Người mà cố gắng rồi thất bại vẫn tốt hơn nhiều so với người không cố gắng gì cả và thành công.

Lloyd James

 
 
 
 
 
Tác giả: David Zierler
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 11
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1188 / 27
Cập nhật: 2017-09-08 16:30:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chất Độc Da Cam Trước Khi Vào Việt Nam
guồn gốc của Chất độc da cam khá đa dạng. Lịch sử của các chất cấu thành 2,4-D và 2,4,5-T của nó bắt nguồn từ một trong những lý thuyết sinh học của Charles Darwin mà ít người biết đến. Lịch sử của loại vũ khí quân sự mang tên Chất độc da cam bắt đầu trước khi mở màn thế chiến thứ II, khi nhu cầu của cuộc tổng chiến tranh đã khiến một nhà khoa học nhận thấy rằng các loại thuốc diệt cỏ cũng có giá trị quân sự. Vào cuối những năm 70 của thế kỷ 19, Darwin bắt đầu nghiên cứu về các cơ chế điều chỉnh sự phát triển của thực vật; vào lúc đó, ông không tìm thấy câu trả lời thỏa đáng cho các câu hỏi tạo nên nền tảng của sinh lý học thực vật: tại sao các chồi cây lại mọc thẳng lên bất chấp lực hút của Trái Đất? Điều gì khiến cho cành cây uốn quanh những vật cản trở ánh nắng mặt trời? Liệu có tồn tại một bộ phận đặc biệt nào đó của cây giúp kiểm soát sự phát triển, hay có một quá trình phân cấp bên trong cơ thể thực vật không?
Với sự giúp đỡ của con trai mình là Francis, Darwin đã tiến hành thí nghiệm 320 loài thực vật, đặc biệt chú ý tới chuyển động của các cây con khi tiếp xúc với những cường độ ánh sáng khác nhau. Từ đó, ông đã viết cuốn Sức mạnh chuyển động bên trong thực vật (1880). Cuốn sách dài gần 600 trang, khiến người ta tưởng như đang đọc một cuốn nhật ký khoa học dài vô tận. Tuy vậy, Darwin vẫn tổng hợp được giả thuyết chính của mình trong đoạn kết luận:
“Sự xoay xoắn ốc vô cùng quan trọng trong vòng đời mỗi loài thực vật; nhờ đó mà chúng có được những chuyển động có ích và cần thiết. Khi ánh sáng chiếu vào một bên cây, hay ánh sáng chuyển thành bóng tối, hay khi lực hấp dẫn tác động vào một phần đã bị bỏ đi; bằng cách nào đó các tế bào sẽ phình ra rất khác nhau ở một bên; nhờ đó mà vận động xoắn ốc bình thường bị thay đổi; và thân cây uốn cong cũng vì lý do này; hoặc nó cũng có thể có một tư thế mới, như cái gọi là “quá trình lá ngủ”.
Nói cách khác, Darwin đã tìm ra sự kích thích tăng trưởng sẽ được truyền từ một phần của cây (đầu chồi non) sang bộ phận khác (cành). Khi Darwin che đầu chồi bằng những chiếc cốc nhỏ hoặc cắt rời nó ra khỏi thân cây, cành cây sẽ không hướng về phía ánh sáng như trong điều kiện bình thường nữa, vì thế đã chứng minh được sự tồn tại của một “cơ chế truyền bí ẩn nào đó” điều khiển sự phát triển của thực vật phát triển từ ngọn xuống gốc. Đây là phát hiện khoa học lớn cuối cùng của Darwin; ông mất vào năm 1882.
Giả thuyết truyền dẫn của Darwin đã tạo ra nền tảng cho các khám phá sau này về cơ chế phát triển của thực vật, ở hai cấp độ. Trước hết, những nghiên cứu của ông đã chứng minh sự tồn tại của một chất kích thích tăng trưởng có thể được tách riêng nghiên cứu. Thứ hai, các nhà khoa học khác nhờ đó biết rằng cần tập trung nghiên cứu phần ngọn thực vật. Trong suốt 30 năm sau đó, sự hiểu biết của các nhà khoa học về tăng trưởng thực vật đã tăng tiến đáng kể. E. H. Salkowski đã tìm ra axit indole3-acetic (IAA) vào năm 1885, là chất tăng trưởng mà Darwin đã đặt ra định đề từ 5 năm trước đó. Năm 1911, Peter Boysen-Jensen lặp lại những thao tác Darwin từng làm với đọt cây, thêm vào một bước là đặt đoạn gelatin giữa ngọn và cành. Boysen-Jensen quan sát thấy rằng đoạn gelatin phân cách không ảnh hưởng tới phản ứng phát triển của cành cây, và đưa ra giả thuyết rằng “trung gian truyền dẫn” của sự tăng trường tương tự như chuỗi phản ứng hóa học.
Những thí nghiệm sau này của Arpad Paal (1918) và H.Soding (1925) với việc theo dõi quá trình cắt cây và thay đổi ánh sáng càng chứng minh giả thuyết “chuỗi phản ứng hóa học” của Boysen-Jensen. Sau đó vào năm 1926, một nghiên cứu sinh người Hà Lan, F. W. Went, đã tách riêng chất kích thích vào một vật trung gian “chết” chứ không cho phép nó tràn vào thân cây như những người đi trước đã làm. Went đã chọn agar, một loại thạch tảo biển có thể hút chất kích thích tăng trưởng từ những đầu cây bị tách riêng. Khi Went đặt lại agar lên đọt cây, cây con đó lại phát triển như thể nó chưa từng bị tách làm hai. Điều này chứng tỏ sự tồn tại của một chất tăng trưởng. Went gọi nó là auxin, bắt nguồn từ từ “auxein” trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “sinh trưởng”.
Sự phát hiện và xác định những hormone thực vật độc đáo này xét về mặt phương pháp rất giống với quy trình thí nghiệm khoa học của Darwin. Darwin đã mở ra con đường còn đầy bí ẩn của việc dùng hormone tác động lên sinh lý của thực vật với nhận thức rằng sự phát triển của thực vật được kiểm soát bằng những phản ứng sinh hóa có thể được tách riêng và định lượng. Sau này các nhà khoa học ở Đức, Anh và Mỹ đã chạy đua tìm cách tạo ra hợp chất hóa học có thể tác động tới phản ứng điều tiết tăng trưởng tự nhiên. Năm 1933, tiềm năng của việc vận dụng hormone trở nên rõ ràng hơn khi Fritz Koegl, đối tác của phòng thí nghiệm của F. W. Went tại Viện Hóa học Hữu cơ ở Utrecht, đã thành công trong việc tách IAA khỏi một số loài cây, khiến việc mở rộng ứng dụng hormone tổng hợp trên thực vật là hoàn toàn có thể. Năm sau, Kenneth Thimann và F. W. Went (người đã làm với Thimann tại Viện Công nghệ California) đã tổng hợp thành công chất IAA, và quan trọng hơn nữa là khám phá ra rằng IAA tổng hợp có thể tác động vào sự phát triển của cây hệt như những hormone tự nhiên do cây sinh ra.
