Số lần đọc/download: 273 / 21
Cập nhật: 2020-06-05 12:47:39 +0700
Chương 5
N
hìn thấy chiếc xe xítđờca mô tô ba bánh, nhãn hiệu Ural nổ máy pình pình sơn hình Huy hiệu Công an ở mũi xe rẽ vào, ông trưởng thôn già đang ngồi đan rổ rá trên cái sân gạch nhà mình vội chống dao đứng dậy, mau mắn cất tiếng chào.
Trừng xuống xe, trụt mũ lưỡi chai lau mặt:
- Chào bố. Xã bố trẻ con nói tục có bằng. Hỏi đường về nhà ông trưởng thôn Vân, đứa nào cũng kêu: Đéo biết!, Cãi nhau là văng: Nói như buồi thầy!
Ông trưởng thôn cười, hở hàm răng trống:
- Báo chí của tỉnh phê mãi rồi. Đoàn thanh niên. Đội thiếu nhi. Hội phụ nữ cũng đã năm lần bảy lượt phát động thi đua chống nói tục rồi. Thế mà cũng đéo sửa được. Nêu cả khẩu hiệu: Thuộc một câu thơ hay, bớt một câu chửi tục. Mà cũng đéo ăn thua. Thế quý vị định hỏi ai?
- Hỏi nhà ông Xây.
- Ở đây có bốn người tên Xây. Một là Xây điên. Ông này đi bộ đội, một lần được phân công làm nhiệm vụ nghi binh thu hút hỏa lực địch, nhưng bỏ đồng đội chạy thoát thân, giờ ân hận nên phát bệnh tâm thần, suốt ngày đi lang thang, nói năng lảm nhảm, đéo hiểu bố nói gì. Một là nữ giáo viên góa chồng, nhưng còn tốt nái. Một nữa, hăm mốt tuổi là cán bộ ngành Thuế có thời du học ở Nga nên trẻ con vẫn gọi là Alécxây. Một nữa là phó may Văn Xây.
- Chúng tôi hỏi ông Xây thợ may.
- Thế thì đi theo lối bên trái này. Rồi vào ngõ Đầm. Thấy nhà hàng giò thì hỏi. Để tôi dẫn chú đi!
- Thôi, khỏi cần. Cám ơn bác.
Gửi lại chiếc Ural lấm như ma chôn ma vùi, chào ông già trưởng thôn, Trừng xắm nắm đi ngay. Rẽ vào một con ngõ nhỏ được chừng hơn trăm bước, nghe tiếng giã giò lóc chóc trong một căn nhà mái bằng nhỏ như cái miếu bên đường, anh dừng bước, ngó vào.
- Chào các bác!
- Chú ở trên tỉnh hay dưới huyện về đặt giò liên hoan đấy nhử? Lò giò tôi nổi tiếng cả nước mà. Cam đoan bổ dương, tráng khí, đéo có hàn the mà đánh rơi xuống đất thì nẩy như hòn tẩy.
- Bố độn chuối xanh vào chứ gì!
- A, anh này quái chiêu đây. Nhưng đây đéo có thế!
- Nói đùa vậy thôi. Tôi là công an. Có việc cần gặp một mình bác Văn Xây phó may.
- Chà!
Người đàn ông vừa nói ngậm miệng, vội cúi xuống, hai tay hai chày gỗ nặng phầm phập lao xuống khối thịt đã nhuyễn nhão nhọp nhọp nhẹp nhẹp trong lòng chiếc cối đại. Đứng xem ông giã giò là một người đàn ông cao kều, gầy gò, mắt lom lom, mồm rộng, môi vén như môi ngựa, vẻ từng trải và khôn ngoan. Nghe Trừng hỏi tên, ông liền vỗ bộp vào ngực, kêu: “Văn Xây phó may là tôi đây ạ”. Rồi vội vàng chào người giã giò, dẫn Trừng về nhà mình.
