Nếu bạn chưa từng nếm mùi thất bại, tất bạn chưa gặp thử thách thực sự.

Dr Porsche

 
 
 
 
 
Tác giả: Lev Tolstoy
Thể loại: Truyện Ngắn
Số chương: 6
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 39
Cập nhật: 2021-12-27 22:17:42 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Tiệm Cà Phê Ở Surat
(Phỏng theo Bernardin de Saint-Pierre)
Ở thành phố Surat có một tiệm cà phê. Các lữ khách và người nước ngoài từ mọi miền đất đều tới đây và họ thường trò chuyện với nhau.
Có lần một nhà thần học Ba Tư ghé tiệm. Cả đời ông nghiên cứu bản chất của thần linh, đọc và viết nhiều sách về điều này. Ông nghĩ mãi, đọc mãi và viết mãi về thần linh, đâm ra mất sáng suốt, mọi thứ trong đầu lẫn lộn cả, đến độ ông chẳng còn tin vào thần linh nữa.
Khi biết được điều đó, nhà vua đuổi ông ra khỏi xứ sở Ba Tư.
Nhà thần học bất hạnh cả đời suy luận về nguyên lý đó đâm lẫn lộn, và thay vì hiểu rằng mình đã đánh mất lý trí, thì lại cho rằng không còn lý trí cao cả cai trị thế giới nữa.
Nhà thần học có một nô lệ da đen đi cùng ông khắp mọi nơi. Khi nhà thần học bước vào tiệm cà phê, chàng da đen ở lại sân ngoài cánh cửa và ngồi xuống tảng đá sưởi nắng. Chàng ta ngồi đó và đuổi lũ ruồi bu xung quanh. Còn nhà thần học thì nằm trên ghế xô pha trong tiệm và ra lệnh đem đến một tách á phiện. Khi ông uống cạn và á phiện bắt đầu làm đầu óc ông bị kích động, ông bèn gọi người nô lệ và bảo:
“Này tên nô lệ đê hèn kia, mi nghĩ sao, thần linh có hay không?”
“Tất nhiên là có chứ ạ!” – chàng nô lệ trả lời và lập tức lôi từ dưới thắt lưng ra một tượng gỗ nhỏ – “Đây này” – anh nói – “Đây là vị thần bảo vệ cho con từ khi ra đời. Vị thần này được làm bằng gỗ của cây thần mà mọi người ở xứ con đều phải thờ phụng.”
Nghe câu chuyện đó giữa nhà thần học và chàng nô lệ, mọi người có mặt trong tiệm cà phê đều ngạc nhiên.
Người ta ngạc nhiên vì câu hỏi của ông chủ, lại càng ngạc nhiên hơn vì câu trả lời của anh nô lệ.
Một đạo sĩ Bà La Môn nghe những lời của anh nô lệ bèn nói với anh:
“Anh chàng điên bất hạnh ơi, chẳng lẽ anh cho rằng có thể tìm thấy thần linh nằm trong thắt lưng của con người hay sao? Thần linh chỉ có một là đấng sáng thế Brahma. Brahma lớn hơn tất cả thế giới, bởi Ngài tạo dựng ra thế giới. Brahma là thần linh duy nhất và vĩ đại nhất. Đó là đấng thần linh mà người ta dựng lên các đền thờ bên sông Hằng để thờ, là vị thần mà những đạo sĩ Bà La Môn phụng vụ. Chỉ các vị đạo sĩ ấy mới biết được thần linh đích thực. Đã hai mươi ngàn năm trôi qua, biết bao nhiêu biến thiên đã xảy ra, nhưng các đạo sĩ Bà La Môn vẫn trường tồn, bởi Brahma là đấng thần linh duy nhất, đích thực che chở cho họ.”
Tu sĩ Bà La Môn nói như vậy và nghĩ rằng đã thuyết phục được mọi người. Nhưng một người Do Thái làm nghề đổi tiền có mặt ở đó lập tức phản đối.
