Số lần đọc/download: 4116 / 177
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Phần Thứ Năm -
M
ùa đông năm ấy. Trương thấy rét hơn mọi năm, có lẽ tại người chàng một ngày một yếu hơn. Uống đi uống lại mãi vẫn chừng ấy thuốc chàng cũng đâm chán, có nhiều lọ trên bàn mau về chàng cũng không buồn mở ra nữa.
Thầy thuốc bảo uống, bảo tiêm, chàng cũng theo như vậy cho đủ lệ vì chàng có cần uống và tiêm cho khỏi đâu. Chàng cho chỉ có nghỉ chơi bời là hơn cả, nhưng nghĩ đến bao nhiêu ngươi khác nhà giàu đã chết vì ho lao sau mấy năm nghĩ ngơi tĩnh dưỡng hết sức, chàng biết nghỉ chỉ để kéo dài cái hạn bệnh ra được nhiều mà thôi. Như thế để làm gì?. Trương đã đến thời kỳ mong cho cái chết chóng đến. Chàng đã chán sự chơi bời đi quanh quẩn cũng chỉ có chừng ấy thứ. Chàng không thấy mình ham mê thứ gì cả, nhưng thôi không chơi bời nữa thì chàng không bao giờ nghĩ tới, cũng như chàng không bao giờ nghĩ tới sẽ hết tiền tuy vẫn biết là một ngày kia số tiền bán đất cũng hết.
Tuy hơi lạ lùng nhưng đã có lúc Trương mong số tiền ấy chóng hết, tiền hết thì có lẽ chàng sẽ không chơi bời nữa. Chàng không bao giờ thấy được sung sướng trong sự chơi bời, trái hẳn với ý chàng tưởng lúc mới ốm và chàng không hiểu vì lẽ gì nhiều người lại mê đắm được. Chán rồi, nhưng tự nhiên thôi thì chàng không thể thôi được. Nếu ở đời không có những thú vui kia hay nếu chàng hết tiền lại có những thứ giải khuây ấy thì không sức nào ngăn cản chàng được cả. Chàng biết không thể nào có đủ gan kiềm chế mình vì không bao giờ chàng thấy cần kiềm chế cho thêm khổ vô ích.
Có lắm đêm, trời đương mưa gió, chàng trở dậy đi bộ ra Khâm Thiên tìm các bạn chơi: chàng muốn đi bộ hơn là đi xe mặc dầu trời lấm tấm mưa vì chàng thấy có một cái thú đầu đọa tấm thân mình. Không phải Trương thích gì một tối vui đùa, nhưng nếu cứ ở nhà để chống lại cái ý muốn đi thì chàng thấy mình khổ ghê gớm, Chàng đã đi cho khỏi bị cái khổ đó, chỉ thế thôi. Tìm khắp nơi không có bạn quen, chàng ra tiệm khiêu vũ nhảy vài điệu, vì thấy nhiều chàng thấy mệt. Thường thường chàng chỉ ngồi với một vũ nữ nào mà chàng ưa thích nói chuyện, uống rượu rồi khi tan đưa họ về tận nhà hay rủ họ đi ăn đêm.
Một hôm đương ngồi ngắm các vũ nữ nhảy lượn, chàng giật mình tưởng Thu ôm đàn ông trước mặt. Sao có người giống Thu đến thế, cũng cái miệng ấy, cái mủi hơi cong và xinh xinh như của Thu. Nhưng tiếc thay đến khi nhìn trước mặt, người ấy không còn giống Thu nữa. Chàng không nhảy với vũ nữ lần nào, nhưng suốt tối cứ ngồi đấy nhìn và bàng hoàng nghĩ tới Thu. Ơû ngoài trời mưa và lẫn với tiếng kèn, thình thoảng cơn gió lại rít lên một tiếng dài. Cũng giờ này, Thu yêu quý của chàng trong bộ quần áo lụa trắng trong, chắc đương bình tĩnh ngủ. Chàng nghĩ đến phép thôi miên và một lúc lâu cố hết sức chú ý đến Thu, tưởng tượng nhìn vào gáy Thu, rồi chàng mỉm cười tự nhủ.
Thế này chắc Thu đương cựa mình trên giường và nằm mơ thấy mình trong một giấc mơ.
Những hôm thức khuya như vậy, khi về đến nhà, Trương thấy rời rã cả chân tay, chàng vật mình xuống giường không buồn kéo gọng màn vì chàng thấy công việc ấy nặng nhọc quá. Chàng nhắm mắt lại, người thiêm thếp, trong ngực trống rỗng như hai lá phổi đã tan mất rồi. Chàng yên trí ngủ là không bao giờ dậy nữa.
Nhưng rồi đêm sau chàng lại đi và lại thức khuya như vậy. Một buổi chiều chàng lên cơn sốt. Chàng không cho mời thầy thuốc tới và luôn ba bốn ngày nằm lì ở trên giường mong cái chết đến. Không có triệu chứng gì rõ rệt cả, nhưng Trương tin Chắc chắn là lần này chàng không thể qua khỏi được, Trương thấy trong người mình có vẻ khác lạ thường, lạ lắm không có tiếng gì để diễn ra cho người khác hiểu, có lẽ chỉ có người nào sắp đến lúc chết mới được thấy như thế. Trương nghĩ đến việc lại thăm Thu:
Đến lần này là lần cuối cùng đây.
