A man may as well expect to grow stronger by always eating as wiser by always reading.

Jeremy Collier

 
 
 
 
 
Tác giả: Hà Thúc Sinh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: zzz links
Số chương: 73
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 8664 / 108
Cập nhật: 2015-08-12 23:00:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
hững ngày kế tiếp thoải mái theo kiểu tên cán bộ Đảng nói, là mọi người đều được tham dự vào những công tác tạp dịch, sửa sang lại nơi ăn chốn ở, đào hầm cầu, đắp bếp... Nói chung là công tác lao động chưa có gì đáng gọi là cực nhọc. Riêng khối 10 hơi kém vui vì tên quản giáo Cư hầu như suốt ngày chạy lồng lộn dưới khối! Hắn nhất định không để cho ai đứng yên được một phút.
Với tinh thần giật gấu vá vai, chả mấy chốc bằng những miếng ván thông tháo từ các thùng đạn pháo 105 ly, bằng những thùng phuy đập dẹp, bằng những cái đinh chế bằng cọng kẽm gai, bằng những sợi thừng bện bằng những sợi bao cát, bằng những dụng cụ kềm kéo búa cưa hoàn toàn tự chế, bọn tù đã tạm lo xong nơi ăn chốn ở cho mình. Có gay go chăng chỉ riêng vấn đề nước. Những cơn mưa bất chợt của tháng Sáu chỉ có thể giải quyết được nước ăn nước uống cho nhà bếp, còn nước tắm rửa quả là một vấn đề.
Thủa ban đầu cứ chừng ba ngày một, tiểu đoàn 1 trung đoàn 4 dưới bí số L4T1 được một chuyến tiếp tế nước bằng xe lôi bồn. Thật là kinh khủng cho cảnh dành giật. Chuyến xe vừa đậu ngoài hàng rào là tù từ bên trong, kể cả các người đẹp của biệt đội Thiên Nga và các nữ sỹ quan QLVNCH bên khối 14, đã mỗi người một thùng đại liên phóng ra. Trong chớp mắt cái xe lôi bồn đã bị phủ kín, y như một con bọ hung sa cơ thất thế bị một bầy kiến đói làm thịt không thương xót.
Phần Vĩnh, sau những giờ lao động và lo miếng ăn miếng uống xong, anh chạy khắp nơi tìm gặp bạn bè và cùng với một hy vọng mong manh gặp được các anh và em ruột của anh, những người mà anh biết chắc giờ này đã đều nằm trong các trại cải tạo. Thế nhưng ngoài Hiến, sỹ quan phụ tá cũ của anh và Ứng, Kim, bạn đồng binh chủng được gặp lại nhau từ lúc đi trình diện ở Lê Quang Định, Vĩnh không được gặp thêm một ai. Cũng may, ít ngày kế tiếp Vĩnh quen thêm được một lô bạn mới, chẳng hạn Nguyễn Ngọc Trụ (nghe nói là cháu của nhà báo Dzoãn Bình), Đặng Thế Tiến, Nguyễn Văn Hóa, Nguyễn Thành Đính, Ngô Văn Tuyên... Thường những lúc nghỉ ngơi hay khi chiều xuống, cả bọn xúm lại đánh cờ hoặc tìm cách nấu nướng linh tinh những thứ đem theo để ăn uống với nhau.
Những tay thuộc quân chủng Hải quân như Vĩnh, Ứng và Kim thường bị anh em cật vấn nhiều nhất bằng câu hỏi: Tại sao các ông có tàu mà không chạy? Họ cứ nghĩ rằng tất cả các sỹ quan Hải quân đều là những người lúc nào cũng ngồi trên tàu để có phương tiện đào ngũ sớm hơn ai hết!
Mỗi lần bị hỏi, Kim thường chỉ cười lạt.
- Chứ bộ chỉ có Dù với Thủy quân lục chiến mới có những đơn vị tử thủ hay sao?
- Giờ thứ 25 rồi còn thủ cái gì nữa!?
