Nguyên tác: 川端 康成
Số lần đọc/download: 6699 / 193
Cập nhật: 2015-08-21 07:45:08 +0700
Chương 5: Lễ Ghion
C
hieko ra khỏi nhà mang theo chiếc giỏ lớn để thức ăn. Nàng ngược phố Oike đến quán "Yubahan" trong khu Phuya, nhưng bất giác dừng lại vì mải nhìn lên trời. Cả khoảng trời từ núi Hiay đến Bắc Sơn hừng hực như chìm trong đám cháy.
Mùa hè ngày dài, giờ mà hoàng hôn thì thật quá sớm, vả lại ngay sắc trời cũng không gây ấn tượng buồn bã như vẫn thường thấy trước buổi chiều tàn. Những ngọn lửa đùng đùng bốc lên trên nền trời, lan ra rộng khắp khoảng mênh mang ấy.
- Ô, chuyện gì thế nhỉ?! Ta chưa hề thấy bao giờ... - nàng lấy chiếc gương nhỏ ra, ngắm khuôn mặt mình trong gương bao giữa những đám mây màu lửa. - Sẽ không bao giờ quên... Sẽ phải nhớ chuyện này suốt đời, - nàng thầm thì. - Con người hay bị các tâm trạng này nọ làm sao".
Các rặng Hiay và Bắc Sơn như có màu chàm thẫm trên nền trời đỏ.
Ở quán "Yubahan" người ta đã sắp sẵn váng sữa đậu khô, cũng như cả botanyuba và yaoatamaki cho Chieko.
- Kính chào tiểu thư, - bà chủ quán chào Chieko. Bao nhiêu là hàng đặt vào dịp lễ Ghion, không còn lấy một phút rảnh rỗi. Ngay với các khách hàng kỳ cựu cũng chật vật lắm mới làm kịp, chứ những người khác thì đành từ chối thôi.
Quán ăn này chỉ làm theo đơn đặt hàng. Ở Kyoto có những cơ sở như thế, các hiệu bánh cũng nằm trong số đó.
- Chúc mừng tiểu thư nhân ngày lễ, và xin đa tạ - đã ngần ấy năm mà không quên chúng tôi. - Bà chủ quán chất đến miệng cái giỏ của Chieko. Bà ta xếp vào đó yaoatamaki và botanyuba - váng sữa đậu cán thành hình ống sấy khô: loại đầu có trộn lá ngưu bàng, loại thứ hai trộn với trái cây bạch quả.
Quán "Yubahan" đã trên hai trăm tuổi. Nó diễm phúc thoát được các trận hỏa hoạn mà trước đây thường xảy ra vào những dịp lễ Lửa, và vẫn giữ được vẻ xưa cũ - duy có đôi chỗ người ta sửa sang chút ít: Ô cửa sổ trên mái đã lồng kính còn những bếp lò để làm váng đậu thì đã lát gạch - trước kia chúng na ná như những kanu 1 kiểu Triều Tiên thông thường.
- Trước, dạo đun than, mồ hóng cứ rơi vào váng đậu, cho nên bây giờ chúng tôi dùng mùn cưa thay than, - có lần bà chủ đã giải thích cho nàng.
Người ta khéo léo dùng đũa trúc vớt lớp váng sữa đậu vừa hơi đông lại khỏi những cái chảo ngăn cách nhau bằng các lá đồng vuông rồi hong lên những thanh ngang bằng trúc. Váng đậu khô đến đâu người ta vắt từ thanh thấp lên thanh cao đến đấy.
Chieko vào tận trong bếp, nơi có cây cột đã lâu đời. Nàng nhớ, lần nào họ cùng đến mẹ cũng xoa xoa nó.
- Cái cột bằng gỗ gì vậy? - Chieko hỏi bà chủ quán.
- Gỗ bách giá. Nó cao đến tận nóc nhà và thẳng như mũi tên ấy.
Chieko dịu dàng chạm vào cột rồi đi ra. Trên đường về nàng nghe tiếng nhạc oang oang: các nhạc công đang tập để chuẩn bị cho lễ Ghion.
Những khách ở xa đến quen cho là lễ Ghion kéo dài cả thảy có một ngày - mười bảy tháng bảy, lúc trong thành phố có rước Yamaboko 2. Dân Kyoto thường tụ họp ở chùa vào ngày trước đấy - vào đêm trước ngày lễ. Chứ thực ra lễ Ghion kéo dài suốt tháng bảy. Ngày mùng một tháng bảy, ở mỗi quận có chuẩn bị kiệu rước riêng của quận mình, người ta rút thẻ đinh để chọn ra người ngư trên kiệu, đâu đâu cũng nghe tiếng nhạc ngày hội.
Mở đầu hội rước kiệu hàng năm là kiệu naghinataboko 3 có các cậu bé mặc trang phục chú tiểu ngồi trên. Ngày mùng hai và mùng ba tháng bảy, thứ tự tiếp theo của những kiệu còn lại khác được xác định một lần nữa lại nhờ rút thẻ. Ngài thị trưởng thành phố điều hành nghi thức này.
Người ta làm kiệu từ đầu tháng, và đến mùng mười tháng bảy nghi thức "tẩy rửa" kiệu diễn ra ở cầu Đại lộ thứ tư trên sông Kamogaoa. Tuy gọi là "tẩy rửa" nhưng sự thực vị sư trụ trì chùa chỉ giản đơn nhúng cành cây thiêng xakaki xuống nước rồi rẩy lên kiệu.
Mười một tháng bảy, những cậu bé sẽ ngự chiếc kiệu mở đầu hội rước tập trung ở thánh điện Ghion. Các cậu đi ngựa, mặc áo chẽn bằng thứ lụa riêng - xuikan - và đội mũ chóp cao bằng lụa hồ - tateeboxi. Sau lễ tế, các cậu được chuyển sang nghi lễ tấn phong phẩm hàm thứ năm, mà kế tiếp phẩm hàm ấy là hàm tendgiobito - hàm của vị cận thần được phép ra vào cung.
Thời xưa, người ta tin rằng, các vị thần Thần đạo cũng như Phật giáo tham dự lễ tết ngang hàng như nhau, cho nên ở bên phải, bên trái các chú tiểu bây giờ, đôi khi người ta đặt các bạn đồng niên của họ, tượng trưng cho các vị bồ tát Kannon 4 và Xayxi 5, cho dù lễ là lễ Thần đạo. Thêm nữa, vì chú tiểu nhận phẩm hàm của thánh nên xem như chú đã đính hôn với thánh thần.
- Tôi không muốn tham dự cái nghi lễ ngu xuẩn ấy, tôi là đàn ông? - Cậu thiếu niên Shinichi bực bội khi cậu được làm chú tiểu.
Các chú tiểu còn có "biệt hỏa" riêng, tức là bếp lò để người ta làm thức ăn cho các chú biệt lập với gia đình. Đấy cũng là một dạng gột rửa tâm hồn. Sự thực bây giờ thì chuyện đó đã được đơn giản hóa: người ta chỉ cần dùng đá lửa và phiến quẹt đánh vài tia lửa vào thức ăn cho chú tiểu. Nghe nói, mỗi khi người thân quên, chính các chú tiểu yêu cầu: "Cho xin tí lửa, cho xin tí lửa!" Bổn phận của các chú tiểu vào dịp lễ Ghion không chỉ đóng khung trong một ngày họ ngự kiệu dẫn đầu đám rước. Các chú có không ít công lên việc xuống, và chả nhẹ nhàng gì! Phải đến chúc tụng từng quận có công làm kiệu, mà đấy cũng chưa phải hết. Tóm lại lễ Ghion là một tháng tròn, và chú tiểu thì suốt tháng bận lút đầu lút cổ. Mười bảy tháng bảy là ngày rước kiệu, nhưng đối với dân cố đô thì có lẽ, ngày mười sáu - hôm trước ngày lễ - chứa đựng một vẻ mỹ miều hơn nhiều.
Lễ Ghion đang tới gần.
Ở cửa hiệu của Chieko người ta đã dỡ dãy hàng rào tô điểm cho mặt tiền ngôi nhà để tu bổ.
Chieko cả đời ở Kyoto, hơn nữa cửa hiệu của cha mẹ nàng cách Đại lộ thứ tư không xa. Nếu còn tính đến chuyện Chieko có chân trong hội đệ tử chùa Yaxaka - tổ chức viên chủ chốt của ngày lễ, thì sẽ thấy ngay rằng, nàng chả lạ gì lễ Ghion. Ngày lễ Kyoto vào tiết hè nóng nực ấy...
Nàng đặc biệt thích thú khi nhớ lại cảnh chú tiểu Shinichi ăn vận bảnh bao ngự trên chiếc kiệu thứ nhất ra sao. Bao giờ Chieko cũng nhớ lại cảnh ấy mỗi khi lễ Ghion bắt đầu, cả nhạc công chơi nhạc và những chiếc kiệu được trang hoàng các hoa dây kết bằng đèn lồng. Thuở ấy Shinichi và Chieko mới độ bảy, tám tuổi.
- Cậu bé xinh đẹp thế, đến đám con gái cũng chả bằng. - Người ta bàn tán về cậu.
Bấy giờ Chieko theo Shinichi đi khắp chốn - cả lúc cậu đến thánh điện Ghion để thụ phong phẩm hàm thứ năm, có lúc cậu ngự kiệu trong khi rước. Nàng nhớ cả lúc Shinichi có hai bạn đồng lứa tóc cắt ngắn đi kèm tới cửa hiệu để chúc mừng ra sao. Chieko-chian 6, Chieko-chian, - cậu gọi cô bé.
Chieko thẹn đỏ mặt, nhất định không ngước mắt lên. Mặt Shinichi thoa lớp phấn trắng, môi tô son, còn cô bé thì chỉ có nước da hơi rám nắng để trang sức. Trong dịp lễ thường người ta đặt các ghế băng ghim chặt vào hàng rào nhà, và Chieko mặc chiếc áo kimono mùa hè, thắt dây lưng ngắn lấm tấm đỏ hạt đỗ cùng lũ trẻ con hàng xóm đốt pháo hoa.
Ngay cả giờ đây, khi lắng nghe các nhạc công chơi và ngắm nghía những tràng đèn lồng trên các kiệu rước, nàng vẫn thấy trước mặt mình cậu bé Shinichi khoác bộ trang phục chú tiểu.
- Chieko, con không định đi chơi đêm trước hội sao? - Mẹ hỏi nàng lúc họ đã xong cơm tối.
- Còn mẹ thì sao hả mẹ?
- Tiếc là mẹ không đi được. Cha mẹ còn đợi khách.
Chieko nhanh nhẹn sửa soạn và rời khỏi nhà. Trên Đại lộ thứ tư người đông đến mức không len nổi. Song nàng biết rất rõ kiệu rước nào thì ở ngã tư nào - vậy là nàng đi vòng một lượt không sót cái nào. Thảy đều đẹp quá, lộng lẫy quá! Cạnh chiếc kiệu nào các nhạc công cũng đang ráng hết sức chơi. Ở chỗ các kiệu rước tạm đỗ, nàng mua một cây nến nhỏ, thắp lên và thắp trước thánh linh. Trong thời gian lễ Ghion, người ta chuyển các tượng thánh từ chùa Yaxaka đến địa điểm các kiệu rước tạm đỗ - đấy là khu vực phía Nam Kyoto, trên ngã tư Xinkiogoku và Đại lộ thứ tư.
Rồi ngay đấy Chieko thấy một cô gái đang bảy lần cầu khấn.
Chieko thấy cô ta từ phía sau, nhưng cũng hiểu ngay cô ta đến đây làm gì. Muốn làm phép bảy lần cầu khấn thì phải bảy bận lùi xa tượng thánh và bảy bận tiến lại gần miệng khấn vái. Vào những phút ấy thì không thể bắt chuyện với ai được.
- Ôi? Chieko không nén nổi tiếng kinh ngạc. Nàng có cảm giác như mình đã gặp cô gái này ở đâu thì phải. Chieko cũng lại làm phép bảy lần cầu khấn mà không rõ tại sao nàng làm thế nữa.
