Số lần đọc/download: 1517 / 14
Cập nhật: 2015-10-06 21:43:08 +0700
Chương 5
G
ần ba ngày trôi qua tôi miệt mài vùi đầu vào công việc đánh máy. Chú Sỹ sang nhà thăm tôi, đôi khi chú ngồi đọc dùm tôi những đoạn trong bản thảo. Chú vẫn không xao động gì đối với niềm hứng khởi của tôi. Quá lắm, chú chỉ bảo “hay lắm”… để trả lời cho câu hỏi “chuyện này có làm cho chú thích không?”, thế thôi.
Tôi nhìn vào bản thảo, nói với chú Sỹ:
- Sắp xong rồi chú. Đến đoạn viên phi công Luận và cô Hà yêu nhau rồi.
Chú chêm vào:
- Sao cô không nghĩ đến những cây nấm ở Phi Châu?
Nữa, lại cũng cái giọng sặc mùi vườn tược. Tôi khẽ nhún vai:
- Chuyện ấy có quan trọng đâu? Những bông hoa là những bông hoa – nhưng bông hoa không phải là cây nấm. Uyên sẽ để cả những câu thơ vào đây nữa… Chú không thích thơ phải không?
- Chắc chắn rồi.
Tôi vênh mặt, muốn tỏ cho chú Sỹ biết là chú “quê” lắm trong lãnh vực văn chương.
- Chú nên nhớ đây là một câu chuyện tình thật lâm ly. Tại sao chú cứ để ý đến những tiểu tiết như vậy? Những cây nấm của chú nhỏ nhặt không đáng gì cả!
Cuộc cãi vã giữa tôi và chú Sỹ, kể như đã tạm yên. Tôi chấm dứt những giòng chữ cuối cùng trên máy chữ một cách đầy hân hoan. Và cũng như lần viết bản thảo, tôi lựa những mẫu tự lớn nhất để đánh máy bốn mẫu tự thành chữ Ý YÊN.
Bây giờ là đợt cố gắng thứ nhì: Tôi phải lựa riêng năm bản và lấy vài chương trong mỗi bản để gửi đi các nhà xuất bản và cho bà Mai Văn. Để đủ kiên nhẫn, tôi đã tìm một cuốn bán nguyệt san và đọc lại một đoạn của mục “nghệ thuật”, trong đó giới thiệu sáng tác mới của một nhà văn tên tuổi:
“CHIỀU CHƯA XUỐNG” của nhà văn Mặc Uy vừa hoàn thành. Đây là tác phẩm thứ 80 của văn sĩ nổi danh và được mến chuộng nhất hiện nay. Nghe đâu Mặc Uy chưa có ý định viết tiếp cuốn sách mới nào. Ông muốn dành thì giời để nghỉ ngơi một thời gian.
Tôi mơ màng theo từng lời giới thiệu trên sách. “Mặc Uy”, tên tuổi đó tôi không lạ gì. Chàng là nhà văn quá lớn mà tôi không hề dám nghĩ rằng tôi sẽ quen. Dù sao bà Mai Văn cũng là một người đàn bà, dễ dàng hơn. Nếu một ngày nào đó, tôi cũng sẽ được người ta nói đến như đã nói đến Mặc Uy. Có thể lắm chứ, tại sao không? Tôi đang bước lên nấc thang thứ nhất mà…
o O o
- Uyên, con có thư này!
Vú già đang đứng nhìn tôi, ánh mắt bà chăm chú, đầy khoan dung và thương yêu. Vú hiểu tôi đang làm gì. Tôi đã nói với vú nhiều về công việc làm của tôi. Vú khác hẳn ba tôi ở điểm chỉ lo ngại cho sức khỏe của tôi, chứ không mảy may lo rằng tôi sẽ không thành công! Vú dư biết tôi đang chuẩn bị xuất bản cuốn tiểu thuyết, mà tôi là tác giả!
Tôi hỏi vú:
- Thư ai thế vú?
Vú già lắc đầu:
- Từ Huế gởi vào. Của bà Mai Văn nào đó!
