Số lần đọc/download: 6714 / 62
Cập nhật: 2015-12-15 12:59:19 +0700
Chương 5
Q
uận trưởng Huỳnh Ví uống hai viên thuốc an thần màvợ hắn vừa đưa lên. Cuộc đời của hắn bây giờ phải chăn cũng chỉ còn gửi chút ít lòng tin vào người vợ. Hắn không tin hoàn toàn vào ai cả, từ cấp trên cấp dưới đến cha mẹ anh em. Hắn chỉ tin hắn và việc gì cũng muốn tự tay hắn đặt vào. Còn người vợ thì sao? Chẳng phải là hứa hẹn trăm năm duyên nợ trèo non lội suối đi tới cùng trời cuối đất gì đâu, cũng chẳng phải là mơ mộng cao xa đẹp đẽ của mối tình đầu trong trắng đầy kỷ niệm cắt tóc thề tặng nhau, hoặc lồng ảnh trong quả tim có dây chuyền đeo trước ngực. Hắn biết người đàn bà ấy trước khi đến với hắn đã qua bao nhiêu tay người con trai khác, cũng như hắn, có phải hắn đến với cô ta lần đầu tiên đâu. Nhưng cuộc sống không thể nào thoát ra ngoài cái khuôn phép bình thường đã sẵn có trên trái đất. Nghĩa là ai cũng phải lấy vợ lấy chồng. Thế thì cái gì buộc hắn gửi gắm chút lòng tinvào người đàn bà ấy? Đấy không phải là người đàn bà chỉ sụt sùi thương thân trách phận mà là người có tầm suy nghĩ lớn, đóng góp với hắn nhiều ý hay trong vun vén nền kinh tế của gia đình cũng như công việc quân sự. Nhưng ả không bao giờ ngồi ngang hàng với chồng bàn bạc, hơặc khi có khách đến cũng nói ngang ngang làm tăng uy thế của mình. Không. Hoàn toàn không, ả biết việc chồng đang làm, và nhân một câu chuyện kể bâng quơ để chồng thấy ngay nhưng điểm được gỡ ra trong thế bí chưa giải quyết được: “Anh ạ, từ Điện Bắc đi về hướng Tây có nhiều cây lúp xúp và một khoảng đất bằng”. Huỳnh Ví lắng tai nghe ý vợ và đặt câu hỏi: “Đất bằng để làm gì?”. “Cây lúp xúp để làm gì?”. Hắn nghĩ ngay ra ý hay. Phải phát hết cây lúp xúp, lợi dụng vùng đất bằng đưa xe cày ủi tới, ủi thành vùng trắng ngăn cách hẳn giữa ĐIện Bắc và lực lượng giải phóng đang ở cánh rừng phía Tây. Làm được vùng trắng rồi, hắn dựng lên một chòi gác giao cho dân vệ đảm nhiệm. Ban ngày Việt cộng không dám vào, còn ban đêm Việt cộng vừa ra khỏi cánh rừng đã lộ nguyên hình trên khu vực trắng. Ý kiến vợ hắn rất hay.