Cô gái lùi khỏi thánh linh về phía Tây rồi lại quay lại. Chieko cũng tiến lui tương tự, nhưng nàng lùi về phía đối diện, phía đông.
Cô gái cầu khấn nghiêm trang và lâu hơn Chieko. Với lại Chieko lùi cũng không xa bằng cô gái ấy. Nên sự thể là, họ đã khấn xong bảy lần đồng thời và giáp mặt nhau trước tượng thánh.
- Chị cầu gì vậy? - Chieko hỏi.
- Chị để ý em phải không? - Giọng cô gái run run. - Em cầu thánh báo cho em biết chị gái em ở đâu... Nhưng giờ thì em biết: đúng chị, chị là chị ruột của em! Ngài đã thuận cho chúng ta gặp nhau ở đây. - Đôi mắt cô gái đầy lệ.
Chieko đã nhận ra cô ấy: đó chính là cô gái ở cái làng trong Bắc Sơn.
Do ánh đèn lồng cũng như các ngọn nến do những người đến cúi mình trước thánh linh cắm mà chỗ này sáng lắm, nhưng cô ta vẫn không ngần ngại khóc. Những giọt nước mắt cô lấp lánh ánh lửa phản chiếu.
Chieko bỗng dưng muốn ôm chầm lấy cô ta. Vất vả kìm mình lại nàng nói:
- Em không có chị, cũng không có em gái. Em có một mình thôi. - Mặt nàng tái đi.
- Em hiểu mà, xin tiểu thư thứ lỗi, - cô gái thì thầm rồi đau xót nấc lên. - Từ bé em cứ hy vọng sẽ gặp được chị gái. Vậy mà lầm...
-...
Cô gái gật đầu, và những giọt lệ trào ra má cô. Lấy khăn tay lau mặt, cô hỏi:
- Tiểu thư ạ, vậy tiểu thư sinh ra ở đâu?
- Gần đây thôi, trong khu các nhà buôn lớn.
- Em hiểu. Thế còn lúc khấn tiểu thư kêu cầu điều gì vậy?
- Cầu cho cha mẹ được sung sướng, mạnh khỏe.
-...
- Còn cha chị thì sao? - Chieko hỏi.
- Cách đây nhiều năm rồi ông đã ngã cây trong Bắc Sơn lúc đang chặt cành và bị thương đến chết. Về sau, ở làng người ta kể cho em hay chứ lúc ấy em còn bé lắm, có hiểu gì đâu.
Chieko có cảm giác trái tim nàng bị bóp nghẹt: phải chăng, linh hồn người cha đã khuất vẫn vẫy gọi ta, thế nên ta thích đến ngôi làng ấy ngắm thông liễu. Cô gái này nói, chị em cô sinh đôi. Nên phải chăng, cha đã tự dằn vặt về chuyện vứt bỏ đứa con gái đứt ruột đẻ ra, Ở đấy, trên ngọn cây, lúc suy ngẫm về hành vi đã qua, sơ sảy một bước mà ngã. Sự thể có lẽ vậy. Trán Chieko toát mồ hôi lạnh. Cả tiếng ồn ào đám đông đầy chật Đại lộ thứ tư, cả những tiếng nhạc ngày hội như đã lùi xa đâu đó. Mắt tối sầm, dường như chỉ chút nữa là nàng ngất.
Cô gái chạm vào vai Chieko rồi lấy khăn mình lau mồ hôi trán cho nàng.
- Em cám ơn. - Chieko đón lấy chiếc khăn ở tay cô gái và lau mặt. Thậm chí nàng không nhận thấy nàng đã nhét khăn người khác vào ngực áo mình. - Còn mẹ chị thì sao?... - Nàng hỏi khẽ.
- Mẹ cũng... - Cô gái ấp úng. - Hình như, em ra đời cũng không phải trong Bắc Sơn chỗ có thông liễu đâu, mà ở một xóm núi xa xôi cơ - đằng quê mẹ. Thế rồi thì, mẹ em cũng...
Chieko không dám hỏi tiếp cô ta nữa.
° ° °
Nhưng giọt nước mắt của cô gái này là nước mắt vui sướng. Khi nó khô rồi khuôn mặt cô sáng lên niềm hạnh phúc.
Còn về phần Chieko thì tuy nàng gắng giữ vẻ tự tin, chân nàng vẫn run, lòng ngổn ngang bối rối. Nàng không đủ sức lực để trấn tĩnh được ngay. Tựa hồ chỉ có một điều khích lệ nàng, đấy là vẻ đẹp đằm thắm của cô gái. Song Chieko không cảm thấy niềm vui sướng không cần giấu giếm mà cô ta cảm nhận. Trái lại, cảm giác lo âu không cắt nghĩa nổi càng xâm chiếm lòng nàng dữ dội hơn.
Nàng vẫn chưa quyết được phải cư xử với cô gái này thế nào lúc cô ta chìa tay phải ra cho nàng và nói: "Tiểu thư..." Chieko nắm cánh tay đã chìa ra. Nó dãi dầu mưa gió, thô ráp chứ đâu được chăm chút như bàn tay Chieko. Song cô gái ý chừng không chú ý đến điều đó.
- Xin tạm biệt tiểu thư, - cô nói.
- Chị đã đi đấy ư?
- Em rất sung sướng...
- Mà tên chị là gì?
- Naeko.
- Naeko à? Còn em là Chieko.
- Hiện thời em đi ở cho người ta. Làng chúng em nhỏ lắm nên nếu chị có hỏi thì ai cũng sẽ chỉ cho chị biết chỗ em ở.
Chieko gật đầu.
- Tiểu thư ạ, chị chắc là hạnh phúc chứ?
- Vâng.
- Em sẽ chẳng hé một lời nào với ai về chuyện chúng ta đã gặp nhau. Em thề với chị đấy 7. Hãy để mình thánh Ghion mà giờ đây chúng ta đã kêu cầu biết điều đó.
"Tuy chúng ta là chị em sinh đôi đấy nhưng chắc Naeko nhận ra sự khác biệt về hoàn cảnh hiện thời của mỗi người, - Chieko nghĩ và lúng túng không biết trả lời sao, - mà chính ra người ta vứt bỏ là vứt bỏ ta chứ không phải chị ấy".
- Xin tạm biệt tiểu thư, - Naeko nhắc lại, - em phải đi một khi mọi người chưa để ý đến chúng ta...
Lòng Chieko thắt lại.
- Naeko, nhà em không xa đâu - dù sao ta cũng qua đấy chứ.
Naeko lắc đầu, nhưng vẫn hỏi:
- Nhà chị có những ai?
- Ý chị nói gia đình em phải không? Chỉ có cha với mẹ...
- Không hiểu sao em cứ nghĩ: chắc hẳn chị đã được yêu quý ngay từ bé.
Chieko chạm vào tay áo cô gái:
- Chúng ta đứng đây lâu rồi đấy, ta đừng để mọi người chú ý đến mình.
- Vâng, vâng.
Cô quay lại phía kiệu rước và lại quên mình mà cầu khấn lần nữa. Chieko vội vàng noi theo cô.
- Tạm biệt nhé, - lần thứ ba Naeko nói.
- Tạm biệt, - Chieko đáp.
- Em còn nhiều điều muốn nói với chị. Khi nào rảnh rỗi tiểu thư quá bộ ghé qua làng em nhé. Ta sẽ vào rừng, ở đấy chả có ai nghe thấy chúng ta nữa.
- Cám ơn.
Nhưng rồi vì sao không rõ cả hai người đi cùng một hướng - về phía cây cầu ở Đại lộ thứ tư.
° ° °
Hội đệ tử chùa Yaxaka rất lớn. Nó còn tiếp tục cử hành lễ Ghion cả sau cuộc rước kiệu ngày mười bảy tháng bảy. Cửa ra vào tất cả các cửa hiệu được mở toang. Những bình phong bích họa và nhiều đồ tuyệt tác khác được mang triển lãm cho công chúng rộng rãi xem. Thuở trước, người ta có thể xem ở đấy những tranh khắc Ukiyoe 8- thuộc loại cổ nhất! - và những họa phẩm của trường phái Kano, Yamatoe 9, những tấm bình phong nhị bình theo phong cách Sotatsu. Các bình phong còn được trang trí bằng cả những tranh nguyên bản theo phong cách Ukiyoe mô tả "những rợ phương Nam" 10. Dân Kyoto đã từ lâu cử hành qui mô lớn ngày lễ Ghion mình yêu thích.
Hồi âm của điều đó đến giờ vẫn còn có thể thấy vào dịp rước kiệu. Người ta lấy gấm Trung Hoa, thảm treo, vải dệt chỉ vàng và khảm đá quý, có hình thêu tay trang hoàng các cỗ kiệu. Thời xưa, nhiều họa sĩ nổi tiếng đã tham gia trang hoàng kiệu. Vẻ tráng lệ vốn có của thời Momoyama 11 giờ nằm cạnh những kỳ vật hải ngoại - những của hiếm của các nước thông thương với Nhật Bản.
Ở một vài cỗ kiệu người ta còn đặt cả cột buồm của những hải thuyền được giấy phép giao thương với nước ngoài. Âm nhạc trong dịp lễ Ghion chỉ lúc thoạt nghe là có vẻ thô sơ, chứ thực ra còn có hai mươi sáu cách diễn tấu nữa. Ngoài ra, người ta tìm thấy ở đó nhiều nét chung với nhạc đệm trong các vở diễn mibu kioghen 12 và với nhạc gagaku 13.
Tối hôm trước lễ là lúc người ta đang dùng những tràng đèn lồng nhỏ trang hoàng kiệu, các nhạc công thì chơi rõ to.
Mặc dù đám rước không đi qua những khu phố Kyoto nào nằm rải từ cầu Đại lộ thứ tư về phía đông nhưng cả ở vùng ấy nữa bầu không khí vui vẻ cũng ngư trị khắp nơi, đấy là chưa kể đến khu vực xung quanh chùa Yaxaka.
Gần tới cầu, đám đông xô đẩy Chieko và nàng bị tụt lại sau Naeko một chút.
Nàng vẫn không sao quyết được: chia tay Naeko ở đây chăng, hay đi với chị ấy đến tận nhà? Rồi bỗng dưng nàng cảm thấy mối tình cảm nồng nàn trước cô gái kia đang dâng lên trong tâm hồn...
- Kìa tiểu thư, tiểu thư Chieko! - Ra là Hideo gọi giật Naeko lại ở ngay lối lên cầu. - Tiểu thư đi chơi đêm trước lễ đấy ư? Đi một mình à?
Naeko dừng lại, lúng túng. Song cô không ngoảnh lại nhìn, cũng không ra ý đưa mắt tìm kiếm Chieko.
Chieko vội vã lẫn vào đám đông.
- Tiết trời đẹp lắm, phải không ạ? - Chàng trai nói với Naeko. - Có lẽ đến mai thời tiết cũng không thay đổi đâu - tiểu thư trông kìa, những vì sao tuyệt diệu biết bao...
Naeko nhìn lên trời, cố nấn ná cho qua. Mặc nhiên, nàng mới gặp Hideo đây là lần đầu.
Cách đây không lâu tôi đã phạm điều thất thố vô cùng với cụ nhà. Thế, tiểu thư quả thực thích cái thắt lưng chứ?
- T-t-ôi...
- Mà lúc tôi đi rồi cụ nhà không giận dữ gì chứ?
- T-t-ôi... - Naeko không biết phải trả lời như thế nào, phải cư xử với chàng trai không quen biết này ra sao đây.
Nhưng dù sao cô cũng không tính chuyện cầu đến Chieko.
° ° °
Naeko bối rối. Nếu đúng là Chieko muốn gặp chàng trai kia thì hẳn chị ấy đã lại với anh ta lúc này.
Chàng thanh niên đầu to, vai rộng, cặp mắt nhìn chăm chú.
Người có lẽ cũng khá, Naeko nghĩ. Nếu chưa gì đã nói chuyện thắt lưng, mà lưng thì hơi gù như thợ dệt thường ngày đứng máy, thì chắc anh ta ở bên Nhixidgin đây, cô quyết đoán.
- Tôi vì nông nổi đã quá lời nói mẫu vẽ của cụ nhà, rồi thì đêm không ngủ và dù sao cũng đã mạo muội dệt thắt lưng theo mẫu của cụ.
