Nguồn gốc của thiên tài là nguồn gốc của nhiệt huyết.

Benjamin Disraeli

 
 
 
 
 
Tác giả: Hoàng Cầm
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1318 / 34
Cập nhật: 2016-04-30 17:35:29 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
uối năm 1949, đầu năm 1950 tiểu đoàn 130 chúng tôi lúc ấy thuộc Liên khu X, sau khi kết thúc đợt tập trung học chiến thuật công kiên (nay gọi là chiến thuật tiến công cứ điểm) được trên điều về đứng trong đội ngũ Trung đoàn 209 mang tên Sông Lô (1).
Một niềm vui nữa lại đến. Từ Phú Thọ chúng tôi được lệnh chuẩn bị hành quân tham gia chiến dịch Biên Giới, còn gọi là chiến dịch Lê Hồng Phong II, dự định sẽ mở vào trung tuần tháng 9 năm 1950.
Trong chiến dịch này, Trung đoàn 209 và Trung đoàn 174 (chủ lực của Liên khu Việt Bắc) được giao nhiệm vụ diệt cụm cứ điểm Đông Khê - một cứ điểm mà địch gọi là "bậc thang quan trọng trên tuyến đường số 4 từ Lạng Sơn đi Cao Bằng. Tiểu đoàn 130 do tôi làm tiểu đoàn trường được giao nhiệm vụ đánh chiếm Phủ Thiện - Khu hành chính của huyện lỵ Đông Khê.
Giữa lúc đơn vị đang khẩn trương sôi nổi chuẩn bị chiến đấu thì một tin làm phấn chấn lòng người: Bác Hồ đã lên Cao Bằng để trực tiếp theo dõi, chỉ đạo chiến dịch.
Vì nguyên tắc giữ bí mật, không ai dám bàn tán, nhưng mọi người đều cảm thấy vinh dự, và háo hức muốn biết cụ thể về sự kiện "Bác đi chiến dịch".
Rồi bỗng một hôm, có điện từ trung đoàn gọi xuống lệnh tôi và đồng chí Tạ Đình Hiển chính trị viên tiểu đoàn (sau này là thiếu tướng Bộ tư lệnh Quân khu Thủ đô đã nghỉ hưu) yêu cầu chuẩn bị gấp tình hình mọi mặt, kế hoạch chuẩn bị chiến đấu cụ thể của đơn vị để báo cáo cấp trên.
Cấp trên là ai? Tôi không kịp hỏi, chỉ biết khi nhận điện trung đoàn nhấn mạnh cần chuẩn bị thật tốt, tốt nói tốt, chưa tốt nói chưa tốt, không được chung chung.
Hôm sau ngày 12 tháng 9, một đồng chí liên lạc của trên xuống dẫn hai chúng tôi đi theo con đường cắt rừng mới được tạo dựng đã hằn vết chân người. Đường quanh co uốn khúc nhưng được che bằng tán cây rừng thoáng mát, máy bay địch khó phát hiện. Một lúc sau lại rẽ sang một con đường nhỏ hơn, bí mật hơn, không để hằn vết mòn, vì đi đến đâu sửa lại nguỵ trang đến đấy, không để lại cây đổ gãy, cỏ úa.
Trong lúc tôi đang phán đoán đây đã phải là đường vào nơi cấp trên ở chưa, thì đồng chí liên lạc quay lại ghé sát tai tôi nói nhỏ tỏ vẻ quan trọng:
- Chuẩn bị, sắp đến nơi rồi.
Một căn lán nhỏ xinh nằm giữa rừng sâu thuộc bản Nà Lau cạnh Sở chỉ huy chiến dịch, cách Đông Khê 10 ki-lô-mét theo đường chim bay đang chìm trong chiều muông đã hiện ra trước mắt chúng tôi. Tất cả đều bằng cây rừng, lá rừng chặt từ xa mang về xây dựng, đơn giản mà chắc chắn, ẩn dưới tán rừng mà thoáng đãng.