Huỳnh Ví không bao giờ rối trí. Cuộc sống đã cho hắn thấy phải hết sức bình tĩnh. Nóng nảy là con đường dẫn tới diệt vong. Nhất là ở trên mảnh đất này, nơi hắn sinh trưởng cùng lũ trẻ bơi qua sông đánh giặc giả, rộp da dưới lòng bàn chân vì chạy thi trên bãi cát giữa trưa hè nóng bức. Hắn hiểu mỗi tấc đất, mỗi gò đất cũng như tên tuổi đặc điểm từng thôn huyện. Bởi vậy cùng với sự gợi ý của vợ hắn, hắn đã từ chối thẳng thừng việc đi làm sỹ quan ở các đơn vị chủ lực mà xin về quận. Tuy về quận nhọc nhằn hơn, vất vả hơn, giấc ngủ vật vờ và đối phương là những lũ du kích không có chiến thuật, chiến lược rõ ràng, dễ dồn hắn vào thế bị động. Hắn đã được cấp trên tin cậy và mười năm hắn đi từ Mỹ sang Pháp rồi Đài Loan, Úc, Nhật…tiếp xúc với những phù hoa hiện đại mà lòng hắn trơ trơ dửng dưng như một người ở cõi nát bàn về. Mắt hắn chỉ đăm đăm nhìn về đất nước, nhìn về cái quận nhỏ nhơi như chiếc móng tay nằm dài theo dải đất miền Trung, nơi ba má hắn đã vứt lại cả gia tài điền sản bỏ chạy khi cách mạng thành công. Hắn không ăn hối lộ, không đòi hỏi những tiện nghi sang trọng, hắn chỉ trầm ngâm làm việc, tính toán cách đào bới lòng đất, thể hiện trên tấm bản đồ. Hắn gắn liền với chế độ, hơn gắn liền với cha mẹ. Hắn hiểu chế độ mất là hắn mất. Vậy thì bọn chen làm giàu được ích gì, phải dồn sức tập trung vào mọi suy nghĩ để diệt cộng sản. Khi đất nước hoàn toàn trong tay hắn, trong chế độ hắn, thì có gì lại không thuốc về hắn!
Ngày hôm nay, còn đau nhất đối với hắn là ba chiếc cầu trên đường về quận bị đánh sập một lúc. Gò Nổi chết bốn mươi tên, mất cả máy bay và súng đạn. Khi nghe hắn báo cáo, tỉnh trưởng lặng im qua điện thoại một lúc rồi bỏ máy. Sự im lặng làm hắn sờ sợ, Nhưng sờ sợ ấy không nằm sâu trong óc, bởi hẳn phải nghĩ ra cái gì đây để hiểu đối phương, chứ không phải bây giờ là lúc tìm lý lẽ để biện bạch cho mình. Kẻ có ý nghĩ đúng đắn là trong mọi lúc nên tìm cách nghĩ đến đối phương, moi móc đối phương, dồn tâm trí vào đánh đối phương. Đúng! Vợ hắn gợi ý đúng: Phải tìm hiểu xem kẻ chỉ huy bên kia là ai? Tên tuổi gì? Quê quán ở đâu?
Hắn ngẫm nghĩ: Kẻ chỉ huy bên kia là ai? Từ tỉnh cử xuống hay người ngoài Bắc vào. Đánh mà không biết đối phương thì đánh cái quái gì? Phải hiểu. Phải tìm cách để hiểu. hắn đi đi lại lại trước tấm bản đồ. Hắn không cần nhìn bản đồ cũng đã hình dung hết mảnh đất của quận. Tuổi thơ và năm tháng trưởng thành của hắn dàn mỏng lên mỗi tấc đất ở đây. Con người bên kia đang chống lại hắn, đánh lại hắn phải là con người hiểu tường tận mỗi gốc cây, mỗi ngọn cỏ ở đây, mới bày binh bố trận được như vậy. Mới đi tắt về ngang đánh tan chiến thuật: Lấn chiếm Gò Nổi làm đà cho cuộc hành quân thực hiện ý đồ bình định của hắn. Ai chỉ huy bên kia? Phải là người sinh ra và lớn lên ở đây như hắn? Không! Không thể có. Số cùng lớp với hắn đi theo Việt cộng dù ở chủ lực hay cài làm cơ sở không bị bom của máy B52 giết trong từng loạt rải thảm thì cũng bị cày ủi làm bẹp nát dưới hầm bí mật. Số đi cùng một phía với hắn, đều không dám đương đầu với chiến tranh, tản mát đến những vùng yên ổn kiếm ăn làm giàu, mưu cầu lối sống ích kỷ. Chẳng còn ai ở mảnh đất này cùng tuổi với hắn dám đương đầu với thử thách. Có tiếng gõ cửa nhè nhẹ, Huỳnh Ví quay lại lạnh lùng:
- Gì mày?
Tên lính hầu khúm núm:
- Dạ bẩm quận trưởng, có một du kích chiêu hồi.
