Nguyên tác: The Republic
Số lần đọc/download: 0 / 33
Cập nhật: 2023-11-05 19:15:58 +0700
Chương 5
(357a-383c)
Vì câu hỏi, công bình chính trực hoặc phải lẽ, hợp lý về cơ bản nghĩa là gì, vẫn chưa có câu trả lời, cuộc đàm luận dẫn tới nhận định sơ bộ về nền tảng của công bình chính trực, phần còn lại triết phẩm sẽ bàn. Plato không nghĩ người phi công bình chính trực như Thrasymachus sẽ im tiếng bằng lý luận tổng quát có vẻ hình thức, không có tính thuyết phục chừng nào chưa hé lộ toàn bộ hình ảnh cuộc đời ẩn kín đằng sau hai người.
Sự thể Socrates sẽ gặp Glaucon và Adeimantus lại đề cặp; hai thanh niên tin tưởng công bình chính trực có chính nghĩa, song bị lu mờ vì học thuyết, hiện thời giới trí thức bàn cãi sôi nổi, công bình chính trực chỉ là vấn đề quy ước xã hội, áp đặt từ bên ngoài, thực hiện như nhu cầu cần thiết bất đắc dĩ. Hai người đòi hỏi chứng cớ công bình chính trực không những chỉ ích dụng là đem lại phần thưởng ngoại diện, mà còn là về bản chất trạng thái nội tại tốt đẹp của tâm hồn, mặc dù người công bình chính trực bị bạc đãi, chứ không được tưởng thưởng. Bàn chuyện với người tìm hiểu như hai người, họ thực sự muốn khám phá sự thật, Socrates bỏ vai trò phê bình giễu cợt trở thành người góp ý thận trọng.
Glaucon mở đầu với câu nói liên hệ tới thuyết khế ước xã hội, gọi tắt là xã ước. Thuyết này chủ trương mọi quy luật tôn giáo, đạo đức, luân lý áp đặt lên con người, do xã hội thừa nhận, bắt nguồn từ kiến thức, ý chí, và mặc nhiên đồng ý của con người. Quy luật đó không phải luật tự nhiên hay lệnh thần thánh, mà là tạp tục con người làm ra con người có thể thay đổi, như cơ quan lập pháp thay đổi hay hủy bỏ đạo luật. Nếu cắt bỏ mọi ràng buộc do con người làm ra, chỉ còn bản năng, ước muốn thuần túy vị kỷ, con người tự nhiên sẽ dấn thân, chìm đắm vào cái Thrasymachus tán dương là bất công bất chính.
Bổ túc ý kiến của Glaucon, Adeimantus đả kích giáo dục, đạo đức hiện thời và mấy hình thức tôn giáo huyền bí, vì ngấm ngầm khuyến khích bất công bất chính bằng cách đánh giá công bình chính trực chỉ qua phần thưởng công bình chính trực mang lại. Vì phần thưởng như thế có thể có được ở đời này do làm ra vẻ công bình chính trực mà thực sự không phải vậy, và do mua ân huệ từ trên trời sau khi nhắm mắt lìa đời, hai thanh niên kết luận lý tưởng chẳng qua chỉ là bất công bất chính đeo mặt nạ nổi tiếng lừng danh, và chuộc tội xóa lỗi bằng hối lộ, đút lót. Do vậy hai diễn giả yêu cầu đừng nói tới chuyện tưởng thưởng ngoại diện, công bình chính trực chứng tỏ tự nó có giá trị xứng đáng. Viễn tượng thưởng phạt sau khi chết sẽ kể trong huyền thoại cuối cuộc đàm luận.
Glaucon và Adeimantus không thỏa mãn với ý kiến Socrates bẻ lại Thrasymachus, độc giả có thiện cảm với hai người khi ông làm vậy. Hai người nghĩ thành viên triết phái Sophist bỏ cuộc quá sớm. Hai người cho Socrates hay ông hầu như cô đơn đối với mọi người vì quan niệm công bình chính trực hay đạo đức tự nó là điều mong muốn, bất kể hậu quả, vì nếu bảo đảm miễn trừ, con người sẽ hành động như nhau – bất công bất chính. Công bình chính trực luôn luôn được ca ngợi vì hậu quả chứ không phải vì bản chất. Hai người khai triển quan niệm cũng là quan niệm của Thrasymachus, khá thuyết phục mặc dù không chủ trương. Hai người yêu cầu Socrates chứng minh công bình chính trực tự nó là điều tốt đẹp đối với người công bình chính trực, ông đồng ý sẽ làm. Do vậy độc giả thấy mình đi vào cuộc
tranh luận hào hứng suốt triết phẩm, cuộc tranh luận sẽ kết thúc ở cuối phần chín.
Socrates đề nghị nên tìm hiểu công bình chính trực trên bình diện lớn hơn, thành quốc thay vì cá nhân, đặc biệt nếu quan sát xã hội ngay từ bước đầu. Do vậy ông hoạch định xây dựng thành quốc lý tưởng, trước tiên là cộng đồng kinh tế nhỏ bé, bán khai căn cứ vào nhu cầu vật chất cơ bản của con người. Ý kiến không khiến Glaucon hài lòng, đương sự gọi đó là thành quốc bầy heo, Socrates tiến tới thiết lập thành quốc xa hoa, bệnh hoạn. Ông thấy thành quốc như thế tất nhiên sẽ dẫn tới chiến tranh, và căn cứ trên nguyên tắc phân chia, chuyên môn hóa hoạt động thiết lập trong thành quốc đầu tiên, quân đội trở thành cần thiết. Đó là giai cấp vệ quốc, vai trò của họ đòi hỏi ý nghĩa sâu hơn, rộng hơn trong khi Socrates trình bày tiến trình. Tiếp theo ông bàn tới phẩm chất và giáo dục vệ quốc cần có. Loại chuyện nào vệ quốc sẽ nghe kể từ lúc ấu thơ? Trả lời câu hỏi dẫn tới vấn đề kiểm duyệt văn chương; tranh luận về chuyện không nên kể, đặc biệt về thần linh, kéo dài hết phần này, ngẫu nhiên cho thấy quan niệm của Plato về đấng sáng tạo khác quan niệm đương thời ra sao.
Đến đây [357a] với lời vừa nói bản nhân nghĩ vậy là kết thúc cuộc tranh luận, song không phải xem ra ngô bối chỉ mới bắt đầu. Vì Glaucon, với tính cố chấp cố hữu, không bỏ, không rời bỏ bất kể cái gì, vào dịp này nhất định không chấp thuận Thrasymachus rút lui, không những thế còn lên tiếng: ‘Tiên sinh có muốn thực sự thuyết phục hay chỉ làm ra vẻ thuyết phục ngô bối [b] bất kể thế nào công bình chính trực bao giờ cũng tốt hơn bất công bất chính không?’
‘Nếu được lựa chọn, bản nhân muốn thuyết phục quý hữu thực sự.’
‘Vậy là tiên sinh giẫm chân tại chỗ, chưa nhúc nhích tí nào, thái độ mâu thuẫn với ước muốn. Xin cho tiện nhân hay tiên sinh có đồng ý có loại có lợi ngô bối muốn có không phải do để ý tới hậu quả mà do đón nhận chính nó không? Chẳng hạn, vui thú hoặc vui chơi, chừng nào không tác hại, mà kết quả chỉ là vui thú vui chơi mang lại.’
‘Vâng, theo thiển ý, có loại có lợi như thế.’
‘Thế có loại có lợi thứ hai ngô bối ước ao [c] cả chính nó lẫn hậu quả của nó không? Chẳng hạn trí óc để suy tư, mắt sáng để quan sát, sức khỏe để sống ở đời, ngô bối đón nhận không chỉ chính nó, mà cả hậu quả của nó.’
‘Đúng rồi,’ bản nhân nói.
‘Theo kinh nghiệm của tiên sinh có loại có lợi thứ ba, bao gồm tập luyện thể dục, chữa trị bệnh tật, hành nghề y khoa hay hoạt động khác kiếm ra tiền không? Loại này ngô bối phải coi như có hại, song có lợi; ngô bối không nên chọn vì chính nó, mà vì đền bù, vì lợi ích nó đem lại và bất kể cái gì ngô bối thu nhận [d].’
‘Phải rồi cũng có loại thứ ba. Nhưng tại sao quý hữu lại hỏi như vậy?’
‘Bởi tiện nhân muốn biết trong ba loại tiên sinh xếp công bình chính trực hay phải lẽ vào loại nào?’
‘Theo thiển ý, [358a] loại cao nhất trong số có lợi, loại ai muốn sung sướng sẵn sàng đón nhận cả nó lẫn hậu quả của nó.’
‘Thưa, nhiều người nghĩ khác,’ Glaucon đáp. ‘Thông thường người ta xếp vào loại có hại, loại có lợi ngô bối theo đuổi vì đem lại đền bù và tạo dựng ấn tượng tốt đẹp, song tách riêng thì nên tránh vì khó ưa.’
‘Theo bản nhân, ý kiến đó là ý kiến thông thường. Vì thế Thrasymachus liên tục chỉ trích công bình chính trực và ngợi ca bất công bất chính. Dẫu vậy, do kém cỏi, chậm chạp bản nhân vẫn chưa nhận ra sự thật.’
‘Thưa, không sao, [b] xin lắng nghe tiện nhân như đương sự phát biểu và chờ xem tiên sinh có đồng ý hay không. Vấn đề là thế này. Tiện nhân thấy Thrasymachus bó giáp quy hàng sớm quá. Như thôi miên con rắn, tiên sinh lôi cuốn, đương sự ngoan ngoãn cúi đầu; dẫu thế tiện nhân chưa thỏa mãn với ý kiến về công bình chính trực và bất công bất chính, vì chưa rõ ràng. Gạt sang bên vấn đề đền bù và hậu quả, tiện nhân muốn nghe định nghĩa cả hai, mỗi cái thực sự là thế nào, tác dụng mỗi cái đối với tâm trí con người ra sao. Bởi thế cái tiện nhân đề nghị là thế này nếu tiên sinh đồng ý. [c] Tiện nhân sẽ nhắc lại quan điểm của Thrasymachus dưới ba tiêu đề: thứ nhất, tiện nhân sẽ kể quan niệm thông thường về bản chất và nguồn gốc công bình chính trực; thứ nhì, tiện nhân sẽ chứng minh người thực hành tư tưởng đó là làm theo ép buộc, làm một cách miễn cưỡng, như cái gì cần thiết, chứ không phải họ nghĩ tư tưởng đó là cái có lợi; thứ ba, tiện nhân sẽ trình bày quan niệm xử sự như thế là hợp lý vì người bất công bất chính, theo suy đoán thông thường, sống cuộc đời khá hơn người công bình chính trực. Thực tình mà nói tiện nhân không đồng ý với bất kể ý tưởng nào vừa nêu, tiên sinh ạ, nhưng Thrasymachus và hàng trăm người cứ dồn dập rót vào tai bắt phải nghe đến nỗi tiện nhân không còn biết nghĩ thế nào nữa; dẫu thế tiện nhân vẫn chưa hề nghe trình bày thỏa đáng ý tưởng ủng hộ công bình chính trực, vì giá trị hơn bất công bất chính [d], nghĩa là, tiện nhân cũng chưa hề nghe ca ngợi phẩm chất công bình chính trực mang trong nó và là chính nó. Nếu phải tìm người để nghe phát biểu, người đó là tiên sinh. Bởi thế tiện nhân sẽ lớn giọng, mạnh dạn ca ngợi cuộc đời bất công bất chính; làm vậy là tiện nhân cung cấp cho tiên sinh mô hình tiện nhân muốn tiên sinh khai thác khi đến lượt cả tiếng ca ngợi công bình chính trực đồng thời chỉ trích bất công bất chính. Tiên sinh có bằng lòng đề nghị như thế không ạ?’
‘Có chứ, còn gì vui hơn,’ bản nhân đáp, ‘đồng ý hoàn toàn, vì đó là đề tài người hiểu biết đều hân hoan sẵn lòng bàn bạc trong tranh luận.’