Gần đến trước cửa, đồng chí liên lạc bảo tôi và anh Hiển: các anh đứng ngoài này chờ để tôi vào báo cáo.
Lúc này trời đã nhá nhem tối. Không đầy một phút, tôi được lệnh vào Hình như thượng cấp đã có chương trình nghe chúng tôi báo cáo.
Bước vào cửa phòng tôi thấy có hai ba người ngồi trên một cái giường tự tạo bằng cây rừng, giữa là cây đèn dầu vặn nhỏ.
Bước thêm ba bước tôi sửng sốt chững lại. Tôi nhận ra ngay người ngồi giữa là Bác Hồ. Tôi đang hồi hộp lúng túng, chưa kịp chào thì Bác đã thân mật hỏi như đã biết chúng tôi từ trước:
- Chú là Hoàng Cầm và Tạ Đình Hiển của tiểu đoàn 130 đến báo cáo Bác phải không? - Rồi Bác nói tiếp - Các chú ngồi luôn đây uống chén nước cho ấm bụng đã.
Vừa nói Bác vừa đưa chén nước mới rót cho chúng tôi. Tôi cảm động và ấp úng:
- Dạ, thưa Bác.
Ngọn đèn dầu vặn to, tôi nhìn rõ Bác hơn. Bác mặc bộ quần áo Vệ quốc đoàn màu cỏ úa, dáng rắn khỏe, mặc dầu so với ngày 2-9-1945 ngày Bác đọc Tuyên ngôn độc lập ở vườn hoa Ba Đình thì giờ đây Bác già hơn, tóc thưa và bạc nhiều.
Ngày ấy, trung đội tự vệ Thành chúng tôi được tham gia bảo vệ cuộc mít tinh, đứng ngay dưới chân kỳ đài, được nhìn rõ Bác, nhưng vì nhiệm vụ nên không dám ngắm kỹ Bác như lần này.
Giờ đây tôi vinh dự đang được ngồi đối diện với Bác trong căn lán dã chiến đơn sơ giữa nơi rừng sâu mà thấy ấm cúng, như con ngồi bên cha để báo cáo với Bác.
Sau khi hỏi sức khỏe, hỏi quê hương, gia đình, Bác bảo thời gian lúc này rất quý, Bác cháu ta tranh thủ làm việc để các chú còn về cùng đơn vị lo chuẩn bị tiếp.
Tôi bắt đầu báo cáo những điều đã chuẩn bị theo điện hướng dẫn của trung đoàn. Bác nghe tôi báo cáo, tỏ vẻ hài lòng về quyết tâm chiến đấu của tiểu đoàn. Bác hỏi:
- Số quân của tiểu đoàn chú hiện có bao nhiêu chiến sĩ mới, bao nhiêu chiến sĩ cũ?
- Thưa Bác, hai phần ba là chiến sĩ mới.
- Cán bộ có đủ không?
- Dạ! Đủ ạ!
- Chú có tin trận này ta nhất định thắng không?
- Báo cáo Bác, tin ạ!
Bác lại hỏi:
- Chú Hiển có nói gì nữa không?
- Thưa Bác chúng cháu đã thống nhất để anh Hoàng Cầm báo cáo.
Đêm tĩnh mịch. Tiếng của Bác vừa đủ nghe, giọng đầm ấm tình cha con. Còn tôi ngồi yên lặng, nghiêm túc lắng nghe, lòng tin về trận thắng cứ dâng đầy. Bác nói tầm quan trọng của chiến dịch nay đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta; Bác phán tích cặn kẽ mà ngắn gọn thế địch, thế ta trong chiến dịch; Bác giải thích vì sao ta không lấy Cao Bằng làm hướng tiến công chủ yếu, mà lại chọn Đông Khê; Bác nhấn mạnh bí mật và nghi binh là rất quan trọng trong quân sự.
