Số lần đọc/download: 1265 / 8
Cập nhật: 2017-09-18 23:41:06 +0700
Tháng Mười Hai
S
o với môn Fiction, tôi thích giờ Advanced Short Story hơn. Không tính đến số lượng chữ cần phải viết theo đúng chuẩn của một truyện ngắn hay tiểu thuyết, truyện ngắn là một thể loại dễ nhằn hơn. Bạn không cần chú trọng nhiều đến vấn đề miêu tả bối cảnh hay sáng tạo những đoạn hội thoại để lại ấn tượng sâu đậm. Tất cả những gì bạn cần chỉ là một thông điệp được gửi gắm trong một số lượng chữ có hạn.
- Viết một tác phẩm mang tính giải trí là điều đơn giản nhưng tạo ra một truyện ngắn buộc người ta phải suy nghĩ, phải động não là nhiệm vụ không phải người viết nào cũng có thể hoàn thành. Tôi không chờ đợi những lối mòn, thứ tôi mong muốn được đọc từ các em là những tác phẩm càng gây tranh cãi càng tốt. Điều đó có nghĩa, em đã buộc người ta phải nghĩ, một khi não bộ vận động, kí ức sẽ hằn in rất sâu!
Lời dặn của cô Nadine gợi cho tôi nhớ đến những năm tháng học cấp ba của mình. Hồi ấy, tôi là thành viên của đội tuyển Văn thành phố, được ăn riêng, ngủ riêng, học riêng để dồn toàn bộ sức lực cho kì thi Văn học cấp quốc gia. Bố mẹ phản đối tôi dữ lắm, bởi họ cho rằng đánh giá văn chương phụ thuộc nhiều vào cảm xúc, người này thấy hay nhưng người kia có thể thấy dở. Họ không muốn nhìn tôi cố gắng cả năm trời để rồi nhận được những lời đánh giá không đúng thực lực. Tôi hiểu, nhưng niềm đam mê cả năm trời dành cho môn Văn khiến tôi không thể từ bỏ, không thể đầu hàng. Năm đó, tôi thi quốc gia và được giải khuyến khích. Bố mẹ nhìn tôi lắc đầu. Cô giáo hỏi tôi đã viết như thế nào. Đề bài năm đó có một phần nghị luận xã hội, yêu cầu thí sinh phát biểu ý kiến về việc mỗi người nên dành nhiều thời gian hơn cho việc đọc sách bởi sách vở là nguồn suối mát lành cho tâm hồn chúng ta. Nguyên tắc của một bài phát biểu ý kiến là bạn phải tìm được lý lẽ và luận điệu đủ mạnh để có thể bảo vệ được ý kiến của mình. Tôi không nghĩ mọi người nên dành nhiều thời gian hơn để đọc sách, bởi sách báo cũng có nhiều loại. Tôi nghĩ mọi người nên sống nhiều hơn, bằng các đọc tin tức báo chí, xem thời sự mỗi ngày để biết ngoài kia người ta sống sao, nói chuyện với bố mẹ và bạn bè để biết họ đang buồn rầu hay hạnh phúc... Cô giáo vỗ vào vai tôi, trách.
- Em viết thế bảo sao không được giải cao!
Hóa ra người ta muốn tôi nêu ra ý kiến của mình nhưng ý kiến đó nhất định phải là điều họ đã dự tính trước, tuyệt đối không một ngoại lệ nào được phép xảy ra. Thế mà ở đây, chúng tôi lại được khuyến khích viết thành thật những điều mình nghĩ, ngay cả khi chúng hoàn toàn đối lập với những niềm tin lâu nay đã bám rễ trong lòng người.
- Khi người ta dám nghĩ những điều khác biệt, người ta có thể tạo ra những điều khác biệt!
Tôi nghĩ tới đứa em đang học lớp Mười một ở nhà, hẳn lúc này nó còn đang vất vả với những đề văn mở nhưng không mở trong chương trình học ở trường. Những quan điểm rập khuôn, những tư duy không thể nào khác biệt...
- Chắc đó là lý do họ chọn em, để em có thể trở về và góp phần thay đổi hệ thống giáo dục đang dần lạc hậu đó! - Jan rướn lông mày rồi hạ xuống thật nhanh, nét mặt mắc cười vô cùng.
