Số lần đọc/download: 8097 / 18
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Chương 5 -
T
hu Phong ngồi yên trên giường để chị Xuân Hương trang điểm. Không hiểu sao mấy thứ son phấn này trước đây luôn làm cô hiếu kỳ. Nhưng bây giờ, khi lần đầu chị Hai tỉ mỉ dùng trên gương mặt cô thì cô lại cảm thấy thờ ơ chán ghét.
Chị Xuân Hồng đóng bộ một chiếc đầm đỏ cứ lăng xăng chạy ra chạy vào từ trong buồng tới ngoài ngõ, và luôn giơ tay nhìn xuống đồng hồ.
Má đã bới đầu xong, đang coi mọi việc trong ngoài cho chu toàn trước giờ đàng trai tới.
Chỉ là một lễ dạm ngõ đơn sơ để mượn cách đón một cô dâu chưa đủ tuổi, nên quang cảnh nhà Thu Phong không nhộn nhịp lắm, bà con và láng giềng cũng chỉ lác đác dăm người chứng kiến.
Cổng không kết hoa, nhà chỉ có bàn trà và mấy dĩa bánh suông. Nếu không có bộ lư hương được đánh bóng sáng loáng, không có những bộ quần áo tươm tất của mọi người thì không ai biết nhà cô đang có chuyện quan trọng. Cái lẽ xin đón dâu sớm này có lẽ lạ lùng và khác thường nhất từ trước đến nay.
Vài người hàng xóm đi ngang nhìn vào một cái, năm ba đứa nhỏ chân trần hiếu kỳ chỉ trỏ ngoài rào. Má phớt lờ những dè bĩu vì cách làm vội vã của mình, còn ba cô thì thẫn thờ đi tới đi lui bên hè, như buồn vì cảnh con gái mình lấy chồng trong thầm lặng tủi hổ.
Đàng trai tới không kèn không trống, không ồn ào pháo rắc, cũng không có lũ con nít hò reo. Bởi vì đàng trai chỉ vỏn vẹn có ba nhân vật, hai người lớn và một đứa con nít.
Đàng trai tới khi chị Hai vừa bím tóc cho Thu Phong xong, mớ tóc làm chị than vãn không ít vì chỉ có bím lại mới dấu được mớ đuôi tóc cháy vàng vì nắng gió.
Khi với tay lấy cái áo dài hồng đã ủi sẵn trên mắc xuống, chị Xuân Hương quay lại và hốt hoảng vì không thấy bóng Thu Phong đâu. Chị tuôn chạy ra cửa phòng, suýt va phải má đang bước vào.
Má giữ lấy tay chị mà nhăn mặt:
- Sao lạ hấp tấp vậy con? Đàng trai đã đến đầu ngõ rồi kìa.
Chị quýnh quáng báo ngay:
- Thu Phong nó đâu rồi má ơi.
Má gạt chị qua nhìn quanh khắp gian phòng trống:
- Sao lại như vậy được?
- Con cũng không biết, mới quay qua lấy cái áo...
Giọng má rít nhỏ:
- Cái con quỷ này, dám bây giờ lại đổi ý có phải chết tao không. Mau đi kiếm nó đi. Tao phải lên nhà trên tiếp khách. Lẹ lên!
Chị Xuân Hương mặt mày tái mét chạy ngó dáo dác khắp nơi. Lòng thầm mong bắt kịp cô em út ngốc nghếch cứng đầu. Đã hấp tấp ra đầu cổng, tiếng xôn xao của khách khứa và má làm cô sực nhớ mà chạy vào trong trước. Tới sau hè, chị thở phào khi thấy lại được bóng cô em gái.
Thu Phong đứng cạnh ba bên bờ ao cá. Cả hai cha con đang lặng lẽ ngắm nhìn những con cá vô tư tung tăng bơi lội trong cái ao tù đọng nhưng đã quen thuộc với chúng từ lâu.
Hai cha con không nói gì, nhưng có lẽ mối đồng cảm còn nhiều hơn cả những lời nói.
Khi thấy Xuân Hương vừa thở dồn vừa trờ tới, ba cười gượng bảo con gái cưng:
- Có lẽ... đã đến giờ rồi, con vào nhà đi.
Thu Phong đưa mắt nhìn ba thật lâu, như cố ghi vào tâm khảm hình ảnh người thân yêu nhất của mình.
Khi quay người theo chị trở vào nhà, cô có nghe một tiếng thở dài của ông vọng lại. Rồi đây khi cô đi rồi, có lẽ ba sẽ cô độc lẻ loi như dáng đứng lúc nãy của ông.
Chị Xuân Hương không nói câu gì, ánh mắt chị như thông cảm với tâm trạng của đứa em nhỏ. Chị đóng cửa phòng, tự thay áo cho em. Tấm áo dài mà mới ngày hôm qua thôi, chị đã chạy lên chợ mua vội về cho nó. Mười tám tuổi, nhưng con bé chẳng hề có cái áo nào lành lặn và tươm tất.