Kể lại dòng hồi ức này cách đây đã 41 năm, nhiều chi tiết không sao nhớ hết, nhưng nhờ độ lùi của thời gian đã giúp tôi hiểu biết, cảm thụ sâu sắc tư tưởng quân sự của Bác kính yêu, cùng những sự kiện lịch sử cứ sáng chói mãi theo năm tháng, gắn quyện hình ảnh Bác với mảnh đất Cao Bằng. Ở đây năm 1941, Bác chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 8 tại Pác Bó, vạch phương hướng tổng thể chỉ đạo chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.
Ở đây tháng 7 năm 1944, Bác đã kịp thời đình hoãn chủ trương phát động vũ trang khởi nghĩa chưa đúng thời cơ của Liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng, bằng những nhận xét cụ thể mà khái quát nêu bước đi đúng cho một thời kỳ. Bác bảo bây giờ thời kỳ cách mạng hoà bình phát triển đã qua nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa đến. Bác nhấn mạnh ngay cả điều kiện quân sự cho khởi nghĩa cũng chưa đủ, vì Ban lãnh đạo Khởi nghĩa chưa tuân theo "nguyên tắc tập trung lực lượng: cán bộ, vũ khí phân tán, thiếu hẳn một lực lượng nòng cốt".
Về chỉ đạo chiến lược, quyết định khởi nghĩa, Bác chú ý đến Thời cơ, đến các điều kiện cụ thể của khởi nghĩa.
Còn với chiến tranh giải phóng đất nước, Bác là người lãnh đạo tối cao nhưng luôn luôn theo sát các chiến dịch. Lần này Bác trực tiếp ra mặt trận, quan tâm đến mọi vấn đề của chiến dịch, nêu lên cả nguyên tắc quân sự để bảo đảm cho trận đánh thắng lợi.
Những vấn đề Bác nói rất giản dị mà sâu sắc.
Sau khi nghe tôi báo cáo kế hoạch tiến công Đông Khê từ hướng đông - nam của tiểu đoàn 130, Bác nhắc thêm:
- Lần đầu tiến công cụm cứ điểm (2) có quân đông, có lô cốt hầm ngầm kiên cố, các chú có quyết tâm cao như thế là tốt, nhưng chưa đủ. Muốn tiêu diệt địch, các chú phải có biện pháp đánh bại các thủ đoạn của chúng; phải có cách phá hàng rào thép gai, bãi mìn, đánh sập lô cốt. Khi chiến đấu phải thực hiện tốt việc đoàn kết hiệp đồng trong nội bộ đơn vị, với đơn vị bạn và nhân dân. Bác hoan nghênh tinh thần sẵn sàng chiến đấu, ý chí quyết chiến, quyết thắng của các chú. Nhờ chú chuyển lời chúc sức khỏe của Bác đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Bác chúc các chú thắng lợi!
Trên đường trở về đơn vị, tôi cảm thấy lòng lâng lâng, vui sướng. Được gặp Bác, được nghe lời chỉ bảo ân cần của Bác là một hạnh phúc lớn, điều mà tôi không dám nghĩ tới nhưng nay là sự thật, rất giản dị mà sâu lắng.
Về đến đơn vị tôi cho họp cán bộ để bàn kế hoạch triển khai thực hiện làm theo lời Bác. Cuộc họp chưa bắt đầu, anh em đã nóng lòng muốn nghe tôi thuật chuyện về chuyến đi gặp Bác như đã dự kiến trên đường trở về. Trước hết tôi kể về sức khỏe của Bác, những ý kiến của Bác giải thích về tầm quan trọng của chiến dịch. Bác bảo ta nổ súng đánh Đông Khê trước là đánh vào nơi quân địch tương đối yếu nhưng lại là vị trí rất quan trọng trên tuyến phòng thủ đường số 4 từ Lạng Sơn đi Cao Bằng. Mất Đông Khê khi ấy địch có thể sẽ giành lại Đông Khê đề giữ Cao Bằng hoặc phải đánh lên để đón quân Cao Bằng rút lui Ta nhân lúc đó nhử thú dữ vào tròng mà khép vòng lưới thép. Quân viện của địch đã tan thì ta đánh Cao Bằng không phải là việc khó nữa, nếu chúng rút khỏi Cao Bằng thì đánh càng thuận lợi hơn.
