Số lần đọc/download: 389 / 41
Cập nhật: 2019-11-10 14:20:04 +0700
Chương 5 - Những Cái Lạnh Của Không Gian
S
ự tiết lộ này quả là một tin sét đánh. Ai ngờ lại có chuyện tính toán sai như vậy?
Barbicane không muốn tin chuyện đó.
Nicholl xem lại những con số của ông. Rất chính xác. Còn về công thức đã đưa đến những con số đó, người ta không thể nghi ngờ sự chính xác của nó được, và kiểm tra lại, rõ ràng cần phải có vận tốc ban đầu là mười sáu ngàn năm trăm bảy mươi sáu mét trong giây đầu tiên mới đến được điểm trung hoà.
Ba người bạn im lặng nhìn nhau. Không ai màng đến bữa ăn sáng nữa. Barbicane cắn chặt răng, mày nhíu, tay nắm lại, nhìn qua cửa sổ quan sát. Nicholl khoanh tay, xem xét những con tính. Michel thầm thì:
- Những nhà thông thái như vậy đó! Họ không làm khác được! Tôi sẽ trả hai mươi đồng để rơi xuống Đài quan sát Cambridge và để phá tan nó cùng với những tay chuyện đùa với những con số!
Thình lình, một ý nghĩ của ông đại uý làm ông Barbicane chú ý.
- Ơ kìa! Bảy giờ sáng rồi. Như vậy chúng ta đã đi được ba mươi hai giờ. Được hơn nửa đường rồi, và chúng ta vẫn chưa rơi xuống?
Barbicane không đáp. Nhưng sau khi liếc mắt nhìn ông đại uý, Barbicane cầm lấy chiếc com pa dùng để đo khoảng cách góc của quả đất. Rồi nhìn qua cửa kính ở phía dưới, ông quan sát thật chính xác nhờ sự bất động bề ngoài của đầu đạn. Rồi ông đứng dậy, lau cái trán lấm tấm mồ hôi, ông viết vài con số lên tờ giấy. Nicholl hiểu rằng ông chủ tịch muốn suy ra khoảng cách của quả đạn với Trái Đất từ đường kính của Trái Đất. Nicholl lo lắng nhìn ông chủ tịch.
- Không! – Một lúc sau Barbicane kêu lên – Không, chúng ta sẽ không rơi xuống! Chúng ta đang ở cách Trái Đất hơn năm mươi ngàn dặm! Chúng ta đã vượt qua điểm đầu đạn phải ngừng lại, nếu vận tốc của nó lúc khởi hành chỉ mười một ngàn mét trên giây! Chúng ta vẫn bay lên mãi.
- Dĩ nhiên – Nicholl đáp – vì thế phải kết luận rằng vận tốc ban đầu của chúng ta, dưới sức đẩy của bốn trăm ngàn pao thuốc súng bông, đã vượt quá mười một ngàn mét nói trên. Nay tôi mới hiểu tại sao chỉ sau mười ba phút, chúng ta đã gặp vệ tinh thứ hai bay quanh Trái Đất ở khoảng cách đến hơn hai ngàn dặm.
- Điều giải thích này lại càng có khả năng đúng hơn nữa – Barbicane nói thêm, – vì khi nước trong những vách ngăn chảy ra, đầu đạn bỗng nhiên giảm trọng lượng đi khá nhiều.
- Đúng! – Nicholl nói.
- Chà! Ông Nicholl dũng cảm – Barbicane kêu lên – chúng ta thoát nạn rồi!
- Thế thì – Michel Ardan bình tĩnh đáp – vì chúng ta thoát nạn, chúng ta hãy ăn sáng đi.
Thật vậy, Nicholl đã không lầm. Vận tốc ban đầu rất may, đã vượt quá vận tốc mà Đài quan sát Cambridge đã dự tính. Nhưng Đài quan sát Cambridge cũng không phải không sai lầm lớn.
Những nhà du hành sau những giây phút hú hồn hú vía, đã ngồi vào bàn và ăn sáng thật vui vẻ. Họ ăn đã nhiều mà nói còn nhiều hơn. Niềm tin được củng cố thêm sau “sự cố của đại số” đó.