- Hừ, nước mẹ gì ở bọn chiêu hồi, toàn sợ chết ham sống, Vì thế khi còn ở với Việt cộng bất cứ thằng chỉ huy nào cũng không giao cho chúng việc quan trọng. - Hắn bừng bực nói ra như vậy, rồi sực nhớ chẳng có gì đáng cáu gắt, nhất là đối với lính hầu, hắn hất hàm hỏi lãnh đạm:
- Cho vào đây ngay!
Tên chiêu hồi bước vào, đứng cúi đầu, mắt chăm chăm nhìn xuống những ô gạch vuông. Huỳnh Ví kéo ghế, mặt hơi tươi tỉnh nói:
- Mời anh ngồi, Về với chúng tôi rồi anh không phải lo lắng gì về cuộc sống nữa đâu. Cái đã qua coi như thuộc về cái chết. Bây giờ hãy cùng chúng tôi làm việc. Anh người ở đâu?
- Dạ Điện Bắc
- Cũng ở trong đội du kích?
- Dạ
- Vì sao anh chiêu hồi?
- Dạ vì sợ sức mạnh hỏa lực của các ngài. Bên chúng tôi…- tên chiêu hồi chưa lại câu vừa nói: - Bên Việt cộng ngày nào cũng có người chết.
Tên chiêu hồi nói rõ cách bố trí, những hầm bí mật, nơi tập trung sinh hoạt ban đêm và phân tán canh gác ban ngày của đội du kích.
Huỳnh Ví nói tiếp:
- Anh có nắm được vì sao mà chiếc cầu về quận lỵ bị sập một lúc với tiếng bom nổ trên đỉnh Gò Nổi làm rớt trực thăng không?
- Dạ biết, nhưng không thể nào trốn qua để báo cáo sớm hơn được, vì họ giao cho tôi gác hướng Tây Bắc với một người nữa đi kèm.
Huỳnh Ví thầm nghĩ: Đúng như mình đoán, tên chỉ huy du kích phải là tay khá mới hiểu rõ những ý nghĩ của tên chiêu hồi này, nên đẩy cho nó đi gác ngoài xa.
- Ai là người chỉ huy bên ấy?
- Dạ, người chỉ huy thường rất bí mật, ít khi lộ mặt. Mãi đêm hôm qua nghe bố con ông Năm nói chuyện mới biết con Năm là đảng viên, chịu trách nhiệm lãnh đạo đội du kích xã.
Huỳnh Ví hơi dướn người hỏi:
- Con Năm, con lão già đốt xe ô tô ấy à?
- Dạ phải.
- Gớm thiệt, Vậy mà mình coi nó như trẻ con, nhưng con nhỏ ấy làm gì đã lắm mưu mô…
- Dạ thưa…còn một tên cán bộ huyện đội nữa, chính đó là đầu mối của mỗi trận đánh xảy ra.
- Hắn tên gì?
- Dạ, Lê Minh!
- Lê Minh…Quận trưởng gõ gỡ ngón tay lên mặt bàn lắp bắp: - Lê Minh…chưa nghe tên ấy ở đâu cả... trong hồ sơ lưu trữ về cán bộ Việt cộng nằm vùng hoặc thoát ly cũng không có... Lê Minh!
Tên chiêu hồi đỡ lời:
- Dạ, Lê Minh…Phải diệt Lê Minh, bắt con Năm đột nhập đánh ban ngày mới có thể làm cho du kích tan rã.
Bây giờ thì cuộc đời tên chiêu hồi hoàn toàn quay lưng lại với đội du kích xã rồi. Hắn muốn Lê Minh chết, cô Năm chết, và toàn đội du kích chết, dù trong đó có người hắn cảm tình, có người là bà con của hắn, nhưng hắn biết nếu họ còn sống thì dù chỉ sống có một người họ cũng tìm đến nơi hỏi tội hắn.
- Đúng, phải đột nhập đánh ban ngày, nhưng anh qua đây đã ai biết chưa?
