Trong mỗi khó khăn, thất bại, và cả những nỗi khổ tâm đều chứa đựng mầm mống của thành quả tốt đẹp hoặc hơn thế nữa.

Napoleon Hill

 
 
 
 
 
Tác giả: Margaret Atwood
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Văn Minh Lê
Số chương: 16
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 7286 / 356
Cập nhật: 2019-01-28 21:09:26 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5: Chợp Mắt
3
Vẫn con thừa thời gian. Đó là một trong những điều tôi không chuẩn bị đôi phó: khoảng thời gian trống, dấu ngoặc đơn rộng rãi gói cái không có gì. Thời gian làm âm thanh trắng. Giá tôi biết thêu thùa. Biết dệt, biết đan, bất cứ gì cho tay bận rộn. Tôi thèm thuốc. Tôi nhớ từng đi trong những gian trưng bày, xuyên qua thế kỷ mười chín: thời đó người ta cuồng đề tài hậu cung. Hàng chục tranh vẽ hậu cung, đàn bà béo lẳn ườn người trong điện Thổ, đầu mang mũ quân hoặc mũ chỏm nhung, quạt đuôi công phe phẩy, hậu cảnh viên hoạn quan đứng gườm gườm. Những bài luyện tả xác thịt biếng lười, dưới tay những kẻ chưa bao giờ ở đó. Những tranh đó được coi là khêu gợi dục tình, và tôi nghĩ cũng đúng là như thế, vào thời đó; nhưng giờ tôi hiểu thực sự chúng nói gì. Chúng vẽ ra hoạt động bị ngưng trệ; vẽ sự đợi chợ, vẽ đồ vật không được sử dụng. Chúng vẽ ra nỗi buồn chán.
Nhưng có lẽ buồn chán là khêu gợi, đối với đàn ông, nếu là nỗi buồn chán đàn bà.
Tôi đợi, đã được tắm, chải chuốt, cho ăn, như con lợn nhận giải. Độ khoảng thập kỷ tám mươi họ nghĩ ra bóng lợn, dành cho lũ bạn đang phì ra trong chuồng. Đó là những quả bóng to nhiều màu, cho bầy lợn húc mõm đẩy đi vòng vòng. Dân lái lợn bảo như thế sẽ tăng cường độ căng cơ; đám lợn vốn tò mò, chúng sẽ mừng có cái mà nghĩ.
Cái đó tôi đọc trong bài nhập môn Tâm lý học; cái đó, cùng với chương về lũ chuột trong lồng tự gây sốc điện cho có việc. Và chương về đám bồ câu, được luyện mổ một cái nút sẽ đẩy ra một hạt ngô. Có ba nhóm: nhóm đầu lần nào cũng được, nhóm sau cách một lần lại được, nhóm cuối ngẫu nhiên. Khi người phụ trách không cho ngô nữa, nhóm đầu bỏ cuộc khá sớm, nhóm sau lâu hơn. Nhóm cuối không bỏ cuộc. Chúng thà mổ đến chết còn hơn dừng lại. Ai biết được thế nào là hơn?
Tôi ước mình có một quả bóng lợn.
Tôi ngả người nằm xuống tấm thảm bện. Các cô có thể tập lúc nào cũng được, dì Lydia bảo. Vài lần một ngày, xen giữa các việc khác. Hai tay trên hông, gối gập lại, nhấc hông lên, xương sống đẩy xuống. Ôm gối đu dậy. Làm lại. Hít vào đếm đến năm, nén hơi, thở ra. Chúng tôi tập ở nơi xưa là phòng
Gia chánh, đã dọn sạch máy khâu và máy giặt sấy; ðồng loạt, lưng đặt trên chiếu tatami hẹp, cát xét đang bật, Les Sylphides. Tôi còn nghe thấy lúc này, trong đầu, giữa lúc nhỏm lên, gập người, hít thả. Sau đôi mắt nhắm từng vũ công trắng mảnh mai loang loáng lướt đi giữa đám cây, uyển chuyển, chân chấp chới như cánh những con chim bị tóm chặt.