- Em học để trở thành nhà văn, nhà báo hoặc một thể loại nhà cầm bút nào đó chứ đâu phải nhà giáo cầm phấn giảng bài! Hứ!
Chúng tôi thì thầm nói chuyện với nhau trong phòng tự học của thư viện trường. Phòng này nằm ở tầng hầm dưới lòng đất, tuyệt đối yên tĩnh. Tất nhiên là trừ những lúc có sự tham gia của vài thành phần ồn ào như tôi và Jan.
- Nhưng em có thể làm điều gì đó, bằng những tác phẩm của em chẳng hạn! - Jan không bao giờ đầu hàng, ngay cả khi chúng tôi không hề tranh cãi, như tình huống này chẳng hạn. - À mà em viết xong truyện ngắn để nộp rồi chứ? Đưa anh đọc coi!
- Em nộp rồi mà! Truyện xoay quanh một tác giả trẻ mắc bệnh trầm cảm do quá nhập tâm vào nhân vật của mình, để rồi kết thúc cuộc đời bằng cách tự tử!
- Ooops! Anh chắc chắn truyện ngắn của em sẽ khiến người ta phải suy nghĩ. Anh chỉ đang lo chín mươi phần trăm trong số họ nghĩ đến chuyện tự tử thôi, khi đó em sẽ trở thành một tác nhân gây ra cái chết của họ. Có lẽ em đã đúng khi quyết định không trở thành giáo viên! Mà, sao em có thể nói chuyện chết chóc một cách thản nhiên như thế nhỉ?
- Em học anh đó!
Jan vò đầu bứt tai. Người thủ thư nhìn chúng tôi ra hiệu giữ trật tự. Hai đứa biết ý nên cũng không bàn tán lung tung nữa mà tập trung vào bài vở của riêng mình.
***
Trừ những bữa tiệc bắt buộc phải tham dự, tôi ít khi ra ngoài buổi tối. Tôi thích ngồi nhà đọc sách, viết lách hoặc nói chuyện với Patricia. Đôi lúc đi bộ một mình trên phố hoặc gọi điện cho Minh không được, tôi nghĩ mình là kẻ cô đơn nhất trên thế gian này. Nhưng có lẽ có một người còn cô đơn hơn tôi nữa. Đó là Patricia. Nếu như mẹ tôi ở Việt Nam còn có bố, anh trai và em gái tôi chăm sóc, thì Patricia chỉ có một mình. Bà có một vài họ hàng ở xa, thi thoảng hỏi thăm nhau qua điện thoại. Bà có một vài người bạn thân ở trong thành phố nhưng cũng hiếm lắm mới gặp nhau. Buổi tối, bà thường ngồi xem tivi và đan len trong phòng khách. Patricia rất thích nấu nướng. Những món ăn bà nấu rất ngon, từ những món làm từ thịt lợn như thịt xông khói, giò Crubeens tới những món đặc sản khoai tây của người Ireland như bánh khoai tây nướng, khoai tây nghiền, khoai tây hầm... Những bữa phải ăn ở ngoài, tôi thường chọn đồ fastfood của McDonald’s hoặc Burger King và để bụng tối về ăn những món Patricia nấu. Đồ ăn ở Cork, ngoài fastfood ra, món nào cũng đắt. Dân học bổng như tôi cũng phải lè lưỡi không dám động vào.
Sau bữa ăn, bà thường chuẩn bị sữa chua dứa, dâu hoặc việt quất để chúng tôi tráng miệng. Những lúc ấy, bà chỉ uống trà. Tôi kể bà nghe hồi ở Việt Nam, tôi nghe quá trời người nói và viết về cà phê Ireland(1) nhưng sang đây ít nghe người ta rủ nhau đi uống.
- Món cà phê đó rất đắt đỏ, thậm chí với cả những người bản địa. Nhưng đó không phải thức uống đặc trưng của chúng ta, những người sinh ra và lớn lên ở đây! - Patricia giải thích chậm rãi. Tôi nhận ra khóe mắt bà đã xuất hiện những nếp nhăn, những nếp nhăn của cả một đời người lặng lẽ.
- Là Guiness và Whiskey ạ? - Rượu Whiskey và bia Guiness đều là những thương hiệu nổi tiếng thế giới bắt nguồn từ Ireland.
