The walls of books around him, dense with the past, formed a kind of insulation against the present world and its disasters.

Ross MacDonald

 
 
 
 
 
Tác giả: Dave Barry
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Big Trouble
Dịch giả: Việt An
Biên tập: Việt An
Upload bìa: Lin Hal
Số chương: 16
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 10
Cập nhật: 2022-04-16 15:18:48 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
ho con mẫu khom xuống xíu nữa là ngon,” Khách Hàng Âm Binh Béo Đần góp ý, “khoe thêm tí gazomba.”
“Ý kiến hay, thêm gazomba,” Eliot gật đầu, làm bộ chép vô sổ như sợ quên. Anh còn hơi sức nào để tranh cãi vào sáng nay nữa, phờ phạc quá rồi. Thật là một đêm ròng rã: Anh đưa Matt về nhà lúc 2 giờ sáng, và dành bốn lăm phút tiếp theo để nghe vợ cũ, Patty, xạc cho một trận tơi bời khói lửa. Patty nào phải tuýp người hở tí là mắng mỏ, nhưng nàng luôn nhìn ra ngay đâu là quyết định hồ đồ của một bậc phụ huynh.
“Anh biết trước cái vụ này?” Patty nói. “Anh biết nó đang sửa soạn xách súng vô nhà người ta, vào ban đêm? Ở Miami? Và anh cứ để nó đi?”
“Súng nước mà,” lời phân trần của Eliot khiến Patty trợn trừng cặp mắt, tới mức anh lo sợ chúng sẽ nẩy poóc ra ngoài và dội tưng tưng trên sàn nhà bếp. Patty luôn là người chín chắn hơn nhiều so với Eliot; đó là nguyên do cốt tử dẫn đến đổ vỡ hôn nhân giữa họ.
Eliot gần như nín khe sau đó. Anh chỉ đứng ngây như phỗng và đón nhận dòng thác chỉ trích tuôn xối xả lên mình, bởi anh biết Patty hoàn toàn đúng: anh đích thị là một thằng cha ngu xuẩn vô trách nhiệm đã để con mình lâm vào một tình thế hiểm nguy. Đâu đã hết (Patty nhắc khẽ, tránh để Matt nghe thấy), anh đã khất tới năm tháng tiền cấp dưỡng và chi phí nuôi con ăn học.
“Xin lỗi em,” Eliot nói lúc sắp sửa rời đi. “Anh đang làm việc hết sức.”
“Em biết,” Patty nói. “Bởi vậy em mới lo.”
Trên đường lái xe về, Eliot miên man suy ngẫm về cảnh ngộ bản thân: Anh là một thất bại toàn diện trên cương vị làm chồng lẫn làm cha; công việc hiện tại của anh là một trò đùa; tiền đồ tuyệt nhiên không có, và anh đang lái một con Kia. Thúc ép các tế bào não hoạt động hết công suất, cưỡng lại mọi bản năng, anh cố đề ra một kế hoạch hợp lí nhất, khả thi nhất để chấn hưng đời mình. Và một ý tưởng xẹt qua trong trí anh: tự tử. Phải rồi, anh sẽ viết một lá thư tuyệt mệnh (nửa hóm hỉnh nửa xúc động), bận một chiếc quần lót sạch sẽ thơm tho, và rồi trầm mình từ cái ban công ọp ẹp tại căn hộ ọp ẹp của mình xuống bãi đỗ xe, ráng canh sao cho trúng con Trans Am 1987 của thằng khốn phòng 238 tối nào cũng mở nhạc ầm ĩ từ dàn âm ly Death Star của nó, và... chạch, xịt mắm, mọi vấn đề được giải quyết. Bảo hiểm nhân thọ của anh sẽ giúp Matt hoàn thành đại học. Tại tang lễ, mọi người sẽ nhắc lại những phóng sự văn học anh đã chắp bút, và mô tả anh như một người “phức tạp” nhưng “mẫn tuệ”.
Dòng tư tưởng đó an ủi Eliot phần nào, cho đến khi anh nhớ ra mình quá sợ độ cao để có thể nhảy lầu. Đến đứng nướng hot dog ngoài ban công anh còn không dám nhìn ra lan can nữa nói chi. Rồi bảo hiểm nhân thọ đâu ra? Anh làm gì có cái nào? Suy đi tính lại, quyết định sau rốt của anh là: sống tiếp và thất bại tiếp.
Quay quắt về lại căn hộ của mình lúc 3 giờ sáng, anh dành bốn tiếng tiếp theo để tợp cà phê đen và tập trung vào dự án Bia Đầu Búa, sáng mai là phải có cho người ta rồi. Anh đã dự định thực hiện nó với một ý tưởng hết sẩy nguyên thủy, hết sẩy tưởng tượng, hết sẩy sáng tạo và hết sẩy thuyết phục – đến mức ngay cả Khách Hàng Âm Binh Mập Đần cũng phải công nhận nó hết sẩy con bà bảy. Nhưng bởi đã quá khuya và quá mệt, anh đành song hành với: vú bự.
“Tao là điếm, hài lòng chưa?” anh lầu bầu độc thoại trong lúc làm việc. “Có vấn đề gì không?”
Và khi Khách Hàng Âm Binh Béo Đần cà rịch cà tang bước vào văn phòng Eliot sáng hôm sau, trễ bốn lăm phút, chẳng buồn gõ hay đóng cửa, hắn thấy một hàng chữ to đùng trên giá gỗ
PHÊ VỚI ĐẦU BÚA!
Dưới hàng chữ là bức minh họa Eliot thiết kế bằng cách chắp vá những hình ảnh lượm lặt từ Internet. Nó có một gã người mẫu bóng nhẫy, lực lưỡng đang nhếch mép cười trên chiếc mô tô nước, nhận chai Bia Đầu Búa từ tay một nàng người mẫu có bộ ngực nom in hệt hai trái banh bóng chuyền, và diện quả bikini dây mỏng lét như một sợi DNA.