Màu áo hồng làm nước da đen của nó càng thẫm màu, hai tà dài may vụng làm thân hình của nó càng gầy gò hơn. Con bé như non nớt quá với số tuổi mười tám.
Nhưng bù lại, dường như dưới tà áo, con bé lại có cái vẻ dịu dàng, nữ tính mà ngày thường, cái quần cộc và những cái sơ mi cũ, những cái áo thun dầy không thể hiện được điểm này.
Đổi cho em đôi giày cao gót, chị lùi lại nhìn cô rồi mỉm cười rạng rỡ:
- Em không hẳn là một con bé quá nhỏ con đâu Thu Phong, hẳn là em sẽ cao hơn cả Xuân Hồng nếu em bằng tuổi nó.
Thu Phong nhìn chị nhưng như không để tâm hiểu lời chị nói.
Nắm lấy bàn tay nhỏ của em gái, giọng chị nhẹ nhàng:
- Thật đó, mong rằng ở thành phố, em sẽ có cơ hội đổi khác hơn hiện nay.
Chị còn định nói thêm thì Xuân Hồng đã khoát nhẹ màn suỵt nhỏ:
- Má gọi ra kìa.
Chị Xuân Hương quay qua Thu Phong:
- Ra nhé em.
Vịn tay chị, Thu Phong bước lên gian nhà trên.
Trước bàn thờ ông bà nghi ngút khói, Thu Phong thấy có lố nhố người đứng ngồi, nhưng cô không dám nhìn kỹ là ai. Chỉ loáng thoáng nhận rõ giọng cười nói ồn ào vui vẻ của bà Thẩm.
Và cả giọng má hồ hởi giới thiệu:
- À, đây rồi, con gái! Bước lại chào dì Thẩm và anh Nguyên đi con.
Thu Phong máy móc gật đầu về hướng cái giọng cười vui vẻ kia. Rồi quay qua bên này chào Vĩnh Nguyên.
Đôi giày cao gót lạ chân sao mà khó xoay trở quá chừng. Cô chỉ mới nghĩ đến thì đã chuệnh choạng ngã nghiêng trong tiếng kêu của nhiều người. Vĩnh Nguyên ngồi gần nên cũng đứng bật dậy đỡ lấy cô. Ai ngờ anh cũng chả đỡ kịp mà còn bị cô quờ tay lôi theo ngã uỵch xuống sàn đất.
Cả gian nhà im phăng phắc trong một giây bất ngờ. Thu Phong hốt hoảng ngóc đầu dậy trước nhìn quanh.
Mắt cô gặp đôi mắt kinh ngạc trố ra khắp trong ngoài, chỉ trừ một đôi mắt mở to đen thật gần, một đôi mắt trong trẻo vô tư ấy, nhìn cái miệng hé ra ngây thơ của nó, rồi đột nhiên không biết nghĩ sao cô phá lên cười.
Tiếng cười của cô như cùng lúc với tiếng cười của người đàn ông cũng đã ngồi dậy cạnh bên, cùng lúc với tiếng ngân vang như chuông nhỏ của cu nhóc có đôi mắt tròn kia. Tiếng cười của bộ ba này thật sảng khoái, thật vui vẻ làm ảnh hưởng những bộ mặt ngỡ ngàng của những người có mặt.
Họ cũng bật cười theo. Có tiếng thở phào của vài người lẫn trong tiếng cười ấy. Âm thanh vui vẻ lan ra ồn ào và hỉ hả làm không khí trang nghiêm, trịnh trọng nãy giờ cũng tan biến mất luôn.
Thoạt đầu má Thu Phong và bà Thẩm cũng điếng người e ngại, nhưng rồi thấy không khí xoay chuyển thuận lợi như thế, họ cũng nhìn nhau và ngầm gật đầu yên tâm.
Nguyên đỡ Thu Phong ngồi lên ghế của anh, cạnh cu Phong, anh bảo nhỏ:
- Em cứ ngồi luôn ở đây, đi mấy đôi giày không quen cực lắm.
Hành động của anh làm một số người có mặt có thiện cảm, những ánh mắt cũng bớt soi mói hơn.
Có chỗ ngồi cạnh "đứa bạn cũ", Thu Phong thích chí quá chừng. Gương mặt cô từ lúc đó trở nên tươi tắn và đầy thần sắc.
Cô vẫn biết mình đang là nhân vật chính trong một lễ dạm ngõ đơn sơ, nhưng dường như cô đã cảm thấy không có gì phải quá lo sợ nữa.