-...
- Tiểu thư đã lần nào mặc chiếc thắt lưng ấy chưa?
- T-t-ôi... - cô lúng túng nói không ra tiếng.
- Tiểu thư quả thực thích chiếc thắt lưng chứ?
Cầu không được sáng bằng đường phố, vả lại đám đông cứ chốc chốc lại tách họ ra... Nhưng dù sao Naeko cũng lấy làm lạ chàng thanh niên này sao có thể nhầm lẫn đến thế.
Kể thì khó mà phân biệt được những cặp sinh đôi một khi họ được nuôi dạy cùng trong một gia đình, nhưng Chieko với Naeko thì sống tách biệt mỗi người một ngả và lớn lên trong tình cảnh hoàn toàn không giống nhau. Hay chẳng qua anh ta cận thị cũng nên, cô nghĩ.
- Tiểu thư hãy cho phép tôi dệt tặng tiểu thư một chiếc thắt lưng theo mẫu riêng nhân dịp tiểu thư tròn hai mươi tuổi nhé.
- Xin cảm tạ tiên sinh, - Naeko ấp úng đáp.
- Chính các vị thánh đã run rủi cho chúng ta gặp nhau vào đêm trước lễ Ghion này sẽ trợ giúp tôi đấy.
Naeko chỉ còn biết ức đoán một điều: Chieko không muốn cho chàng thanh niên này đoán ra họ là chị em sinh đôi, bởi thế chị ấy mới không lại với anh ta.
- Xin tạm biệt, - cô nói.
- Tiểu thư đã đi rồi ư? Thật đáng tiếc... - Hideo hơi bị hẫng. - Còn thắt lưng thì dù sao tôi cũng sẽ dệt... Sang thu, khi lá phong bắt đầu đỏ, - anh khẩn khoản nhắc lại trước khi từ biệt.
Naeko đưa mắt dò tìm Chieko, nhưng đã không thấy đâu nữa.
Của đáng tội, câu chuyện chàng trai nói về thắt lưng không mảy may khiến cô lưu tâm. Lòng Naeko hoan hỉ vì cuộc hội ngộ với Chieko, cuộc hội ngộ mà cô coi là đã xảy ra theo ý muốn thánh thần. Ngả người vào thành cầu, cô ngắm những ánh lửa soi xuống mặt nước một lát.
Sau đó cô chậm rãi bước dọc lan can về phía Đại lộ thứ tư, định bụng sẽ tụng niệm ở chùa Yaxaka.
Đến khoảng giữa cầu cô nhận ra Chieko đã trò chuyện với hai người còn trẻ.
Cô gần như kêu lên vì bất ngờ, song không đến gần.
Naeko ngấm ngầm theo dõi họ một lúc.
° ° °
Họ nói chuyện gì thế nhỉ, Chieko nghĩ lúc nhìn Naeko với Hideo. Nàng đoán ngay ra là Hideo nhận lầm, nhưng cô gái kia sẽ xử sự ra sao khi lâm vào tình thế khó xử dường ấy?
Hay là, nên đến với họ thì hơn? Song nàng từ bỏ ngay ý định này. Đã thế, lúc nghe thấy Hideo gọi cô gái mà lại kêu tên nàng, Chieko đã ngay lập tức cố lẩn tránh họ trong đám đông.
Cớ sao nàng hành động như vậy?
Nỗi xao xuyến tâm hồn mà nàng nếm trải sau lúc gặp cô gái kia trước Thánh điện bên kiệu thiêng, hóa ra còn sâu sắc hơn niềm xao xuyến của Naeko. Chí ít cô ấy cũng biết rằng mình có người chị em sinh đôi, và cô tìm kiếm người hoặc chị hoặc em ấy của mình. Còn Chieko thì đâu hình dung nổi một chuyện như thế. Mọi sự xảy ra quá đột ngột và nàng còn chưa kịp hiểu rõ mình, chưa kịp cảm nhận niềm vui sướng bộc bạch mà Naeko đã nếm trải lúc tìm được người chị em.
Hôm nay là lần đầu tiên nhờ Naeko mà nàng biết cha đẻ nàng đã bị tai nạn đến chết lúc ngã từ cây thông liễu xuống, còn mẹ cũng chẳng bao lâu đã nối gót ông sang cõi bên kia. Nỗi niềm mất mát như một cơn đau khía vào tâm hồn nàng.
Đôi khi nàng cũng ngẫu nhiên nghe lỏm được hàng xóm to nhỏ rằng, nàng là con bị bỏ rơi, song Chieko vẫn cố không lưu tâm đến chuyện ai là cha đẻ nàng, giờ ông ở đâu. Cho dù có lưu tâm bao nhiêu đi nữa cũng cầm bằng là không biết mà thôi. Với lại, liệu có đáng phải dằn vặt không một khi ông Takichiro và bà Xighe yêu thương nàng đến quên mình là vậy.
Điều Naeko nói cho nàng hay vào buổi tối hôm trước lễ này không mang lại cho Chieko niềm vui sướng. Nhưng nàng cảm thấy tình chị em đằm thắm đang nảy nở trong tâm hồn mình.
"Chị ấy tâm hồn trong sạch và thuần phác hơn ta, cần cù và thể chất khỏe mạnh, - Chieko thầm suy nghĩ. - Có thể một lúc nào đó chị ấy sẽ là chỗ tựa cho ta..."
Trong đầu Chieko nảy ra ý nghĩ ấy lúc nàng lơ đãng lê bước trên cầu Đại lộ thứ tư.
- Kìa tiểu thư Chieko, tiểu thư Chieko, - đột nhiên tiếng Shinichi gọi vọng đến tai nàng. - Chị đi đâu một mình vậy? Chị xanh xao quá. Có chuyện gì ư?
- A, anh đấy à, Shinichi? - Chieko không đáp lại ngay, dường như nàng đang ở chốn nào xa, xa lắm. - Tôi vẫn hay nhớ lại lúc anh là chú tiểu trong lễ Ghion, hồi ấy anh đáng yêu làm sao.
- Ôi giời ơi cái đó mới thật khủng khiếp chứ? Nhưng giờ thì chỉ còn lại toàn những hồi ức thú vị.
Shinichi không đi một mình.
- Anh trai tôi, đang làm nghiên cứu sinh, - anh giới thiệu người cùng đi với mình.
Diện mạo thì người anh giống Shinichi, nhưng với Chieko, cung cách anh ta chào có vẻ như hơi sỗ.
- Thuở nhỏ Shinichi là thằng bé yếu ớt, dễ thương và xinh xẻo hệt như con gái vậy! Đã thế lại hơi đần đần nên không khéo vì vậy mà người ta chọn chú ấy đóng vai chú tiểu trong lễ Ghion cũng nên. - Anh ta cười ha hả.
Họ đi về phía giữa cầu. Chieko thỉnh thoảng đưa mắt đảo nhìn người anh Shinichi.
- Chieko ạ, trông chị hôm nay đúng là không được khỏe lắm, buồn bã và xanh xao quá, - Shinichi lo lắng.
- Chẳng qua ánh sáng chỗ cầu này nó thế, - Chieko nói. - Vả lại anh nhìn xem, bao nhiêu là người mà ai cũng cười đùa, thành ra một cô gái đơn độc thì anh thấy có cảm giác là buồn. Xin đừng ngại, tôi vẫn khỏe.
- Không phải, đằng này tôi thấy không hẳn như thế. - Shinichi kéo Chieko lại phía thành cầu. - Chieko đứng dựa vào lan can ấy.
- Cám ơn anh.
- Chỗ này có phần thoáng hơn, dù rằng gió sông thì cũng hầu như chả có tí nào.
Chieko áp chặt hai lòng bàn tay vào trán và nhắm mắt lại.
- Shinichi này, lúc người ta cử anh làm chú tiểu và đặt lên kiệu thì anh lên mấy nhỉ?
- Xem nào... Hình như, khoảng lên bảy. Còn nhớ là chuyện ấy xảy ra một năm trước lúc tôi đi học...
Chieko im lặng gật đầu. Nàng thò tay vào ngực áo để lấy khăn - chả là mặt và cổ nàng toát mồ hôi lạnh, - thì phát hiện ra chiếc khăn tay vốn của Naeko.
- Ơ! - nàng không nén được tiếng kêu kinh ngạc và cảm thấy nó còn ướt nước mắt Naeko. Nắm chiếc khăn trong tay, Chieko không dám rút nó ra. Thế rồi nàng vo nó thành một búi nhỏ, lau trán và vội vã nhét trở lại chỗ cũ. Nàng có cảm giác chỉ tí nữa thôi mình sẽ òa lên khóc.
Shinichi băn khoăn nhìn Chieko. Anh hiểu: cái cử chỉ lấy chiếc khăn ra rồi lại bỏ nó vào ngực áo cũng thô vụng như thế không hợp với phong thái nàng.
- Chieko ạ, rõ ràng chị không được khỏe, có lẽ là sốt nóng hay sốt rét gì đấy. Về nhà ngay đi thôi - chúng tôi sẽ tiễn chị, phải không anh?
Người kia im lặng gật đầu. Suốt từ nãy anh ta không rời mắt khỏi Chieko.
- Có nên không? Nhà tôi ngay gần đây thôi mà.
- Nhất lại là tiễn chị thì chúng tôi có quản gì đâu, - anh trai Shinichi quả quyết nói.
Họ rời cầu, đi về phía nhà Chieko.
- Shinichi này, thế anh có biết tôi cứ đi theo kiệu anh không? - Chieko hỏi.
- Có, tất nhiên tôi có nhớ chứ, - Shinichi đáp.
- Dạo ấy chúng ta là những đứa trẻ hoàn toàn vô tư.
- Thì thế! Tôi biết: chú tiểu mà nhìn ngang nhìn ngửa là không phải phép, nhưng dù sao tôi vẫn để ý thấy một cô bé lúc nào cũng theo sau kiệu. Không khéo đến mỏi rời chân mà vẫn không tụt lại...
- Chà, tuổi thơ đã ra đi không bao giờ trở lại, - Chieko thầm thì.
- Sao chị lại nói vậy? - Ngạc nhiên nhìn cô gái, Shinichi nói vẻ hơi trách móc. Buổi tối nay, rõ ràng nàng có gì xao xuyến trong lòng.
Họ đã tới nhà. Người anh trai lễ phép cúi mình chào Xighe vừa bước ra đón họ. Shinichi khiêm nhường đứng đằng sau anh ta.
° ° °
Takichiro đang uống sake ngày lễ với khách trong gian phòng đầu kia. Bản thân ông không uống bằng ông rót cho khách. Xighe thì lúc ra bếp, lúc ngồi cạnh phục dịch họ.
- Thưa, con về đây ạ, - Chieko nói lúc bước vào phòng và lễ phép cúi chào khách.
- Có gì mà hôm nay con về hơi sớm...- Xighe nói và chăm chú nhìn con gái.
- Có sớm đâu ạ, xin mẹ thứ lỗi vì con đã về muộn nên không đỡ đần được mẹ.
- Mình mẹ cứ từ từ làm cũng xong, - người mẹ đáp trong khi lén đưa mắt ra hiệu cho nàng. Họ ra gian bếp nơi rượu sa ke đang được hâm nóng trong các chai. - Con ơi, có chuyện gì làm con buồn chăng? Hai người đi tiễn không xúc phạm con đấy chứ?
- Không ạ, Shinichi với anh trai anh ta cư xử không chê vào đâu được - Con có vẻ không được khỏe... cả người con run lên đây này! - Xighe sờ trán nàng. - Tựa hồ như không sốt, nhưng sao con buồn thế? Khách sẽ ngủ lại nhà ta một đêm. Con sẽ ngủ với mẹ. - Xighe nhè nhẹ ôm lấy vai nàng.
Chieko cố cầm nước mắt.
- Con cứ lên gác và vào buồng đi. Mình mẹ làm cũng được.
- Cám ơn mẹ. - Chieko xúc động trước mối thông cảm của bà, lòng nàng nhẹ hẳn đi.
- Cha cũng đâm buồn: hôm nay ít khách đến thăm lắm. Lúc đang ăn tối có dăm sáu người tạt vào, nhưng ở lại thì chỉ một...