Viễn cảnh tận dụng việc điều chỉnh hormone để kích thích tăng trưởng ở thực vật có vẻ đã hiển hiện trước mắt các nhà nghiên cứu đang tìm cách tạo ra những giống cây trồng năng suốt cao hơn và tăng trưởng nhanh hơn.
Folke Skoog và Kenneth Thimann là những người đầu tiên sau đó đã có cách tiếp cận với việc vận dụng hormone theo hướng khá ngược so với những lợi ích tiềm năng của nó, họ nghiên cứu việc sử dụng hóa chất tổng hợp này như một thứ thuốc giết chết thực vật. Ngay sau nghiên cứu mang tính đột phá của Thimann về hormone tổng hợp, nhóm của ông đã chứng minh rằng IAA khi được chưng cất ở nồng độ cao hơn sẽ ức chế sự phát triển của thực vật một cách hiệu quả. Đây là phát hiện đầu tiên vượt ngoài các nỗ lực giúp cây cho năng suất cao hơn thông qua việc điều chỉnh hormone. Nghiên cứu này đã bắt đầu kỷ nguyên của thuốc diệt cỏ phenoxy và hai công thức nổi tiếng nhất của nó, 2,4-D và 2,4,5-T.
Nhưng loại thuốc diệt cỏ bằng hóa chất đầu tiên đã xuất hiện trước phát hiện của Skoog và Thimann đến 35 năm. Năm 1900, các nhà khoa học làm việc trong ngành công nghiệp hóa chất khi đó đang bắt đầu phát triển đã giới thiệu Natri asenit là thuốc diệt cỏ đầu tiên được bán trên thị trường. Mặc dù hợp chất này diệt cỏ rất hiệu quả, nhưng từ góc độ nông nghiệp, Natri asenit vẫn có vấn đề. Nó hoạt động dựa trên nguyên tắc khử trùng đất, trong khi các loại hóa chất diệt cỏ bằng việc tác động vào quá trình phát triển của thực vật không gây hại cho đất và chỉ diệt những loại cây nhất định. Nhà sinh vật học James R. Troyer nhận thấy rằng việc tìm ra thuốc diệt cỏ dựa trên sự ức chế thực vật phát triển “sau này sẽ giúp con người có thể kiểm soát được sự phát triển của cây cỏ mà không cần bận tâm tới những hóa chất độc hại ăn mòn, khả năng thất bại hay phải sử dụng lao động chân tay vất vả”.
Yêu cầu thay thế công việc vất vả của nhà nông bằng “phép màu” sinh hóa tiết kiệm nhân công trở thành một nhiệm vụ trọng tâm của Viện nghiên cứu Boyce Thompson (BTI), viện này bắt đầu hoạt động từ năm 1924 tại Yonkers, New York. Ông Thompson, người đã phát tài nhờ việc khai thác mỏ đồng, đã lập ra viện nghiên cứu mang tên mình bởi ông thấy lo lắng cho khoảng cách ngày càng rộng giữa sự phát triển dân số và khả năng cung cấp lương thực của ngành nông nghiệp Mỹ. Là bạn thân của Herbert Hoover và là người chỉ huy Tổ chức cứu trợ Mỹ (ARA) trong và sau thế chiến thứ I, Thompson đã chứng kiến tận mắt nạn chết đói hàng loạt ở Nga sau cuộc cách mạng 1917. Thompson coi thảm họa đó như một điềm báo cho những gì có thể xảy ra ở Mỹ. Năm 1919, trong buổi họp thăm dò tại Viện, Thompson đã tuyên bố: “Dân số ở đất nước này sẽ sớm lên tới 200 triệu người. Vấn đề về nguồn cung bánh mì và những thực phẩm thiết yếu sẽ đặt ra. Đó là chuyện nằm ngoài khả năng của những nhà chính trị hay xã hội học. Tôi sẽ thành lập một cơ quan để nghiên cứu chức năng sinh lý của thực vật, nhằm đảm bảo nhu cầu cơ bản của 200 triệu người. Đây không phải là tổ chức cải thiện đời sống, mà là một cơ quan khoa học nghiên cứu những vấn đề cụ thể như sự nảy mầm, ký sinh trùng, dịch bệnh và tiềm năng phát triển ở cây trồng.”
Hòa vào sự phát triển nhanh chóng ở châu Âu, BTI bắt đầu nghiên cứu việc can thiệp vào hormone thực vật dưới sự chỉ huy của Percy Zimmerman. Vào thời điểm đó, những ứng dụng sinh hóa trong nông nghiệp hứa hẹn đưa lại sản lượng nông nghiệp cao hơn với chi phí lao động thấp hơn đáng kể. Năm 1935, các nhà khoa học BTI bắt đầu tổng hợp các loại axit như axit Naptalin Axetic, loại hợp chất điều hòa sinh trưởng thực vật tỏ ra mạnh hơn cả IAA ngay trong dạng điều chế ban đầu của nó. Suốt 4 năm sau đó, Zimmerman và những đồng nghiệp của mình đã tổng hợp hơn 50 loại hợp chất được chứng minh là kích thích sự phát triển của rễ, cành và lá qua ứng dụng bình phun. Nghiên cứu này đã mang lại thành công đáng kể về phương diện thương mại. Vào năm 1940, những hormone tổng hợp sáng chế bởi BTI với tác dụng đẩy mạnh phát triển rễ cây con và củng cố cành của các cây ăn quả (để quả có thể chín trên cây chứ không rơi xuống đất) đã được đưa ra thị trường Mỹ.
Ngay trước khi thế chiến thứ II mở màn, các nhà nghiên cứu ở hai bên bờ Đại Tây Dương đã đưa ra kết luận về tiềm năng tuyệt vời của việc điều chỉnh hóa học đối với sự phát triển thực vật. Xét về phương diện lý thuyết, mọi cơ sở nền tảng đã sẵn sàng để có được đột phá lớn. Vào thời điểm đó, các nhà sinh lý học thực vật hiểu rằng sự kết hợp của các chất ở những nồng độ khác nhau có thể ảnh hưởng tới sự phát triển thực vật theo nhiều cách. Một trong số họ đã nói, “Mục đích cuối cùng của đông đảo các nhà nghiên cứu thực vật là kiểm soát sự phát triển. Chúng tôi luôn tâm niệm rằng “nếu có thể hiểu rõ hơn về cơ chế phát triển bình thường, ta hoàn toàn có thể kiểm soát sự phát triển bất bình thường”. Nhiệm vụ trước mắt là phải xác định được những hợp chất hóa học nào sẽ đưa lại hiệu quả mong muốn trên thực vật, cho dù đó là hiệu quả kích thích tăng trưởng, ức chế tăng trưởng hay diệt hoàn toàn cỏ dại. Hầu hết các nhà nghiên cứu đều tiếp tục tập trung nghiên cứu kích thích tăng trưởng, cho tới khi các thí nghiệm khẳng định rằng kiểm soát cỏ dại mới là điều quan trọng nhất với mùa vụ.