Chàng vùng trở dậy. Thấy choáng váng chàng ngồi yên một lúc và hai tay nặng nề chống xuống thành giường. Chàng nghĩ ngợi một lúc xem có nên đi không, rồi ra bàn gương rữa mặt, chải đầu. Mặc bồ quần áo mới. Sức hết nước hoa, chàng thấy trong người đỡ rời rã và biết có đủ sức để đi lại nhà Thu.
Trương nhìn đồng hồ rồi thuê xe ra nhà hát tây. Chàng đi bộ lên phía trường cao đẳng, cố ý đợi Mỹ ra và làm như tình cờ gặp Mỹ. Mỹ bắt tay chàng hơi sửng sốt:
Sao hôm nay trông anh gầy thế?
Ấy tôi vừa ốm một trận xong. Có lẽ bệnh cúm, giờ thì khỏi hẳn rồi. Ăn đã thấy đói tệ.
Mỹ nói:
Thế thì may quá. Anh lại ăn cơm đằng tôi hôm nay có anh Điệp, anh Linh và cả anh Hợp nữa cùng ăn cơm. Ăn xong hòa đàn chơi. Anh Điệp kéo violon, còn anh Linh thì thổi clarinette.
Trương nhận lời và bảo Mỹ đứng đợi để vào trường mượn bài của anh em về chép. Theo ý muốn của Thu, chàng đã nộp tiền học và thỉnh thoảng cũng lại trường nghe giảng. Cái cớ chính là để gặp Mỹ, vì có gặp Mỹ thì có gặp được Thu một cách tự nhiên và vô lý.
Trương nhận thấy Thu khi nhìn mình cũng sửng sốt như Mỹ lúc nãy. Chàng hiểu ý vội nói với Mỹ:
Mới ốm dậy đi mỏi chân ghê.
Chàng cốt ý cho Thu hỏi về mình được tự nhiên. Thu hỏi:
Anh ốm đấy à?
Bị bệnh cúm xoàng. Giờ thì khỏi hẳn rồi. Tôi bắt đầu ăn trả bữa.
Chàng thấy Thu cau đôi lông mày nhìn chàng như có ý trách.
Ăn cơm xong, hòa đàn được một lúc, Linh nài Thu hát mấy bài để chàng hòa theo. Thu từ chối và nhìn Trương. Trương nói:
Cô Thu cũng hát cơ à? Tôi cứ tưởng…
Thu mỉm cười:
Vậy thì em hát để cho anh Trương anh ấy khỏi khinh là em không biết hát. Để em hát bài… gì được?
Linh nói:
Bất cứ bài gì cô thuộc.
Thế để em hát bài "Người ta chỉ yêu một lần thôi". Thế có được không?
Hợp nói đùa:
Được lắm chứ. Hai lần mới không được.
Nếu anh cứ thế thì em không hát nữa, em ngượng lắm.
Việc gì, bài hát là bài hát và lời nói trong bài hát là chuyện khác. Yêu một lần chứ yêu đến mười lần ở trong bài hát cũng tha hồ. Bây giờ cô mạnh bạo hát lên cho nghe.
Linh thấy nàng hát sai cả nhịp nhưng cũng cố theo. Trương không biết gì về âm nhạc cả: chàng chỉ thấy tiếng Thu trong và ấm áp. Chàng để ý lời diễn nhiều hơn là điệu hát. Mắt Thu chàng thấy sáng long lanh mỗi lần nhìn chàng. Chàng biết là Thu đương nghĩ:
Em hát để cho một mình anh nghe.
Trương ngả lưng xuống chiếc ghế bành, trong người mỏi mệt nhưng sung sướng. Chàng lim dim mắt lại và trong vùng ánh nhỏ lọt vào mắt chỉ còn in có hình khuôn mặt Thu với hai con mắt yêu quý đương nhìn chàng. Chàng thở rất nhẹ, bỏ thõng hai tay xuống, mỉm cười ngầm nghĩ:
Giá như bây giờ mình cứ như thế này mà chết thì ít ra cũng được chết sung sướng.
Đợi Thu hát xong, Trương đứng dậy xin phép về. Chàng lấy cớ là mới ốm khỏi không ngồi lâu được, nhưng cốt ý của chàng là muốn lần cuối cũng giữ trong trí một hình ảnh đẹp nhất của Thu. Mỹ nói:
Để nghe các anh chơi bài Noccturne đã. Ta ra đứng ở cửa sổ nghe mới hay.
Thu đã đứng trước ở phía cửa nên Trương nhận lời ngay. Chàng đến đứng cạnh Thu. Thu giật mình quay nhìn rồi nói:
À, anh…
Ngoài vườn, đêm yên lặng. Không có gió, nhưng hơi lạnh đưa qua cửa vào phòng ấm như làn gió nhẹ. Trên những chòm lá cây đen các ngôi sao trong quá nên trông tưởng như rời haÜn nền trời sa xuống đứng lơ lửng ở giữa lưng chừng cao. Trương nói thật khẽ cho khỏi lấp tiếng đàn và nhờ thế ghé gần vào Thu được tự nhiên:
Các ngôi sao hôm nay hình như rớt xuống gần hơn. Tưởng tượng giá cầm cái vợt, mà vớt thì được một mớ ngọc thủy xoàn đủ làm một cái vòng đeo cổ.