Nhà ông Văn Xây ba gian lợp ngói, cao lênh khênh như cái minh tinh. Nhà rộng, tiện nghi đầy đủ. Gian giữa đặt tủ chè, bộ tràng kỷ. Gian bên bày tủ ly, trong lớp kính sáng choang phản chiếu, nhìn rõ con búp bê Nga, chiếc phích đỏ Trung Quốc, chiếc máy cátxét Nhật, bộ ấm chén Thái. Đáng chú ý là hai bình rượu ngũ xà đặt trên nóc tủ và hàng trạm gỗ áp nóc nhà, kỳ khu, đủ hình tiên nữ, chùm nho, chim chóc gắn ở đỉnh tường, do thợ Sài Gòn làm, tốn hơn hai triệu bạc.
Chính là vừa bước vào nhà, thấy Trừng đưa mắt nhìn căn nhà, ông Văn Xây đã tự khoe thế. Ngồi sắp chân bằng tròn trên bộ ngựa quang dầu bóng lọng, ông kéo cái điếu bát lại, dịt thuốc lào vào lỗ điếu, bật lửa châm đóm, không hút vội, ề a và xởi lởi ông cũng cho Trừng biết ngay, rằng ông là kẻ đa tình, hiện ông có hai bà cùng sống trong căn nhà này. Ấy, cái ái tình nó là vậy, ông nói, không dùng lý luận mà hiểu được; không dùng đạo đức mà bỏ được; không dùng luân lý mà ngăn được, nó phát sinh ở đâu, cứ để nó ở đấy thôi. Thành ra, ông cười hề hề, đang làm Phó Giám đốc xí nghiệp chuyền sản xuất chai lọ đựng thuốc nam của huyện, trượt dốc một phát về vườn, thành anh phó may thôi. Hề hề...
- Bác Xây ạ, cám ơn bác đã tâm sự. Thằng em cũng khoái chuyện đó lắm. Nhưng xin để hạ hồi. Còn bây giờ, công việc cái đã.
- Nhất trí với chú!
- Em ở Công an Hà Nội. Giấy tờ đây, xin bác kiểm tra thoải mái. Bọn em có một số việc muốn hỏi bác. Xin bác trả lời thật cẩn trọng cho.
Ông Xây rót nước mời Trừng, rồi dụi que đóm vào cạnh điếu, gật gù:
- Tất nhiên là vẫn nhất trí với chú. Người chính đính lời nói đéo có thể cẩu thả, nói như buồi thầy được. Chết thôi, tôi vừa nhỡ mồm, xin lỗi chú nhé!
- Không sao! Em nói tiếp nhé. Như các cụ nhà ta thường nói, tu ở chùa nào phải tụng kinh chùa ấy, nghĩa là phải đúng với lề thói, tức sự thật, bác ạ.
- Đúng thế. Chỗ nào không biết tôi xin là bổ trống. Lục túi lấy cuốn sổ tay, Trừng tranh thủ vào việc ngay:
- Bác Xây này, bác có quen ai ở Hà Nội không?
- Có chứ ạ.
-Ai thế?
- Cậu Nguyễn Đức Lẫm.
- Lẫm đạp xích lô ở Hà Nội.
- Đúng thế. Hắn là em họ đằng vợ tôi.
- Bà cả hay bà hai thế?
Không thể ngờ Trừng nhanh nhạy thế. Nhưng cười hề một tiếng cụt ngủn, ông Xây đã vanh vách:
- Bà cả. Hắn đi Bộ đội Đặc công. Năm một chín bảy tám phục viên. Võ nghệ cao cường, súng dao thành thạo. Đặc biệt món phi dao. Cây chuối đằng kia. Hắn đứng đây, trăm phát trúng cả trăm, đéo trệch phát nào, ở quê chẳng có việc. Thế là hắn theo bè bạn lên Hà Nội. Lên đó, hắn đạp xích lô. Giao du đủ loại, nghe nói có lần đâm trọng thương một thằng. Vào tù vài lần. Chậc, nhưng nó là cái sự khứ anh hùng ẩm hận đa. Nghĩa là mất cơ hội, người anh hùng phải nuốt hận, cám cảnh lắm.