- Vì cớ gì chúng ta lại không thành công nhỉ? – Michel Ardan lặp lại – Vì cớ gì chúng ta lại không đến nơi nhỉ? Chúng ta đã được phóng đi. Không có một trở ngại nào trước mặt chúng ta. Không có viên đá nào trên đường đi của chúng ta. Đường đi thênh thang, thênh thang hơn cả đường của con tàu lướt sóng ra khơi, thênh thang hơn cả đường bay của một khinh khí cầu ngược gió! Vậy nếu một con tàu có thể đi đến nơi nó muốn, nếu một khinh khí cầu bay lên được chỗ nó thích thì tại sao đầu đạn của chúng ta lại không đến được mục tiêu nó đã nhắm trước rồi nhỉ?
- Nó sẽ đến thôi – Barbicane nói.
- Nó sẽ đến, dù chỉ để tôn vinh dự cho nước Mỹ – Michel Ardan thêm – là dân tộc duy nhất thực hiện được một công trình như thế, dân tộc duy nhất có thể sinh ra được một ông chủ tịch Barbicane! Chà! Bây giờ chúng ta không phải lo lắng gì nữa, chúng ta sẽ trở nên thế nào nhỉ? Chúng ta sẽ buồn chán mất!
Barbicane và Nicholl tỏ vẻ không đồng ý.
- Nhưng tôi đã thấy trước trường hợp đó, các bạn ạ! – Michel Ardan nói tiếp – Các ông chỉ cần nói một tiếng, tôi có sẵn để các ông chơi cờ quốc tế, cờ đam, bài tây, đôminô! Tôi chỉ thiếu mỗi cái bàn bi da nữa thôi!
- Sao? – Barbicane hỏi – Anh đã mang cả những đồ lặt vặt ấy nữa à?
- Dĩ nhiên – Michel đáp – và không chỉ để chúng ta giải trí, mà còn có sự chính đáng được tán thưởng là cung cấp cho các quán rượu bình dân ở trên Mặt Trăng nữa kia.
- Thôi đi ông bạn – Barbicane nói – nếu Mặt Trăng có người ở thì những người dân trên ấy đã xuất hiện trước người Trái Đất chúng ta có đến hàng ngàn năm rồi, nếu óc của họ cũng được cấu tạo giống như óc của con người chúng ta thì họ đã chế tạo ra tất cả những gì chúng ta đã chế tạo, và ngay cả những gì chúng ta sẽ chế tạo trong những thế kỷ tiếp theo. Họ không còn gì để học ở chúng ta và chúng ta phải học mọi thứ ở họ.
- Sao? – Michel hỏi – ông nghĩ rằng họ cũng có những nghệ sĩ như Phidias[7], Michel Ange[8] hay Raphael[9] à?
- Phải!
- Những thi sĩ như Homère[10], Virgile[11], Milton[12], Lamartine[13], Hugo[14].
[7] Phidias: điêu khắc gia nổi tiếng thời cổ Hy Lạp.
[8] Michel Ange (1475-1564): một thiên tài nghệ thuật người Ý thời Phục Hưng.
[9] Raphael (1483-1520): hoạ sĩ nổi tiếng người Ý thời Phục Hưng.
[10] Homère: thi sĩ Hy Lạp cổ nổi tiếng sống ở thế kỷ IX trước Công nguyên, tác giả hai thiên anh hùng ca Iliade và Odyssée.
[11] Virgile (70-19 trước CN): thi sĩ La Mã nổi tiếng.
[12] Milton (1608-1674): thi sĩ nổi tiếng người Anh.
[13] Lamartine (1790-1869): thi sĩ nổi tiếng người Pháp.
[14] Victor Hugo (1802-1885): thi sĩ kiêm văn sĩ nổi tiếng người Pháp, tác giả tiểu thuyết Những người khốn khổ (ND).
- Tôi chắc như vậy.
- Những triết gia như Platon, Aristote, Descartes, Kant?