‘Nghe tiên sinh nói thế hả dạ vô cùng,’ [e] Glaucon tiếp lời. ‘Như đã hứa, bây giờ xin chú ý tiện nhân bắt đầu tiêu đề thứ nhất, bản chất và nguồn gốc công bình chính trực. Điều con người thường nói ấy là theo lẽ tự nhiên gây hại hoặc tổn thương là có lợi, chịu thiệt hoặc tổn thương là không có lợi, nhưng con người không để ý cái không có lợi do chịu thiệt vượt xa cái có lợi vì gây hại tạo nên. Bởi thế sau khi nếm thử cả hai, làm sai trái, nhận sai trái, con người quyết định, [359a] do không thể tránh né cái này, đón nhận cái kia, bất lợi không thể tránh được, có lợi không thể đạt nổi, tốt hơn hết là dung hòa cả hai, bảo đảm không làm sai trái hoặc nhận sai trái. Vì vậy con người tiến hành làm luật pháp và thỏa hiệp hỗ tương, từ đó con người dùng chữ ‘hợp pháp’, ‘phải lẽ’ để miêu tả mọi thứ pháp điển quy định. Đó là nguồn gốc và bản chất công bình chính trực. Đó là dung hòa giữa cái ưa thích hơn hết, làm sai trái mà không bị trừng phạt, và cái đáng ghét hơn cả, gánh chịu sai trái mà không được bồi thường. Là dung hòa giữa hai cái, công bình chính trực được thừa nhận, vì không phải tự nó có lợi, mà vì nó có giá trị tương đối ngăn cản con người làm điều sai trái.[b] Người thực sự có khả năng làm điều sai trái sẽ không bao giờ chấp nhận thỏa hiệp như thế với bất kỳ ai. Nếu làm vậy người đó sẽ hóa điên.
‘Đó là lý do con người giải thích bản chất và nguồn gốc công bình chính trực. Điểm tiếp theo là con người thực hiện công bình chính trực một cách miễn cưỡng, ngoài ý muốn và chỉ vì không thể làm sai trái. Có thể nhìn thấy điểm này hết sức dễ dàng nếu ngô bối tưởng tượng người công bình chính trực và người bất công bất chính được tự do làm bất kể cái gì họ muốn, [c] rồi theo dõi, quan sát ước muốn dẫn họ tới đâu. Ngô bối sẽ thấy người công bình chính trực hùng hục theo đuổi y hệt người bất công bất chính, do tư lợi thúc đẩy để có nhiều hơn, động lực con người trên cõi đời tự nhiên đi theo, không quan tâm bận trí tới quyền lợi người khác, nếu không bị luật pháp kìm hãm, đưa khỏi đường này, đòi hỏi tôn trọng công bình.
‘Chứng minh, mô tả về tự do tiện nhân đang nói sẽ rõ ràng và cụ thể nếu ngô bối giả dụ cả hai đều sở đắc quyền lực, ngô bối nghe kể, tổ tiên Gyges vùng Lydia thời xưa sở đắc [d]. Đương sự là mục phu phục dịch quân vương vùng Lydia thời đó. Một hôm bỗng dưng bão đổ dữ dằn, động đất khá rộng ở khu vực đương sự chăn bò, mặt đất nứt toang, sâu hoắm. Nhìn cảnh tượng mà kinh ngạc, lần mò đi xuống hố sâu đương sự thấy nhiều vật lạ kỳ. Chuyện kể trong số đó có một con ngựa bằng đồng bụng rỗng, mình có nhiều cửa. Ghé mắt nhìn đương sự thấy bên trong có xác chết, hình thù dường như lớn hơn xác người. Lại gần đương sự không lấy gì trừ chiếc nhẫn bằng vàng, xác chết trần truồng đeo ở ngón tay; đương sự vuốt nhẹ khẽ rút chiếc nhẫn, sau đó men đường đi lên. Theo thông lệ [e] mỗi tháng họp một lần mục phu tâu trình quốc vương tình trạng gia súc họ trông nom, lần nào đi họp đương sự cũng đeo chiếc nhẫn. Ngồi họp với đồng bạn bất ngờ đương sự quay mặt nhẫn vào phía trong lòng bàn tay. Do thế đương sự trở thành vô hình đối với đồng bạn, họ bắt đầu nói tới đương sự như thể đương sự đã bỏ đi. [360a] Ngạc nhiên hết sức, ngón tay lại mân mê chiếc nhẫn, đương sự quay mặt nhẫn ra phía ngoài mu bàn tay. Bởi vậy đương sự lại trở thành hữu hình. Lúc nhận ra sự thể liền thử nghiệm với chiếc nhẫn xem nó có thực sự sở đắc quyền lực như thế không, đương sự thấy mỗi lần quay mặt nhẫn vào trong đương sự trở thành vô hình, mỗi lần quay mặt nhẫn ra ngoài đương sự trở thành hữu hình. Sau khi khám phá sự thể đương sự tìm cách có mặt trong đoàn mục phu bệ kiến quốc vương; vào trong cung điện đương sự kiếm cách quyến rũ hoàng hậu [b]; bà đồng lõa thực hiện âm mưu, đương sự tấn công, hạ sát quốc vương, chiếm đoạt ngai vàng.
‘Bây giờ hãy tưởng tượng có hai chiếc nhẫn như thế hiện hữu, người công bình chính trực đeo một, người bất công bất chính đeo một. Ai cũng nghĩ không người nào ý chí sắt đá tương tự lại bám chặt công bình chính trực, lơi là không đưa tay nắm ngay sở hữu của người khác mặc dù ra ngoài chợ có thể ăn cắp bất kể cái gì người đó muốn, không sợ bị phát giác, lẻn vào nhà ngủ với bất kỳ ai người đó thích [c], hạ sát, thả khỏi nhà tù bất kể ai người đó muốn, và thường cư xử, hành động như thể sở đắc quyền lực siêu phàm, y hệt thần linh giữa hàng thế nhân. Trong mấy trường hợp vừa kể, người công bình chính trực không hề khác người bất công bất chính, song cả hai theo cùng chiều hướng. Tuy nhiên, sự thể cho thấy rõ ràng không bao giờ có chuyện tự ý lựa chọn công bình chính trực, con người làm sai, làm trái bất kể khi nào có thể, con người cư xử công bình chính trực chỉ do cưỡng bách, thúc đẩy. Con người không coi công bình chính trực là cái đền bù riêng tư, vì thế bất kể chỗ nào thuận tiện, con người làm sai làm trái tức thì. Vì vậy, [d] theo quan điểm này, bất công bất chính lợi hơn công bình chính trực, người nghĩ bất công bất chính đền bù hơn công bình chính trực là người nghĩ phải. Và vì vậy, hình ảnh người được tự do như thế ngô bối vừa nói mà bỏ qua cơ may không làm sai làm trái, không sờ mó của người, không cướp đoạt láng giềng, sẽ khiến người đời nghĩ người đó đang trên đường cực kỳ tồi tệ, kẻ ngu si đáng thương hơn hết ở đời, mặc dù ca ngợi trước mặt nhau, đánh lừa bịp bợm lẫn nhau, vì sợ gánh chịu bất công bất chính.
‘Ý kiến tiện nhân về tiêu đề là vậy [e]. Muốn đánh giá đúng mức cuộc đời hai người đang bàn, ngô bối có thể thực hiện đúng cách nếu tạo khoảng trống giữa người công bình chính trực với người bất công bất chính càng rộng càng tốt, đặt người cực kỳ công bình chính trực đối diện người cực kỳ bất công bất chính. Làm vậy ngô bối có thể biến mỗi người thành hoàn hảo ở vị thế tiêu biểu, không mảy may hạ thấp tính bất công bất chính ở người này hay tính công bình chính trực ở người kia. Nói khác đi, người bất công bất chính của ngô bối phải là chuyên gia thực sự, nghệ nhân tài giỏi. Chẳng hạn thuyền trưởng kinh nghiệm, y sĩ uyên thâm, biết giới hạn chuyên môn, làm cái có thể, không làm cái không thể, nếu làm sai có khả năng sửa chữa. [361a] Mặt khác, người bất công bất chính phải, nếu là bất công bất chính hoàn toàn, có khả năng tránh bị phát giác khi làm sai làm trái; người bị phanh phui phải coi là hạng bất tài, vì hình thức hoàn hảo hơn hết của bất công bất chính là tạo ấn tượng, làm ra vẻ công bình chính trực trong khi thực ra là bất công bất chính. Bởi thế ngô bối phải gán ghép bất công bất chính hoàn hảo cho người bất công bất chính hoàn hảo của ngô bối; hơn thế muốn danh hiệu toàn vẹn, ngô bối phải chuẩn bị đề cao đương sự nổi tiếng hoàn toàn về công bình chính trực dẫu bất công bất chính hoàn toàn [b]. Đương sự phải có khả năng sửa lỗi lầm phạm phải, thừa sức tranh luận quyết liệt nếu sai trái bị phát giác, sử dụng sức mạnh khi cần, bằng cách phối hợp nghị lực với ý chí, vận dụng bằng hữu cùng của cải.
‘Bên cạnh chân dung người bất công bất chính, ngô bối đặt chân dung người công bình chính trực, tính tình chất phác, chân thật, như Aeschylus nói, người muốn “thật thà thực sự, không muốn làm ra vẻ thật thà.” Bởi thế ngô bối không được phép để đương sự làm ra vẻ thật thà, [c] vì nếu làm vậy đương sự sẽ đón nhận tưởng thưởng và danh dự, người khác sẽ nghĩ đương sự công bình chính trực, và ngô bối cũng không được phép nói động lực thúc đẩy đương sự làm vậy là yêu công bình chính trực hay yêu tưởng thưởng và danh dự. Không. Ngô bối phải lột bỏ mọi thứ không để đương sự mang cái gì trừ tính công bình chính trực, và chân dung đương sự ngô bối vẽ phải theo cách hoàn toàn đối nghịch chân dung người bất công bất chính. Dù không làm sai trái, người công bình chính trực của ngô bối phải khét tiếng là bất công bất chính để ngô bối trắc nghiệm tính công bình chính trực xem đương sự có vô nhiễm, vô cảm khi trực diện với tiếng xấu và hậu quả của tiếng xấu không. Cứ để đương sự tiếp tục theo đường công bình chính trực tới khi nhắm mắt, nổi tiếng bất công bất chính suốt đời. [d] Làm vậy, khi đẩy cuộc đời công bình chính trực và cuộc đời bất công bất chính tới cực điểm, ngô bối có thể nhận định cuộc đời nào sung sướng hơn.’
‘Ô, ô, Glaucon quý hóa,’ bản nhân thốt lời, ‘bản nhân vô cùng cảm kích quý hữu đã khéo léo, hăng say loại bỏ nhược điểm, tì vết, hoàn tất hai chân dung như hai pho tượng làm như sẵn sàng đem đi triển lãm đến nơi.’
‘Tiện nhân cố hết sức,’ đương sự đáp. ‘Hai chân dung đã hoàn thành, tiện nhân nghĩ miêu tả cuộc đời chờ đợi mỗi chân dung không khó khăn. Nếu [e] miêu tả có vẻ hơi mộc mạc, quê mùa, xin tiên sinh nhớ cho, không phải tiện nhân định làm vậy, mà lời đó bắt nguồn từ người ca ngợi bất công bất chính cao giá hơn công bình chính trực. Bây giờ tiện nhân chỉ nhắc lại. Người ta sẽ nói người công bình chính trực, như ngô bối miêu tả, sẽ bị đánh đập, tra tấn, bỏ tù, còng xích, móc mắt. [362a] Sau khi gánh đủ thứ đau đớn người đó sẽ chịu nhục hình, cuối cùng phải học nằm lòng mục đích ở đời con người không nên, mà chỉ làm ra vẻ muốn công bình chính trực. Hiển nhiên câu thơ Aeschylus thốt ra có thể áp dụng khá thích hợp với người bất công bất chính. Vì theo đuổi cuộc sống căn cứ trên sự thật, không căn cứ vào bề ngoài, người đó không muốn hình như mà thực sự bất công bất chính. Người đó “chứa trong tim luống cày sâu đậm, từ đó ý định chân thành trổ mọc tốt tươi.” [b] Ý định trước tiên
đem lại tiếng tăm toàn cõi, quyền hành khắp nơi, vì có vẻ công bình chính trực, tiếp theo giúp người đó lấy con gái nhà giàu người đó muốn, dựng vợ gả chồng con cái cho bất kỳ ai người đó thích, chọn đối tác làm ăn với bất kỳ ai người đó định, nhất là ngoài lợi điểm vừa kể, do không bận tâm thắc mắc thực hành bất công bất chính, người đó tha hồ tìm cách kiếm lợi cho bản thân. Trong tranh tụng, công hay tư, người đó luôn luôn thắng lợi, vượt xa đối thủ, thu nhập của cải, [c] do đó đem lợi cho bạn, mang hại cho thù. Tế sinh trang trọng, cúng bái linh đình, dâng hiến không những thích đáng mà tráng lệ, kính cẩn phục vụ thần linh và bất kể người nào muốn phục vụ, người đó nhiệt tình hơn người công bình chính trực. Bởi thế xem ra hữu lý thần linh hân hoan quan tâm tới người đó hơn người công bình chính trực. Và cũng bởi thế, tiên sinh ơi, người ta kết luận nhờ cả thần linh lẫn thế nhân người bất công bất chính xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn người công bình chính trực.’