- Được rồi!
Trừng hơi ngẩng dậy, miệng cười mủm mỉm vì câu nói tục buột mồm của ông Xây, bàn chân to sều giậm giậm khe khẽ dưới gầm bàn.
- Nhưng mà bác Xây này. Bác nghe kỹ câu hỏi này của em nhé.
- Xin chú cứ tự nhiên.
- Lâu rồi, Lẫm có về đây không?
Một câu hỏi thật bình thường và Trừng đã cố tỏ ra rất dửng dưng mà thật sự Trừng không thể không chú mục vào đôi môi dày đỏ thậm như dính quết trầu của ông Xây,
Đúng là như thế đấy. Là bởi vì ông phó may cởi mở đa tình ơi! Câu trả lời của ông mà không khớp với lời cung của thằng em họ bên bà cả nhà ông, chẳng hạn, ông bảo rằng lâu lắm chẳng thấy hắn lai vãng về đây, thì thôi rồi Lẫm ơi, đời mi rắc rối rồi đấy. Rắc rối vì mi khai láo, và như vậy mi vẫn chưa có thể được đưa ra khỏi diện nghi vấn như lòng ta đang mong muốn đấy.
Ngậm đầu xe điếu vào miệng rồi mà vẫn chưa hút được điếu thuốc. Trừng nhận ra, ông phó may lại để que đóm tắt. Hay là ông cố tình dụi nó vào cạnh điếu để nó tắt ngấm, để kéo dài thời gian. Để làm cho Trừng nghẹt thở vì chờ đợi và lo lắng. Vì dẫu sao, Trừng và Nhâm vẫn cho rằng Lẫm là kẻ vô can. Và việc anh phải đánh xe lặn lội về đây chẳng qua chỉ là để công việc được tiến hành thật kín nhẽ thôi. Xưa nay, ông Tầm vốn là người vô cùng cẩn trọng. Mà ông Tầm cũng như Trừng như Nhâm thôi, cẩn trọng là phải, vì câu chuyện quan hệ đến sinh mệnh người ta. Làm sao lại có thể qua loa tắc trách được?
Nhưng mà sao ông Văn Xây Phó Giám đốc, mắc vòng tình ái về vườn, lại như cố tình kéo dài thời gian trả lời vậy. Ông là kẻ trải đời. Ông đã nắm chắc chân lý rồi nên ông định lỡm cợt Trừng chăng?
Đó, ông vẫn chưa trả lời Trừng. Với tay lấy cái chổi lúa treo ở cây cột cái, ông quét sàn sạt mặt bộ ghế ngựa. Và như nhận được hiệu lệnh của ông, một mâm rượu từ dưới bếp đã được một thiếu phụ trịnh trọng bưng lên từ lúc nào, đang dừng ngấp nghé ở ngoài hiên, sau cái dại tre.
- Hà hà... đến bữa rồi. Chả mấy khi chú đã cất công về đây. Nói vài câu thế là hiểu cái sự mục đích của chú rồi. Bí mật mà. Nhưng... quân với dân như cá với nước. Ngày còn rộng, tháng còn dài. Chén cái đã, chú công an.
Ông Văn Xây gài cái chổi, quay lại cười hề hề. Người đàn bà đặt mâm, mở lồng bàn. Một chai rượu 65 đục lờ nút lá chuối. Hai bìa đậu phụ. Một đĩa dồi chó lẫn với thịt chó luộc. Trừng liếc mắt qua gương mặt người phụ nữ. Chà! Ông Xây ngoại lục tuần, gồ ghề, xương xẩu. Còn người phụ nữ này khéo chỉ ngót ba mươi, mũm mĩm, tròn trịa, ngực nuôi con nhỏ đầy ụ. Và chẳng cần hỏi, ông Xây đã kéo Trừng vào mâm rồi ghé tai anh:
- Thôi thì tội tạ vạ lạy. Nó cũng là cái non kém của con người. Cô ấy gặp cảnh giữa đường đứt gánh, chuyển về làm giữ trẻ ở đơn vị tôi. Ấy thế rồi có con với nhau lúc nào không hay. Hóa ra, trong mọi việc, con người cứ ngơ ngác như vạc đui ấy thôi, chú ạ.
