Books are the compasses and telescopes and sextants and charts which other men have prepared to help us navigate the dangerous seas of human life.

Jesse Lee Bennett

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Lý Mai An
Số chương: 11
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 8575 / 16
Cập nhật: 2015-12-24 12:24:21 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5
gôn nhăn nhó hạ giọng:
− Đừng đùa nữa Cung My. Khuê Tâm đâu, cho anh gặp một tí!
My nghiêm nghị:
− Chị Tâm đi vắng thật mà!
− Anh đã điện thoại rồi, sao Tâm còn đi chứ? Dạo này chị em làm sao ấy?
Cung My bắt bẻ:
− Đã nhận ra chị Tâm làm sao ấy mà anh không lo, cứ bỏ bê chị hoài coi chừng chị giận luôn đừng có than!
Ngôn cau mày:
− Em nói vậy là sao?
My nghênh mặt:
− Giữa tình yêu và sự nghiệp, anh chọn cái nào? Nói đi!
Ngôn trả lời không cần suy nghĩ:
− Trước tiên anh chọn sự nghiệp, khi đã có sự nghiệp anh sẽ có tất cả.
Cung My mỉa mai:
− Vậy anh hãy về công ty lo cái sự nghiệp của anh đi, chớ tìm chị Tâm làm gì?
Ngôn im lặng, một lát sau anh từ tốn:
− Khuê Tâm có phiền gì anh không?
− Chuyện đó em không biết vì chị Tâm vốn kín miệng. Nhưng là con gái, ai chả thích một tình yêu nên thơ, đầy lãng mạn. Nếu nghĩ đã là người yêu và đã quen nhau quá rồi, anh không cần săn đón chị Tâm như thuở ban đầu, thì tình cảm dù có đậm đà cách mấy cũng dần dà phai nhạt đấy.
Ngôn phân bua:
− Dạo này anh bận dữ lắm!
− Chỉ sợ lúc anh rảnh thì đã muộn rồi. Anh thừa biết chị Hai em có rất nhiều người theo đuổi.
Ngôn ngắt lời My:
− Nhưng nếu đã thật lòng, Tâm phải hiểu và thông cảm. Anh đầu tắt mặt tối cũng vì tương lai của tụi anh thôi!
− Biết lo tương lai là tốt. Có điều đường dẫn tới tương lai còn dài lắm. Nếu quên đi hiện tại, thì mục đích của anh muốn đạt được trong tương lai cũng vô nghĩa. Tóm lại, anh nên giành chút thời gian cho chị Tâm. Dường như lâu lắm rồi anh không tới trường đón chị. Coi chừng gốc cây trước kia anh hay đứng đã có người khác thế rồi đó!
Ngôn buột miệng:
− Không đến nỗi nghiêm trọng vậy chứ?
Cung My lơ lửng:
− Nghiêm trọng hay không là do thái độ của anh đó! Em đã...bỏ nhỏ, anh liệu sao thì liệu đi!
My vừa dứt lời thì Khuê Tâm về tới, không có một chút biểu lộ tình cảm trên gương mặt, cô hỏi:
− Anh đến lâu chưa?
Cung My mau miệng:
− Ảnh chờ chị nãy giờ...Chị về rồi, em xin giao lại đó.
Nháy mắt với Ngôn một cái, Cung My chạy tít lên lầu. Cô ngồi vào bàn và làm tiếp bài tập Anh Văn cô vẫn theo học buổi tối. Tiện tay My mở máy cassette. Chân đưa theo nhạc, tay viết, My nghêu ngao hát theo.
Trong nhà bây giờ, cái máy cassette là thân với cô nhất. Bên nó, My có thể quên hết những chuyện buồn. Khi ba lầm lì rút vào phòng làm việc, mẹ nằm lăn ra giường xem phim, chị Tâm trầm lặng với những bí mật riêng tư, thì với nhạc, Cung My cũng có thế giới riêng đầy quyến rũ với hàng chuỗi âm thanh trữ tình, sôi động, ngọt ngào, ầm - Trong cõi riêng đó, tha hồ cho My thả trí tưởng tượng bay tới những vì sao xa xôi nhất.
Nhưng những ngôi sao có xa cách mấy cũng không giữ được chân người phàm trần như My. Cô nghe nhạc chưa đầy 3 bài, Khuê Tâm đã xâm xâm bước vô phòng và thô bạo nhấn mạnh nút stop.
Mặc kệ Cung My giương to mắt phản đối, Tâm hất hàm:
− Mày mách lẽo gì với ông Ngôn vậy?
Ngớ ra mất mấy giây, Cung My chối:
− Em có nói gì đâu!
Khuê Tâm gằn giọng:
− Hừ! Không nói mà ảnh trả hỏi tao đủ chuyện. Chả lẽ tao không được có bạn, không được đi chơi? Suốt ngày ở nhà chờ nghe điện thoại, chờ anh tới thăm rồi lại hoài công vì anh thất hứa?
My nhỏ nhẹ:
− Lâu lâu ảnh mới thất hứa một lần mà!
Tâm khinh khỉnh:
− Mấy tháng mới hẹn đi chơi để rồi lại thất hứa. Nghĩ mà tiếc khoảng thời gian trước tao đã ngu ngốc ngồi chờ ảnh đến đây.
Cung My khó chịu:
− Hai người đã làm đám hỏi rồi. Ai lại đi nói thế. Anh Ngôn tất bật cũng vì nghĩ tới chị, tới tương lai của hai người.
Khuê Tâm nhếch môi:
− Cái giọng bà cụ của mày sao nghe giống ảnh quá! Có lẽ mày hợp với anh Ngôn hơn tao.
Cung My nóng người:
− Chị nói gì kỳ vậy?
Tâm vênh váo:
− Bộ không đúng sao? Tao ghét nhất là những chữ tương lai, mai mốt, sau này...Nó chả có nghĩa lý gì cả khi hiện tại là số không. Tao thất vọng vì hiện tại của mình quá buồn tẻ.
− Bởi vậy chị thường xuyên đi chơi với anh ta? Chị nên nhớ rằng chị là vợ sắp cưới của anh Ngôn...
Tâm cười khan:
− Mới đám hỏi thôi, đâu ăn thua gì. Sống với nhau đến gần đất xa trời rồi mà còn ly dị được nữa là hôn thê hôn phu.
Ôm lấy đầu, Tâm nói như rên:
− Đời này không có gì là vĩnh cửu đâu. Bởi thế tao không tin ai hết. Ngay với bạn thân tao, tao cũng còn nghi ngờ mà. Tấm gương trung thật nhất, gần mình nhất là ba mẹ đó! Sống với nhau tới bạc đầu, con cái mới biết hai người đang diễn kịch. Đúng là tân trò đời!
Cung My ái ngại:
− Không thể đem ba mẹ ra để so sánh với mình. Mỗi người có mỗi số phận riêng...
Tâm ngắt lời My:
− Mày biết gì về số phần ba mẹ?
Nhìn Khuê Tâm, My lắc đầu:
− Em không biết!
− Vậy cũng bày đặt làm thầy đời. Mệt quá!
My vặn lại:
− Vậy chị biết gì về chuyện trước kia của ba mẹ?
Khuê Tâm dài giọng:
− Có ai chịu nói thật đâu mà biết! Nhưng dường như có dính dáng tới cậu Đức. Hôm kia cậu ấy điện về, tao kể chuyện ba mẹ, cậu Đức có vẻ rối. Ông hỏi thăm tình hình trong nhà, thái đ của ba đối với riêng mày. Chắc ổng biết ba không hạp mày, nên sợ mày bị ba dũa thường xuyên chớ gì...
My hỏi tới:
− Cậu Đức còn nói gì nữa không?
− Còn, nhưng nói với mẹ. Tao nghe mẹ nhắc tới tên Mẫn Quyên và Hải Lý. Chả biết ai trong hai người đó là bà nhỏ của ba nữa.
− Sao chị không hỏi mẹ?
Khuê Tâm nhún vai:
− Nghe lén mà mày biểu hỏi! Nhưng có một điều mà tao phải cho mày biết... Có thể ba mẹ sẽ ly dị đó!
Cung My hỏi một câu thật ngớ ngẩn:
− Nhưng tại sao khi ở hai người chả còn trẻ trung gì?
Khuê Tâm trề môi:
− Người trẻ thắc mắc sao già mà còn ly dị, người già lại hỏi bọn trẻ mới cưới sao lại bỏ nhau. Tóm lại già hay trẻ không phải là vấn đề, quan trọng là người ta có thể chịu đựng nhau bao lâu.
My chép miệng:
− Sao chị lại bi quan như vậy? Chị và anh Ngôn đâu giống ba mẹ?
Không trả lời My, Khuê Tâm nằm lăn ra giường với vẻ chán chường mệt mỏi.
My hỏi:
− Chị nói gì mà anh Ngôn bỏ về vậy?
Tâm đều giọng:
− Tao bảo là nếu bận leo lên chức giám đốc thì không cần phải đến thăm tao. Anh chàng nổi sùng liền bỏ về tuốt. Vậy càng khỏe! Tao ngán tận cổ rồi! Anh Ngôn y như khúc gỗ không cảm giác.
Cung My ngập ngừng:
− Không lẽ chị yêu anh Điền à?
Gác tay lên trán, Khuê Tâm thở dài:
− Giờ tao chả dám yêu ai hết. Cứ chơi cho vui, tội gì phải đeo gông vào cổ, rồi sẽ khổ như mẹ thôi.
Im lặng một lúc, Tâm nói tiếp:
− Nhớ hôm trước mẹ cứ bắt tao chạy dọc con đường Trần Bình Trọng, hết lên lại xuống, qua mấy ngã tư bốn năm lượt để tìm nhà con mụ kia mà ngao ngán! Sao người ta lại phải khổ vì tình vậy chớ! Hôm đó mẹ như khùng như điên vì tuyệt vọng. Tận mắt nhìn mẹ như vậy, tao sợ lắm!
My lo lắng:
− Chị sợ cái gì cơ chứ!
Khuê Tâm lắc đầu không nói. Hai chị em trốn vào cõi riêng của mình. Đã 7 giờ tối mà ba mẹ vẫn chưa về. Mâm cơm lạnh ngắt chả ai buồn động tới. Cung My đợi đồng hồ gõ xong 7 tiếng mới gào lên:
− Ôi trời ơi! Chán quá! Buồn quá!