Việc khám phá ra thuốc diệt cỏ dựa vào hormone thực vật đầu tiên dường như đã được định trước là sẽ xảy ra đồng thời nhưng độc lập. Nhiều nhóm nghiên cứu độc lập ở hai bên bờ Đại Tây Dương đã tuyên bố họ là người “đầu tiên” phát hiện ra loại thuốc diệt cỏ hiện đại này, mặc dù sự phân biệt trước sau này hoàn toàn không quan trọng bằng sự thực là họ đã đạt được những mục tiêu giống nhau. Nhà khoa học đầu tiên đưa ra kết luận về tác dụng diệt cỏ của một loại hóa chất dựa vào ứng dụng can thiệp hormone là William Gladstone Templeman, một nhà sinh lý học thực vật làm việc cho Công ty kỹ nghệ hóa chất hoàng gia (ICI) ở Vương quốc Anh. Như hầu hết những đồng nghiệp của mình, ban đầu Templeman tập trung nghiên cứu những chất kích thích tăng trưởng ở thực vật. Tuy nhiên, sau bảy năm nghiên cứu, ông từ bỏ con đường này để chuyển sang nghiên cứu tác dụng diệt cỏ của những chất đó khi được sử dụng ở nồng độ cao hơn. Năm 1940, những thí nghiệm của Templeman cho thấy rằng IAA đã tiêu diệt những loại cỏ lá rộng mọc trên đồng ngũ cốc nhưng không ảnh hưởng tới cây trồng và không làm hại đất. Vô cùng phấn chấn với phát hiện này nhưng chưa thỏa mãn với tác dụng ngắn ngủi của IAA, Templeman đã hợp lực với những đồng nghiệp tại ICI để tìm ra những axit tồn tại được lâu hơn (nên rẻ hơn), và một trong số đó là 2,4 -D.
Những thông tin đầu tiên về 2,4-D được mô tả lần đầu tiên bởi nhà hóa học R. Pokorny vào tháng 6 năm 1941. Năm sau, một nhà hóa học người Mỹ John Lontz, đã áp dụng và nhận bằng sáng chế về 2,4 -D thay mặt cho doanh nghiệp E. I. Du pont de Nemours and Company. Cũng năm đó, Zimmerman và đồng nghiệp tại BTI, sau khi thử nghiệm nhiều hợp chất hóa học khác nhau trong suốt sáu năm qua, đã trở thành những người đầu tiên công bố rõ ràng về tiềm năng của 2,4 -D với vai trò chất điều hòa phát triển thực vật nhân tạo. Năm 1943, Franklin D. Jones, thuộc Công ty sơn hóa chất Mỹ, đã phát hiện ra những đặc tính diệt cỏ của chất 2,4 -D sau một năm trời tìm loại hóa chất có thể trừ cây sơn độc. Jones cũng là nhà khoa học đầu tiên tiến hành thí nghiệm một cách tỉ mỉ với chất 2,4,5 -T, chất mà Pokorny cũng đã đề cập tới trong bài báo năm 1941 của mình. Trong khi đó, Arthur Galston, người về sau cực lực đả kích chiến tranh diệt cỏ, đã tình cờ phát hiện ra khả năng diệt cỏ của axit 2,3,5-triiodobenzoic (TIBA) đối với cây đậu nành khi ông đang tiến hành nghiên cứu bảo vệ luận án tại trường Đại học Illinois. Nghiên cứu của Galston giúp cây đậu nành đem lại lợi nhuận cao hơn tại Mỹ, còn những phát hiện về chất diệt cỏ cũng đã góp thêm một hóa chất tổng hợp vào lĩnh vực kiểm soát hormone cỏ dại còn khá non trẻ.
Những phát hiện đồng thời và độc lập về thuốc diệt cỏ này ở Mỹ lại không hề đến tai William Templeman và những đồng nghiệp tại ICI ở Anh, dù họ là những người đầu tiên tổng hợp được chất 2,4-D và cũng là người đầu tiên nhận ra tiềm năng diệt cỏ của nó. Vào tháng 4 năm 1941, Templeman nộp đăng ký sáng chế cho Phòng sở hữu trí tuệ Anh, nhưng những quan chức ở đó đã đóng băng bằng sáng chế này mãi cho đến năm 1945 bởi chính phủ Anh quy định kiểm duyệt các thông tin khoa học mới trong thời gian chiến tranh để ngăn những tài liệu nhạy cảm rơi vào tay kẻ thù. Điều này lý giải vì sao Templeman không hề hay biết về những hoạt động nghiên cứu thực hiện tại một trung tâm nghiên cứu thực vật lớn khác tại Anh, Trạm thí nghiệm nông nghiệp Rothamsted, nơi mà Philip S. Nutman, H Gerard Thornton và John H. Quastel đã tìm ra những đặc tính diệt cỏ của 2,4 -D cùng một lúc.
Trong những thập kỷ sau những khám phá đầu tiên của Darwin, lĩnh vực nghiên cứu phát triển thực vật phát triển bùng nổ. Những khám phá trùng lắp cùng về 2,4 -D và những hợp chất nhân tạo liên quan tới nó đã phản ánh hiệu quả của những lệnh cấm trong thời gian chiến tranh mà chính phủ đặt ra để ngăn các nhà khoa học học hỏi tiến bộ của nhau.
Chất độc da cam đã mang lại một cái nhìn mới về nguồn gốc khoa học của các loại thuốc diệt cỏ dựa vào ứng dụng hormone thực vật. Ezra E. J. Kraus, chủ nhiệm Khoa thực vật học của trường đại học Chicago, là người đầu tiên nhận ra giá trị quân sự tiềm tàng của thuốc diệt cỏ khi Mỹ tham gia thế chiến thứ II. Mặc dù các nhà khoa học Anh ở ICI đã hai lần giới thiệu thuốc diệt cỏ dựa vào ứng dụng hormone với vai trò là một công cụ mới cho ngành nông nghiệp và là một vũ khí quân sự tân tiến, từ hai năm trước đó Kraus đã biết điều này. Trái ngược với những phát hiện đồng thời dẫn đến việc tạo ra hợp chất 2,4 -D và sự nhìn nhận về công dụng diệt cỏ của nó, ý kiến của Kraus có thể hiểu như một vấn đề chính trị chứ không phải là khám phá khoa học. Chúng ta sẽ tìm hiểu về tầm quan trọng của khám phá này trước khi bàn chi tiết về nghiên cứu của Kraus.