Người phụ nữ trẻ lại đã bước vào, đặt lên rìa mâm một đĩa giò hai tầng. Cái thịnh tịnh của chốn làng quê với người thi hành công vụ. Một quan hệ mới mẻ vừa được thiết lập.
Không thể chối từ, Trừng dềnh dênh đùi, nhìn người phụ nữ, vui vẻ:
- Chắc là giò nẩy như hòn tẩy đấy! Chị ngồi đây cho vui.
- Dạ. Em xin phép! Để anh và thầy em nói chuyện ạ.
Người phụ nữ trẻ đi ra cửa. Ông Văn Xây nâng chén rượu, chạm cạch vào cạnh chén trên tay Trừng, chợt như bâng quơ:
- Nó là cái giỗ của chú em bên bà cả nhà tôi, chú công an ạ.
- Vâng.
- Là tôi nói tới cái việc chú hỏi. Tức chuyện can hệ đến thằng Lẫm em họ bà cả tôi, chú ạ...
Đặt chén rượu xuống rìa mâm, ông Xây chíp chíp môi:
- Đầu đuôi câu chuyện nó là thế này. Giỗ người anh họ Lẫm tên là Thế năm nay đúng lúc tôi tìm được hài cốt chú cháu. Phải vào tận Cam Lộ cơ. May, gặp đúng ông cụ bồi một chín bảy hai mùa hè Quảng Trị đỏ lửa là du kích, người đã mai táng chú cháu. Cụ còn giữ cả cái đồng hồ Pôndốt của chú cháu. Người chết oan thiêng lắm, chú công an ạ. Từ Quảng Trị ra, tôi cho chú cháu vào cái ba lô, đeo lên vai, vừa đi vừa trò chuyện. “Em ơi, anh đưa em về quê đây. Em phù hộ cho anh không bị nhà tàu, nhà xe, công an, thuế vụ họ khám xét nhá! Không thì họ đuổi cả hai anh em mình xuống tàu, xuống xe đấy, em à”. Cứ lầm nhầm thế mà trót lọt, mà thông đồng bén giọt hết.
- May nhỉ?
- May thật. Nên giỗ năm nay, tôi phải cố tìm cách mời bằng được thằng Lẫm về.
- Lẫm và ông chú tên Thế quan hệ với nhau thế nào?
- Anh em họ nhưng nó quấn quýt với nhau từ bé. Vào bộ đội, có lần còn gặp nhau ở Khe Sanh. Thành ra ở Hà Nội mà Lẫm nó cứ thì thoảng lại nhắn tôi: Giỗ anh Thế ngày nào báo em biết, em về ngay.
- Tốt rồi! Vậy ngày giỗ là ngày...
- Ngày 3 tháng Tư Tây, tức hăm sáu tháng Ba Ta.
Nén một hơi thở trong lồng ngực, Trừng đặt mạnh chén rượu xuống mặt phản rồi ngẩng phắt lên:
- Thế hôm đó mấy giờ Lẫm về đến đây?
Ông Xây nhíu mày tặc lưỡi:
- Quãng ba giờ gì đó.
- Lẫm ở lại đây có lâu không?
- Cả buổi mà. Hắn đi xe đạp về. Tôi mời ông Hai nhà giò mà lúc nãy chú đã ngó vào ấy và một nữa tên là Kiển, bạn từ hồi còn đương chức Giám đốc chai lọ ở huyện. Tôi ngồi đây. Lẫm ngồi cạnh cây cột cái kia. Hắn uống có độc một chén rượu rồi xin kiếu. Hỏi, hắn bảo dạo này hay đỏ mặt, nghi là mắc chứng áp huyết cao. Rồi kể chuyện thời ở bộ đội, hắn mò vào doanh trại bọn Mỹ ở Cửa Việt, bắt được một con đầm bằng cao su...