Tuy vậy Chieko vẫn đỡ lấy chai sake ở tay mẹ và mang vào phòng.
- Cám ơn tiểu thư, chúng tôi đã uống bao nhiêu rồi đấy, - khách nói.
Lúc rót sake cho khách, Chieko cảm thấy cánh tay phải nàng run, nàng phải lấy tay trái đỡ. Vậy mà rượu sake vẫn rót thành tia không đều xuống chén.
Đêm ấy, người ta thắp cả cây đèn Cơ đốc ngoài vườn. Hai khóm hoa tím hiện lên trong vầng ánh sáng của nó.
Hoa trên đấy đã rụng cả. Khóm trên với khóm dưới - mà sao nhỉ, nếu như đó là nàng và Naeko? Dường như, do tiền định chúng không gặp được nhau. Mà cũng có thể, dẫu sao chúng đã gặp nhau tối nay chăng? Chieko ngắm chúng trong làn ánh sáng mơ hồ của cây đèn đá, và mắt nàng một lần nữa lại đẫm lệ.
Takichiro cũng để ý thấy Chieko đang có chuyện không ổn, nên chốc chốc ông lại dè dặt đưa mắt nhìn nàng.
Chieko rời chiếu đứng dậy và lên tầng hai. Trong phòng ngủ của nàng đã sắp sẵn giường cho khách, nàng lấy cái gối của mình trong ngăn hốc tường ra, sang phòng bên và gieo mình xuống giường.
Sợ bên dưới nghe tiếng mình nức nở, hai tay dang rộng ôm lấy gối; nàng dụi mặt vào đó.
Xighe vào. Bà thấy chiếc gối đầm đìa nước mắt, bà mang chiếc mới đến rồi ra cầu thang. Bà dừng lại ở bậc trên cùng, đưa mắt về phía phòng ngủ, định nói điều gì đó song lại thôi và trở bước quay xuống.
° ° °
Phòng ngủ thừa chỗ xếp ba giường, nhưng chỉ sắp có hai.
Một cái trong đó là chiếc giường Chieko vẫn thường nằm. Chỗ chân giường xếp ngăn nắp hai chiếc khăn trải dùng mùa hè bằng lanh - chiếc của nàng và chiếc của mẹ.
Nghĩa là, bà Xighe không đưa nàng về giường mình, mà sẽ nằm vào giường cùng với nàng. Nhỏ nhặt thôi, song sự săn sóc của mẹ làm Chieko cảm động.
Những giọt nước mắt khô đi. Tâm hồn lại rạng lên.
- Phải, nhà của ta là đây, - nàng thầm thì.
Nói thật ra, điều đó thì quá rõ rồi, nhưng cuộc gặp gỡ tình cờ Naeko đã khơi đau tâm hồn nàng và nàng không sao yên lòng được.
Chieko lại gần gương, bắt đầu ngắm nghía khuôn mặt mình.
Nàng đã định trang điểm, một chút thôi, nhưng rồi nghĩ lại. Nàng chỉ lấy lọ nước hoa và phun một ít lên giường. Rồi thắt chặt dải dây lưng bên ngoài áo kimono mặc ngủ.
Nàng không ngủ được.
- Ta đối xử với chị Naeko ấy có lạnh nhạt quá không? - nàng nghĩ.
Chieko nhắm mắt lại, thế là trước mặt nàng hiện lên những rặng núi đẹp đẽ phủ đầy thông liễu cạnh làng Nakagaoa.
Giờ đây nàng đã rõ dù chỉ đôi điều về cha mẹ đẻ mình.
Kể lại chuyện ấy cho cha mẹ hay chứ? Mà có lẽ, không nên, Chieko do dự.
Chắc gì ông Takichiro và bà Xighe biết nàng sinh ở đâu và ai là cha mẹ đẻ của nàng.
Cha mẹ đẻ...
Cả hai không còn nữa, Chieko nghĩ, song đôi mắt nàng lúc ấy đã thành khô cạn.
Tiếng nhạc ngày lễ từ ngoài phố vọng vào.
Hình như ông khách này buôn tơ lụa ở Nagahama. Ông ta nói năng rất to - có lẽ do tác dụng của rượu sake có hơi quá chén. Ở tầng hai nàng chỉ nghe lõm bõm câu chuyện.
Khách than phiền về chuyện đám rước kiệu bây giờ cứ từ Đại lộ thứ tư đi qua khu Kaoara đã trở nên quá ư tân kỳ, rồi rẽ sang phố Oike và ngang qua ngôi nhà tòa thị chính, nơi thậm chí người ta bố trí cả ghế cho người xem, tóm lại, tất cả đều hóa thành "buổi trình diễn thông thường dành cho du khách".
Trước kia, những cỗ kiệu di chuyển dọc các dãy phố hẹp tiêu biểu cho Kyoto và có khi còn mắc cả vào một vài ngôi nhà, nhưng dầu sao thời ấy còn có bầu không khí đặc biệt thân tình - nhất là khi từ tầng hai người ta trao chimaki 14 đúng là tận tay cho những người ngự trên kiệu. Chứ bây giờ ở các phố rộng thì chỉ còn cách ném cho họ mà thôi.
Về phần mình, Takichiro minh giải rằng, ở các phố hẹp thì khó mà xem kỹ được trang trí ở phần dưới các kiệu, thành ra bây giờ người ta làm vậy cũng phải - ông nói - khi hướng cuộc rước theo các phố rộng, - vậy là mọi thứ đều thấy rõ cả.
Chieko mang máng thấy, hình như lúc sắp thiếp đi nàng nghe tiếng những bánh xe kiệu bằng gỗ đồ sộ đang lọc cọc rẽ ở ngã tư đầu phố.
*
Đêm nay thì bất tiện - phòng bên có khách - nhưng mai nàng sẽ kể cho cha mẹ hay tất cả những gì về Naeko mà nàng biết.
Không phải gia đình nào ở cái làng trong Bắc Sơn cũng có một lô đất riêng trồng thông liễu. Những gia đình như vậy trong làng không nhiều. Chieko đoán cha mẹ đẻ nàng vốn dĩ làm mướn cho một trong những chủ lô ấy.
Thì Naeko nói đấy thôi: "Em đi làm cho người ta".
Vốn là hai chục năm trước thì cha mẹ không những muốn giấu chuyện họ có con sinh đôi, mà họ còn hiểu rõ hai đứa thì họ không nuôi nổi. Có lẽ vì thế mà đã quyết định vứt bỏ ta, Chieko đoán.
Nàng đã quên hỏi Naeko ba chuyện. - Thứ nhất là, Naeko có biết tại sao họ lại quyết định vứt bỏ chính nàng - Chieko không?
Mặc dù nói cho đúng ra làm sao chị ấy biết được khi còn là đứa bé ẵm ngửa? Rồi thì, điều bất hạnh cho cha xảy ra khi nào? Sự thực thì Naeko đã bảo chuyện ấy xảy ra chẳng bao lâu sau khi nàng ra đời, sau cùng, chị ấy có nói rằng chị hình như đã sinh ở quê mẹ. - Ở một làng nằm sâu trong vùng núi. Đấy là làng nào?
Naeko linh cảm thấy sự khác biệt về địa vị hai người nên sẽ không đời nào đến thăm trước, vì vậy nếu cần gặp để hỏi chị ấy cho cặn kẽ thì mình phải tự đến làng chị ấy, Chieko lập luận như vậy.
Nhưng Chieko cũng hiểu từ nay trở đi nàng sẽ không thể ngấm ngầm giấu cha mẹ đến đấy được nữa.
Nàng đã nhiều lần đọc đi đọc lại tác phẩm nổi tiếng của Dgiro Oxaraghi 15: Những cám dỗ của Kyoto - Một câu của cuốn sách đó hiện ra trong trí nàng:
"Dường như, rặng Bắc Sơn với từng dãy ngọn thông liễu xanh mướt giống như mây tầng và những thân thông đỏ sắp thành hàng tao nhã đang hòa trộn các giọng ca cây cối thành một nét nhạc du dương duy nhất".
Không phải thứ âm nhạc ngày lễ, không phải tiếng ồn ào ngày lễ, mà là nét nhạc của những rặng núi xoay vòng hệt như đang quây quần lại bên nhau ấy và những giọng ca của cây cối giờ đây vang vọng trong hồn Chieko. Nàng có cảm giác như những tiếng ca và nét nhạc kia đang thấm vào nàng bằng muôn ngả cầu vồng vẫn thường óng lên trên rặng Bắc Sơn...
Nỗi buồn của Chieko thành ra man mác. Mà có lẽ, đấy đâu phải nỗi buồn? Hay, sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng, bối rối do cuộc gặp gỡ bất ngờ Naeko gây nên chăng? Thế nhưng, còn những giọt nước mắt... Hình như, đấy là số phận của các cô gái.
Chieko trở mình sang bên kia rồi nhắm mắt lại, nàng lắng nghe khúc hát của những dãy núi.
- Naeko thì vui sướng, còn ta..." - Nàng hồi tưởng.
Ngoài cầu thang có tiếng bước chân. Cha mẹ và khách đã lên tầng hai.
- Chúc ngài nghỉ ngơi được dễ chịu, - tiếng Takichiro nói vọng đến tai nàng.
Xighe chu đáo sắp xếp quần áo của khách rồi vào phòng, chỗ Chieko nằm, định sắp kimono cho Takichiro.
- Mẹ cứ để con, - Chieko nói.
- Con chưa ngủ ư? - Xighe ngạc nhiên và đưa chiếc kimono cho nàng. - Mùi dễ chịu làm sao. Thế chứng tỏ là đang có cô gái trẻ bên cạnh, - bà dịu dàng lẩm bẩm lúc nằm xuống giường.
- Xighe này, - có tiếng Takichiro. - Theo chỗ tôi hiểu thì ngài Arita có ý muốn cho con trai sang bên ta.
- Để bán hàng à?
- Không, nhập gia cơ đấy, lấy Chieko làm vợ.
- Bây giờ không phải lúc nói chuyện ấy, con nó còn chưa ngủ cơ mà, - Xighe cố ngăn chồng lại.
- Tôi biết rồi, nhưng Chieko cũng nên nghe.
- Arita muốn cho người con thứ sang. Mình đã thấy anh ta rồi đấy - anh ta đã nhiều lần được ủy thác sang cửa hàng nhà ta.
- Tôi không thấy ưa ngài Arita ấy lắm, - Xighe xẵng giọng quyết liệt đáp.
Âm nhạc của những ngọn núi vẫn ngân nga trong Chieko thoắt im bặt.
- Con thấy thế nào, Chieko? - Bà mẹ quay về phía cô gái. Chieko mở mắt nhưng không nói gì. Gian phòng im ắng. Như để đề phòng một hiểm họa đang tới, Chieko bắt chéo chân trong chăn và lặng đi.
- Ngài Arita thèm muốn cửa hiệu của tôi, tôi nghĩ thế. - Takichiro phá tan bầu im lặng, vả lại ông ta biết Chieko là cô gái tuyệt vời, một giai nhân là đằng khác... ông ta thường giao thiệp với nhà ta và biết rất rõ tình cảnh của chúng ta, ắt hẳn có ai đó trong số những người bán hàng của tôi đã thông báo cho ông ấy.
- Đúng, Chieko của ta rất tuyệt! Nhưng gả chồng cho nó chỉ cốt cứu vãn tình thế thì thật đáng xấu hổ. Phải không Xighe?
- Chính thế, - Xighe khẳng định.
- Tôi chẳng thích gì việc buôn bán.
- Xin cha thứ lỗi vì hồi ấy con đã ép cha nhận cuốn vựng tập Paul Klee kia, - Chieko vừa nhổm dậy trên giường vừa nói.
- Sao con lại nói vậy? Trái lại, việc đó đã đem lại cho cha con niềm vui và niềm an ủi đấy chứ. Giờ đây ta đã hiểu, đáng nên sống vì cái gì. Dù ta đâu được ban phát tài năng của một họa sĩ...
- Cha!