Glaucon vừa dứt lời [d] bản nhân định đáp lại đôi điều, nhưng nhanh miệng Adeimantus bào đệ đương sự nói trước: ‘Chắc hẳn tiên sinh không nghĩ phát biểu như vậy đầy đủ chứ?’
‘Sao lại không?’ bản nhân đáp.
‘Điểm quan trọng hơn hết đáng lẽ phải phát biểu chưa phát biểu.’
‘Ờ, ngạn ngữ nói anh em như thể tay chân, lá lành đùm lá rách. Nếu bào huynh bỏ qua điều gì, quý đệ nên giúp một tay. Tuy nhiên, những gì bào huynh phát biểu đủ hạ ván đứ đừ khiến bản nhân chới với hoàn toàn không thể nhào tới cứu giúp công bình chính trực.’
‘Tiên sinh quá lời,’ đương sự tỏ vẻ thảng thốt. ‘Tuy nhiên, xin đừng chấm dứt ở đó mà lắng nghe cả tiện phu nữa. [e] Muốn làm sáng tỏ ý nghĩa điều Glaucon nói, ngô bối cũng phải đi sâu đầy đủ vào lý luận trái với lý luận đương sự đưa ra, nghĩa là lý luận ca ngợi công bình chính trực, chỉ trích bất công bất chính. Bởi khi bố nói với con, [363a] khi người trên nói với kẻ dưới, tất cả thường nói làm người phải công bình chính trực, song không ca ngợi công bình chính trực, mà chỉ ca ngợi danh tiếng vời vợi công bình chính trực dẫn tới; tất cả muốn kẻ dưới chứng tỏ công bình chính trực qua đó sẽ hưởng quyền cao chức trọng, hôn nhân bề thế, và nhiều nữa Glaucon kể lúc nãy, vì những cái đó dành cho người công bình chính trực do nổi tiếng lừng danh; tất cả còn nhấn mạnh hơn nữa hậu quả của tiếng tăm, đồng thời nói thêm nếu ăn ở tốt đẹp với thần linh, người thành kính còn hưởng vô số hồng ân. Sự thể đã được Hesiod và Homer xác định. Hesiod nói vì người công bình chính trực thần linh làm “cây sồi mang nhiều quả trên đỉnh, [b] ong xây tổ giữa thân, cừu ục ịch cất bước vì lông xù dày cộm” cùng nhiều thứ tốt đẹp liên hệ với mấy thứ này. Homer diễn tả tương tự: “Quân vương anh minh trị vì xứ sở đông dân, can đảm, lòng dạ kính sợ thần linh, tôn trọng pháp luật. Nhờ tài dẫn dắt khôn ngoan, đất phì nhiêu sản xuất lúa mì, lúa mạch, cây nảy nở trái chín [c], cừu sinh đẻ không ngừng, biển cung cấp vô số cá.”
‘Phần thưởng Musaeus và con trai nhân danh thần linh dành cho người công bình chính trực còn hấp dẫn hơn nhiều. Sau khi đưa sang thế giới bên kia xuống cung điện Diêm Vương, qua lời thơ, cha con đặt người công bình chính trực ngồi trên ghế dựa thoải mái, sửa soạn yến tiệc dành cho hàng thánh đức, đầu đội vòng nguyệt quế, uống rượu li bì, làm như [d] phần thưởng cao quý dành cho công bình chính trực là say sưa vĩnh viễn. Người khác còn đưa phần thưởng của thần linh kéo dài, đi xa nữa. Họ nói con, cháu, chắt, hậu duệ người thành tâm, kính cẩn sẽ sống sung sướng đời đời kiếp kiếp. Cứ thế và theo cung cách tương tự, như dặn dò, khuyên bảo, họ và người giống họ đưa ra lời ca ngợi công bình chính trực. Trái lại, người bất kính, bất công bất chính họ dìm xuống bùn đen dưới âm phủ, bắt
mang nước bằng sàng, đưa vào vòng tai tiếng xấu xa trong khi còn sống trên cõi đời, bắt chịu trừng phạt Glaucon miêu tả [e] như phần dành cho người công bình chính trực mang tiếng bất công bất chính; tận dụng trừng phạt này họ không nghĩ tới trừng phạt khác.
‘Đó là cách người ta ca ngợi công bình chính trực và chê bai bất công bất chính. Dẫu thế bên cạnh cách này vẫn có cách khác tiên sinh chẳng thể bỏ qua. Cách thông thường bằng văn xuôi dân chúng nói với nhau về công bình chính trực và bất công bất chính, cũng thấy xuất hiện bằng thơ trong hàng ngũ thi sĩ [364a]. Họ đều nhất trí, đồng thanh đề cao giá trị tiết độ và công bình chính trực, nhưng nghĩ khó thực hiện, lại đòi phải kiên nhẫn, chịu khó, trong khi buông thả và bất công bất chính thú vị muốn có thật dễ dàng, trong thâm tâm dân chúng và tục lệ coi là bất xứng, đê tiện. Họ còn nói nhìn chung sai trái có lợi hơn phải lẽ, và họ sẵn sàng khen ngợi người bất công bất chính, bày tỏ quý trọng, tôn xưng ở chỗ công cộng hay nơi riêng tư, miễn sao người đó giàu có, quyền thế, trong khi họ coi thường, [b] khinh rẻ người nghèo khó, yếu thế, lép vế, mặc dù đồng ý trong hai người người này khá hơn người kia. Nhưng kỳ lạ hết sức là chuyện họ kể về thần linh và công bình chính trực. Họ nói thần linh thường tạo bất hạnh, cuộc đời khổ sở cho người hiền lành, tử tế, song số phận ngược lại dành cho kẻ bạc ác, xấu xa. Thầy tu hành khất và thầy đoán lang thang mò tới gõ cửa nhà giàu có, tìm lời thuyết phục. Họ nói nếu tế sinh thật nhiều, phù phép thật lắm chủ nhân có thể tích lũy quyền năng thiêng liêng. Nếu bản thân hay tổ tiên phạm sai trái, chủ nhân có thể chuộc xóa [c] bằng bùa chú, tế sinh, vui thú, tiệc tùng. Nếu có kẻ thù, bất kể tử tế hay tráo trở, chủ nhân muốn hãm hại, họ có thể làm giúp dễ dàng, lệ phí nho nhỏ, bằng chiêu hồn, thần chú. Sử dụng mấy thứ họ tuyên bố họ có thể thuyết phục thần linh làm theo ý muốn. Nhằm biện minh điều vừa nói họ kể tên thi sĩ coi như nhân chứng hiển nhiên. Ủng hộ ý kiến cho rằng xấu xa, bất công bất chính dễ phạm có người kể Hesiod: “Độc ác, bất công bất chính con người vươn tới dễ dàng, nhan nhản và vô số, [d] đường đi bằng phẳng, nhà ở gần kề. Trái lại, đạo đức, công bình chính trực, đường đi xa xôi, gập ghềnh, dốc thẳm, trước khi vươn tới thần linh quyết định con người phải vã đổ khá nhiều mồ hôi.” Muốn chứng tỏ thế nhân có thể ảnh hưởng thần linh đám khác kể Homer vì thi hào cũng nói: “Ngay cả thần linh, vị thế, uy tín, uy quyền gấp bội ngô bối cũng có thể lung lạc, xiêu lòng. Khi người phạm luật, phạm lỗi quỳ gối van xin, thần linh cũng thay đổi thái độ trước lễ sinh, khấn vái, rượu tẩy [e], lễ vật ngào ngạt hương thơm.” Để dẫn chứng họ đưa ra bộ sách chỉ dẫn lễ nghi do Musaeus và Orpheus trước tác, họ bảo hai người là hậu duệ Hằng Nga và Thi Thần; họ còn thuyết phục không những cá nhân mà cả thành quốc [365a], ở đời này và sau khi chết, có thể giảm tội, xá tội, tẩy tội nếu làm lễ tế sinh, tổ chức lễ hội vui chơi thoải mái. Họ hân hoan gọi lễ này là bí tích nhập môn, họ tin chắc lễ này sẽ giải cứu ngô bối khỏi trừng phạt, tai ương ở thế giới bên kia, nơi số phận khủng khiếp, sự việc ghê tởm đang chờ người chểnh mảng lễ sinh, không khai tâm thụ pháp.
‘Socrates quý mến,’ đương sự tiếp tục, ‘đó là điều họ nói, nói đi nói lại dài dòng mô tả thái độ thần linh và thế nhân đối với công bình chính trực và bất công bất chính, tiên sinh nghĩ thế nào về hậu quả đối với đầu óc thanh niên? Họ có bản tính tự nhiên, khả năng thiên phú thu thập kiến thức tiềm ẩn, như ong bay trên hoa, lướt từ ý tưởng này qua ý tưởng nọ, thẩm nhập, đi sâu vào tất cả, tự mình rút ra kết luận loại người họ sẽ trở thành, mục đích họ sẽ theo đuổi [b], con đường họ sẽ cất bước nhằm hướng tới cuộc đời thật tốt đẹp. Người thanh niên như thế thế nào cũng nhắc lại lời Pindar và tự hỏi: “Ta sẽ theo đường công bình chính trực hay lối mưu gian dối trá leo tường thành cao ngất, rồi giam mình trong đó sống cuộc đời cách biệt mọi người?” Theo lời họ nói, làm ra vẻ công bình chính trực mà không thực sự công bình chính trực, ta chẳng được gì, mà chỉ gặp rắc rối, chịu mất mát. Trái lại, nếu thực sự bất công bất chính, song làm ra vẻ công bình chính trực, ta sẽ sống cuộc đời tuyệt vời [c]. Bởi
thế các vị hiền triết đã chỉ bảo “bề ngoài lôi kéo, thu hút mãnh liệt hơn bên trong,” cùng lúc quyết định, ban phát hạnh phúc cho nhân loại. Ta phải dồn hết tâm sức vào bề ngoài, ta sẽ vẽ bức tranh và bóng mờ bức tranh đạo đức bao phủ xung quanh làm tiền sảnh và mặt ngoài ngôi nhà, song bên trong giấu kỹ “con cáo quỷ quyệt, xảo trá” Archilochus hiểu biết cuộc đời cũng như con người miêu tả vô cùng khéo léo. Có người phản bác: Làm ra vẻ bất công bất chính mà không bị phát giác đâu phải dễ dàng. Ngô bối sẽ đáp: Có lẽ không. Nhưng hiển nhiên nhiều chuyện quan trọng ở đời chẳng bao giờ dễ dàng cả. Dẫu thế [d] nghe nói nếu muốn sung sướng, đây là đường ngô bối phải đi, theo sát từng bước lý luận cho thấy. Muốn tránh bị phát giác, ngô bối sẽ lập hội kín, nhóm áp lực. Ngô bối có thể học cách ăn nói, lúc nào cũng có giáo sư sẵn sàng hướng dẫn nghệ thuật thuyết phục, chính trị hay luật pháp, đám đông ở hội trường hay tòa án. Do đó, bằng cách này cách nọ, thuyết phục ở đây, ép buộc đằng kia, ngô bối có thể áp đảo, khống chế người khác, bảo vệ quyền lợi bản thân tiến tới mục đích mà không bị trừng phạt.
‘Tỏ ý phản đối tiên sinh sẽ bảo: “Chẳng nên che giấu, đánh lừa hay sử dụng bạo lực với thần linh.” Ơ hay, nếu không có thần linh, nếu thần linh không để ý chuyện thế nhân, tại sao ngô bối phải bận tâm che giấu, đánh lừa? [e] Trái lại, giả thử có thần linh, giả thử thần linh để ý chuyện thế nhân, ngô bối cũng chẳng biết, chẳng nghe thấy nói ở đâu, nhận thức và suy luận của ngô bối về thần linh, toàn bộ và duy nhất, bắt nguồn từ truyền thống và phổ hệ thần linh, thi sĩ miêu tả. Thi sĩ bảo thần linh là thực thể có thể thuyết phục thay đổi ý định bằng tế sinh, dâng hiến và “cầu nguyện thầm lặng.” Ngô bối phải chấp nhận cả hai ý kiến hoặc không. Nếu chấp nhận cả hai, ngô bối nên làm sai trái trước, sử dụng phần nào lợi lộc làm lễ tế sinh sau. Vì nếu cư xử phải lẽ, ngô bối chỉ có thể tránh khỏi bị thần linh trừng phạt, [366a] song mất lợi lộc do làm sai trái đem lại. Ngược lại, nếu làm sai trái, ngô bối sẽ không những được lợi lộc, mà còn tránh khỏi bị trừng phạt, miễn là che đậy sai trái, xấu xa bằng cầu nguyện, nhằm thuyết phục thần linh bỏ qua, buông tha. Tiên sinh sẽ nói: “Nhưng ngô bối sẽ phải trả ở thế giới bên kia tội lỗi ngô bối hay con cháu vi phạm ở thế giới bên này.” Giải quyết vấn đề sau khi suy ngẫm câu trả lời tiên sinh lại bảo: “Không, quý đệ ơi, ngô bối sẽ không phải gánh chịu như vậy. Bí tích thụ pháp tác dụng khủng khiếp, xá tội phi thường, mãnh liệt vô cùng, đó là truyền điệp chuyển giao cho ngô bối, do thành quốc quan trọng hơn hết trong xã hội loài người, [b] và con cháu thần linh trở thành thi sĩ, tiên tri, cảm hứng linh diệu, diễn giải huyền vi xác nhận sự việc thế thật.”