- Ăn đến mấy giờ chiều thì xong?
- Quăng sáu giờ.
- Sau đó?
- Sau đó, Lẫm nói hắn phải ra nhà ông lang cẩm xin đơn và sáng hôm sau ra hiệu thuốc Quảng Sinh Đường ở huyện để mua thuốc cam mũi cho con gái hắn.
- Nhà ông lang cẩm ở đâu?
- Ở ngoài đê. Khách đến nhà ông ấy cứ là từ sáng đến tối mịt còn chưa vãn.
- Bác dẫn chúng tôi đến đó được không?
- Sao lại không được!
- Thế thì...
- Ô hay! Chú cứ ngồi xuống uống với tôi chén rượu đã. Tôi còn muốn tâm sự với chú nhiều chuyện nữa cơ. Kìa, chú.
Mặc ông Xây đứng dậy theo, đưa tay níu áo, Trừng đã trụt vội xuống đất, xỏ chân vào đôi giầy da cao cổ, xốc áo. Người phụ nữ trẻ từ sân bước lên hàng hiên, kêu trời sắp mưa to đấy. Không thể trần trừ, nấn ná hơn được nữa. Phải sang ngay nhà ông lang cẩm để xác mình thêm một chi tiết và nếu đúng thì có thể đặt Lẫm ra khỏi vòng nghi vấn. Và vụ án có thể được giải quyết nhanh chóng, trọn vẹn. Thời gian đang chạy đua với Trừng. Trừng hấp tấp chụp cái mũ lên đầu.
- Ơ kìa, đã ăn được miếng nào đâu, chú công an.
- Cám ơn bác gái.
- Nhưng mà gì thì cũng phải ăn một tí cho nó ấm bụng chứ.
Ông Xây nói và trụt xuống bộ ngựa, đưa tay níu tay Trừng:
- Đéo hiểu nó ra thế nào nữa. Chú công an, tôi còn câu chuyện muốn tâm sự với chú mà.
Trừng xô lại, kéo tay ông Xây, gật đầu chào người phụ nữ, rồi cùng ông bước ra cửa:
- Thế thì bác lên xe, ta vừa đi vừa trò chuyện với nhau vậy nhé! Bác thông cảm. Việc nhà binh mà!
Lúc ấy trời đã chạng vạng và lắc rắc mấy hạt mưa.
Trừng không thể chậm trễ một giây phút nào nữa!
o O o
Toàn bộ lời khai của Lẫm đã được xác minh đi xác minh lại là đúng. Ngày xảy ra vụ án và ngày hôm sau nữa, Lẫm vẫn ở làng Vân. Anh ta có tham dự buổi giỗ ông anh họ tên Thế ở nhà ông Xây. Rồi sau đó đã đến xin đơn thuốc ở nhà ông lang Cẩm, ở hiệu thuốc Quảng Sinh Đường phố huyện còn lưu giữ cái đơn thuốc anh ta bỏ lại. Chi tiết hơn, ông lang Cẩm còn xác nhận đã cho Lẫm cái bu gà để nhốt hai con gà giò ông tặng để Lẫm đem về tần với toa thuốc ông cắt cho con Lẫm. Và ở nơi Lẫm thường trú tại thành phố, công an đã tìm thấy chiếc bu gà đó. Lẫm vô can! Lẫm đầy đủ bằng chứng ngoại phạm! Lẫm ở ngoài danh sách nghi ngờ! Như vậy có nghĩa là đối tượng nghi vấn chỉ còn một như Nhâm và Trừng dự đoán. Như thế đấy, tính ra con người phải trải qua bao nhiêu thiên tân vạn khổ, vượt qua bao nẻo đường vòng vèo, tốn bao công sức, chịu bao hy sinh khổ sở, dò dẫm từng bước chân, với hy vọng là dần dần tiếp cận với sự thật. Sự thật! Vì sự thật là cái luôn ở ngoài ta, sự thật vốn là khách quan, còn dự báo của ta thì đặc sệt tính chủ quan; và quá trình đi đến sự thật trước nay của con người về căn bản vẫn chỉ là công việc mò mẫm được hình dung như là của một kẻ mắc chứng đui mù! Mò mẫm trong sự khôn ngoan, và ngu xuẩn của một kẻ đui mù! Vì so với cái ta đã biết thì cái chưa biết bao giờ cũng là một đại lượng khổng lồ!
