Books let us into their souls and lay open to us the secrets of our own.

William Hazlitt

 
 
 
 
 
Tác giả: Joseph Delaney
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2020 / 37
Cập nhật: 2017-05-09 22:24:33 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4 - Căn Nhà Mùa Đông
húng tôi đến gần Anglezarke bao nhiêu, thời tiết trở nên xấu hơn bấy nhiêu.
Trời đã bắt đầu đổ mưa và gió đông nam lạnh căm càng lúc càng mạnh hơn cho đến khi nó quất phần phật vào mặt chúng tôi, mây xám sà thấp và ngột ngạt như một quả tạ bằng chì treo lơ lửng trên đầu mọi người. Sau đấy gió thổi thậm chí còn tợn hơn và cơn mưa chuyển thành mưa băng mưa đá. Đất dưới chân hóa ra bùn nhão và chúng tôi tiến bước chậm chạp. Còn tệ hơn nữa, chúng tôi cứ sa chân vào vùng đất phủ rêu và vũng lầy nhão nhoét trá hình, và phải nhờ vào toàn bộ kiến thức của Thầy Trừ Tà mà chúng tôi mới an toàn băng qua.
Nhưng vào sáng ngày thứ ba, mưa thưa bớt và mây tản đi, giúp chúng tôi có thể nhìn ra dãy đồi u ám ngay trước mặt.
“Kia rồi!” Thầy Trừ Tà lên tiếng, chỉ thanh trượng về phía đường chân trời. “Đồng hoang Anglezarke đấy. Còn ở đằng ấy, về hướng nam khoảng bốn dặm” – thầy lại khoa tay – “là Blackrod.”
Nơi đây còn cách xa quá nên chưa thấy bóng dáng ngôi làng đâu cả. Tôi cứ tưởng mình mới nhìn ra vài dải khói nhưng có lẽ đấy là mây.
“Làng Blackrod trông thế nào vậy thầy?” tôi hỏi. Thầy tôi thỉnh thoảng có đề cập qua, nên tôi hình dung nơi đấy chắc cũng giống như ngôi làng mà hàng tuần tôi đến thu gom lương thực.
“Nơi ấy không thân thiện như ở Chipenden đâu, nên tốt nhất là tránh xa ra,” Thầy Trừ Tà bảo. “Toàn những người vụng về sinh sống và nhiều người trong số họ là người một nhà. Ta được sinh ra tại đấy nên ta phải biết rõ. Không đâu, Adlington là nơi dễ chịu hơn nhiều và cách đây cũng không còn xa nữa. Cách Adlington khoảng một dặm về hướng bắc là nơi bọn ta sẽ bỏ con lại, cô bé à,” thầy nói với Alice. “Tên nơi ấy là nông trại Cảnh Bờ Hoang. Con sẽ ở cùng ông bà Hurst, chủ nông trại.”
Chừng một giờ đồng hồ sau chúng tôi đến được một ngôi nhà nông trại biệt lập gần bên hồ nước lớn. Khi Thầy Trừ Tà tiến thẳng vào, đám chó bắt đầu sủa váng; chẳng mấy chốc sau thầy đã đứng trong sân nhà, trò chuyện cùng một lão nông trông không vui vẻ gì cho lắm khi gặp mặt thầy. Sau khoảng dăm phút, vợ của lão nông đến đứng trò chuyện cùng. Ba người bọn họ chẳng ai buồn nhếch mép cười với ai lấy một lần.
“Tớ sẽ không được chào đón tại nơi này, bảo đảm luôn!” Alice vừa nói vừa trễ khóe miệng xuống.
“Biết đâu không tệ đến thế thì sao,” tôi bảo, cố tìm cách bào chữa. “Đừng quên là bọn họ từng mất một đứa con gái. Có những người chẳng bao giờ vượt qua được một bi kịch như vậy đâu.”
Trong khi đứng chờ, tôi quan sát nông trại ấy kỹ hơn. Nông trại trông không trù phú mấy và đa phần các khu nhà trong đấy đều trong tình trạng cần phải sửa sang lại. Kho chứa cỏ xiêu vẹo hẳn sang một bên, trông như thể cơn dông sắp tới sẽ làm nó bẹp dúm. Mọi thứ trong tầm mắt trông thật buồn thảm. Tôi cũng không thể không thắc mắc về hồ nước bên cạnh nông trại. Đấy là một vùng nước xám xịt u ám trải rộng mà mép nước bờ bên kia là khu đầm lầy, còn bờ bên này chỉ là vài cây liễu còi cọc. Có phải đây là nơi con gái họ chết đuối không nhỉ? Bất cứ khi nào từ khung cửa sổ trước nhìn ra, ông bà Hurst cũng sẽ bị gợi nhớ đến những chuyện đã xảy ra.
Vài phút sau Thầy Trừ Tà quay ra vẫy tay ra hiệu cho chúng tôi tiến đến, và chúng tôi khập khiễng băng qua đống bùn nhão vào trong sân.
“Đây là Tom, cậu học việc của tôi,” Thầy Trừ Tà giới thiệu tôi cho lão nông cùng vợ ông ta.
Tôi mỉm cười chào hỏi. Bọn họ cùng gật đầu chào tôi nhưng chẳng hề cười đáp lại.
“Và đây là cô bé Alice,” Thầy Trừ Tà nói tiếp. “Cô bé làm lụng chăm chỉ lắm nên sẽ là tay trợ giúp đắc lực mọi việc trong nhà. Ông bà cứ cương quyết nhưng tử tế vào thì con bé sẽ không gây rắc rối gì cho hai người đâu.”
Hai người họ nhìn lên nhìn xuống Alice nhưng chẳng nói gì; sau một cái gật đầu ngắn gọn về phía họ cộng thêm thoáng nhếch cười thì Alice chỉ nhìn chăm chăm xuống đôi giày mũi nhọn của mình. Tôi có thể khẳng định là Alice đang không vui; chuyến lưu lại nhà gia đình Hurst của cô gái khởi đầu không mấy tốt đẹp rồi. Thật sự tôi cũng không trách gì cô. Trông hai người kia đều khổ sở thảm thương, như thể cuộc đời đã làm họ bầm dập tả tơi hết. Mặt và trán ông Hurst chằng chịt những nếp nhăn cho thấy ông ấy đã phải nhăn nhó nhiều hơn là cười đùa.
“Gần đây có gặp Morgan thường không?” Thầy Trừ Tà hỏi.
Đột nhiên nghe đến cái tên “Morgan” khiến tôi nhìn phắt lên để kịp trông thấy mi mắt trái ông Hurst mấp máy co giật. Ông ta trông bồn chồn lo lắng. Có lẽ cả e sợ nữa. Có phải cùng là người tên Morgan đã đến đưa tôi lá thư gửi cho Thầy Trừ Tà không nhỉ?
“Chẳng thường lắm,” bà Hurst ủ rũ đáp mà chẳng nhìn vào ánh mắt Thầy Trừ Tà. “Nó năm thì mười họa có qua đêm tại đây nhưng chỉ đến rồi đi khi nó thích thôi. Lúc này chủ yếu nó tránh xa khỏi nhà.”