- Tôi không nghi ngờ gì.
- Những nhà bác học như Archimede, Euclide, Pascal, Newton?
- Tôi dám thề như vậy.
- Những ông hề như Arnal và những nhà nhiếp ảnh như… như Nardar?
- Tôi chắc như vậy.
- Thế thì, ông bạn Barbicane ạ, nếu họ cũng hùng mạnh như chúng ta, và có thể mạnh hơn nữa thì tại sao những người Mặt Trăng này đã không thử bắt liên lạc với Trái Đất? Tại sao họ không phóng một đầu đạn từ nguyệt cầu đến những vùng đất địa cầu?
- Ai bảo anh là họ đã không làm như vậy? – Barbicane nghiêm trang đáp.
- Thật vậy – Nicholl thêm vào – chuyện đó đối với họ còn dễ hơn chúng ta nhiều vì hai lý do: thứ nhất, bởi vì sức hút của Mặt Trăng nhỏ hơn sáu lần ở bề mặt Trái Đất, điều này cho phép một đầu đạn bay lên dễ hơn, thứ hai, thay vì phóng đầu đạn lên tám mươi ngàn mét như chúng ta, họ chỉ cần phóng lên độ cao tám ngàn mét thôi, việc này chỉ cần một lực phóng đi nhỏ hơn mười lần.
- Vậy – Michel nói tiếp – tôi lặp lại: tại sao họ không làm?
- Và tôi, – Barbicane vặn lại – tôi lặp lại: ai bảo với anh rằng họ đã không làm chuyện đó?
- Lúc nào?
- Từ hàng ngàn năm nay rồi, trước khi con người xuất hiện trên Trái Đất.
- Thế, quả đạn? Quả đạn ở đâu nào? Tôi yêu cầu được xem quả đạn đó!
- Anh bạn ạ – Barbicane đáp – biển bao bọc năm phần sáu địa cầu chúng ta. Vì thế, có tới năm lần lý lẽ chắc chắn để cho rằng đầu đạn của Mặt Trăng hiện đang chìm sâu dưới đáy Đại Tây Dương hoặc Thái Bình Dương, nếu nó đã được phóng đi, nếu nó không bị vùi sâu trong một kẽ nứt nào đó, vào cái thời mà vỏ Trái Đất chưa được hình thành.
- Ông bạn Barbicane ạ – Michel đáp – ông đã lý giải được tất cả, tôi xin cúi mình trước sự thông thái của ông. Tuy nhiên còn một giả thuyết thích hợp cho tôi hơn mấy giả thuyết kia là: những người Mặt Trăng tuy có trước chúng ta lâu đời, khôn ngoan hơn nhưng lại không chế ra được thuốc súng!
Lúc ấy, con Diane chen vào câu chuyện bằng tiếng sủa. Nó đòi ăn sáng.
- Chà, – Michel Ardan nói – mải bàn cãi, chúng ta quên mất con Diane và con Satellite!
Ngay sau đó con chó cái được mời chén một món ăn khá hậu hĩ, nó vồ lấy ăn ngon lành.
- Ông Barbicane này – Michel nói – đáng lý chúng ta nên biến cái đầu đạn này thành một chiếc tàu thứ hai của ông Noé và mang lên Mặt Trăng mỗi loại gia súc một cặp.
- Có thể – Barbicane đáp – nhưng lại thiếu chỗ.
- Được – Michel nói – Chỉ cần chịu chật chội một chút là được.
- Sự thực là, – Nicholl đáp – bò đực, bò cái, bò mộng, tất cả các loài nhai lại này rất cần cho chúng ta trên Mặt Trăng. Rủi là toa tàu này không thể nào trở thành chuồng ngựa, chuồng bò được.
- Nhưng ít ra – Michel Ardan cãi – chúng ta có thể mang theo một con lừa nhỏ, không gì hơn một con lừa nhỏ, con vật can đảm và kiên nhẫn mà ông già Silène xưa kia thích cưỡi. Tôi thích những con thú ít được tạo hóa ưu đãi nhất. Không những người ta đánh đập chúng khi còn sống mà còn đánh đập chúng ngay cả sau khi chúng đã chết!