Thu nói:
Anh Trương thi sĩ nhỉ. Cái vòng ấy anh cho tôi nhé.
Tiếng đàn vừa dứt, Thu quay lại hỏi Linh:
Anh còn nhớ bài hát ra Huế của cô Long ở Sầm Sơn không?
Còn nhớ.
Thế để tôi hát hòa theo.
Nàng nói với Trương:
Tôi lại hát được cả giọng Huế nữa cơ.
Rồi nàng cất tiếng hát câu ca dao huế theo giọng ru em kéo dài và buồn như tiếng than:
Trăm năm dẫu lỗi hẹn hò. Cây đa bến cũ con đò khác đưa.Cây đa bến cũ còn lưa. Con đò sớm thác, thuở xưa đi rồi. Trương hỏi:
Còn lưa là còn gì?
Còn lưa là còn lại, còn đấy. Tiếng đường trong.
Thế con đò sớm thác?
Con đò sớm thác là người lái đò sớm chết.
Thế à, sớm chết.
Thu nói:
Thương quá nhỉ. Chắc là chuyện có thật của một người nào yêu một cô lái đò nào, sau trở lại bến đò cũ thì cô đã chết rồi.
Trương quay vào trong nói với mọi người:
May quá, vừa ốm dậy lại được nghe đàn ngọt hát hay. Giờ thì tôi về,chẳng biết bao giờ mới được nghe lại nữa. Có lẽ không bao giờ.
Chào mọi người xong, chàng đưa mắt nhìn Thu lần cuối cùng. Chàng thoáng nhận thấy một tia nghi ngờ trong vẻ nhìn của Thu, quả tim chàng đập mạnh quá, chàng nhớ đến câu nói của Chuyên:
"Tôi sợ quả tim của anh…"
Vừa nghĩ thế xong, chàng thấy người mình xiêu về một bên và cái cánh cửa hình như ngã về phía chàng. Cái quả nắm xứ xoay hẳn đi một vòng, chàng không sao nắm lấy được, vì chàng có hai ba bàn tay phải không biết nắm bàn tay nào. Chàng không biết gì nữa.
Mỹ chạy lại đỡ ngay được Trương trước khi ngã gục xuống nền gạch. Chàng đặt vào chiếc ghế bành. Mọi người xúm quanh lại. Thu gọi to:
Anh Trương, anh Trương. Các anh gọi, lay cho anh tỉnh. Để em đi lấy lọ dầu.
Một lúc sau, Trương đã tỉnh, như nghe thấy tiếng Thu nói "dầu đây rồi", chàng không muốn mở mắt vội. Một bàn tay mềm đặt lên trán rồi nắn hai bên thái dương. Chàng mở mắt nhìn và hơi thất vọng vì người xoa dầu là Hợp, còn Thu, nàng đứng lẫn sau Linh và Điệp, mở to hai con mắt đương nhìn chàng. Trương nói:
Cám ơn các anh. Chắc tôi ra cửa bị gió lạnh. Nhưng giờ thì khỏi hẳn rồi. Ngồi nghỉ một lát là hết ngay.
Để lát nữa anh Hợp đưa anh về.
Đừng phiền đến ai cả, cứ thuê cho tôi cái xe là đủ rồi.
Lên xe ngồi một lúc lâu, Trương thấy trong người dễ chịu hơn trước. Chàng mỉm cười khi nghĩ đến rằng lúc chàng muốn ngất đi lại đúng là lúc ngất đi thật:
Có lẽ tại muốn ngất thành ra ngất thật chăng?
Chàng nhớ đến câu của Geothe: "Người ta chỉ chết khi nào người ta muốn chết".
Giá lúc mình ngồi ở ghế bành mong chết lại chết ngay được lúc đó có phải hơn không… Mà sao lúc ấy Thu đẹp thế.
Trương cố gợi lại hình ảnh của Thu in trong vùng ánh sáng với hai con mắt đen đương nhì chàng.
Xe đi ngang trước cửa hiệu Gô đa. Trương chú ý nhìn một chiếc ô tô sơn trắng kiểu mới, đỗ ở cạnh đường:
Hình như xe của bọn Vĩnh, Trực. Phải rồi.
Trương trả tiền xe rồi lên ngồi trên ô tô ấn còi. Vĩnh, Trực và Quang ở trong hiệu khách chạy ra. Trương hỏi:
Chúng mày đi đâu thế?
Vĩnh nói:
Mày quên rồi à. Mày không biết hôm nay ngày gì à? Chúng ta vừa đến nhà mày hỏi thì thằng nhỏ nói mày ốm, ốm mà đi ăn mảnh. Mày ốm thế à?
Vĩnh ngừng lại nhìn Trương:
Mà nó ốm thật anh em ơi. Trông mày tao sợ quá, Trương ạ.
Quang nói:
Đưa nó về nhà đi.
Trương đáp:
Tớ không về đâu. Hôm nay đến phiên tớ đấy có phải không? Đi đến nhà con nào đêm nay. Đi, chúng bây…
Trực nói:
Đưa ngay nó về nhà đi. Nó mà chết ở đấy thì ê cho cả lũ. Hôm nay có tớ bao. Mà tội nghiệp, chủ nhật trước nó vừa thua ba trăm. Thế thì hết tiền còn gì.