“Lần cuối anh ta ở đây là khi nào vậy?”
“Hai tuần trước. Có lẽ còn trước đó nữa cơ...”
“À, khi nào anh ta ghé về, bảo cho anh ta biết là tôi cần nói vài lời với anh ta. Bảo anh ta đến thẳng nhà nhé.”
“Được rồi, tôi sẽ bảo nó.”
“Nhớ làm đấy. Thôi, chúng tôi phải lên đường đây.”
Thầy Trừ Tà quay lưng bước đi và tôi nhặt trượng của mình cùng hai chiếc túi lên mà đi theo thầy. Alice chạy bổ theo tóm lấy tay tôi, làm tôi phải dừng lại.
“Đừng quên lời cậu hứa đấy,” cô gái thì thầm vào tai trái tôi. “Hãy đến thăm tớ, đừng để lâu quá một tuần nhé. Tớ đặt lòng tin vào cậu!”
“Tớ sẽ đến thăm cậu mà, đừng lo,” tôi vừa nói vừa mỉm cười với Alice.
Nghe thế, Alice bước trở lại nhà ông bà Hurst và tôi đứng dõi theo cả ba người họ trở vào trong căn nhà nông trại. Tôi thấy buồn cho Alice lắm nhưng chẳng thể làm được gì.
Khi thầy trò tôi bỏ nông trại Cảnh Bờ Hoang lại sau lưng, tôi kể cho Thầy Trừ Tà nghe những điều đã bắt đầu làm tôi lo lắng.
“Họ hình như trông không vui vì phải nhận Alice vào,” tôi nói, lòng nghĩ Thầy Trừ Tà sẽ phản bác lại mình. Thật kinh ngạc làm sao, thầy lại đồng ý với những gì tôi nói.
“Phải, đúng là thế thật, bọn họ không vui vẻ mấy. Nhưng trong chuyện này họ chẳng có quyền quyết định gì nhiều. Con thấy đấy, gia đình nhà Hurst nợ ta một món khá lớn. Ta đã hai lần giúp họ tống khứ vài ông kẹ phá phách ra khỏi nhà. Thế mà đến nay ta chưa hề nhận một xu nào cho bao công sức mình bỏ ra cả. Ta đồng ý xóa nợ cho họ nếu họ chịu nhận Alice.”
Tôi không sao tin nổi mình đang nghe thấy gì. “Nhưng như thế thật không công bằng cho Alice!” tôi kêu lên. “Họ có thể đối xử tệ với bạn ấy mất.”
“Con bé ấy biết tự chăm sóc mình, con cũng biết quá rõ rồi còn gì,” thầy nói với nụ cười nham hiểm. “Vả lại, chắc chắn là con sẽ không thể ở xa con bé và rồi thỉnh thoảng sẽ phải ghé qua thăm con bé có ổn không cho xem.”
Khi tôi mở miệng định phản đối, nụ cười toe của Thầy Trừ Tà càng thêm rộng ra khiến thầy trông như một con chó sói đói ăn đang há to mồm để cắn phăng đầu con mồi của nó.
“Sao hả, ta nói có đúng không nào?” thầy hỏi.
Tôi gật đầu.
“Ta đã nghĩ thế mà lại. Đến giờ thì ta đã hiểu con rõ lắm rồi. Cho nên con đừng quá lo lắng cho con bé. Lo đến thân con kìa. Có vẻ như đây sẽ là một mùa đông khắc nghiệt đấy. Mùa đông sẽ thử thách sức mạnh của hai thầy trò ta đến mức tột cùng. Anglezarke không phải là nơi dành cho những kẻ nhát gan yếu đuối!”
Còn một chuyện khác bấy lâu nay vẫn khiến tôi băn khoăn, thế nên tôi quyết định nói ra cho hết. “Con nghe thầy hỏi ông bà Hurst về ai đó tên là Morgan,” tôi nói. “Có phải là cùng ông Morgan đã gửi cho thầy lá thư không ạ?”
“À, dứt khoát là ta hy vọng không có hai kẻ như thế đâu, anh bạn ạ! Một tên đã đủ rắc rối rồi.”
“Vậy là thỉnh thoảng hắn ta trú lại nhà gia đình Hurst ạ?”
“Quả có thế thật đấy anh bạn, mà đúng ra phải thế vì hắn là con trai họ cơ mà.”
“Thầy đã gửi Alice vào ở với bố mẹ của Morgan ư!” tôi kinh ngạc thốt lên.
“Phải. Và ta biết mình đang làm gì nên giờ hỏi thế là đủ rồi. Ta đi thôi nào. Chúng ta cần đến đó sớm trước khi màn đêm buông xuống.”
Từ giây phút đầu tiên nhìn cận cảnh, tôi đã yêu thích rặng đồi đá bao quanh Chipenden rồi, nhưng không biết sao với Đầm lầy Anglezarke thì lại khác. Tôi không thể xác định chính xác là do đâu, nhưng càng gần đến Anglezarke, tinh thần tôi càng nặng nề.
Có lẽ là do tôi trông thấy nơi này vào thời điểm năm cùng tháng tận, khi mà quang cảnh u ám và mùa đông đang kéo đến. Hoặc là do chính vùng đồng hoang đen đúa đang dâng lên trước mặt tôi như một con quái vật khổng lồ khum khum mình, cùng các đám mây bao phủ những đỉnh đồi ảm đạm. Nhưng chủ yếu nhất là do mọi người cứ khuyên tôi phải tránh xa nơi này, rồi lại bảo là mùa đông nơi đây sẽ khắc nghiệt đến thế nào. Dù có là vì lý do nào đi nữa, tôi cảm thấy tình hình còn tồi tệ hơn khi trông thấy căn nhà của Thầy Trừ Tà, một nơi u ám mà thầy trò chúng tôi sẽ phải trú ngụ trong vài tháng tới.
Chúng tôi tiến về phía ngôi nhà bằng cách đi men theo con suối ngược đến đầu nguồn, leo lên nơi mà Thầy Trừ Tà gọi là “hẻm núi”, một khe rãnh giữa vùng đồng hoang, một thung lũng vừa hẹp vừa sâu với hai bên bờ là những sườn dốc đứng nhô thẳng. Thoạt tiên hai sườn dốc này toàn là sỏi vụn, nhưng những viên đá rời rạc ấy chẳng bao lâu sau đã bị cỏ hoang cùng các phiến đá tướng gai góc lấn át, và những vách đá hai bên hẻm núi dường như mỗi lúc một thu hẹp lại.
Sau khoảng hai mươi phút thì hẻm núi uốn quành sang trái, và bỗng nhiên ngôi nhà của Thầy Trừ Tà hiện ra sừng sững ngay trước mặt, được xây cất tựa lưng vào vách đá bên tay phải chúng tôi. Lúc nào bố tôi cũng bảo ấn tượng đầu tiên của ta về một điều gì đó hầu như luôn chính xác, thế cho nên tinh thần tôi suy sụp hoàn toàn. Lúc này là xế chiều và ánh nắng đã không còn soi rõ nữa, vậy nên ánh sáng còn lại chẳng giúp ích được gì. Căn nhà này lớn và uy nghi hơn nhà ở Chipenden, nhưng lại được xây bằng loại đá tối màu hơn nhiều, khiến cho toàn ngôi nhà toát lên vẻ hung ác hiển hiện. Thêm vào đó các cửa sổ lại bé xíu, cộng với việc ngôi nhà xây trong hẻm núi, chắc chắn rồi các căn phòng bên trong sẽ rất tối tăm. Đây là một trong những ngôi nhà kém hiếu khách nhất mà tôi từng thấy.