- Dạ, chưa hề ai biết. Họ cho tôi về nghỉ để sáng mai đi tìm pháo lép. Trưa mai không thấy tôi, chắc họ đoán ra. Nên tốt nhất là đánh úp luôn vào sáng mai.
- Anh có ai là họ hàng trong thị trấn này không?
- Dạ có bà cô ruột, bán tạp hóa phía ngoài cổng chợ.
Huỳnh Ví hỏi chuyện đồng thời thăm dò thái độ tên chiêu hồi để quyết định việc tổ chức tập kích. Hắn cũng sợ du kích cử người trá hàng. Không, không có gì là trá hàng hết. Tên chiêu hồi có cô ruột trong thị trấn, sẽ cho người kiểm tra, ngay đêm nay. Hơn nữa, đôi mắt nó không dám nhìn thẳng. Đôi mắt bàng bạc kia thì dứt khoát là thiếu lòng dũng cảm Lại còn cái điệu nói không dứt câu, ngập ngừng kia nữa. Tạng người như vậy ở chế độ nào cũng chỉ nịnh bợ, ham sống sợ chết. Phải tập kích vào sáng mai, kẻo du kích biết đồng đội của chúng đã có tên chiêu hồi, sẽ thay đổi cách bố trí. Nhưng còn điều băn khoăn của Huỳnh Ví vẫn chưa giải đáp được. Người chỉ huy bên kia là ai? Họ có đề phòng những trường hợp bị tập kích bất ngờ không? Đầu óc đang hướng về chuyện đó nên HUỳnh Ví tiếp tục đặt câu hỏi:
- Anh có biết Lê Minh là người ở quận nào không?
- Dạ ngay quận ta
- Xã nào?
- Dạ, xã Điện Tiến
- Ô. ĐIện Tiến! Huỳnh Ví kêu lên như vừa nghe một điều kỳ quặc
Tên chiêu hồi nhắc lại:
- Dạ, ĐIện Tiến và còn điều này nữa, thưa quận trưởng, đêm hôm qua tôi rình nghe lão Năm nói chuyện với con gái lão mới biết, xin cẩm để quận trưởng rõ. Quận trưởng cần chú ý: Lê Minh, chính là tên đã từng làm phù thủy, làm con nuôi thầy phù thủy!
- Tôi nhớ rồi! Quận trưởng nói như reo. Tôi nhớ tên Lê Minh rồi. Nhà nó nghèo xơ xác. Ba nó chết sớm. Nó làm con nuôi cho ông Trẩn – thầy phù thủy.
Tên chiêu hồi mấp máp miệng theo để lấy lòng quận trưởng bằng những tiếng: Đúng, thực vậy. Quận trưởng nhớ tài quá!
- Vậy chớ!
Huỳnh Ví không để ý tiếng đệm theo của tên chiêu hồi mà vẫn giữ luồng suy của mình. Vậy mới đúng, phải là người cá biệt, mới chỉ huy được đội du kích bên kia. Thì ra lâu nay nó đánh mình bằng phép phù thủy.
Nhưng hình như nó ở với ông Trẩn chỉ mấy năm rồi bỏ nghề, pháp thuật chưa được là bao.
Khi tên chiêu hồi ra ngoài, quận trưởng ngồi một lúc suy nghĩ, quanh quẩn với ý: Nếu mình đánh úp ngay vào sáng mai thì Lê Minh có kịp đối phó không? Kể cả dùng pháp thuật phù thủy. Đòn bất ngờ này chắc Lê Minh trở tay không kịp. Còn phù thủy là những điều chưa chắc đã có thật trong cuộc sống. Huỳnh Ví có chút suy nghĩ vậy, nhưng lòng tin ở trận tập kích sáng mai quả là hấp dẫn. Hắn cho gọi quận phó cùng đại đội trưởng đại đội biệt kích lên, với ý định năm giờ sáng hành quân đột nhập vào khu du kích, tiêu diệt và đốt phá làm sập toàn bộ hầm bí mật. Bao vây ĐIện Bắc bắt cho được Lê Minh và con Năm. Kế hoạch này chưa phổ biến cho cấp dưới kể cả đại đội phó. Chỉ ba người có mặt ở đây biết thôi. Tảng sáng báo động hành quân chiến đấu cấp tốc, phải giữ bí mật cho đến phút cuối cùng. Huỳnh Ví nhắc thêm quận phó là tạm thời giam giữ tên chiêu hồi thật chắc, và ngay trong đêm kiểm tra xem có phải bà cô ruột nó bán tạp hóa phía ngoài cổng chợ không.
