Dịp may ưu ái những ai can đảm

Publius Terence

 
 
 
 
 
Tác giả: Lan Khai
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Ngô Hồng Dương
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1966 / 21
Cập nhật: 2016-04-09 07:24:14 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
ọn trai gái làng Ỷ La, từ lúc đứng bóng, vẫn đua nhau gặt hái ồ ạt...
Ngày mỗi lúc một xế chiều, ánh nắng đã vàng úa. Mặt trời xuống dần... xuống dần rồi lặn hẳn. Sau dải núi Là lam tím, phương Tây rực lên như ánh lửa hồng. Một vài bóng chim thấp thoáng trên mù xanh. Đàn trẻ dồn trâu về xóm hò hét, luống công bên những con vật nặng nề đi chậm chạp. Gió chiều hiu hắt thổi... Những khóm lau già ngả nghiêng xào xạc, gọi dậy cái u hoài man mác của ngày thu đẹp mau tàn...
Nhưng, bọn trai gái làng Ỷ La, tản thành từng đám bọt nổi hung hung trên sóng lúa, vẫn làm việc ồn ào... Họ cách biệt hẳn thời khắc vì trong lòng họ đương rạo rực cái vui sướng được mùa.
Bao giờ cho đến tháng mười
Ta đem liềm hái ra ngoài ruộng ta.
Gặt lúa, ta đem về nhà,
Phơi khô, quạt sạch ấy là xong công...
Cái kết quả của biết bao công trình nặng nhọc, của biết bao ngày lo:
Người ta đi cấy lấy công
Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề:
Trông trời, trông đất, trông mây,
Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm...
Trông cho chân cứng đá mềm,
Trời trong bể lặng mới yên tấm lòng...
Dung cũng ở trong bọn gặt lúa vui đùa nọ và cũng đương vội vàng cắt thêm mười lượm nữa, trước khi trời tối hẳn. Khác với tất cả, Dung không hát mà cũng không cười. Dung không được may mắn như chúng bạn, Dung còn nhiều lo nghĩ không thể nói cùng ai: bệnh ông đồ thì ngày càng khó chữa; học trò đã phải cho ở nhà.
Ngót tháng trời qua đi, Dung đã quen quen, chứ cả như mấy hôm đầu, cửa trường mới đóng, thì Dung tưởng đến chết rũ đi vì buồn!
Mấy hôm đầu, Dung thấy năm gian nhà gỗ sao mà rộng thế, gường phản sao mà ngổn ngang thế; không khí lạnh như bếp tro tàn... Những tiếng nô đùa ầm ĩ, trước kia thường khiến Dung khó chịu, giờ cứ văng vẳng bên tai.
Cái nghề giậu đổ bìm bìm leo, thời vận làm ăn trong nhà đã lủng củng thì những tai ách ở đâu cứ dồn dập tới, như nước ùa vào chỗ đọng. Ngay hôm Kính lại thăm Dung, con lợn đầu đàn tự nhiên chê cám rồi chết nghẻo. Dung đã tiếc công chăm sóc gần một năm dòng lại đau đớn vì mất món tiền lo thuốc cho cha. Dung đành phải bán thóc để trả ông lang. Cái kết quả một sương hai nắng rút lại vào tay nhà giàu mất cả. Bởi thế nên tuy có gặt đấy mà Dung chẳng thấy vui gì.
Màu lửa đỏ đằng phía tây đã dịu. Hình sắc nhòa dần trong bóng tối... Xa xa, một ánh đèn, rồi vô số ánh đèn thấp thoáng qua kẽ lá tre rung...
Gánh lúa đã nặng, Dung nhắc lên vai, rảo bước về nhà...
Thoạt tới cổng, Dung đã nghe bà tổng Phay nói rè rè như lệnh vỡ:
- Sao cháu về muộn thế?
- Cháu về hôm nay còn là sớm đấy; hàng xóm vừa lên đèn xong.
Dung đặt gánh lúa xuống sân và ngờ vực hỏi bà lão xưa nay vẫn làm nghề mối lái:
- Cụ lại chơi thăm thầy cháu hay có việc gì khác nữa?
Bà cụ cười khanh khách:
- Thăm thầy cháu cũng có, mà vì chuyện khác cũng có...