Mà không, điều tồi tệ nhất, là ngôi nhà này chẳng hề có vườn. Như tôi đã mô tả, căn nhà được xây ngay trên vách đá cheo leo lởm chởm phía sau; còn phía trước, chỉ bước độ năm hay sáu sải chân thôi là đã đến mép suối, con suối tuy không rộng lắm nhưng trông lại rất sâu và lạnh. Đi thêm chừng ba mươi sải nữa, bước lạo xạo qua lớp sỏi dưới chân, bạn sẽ vấp vào vách đá đối diện ngay. Đấy là nếu như bạn khéo léo bước băng qua những bậc đá trơn trượt mà không bị rơi tõm xuống nước.
Chả có làn khói nào bay lên từ ống khói, điều này cho thấy sẽ chẳng có lò sưởi nào được nhóm lên chào đón chúng tôi cả. Lúc ở Chipenden ấy à, ông kẹ nuôi trong nhà Thầy Trừ Tà luôn luôn biết khi nào chúng tôi quay về, và nó không chỉ sưởi ấm sẵn cho ngôi nhà thôi đâu, mà còn có một bữa ăn nóng sốt dọn ra chờ đón trên bàn bếp nữa.
Cao xa trên kia, hai vách hẻm núi gần như giao vào nhau và chỉ để lộ ra một dải mây trời hèm hẹp. Tôi rùng mình vì bên dưới hẻm núi này không khí thậm chí còn lạnh hơn trên những sườn hạ đầy đá của vùng đồng hoang, và tôi nhận ra rằng kể cả vào mùa hè thì mỗi ngày mặt trời cũng chỉ ló mặt ra đâu chừng một giờ đồng hồ mà thôi. Điều này làm tôi thấy quý trọng những gì mình có ở Chipenden, nào là rừng cây, đồng ruộng, nào là những rặng đồi đá cao cao cùng bầu trời bao la trên đầu. Ở đấy, chúng tôi thoải mái đưa mắt nhìn bao quát xuống toàn cảnh bên dưới; còn tại đây, chúng tôi lại bị mắc kẹt trong một chiếc hố vừa dài, vừa sâu, lại hẹp.
Tôi thấp thỏm liếc nhìn lên mép hẻm núi tối đen vươn chạm đến bầu trời. Bất cứ ai hay bất cứ thứ gì đều có thể đứng trên đấy chõ mắt nhìn xuống chúng tôi mà chúng tôi không hề hay biết.
“Rồi đấy anh bạn, chúng ta đến nơi rồi. Đây là ngôi nhà mùa đông của ta. Chúng ta có nhiều việc phải làm lắm đấy: dù mệt hay không, chúng ta vẫn phải bắt tay vào thôi!”
Thay vì bước thẳng đến cửa trước, Thầy Trừ Tà lại dẫn đường đi vòng ra khoảng sân nhỏ lát đá phía sau nhà. Từ cửa sau này bước tới ba bước sẽ dẫn chúng tôi đến ngay vách đá đối diện, nơi đang nhỏ nước long tong và mắc đầy băng nhũ, giống như hàm răng của con rồng trong câu chuyện khoác lác/ hoang đường mà một trong những ông bác thường hay kể cho tôi nghe.
Tất nhiên, nếu là trong một cái mồm nóng rực như trong truyện ấy thì những “chiếc răng” kia sẽ bốc hơi ngay lập tức; nhưng tại nơi lạnh lẽo phía sau ngôi nhà này thì chúng sẽ tồn tại gần như cả năm, và một khi trời đổ tuyết, sẽ chẳng có cách nào dẹp hết chúng cho mãi đến nửa mùa xuân sau.
“Ở đây chúng ta luôn sử dụng cửa sau nhé anh bạn,” Thầy Trừ Tà vừa nói vừa lấy từ trong túi ra chiếc chìa khóa mà ông anh Andrew của thầy, bác thợ khóa ấy, đã làm cho. Chiếc chìa này mở được bất cứ cánh cửa nào miễn là ổ khóa không quá phức tạp. Tôi cũng có một chìa tương tự và nó hữu dụng không chỉ có một lần.
Chiếc chìa mắc cứng trong ổ khóa và cánh cửa dường như không chịu mở. Khi đã vào trong nhà rồi, tôi thấy thật chán vì căn phòng tối hết sức, nhưng Thầy Trừ Tà đã đặt thanh trượng tựa vào tường, lấy từ trong túi đeo ra một cây nến mà châm lên.
“Đặt mấy chiếc túi lại đằng đó,” thầy chỉ tay vào chiếc kệ thấp cạnh cửa sau.
Tôi làm theo rồi đặt thanh trượng của mình cạnh trượng của thầy nơi góc phòng trước khi theo bước thầy đi vào sâu trong nhà.
Mẹ tôi hẳn sẽ choáng váng với tình trạng của căn bếp. Đến lúc này, tôi khá quả quyết là không có ông kẹ nào chăm nom làm việc ở đây. Rõ ràng là đã chẳng có ai coi sóc nơi này kể từ khi Thầy Trừ Tà rời khỏi đây vào cuối mùa đông năm trước. Bụi bám khắp mọi bề mặt, mạng nhện giăng đầy từ trần nhà rũ xuống. Nồi niêu chưa rửa chất thành đống cao trong bồn rửa chén và trên bàn còn có nửa ổ bánh mì xanh lè những mốc. Lại có thêm một thứ mùi khó chịu nồng nồng thoang thoảng, như thể có thứ gì đó đang nằm mục ruỗng từ từ trong góc nhà tối om. Cạnh lò sưởi là chiếc ghế đu giống như ghế của mẹ tôi ở nông trại. Quàng qua lưng ghế là một chiếc khăn sam màu nâu trông như thể cần phải được giặt giũ tận tình vào. Tôi thắc mắc chẳng biết khăn này là của ai.
“Nào anh bạn,” Thầy Trừ Tà lên tiếng, “ta nên bắt tay vào việc thôi. Trước hết là phải sưởi ấm căn nhà. Xong việc đó rồi thì chúng ta sẽ bắt đầu lau dọn.”
Bên hông ngôi nhà là chiếc lán gỗ lớn chứa đầy than. Tôi chẳng muốn nghĩ đến việc làm thế nào đem được từng ấy than lên hẻm núi. Ở Chipenden, hàng tuần tôi được phái đi thu gom nhu yếu phẩm nên tôi chỉ hy vọng rằng việc đi gom từng giỏ than sẽ không phải là một trong những việc mình phải làm ở đây.
Có hai thùng đựng than thật lớn, thầy trò tôi chất đầy than vào đấy và đem chúng trở vào bếp.