Vĩnh hiểu bạn bè hỏi để mà hỏi. Họ thừa biết không thiếu gì những đơn vị tiền đồn mà cấp chỉ huy của những đơn vị ấy đã mất liên lạc với thượng cấp ngay những ngày 27, 28. Họ loay hoay không biết xử trí ra sao với đơn vị và thuộc cấp. Mọi tin tức ở Sài Gòn họ đều mù tịt. Thậm chí có nhiều cấp chỉ huy đóng sâu trong sông lạch không biết đến cả tin tổng thống Hương đã bàn giao quyền lực cho đại tướng Minh từ chiều 28 tháng Tư; và hình ảnh dân Sài Gòn, trong đó có nhiều vị tướng lãnh, đã nháo nhào lên tìm mọi cách bỏ của chạy lấy người.
Tuy nhiên vấn đề chạy thoát đối với những người ở lại, hầu như không mấy ai đặt thành vấn đề, ngoại trừ những người thật sự có trách nhiệm trước quân đội.
Làm sao mà trách được một anh thợ mộc làm cho hãng RMK, khi mà anh ta thấy rằng thiên hạ ùn ùn bỏ chạy, trong lúc anh có thừa giấy tờ đi làm cho Mỹ để trình tòa đại sứ Hoa Kỳ xin cho cả vợ con di tản? Làm sao trách được chị đàn bà làm cho căn cứ Long Bình, khi mà chị nghe thấy đủ thứ tin đồn, rằng nếu chị ở lại, chị sẽ là một đối tượng chính cho Cộng sản ra tay nhúng chị vào biển máu? Cũng chẳng thể trách được một thằng ma cạo hèn nhát trốn lính, bỗng một sớm trở thành một phóng viên tăm tiếng nhờ những bài phóng sự bới móc đời tư nhằm tống tiền và lường gạt thiên hạ; kể cả những nhà văn chân chính chống Cộng đầy mình, nhưng lúc cần bảo vệ đất nước, ông ta tự biết mình chẳng còn một mũi nhọn nào khác ngoài cây bút - một thứ đã hoàn toàn biến thành vô dụng khi giặc đã mấp mé ngoại thành! Có rất nhiều thành phần đã không nên trách, mà còn nên mừng cho họ đã chạy thoát, kể cả những thứ gọi là ông tướng này ông tá kia, thứ tướng tá đã về vườn nhưng vẫn giữ nguyên cái cố tật phách lối tuyên bố huyênh hoang, đại khái rằng thì là đồng bào cứ yên tâm, nếu có phải di tản thì nhất định tôi sẽ là người di tản sau cùng, nhưng thực tế vừa nói xong ông ta đã cút mất! Những thứ ấy trách mà làm gì. Người ở lại luôn luôn thương họ như thương lũ ca nhi. Thế nhưng, lịch sử và những người ở lại khó có thể không trách những kẻ còn đủ trí nhớ để nhớ ra rằng mình từng có một đơn vị dưới tay, và mình đã bỏ nó mà chạy không một lời từ giã, dù lúc mình đến với nó, nó đã lên kèn lên trống đón mình như một người cha, người anh.