Dung nóng bỏng cả mặt, thoáng nghĩ ngay đến Kính.
Cô vừa cúi xuống tháo gánh lúa vừa khẽ bảo bà cụ:
- Mời cụ vào chơi trong nhà với thầy cháu.
- Thôi, bá đi về đây. Bá đã nói hết với thầy cháu rồi. Câu chuyện mà thành thì hay quá! Chắc hẳn sau này cháu gái chẳng đời nào quên bác...
Dung thẹn đến luống cuống cả chân tay. Cô vờ ôm bó lúa chạy vào bếp. Nhưng, bà cụ tổng gọi giật lại:
- Dung ạ, rồi thầy cháu sẽ kể lại cho cháu nghe. Trời sinh ra thế, đằng nào chẳng phải hỏi ý cháu xem đã: ép dầu ép mỡ, ai nỡ ép duyên! Bá chỉ khuyên nhỏ cháu nên nghe lời thầy cháu và nghe lời bá là hơn. Cháu giờ đã khôn lớn rồi; vả thầy cháu lại...
Dung được dịp khoe:
- Ồ! Thầy cháu đã bớt nhiều, có lẽ cũng gần khỏi...
Bà cụ lắc đầu:
- Thế là cháu vẫn chưa biết gì cả!... Chắc hẳn thầy cháu còn giấu... Dung lạnh toát người. Cô không nghe bà cụ tổng nữa, quăng vội ôm lúa, đâm bổ lên nhà, thắp cây đèn búp măng rồi lật đật vào buồng thăm bố.
Mấy hôm nay tuy bận gặt hái, Dung vẫn không sao nhãng việc thuốc men cho ông đồ. Mỗi lần Dung hỏi về bệnh tình của ông, Dung vẫn thấy ông nói quả quyết là đã bớt. Vậy, có lẽ nào...!
Dung mở rộng hai cánh màn the nâu sẫm tay run run ghé sát ngọn đèn xuống gần mặt cha:
- Thầy!... Thầy thức hay ngủ?
Người ốm cựa mình, chớp chớp hai mí mắt, để lộ cặp lòng đen trơ múi nhãn. Dung nức lên một tiếng; nước mắt trào ra...
- Khốn nạn!... Ngờ đâu thầy giấu con!...
Ông đồ thở dài, sờ sẫm một lát rồi nắm lấy tay Dung.
- Thôi, nín đi, con ạ! Chẳng qua nhà đổ đốn nó mới sinh ra thế; khóc mà làm gì...
Nhưng Dung nín làm sao được! Trong lòng Dung, biết bao khổ não chứa chất đã lâu rồi... Cô gục xuống bên giường cha; những tiếng nức nở làm cho hai vai cô rung động...
Bên ngoài, gió lạnh thổi vù vù; lá cây rụng lạt xạt; vẳng xa, tiếng chó bắt đầu cắn hóng...
Ông đồ khẽ gọi:
- Dung...
- Thầy bảo gì con?
- Vừa rồi bà cụ tổng có lại đây...
Dung ngẩng đầu:
- Bà ngỏ ý hỏi con...
- Bà cụ ấy khéo chọn lúc và khéo lôi thôi lắm!
- Con đừng nói thế. Nói thế là vô ân... Lời nói chẳng mất tiền mua, con ạ!... Huống hồ người ta lại chỉ muốn điều hay cho mình!...
- Khốn nhưng hiện giờ thầy đau thế, con lòng nào còn tưởng đến việc lấy chồng? Con chẳng lấy ai cả!...
Trước những tai nạn liền liền kế tiếp, Dung nổi phẫn lên như người phải chịu sự bất công. Dung oán hận mà không biết qui oán vào ai cả. Trong trí Dung, lúc ấy, ngay hình ảnh Kính cũng mờ đi.
Ông đồ khẽ mỉm một nụ cười chua xót:
- Không thể được đâu, con ạ. Trai gái đến thì... nên đôi lứa ấy là nhà có phúc. Vả thầy xem đám này rất xứng đáng với con...
Dung lo lắng rồi sau đánh bạo hỏi:
- Thầy nói ai kia?
- Con tôi rõ khéo làm thơ quá đi mất! Nội làng Ỷ La này, còn ai hơn lý Nhuận nữa!
