Số lần đọc/download: 2552 / 33
Cập nhật: 2016-06-09 04:35:57 +0700
Chương 4: Một Gia Đình Giàu Đức Tin
C
ả cha và mẹ tôi đều sinh ra và lớn lên trong những gia đình theo Công giáo Chính thống ở Nam Tư, ngày nay là Serbia. Sau Thế chiến II, do tình hình chính trị ngột ngạt ở quê nhà, cả gia đình di cư đến Australia khi cha mẹ tôi còn nhỏ. Cùng thời gian này, nhiều người bà con của chúng tôi di cư sang Mỹ, Canada, vậy nên bây giờ tôi có khá nhiều họ hàng ở các nước đó.
Cha mẹ tôi gặp nhau tại một nhà thờ ở Melbourne. Ngày ấy mẹ tôi, Dushka, đang học năm thứ hai hệ dào tạo y tá tại Bệnh viện Nhi Hoàng gia Victoria. Cha tôi, Boris, đang làm công việc tại một văn phòng hành chính. Sau này cha tôi còn làm công việc truyền đạo tình nguyện. Khi tôi khoảng bảy tuổi, cha mẹ bắt đầu tính chuyện di cư sang Mỹ bởi họ hy vọng ở đó tôi sẽ có cơ hội tốt hơn để tiếp cận với kỹ thuật ghép chân tay giả cũng như các dịch vụ y tế tiên tiến giúp chúng tôi đương đầu với các khuyết tật của tôi.
Chú Batta Vujicic của tôi là một nhà quản lý xây dựng và bất động sản ở Agoura Hill gần Los Angeles. Chú ấy luôn bào rằng nếu cha tôi kiếm được thị thực làm việc thì chú ấy sẽ tạo công ăn việc làm cho cha ở bên đó. Los Angeles có một cộng đồng người Công giáo Serbia đông đảo và có vài nhà thờ dành cho giáo dân. Điều đó hấp dẫn cha mẹ tôi. Cha tôi tìm hiểu và biết được rằng để có được thị thực làm việc là cả một quá trình dài, rất mất thời gian. Tuy nhiên, ông vẫn quyết định xin cấp thị thực, nhưng trong khi chờ đợi, gia đình tôi chuyển tới Brisbane, thuộc bang Queensland, cách nơi ở cũ 1.000 dặm về phí Bắc, nơi khí hậu ôn hòa, có lợi cho sức khoẻ của tôi bởi vì ở chỗ cũ ngoài những khó khăn do khuyết tật của tôi gây ra, tôi còn thường bị dị ứng thời tiết.
Khi tôi sắp lên mười tuổi và đang học lớp bốn của bậc tiểu học, gia đình đã hội đủ điều kiện để chuyển đến Mỹ. Cha mẹ tôi cảm thấy rằng các em của tôi – em trai Aaron và em gái Michelle – và tôi đang ở độ tuổi thích hợp để hòa nhập vào hệ thống giáo dục Mỹ. Chúng tôi chờ đợi thêm mười tám tháng nữa ở Queensland trong khi người ta giải quyết cho cha tôi nhận thị thực làm việc với thời hạn ba năm, và thế là cuối cùng cả nhà tối dắt díu nhau sang Mỹ năm 1994.
Rủi thay, chuyến di cư đến California không được tốt đẹp như chúng tôi mong đợi vì một số lý do. Khi rời Australia, tôi đã bước vào lớp sáu. Trường mới của tôi Agoura Hills, thuộc ngoại vi Los Angeles, rất đông. Nhà trường chỉ có thể sắp xếp cho tôi vào những lớp học nâng cao, những lớp mà vốn đã đủ khó lại thêm trở ngại là chương tình học rất khác biệt so với những gì tôi đã trải qua ở Australia. Tôi vốn là một học sinh giỏi, nhưng thời kỳ đó đã phải chật vật để thích nghi với sự thay đổi. Vì lịch học quá khác biệt nên thực sự trong thời gian đầu học tại California tôi đã học sút. Tôi gặp khó khăn trong việc theo kịp chương trình học. Trường trung học phổ thông mà tôi vào học cũng đòi hỏi các học sinh phải chuyển lớp cho mỗi môn học. Điều này không giống ở Australia và nó tạo thêm những thách thức chất chồng cho quá trình thích nghi của tôi.
Chúng tôi chuyển đến sống với chú Batta và thím Rita, vợ của chú, cùng sáu đứa con của họ, tọa thành một đại gia đình đông đúc mặc dù họ có một ngôi nhà rộng ở Agoura Hills. Cha mẹ tôi có kế hoạch nhanh chóng chuyển ra ở riêng, nhưng giá thuê nhà ở Mỹ cao hơn ở Australia nhiều khiến chúng tôi không thể thực hiện điều đó sớm như dự định. Cha tôi làm việc cho công ty quản lý bất động sản của chú Batta. Mẹ tôi không tiếp tục công việc của một y tá được bởi sự ưu tiên hàng đầu của mẹ là giúp chúng tôi thích nghi với trường lớp mới và môi trường mới, và vì vậy bà không đi xin việc làm ở California.
Ba tháng sau khi chung sống với gia đình của chú Batta, cha mẹ tôi rút ra kết luận rằng, việc gia đình tôi chuyển đến Mỹ chẳng mang lại ích lợi gì. Tôi phải vật vã cố gắng ở trường học còn ba mẹ tôi thì vô cùng khó khăn trong việc lo bảo hiểm y tế cho tôi. Còn nữa, sống ở California chúng tôi phải xoay xở chật vật để đương đầu với giá cả sinh hoạt cao. Thêm vào đó là nỗi lo về khả năng chúng tôi có thể sẽ không bao giờ được cấp quy chế thường trú nhân ở Mỹ. Một luật sư tư vấn cho gia đình tôi rằng những thách thức về sức khoẻ của tôi có thể khiến cho việc xin cấp thị thực thường trú vĩnh viễn trở nên khó khăn hơn, bởi rất có thể sẽ nảy sinh những nghi ngờ về khả năng thanh toán chi phí y tế và các chi phí khác liên quan đến khuyết tật của tôi.
Với quá nhiều những yếu tố bất lợi đè nặng lên vai mình, chỉ sau bốn tháng sống trên đất Mỹ, cha mẹ tôi đã quyết định quay trở về Brisbane. Họ tìm được một ngôi nhà trong chính cái ngõ cụt nơi chúng tôi từng sống trước khi sang Mỹ và thế là tất cả ba anh em tôi lại có thể quay trở lại trường cũ, gặp lại bạn bè cũ. Cha tôi trở về dạy tin học và làm công việc quản lý tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Giáo dục chuyên sâu. Mẹ tôi dành trọn cuộc sống cho em trai, em gái tôi, và chủ yếu là cho tôi.