Giọng gào vượt bức tường của My làm Khuê Tâm giật mình. Cô nhỏm dậy:
− Mày điên hả?
Cung My lắc đầu:
− Nếu điên được thì tốt! Đã điên rồi đâu phải suy nghĩ, phải khổ vì chuyện của ba mẹ Thật ra tới tuổi này rồi ly dị có gì tốt, mà sao ba lại đành đoạn.
Khuê Tâm nhăn mặt:
− Đừng nói tới vấn đề đó nữa được không? Tao nhức đầu quá rồi.
Đứng dậy, Cung My nói:
− Chị đau tim thì đúng hơn. Thế gian này muốn tìm người như anh Ngôn phải đốt hết đuốc mới thấy. Còn dân ăn chơi như cái lão Điền thì nhan nhãn ngoài phố. Dễ dãi, buông thả rồi sẽ ân hận đó thưa chị Hai.
Tâm nổi cáu:
− Cút xéo! Tao không cần mày dạy khôn! Chưa có mảnh tình vắt vai mà bày đặt...Mày chơi với con Ly mãi rồi lắm điều giống nó Liệu hồn đó!
Cung My thản nhiên:
− Đuổi thì em đi! Nếu ba mẹ có hỏi, nhớ nói em vào nhà dì Hằng.
− Hừ! Lại vào đấu láo với con Ly.
− Vẫn tốt hơn ở nhà nghe chị mắng. Nhưng có mắng em cũng không ngại. Nhắc rằng anh Ngôn là người tốt. Dù anh có khó khăn, tệ nhất, nhưng vẫn đáng cho chị nâng khăn sửa túi hơn lão Điền.
Khuê Tâm cau có:
− Tao nhớ trước đây mày chê anh ram re mà, giờ sao lại..lại…
Cung My nheo mắt:
− Người ta cũng thay đổi như trời lúc mưa lúc nắng. Em thay đổi nhận xét là muốn tốt cho chị. Suy nghĩ kỹ đi! Không phải ai cũng có thể làm bà phó giám đốc đâu!
Dứt lời, My ra khỏi phòng và đóng mạnh cửa lại. Vừa bước ra khỏi sân, cô đụng ngay ông Tuấn vừa dắt xe đạp vào. Ông trừng mắt:
− Tối rồi mày còn đi đâu nữa?
Cung My hơi khựng lại nhưng cô bình tĩnh trả lời:
− Con vào nhà dì Hằng!
Ông Tuấn khó chịu:
− Để nói xấu tao phải không? Hừ! Dòng họ nhà mày toàn dân thích chõ mõ vào chuyện của người khác. Nhắn với con Hằng, coi chừng tao đó!
Ngần ngừ một lúc giữa sân, Cung My mở cổng đi. Sâu đêm đi xem ca nhạc ở quán Mắt Huyền tới nay, cô đã hết răm rắp nghe lời ba. Ông nói gì mặc ông, My bướng bỉnh làm theo ý mình, điều đó không phải là hành động bất hiếu. Ba cô chưa có phản ứng gì, nhưng theo My đó chưa phải là biểu hiện tốt. Ông để yên cho mẹ con cô vì mẹ để yên cho mụ đàn bà kia.
Vừa đi, Cung My vừa buồn cười khi nghĩ tới trò Dô-mi-nô ba và mẹ đang chơi. Cô chẳng biết ai đang giữ con cờ buộc triệt, và chừng nào mới bỏ cờ xuống để kết thúc cuộc chơi.
Ôi! Những đấng sinh thành. Người ca hiểu nổi khổ của con cái không nhỉ?
Tới nhà Khánh Ly, Cung My bối rối khi thấy chiếc moto 250 phân khối đang nằm chễm chệ trong sân.
− Hừ! Lại gặp oan gia nữa rồi!
Quay ngoắt lại, chưa kịp bước thì lũ chó đã ngoặc mồm lên sủa làm Khánh Ly ở trong chạy ra. Kéo tay cô, con bé khoái chí:
− Vừa định điện thoại gọi là mày tới rồi. Đúng là thần giao cách cảm!
Cung My nghiến răng:
− Thần giao cái đầu mày! Để tao về.
Cười hì hì, Ly háy:
− Sao lại về? Mày sợ Bảo à?
− Mắc mớ gì tao lại sợ hắn? Tao đi tìm dì Hằng.
Khánh Ly nói:
− Mẹ tao đi với mẹ mày mà…Giả vờ hoài!
My ngạc nhiên:
− Hai bà đi đâu vậy?
− Đi coi bói.
− Sao lại đi ban đêm?
Khánh Ly thì thào:
− Đêm là của ma quỷ. Bói mới linh chứ!
My chép miệng:
− Mẹ tao đúng là khờ! Có ma quỷ nào kéo ba tao về được mà bói với toán! Dạo này ông gần như công khai đi lại với mụ kia. Ông không cần lâu lâu viện cớ theo đoàn nghiên cứu văn hoá dân gian đi thu thập dân ca, hò vè nữa.
Ly lo mắt nhìn My:
− Ủa! Vậy là trước đây, dượng Tuấn mượn cớ đi thu thập dân ca để…để…
Cung My gật đầu:
− Chỉ tiếc rằng mẹ tao tin. Thật ra ba tao chẳng hề tham gia đoàn nghiên cứu nào cả. Ông đi với bà đó ngay trước mũi mẹ tao.
− Sao mày biết vậy?
− Mẹ tao nói. Nhưng bây giờ ba mới biết sự thật thì đã muộn rồi!
Thấy Cung My đứng thừ người ra, Ly nhẹ nhàng:
− Vào nhà đi! Bảo rất muốn gặp mày!
Cung My lãnh đạm:
− Để làm gì?
− Để trò chuyện. Tao nghĩ là mày sẽ đỡ buồn chán, đỡ cô đơn hơn.
− Vậy sao? Tao sẽ thử xem.
Tới phòng khách, My bắt gặp Bảo đang nhìn mình. Đôi mắt hơi xếch rất phương đông của anh không to, nhưng sâu và thật sáng luôn làm My khó chịu.
Hôm nay ánh mắt đó có phần dịu dàng hơn, khiến My muốn kiếm chuyện với Bảo nhưng không biết mở miệng thể nào cho thật cay.
Mỉm cười dịu dàng, anh lên tiếng:
− Tôi không nghĩ là Cung My xuất hiện sớm như vậy. Đúng là một phép lạ, ước đã thay!
Khánh Ly chót chét:
− Tôi đã bảo hai người có thần giao cách cảm mà nhỏ My không chịu tin.
Cung My giả vờ như không nghe lời Ly vừa nói, cô ngoan ngoãn ngồi xuống salon và hỏi:
− Anh Tùng không đi với anh sao?
Bảo đáp:
− Tùng vừa ra ngõ mua thuốc lá.
− Anh cũng hút thuốc nữa à?
− Đôi khi buồn, hay phải nghĩ ngợi điều gì, có điếu thuốc sẽ dễ chịu hơn.
Cung My cong môi:
− Lúc này anh đang buồn, hay đang nghĩ ngợi lung tung vậy?
Bảo mỉm cười:
− Tôi đang ở trạng thái khác của tình cảm.
My hỏi tới:
− Trạng thái gì thế?
− Nói ra sẽ mất hay, vì đó là điều tôi dang muốn giữ cho riêng mình.
My dài giọng:
− Chà! Bí mật dữ!
Khánh Ly dứ dứ tay về phía Bảo:
− Nếu đã bí mật thì tha cho anh. Nhưng bí mật cỡ nào cũng có ngày bật mí. Tôi sẽ đợi ngày đó!
Nhìn ra cưa, Ly nôn nóng:
− Sao anh Tùng đi lâu vậy kìa! Có bao giờ quên đường vào nhà không?
Cung My tủm tỉm:
− Nếu ảnh cần mua thuốc lá cho trạng thái nào đó của tình cảm, dám ảnh quên đường lắm đấy!
Ly đứng dậy:
− Tao phải ra tìm ảnh mới được!
Cung My kêu lên:
− Mày đi là tao về đó!
Ngoái lại nhìn My, Ly cười toe:
− Tao đứng trước nhà chứ đâu có đi đâu! Nói chuyện với anh Bảo hộ tao nha! Hay là mày sợ ảnh!
Cung My giận dỗi:
− Mày giỏi bày trò lắm! Tao về đây!
Bảo nhỏ nhẹ:
− My vẫn còn ghét tôi đến thế sao?
My trầm giọng:
− Không phải là ghét, chỉ tiếc rằng ấn tượng ban đầu về anh vẫn còn đậm nét trong tôi quá!
Bảo bứt rứt:
− Hôm đó đúng là tôi vừa nóng nảy vừa lỗ mãng. Sau này nhiều khi nhớ lại tôi vẫn thấy xấu hổ vì thái độ có phần quá đáng của mình. Nhưng tôi hy vọng chúng ta sẽ là bạn tốt với nhau.
Thấy Cung My yên lặng, Bảo tiếp tục:
− Tôi biết My khó xoá được ấn tượng xấu ấy, nhưng tôi tin rồi My sẽ có cái nhìn khác về tôi.
− Tại sao anh lại nghĩ như vậy?
− Tại bản chất tôi không xấu như My tưởng.
My chếch môi:
− Anh có vẻ tự tin quá!
Bảo nhún vai:
− Tự tin vẫn dễ sống hơn.
Cung My mai mỉa:
− Những quí tử đang được nuông chiều hết cỡ rất tự tin, và xem thường người khác. Chắc anh là một quý tử.
Bảo có vẻ ngạc nhiên:
− My nghĩ thế à?
− Đúng vậy! Cưỡi xe mô tô, xài toàn tiền đô la hình ảnh của các quý tử thời đại. Bộ anh khác họ sao?
Bảo tỉnh bơ đáp:
− Đương nhiên là khác xa rồi! Người nhạy cảm như My lẽ nào không nhận ra, mà còn vờ đổ tội nhỉ?
Giọng My châm chọc:
− Tôi chỉ nhận ra những điểm giống thôi!
Bảo lơ lửng:
− Ví dụ thử xem?
− Tôi vừa dẫn chứng đó!
− Không thuyết phục chút nào!