- Không, là trà! Cháu cứ để ý là sẽ thấy thôi! - Bà vuốt lại vài sợi tóc bạc lòa xòa trước trán rồi thủ thỉ. - Người ta uống trà để cảm thấy ấm lòng, để tự xoa dịu nỗi buồn của mình, cháu gái ạ!
Tôi muốn hỏi Patricia, bà đang buồn phải không nhưng lại thôi. Tò mò vào đời tư của người khác không phải điều được khuyến khích ở xứ sở này.
- Ngày kia là cháu đi Pháp rồi nhỉ? - Patricia đột nhiên chuyển chủ đề. Vừa hay lúc đó, chiếc chuông treo trên cửa kêu kính coong, báo hiệu Maria đã về.
- Cháu đã đặt vé máy bay nhưng đang phân vân không biết nên đi hay không? - Tôi giơ tay chào Maria khi chị bước vào phòng khách, đặt lên má Patricia một nụ hôn và ngồi xuống chiếc ghế trống, tham gia vào cuộc hội thoại của chúng tôi.
- Hai người cãi nhau sao?
- Em chỉ cảm giác em không được chào đón ở nơi đó! - Tôi giữ cốc sữa chua dứa trong lòng bàn tay, hơi lạnh từ cốc sữa chua khiến tôi rùng mình, dù lò sưởi trong nhà luôn được bật để giữ ấm.
- Cậu ta nói thế sao? Không, đúng không? Thế thì đi thôi. Sẽ chẳng có gì tuyệt vời hơn cảm giác được đón Giáng sinh cùng người em yêu, bất kể ở Paris hay ở... Mali! Cháu về phòng thay đồ rồi đi ngủ đây, chúc hai người ngủ ngon! - Maria nói rồi đứng dậy, vơ áo khoác và trở về phòng.
- Cháu cũng nên đánh một giấc thật sâu rồi tỉnh dậy và chuẩn bị đồ đạc sang Paris, cháu yêu ạ! Nếu ta là cháu, nếu người đó là Matthew, ta sẽ lên máy bay và không bao giờ nuối tiếc!
Nửa tiếng sau, tôi tìm thấy mình nằm dài trên giường, vắt tay lên trán chờ đợi tin nhắn của Minh. Tôi tự nói với mình rằng cuối năm, công việc dồn dập khiến Minh không có thời gian quan tâm tôi như trước. Tôi tự nói với mình rằng kì nghỉ Noel chắc chắn sẽ giúp chúng tôi hàn gắn tình cảm, dù tôi không biết điều gì đang thực sự diễn ra và vết nứt đã xuất hiện ở vị trí nào. Minh đã bảo ừ và kêu tôi sang rồi Minh đón, tôi còn lăn tăn điều chi?
Điện thoại báo tin nhắn. Minh cho biết sẽ chờ đón tôi ở sân bay lúc mười một giờ, sau đó sẽ đưa tôi về nhà trọ của anh. Tôi sẽ nấu nướng trong lúc chờ anh ra ngoài giải quyết công việc với một vài cộng sự khác. Chúng tôi sẽ ngồi métro(2) vào trung tâm thành phố lúc tối muộn để tránh tắc đường.
Tôi mở mạng, dự báo thời tiết cho biết những ngày sắp tới Paris sẽ mưa suốt và nhiệt độ không thể vượt quá con số chín. Không lạnh như ở Cork, nhưng ít nhất, chúng tôi có thể ngồi trong nhà, ăn uống và xem phim cùng nhau. Nhiều người muốn tới thăm Paris mùa Giáng sinh bởi vẻ đẹp hào nhoáng và lộng lẫy của thành phố. Tôi tới Paris, chỉ bởi nơi ấy có Minh.