- Này con, Chieko, hay ta cứ bán cửa hiệu nhà ta đi, mua lấy căn nhà nhỏ - nho nhỏ ở đâu đấy trong vùng Nhixidgin hoặc một góc nào yên tĩnh gần chùa Nandgendgi hoặc giả ở Okadgiaki rồi sẽ bắt đầu cùng nhau vẽ các phác thảo cho kimono và thắt lưng. Con không sợ cảnh nghèo chứ?
- Cảnh nghèo? Con ư? Không đâu!
- Rồi, rồi, - Takichiro nửa thức nửa ngủ lẩm bẩm rồi lặng im.
Hình như ông đã thiếp đi. Còn Chieko thì không ngủ được.
Song sáng hôm sau, nàng dậy sớm, quét dọn đường phố trước cửa hiệu và phủi bụi ở hàng rào với ghế băng.
Và lễ Ghion còn tiếp tục.
Ngày mười tám người ta dựng những cỗ kiệu yama 16 cuối cùng, hai mươi ba là hôm trước buổi hoàn tất lễ và khánh tiết những bình phong vẽ màu, hai mươi tư - lễ rước kiệu yama, sau đó là công diễn ở chùa, hai mươi tám, - "tẩy trần" các cỗ kiệu thiêng và trả chúng về chùa Yaxaka, hai mươi chín - long trọng tuyên cáo kết thúc lễ Ghion.
Suốt tháng trong khi diễn ra hội lễ, một mối ưu tư mơ hồ không rời Chieko.
Những sắc màu mùa thu.
Một trong các vật chứng còn sót lại đến ngày nay của "công cuộc khai hóa" thời Maydgi 17 là đường xe điện chạy tuyến Kitano. Vậy mà cuối cùng người ta đã quyết định bóc đi đường xe điện cổ nhất nước Nhật này.
Kinh đô ngàn năm quá đỗi nhanh chóng hấp thụ chút gì đấy của phương Tây. Bản tính dân Kyoto có nét đặc biệt ấy.
Song có lẽ tính cách của cố đô còn biểu hiện ở chỗ cho đến ngày nay, toa xe điện già nua có tục danh "đin-đin" kia vẫn còn chạy trên các phố xá của nó. Toa xe nhỏ và chật đến nỗi hành khách ngồi các ghế băng kề nhau cứ chạm đầu gối vào nhau.
Khi đã có quyết định cho xe điện thôi chạy, người dân Kyoto thấy lòng đầy tiếc nuối, thế rồi, âu cũng là một cách để đánh dấu sự chia tay, người ta lấy hoa giả trang hoàng cho nó và gọi nó là "toa xe điện tưởng niệm". Những người Kyoto xuất hành bằng xe điện những chuyến cuối cùng đều ăn mặc theo lối thời Maydgi xa xưa. Vậy là sự kiện này đã biến thành một thứ ngày lễ, được thông báo cho toàn thể dân cư Kyoto biết.
Chiếc xe điện cũ kỹ chạy trên tuyến Kitano vài ngày, chứa đầy đám người nhàn tản. Chuyện là vào tháng bảy, nên có nhiều người ngồi xe điện mà vẫn giương ô che nắng.
Ở Kyoto bây giờ hiếm mà gặp được ai còn đùng ô che nắng.
Của đáng tội, người ta cho rằng ánh nắng mùa hè ở Kyoto gắt hơn ở Tokyo.
Lên "toa xe điện tưởng niệm" ở ga Kyoto, Takichiro chú ý đến một người đàn bà trạc trung niên, nhũn nhặn chiếm một chỗ ở ghế dưới cùng và mỉm cười nhìn ông. Takichiro sinh ngay từ thời Maydgi nên đủ tư cách đi chuyến xe này.
- Sao cô lại ở đây thế - Cố nén bối rối ông hỏi.
- Tôi sinh ngay sau Maydgi kia mà. Với lại bao giờ tôi chả đi tuyến Kitano.
- Ra thế...
- "Ra thế", "ra thế"... ông vô tình lắm? Rốt cuộc đã nhớ ra tôi chưa?
- Cô có cô bé kháu khỉnh quá. Lâu nay giấu cô ta đi đâu thế?
- Chả giấu đi đâu hết. Chắc ông cũng biết - đấy không phải là con tôi.
- Làm sao tôi biết được. Đàn bà - họ sao mà...
- Dựa vào đâu mà ông đã kết luận? Đàn ông các ông mới thật bao giờ chả thèm chanh cốm.
Mặt cô bé trắng xanh. Cô ta thực là có sức hấp dẫn. Trông bề ngoài trạc mười bốn, mười lăm tuổi. Cô ta mặc kimono mùa hè, thắt giải lưng hẹp màu đỏ. Cái nhìn của Takichiro khiến cô ngượng nghịu, và cô cúi gằm, lặng lẽ ngồi cạnh người đàn bà, không dám ngước mắt lên.
Takichiro khe khẽ giật tay áo người đàn bà và nháy mắt ra hiệu.
- Chiy-chian, ngồi sang đây, giữa chúng tôi đây này, - bà ta nói.
Cả ba người im lặng một lúc. Sau đấy, người đàn bà ngoái qua đầu cô bé nói thầm vào ta Takichiro:
- Tôi định gửi nó vào trường múa Ghion - cứ để nó học đã.
- Ai là mẹ cô bé?
- Một người đàn bà ở phòng trà cạnh chỗ tôi.
- Được rồi.
- Có người cho đấy là con của tôi với ông, - người đàn bà nói thầm chỉ vừa đủ nghe.
- Không thể như thế được!
Người đàn bà là chủ phòng trà ở Thất lâu Thượng quận.
- Nếu ông đã thích cô bé thế thì hay là, hãy đưa chúng tôi sang chùa Kitano bái tạ thánh Tendgin đi?
Takichiro hiểu rằng người đàn bà nói đùa, nhưng tuy vậy vẫn hỏi:
- Cô bao nhiêu tuổi?
- Đã lên lớp nhất trường trung học ạ.
- Ví như, - vừa chăm chú nhìn cô bé Takichiro vừa lẩm nhẩm...- Tôi có được sinh ra lần nữa ở thế giới này hay thế giới bên kia, tôi cầu xin...
Câu nói bóng gió mơ hồ của Takichiro vậy mà vẫn ý chừng hiểu được. Không phải vô cớ mà cô bé ra đời ở quận "son phấn!".
- Sao tôi lại phải theo các cô đến chỗ Tendgin vì thích cô bé này? Cô ta là hiện thân của thánh Tendgin hay sao? - Takichiro nói đùa.
- Ông đoán đúng đấy.
- Nhưng Tendgin là đàn ông cơ mà!
- Nhưng đồng thời cũng có lúc ngài biến thành đàn bà, - bà ta chống chế. - Và nếu cô bé biến thành đàn ông, còn ông lại mang lốt cô ta thì một mối tình như thế chả đem lại điều gì tốt lành đâu, mà sẽ còn đày đọa hơn nhiều.
Takichiro cười sằng sặc:
- Nhưng này, cả đàn bà cũng có thể chứ?
- Sao lại không? Nhưng tôi thì tôi biết: chỉ những cô nào trẻ đẹp mới hợp khẩu vị ông thôi.
- Điều đó thì đúng.
- Cô bé xinh đẹp thật không thể chối cãi được. Mớ tóc huyền cắt ngắn óng lên mượt mà, cặp mắt hai mí tuyệt đẹp...
- Người mẹ có mỗi mình cô ta à? - Takichiro hỏi.
- Không, cô bé có hai chị. Cô chị lớn, xuân năm tới thi hết trung học. Sau đấy có lẽ sẽ đi làm vũ nữ.
- Cũng đẹp chứ?
- Họ na ná nhau, nhưng cô chị còn thua kém cô ta về nhan sắc.
Ở Thất lâu Thượng quận chẳng bao lâu nữa sẽ không còn lấy một cô vũ nữ nào. Rồi kiếm đâu ra họ đây? Bây giờ người ta cấm các cô gái đi làm vũ nữ trước khi học hết trung học.
Cái tên "Thất lâu Thượng quận" hình như có nguồn gốc từ thời trong khu này có cả thảy bảy phòng trà. Người nào đấy đã nói với Takichiro rằng bây giờ con số đó là trên hai chục, song tên cũ vẫn còn.
Vào thời mình, thật ra đã xa xôi gì lắm đâu. Takichiro thường ghé tới đó chơi với các chủ xưởng dệt ở Nhixidgin và các khách hàng quen ở tỉnh xa của mình. Trong ký ức ông bất giác hiện lên hình bóng những người đàn bà vẫn cùng ông tiêu khiển lúc đó.
Thời bấy giờ, việc kinh doanh nơi cửa hiệu ông còn đang khấm khá.
- Và cô cũng thấy hay hay mỗi lần lên cái xe điện này, - Takichiro quay về người đàn bà nói.
- Nỗi luyến tiếc thời quá khứ đã qua không bao giờ trở lại có lẽ là cái chủ yếu nhất trong con người. Chúng tôi không bao giờ quên những khách ngày xưa của mình - nghề chúng tôi nó thế đấy...- bà chủ phòng trà thốt lên.
-...
- Hôm nay đây tôi cũng đã đưa tiễn một trong những người khách ra ga, thành ra trên đường về mới đi cái xe điện này. Còn như chuyện ông đi "toa xe tưởng niệm", đã thế lại đi một mình mới thực là lạ.
- Có gì lạ đâu chẳng qua là muốn đi dạo. - Takichiro trầm ngâm cúi đầu - Mà có lẽ nguyên cớ là những hồi ức dễ chịu về quá khứ và những suy nghĩ đáng buồn về ngày hôm nay.
- Ở tuổi ông mà còn buồn ư? Đi với chúng tôi đi, ngắm qua các cô kỹ nữ trẻ dễ thương một chút vậy.
Bản thân Takichiro cũng ngã theo ý định tới thăm Thất lâu Thượng quận.
° ° °
Ở chùa Kitano, bà chủ phòng trà lại ngay phía tượng Tendgin, và Takichiro chả còn cách nào khác là đi theo bà ta. Bà ta để hết tâm trí khấn vái hồi lâu. Cô bé lặng lẽ cúi dầu trước tượng thánh.
- Chiy-chian, bái biệt ngài đi, - người đàn bà nói lúc đã cầu khấn xong.
- Vâng ạ.
- Về thôi, Chiy-chian.
- Cám ơn ạ. - Cô bé cúi chào đi ra. Lúc cô đã đi xa, dáng cô đi lại càng giống dáng đi của một cô nữ sinh bình thường hơn.
- Có lẽ cô bé hợp ý ông chăng. Hai, ba năm nữa chúng tôi sẽ đưa cô ta vào việc. Đừng mất hi vọng... Đến lúc bấy giờ cô ta sẽ trở thành một giai nhân thật sự.
Takichiro lặng thinh. Nếu mà ông ở đây, có đi dạo khu vườn thênh thang của Thánh điện cũng tốt đấy, ông nghĩ. Nhưng trời nóng quá rồi.
- Có lẽ tôi ghé vào chỗ cô nghỉ một chút. Mệt mỏi thế nào ấy.
- Hân hạnh, rất hân hạnh.
Lúc họ đã tới gần ngôi phòng trà xưa cũ, bà chủ cúi đầu nói theo phép tắc:
- Xin mời, đã lâu tiên sinh chưa hạ cố đến tệ thất, vậy mà ngôi phòng trà tầm thường của chúng tôi vẫn được tin lành về tiên sinh.
- Tôi muốn nghỉ, cho mang gối đệm lại nhé. Còn điều này nữa: phải có ai đấy để tán gẫu tí chứ - mà dê dễ tính cho một chút! Có điều đừng là một người quen cũ.
Ông đã bắt đầu thiu thiu ngủ thì cô kỹ nữ trẻ xuất hiện. Cô lặng thinh ngồi ghé xuống đầu giường, không dám làm mất yên tĩnh: khách thì lạ và xét theo mọi phương diện là người cao ngạo. Takichiro nằm yên, chưa muốn mở đầu câu chuyện trước. Để thu hút sự chú ý của khách, để khích lệ ông, cô kỹ nữ lên tiếng kể rằng, cô làm ở đây đã được hai năm, rằng trong toàn bộ số khách vẫn ghé lại chỗ cô, cô thích bốn mươi bảy người.