Cung My khoanh tay:
− Với tôi như thế là đủ rồi. Nếu không phải, anh tự bạch về mình đi! Rồi tôi sẽ cho kết luận cụ thể!
Bảo bật cười:
− Thì ra có người muốn trích ngang lý lịch của tôi!
Cung My hất mặt lên:
− Hổng được sao khi tôi muốn có cái nhìn khác, thật hoàn chỉnh về anh?
Mắt Bảo ánh lên những tia ranh mãnh:
− Tôi không khoái tự bạch chút nào.
My nói:
− Vậy thì tự khai.
Bảo nheo mắt:
− Tôi không phải là tội phạm, em cũng không phải là quan tòa mà bắt tôi phải tự khai.
My ấm ức:
− Không có em ở đây nha!
Bảo chép miệng than:
− Sao khó quá thế chị ấy!
My nhăn mặt:
− Hừ! Tui ghét nhất là cái từ…chị ấy, anh ấy.
Bảo toe toét:
− Từ ấy bôi bác lắm. Gọi là em, xưng anh dễ thương hơn.
My bĩu môi:
− Hổng dám đâu, đừng có thừa cơ hội, không khéo ấn tượng ban đầu về anh mãi mãi khắc sâu vào trong tâm trí tôi rồi đó!
Bảo nghiêng đầu nhìn cô:
− Vậy càng tốt! Muốn người khác khắc sâu hình bóng mình vào tâm trí đâu phải là dễ.
My đỏ mặt:
− Anh..anh..
Bảo tủm tỉm cười làm My càng bối rối hơn. Đúng là cô lóc chóc, lốp bốp. Đứng vội đây, cô hờn dỗi:
− Tôi về đây!
Vừa nói cô vừa bỏ ra sân và thấy Ly đang ngồi trên ghế đá với Tùng hết sức thân mật. Con bé kêu lên:
− Sao về sớm vậy?
Cung My ấm ức:
− Hết chuyện để nói rồi.
Bảo khoanh tay ngạo nghễ:
− Phải nói là Cung My sợ tôi, nên đòi về.
Cung My dài giọng:
− Xí! Tôi mà sợ!
Tùng hàm hồ:
− Vậy thì ở lại tay tụ cho vui. Dầu gì bác gái vẫn chưa về mà!
Cung My trợn mắt:
− Sao anh biết mẹ tôi chưa về?
Tùng rất ư thiết tha:
− Thì Ly nói hai bà me đang xu quẻ mà! Mẹ Ly chưa về thì làm sao mẹ My về được. Ở lại chơi đi Cung My.
Nhìn Khánh Ly, cô tức muốn nổ đom đóm mắt. Chả biết con quỷ nhiều chuyện này còn nói gì về mẹ cô với Tùng nữa đây! Hừ! Không khéo Bảo cũng đã biết chuyện ba mẹ cô lục đục nữa là khác! Tự nhiên Cung My nặng nề vì mặc cảm. Dù sắp tới đây hai người sẽ ly dị, nhưng My vẫn không muốn có thêm người biết về sự bất hạnh này. Cô ghét bị thương hại.
Cung My cương quyết:
− Ở nhà còn ba và chị hai, tôi phải về không thôi lại bị rầy.
Bảo trầm giọng:
− Tôi đưa My về nhà nhé!
My lắc đầu:
− Không cần đâu!
Bảo nói:
− Có người đi cũng vẫn vui hơn mà! Hay là Cung My vẫn tiếp tục sợ tôi?
My ra điều kiện:
− Đưa người phải đưa tận nhà, thưa với người lớn xong mới được về. Anh dám gặp ba tôi không?
Bảo khịt mũi:
− Chuyện nhỏ! Tôi định tới thăm bác đây!
− Vậy thì đi!
Bảo hớn hở ra mặt. Anh cho hai tay vào túi quần, huýt sáo luôn mồm làm My thấy rộn rã. Cô buột miệng:
− Lần đầu tôi đi như thế này đó!
Bảo bâng khuâng:
− Tôi cũng vậy!
My nói ngay:
− Tôi không tin!
− Tại sao?
− Tại vì tôi không thể tin được, vì anh chả hiền từ gì…
Bảo nửa đùa nửa thật:
− Chính vì dữ dằn quá nên không ai chịu đi cùng. Nói thật, đây là lần đầu tôi đi như thế này với một cô gái.
Cung My đưa tay ngắt những cái lá ở hàng rào bên đường:
− Ngày thường anh sẽ làm gì, nếu không đi như vậy?
Bảo cười cười:
− Câu hỏi khó trả lời quá!
Cung My kêu lên:
− Sao lại khó! Nếu ai hỏi tôi như thế nhắm mắt tôi cũng trả lời được.
− Vậy My trả lời hộ tôi đi!
− Dễ ợt! Nếu không có gì lạ, giờ này tôi ở trong phòng học bài, hoặc nghe nhạc.
Bảo hỏi:
− Thế nào là…có gì lạ?
− Thí dụ như lúc này, hoặc đêm ở quán Mắt Huyền là lạ đối với tôi.
Bảo lại hỏi:
− Ở quán Mắt Huyền có lạ không?
Cung My gật đầu:
− Lạ! Tôi cù lần lắm phải không?
Bảo nhìn My thật dịu dàng:
− Một chút thôi! Nhưng đó là ưu điểm.
− Vậy sao! Giờ tới phiên anh trả lời đó.
Bảo ngập ngừng:
− Tôi không ngoan như My đâu.
− Vậy hãy kể những điểm hư của anh đi!
− Nhiều lắm! Kể không hết nổi.
Cung My vẫn tấn công tiếp:
− Thì kể những cái điển hình.
Bảo gãi ót:
− Điển hình nhất là lần đầu gặp nhau, tôi đã chọc giận My.
Cung My ồ lên:
− Ờ nhỉ! Phải nói là hôm đó anh rất dễ ghét.
Bảo đá một hòn sỏi:
− Còn bây giờ?
My thổi một chiếc lá trên tay:
− Cũng thế thôi!
Bảo lắc đầu:
− Tôi thấy có khác chứ! Ít ra tôi cũng làm quen được My.
Cung My đỏng đảnh:
− Quen hay lạ đâu ảnh hưởng gì tới sự ghét. Biết rõ về một người, nhiều khi mức độ ghét còn tăng lên đấy! Tới nhà rồi, anh vào thăm ba tôi chứ?
Bảo cao giọng:
− Với tư cách là bạn của My, tôi vào ngay.
My chớp mắt:
− Anh nên vào thăm nạn nhân của mình, chớ không nên vào thăm ba của tôi.
Bảo lơ lững:
− Tôi đã thăm nạn nhân của mình hai lần rồi!
− Sao không nghe ba nói vậy kìa?
− Nếu không tin, My có thể hỏi lại bác Tuấn kia mà! Nào! Có mời bạn vào nhà không?
Cung My lắc đầu:
− Tôi chưa chuẩn bị tâm lý để có một người bạn như anh. Thôi khi khác vậy! Cám ơn anh đã đưa tôi về!
Bảo quay đi, được vài bước anh trở lại gọi:
− Cung My!
Đang gài chốt cổng, My ngạc nhiên:
− Có chuyện gì à?
Bảo trầm giọng:
− Ba giờ trưa mai tôi đợi My ở quán Mắt Huyền. Em tới nhe.
My vội từ chối:
− Tôi bận lắm! Không tới được đâu!
− Vậy chừng nào em rảnh?
− Lúc nào tôi cũng bận hết!
− Nếu thế tôi đợi em ngoài cổng trường.
My liếm môi:
− Tôi sẽ làm mặt lạ, anh đừng trách đó!
Bảo nhìn My và thong thả nói:
− Thế thì tôi sẽ đến nhà…
− Tôi sẽ gọi ba ra cho anh thăm hỏi. Tóm lại tôi không thích!
Dứt lời, My te te bỏ vào trong nhà một nước.
Bảo gác chân lên bàn, chăm chú xem TV, cách ngồi không biết kẻ trên, người dưới là ai của anh khiến Ân chướng mắt. Anh hất chân em trai xuống, giọng đanh lại:
− Mày ngồi ngan ngắn lại xem! Sao lúc nào tao cũng thấy mày bạc nhược, xiêu vẹo như cây sắp chết vậy?
Bảo hơi nhỏm dậy:
− Sao anh khó chịu như mấy mụ đàn bà thế! Coi TV thôi mà! Có cần phải ngồi nghiêm trang đạo mạo như đang ngồi họp trong công ty không?
Ân mím đôi môi mỏng:
− Là đàn ông, ngồi ở đâu cũng phải có tư thế, dáng vẻ. Nói chi mày ngồi trước mặt ba và tao.
Bảo hất mái tóc lên:
− Lúc nào cũng o ép, gò bó người khác theo ý mình. Xin lỗi! Tôi không phải nhân viên dưới quyền của anh.
Ông Tín gắt gỏng:
− Im ngay đi không! Hai đứa bây không gặp thì thôi, gặp là gây hà!
Bảo phân bua:
− Ba thấy đó! Tại ảnh muốn kiếm chuyện mà!
Xỉ tay về phía Bảo, ông Tín quát:
− Anh mày nói đúng chớ kiếm chuyện gì. Trong nhà này chỉ có mày là mất dạy thôi. Đa vậy, suốt ngày chỉ thấy ăn chơi, hò hát chớ chả có thấy học hành gì cả. Năm nay là năm cuối đại học, nếu mày rớt tốt nghiệp, tao sẽ không chu cấp một đồng, lúc ấy thì tự lo liệu kiếm ăn nhé! Hừ! Nếu biết nhìn xa trông rộng, biết nghĩ tới tương lai, sự nghiệp mày đã nên theo anh mày và tao vào công ty những lúc rảnh để quen việc rồi, chớ đâu suốt ngày chỉ đàn đúm với quỷ! Tao thật mất mặt vì mày.
Bảo lầm lì:
− Tại sao con như thế, ba thừa biết mà! Xin cho con đứng bên ngoài cuộc chơi đi. Con không ham công danh sự nghiệp kiểu anh Lam với anh Ân đâu! Đáng sợ lắm!
