Books are the bees which carry the quickening pollen from one to another mind.

James Russell Lowell

 
 
 
 
 
Tác giả: Doãn Quốc Sỹ
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 18
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2671 / 60
Cập nhật: 2015-12-18 11:23:46 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4 Phẩm Tiên Rơi Đến Tay Hèn
Trở lại với khung cảnh đồn điền Lợi Ký
Mùng bảy tháng giêng, ba ngày sau đêm lửa trại.
Đã bảy ngày đầu xuân qua đi mà tiết trời hai ngày gần đây chỉ những mưa cùng gió, ngày cũng như đêm rét buốt cắt thịt. Tuy thế ban giám đốc trại huấn luyện vẫn ngày ngày cắt luân phiên từng hai trung đội một vào một thung lũng sâu trong rừng sâu trong rừng cách đấy chừng một cây số rưỡi để thực hành về trồng trọt. Lớp huấn luyện sẽ bế mạc vào ngày ràm tháng giêng tới. lẽ dĩ nhiên, khu thung lũng đó cũng thuộc vào địa phận đồn điền Lợi Ký, nó mang một cái tên thật kỳ dị: thung lũng Đùng. Nguyên do xung quanh là rừng rậm và núi, thung lũng như hình một lòng chảo khá sâu, mùa hè mỗi khi mưa gió to lớn sấm sét lồng lộn trên trời đập vào các sườn núi, thành rừng, rồi như bị xoáy cuộn để vang hút xuống đáy thung lũng. Người tá điền đầu tiên đến khai phá thung lũng này nhận rõ sự kiện đó bèn đặt tên là thung lũng Đùng. Mỗi lần Hàng đi săn đêm, anh chẳng cần đi đâu chỉ việc vào khu thung lũng Đùng là có đủ cả hươu, nai; báo, chồn … Từ đồn điền ngoài vào thung lũng Đùng phải qua một quãng đường hẹp một bên là sườn núi thưa, một bên là dòng suối nhỏ uốn khúc lẩn dưới khe sâu. Vào những mùa tạnh ráo, tiếng róc rách như tiếng đập đều đặn của trái tim khu rừng núi này. Người ta có thể leo lên sườn núi rừng thưa một cách dễ dàng và theo lời ông Phán cho biết bên kia sườn núi rừng thưa có một con đường mòn đi tắt đến huyện Thanh Ba rất gần.
Vừa một tuần nữa qua đi. Đã có những ngày nắng ấm và chỉ còn hai ngày nữa là mãn khóa trại huấn luyện. Sớm hôm đó vừa thức dậy Tân hay tin đêm hôm qua hổ tới đồn điền bắt đi một con bò khá lớn. Việc phân phối công tác của trại vẫn đều hòa. Khoảng bốn giờ chiếu có tin báo đã tìm thấy phần còn lại con bò mất tích tít trên cao sườn núi rừng thưa. Ông Phán và Hãng bèn nhờ ban giám đốc triệu tập cho chừng mươi người để cùng đi đến nơi đó. Theo ông Phán, tiết trời giá lạnh thế này, bò lại mới bị tha đi tối hôm qua thì chỗ thịt còn lại mang về hầm sốt vang có sao đâu.
Khi mọi người đã tề tựu đông đủ, trong số có Tân và Liệt (anh chàng có giọng buồn nức nở hay ca bài Nguyễn Thái Học).
Ông Phán cười nói đùa với tất cả.
- Thôi thì chỗ thịt mất đi coi như tiền công chi phí cho ông đồ tể.
Hãng cũng cười theo và tiếp:
- Nào biết là ông đồ tể hay bà đồ tể!
Vừa lúc đó Vân, Thi tự trên nhà rảo bước xuống sân.