“Biết cách nhóm than cháy thật ngon lành chứ?” Thầy Trừ Tà hỏi.
Tôi gật đầu. Vào mùa đông, hồi còn ở trong nông trại, nhiệm vụ đầu tiên của tôi vào mỗi sớm là nhóm lửa trong bếp.
“Thế thì được rồi,” Thầy Trừ Tà bảo. “Con sẽ nhóm lửa lò này, còn ta sẽ lo cho lò trong phòng khách. Có đến mười ba lò sưởi trong căn nhà cũ kỹ này, nhưng bây giờ chỉ cần nhóm sáu lò là đủ bắt đầu làm mọi thứ ấm lên rồi.”
Sau khoảng một giờ đồng hồ, thầy trò chúng tôi đã nhóm xong xuôi sáu lò sưởi: một trong nhà bếp, một trong phòng khách, một trong nơi mà Thầy Trừ Tà gọi là “phòng làm việc” nằm ngay tầng trệt, và từng lò sưởi một trong ba phòng ngủ trên tầng một. Còn có bảy phòng ngủ khác nữa, bao gồm cả căn trên rầm thượng, nhưng chúng tôi không cần bận tâm đến mấy căn phòng đó.
“Được rồi anh bạn, khởi đầu vậy là tốt rồi,” Thầy Trừ Tà bảo. “Giờ chúng ta phải đi lấy nước về.”
Mỗi người xách một chiếc vại thật to, thầy trò tôi lại theo đường cửa sau vòng ra trước nhà, từ đấy Thầy Trừ Tà dẫn đường đi ra suối. Con suối này sâu như thoạt trông là thế, nên việc múc đầy nước vào hai chiếc vại thật dễ dàng; nước suối thật sạch, thật lạnh và thật trong đến nỗi có thể nhìn thấy những tảng đá dưới đáy. Đấy là một con suối tĩnh lặng, chẳng tạo ra âm thanh nào khác hơn ngoài tiếng khe khẽ rì rầm khi chảy xuống hẻm núi.
Nhưng ngay khi vừa múc đầy nước vào vại của mình, tôi cảm nhận được một cử động ở đâu đó phía trên xa kia. Thật sự thì tôi không nhìn ra được gì; nói đúng hơn đấy chỉ là cảm giác bị quan sát, và khi tôi ngước nhìn lên nơi vách đá tạo thành một mép đen tối trên nền trời xám xịt, trên đấy chẳng có gì cả.
“Này anh bạn, đừng nhìn lên chứ,” Thầy Trừ Tà gắt, giọng thầy thoáng chút bực bội. “Đừng để cho hắn hả hê. Cứ vờ như là con không để ý đến đi.”
“Hắn là ai thế ạ?” tôi hỏi, bụng rất lo lắng khi tôi theo chân Thầy Trừ Tà trở vào nhà.
“Khó nói lắm. Ta không nhìn lên nên không chắc chắn được,” Thầy Trừ Tà đáp, thình lình thầy dừng phắt lại và đặt vại nước xuống. Đoạn thầy nhanh chóng đổi đề tài. “Con nghĩ sao về ngôi nhà này nào?” thầy hỏi.
Bố tôi đã dạy là phải nói thật bất cứ khi nào có thể, và tôi biết Thầy Trừ Tà không phải là người dễ dàng bị tổn thương. “Con thà sống trên đỉnh đồi còn hơn là sống như con kiến trong khe nứt sâu giữa mấy phiến đá lát đường ạ,” tôi thưa với thầy. “Cho đến nay, con vẫn thích ngôi nhà của thầy ở Chipenden hơn.”
“Ta cũng vậy, anh bạn à,” Thầy Trừ Tà đáp. “Ta cũng vậy thôi. Chúng ta bất đắc dĩ mới phải đến đây. Tại đây chúng ta đang sống trong áp lực và nguy hiểm, ngay giáp ranh với thế lực bóng tối, và sống qua mùa đông tại nơi này thật tồi tệ biết bao. Trên vùng đồng hoang kia có nhiều thứ thật không nên nghĩ đến, nhưng nếu chúng ta không đối mặt với chúng, vậy thì còn ai có thể cơ chứ?”
“Những thứ như là gì vậy ạ?” tôi hỏi, chợt nhớ ra rằng mẹ từng bảo tôi phải quan tâm chú ý đến những gì Thầy Trừ Tà nói.
“Ồ, ông kẹ này, phù thủy này, hằng hà sa số hồn ma lẫn vãn hồn này, rồi thêm những thứ khác còn kinh khủng hơn nữa...”
“Như là Golgoth phải không ạ?” tôi gợi ý.
“Phải rồi, Golgoth. Rõ là mẹ con đã kể cho con nghe hết về kẻ ấy. Ta nói đúng không nào?”
“Mẹ nhắc đến kẻ ấy khi con báo là chúng ta sẽ đi đến Anglezarke, nhưng mẹ không nói gì nhiều đâu ạ. Chỉ bảo là đôi khi vào mùa đông thì hắn ta có quấy quá đôi chút.”
“Quả có thế thật, anh bạn à, nhưng ta sẽ thêm phần kiến thức về hắn cho con vào thời điểm thích hợp hơn nhé. Giờ thì nhìn kia,” thầy bảo, đồng thời chỉ tay lên cụm ống khói to tướng có ngọn khói nâu cuồn cuộn phả lên không trung từ hai hàng ống hình trụ. Thầy xỉa ngón trỏ về hướng cột khói. “Chúng ta đến đây để giương cao ngọn cờ đấy anh bạn.”
Tôi đưa mắt tìm lá cờ. Tôi chẳng thấy gì ngoài khói và khói.
“Ý ta là, chỉ với việc có mặt ở đây thôi, chúng ta sẽ tuyên bố rằng vùng đất này thuộc về chúng ta chứ không phải là thế lực bóng tối,” Thầy Trừ Tà giảng giải. “Đối đầu với thế lực bóng tối, nhất là ngay tại Anglezarke này, là một việc rất gian nan, nhưng đấy là nghĩa vụ của chúng ta và việc ấy rất đáng để xả thân. Nhưng thôi,” thầy vừa nói vừa cầm vại nước của mình lên, “ta vào trong nhà bắt đầu lau dọn thôi nào.”
Quả thật, hai giờ đồng hồ tiếp sau đấy, tôi phải quay cuồng với nào là cọ rửa, quét tước, nào là đánh bóng rồi lại đi ra ngoài nhà đập giũ từng đám từng đám bụi ra khỏi mấy tấm thảm. Cuối cùng, sau khi đã rửa sạch và lau khô đống đĩa bẩn, Thầy Trừ Tà bảo tôi đi soạn giường cho ba phòng ngủ trên tầng một.
“Những ba giường cơ ạ?” tôi hỏi lại, băn khoăn không rõ liệu mình có nghe lầm chăng.
“Phải rồi, ba giường đấy, mà làm xong thì con cũng nên đi tắm rửa cho sạch sẽ vào! Đi đi nào! Đừng có đứng trố mắt ra như thế. Chúng ta chẳng có nhiều thời gian đâu.”