Lắm lúc Vĩnh tự hỏi không hiểu những người đã ra đi có bao giờ nghĩ tới những người còn ở lại hay không? Và tỉ như họ biết rằng những người ở lại đã khóc khi buông súng trước lệnh đầu hàng của vị tổng thống đại tướng Dương Văn Minh, thì họ sẽ nghĩ sao về những giọt nước mắt ấy? Chắc họ sẽ nghĩ đó là những giọt nước mắt thường tình của những người mấp mé bờ tử sinh! Không, không phải như vậy đâu. Phải là người ở lại mới biết được cường độ của lòng yêu Tự Do như thế nào, và sự tủi nhục khi thấy kẻ thù lê gót trước mắt ngay giữa thủ đô của mình ra sao. Lúc ấy, người ở lại mới thấy nước mắt của người đàn ông không hiếm như người ta tưởng. Nó đã ràn rụa chảy trước những hình ảnh thân quen vô cùng. Đi ngang nghĩa trang quân đội Biên Hòa, nhìn bức tượng Tiếc-Thương bị kéo xập xuống, họ khóc mùi như một đứa trẻ. Đi ngang dinh Độc Lập nhìn những vết xích sắt T.54 cầy trên cỏ họ rơi lệ như mưa. Nhìn bầy trẻ nhỏ vô tư đùa chơi trong nắng, họ khóc như người bị cháy nhà. Không, hơn như thế! Phải là cháy cả thành phố, cháy cả đất nước thân yêu và tuồng như chỉ còn mỗi mình họ sống sót. Những trẻ nhỏ kia, trong đó có con em họ, sẽ đi về đâu? Chao ôi ai mà biết được!... Cái đau đớn của người ở lại là cái đau đớn của một chứng nhân, đã nhìn thấy trong một khoảng khắc sự sụp đổ của tất cả dĩ vãng, hiện tại và tương lai mà không còn một lý do nào để hiến thân xây dựng nó trở lại!
Nhưng những người ở lại nào chỉ có riêng những người cầm súng chiến đấu. Còn bao nhiêu thành phần khác nữa. Không thể nói được rằng những thành phần buôn thúng bán bưng, những bác phu xe, những anh thợ sắp chữ, những em bé bán báo... là nhũng người không biết tới hiểm họa Cộng sản. Họ biết và họ đau đớn không kém ai khi đất nước rơi vào tay Cộng sản. Nhiều khi họ còn đau đớn hơn nữa vì họ không biết cách mô tả, không thể nói ra. Vĩnh không bao giờ quên được hình ảnh của người đàn bà bán chè đậu hũ nơi phố anh ở. Ngày nào cũng thế, cứ đúng một giờ trưa là bà đi qua nhà anh, trên vai nặng trĩu quang gánh, một bên là thùng đậu hũ, bên kia thùng nước đường gừng với bát với thìa. Trên tay bà còn sóng sánh một sô nước có thả vài miếng lá chuối... Bà đã bán đậu hũ như thế từ ngày Vĩnh mới di cư vào Nam, tuổi mới lên mười, cho đến khi Cộng sản tràn vào Sài Gòn. Khi Vĩnh đỗ tiểu học, bà đã mừng anh một bát đậu hũ lớn không tính tiền. Khi anh học đại học bà cứ đùa đòi làm mối. Khi anh đi lính, rồi lấy vợ, rồi đẻ con; bà nhiều lúc nghỉ mát dưới mái hiên nhà anh, nói đùa dăm ba câu rồi cao hứng cho thằng con lớn của anh ăn miễn phí như từng cho bố nó hai mươi năm về trước. Khi Cộng sản tràn vào, đơn vị tan rã, Vĩnh trở về nhà vào một buổi trưa tháng 5. Người đầu tiên anh nhìn thấy ngồi trước hiên nhà anh vẫn là bà bán đậu hũ với quang với gánh với thùng với sô. Thấy bà, Vĩnh ngậm ngùi nói đùa.
- Bác không chạy à?
- Chạy đi đâu hả cậu?
Vĩnh vào nhà lấy mời bà một ly nước đá lạnh. Anh dọ dẫm.
- Giải phóng vào chắc bác cũng đỡ cực nhiều...
Ngoài dự tưởng của Vĩnh, phản ứng của bà bán chè đậu hũ đã làm anh ngượng ngùng.
- Cậu Vĩnh à, thú thật tôi ít học, sống đầu tắt mặt tối thật đấy, nhưng khi cùng di cư vào đây, tôi nghĩ tôi hiểu Cộng sản trước cậu nhiều đấy chứ!
Nói rồi bà ta có vẻ giận. Vĩnh phải giả lả xin lỗi.