Khi quận phó và đại đổi trưởng đại đội biệt kích ra về rồi, Huỳnh Ví vẫn ngồi một mình suy nghĩ. Hắn tin là chiến thắng, nhất định thắng. Hắn đã chỉ thị cho tên đại đội trưởng đại đội biệt kích cách phân tán đơn vị đi vào Điện Bắc bằng những hẻm mà chỉ có những người sống ở đây hàng chục năm trời, dày công nghiên cứu, chỉ có những người đã để lại tuổi thơ ở đây, vui chơi trò đánh giặc, tìm cách bắt nhau, ngày nay mới có thể nhớ được. Tuy vậy hắn còn đắn đo. Hắn không tin ở phù phép, ma quỷ lắm, nhưng những câu chuyện kể dạo nhỏ của Lê Minh bây giờ rõ mồn một như đi lại trước mặt hắn, nào là “ trùng tang liên táng”, “trùng khảo mả”.
Lê Minh và hắn cùng tuổi, cùng học một lớp. Về sau Lê Minh bỏ học đi làm con nuôi ông Trẩn. Mỗi lần về nhà Lê Minh lại kể những tài ba của ông Trẩn – thầy phù thủy cho hắn nghe.
Dạo nhỏ sao nó mềm yếu đến vậy. Nghe câu chuyện mà người cứ run lên như sốt rét, nhưng càng sợ càng muốn hỏi thêm. Tuy vậy, trong thực tế cũng có những chuyện xảy ra làm hắn băn khoăn. Băn khoăn cho đến bây giờ vẫn còn. Đấy là ký ức xa xưa. Cái thời hắn mới lên tám lên chín, mẹ hắn chết đột ngột. Mọi việc quản lý kinh tế trong nhà từ vàng bạc đến gạo thóc đều do mẹ hắn nắm. Mẹ hắn chết đột ngột vì chứng đau tim. Không một lời trối trăng, không để lại một ghi chép gì cả về tiền bạc. lúa gạo đã cho quanh xóm mượn. Nghe người ta bàn, bố hắn lập đàn cúng tế mời ông Trẩn thầy phù thủy về đánh đồng thiếp, tức là đưa người đang sống xuống âm phủ gặp người đã chết, gọi hồn người đã chết về nhập vào xác người đang sống để nói lên những điều gia đình cần hỏi.
Lễ đánh đồng thiếp tổ chức giữa sân, có hàng trăm người tới xem. Vợ ông Trẩn ngồi trùm khăn đỏ, đầu lắc lư theo giọng đọc văn cúng của thầy phù thủy rồi nằm dài im lặng, mê man trên một tấm ván được trải bằng chiếu hoa. Mọi người im thin thít chờ đợi. Số đông đến xem là do tò mò muốn biết chuyện, nhưng cũng nhiều người do số nợ đã mắc mà đến, nếu hồn về nói đúng sẽ mang trả nhưng không đúng là làm lơ luôn. Họ sống với nhau, nên biết rất rõ mẹ của Huỳnh Ví là người nắm chìa khóa và mỗi lần đến vay mượn họ cũng chỉ gặp mẹ Huỳnh Ví mà thôi.