Tôi sửng người đi rồi tôi reo lên vì nỗi vui mừng đột ngột. Thật ư? Bà Mai Văn gởi thư cho tôi? Có nghĩa là bà không hề quên tôi? Có nghĩa là những chương truyện của tôi đã đến tay bà??? Bàn tay tôi run rẩy, xé vội phong bì. Những giòng chữ lướt nhanh qua mắt tôi:
Em thân mến,
Tôi đã nhận được tác phẩm mà em là tác giả. Tôi cám ơn em hết lòng, đã dành cho tôi sự mến thương mà nhờ nó tôi sẽ trẻ lại. Với sự cảm động, tôi đã đọc bản văn của em. Tương lai đang mở ra trước mặt em, huy hoàng vô cùng…
Sau này, em sẽ đọc lại tác phẩm của em và em sẽ rơi lệ vì sung sướng… Tôi chúc em thành công thật nhiều và sẽ nắm trong tay những gì em muốn.
Thân ái.
Mai Văn
Ngàn ánh sáng nhảy múa trước mặt tôi. Tôi dụi mắt đọc kỹ một lần nữa. Sự thật đây ư? Ồ! Niềm sung sướng khiến tôi muốn bật khóc.
Vú già vẫn còn đứng chờ đợi. Tôi nhảy ra khỏi ghế, bá cổ vú già la lên: “Vú ơi! Bà Mai Văn trả lời cho con rồi. Lá thư đó, bà ta bảo con sẽ thành công! Bà ta đã đọc truyện của con. Vú ơi, con vui lắm!”
Vú già mỉm cười dịu hiền, hôn lên trán tôi. Tôi rời vú chạy nhanh ra vườn. Còn một người nữa cần biết tin vui này: Đó là chú Sỹ. Phải cho chú biết mới được…
- Chú Sỹ đấy phải không?
Người bạn trung thành của tôi đã đứng đó tự bao giờ, như chờ đợi tôi. Hôm nay chú Sỹ đội trên đầu chiếc nón rơm rộng vành.
Trời mưa lất phất.
Tôi đưa bức thư cho chú:
- Uyên sung sướng quá chú Sỹ ơi, bà Mai Văn gửi thư cho Uyên nè… Bà ta đã đọc quyển tiểu thuyết phi thường của Uyên rồi. Bà ta bảo rằng Uyên có đủ khả năng để trở thành một nữ văn sĩ! Để Uyên đọc thư chú nghe nhé!
Tôi đọc thư, thật nhanh với nỗi sung sướng tràn ngập trong tâm hồn. Tôi đọc mà không cần biết người đối diện có nghe không. Tôi đọc đến quên cả mưa.
Tôi thấy chú Sỹ tựa người vào hàng rào. Ánh mắt chú nhìn tôi đăm đăm, ánh mắt khiến tôi phải mất một giây mới tự chủ được để nhìn trả lại chú. Những hạt mưa rơi trên tờ giấy mỏng, tôi cảm thấy xót xa kêu lên:
- Nước mưa làm ướt thư Uyên hết rồi!
Người làm vườn không nói, lẳng lặng lấy khăn trong túi áo đưa cho tôi. Tôi cầm lấy và lau nhẹ lên tờ giấy. Niềm vui của tôi bộc phát, trẻ thơ vô cùng. Tôi nhảy chân sáo vào nhà mà không nhìn thấy ánh mắt lạ lùng của người đàn ông.
Tôi đã quyết định sẽ phải đi Sàigòn thêm chuyến nữa. Tôi xin phép ba tôi, người sung sướng khi thấy tôi vui vẻ. Tôi nói quyết định đó cho chú Sỹ biết. Chú có vẻ buồn rầu:
- Cô đi lâu không?
- Có thể vài tuần, cũng không chừng Uyên sẽ về sớm. Mong sẽ gặp lại chú.
Tôi trở về Sàigòn kỳ này với bao nhiêu sự sung sướng trong tâm hồn. Tôi miên man tưởng đến lúc tôi được nổi danh và bao nhiêu nỗi nhọc mệt quá nhiều trong thời gian qua. Nhưng ăn nhằm gì, tôi cố gắng để được trở thành một nhà văn tăm tiếng và khi đó thì tôi cũng sẽ có thư ký như bà Mai Văn, để lo những công việc thay tôi.
Về đến Sàigòn, tôi ghé nhà dì Tân thay đồ xong là đi tìm ngay đến nhà xuất bản gần nhất ở đường Võ Tánh. Tôi lên hai tầng lầu, vừa mệt lẫn bỡ ngỡ. Tôi hỏi một người ăn mặc lôi thôi vừa đi xuống:
- Ông cho tôi hỏi ông Ngọc.