Nếu những nghiên cứu trước đây về kiểm soát sự phát triển của thực vật đòi hỏi phải có sự thay đổi nhận thức để chuyển từ nghiên cứu kích thích phát triển sang lĩnh vực diệt cỏ, thì ý tưởng thuốc diệt cỏ có thể trở thành vũ khí quân sự cũng đòi hỏi người ta cũng phải thay đổi quan điểm về chức năng xã hội của ngành sinh lý học thực vật trong thời chiến. Chỉ riêng việc chú trọng nghiên cứu thuốc diệt cỏ hơn các loại thuốc kích thích tăng trưởng khác đã đặt ra yêu cầu về các phương thức mới nhằm bung mở tiềm năng của ngành sinh hóa. Tương tự như vậy, khi nghĩ tới chiến tranh diệt cỏ, người ta cũng cần có quan điểm đột phá về khía cạnh an ninh quốc gia và tác động tới môi trường của cuộc chiến.
Việc diệt cỏ bằng hóa chất ban đầu đã phát triển như một khía cạnh của quá trình lâu dài của con người nhằm sử dụng đất hiệu quả nhất: cho dù chức năng cốt lõi của thuốc diệt cỏ chỉ là tiêu diệt một số loài cỏ nhất định, nhưng, mục tiêu tối hậu của các nhà khoa học là tạo ra những điều kiện phát triển thuận lợi nhất cho một khu rừng hay loại cây trồng nông nghiệp nào đó, mà nếu không có thuốc diệt cỏ thì chúng sẽ bị buộc phải cạnh tranh với một số cây không có lợi khác để hấp thu ánh mặt trời, nước và chất dinh dưỡng. Thuốc trừ sâu DDT, một loại hóa chất được phát minh trong chiến tranh thế giới thứ hai và sau đó trở nên khét tiếng vào những năm 60 của thế kỷ 20, đã vượt xa ranh giới chiến tranh-hòa bình, vì muỗi đã gây ra những căn bệnh nguy hiểm cho binh lính lẫn dân thường.
Khi dùng ở nồng độ cao hơn, thuốc diệt cỏ trong quân sự sẽ hủy diệt luôn mọi loài thực vật khác nhằm giảm thiểu tối đa hiệu suất của những vùng đất thuộc quyền kiểm soát của đối phương. Trong bối cảnh chiến tranh, thuật ngữ “thuốc diệt cỏ” nếu không đi kèm từ “trong quân sự” sẽ không diễn tả đầy đủ mục đích sử dụng nó, mà cụ thể là tiêu diệt thực vật trên diện rộng, không hạn chế. Chính vì vậy, “năng suất” của việc sử dụng thuốc diệt cỏ trong quân sự (trong kế hoạch dự phòng thế chiến thứ II và trong thực tế chiến tranh Việt Nam) chỉ có thể được đo bằng những khái niệm mơ hồ mà người dân và các nhà lãnh đạo quốc gia đã dùng để biện minh cho những nỗ lực chiến tranh của mình.
Erza Kraus có các điều kiện thuận lợi để tìm hiểu thấu đáo tiềm năng quân sự của chiến tranh diệt cỏ. Khoa thực vật học của Đại học Chicago luôn tự hào về những thiết bị phòng thí nghiệm tiên tiến nhất, một phần nhờ vào những khoản tài trợ lớn từ Quỹ Rockefeller. Kraus đã tận dụng quyền tiếp cận Cục công nghiệp thực vật (BPI) của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), tại Beltsville, Maryland, nơi ông từng tham gia sáng lập vào cuối những năm 1930. Năm 1940, Kraus giám sát vài dự án hợp tác nghiên cứu về điều chỉnh sự phát triển ở thực vật có liên quan tới bộ phận của ông và Bộ Nông nghiệp Mỹ; ông thậm chí còn đảm bảo việc làm cho một số nghiên cứu sinh của mình ở Chi cục công nghiệp thực vật. Kraus, giống như nhiều đồng nghiệp ở Mỹ và Anh, đã độc lập công nhận tiềm năng trở thành thuốc diệt cỏ của các chất tổng hợp kích thích tăng trưởng. Theo lời một trong những nghiên cứu sinh của ông, lần đầu Kraus bàn về khám phá này là vào tháng Tám năm 1941, mặc dù qua cuộc nghiên cứu, có thể thấy rằng ông đã có những khái niệm lờ mờ về vấn đề này từ năm 1940.
Mùa thu năm 1941, Kraus và sinh viên John Mitchell tiến hành nghiên cứu về tiềm năng diệt cỏ của một số hợp chất tổng hợp kích thích tăng trưởng. Gần như ngay sau cuộc tấn công của Nhật Bản tại Trân Châu Cảng hôm mùng bảy tháng mười hai, Kraus đầu quân cho chính phủ. Một lần nữa, Kraus tự thấy rằng mình có điều kiện thuận lợi để dùng sinh lý học thực vật phục vụ con người; ông là thành viên sáng lập của một dự án bí mật mức độ cao về chiến tranh hóa chất và chiến tranh sinh học dưới sự bảo trợ của Viện Khoa học Quốc gia triệu tập bởi Bộ trưởng chiến tranh Henry L.Stimon và chủ trì bởi ông trùm ngành dược là Geogre W.Merck. Trong cuộc họp tối mật của Ủy ban Vũ khí sinh học và hóa học thuộc Ban cố vấn chiến tranh (WBC) vào ngày 17 tháng Hai năm 1942, Kraus đã trình ra một báo cáo có tựa đề “Chất điều khiển sự tăng trưởng thực vật: những ứng dụng khả thi”. Báo cáo được đề ngày 18 tháng Mười hai năm 1941; cuộc tấn công bất ngờ của Nhật Bản đã thúc đẩy Kraus vội vã hoàn thành nó. Điều mà ta chưa rõ là liệu trận tấn công Trân Châu Cảng là động lực mấu chốt khiến Kraus quyết định biến thuốc diệt cỏ thành vũ khí quân sự hay ông đã nghĩ tới điều này từ trước. Bất kể điều đó, việc Mỹ đột ngột tham gia vào thế chiến thứ II đã khiến Kraus được mục kích sự thiết lập chế độ phòng thủ quốc gia ở mức cao nhất. Các quan chức quân đội và chính trị gia nổi lên nhờ vực thẳm chiến tranh chào đón thế hệ vũ khí mới, hứa hẹn đem lại lợi thế trên chiến trường.
Kraus đã vạch ra những lợi ích chiến thuật của thuốc diệt cỏ, thứ mà ông cho rằng hiệu quả hủy diệt tại các cánh rừng trên đảo quốc Nhật Bản tại Thái Bình Dương sẽ cao hơn là mặt trận Tây Âu. Ông kêu gọi chính phủ đầu tư nhiều hơn để đẩy mạnh lĩnh vực ứng dụng can thiệp tăng trưởng thực vật như một vấn đề an ninh quốc gia:
Kế hoạch dự kiến: Cần tìm hiểu thêm để xác định những tác dụng khác của các hợp chất này ngoài những đặc tính đang được ứng dụng. Vẫn còn nhiều điều phải làm với những thứ đã được tìm hiểu một phần, như các mức hiệu ứng ứng với ở các nồng độ thuốc khác nhau phụ thuộc vào tính chất của đất hay môi trường khác mà thực vật sinh trưởng ở đó, thời kỳ phát triển của thực vật, ảnh hưởng của các tác nhân môi trường như độ ẩm, ánh sáng và nhiệt độ, và phương pháp tốt nhất để áp dụng trong từng trường hợp.