***
Tôi không thích những thành phố lớn. Paris là một ví dụ điển hình. Sân bay Charles de Gaulle giống như một thị trấn mỏi chân đi cũng chưa chắc tìm thấy đường ra. Ireland không thuộc khối visa Schengen của châu Âu nên để bay từ Cork sang Paris, tôi cần xin một visa khác ở Đại sứ quán Pháp. Chưa hết, ở khoang làm thủ tục xuất nhập cảnh, một nhân viên hải quan đứng ra chia hành khách thành hai hàng người nối đuôi nhau. Hàng đầu tiên dành cho những công dân của những quốc gia phát triển như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Úc... Những người thuộc hàng này chỉ cần xuất trình hộ chiếu, nhìn thấy con dấu visa là có thể đi qua dễ dàng. Hàng còn lại dĩ nhiên thuộc về những quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Dù có giấy tờ đầy đủ, chúng tôi vẫn phải trả lời một đống câu hỏi hầm bà lằng: Mày đến đây làm gì, mày định ở đâu, mày định ở bao lâu... Nếu không nghĩ đến Minh, tôi đã thẳng toẹt mà nói vào mặt gã nhân viên đó: “Tôi chẳng thích đất nước của các ông chút nào, chỉ muốn trở ra máy bay về ngay cho xong!”
Tôi nhận ra Minh từ xa, cái dáng cao lênh khênh với mái tóc nhuộm highlight màu nâu vàng. Minh khoác một chiếc măng tô dài, đang trò chuyện với ai đó qua điện thoại nên không nhìn thấy tôi bước ra. Tôi lại gần, nhẹ nhàng vòng tay ôm Minh từ phía sau. Minh nói thêm một câu nữa, hình như là tạm biệt với đầu dây bên kia rồi bỏ điện thoại vào túi.
- Ngồi máy bay mệt không? Đưa vali đây anh mang cho! - Nói rồi một tay kéo vali, một tay nắm tay tôi kéo đi. Minh vẫn dịu dàng và galant như thế, nhưng có điều gì như vừa mới rơi.
Chúng tôi ngồi métro, đổi ligne(3) hai lần để tới được nơi Minh sống. Thoạt nhìn, tất cả những thành phố châu Âu đều rất giống nhau ở những con đường đá đen sạch bóng, những cửa hàng nằm san sát nhau, những biển hiệu bằng nhiều thứ tiếng... Nhưng Paris rộng hơn Cork rất nhiều, những con đường dài và rất nhiều cây. Góc phố nào cũng được trang trí với những màu sắc Giáng Sinh, những người trẻ đội mũ ông già Noel, mang tất màu đỏ xuất hiện ở khắp nơi. Theo thống kê của CNN, người Pháp gửi nhiều thư tới ông già Noel nhất. Đặt chân đến Paris rồi mới hiểu, người dân thành phố này trông đợi Giáng sinh như thế nào.
Phòng của Minh nằm ở tầng hai một căn nhà năm tầng, thang máy kêu kẹt kẹt suốt ngày nên chẳng ai đủ dũng cảm dùng ngoại trừ bà chủ nhà, người sống ở tầng một. Minh chỉ tôi chỗ để đồ đạc rồi nói nhanh rằng anh vội ra ngoài, có đồ ăn trong tủ nên tôi có thể tự nấu. Minh đi rồi, tôi kéo chiếc rèm cửa để ánh sáng tràn vào phòng. Tôi gom lại những bản vẽ của Minh nằm rải rác khắp sàn nhà, đặt chúng lên mặt bàn làm việc. Ngăn kéo được đóng hờ lọt vào tầm mắt. Tôi kéo thêm một chút. Khung ảnh của tôi và Minh nằm im lìm một góc, co ro, sợ hãi. Trong những bức hình chụp bàn làm việc gửi cho tôi, khung ảnh đó vẫn xuất hiện trên mặt bàn như một niềm hạnh phúc.
Bụng đói đột nhiên không reo nữa. Tôi đóng cửa, mang theo tấm bản đồ thành phố lấy ở sân bay, lẳng lặng xuống dưới nhà. Tôi ngồi métro ligne 9, rồi ligne 10, vô thức đi ngang tháp Eiffel và nhà thờ Đức Bà, bảo tàng Louvre rồi dừng chân ở chiếc cầu Nghệ thuật (Pont des Arts). Những vòm cây bên bờ sông Seine đều trơ trợi trong đợt gió cuối đông. Pont des Arts là một trong hơn ba mươi cây cầu bắc ngang sông Seine, cầu nào cũng nổi tiếng nhưng hẳn Pont des Arts vẫn được nhiều khách du lịch biết đến hơn cả. Cây cầu gỗ đi bộ oằn mình dưới sức nặng của hàng trăm chiếc khóa được móc vào thành cầu. Những người yêu nhau từ khắp nơi trên thế giới thường đổ về đây với hi vọng có thể lưu giữ tình yêu của mình và biến nó thành vĩnh cửu. Tôi chạnh lòng lách người qua đám đông, kiếm một chỗ đứng giữa những cặp đôi âu yếm nắm tay nhau rồi tự vòng tay ôm lấy mình, ôm cả nỗi cô đơn và tủi thân không sao nói hết. Những bản nhạc Giáng sinh được chơi rộn ràng, tôi lại nghe đâu đó tiếng saxophone nao lòng như đang thả những nỗi buồn vô định vào thinh không.