Cứ như là trong vở Bốn mươi bảy chàng samurai 18 ấy. Trong đấy có cả những người bốn, năm mươi tuổi. Chính em bây giờ còn ngạc nhiên. Thậm chí họ còn chế giễu em: họ nói, làm sao có thể yêu từng ấy người mà không được đền đáp?
Takichiro đã tỉnh hẳn.
- Thế bây giờ?... - ông hỏi - Giờ chỉ còn lại một.
Bà chủ bước vào phòng.
Cô kỹ nữ chưa quá hai mươi, không lẽ cô ta quả thật nhớ con số "bốn mươi bảy" kia - dù sao thì những quan hệ với khách cũng ngắn ngủi biết chừng nào, Takichiro nghĩ.
Đúng lúc ấy cô kỹ nữ kể rằng vào ngày thứ ba cô làm ở phòng trà, một ông khách khó ưa đã yêu cầu dẫn ông ta ra nhà vệ sinh và trên đường đi giở trò thô bạo hôn cô. Cô đã nổi xung đến mức cắn lưỡi ông ta.
- Chảy máu không? - Takichiro hỏi.
- Có, máu tuôn như suối. Ông khách phát khùng lên, đòi tiền chạy chữa. Em thì khóc sướt mướt. Tóm lại là, rùm beng không thể tưởng tượng được. Khó khăn lắm người ta mới đẩy được ông khách ra. Lúc ấy có lẽ cô ta chỉ độ mười tám, không hơn.
° ° °
- Nhe răng ra đi nào, - Takichiro ra lệnh.
- Răng? Răng em ư?? Ngài không thấy lúc em nói sao?
- Cứ nhe đến nơi đến chốn xem nào.
- Để làm gì ạ? Thế thật khiếm nhã quá. - Cô kỹ nữ cười hi hi. - Xin tiên sinh miễn cho, lệnh của ngài khiến em không nói được nữa.
Răng cô kỹ nữ nhỏ và rất trắng.
- Chắc em đã làm gãy cả răng nên phải trồng răng mới phải không? - Takichiro nói đùa.
- Đâu nào! Lưỡi thì mềm không. Ấy chết, em đang nói gì thế này. - Chính là lỗi ở ngài cả đấy, - cô kỹ nữ kêu lên rồi thẹn thùng núp sau lưng bà chủ.
Chuyện vãn với bà chủ một lát, Takichiro nói:
- Một khi tôi đã đến đây cũng nên ghé thăm Nakadxato chăng?
- Đúng đấy! Bà chủ Nakadxato sẽ rất mừng được tiếp một vị khách thế này. Cho phép đưa ông đi nhé. - Bà chủ ra khỏi phòng.
Chắc là để trang điểm sơ sơ trước gương.
Phía bên ngoài, phòng trà Nakadxato không có thay đổi gì khác thường, song gian phòng người ta tiếp khách thì đã được trần thiết và bày biện lại toàn bộ.
Thêm một cô kỹ nữ nữa nhập bọn với họ, và Takichiro đã lưu lại chỗ Nakadxato đến khuya...
° ° °
Lúc Hideo gõ cửa hiệu, Takichiro chưa về. Chàng trai nói mình muốn được gặp Chieko và nàng đã ra chỗ anh.
- Tôi mang bức phác thảo đã hứa đến. Tiểu thư có nhớ, hôm lễ Ghion tôi nói sẽ vẽ... - Hideo lúng búng.
- Chieko, - bà Xighe gọi nàng, - mời khách vào nhà đi con.
- Vào ngay đây ạ.
Chieko đưa anh vào căn phòng trông ra vườn. Hideo giở các phác thảo ra. Có hai bức. Một bức là họa tiết hoa lá cúc đại đóa. Hình những chiếc lá cách điệu khá nhiều nên không phải ngay lập tức đoán được nó mô phỏng cái gì. Phác thảo thứ hai là những chiếc lá phong đỏ.
- Tuyệt trần. - Chieko reo lên, mắt không rời nổi hai phác thảo.
- Tôi vô cùng sung sướng vì tiểu thư lấy làm thích, - Hideo nói, - mẫu nào hợp ý tiểu thư hơn?
- Chọn bức nào ư? Thắt lưng hoa cúc mặc được quanh năm...
- Như vậy là tiểu thư cho phép dệt thắt lưng theo kiểu mẫu ấy chứ?
Chieko cúi gằm xuống, nét mặt nàng đăm chiêu có vẻ buồn.
- Hai mẫu vẽ đều đẹp... - nàng lưỡng lự nói. - Thế tiên sinh không thể dệt những dãy núi phủ đầy thông liễu và thông đỏ lên thắt lưng được hay sao?
- Thắt lưng có núi non phủ thông liễu và thông đỏ ư? Hơi khó đấy, nhưng tôi sẽ nghĩ. - Chàng trai nhìn Chieko có vẻ thắc mắc.
- Xin lượng thứ cho sự đường đột của tôi, thưa Hideo tiên sinh.
- Thực ra thì, có gì mà tiểu thư phải xin lỗi?...
- Sự thể là... - Chieko ấp úng. - Sự thể là ở chỗ buổi tối trước lễ Ghion ấy, tiên sinh đã hứa dệt thắt lưng không phải là với tôi. Tiên sinh tưởng lầm người khác là tôi đấy.
° ° °
Hideo đúng là cứng lười không nói ra lời nữa. Mặt anh cắt không còn hột máu. Anh không thể tin vào cái điều mình vừa nghe. Chính là vì Chieko mà anh làm bức phác thảo kia, mà đã đặt vào đấy tài nghệ và tất cả tâm hồn mình. Có lẽ Chieko quyết định chối từ anh chăng?
Hideo cảm thấy điều Chieko nói với anh lúc này thật hoàn toàn khó hiểu. Không nhịn được nữa, anh thốt lên:
- Phải chăng tôi đã gặp cái bóng của cô, thưa tiểu thư? Hay là tôi chỉ chuyện trò với cái bóng của Chieko? - Của đáng tội anh đã không dám nói: với cái bóng của người con gái yêu dấu. - Mà các bóng ma thì không được hiện diện trong lễ Ghion.
Chieko tái mặt đi.
- Tôi sẽ xin nói hết sự thật, thưa Hideo tiên sinh. Lúc bấy giờ tiên sinh đã ngẫu nhiên gặp và nói chuyện với người chị em của tôi.
-...
- Phải, với người chị em!
-....
- Mà cả cha lẫn mẹ đều chưa biết chuyện này đâu.
- Ôi chao ơi! - Hideo thốt ra, vẫn còn chưa hiểu gì cả.
- Tiên sinh có biết ngôi làng trong Bắc Sơn, chỗ người ta làm gỗ súc tròn bằng thông liễu không? Cô gái ấy làm việc ở đấy đấy.
- Thế ư?! - Mọi sự đều bất ngờ đối với Hideo đến độ anh ngắc ngứ không nói ra lời mà chỉ đối đáp bằng các thán từ đã mất hết ý nghĩa.
- Tiên sinh đã đến Bắc Sơn chưa? - Chieko hỏi.
- Đã có lần tôi đã đáp xe buýt...- Rốt cuộc thì Hideo cũng đã nói năng được.
- Tiên sinh hãy dệt thắt lưng cho cô gái ấy.
- Được.
- Rồi mang tặng chị ấy.
- Xin vâng. - Hideo gật đầu vẻ lưỡng lự. - Nghĩa là vì cô gái ấy mà tiểu thư yêu cầu dệt hình núi với thông liễu và thông đỏ phải không?
Chieko gật đầu.
- Được tôi sẽ làm. Nhưng liệu một chiếc thắt lưng như thế có luôn luôn làm cô gái ấy nhớ đến công việc và đời sống thường ngày của mình không?
- Mọi sự tùy thuộc ở chỗ tiên sinh sẽ làm việc đó ra sao.
-...
- Chị ấy sẽ trân trọng chiếc thắt lưng như vậy suốt đời. Tên chị ấy là Naeko. Chị ấy không giàu đâu, nhưng cần cù lao động. Đấy là một tâm hồn trong trắng, chị ấy khỏe mạnh, chị ấy tốt hơn tôi... Cố nhiên rồi...
Vẫn còn băn khoăn, Hideo lại nói:
- Một khi đã là yêu cầu của tiểu thư, tôi sẽ cố dệt chiếc thắt lưng thật đẹp.
- Mong rằng tiên sinh nhớ cho: tên chị ấy là Naeko.
- Tôi hiểu, thế nhưng Chieko này, sao cô gái ấy giống tiểu thư đến thế?
- Chúng tôi là chị em cơ mà.
- Ngay cả chị em ruột cũng không giống nhau như thế...
Chieko quyết định hãy tạm chưa lộ cho Hideo biết nàng với Naeko sinh đôi, cũng có nghĩa rằng, chả có gì đáng ngạc nhiên nếu như dưới ánh đèn lù mù buổi tối Hideo tưởng lầm Naeko là người chị em của chị ấy.
° ° °
Hideo chả còn biết đoán định thế nào nữa: sao lại có chuyện con gái của một trong những nhà doanh thương đáng kính ở Kyoto với cô gái mài gỗ thông liễu ở cái làng trên Bắc Sơn lại là chị em được?
Nhưng anh không gạn hỏi Chieko điều đó.
- Khi nào xong thắt lưng thì cứ mang đến cho tiểu thư chứ? - Anh hỏi.
- Thế tiên sinh không thể trao nó cho Naeko được sao? - Chieko hỏi sau một thoáng ngẫm nghĩ.
- Dĩ nhiên là được thôi.
- Nếu vậy tiên sinh hãy làm thế đi, tuy đến làng không gần đâu.
Lời yêu cầu của Chieko có thâm ý riêng bên trong.
- Tôi biết là không gần.
- Ôi, chị ấy sẽ mừng rỡ biết bao!
- Nhưng liệu cô ấy có thuận lòng nhận cho tôi chiếc thắt lưng không? - Có lý để nghi ngờ, Hideo nói. - Chắc hẳn cô gái sẽ lấy làm ngạc nhiên đấy.
- Tôi sẽ báo trước cho Naeko.
- Nếu vậy tôi sẽ đem thắt lưng đến chỗ cô ấy. Thế còn địa chỉ?
- Ý tiên sinh muốn nói chỗ nhà Naeko hiện thời ở chứ gì? - Chieko hỏi lại để cố tranh thủ thời gian, - vì ngay cả nàng cũng có biết địa chỉ đâu.
- Vâng.
- Tôi sẽ viết thư hoặc gọi điện thoại báo cho tiên sinh sau.
- Xin cảm ơn. Tôi sẽ cố gắng làm chiếc thắt lưng thật tốt, như thể tôi được dịp dệt cho chính tiểu thư vậy, thưa tiểu thư.
- Cảm ơn tiên sinh. - Chieko cúi đầu tạ. - Và xin tiên sinh đừng xem yêu cầu của tôi là kỳ quặc.
-...
- Vâng, thưa Hideo tiên sinh, xin hãy vì Naeko mà làm chiếc thắt lưng thật tốt, như thể tiên sinh dệt nó cho tôi vậy.
- Xin vâng, thưa tiểu thư.
Ra khỏi cửa hiệu Hideo vẫn lấn vấn về chuyện bí ẩn xung quanh hai chị em mất một lúc, nhưng tâm trí anh còn hướng vào mẫu trang trí cho thắt lưng nhiều hơn.
Nếu như mẫu đã mô phỏng cảnh núi non phủ thông đỏ và thông liễu thì cần phải tạo ra một phác thảo khác lạ, thậm chí táo bạo về mặt ý tưởng, nếu không, đối với Chieko chiếc thắt lưng sẽ có vẻ quá ư tầm thường. Hideo vẫn còn cảm giác như anh phải dệt thắt lưng cho Chieko dùng. Mà cho dù nó sẽ thuộc về cô gái Naeko kia chăng nữa vẫn phải gắng làm sao để hình trang trí trên thắt lưng khỏi nhắc nhở cô ta về công việc quen thuộc hàng ngày. Chính anh đã nói với Chieko điều đó cơ mà.