Nói dứt lời, anh bỏ về phòng của mình. Chán thật! Lâu lâu ở nhà một lần lại đụng chuyện. Là anh em ruột, nhưng chả hiểu sao Bảo lại xung khắc dữ di với Ân. Còn như với Lam, anh dễ hòa hợp và đồng cảm hơn. Có phải tại Bảo mất dạy nhất nhà như ba anh vừa mắng không. Hay tại Ân làm anh mà không đáng ra anh?
Bảo bực dọc đốt thuốc và rít liên tục mấy hơi liền. Ba mắng anh mất dạy nhất nhà cũng đúng. Nếu so với Ân thì anh làm sao bì kịp được với sự hiếu thảo đầy mục đích của anh đối với mọi người, lúc nào ba cũng khen anh Ân không tiếc lời. Trong mắt ba mẹ, Ân là người toàn diện. Nhưng trong mắt Bảo, Ân là người thủ đoạn, nham hiểm. Ân sẵn sàng làm đủ mọi cách để đạt được mục đích của mình. Chính vì tính cách này nên Ân và Lam đối đầu nhau kịch liệt. Chính vì sự tranh giành quyền lợi lộ liễu của hai ông anh khiến Bảo thấy chán mọi thứ. Anh không muốn chen chân vào việc làm ăn của gia đình, và biễu hiện sự chán ghét ấy bằng những cuộc chơi cho riêng mình.
Thật ra những cuộc chơi ấy đâu có ảnh hưởng đến thanh danh, uy tín của ai trong gia đình sao ba lại mất mặt vì anh chứ! Suy cho cùng, ba đúng là thiên vị!
Đang lúc Bảo hậm hực búng vèo điếu thuốc ra cửa sổ thì bà Xuân bước vào:
− Con lại chọc giận ổng và thằng Ân à?
Bảo có vẻ hơi dỗi:
− Mẹ cũng nghĩ như thế sao?
− Chớ không đúng hả?
Bảo làm thinh, bà Xuân ca cẩm:
− Mày với thằng Ân cùng một mẹ sinh ra mà không biết thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Sau này mọi thứ thằng Lam sẽ chiếm hết cho chúng bây đi ăn mày!
Bảo ngao ngán:
− Ba còn sống sờ sờ, mà mẹ nghĩ đâu đâu ấy! Con thật chán! Sau này ai muốn chiếm thì cứ chiếm. Cứ để lại cho con hai chữ bình yên là được rồi.
Bà Xuân đay nghiến:
− Tao sinh ra mày, nuôi mày lớn lên đâu để mày xin hai chữ bình yên hèn nhát ấy! Lớn to đầu nhưng thiếu bản lãnh cũng khó sống lắm con à! Mày đừng để mẹ phải lo chứ!
Bảo nhăn mặt:
− Mẹ lo cái gì?
Bà Xuân chép miệng:
− Mẹ lo thằng Lam nuốt chúng mày.
− Ôi dào! Sao tự nhiên anh lại nuốt chúng con? Mẹ lại nghe ông Ân tuyên truyền bậy bạ rồi.
Hạ giọng xuống, bà Xuân thì thầm:
− Thằng Ân chả nói gì với mẹ hết. Tao nghe từ miệng mấy bà ban giám đốc. Họ nói ba mày tin tưởng thằng Lam hơn thằng Ân.
− Vậy đâu có ăn thua tới con
− Sao lại không. Ổng tin thằng Lam nên giao nhiều quyền hạn trong công ty cho nó hơn thằng Ân. Mà thằng Ân thì khó ai ăn hiếp được, chỉ còn thằng dễ dãi ham chơi như mày là dễ bị chúng khiến. Tao sợ sau khi tốt nghiệp mày về công ty thì sẽ bị thằng quỷ đẻ ngược ấy đè đầu cưỡi cổ mà thôi. Nó biết anh em bay không hòa thuận với nhau nên chẳng đứa nào bênh vực đứa nào, nên....nên....
Bảo khoát tay:
− Con không về công ty ba đâu. Mẹ khỏi lo xa cho mệt.
Bà Xuân hầm hừ:
− Mày nói giỡn chơi hoài. Không vê công ty của mình để đi làm công cho thiên hạ sao?
Bảo nhăn nhó:
− Mẹ để con yên một chút đi. Ba vừa hăm he không chu cấp cho con, bây giờ mẹ lại dọa chuyện khác. Con không biết phải sống thế nào cho vừa lòng mọi người nữa.
Dứt lời anh đứng dậy khệnh khạng đi. Bà Xuân gắt:
− Mày đi đâu?
Bảo làu bàu:
− Con qua bên dì Quyên. Ở bển chả có ai làm phiền con hết.
− Nhưng mày làm phiền người ta. Dạo này nhà dì Quyên thường xuyên có khách. Nó không thích mày thường xuyên lui tới như trước kia nữa đâu.
Bảo nhíu mày:
− Vậy dì Quyên đã công khai quan hệ với gã đàn ông đó à?
Bà Xuân chép miệng:
− Công với khai gì, gã ấy vẫn chưa ly dị được vợ mà! Tại dì mày dễ dãi quá. Chưa chi đã mở cửa rước quỷ vào nhà.
Bảo nói:
− Sao mẹ nặng lời thế! Dì Quyên đã từng tuổi này rồi chả lẽ còn không biết nghỉ. Tới lúc dì ấy cần một người đàn ông để bớt cô đơn rồi. Ông ta từng là giáo viên, chắc chắn hợp với dì Quyên. Mẹ cứ mặc dì lựa chọn. Có ý kiến làm chi rồi bực mình.
Bà Xuân:
− Nhưng tao bảo người này không được là không được. Đã một lần dở dang, sao dì mày không sợ kìa! Gặp lại người yêu củ một thời gian ngắn đã tin tưởng tuyệt đối vào hắn. Tao sợ người đàn ông này thương cái gia tài con Quyên hơn là thương nó đó chứ!
Bảo ngạc nhiên:
− Dì Quyên nói với con, hai người gặp lại nhau cũng mấy năm rồi mà!
Bà Xuân lừ mắt:
− Mấy năm là mấy năm? Mày ngốc nên mới tin lời nó. Con Quyên nói thế để chứng tỏ nó chính chắn chứ không hấp tấp, bp chp. Chứ thật ra nó mới gặp lại hắn ta mới đây thôi!
Bảo chép miệng:
− Gặp lâu hay mau mẹ bận tâm làm gì? Nếu dì Quyên đã chọn rồi mẹ phản đối cũng vô ích.
Bà Xuân bỗng chuyển hệ:
− Dạo này sao mày ít đến nhà Bích Hồng vậy? Mẹ nó vừa hỏi thăm tao về mày đó!
− Hỏi thăm con làm gì?
− Còn làm gì nữa? Ra trường rồi làm đám hỏi. Gia đình đó rất xứng với gia đình mình.
Bảo kêu lên:
− Thôi đi mẹ à! Con chưa muốn chui vào thòng lọng sớm như vậy đâu! Mẹ lo cho anh Ân trước đi!
− Thằng Ân là người chính chắn, lúc nào cũng để lý trí làm chủ, nó sẽ biết chọn vợ. Tao chỉ lo cho mày thôi.
Bảo ngập ngừng:
− Con chưa nghĩ đến chuyện vợ con vào lúc này. Nếu có cũng không phải là Bích Hồng. Mẹ đừng có vun vào nữa!
Bà Xuân chưng hửng:
− Ô hay! Sao kỳ vậy? Mày rất thương nó mà!
Bảo gượng gạo:
− Mẹ lại phóng đại sự việc rồi! Tại Bích Hồng đeo quá nên con rủ đi chơi cho vui, chớ đâu có hề yêu thương gì....
Bà Xuân vỗ bàn thật mạnh:
− Cái thằng đểu! Mày dám đùa với con gái người ta vậy à? Rồi tao làm sao ăn nói với mẹ nó đây? Bà Hai Ly không dễ đâu!
− Con và Bích Hồng cũng giống như nhiều cặp khác. Thích thì đi chơi chung, chán thì xa, mẹ cần gì phải nói...làm sao với ba Hai Ly.
Bà Xuân chì chiết:
− Nói vậy mà nghe được à thằng trời đánh? Ba mày mà nghe được những lời này thì mày chết. Ổng đang chung vốn làm ăn với công ty bà Hai Ly, đừng gây khó khăn cho ổng đó.
Bảo nổi cáu kêu lên:
− Ba mẹ muốn con bám theo váy Bích Hồng để bà Hai Ly vui lòng à! Con không đê tiện được thế đâu! Cũng may nhà này toàn con trai, nếu có con gái đễ thuận việc làm ăn, chắc ba mẹ sẵn sàng bán rẻ con mình quá!
Bà Xuân rít lên:
− Thằng trời đánh! Thằng mất dạy...nuôi mày ngần ấy năm để nghe mày nói thế à?
Bảo làm thinh. Anh vơ cái áo gió trên móc rồi bước ra ngoài mặc cho bà Xuân tru tréo trong phòng.
Tới phòng khách anh bị Ân chận lại:
− Mày lại hỗn gì với mẹ vậy?
Đẩy Ân ra, Bảo lầm lì:
− Tôi chỉ nói điều mình nghĩ chớ chẳng hỗn ẩu gì cả. Khổ nổi nhà này chả ai thích nghe nói thật hết!
Ân cười nhạt:
− Tốt nhất mày đừng về nhà nữa.
Bảo trừng mắt:
− Nếu đó là điều mà anh mong đợi thì đừng có hòng. Tôi không có tự ái rơm kiểu anh Lam đâu! Anh khỏi cần phải khiêu khích.
Bước ra sân, anh leo lên moto phóng đi bạt mạng. Gió ào ào làm Bảo bớt nóng nảỵ Anh rong xe vô định trên phố, rồi không hiểu sao lại rẻ vào con hẻm tới nhà Cung My. Trong đầu Bảo trống rỗng. Anh chưa biết sẽ nói gì với cô, với ông Tuấn thì xe đã tới trước cổng nhà. Anh vừa dựng chống lên cánh cửa đã mở tung ra. Ông Tuấn xuất hiện với gương mặt cau có:
− Là cháu à! Tiếc là tôi phải đi ngay...
Bảo liếm môi:
− Dạ...xin phép bác cho cháu gặp Cung My.
Mắt ông Tuấn trợn lên đầy ngạc nhiên:
− Hả Cái gì? Hùm! Thì ra là vậy!