Tầm quan trọng trong quốc phòng: Những hợp chất này đặc biệt quan trọng trong cuộc chiến hiện tại bởi chúng sẽ giúp chúng ta nhanh chóng đạt được những kết quả thực tế khi tấn công hay phòng thủ.
Tầm quan trọng trong tấn công:Việc rải các hợp chất hủy diệt sự phát triển này ở trạng thái khô rắn lên các đồng lúa là một biện pháp khả thi và khá đơn giản để tàn phá thóc lúa, nguồn thực phẩm chủ yếu của người Nhật. Việc phun thuốc lên những khu rừng nơi kẻ địch đóng quân cũng giúp phát hiện ra những kho quân sự bí mật nhờ triệt hạ cây cối ở khu vực đó. Đây là một vài trong vô vàn những ứng dụng dễ nhận thấy của những hợp chất này.
Có ba lý do khiến đề án này vô cùng quan trọng. Thứ nhất, Kraus có ý tưởng biến thuốc diệt cỏ thành vũ khí quân sự khi mà các nhà khoa học mới chỉ có những khám phá bước đầu về đặc tính của thuốc diệt cỏ và những tác dụng đối với thực vật. Thứ hai, xét chiến dịch Ranch Hand và sức hủy diệt đáng sợ của nó, việc Kraus khái niệm hóa giá trị quân sự của thuốc diệt cỏ đã vượt xa một cuộc nghiên cứu thông thường. Thứ ba, Kraus đã công nhận rằng việc đưa thuốc diệt cỏ vào danh sách vũ khí quân sự của Mỹ là vô cùng dễ dàng. Đây cũng đúng là mối lo ngại của các nhà khoa học đấu tranh yêu cầu cấm chiến tranh diệt cỏ vào cuối thập niên 60, - việc sử dụng Chất độc da cam dễ dàng có nghĩa là bất cứ quốc gia nào cũng dễ dàng dùng nó trong chiến tranh.
Kraus là một trong hàng chục các nhà khoa học đưa ra ý kiến chuyên môn với tư cách đại diện trong lĩnh vực của mình; Ủy ban Cố vấn chiến tranh đã nhận được mười hai đề án với đủ các phương pháp hủy diệt mùa màng và rừng khác nhau. Những ý kiến về việc thả các vi khuẩn gây rụng lá khoai tây, thực phẩm chính của người Đức cũng giống như kế hoạch bỏ đói người dân trên những hòn đảo của Nhật trên Thái Bình Dương. Ủy ban Cố vấn chiến tranh có chấp thuận một vài báo cáo đệ trình, trong đó có bài của Kraus. Ngay sau đó, Kraus viết cho Percy Zimmerman ở Viện Boyce Thompson để lấy mẫu 2,4-D; Kraus đã biết đến nghiên cứu tiên phong của Zimmerman về hợp chất phenoxy axetic vào năm trước đó. Mặc dù trong không khí chống Nhật căng thẳng sau trận Trân Châu Cảng, Zimmerman sẽ khó mà thay đổi quyết định góp phần vào các phương pháp trả đũa của Mỹ đối với Nhật Bản tại Thái Bình Dương, nhưng Kraus vẫn không tiết lộ những kế hoạch về 2,4- D với Zimmerman. Arthur Galston, người làm việc cho một dự án cao su tổng hợp khẩn cấp của liên bang năm 1943, đã nhớ lại rằng rất ít nhà khoa học trong các kế hoạch chiến tranh sinh học và hóa học đặt vấn đề đạo đức - nếu họ có ít nhiều - về việc sử dụng kiến thức khoa học với mục đích tàn phá một quốc gia lên trên ý thức về nhiệm vụ giành chiến thắng cho đất nước của mình trong một “cuộc chiến tốt đẹp”. Chỉ có một vài nhà khoa học là ngoại lệ. Họ là những người đã cố gắng ngăn chặn cuộc tấn công nguyên tử vào Nhật Bản một cách tuyệt vọng.
Đầu năm 1943, Kraus và John W. Mitchell tiến hành các dự án nghiên cứu quy mô lớn về tiềm năng phá hủy mùa màng của 2,4-D trong phòng thí nghiệm thực vật ở Đại học Chicago và trạm nghiên cứu Beltsville. Kraus đã rất ấn tượng với khả năng của 2,4-D trong việc tàn phá các loài cây lá rộng, đặc biệt là dưới dạng phun sương, nhưng ông cũng phát hiện ra rằng những chất độc vô cơ như thạch tín có hiệu quả cao nhất với gạo. Phát hiện này đã dẫn tới việc tạo ra Chất độc Màu Xanh, một loại thuốc tàn phá thóc lúa bằng thạch tín trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam.
Bản miêu tả chính thức về nghiên cứu của Kraus đã thu hút sự chú ý của các quan chức quân sự, những người đã rất ấn tượng bởi các lợi thế chiến thuật tiềm năng mà thuốc diệt cỏ mang lại. Quân đội Mỹ đã coi nghiên cứu về thuốc diệt cỏ là nền tảng cho chương trình nghiên cứu hóa sinh học còn non trẻ tại trại Frederick, Maryland, sau khi Kraus mua lại 2,4,5-T từ Công ty hóa chất Sherwin-Williams mùa thu năm 1943 (2,4,5-T là chất mà sau này được kết hợp với 2,4-D tạo thành Chất độc da cam). Vào năm 1944, Kraus, Mitchell và Charles Hamner đã thiết lập các đặc tính diệt cỏ của hàng chục loại cây theo nhiều phương pháp ứng dụng khác nhau. Hamner là một sinh viên khác của Kraus, mới chuyển từ BTI sang đại học Cornell. Tính đến thời điểm đó, đây là nghiên cứu toàn diện nhất về việc điều hòa sự phát triển của thực vật - cho cả ứng dụng thời chiến và thời bình.