Như vậy chuyến đi về làng Vân đã đạt được một ý nghĩa: Loại trừ Lẫm ra khỏi danh sách tội phạm. Cùng với kết quả đó Trừng còn thấy mình trở nên từng trải hơn nhờ câu chuyện về cái chết tức tưởi của người em họ đằng vợ ông Xây mà ông cố tình kéo dài thời gian câu chuyện, để giãi giề tâm sự với anh.
Em họ bên bà cả ông Xây tên Thế. Thế nhập ngũ năm 1968. Năm 1972, tốt nghiệp sĩ quan, vào chiến trường Quảng Trị. Đó là thời kỳ chiến tranh cực kỳ ác liệt. Quảng Trị, vùng Thành cổ, được mệnh danh là cái cối xay thịt người. Một chi tiết tiêu biểu. Đơn vị đêm nào cũng phải nhận quân. Ban đêm, không ánh sáng, sờ má tân binh, thấy phỉnh phình măng tơ, thì biết là ở hậu phương mới viện binh vào, hôm sau, chôn cất, còn chưa kịp hỏi tính danh.
Thế ở đơn vị pháo cao xạ, phụ trách một đại đội, trong một tiểu đoàn vừa được phong tặng danh hiệu anh hùng. Lần ấy, tiểu đoàn bị một sư đoàn quán Mỹ bao vây. Hết cách, tiểu đoàn đành quyết định phá hủy toàn bộ pháo và mở đường máu rút lui. Lệnh ban ra: Mỗi khẩu pháo đặt mười kilôgam bộc phá rồi giật nổ đồng loạt. Nhưng lệnh không được thi hành. Chiến sĩ ôm pháo khóc ròng ròng, không ai nỡ sát hại người bạn đã đồng hành sinh tử bên nhau. Cuối cùng đành chọn biện pháp xô pháo xuống vực sâu, hy vọng ngày trở về tìm lại nhau vậy. Vũ khí đã vậy, còn người, rút ra sao đây? Đại đội trưởng Thế được Tiểu đoàn trưởng gọi tới. Nhiệm vụ được giao: Dẫn năm chiến sĩ bí mật mở một đường rút về phía Tây Bắc để đơn vị rút theo. Là sĩ quan trẻ, dũng cảm, luôn nghiêm chỉnh chấp hành lệnh của cấp trên, lại nhận ra vinh dự được đảm nhiệm, Thế phấn khởi lên đường. Nhưng lò mò đi được nửa cây số, tốp chiến sĩ cùng Thế bỗng thấy pháo địch giội xuống như mưa. Thì ra, chả có đường rút nào cần được mở hết. Chả có nhiệm vụ mở đường vinh quang nào hết! Họ đi được vài phút thì đích thân Tiểu đoàn trưởng gọi điện, cố tình qua mạng điện, lộ cho địch biết, để địch nã pháo tập trung vào hướng nọ, để rảnh hướng khác cho Tiểu đoàn trưởng rút êm ro. Thà rằng Tiểu đoàn trưởng nọ cứ công khai nói cho Thế và năm chiến sĩ cùng đi biết nhiệm vụ của họ đơn giản là thu hút hỏa lực địch thì dù có hy sinh họ cũng yên lòng vì biết đó là cái chết cao cả. Đằng này họ chết vì bị lừa, họ đâu có được cái vinh quang mở đường máu. Họ chỉ là quân bài, phương tiện trong tay Tiểu đoàn trưởng. Kể lại chuyện cho Trừng nghe, ông Văn Xây thở dài, nói: Sau này có người sống sót ở đơn vị ấy trở về, cho biết, lúc ấy trung đoàn đang có ý định chọn một trong hai người, hoặc Thế, hoặc Tiểu đoàn trưởng đi học trường Quân sự cao cấp Frunze ở Liên Xô!