Thế là, nhún vai chấp nhận, tôi làm theo những gì được bảo. Đống chăn màn ẩm ướt nhưng tôi đã kéo tuột mấy tấm trải xuống để lửa lò sưởi hong khô chúng. Xong xuôi, mệt bã cả người vì đã bỏ bao công sức, tôi bước xuống lầu. Khi đi qua cầu thang dẫn xuống tầng hầm, tôi nghe thấy một âm thanh khiến cho tóc gáy mình dựng hết cả lên.
Từ dưới kia, tôi nghe được tiếng giống như tiếng thở dài run rẩy, gần như tức tốc ngay sau đấy là tiếng khóc ỉ ôi. Tôi đứng ngay đầu những bậc thang mấp mé dẫn xuống vùng tối tăm mà chờ đợi, dỏng tai lên cẩn thận lắng nghe, nhưng tiếng động ấy không lặp lại. Có phải tôi vừa tưởng tượng ra chăng?
Vào phòng bếp, tôi thấy Thầy Trừ Tà đang rửa tay trong bồn rửa.
“Con nghe có tiếng khóc than từ dưới tầng hầm,” tôi mách với thầy. “Là ma phải không ạ?”
“Không phải đâu anh bạn, lúc này trong nhà chẳng có con ma nào đâu – ta đã giải quyết hết bọn chúng từ đời nảo đời nào rồi. Không đâu, chắc là Meg đấy. Rõ là bà ấy vừa mới thức giấc.”
Tôi chả chắc mình có nghe lầm không nữa. Tôi từng được bảo là sẽ gặp Meg và tôi biết mụ là một phù thủy nữ yêu đang sinh sống đâu đó trên đồng hoang Anglezarke. Tôi từng nửa như cũng mong là mình sẽ tìm thấy mụ ta sống trong nhà của Thầy Trừ Tà. Nhưng khi nhìn thấy ngôi nhà bị bỏ hoang lạnh lẽo thì viễn cảnh ấy đã bị cuốn phăng khỏi đầu tôi rồi. Tại sao mụ lại đang ngủ dưới tầng hầm lạnh đến cắt da cắt thịt kia được chứ? Tôi tò mò lắm, nhưng cũng biết là không nên hỏi những câu không đúng thời điểm.
Đôi khi Thầy Trừ Tà có tâm trạng muốn trả lời, thế là thầy sẽ bảo tôi ngồi xuống lấy tập ra và chấm bút đầy mực, chuẩn bị sẵn sàng ghi ghi chép chép. Có những lúc khác thầy chỉ muốn làm tiếp những việc đang dở tay, và lúc này đây tôi có thể thấy vẻ cương quyết ánh lên trong đôi mắt xanh lục của thầy, vậy nên tôi chỉ im lặng trong lúc thầy thắp nến lên.
Tôi đi theo thầy xuống mấy bậc thang bằng đá dẫn xuống tầng hầm. Nói đúng ra, không hẳn là tôi sợ bởi vì thầy tôi biết mình đang làm gì, nhưng chắc chắn là tôi có bồn chồn. Trước nay tôi chưa từng gặp một phù thủy nữ yêu nào, và cho dù đã đọc đôi chút về bọn họ, tôi vẫn không biết mình nên trông chờ gặp được gì nữa. Và làm sao mụ có thể sống qua bao mùa xuân, mùa hạ, mùa thu dưới cái nơi tối tăm lạnh lẽo ấy chứ? Bấy lâu nay mụ ta ăn gì? Mấy con ốc con sên, côn trùng sâu bọ như những mụ phù thủy khác mà Thầy Trừ Tà từng nhốt xuống hố chăng?
Khi những bậc thang quành qua góc quanh đầu tiên, một cánh cổng lưới sắt đan xen hình mắt cáo chắn ngang lối đi. Đằng sau cổng, những bậc cấp đột nhiên rộng rãi hẳn ra, dễ đến bốn người có thể đi sóng bước bên nhau. Tôi chưa bao giờ trông thấy những bậc cấp dẫn xuống tầng hầm nào lại rộng như vậy. Phía sau cánh cổng không xa lắm, tôi nhìn thấy một cửa âm tường, trong bụng liền thắc mắc sau cửa ấy là gì nhỉ. Thầy Trừ Tà lấy một chiếc chìa ra khỏi túi, tra vào ổ khóa. Không phải chiếc chìa thầy thường dùng.
“Đây là một ổ khóa phức tạp phải không ạ?” tôi hỏi.
“Nó đấy anh bạn,” thầy đáp. “Phức tạp hơn hết thảy. Nếu có khi nào con cần đến thì ta thường cất nó trên đầu kệ sách trong phòng làm việc, chỗ gần cửa nhất.”
Khi thầy mở cổng ra, cách cổng gây nên tiếng loảng xoảng lớn đến độ âm thanh ấy dường như vọng xuyên qua lớp đá trên trần lẫn dưới sàn, làm cho toàn căn nhà rúng động như một chiếc chuông to vật.
“Cổng sắt sẽ ngăn hầu hết bọn chúng đi qua chỗ này, nhưng kể cả khi bọn chúng không qua được, từ trên tầng trên chúng ta cũng sẽ nghe thấy. Cánh cổng này hữu ích hơn cả một con chó canh cửa ấy chứ.”
“Đa số bọn nào thế ạ? Mà tại sao mấy bậc cấp lại rộng vậy thầy?” tôi hỏi.
“Làm việc trước đã,” Thầy Trừ Tà gắt. “Hỏi han giải đáp có thể để sau. Trước hết chúng ta cần phải vào thăm Meg đã.”
Khi thầy trò chúng tôi tiếp tục bước xuống mấy bậc cấp, tôi bắt đầu nghe thấy những âm thanh văng vẳng vọng lên. Có tiếng càu nhàu rồi âm thanh gì đấy nghe như tiếng cào cào khe khẽ, mấy thứ ấy càng làm tôi thấy lo lắng tợn. Chẳng mất bao lâu tôi đã nhận ra rằng phía dưới này hẳn cũng phải rộng ít nhất là bằng căn nhà bên trên: cứ mỗi lúc các bậc cấp quành qua một khúc quanh lại có một cánh cửa gỗ âm vào tường, và sau lần quanh thứ ba là đến chân cầu thang với ba cánh cửa.
Thầy Trừ Tà dừng ngay trước cánh cửa chính giữa, đoạn quay sang tôi. “Con chờ tại đây,” thầy bảo. “Lúc nào mới thức dậy Meg cũng hơi bồn chồn một chút. Ta phải cho bà ấy thời gian làm quen với con.”
Dứt lời, thầy đưa cây nến cho tôi, tra khóa vào ổ rồi bước vào trong vùng bóng tối, đồng thời đóng cửa lại.
Tôi bị bỏ lại bên ngoài trong khoảng mười phút, và chẳng ngại nói cho bạn biết nhé, đứng chờ ở mấy bậc thang ấy thật rợn cả người. Vì một lẽ, càng đi xuống sâu hơn mấy bậc cấp, dường như không khí càng thêm lạnh. Vì một lẽ khác nữa, tôi có thể nghe thấy những âm thanh ghê ghê từ bên dưới vọng lên, gần ngay khúc quanh tiếp theo mà mắt thường không nhìn tới. Đa phần đấy là tiếng thều thào văng vẳng, nhưng có một lần tôi nghĩ mình nghe được một tiếng rên xa xa, như thể có ai đó đang trải qua một thời gian đau đớn vậy.