Với sự cố vấn của Kraus, các nhà khoa học quân sự tại Fort Detrick, Maryland tiếp tục nghiên cứu về 2,4-D và 2,4,5-T trong chiến tranh mô phỏng, nói cách khác, bằng các đợt rải thuốc lên khu vực Florida Everglades. Họ chọn Everglades vì hệ sinh thái của nó có nhiều điểm tương đồng với khí hậu nhiệt đới Thái Bình Dương, nơi thuốc diệt cỏ sẽ được sử dụng nhất. Kraus trở thành trưởng ban kiểm duyệt các ấn phẩm khoa học của ban cố vấn chiến tranh bởi các ấn phẩm này có khả năng chứa nhiều thông tin nhạy cảm liên quan tới thuốc diệt cỏ. Ông cũng khá thành công trong việc này; các tài liệu trước năm 1945 về thuốc diệt cỏ ứng dụng hormone thực vật không có dấu vết nào cho thấy các nhà sinh vật học đã tham gia vào chiến tranh. Thuốc diệt cỏ là phần khả thi nhất trong chương trình hóa sinh học còn phôi thai ở Mỹ - nếu không kể đến khả năng thương mại của nó - và bí mật này càng minh chứng cho việc các quan chức quân sự Mỹ thực sự nghiêm túc trong việc tiến hành chiến tranh diệt cỏ. Mặc dù đã có những tiến bộ to lớn trong nghiên cứu thuốc diệt cỏ và người dân cũng như các quan chức quân sự liên quan tới chương trình đều đồng ý rằng thuốc diệt cỏ sẽ là một mảnh ghép hiệu quả giúp tăng cao sức mạnh quân sự ở mặt trận Thái Bình Dương, quân đội đã không sử dụng nó cho đến khi bắt đầu chiến dịch Ranch Hand năm 1961.
Có hai lý do chính giải thích tại sao chương trình cấp tốc này chưa hoàn thành xong khi chiến tranh kết thúc vào tháng Tám năm 1945. Thứ nhất, rõ ràng là vụ nổ ở Hiroshima và Nagasaki đã kết thúc chiến tranh trước khi Geogre Merck và các đồng sự tại Fort Detrick đưa chiến dịch diệt cỏ vào tư thế sẵn sàng. Năm 1946, khi trả lời phóng viên, Merck đã nói, “Chỉ có kết thúc chiến tranh nhanh chóng mới ngăn cản được các cuộc thử nghiệm các chất tổng hợp, dù không gây hại cho sự sống của con người và động vật, nhưng sẽ ảnh hưởng tới mùa màng đang phát triển và biến chúng thành rơm rác vô ích”. Năm 1965, Charles Minarik, một nhà sinh vật học của Bộ Nông nghiệp Mỹ đã lặp lại những điều Merck nói: “Những chất hóa học này vẫn chưa được sử dụng ở nước ngoài, và chiến tranh kết thúc trước khi chúng ta có được những chất đó”. Ngay sau đó, Charles bắt đầu tập trung nghiên cứu về những ảnh hưởng sinh thái của chiến dịch Ranch Hand tại Việt Nam.
Lý giải tiếp theo về việc thuốc diệt cỏ không xuất hiện trên chiến trường thế chiến thứ II ít liên quan trực tiếp tới nghiên cứu của Kraus và đồng sự tại Bộ Nông nghiệp Mỹ và Fort Detrick, nhưng lại là chìa khóa để ta hiểu được suy nghĩ của họ về vũ khí sinh hóa học trong suốt thời chiến. Mặc dù chương trình đó chưa bắt đầu vì thuốc diệt cỏ chưa hoàn chỉnh, nhưng nó không giải thích được quyết định của phe Đồng Minh khi họ ra sức ngăn chặn chiến tranh sinh hóa học trong suốt thời chiến. Vì những ký ức kinh hoàng về khí độc trong thế chiến thứ I vẫn còn đó, các phe vẫn cố gắng ngăn cản cuộc chiến kỳ lạ có thể nổ ra. Ngay cả Franklin Roosevelt, người nổi bật trong số các nhà lãnh đạo quốc gia bởi sự lên án mạnh mẽ đối với vũ khí hóa sinh học, cũng ngầm nói rằng Mỹ sẵn sàng đáp trả bất cứ cuộc tấn công nào như thế. Ngày 8 tháng 6 năm 1943, Roosevelt tuyên bố: “Việc sử dụng những vũ khí hóa sinh học bị cấm bởi toàn thể nhân loại. Đất nước ta sẽ không sử dụng chúng, và tôi hy vọng chúng ta sẽ không bao giờ bị buộc phải làm vậy. Tôi xin tuyên bố một cách dứt khoát rằng chúng ta sẽ không bao giờ sử dụng chúng trừ phi kẻ thù của chúng ta sử dụng trước”.
Trong bối cảnh tranh cãi về chiến tranh diệt cỏ ở Việt Nam, tuyên bố của Roosevelt trở thành điểm mấu chốt của những giải thích trái chiều về tình trạng ký kết cũng như phạm vi cấm của Nghị định thư Geneva 1925, hiệp định đã cấm việc sử dụng chiến tranh hóa sinh học giữa các bên tham gia ký kết một cách hiệu quả. Mặc dù Mỹ không ký vào hiệp định này, nhưng tuyên bố của tổng thống lại làm dấy lên một cuộc tranh cãi liệu khẳng định của Roosevelt có đặt Mỹ vào khuôn khổ ràng buộc những điều luật đó như một điều khoản luật quốc tế thông thường hay không. Còn có những bàn luận xa hơn về việc liệu chiến dịch Ranch Hand có vi phạm luật quốc tế hay không, hay nói cách khác, liệu vũ khí diệt cỏ có nằm trong phạm vi những vũ khí cấm của Nghị định thư Geneva hay không?
Không có dấu hiệu nào chỉ ra rằng các nhà hoạch định chiến tranh của Mỹ quan tâm tới những điều này trong suốt thế chiến thứ II. Ezra Kraus đã vận động và cuối cùng có được sự ủng hộ của quân đội Mỹ trong kế hoạch chiến tranh diệt cỏ bởi họ cho rằng việc có các vũ khí độc đáo là hoàn toàn cần thiết. Trong quá trình chuẩn bị cho tổng động viên thời chiến, quân đội không quan tâm tới việc Nghị định Geneva cấm những gì - mặc dù mục đích của nghị định là giới hạn các loại vũ khí được sử dụng trong chiến tranh. Cùng lúc đó, không có mối tương quan rõ ràng nào giữa ham muốn sở hữu thứ vũ khí mới đa dạng, độc đáo này của quân đội và sự miễn cưỡng của Roosevelt (sau này có cả tổng thống Harry Truman) khi chủ động sử dụng chúng trong chiến tranh. Trường hợp thuốc diệt cỏ thực sự phức tạp bởi Mỹ không hề khiến kẻ thù chạy đua phát triển chất diệt cỏ. Không giống như một cuộc tấn công bằng khí độc như một động thái trả đũa - điều mà có thể Roosevelt đã nghĩ tới trong tuyên bố tháng 6 năm 1943 của mình - thực chất việc sử dụng thuốc diệt cỏ là hoàn toàn chủ động. Một khi các kế hoạch diệt cỏ hoàn tất, đó thực sự là một hành động vi phạm Nghị định thư Geneva đồng thời thay đổi hoàn toàn tiếng tăm bao lâu của Roosevelt trong việc ủng hộ hiệp định. Những gì mà Merck và Minarik giải thích về việc chiến tranh diệt cỏ không được thực hiện ở mặt trận Thái Bình Dương do vấn đề thời gian đã che đậy một câu chuyện lớn hơn. Mặc dù câu hỏi đặt ra chỉ một giả định, nhưng chúng ta cũng không thể nói rằng nếu Kraus hoàn thành việc nghiên cứu sớm hơn thì những người cầm quyền sẽ chấp thuận thực hiện chiến dịch.