‘Vậy còn lý luận nào khả dĩ thuyết phục ngô bối không chọn bất công bất chính, mà chọn công bình chính trực? Tiện phu muốn nói, nếu phối hợp bất công bất chính với mặt ngoài giả trá, gian dối, ngô bối có thể sống dễ dàng ở thế giới bên này hay thế giới bên kia, qua mặt cả thần linh lẫn thế nhân. Đó là điều đông đảo người bình dân và chót vót người quyền thế nói cho ngô bối hay. Bởi thế, sau khi phát biểu như vậy, thử hỏi, thưa tiên sinh, có diệu kế nào khả dĩ giúp đỡ [c] người có ưu điểm, tài cao, của nhiều, dung mạo tuấn tú, gốc rễ bề thế, sẵn sàng đề cao, thay vì mỉm cười, khi nghe người ta ca ngợi công bình chính trực? Bởi thực tình mà nói nếu có ai có thể không những phủ nhận điều tiện phu vừa phát biểu, mà còn lớn tiếng khẳng định công bình chính trực siêu việt, chắc hẳn người đó vẫn có cảm tình, sẵn sàng tha thứ chứ không tức giận với bất công bất chính. Người đó hiểu trừ phi sinh ra đã có thiên tính làm sai trái, hoặc sở đắc kiến thức, kìm hãm thiên tính, con người sẽ không bao giờ tự nguyện làm phải lẽ, [d] song sẽ chỉ trích làm sai trái, do nhút nhát, tuổi tác, hoặc yếu đuối khiến bất lực không thể nhúng tay. Sự thật về chuyện này hiện rõ như ban ngày. Một khi nắm quyền trong tay, người đó sẽ là người đầu tiên tận dụng khả năng làm sai trái.
‘Lý do dẫn tới kết thúc cũng là lý do khơi mào cuộc tranh luận giữa ba người ngô bối. Nhận ra sự thể,
ngạc nhiên khôn xiết, Glaucon và tiện phu muốn thưa với tiên sinh thế này: “Socrates, con người kỳ diệu, ngô bối thấy rắp tâm ca ngợi công bình chính trực bắt đầu từ anh hùng xa xưa, [e] lời nói, thơ văn còn lưu truyền, kết thúc với con người ngày nay, song không người nào trong quý vị từng đề cao công bình chính trực một lần lên tiếng chỉ trích bất công bất chính hoặc tâng bốc công bình chính trực, trừ kể lể tiếng tăm, vinh dự, phần thưởng cả hai mang lại. Chưa vị nào miêu tả, thi sĩ hay thứ dân, trong thi ca hay văn xuôi, chuyện trò thường nhật đã bao giờ tìm hiểu chu đáo tác dụng của công bình chính trực hoặc bất công bất chính ra sao đối với tâm trí con người, dù ở tình trạng che giấu thần linh hoặc thế nhân không nhận ra, hoặc giải thích làm sao bất công bất chính lại có tác dụng hết sức tệ hại đối với tâm trí và công bình chính trực ngược lại. Nếu quý vị tiến tới vấn đề theo cách này ngay từ đầu, nếu quý vị tìm lối thuyết phục ngô bối khi còn trẻ, [367a] ngô bối sẽ chẳng mất công canh chừng lẫn nhau khỏi làm sai làm trái; mỗi người sẽ tự mình tận lực bảo vệ bản thân, vì sợ làm sai trái là sẽ sống với xấu xa khủng khiếp.”
‘Thưa tiên sinh, đó là điều Thrasymachus và có thể người khác sẽ nói rất ư hồ đồ, tiện phu chỉ nhắc lại, dĩ nhiên không phải có vậy, mà có lẽ nhiều hơn, về công bình chính trực và bất công bất chính. Tiện phu nghĩ thế nào đương sự cũng cố tình lật ngược khả năng, bóp méo chủ đích của họ. [b] Dù vậy, mạn phép nói thẳng thắn, nói thành thật, không mảy may giấu giếm, che đậy, sở dĩ tập trung trí lực, vận dụng tâm can nói ra ấy là vì tiện phu rất muốn nghe tiên sinh phát biểu ngược lại. Bởi thế xin đừng chỉ đưa ra dẫn chứng lý thuyết công bình chính trực giá trị hơn bất công bất chính, mà miêu tả cho ngô bối hay mỗi cái tự nó và do nó ảnh hưởng con người thế nào, cái thì tốt đẹp, cái thì xấu xa. Xin gạt sang bên, như Glaucon yêu cầu, đừng đụng tới tiếng tăm. Bởi nếu tiên sinh không bứt bỏ tiếng tăm chân thực từ cái này, gắn dán tiếng tăm giả tạo vào cái kia, ngô bối sẽ nói tiên sinh quan tâm tới ca ngợi, chỉ trích ngoại diện chứ không phải thực tại, không ca ngợi công bình chính trực, mà ca ngợi tiếng tăm dành cho công bình chính trực, [c] không đả kích bất công bất chính, mà đả kích bề ngoài của bất công bất chính, tiên sinh thầm kín khuyến khích ngô bối trở thành bất công bất chính, làm sai trái, tránh bị phát giác, tiên sinh thực sự đồng ý với Thrasymachus rằng công bình chính trực là cái lợi của người khác, cái lợi của phe mạnh, còn bất công bất chính là cái lợi của bản thân, cái hại của phe yếu, theo đuổi đến cùng bất chấp thế nào. Tiên sinh đã đồng ý công bình chính trực thuộc loại có lợi cao giá hơn hết, nghĩa là loại có lợi đáng lựa chọn không những vì hậu quả [d] mà còn vì, và hơn thế, chính nó, tỉ như thị giác, thính giác, trí năng, sức khỏe, cùng phẩm chất khác đem lại cho ngô bối cái lợi thực sự, không phải chỉ cái lợi bề ngoài. Bởi thế xin cho ngô bối nghe tiên sinh ca ngợi công bình chính trực theo khía cạnh đó. Tiên sinh chứng minh công bình chính trực tự nó và do nó đem lợi thế nào, mang hại ra sao đối với người sở đắc tư tưởng ấy. Còn phần thưởng và tiếng tăm để người khác tán dương. Phần riêng tiện phu sẽ mãn nguyện nếu người khác ca ngợi công bình chính trực hay chê bai bất công bất chính bằng lời như thế, đề cao cái này mang lại phần thưởng, hạ thấp cái kia đem về tiếng tăm. Trái lại, nếu được phép bày tỏ, [e] tiện phu sẽ không chấp nhận làm như thế, trừ phi tiên sinh yêu cầu, vì tiên sinh đã bỏ cả cuộc đời nghiên cứu vấn đề, và chỉ vấn đề này thôi. Vậy xin đừng chỉ nói công bình chính trực giá trị hơn bất công bất chính, mà chỉ dẫn cho ngô bối hay tại sao cái này tự nó và do nó khiến người có tư tưởng đó trở nên tốt đẹp, bất kể thần linh hay thế nhân có biết hay không, trong khi cái kia, tự nó và do nó, bất kể thần linh và thế nhân có biết hay không, trở thành xấu xa.’
‘Bản nhân chăm chú lắng nghe, vô cùng cảm mến tài năng của Glaucon và Adeimantus. [368a] Lần này đặc biệt thích thú với phát biểu của hai người, bản nhân thốt lời: “Ô, cha nào con nấy, hổ phụ sinh hổ tử! Chẳng lầm chút nào, ôi quý tử tuyệt vời của bậc siêu quần”, mở đầu bài ai ca khá gợi cảm, người yêu của Glaucon ngợi ca chiến công xuất sắc quý hữu thể hiện trong trận Megara:
Quý tử Ariston, cặp đôi tuyệt vời,
Dòng dõi châu báu của người bạt chúng lừng danh.
Tính từ “tuyệt vời” miêu tả trọn vẹn thực trạng. Bản nhân nghĩ đúng hết sức, quý hữu ơi! Nếu quý hữu không bị thuyết phục bất công bất chính tốt đẹp hơn công bình chính trực, mà vẫn tiếp tục trình bày vấn đề như đã làm, chắc hẳn tâm trí có cái gì quả thực siêu phàm thúc đẩy. Qua lời phô diễn, bản nhân nghĩ quý hữu dường như không thực sự bị thuyết phục. [b] Nói vậy là bản nhân theo dõi tính tình quý hữu mấy lần. Nếu chỉ căn cứ vào lời quý hữu, bản nhân sẽ không tin quý hữu chút nào. Nhưng càng đặt tin tưởng vào quý hữu, bản nhân càng không biết làm thế nào. Bản nhân không biết có thể giúp đỡ quý hữu ra sao để giải quyết vấn đề, vì cảm thấy chới với khi quý hữu bác bỏ câu bản nhân trả lời Thrasymachus, qua đó bản nhân tưởng tượng bản nhân đã chứng minh công bình chính trực tốt đẹp hơn bất công bất chính. Mặt khác, bản nhân cũng không biết làm thế nào từ chối giúp đỡ, vì sợ mang tiếng bất nhẫn, [c] ở đây thấy công bình chính trực bị phỉ báng, chà đạp ngay trước mặt, trong khi cơ thể còn hơi để thở, miệng vẫn phát ra tiếng nói mà hết hồn, lảng tránh, không nhào tới cứu giúp. Bởi thế bản nhân phải hết sức cứu giúp công bình chính trực bằng bất kể giá nào.’
Glaucon và mấy thân hữu năn nỉ bản nhân xấn tới cứu giúp, tiếp tục tranh luận chứ đừng bỏ dở, song cố gắng tìm cho ra công bình chính trực, bất công bất chính là thế nào, và cái lợi thực sự của hai thứ ra sao. Bởi thế bản nhân bắt đầu lên tiếng, hoàn toàn thành thực: ‘Ngô bối đang dấn thân tìm hiểu đề tài hóc búa hết sức, không phải chuyện tầm thường.[d] Bản nhân nghĩ đề tài cần quan sát thấu đáo. Ngô bối lại vụng về chẳng khéo léo, vì thế bản nhân nghĩ ngô bối nên tiến hành thế này. Hãy giả dụ ngô bối cận thị do sắp xếp đứng xa đọc hàng chữ nhỏ; một người trong hàng khám phá thấy ở chỗ khác cũng hàng chữ đó, cỡ lớn hơn, trên bảng to hơn. Thử hỏi như vậy không phải may mắn bất ngờ hay sao? Ngô bối nên đọc hàng chữ lớn, rồi so sánh với hàng chữ nhỏ xem hai hàng có giống nhau không?’
‘Đương nhiên,’ Adeimantus đáp, ‘nhưng làm vậy có dính líu gì tới việc ngô bối tìm hiểu công bình chính trực là thế nào không hở tiên sinh?’ [e]
‘Bản nhân sẽ nói quý hữu hay. Thế ngô bối đã chẳng nói công bình chính trực có thể là đặc tính của cá nhân hay thành quốc hay sao?’
‘Đúng rồi.’
‘Thành quốc lớn hơn cá nhân chứ gì?’ ‘Vâng, lớn hơn.’
‘Bởi thế ngô bối có thể tìm hiểu công bình chính trực trên quy mô lớn hơn trong thực thể rộng hơn, như vậy nhận định dễ hơn. Vì vậy, nếu quý hữu không phản đối, bản nhân đề nghị [369a] ngô bối bắt đầu tìm hiểu công bình chính trực trong thành quốc, rồi tiến tới cá nhân để xem có thể tìm ra cấu tạo của thực thể nhỏ hơn cái tương đồng với cái ngô bối đã tìm thấy ở thực thể lớn hơn không.’
‘Gợi ý có vẻ khả quan,’ Adeimantus đáp.
‘Ờ,’ bản nhân tiếp lời, ‘nếu để ý quan sát thành quốc xuất hiện như thực thể trên bình diện lý thuyết,
ngô bối cũng có thể nhận ra công bình chính trực và bất công bất chính phát xuất từ đó ra sao.’ ‘Có thể.’
‘Làm vậy khi tiến trình hoàn tất, ngô bối hy vọng sẽ tìm ra dễ hơn cái ngô bối đang tìm.’
‘Dễ hơn nhiều.’ [b]
‘Vậy quý hữu có nghĩ ngô bối nên thực hiện đầy đủ không? Vì khẳng định với quý hữu việc làm không dễ, phải suy nghĩ kỹ lưỡng.’