Hideo đi về phía cầu Đại lộ thứ tư, nơi anh đã đột nhiên gặp hoặc Chieko mà tưởng lầm là Naeko hoặc Naeko mà tưởng lầm là Chieko, - giờ thì ngay anh cũng rối trí. Một ngày nồng nực, ánh mặt trời ban trưa như thiêu như đốt.
Hideo tựa vào lan can ngay đầu cầu rồi nhắm mắt lại.
Quên đi đám đông ồn ào và xe lửa điện chạy rầm rập, anh lắng nghe tiếng thủ thỉ chỉ vừa đủ thấy của dòng sông.
° ° °
Năm nay cả Daimondgi 19 Chieko cũng không có dịp thấy. Đến bà Xighe - đây là chuyện hiếm - mà còn đi xem cùng với Takichiro.
Thế mà Chieko thì ở nhà.
Nhân dịp lễ, Takichiro cùng vài bạn hữu - các thương gia buôn bán - đã đặt trước phòng riêng ở một phòng trà trong quận Kiya trên Đại lộ thứ hai.
Các đống lửa Daimondgi về phương diện nào đấy là những ngọn lửa tiễn biệt lễ Bon 20. Người ta cho rằng việc đốt những đống lửa trên núi bắt nguồn từ tập tục ban đêm ném đuốc đang cháy lên cao để cho những linh hồn người chết trở về vương quốc âm ti sau khi đến thăm nhà bà con thân thuộc mình khỏi bị lầm đường lạc lối.
Các đống lửa trên Nhioygatake - một đỉnh núi trong rặng Đông Sơn - được gọi là Daimondgi. Song người ta còn đốt các đống lửa tiễn biệt ở bốn ngọn núi nữa, và mỗi đống lại có tên riêng: Ở núi Okitayama gần Đền Vàng là Tả Daimondgi, Ở núi Matsugaxaki - Sen kinh, ở núi Mioken gần Nhixigamo Phunagata 21, và ở núi Kamixaga là Torigata 22. Và trong suốt bốn mươi phút, khi người ta châm lần lượt các đống lửa kia, toàn bộ đèn quảng cáo trong thành phố đều được tắt.
Màu những ngọn núi trên đó các đống lửa tiễn biệt đang cháy và màu của trời đêm được Chieko cảm nhận như những sắc màu của mùa thu đang tới gần.
Nửa tháng trước các đống lửa tiễn biệt, vào đêm trước tiết lập thu 23, ở chùa Shimogamo người ta thường làm lễ tống hạ.
Chieko thích cùng các bạn gái leo lên mô đất ở bờ sông Kamo và xem các đống lửa Tả Daimondgi từ chỗ đấy. Nàng đã quen ngắm chúng ngay từ hồi còn nhỏ.
Nhưng đến chừng nàng lớn, ngày lễ này chỉ dội lại cõi lòng nỗi buồn: "Thế là Daimondgi đã lại đến..." Chieko ra phố chơi với trẻ con hàng xóm một lát. Lễ Daimondgi lúc này còn chưa gây ra trong trái tim non dại của chúng những ý nghĩ ưu phiền - cảnh đốt pháo hoa lôi cuốn chúng hơn.
Lễ Ghion mùa hạ đã mang đến cho Chieko một nỗi buồn mới: nhờ Naeko mà nàng biết cha mẹ đẻ mình đã sớm qua đời. "Có lẽ ngày mai ta đến thăm Naeko thôi. Nhân thể nói với chị ấy chuyện thắt lưng đã đặt Hideo làm", - nàng quyết định.
Hôm sau, Chieko lên đường sau khi đã mặc một chiếc kimono giản dị.
Nàng xuống xe buýt ở gần thác Bodai.
"Vậy mà ta đã thấy Naeko cho rõ, lúc ánh sáng ban ngày bao giờ đâu - nàng nghĩ.
Công việc ở Bắc Sơn đang giữa lúc khẩn trương. Đám đàn ông đang đánh giấy ráp các súc thông liễu, xung quanh chồng chất hàng đống vỏ cây.
Chieko đi mấy bước rồi dừng lại do dự, nhưng cùng lúc đó Naeko đã thở hổn hển chạy đến với nàng.
- Tiểu thư, chị đến thế này thật là hay quá! Em mừng lắm, mừng lắm chị ạ!
- Hình như, em đến không đúng lúc phải không? - Chieko hỏi khi thấy cô gái mặc quần áo làm việc.
- Tiểu thư đừng ngại, vừa trông thấy chị là lập tức em xin phép nghỉ hôm nay ngay. Ta vào rừng đi - ở đấy thì chả còn ai quấy rầy ta nữa. - Và cô kéo tay áo Chieko.
*
Naeko vội vã cởi tạp dề rải xuống đất. Đấy là một cái tạp dề Tamba quây quanh người bằng vải bông - khá rộng để các cô gái khỏi vướng víu.
- Chị ngồi đi, - Naeko mời.
- Cảm ơn.
Naeko tháo khăn buộc đầu ra, hai tay vuốt tóc.
- Chị đã đến thật hay quá, em mừng lắm. - Cặp mắt Naeko sáng lên, cô không thể nào rời mắt khỏi Chieko.
Đất và cây cối bốc mùi rất mạnh - cái mùi vị của những rặng núi phủ đầy thông liễu.
- Chỗ này thì chả có ai bên dưới thấy được chúng ta, - Naeko nói.
- Em thích cách thông liễu mọc, thỉnh thoảng em có đến đây để ngắm đấy nhưng chưa lần nào vào tận rừng, - vừa nói Chieko vừa đưa mắt nhìn xung quanh. Những thân cây cân đối - tất cả hầu như cùng một cỡ - bao bọc quanh họ.
- Cây trồng mà, - Naeko giải thích.
- Em hiểu.
- Cây được khoảng bốn mươi năm rồi. Người ta sắp sửa cưa chúng, biến thành những súc gỗ dùng làm cột trong các ngôi nhà và những gì gì nữa ở đấy. Đôi lúc em nghĩ: giá đừng động đến chúng thì chúng còn có thể lớn lên cả ngàn năm và sẽ to, hết sức to. Rừng nguyên sinh hợp với em hơn, chứ người ta vun trồng những cái cây này, thôi thì, tựa như thứ hoa để bán...
-...
- Nếu như trên đời này không có người thì ngay Kyoto đã chả xuất hiện. Ở chỗ đấy hẳn đã mọc cả cánh rừng nguyên sinh và trải dài ra mãi những cánh đồng hoang đầy cỏ. Hẳn không phải con người ngự trị nơi này mà là hươu nai và lũ lợn rừng hoang dã. Mà người ta sinh ra vì lẽ gì nhỉ? Con người là một vật đáng sợ...
- Chị nảy ra những ý nghĩ lạ kỳ quá. - Chieko ngạc nhiên nhìn cô gái.
- Thỉnh thoảng...
- Chị không yêu mọi người ư?
- Sao lại không? Em yêu lắm... Hơn mọi thứ trên đời. Chẳng qua có những lúc như vậy, chợp mắt thiếp đi trong rừng và rồi tỉnh dậy và nghĩ, mọi thứ sẽ ra sao nếu như con người tuyệt nhiên không tồn tại trên trái đất này?
- Có lẽ trong thâm tâm chị là một người yếm thế chăng?
- Không, em không chịu nổi những kẻ yếm thế. Ngày nào cũng đem lại cho em một niềm vui sướng, và em thích thú mà làm việc...
- Nhưng dẫu sao con người...- đấy là...
-...
Đột nhiên khu rừng tối sầm lại.
- Sắp mưa rào rồi, - Naeko nói. Và ngay lập tức, xuyên qua các kẽ lá trên ngọn cây những giọt mưa rất to bắt đầu rơi xuống.
Sấm nổ vang.
- Em thấy khủng khiếp quá! - Mặt tái đi, Chieko thì thào và túm lấy tay Naeko.
- Chieko, chị hãy ngồi xếp bằng lại và cúi thấp xuống đất, - Naeko hét lên rồi lấy thân mình che chở cho Chieko.
Tiếng sấm vang rền hơn, chớp lóe liên hồi. Có tiếng ầm ầm như thể những rặng núi đang sập xuống. Giông tố tiến sát đến gần, bây giờ sấm đã nổ ngay bên cạnh.
Các ngọn thông liễu rên lên dữ dội, chớp rạch nát bầu trời, đâm phập xuống đất, soi rõ những thân cây bao quanh hai cô gái.
Những cây thông liễu cân đối đẹp đẽ giờ đây có vẻ hăm dọa, hung hiểm. Một tiếng sấm đinh tai váng óc nổ ngay trên đầu.
- Naeko, sét đánh ngay đây đấy! - Chieko thét lên, co rúm người lại còn một nhúm.
- Có thể cũng đánh... Chỉ có điều không phải vào chúng ta. Nhất quyết không! - Naeko quả quyết nói và lấy mình che cho Chieko kín hơn nữa. - Tiểu thư, tóc chị ướt cả rồi. - Naeko lấy chiếc khăn bông lau tóc cho Chieko, gập nó làm đôi rồi phủ lên đầu nàng. - Có lẽ cũng còn ướt một chút nhưng em cam đoan với chị, tiểu thư ạ, không sấm sét nào dám đánh xuống đầu chị đâu.
Chieko vốn không phải là kẻ nhút nhát, và giọng nói đầy tin tưởng của Naeko đã khiến nàng yên lòng.
- Cảm ơn chị, cảm ơn nhiều lắm! Chị che cho em khỏi bị mưa, nhưng bản thân chị thì ướt sũng cả, - nàng nói.
- Sao tiểu thư lại nói thế, xin đừng ngại, quần áo em mặc chỉ là đồ đi làm thôi mà... Em hạnh phúc quá, - Naeko đáp.
- Cái gì sáng loáng ở cạnh sườn chị thế Chieko hỏi.
- À, con dao chuyên để nạo gỗ súc. Em vừa thấy tiểu thư là lao ngay ra đón nên quên bỏ nó lại. Đại thể nó rất sắc, - Naeko chợt thấy không an tâm và ném con dao ra xa. Con dao cong cong, không có chuôi, tựa như chiếc liềm nhỏ. - Lúc nào về em sẽ lấy theo, nhưng xin tiểu thư đừng nghĩ rằng em vội đi...
Cơn giông dường như đã lui dần.
Chieko cảm thấy sâu sắc sự gần gũi với Naeko nãy giờ vẫn lấy thân mình che cho nàng.
Ngay cả vào mùa hè mưa rào ở vùng núi cũng làm người ta bị lạnh, nhưng hơi ấm đầy nhựa sống toát ra ở người con gái đã sưởi ấm Chieko. Sự ấm áp trìu mến khó tả của một người thân khiến Chieko chứa chan hạnh phúc. Nàng nhắm mắt và lặng đi, cả tâm hồn vang động cảm xúc ấy.
- Em biết ơn chị lắm, Naeko ạ, - nàng thì thầm, - có lẽ lúc chúng ta cùng trong bụng mẹ, chị cũng quan tâm đến em rồi.
- Có mà chen chúc, lấy chân đạp nhau thì đúng hơn.
- Không đời nào em tin, - Chieko bật cười hồ hởi. Chỉ người thân thích, ruột thịt mới cười được như thế.
Cơn giông đã ngừng và đồng thời mưa cũng tạnh.
- Cảm ơn Naeko... Hình như cơn giông đã qua rồi, - Chieko vừa nói vừa toan từ dưới mình cô gái chui ra.
- Khoan một chút đã chị, nước ở lá còn rỏ...
Chieko với tay lên, chạm phải vai Naeko.
- Ôi, chị ướt sũng ra rồi, mà không khéo lạnh cóng mất, - nàng nói.
- Chị đừng ngại, em quen rồi. Em vui sướng vì chị đến tới mức em chả sợ cảm lạnh gì nữa.
- Naeko ạ, cha ngã cây đâu đó ở chỗ này phải không?
- Phải nói thật là em không biết. Hồi ấy em còn bé quá mà.
- Thế còn quê mẹ ở đâu? Ông bà ngoại có khỏe không?
- Em có biết gì về ông bà đâu.
- Nhưng chẳng lẽ chị lớn lên không phải ở quê mẹ ư?