- Tôi đùa đấy bác ạ. Nói đoạn Vĩnh chắt lưỡi. Khổ quá, không biết rồi ra sao nữa đây!?
Bà bán chè đậu hũ bỗng gay gắt.
- Đến giờ này mà cậu còn chưa biết rồi sẽ ra sao nữa à? Quan quyền như cậu thì tôi chưa biết ra sao thật đấy, chứ còn ngay cái hạng tôi, chúng nó cũng sẽ ghép tội buôn bán linh tinh, chai lười sản xuất, đường ra nông trường cũng chẳng bao xa!
Câu nói của bà bán đậu hũ theo Vĩnh mãi đến sau này. Anh cứ thắc mắc những người như bà ta không biết đau khổ tới đâu, khi mà ở xã hội cũ suốt một đời khổ cực buôn thúng bán bưng; và khi Cộng sản vào, không với đường lối cắt tí ngón tay dài bù cho ngón tay ngắn để có được một bàn tay gồm những ngón bằng nhau, mà chắc chắn chúng sẽ đi gọn một đường dao, và xã hội sẽ có dạng của một bàn tay cụt đồng đều, thì những người như bà sẽ như thế nào?
Những ngày đầu lao tù Vĩnh như người mất hồn. Đủ thứ chuyện đời luôn luôn đặt ra cho anh những vấn đề, và nỗi xúc động của trái tim buộc anh phải tìm lời giải đáp, thế nhưng chưa bao giờ anh giải đáp cho được trọn vẹn một vấn đề nào!
Tuổi của anh chưa đủ già để có thể mỉm cười trước mọi biến cố, cho nên nỗi đau đớn ngất người vẫn ngày đêm dằn vặt anh trước sự biến thiên của lịch sử - một sự biến thiên mà lắm lúc anh thấy mình quá mỏng để chịu đựng, quá nhỏ để cưu mang. Và hiện nay, cái khó khăn nhất của Vĩnh là đang cố gắng hết sức hòa mình vào cuộc sống mới: Cuộc sống lao tù Cộng sản! Điều khó khăn hơn nữa là làm sao Vĩnh phải tìm cho được sự khát sống trở lại, một yếu tố vô cùng cần thiết để thực hiện được dự tính của anh: Anh sẽ là một phóng viên của một chiến trường mới, chiến trường hậu chiến...
Trong giai đoạn của tuần lễ đầu, một phần bọn cai tù đang kín đáo học tập gấp rút chính sách đối xử với tù cải tạo, phải lo toan nhiều việc trong sự tổ chức và điều hành trại cải tạo của chúng, một phần anh em đa số vẫn tin việc học tập cải tạo không thể là một việc lâu dài, cho nên sự sinh hoạt chỉ mang tính cách ăn sổi ở thì, miễn sao có miếng cơm ăn, có một chỗ nằm và có dăm ba tên bạn cùng tần số để tán dóc cho qua những giờ phút tạp dịch quanh quẩn trong trại.
Mỗi chiều trưởng khối được lệnh lên tiểu đoàn "giao ban", một động từ Cộng sản dùng để chỉ việc lên gặp cán bộ trực nhận lệnh. Và lệnh đó chỉ quanh quẩn vài việc:
1. Nhắc nhở các cải tạo viên yên tâm học tập, tuyệt đối tin tưởng vào chính sách cải tạo trước sau như một của Cách mạng, đừng nôn nóng ngày về và đừng bàn tán những điều không có lợi cho bản thân và gia đình.
2. Phải tích cực cải thiện nơi ăn chốn ở vì sau đợt này sẽ còn nhiều đợt khác gồm đủ mọi thành phần xã hội được Cách mạng cho về đây học tập. Người đi trước phải có nghĩa vụ tạo điều kiện cơ sở tốt cho người đi sau.
3. Phân phối các tổ cho những công tác tạp dịch vào ngày kế tiếp.
Một buổi chiều trong giờ họp khối sau bữa ăn tối, sau khi thông báo lại những nhận xét của cán bộ quản giáo về những ưu khuyết điểm trong thái độ, ăn ở, lao động... khối trưởng Trại cho biết ngày mai sẽ tập họp toàn trại để nghe Trên đọc một bản thông cáo quan trọng.