Trương rút ví kiểm lại tiền:
Hết thì chả hết, nhưng tao đem thì không đủ. Trực thay tớ vậy, nhưng phải cho tớ đi với… không tớ chết ngay trên xe cho mà coi.
Trương cười lớn và ấn còi luôn tay. Vĩnh nói:
Đội xếp nó phạt bây giờ.
Cứ lại mà phạt.
Một viên đội xếp đứng ngay đấy mỉm cười nói:
Không, đội xếp nó không phạt đâu, nhưng nó xin mời các ông đi ngay cho.
Trương nói:
Ông này khá, biết khôi hài. Có đi chơi được thì cùng đi cho vui.
Ta lại "lấy" thằng Cổn rồi đi thì vừa.
Đến nơi, Trương mệt quá, không muốn gượng nói nữa. Từ lúc nào, chàng chỉ ngồi yên nhìn các bạn vui vẻ mà thấy mình tácg riêng hẳn ra như một người đứng ngoài xem một trò diễn quen mắt và hơi buồn. Quang, Vĩnh và Trực nằm ngổn ngang cạnh khay đèn thuốc phiện nói chuyện, cười đùa với đào yến đương lom khom tiêm thuốc. Cổn ngồi riêng một góc, lưng dựa tường, mắt lim dim, tay phải đề lên mặt trống, roi chầu cầm lỏng thẫn thờ trong hai ngón tay. Trong bọn chỉ có mình Cổn biết đánh trống trên nét mặt chàng nghiêm trang như nhận thấy rõ sự quan trọng của công việc mình.
Quang vừa hút xong một điếu nằm ngửa mặt nhìn lên trần nhà và đưa dài môi cho làn khói tỏa ngược qua mặt. Trương thấy trước là một ngày kia Quang sẽ sa ngã hẳn và lòng se lại như gặp một sự đau khổ chính thân chàng. Trương nhớ hôm ở nhà Chuyên ra, đương đi nhớ mưa gặp Quang cũng cào hàng uống cà phê, hôm ấy chàng mong sống đến cực điểm, nếu đủ các khoái lạc ở đời, sống cho chán chường để không còn ao ước gì nữa, có thể yên tâm chết không tiếc đời. Nhưng chàng không bao giờ thỏa mãn cả, không bao giờ sống cho chán chường được vì một lẽ mà đến giờ, Trương mới nhận ra là đã ngay từ lúc bắt đầu, chàng không phải là hạng người biết hưởng khoái lạc trong sự chơi bời. Chính Quang đã nói một câu mà chàng thấy rất đúng:
Ở đời có hai thứ khoái lạc, cái khoái lạc của kẻ trồng cây và cái khoái lạc của người ăn quả.
Trương không thể như Quang có được những cái vui sướng phá hoại của người ăn quả, còn cái vui sướng gây dựng của người trồng cây thì chàng không bao giờ được biết tới, vì muốn gây dựng tất phải sống như không bao giờ chết. Aên quả không cần biết đến lúc khác, còn trồng cây sung sướng chỉ vì quên hiện tại và nghĩ đến mai sau. Nhưng mai sau của Trương là cái chết, là hư vô.
Trương nhận thấy mình là một người hấp hối cần suy nghĩ bao quất cả đời sống của mình trước khi nhắm mắt. Ngay lúc đó, thực tình chàng còn mệt mỏi chán sống hơn cả thân thể chàng. Chàng đã tới mục đích: là không sợ cái chết nữa. Giá đời chàng không có Thu! Giá Thu không yêu chàng hoặc hơn thế nữa, chàng ghét được Thu thì thật ra hoàn toàn thoát nợ, thoát khỏi ngục đời. Aùi tình của Thu đối với chàng lúc nào cũng chỉ là một sự ăn năn thương tiếc không bao giờ nguôi, thương tiếc một thứ gì đó có lẽ đẹp lắm mà chàng không bao giờ biết tới.
Ngoài cái mong chết vì chán sống, chàng lại mong chết để thoát được tình yêu của Thu. Chính chàng đã thấy sợ chàng, sợ sẽ có những hành vi rất xấu đối với Thu, đối với đời, nếu chàng còn sống ít lâu nữa. Chắc chắn chàng sẽ quấy rầy đến Thu, không thể khác được. Đó là một sự tất nhiên, một sự định số nếu chàng chưa chết ngay. Chàng còn sợ hãi hơn nữa vì chàng thấy trước rằng nếu còn sống thì không bao giờ nữa chàng là người có lỗi. Phải, từ nay "không bao giờ là người có lỗi", chàng không có tội với ai nữa, chàng hết cả trách nhiệm của một người và có lẽ hết lương tâm của một người biết hối hận. Trương ngay từ bây giờ đã thấy rõ rằng đó sẽ là sự thực, chàng sẽ trở nên như vậy. Chàng mở to hai con mắt, khắp người rờn rợn sợ hãi vì lần đầu nhận thấy rõ căn bản của tâm hồn mình, một căn bản luân khốn nạn, bấy lâu còn ẩn núp che đậy, giờ mới lộ rõ ra. Tuy vậy, Trương chỉ thấy mình sợ mình chứ không thấy sự khinh.