Khoảng nửa giờ, người đàn bà đang nằm mê man trên tấm ván đột ngột ngồi dậy, hất tấm vải trùm đầu, mặt đỏ bừng hét:
- Ta Trận Thị Nam (đấy là tên tục của mẹ Huỳnh Ví) thường gọi là bà Chánh Ngân hiện về trả lời chuyện công nợ. Quanh xóm còn hàng trăm người vay tiền vay lúa của ta. Nếu không mang trả trong vòng một tháng ta sẽ đưa hồn âm phủ về hỏi tội! Những người vay tiền của ta là: Ông Trạc bảy trăm đồng. Bà Chín hai trăm năm mươi đồng. Cố Miệt sáu trăm đồng…
Cố Miệt đến gần, chắp tay vái hai vái run run:
- Dạ…dạ…hồn nói đúng, tôi còn nợ bà sáu trăm đồng, xin mang trả hôm nay.
Nhiều người đứng xung quanh cũng tự xướng lên số tiền nợ, họ sợ tên mình bị nhắc qua miệng người âm phủ sẽ trở thành điều bất hạnh cho cuộc sống tiếp theo.
Người cầu hồn tiếp:
- Nhận như vậy là được, mau mau đem trả. Chưa hết, lần sau ta sẽ về.
Người đồng thiếp ngã dài trên ván nằm một lúc, đấy là hồn đã thăng, Người trần gian trở về với trần gian. Bà Trẩn ngồi dậy, khuôn mặt hơi ngơ ngác. Người ra gạn hỏi mãi bà mới chịu nói đến cảnh vật dưới âm phủ nào là qua chín cửa có quỷ sứ vác đại đao đứng gác, quỷ sứ gầm gừ vung đại đao định chém một vài người cũng là người trần gian xuống gặp người chết. Bà sợ không dám đi, nhưng có tiếng khe khẽ sau lưng nhắc: Cứ đi, không việc gì hết, nếu mình ăn ở lương thiện. Còn những người kia tuy ở trền gian nhưng tính xấu của họ thể hiện rõ trên mặt làm cho quỷ sứ tức giận. Quỷ sứ dọa thôi, không giết đâu nhưng sau này khi xuống sẽ bị trừng trị. Bà Trẩn kể tiếp, lúc bà đi qua quỷ sứ im lặng, không nói năng gì cả, mà cũng không dọa nạt, cứ thế bà tìm đến chỗ bà Nam ở.
Huỳnh Ví nghe mà rợn rợn. Có lúc nào đó, liên hệ với thái độ sống hàng ngày, Ví không tin Bà Trẩn lương thiện, không tin là ở âm phủ có quỷ sứ gầm ghè với những người nhiều tội ác đi qua cửa ngụcm có thể đó là điều Bà Trẩn nói thêm cho ly kỳ câu chuyện. Nhưng cái kết quả cụ thể thực tế làm Huỳnh Ví không thể vượt qua được là những người vay nợ lần lượt mang đến trả tính đủ cả tiền lãi. Bố của Huỳnh Ví mang lễ vật rất hậu đến tạ ơn ông Trẩn. Từ cái hôm ấy gia đình Huỳnh Ví sống tin nhiều vào phù phép thần thánh. Cũng bởi thế nên hắn làm quen và chơi thân với Lê Minh, thằng bé cùng tuổi làm con nuôi ông Trẩn. Đặc biệt Lê Minh được thím Bảy quý mến. Thím Bảy người ở vú, tiếp tục nuôi Huỳnh Ví từ khi mẹ hắn chết bố hắn đi lấy vợ khác.