Các buổi chiều chúng tôi nằm trên giường khoảng một tiếng trong nhà thể chất, từ ba đến bốn giờ. Họ bảo đấy là giờ nghỉ ngơi suy niệm. Hồi đó tôi nghĩ chỉ vì chính họ cũng muốn giải thoát ít lâu, khỏi phải dạy dỗ, và tôi biết các dì ngoài phiên trực đi tới phòng giáo viên làm cốc cà phê, hoặc cái gì đó mệnh danh là cà phê. Nhưng giờ tôi nghĩ cả khoảng nghỉ ngơi cũng là luyện tập. Cho chúng tôi cơ hội làm quen với thời gian trống.
Giờ chợp mắt, dì Lydia gọi thế, bẽn lẽn như thường.
Lạ lùng là chúng tôi lại cần giờ nghỉ. Rất nhiều người thiếp ngủ. Ở đó chúng tôi rất mệt, hầu như lúc nào cũng thé. Có bị chuốc một thứ thuốc viên hay thuốc nước, tôi đoán vậy, bỏ vào thức ăn, để chúng tôi bình tâm. Cũng có thế không. Có thể do chính nơi này. Sau cú sốc ban đầu, sau khi đã thích nghi, tốt hơn nên giữ trạng thái bán tỉnh bán mê. Có thể tự nhủ mình chỉ đang bảo tồn sức lực.
Chắc tôi phải ở đó được ba tuần rồi thì Moira đến. Cô được mang vào nhà thể chất trong tay hai dì, như thường lệ, trong lúc chúng tôi đang chợp mắt. Cô vẫn còn mặc đồ cũ, quần bò, áo thun bó xanh - tóc cắt ngắn, cô vẫn bất chấp thời trang như mọi khi - nên tôi nhận ra tức khắc. Cô cũng thấy tôi, nhưng ngoảnh đi, cô đã kịp hiểu thế nào mới an toàn. Má trái có vết bầm, đang tím lại. Các dì đưa cô tới một giường trông đã vắt sẵn bộ áo đỏ. Cô cởi đồ, bắt đầu thay, không nói một lời, các dì đứng cuối giường, đám chúng tôi quan sát qua khe mắt hí. Khi cô cúi mình tôi nhìn thấy những khớp xương trên sống lưng.
Suốt vài ngày tôi không nói chuyện được với cô; chúng tôi chỉ trao đổi mắt nhìn, rất vội, từng hớp nhỏ. Tình bạn là thứ khả nghi, chúng tôi biết, và tránh nhau khi xếp hàng ăn trưa trong căng tin cũng như trong hành lang giữa các tiết học. Nhưng tới ngày thứ tư cô đã xếp cạnh tôi trong giờ đi dạo, thành hàng đôi diễu quanh sân bóng đá. Chúng tôi chưa nhận đôi cánh trắng vì chưa tốt nghiệp, chỉ có tấm mạng, nên có thể nói chuyện, miễn là thật khẽ và đừng có quay sang nhìn nhau. Các dì đi ở đầu và cuối hàng, nên nguy cơ duy nhất là đám còn lại. Một sô rất sùng tín, họ có thể mách lại chúng tôi.
Đúng là một cái trại rồ, Moira nói.
Gặp cậu tớ mừng bao nhiêu, tôi nói.
Nói chuyện ở đâu được? Moira nói.
Nhà vệ sinh, tôi nói. Nhớ nhìn đồng hồ. Ngăn cuối, hai rưỡi.
Chúng tôi chỉ nói có thế.
Tôi cảm thấy an toàn hơn, Moira đang ở đây. Chúng tôi được phép ra nhà vệ sinh, chỉ cần giơ tay lên, dù có hạn định số lần đi mỗi ngày, có bảng đánh dấu lại. Tôi canh giờ, đồng hồ tròn chạy pin, ở đầu lớp phía trên bảng đen màu xanh. Hai giờ rưỡi là đúng giữa giờ Cáo mình. Dì Helena có đây, cùng với dì Lydia, bởi Cáo mình là một giờ đặc biệt. Dì Helena khá mập, ngày xưa từng đứng đầu chi nhánh Cảnh giác viên cân nặng ở Iowa. Nói chuyện Cáo mình thì dì rất thạo.