Rồi ông hầm hừ:
− Thảo nào cháu siêng đến thăm tôi. Tôi chẳng hẹp hòi gì mà không cho cháu gặp nó, nhưng tôi báo trước sẽ không có kết quả tốt đâu!
Bảo hết sức mềm mỏng:
− Cháu không hiểu ý bác!
− Thì cố mà tìm hiểu!
Dứt lời, ông lầm lũi ra đầu ngõ, Bảo nhíu mày nhìn theo với một dấu hỏi lớn trong đầu. Khánh Ly từng nói là ba của Cung My rất hắc ám. Anh nào yếu bóng vía thì khó lòng làm con rễ ông. Lúc ấy Bảo cho rằng Ly đã thổi phồng quá mức tính cách của ông Tuấn, giờ đây anh mới cho rằng có lẽ Ly đã nói đúng. Lời úp mở vừa rồi của ông ẩn chứa một lời hăm dọa hay một lời tiên đoán nhỉ?
Cung My trong nhà bước ra, giọng đầy ngạc nhiên:
− Trời ơi! Anh tới đây làm gì vậy?
Bảo dối như thật:
− Tôi tới thăm bác Tuấn.
− Ba tôi vừa vắng nhà!
− Tôi biết! Tôi vừa gặp bác ấy tại đây. Bác Tuấn bảo tôi vào trò chuyện với My cho vui...
Cung My nghi ngờ:
− Hổng có chuyện đó đâu!
Bảo rờ càm:
− Chả lẽ tôi dám bịa à?
Rồi hết sức tự nhiên, anh lững thững bước tới ngồi xuống ghế đá:
− Bác Tuấn còn bảo, có rảnh cứ tới đây chơi.
Cung My hất hàm:
− Rồi anh trả lời sao?
Bảo cười cười không nói.
− Tôi nhớ anh ghét làm theo lệnh của người khác lắm mà!
− Đúng vậy! Khổ nổi lệnh của bác đúng rơ với lệnh của trái tim tôi. Đành phải chịu thôi!
Cung My bĩu môi:
− Mồm mép!
Bảo nói giọng nghiêm trang:
− Để tôi vào chào bác gái.
Cung My ngồi xuống cái đôn hình con voi.
− Mẹ tôi cũng đi vắng. Nhà chả có ai đâu!
− Tôi ở lại với My là đúng rồi!
− Sao hôm nay anh đi có một mình vậy?
Bảo nhỏ nhẹ:
− Tôi từ nhà đến đây nên không rủ Tùng.
Cung My tò mò:
− Hai người thân lắm à?
− Có thể nói như vậy. Tôi giao du nhiều, nhưng ít bạn lắm! Tùng là người hiểu tôi nhất.
− Thế Bích Hồng thì sao?
Bảo nhún vai:
− Biết nói sao đây khi có những cái mình càng cố giải thích càng tệ hại. Tóm lại tôi không nghĩ Bích Hồng là tri kỷ của mình.
Cung My tủm tỉm cười, mắt Bảo ánh lên trong ánh sáng mù mờ:
− Sao My lại cười?
− Anh đoán thử xem?
Bảo nói:
− Tôi vẫn thích nghe My giải thích hơn.
Cung My khúc khích:
− Tôi không nghĩ người có bề ngoài quằn quại như anh lại cần một tri kỷ. Cái từ tri kỷ nghe xưa quá, làm sao hợp với người cưỡi moto phóng như điên, hát toàn nhạc Rock, Rap như anh.
− Nhưng từ ấy chỉ rõ đối tượng tôi đang khao khát tìm. Dù mai này thế giới có thay đổi tới đâu, người ta vẫn cần một tri kỷ.
− Nói nghe hay thật! Anh là tri kỷ của ai, chắc họ sẽ hạnh phúc.
Bảo có vẻ khoái chí, anh hỏi gặng:
− My nghĩ vậy à?
Cung My lấp lửng:
− Tôi chỉ mong thế, để thấy anh tốt hơn.
Vờ như không biết My đang chăm chọc mình, Bảo nói:
− My biết không, tôi đang buồn và nghĩ đến đây thế nào cũng được khuây khỏa. Thì ra đúng như vậy! Chanh chua đôi khi còn có tác dụng gấp mấy lần ngọt ngào.
Cung My chớp mắt rồi hỏi:
− Anh buồn chuyện gì thế?
Bảo chép miệng:
− Chuyện gia đình! Tôi vừa bị ba mẹ và ông anh ruột lên lớp một tăng.
My cao giọng:
− Tội gì dữ vậy?
Bảo cộc lốc:
− Tội bất hiếu!
− Nhưng nhìn anh đâu có giống....
− Bởi thế mới buồn.
Cung My lại hỏi:
− Sao anh lại bị ghép vào tội...trời tru đất diệt đó?
Bảo nhếch môi:
− Tại tôi không làm theo ý mọi người trong nhà. Nghe đơn giản thật, nhưng ngẫm nghĩ sâu xa, tôi khổ tâm vô cùng.
Cung My ngạc nhiên vì giọng điệu như than của anh. Cô bỗng động lòng trắc ẩn khi thấy Bảo có vẻ gì đó vừa cô đơn, vừa u uất khác với thường ngày. Nghĩ tới mình, Cung My thương cảm. Dịu dàng nhìn anh, cô nói:
− Cha mẹ sinh ra ta nhưng chưa chắc đã hiểu được ta. Sống thế nào không thẹn với lương tâm là tốt rồi.
Bảo mỉm cười:
− Cảm ơn những lời của My. Tôi có cảm giác đã gặp được người hiểu mình.
Cung My trớ đi:
− Tôi chỉ tò mò về anh, chớ nào có hiểu gì đâu. Hiểu một người thật chẳng dể chút nào.
Bảo nhỏ nhẹ:
− Nếu đối xử với nhau bằng chân tình, thì chuyện hiểu nhau đâu có khó.
Cung My lắc đầu:
− Chân tình à? Với tôi, chân tình là một thứ không có thật.
Bảo nhíu mày:
− Tại sao My lại nghĩ thế nhỉ?
− Tôi nói anh cũng không hiểu đâu!
− Nếu thế thì My lầm, thế gian này người tốt lúc nào cũng nhiều hơn người xấu. Đừng bao giờ vì một kẻ xấu mà khép kín với những người xung quanh mình.
Cung My kêu lên:
− Anh biết gì về tôi mà nói thế?
Bảo đều giọng:
− Tôi không tò mò, nhưng lúc nào cũng muốn hiểu về My, do đó tôi có biết chút ít về nỗi buồn niềm vui, cũng như những cái gì mà My yêu, My ghét.
Liếc Bảo một cái, My hỏi:
− Vậy tôi đang ghét ai?
Bảo trả lời ngay:
− Tôi luôn tin là không phải tôi.
My khịt mũi:
− Anh chủ quan thật.
− Nhưng đúng, phải không?
− Trật lất chứ đúng gì.
Bảo tủm tỉm nhìn My, anh vừa định nói thì có tiếng xe dừng lại trước nhà. Tò mò nhìn ra, Bảo thấy một cô gái đẩy cửa bước vào.
Cung My nói nhỏ:
− Chị Tâm của tôi đó!
Bảo lịch sự đứng dậy chào và nhận ra anh chàng đưa Tâm về chẳng xa lạ gì với mình.
Thấy Bảo, anh ta hất hàm:
− Mày cũng ở đây à? Thật là ngẫu nhiên thú vị.
Bảo thản nhiên:
− Chuyện bình thường thôi mà!
Khuê Tâm kéo My ra hỏi nhỏ:
− Ai vậy?
My bối rối:
− Khách của ba đó!
− Thế ba đâu?
− Em không biết ba đi đâu nữa.
Tâm liếc xéo Bảo:
− Hừ! Vậy mà mày dám cho hắn vào nhà. Mày gan thật!
My liếm môi:
− Nhưng anh Bảo cũng là bạn em....
Khuê Tâm hét vào tai My:
− Mày nói cái gì lung tung vậy?
My nhăn mặt:
− Chị làm gì ghê quá! Có thắc mắc cũng đợi người ta về đã chứ! Ông Điền đang nhìn chị kìa!
Nghe My nói thế, Khuê Tâm liền mỉm cười với anh chàng của mình.
− Hai người quen nhau à?
Điền gật đầu:
− Dì của anh là bạn thân của dì của Bảo. Tụi anh biết nhau từ hồi bé xíu mà!
Khuê Tâm ra vẻ đàn chị với Bảo:
− Không phải tôi khó tính nhưng Cung My còn bé, nó giao thiệp với ai tôi cũng hỏi hết. Bảo đừng phiền nhé!
Bảo nhếch môi:
− Tôi có phiền gì đâu!
Ngồi trong xe, Điền nói vọng ra:
− Ở lại chơi vui vẻ. Tao về trước đây!
Đợi Khuê Tâm vào nhà xong, Cung My hỏi ngay:
− Anh thân với anh Điền lắm à?
Bảo bật cười:
− Quen nhau hồi nhỏ xíu đâu có nghĩa là thân nhau.
− Nhưng cụ thể anh là người thế nào?
Bảo lấp lửng:
− Không phải Điền là bạn thân của chị Tâm à?
Cung My im lặng, cô suy nghĩ và tin rằng Bảo là người tốt để cô có thể nói thật nhiều điều.
Ngập ngừng một chút, cô nói:
− Chị Tâm đã có chồng sắp cưới. Gia đình hai bên định sang năm tổ chức cưới. Không ngờ mới đây chị quen với anh Điền, rồi tìm đủ cách lẩn tránh anh Ngôn. Đã vậy, dạo này chị Tâm còn công khai đi chơi với anh Điền nữa chứ!
Bảo nhẹ nhàng:
− Biết đâu trước kia chị Tâm đã ngộ nhận, bây giờ mới thật sự yêu?
Cung My nói thật nhanh:
− Tôi chỉ sợ chị Tâm bị người ta gạt nên thật lòng tìm hiểu về anh Điền. Nếu đối xử với nhau chân tình, lẽ nào anh lại không cho tôi biết anh Điền là người thế nào?
Bảo trầm giọng:
− Đặt chân tình vào trường hợp này thì không ổn.
− Sao lại không ổn?