- Anh nói gì thế? – Barbicane hỏi.
- Còn gì nữa! – Michel đáp – Người ta còn lấy da chúng để bịt trống.
Barbicane và Nicholl không thể nhịn cười được trước sự suy nghĩ kỳ cục này. Nhưng một tiếng kêu của người đồng hành vui tính đã làm họ ngừng cười. Anh ta cúi xuống cái ổ chó của Satellite và vừa đứng lên vừa nói.
- Tốt! Satellite không còn ốm nữa.
- Ơ!… – Nicholl thốt lên.
- Không, nó chết rồi. Thế đấy! – Michel nói thêm với giọng thương tâm – Rắc rối rồi đấy! Tao e rằng mày không gây được dòng giống trên Mặt Trăng nữa rồi, Diane tội nghiệp ạ! Con Satellite xấu số không thể sống được vì vết thương của nó. Nó đã chết và chết thật rồi! – Michel Ardan bối rối nhìn những người bạn của anh.
- Một vấn đề được đặt ra – Barbicane nói – Chúng ta không thể giữ lại cái xác con chó quá bốn mươi tám tiếng.
- Không, dĩ nhiên rồi – Nicholl đáp – những cửa sổ của chúng ta có bản lề, chúng ta có thể hạ xuống được. Chúng ta sẽ mở một trong hai cửa đó và vứt cái xác này vào không gian.
Ông chủ tịch suy nghĩ trong giây lát rồi nói.
- Đúng, phải làm như vậy, nhưng phải cẩn thận.
- Sao thế? – Michel hỏi.
- Vì hai lý do, anh sẽ hiểu – Barbicane đáp – Lý do thứ nhất có liên quan đến không khí bên trong đầu đạn, và đừng để nó thoát ra. Để thoát càng ít càng tốt.
- Nhưng chúng ta có thể sản xuất lại khí đó được mà.
- Chỉ một phần thôi. Chúng ta chỉ tái sản xuất ôxi thôi, và về việc này nên nhớ rõ là máy không thể cung cấp một lượng ôxi quá mức được, vì số dư ra này có thể làm chúng ta bị những rối loạn sinh lý rất nghiêm trọng. Nhưng nếu chúng ta tái sản xuất được ôxi, chúng ta lại không tái sản xuất được nitơ, cái chất này phổi chúng ta không được tiêu thụ nhưng phải còn nguyên vẹn. Khí nitơ sẽ thoát rất nhanh ra cửa sổ bị mở.
- Ồ! Chỉ một chốc là đủ vứt con Satellite đáng thương này đi thôi – Michel nói.
- Đồng ý, nhưng chúng ta hãy hành động thật nhanh.
- Còn lý do thứ hai? – Michel hỏi.
- Lý do thứ hai, đó là không nên để hơi lạnh bên ngoài, cái lạnh khủng khiếp, lọt vào bên trong đầu đạn, nếu không chúng ta sẽ chết cóng đấy.
- Nhưng, Mặt Trời…
- Mặt Trời sưởi ấm đầu đạn của chúng ta khi đầu đạn hút tia sáng của nó, nhưng nó không sưởi ấm được chân không, nơi chúng ta đang ở lúc này. Ở đâu không có không khí, sẽ không có sức nóng do ánh sáng toả ra. Chỗ nào tối tăm, lạnh lẽo là chỗ ấy ánh sáng Mặt Trời không trực tiếp tới được. Như vậy, nhiệt độ này chỉ là thứ nhiệt độ do tia sáng của các vì sao, nghĩa là nhiệt độ địa cầu sẽ có nếu một ngày nào đó Mặt Trời tắt đi.
- Chuyện này không đáng sợ – Nicholl đáp.
- Ai biết được? – Michel Ardan nói – Vả lại, dù cho Mặt Trời không tắt đi nữa thì Trái Đất vẫn có thể xa nó.