Rồi còn có những tiếng động nghèn nghẹt từ trong căn phòng mà Thầy Trừ Tà vừa bước vào nữa chứ. Hình như thầy tôi đang nói chuyện rất khẽ nhưng cũng rất cương quyết, có lúc tôi còn nghe thấy một phụ nữ đang khóc. Nhưng cũng không kéo dài lâu lắm và lại thêm nhiều tiếng thì thào, như thể hai người họ chẳng ai muốn cho tôi nghe được họ đang nói gì.
Rốt cuộc cánh cửa cũng kẹt mở. Thầy Trừ Tà xuất hiện và thêm một người nữa theo thầy bước ra chân cầu thang.
“Đây là Meg,” thầy tôi giới thiệu, đoạn bước sang một bên để tôi nhìn rõ bà ta. “Con sẽ thích bà ấy thôi, anh bạn nhỏ à. Bà ấy hầu như là đầu bếp giỏi nhất Hạt này đấy.”
Trong lúc ngó nghiêng tôi từ đầu đến chân, Meg trông có vẻ hoang mang. Tôi nhìn chăm chăm vào bà ta vì ngạc nhiên quá đỗi. Bạn biết đấy, Meg là người phụ nữ xinh đẹp nhất mà tôi từng gặp, và bà còn mang cả giày mũi nhọn. Khi tôi mới lần đầu đến Chipenden, trong bài giảng đầu tiên, Thầy Trừ Tà đã cảnh báo tôi về những mối hiểm nguy của việc trò chuyện với đám con gái mang giày mũi nhọn. Thầy từng bảo tôi rằng, không cần biết đám con gái ấy có nhận thức được hay không, nhưng vài con bé trong số ấy sẽ là phù thủy.
Tôi chẳng mảy may lưu tâm đến lời cảnh báo của thầy và cứ thế nói chuyện với Alice, người đã lôi kéo tôi vào đủ kiểu rắc rối trước khi dần dà rồi cũng giúp tôi thoát khỏi những rắc rối ấy. Nhưng đây là thầy tôi, và thầy đang bỏ qua lời khuyên của chính mình! Chỉ khác rằng Meg không phải là một cô bé con; bà ta là một người phụ nữ, mọi đường nét trên mặt bà ta hoàn hảo đến nỗi ta sẽ chẳng thể nào mà không trân trối ngắm nhìn: đôi mắt, gò má cao cao lẫn làn da của bà.
Tuy nhiên, mái tóc của bà lại là thứ phản chủ. Màu tóc bạc trắng, là sắc màu ta thường mong thấy ở một người lớn tuổi hơn nhiều. Bà Meg không cao hơn tôi là mấy và chỉ đứng ngang vai Thầy Trừ Tà. Nếu quan sát kỹ hơn, bạn sẽ nhận ra là bà đã ngủ hàng tháng trời trong không khí ẩm lạnh: tóc bà còn vương vài mẩu mạng nhện và trên tấm áo sắc tím đã ngả màu lốm đốm vài mảng mốc meo.
Có vài loại phù thủy khác nhau và các tập vở của tôi dày kín những bài học mà Thầy Trừ Tà từng giảng giải. Nhưng tôi đã khám phá ra những điều cần biết về phù thủy nữ yêu bằng cách vụng trộm xem qua những cuốn sách trong thư viện của Thầy Trừ Tà, việc tôi được cho là đừng nên học thì hơn.
Loài phù thủy nữ yêu từ ngoại quốc đến đây, và tại quê hương, họ sống bằng máu người. Hình thái tự nhiên của họ được biết đến là “hoang dã”, trong thể trạng ấy bọn họ không chút gì giống con người, và toàn thân chúng phủ đầy vảy, ngón tay là những vuốt dày. Nhưng họ là loại biến hình từ từ, và nếu càng tiếp xúc nhiều với con người chừng nào thì vẻ bề ngoài của họ càng giống người chừng ấy. Sau một thời gian bọn họ sẽ biến thành thứ được biết đến như là “nữ yêu thuần dưỡng”, họ giống phụ nữ bình thường, chỉ có điều còn mang một đường vảy màu vàng và xanh lục dọc theo sống lưng. Có một số thậm chí còn trở nên lành chứ chẳng phải độc nữa. Vậy Meg đã trở thành loại lành chăng? Phải chăng đấy lại thêm một lý do vì sao Thầy Trừ Tà không xử lý bà ta, quẳng bà ta xuống hố như đã làm với Lizzie Xương Xẩu ấy?
“Meg này,” Thầy Trừ Tà lên tiếng, “đây là Tom, cậu học việc của ta. Thằng bé ngoan lắm nên hai người sẽ hợp tính nhau ngay thôi.”
Meg chìa một tay về phía tôi. Tôi tưởng bà ta muốn bắt tay tôi, nhưng ngay trước khi mấy ngón tay chúng tôi chạm vào nhau, bà ta lại đột nhiên buông thõng tay xuống như thể vừa bị thiêu phỏng, và vẻ lo lắng hiện lên trong mắt bà.
“Billy đâu rồi?” Meg hỏi, giọng bà êm ái mượt mà nhưng có thoáng đượm vẻ hoang mang. “Ta thích Billy.”
Tôi biết Meg đang nói đến Billy Bradley, cậu học việc của Thầy Trừ Tà trước tôi mà nay đã mất.
“Billy mất rồi, Meg à,” Thầy Trừ Tà dịu dàng giải thích. “Ta đã kể cho bà nghe rồi còn gì. Đừng lo nghĩ đến chuyện ấy nữa. Cuộc sống vẫn tiếp diễn. Bây giờ bà phải làm quen với Tom thôi.”
“Nhưng đấy lại thêm một cái tên khác cần phải nhớ,” Meg buồn bã than phiền. “Có đáng phải mất công thế không khi chẳng cậu nào trụ được lâu?”
Meg không bắt tay ngay vào chuẩn bị bữa tối cho chúng tôi.
Tôi được sai đi lấy thêm nước từ suối vào, và tôi phải đi tới đi lui cả tá lần thì Meg mới hài lòng. Thế rồi, sử dụng cả hai lò sưởi, bà ta bắt đầu đun nước lên, nhưng tôi thật thất vọng khi nhận ra nước được đun không phải vì mục đích nấu nướng.
Tôi phụ Thầy Trừ Tà lôi một bồn tắm kim loại to tướng vào trong phòng bếp rồi đổ đầy nước nóng vào. Đây là dành cho Meg.
“Chúng ta sẽ lui sang phòng khách,” Thầy Trừ Tà bảo, “để Meg có chút riêng tư. Bà ấy đã nằm dưới hầm kia hằng mấy tháng trời nên muốn tắm táp.”