Lại là Janine, đang kể chuyện mình bị cưỡng dâm tập thể hồi mười bốn tuổi và phải đi nạo ra sao. Tuần trước cô cũng kể đúng chuyện này. Cô ta gần như tỏ ra hãnh diện nữa, trong lúc kể. Chuyện đó còn chắc gì có thật. Tới giờ Cáo mình, thà đặt chuyện ra còn an toàn hơn là nói không có gì khai báo. Nhưng với Janine, rất có thể đó ít nhiều là chuyện thật.
Nhưng là lỗi tại ai? dì Helena hỏi, một ngón tay mũm mĩm giơ lên.
Tại cô ấy, tại cô ấy, tại cô ấy, chúng tôi rì rầm xướng.
Ai đã khuyến khích chúng? dì Helena rạng rỡ, rất đỗi hài lòng.
Chính cô. Chính cô. Chính cô.
Lý do gì Chúa lại cho phép một chuyện kinh khủng như vậy?
Để dạy cho cô bài học. Dạy cho cô bài học. Dạy cho cô bài học.
Tuần trước Janine đã khóc òa lên. Dì Helena bắt cô quỳ trên đầu lớp, tay chắp sau lưng, để chúng tôi cùng thấy rõ, khuôn mặt đỏ bừng, lem nhem mũi dãi. Tóc cô vàng xỉn, mi mắt quá thưa gần như không có, đôi mi mất tích trên mặt người vừa qua hỏa hoạn. Đôi mắt đã cháy xong. Trông cô thật tởm: yếu nhược, oằn oại, nhem nhuốc, da hồng hồng, như con chuột mới đẻ. Chúng tôi không ai muốn mình thành ra thế, không đời nào. Trong khoảnh khắc, dù biết cô đang phải chịu đựng gì, chúng tôi cũng thấy khinh miệt cô.
Khóc nhè chè thiu, khóc nhè chè thiu, khóc nhè chè thiu.
Chúng tôi nghĩ thế thật, đó là điều tệ nhất.
Tôi từng đánh giá mình rất cao. Lúc đó thì không.
Đấy là chuyện tuần trước. Tuần này Janine không đợi chúng tôi giễu cợt mình. Là tại con, cô nói. Tại một mình con. Con đã khuyến khích chúng. Con đáng nhận đau đớn.
Giỏi lắm, Janine, dì Lydia nói. Cô nêu gương rất tốt.
Tôi phải đợi hết vở mới giơ tay lên. Đôi khi nếu hỏi không đúng lúc, sẽ bị từ chối. Nếu quả thật có nhu cầu, sự tình có thể đâm ra rất tệ. Hôm qua Dolores đã tè ra sàn. Hai dì xốc nách cô, lôi xềnh xệch ra ngoài. Giờ đi dạo buổi chiều không thấy cô, nhưng đến đêm cô đã nằm trong giường. Suốt đêm nghe tiếng cô nức nở, lặng đi rồi lại trào lên.
Họ đã làm gì vậy? chúng tôi thì thầm giữa các giường.
Không biết nữa.
Không biết càng khiến tệ hơn.
Tôi giơ tay lên, dì Lydia gật. Tôi đứng dậy đi ra sảnh, hết sức tỏ ra ngây thơ vô tội. Bên ngoài phòng vệ sinh dì Elizabeth đứng gác. Dì gật, ra dấu tôi vào.
Xưa đây là phòng vệ sinh nam. Gương cũng đã thay hết bằng những tấm kim loại hình thoi xám xỉn, nhưng các bệ tiểu vẫn còn đó, trên một bức tường, sứ trắng ô những vệt vàng. Trông chúng kỳ cục như quan tài trẻ sơ sinh. Lần nữa tôi sửng sốt thấy đàn ông phơi mình ra lõa lồ đến thế: các vòi tắm không hề quây lại, thân thể phô bày cho con mắt xét nét và so sánh, những chỗ kín trưng ra công khai. Để làm gì đây? Nhằm mục đích trấn an gì cơ chứ? Phù hiệu sáng lóa, nhìn nhé mọi người, tất cả đâu vào đó, tôi thuộc về nơi này. Sao đàn bà không phải chứng minh cho nhau mình đúng là đàn bà? Một lối tuột khuy, một miếng dạng háng, cũng vô tình như thế. Mũi chó đánh hơi.