Tôi mua sim điện thoại mới, nhắn tin cho Minh biết tôi không còn ở nhà và đang ở Pont des Arts.
- Anh đang ở gần đó. Đợi một xíu, anh ra ngay rồi chúng mình đi ăn tối! - Minh gọi lại ngay.
Đường phố Paris là tổ hợp những ngõ nhỏ, ngách nhỏ ôm vào lòng những không gian riêng, kín đáo nhưng rộng mở, trẻ trung nhưng cổ điển, dễ gần nhưng lại sang chảnh, kiêu kì. Chúng tôi ngồi ăn tối ở một cửa hàng sang trọng, nhân viên phục vụ nhận ra Minh liền nhoẻn miệng cười rồi ý nhị nhìn sang tôi, cô gái đi cùng. Ánh mắt có chút thay đổi nhưng chỉ nửa giây thôi đã trở về trạng thái đón chào như thường lệ.
- Em muốn đón Giáng Sinh dưới chân tháp Eiffel hay ở nhà anh? Hẳn khu phố nơi anh ở cũng sẽ tổ chức điều gì đó đặc biệt, anh không chắc lắm! - Minh cắm dĩa vào miếng thịt nguội rồi đưa lên miệng.
- Anh có muốn đón Giáng sinh cùng em không? - Tôi hướng tầm nhìn ra ngoài cửa sổ. Những người đi đường mở ô ra che, rảo bước thật nhanh trên phố.
- Em... - Minh đã ngạc nhiên, tôi biết. - Sao em lại hỏi như thế?
- Anh đang yêu người khác, đúng không Minh? - Tôi bình thản nhìn vào mắt Minh, chưa bao giờ thấy mình vừa can đảm vừa yếu đuối như giây phút ấy.
***
Ở khu vườn Abbesses, Montmartre, người ta có dựng lên một bức tường từ những viên gạch men. Bức tường có tên “I love you”, người ta đến đó để viết những lời yêu nhau bằng các ngôn ngữ khác nhau trên khắp thế giới. Đó là một trong những địa điểm ở Paris mà Minh dẫn tôi tới.
- Rồi em sẽ tìm được người nào đó yêu mình!
Tôi có nên xem đó là một lời an ủi, một lời chúc phúc? Khi người tôi yêu thương nhất, khi người tôi ngỡ rằng cũng yêu thương tôi đã không dám nhìn thẳng vào mắt tôi để nói anh đang hẹn hò với một cô gái khác. Chưa hẳn là yêu, nhưng cảm giác rất tuyệt.
Chưa hẳn, không phải không hẳn.
Chúng tôi lặng im ngồi đối diện nhau trong suốt bữa tối. Paris cứ mưa rả rích suốt những ngày tôi ở đó, bao gồm cả đêm Giáng sinh. Chúng tôi không ra ngoài, không bật nhạc Giáng sinh, không trao nhau những món quà đã chuẩn bị trước. Minh mở một chai rượu vang nhẹ, chúng tôi cụm ly. Và tôi nghe Minh kể về những điều tôi chưa biết, về nỗi cô đơn không sao kể xiết, về một cô gái bất ngờ xuất hiện và khiến Minh rung động và rất nhiều lúc, anh hồ như quên mất sự tồn tại của tôi. Hoặc, không chỉ riêng tôi, mà cả thế giới này.
Tôi hiểu cảm giác ấy, cảm giác tin rằng một người là cả thế giới, cảm giác nghĩ rằng người đó là tất cả những gì mình cần để hạnh phúc. Đó là những gì tôi nghĩ về Minh. Anh quỳ gối, cầm tay tôi và rơi nước mắt.