- Tốt – Barbicane nói – đó là Michel với những suy nghĩ của anh ấy.
- Này! – Michel lại tiếp – Người ta không biết rằng Trái Đất đã đi ngang qua cái đuôi của một sao chổi năm 1861 đó sao? Giả sử sức hút của sao chổi lớn hơn sức hút của Mặt Trời thì quỹ đạo của Trái Đất sẽ đi theo cái thiên thể lang thang đó, và một khi Trái Đất trở thành vệ tinh của nó, Trái Đất sẽ bị lôi đi xa đến nỗi những tia sáng của Mặt Trời sẽ không có tác dụng gì nữa trên bề mặt của nó.
- Chuyện đó quả thật có thể xảy ra – Barbicane đáp – nhưng những hậu quả của một chuyện xê dịch như vậy không đến nỗi khủng khiếp như anh tưởng đâu.
- Sao thế?
- Bởi vì cái lạnh và cái nóng sẽ còn cân bằng nhau trên Trái Đất chúng ta. Người ta tính rằng nếu Trái Đất bị sao chổi năm 1861 kéo đi thì nó sẽ không phải chịu, dù ở rất xa Mặt Trời, một sức nóng mười sáu lần nhiều hơn sức nóng mà Mặt Trăng đem lại cho chúng ta, sự nóng này nếu được hội tụ ở tiêu điểm của những thấu kính mạnh nhất cũng không tạo được một hậu quả đáng kể nào.
- Rồi sao nữa? – Michel nói.
- Chờ một chút – Barbicane đáp – Người ta cũng đã tính ở điểm cận nhật, lúc nó gần Mặt Trời nhất, Trái Đất chịu một sức nóng bằng hai mươi tám ngàn lần sức nóng của mùa hè. Sức nóng này làm tinh hóa những chất của Trái Đất và làm bốc hơi nước, nhưng nó lại tạo một lớp mây dày có thể làm giảm được nhiệt độ khắc nghiệt đó. Do đó, có một sự bù trừ giữa khí lạnh của điểm viễn nhật và sức nóng của điểm cận nhật. Và như thế sẽ có một nhiệt độ trung bình mà con người có thể chịu được.
- Nhưng người ta ước lượng nhiệt độ của không gian liên hành tinh là bao nhiêu độ? – Nicholl hỏi.
- Ngày xưa – Barbicane đáp – người ta tin rằng nhiệt độ này rất thấp. Bằng cách tính sự sụt giảm trong nhiệt kế, người ta tính được khoảng cách hàng triệu độ không. Chính Fourier, một người đồng hương của Michel, nhà bác học nổi tiếng của Viện hàn lâm khoa học, đã tính được những con số rất chính xác này. Theo ông ta, nhiệt độ của không gian không xuống thấp dưới sáu mươi độ.
- Hừ! – Michel thốt lên.
- Nó cũng gần bằng – Barbicane đáp – nhiệt độ trong những vùng địa cực ở đảo Melville hoặc ở đồn Reliance, tức vào khoảng năm mươi sáu độ bách phân dưới độ không.
- Chỉ còn việc chứng minh – Nicholl nói – rằng Fourier không tính sai. Nếu tôi không lầm, một nhà bác học người Pháp khác – ông Pouillet – ước tính, nhiệt độ của không gian là một trăm sáu mươi độ dưới không. Đó chính là điều chúng ta sẽ thẩm tra lại.
- Chuyện đó không phải lúc này – Barbicane đáp – bởi vì những tia sáng Mặt Trời đang chiếu thẳng vào nhiệt kế của chúng ta nên nhiệt kế sẽ chỉ một nhiệt độ, trái lại, rất cao. Khi chúng ta lên tới Mặt Trăng, trong những đêm kéo dài mười lăm ngày lần lượt sẽ diễn ra ở mỗi mặt của nó, chúng ta sẽ có thời gian để tiến hành cuộc thử nghiệm này vì vệ tinh của chúng ta sẽ di chuyển trong chân không.
- Nhưng chân không nghĩa là gì? – Michel hỏi – Có phải là khoảng không tuyệt đối chăng?