‘Ngô bối nghĩ rồi,’ Adeimantus đáp, ‘thực hiện đi.’
‘Ờ, xã hội xuất hiện,’ bản nhân tiếp lời, ‘theo chỗ bản nhân biết, vì cá nhân không thể sống biệt lập, cần nhiều nhu cầu cá nhân không thể tự cung tự ứng. Theo quý hữu có cộng đồng, xã hội hay thành quốc nào xuất hiện trên nguyên tắc khác không?’
‘Thưa, không.’
‘Khi có đủ người [c] để thỏa mãn nhu cầu đa dạng, khác biệt, khi đã quy tụ khá đông người cùng tham gia, cùng giúp đỡ để cùng sống một nơi, ngô bối gọi việc định cư như thế là cộng đồng, xã hội hay thành quốc phải không?’
‘Phải.’
‘Trong cộng đồng dân chúng trao đổi hàng hóa hỗ tương, vì nghĩ bên nhận bên trao đều có lợi, đúng không?’
‘Đúng thế.’
‘Nếu vậy,’ bản nhân bồi thêm, ‘ngô bối hãy tưởng tượng bức họa miêu tả nguồn gốc cộng đồng. Xem ra cộng đồng dường như phát xuất từ nhu cầu của ngô bối.’
‘Vâng.’
‘Nhu cầu [d] thứ nhất và thiết yếu hơn hết rõ ràng là cung cấp thực phẩm để nuôi sống ngô bối.’ ‘Rõ ràng.’
‘Nhu cầu thứ hai là chỗ ở, nhu cầu thứ ba là đủ thứ quần áo.’
‘Đúng thế.’
‘Ờ, nếu vậy, cộng đồng làm thế nào cung ứng đầy đủ nhu cầu như thế? Cộng đồng sẽ cần người làm ruộng, người làm nhà, người dệt vải, bản nhân nghĩ cả người làm giày, và một hay hai người nữa để chu cấp nhu cầu thân thể ngô bối đòi hỏi.’
‘Đương nhiên.’
‘Như vậy cộng đồng ở mức nhu cầu nhỏ nhất sẽ gồm bốn hoặc năm người.’ ‘Hiển nhiên.’ [e]
‘Như vậy mỗi người trong số vừa kể sẽ góp phần sản xuất do công lao khó nhọc của mình cho mọi người cùng sử dụng? Chẳng hạn, làm ruộng một người sẽ cung cấp thực phẩm cho bốn người? Hay người đó sử dụng bốn lần thời gian và bốn lần công sức sản xuất thực phẩm cung ứng cho nhu cầu của bốn người? Hoặc thay vì thế, không quan tâm tới bốn người, người đó sử dụng một phần tư thời gian sản xuất một phần tư số lượng thực phẩm, [370a] ba phần tư thời gian còn lại, một phần tư làm nhà cho mình, một phần tư may quần áo, một phần tư làm giày? Nói khác đi, tránh không muốn chia phần với bốn người, người đó dồn công sức vào sản xuất để cung ứng chỉ riêng nhu cầu của mình thôi?’
Nghe thấy thế Adeimantus liền đáp: ‘Ô, Socrates, xem ra dường như cách đầu có lẽ đơn giản hơn.’
‘Trời đất ơi, rõ ràng là vậy,’ bản nhân tiếp lời, ‘vì lúc quý hữu vừa nói, bản nhân đã nghĩ thứ nhất ngô bối sinh ra theo lẽ tự nhiên đều khác nhau, không ai giống ai.[b] Ngô bối sở đắc năng khiếu tự nhiên khác nhau, năng khiếu giúp ngô bối thích hợp với việc khác nhau, người giỏi nghề này, người khá nghề kia. Quý hữu có nghĩ vậy không hở?’
‘Thưa, có.’
‘Do vậy ngô bối nên ứng dụng một tay nghề hay tìm cách thực hành nhiều tay nghề?’
‘Mỗi người một nghề.’
‘Còn điểm nữa cần nói. Bất kể việc gì nếu không thực hiện đúng lúc là tai hại vô cùng.’
‘Đương nhiên.’
‘Người làm phải thành thạo khi bắt tay vào việc; người làm phải nhanh nhảu, không thể dềnh dàng, vì việc không chờ không đợi.’ [c]
‘Bắt buộc.’
‘Lượng gia tăng, phẩm tinh tiến, phương thức sản xuất hiệu quả khi người làm chăm chú đúng cách vào việc thích hợp tự nhiên, vào lúc khẩn thiết, bỏ qua không bận tâm tới việc khác.’
‘Nhất định.’
‘Như vậy ngô bối sẽ cần hơn bốn người, Adeimantus ạ, để đáp ứng nhu cầu vừa kể. Vì người làm ruộng sẽ không tự tay làm cày, làm cuốc, hay bất kể nông cụ nào nếu cần hoàn hảo. Sự thể đúng với người làm nhà và vô số dụng cụ người đó cần, [d] và cũng đúng với người dệt vải, người làm giày. Đúng không?’
‘Đúng chứ sao!’
‘Bởi thế thợ rèn, thợ mộc, nhiều nghệ nhân tương tự phải tham gia làm việc, nhân số cộng đồng nhỏ bé của ngô bối gia tăng.’
‘Dĩ nhiên.’
‘Dù vậy số lượng vẫn sẽ không quá lớn nếu ngô bối thêm người chăn bò, người chăn cừu, người nuôi gia súc đủ loại khác nhau, để cung ứng bò cho chiếc cày, súc vật kéo xe cho người làm nhà, [e] người làm ruộng, cũng như da cho người làm giày, len cho người dệt vải.’
‘Không, song số lượng sẽ không còn nhỏ bé như thế nữa.’
‘Mặt khác, xem ra hầu như không thể xây dựng thành quốc tại nơi không cần nhập cảng.’
‘Đúng rồi, hoàn toàn bất khả.’
‘Do vậy, ngô bối sẽ cần thêm người để tìm kiếm, thu thập những gì cộng đồng cần từ ngoại quốc.’
‘Vâng.’
‘Nhưng nếu ra đi tay không, không mang hàng hóa thành quốc khác cần trao đổi, [371a] khi trở về người của ngô bối cũng sẽ trở về tay không, phải không?’
‘Chắc vậy.’
‘Bởi thế trong thành quốc ngô bối phải sản xuất không những đủ nhu cầu ngô bối cần dùng, mà cũng phải sản xuất đủ loại và số lượng hàng hóa ngoại quốc cần dùng.’
‘Đương nhiên.’
‘Thế có nghĩa là thành quốc sẽ gia tăng số lượng người làm ruộng và người làm thủ công.’
‘Vâng, thế nào cũng gia tăng.’
‘Và như vậy dĩ nhiên sẽ gồm cả người lo việc xuất cảng, nhập cảng hàng hóa, nghĩa là thương nhân, phải không?’
‘Thưa, phải.’
‘Vậy ngô bối cũng cần họ. Đồng ý chứ?’
‘Tránh sao khỏi.’
‘Nếu thương mại thực hiện bằng đường biển, ngô bối sẽ cần nhiều chuyên gia về thương thuyền và hàng hải.’ [b]
‘Dĩ nhiên, nhiều lắm.’
‘Vậy trong cộng đồng hiện hữu người dân làm thế nào trao đổi sản phẩm do công lao làm ra? Vì bản
nhân muốn nói trao đổi hỗ tương là nguyên do tạo nên cộng đồng.’
‘Hiển nhiên họ sẽ mua và bán.’
‘Như vậy sẽ đòi hỏi thị trường và thiết lập tiền tệ làm phương tiện trao đổi.’
‘Chắc vậy.’
‘Nếu [c] người làm ruộng hay bất kỳ người sản xuất nào đem hàng ra chợ vào lúc không ai muốn trao đổi, người đó sẽ ngồi lì ở đó, vô công rồi nghề, bỏ bê việc của mình hả?’
‘Chắc hẳn không. Nhận thức tình trạng, vồ ngay cơ hội, có thành phần sẵn sàng lo dịch vụ ở đó. Trong cộng đồng tổ chức chu đáo thành phần này thường gồm người yếu đuối về mặt thể xác, do vậy không thích hợp với việc khác. Dịch vụ gắn liền, buộc chặt họ vào ngôi chợ, [d] nơi họ trả tiền mua hàng của người muốn bán và nhận tiền bán hàng cho người muốn mua.’
‘Như thế sẽ làm nảy sinh thành phần bán lẻ trong cộng đồng. Ngô bối gọi người phục vụ nhu cầu công cộng qua việc mua bán ở chợ nội địa là tiểu thương, tương phản với người lo chuyện buôn bán ở chợ ngoại quốc là thương nhân.’
‘Đồng ý.’
‘Còn thành phần nữa [e] ngô bối cần dịch vụ của họ, người không thể đóng góp bằng sức mạnh trí tuệ, song có thể cung ứng bằng sức mạnh thể xác thích hợp với việc làm tay chân. Đem sức lực ra chợ bán, đổi lại lấy đồng lương, kết quả là họ thường được gọi là làm thuê, làm mướn.’
‘Đúng thế.’
‘Với người làm thuê, làm mướn thêm vào dân số cộng đồng xem ra tạm đủ.’
‘Vâng.’
‘Adeimantus ơi, như vậy liệu bây giờ có thể nói cộng đồng của ngô bối đã phát triển đầy đủ được chưa?’
‘Có lẽ được rồi.’
‘Vậy công bình chính trực và bất công bất chính ở chỗ nào? Hai yếu tố ngô bối đã xem xét xuất hiện ở thành phần nào trong cộng đồng?’
‘Tiện phu không biết, thưa tiên sinh, [372a] trừ phi hai yếu tố liên quan tới cung cách những người này cư xử với nhau.’
‘Ý nghĩ xem ra chí lý, ngô bối phải quan sát xem sao và tìm hiểu không chán mới được. Trước tiên ngô bối xem dân cộng đồng sẽ sống ra sao khi được cung ứng như thế. Dĩ nhiên họ sẽ sản xuất lúa mì, rượu vang, quần áo, giày dép và sẽ làm nhà ở. Mùa hè họ sẽ cuốc bộ ra đồng làm việc, không đi giày, mùa đông họ có đủ giày dép và quần áo. Về thực phẩm, [b] họ sẽ xay bột từ lúa mì, lúa mạch; họ sẽ
nướng loại trên và nhào loại dưới; họ sẽ để bánh nướng, bánh mì thơm ngon trên thân sậy và lá sạch; sau đó ngả lưng thoải mái trên thảm trải lá sim, lá nhăng họ sẽ vừa uống rượu vừa ăn cùng bầy con. Đầu đội vòng nguyệt quế họ sẽ ngân nga ca hát, cầu nguyện thần linh. Họ sẽ vui hưởng giao hợp, không sinh con đẻ cái nếu phương tiện không cho phép, [c] song phải thận trọng tránh nghèo khổ và chiến tranh.’
‘Theo tiện nhân rõ ràng là món đạm bạc để ăn mừng,’ Glaucon vừa ngắt lời vừa lên tiếng, ‘không cần nấu nướng hoặc thêm thắt gia vị.’
‘Quý hữu nói chẳng sai tí nào. Nhưng bản nhân quên kể họ sẽ có vài thứ sang trọng nữa. Muối, phô- mai, dầu ô-liu, củ tươi, rau tươi, hành luộc, hành sống, đủ loại ở ngoài đồng dùng để làm món khác nhau. Đấy là chưa kể đồ tráng miệng: vả, đậu, dâu, dẻ rang thơm phức trong khi nhấm nháp rượu vang [d]. Họ sẽ sống thanh bình, khỏe mạnh, và có lẽ mãn phần khi tuổi đã cao, để lại lối sống tương tự cho con cháu.’
‘Trời đất ơi, nếu thành lập cộng đồng heo, ngoài thứ vừa kể, tiên sinh cho ăn gì nữa!’ Glaucon nhận định.
‘Phần mình, quý hữu sẽ làm thế nào?’ Bản nhân hỏi.
‘Cho hưởng tiện nghi bình thường. Ngả lưng thoải mái trên sô-pha, ra bàn dùng bữa, thức ăn như ngô bối dùng bây giờ.’