Hình ảnh trong bức minh họa không hài hòa về tỉ lệ, bởi Eliot vốn chỉ biết quọt quẹt về máy tính, mà muốn đọc hướng dẫn cũng đành chịu bởi tìm không ra cặp kiếng. Bởi vậy mà gã người mẫu, so với cô gái, nom nhỏ bé đến khôi hài, như một con chồn lực lưỡng, bóng nhẫy đang nhếch mép cười; thậm chí một bên vú của cô gái còn to hơn cái đầu hắn. Chai bia thì hiện lên với kích thước của một trụ nước cứu hỏa. Nhìn kiểu gì cũng chỉ thấy đó là một thảm họa thiết kế, nên cố nhiên là Khách Hàng Âm Binh, ngoài chuyện muốn thấy nhiều gazomba hơn, cho rằng nó đỉnh vãi chưởng.
“Thấy chưa?” hắn quay sang Eliot, nói với giọng hí hửng. “Thấy sự khác biệt chưa?”
“Ờ,” Eliot ậm ừ, “nhìn chung thì...”
“Anh có VÚ BỰ! Thay vì CÁ BỰ!” Khách Hàng Âm Binh nhấn mạnh. “Hiểu chớ? Nghe thủng chớ?”
“À,” Eliot nói, “tôi...”
“Cứ hỏi bất kì thằng nào xem nó muốn gì, vú hay cá, coi nó trả lời anh sao,” Khách Hàng Âm Binh tiếp tục.
“Tôi đoán là...”
“NÓ SẼ NÓI: VÚ!” Khách Hàng Âm Binh đắc thắng.
Gã kiểm toán viên phòng bên thình lình xuất hiện trên ngưỡng cửa văn phòng Eliot, nhìn anh không chớp mắt trong năm giây, đoạn sập cửa cái rầm.
“OK, chốt nghen,” Eliot nói, “nội dung coi như xong rồi, còn vị trí đặt nữa thôi, nhưng trước tiên...”
“Cổ có ở đâu đó quanh đây không?” Khách Hàng Âm Binh hỏi, trỏ ngón tay chuối mắn của hắn vào cô nàng gazomba.
“Ờ không,” Eliot đáp. “Cổ ở... ờ... Uruguay.”
“Uruguay?” Khách Hàng Âm Binh nhíu mày. “Uruguay có vú vê cỡ này sao?”
“Ồ, vang danh bốn bể ấy chứ,” Eliot nói càn, “Người ta thường gọi: ‘Uruguay: Thủ Đô Bưởi của Thế Giới’ mà! Nhưng tôi nghĩ ta nên nói sơ qua chút về, ờ, chi phí của anh, bởi...”
“Uruguay ở mô?” Khách Hàng Âm Binh hỏi tiếp. “Phải nó ở, gì ta, Châu Âu đúng không?”
“Không,” Eliot nói, “Nó ở Mỹ La Tinh. Chuyện là, tôi đã gửi đến anh một số thông báo, có điều...”
“Mỹ La Tinh?” Khách Hàng Âm Binh chắt lưỡi, ngắm nghía cô nàng gazomba với một niềm thích thú mới mẻ. “Nói vậy đây là một con mọi?”
“Này anh,” Eliot thở dài. “Ta thật sự cần phải...”
“Nhiêu?” Khách Hàng Âm Binh nói, mắt vẫn châm bẫm vào cô nàng gazomba.
“À,” Eliot nói, “không có cọc, à, đã có cọc, không, ý tôi là tôi đã gửi thông báo yêu cầu đặt cọc, nhưng anh không... cũng có khi nó chưa qua hộp thư, nhưng...”
“Nhiêu?” Khách Hàng Âm Binh quay sang Eliot.
“Đây anh,” Eliot chìa cho hắn bản chi phí.
Khách Hàng Âm Binh đưa mắt nhìn tờ giấy.
“Một nghìn hai trăm đô la?” hắn thốt lên.
“À,” Eliot nói, “hãy ghi nhận là...”
“Một nghìn hai trăm đô la chết tiệt?” Khách Hàng Âm Binh xéo xắt. Hắn tốn nhiều hơn nghìn hai trăm đô mỗi tháng để đánh bóng nửa đầu sau của mình, duy thằng này thực sự sung sướng khi nhìn kẻ khác ngóc cổ chờ tiền của mình. Chuyện đó kích thích hắn như sex vậy.
“Chậc,” Eliot chắt lưỡi, “đó là một cái giá phải chăng, ý tôi là, nếu anh nhìn vào...”
Eliot bỗng im bặt ngay cả khi không bị chặn họng, bởi trước sự sửng sốt của anh, Khách Hàng Âm Binh đang lôi cuốn sổ séc ra, rồi đến cây bút mực của hắn. Cây bút nom cũng mập như thằng chủ. Khách Hàng Âm Binh, cảm biết được nỗi hi vọng khốn cùng của Eliot, rề rà viết séc; nắn nót xé nó ra, đoạn cầm vỗ vỗ lên bàn tay múp míp của hắn, ngắm nghía Eliot trước khi đưa nó cho anh.
Eliot nhìn tấm séc.
“Trong này ghi là bốn trăm đô la,” anh nói.
“Hỏi anh một câu nghen,” Khách Hàng Âm Binh nói. “Ý tưởng này của ai?” Hắn vươn cánh tay mập về phía tấm quảng cáo bia.
“À,” Eliot nói, “anh quên mất sự đầu tư không thể chối cãi về thời gian và công...”
“AI NGHĨ RA Ý TƯỞNG VÚ?” Khách Hàng Âm Binh rống lên. Ngoài hành lang dội vào một tiếng sập cửa; Eliot biết gã kiểm toán viên đã rời văn phòng để đi kiếm người quản lý tòa nhà.
“Anh,” Eliot nói.
“Anh có thấy con cá nào trong hình không?” Khách Hàng Âm Binh hỏi.
“Không,” Eliot nói.
“Theo cách tôi nhìn nhận,” Khách Âm Binh nói, “tôi đã nghĩ ra ý tưởng. Đó là ý tưởng CỦA TÔI.”