Nụ cười của cu Phong, cánh tay nhanh nhẹn vươn ra đỡ lấy cô khi nãy của Vĩnh Nguyên, tất cả cho cô mơ hồ một cảm giác an toàn và bình yên. Và một người con gái khi lấy chồng xứ lạ, có còn mong gì hơn vậy đâu.
Nguyên chỉ đem theo một mâm lễ nhỏ nhưng những thứ anh trình ra cũng làm nhiều người trầm trồ.
Lại thêm một cảnh tréo ngoe khi Nguyên đỡ Thu Phong đứng lên để anh đeo mấy món nữ trang cho cô. Sợi dây chuyền mảnh dẻ thì cũng hợp với tuổi cô, chỉ có đôi bông tai là làm anh phải khựng người lỡ ngỡ, vì Thu Phong đâu có xỏ lỗ tai.
Bà Thẩm với trách nhiệm mai dong, đã đỡ lời bằng tiếng cười xòa:
- Dì nghĩ để Thu Phong giữ lấy, chừng làm đám cưới mình đeo cũng không muộn.
"Có nghĩa là trong vòng hai tháng nữa, mình sẽ bị ép phải xỏ lỗ tai rồi", Thu Phong lãng đãng nghĩ.
Nếu chỉ để được đeo mấy thứ tòng teng lấp lánh kia, mà phải đục vành tai mình một cái lỗ đến bật máu thì thú thật, cô không ham chút nào. Nhưng... bây giờ cô đâu còn tự do nữa, ai mà cần cô thích hay không thích. Đành phải vậy thôi.
Chỉ một lúc là cũng đã đến giờ lên đường.
Lạy trước bàn thờ tổ tiên Thu Phong ngậm ngùi. Quay chào má, cô chỉ ngơ ngác tự hỏi sao gả được cô rồi mà má vẫn cầm khăn tay chậm nước mắt? Nhưng khi cô quay qua ba, ông gượng cười, còn cô lại muốn mếu. Nguyên như biết ý, anh bước đến vịn nhẹ vai cô:
- Tôi sẽ đưa em về thăm ba thường, đừng lo Thu Phong.
Cô gật gật đầu cố ngăn mình không hu hu trước, vì cô biết nếu mình tuôn nước mắt, chắc chắn ba ở lại sẽ càng đau lòng hơn nữa.
Ba khàn giọng bảo cô:
- Ngoan nhé con. Hãy là một người vợ tốt.
Cô lại gật đầu nghẹn lời.
Ba bắt tay Vĩnh Nguyên, ánh mắt chứa đầy những dặn dò. Anh khẽ nói:
- Con hiểu ý ba, nhất định con sẽ săn sóc Thu Phong chu đáo.
Chị Hai xách một cái túi nhỏ đựng quần áo, vật dụng của Thu Phong bước ra. Nguyên đỡ lấy cái túi rồi cầm tay con, anh gật đầu với Thu Phong.
Con ngõ thường ngày vắng hoe, bây giờ bắt đầu nháo nhác bóng con nít hàng xóm.
Thu Phong lơ ngơ nghĩ mới năm ngoái đây thôi, cô cũng lăng xăng hiếu kỳ như lũ chúng nó, bây giờ thì lại đến lượt cô đóng vai một chị Mùi xa quê, một chị Mùi nhưng vu qui không rộn ràng đình đám, mà chỉ có một bài thơ nhỏ tiễn chân.
"Thưa ba, con đi đây. Ba ở lại mạnh khỏe. Mong sao con làm đươc. lời mình hứa với ba trước khi ra đi, để mai đây thỉnh thoảng họ có thể cho phép con về lại thăm ba, thăm mảnh đất nghèo này. "
Thu Phong nén cơn cảm xúc để không phải nghẹn ngào.
Nắm tay cu Phong, cô bước thấp bước cao với con đường làng quen thuộc mà nhớ cảnh mấy cô gái thị thành rước dâu hôm nào. Nhưng Nguyên không xa lạ như anh chú rể Việt kiều áo vest trắng và cà vạt đỏ kia.
Anh chỉ mặc chiếc sơ mi trắng đơn giản như hôm đầu tiên gặp cô, thêm cà vạt xanh đậm như chút trịnh trọng, vai anh khoác cái túi xách của cô, tay anh nắm tay kia của cu Phong. Hình ảnh của anh như gần gũi một chút trong mắt mọi người.
Vui sướng và lạ lẫm nhất vẫn là chú nhóc Phong. Dù chẳng hiểu chi, nhưng hôm nay chú cảm thấy rất vui vẻ. Hai tay nắm tay hai người, chú hân hoan ngó nhìn cảnh lạ xung quanh với chút e dè.
Những cái vẫy tay, những lời từ tạ rồi cũng rứt, chiếc xe lăn bánh trên con lộ lầy lội đầu mùa mưa để lại nỗi tiếc nuối của miền đất tuy nghèo nàn, nhưng bao năm in dấu chân hiếu động của cô nhỏ Thu Phong.