Quang ngồi dậy, nhìn Trương nói:
Thế nào chị Cúc, chị để anh Trương ngồi buồn thế à?
Cúc vừa cười vừa nói:
Hôm nay anh ấy làm sao ấy.
Anh ấy ốm đấy mà. Buông màn cho anh ấy đi ngủ. Anh ấy đương cần người đấm bóp.
Chàng nói với Trương:
Lại đây làm một điếu.
Trương lại dựa đầu vào đùi Yến, cầm lấy tẩu. Mới kéo được nửa điếu, chàng sặc thuốc phải bỏ ra, Trực nói:
Triệu chứng yếu lắm rồi. Đi ngủ đi thôi.
Trương nói:
Không phải vì yếu đâu. Vì tớ sợ. Sợ vì độ trước lần đầu tiên hút nhiều quá, nôn oẹ rồi ốm đến mấy hôm.
Phải đấy, mày không hút được là may. Yếu như mày mà hút vào thì chỉ vài tháng là lao ngay.
Thế à? Nhưng lao có chết ngay không?
Không chết đâu, chỉ ngoẻo thôi.
Vào nằm trong màn được một lúc, Trương hỏi ra ngoài:
Trực này, có phải những anh nghiện rồi uống giấm thanh với thuốc phiện không chết không?
Uống nhiều thì cũng chết như thường. Nhưng mày hỏi như thế để làm gì? Muốn bắt chước thằng Chất có phải không? Hèn nhát thì mới tự tử.
Trương kéo tay Cúc làm gối và khẽ nói với Cúc: Em cũng chết với anh nhé?
Cúc nói:
Chết ngay lập tức bây giờ.
Em không sợ chết chứ?
Chết với anh thì em không sợ.
Thế thì ngoan lắm…
Trương cất tiếng nói với Trực:
Chúng mày bảo những đứa tự tử là hèn nhát à? Láo tuốt, chỉ nói a dua thôi. Tớ, tớ cho là không hèn nhát cũng không can đảm. Hèn nhát thì không bao giờ tự tử được. Tự tử được hay không là ở cảnh chứ không ở người.
Vĩnh gạt:
Thôi ngủ đi. Bàn cãi mãi.
Yên lặng một lúc lâu, Yến khẽ ngâm dài một câu sa mạc. Tiếng Trương ở trong màn đưa ra giọng nói ngái ngủ:
Nhưng nhất định tự tử không phải là hèn nhát.
Trương ngủ thiếp đi, chàng nhìn thấy mình cứ cố nhoi lên để tránh mũi dao mà Thu đưa vào cổ mình, nhưng có một sức mạnh ghê gớm giữ chặt lấy chàng, đè nặng hai bên ngực. Mũi do đã chạm vào cổ, nhưng chàng không đau đớn gì cả: một dòng máu chảy ngang cổ xuống gáy lạnh như một dòng nước đá mới tan, Trương kêu thét lên: "Em ghét anh" và giật mình tỉnh dậy. Chàng hất mẩu chăn đương đè nặng trên cổ và tay chàng chạm vào chiếc khuy bấm ở mép chăn.
Chuông đồng hồ buông năm tiếng ngắn. Qua khe cửa, trời hãy còn tối. Trương thấy trong người mỏi mệt, nhưng có cái mỏi mệt nhẹ nhõm dễ chịu của người vừa hết sốt. Trực ngáy đều đều ở giường bên. Ngoài đường cái có tiếng lăn lạch cạch của một chiếc xe bò đi qua, Trương đoán là một xe rau ở ngoại ô lên chợ sớm. Lòng chàng lắng xuống và từ thời quá vãng xa xăm nổi lên một hình ảnh yêu quý của tuổi thơ trong sáng: khu vườn rau của mẹ chàng với những luống rau diếp xanh thắm, những mầm đậu hòa lan tươi non nhú lên qua lần rơm ủ. Rồi đến khi luống đậu nở hoa trắng có những bướm rất xinh ở đâu bay về…
Trương rút trong túi ra bức thư của cụ Phách để xem lại đích hôm nào phải đi Hải Phòng nhận việc.
Còn ba hôm nữa.
Nghĩ đến ngày bắt đầu phải đi làm, Trương ngao ngán thấy hết cả cái vị của một cuộc sống gượng, cái nhọc nhằn của những công việc làm bất đắc dĩ. Nhưng không đi làm chàng không có cách gì nuôi thân cả. Hơn một tháng nay hết tiền. Trương phải dọn nhà đi nơi khác, đến ở một căn gác tồi tàn ở Ngọc Hà. Quần áo, đồ đạc Trương cầm bán hết dần. Chàng khó chịu nhất là tuy không chơi bời gì nữa mà chàng lại cảm thấy mình trụy lạc, khốn khổ hơn là độ chơi bời vong mạng nhưng có nhiều tiền. Chàng phải lẩn lút tránh mặt những người bạn quen, chàng thấy mình như có tội với đời không thể đường hoàng nhìn mặt mọi người, lúc nào chàng cũng có cái cảm tưởng rằng mình là một anh khốn nạn nhất trong xã hội. Gặp người quen, Trương như thấy họ thì thầm.