- Dung ngơ ngác nhìn cha... Việc Nhuận hỏi Dung không có gì lạ nhưng, mải nghĩ về Kính, cô không ngờ vực đến bao giờ.
Ông đồ, thấy Dung im, tưởng đã thuận nên vui vẻ tiếp theo:
- Được thằng con rể như Nhuận, thầy sung sướng quá!
Dung chợt tỉnh, nhìn cha và nói bằng một giọng quả quyết:
- Không! Con nhất định ở nhà hầu thầy; con chẳng thể bỏ thầy trơ trọi một mình với bệnh tật khổ sở thế này được.
- Con mà trái lời thầy thì dù con có cho thầy ăn cỗ yến thầy cũng không biết ngon.
Dung uất ức thở dài...
Ông đồ quay mặt về phía Dung.
- Hay con có điều gì không bằng lòng Nhuận?
- Thưa thầy không ạ.
- Thế tại sao con chối từ?
-...
- Tại sao? Hay là con đã...
Giọng ông đồ nói đến đấy bổng rít lên; một vẻ giận dữ, đau đớn hiện ra trên gương mặt. Dung ngập ngừng:
- Thưa thầy... đã lâu... con trộm phép thầy thương yêu anh Kính. Nhưng... chúng con thực quả chưa có điều gì phải giấu thầy.
Vẻ mặt ông đồ dịu hẳn.
- Ừ, có thế chứ! Con nhà thi lễ khi nào điếm nhục gia phong. Chính thầy cũng thương thằng Kính lắm. Nó sẽ là một thằng rể hoàn toàn, nếu...
Ông đồ mệt phải ngừng lại.
Dung nín hơi chờ, như kẻ liệt chờ câu quyết đoán của thầy thuốc:
- Nếu nó cũng giàu như thằng Nhuận. Dung tái mặt, khẽ rên một tiếng oai oái.
- Thầy!...
- Không, con đừng hiểu nhầm ý thầy. Thầy không tham tiền. Thầy khi nào lại có thể tham tiền được! Thầy sở dĩ...
- Nhưng nếu con...
- Đã đành yêu nhau giá thú bất luận tài song con chỉ mới hiểu có một lẽ. Con đã biết hiếu với cha mẹ thì con phải biết vâng lời thầy. Mong con lấy được chồng giàu thầy chỉ có một ý muốn là những ngày tàn của đời thầy đừng trở nên cái gánh nặng quá cho con mà thôi. Thầy đã để khổ cho mẹ con nhiều; nay, thầy không muốn bắt con phải khổ với thầy nữa...
Giọng ông đồ dần dần đẫm nước mắt:
- Thầy càng nghĩ càng thương xót u con. Càng thương u con bao nhiêu, thầy càng mong con sung sướng bấy nhiêu. Thực, ngay từ hôm bị loà, thầy đã định tự tử...
Dung nắm chặt lấy tay ông đồ, thổn thức:
- Thầy yêu thằng Kính lắm. Nhưng thầy còn yêu con gấp nghìn lần. Nếu nó không rõ mà đem lòng oán trách, thầy cũng đành cam chịu...
Thở dài một tiếng, ông đồ tiếp theo:
- Khi lâm chung, u con có dặn thầy tìm nơi xứng đáng cho con. Nay, ông trời đã đem cho con một người chồng như Nhuận, thầy không thể nào để lỡ được!
Những lời ông đồ cứ văng vẳng bên tai Dung như thoảng nghe trong giấc mộng... Cô không biết nghĩ ngợi ra sao và quyết định thế nào cho phải. Cô bâng khuâng nửa tủi, nửa buồn, vừa thương vừa cực... Khi ngẩng đầu lên, cô gặp ngay hai cái hốc mắt sâu tối của cha... Cùng lúc ấy, ông hỏi Dung:
- Thế nào? Tâm sự thầy, con đã rõ; vậy con vui lòng chứ?
Ông cúi đầu chùi nước mắt.
- Vâng, thầy đặt đâu con xin... ngồi đấy!...
Một nụ cười - cái nụ cười vắng đã lâu - chợt nở trên cặp môi già nhợt nhạt, như bông hoa muộn trang điểm góc vườn tàn...
Cô Dung Cô Dung - Lan Khai Cô Dung