Ngay đêm hôm đó, đề tài về cái gọi là bản thông cáo quan trọng được các bình luận gia triệt để khai thác. Cũng tương tự như các nhóm khác, nhóm của Vĩnh gồm dăm người rầm rì bàn tán tới nửa khuya.
- Về, nhất định về! Anh chàng hải quân trung úy Phạm Kim kiêm họa sỹ "nghiệp dư" khẳng định một cách hý hửng. Không có lý do gì, anh tiếp, nó lại dám giam mình lâu hơn 10 ngày.
- Tao cũng nghĩ như thế. Ứng dè dặt đồng tình.
- Các ông ấm ớ bỏ mẹ đi. Về là về. Nghĩ với ngợi gì nữa!
Ngô Văn Tuyên, anh chàng trung úy bác sỹ trông phốp pháp điển trai mới ở tù chưa được tuần lễ đã nhanh chóng bỏ nghề bác sỹ theo học nghề phóng viên, suốt ngày chạy quẩn săn tin như một anh nhà báo chuyên nghiệp. Tuyên vừa kéo lại tấm bao cát lớn dùng lót chỗ nằm, vừa tiếp. Cứ lấy lẽ thường mà suy thì điều nó phải thả mình là điều hợp lý nhất. Cá nằm trốc thớt còn chạy đường nào? Đất nước đã nằm trong tay chúng nó, chả nhẽ chúng đem giam cả triệu thằng để nuôi báo cô? Các ông nên nhớ một điều, rốt cuộc chúng nó cũng phải tái thiết đất nước. Nhưng tiền tái thiết đào đâu? Đào ở Mỹ chứ ở đâu bây giờ! Giam mình lại trả thù? Xin lỗi, xia Mỹ nó cũng không cho! Mặt khác miền Nam đã được điện tử và cơ giới hóa ở hầu hết các mặt. "Mỹ cút ngụy nhào" đã để lại một núi máy móc điện tử và cơ khí. Thử hỏi một lũ cán bộ i tờ từ Bắc vào sẽ làm nên cơm cháo gì không? Rốt cuộc lại cũng chúng mình thôi. Ít nhất năm năm tới, bác sỹ Tuyên bỗng cao giọng, chủ nhân ông trên mọi khía cạnh thực tế ở miền Nam này vẫn là ta!
- Chứ bộ nó đem giam ông lại, dí súng vào lưng ông, bắt ông lái máy cày, sửa máy điện tử, chế máy ủi đất... thì Tây kiện nó à? Ấy là chưa kể nó có thể bỏ đói ông, ông lạy nó mà xin được phục vụ!
Một giọng nói khác tự dưng len vào cắt ngang sự lạc quan của bác sỹ Tuyên. Anh ta là Đặng Thế Tiến, một người bạn mới của Vĩnh. Tiến người loắt choắt như một con khỉ. Anh tốt nghiệp chính trị kinh doanh và là một guitarist có hạng. Tiến mang cấp bậc thiếu úy và trước khi ngồi tù Cộng sản, anh xách cặp cho ông đại tá trưởng phái đoàn quân sự hai ba bốn bên gì đó ở Vĩnh Long.
- Tây không kiện nhưng Nga nó cười.
Lại một giọng nói khác. Đây là giọng nói của Nguyễn Thành Đính. Anh là trung úy của cục truyền tin. Đính gốc người Bùi Chu và từng là cựu chủng sinh của Dòng Đức Mẹ Đồng Công Thủ Đức. Đính có nhiều tài vặt và được anh em sớm đặt cho tước hiệu Vua Thuốc Lào vì anh hút thuốc lào, có nghề trồng thuốc lào và làm nõ điếu cầy thật kêu. Đính cũng là một trong những người lý luận địch phải thả ta nếu như địch không muốn khiêu chiến với mấy chục triệu dân miền Nam, đó là ông bà cha mẹ vợ con em út cháu chắt của ta.