Dư âm phấn khởi được Bác tiếp sức vẫn nóng bỏng trong tôi, khiến tôi thấy mình lúc này rất minh mẫn trong khi kể lại lời Bác dạy.
Cuối cùng tôi hạ thấp giọng và nói chậm hơn:
- Bác bảo rằng theo sự phân công của Trung ương Đảng, Bác lần này đi sát mặt trận để giúp đỡ Bộ chỉ huy chiến dịch. Các chú cùng Bác tham gia chiến dịch này, ai nấy cần cố gắng làm tròn nhiệm vụ của mình.
Không khí cuộc họp trở nên trang nghiêm và xúc động khi nghe tôi nhắc lại lời nói thân tình, gần gũi của Bác, không chỉ riêng cho tiểu đoàn 180 chúng tôi mà còn cả với toàn thể cán bộ, chiến sĩ có mặt trên trận tuyến biên giới lúc đó.
Đây là trận đầu tiên đơn vị tiến công vào một cứ điểm kiên cố nhưng chúng tôi cảm thấy bình tĩnh, phấn khởi, tự tin. Lúc này các đơn vị đang ở ngay sát nách cứ điểm Đông Khê, để chờ lệnh nổ súng, vậy mà quân địch vẫn không hay rằng hướng tiến công của quân ta sắp tới là đâu: Đông Bắc, Tây Bắc hay là đồng bằng Bắc Bộ. Nghệ thuật nghi binh lừa địch do Bác chỉ đạo thật tài tình.
Ngày 12 tháng 9, theo lệnh của Bác, ta nổ súng đánh địch tại Pa Kha (Lao Cai), thì địch càng tin vào sự phán đoán của chúng là đúng: Hướng tiến công của Việt Minh trong Thu - Đông này là Tây Bắc.
Bộ chỉ huy Pháp ký "Lệnh đặc biệt" hoàn thành đánh chiếm thị xã Thái Nguyên" vào đầu tháng 10, để hạn chậm nhất 15 tháng 10 phải rút xong các đơn vị quân Pháp đồn trú tại Cao Bằng.
Thế nghĩa là địch không thấy nguy cơ Đông Khê sắp bị rơi vào tay đối phương, do đó Thất Khê, Lạng Sơn bị uy hiếp, Cao Bằng bị cô lập, có muốn rút cũng không được. Chúng vẫn xúc tiến tham vọng đánh chiếm Thái Nguyên, để sau đó từ hai hướng bắc (Biên Giới), nam (Thái Nguyên) ép ta, dồn chủ lực và cơ quan đầu não kháng chiến của ta vào một cái túi để cất vó, mau chóng kết thúc chiến tranh (!).
Bác vĩ đại của chúng ta hiểu rõ "nước cờ trên đây của kẻ địch chỉ là ảo vọng, nên từ trung tuần tháng 9, Người tạm dời nơi làm việc ở một khu căn cứ Tây Bắc Thái Nguyên lên biên giới Khi mà Các-păng-chi-ê, tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương đang tất tả như con thoi hết Sài Gòn lại ra Hà Nội, cưỡi máy bay lên Lạng Sơn lệnh cho viên đại tá Công- xtăng chỉ huy quân đội Pháp ở Liên khu biên giới Đông Bắc gấp rút thực thi "lệnh đặc biệt" nói trên, thì Bác đã rất ung dung thư thái "chống gậy lên non xem trận địa", đang cài thế.
Sáu giờ sáng ngày 16 tháng 9 (trùng hợp với ngày Bộ chỉ huy quân đội Pháp thực hiện kế hoạch đánh chiếm thị xã Thái Nguyên để hỗ trợ cho quân pháp rút khỏi Cao Bằng), đạn pháo ta theo lệnh Bác đã nổ vang tại cứ điểm Đông Khê.
Trận đánh quyết định mở màn chiến dịch bắt đầu.