“Không, đền thờ thần linh đích thực không phải ở Ấn Độ! Và thần linh che chở không phải cho đẳng cấp Bà La Môn! Thần linh đích thực không phải là thần linh của người Bà La Môn, mà là của con cháu Abraham, Isaac và Jacob. Và Chúa đích thực bảo trợ chỉ cho duy nhất dân Israel mà thôi. Chúa từ khởi thủy thế giới đã không ngừng yêu dân chúng tôi. Và nếu như giờ đây dân chúng tôi lưu lạc khắp thế giới, thì đó chỉ là thử thách, còn Chúa đã hứa sẽ tập hợp dân của mình ở Jerusalem để phục dựng thánh đường Jerusalem, đặt dân Israel làm chúa tể của mọi dân tộc.”
Người Do Thái nói thế và bật khóc. Ông ta muốn nói tiếp, nhưng lúc đó một người Ý cắt lời:
“Ông nói sai rồi” – người Ý nói với người Do Thái – “Ông gán cho Chúa sự bất công. Chúa không thể yêu một dân tộc hơn các dân tộc khác. Ngược lại, nếu như thậm chí Ngài che chở cho Israel trước hết, thì đã một ngàn tám trăm năm đã trôi qua từ khi Chúa nổi giận và biểu lộ cơn thịnh nộ của mình bằng việc chấm dứt sự tồn tại của Israel và xua đuổi dân Do Thái đi khắp nơi, thì đức tin đó không những không được phổ biến, mà chỉ còn lại ở đâu đó. Chúa không ưu ái bất kỳ dân tộc nào, mà kêu gọi tất cả những ai muốn được cứu rỗi tập trung vào chốn của nhà thờ Công giáo La Mã, ngoài chốn đó thì không có được cứu rỗi.”
Người Ý nói như vậy. Nhưng một mục sư Tin lành tái mặt đáp lại nhà truyền bá Công giáo:
“Làm sao mà ông có thể nói rằng sự cứu rỗi chỉ có thể có ở trong Công giáo của các ông được? Hãy nhớ rằng chỉ những ai theo Phúc Âm, phụng vụ Chúa theo tinh thần của Đạo Chúa Cứu thế.”
Khi đó một người Thổ làm thuế quan ở Surat cũng đang ngồi ở đó, vừa hút tẩu vừa trịnh trọng nói với hai tín đồ Cơ đốc giáo:
“Các ông thật uổng công tin vào chân lý của tín ngưỡng La Mã. Tín ngưỡng của các ông đã hơn sáu trăm năm trước được thay thế bằng tín ngưỡng đích thực của Mohamed. Và chính các ông cũng thấy là tín ngưỡng đích thực của Mohamed ngày càng phổ biến ở cả châu Âu lẫn châu Á, thậm chí cả ở Trung Hoa văn minh. Chính các ông cũng phải thừa nhận là người Do Thái đã bị Chúa chối bỏ, bằng chứng là người Do Thái bị khổ nhục và đức tin của họ không phổ biến. Hãy thừa nhận chân lý của đạo Mohamed, bởi đạo đó đang ở đỉnh cao và liên tục lan rộng. Chỉ những người tin vào tiên tri Mohamed mới được cứu rỗi. Và chỉ những người theo Omar thôi, chứ không phải Ali, bởi những người theo Ali là tà đạo.”
Nghe những lời đó, nhà thần học Ba Tư vốn theo giáo phái Ali bèn muốn phản đối. Nhưng trong tiệm lúc đó đã rộ lên một cuộc tranh luận lớn giữa những người nước ngoài với các tín ngưỡng khác nhau có mặt ở đó. Nào là những người Cơ đốc ở Abyssinia, các vị Lạt Ma Ấn Độ, những người Hồi giáo Ismail và những người theo Bái hỏa giáo.
Tất cả đều tranh cãi về bản chất của Chúa và về việc nên thờ phụng Chúa như thế nào. Mỗi người đều khẳng định rằng chỉ ở nước họ mới biết đến Chúa đích thực và biết cách thờ phụng ra sao.
Mọi người tranh cãi, la hét. Chỉ có một học giả Khổng giáo Trung Hoa ngồi yên trong góc tiệm và không tham gia vào cuộc tranh luận. Ông uống trà, lắng nghe mọi người nói, còn bản thân thì im lặng.