Tôi cảu nhảu càu nhàu trong lòng rằng, nếu thầy tôi không khóa nhốt bà ta xuống đấy thì Meg đã có thể giữ cho nhà cửa sạch sẽ gọn gàng chờ thầy quay về vào mùa đông rồi. Và, tất nhiên, điều này dẫn đến một câu hỏi khác – tại sao Thầy Trừ Tà lại không mang Meg cùng đi đến ngôi nhà mùa hè của thầy ở Chipenden?
“Đây là phòng khách,” thầy tôi vừa nói vừa mở cửa ra mời tôi bước vào. “Nơi thầy trò ta đàm đạo. Nơi chúng ta gặp gỡ những ai cần giúp đỡ.”
Nhà có phòng khách là một truyền thống lâu đời của Hạt. Đấy phải là căn phòng tốt nhất, hào nhoáng nhất mà bạn có, và căn phòng ấy hiếm khi dùng đến bởi vì nó phải luôn được giữ gọn gàng sạch đẹp để tiếp khách. Ở Chipenden, Thầy Trừ Tà không có phòng khách vì thầy muốn người ta tránh xa ngôi nhà. Đấy là lý do vì sao người ta phải đi đến ngã tư đường dưới gốc những cây liễu gai để gióng chuông và chờ đợi. Dường như ở đây các luật lệ sẽ phải khác hẳn.
Ở nông trại gia đình chúng tôi cũng chẳng buồn có phòng khách, bởi bảy anh em trai đã đủ là một gia đình đông đúc, và khi tất cả còn chung sống trong nhà, chúng tôi cần huy động hết các phòng để ở. Vả lại, mẹ tôi, người không sinh ra trong Hạt này, nghĩ rằng giữ một phòng làm phòng khách thì ngu ngốc quá.
“Căn phòng tốt nhất mà lại chẳng khi nào được dùng thì có ích gì chứ?” mẹ tôi luôn bảo. “Chúng ta thường sống như thế nào cứ để người ta cảm nhận như thế ấy.”
Phòng khách của Thầy Trừ Tà thật sự không hào nhoáng gì lắm, tuy nhiên, chiếc trường kỷ cũ mèm cũng êm ái hệt như vẻ ngoài của hai chiếc ghế bành, căn phòng lại được đốt sưởi ấm áp, nên vừa ngồi xuống thì tôi bắt đầu thấy buồn ngủ. Hôm nay là một ngày thật dài và thầy trò tôi đã cuốc bộ không biết hàng bao nhiêu dặm rồi.
Tôi cố nén ngoác mồm ra ngáp nhưng cũng không thể qua mặt Thầy Trừ Tà. “Ta định giảng thêm cho con một bài học về tiếng La Tinh nhưng để học được đầu óc con phải minh mẫn,” thầy bảo. “Ngay sau bữa tối con nên đi ngủ đi thì hơn, nhưng phải thức dậy thật sớm để ôn lại mấy bài học về động từ đấy nhé.”
Tôi gật đầu.
“Thêm một việc nữa thôi,” thầy tôi vừa nói vừa mở tủ chén đặt cạnh lò sưởi. Thầy lấy ra một lọ thủy tinh màu nâu to tướng rồi giơ lên cao cho tôi nhìn rõ. “Biết đây là gì không?” thầy hỏi, hàng chân mày nhướn hẳn lên.
Tôi nhún vai, đoạn tôi trông thấy nhãn chai nên đọc to lên cho thầy nghe. “Trà thảo dược ạ,” tôi đáp.
“Đừng bao giờ tin tưởng nhãn mác trên chai lọ cả,” Thầy Trừ Tà bảo. “Ta muốn việc đầu tiên con làm vào mỗi buổi sáng là rót nửa lóng tay thứ chất này vào tách trà, đổ đầy nước nóng vào tách, khuấy tan rồi đưa Meg uống. Kế đó ta muốn con phải đứng quanh quẩn chờ ở đấy cho đến khi bà ấy uống hết đến giọt cuối cùng. Sẽ mất chút thời gian vì bà ấy thích nhấm nháp trà lắm. Đây sẽ là nhiệm vụ quan trọng nhất trong ngày của con. Hãy luôn bảo với Meg rằng đây là tách trà bà ấy thường uống để giúp các đốt khớp dẻo dai và xương cốt cứng cáp. Nói thế sẽ làm bà ấy vui lòng.”
“Đấy là thứ gì vậy ạ?” tôi hỏi.
Trong một đỗi Thầy Trừ Tà chẳng hé miệng đáp lời.
“Con cũng biết đấy, Meg là một phù thủy nữ yêu,” rốt cuộc thầy cũng lên tiếng, “nhưng loại thức uống này khiến bà ấy quên đi mình là ai. Việc nhớ ra mình thật sự là ai là chuyện nguy hiểm và khó chịu với bất cứ người nào, nên ta mong điều này không bao giờ xảy đến với con cả, anh bạn à. Nếu Meg nhớ ra bà ấy là ai và năng lực của mình thì đấy là một điều đặc biệt nguy hiểm cho tất cả chúng ta.”
“Vậy đấy có phải là lý do thầy nhốt bà ấy xuống hầm và giữ bà ấy tránh xa Chipenden không thầy?”
“Phải rồi, an toàn là trên hết mà. Với lại ta không thể để người dân biết là bà ấy đang ở đây. Sẽ chẳng ai thông cảm đâu. Vài người sống trong mấy vùng quanh đây vẫn còn nhớ bà ấy làm được những gì – dù chính Meg lại không nhớ.”
“Nhưng làm sao bà ấy sống sót qua mùa hè mà không cần chút thức ăn nào vậy ạ?”
“Trong thể trạng hoang dã, các phù thủy nữ yêu đôi khi có thể tồn tại hàng năm trời mà không cần ăn, ngoại trừ vài món côn trùng, dòi bọ hoặc thảng hoặc một hai con chuột cống nào đấy. Kể cả khi là loại thuần như Meg đây, có bị đói hàng tháng trời cũng không hề hấn gì. Với lại ngoài việc làm cho bà ấy ngủ mê đi, một liều lớn loại thảo dược ấy còn có thêm rất nhiều chất bổ, cho nên Meg có thể sống qua ngày mà không bị phương hại gì.
“Mà thôi, anh bạn này, ta chắc chắn là con sẽ thích bà ấy. Meg là một đầu bếp rất cừ, con sẽ chóng phát hiện ra thôi,” Thầy Trừ Tà bảo, “và bà ấy cũng là người rất trật tự ngăn nắp nữa. Bà ấy luôn giữ nồi niêu xoong chảo sạch sẽ sáng loáng như mới và cất chúng vào chạn theo đúng trật tự mà bà ấy muốn. Cả bộ dao nĩa của bà ấy cũng thế. Luôn luôn được sắp ngăn nắp vào ngăn hộc, dao bên trái, nĩa bên phải.”
Tôi thắc mắc không biết Meg sẽ nghĩ sao về đống bừa bộn mà thầy trò tôi vừa nhìn thấy. Có lẽ đấy là lý do vì sao Thầy Trừ Tà đã tất bật lo lắng sao cho mọi thứ được lau dọn thật sạch sẽ ngăn nắp.