Cuộc chiến đấu diễn ra liên tục suốt một ngày và một đêm, mãi 10 giờ sáng ngày 17 chúng tôi mới chiếm được các đồn ngoại vi của cụm cứ điểm Đông Khê.
Ở hướng đông bắc, trung đoàn 174 chiến đấu cực kỳ dũng cảm, gương La Văn Cầu, chiến sĩ đánh bộc phá không do dự nhờ đồng đội chặt cánh tay bị thương để khỏi bị vướng, tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ đã cổ vũ chúng tôi rất nhiều. Nhưng ở hướng đó đang gặp khó khăn, địch từ hầm cố thủ dồn lực lượng tổ chức phản kích đánh bật ta ra ngoài cứ điểm.
Ở hướng tiểu đoàn 130 chúng tôi, cả ngày 17 địch cũng liên tục phản kích hòng chiếm lại khu vực đã mất, ta và địch giành nhau từng tấc đất. Nhưng ta vẫn chiếm giữ toàn bộ khu Phủ Thiện, tạo thế áp sát vào đồn chính từ hướng đông nam.
Gặp tôi, Trần Cừ hậm hực:
- Thế này là không ổn! Ta bị địch phản kích là do hướng bắc chưa đánh tốt. Hiệp đồng kiểu này thì nguy đấy!
Đúng là nếu đêm qua trung đoàn 174 hoàn thành nhiệm vụ chắc chắn không có chuyện địch phản kích ngày hôm nay. Nhưng chiến đấu là một cuộc đọ sức quyết liệt, đâu phải dễ dàng, trơn tru như ta dự kiến. Địch cũng có. phản ứng chứ, càng quyết liệt khi chúng bị dồn vào bước đường cùng. Ta không dự kiến hoặc dự kiến không hết là thuộc về khuyết điểm hoặc năng lực có hạn.
Tôi hoàn toàn thông cảm với tâm trạng của đại đội trưởng đại đội làm nhiệm vụ chủ công. Đơn vị của Trần Cừ bị thương vong nhiều do bị địch phản kích quyết liệt. Nhưng tôì vẫn nghiêm khắc:
- Chúng ta phải quyết tâm thực hiện lời Bác dạy. Đơn vị bạn cũng khó khăn chứ đâu riêng chỉ có đơn vị mình. Chính mình phải nổ lực hơn nữa mới thực hiện được đoàn kết hiệp đồng hỗ trợ cho đơn vị bạn.
Nhắc đến lời Bác, Trần Cừ hối hận, đầu hơi cúi xuống.
Sau khi thông báo với Trần Cừ về diễn biến chung, tôi nói thêm:
- Bác vẫn theo dõi trận đánh và chỉ thị cho chúng ta, dù khó khăn đến đâu cũng kiên quyết khắc phục, đánh cho kỳ thắng trận đầu.
Như có cái gì đó gần gũi mà thiêng liêng, sau khi nghe tôi nói những điều Bác căn dặn, Trần Cừ đứng thẳng người, với gương mặt phấn chấn, kiên quyết, tự tin, anh báo cáo:
- Dù khó khăn đến mấy, đại đội tôi hứa kiên quyết thực hiện.
Tôi siết chặt tay Trần Cừ và chúc đại đội hoàn thành xuất sắc đợt hai trận đánh.
Cả tôi và Trần Cừ đứng giữa cảnh đổ nát của trận địa sau một đêm đọ sức quyết liệt giữa ta và địch, không ai nói thêm điều gì nhưng lại có chung một điều suy nghĩ: Dù bất cứ tình thế nào cũng phải kiên quyết vượt qua, hoàn thành nhiệm vụ Bác giao.
Chỉ thị của Bác thật hết sức súc tích, trở thành tư tưởng chỉ đạo trận đánh đêm nay của chúng tôi.
17 giờ ngày 17 tháng 9, chúng tôi nổ súng bắt đầu đợt hai của trận đánh quyết định, tiêu diệt cái cứ điểm kiên cố còn lại của cụm cứ điểm Đông Khê.