"Đáng kiếp, ai bảo chơi bời vào. Hết tiền rồi lại cũng có ngày đâm ra lừa đảo. Tớ cho thì tù sớm".
Trương tưởng thế, vì chính chàng trước kia cũng đã nghĩ thế khi gặp một tay chơi đến lúc kiết xác.
Các bạn chơi cũ, đến giờ Trương đã xa hẳn họ. Chơi bời không có thú gì, lại mang tiếng là "boóng" nên Trương đành ở nhà vậy. Người chàng vì thế cũng đỡ yếu hơn trước. Cũng có đêm mưa buồn, theo thói quen chàng khoác áo tơi ra đi tìm các bạn cũ, nhưng đến nơi chàng dứng nhìn vào một lúc, nhìn cái quang cảnh ấm áp và sáng loáng ở bên trong, rồi tự nhiên thấy chán ngán và lặng lẽ bỏ đi. Chàng lang thang hết phố nọ đến phố kia, rồi có khi rẽ vào một nhà chứa và ngủ luôn ở đấy cho đến sáng. Những lúc đó chàng thấy mình khổ sở lắm và sáng hôm sau khi ở nhà chứa bước ra, chàng tưởng còn thấy trên da mặt mình tất cả cái nhơ nhớp của một đêm trụy lạc.
Độ ấy Trương hay đến nhà Thu luôn vì chỉ đến đó chàng mới không thấy mình là một người khốn nạn nữa, lòng chàng đổi khác hẳn, thư thái đón lấy sự sống bình thường và êm ả. Chàng như đương đi trong đêm mưa được bước vào một căn phòng vừa ấm vừa sáng, và khi ở đấy ra về tới căn nhà tối tăm, chàng còn như bị chói lòa và giữ trong mắt hết cả cái ánh sáng lung linh của ngững phút ngồi cạnh Thu.
Thế mà còn hơn ba hôm nữa phải xa Thu. Chính ra sở dĩ Trương nhận lời đi làm ở Hải Phòng là chỉ cốt để xa Thu. Mới mười hôm trước đây Trương vừa sợ hãi vừa vui sướng được nghe trên xe điện mấy bà nói với nhau chuyện Thu từ chối lấy con một ông Tuần làm tham tá ở Nam Định.
Chẳng hiểu cô ấy nghĩ sao mà không bằng lòng đám ấy.
Chàng thì chàng hiểu lắm nên chàng bối rối vô cùng. Từ lúc ấy Trương quyết định xa Thu. Nhân có cụ Phách làm việc lâu năm cho một sở buôn ở Hải Phòng lại là bạn chí thiết của thân phụ chàng, nên Trương nhờ cụ Phách xin hộ việc làm.
Trương đến trường lấy thư của cụ Phách, gặp ngay Mỹ rủ hôm sau đi chơi chùa Thầy, có Hợp, bà Bát và cả Thu nữa với Kim, một cô bạn của Thu. Cuộc đi chơi tình cờ thành một cuộc tiễn biệt nên Trương nhận lời ngay không ngượng.
Sáng hôm sau, Trương đến sớm. Bà Bát niềm nở hỏi:
Cậu Trương đi Hải Phòng làm việc thật đấy à? Sao cậu không học nữa?
Đưa mắt nhìn Thu, chàng mỉm cười trước khi nói cho Thu biết là chàng không thể trả lời câu ấy theo đúng sự thực được:
Thưa cụ, cháu học mãi thấy người gầy yếu quá nên phải bỏ đi làm. Đi làm tức cũng như nghỉ vì ở sở ấy nhàn lắm.
Tôi trông cậu độ này cũng khá hơn trước.
Thu nói:
Đi làm có điều độ hơn chắc còn khoẻ ra nữa. Cần nhất là điều độ.
Nàng nói dằn vào hai tiếng "điều độ" làm như có ý khuyên Trương. Trương nhìn Thu nói:
Ngày mai cháu đi thành ra hôm nay đi chơi lần cuối cùng… với các anh ấy.
Thu nói:
Đây với Hải Phòng chứ xa xôi gì đâu mà nói lần cuối cùng.
Trương nói lửng nửa đùa nửa thực:
Biết đâu đấy.
Thu nói giọng mỉa mai:
Có lẽ Hải Phòng là đất ăn chơi, anh xuống dưới ấy vui có khi quên cả… Hà Nội.
Quên thì chẳng đời nào quên, nhưng…
Trương bỏ lửng câu nói vì Mỹ vào giục ra xe. Tình cờ chàng được ngồi vào chỗ rất tốt vì nhìn vào chiếc gương con chàng thấy in rõ hình khuôn mặt Thu. Chàng bực tức vì mãi mãi không thấy Thu nhìn lại mình và chàng không tìm được cách nào để cho Thu biết là hai người có thể tự do nhìn nhau trong gương, Thu cứ mải nói chuyện với Kim mãi. Xe đi khỏi ô Cầu Giấy, Thu mới nhận biết là từ lúc đó Thu không nói chuyện nữa. Hai người yên lặng nhìn nhau. Trương không thấy ngượng lắm như khi nhìn thẳng vào mắt Thu. Thỉnh thoảng chàng chớp mắt luôn mấy cái rồi nhắm mắt lại một lúc lâu như để cố giữ lại cái hình ảnh dẹp của hai con mắt Thu. Chàng hạ lông mi xuống một chút và tưởng như đó là một lời nói Thu có thể hiểu:
Anh yêu em lắm.