Bảo chậm rãi đáp:
− Nó giống như lòng tốt bị lợi dụng.
Mặt Cung My nóng bừng lên, cô lắp bắp:
− Xin lỗi! Nếu anh nghĩ như thế!
Bảo nhún vai, giọng khô khốc:
− Tôi vẫn sẵn sàng nói những gì mà tôi biết về anh Điền mà không cần My phải rào đón. Như vậy không tự nhiên, vô tư, thoải mái hơn sao?
My hụt hẫng vì những lời nói của Bảo. Vừa rồi, lẽ ra cô không nên nói thế. Cô đã vô tình làm tổn thương Bảo. Nhưng dù có thế, anh cũng không nên thẳng thắn tới mức cứng ngắt với cô chứ! Lẽ nào anh coi mình hơn người khác nhiều quá? My chợt giận mình rồi giận luôn Bảo. Sự xấu hổ lẫn dỗi hờn làm cô ngồi chết dí trên ghế. Bảo cũng im lặng trên ghế đá. Thái độ của anh làm My ấm ức hơn. Cô đã xin lỗi vậy mà Bảo vẫn cố chấp. Anh đúng là tự cao. Chuyện có chút xíu thôi, cũng xé ra cho to. Chả lẽ trên đời này chỉ mình anh ta biết tự ái? Nỗi nghẹn chợt dâng lên ngực, My rưng rưng nước mắt nhưng vẫn mím môi lặng thinh.
Cuối cùng Bảo lên tiếng trước:
− Chuyện của người ta mà mình lại buồn. Đúng là chẳng khác nào con nít!
Cung My ngập ngừng:
− Tôi không có ý rào đón như anh nghĩ. Có lẽ tôi quá vụng về.
Bảo nhìn cô:
− Tôi cố chấp thì đúng hơn. Anh xòe tay ra:
− Mình làm huề nhé!
Ngần ngừ một chút, cô nắm nhẹ bàn tay anh rồi buông ra thật nhanh. Nhưng Bảo đã giữ tay cô lại, giọng anh trầm xuống:
− Mình sẽ là bạn tốt của nhau nhé, Cung My?
Cô bối rối vô cùng, nhưng vẫn lém lỉnh:
− Là bạn được rồi. Tốt hay không thì sau này mới biết!
Bảo tủm tỉm cười làm My chớp mắt. Anh chợt nói sang chuyện của Khuê Tâm.
− Tôi không biết chồng sắp cưới của chị Tâm ra sao, tôi chỉ biết rằng anh Điền đã trải qua rất nhiều mối tình. Nếu muốn có một gia đình êm ấm hạnh phúc, tôi nghĩ chị Tâm nên quay về với anh Ngôn. Anh Điền không phải là mẫu người lý tưởng của một gia đình đâu.
Cung My nài nỉ:
− Anh nói rõ hơn nữa được không?
Bảo lưỡng lự:
− Chắc là không nên. Bao nhiêu đó cũng là nói xấu người khác rồi. Cung My nên khuyên chị Tâm phải tìm hiểu thật kỹ đối tượng của mình, vẫn tốt hơn nghe từ tôi.
My thở dài:
− Tôi đã nói nhiều lần rồi. Khổ nổi chị Tâm lại đang bị cuốn hút bởi những tính cách của anh Điền. Chị Tâm chê anh Ngôn cù lần, không biết galăng, cũng chả biết săn đón.
Bảo chép miệng:
− Người ta cũng như con thiêu thân, hay chết vì những thứ tỏa sáng.
Cung My rầu rĩ nhìn Bảo:
− Tôi phải làm sao đây?
Bảo góp ý:
− Việc này hãy để hai bác khuyên chị Tâm.
Cổ My nghẹn lại, rồi bao nhiêu tức tưởi bỗng vỡ ra:
− Chị không nghe đâu! Chính ba mẹ đã khiến chị Tâm thay đổi như thế! Hai người đang tiến nhanh thủ tục ly dị, tâm trí đâu mà nghĩ đến con cái.
Nói đến đây, mắt My bỗng cay xè. Cô nhớ tới ba, nghĩ tới mẹ và gục mặt vào tay, giọng nghẹn lại:
− Trong gia đình tôi, mọi người một cõi riêng, lẻ loi, cô đơn đến não nề. Ai cũng cho tự đi tìm cho mình những chỗ dựa. Ba tôi đến với người đàn bà của ông ấy, mẹ tìm quên trong kinh kệ, chùa chiền, chị Tâm tập tành những thú vui mới với anh Điền. Chỉ còn tôi bó gối nhìn mình trong gương. Những cái gương cũ kỷ ấy cũng bị ố làm tôi cũng không nhận ra tôi.
Im lặng một lúc, My nói tiếp:
− Sự chia tay của ba mẹ làm tôi mất cả niềm tin vào cuộc sống, cũng như nghi ngờ bản thân mình. Có ai hiểu và chia sẽ với tôi đâu?
Bảo từ tốn:
− Tôi có nghe Ly nói về hoàn cảnh của Cung My. Tôi hiểu và muốn chia sẽ những ray rứt, khắc khoải trong lòng My.
Cung My lắc đầu:
− Anh không hiểu được đâu!
− Khó cách mấy tôi cũng cố vì chúng ta là bạn mà!
Dịu dàng nhìn My, Bảo nhỏ nhẹ:
− Nào! My cứ nói hết những u uẩn trong lòng ra đi. Rồi sẽ thấy nhẹ nhõm ngay.
− Tôi đã nói hết rồi, nhưng vẫn cảm thấy nặng nề, thậm chí chán nản nữa là khác.
− Tại My chưa chấp nhận sự thật, tôi đã từng có cảm giác này nên rất hiểu.
Cung My buộc miệng:
− B ba mẹ anh cũng...
Bảo cười nhẹ:
− Không phải! Nhưng tôi hiểu rất rõ thế nào là thất vọng khi sụp đổ niềm tin, vỡ tan ngôi thần tượng.
My nói:
− Nhưng anh không thể hiểu và sống bằng tâm trạng của người bị cha ruột mình chối.
Bảo trầm ngâm:
− Người ta có thể đau nỗi đau của người khác.
My héo hắt:
− Đó gọi là sự thương vay khóc mướn có phải không?
− Đừng chua chát như vậy. Tôi không nghĩ My lại lấy tự ti làm chỗ dựa cho mình. Nếu có buồn, hãy thả rong một vòng ngoài phố để thấy xung quanh ta cuộc sống luôn chuyển động, rồi niềm vui, nỗi buồn gì cũng qua đi.
− Anh nói như hát thảo nào...
Bảo ngập ngừng:
− Sao không nói hết?
My cao giọng:
− Không có gì. Chẳng qua tôi nhớ lại buổi tối ở quán Mắt Huyền, nhớ khi anh hát xong là có một ôm hoa của các cô ái mộ trong...quái thật! Đêm ấy chắc có khối nàng tương tư thầm.
Bảo tủm tỉm cười làm Cung My quê, cô nhướng mày:
− Bộ tôi nói không đúng à?
− Đúng!
− Vậy sao anh cười trông ghét thế?
Nhớn nhã nỡ tiếp một nụ mím chi nữa, Bảo mới nói:
− Tôi mừng vì dường như Cung My đã tìm tâm trở lại, còn xúc động đã biến đi rồi. Thật ra muốn xua tan buồn phiền cũng không khó, chỉ cần liên tưởng tới một người nào, một hoàn cảnh, một chuyện tức cười nào đó thì sẽ quên ngay!
Cung My bĩu môi:
− Chỉ có những người hời hợt mới thế!
− Đôi khi người ta cần hời hợt một chút mới dễ sống.
− Đây là lời khuyên vàng ngọc của bạn hiền đấy à?
Bảo chậm rãi:
− Đó là cách dối mình khi buồn mà thiếu tri kỷ.
Cung My so vai:
− Anh vòng vo và khó hiểu hơn tôi tưởng nhiều!
Bảo im lặng. Anh nhìn đồng hồ rồi nói:
− Tôi về! Hy vọng mai sẽ gặp lại My ở cổng trường.
Tim My rộn rã nhưng cô vẫn phản ứng:
− Không được đâu! Tôi..tôi...
Mắt Bảo ánh lên tia nhìn ấm áp đa tình:
− Tôi sẽ không làm phiền My, nhưng nhất định tôi phải chờ để được nhìn thấy em.
Lúc My còn chơi vơi vì tiếng em ngân dài như nốt nhạc ở cuối bài hát thì Bảo đã bước ra tới cửa. Rồi như cơn gió, anh phóng xe đi.
Cung My bâng khuâng khép cánh cổng sắt lại, trong lòng cô chợt ngân nga điệp khúc:
"Khuya về anh có hỏi. Tại sao mình gặp nhau..."
o O o
Bà Hai Lý buông một câu phê phán khi bà Mẫn Quyên vừa bưng ly nước cầm lên uống:
− Đúng là liều lĩnh! Tôi không nghĩ bồ can đảm nối lại tình xưa với ông ta. Một người như bồ thừa khả năng tìm một ông chồng xứng đối hơn. Thầy Tuấn bây giờ đâu còn phong đ như hồi đó. Làm vợ ông sẽ phí nữa đời còn lại.
Đang ngồm ngoàm nhai táo, bà Xuân cũng góp lời vào:
− Thì đó! Chị cũng hết lời khuyên, nhưng nó đâu có nghe! Còn trẻ, mà tội gì cơ chứ!
Đặt ly nước xuống, bà Quyên nói:
− Trẻ gì mà trẻ chị ơi! Nếu không nhuộm, tóc em đã bạc trắng cả đầu rồi!
Bà Lý có vẻ phật ý:
− Mới 39 mà già. Tự bồ nghĩ thế để xứng với ông Tuấn thì có. Chớ tôi không cho rằng mình già đâu!
Bà Xuân nói vào:
− Cô mà già à! Đi dạo phố với Bích Hồng, ai cũng tưởng hai chị em. Cô mà chịu thêm bước nữa thì khối người quỳ gối xếp hàng.
Cười tự mãn, bà Lý vờ vịt:
− Chị khéo nói! Ai thèm gái góa như em.
Vẫn cái giọng ngọt như đường, bà Xuân xum xoe:
− Góa cũng trăm đường góa! Góa như cô thì thế gian đếm trên đầu ngón tay.