Thím Bảy giật mình khi thấy khuôn mặt tên chiêu hồi ngồi đối diện với quận trưởng: Tư Thìn! Đúng là Tư Thìn! Đã mấy lần thím thoáng thấy nó trong đội du kích. Nó không thể nào nhận ra thím bởi vì mỗi lần vào Điện Bắc thím chỉ gặp Năm hoặc Lê Minh ở một chỗ hẹn vào ban đêm. Chuyện giữa Tư Thìn với quận trưởng, giữa quận trưởng với quận phó và đại đội trưởng biệt kích thím đã nghe hết. Huỳnh Ví rất tin ở thím. Nó lớn lên là do dòng sữa của thím và sự săn sóc của thím, nó mến thím hơn má nó và quý trọng thím hơn cả vợ nó. Thím có thể đi lại, nghe mọi công việc của nó. Còn vợ nó thì không bao giờ được tự so như thế. Khi nào cần nó cho gọi vợ nó mới được lên nơi nó làm việc. Thím Bảy sốt ruột như có lửa đốt. Chúng nó sẽ tập kích vào sáng ngày mai. Làm sao bây giờ? Tuy vậy thím vẫn bình tĩnh bước lên khi quận phó, đại đội trưởng biệt kích đã về và Huỳnh Ví hình như cũng chấm dứt giai đoạn một mình ngồi suy nghĩ.
- Cậu Hai, mợ bảo cậu cố gắng ăn bát mỳ hai tôm có hành tăm cho đỡ đau đầu.
Đúng là một người vợ hiểu chồng, và là một người bạn tri kỷ. Huỳnh Ví nghĩ vậy về vợ rồi đưa mắt cảm ơn thím Bảy. Hắn bưng bát húp chút nước không cần thìa. Miệng húp mà óc nghĩ chuyện khác. Hắn hỏi đột ngột, cứ như là đang tiếp tục câu chuyện với thím Bảy:
- Thím còn nhớ cái thằng bé ngày xưa ở với thầy phù thủy nữa không?
Thím Bảy hơi lo lo, đưa mắt xét đoán thái độ nó rồi ngập ngừng trả lời:
- Thằng bé nào…hồi ấy cậu có bao nhiêu là bạn….
- Thằng bé ở với ông Trẩn đến đánh đồng thiếp dạo má tôi mất, nó hay đọc sách kiếm hiệp cho thím nghe.
- À…phải, tôi nhớ mường tượng thôi, lâu quá rồi…cậu nhớ dai thiệt.
- Bây giờ nó chỉ huy đội du kích bên kia đó thím à.
- Cậu nói thiệt, bộ dỡn?
- Thiệt đó thím ạ. Kể cũng lạ, thuở nhỏ chơi bời đánh vật cúi lưng cõng nhau chạy dài trên mặt cát dọc bờ sông, chia cho nhau vắt xôi ngày giỗ, mà giờ lớn lên mỗi đứa đi một hướng, tìm cách giết nhau.
Thím Bảy tưởng Huỳnh Ví nói gì với mình, nhưng nghe một lúc biết y có tính hay lầm rầm vậy, đấy là tự nói với y. Thím se sẽ đi xuống bếp. Có nỗi đau nào bằng nỗi đau của thím không? Cuộc đời của thím đã chôn sâu trong gia đình Huỳnh Ví, sau khi lấy chồng chưa bén mùi mồ hôi chồng, đã tiễn đưa chồng đi tập kết. Đêm cuối cùng chia tay chồng, chị Bảy đã có thai nhưng đứa con đã chết. Thím vào nhà Huỳnh Ví xin làm vú. Trong người Huỳnh Ví là dòng sữa của thím, nhưng đó không phải là dòng sữa của người mẹ cho con mà dòng sữa bị cướp mất. Nếu Huỳnh Ví phải chết thím cũng cảm thấy đau đớn, chẳng khác gì mình vắt sữa mà chiếc chén rồi hất xuống đất.
Thôi, thôi không nghĩ lan man nữa, nếu cứ nghĩ lan man những dòng suy nghĩ, những ước mơ cứ tràn đến không bao giờ hết, ước mơ trong những người nghèo khổ bao giờ cũng rất nhiều, cũng đẹp và bao giờ cũng đi rất xa. Thím phải quay lại thực tế, quay lại những chuyện sắp xảy ra. Huỳnh Ví sẽ cho quân đánh úp sáng mai vào khu du kích. Thím nhìn ra ngoài trời. Đêm tối lắm thằng lính gác vẫn đi qua đi về trên lối mòn quen thuộc và thím đã bước ra giữa đêm đen đi về hướng du kích…