Giữa cuộc tranh luận, ông Thổ nhận ra người này bèn quay sang nói với ông ta:
“Ông người Hoa tốt bụng kia ơi hãy ủng hộ tôi đi nào. Ông im lặng, nhưng ông cũng có thể nói gì đó ủng hộ tôi chứ. Tôi biết rằng ở Trung Hoa các ông giờ đây du nhập các loại tín ngưỡng khác nhau. Cánh thương gia không chỉ một lần từng nói với tôi, rằng người Trung Hoa các ông xem đạo của Mohamed là tốt nhất và sẵn sàng tiếp nhận nó. Hãy ủng hộ ý kiến của tôi đi và nói xem ông nghĩ thế nào về Chúa đích thực và về nhà tiên tri của Ngài.”
“Đúng đấy, hãy nói xem ông nghĩ sao” – những người khác cũng hùa vào.
Vị học giả Khổng giáo lim dim nghĩ ngợi, rồi mở mắt, phất tay áo, đặt tay lên ngực và cất giọng nhẹ nhàng, bình thản:
“Thưa các ngài, tôi thấy hình như lòng tự ái của con người là thứ ngăn trở họ nhiều hơn cả trong việc nhất trí với nhau về vấn đề đức tin. Nếu như mọi người chịu khó lắng nghe tôi một chút, tôi sẽ giải thích điều này cho mọi người bằng một ví dụ sau.”
Tôi rời Trung Hoa đến Surat trên một con tàu của Anh để đi khắp thế giới. Dọc đường đi, chúng tôi cập vào bờ phía đông của đảo Sumatra để lấy nước ngọt. Giữa trưa chúng tôi lên đất liền và ngồi bên bờ biển dưới bóng mát của những cây dừa, không xa ngôi làng của dân đảo. Chúng tôi có vài người đến từ các xứ khác nhau.
Trong lúc chúng tôi đang ngồi đó thì có một người mù đến gần.
Ông ta hoàn toàn mù, chúng tôi sau đó nhận ra điều đó bởi ông ta nhìn chăm chú rất lâu lên mặt trời. Nhìn chăm chú lâu như thế là bởi vì muốn hiểu được mặt trời là gì. Ông ấy muốn biết điều đó để có thể chiếm được ánh sáng mặt trời.
Ông ấy đã nỗ lực rất lâu, tìm đến mọi khoa học, mong muốn bắt được vài tia nắng mặt trời, tóm lấy chúng và nhét vào trong chai.
Ông nỗ lực rất lâu và cứ nhìn mãi, nhìn mãi lên mặt trời mà chẳng thể làm gì được, ngoài mỗi một việc là vì nhìn mặt trời lâu quá nên đau mắt và thành bị mù.
Khi đó ông bèn tự bảo:
“Ánh mặt trời không phải là chất lỏng, bởi nếu là chất lỏng đã có thể rót được nó, và nó sẽ xao động trước gió như nước. Ánh mặt trời cũng không phải là lửa, bởi nếu là lửa thì nó sẽ bị dập tắt trong nước. Ánh mặt trời cũng không phải là tinh thần bởi nó hữu hình, cũng không phải thân xác bởi không thể dịch chuyển nó được. Và bởi vì ánh mặt trời không lỏng, không cứng, không tinh thần mà cũng không thể xác, nên nó là hư vô.”
Ông ta biện luận như thế, đồng thời do cứ nhìn mãi và nghĩ mãi về mặt trời nên ông vừa bị mất thị lực vừa bị mất trí.
Khi ông hoàn toàn mù thì ông đã hoàn toàn tin chắc rằng mặt trời không có.
Đi cùng với ông mù là người nô lệ của ông. Anh ta thu xếp cho chủ ngồi xuống dưới bóng râm của cây dừa, nhặt một quả dừa dưới đất và bắt đầu làm cái đèn bằng quả dừa. Anh làm cọng bấc đèn từ xơ dừa, vắt cơm dừa lấy dầu đổ vào sọ dừa và nhúng cọng bấc dừa vào đó.
Trong lúc người nô lệ làm cái đèn, ông mù thở dài nói với anh ta:
“Thế nào, có phải là ta đã nói đúng, rằng không có mặt trời đấy thôi? Ngươi có thấy tối không? Thế mà người ta bảo có mặt trời… Thế thì mặt trời là cái gì?”
“Con cũng chẳng biết mặt trời là gì ạ” – người nô lệ đáp – “Con chẳng quan tâm đến điều đó. Nhưng con biết ánh sáng. Như con làm cái đèn đây thì con sẽ thấy sáng, và con có thể dùng nó để phục vụ ông, để tìm thấy mọi thứ trong lều của mình.”
