước đó. Khi họ đi qua phi trường, nàng thấy nhiều người nhìn nàng, nàng không hiểu tại sao. Người vệ sĩ choàng áo khoác của mình lên vai nàng.
- Tôi không lạnh mà, - nàng nói rồi, trả lại áo cho anh ta. Anh ta nhìn nàng với ánh mắt buồn bã.
- Thưa công chúa, người công chúa bị dính nhiều máu, - anh ta đáp. Nàng liền nhìn xuống áo len đang mặc, thấy dính nhiều máu thật. Máu của nhiều giáo viên và học sinh cũng như người thân của họ dính vào nàng khi nàng tiếp xúc với họ. Nàng nhìn vào gương, thấy máu cũng dính trên tóc mình. Đã hai ngày rồi nàng không chải tóc. Nàng không để ý đến mình, không quan tâm đến gì ngoài việc chú ý chăm sóc những người lâm nạn ở Digora. Khi ấy chính họ mới là những nhân vật quan trọng.
- Nàng vào phòng vệ sinh, sửa sang lại dung nhan cho chỉn chu, sạch sẽ, nhưng chỉ tương đối thôi. Giày nàng lấm bùn, quần jeans và áo len dính máu. Nàng trình hộ chiếu để ra về, lần này không ai hỏi han gì cả. Vì họ ra về, nên hộ chiếu của nàng có vẻ không thành vấn đề nữa. Khuya đó, họ về đến nhà.
Các vệ sĩ đã gọi về nhà báo trước, nên tài xế của nàng đã lái xe đến phi trường để đón họ. Họ đã yêu cầu tài xế trải khăn lên chỗ ngồi, khiến tài xế hoang mang cho đến khi anh ta gặp nàng mới rõ vấn đề. Mới đầu anh ta không tin đấy là máu. Khi nhận ra máu, anh ta quá sửng sốt, nhưng không nói gì. Họ lặng lẽ lái xe về lâu đài ở Vaduz. Khi cổng mở, họ đi vào, nàng nhìn cung điện nơi nàng đang ở, nơi nàng đã chào đời và sẽ mất đi vào một ngày nào đó, nàng hy vọng nàng sống đến già mới chết. Điều mà nàng nghĩ đến là nàng tin chắc trong ba ngày qua ở đây không có gì thay đổi, nhưng nàng thì đã trở thành con người khác. Nàng công chúa về nhà sau khi có mặt ở Digora đã hoàn toàn thay đổi.
Đến Rồi Bến Đợi (H.r.h.) Đến Rồi Bến Đợi (H.r.h.) - Danielle Steel Đến Rồi Bến Đợi (H.r.h.)