‘Chí phải, [e] hân hạnh ghi nhận hảo ý. Ngô bối tìm hiểu không những nguồn gốc mà cả xã hội khi xã hội đó hưởng thụ văn minh xa hoa. Ý kiến xem ra không phải viển vông, vì trong quá trình rà xét ngô bối có thể khám phá sự thể công bình chính trực và bất công bất chính bắt rễ, nảy sinh tự nhiên ra sao trong cộng đồng như thế. Bởi mặc dù xã hội ngô bối vừa mô tả đối với bản nhân có vẻ chân thực, như người khỏe mạnh, song nếu quý hữu muốn, chẳng ai ngăn cản, ngô bối cũng có thể tìm hiểu xã hội bệnh hoạn. Xã hội như thế sẽ không thỏa mãn với mức sống ngô bối miêu tả. Xã hội đó sẽ cần [373a] bàn ghế, sô-pha, bàn ăn, tủ kệ, kể cả món cao lương mĩ vị, nước hoa, tinh dầu, gái điếm thượng lưu, mứt ngọt bánh kẹo, tất cả gồm đủ loại, đủ thứ. Ngô bối không còn giam mình trong nhu cầu đạm bạc miêu tả trước đây, nhà ở, quần áo, giày dép, mà phải trang bị sản phẩm mỹ thuật tranh vẽ, đồ thêu, đồng thời du nhập vật dụng như vàng, ngà voi. Đồng ý không?’
‘Đồng ý.’ [b]
‘Ngô bối sẽ lại mở rộng bờ cõi. Thành quốc lành mạnh của ngô bối chưa lớn lắm; kích thước phải vung ra để chứa hằng hà sa số nghề nghiệp không liên hệ tới nhu cầu cần thiết đối với cuộc sống. Ngô bối sẽ có thợ săn, người mô phỏng; ngô bối sẽ có nghệ sĩ, điêu khắc quan tâm tới hình thù, họa sĩ bịn rịn với màu sắc, nhạc sĩ ưu tư với âm thanh; ngô bối sẽ có thi sĩ cùng người phụ họa, ngâm thơ, khiêu vũ, diễn kịch, hướng dẫn ca đoàn, đạo diễn hoạt cảnh; ngô bối sẽ có người sản xuất dụng cụ mỹ phẩm đủ loại, đặc biệt dụng cụ liên hệ tới y phục, phấn son, hóa trang phụ nữ. Hơn thế, ngô bối [c] cần nhiều người phục vụ – gia sư dạy trẻ, vú em nuôi trẻ, vú em trông trẻ, người bán mỹ phẩm, người sửa sắc đẹp, người hớt tóc, người bán thịt, người đầu bếp. Và ngô bối sẽ cần cả người chăn heo nữa. Trước kia trong thành quốc không có người nào, vì ngô bối không cần, nhưng bây giờ cần heo, bò, số lượng đáng kể, nếu ngô bối ăn thịt hàng ngày. Đồng ý chứ?’
‘Không thể phản đối chỗ nào.’
‘Với lối sống xa hoa ngô bối cũng sẽ cần y sĩ, [d] số lượng nhiều hơn trước kia.’
‘Chắc chắn rồi.’
‘Đất đai trước kia đủ cung cấp cho ngô bối bây giờ trở nên quá nhỏ hẹp. Phải thế không?’ ‘Rõ như ban ngày chẳng thể phủ nhận.’
‘Vì thế, nếu muốn có đủ đồng cỏ để chăn nuôi, đủ ruộng đất để cấy cày ngô bối sẽ phải cắt đất đai của láng giềng. Nếu không chịu giam mình trong nhu cầu cần thiết nữa, nếu muốn lao đầu đuổi theo vật chất nhằm thu đạt tiền của vô hạn định, họ cũng sẽ xén đất đai của ngô bối.’
‘Hậu quả không thể tránh được, tiên sinh ơi!’ [e]
‘Sự thể sẽ dẫn tới chiến tranh, đúng không, Glaucon?’
‘Tất nhiên.’
‘Hiện thời ngô bối không bận tâm tới hậu quả của chiến tranh, tốt hoặc xấu. Song lúc này ngô bối đã thấy nguồn gốc của chiến tranh chẳng khác nguồn gốc của đa số tai họa, cá nhân hoặc xã hội.’
‘Thưa, đồng ý.’
‘Như vậy, quý hữu ơi, ngô bối sẽ cần thành quốc lớn hơn, [374a] quân đội không còn nhỏ mà sẽ đông. Họ sẽ đi ra chiến đấu để bảo vệ tài sản và nhân dân chống lại kẻ xâm lấn ngô bối vừa miêu tả.’
‘Thế nhân dân không thể chiến đấu tự vệ được ư?’
‘Không, nếu nguyên tắc quý hữu và mọi người chấp nhận khi sáng lập thành quốc còn giá trị. Chắc quý hữu nhớ ngô bối đồng ý một người không thể làm nhiều việc hoặc nhiều nghề mà thành công.’
‘Vâng, đúng thế.’ [b]
‘Ờ, tòng quân đánh giặc là nghề phải không?’
‘Chắc vậy.’
‘Nghề đó đòi hỏi ít thận trọng hơn nghề làm giày chứ gì?’ ‘Không hẳn.’
‘Ừ, ngô bối cấm người làm giày cùng lúc động tới làm ruộng, dệt vải, cất nhà và dặn phải hoàn toàn bám chặt nghề đã chọn, có thế làm giày phẩm chất mới tốt đẹp. Với nghề khác, sự thể cũng vậy, ngô bối chỉ định mỗi người một nghề thích hợp với năng khiếu tự nhiên, người đó sẽ hành nghề đó suốt đời, [c] không mó tới nghề khác, không bỏ lỡ cơ hội rèn luyện tay nghề, như vậy sẽ thành thạo. Việc
chiến tranh là việc tối quan trọng nên phải trông nom chu đáo. Đánh giặc không phải việc dễ, ai cũng có thể làm trong khi vẫn làm ruộng, làm giày hoặc nghề khác. Chẳng cần nói quý hữu cũng biết không thể trở thành người chơi cờ tài giỏi nếu không rèn luyện cẩn thận từ lúc nhỏ tuổi, [d] mà chỉ chơi khi rảnh rỗi. Vừa cầm chiếc khiên, vừa nắm binh cụ liệu người thanh niên có thể trở thành binh sĩ thành thạo ngoài chiến trường hay binh sĩ chuyên nghiệp trang bị nặng không? Chỉ nhấc dụng cụ ở bất kỳ nghề nào không biến người đó thành nghệ nhân hoặc kỳ thủ. Dụng cụ chỉ ích dụng với người biết sử dụng và có đủ kinh nghiệm sử dụng dụng cụ thôi.’
‘Chí lý, nếu làm được như vậy, dụng cụ quả thực đáng quý.’
‘Bởi thế, vì là việc quan trọng hơn hết, việc phòng thủ đòi hỏi không những rảnh rỗi hoàn toàn không dính líu tới việc khác [e] mà cả khả năng chuyên môn và tập luyện khá cao.’
‘Tiện nhân nghĩ chắc vậy.’
‘Việc đó cũng cần năng khiếu tự nhiên phải không?’
‘Dĩ nhiên.’
‘Do vậy, để làm việc này, nếu có thể, ngô bối phải kén chọn thanh niên với năng khiếu tự nhiên để bảo vệ thành quốc.’
‘Nhất định.’
‘Theo ngu ý, trời ơi, việc xem ra không dễ chút nào. Dù vậy ngô bối không nên lùi bước, mà phải xấn tới đem hết khả năng thực hiện.’
‘Bắt buộc.’ [375a]
‘Quý hữu có nghĩ bản chất con chó thuộc loại giống tốt khác bản chất thanh niên con nhà dòng dõi nếu nói tới khả năng canh gác không?’
‘Tiên sinh nói thế nghĩa là thế nào?’
‘Bản nhân muốn nói hai thứ đương nhiên phải nhanh mắt để nhìn, mau chân để chạy đuổi theo bất kể cái gì vừa thấy và khỏe mạnh để chiến đấu nếu cần khi trực diện.’
‘Thưa, hai thứ cần đặc tính vừa kể.’
‘Can đảm nữa, nếu hai thứ muốn chiến đấu dẻo dai, giỏi giang.’ ‘Vâng, dĩ nhiên.’
‘Ngựa, chó hay sinh vật khác đều chẳng thể can đảm nếu không có tinh thần. Quý hữu không thấy tinh thần kiên cường là yếu tố áp đảo phi thường, khống chế khủng khiếp, người có tinh thần hoàn toàn không khiếp sợ, cực kỳ bất khuất khi mặt đối mặt với đủ thứ gian nguy hay sao?’ [b]
‘Thưa, có.’
‘Do vậy ngô bối biết phẩm chất thể xác của vệ quốc phải thế nào.’
‘Vâng.’
‘Và phẩm chất tâm linh vệ quốc cũng phải dũng cảm.’
‘Vâng.’
‘Nhưng nếu có phẩm chất như thế, Glaucon ơi, họ có gây gổ với nhau và mọi người trong cộng đồng không hở?’
‘Cha! Xem ra rất có thể và khó ngăn ngừa.’
‘Dù sao [c] họ cũng phải cư xử hòa nhã với đồng bào, hung dữ với kẻ thù; nếu không họ sẽ hủy hoại lẫn nhau và chẳng cần chờ đợi kẻ thù sẽ ra tay hủy hoại họ.’
‘Đúng thế.’
‘Vậy ngô bối phải làm thế nào? Tìm ở đâu tâm tính vừa dịu dàng vừa cứng rắn trong khi cứng rắn và dịu dàng là đối lập tự nhiên?’
‘Vâng, xem ra có vẻ loại trừ lẫn nhau.’
‘Nếu tước bỏ hai phẩm chất, [d] họ sẽ không là vệ quốc vẹn toàn; ngô bối dường như đòi hỏi cái bất khả. Nếu vậy vệ quốc toàn vẹn là điều bất khả.’
‘Tiện nhân sợ thế thực.’
Đến đây cảm thấy lúng túng khó tìm ra lối thoát bèn nghĩ lại ngô bối vừa nói gì bản nhân la lớn: ‘Quý hữu, ngô bối dấn thân vào ngõ cụt, rõ ràng là vậy, thật đáng kiếp, vì chưa thúc đẩy loại suy tới mức, không nhìn ra hình ảnh trước mặt.’
‘Tiên sinh nói gì vậy?’
‘Bản nhân muốn nói ngô bối lơ là bỏ qua sự kiện có bản chất phối hợp phẩm chất bẩm sinh đối nghịch như thế, bản chất đó tồn tại thực sự.’
‘Tiên sinh thấy ở đâu?’
‘Ở đủ loại súc vật khác nhau, song đặc biệt ở chó giữ nhà ngô bối ví như vệ quốc. Bởi quý hữu thừa biết đặc điểm tự nhiên [e] của chó giống tốt là cư xử hết sức hòa nhã với người nó quen, nó biết, song rất ư hung dữ với người nó không quen, không biết.’
‘Đúng, tiện nhân quả có thấy.’
‘Loại tính tình ngô bối tìm ở vệ quốc như vậy hoàn toàn khả dĩ, không phải bất khả chút nào.’ ‘Có vẻ thế thật.’
‘Quý hữu có đồng ý vệ quốc xứng đáng là vệ quốc, ngoài tinh thần kiên cường, trong bản chất cần có khuynh hướng triết gia không?’
‘Tiện nhân không hiểu tiên sinh nói thế là thế nào.’ [376a] ‘Quý hữu sẽ thấy ở con chó, và phẩm chất đó rất ư cụ thể.’ ‘Phẩm chất thế nào?’
‘Nó bực bội, cáu giận khi thấy người lạ, mặc dù người đó không làm gì hãm hại, nhưng nó đon đả, chào đón người nó biết, mặc dù người ấy chưa bao giờ tỏ ra thân thiện, âu yếm nó. Quý hữu có bao giờ nghĩ phẩm chất này đặc biệt không?’
‘Thưa, tiện nhân chẳng thể nói trước đây có bao giờ để ý chuyện đó. Dẫu vậy hiển nhiên đó là điều chó thường làm.’
‘Thế quý hữu không nghĩ đặc điểm đó chứng tỏ có sự phân biệt đối xử tự nhiên và bản chất triết lý thực sự hay sao?’
‘Như thế nào?’
‘Ở chỗ chó phân biệt hình ảnh bạn với thù [b] bằng cách biết người này, không biết người kia. Sinh vật có thể phân biệt người quen với người không quen trên cơ sở hiểu biết hoặc không hiểu biết chắc chắn là sinh vật bẩm sinh với yêu chuộng hiểu biết thực sự.’
‘Chắc vậy.’
‘Nhưng khuynh hướng triết lý có giống yêu chuộng học hỏi và yêu chuộng hiểu biết không?’ ‘Giống hệt.’
‘Do vậy với con người ngô bối cũng có thể khẳng định thẳng thừng người hòa nhã với bạn bè, bà con quen thuộc bẩm sinh hẳn là người yêu chuộng học hỏi, yêu chuộng hiểu biết và có khuynh hướng triết lý.’ [c]
‘Có thể lắm.’
‘Bởi thế người trở thành vệ quốc mực thước, vẹn toàn trong cộng đồng ngô bối sẽ có đặc điểm sau đây: khuynh hướng triết lý, tinh thần kiên cường, tác phong nhanh nhẹn, cơ thể cường tráng.’