Vĩnh Nguyên ngồi băng trước với tài xế. Cu Phong rụt rè đòi anh cho nó ngồi phía sau với Thu Phong. Anh mỉm cười đồng ý ngay.
Xe chỉ vừa chạy một đỗi, anh đã nghe tiếng dì Thẩm nhỏ giọng càu nhàu bảo Thu Phong hãy mang lại giầy. Giọng cô cũng nhỏ, nhưng chỉ để phân trần:
- Đôi giầy này không vừa với con đâu, đau chân và khó đi lắm dì à.
Giọng dì Thẩm như kềm bực dọc:
- Nhưng ít nhất con phải nghĩ đến hôm nay là ngày gì, nghĩ đến con đang là ai chứ. Luôn tuồng thoải mái như ở quê đâu có được. Con bây giờ không phải là con gái út ông Hai Trạng nữa, mà là vợ người ta rồi.
- Dạ con...
Nguyên đành quay xuống can thiệp:
- Không sao đâu dì. Giày cao gót khó đi thật mà, em Phong đi không quen thì cứ cởi ra. Từ đây về Sài Gòn còn xa, thoải mái một chút cũng tốt.
Im lặng một giây, rồi dì Thẩm thở ra dấm dẳng:
- Thôi cũng được. Nhiệm vụ của dì chỉ là mai dong, còn nhiệm vụ của con bây giờ chắc con cũng hiểu, dì không tiện nói nữa.
Nguyên vâng dạ mà cười thầm cho bà dì họ của mình.
Anh cũng hiểu bà dì không thích nét trẻ con chân chất của Thu Phong, nhưng vì không thể dành chỗ ngồi trên với tài xế, nên đành phải nín nhịn khi chứng kiến cảnh cô dâu mới tỉnh bơ tháo giày kiểu ấy.
Xe đến chợ Biên Hòa thì ngừng lại để bà Thẩm xuống. Sau khi dặn dò Vĩnh Nguyên lần nữa về việc tổ chức hôn lễ sắp tới, bà mới có vẻ yên tâm mà vào nhà.
Xe lại tiếp tục về hướng Sài Gòn, băng sau lần này rộng rãi quá cho hai dì cháu. Nguyên không hiểu sao những tiếng cười rúc rích của con cứ nổi lên hoài. Nửa tò mò muốn góp tiếng cười, anh ngoái xuống hỏi:
- Gì vui mà hai dì cháu cười hoài vậy?
Thu Phong không đáp. Nguyên ngạc nhiên khi thấy dường như cô có nét ngượng ngùng xấu hổ.
- Gì vậy cu Phong, kể thử ba nghe xem.
- Đâu có gì đâu. - Thu Phong buột miệng cản lại.
Anh nheo mắt:
- Thật không có gì?
Cô lúng túng:
- Chỉ là... nhắc chuyện cái hồ.
- Vậy à! - Anh gật gù.
Nhưng một lúc, đợi cô không để ý, anh ngoắc cu Phong đứng lại gần và hỏi nhỏ con:
- Hồi nãy có gì mà cười dữ vậy con?
Cu Phong im lìm. Đợi anh hỏi gặng mấy lần nữa nó mới chịu thì thào:
- Con chỉ hỏi sao hồi nãy chị Phong đè ba té.
Nguyên nhướng mày cố nhịn cười:
- Rồi chị Phong nói sao?
Cu cậu lắc đầu, Nguyên giải thích:
- Không phải chị Phong đè ba té, mà tại vì ba dở, không đỡ được chị Phong thôi.
Cu Phong chẳng biết có hiểu không, nhưng nó quay lại chỗ ngồi cạnh "chị" nó. Và một lúc lại vang lên tiếng cười. Lần này thì là hai giọng cười, giọng nào cũng thánh thót, cũng nắc nẻ thật hồn nhiên. Nguyên lại ngoái nhìn xuống.
Trời! Cả hai đều đang quỳ gối trên nệm, đưa lưng về phía anh. Cô vợ mới của anh đang chỉ trỏ gì đó với nhóc Phong và thằng nhóc cũng gật gù. Cảnh về nhà chồng ngộ như vậy sao? Nguyên lắc đầu cười.
Anh chợt nghe tiếng con mình líu lo nói gì đó. Nguyên tưởng mình như nghe lầm, anh chắc lưỡi thán phục. Quả là một thành tích vượt bậc của Thu Phong khi làm nhóc Phong hào hứng đến như vậy.
Quay lên nhìn con đường trải rộng trước mặt, anh mỉm cười.
Đường trước mắt dẫu còn thênh thang và nhiều ngã rẽ, nhưng anh mong mình không lầm khi đã cố tâm thực hiện cái quyết định mà tin rằng có nhiều người dè bĩu là điên rồ.