Eliot ngó tấm séc, rồi ngó tấm quảng cáo xôi thịt quái đản, rồi lại ngó tấm séc. Anh cúi gằm mặt vào tấm séc hồi lâu. Đến khi cất lời, anh thậm chí không ngước mắt lên.
“OK,” anh nói.
Khách Hàng Âm Binh, nhoẻn một nụ cười nọng mỡ, quay lại nhìn tấm quảng cáo.
“Vú vê thế kia,” hắn lắc đầu, chép miệng. “Mà lại của một con mọi nữa mới ác.” Và rồi, không lời cáo từ, không buồn khép cửa, hắn dông thẳng.
Eliot vẫn nhìn tấm séc.
“Tao là điếm,” anh chua chát tuyên bố, với cái văn phòng của mình.
Điện thoại reo, và Eliot nghiêng về việc không bắt máy hơn, bởi đó rất có thể là tay quản lý tòa nhà gọi để thông báo (a) anh đang làm phiền những người thuê nhà khác, và (b) anh đang nợ hai tháng tiền nhà. Song cũng có thể là Matt gọi. Anh nhấc máy.
“Eliot Arnold,” anh nói với giọng thủ thế.
“Chào anh,” một giọng phụ nữ cất lên, Eliot nghe tim mình nhảy dựng. “Tôi là Anna Herk.”
“A, là cô đó hả,” Eliot nói, hồi tưởng đến đôi mắt nàng.
“Matt sao rồi anh?” Anna hỏi. “Nó ổn chứ?”
“Ôi dào, nó khỏe re,” Eliot nói. “Thanh niên mà.”
“Thiệt tình tôi áy náy ghê vậy đó,” Anna nói.
“Ầy, chuyện nhỏ mà cô,” Eliot nói. “Phải ăn đòn nó mới biết khôn ra, miễn đừng ăn đạn là được.”
“Nói gì ghê vậy anh,” Anna cười khúc khích. “Nói chứ tôi rất xin lỗi vì đã nhảy lên người cháu nó. Và tôi cũng rất xin lỗi đã bắt anh nghe mình ca cẩm sự đời. Làm vậy chẳng phải chút nào.”
“Cô làm đúng mà,” Eliot nói, “Đêm hôm nó tới đó là bậy rồi.”
“À, còn chuyện này,” Anna nói, “ngoài chuyện gọi đến để xin lỗi lần nữa, tôi muốn hỏi chẳng may anh có bỏ quên cái kiếng đọc nào không?”
“À,” anh nói, “thú thật là có.”
“Gọng sừng phải không anh?” nàng hỏi.
“Đúng rồi.”
“Sản xuất ở Đài Loan?”
“Bốn đô chín mươi chín, ở hiệu thuốc Eckerd.”
“Cha,” Anna nói, “tôi mới thấy nó lần đầu đấy.”
Eliot cười khà khà.
“Thiệt mà anh,” nàng nói, “tôi mới thấy nó ở phòng gia đình đây thôi, và tôi đang tính ghé qua để trả anh.”
“Mất công cô quá,” Eliot nói. “Ba cái đồ thiên lôi ấy mà...”
“Đi mà anh,” nàng nói, “tôi muốn được tận tay trả anh cơ.”
Chao ôi.
“OK,” Eliot nói.
“Hình như anh ở khu Grove đúng không?” nàng hỏi.
“Đúng đó cô.”
“À, chiều nay tôi cũng có việc phải qua bên đó, sẵn tôi ghé chỗ anh luôn nha.”
Eliot đảo mắt một lượt cái văn phòng hom hem, bụi đóng lớp lớp, nhìn-là-thấy-mạt của mình, điểm sáng duy nhất chính là cô nàng gazmoba.
“Hay thôi,” anh nói, “cô đã cơm nước gì chưa? Hổng ấy mình đi đâu kiếm gì đó lót dạ vậy, cô thấy sao?”
“Anh đang rủ tôi đi ăn trưa đấy ư?”
“À không, ý tôi là, trong trường hợp cô...”
“Ăn trưa nghe hấp dẫn đó nha.”
Trời.
“Cô có biết quán Taurus không?” anh hỏi.
“Biết chớ.”
“Vậy một giờ được không cô?”
“Một giờ là hoàn hảo.”
“Tốt quá! Vậy hẹn gặp cô lát nữa nghen.”
“OK, chào anh nghen.”
“Chào cô nghen.”
Eliot gác máy và nhìn cái điện thoại, bụng bảo dạ: Một cuộc hẹn! Đại loại vậy!
Rồi anh nghĩ: Ngưởi ta đã có chồng rồi cha ơi, người ta chỉ đến trả kiếng cho cha thôi, và cha chỉ là thằng phế vật.
Song ý nghĩ ấy không ngăn được niềm hạnh phúc phi lý dâng trào trong anh, khi anh luýnh xuýnh khóa cửa lại và – men theo lối thang hậu, nhằm né mặt tay quản lí tòa nhà – phi thẳng ra ngân hàng để đổi tờ chi phiếu của Khách Hàng Âm Binh, nhờ đó anh có thể lo liệu được bữa cơm trưa.
HENRY VÀ LEONARD hội kiến với liên lạc viên của Penultimate, Inc. tại Dunley’s, một nhà hàng sang trọng tọa lạc trên Đại Lộ Brickell. Nó được bài trí như một câu lạc bộ đàn ông đặc tuyển với cơ man gỗ sồi và những bức tranh giả cổ, là điểm đến quen thuộc của giới thương gia, muốn gây ấn tượng tốt với khách hàng bằng việc thết đãi họ những tảng bít tết to không thua gì mấy con ngựa Shetland.
Liên lạc viên của Penultimate là một người đàn ông tên Luis Rojas, với chức danh là chủ nhiệm của những hoạt động đặc biệt. Họ ngồi tại góc phòng, cạnh một bàn có bốn gã luật sư đang bình luận om sòm về các câu lạc bộ golf. Henry và Luis Rojas hạ giọng hết mức; trong khi Leonard, chưa hết sây sẩm từ cú thiết đầu công, chủ yếu ngồi trệu trạo mấy miếng thịt.