Ngôi trường này đã cũ, ngăn vệ sinh vách gỗ, một loại ván dăm. Tôi vào ngăn thứ hai tử trong ra, chặn cửa. Tất nhiên giờ không còn khóa. Trên vách gỗ có một lỗ nhỏ, ở tít sau, sát tường, khoảng ngang hông, kỷ niệm từ một vụ phá hoại cũ hay di sản một tay ưa nhìn lén ngày xưa. Toàn Trung tâm đều biết về cái lỗ này; ngoại trừ các dì.
Tôi chỉ sợ mình đến muộn, vì vướng vụ Cáo mình của Janine: biết đâu Moira đã tới rồi, biết đâu cô đã phải quay lại. Họ không cho la cà trong đây. Tôi thận trọng nhìn xuống, xéo qua tường ngăn, bên kia là đôi giày đỏ. Nhưng làm sao biết của ai?
Tôi áp miệng vào cái lỗ. Moira? tôi thì thào.
Cậu đấy à? cô đáp.
Tớ đây, tôi nói. Toàn thân nhẹ bông.
Chúa ơi, tớ thèm thuốc quá đi, Moira nói.
Tớ cũng thế, tôi đáp.
Tôi thấy sung sướng một cách quái đản.
Tôi lặn vào cơ thể mình như giữa đầm lầy, bãi lún, chỉ mình tôi biết đâu là đáy. Mặt bằng bất trắc, lãnh địa riêng tôi. Tôi trở thành mặt đất tự mình áp tai vào, lắng nghe mà đoán phỏng tương lai sắp tới. Mỗi cơn đau thắt, mỗi cơn nhưng nhức ầm ì, những lớp chất sống bong ra, các mô phồng rồi xẹp, da thịt chảy dãi, đều là dấu hiệu, những điều tôi cần nắm được. Mỗi tháng tôi trông chừng máu, trong kinh sợ, bởi máu đến là đưa tin thất bại. Thêm lần nữa tôi phụ kỳ vọng của người khác, cũng đã thành của chính mình.
Tôi từng coi thân thể mình là công cụ, đưa lại khoái lạc, là cỗ xe chuyên chở, phương tiện đạt tới ý nguyện mình. Tôi có thể đáp lên nó, bấm nút này nút khác, làm nên nhiều chuyện. Có giới hạn đấy, nhưng vẫn là cơ thể tôi linh hoạt, thống nhất, rắn đặc, nó với tôi là một.
Giờ đây da thịt tự cấu trúc lại theo kiểu khác. Tôi là một khối mây, đông lại quanh vật thể ở trung tâm, hình trái lê, rắn và thực hơn cả chính tôi, tỏa sáng đỏ rực bên trong lớp vỏ trong nhờ nhờ. Trong lòng nó là khoảng trống, bao la như trời đêm và cũng tối tăm, tròn trịa như thế, dù không hắn là đen mà ngả về đen-đỏ. Hàng chùm điểm sáng phồng lên, nhấp nhánh, nổ bùng rồi teo lại bên trong đó, ngàn vạn như sao. Mỗi tháng lại xuất hiện một mặt trăng, khổng lồ, tròn vành vạnh, nặng nề, một điềm triệu. Nó đi ngang, nghỉ lại, lại lên đường tới khi khuất mắt, và tôi thấy nỗi tuyệt vọng ập về như cơn đói. Phải cảm thấy sự trống rỗng, lần nŕy, lần nŕy nữa. Tôi lắng nghe tim měnh, sóng dồi lęn sóng, mặn vŕ đỏ, nhẫn nại đập tiếp, đếm thời gian.
Tôi đang ở căn hộ đầu tięn của cả hai, trong phòng ngủ. Đang đứng trước tủ, cánh bằng gỗ gập được. Xung quanh tôi biết đều trống rỗng, đồ đạc mang đi cả rồi, sàn trống trơn, không cả thảm; nhưng ngược lại tủ đầy quần áo. Tôi nghĩ là đồ của mình, nhưng nhìn thì không phải của tôi, chưa bao giờ tôi thấy. Có thể là của vợ Luke, tôi cũng chưa bao giờ thấy; chỉ có ảnh và một giọng nói qua điện thoại, lúc đêm khuya, cô gọi đến chúng tôi, ngay trước khi ly dị. Nhưng không phải, đúng là đồ của tôi. Tôi cần áo, tôi cần thứ gì để mặc. Tôi lôi ra hết bộ này đến bộ khác, đen, lam, tía, áo chẽn, váy dài; không bộ nào hợp, thậm chí không bộ nào vừa, toàn rộng quá hay chật quá.