- Cô tìm ông ta có chuyện gì?
- Tôi muốn hỏi ông ta có bằng lòng xuất bản cuốn tiểu thuyết của tôi không?
Ông ta nhìn tôi từ đầu đến chân như để đánh giá, sau cùng ông ta nói:
- Cô ngồi chờ một lát, tôi đi tìm ông ấy xem sao.
Tôi ngồi xuống ghế, hồi hộp chờ. Một phút trôi qua thật chậm chạp khiến tôi bực tức, nhưng tôi cố dằn. Tôi nhỏm người mấy lượt để trấn áp nỗi lo lắng.
Người đàn ông trạc tuổi chú Sỹ xuất hiện trước mặt tôi. Ông ta đến gần tôi, nghiêng đầu kiểu cách:
- Chào cô… cô gì nhỉ?
Tôi nói nhanh:
- Ý-Yên, tác giả của truyện “Cái vạc của con quỷ”.
Ông ta gật gù như chợt nhớ ra:
- À… à đúng rồi, tôi nhớ thoang thoáng. Sao nào cô bé? Cô gặp tôi có chuyện gì không?
Ông ta đưa mắt nhìn tôi, tiếp ngay:
- Thật hân hạnh khi tôi được quen cô. Cô xinh xắn quá!
Tôi đỏ mặt trước lời khen của người đàn ông, nhưng không quên ý định của mình:
- Thưa ông, tôi đã gởi cho ông mấy chương truyện và tôi đang chờ ông trả lời.
Người đàn ông gãi đầu, cười:
- Thật khó nói, cô Yên à. Tôi… tôi rất muốn giúp cô, nhưng…
- Nhưng ông đã không làm?
- Không phải thế. Thật ra thì… chưa thể được.
Nỗi tuyệt vọng giáng xuống tầm mắt, nhưng tôi không biết gì hơn là nhận lại bản thảo trong tay ông Ngọc và bước ra khỏi phòng.
Tuy nhiên tôi vẫn chưa hết hy vọng. Tôi đã gởi cả thảy bốn bản đi cơ mà, còn những nơi khác. Biết đâu họ lại không đón nhận tôi như một sự khám phá mới đầy khuyến khích? Sự can đảm còn lại giúp tôi tiếp tục.
Tôi đến nhà xuất bản thứ hai và ngồi đợi. Sự chờ đợi thật cần thiết cho tôi trong lúc này. Tôi nửa muốn gặp người ta, nửa ngần ngại. Tôi sợ sẽ thất vọng nếu lại một lần nữa, người ta trả lời tôi như ông Ngọc.
- Chào cô Ý-Yên. Tôi rất sung sướng được biết cô!
Lại vẫn lối nói của ông Ngọc. Tôi hồi hộp, hơi run giọng:
- Ông có thể cho biết số phận những chương tiểu thuyết của tôi ra sao?
Ông ta xoa xoa hai bàn tay chuối mắn vào nhau:
- Vâng, chúng tôi đã đọc qua những chương đó. Và chúng tôi rất mong gặp cô để nói lên sự khó khăn của việc xuất bản. Bây giờ, chỉ có những nhà văn đã nổi tiếng, chúng tôi mới mua sách. Chúng tôi xin lỗi đã phải nói với cô điều đó. Nhưng đó là sự thật. Tuần trước, chúng tôi đã thương lượng một cuốn sách của nhà văn Mặc Uy.
Tôi muốn hét lên:
- Mặc Uy! Lúc nào cũng Mặc Uy. Sao lắm người thích ông ta thế? Ông ta cũng như tôi chứ có hơn gì!
o O o
Tôi trở mình sau một giấc ngủ dài. Giấc ngủ làm tôi cảm thấy sảng khoái hẳn đi. Tôi chợt nghĩ đến chú Sỹ… Phải chi có chú Sỹ ở đây, tôi sẽ nói cho chú biết tất cả những việc đã xảy ra… nhưng chú đang ở xa tôi, xa quá…
Sài gòn quá nóng, ngủ dậy là tôi muốn tắm ngay. Tôi thực hành điều đó. Nước phun từ trên cao xuống thân thể tôi mát rượi. Tôi nghe cảm giác dễ chịu len vào từng thớ thịt.