‘Tiện nhân đồng ý hoàn toàn.’
‘Nét cơ bản trong tính tình vệ quốc là vậy. Nhưng họ được nuôi dưỡng, giáo dục thực sự ra sao? Nếu
ngô bối định trả lời câu hỏi, bản nhân không biết câu trả lời có giúp ngô bối gì không trong việc đi sâu tìm hiểu nguồn gốc công bình chính trực và bất công bất chính trong xã hội? [d] Ngô bối phải cẩn thận không loại trừ những gì liên quan tới vấn đề, song không vòng vo kéo dài cuộc tranh luận.’
Nghe thấy thế Adeimantus, em Glaucon, liền đáp: ‘Tiện phu kỳ vọng cuộc tranh luận sẽ giúp ngô bối tìm hiểu vấn đề trót lọt, trơn tru.’
‘Nếu vậy, Adeimantus quý mến, ngô bối không nên tránh né mà thế nào cũng phải theo đuổi đến cùng dù tranh luận sẽ kéo dài.’
‘Không, thưa, nhất định.’
‘Vậy hãy phác tả lý thuyết giáo dục vệ quốc như thể ngô bối xây dựng câu chuyện và không quan tâm tới thời gian.’
‘Ý kiến hay, bắt tay vào việc đi, không chần chừ.’ [e]
‘Ngô bối sẽ dành cho họ loại giáo dục nào? Tìm loại giáo dục tốt đẹp hơn loại khai triển khá lâu có khó lắm không? Dĩ nhiên, loại giáo dục phần huấn luyện thể dục dành cho thân thể và phần đào luyện văn hóa dành cho trí tuệ và tâm hồn.’
‘Đúng vậy.’
‘Ngô bối sẽ bắt đầu giáo dục trí tuệ và tâm hồn, chương trình văn hóa trước chương trình thể dục phải không?’
‘Vâng.’
‘Về loại giáo dục này ngô bối có nên thêm văn chương không hở?’
‘Nên.’
‘Có hai loại văn chương: văn chuơng hiện thực và văn chương hư cấu.
‘Đúng thế.’
‘Chương trình giáo dục của ngô bối phải gồm cả hai, bắt đầu với loại hư cấu.’ [377a]
‘Tiện phu không rõ tiên sinh định nói gì.’
‘Quý hữu không biết dạy trẻ con đầu tiên ngô bối bắt đầu kể chuyện ư, thông thường chuyện hư cấu, mặc dù trong đó có phần sự thật? Và kể chuyện cho thiếu nhi trước, huấn luyện thể dục sau.’
‘Thưa, đúng vậy.’
‘Đó là điều bản nhân muốn nói, ngô bối phải bắt đầu giáo dục tâm trí trước, huấn luyện thể xác sau.’
‘Ý kiến chí lý.’
‘Quý hữu thừa biết bước đầu tiến trình luôn luôn can hệ, đặc biệt khi động chạm tới thiếu nhi, trẻ dại, thơ ngây. Đó là thời gian [b] các em dễ dàng uốn nắn, và đó cũng là thời gian dễ gây ấn tượng ngô bối chọn sẽ để lại dấu vết khó tàn phai.’
‘Chắc hẳn vậy.’
‘Bởi thế ngô bối có nên lơ là để các em nghe chuyện bất kỳ ai kể, cấu tạo khái niệm trong tâm trí, phần lớn trái ngược với khái niệm ngô bối nghĩ khi lớn các em mới có không?’
‘Đương nhiên chẳng nên.’
‘Vậy trước hết kiểm soát người viết chuyện, nếu họ làm chuyện hay ngô bối chấp nhận. [c] Nếu ngược lại ngô bối bác bỏ. Tiếp theo khuyến khích mẹ đẻ, vú em kể chuyện chọn lọc cho các em, dùng chuyện đó uốn nắn trí tuệ, hun đúc tâm hồn quan trọng hơn nhào nặn thể xác gấp bội. Tuy nhiên, phần lớn chuyện đang thịnh hành, ăn khách ngô bối nên cự tuyệt.’
‘Tiên sinh nghĩ loại nào vậy?’
‘Ngô bối có thể đan cử vài huyền thoại điển hình, quan sát loại nổi danh ắt biết loại tầm thường. Bởi tất cả, dù nổi tiếng hay không, dài hay ngắn, đều hun đúc trong cùng lò [d] và có tác dụng tương tự. Quý hữu đồng ý không?’
‘Dạ có, song tiện phu vẫn không rõ loại nào tiên sinh ám chỉ là nổi tiếng.’
‘Chuyện Homer, Hesiod và thi sĩ đồng bọn. Bởi trong quá khứ thi sĩ là đám luôn luôn bịa chuyện hư cấu đem kể cho người ta nghe, và hiện tại vẫn tiếp tục.’
‘Tiên sinh muốn nói loại nào và khuyết điểm ra sao mà chống đối?’
‘Khuyết điểm tệ hại hơn hết, chống đối trước tiên và quyết liệt, đặc biệt nếu chuyện hư cấu kể không hay.’
‘Thưa, thế nghĩa là thế nào?’
‘Dùng lời trình bày sai lầm, phác tả hình ảnh méo mó [e] bản chất thần linh và anh hùng, như họa sĩ vẽ chân dung mà chân dung chẳng giống đối tượng chút nào.’
‘Sai lầm như vậy đáng kiểm duyệt là phải. Nhưng làm sao họ lại làm vậy? Họ nói cái gì? Xin tiên sinh cho thêm chi tiết.’
‘Sẵn sàng vì đề tài quan trọng vô cùng, đầu tiên và trước hết là nói dối khủng khiếp về điều khủng khiếp là nói dối không giỏi: về Ouranos cùng việc Hesiod kể thần linh làm, việc Cronos ra tay trừng trị Ouranos, [378a] chuyện Cronos làm gì, chuyện Cronos bị con hành hạ ra sao, dù có thực, bản nhân nghĩ không nên ngẫu nhiên nhắc lại cho đám trẻ non dại, thơ ngây nghe; tốt hơn hết là im lặng không nói gì. Trái lại, nếu cần phải kể nên kể cho số ít chọn lọc, kể kín đáo, thề giữ bí mật, giới hạn tối đa,
càng ít người nghe càng tốt, sau khi làm lễ hiến sinh không phải con heo mà tế sinh to lớn, khó kiếm.’ ‘Loại đó rõ ràng là chuyện nguy hiểm.’
‘Phải kiểm duyệt, không nên kể trong thành quốc, [b] Adeimantus ơi. Và cũng không nên kể cho đám trẻ nghe chuyện miêu tả nếu nhúng tay vào tội ác ghê tởm, nếu cố tình trừng trị bố đẻ tàn nhẫn, đám trẻ không làm gì sai trái, mà chỉ làm chuyện thần linh đầu tiên, vĩ đại hơn hết đã làm trước kia.’
‘Không, trời đất ơi, tiện phu hoàn toàn đồng ý,’ Adeimantus tiếp lời, ‘chia sẻ quan điểm với tiên sinh, chuyện như thế đều không thích hợp, không nên kể lại.’
‘Ngô bối cũng không nên cho phép kể chuyện chiến tranh, chuyện âm mưu, chuyện đổ máu giữa thần linh [c]; chuyện đó hoàn toàn không thích hợp, vì giả tạo, không thực. Nếu muốn vệ quốc tương lai tin gây gổ là thói xấu nhất đời, ngô bối đương nhiên không nên để họ nghe chuyện thần linh giao chiến với khổng lồ hay thêu hình chuyện đó trên áo choàng, hoặc kể cho họ nghe chuyện thần linh và anh hùng cãi lộn với thân hữu và thân nhân. Không. Trái lại, nếu định thuyết phục họ công dân không sinh sự với nhau bao giờ, vì làm vậy là sai trái, ông già bà lão, người đứng tuổi cả nam lẫn nữ phải kể cho con cháu nghe chuyện như thế [d] ngay từ đầu, ngô bối phải thúc ép thi sĩ kể cho chúng nghe chuyện tương tự khi chúng khôn lớn. Dẫu vậy ngô bối chẳng nên chấp nhận trong thành quốc chuyện kể Hera bị con trai trói chặt, Hephaistos bị bố nắm cẳng quăng khỏi bầu trời vì bênh mẹ lúc bà bị ăn đòn tơi bời, hay bất kể chuyện nào của Homer kể thần linh giao chiến, dù ý định có vẻ ẩn dụ hay không. Lý do là trẻ con không thể phân biệt cái có vẻ ẩn dụ hay không có vẻ ẩn dụ, khái niệm cấu thành ở tuổi ấy thường khó tẩy rửa, khó thay đổi. Có lẽ do vậy ngô bối nên coi tuổi ấy [e] là giai đoạn cực kỳ quan trọng, chuyện đầu tiên nghe kể sẽ nhằm cổ vũ, khuyến khích các em vươn lên đạt mức hoàn hảo, tuyệt vời về nhân cách.’
‘Ví dụ đưa ra nghe hợp lý, nhưng nếu muốn biết chi tiết có người lại hỏi ngô bối ám chỉ chuyện nào, ngô bối sẽ trả lời ra sao?’
‘Adeimantus quý mến ơi, quý hữu và bản nhân lúc này không tranh luận về viết chuyện mà xây dựng thành quốc.[379a] Nguời xây dựng thành quốc phải biết đường nét tổng quát thi sĩ sẽ theo đó viết chuyện. Nếu chuyện thi sĩ viết không thích hợp đường nét, người xây dựng thành quốc sẽ bác bỏ. Bác bỏ song người xây dựng không nhất thiết phải viết chuyện.’
‘Vâng, đúng thế, nhưng về điểm này xin hỏi thi sĩ phải theo đường nét nào khi bàn tới thần linh?’
‘Đơn giản như thế này. Phải luôn luôn trình bày, miêu tả thần linh như thần linh thực sự là vậy, dù thi sĩ viết trường ca, thi ca hay bi kịch.’
‘Vâng, bắt buộc.’
‘Và trong thực tế thần linh tốt đẹp, [b] sao không miêu tả như thế?’ ‘Dĩ nhiên.’
‘Nhưng cái tốt đẹp không hề độc hại phải không?’
‘Tiện phu nghĩ không.’
‘Vậy cái không độc hại có làm hại không hở?’
‘Đã trả lời là không.’
‘Và cái không làm hại có làm xấu xa không?’
‘Cũng không.’
‘Cái không làm xấu xa có thể là nguyên nhân gây ra xấu xa không?’
‘Dĩ nhiên không.’
‘Vậy cái tốt lành có ích lợi không?’
‘Có.’
‘Cái tốt lành hẳn là nguồn gốc tạo ra sung sướng chứ gì?’
‘Vâng.’
‘Như vậy cái tốt lành không phải là nguyên nhân của mọi thứ, mà chỉ là nguồn gốc của sự vật ở tình trạng tốt lành, không phải nguyên nhân của sự vật ở tình trạng xấu xa.’
‘Vâng, chắc vậy.’ [c]
‘Vậy sự thể cũng đúng với thần linh. Vì tốt lành, thần linh không chịu trách nhiệm tất cả, như người ta thường nói, mà chỉ chịu trách nhiệm phần nhỏ, không phải phần lớn chuyện đời thế nhân. Nhiều chuyện không thể gán cho thần linh, vì trong đời ngô bối, về số lượng, cái xấu xa nhiều hơn cái tốt lành. Cái tốt lành do thần linh mà có, muốn tìm nguyên nhân cái xấu xa, ngô bối tìm nơi khác, không ở thần linh.’
‘Tiện phu nghĩ vậy mới phải.’
‘Bởi thế ngô bối không được phép để Homer hay bất kể thi sĩ nào phạm lỗi lầm ngớ ngẩn như thế về thần linh [d] khi nói: “Trên sàn cung điện Chúa tể để hai chiếc bình đựng tặng phẩm dành cho thế nhân: bình đựng đau khổ, bình đựng sung sướng. Người nhận bình trộn hai thứ Chúa tể sấm sét ban sẽ gặp khi may mắn, lúc rủi ro; người nhận bình chỉ đựng đau khổ Chúa tể trao sẽ thành kẻ lạc loài; đói khát giày vò bắt lê gót khắp trái đất mênh mông.” [e] Ngô bối không được phép để họ ngụ ý Chúa tể là “người phân phát tốt lành và xấu xa.” Ngô bối cũng không chấp nhận nếu họ bảo Athena và Chúa tể gợi ý để Pandarus vi phạm hiệp ước thiêng liêng, lời thề trang trọng, thần linh cãi lộn, đánh nhau là do Themis và Chúa tể xúi giục.[380a] Và ngô bối cũng không nên để con cháu nghe Aes -chylus nói: “Khi muốn phá tan, san bằng ngôi nhà thần linh cấy tội lỗi trong lòng thế nhân.”