Tuy vậy, nghiên cứu quân sự về việc vận dụng sự phát triển thực vật trong suốt thời kỳ thế chiến thứ II đã chứng tỏ được giá trị to lớn của nó. Nếu không có sự hậu thuẫn của chính phủ dành cho Kraus và đồng sự, những thành công ấy có lẽ phải mười năm sau mới xuất hiện. George Merck đã phát biểu trong một bản đánh giá có phần tư lợi, “Dường như không có kiểu “chiến tranh” nào có thể mang lại nhiều lợi ích như vậy: lợi thế kinh tế trong nông nghiệp, trong chăn nuôi gia súc, và trên hết là sự đóng góp to lớn đối với cuộc chiến chống lại bệnh tật và đau khổ của loài người”. Nếu đầu năm 1945, người dân Mỹ bắt đầu tin rằng cuộc chiến tranh với một nước ngoại quốc đang dần kết thúc, thì một cuộc chiến khác lại đang bắt đầu ở quê nhà - “cuộc chiến diệt cỏ”.
Một câu chuyện trên tạp chí đã so sánh hai cuộc chiến đó mà không khỏi làm tăng tâm lý phân biệt trong thế giới thực vật: Tháng Hai năm 1945, cuốn sách Giúp nhà và vườn đẹp hơn đã ca ngợi khả năng tiêu diệt cây kim ngân Nhật Bản của chất 2, 4, 5 T, loài cây vô cùng khó chịu đối với người làm vườn ở Mỹ. Bài báo đã miêu tả cây kim ngân như một “Kẻ xâm lược đến từ Nhật Bản và cướp đi những miền đất rộng lớn ở Đông Mỹ”, và giờ người dân Mỹ đã có thể tiêu diệt chúng nhờ chất hóa học kỳ diệu. Nếu người dân biết về kế hoạch sử dụng “chất hóa học kỳ diệu” này trong cuộc chiến chống lại người Nhật thực sự, thì chương trình hẳn sẽ được ủng hộ nhiệt liệt. Viễn cảnh ấy không chỉ xuất hiện trong thời kỳ thế chiến thứ II; việc phục vụ cả nhu cầu quân sự ở nước ngoài lẫn nhu cầu trong nước của thuốc diệt cỏ đã được tiếp tục trong chiến tranh Việt Nam.
Khi thế chiến thứ I kết thúc, Kraus cũng thành công trong việc kêu gọi các kiểm duyệt viên chính phủ dỡ bỏ lệnh cấm đối với các tài liệu về các nghiên cứu kiểm soát sự phát triển của cỏ trong chiến tranh. Những tài liệu ấy có rất nhiều thông tin quý giá về các chất hóa học đó, nên chính sách mới đã sớm tạo ra một thị trường chất kiểm soát sự phát triển của cỏ. Nhà thực vật học Alden Crafts đã nhớ lại: “Hầu như chỉ qua một đêm, câu chuyện về chất diệt cỏ kỳ diệu đã lan truyền khắp nơi, người người cung cấp, người người sử dụng trên diện tích lớn, và nó trở thành một lĩnh vực kinh doanh phát triển”. Crafts miêu tả thêm về sự bùng nổ sau chiến tranh của lĩnh vực nông lâm nghiệp, giải thích cái mà cái nhà khoa học gọi là “cơ chế hoạt động” của thuốc diệt cỏ chlorophenoxy và lý do tại sao nó lại thành công nhanh chóng như vậy: “Chất 2,4-D không chỉ tiêu diệt thực vật bằng sự tiếp xúc; nó truyền từ ngọn tới rễ các loài cỏ lưu niên; nó tiêu diệt được nhiều loại cỏ lá rộng trên các đồng lúa mạch và đồng cỏ; những cây con hấp thụ 2,4-D từ đất cũng sẽ chết và do đó chất này có thể sử dụng để phòng ngừa; nó không độc hại với con người và động vật; và chi phí dưới 1 Đô la cho mỗi mẫu Anh là quá rẻ cho việc diệt cỏ. Tại một hội nghị sinh lý học thực vật vào tháng Mười một năm 1945, Kraus đã có một bài phát biểu vô cùng hào hứng. Không đề cập tới công trình nghiên cứu thời kỳ chiến tranh của mình, có thể vì nhiều đồng sự của ông cảm thấy đau buồn vì đã tham gia nghiên cứu này, Kraus đã nói về cuộc cách mạng khi mà con người kiểm soát được đời sống mọi loài thực vật. So sánh kiến thức về thuốc diệt cỏ tác động vào hormone của các đồng sự như đứa trẻ chọc gậy vào tổ kiến, Kraus tuyên bố rằng những điều không tưởng trong nông nghiệp giờ đã được thực hiện:
“Chúng ta sẽ khiến cho cây mọc cao hơn, nếu muốn, và thấp hơn, nếu muốn. Chúng ta sẽ khiến chúng mọc dày hơn, nếu muốn, và thưa hơn, nếu muốn. Khi tôi bắt đầu tiên đoán trước điều này thì giới hạn duy nhất là bầu trời… Nếu chúng ta có thể làm tăng sản lượng táo thành hai hay ba tấn trên mỗi mẫu Anh, mà không làm giảm chất lượng; nếu chúng ta có thể làm cho quả việt quất to hơn và không hạt; và nếu có thể có những quả cả chua lớn hơn; hay nếu chúng ta có một quá trình làm chín trái cây hoặc trì hoãn sự nảy mầm của khoai tây và cây ăn quả vào mùa xuân; và, nếu chúng ta có thể kiểm soát được cỏ, chúng ta sẽ có câu trả lời cho riêng mình”.
Bài phát biểu đã nhắc tới nhiều khái niệm mà hầu hết các nhà khoa học đã phản đối thời kỳ trước thế chiến thứ II, khi họ mới chỉ tiếp cận các chất tổng hợp kích thích thực vật phát triển. Kraus giải thích: “Tất cả những gì mà ta phải làm là quay ống nhòm sang hướng khác”, nghĩa là hormone phát triển đã trở nên giá trị nhiều so với thuốc diệt cỏ đặc hiệu. Sau khi các hóa chất, nồng độ và cách điều chế được kết hợp một cách chuẩn xác, việc sản lượng nông nghiệp tăng một cách ổn định là một điều hiển nhiên. Tuy vậy Kraus vẫn coi sự phát triển này chỉ là bước đầu của một quá trình lớn hơn mà đích đến là khi con người có thể làm chủ được sự sống thực vật ở cấp độ tế bào. Đây là điểm duy nhất mà Kraus tỏ ra nhún nhường trong suốt bài phát biểu. Khi chiến tranh đã qua đi, mục tiêu của ông là thuyết phục những đồng nghiệp của mình tham gia vào nhiệm vụ này.