Luke ở đó, ngay sau lưng, tôi quay lại nhìn. Anh không chịu nhìn tôi, mắt anh nhìn xuống sàn, con mèo đang cọ mình vào chân anh, kêu meo meo thê thẳm. Nó đói, nhưng lấy gì cho nó ăn khi căn hộ trống rỗng thế này?
Luke, tôi gọi. Anh không trả lời. Có thể không nghe thấy tôi. Tôi sực nghĩ có thể anh không còn sống.
Tôi đang chạy, cùng con, nắm chặt tay con, lôi, kéo qua đống dương xỉ, con mắt mở mắt nhắm vì đã bị tôi cho uống thuốc, để không khóc hoặc thốt ra câu gì làm lộ, con còn không biết mình ở đâu. Mặt đất chỗ lồi chỗ lõm, đá tảng, cành khô, mùi đất ẩm, lá rụng, còn không chạy kịp đâu, một mình tôi có thể chạy nhanh hơn, tôi giỏi chạy mà. Giờ con khóc nữa, con sợ, tôi muốn cõng lên vai nhưng con nặng lắm. Tôi đang xỏ giày đường trường và tôi nghĩ, khi tới sông sẽ phải tuột ra, biết có lạnh không, biết con có bơi nổi xa đến thế, còn luồng nước nữa, mình không lường trước điều này. Im nào, tôi gắt con. Tôi hình dung con chết đuối và chậm lại. Rồi nhũng tiếng súng đuổi theo, không lớn, không đùng đoàng như pháo, mà sắc và đanh như cành khô gãy rắc. Nghe không bình thường, chẳng tiếng gì đúng như người ta vẫn tưởng, và tôi nghe tiếng nói, Thụp xuống, tiếng người thật hay tiếng trong đầu tôi, hay tiếng chính tôi đang nói lớn?
Tôi kéo con xuống đất và nằm đè lên người con để chắn, để che. Im nào, tôi nhắc lại, mặt ướt đầm, mồ hôi hay nước mắt đây, tôi thấy bình yên và bồng bềnh, như đã thoát ra ngoài thân thể; ngay sát mắt có chiếc lá, màu đỏ, sớm ngả màu, tôi nh́n rơ từng đường gân trắng. Chưa bao giờ tôi thấy vật gì đẹp dường này. Tôi lỏng người, nhỡ làm ngạt con, tôi đổi tư thế co người ôm lấy con, đặt tay che miệng con. Có tiếng thở và tiếng tim tôi đập, nghe thình thình, như tiếng nện cửa nhà ban đêm, khi người ta đã tưởng về chốn an toàn. Không sao, mẹ đâỵ, tôi nói, thì thầm, Ngoan đi nào, nhưng làm sao nổi? Con quá nhỏ, quá muộn rồi, chúng tôi lìa nhau, tay tôi có kẻ tóm lấy, viền ngoài tối đen không còn thấy gì cả chỉ chừa lại một ô cửa nhỏ, một ô cửa vô cùng nhỏ, như nhìn ngược đầu ống nhòm, như ô cửa trên thiếp Giáng sinh, kiểu cũ, bên ngoài là đêm giá buốt, bên trong là nến, cây lấp lánh đen, một gia đình, tôi nghe cả tiếng chuông, chuông xe trượt, trên đài, bài hát xưa, nhưng ô cửa này chỉ cho tôi thấy, nhỏ nhưng rõ nét, tôi thấy con, đang rời xa tôi, giữa cây lá đã kịp ngả màu, xen vàng xen đỏ, đôi tay nhỏ giơ về phía tôi, bị mang đi mất.
Tiếng chuông đánh thức tôi; rồi đến Cora, đang gõ vào cửa. Tôi ngồi dậy, trên thảm, quệt ông tay chùi mặt. Không lần nào mơ đáng sợ bằng này.
Chuyện Người Tuỳ Nữ Chuyện Người Tuỳ Nữ - Margaret Atwood Chuyện Người Tuỳ Nữ