‘Không. Nhất định không! Ngô bối phải ngăn cấm bất kể thi sĩ nào viết vở kịch về nỗi buồn của nàng Niobe136 (chủ đề kịch phẩm câu thơ vừa kể miêu tả), nỗi buồn nhà Pelop, nỗi buồn cuộc chiến thành Troa, hoặc đề tài tương tự rồi bảo thần linh muốn vậy. Nếu làm thế thi sĩ phải trưng dẫn bằng cớ diễn
dịch cho ngô bối xem, và phải nói việc làm của thần linh tốt đẹp, công bình, [b] hàm ý người đau khổ bị trừng phạt vậy mà có lợi. Cái thi sĩ không được phép nói ấy là người bị trừng phạt trở nên tồi tệ là do bị trừng phạt và đó là việc làm của thần linh. Thi sĩ có thể nói bóng gió người xấu xa là người tồi
tệ cần bị trừng phạt, miễn là thi sĩ nói rõ trừng phạt là thần linh làm điều tốt cho họ. Tuy nhiên, nếu điều hành thành quốc đúng đường lối, từng bước phải chuẩn bị ngăn ngừa bất kể người nào, [c] già hay trẻ, nói ra hay nghe kể, bằng thơ hay văn, thốt lời thần linh, vì tốt đẹp, có thể gây ác hại hoặc xấu xa cho bất kỳ ai ở đời. Nói vậy là bất kính đối với thần linh, bất lợi đối với ngô bối, bất xứng đối với mọi người.’
‘Tiện phu sẵn sàng phê chuẩn nhằm mục đích đó, và sẽ đứng đằng sau khi tiên sinh bỏ phiếu tán thành đạo luật.’
‘Vậy trong số luật đặt ra nguyên tắc người nói và viết về thần linh phải tuân theo sẽ có điều: thần linh không phải nguyên nhân gây ra mọi việc mà chỉ là nguồn cội tạo nên cái tốt lành.’
‘Tiện phu hoàn toàn tán đồng ý kiến.’
‘Và đây điều luật thứ hai để quý hữu suy ngẫm. [d] Quý hữu có nghĩ thần linh là phù thủy có thể xuất hiện tùy ý, nhằm mục đích đặc biệt, hình trạng khác nhau, thời gian khác nhau, lúc thế này, lúc thế nọ, khi thực sự thay đổi, lúc giả đò đánh lừa khiến ngô bối nghĩ thần linh đã thay hình đổi dạng, hay quý hữu nghĩ chỉ là bản thể đơn thuần, duy nhất, thần linh chắc chắn không rời bỏ hình trạng đích thực của mình?’
‘Tiện phu không thể trả lời câu đó dứt khoát ngay lúc này nếu chưa suy nghĩ kỹ càng.’
‘Ờ, đặt vấn đề thế này. Nếu cái gì thay đổi hình trạng, sự thay đổi có phải do chính cái đó hay cái khác?’ [e]
‘Phải do chính cái đó.’
‘Cái ở tình trạng tốt đẹp chắc hẳn không thay đổi hoặc chao đảo do cái khác phải không? Chẳng hạn khi lực lưỡng, khỏe mạnh, cơ thể con người chắc hẳn không thay đổi hay chịu ảnh hưởng vì ăn uống, tập dượt; [381a] cây cối cứng cáp, tươi tốt chắc hẳn không thay đổi hay chịu ảnh hưởng do gió, ánh nắng hoặc nguyên nhân tương tự.’
‘Dĩ nhiên.’
‘Tâm trí lành mạnh, tỉnh táo chắc hẳn không dao động, rối loạn do ảnh hưởng bên ngoài phải không?’
‘Thưa, phải.’
‘Vật bằng hợp chất cũng vậy, nhà cửa, bàn ghế, quần áo nếu làm tốt, nếu tình trạng hoàn hảo, ít bị ảnh hưởng vì sử dụng và ma sát.’
‘Đúng thế.’ [b]
‘Do vậy nhìn chung vật tốt đẹp do thiên nhiên sáng tạo hay do con người làm ra hay do cả hai, nếu
điều kiện tốt đẹp, ít chịu ảnh hưởng từ bên ngoài phải không?’
‘Có vẻ vậy.’
‘Nhưng thần linh và mọi vật liên hệ tới thần linh hoàn toàn tuyệt hảo.’ ‘Điều đó hiển nhiên.’
‘Vì vậy, do không bị ảnh hưởng bên ngoài chi phối, thần linh chắc hẳn không xuất hiện dưới nhiều hình thù.’
‘Chắc hẳn.’
‘Nhưng thần linh có tự ý thay đổi hoặc tự ý biến dạng không?’
‘Nếu thay đổi hiển nhiên thần linh phải thay đổi như thế nào?’
‘Thay đổi sẽ làm thần linh tốt hơn, đẹp hơn, hay xấu đi, tồi đi?’
‘Nếu thay đổi chắc hẳn thế nào cũng dẫn tới cái tồi tệ. [c] Vì cái tốt, cái đẹp của thần linh tuyệt hảo.’
‘Quý hữu nói chí lý. Vì thế, Adeimantus ơi, quý hữu có nghĩ có ai, thế nhân hay thần linh, tự ý làm bản thân tồi tệ về mọi mặt không?’
‘Không thể.’
‘Như vậy cũng không thể đối với thần linh muốn thay đổi hình dạng. Thần linh nào cũng tốt, cũng đẹp tuyệt vời, thần linh nào cũng giữ nguyên hình thù không bao giờ thay đổi.’
‘Kết luận đương nhiên là vậy.’
‘Bởi thế, người tuyệt vời ơi, ngô bối không thể để thi sĩ bất kể loại nào mở miệng: [d] “Thần linh thường đội lốt như khách lạ từ nơi xa xôi, giả dạng dưới nhiều hình thù đi từ thành phố này tới thành phố nọ.” Ngô bối không thể để thi sĩ kể chuyện Proteus và Thetisthay hình đổi dạng hoặc thi sĩ đưa Hera lên sân khấu, trình bày trong bi kịch hay thi phẩm giả dạng hành khất thánh thiện chìa tay xin của bố thí cho “bầy con đem lại sự sống, dòng sông Inachus đất Argos.”[e] Ngô bối phải chặn đứng tất cả chuyện loại này, không để thi sĩ ảnh hưởng bà mẹ, lầm lạc vì chuyện này mà nạt nộ con nhỏ bằng huyền thoại tai hại kể có thần linh thay đổi hình dạng kỳ lạ đêm đến lang thang đây đó. Làm vậy ngô bối sẽ ngăn chặn không để họ nhạo báng thần linh, đồng thời biến đổi trẻ nhỏ thành nhút nhát.’
‘Chuyện như thế nhất định phải ngăn cấm.’
‘Nếu không thể thay hình đổi dạng, song để đánh lừa và dụ hoặc, thần linh có xuất hiện dưới nhiều hình thù khiến ngô bối tưởng thật hay không?’
‘Tiện phu nghĩ có thể lắm.’
‘Sao lại thế? [382a] Ờ, thần linh muốn đổi lốt, dụ lừa ngô bối miêu tả ảo tưởng bằng lời nói hay việc làm chăng?’
‘Tiện phu không biết.’
‘Nhưng quý hữu không biết hay sao thần linh và thế nhân đều ghét nói dối tự nhiên, nếu cho phép bản nhân dùng chữ này?’
‘Tiên sinh muốn nói thế nào?’
‘Bản nhân muốn nói không ai sẵn lòng dối lừa cái cấu thành phần tối thượng của mình, đồng thời liên hệ với thực thể siêu đẳng. Trái lại, ai cũng sợ trong phần đó bản thân chứa đựng cái giả dối, cái không thật.’
‘Tiện phu vẫn chưa hiểu ý tiên sinh.’
‘Vì [b] quý hữu nghĩ bản nhân nói chuyện huyền bí. Không phải! Điều bản nhân muốn nói là không ai chịu rơi vào tình trạng giả dối, đánh lừa trong tâm trí đối với thực tại, không ai muốn rơi xuống vũng lầy hư ngụy, u mê, đứng đó khư khư ôm cái không thật, con người hết sức tránh né, và đặc biệt ghê tởm.’
‘Thưa, tiện phu đồng ý điểm đó.’
‘Khi một người bị đánh lừa trong tâm trí, ngô bối có thể gọi khá chính xác không hiểu sự thật là nói dối tự nhiên. Nói dối cửa miệng chỉ là phản ánh của nói dối đã hiện hữu trong tâm trí, phản ánh của nói dối đến sau, và hoàn toàn không thực, [c] phải vậy không?’
‘Thưa, chắc thế.’
‘Trái lại, nói dối cố tình không những thần linh mà cả thế nhân đều ghê tởm.’ ‘Tiện phu nghĩ vậy.’
‘Nói dối cửa miệng là thế nào? Với ai và khi nào nói dối cửa miệng ích lợi, không bị ghét bỏ? Ngô bối có thể sử dụng chẳng hạn như phương thuốc phòng ngừa chống lại kẻ thù, hoặc khi người nào ngô bối gọi là thân hữu do ngu dại, điên rồ định làm điều sai trái. Ngô bối có thể sử dụng [d] trong huyền thoại khi tham gia tranh luận; ngô bối không biết sự thật về biến sự xảy ra trong quá khứ, song ngô bối có thể sáng tạo chuyện hư cấu như chuyện hiện thực, đổi nói dối hoặc không thực thành ích lợi, đúng không?’
‘Thưa, đúng quá.’
‘Theo lối nào trong mấy lối vừa kể nói dối ích lợi đối với thần linh? Có phải vì không biết quá khứ, thần linh cần biến chuyện hư cấu thành chuyện hiện thực không?’
‘Giả dụ như thế nghe phi lý và tức cười.’
‘Vậy thần linh không phải tác giả thi ca hư cấu.’ ‘Theo ngu ý, không.’
‘Nhưng thần linh có nói dối vì sợ kẻ thù không?’ ‘Chắc chắn không.’ [e]
‘Hoặc vì sợ bằng hữu ngớ ngẩn, điên rồ không?’
‘Thần linh không giao du, không yêu quý người ngớ ngẩn hay kẻ điên rồ.’
‘Vậy thần linh không có lý do nói dối.’
‘Không.’
‘Vậy ngô bối kết luận khắp vương quốc quỷ thần và thánh thần không hề nói dối?’
‘Đúng thế.’
‘Vậy thần linh không lừa lọc, dối trá trong việc làm cũng như lời nói, không thay đổi hình dạng, không đánh lừa người khác, lúc ngủ hoặc lúc thức, bằng hình ảnh, lời nói hay ký hiệu đặc biệt truyền gửi.’
‘Tiện phu hoàn toàn đồng ý với điều tiên sinh vừa nói.’ [383a]
‘Vậy quý hữu có đồng ý chấp nhận nguyên tắc thứ hai đối với những gì viết hoặc nói về thần linh: không được miêu tả, trình bày thần linh sử dụng ma thuật hóa trang, thay hình đổi dạng, diễn trò dối trá bằng lời nói hay việc làm không?’
‘Thưa, tiện phu đồng ý.’
‘Bởi thế trong biết bao điều khâm phục Homer ngô bối không nên chấp nhận ông kể giấc mơ Chúa tể truyền gửi nguyên soái Agamemnon. Và ngô bối cũng chẳng nên ngưỡng mộ Aeschylus khi thi sĩ để Thetis tả oán trong đám cưới Apollo nâng đàn dạo nhạc ca hát ngợi ca con trai nữ thần: [b] “Cất lời ca chúc mừng quý tử tiện thiếp sống lâu, không bệnh tật, không ốm đau, bản thân tiện thiếp làm thân mẫu sung sướng mọi bề. Thần linh trên cao vui mừng mỉm cười, lòng tiện thiếp rộn ràng khôn xiết. Vì Apollo là thần linh tiên đoán mọi việc, tiện thiếp hy vọng cặp môi thánh thiện thốt lời không xa sự thật. Nào ngờ say sưa ca hát đàn địch, hân hoan tham dự tiệc tùng, long trọng phát biểu như thế, Apollo lại là thần linh đâm chết hòn máu tiện thiếp sinh thành.” Nếu thi sĩ nói điều như thế về thần linh, ngô bối sẽ nổi đóa, [c] cự tuyệt không cho đồng ca hợp xướng, không để viết kịch làm thơ, và cũng không cho phép sử dụng sáng tác giáo dục thiếu nhi, nghĩa là nếu muốn vệ quốc của ngô bối lớn lên kính thần, ngoan đạo hết lòng hết sức.’
‘Tiện phu hoàn toàn đồng ý với nguyên tắc tiên sinh đề xướng, và muốn sử dụng cả hai làm luật.’