“Ông chủ của tôi đang lo,” Rojas nói với Henry.
“Vậy hả?” Henry nói, thái một lát bít tết.
“Phải,” Rojas nói. “Ngài rất lo, và ngài muốn biết khi nào ông định hoàn tất công việc.”
“Có vài chuyện tôi cũng muốn biết,” Henry nói. “Chẳng hạn, thằng nào chạy lăng xăng ở đó với khẩu súng trường trên tay, và thằng nào đã úp sọt tôi từ trên cây?”
“Thằng trên cây nào kia?” Rojas hỏi.
“Thắc mắc cái chỗ đó,” Henry nói. “Ông đưa tụi này xuống đây, phán chắc nịch công việc này cũng đơn giản như mọi khi thôi. Đi vào và đi ra, ông nói. Không có bảo vệ gì ráo, cũng cái miệng ông luôn. Rồi coi, tôi có thằng Geromino đùng đùng xông vô nhà, và thằng Tarzan suýt làm mình gãy cổ.”
“Cả con nhỏ,” Leonard chêm vào trong lúc đang nhai.
“Con nhỏ nào nữa?” Rojas hỏi.
“Ngoài trời, cạnh bức tường, với Tarzan,” Leonard đáp. “Có một con nhỏ.”
Rojas trầm ngâm.
“Nghe này,” lão nói. “Như tôi đã nói, ông chủ của tôi đang lo ghê lắm, nên ông cứ cố xong sớm chừng nào tốt chừng nấy. Nhưng ngài cũng khá băn khoăn về bọn người kia, sao khi không lại có kẻ muốn... nhúng tay vào. Thôi thì cứ cho chúng tôi biết bất cứ gì ông khai thác được, coi như phần mở rộng của công việc vậy.”
Ở bàn bên, bốn tay luật sư đang nhâm nhi rượu cognac, và cùng châm lửa mấy điếu xì gà.
“OK,” Henry nói, thái một lát bít tết khác. “Bọn tôi có thể hoàn thành công việc, và sẽ cố tìm hiểu về Geromino và Tarzan. Song nhờ ông gửi lời đến ông chủ của mình: một, bọn tôi cần thêm thời gian, ngó đông ngó tây, khảo sát mấy cái cây, hiểu chứ? Và hai, thù lao sẽ tăng lên.”
Bốn gã luật sự đang kéo xì gà khí thế; khói thuốc cuồn cuộn bốc lên từ bàn như rồng bay phượng múa.
“Bao nhiêu?” Rojas hỏi.
“Chờ tôi chút,” Henry nói và đặt nĩa xuống. Đoạn hắn nhổm dậy khỏi ghế, tiến đến bàn bên cạnh và đứng đực ở đó, chờ đợi, cho đến khi bốn gã luật sư ngừng tán dóc và liếc nhìn hắn.
“Thưa các ông,” Henry nói, “Các ông cảm phiền dập mấy điếu xì gà đó đi được không?”
Gã luật sư bên trái Henry, Luật sư A, nghẹo đầu một cách rất kịch và làm vẻ mặt ngơ ngác, tuồng như hắn chưa nghe thủng.
“Phiền anh nhắc lại?” hắn nói.
“Tôi đã hỏi,” Henry nói, “các ông có phiền không nếu phải dụi mấy điếu xì gà đó đi.”
“Thú thực, tôi thì có phiền đấy,” Luật sư A nói. Luật sư B, C và D rúc rích cười.
“Sở dĩ tôi hỏi vậy” Henry điềm đạm nói, “là vì, có lẽ mấy ông chưa từng nghĩ tới điều này, nhưng khi các ông đốt mấy của nợ này lên, những người còn lại phải lãnh đủ mùi khói từ các ông. Tôi có món thịt thăn viền mỡ New York ngon lành ở đây, tốn của tôi hai mươi bảy đô năm mươi, và giờ in hình như tôi đang nhai một điếu xì gà vậy.”
“Nghe nè, Tí,” Luật sư B lên tiếng, “Một, không có luật nào cấm hút thuốc trong nhà hàng. Và hai, anh đi quá giới hạn rồi đó.”
“OK,” Henry vẫn bình thản nói, “Một, tên tôi không phải Tí hay Tèo. Hai, tôi không nói về luật ở đây, không, tôi đang nói về hành vi. Đâu có luật nào cấm tôi đến đây và đánh rắm lên món khai vị của các ông, song tôi không làm vậy, bởi đó là hành vi xấu. Nó làm suy giảm chất lượng bữa ăn của các ông, đồng ý chứ? Nói tóm lại, tôi không phá thối bữa ăn của các ông, các ông cũng đâu nhất thiết phá thối bữa ăn của người khác. Vậy một lần nữa, tôi hỏi một cách rất đường hoàng tử tế, làm ơn dập xì gà đi, OK?”
“Anh nghiêm túc đấy chứ?” Luật sư C nói từ phía bên kia bàn.
“Rất nghiêm túc,” Henry nói.
“Đéo tin được,” Luật sư C cảm khái, với các đồng nghiệp. “Mấy ông tin nổi thằng quần què này không?”
“Nghe nè, Tèo,” Luật sư D lên tiếng, với Henry. “Bọn tao là những thực khách trả tiền đàng hoàng, và chẳng may bọn tao thích xì gà, nếu mày không thích, thây kệ mày.”
“Đúng đó Tèo ơi,” Luật sư A tiếp lời. Đoạn gã hóp má rít một hơi xì gà thật sâu, và rồi, kẹp nó giữa ngón cái và ngón trỏ, gã chĩa mồm về phía Henry, phà vào mặt hắn một bụm khói dày đặc. Henry vẫn đứng im như tượng.
Nhả khói xong xuôi, Luật sư A tiếp tục, “Nghe nè, Tí, sao mày không oé oé...”