Bà Hai Lý thở dài:
− Thú thật, mình em vừa phải trông coi khách sạn, vừa siêu thị mệt bở hơi tai, nghĩ trong nhà không có đàn ông để nương tựa cũng khổ tâm, cực xác. Nhưng bước thêm bước nữa em lại sợ.
Bà Xuân tò mò:
− Cô sợ cái gì cơ chứ?
Ngã người ra đằng sau, bà Lý nói:
− Sợ con gái gặp cảnh bố dượng, sợ mình ưng nhằm hạng sở khanh, đểu giả, ham tiền. Bởi thế, ở vậy vẫn hơn!
Bà Mẫn Quyên có vẻ tự tin:
− Mình biết rõ anh Tuấn cách đây hai mươi mấy năm rồi nên chẳng sợ gì cả!
Bà Xuân bĩu môi:
− Phải nói là mày điếc không sợ súng thì đúng hơn! Hai mươi mấy năm, núi có thể mòn, sông có thể cạn, huống chi một con người như thằng Tuấn. Hồi đó nó đã đổi màu như tắc kè, nói chi bây giờ.
Bà Quyên thản nhiên:
− Chị luôn có ấn tượng với ảnh nên mới nói thế, chớ ảnh tốt hay xấu em thừa biết!
Bà Lý vội giảng hòa:
− Hai chị em đừng cãi nữa mà. Duyên số do trời định. Có trốn cũng không thoat, cố cầu cũng không nên. Mẫn Quyên gặp lại thầy Tuấn bao nhiêu năm là duyên đó!...
Thấy bà Lý ngập ngừng như muốn nói thêm điều gì, bà Quyên liền bảo:
− Hôm trước tôi có nghe anh Tuấn nói về anh Đức. Anh đang làm chủ một nhà hàng ở Cali, đời sống khá lắm, nhưng đường vợ con vẫn lận đận. Cưới rồi ly dị mấy lần, tới bây giờ vẫn một mình.
Bà Xuân khó chịu:
− Nhắc làm gì người đàn ông đó, nếu xưa kia anh ta không bỏ Hai Lý để đi vượt biên thì bây giờ cô ấy đâu được cơ ngơi như vậy.
Bà Quyên cau mày:
− Sao chị không nói nếu anh Đức ở lại, Hai Lý đã không sống cảnh góa bụa như thế này?
Xụ mặt xuống, bà Xuân làu bàu:
− Xuôi dọc gì mày cũng nói được hết. Tao thua, mày thắng nhưng không phải là hay đâu. Đã nhắc chuyện xưa thì nhắc cho trót, mày luôn hận và luôn nghĩ trước kia vì ba mẹ ép duyên nên mới dở dang là sai. Ba mẹ làm thế là vì thương mày...
Bà Quyên khoát tay:
− Đừng nhắc tới chuyện xưa nữa. Dù gì em và anh Tuấn cũng có kết quả tốt đẹp, dầu cái kết thúc ấy phải đổi đến nữa đời người.
Bà vừa dứt lời thì Bích Hồng ló đầu vào, giọng nhõng nhẽo:
− Sao anh Bảo lâu về vậy bác Xuân?
Bà Xuân ngập ngừng:
− À! Bác đã phone cho nó rồi. Nó về ngay ấy mà!
Chớp mắt như ngây thơ lắm, Hồng mắng vốn:
− Dạo này anh chả thèm tới thăm cháu...
Cười thật vô tư, bà Xuân bảo:
− Ối dào! Đàn ông là vậy đó, ham vui, ham chơi, nếu không biết kềm là mất! Thời buổi này sẵn nhiều trò cho họ chơi quá, nên ra khỏi nhà là họ quên ngay đường về! Cháu cứ yên tâm, bác quản lý thằng Bảo kỷ lắm! Nó chẳng chạy đi đâu được đâu. Bây giờ như vậy, lên phòng nó nghe nhạc đi!
Bích Hồng đưa mắt nhìn mẹ. Bà Lý gật đầu:
− Đi đi con, để người lớn nói chuyện.
Mẫn Quyên mỉm cười nhìn theo Hồng:
− Con bé cũng người lớn đó chứ! Nhìn nó tôi nhớ hai Lý hồi trẻ.
Bà Lý xa xôi:
− Hồi đó mình vừa nghèo vừa cực, chớ đâu có được sướng như nó bây giờ. Đã vậy, trong tình yêu cũng bạc phận. Nhớ tới ngày xưa, mình thề sẽ làm tất cả để cho con được hạnh phúc hơn mình, dầu sao mình cũng chỉ còn mình nó.
Bà Xuân nhìn bà Lý:
− Tôi đã bàn với ba thằng Bảo, đợi nó ra trường rồi sẽ chính thức đi hỏi Bích Hồng. Đến lúc con bé ra trường thì tổ chức cưới ngay.
Bà Xua ngạc nhiên:
− Còn những 3,4 năm nữa Bích Hồng mới tốt nghiệp mà, cần gì phải đám hỏi sớm như vậy?
Bà Xuân đáp:
− Dầu gì hai đứa cũng quen nhau mấy năm rồi, đám hỏi để đấy vẫn tốt hơn cho cả hai nhà.
Bà Quyên ngập ngừng định nói điều gì đó nhưng rồi lại thôi. Bà Lý nhìn đồng hồ với vẻ sột ruốt:
− Đợi các bà tới gầy sòng cũng đủ mệt. Tôi ghét ai lâu lắc lắm! Thời gian với tôi là vàng bạc. Ngồi gông thế này để được đánh bài sao lãng phí vàng bạc quá!
Bà Xuân đứng dậy:
− Để tôi điện một lần nữa xem sao!
Bà vừa bước tới điện thoại thì Bảo ló đầu vào. Thấy Bảo, bà mắng ngay:
− Mày đi đâu dữ vậy thằng quỷ?
Bảo gật đầu chào bà Quyên, bà Lý rồi nhăn nhó:
− Con đang ngồi ngoài quán với bạn, nghe mẹ nhắn là chạy về ngay. Có chuyện gì thế mẹ?
− Bích Hồng tới chơi. Nó đang đợi mày ở trên phòng mày đấy!
Bảo nhíu mày và nói nhanh:
− Con xin phép lên đó!
Nhìn anh bước một lúc 2,3 bậc thang, bà Hai Lý cười to:
− Từ từ mà đi con ạ! Bích Hồng chẳng bay đi đâu mà vội…
Lòng Bảo chợt gợn lên sự khó chịu, anh không thích có người đột nhập vào cõi riêng của mình, dù người đó là Bích Hồng. Hậm hực mở toang cửa ra, Bảo thấy Bích Hồng đang nằm trên giường của mình trong một tư thế khá gợi cảm, cô ta đang nghe nhạc bằng headphone nên không biết có Bảo vào phòng. Nhìn đôi mắt lim dim, đôi môi mộng chúm chím, khuông ngực nhô lên sau làn áo rộng, đôi chân dài khoe ra dưới cái mini jupe, Bảo chợt nóng người khi nhớ tới những lúc Hồng nằm gọn trong lòng mình…
Có lẽ Hồng thật sự yêu anh, nên khi có hai người, con bé hết sức dễ dãi và chiều anh tối đa. Những lức ấy, nếu không nghĩ tới bà Hai Lý, anh đã buông thả cho tới đâu thì tới rồi. Thật ra, anh cũng là một thằng đểu, không yêu nhưng vẫn thích đùa. Anh đùa với nhiều con gái quá nên không còn trân trọng sự trong sáng của tình yêu. Trong mắt, và cả trong suy nghĩ của anh, các cô gái đều giống nhau. Cứ tán tỉnh được họ thì mình sẽ có những gì mình muốn. Anh đã muốn tán tỉnh ai rồi thì người đó khó thoát. Nhếch môi lên, Bảo vụt nghĩ tới Cung My, nhưng ngay tức khắc, anh vứt bỏ hình ảnh cô ra khỏi tâm trí mình bằng cách ngồi xuống kế bên Hồng.
Nhốm người lên, cô phụng phịu:
− Tưởng anh chết mất xác đâu rồi chớ! Nhắn máy bao nhiêu lần cũng không thấy anh. Đừng nói với em là bận học nha!
Bảo nheo nheo mắt:
− Em muốn nói anh đi đâu, trong khi anh bận học thiệt!
Áp sát người vào Bảo, Hồng thì thầm bằng giọng cay như ớt:
− Anh học bên Tổng Hợp với con nhỏ Cung My hồi nào vậy?
− Chẳng lẽ em gặp anh chỉ để hỏi chuyện vớ vẫn này?
− Nhưng có hay không?
Bảo nhún vai:
− Anh không thích cách hỏi bắt buộc phải trả lời có hoặc không đầy áp đảo của em.
Bích Hồng giận dỗi vứt cái headphone qua một bên:
− Vậy là có rồi!
Bảo ngã người ra nệm uể oải:
− Em thật buồn cười! Tự nhiên lại nghĩ ra chuyện để làm khó mình, làm bực người khác, anh mệt lắm rồi, đừng nhảm nhí nữa!
Hồng giảy nãy:
− Đợi cả mấy tiếng đồng hồ để bị anh đối xử như vậy hả? Nói thật, chỉ cần em khóc là anh sẽ bị bác Xuân hỏi tới ngay! Chưa ai dám làm buồn lòng con gái cưng của bà Hai Lý đâu!
Bảo nhếch môi:
− Ghê nhỉ! Bữa nay dám dọa cả anh! Nghe sợ thật đấy!
Lăn vào trong, Bảo nói:
− Đã sợ thì phải trốn. Anh ngủ để quên hiện thực đấy!
Bích Hồng ấm ức nhìn Bảo nằm trên giường. Cô biết mình thua vì yêu. Đối với Bảo, lúc nào cô cũng phải bị lép vế, nhưng Hồng có cảm giác anh không thuộc về cô, chưa bao giờ thuộc về cô, dù lúc anh đang nồng nàn hôn hít, vuốt ve bằng tất cả sự ham muốn của một người đàn ông. Dường như trong Bảo tồn tại hai con người. Có lúc anh quậy phá, bất cần hậu quả. Rồi có lúc anh lặng lẽ, suy tư. Dù ở con người nào, Hồng vẫn không hiểu nổi Bảo.