Cuộc chiến đấu diễn ra đúng như dự đoán, quyết liệt suốt đêm 17 cho đến 10 giờ sáng ngày 18-9-1950.
Nhưng chúng tôi đã nghiêm chỉnh thực hiện đúng chỉ thị của Bác - thắng cho kỳ được trận đầu. Cụm cứ điểm Đông Khê đã hoàn toàn bị tiêu diệt, "cái bậc thang" trên tuyến đường số 4 Lạng Sơn đi Cao Bằng của địch đã bị đánh gẫy.
Đại đội 866 mũi chủ công của tiểu đoàn 180 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Nhưng Trần Cừ người chỉ huy mưu trí, dũng cảm của đại đội không còn nữa!
Tôi vô cùng xúc động khi nhận được tin này. Không quản mệt nhọc, nguy hiểm, tôi đến ngay nơi Trần Cừ vừa ngã xuống.
Trần Cừ vẫn còn đó, trong tư thế áp mình vào lỗ châu mai, hai tay dang rộng, mười ngón xòe ra bám vào vách đứng của cái lô cốt thấp mà to ngang, "da dẻ" xù xì xám mốc. Gương mặt anh vẫn hiện lên đường nét quen thuộc cởi mở, lạc quan và kiên nghị.
Đứng trước thi hài Trần Cừ, tôi bật lên tiếng khóc thật to.
Không phải chỉ mình tôi mà cả ban chỉ huy tiểu đoàn, tất cả cán bộ, chiến sĩ còn lại của đại đội 336 đều khóc. Khóc vì tiếc thương một đồng chí giàu tình nhân ái, khiêm nhường, một đại đội trường sung sức, chiến đấu dũng cảm, thông minh, quyết đoán.
Tôi nhớ mãi câu nói cuối cùng của Trần Cừ: "Đại đội tôi hứa kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ đêm nay, dù có gặp bất kỳ khó khăn nào".
Anh hứa và anh đã làm. Không hoa mỹ, sáo rỗng. Đã nói là làm, đã làm là phải thành công, dù phải xả thân.
Tuy không được gặp Bác, nhưng được tin Bác đi chiến dịch, Bác trực tiếp đến gần theo dõi trận đánh Đông Khê, Trần Cừ lúc nào cũng nhắc tới Bác với một niềm tự hào: Bác là chỉ huy danh dự của tiểu đoàn ta. Tinh thần quyết chiến quyết thắn của Trần Cừ thể hiện tư tưởng "chỉ cho đánh thắng" của Bác.
Tôi được số anh em cán bộ, chiến sĩ còn sống trong trận đánh này kể lại khi chiến dịch kết thúc. Trần Cừ đã chỉ huy đại đội vượt qua bức tường đá cao dày như bức tường Thành Cổ, tiếp đó là hàng rào kẽm gai và bãi mìn, tiếp sát vào lô cốt thuộc khu đồn chính thì trời tảng sáng, lại bị hoả lực từ trong hầm ngầm, lô cốt cố thủ bắn cản lại, anh em bị thương một số. Mũi tiến công bị chững lại. Lúc này anh bị thương vào chân, nhưng cố nén chịu tiếp tục chỉ huy đơn vị tiến lên mục tiêu cần đánh phá; cố tiếp cận lô cốt trước mặt - nơi các họng súng của địch từ các lỗ châu mai đang bắn ra dữ dội. Ném nốt quả lựu đạn cuối cùng vào lỗ châu mai, đồng thời Trần Cừ đứng thắng người, áp cả thân mình vào lỗ châu mai, bịt hoả điểm địch, bắt chúng câm họng chỉ trong vài giây cho bộ đội xung phong đánh chiếm.
Trần Cừ chủ động chấp nhận hy sinh, dùng thân mình cản hoả lực địch, tạo thuận lợi cho toàn đơn vị tiêu diệt cụm cứ điểm Đông Khê, góp phần cùng đơn vị bạn hoàn thành giành thắng lợi trận đánh quyết định của chiến dịch.