Mười hai giờ đêm đó, xác minh lại toàn bộ sự kiện, một lần nữa, Trừng nhảy lên chiếc Ural phóng về Hà Nội. Đường về mới nhận ra chiếc xxítđờca Ural đã tã tượi lắm rồi. Giờ mới kinh ngạc là tại sao lượt đi nó lại có thể phăm phăm như tuấn mã thế, trong khi nó thực sự chỉ là con ngựa già, đầy khuyết tật. Nó lây nhiễm cái hăm hở của Trừng chăng? Còn bây giờ, bao nhiêu là cái già nua, kém cỏi của nó lộ toẹt tất cả ra. Có lúc, Trừng vã mồ hôi đạp cần khởi động mà nó chẳng nổ máy cho. Lau bugi, tháo bộ chế hòa khí ra thông đường xăng, nó chạy được hơn chục cây lại tậm tịt, rồi rì rì rồi ì ra như một đống sắt ở vệ đường. "Đ. mẹ mày!" Trừng đá vào lốp xe trước, chửi. Kéo bình ắc quy ra xem, hóa ra nước đã cạn kiệt. Vội soi đèn pin tìm bãi cỏ ven đường, hớt nước mưa trong mấy vũng nước đọng, đúng là tìm năng lượng từ trong vũ trụ, nó mới nổ đành đành chuyển bánh. Nhưng, được một quăng nữa, nó lại xỉu dần, rồi khựng một phát chết hẳn. Hết xăng! Hết xăng giữa nơi đồng không mông quạnh. Mệt phờ, Trừng lăn ra bên đường, thiếp đi, cho đến khi nghe thấy tiếng còi ô tô, vội nhổm dậy, bốc bùn chạt vào biển số xe, rồi chạy ra đường giơ tay làm hiệu ngăn một chiếc xe tải vừa đi tới. "Tớ ở công an tỉnh. Tương trợ cho ít xăng nhớ!" Lái xe trong tỉnh lẽ nào không nể mặt công an tỉnh. Mẹo vặt của Trừng hóa ra hiệu nghiệm! Có xăng, chiếc xe lại tiếp tục chạy được. Tuy vậy, hoàn cảnh cũng chẳng cải đổi được bao lâu. Chiếc xe chết vặt luôn. Chỉ nhằm nhằm một mục tiêu là về càng nhanh càng tốt để báo cáo ông Tầm xin chuyển vụ án sang bước khác, Trừng còn hơi sức nào nghĩ đến chuyên tạt qua nhà thăm mẹ nữa. Mẹ Trừng đã bảy mươi tuổi rồi. Mẹ già như chuối chín cây. Mẹ lại đã bị một lần nhồi máu cơ tim rồi. Làng quê lúc nào cũng vẫn là làng quê nghèo nàn, tăm tối thôi. Mẹ đau ngực mấy ngày mà các con cháu lại cứ đánh gió giải cảm, kêu là thời tiết thay đổi nên đau nhức xương cốt. May mà lần đó Trừng tình cờ tạt qua. Cũng trên chiếc Ural này, Trừng đưa mẹ về được một bệnh viện thành phố kịp thời. Ôi, làng quê. Vệt tre thâm đen mờ mờ trong đêm đang lướt qua bên Trừng, vùng lúa gạo của đất nước đồng điền ăn sát tới rặng tre, nơi Trừng đã được sinh ra, lớn lên và bây giờ cũng như mãi mãi, Trừng cũng chỉ là đứa con cật ruột của ruộng đồng thôi.