Và người nô lệ cầm cái đèn dừa trong tay, nói:
“Đây là mặt trời của con.”
Cạnh đó có một người què đi nạng. Ông ta nghe vậy bèn bật cười và nói với ông mù:
“Ông chắc mù từ bé nên không biết mặt trời là gì. Để tôi nói ông biết nó là gì: mặt trời là quả cầu lửa, mỗi sáng từ biển nhô lên và mỗi tối thì hạ xuống dãy núi trên đảo này, tất cả chúng tôi đều trông thấy thế, và ông cũng có thể thấy nếu như mắt ông sáng.”
Một người đánh cá cũng ngồi đó nghe vậy thì bảo với ông què:
“Chắc là tại ông chưa đi đâu xa ra khỏi hòn đảo của mình. Nếu như ông không què và đi ra biển khơi, ông sẽ thấy mặt trời không hạ xuống núi của đảo ta, mà nếu nó nhô lên từ biển thì cũng hạ xuống dưới biển. Tôi nói chính xác đấy, vì ngày nào tôi cũng chính mắt mình trông thấy.”
Một người Ấn Độ nghe vậy, bảo:
“Tôi ngạc nhiên thấy một người thông minh lại có thể nói những điều ngu xuẩn như vậy. Chẳng lẽ quả cầu bằng lửa xuống nước mà không bị tắt à? Mặt trời không phải là quả cầu lửa, mặt trời là thần linh. Vị thần đó có tên là Deva. Thần đánh cỗ xe trên bầu trời đi quanh ngọn núi thiêng Meru. Có lần những con rắn ác độc Ragu và Ketu tấn công Deva và nuốt mất thần, khi đó mọi thứ trở nên tối tăm. Nhưng các vị tư tế của chúng tôi đã cầu nguyện để thần được giải thoát, và thần đã thoát. Chỉ những người kém hiểu biết như mấy ông, chưa bao giờ đi ra khỏi hòn đảo của mình, thì mới có thể hình dung là mặt trời chỉ chiếu sáng mỗi đảo này.”
Lúc đó, ông chủ của một con tàu Ai Cập cũng đang ngồi đó lên tiếng:
“Không, không đúng, mặt trời không phải là thần linh và không chỉ đi quanh Ấn Độ và ngọn núi thiêng Meru. Tôi đã từng đi qua Hắc Hải, qua các bờ biển Arabia, từng ở cả Madagasca lẫn trên các đảo Philippines – mặt trời chiếu tất cả mọi miền, chứ không chỉ cho một mình Ấn Độ. Nó không chỉ đi quanh một ngọn núi, mà nó mọc lên ở các đảo của Nhật Bản, vì thế mà các đảo này mới có tên Nhật Bản, theo tiếng của họ nghĩa là sinh quán của mặt trời, còn nó lặn nơi rất xa ở phương Tây, sau các đảo của nước Anh. Tôi biết rõ lắm, bởi tôi từng nhìn thấy nhiều và nghe thấy nhiều từ ông nội tôi. Ông nội tôi từng bơi đến những nơi tận cùng của biển khơi.”
Ông ta còn muốn nói thêm nữa, nhưng anh thủy thủ con tàu Anh của tôi ngắt lời:
“Không vùng đất nào ngoài nước Anh biết được rõ hơn mặt trời như thế nào. Ở Anh chúng tôi tất cả đều biết rằng nó không mọc lên ở đâu và lặn xuống ở đâu. Nó chuyển động không ngừng vòng quanh trái đất. Chúng tôi biết rõ điều này bởi vì đã đi vòng quanh trái đất và không ở đâu bị đâm phải mặt trời. Khắp nơi nó đều giống như ở đây, sáng thì hiện ra và tối thì biến mất.”
Anh người Anh cầm cái que vẽ lên cát hình vòng tròn và giải thích mặt trời đi vòng quanh trái đất trên bầu trời như thế nào. Nhưng anh không biết giải thích sao cho hay, bèn chỉ vào người thuyền trưởng của mình và nói:
“Ông ấy thông thái hơn tôi và sẽ giải thích cho mọi người hay hơn.”