Không đợi Luật sư A đưa ra hết lời khuyên, Henry đã đặt tay lên vai gã và bóp mạnh. Hắn vốn dĩ không hề muốn động tay động chân, nhưng Luật sư A quá láo.
“Oé oé,” gã lại ré lên.
Với tay còn lại, Henry giật điếu thuốc từ mồm Luật sư A và nhận nó vào ly cognac của gã. Ba luật sư kia rục rịch như sắp nhổm dậy làm gì đó, Henry lừ mắt nhìn họ theo thứ tự bảng chữ cái – B, C, D – và tên nào tên nấy ngồi xếp re.
Sau khi buông Luật sư A, kẻ đang ôm vai mếu máo; Henry dấn vài bước quanh bàn đến cạnh Luật sư B, gã này giật bắn người như phải bỏng khi Henry, từ tốn nhưng cương quyết, tịch thu điếu xì gà của gã và thả tõm nó vào ly cognac. Cùng lúc đó Luật sư C và D, không mấy mặn mà với kiểu trợ giúp này, tự giác dụi xì gà.
“Đa tạ các vị,” Henry nói.
Luật sư D, người ngồi xa Henry nhất, cất lời, “Anh có biết mình vừa phạm tội hành hung không?”
“Biết chớ,” Henry nói và lắc đầu. “Đã có thời, ông cần phải thật sự bụp người ta cơ.”
Nói rồi hắn quay gót trở lại bàn mình, ngồi xuống, và tiếp tục thái bít tết. “Nhắn với ông chủ của ông,” hắn bảo Rojas, “sẽ là mười thiên nữa. Cho mỗi nhiệm vụ.”
Rojas ra vẻ ngẫm nghĩ về con số ấy, dù nó cũng hòm hòm với dự liệu của lão.
“OK,” lão nói. “Nhớ là ông chủ của tôi muốn kết thúc vụ này nhanh nhất có thể.”
“Tin tôi đi,” Henry cười nhạt, “bọn tôi không láng cháng ở cái thành phố này lâu hơn mức cần thiết đâu.”
“Mày nói chí lí,” Leonard tán đồng, rồi lại trệu trạo tiếp miếng bít tết.
PUGGY CHOÀNG TỈNH bởi giọng nói của một thiên thần.
“Puggy,” ôi cái giọng như rót mật vào tai. Pogey.
Puggy lật sấp người lại và thò đầu ra khỏi mép sàn gỗ. Đó là Nina, trong chiếc rốp đồng phục màu thiên thanh, đang cười tươi như hoa khi trông thấy Puggy. Người đâu mà xinh hết phần thiên hạ. Ngay cả từ trên cây, Puggy vẫn thấy được hàm răng đều tăm tắp của nàng.
“Em đem bữa trưa cho anh nè,” nàng nói. Em đêm buổi trưa cho anh nè.
Puggy sửa soạn hạ sơn, chợt nó để ý Nina cứ cười khúc khích chi lạ, chết cha! Nhanh như một chú sóc, nó giật lui về lại sàn gỗ, luống cuống xỏ quần dài vào. Tút tát xong xuôi, nó lại khởi sự leo xuống cây.
“Hey,” Puggy cất tiếng chào khi tiếp đất. Nó ước gì mình có một cái bàn chải đánh răng.
“Của anh nè,” cô chìa cho nó đĩa giấy với một chiếc sandwich ở trên.
Chu cha, nào bánh mì trắng, nào thịt gà tây rưới sốt mayonnaise, thêm rau diếp và cà chua xắt lát. Khỏi nói, đây là món ăn kỳ khu nhất mà ai đó từng làm cho Puggy.
“Cảm ơn đã cứu em,” Nina nói.
Puggy nhìn chiếc sandwich tuyệt ngần – trời, lại còn khăn ăn gấp nữa chớ – rồi nó nhìn Nina.
“Nina,” Puggy nói. “Tôi yêu em.”
“Vậy mày đang nói với tao là,” Evan Hanratty, chủ xị trò Killer, nói với Matt, “Má nó quánh mày nhừ tử? Thân mẫu của nó?”
Đám bồ bịch của nó đang túm tụm tại phòng thể dục của Trung Học Southeast, nơi từ 11:15 cho tới 13:35 trở thành căn tin phụ của trường, nghĩa là thức ăn sẽ đậm mùi quần sịp thể thao chưa giặt hơn so với ngày thường.
“Bả động thủ từ phía sau,” Matt nói. “Hai đánh một chịu gì nổi. Còn tao, tao không đánh phụ nữ.”
“Coi bộ mấy bả dập mày nhừ tử đấy,” Evan chắt lưỡi, săm soi môi dưới của Matt.
“Ừa, phải cám ơn thằng trợ thủ đắc lực của tao,” Matt nói.
“Ây dà,” Andrew phản pháo, “nói tao điên tao chịu, nhưng có súng nổ là tao biến liền.”
“Nói vậy vụ súng nổ là thật hả?” Evan hỏi.
“Mày phải nhìn cái TV,” Matt nói, “Phải gọi nó là một nùi phân tử TV!”
“Ghê vậy,” Evan nói.
Cả bọn ngẫm nghĩ về chuyện đó một lúc.
“Vậy là,” Matt nói, “tao vẫn chưa được tính là giết Jenny thành công?”
“Chưa đâu,” Evan lắc đầu. “Mày phải xịt nước nó. Luật là luật. Khơi khơi tính điểm cho mấy đứa lăn cù cù trên sàn nhà thì có mà loạn.”
“Nói chuyện lăn lộn,” Andrew nói, “cảm giác ra sao, kể anh em nghe coi?”
“Ờ đúng,” Evan hào hứng. “Cảm giác ra sao? Ý tao là, nếu má Jenny nhìn cũng sương sương Jenny...”
“Thì đúng vậy còn gì,” Andrew đớp lô.
“Chà, vậy cảm giác sao?”
“Im mồm” Matt nói.
“Ế, hỏi chơi thôi mà,” Evan nhăn mặt. “Mày đâu cần...”