- Tiểu thư ạ, sao chị cứ hỏi toàn chuyện đó? - Đột nhiên Naeko nói vẻ gay gắt.
-...
- Em rất sung sướng vì tiểu thư đã nhận em là chị em, chứ không cần gì nữa. Xin tiểu thư lượng thứ, tối hôm đó em đã trót nói với tiểu thư nhiều cái thừa.
- Sao vậy chị? Em đã mừng rỡ biết bao.
- Em cũng... Nhưng em sẽ không tới nhà tiểu thư đâu.
- Tại sao thế? Cha mẹ hẳn rất vui sướng...
- Tiểu thư đừng nói gì với ông bà đấy, - Naeko nói giọng cương quyết - Nếu như chị, tiểu thư ạ, chẳng may gặp rủi ro thì đấy là chuyện khác - thế thì ngay lập tức, nhất thiết em sẽ đến trợ giúp cho dù em có bị cái chết đe dọa chăng nữa. Xin tiểu thư thông cảm cho...
Mắt Chieko chợt thấy cay cay.
*
- Naeko này, tối hôm ấy một chàng thanh niên đã lầm chúng ta với nhau.
- Ý tiểu thư muốn nói cái ngài cứ nói với em chuyện thắt lưng phải không?
- Anh ấy là thợ dệt ở Nhixidgin... Anh ấy có hứa dệt cho chị một chiếc thắt lưng thật đẹp.
- Nhưng ông ấy dự định làm cái đó cho tiểu thư cơ mà.
- Cách đây không lâu anh ấy vừa đến cho em xem mẫu, và em đã thú nhận với anh ấy rằng anh ấy đã lầm chị của em là em.
- Tiểu thư nói thế thật ư?
- Và em đã yêu cầu anh ấy dệt chiếc thắt lưng cho chị.
- Cho em sao?!
- Thì anh ấy chả hứa với chị là gì?
- Bởi ông ấy tưởng em là người khác.
- Anh ấy sẽ làm hai chiếc: một cho em, chiếc kia cho chị. Để ghi nhớ dịp hai chị em tìm thấy nhau.
- Cho em? - Naeko lặp đi lặp lại.
- Anh ấy đã hứa trong ngày lễ Ghion mà! - Chieko nhẹ nhàng nói.
° ° °
Chieko cảm thấy thân thể Naeko căng lên rồi lặng đi.
- Tiểu thư ạ, - Naeko cương quyết nói, - xin chị hiểu cho, rằng vào giây phút khó khăn em rất sung sướng được đến giúp chị. Em sẵn lòng vì chị làm mọi điều chị muốn, và nếu cần em sẽ chết vì chị. Song em không muốn lấy cái vốn được giành cho người khác.
- Thế chị cũng không nhận chiếc thắt lưng kia ngay cả là chính em tặng nó cho chị sao?
-...
- Xin chị xem như em yêu cầu dệt thắt lưng là để tặng chị.
- Nhưng sự thể có phải vậy đâu! Tối hôm lễ hội ấy, cái ngài kia nói là muốn làm chiếc thắt lưng cho Chieko. Ông ấy yêu chị đấy. Đến một đứa con gái ngốc nghếch như em cũng hiểu nữa là.
Chieko ngượng nghịu.
- Chị khăng khăng từ chối ư? - Nàng hỏi.
-...
- Dẫu rằng, đấy là em yêu cầu dệt vì chị gái mình?
- Thôi được, em sẽ nhận, tiểu thư ạ, - Naeko lưỡng lự nói sau một lát im lặng. - Và em xin chị thứ lỗi vì em đã nặng lời.
- Anh ấy sẽ mang nó đến đây cho chị. Chị ở nhà ai vậy?
- Chủ nhà là ngài Muraxe... Chắc đấy sẽ là một chiếc thắt lưng rất lộng lẫy. Có điều, liệu có dịp nào để mặc không?
- Lẽ nào ta không thấy ngày mai đương đợi chúng ta sao?
- Điều đó thì tiểu thư nói đúng, - Naeko gật đầu, - nhưng em không có ý định thay đổi đời mình... Dù sao chăng nữa...nếu chẳng bao giờ đem mặc chăng nữa, em vẫn giữ gìn nó như một báu vật quý giá nhất.
- Ở cửa hàng chỗ em người ta không chuyên bán thắt lưng, thế nhưng áo kimono hợp với thắt lưng thì có thể chọn được.
-...
- Cha là người hơi lạ lùng. Dạo gần đây ông mất hứng thú kinh doanh. Huống hồ, bây giờ cửa hiệu chỗ em bán không phải toàn thứ tốt. Họ mua bán trăm thứ bằng lằn - đa phần là hàng len với sợi tổng hợp.
Naeko ngước nhìn các ngọn cây rồi đứng dậy.
- Còn rỏ giọt chút ít, nhưng có lẽ em đã làm chị mất thoải mái quá.
- Không đâu, chị...
- Thế sao chị, tiểu thư ạ, không đỡ đần cha ở cửa hiệu?
- Em ư?... - Chieko ngước cặp mắt ngạc nhiên nhìn cô gái. Quần áo Naeko mặc ướt hết cả và dính chặt vào người.
° ° °
Naeko quyết định không tiễn nàng ra bến xe - không phải vì người ướt: cô sợ rằng mọi người sẽ để ý đến chuyện họ giống nhau.
Lúc Chieko về nhà, bà Xighe đang xào xáo bữa ăn qua quýt buổi chiều cho các nhân viên cửa hiệu.
- Con về đây mẹ ạ. Xin mẹ tha lỗi vì con về muộn... Còn cha đâu ạ?
- Ông ấy ở đằng sau rèm kia - đang ngồi ở bàn ngẫm nghĩ chuyện gì đấy. - Xighe đưa mắt lên nhìn cô gái. - Con ở đâu thế? Kimono nhàu mà ướt hết cả rồi. Đi thay quần áo đi.
- Con đi ngay đây ạ. - Chieko lên gác, chậm rãi thay quần áo và ngồi xuống nghỉ một lát. Khi nàng quay xuống bên dưới, Xighe đã cho các nhân viên ăn xong.
- Mẹ ạ. - Chieko nói, mà giọng nàng run run. - Con có đôi điều cần thưa với mẹ, một mình mẹ...
- Được, ta lên chỗ con nào.
Chieko ngập ngừng, chưa dám lên tiếng.
- Ở đây cũng mưa rào ạ? - Nàng vừa hỏi vừa cố tập trung tư tưởng.
- Mưa rào? Mưa rào thì không, mà thực tình có phải con định nói chuyện mưa rào với mẹ đâu.
- Thưa mẹ, con vừa đến ngôi làng trong Bắc Sơn. Ở đấy có chị em gái của con - mà con không rõ là em hay là chị. Thì ra, chúng con là chị em sinh đôi. Con đã gặp chị ấy lần đầu tiên trong lễ Ghion. Chị ấy bảo rằng cha mẹ đẻ chúng con đã mất từ lâu rồi.
Đối với bà Xighe, lời Chieko nói tựa như sét đánh ngang tai.
- Nghĩa là, cô ấy sống ở làng trong Bắc Sơn? - Bà vừa khẽ hỏi lại vừa nhìn vào mắt Chieko.
- Vâng. Con không thể giấu cha mẹ chuyện này được nữa. Chúng con đã gặp nhau hai lần: hôm lễ Ghion và hôm nay.
- Hiện thời cô ấy làm gì?
- Mài gỗ cho một ông chủ ở trong làng. Một cô gái đôn hậu. Con mời chị ấy đến nhà ta nhưng chị ấy từ chối.
- Vậy là - Xighe im lặng một lát, - con đã xử sự đúng khi kể cho mẹ biết. Được rồi, thế bản thân con nghĩ sao về chuyện này?
- Thưa mẹ, con là con cha mẹ và con xin cha mẹ hãy coi con là con như trước, - Chieko nồng nàn đáp.
- Lẽ cố nhiên đã hai chục năm nay con là con gái mẹ.
- Mẹ!... - Chieko nấc lên và chúi mặt vào đầu gối Xighe.
- Mẹ đã để ý thấy ngay từ hôm lễ Ghion con luôn có điều gì tư lự.
Thậm chí mẹ định hỏi: con đã đem lòng yêu ai rồi chăng?
-...
- Dù sao, con hãy cố đưa cô gái tới. Có thể vào buổi tối, lúc những người bán hàng ra về.
Giấu mặt giữa hai đầu gối mẹ, Chieko lắc đầu:
- Chị ấy sẽ không đến. Chị ấy gọi con là tiểu thư...
- Ra là thế. - Xighe âu yếm vuốt tóc Chieko. - Sao nào, cô ấy giống con lắm phải không?
Đã có tiếng dế rúc trong chiếc hũ Tamba.
--------------------------------
1 Kanu: thiết bị sưởi đặt dưới sàn nhà có dạng máng đào xuống đất để đốt nhiên liệu trong đó.
2 Yamaboko: kiệu rước trang hoàng lộng lẫy, mô phỏng một quả núi theo thể thức đã định, trên đó có bày mâu, kích, kiếm và các loại đồ tế nhuyễn nhà chùa. Người ta còn dùng cả những hình rối mô tả các vị thần, các nhân vật văn học nổi tiếng để trang trí kiệu.
3 Naghinataboko: loại kiệu trên đỉnh có cắm một ngọn kích.
4 Kannon: Phật từ bi.
5 Xayxi: Phật đạo lí.
6 Chian: lối xưng hô trìu mến với trẻ em.
7 Do dị đoan, người Nhật cho rằng việc đẻ sinh đôi sẽ khiến gia đình bị những thế lực thù địch nào đó ngoài cõi thế để ý, nên có thể sẽ đem lại điều bất hạnh cho gia đình, khiến quan hệ của những người khác xấu đi.
8 Ukiyoe: tranh phong tục xuất hiện vào nửa cuối thế kỷ XVI và nở rộ trong khoảng thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XIX trong sáng tác của Utamaro, Hokuxai, Hiroxighe.
9 Kano Maxanobu (1434-1530) nhà sáng lập trường phái hội họa. Yamatoe, một thể loại vẽ dân tộc có từ xưa của hội họa Nhật Bản, nở rộ trong khoảng thế kỷ XI đến thế kỷ XIII.
10 Ở Nhật thời trung thế kỷ, người ta gọi người Âu như vậy.
11 Thời Momyama: nửa cuối thế kỷ XVI - giai đoạn cầm quyền hai chục năm của Hidyoshi Toyotomi, các nghệ thuật và nghề thủ công phát triển mạnh.
12 Thể loại sân khấu mặt nạ dân gian, hàng năm công diễn vào cuối tháng tư tại chùa Mibu ở Kyoto.
13 Âm nhạc và các vũ điệu cung đình trong khoảng thế kỷ VIII đầu thế kỷ X.
14 Chimaki: bánh bột gạo quấn lá trúc, một món ăn ngon của người Nhật Bản.
15 Dgiro Oxaraghi: nhà văn Nhật Bản nổi tiếng (sinh năm 1897) thường đưa những vấn đề văn hóa dân tộc vào các tác phẩm của mình.
16 Yama: loại kiệu có đòn khiêng vai.
17 Ở Việt Nam trước đây thường gọi là "Minh Trị": hiệu của triều đại thiên hoàng Mutsuhito (từ 1868).
18 Samurai: tay kiếm võ sĩ đạo. Ở đây nói về sự tích bốn mươi bảy tay kiếm lang thang, báo thù cho chủ tướng đã chết, được nhắc đến trong nhiều vở diễn, thường có ý ám chỉ vở Kanatehon Chiushingura.
19 Những đống lửa xếp thành hình chữ tượng hình "đại" (đại nghĩa là lớn), có dạng na ná hình người (chữ nhân) dang hai tay, đốt trên Đông Sơn ở Kyoto vào 16 tháng 8 âm lịch.
20 Bon: Lễ giỗ các vong linh - có lẽ tựa như ngày "xá tội vong nhân" rằm tháng bảy ở ta.
21 Phunagata: tán hào quang ở sau tượng Phật.
22 Torigata: hình tori - cổng như dạng cửa vòm vuông góc trước chùa Thần đạo.
23 Theo Dương lịch, mùa thu bắt đầu từ mồng tám tháng tám.