Trừng là đứa con của vùng quê lúa này. Trừng từ lẫm chẫm biết đi đã biết chăn trâu cắt cỏ, làm ruộng, bắt tôm tép, cua cá. Trừng có thể nói cả buổi không biết chán công việc tưởng là đơn sơ, nhàm chán này. Bắt cua cá tôm tép với Trừng cũng như võ thuật, chiêu cao nhất là vô chiêu. Nghĩa là Trừng không cần tới giậm, vợt, cần câu. Trừng có thể thao thao liên tục về ba loại giậm, từ giậm nhất nan nhỏ, mắt mau, tới giậm cua nan to chủ yếu để bắt cua, về những buổi cào sông, cào ao đông vui như hội làng. Tất nhiên nghề nào cũng có thủ mẹo của nó, sướng mắt làm sao khi trông thấy con tôm con tép nó nhảy. Trừng đặt cái giậm xuống đoạn ruộng gần bờ. Trừng dập mô giậm từ từ, ộp ộp... nghe tiếng nước ập vào lòng mõ rồi vọt ra, phát thành tiếng. Chà, các chú cua đang nấp ở bờ cỏ béo ngậy lập tức khờ khoạng tám cái cẳng mò ra. Đã có lần Trừng bâng khuâng tự hỏi, ở đâu có được cái cảnh hội hè sông nước như vùng quê Trừng? Đó là những buổi chiều sau cơn mưa lớn. Lúc ấy đàn vịt giời trở về. Không ít hơn ngàn con đâu. Chúng lượn vòng ngay trên đầu ta như một dải lụa mềm. Kỳ lạ hơn, khi chúng vừa hạ cánh, đậu kín một bãi sông bên hữu ngạn, vươn cái cổ dài cất những tiếng kêu hợp đoàn hai âm tiết một thì bên phía đối diện với chúng đã trắng xóa cả một vệt cánh cò. Cò, đủ loại cả trăm con, từ các thung xa đang bay về hợp đoàn. Diễm phúc cho những ai được một lần chứng kiến cảnh hội hè sông nước này! Vì lúc này, từ các thôn làng rải rác, những kẻ trai trẻ như Trừng với giậm, lưới, vó, nơm đã hào hứng tràn ra. Thật là nước non đủ rộng để dang rộng tay đón khách gần xa. Chẳng ai phải chịu phần thiệt cả. Ai có phận nấy. Cò mò cua bắt tép ở chỗ cò. Vịt giời lặn lội ở phần mình. Và bọn Trừng, những kẻ khôn ngoan nhất, đã lặng lẽ tuồn xuống con sông nhỏ sau cơn mưa đã ứ đầy nước. Dàn hàng ngang là các anh siếc cá. Các anh lặng lẽ đẩy chiếc siếc chìm, cắt chéo cánh sẻ từ bờ bên này sang bờ bên kia. Và ngược chiều với họ là đám đánh giậm cào sông; cứ mỗi tốp ba bốn anh một, họ cho giậm chạy ngầm cào quét tận đáy sông, khiến lũ tôm tép sợ hãi, cậy sức búng mình nhảy loạn xạ. trông thật thích mắt quá!
Tang tảng sáng, trời tầm tã bỗng đổ mưa. Trên đường quốc lộ Năm, đèn những chiếc xe đi ngược chiều nhòe nhoẹt ánh vàng. Tạt xe vào cái trạm xăng ở con phố đầu cầu bắc qua sông Cái, Trừng tránh cơn mưa. Cô bé bán xăng có mớ tóc xoăn trước trán hỏi: "Anh có mua xăng không? Sao anh phải đi lại đêm hôm khuya khoắt thế?". Trừng bảo, tôi tranh thủ về thăm bà mẹ bị ốm. Mưa đổ ào ào, kèm theo gió lớn. Cô bán xăng gạt món tóc xoăn đang xòa trên trán nói: “Gió mùa về đấy. Còn mưa to, anh cho xe vào trong này mà trú. Chưa đi được đâu"!