“Được rồi, anh bạn, chúng ta trò chuyện đủ rồi. Ta đi xem Meg ra sao nào...”
Sau khi tắm rửa, khuôn mặt của Meg đã được chùi sạch, màu da hồng hào khỏe mạnh khiến bà trông còn trẻ trung và xinh đẹp hơn bao giờ hết, thậm chí là dù tóc bà có bạc trắng thì bạn hẳn vẫn sẽ nghĩ bà ấy chỉ đáng phân nửa tuổi tác Thầy Trừ Tà. Lúc này bà đang mặc chiếc váy sạch sẽ màu nâu, màu mắt của bà, được cài sau lưng bằng những chiếc cúc trắng. Cũng thật không chắc lắm đâu, nhưng dường như các chiếc cúc ấy trông như làm từ xương! Tôi chẳng muốn nghĩ vậy chút nào. Nếu là xương thật thì xương ấy từ đâu ra nhỉ?
Thật thất vọng là Meg đã không nấu bữa tối. Bà nấu nướng sao được khi trong nhà chẳng có chút thực phẩm nào ngoài nửa mổ bánh mì mốc meo cơ chứ?
Thế nên chúng tôi đành ăn qua loa với miếng phó mát cuối cùng mà Thầy Trừ Tà mang theo cho chuyến đi. Đây là loại pho mát ngon của Hạt, một màu vàng vàng tai tái giòn tan, nhưng chẳng còn lại bao nhiêu để đủ cho ba người no bụng.
Chúng tôi ngồi quanh bàn chậm rãi nhẩn nha món pho mát để bữa ăn còn được kéo dài. Chẳng có ai nói chuyện gì nhiều: tất cả những gì tôi có thể nghĩ đến là bữa điểm tâm hôm sau.
“Ngay khi trời sáng, con sẽ đi thu gom nhu yếu phẩm cho tuần ạ,” tôi đề nghị với Thầy Trừ Tà. “Con nên xuống Adlington hay Blackrod vậy thầy?”
“Con cứ việc tránh xa cả hai nơi ấy ra anh bạn,” Thầy Trừ Tà bảo. “Nhất là Blackrod ấy. Đi lấy nhu yếu phẩm về là một trong những việc khi chúng ta ở đây con không phải làm. Đừng lo lắng nữa. Những gì con cần làm tối nay là ngủ sớm, cho nên giờ con đi nằm đi. Phòng của con là căn phòng phía trước nhà – con đi mà ngủ cho đẫy giấc vào. Meg và ta có đôi chuyện cần nói với nhau.”
Tôi làm theo lời thầy và đi thẳng vào phòng ngủ. Phòng này rộng rãi hơn căn phòng tôi được giao ở Chipenden nhiều, tuy nhiên trong phòng cũng chỉ có một chiếc giường, một chiếc ghế và một tủ ngăn kéo rất bé. Nếu như căn phòng này mà nằm sau nhà, tôi sẽ chẳng thể thấy gì ngoài bức vách đá ở sau. May sao phòng nằm ở mặt trước, và khi đẩy khung kính cửa sổ lên, tôi có thể nghe thấy tiếng suối chảy rì rầm văng vẳng xa xa bên dưới cùng với tiếng gió rền rĩ thổi thông thốc qua nhà. Trời mây đã quang và mặt trăng rằm đang soi tỏ, tỏa sáng bàng bạc xuống dưới hẻm núi, ánh sáng ấy được dòng suối phản chiếu ngược lên. Đêm nay sẽ là một đêm lạnh lẽo, đầy sương giá đây.
Tôi thò đầu ra ngoài cửa sổ để nhìn rõ hơn. Mặt trăng đang đậu ngay trên đỉnh vách đá đằng trước, trông to đến bất thường. Hằn lên trên mặt trăng, trong hình thù đen ngòm, tôi trông thấy ai đó đang quỳ gối đối mặt với mỏm đá mà nhìn xuống bên dưới. Trong tích tắc hình thù ấy đã biến mất, nhưng cũng kịp để tôi nhìn ra một người đang mặc áo choàng có mũ trùm!
Tôi nhìn chằm chằm lên mỏm đá một chốc nữa nhưng hình thù ấy không xuất hiện trở lại. Không khí lạnh bắt đầu tràn vào phòng nên tôi phải đóng cửa sổ. Là Morgan chăng? Mà nếu thế thì tại sao hắn rình mò chúng tôi? Liệu có phải lúc nãy cũng là Morgan quan sát thầy trò chúng tôi đi lấy nước ngoài bờ suối không?
Tôi trút bỏ quần áo và leo vào giường. Tôi mệt bã cả người nhưng vẫn thấy khó ngủ. Ngôi nhà cũ kỹ này răng rắc rên rỉ thật lắm, rồi có lúc lại thêm tiếng động lộp độp dưới chân giường nữa chứ. Chắc chỉ là mấy con chuột dưới ván sàn nhà thôi, nhưng là đứa con trai thứ bảy của người con thứ bảy, hẳn tôi đang nghe thấy những thứ gì đó hoàn toàn khác hẳn.
Mặc cho bao tiếng động nọ, rốt cuộc tôi cũng chìm vào giấc ngủ – để rồi đột nhiên bừng tỉnh giữa đêm khuya. Tôi nằm đấy, bụng thấy không yên, băn khoăn không rõ vì sao mình đột ngột choàng tỉnh như thế. Trời tối đen như mực và tôi chẳng nhìn thấy gì sất, nhưng tôi vẫn cứ có cảm giác là có gì không ổn. Có một thứ tiếng ồn gì đấy. Chuyện này thì tôi chắc lắm.
Chẳng phải chờ đợi thêm lâu nữa, tôi lại nghe thấy âm thanh ấy. Có hai loại tiếng động khác nhau, bắt đầu từ từ, rồi cứ mỗi giây trôi qua chúng càng trở nên ồn ã hơn. Một là tiếng ầm ừ the thé, còn lại là tiếng ùng ục trầm đặc hơn nhiều, như thể có ai đó đang lăn những tảng đá cuội to tướng xuống một sườn núi đầy đá sỏi.
Chỉ có điều việc ấy đang diễn ra đâu đó bên dưới ngôi nhà, và âm thanh lớn đến mức các khung cửa sổ dần khua lạch cạch, thậm chí các bức tường dường như cũng đang rúng động rung lắc. Tôi bắt đầu thấy sợ. Nếu sự việc còn diễn tiến xấu hơn thì cả ngôi nhà chắc sẽ sụp mất. Tôi không biết có thể là chuyện gì đây, nhưng một ý nghĩ lóe lên trong đầu tôi. Có phải một cơn động đất đang làm hẻm núi đổ ập xuống ngôi nhà chăng?
Cậu Bé Học Việc Và Thầy Trừ Tà Tập 3 - Đêm Của Kẻ Đánh Cắp Hồn Cậu Bé Học Việc Và Thầy Trừ Tà Tập 3 - Đêm Của Kẻ Đánh Cắp Hồn - Joseph Delaney Cậu Bé Học Việc Và Thầy Trừ Tà Tập 3 - Đêm Của Kẻ Đánh Cắp Hồn