“Tao nói là, khép mỏ lại đi, Jenny tới kìa,” Matt nói.
Quả vậy, Jenny đang bước lại chỗ tụi nó. Vụ này lạ à nghen, bởi Matt, Andrew, và Evan đang ngồi ở khu vực khán đài được mặc định là địa phận của những nam sinh Thông Minh nhưng Thờ ơ với Hoạt Động Trường và thích tỏ ra Thông Thái. Jenny thì thuộc khu của những nữ sinh Duyên Dáng Vạn Người Mê. Thường thì, một nữ nhân thuộc khu này sẽ không léo hánh đến bất cứ địa bàn nào khác, trừ khu của những nam sinh Thể Thao, và/hoặc, Cán Bộ Lớp.
“Chào,” Jenny nói.
“Chào,” Matt nói.
“Nó có đau lắm không?” cô chỉ cái môi của Matt.
“Cũng không đau mấy,” Matt nói.
“Hổng ấy,” Evan xọc dưa, “Jenny mà mi lên là nó còn mau lành nữa.”
“Nhiều chuyện,” Matt hằm hừ. Quay sang Jenny nó hỏi, “Nhà Jenny sao rồi?”
“À, mẹ mình vẫn canh cánh vụ viên đạn,” Jenny nói. “Nhưng ông cảnh sát thì bảo chắc chỉ là thằng đầu trộm đuôi cướp nào đó thôi, và Matt đã hù cho nó chạy mất dép.”
“Anh hùng cứu mỹ nhân!” Andrew ré lên với giọng falsetto, giả đò ngất xỉu.
“Nghe này,” Jenny nói. “Mình muốn nói với Matt ba chuyện. Một, cảm ơn Matt. Hai, cảm ơn lần nữa vì cái CD Fluids. Mình thích nó lắm.”
“Mày cho Jenny mượn cái CD Fluids?” Evan trố mắt.
“Rồi, hết đường chối cãi,” Andrew nói, “nó muốn cái sex pootie của Jenny chứ gì nữa.”
“Nín coi,” Matt càu nhàu.
“Ba là,” Jenny xẻng lẻng, “Mình cảm thấy rất... có lỗi về chuyện tối...”
“Ôi dào,” Matt chắt lưỡi, “Ăn nhằm gì đâu...”
“... nên mình muốn cho Matt biết,” Jenny nói, “nếu Matt vẫn còn tính chuyện xịt nước mình, thì tầm tám giờ tối nay, khu CocoWalk, bên ngoài quán Gap, mình sẽ có mặt ở đó. OK?”
“OK,” Matt nói.
“Gặp Matt sau nha,” cô nói, rồi quay gót trở về lãnh địa của những Nữ.Sinh Duyên Dáng Vạn Người Mê.
Ba thằng ngẩn tò te nhìn cô bước đi.
“U trời,” Andrew chắt lưỡi.
“Nếu Matt muốn xịt nước mình’?” Evan léo nhéo. “Nếu Matt muốn xịt nước mình’?”
“Im mày,” Matt làu bàu.
ELIOT ĐỢI Anna trên hiên trước của bar Taurus, một điểm đến thiện lành khả kính dành cho các cư dân luống tuổi, có dấu hiệu phát phì, muốn lánh mình khỏi những cảnh xoắn quẩy nhức mắt của cánh săn mồi độc thân, trẻ trung, bụng phẳng ở mấy quán bar lập lòe đầu bên kia Main Highway.
Để đỡ buồn, Eliot theo dõi hai vị khách quen cựu chiến binh đang chơi trò Chiếc Vòng, những chai bia rỗng sắp hàng hàng minh chứng cho một ngày Thứ Sáu xả láng sáng dậy sớm. Tự hồi nảo hồi nao, ai đó đã mắc sợi dây treo chiếc vòng kim loại ấy vào một cành cây trước thềm quán Taurus; mục tiêu của trò chơi là kéo giật chiếc vòng và canh sao để khi thả ra, nó sẽ bung lên và bọc lấy một cái sừng chĩa ra từ rìa mái hiên quán Taurus. Hai chiến binh lão thành đã chơi trò này suốt hơn một tiếng đồng hồ, với cường độ và sự tập trung không kém gì các bác sĩ phẫu thuật não. Hai ông bác hầu như bách phát bách trúng. Điệu bộ của họ như muốn nói: thường thôi chớ có gì đâu.
“Phải tôi thì tôi xin hàng sớm,” Giọng Anna vang lên từ sau lưng Eliot.
“Ể!” anh quay lại. “Tôi cũng chịu thôi. Tôi nghĩ mánh ở đây là phải nốc bia nhiều vào.”
“Vậy ra,” nàng nói, “đây là quán ruột của anh đấy ư?”
“Ừ,” Eliot gật đầu. “Tôi từng tham dự thổi phi tiêu ở đây mà.”
“Họ tổ chức thổi phi tiêu?”
“Thứ Hai hàng tuần, đến hẹn lại lên.” Eliot nói.
Anna bật cười khanh khách, khiến một thí sinh Chiếc Vòng đang điều chỉnh thước ngắm liếc mắt sang và nhíu mày trách móc. Anna thấp giọng hỏi, “Họ thổi ngay trong quán luôn hả?
“Không, vậy mạo hiểm quá,” Eliot nói. “Họ tổ chức trên hàng hiên này luôn, vừa 1 2 3 dzô vừa cố nhắm trúng tấm bia đặt cách vỉa hè chưa tới một thước, nơi dân chúng thiện lành đang bát phố.”
“Cẩn tắc vô áy náy,” Anna nói. “Mà anh thổi có giỏi không?”
“Ầy, trật lất miết, cũng may chưa trúng thường dân vô tội lần nào, tôi đoán vậy. Dĩ nhiên lúc đó khá tối. Nhưng dù sao cũng chưa nghe bà con nào la lên ‘thằng nào bắn tao’. À, cô muốn vào ăn trưa chứ?”
“Ừ, mình vào thôi.”