Chàng thấy Thu cũng bắt chước hạ lông mi làm hiệu như có ý trả lời:
Em đã hiểu là anh định nói với em điều gì.
Kim hỏi:
Chị nghĩ gì mà mỉm cười vui vẻ thế?
Trương vội ngồi chếch đi một ít để không trông thấy Thu nữa.
Thu đáp:
Em nghĩ bâng quơ đến một chuyện thú quá nhưng không thể nói ra cho ai biết được, vì chính em, em cũng không biết rõ.
Trương và Thu cùng ngạc nhiên vì thấy chóng đến nơi quá. Trong lúc đứng lại nghỉ chân ở lưng chừng núi. Kim nhắc đến tên một người bạn gái trước cùng đi chơi với nàng ở chùa Thầy:
Giờ thì chị ấy chết rồi. Tội nghiệp chị ấy chết vì bệnh lao. Ốm đến hơn một năm khỏe ra hẳn hoi rồi lăn đùng ra chết trong một lúc không ai ngờ.
Thu cau đôi chân mày đưa mắt thật nhanh nhìn Trương. Nàng thấy Trương vẫn thản nhiên đứng vịn vào cành đại ngắm phong cảnh dưới cánh đồng. Sao Thu lo sợ thế, lo sợ hơn là chính nàng mắc bệnh lao. Nàng tự an ủi:
Trương có bao giờ mắc bệnh lao đâu. Có thấy anh ấy ho bao giờ đâu. Vả lại lao cũng khối người khỏi.
Thu vẫn tự tin là có thể cứu thoát được Trương: nàng yên trí là nhờ nàng Trương bây giờ mới khá hơn trước, không chơi bời liều lĩnh nữa. Đối với nàng, phải trải qua nhiều gian truân, ái tình mới có thể cao quý và chân thật, nếu chỉ yêu nhau một cách phẳng lặng rồi lấy nhau, biết đâu đã là yêu thực.
Yêu nhau như thế thì xoàng lắm. Vì sợ, tình yêu giảm đi, càng xoàng hơn không phải là yêu.
Vào chùa lễ xong, Kim rủ Hợp lên xem chợ Trời.
Không biết có gì không, lần trước em chưa lên.
Hợp nói:
Chẳng có gì cả. Lên mất công trèo khó nhọc. Các cô muốn tập thể thao thì nên đi lắm.
Thu bảo thằng bé con dẫn lối lên chợ Trời. Ra cổng chùa gặp Trương, Kim rủ:
Anh Trương lên xem chợ không?
Vâng đi thì đi.
Bốn người trèo lần từng hòn đá. Lên được nửa chừng. Trương và Thu cùng ngừng lại và thấy Kim còn loay hoay với đứa bé con ở dưới xa. Tiếng Kim vẳng đưa lên:
Bé con mày dắt tao với không ngã chết.
Thu và Trương cùng cười rồi lại trèo lên. Không bảo nhau, hai người cùng gắng sức trèo thật nhanh, Trương thỉnh thoảng ngừng lại đợi Thu, chàng nghe rõ tiếng Thu thở mạnh, quay lại hỏi rất khẽ:
Em mệt lắm, phải không?
Thu để tay lên ngực, vừa thở vừa nói vui tươi, hai má đỏ bừng:
Không mệt gì cả.
Hai người lại cố sức trèo. Trương đưa mắt nhìn Thu suy nghĩ. Chàng không biết quả tim mình đập mạnh vì trèo dốc hay vì cái ý tưởng vừa vụt đến. Lên gần tới nơi, Trương đứng lại vì chỗ đó khuất không nom thấy chùa, cũng không nom thấy Kim ở dưới. Chàng nghĩ:
Chắc Kim còn ở dưới xa lắm.
Thu lên tới nơi cũng đứng dừng cạnh Trương. Trương để tay lên ngực:
Dại quá. Yếu mà trèo vội. Không khéo ngất đi mất.
Thu vụt nghĩ đến hôm họa đàn. Nàng cau đôi lông mày toan giơ hai tay ra để đỡ thì vừa lúc Trương cũng giơ tay nắm chặt lấy tay nàng và kéo nàng vào người.
Trương giữ chặt người Thu trong tay mình và thấy Thu điềm tĩnh ngửa mặt đưa đôi môi ra cho chàng hôn như có ý định từ lâu. Trương ôm vòng lấy cổ Thu, dựa đầu nàng vào phiến đá. Hai tiếng rất ngắn thốt ra liền nhau:
Em…
Anh!
Rồi hai người yên lặng hôn nhau, mê man trong cái thú thần tiên, bỡ ngỡ của cái hôn trao yêu thứ nhất trên đời. Hai mắt Thu mở to, Trương thấy trong và đẹp long lanh như thu hết cả ánh sáng của vùng trời cao rộng. Thu níu mạnh lấy hai vai Trương và nàng nói mấy tiếng rất nhỏ, nhỏ quá Trương không nghe thấy, nhưng cũng đoán hiểu là nàng định nói:
Em yêu anh.