- Em cứ khóc, cứ trách mắng hoặc đánh anh. Đừng im lặng như thế! Anh biết anh sai rồi! Anh đã cố giấu nhẹm chuyện này, cố tin rằng cơn cảm nắng đó sẽ chóng qua. Nhưng không phải...
Bất giác, tôi hiểu ra nguyên cớ của tất cả những lơ đễnh nơi Minh, khoảnh khắc Minh đánh mất dần sự kiên nhẫn để ngồi nghe tôi kể chuyện, giây phút Minh quan tâm tôi như một trách nhiệm cần có hơn là điều Minh thực sự muốn làm. Những điều này, tôi đã phần nào cảm nhận được, nhưng trái tim cứ ngốc nghếch phủ nhận, nỗ lực không ngừng để ép buộc bản thân tin vào điều ngược lại. Nhưng...
Tôi đã không khóc, tôi chỉ uống cạn ly rượu vang, hít một hơi thật rồi và nói với Minh.
- Anh này, em vẫn còn giận anh nhiều lắm và có lẽ sẽ giận anh đến tận lúc em về. Nhưng em nghĩ đã đến lúc bọn mình chia tay. Vì em ở đây nhưng anh lại như ở đâu rồi ấy, như thể một múi giờ em vừa bước qua chưa từng tồn tại, như thể bọn mình vẫn xa nhau như thế!
Rồi thôi...
Tôi ở Paris thêm hai ngày, từ chối lời đề nghị đón đưa của Minh để tự mình lang thang Paris bằng métro. Những tiếng rì rầm, những tiếng rít đóng cửa, những tiếng chào hỏi bâng quơ của những người xa lạ vô tình lướt ngang nhau. Những gương mặt buồn thiu ngồi chờ métro, thậm chí chẳng ai buồn thở dài lúc nghe tin kẹt tàu vì ai đó nhảy xuống đường ray tự tử.
Nếu cứ tiếp tục ở Paris như thế này, tôi cũng trở thành một trong số họ? Bố già Hemingway từng nói “Không bao giờ có kết thúc với Paris", nhưng tôi nghĩ duyên nợ của tôi và thành phố này đã hết. Tôi nghĩ đến Patricia ở nhà, có lẽ giờ này bà đang trải qua kì nghỉ lễ một mình. Tôi chỉ muốn về nhà, thong thả uống trà và nghe bà kể chuyện, thẫn thờ nghĩ về một điều gì đó xa xôi. Hoặc giam mình trong phòng và viết. Hoặc im lặng trong nhiều ngày trời.
Trước đây, Hemingway cũng từng viết “Nếu bạn may mắn được sống ở Paris khi còn trẻ, thì rồi sau này bạn có đi đâu, quãng thời gian đó sẽ luôn bên bạn”. Tôi ngước mắt lên nhìn trời xanh, ngăn nước mắt đang chực trào ra, chỉ mong những tháng ngày này sẽ không theo tôi mãi mãi.
Tôi đổi vé máy bay, trở về Cork ngay ngày hôm sau. Trời nhiều mây, rưng rưng như sắp khóc. Sim vừa được nhét vào điện thoại, liền thông báo tin nhắn của Jan. Anh ở lại Cork đón Noel một mình nên hỏi tôi có muốn đi chơi cùng. Tin nhắn được gửi từ vài ngày trước. Tôi không trả lời mà đổi hướng, lên xe bus tới nhà của Jan. Tôi cứ nghĩ mình cứng cỏi và mạnh mẽ lắm, tôi cứ nghĩ mình đã ít nhiều đoán được kết cục của chuyện tình cảm giữa tôi và Minh, nên sẽ không buồn nhiều, nên sẽ không vì Minh mà rơi lệ. Thế mà lúc Jan mở cửa, mở to mắt ngạc nhiên nhìn tôi, vội vàng nói “Chúc mừng Giáng sinh”, nước mắt tôi cứ chảy dài, không sao ngăn được.
Jan không hỏi nhiều, chỉ kéo tay lôi tôi vào nhà, đẩy tôi ngồi xuống chiếc ghế bành bọc nhung rất ấm rồi nhìn tôi khóc. Rất lâu sau đó, Jan mới ngồi thẳng người và vươn tay lau nước mắt trên mặt tôi.
- Nín đi, anh pha trà cho em uống.