Ăn điểm tâm xong, tôi nghĩ đến việc tiếp tục đi đến những nhà xuất bản, nhà xuất bản thứ ba với chút hy vọng còn sót lại.
Ngôi nhà có vẻ như là một cái xưởng chất chứa thật nhiều báo hàng ngày và hàng tuần. Một người đàn ông vừa bước ra, gật đầu chào tôi:
- Mời cô ngồi. Tôi có thể giúp cô điều gì được?
- Thưa ông, tôi đã gởi cho ông một bản tiểu thuyết “Cái vạc của con quỷ”.
Người đàn ông nhíu mày như cố nhớ. Rồi ông ta mở ngăn kéo lớn, lục lạo một lúc rồi lôi ra xấp giấy đánh máy.
- Phải nó đây không cô? Ông ta nói: tôi rất tiếc không thể nhận nó được!
Tôi run giọng:
- Tại sao?...
Người đàn ông ngắt lời:
- Chỉ là một câu chuyện ái tình lăng nhăng, không đủ sức làm độc giả say mê.
Tôi muốn ứa nước mắt. Trời ơi! Công trình tôi xây dựng trong bao nhiêu ngày bằng tất cả những ý nghĩ sâu xa nhất, những xúc động nồng nàn nhất và sự cố gắng vô song đã bị người ta coi rẻ như thế sao? Tôi bậm môi, dằn bước hơi mạnh trên những bậc tam cấp.
Bây giờ tôi có một quyết định mới. Tôi sẽ đưa “Cái vạc của con quỷ” cho một nhà xuất bản lớn, may ra họ sẽ khoan dung hơn, họ sẽ không để ý đến những khuyết điểm nhỏ để nâng đỡ một cây bút trẻ.
Tôi đến nhà xuất bản đó. Gặp ông chủ, tôi đưa quyển sách.
- Thưa ông, tôi có một quyển tiểu thuyết!
- Một quyển tiểu thuyết?
Ông ta cầm lấy cuốn sách, đọc qua cái tựa, gật gù:
- Tên cô đẹp quá, nhưng đây có phải là lần đầu tiên cô viết không?
Tôi rụt rè thú nhận:
- Thưa ông, đây là cuốn tiểu thuyết đầu tay của tôi. Câu chuyện ở trung tâm Phi Châu…
- Ồ, trung tâm Phi Châu? Sao cô chọn một khung cảnh xa vời mà vĩ đại thế?
Ông ta mở trang giữa đọc thoáng qua vài hàng rồi ngước nhìn tôi:
- Cô biết Phi Châu chứ?
- Ơ… Cũng như tất cả mọi người, tôi biết qua hình ảnh trên sách vở, phim ảnh hay báo chí thôi.
- Cô đã sai lầm khi viết rằng “nàng đi trong một khu vườn và hái một trái thơm ở dưới gốc cây, để làm món tráng miệng cho bữa ăn tối… Cô không biết rằng, quả thơm mọc ở trên cây chứ làm gì có chuyện mọc dưới đất?
Tôi đỏ bừng mặt, ấp úng:
- Tôi… tôi sẽ sửa lại. Tôi tin rằng đó là một cuốn tiểu thuyết hay mà nữ sĩ Mai Văn đã khen ngợi.
Ông hơi tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Cô quen bà Mai Văn à?
Rồi ông ta khẽ nhún vai:
- Nhưng đó không phải là chuyện quan trọng! Quen với một văn sĩ không phải là một yếu tố để trở thành văn sĩ!
- Thưa, ông có thể nhận…
- Cô cho tôi một thời gian đã nhé! Phải một thời gian tôi mới có thể trả lời được.
Tôi nài nỉ:
- Ông thông cảm, vì là lần đầu tiên viết truyện nên tôi không thể tránh khỏi những sơ xuất. Nhưng tôi hy vọng ở những cuốn truyện khác…
Ông ta ngắt ngang:
- Ở đây mọi việc đều được sắp đặt và định đoạt theo nguyên tắc. Một cuốn truyện dở sẽ làm mất uy tín…
Dường như chợt nhận ra câu nói quá tàn nhẫn, người đàn ông dừng lại. Tôi rơm rớm nước mắt, cầm tập bản thảo đi ra, không nói thêm tiếng nào.