Trương nhìn rất lâu vào hai mắt Thu và đột nhiên chàng thấy đau khổ có cái cảm tưởng mình đã là người của một thế giới cách biệt và Thu như đứng bên kia đường nhìn sang, mấp máy môi thầm gọi chàng một cách tuyệt vọng.
Tiếng Kim nói nghe đã gần lắm. Trương hôn vội vàng lên tóc, lên trán, lên cổ Thu rồi theo đường cũ trèo lên cao. Thu đứng nguyên một chỗ, sửa lại mái tóc đợi Kim rồi hai người cùng lên. Trương nói: Kim đáp:
Chúng em trèo nhanh thế nào được bằng anh.
Nàng hỏi Thu:
Chị có ngã lần nào không?
Thu đáp:
Ngã có một lần thôi.
Không việc gì chứ?
Không việc gì.
Kim nhìn xuống chân núi, giơ hai tay nói:
Cao thế này, ngã là chết mất xác. Chị không việc gì là may đấy… Rõ thật dại, tự nhiên lên đây mua lấy cái sợ.
Thu nói:
Có sợ mới có thú…
Kim nhìn cái gốc gạch xây của sở đạc điền, bĩu môi:
Bao nhiêu gian nan, mà phiền nhất là lên tới nơi không có gì cả.
Trương xen vào:
Mà ở đời việc gì cũng vậy. Nhưng cần gì cái đó. Số trời định bắt lên thì cứ nhắm mắt lên nếu sợ thì xoàng.
Chàng nhìn Thu và thấy Thu khẽ gật đầu tỏ ý đã hiểu nghĩa bóng của câu nói. Một lúc sau nàng mỉm cười nói với Kim:
Có bao giờ em sợ đâu.
Xem xong chùa Thầy, cả bọn về thăm quê chồng bà Bát. Ông Bát mất đã lâu và hai ông bà chỉ sinh có một người con gái hiện lấy chồng ở làng. Khi trở về, tiện đường xe ô tô ngừng lại ở chùa Trầm.
Trời đã về chiều, Trương thấy một nỗi buồn mênh mông thấm dần vào tâm hồn. Chàng cúi đầu đi thong thả. Không khí im lặng buổi chiều vang lên những tiếng đập đá ở bên kia núi. Trương nhìn Thu và thấy nàng đi có dáng tư lự, chàng tự hỏi:
Hay là Thu hối hận chăng? Không lẽ nào.
Còn chàng, chàng buồn vì vừa mất đi không lấy lại được nữa một thứ gì đẹp nhất ở trong đời, chàng thấy tình yêu của hai người lúc ban sáng đã tới một mực cao cục điểm và từ nay trở đi chỉ là lúc tàn dần: ánh sáng rực rỡ đã tắt và buổi chiều buồn bắt đầu về trong lòng chàng, trong đời chàng từ nay.
Tới Hà Nội, Mỹ hỏi Trương ở đâu để đưa về tận nhà, Trương vội cản, không muốn cho mọi người trông thấy căn nhà tiều tụy của chàng.
Anh cho tôi xuống đây thôi.
Rồi chàng chào bà Bát, và bắt tay Mỹ, Hợp:
Thôi chào hai anh, nói là vĩnh biệt thì đúng hơn, vì mai tôi đi sớm.
Mỹ nói:
Có gì mà vĩnh biệt. Anh cố lên chơi luôn nhé.
Trương quay lại. Chàng nhìn Thu và thong thả rất lễ phép cúi đầu chào. Thu ngồi nép mình trong góc xe, đầu nghiêng tựa vào cửa kính. Nàng mở to hai mắt, yên lặng nhìn Trương và quên cả câu đáp lại chàng.
Trương đứng lại trông theo chiếc xe đi vụt về phía Giám, bà chủ nhà bảo chàng có một Thư gửi đến đây chỉ là thư ở nhà quê. Có lẽ là bạn của Nhan chăng? Chắc Nhan hỏi Tuyển chỗ ở của mình.
Lên gác thắp đèn, chàng bóc thư ra coi mới biết là thư của ông chú hỏi xem chàng có bằng lòng lấy cô Phiên con ông Hàn Tích ở phố Huyện không:
"Hôm nay anh về xem mặt. Hay có lẽ anh đã biết mặt rồi vì hôm cưới em cô ta cũng có đến đi phù dâu giúp."
Ngay bên cạnh có chua mấy chữ:
"Hôm ấy cô phiên mặc áo nhung lam đấy anh ạ."
Chàng nghĩ ngay đến Mai và ngồi cười một mình. Đưa mắt nhìn thoáng qua đoạn dưới chàng thoáng thấy:
"Nhà cô ta cũng khá. Ông Hàn có thể giúp anh sang Pháp…"
Đọc mấy chữ ấy, Trương ngừng lại suy nghĩ một lúc lâu rồi tắc lưỡi cau mày, vò nát bức thư vứt xuống đất. Tuy cái ý tưởng lấy Phiên để khỏi đi làm cũng thoáng qua óc mà chàng vẫn thấy mấy câu sau cùng của ông chú xúc phạm đến danh dự của chàng nhiều lắm. Trương nghĩ có thể lấy Thu là một điều rất ác, rất vô nhân đạo đối với Thu, nhưng còn lấy Phiên vì nhà Phiên giàu, một việc rất thường có, thì chàng thực không tài nào làm nổi.