Tiến chẳng chịu thua. Anh khều bao thuốc lá ra khỏi bụng, lấy một điếu rồi quăng cả gói xuống trước mắt mọi người.
- Các ông có biết Marx rút được mấy kinh nghiệm trong sự thất bại của Công xã Ba Lê không? Tiến bỗng chiếu tướng vào Vĩnh và Tuyên. Vĩnh, mày có biết không?
Vĩnh cười.
- Tao sẽ nói với mày được dễ dàng hơn nếu mày hỏi tao làm cách nào bấm được sáu nốt mi trên mặt đàn guitar.
Tiến ngửa mặt nhả khói cất tiếng cười thật vui.
- Khà khà... ông Tuyên dĩ nhiên chỉ biết làm cách nào để lụi cái sơ-ranh to tướng của ông ta vào đít phụ nữ, đã chẳng những không đau mà lắm em còn sướng phát rên lên. Người thứ hai ở đây là xừ Vĩnh mà cũng không biết nữa thì tôi đành phải thưa thốt để các ông nắm cho vững vấn đề... mọt gông!
Vài tiếng xầm xì nổi lên. Đừng phản đối khi tôi chưa phát biểu xong, Tiến phản đối. Anh tiếp. Thưa các quan đồng viện, thằng cố nội của Bác Hồ vĩ đại ta đã nói gì? Nó nói rằng Công xã Ba lê đã thất bại vì hai nguyên do chính. Một là, Cách mạng ngu bỏ mẹ, tràn vào Ba Lê mà chỉ lo chiếm giữ các xí nghiệp trong khi quên phéng đi ngân khố và các ngân hàng. Marx định nghĩa hành động này là ôm lấy một cái xác chẳng còn giọt máu nào. Hai là, Cách mạng đã đùa dai thả sỹ quan viên chức và các hàng giáo phẩm trở về Ba Lê. Hành động này là... là...
- Buông súng nửa giờ trước khi chiến thắng! Vĩnh bỗng nổi hứng nói chen vào.
- Đúng đúng! Tiến có vẻ khoái trá vì có người tiếp hơi cho câu chuyện của mình. Thế cho nên, Tiến tiếp. Với đỉnh cao trí tuệ loài người của Đảng ta, thưa các quan đồng viện, há Đảng ta lại tái phạm vào lỗi lầm này nữa chăng?
Câu phát biểu đầy chất bi quan của Tiến bắt mọi người phải suy nghĩ.
- Thôi đẹp đi mấy cha. Khuya lắm rồi. Một giọng xa lạ bỗng cất lên đầy vẻ cự nự trong đám người nằm ru giấc ngủ ngổn ngang trên nền xi măng. Mình là quân nhân, giọng của kẻ cự nự nói tiếp. Bàn chuyện chính trị làm đếch gì!
Trước khi dợm đứng lên, Tiến lẩm bẩm chửi thề. - Mẹ kiếp thằng này cho đi theo Cao văn Vện được! Không hiểu nó định nghĩa chữ chính trị như thế nào!?
Đám bạn bè Vĩnh cũng như bao nhiêu đám khác, đêm hôm ấy tụ tập bàn tán lung tung. Mặc cho khối trưởng nhiều lần yêu cầu giải tán ngủ, anh em vẫn ngồi lỳ. Tuy không nói ra, nhưng sau cùng ai cũng phải băn khoăn với câu nói của một anh chàng nào đó nằm trong đám người đang ru giấc ngủ.
- Cứ cãi nhau đi rồi mai này sẽ biết rõ. Nhưng đừng quên, nợ tình tha được, nợ tiền tha được, nợ tí máu cũng tha được; chỉ sợ nợ chính trị e khó có thể tha được!
Đại Học Máu Đại Học Máu - Hà Thúc Sinh Đại Học Máu