- Đó là khoảng không tuyệt đối không có không khí.
- Và ở đó không khí không được thay thế bởi một thứ gì à?
- Có chứ, ête! – Barbicane đáp.
- Chà! Ête là cái gì?
- Ông bạn ạ, ête là một sự tập trung những nguyên tử không có trọng lượng mà theo như những công trình vật lý phân tử cho biết, tuỳ theo kích thước sẽ quy định khoảng cách giữa chúng, cũng giống như những thiên thể nằm cách nhau trong không gian. Tuy nhiên, khoảng cách giữa chúng là dưới một phần ba triệu milimét. Chính những nguyên tử này khi dao động sẽ tạo ra ánh sáng và nhiệt độ bằng cách tạo ra bốn trăm ba mươi tỷ tỷ lần sóng mà biên độ chỉ từ bốn đến sáu phần mười triệu milimét.
- Hàng tỷ tỷ! – Michel Ardan kêu lên – Người ta đã đo và đếm những dao động này kia à! Ông bạn Barbicane ạ, tất cả các thứ đó là những con số của các nhà bác học làm tai mọi người phát khiếp lên nhưng không nghĩa lý gì với tinh thần cả.
- Dù thế nào cũng phải đếm đúng…
- Không. Tốt hơn là so sánh. Một tỷ tỷ không có nghĩa gì cả. Một vật so sánh nói lên tất cả. Ví dụ: Khi ông lặp đi lặp lại với tôi rằng thể tích của Thiên Vương Tinh lớn hơn bảy mươi sáu lần thể tích của Trái Đất, thể tích của Thổ Tinh lớn hơn chín trăm lần thể tích của Trái Đất, thể tích của Mộc Tinh lớn hơn một nghìn ba trăm lần thể tích của Trái Đất, thể tích của Mặt Trời lớn hơn một triệu ba trăm ngàn lần thể tích của Trái Đất, tôi sẽ không có cảm giác mơ hồ nữa. Cũng vậy, tôi rất thích những kiểu so sánh xưa cũ của tờ báo Double Liégeois khi ngốc nghếch cho rằng: Mặt Trời là một quả bí ngô có đường kính hai piê[15], Mộc Tinh là một quả cam, Thổ Tinh là một quả táo api, Hải Vương Tinh là một quả anh đào cuống dai, Thiên Vương Tinh là một quả anh đào lớn, Trái Đất là một quả đậu, Kim Tinh là một hạt đậu Hà Lan, Hoả Tinh là đầu một cái kim lớn, Thuỷ Tinh là một hạt đinh hương, và Junon, Cérès, Vesta và Pallas chỉ là những hạt cát! Như vậy, ít ra người ta sẽ biết đó là cái gì!
[15] Bộ, một bộ khoảng 30cm (ND).
Sau khi Michel Ardan công kích một thôi dài những nhà bác học và những con số tỷ tỷ mà họ đã điềm nhiên liệt kê ra, mấy nhà du hành lo việc chôn cất con Satellite. Rất đơn giản là chỉ cần ném nó vào không gian, cũng như những thuỷ thủ ném một xác chết xuống biển.
Nhưng như ông chủ tịch Barbicane đã dặn dò, phải làm thật nhanh để không khí thoát ra ngoài càng ít càng tốt vì nó rất nhạy thoát ra khỏi chân không. Những đai ốc của cái cửa sổ bên phải, lớn khoảng ba mươi xăngtimét được tháo ra thật cẩn thận, trong khi Michel tần ngần ném con chó của anh vào không gian. Tấm cửa kính bật nhanh trên những bản lề bởi một đòn bẩy lớn mạnh hơn sức ép không khí bên trong những bức vách của đầu đạn, con Satellite được ném ra ngoài. Nếu một vài phân tử khí có thoát ra ngoài thì công việc cũng đã thành công tốt đẹp đến nỗi về sau, Barbicane không còn ngại dùng cách ấy vứt đi những đồ thừa thãi vô ích làm quá tải toa tàu của họ.