Bước phát triển của chiến dịch diễn ra đúng như Bác dự đoán, mất Đông Khê buộc địch phải cho quân đi ứng cứu lẫn nhau, tạo cơ hội cho ta tiêu diệt chúng trong vận động, như tư tưởng chỉ đạo tác chiến của Bác - là "nhử thú dữ vào tròng" để "khép vòng lưới thép" tiêu diệt chúng. Mất Đông Khê, binh đoàn Lơ-pa-giơ buộc phải làm ứng cứu bị ta tiêu diệt ở Nà Cạo cao điểm 477 trên đoạn đèo Bông Lau. Mất Đông Khê, binh đoàn Sắc-tông buộc phải rút khỏi Cao Bằng, bị ta tiêu diệt ở Cốc Xá gần điểm cao 477.
Hai binh đoàn thiện chiến của địch bị tiêu diệt, thị xã Lạng Sơn bị uy hiếp.
Chỉ một trận Đông Khê, làm rung chuyển toàn bộ tuyến phòng thủ biên giới của địch, buộc chúng phải bỏ thị xã Lạng Sơn, Lộc Bình, Đình Lập, An Châu, Chũ, Lục Nam, con đường số 4 từ Cao Bằng đến sát Tiên Yên, con đường 13 từ Lục Nam - Chũ qua An Châu đến Đình Lập sạch bóng thù, nhân dân được giải phóng khỏi ách chiếm đóng của quân xâm lược.
Chiến dịch Biên Giới toàn thắng.
Trong phạm vi hồi ức, tôi thấy không cần thiết bình giá về ý nghĩa chiến thắng lịch sử này cũng như sự chỉ đạo sáng suốt, tài giỏi của Trung ương Đảng, Tổng Quân uỷ và trực tiếp là Bộ chỉ huy chiến dịch. Vả lại các vấn đề này sách báo đã đề cập.
Là cán bộ chỉ huy, lần đầu được vinh dự tiếp nhận ánh sáng tư tưởng quân sự của Bác, nhưng không phải ngay từ đầu tôi đã thấy hết được tư tưởng sâu sắc của Người, mà phải có thời gian, thông qua thực tiễn chiến đấu. Với tôi, trước bất kỳ trận chiến đấu nào, chiến dịch nào kỷ niếm gặp Bác trước trận đánh quyết định vẫn hiện về. Và những lúc như thế, lời dạy của Bác trong chiến dịch Biên Giới luôn luôn là chỗ dựa để tôi suy nghĩ, nghiền ngẫm, vận dụng.
Kỷ niệm gặp Bác trước trận đánh quyết định trở thành ký ức không bao giờ quên, là điểm khởi đầu của dòng hồi ức của tôi về Bác, để rồi chính những hồi ức đó lại nhắc nhở tôi, soi sáng trong nếp nghĩ của tôi đi vào các trận chiến đấu, các chiến dịch Trung Du, Tây Bắc, Điện Biên phủ, Đồng Xoài, Phước Long. cho đến ngày 30-4-1975 tôi cùng đồng đội tiến vào Sài Gòn, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Chú thích:
(1) Trung đoàn 209 lập công xuất sắc trong các trận đành địch trên sông Lô khi chúng tiến công lên Việt Bắc thu đông năm 1947.
(2) Sau khi bị trung đoàn 174 tiến công tháng 5 năm 1950, Đông Khê từ một cứ điểm địch củng cố thành cụm cứ điểm mạnh, gồm hai điểm tựa lớn, bảy vị trí vành ngoài, có hầm ngầm cố thủ, lực lượng có hai đại đội thuộc tiểu đoàn 2, trung đoàn Lê dương số 3, một trung đội lưu động, một phân đội pháo 105 ly hai khẩu, quân số 350 tên.
Chặng Đường 10.000 Ngày Chặng Đường 10.000 Ngày - Hoàng Cầm Chặng Đường 10.000 Ngày