Vài năm sau đó, diễn biến thị trường thuốc diệt cỏ đã chứng minh rằng điều người tiêu dùng quan tâm nhất là đặc tính diệt cỏ có chọn lọc của nó. Mặc dù có nhiều người quan tâm tới những ứng dụng mới mẻ của hormone thực vật tổng hợp, nhưng nghiên cứu của Kraus chỉ hướng tới việc diệt cỏ mà thôi. Trong khi đó, mong muốn rằng con người một ngày nào đó có thể kiểm soát chính xác các quá trình thực vật ở cấp tế bào bằng các phương pháp hóa học của ông vẫn còn trong tưởng tượng. Khoảng cuối năm 1961, các nhà sinh lý học thực vật vẫn có tham vọng kiểm soát thực vật ở cấp độ tế bào. Với khát khao chinh phục sức mạnh thiên nhiên, một nhà sinh vật học đã dự đoán “Ai có thể kiểm soát các hoạt động của tế bào sống mà không phá hủy nó có thể quyết định được số phận của loài thực vật đó”.
Sự kết hợp giữa bí mật chính phủ, tuyên bố sở hữu trí tuệ, và trên hết là, những lợi ích kinh tế mà thuốc diệt cỏ mang lại cho các ngành chăm sóc cỏ, nông và lâm nghiệp đã tạo ra một thị trường thuốc diệt cỏ cạnh tranh khốc liệt. Công ty sơn hóa học Mỹ tại Ambler, Pennsylvania là đơn vị đầu tiên đưa ra thuốc diệt cỏ thành phần 2,4-D có nhãn hiệu Weedone nhờ nhân viên Franklin Jones. Jones đã đệ trình đơn cấp bằng sáng chế 2,4-D đầu tiên vào tháng ba năm 1944 và nhận được bằng vào tháng mười hai năm 1945. Ngay lập tức, công ty này vấp phải những tranh chấp pháp lý từ phía các đối thủ. Ví dụ, công ty hóa chất Dow và Sherwin-Williams đều tuyên bố đã hợp tác trong chiến tranh với Charles Hamner tại trường đại học Cornell, trong khi các luật sư ủy thác của Du Pont lại ra sức bảo vệ cho đơn xin cấp bằng sáng chế của John Lontz - ông đã nộp đơn trước Jones hai năm nhưng lại không chỉ ra đặc tính diệt cỏ đặc biệt của 2,4-D. Đổi lại, công ty sơn hóa học Mỹ đưa ra một giấy cấp phép chi tiết, từ đó, đã tạo ra một thị trưởng mở cho các tập đoàn nông nghiệp lớn, tung ra nhiều sản phẩm diệt cỏ vào mùa đông năm 1946-1947.
Mức sản xuất tăng theo cấp số nhân. Theo như cơ quan thuế vụ Mỹ, năm 1945 các tập đoàn hóa chất đã sản xuất 917 000 pound chất 2,4-D (pound: đơn vị đo khối lượng, 1 pound = 0,454 kg); vào năm 1950 con số này lên tới 14 triệu. Đến năm 1964 - năm đầu tiên mà Bộ quốc phòng bắt đầu dồn lực cho kế hoạch leo thang nhanh chóng trong cuộc chiến diệt cỏ tại Việt Nam - mức sản xuất là 58 triệu pound, hầu hết được rải trên hàng triệu mẫu cỏ mới xuất hiện ở khu vực ngoại ô trên khắp đất nước. (1 mẫu = 0,4 héc ta). Năm 1949, Phòng Thương mại Mỹ ước tính rằng “cỏ gây thiệt hại khoảng 3 triệu Đô la mỗi năm” - một con số chắc chắn làm hài lòng các công ty hóa chất và cổ đông của họ. Con số này tăng theo thời gian; năm 1961, ngành công nghiệp diệt cỏ đã ước tính cỏ gây ra thiệt hại lên đến 5 triệu Đô la. Nếu đặc biệt xem xét tỉ lệ lạm phát thấp trong suốt thời kỳ đó, ta còn thấy sự tỉ lệ nghịch giữa mức độ sử dụng thuốc và con số thiệt hại này do cỏ dại gây ra. Thậm chí nếu những người trong ngành khoe khoang rằng họ đã khiến cho thiệt hại cỏ dại không tăng nữa, thì chỉ riêng điều đó đã làm ta nghi ngờ toàn bộ ngành kinh doanh này.
Trong suốt giai đoạn những năm 1950, các ông chủ trong ngành công nghiệp hóa chất đầu tư những món tiền khổng lồ thu được từ thị trường thuốc diệt cỏ cho nghiên cứu và phát triển. Họ thu hút những nhà khoa học từng làm cho Bộ Nông nghiệp Mỹ và các cơ quan chính phủ khác trong thời kì thế chiến thứ II chuyển sang làm cho những tổ chức tư nhân, rồi lần lượt tạo ra hàng trăm sản phẩm thuốc diệt cỏ dưới những nhãn hiệu khác nhau. Nội san “Xuống Trái Đất” (Down to Earth) của hãng hóa chất Dow đã cho ta một cái nhìn rõ nhất về ảnh hưởng đáng kinh ngạc của ngành hóa chất. Ra đời từ năm 1945, “Xuống Trái Đất” gồm các bài viết về những hợp chất, ứng dụng và ảnh hưởng trên các khu thử nghiệm từ Hawaii tới Maine. Giống như những gì Ezra Kraus đã nói trước các đồng sự vào tháng Mười Một năm 1945, đề tài mà nội san này hướng tới là kiểm soát thế giới tự nhiên ngỗ ngược bằng hóa chất. Như chúng ta sẽ thấy ở những chương sau, thuốc diệt cỏ ở Mỹ có chất lượng không ổn định dù trong thời chiến hay thời bình. Sản sinh trong thế chiến thứ II như một phần của sự kết hợp vĩ đại giữa khoa học và quốc phòng, ngành công nghiệp diệt cỏ đã tới thời kỳ phát triển nhất nhờ các doanh nghiệp tư nhân vào thời hậu chiến. Trong lịch sử ngắn ngủi chúng, hai chất 2, 4-D và 2, 4, 5-T lần đầu tiên có mặt tại thị trường Mỹ năm 1945 với ứng dụng hòa bình, đã “suôn sẻ” chuyển sang ứng dụng quân sự tại miền Nam Việt Nam vào đầu những năm 60.
Con Đường Da Cam Con Đường Da Cam - David Zierler Con Đường Da Cam