Họ sánh đôi bước vào quán và ngồi tại một cái bàn gần cửa sổ. Anna trả lại Eliot cặp kiếng để anh có thể đọc được menu. Họ cùng gọi sandwich cá và trà đá.
“À,” Eliot nói, “rồi cảnh sát người ta có phát hiện được gì không?”
“Không,” Anna nói, “tôi cũng không nghĩ họ sẽ tìm được gì. Tôi nghĩ mình thuộc tuýp người lãng mạn; tưởng tượng các thanh tra sẽ đi loanh quanh với mấy cái kính lúp, anh biết mà? Truy lùng manh mối!”
“Bới lông tìm vết!” Eliot phụ họa. “Phân tích các sợi!”
“Ừa,” Anna nói. “Ấy vậy mà họ lại kiểu như, ‘Rồi, có người muốn bắn anh. Thế thì sao?”
“Trời, nội nghĩ thôi cũng thấy ớn, chuyện không biết kẻ nào đã làm vậy ấy.”
“Hoặc chẳng biết bọn chúng có quay lại không.”
“Cô nghĩ bọn chúng sẽ quay lại?”
“Chẳng biết nữa. Nhưng tôi có cảm giác chồng mình đang giấu diếm gì đó. Ổng hành xử quái lạ lắm, ngay cả đối với ổng. Đốc chứng gì mà đi đâu từ tối qua tới sáng nay chưa về. Nói thực tôi còn lấy làm mừng vì chuyện đó, nhưng thôi, tôi đã hứa sẽ không khơi lại đề tài này rồi mà.”
“Không sao mà,” Eliot nói, “Thật đấy.” Anh còn thấy thích là đằng khác, chuyện nàng khơi lại đề tài đó.
“Thôi,” nàng nói. “Nói về tôi nhiều quá rồi. Nói về anh đi. Anh làm nghề gì vậy?”
“Quảng cáo.”
“Loại quảng cáo gì thế?”
“À thì, hôm nay tôi đã làm một quảng cáo gazomba.”
“Quảng cáo gì cơ?”
“Gazomba. Kiểu như, nhìn cặp gazomba bá cháy chưa kìa ấy mà.
“À.”
“Thôi, ta nên trở lại chuyện hôn nhân của cô thì hơn.”
“Không, tôi muốn nghe thêm về cái quảng cáo gazomba ấy.”
Vậy là bên ly trà đá, anh trải lòng với cô về Bia Đầu Búa, về Khách Hàng Âm Binh Béo Đần, về gã kiểm toán viên phòng bên ghét mình như muốn xúc đất đổ đi. Anh kể cô nghe về sự thăng hoa và lụn bại trong nghiệp báo chí của mình. Rồi đến chuyện anh và Patty đã quen nhau ở đại học, đã rơi vào lưới tình, và hai đứa đã dắt nhau đi nhảy hết biết trời đất ra sao. Và rồi cu Matt chào đời, và điều đó kì diệu xiết bao, nhưng hai người họ thôi hẳn chuyện đi nhảy cùng nhau. Đợi Matt lớn chút rồi mình bắt đầu lại mấy hồi, họ hứa với nhau như thế. Nhưng đó chỉ là lời hứa suông, thét rồi chẳng ai đả động gì đến chuyện nhảy nhót nữa. Sự thực là, hai người chẳng nói chuyện với nhau được mấy nữa, và họ chỉ thi hành nghĩa vụ giường chiếu khi không ai nghĩ ngay ra được cách thoái thác, điều hiếm khi xảy ra, bởi một lời thoái thác, thường bắt đầu với “Tối nay sao mệt quá” – chính xác là điều mà họ cảm thấy trong mọi đêm. Anh bộc bạch về sự đau đớn dai dẳng trên hành trình lê xuống con dốc ly hôn, và anh đã cảm thấy ray rứt thế nào, và Matt đã hiểu chuyện ra sao, và chính điều đó càng làm anh ray rứt hơn. Anh nói mình đang lái một con Kia.
“Tới phiên cô,” anh nói.
Nàng kể chuyện mình đã kết hôn hai lần. Lần đầu là với một gã nàng đã hẹn hò trong hai năm cuối Đại Học Florida, đội trưởng đội tennis, con nhà giàu, và đẹp trai ác chiến tới nỗi tất thảy mọi người, nhất là thân mẫu nàng, đều khoan vào đầu nàng ý nghĩ họa có điên nặng mới không lấy chàng, bởi họ sẽ làm nên một Cặp Đôi Hoàn Hảo.
“Chúng tôi có một hôn lễ tuyệt vời, không có bất cứ trắc trở gì,” nàng nói, “cho đến có lẽ là giờ thứ hai của tiệc cưới, khi cô phù dâu tiết lộ với tôi trong phòng phụ nữ, rằng lang quân mới của tôi vừa thọc lưỡi chàng vào miệng cô ấy sâu lút đến tận amiđan. Gã này đơn giản là không thể giữ súng ống của mình trong quần được. Hắn như Bill Cliton ấy, thiếu mỗi các chính sách đối nội thôi.”
Nhưng nàng mắc kẹt với hắn, bởi mẹ nàng bảo: con phải Kiến Tạo Hạnh Phúc Gia Đình.
“Vấn đề là,” nàng nói, “trong lúc tôi ra sức kiến tạo hạnh phúc gia đình, thì hắn ra sức thịt bằng hết mọi phụ nữ ở Hạt Dale và Broward, và nhìn chung đã gặt hái được thành công. Đừng bao giờ cưới một gã đẹp trai ác chiến.”
“Tôi sẽ không,” Eliot cam đoan.
“Vậy là,” nàng nói, “sau khi bé Jenny chào đời, có lẽ là vào lần thứ năm mươi hắn mất đến ba tiếng đồng hồ để đưa cô giữ trẻ về nhà rồi quay lại, tôi đệ đơn ly dị. Tới lúc đó tôi mới biết được lí do mà nhà hắn giàu nứt đố đổ vách, ấy là đừng có mơ mà lấy được xu mẻ nào của họ.”