Cô thích theo anh đến quán Mắt Huyền vì anh là người nổi tiếng. Cô tự hào khi thấy bọn con gái ném vào mình những tia ganh tỵ. Bích Hồng không thể để ai cướp Bảo. Anh phải là sở hữu của riêng cô.
Từ bé đến giờ, cô quen được nuông chiều, quen muốn gì có nấy. Bảo không thể ngoại lệ, dù muốn có Bảo là điều khó khăn, cô vẫn không cam tâm mất anh. Nếu phải hạ mình để có được người đàn ông cô yêu, cô cũng không ngại…
Nhẹ nhàng nằm xuống sát Bảo, cô áp môi mình vào ót anh, mơn man, ve vuốt…
Giọng vừa ngọt, vừa đã đớt, Hồng thì thào vào tai anh:
− Giận hả? Em đùa một tí mà! Thôi đừng giận nữa! Muốn gì em cũng chiều!
Bảo nằm trơ trơ không chút xúc cảm. Hành động và lối nói của Bích Hồng sao trần tục quá, cứ y như gái làng chơi đang tán tỉnh khách làm Bảo ngỡ ngàng. Anh nhíu mày:
− Sao em lại nói vậy?
Bích Hồng gục mặt vào ngực anh thổn thức:
− Em yêu anh và không tiếc gì hết. Hãy hôn em như anh đã từng hôn đi Bảo.
Thoáng rùng mình vì sự cuồng nhiệt của Bích Hồng, anh nhẹ nhàng nâng cằm cô lên rồi hôn nhẹ vào bờ môi đang khao khát chờ đợi. Dường như chỉ chờ anh làm thế, Bích Hồng hối hả đáp trả. Môi cô không rời môi anh và tay thì lần mò những cúc áo…
Bảo đẩy cô ra rồi bước xuống giường. Hành động của anh làm Bích Hồng tự ái. Cô mím môi rít lên:
− Anh đã thay đổi rồi! Vì con nhỏ đó phải không?
Cầm gói thuốc để đốt một điếu, Bảo rít liền mấy hơi để dằn sự ham muốn vừa bị Hồng khơi dậy xuống.
Vừa nhả khói, anh vừa nói:
− Xin lỗi! Anh không muốn làm thương tổn em.
Hồng thút thít khóc:
− Từ chối tình cảm của em là làm tổn thương em rồi. Anh nói đi, em có làm gì sai? Em đã làm lỗi gì mà anh xa lánh em chứ?
Bảo ngập ngừng:
− Anh đâu có xa lánh em. Anh chỉ sợ không kiềm chế được lòng mình…
Hồng quắc mắt lên:
− Anh nói dối! Nhưng em không để người khác cướp mất anh đâu!
Nói dứt lời, cô đùng đùng chạy xuống nhà dưới. Bảo bực bội ném vèo điếu thuốc hút đó ra cửa sổ rồi vói tay lấy đàn ghi ta nghêu ngao hát:
“Ta bắt ngón đàn lên tiếng bập bùng. Ngón tay chai sạn…người ta bảo đánh đàn ghita đau tim. Nhưng người đau tim rất sợ đến một lúc nào đó phải yêu. Nhưng chỉ yêu một lần rồi chết…” Giọng bà Mẫn Quyên làm Bảo ngừng hát:
− Con làm gì mà Bích Hồng khóc dữ vậy?
Bảo gượng gạo:
− Con có làm gì đâu!
− Lại chối! Đàn ông như thế thì yếu lắm! Đã làm lỗi thì phải nhận lỗi chứ!
− Từ chối tình cảm của người khác cũng là lỗi à?
Bà Mẫn Quyên nhìn anh trân trối:
− Cái gì? Mày ruồng rẫy nó à?
Bảo nhăn nhó:
− Trời ơi! Cái gì là ruồng rẫy. Dì buộc tội con nghe ớn quá!
− Chớ từ chối tình cảm nghĩa là sao?
Bảo khó khăn giải thích:
− Nghĩa là…là…thật ra từ trước đến giờ con không hề yêu Bích Hồng như cô ấy và mọi người nghĩ. Chưa kịp giải thích đầu đuôi, Hồng đã đùng đùng đi xuống.
Bà Quyên cau mày:
− Không yêu sao lại thân mật với nó dữ vậy? Hừ! Kiểu này thì chết duyên con gái người ta rồi!
Bảo cải chày cải chối:
− Với những cô khác con cũng như thế! Có chết ai đâu!
Bà Quyên buột miệng:
− Đồ đểu! Thế mày đã làm gì nó rồi?
Bảo vò đầu:
− Làm sao con kể được là đã làm những gì? Miễn con chưa lao lề vượt đèn đỏ ẩu là tốt rồi!
Bà Mẫn Quyên mắng:
− Mày đúng là vô lương tâm, vô đạo đức. Con bé ấy mới lớn, mày nói như thế không sợ tổn thương nó à?
Bảo im lặng. Anh đốt điếu thuốc thứ hai và nói:
− Bích Hồng không hợp với con. Cô ấy không phải là đối tượng con tìm kiếm.
− Đó là lý do sao?
Bảo hơi xẳng giọng:
− Con không ngụy biện cũng không tự bào chữa, nhưng con chưa bao giờ nói yêu ai hết, với Bích Hồng cũng thế. Cô ấy thừa biết điều đó mà.
− Vậy sao tới giờ nó mới có phản ứng? Chả lẽ mày đã tìm được đối tượng rồi?
Bảo ngã người trên giường, mắt nhìn lên trần, miệng rít thuốc liên tục. Anh chả hiểu Cung My có phải là đối tượng của mình không? Nhưng rõ ràng thời gian gần đây cô làm anh khó ngủ. Cung My thuộc loại đá sỏi nhất trong các cô gái Bảo đã từng đeo đuổi. Sự dửng dưng của My khiến Bảo muốn điên lên vì khổ, người chưa bao giờ thất bại vì lũ con gái, mà rầu rĩ vì thất tình sao?
Bảo chợt thở dài. Bà Mẫn Quyên lại hỏi:
− Con bé ấy là đứa nào?
Bảo quanh co chối:
− Con đâu có ai. Vấy vào tình yêu làm gì cho khổ. Cứ tưởng tượng yêu một người rồi kéo dài mối tình đó hàng mười mấy hai chục năm như dì, con sợ quá! Cứ đùa chơi cho vui rồi chia tay vẫn sướng hơn!
Bà Quyên nói:
− Tại mày chưa yêu nên mới nói thế. Chớ chia tay là điều đau khổ nhất của con người.
Bảo hỏi:
− Nghe mẹ kể hồi đó khi quen dì, ông ta đã có vợ con. Dì nghĩ sao mà yêu người đã có gia đình và lại là thầy của mình nữa?
Bà Quyên thở dài:
− Dì cũng không biết tại sao nữa, chỉ biết rằng lúc đó dì bất chấp tất cả, miễng là được sống với người mình yêu. Nhưng ông bà ngoại đâu có chịu. Thế là dì và anh ấy phải xa nhau, xa nhau cho tới bây giờ.
Bảo tò mò nhìn bà Quyên, trông bà như đang chìm vào cõi mông lung nào đó. Bao giờ cũng vậy, nhắc tới người đàn ông đó, bà Quyên cũng có vẻ…siêu thoát như thế. Chả lẽ như vậy mới là yêu? Bảo không hiểu tình yêu thời mười tám đôi mươi, và thời bốn mươi mấy năm trước khác nhau thế nào. Sao bà dì của anh vẫn mơ mộng thê kia nhỉ?
Đang thắc mắc lung tung, suy nghĩ vớ vẩn, Bảo bị bà Quyên kéo về thực tại bằng một giọng vừa trách vừa đe:
− Mày dau sao cũng phải có trách nhiệm với Bích Hồng. Tao nghe mẹ mày nói sang năm sẽ đi hỏi con bé. Liệu thân đi con! Cái giá phải trả cho sự đùa cợt với tình yêu cao lắm, mày trả không nổi đâu!
Bảo gằn giọng:
− Con chả hứa hẹn gì với Bích Hồng, do đó con không để mẹ ép buộc khi thừa biết cuộc hôn nhân này chỉ là cái câu nói để ba thuận tiện trong kinh doanh.
Bà Quyên nhếch môi:
− Nói thì dễ lắm, nhưng trong cuộc sống người ta bị ràng buộc bởi nhiều thứ. Chính vì những ràng buộc này mà ngày xưa dì đã…
− Con khống giống như dì đâu!
Thấy Bảo có vẻ bức xúc, bà Quyên nhỏ nhẹ:
− Nếu là người có bản lảnh, con hãy tự định đoạt hôn nhân của mình. Dì cũng không mong con giống dì. Nhưng dì ghét thói buông thả trong giao tiếp. Ráng tu tỉnh lại đi. Không thì ân hận đấy!
Bà Quyên đã rời phòng từ lâu nhưng Bảo vẫn chưa đổi tư thế. Anh thấm thía từng lời dì Quyên vừa nói và thấy lòng ray rứt.
Suy cho cùng, anh vẫn có lỗi với Bích Hồng. Cô ta yêu anh thật lòng. Tánh tính cô kiêu căng phách lối, và tâm hồn tuy rỗng tuếch, nhưng bù lại, Hồng chiều chuộng anh từng chút, đã vậy gia đình lại giàu có. Làm chồng Hồng đồng nghĩa với làm chủ công ty Hai Lý. Trong thiên hạ, có khối thằng đàn ông mong được ở vào địa vị của anh. Thế sao lòng Bảo lại dửng dưng trước những điều kiện ưu đãi đang nằm trong tay đó. Có phải anh là một gã dở hơi, yêu thích những thứ viễn vông, là lúc nào cũng đang sống trên mây (như lời anh Ẩn nhận xét) không?
Thật ra Bảo rất phàm phu tục tử. Anh có những ham muốn rất trần tục, nhưng nếu không yêu mà lại cưới vì tiền thì Bao chưa nghĩ tới bao giờ.
Trở mình một cái, Bảo tự đay nghiến…bắt đầu từ lúc này anh nên nghĩ tới việc cưới vợ nhà giàu đi. Nếu không, ba mẹ chẳng để anh yên đâu!
Dạ Lan Hương Dạ Lan Hương - Trần Thị Bảo Châu Dạ Lan Hương