Thuyền trưởng là người khôn ngoan, lắng nghe câu chuyện trong im lặng khi chưa được hỏi đến. Nhưng giờ khi mọi người quay sang ông, ông mới cất lời và nói:
“Các ông đánh lừa lẫn nhau và tự đánh lừa mình. Mặt trời không quay xung quanh quả đất, mà quả đất quay xung quanh mặt trời và còn tự quay quanh mình, trong vòng hai mươi bốn giờ hướng về phía mặt trời, cả Nhật Bản, cả các đảo Philippines, cả đảo Sumatra mà chúng ta đang ngồi đây, cả châu Phi, châu Âu, châu Á và nhiều vùng đất nữa. Mặt trời không chỉ chiếu cho một ngọn núi, không chỉ cho một hòn đảo, một vùng biển, thậm chí không chỉ cho một mình trái đất, mà còn cho nhiều hành tinh khác giống như trái đất. Mỗi người các bạn có thể hiểu được điều đó nếu như nhìn lên bầu trời cao, chứ không nhìn xuống dưới chân mình mà nghĩ rằng mặt trời chỉ chiếu cho riêng mình hay chỉ cho riêng quê hương mình.”
Người thuyền trưởng thông thái từng đi nhiều nơi trên thế gian và từng nhìn thấy nhiều thứ trên bầu trời đã nói như thế.
“Phải, những lầm lẫn và bất đồng giữa mọi người về đức tin là do tính tự ái, ích kỷ.” – Học giả Khổng giáo người Hoa tiếp tục:
“Chuyện mặt trời cũng giống như chuyện về Chúa. Mỗi người đều muốn Chúa của riêng mình, hay ít nhất là Chúa của riêng quê hương mình. Mỗi dân tộc muốn giam hãm vào ngôi đền của mình đấng mà cả thế giới ôm cũng không nổi.
Ngôi đền nào có thể sánh được với công trình mà chính Chúa đã xây nên để thống nhất tất cả mọi người vào cùng một tôn giáo, cùng một đức tin?
Mọi ngôi đền của nhân loại đều được dựng lên theo kiểu mẫu của công trình đó là thế giới của Chúa. Ngôi đền nào cũng có bồn tẩy rửa, có cửa mái vòm, có đèn nến, có ảnh tượng, văn bia, sách luật, vật hiến sinh, ban thờ và tư tế. Nhưng ngôi đền nào có bồn tẩy rửa rộng bằng đại dương, mái vòm cao bằng vòm trời, những đèn nến sáng bằng mặt trời và trăng sao, những ảnh tượng sinh động bằng con người đang yêu thương giúp đỡ lẫn nhau? Nơi nào có văn bia về ân điển của Chúa lại dễ hiểu bằng những phúc lành Chúa đã ban phát khắp nơi cho mọi người? Nơi nào có sách luật viết rõ ràng bằng cái đã viết vào trong tim? Nơi nào có vật hiến sinh mà bằng được những hy sinh mà những người biết yêu thương mang lại cho thân nhân của mình? Và nơi nào có được ban thờ tựa như trái tim của một người tử tế mà chính Chúa nhận làm vật hiến sinh?
Con người càng hiểu Chúa ở tầm cao hơn, thì người ấy càng biết rõ Chúa. Mà người ấy càng biết rõ Chúa, thì lại càng đến gần Chúa hơn, bắt chước theo điều thiện, lòng từ bi và nhân ái của Chúa.
Bởi vậy cứ để cho con người nhìn thấy tất cả ánh sáng của mặt trời bao trùm thế giới, để người ấy không phán xét và coi khinh kẻ mê tín chỉ thấy trong thần tượng của mình mỗi một tia sáng, hãy để người ấy không coi khinh kẻ bất tín hoàn toàn bị mù không trông thấy ánh sáng.”
Vị học giả Khổng giáo nói như thế, và tất cả mọi người có mặt trong tiệm cà phê im lặng, thôi không tranh cãi về việc đức tin của ai tốt hơn nữa.
(1892)
Chúa Biết Sự Thật Nhưng Chẳng Nói Ngay Chúa Biết Sự Thật Nhưng Chẳng Nói Ngay - Lev Tolstoy Chúa Biết Sự Thật Nhưng Chẳng Nói Ngay