“Cô không có luật sư sao?” Eliot hỏi.
“Ồ, thì tôi có luật sư chứ. Nhưng cái mà chồng cũ của tôi có nó như là cả Tối Cao Pháp Viện ấy. Thành thử về cơ bản hắn được giữ lại tất cả gia sản, còn tôi được giữ Jennifer. Và do đó mẹ con tôi phải sống lay lắt trong một căn hộ tồi tàn, và Arthur mới trông như một mối tốt với tôi, và đó là điều tôi đã hứa sẽ không khơi lại nữa.”
Bốn ly trà đá kết thúc bữa ăn trưa. Trên đường rời bar Taurus, Eliot và Anna thấy mình được nghênh tiếp bởi hai cựu chiến binh Việt Nam tàn tật vô gia cư. Trừ việc chúng không thực sự là cựu chiến binh Việt Nam tàn tật vô gia cư; chúng là Eddie và Snake, những kẻ lần lượt chín và sáu tuổi khi chiến tranh Việt Nam kết thúc. Cái chân bị thương của Snake đã gợi cho chúng ý tưởng trở thành cựu chiến binh; lê lết cùng khắp khu Grove, xin đểu bá tánh, và phải ngày đẹp trời thì kiểm khẳm với việc giúp thiên hạ đỗ xe. Eddie coi đây là một bước tiến lớn đầy hứa hẹn trong sự nghiệp.
“Ày, ông bạn,” hắn nói với Eliot, “ông bạn thương tình giúp đỡ một cựu binh tàn tật chớ?
“Không,” Eliot đáp, anh đâu lạ gì cái mặt thằng Eddie, kẻ lởn vởn suốt ở khu Grove.
“Đ.mẹ mày,” Eddie chửi. “Còn em sao, người đẹp?” nó quay sang Anna. “Người đẹp muốn cho anh chút gì đó chớ?”
Thằng Snake, vừa bóp hạ bộ của mình vừa nói oang oang, “Ê, khỏi xin, để tao cho mày chút gì đó nè.”
Anna và Eliot lẳng lặng rảo bước. Nàng cảm thán, “Thế mà người ta cứ nói sự lãng mạn đã chết.”
Khi hai người ra đến xe của Anna, nàng mỉm cười nói, “Cảm ơn anh vì bữa trưa nghen.”
“Có gì đâu,” Eliot nói, “hổng ấy cô cứ giữ lại cái kiếng đó đi, để mình có thể đi ăn lần nữa?”
Anna bật cười, nhưng không đáp lại. Nàng lục tìm chìa khóa trong túi xách.
Eliot chợt hỏi, “Mà này, cô có nghĩ tôi đẹp trai ác chiến không?”
Nàng ngước mắt lên từ chiếc túi xách, nghiên cứu khuôn mặt anh một chặp.
“Không.” Nàng lắc đầu.
“Phù.” Anh thở hắt ra.
Nàng cười khúc khích, đoạn lại săm soi khuôn mặt anh kĩ hơn nữa. Nàng quả nhiên có một đôi mắt xanh không tưởng.
“Chỉ để anh biết thôi,” nàng giả lả, “tôi mê nhảy lắm đó.”
“BÀ NỘI CHA nó,” Eddie nói, nhìn Eliot và Anna te te bỏ đi. “Đối xử với cựu chiến binh vậy đó hả? Quá đáng thiệt, sau những gì chúng ta đã làm cho đất nước này.”
“Ta có làm con mẹ gì đâu,” Snake nói. “Ta đâu phải cựu chiến binh.”
“Thì tụi nó biết đéo đâu,” Eddie cay cú. “Mà đáng ra tao đã là cựu chiến binh rồi, nếu hồi đó tao đủ tuổi đăng lính.”
“Tao nghĩ mày phải tốt nghiệp, coi, lớp tám trở lên thì phải.” Snake nói.
“SSSìì, lớp mấy kệ đi,” Eddie nói. “Cái tao muốn nói là, tụi này là thứ vong ân bội nghĩa!” Nó khạc một bãi đờm màu đà đà lên vỉa hè. “Coi, riết cả ngày mót được có ba đô.”
“Nói vụ đó mới nhớ,” Snake nói. “Có vố này tao đang muốn chơi.”
Eddie chờ đợi.
“Nhớ thằng bú dù ở quán Jackal không?” Snake nói. “Thằng phang tao què giò đó?”
“Nhớ.”
“Nghe đồn nó đang làm ở đó, lúc làm lúc ngồi chơi không.”
“Ừ thì sao?”
“Tao tính ghé qua hỏi thăm sức khỏe nó chút đỉnh.”
“Thôi cho tao can. Thằng bán bar đó dữ như cọp mày ơi. Nó với cái chày của bà nội cha nó.”
“Ày, cái chày của nó là đồ bỏ, nếu mình có súng.”
“Ủa mà mình làm gì có súng.”
“Tao biết một thằng kiếm được, gì chứ một khẩu là chuyện nhỏ, có giao hàng liền.”
Eddie bỗng trầm ngâm. “Làm chi mà hà rầm vậy,” nó nói. “Cứ me nó ra khỏi quán, chụp đầu nó phải khỏe hơn không?”
“Bởi trong quán có cái máy tính tiền.”
Eddie nhìn sững Snake.
“Vậy thằng bú dù không phải mục tiêu?” nó nói.
“Ồ, thằng bú dù vẫn là mục tiêu chứ, cái đó miễn bàn,” Snake nói. “Thằng bán bar, cho vô luôn. Rồi tới cái máy tính tiền. Một mũi tên trúng ba con chim, thấy chưa?”
Eddie lại trầm tư.
“Gì chứ tao dốt đặc ba cái vụ súng ống à nghen,” nó nói.
“Tới lúc mày phải học rồi,” Snake nói. “Trở thành cựu chiến binh, tất tần tật.”
Đại Rắc Rối Đại Rắc Rối - Dave Barry Đại Rắc Rối