Vân nhanh nhẹn chào mọi người rồi nói với ông Phán:
- Ba cho chúng con đi theo với.
Thi khép nép, đứng sau chị. Mặc dầu nàng đã khá quen thuộc với một số người trong trại huấn luyện, nàng vẫn không sao có cử chỉ thanh thoát như Vân. Ông Phán nhìn hai con gái suy nghĩ một giây rồi nói:
- Cho Vân đi thôi, con Thi ở nhà.
Ông nói với Thi.
- Yếu thì ở nhà con ạ, leo núi mệt đấy.
Thi nắm lấy cánh tay Vân có ý cầu cứu chị nói giúp thì bà Phán cũng vừa xuất hiện ở hàng hiên nói xuống với ông Phán:
- Ông cứ cho con Thi đi! Trời, ông cứ sợ nó yếu chẳng cho nó rạn nắng rạn gió thì còn là yếu mãi.
Ông Phán khẽ nhún vai:
- Ừ thì đi.
Thi nhìn Vân cười, trong khi anh đội trưởng hướng đạo trong ban giám đốc nói đùa ông Phán:
- Đúng là lệnh ông không bằng cồng bà!
Hãng nói riêng với Tân:
- Ba tôi chẳng những nể mẹ tôi mà nể cả các con. Giá Thi nó cứ cất tiếng nài một lần cũng đủ ba tôi ưng thuận. Ý kiến thực của ba tôi bao giờ cũng nêu ở câu đầu thôi, sau đó ai quyết định thế nào cũng được.
Mọi người vui vẻ lên đường. Khi vừa vào đường hẻm đưa lên sườn núi rừng thưa Thi giật mình vì một tiếng động bất ngờ. Nàng vội mỉm cười vì đó chỉ là một đàn cò trắng thấy động vỗ cánh bay đi tự một nương sắn lá xanh. Thi vẫn rải bước theo chị, theo đoàn người nhưng không quên theo dõi đàn cò, màu cánh trắng lấp loáng đẹp như đương bay về chốn bồng lai nào để dự hội. Đây là lần đầu tiên từ ngày đến ở đồn điền Thi đi ra khỏi nơi ở chính. Nàng bỡ ngỡ nhìn xung quanh; con đường cát sỏi, dòng suối uốn khúc khi xa khi gần, dãy núi trước mặt cao vòi vọi … những màu sắc đó, những hình thù đó tựa hồ thay đổi từng giây từng phút trong một bầu không khí huyền ảo nửa thần tiên nửa ghê rợn.
Đoàn người bắt đầu đi vào đường hẻm rồi rẽ bụi cây bên lề đường leo dần lên sườn núi rừng thưa. hầu hết những cây cao trơ cành trụi lá, những cây leo chằn chịt cũng ra tuồng thất vọng gầy đét như những đứa con đói sữa cố bám lấy bà mẹ kiệt lực, duy có thứ cỏ đuôi chồn mọc ngút ngàn bên dưới và dạt dào gợn song mỗi lần có cơn gió nhẹ lướt tới. Thi mang máng cảm thấy sự yên tĩnh nơi đây như có ủ một cái gì rộng lớn lắm và náo nhiệt một cách siêu âm. Thi nghĩ rằng mỗi loài động vật dù lớn như hổ báo dù nhỏ như giun dế, mỗi loài thực vật dù lớn như cây chám cây lim, dù nhỏ như cây cỏ đuôi chồn đều ôm trong lòng một niềm suy nghĩ riêng tư. Cho đến nay Thi mới hiểu thế nào là cái yên lặng phì nhiêu của rừng núi hoang vu.
Có tiếng reo vui. Toán người đi trước đã tới nơi có phần còn lại của con bò. Toàn thân con vật khốn nạn chằng chịt những vết móng sắc cào, nhiều nhất ở khoảng đầu. Cả một màng sườn và bụng bị hổ ăn, máu và lòng tung toé ra một khoảng rộng. Mặt trời chỉ còn cách đỉnh núi một con sào, không khí trên chốn cao này lồng lộng trong sạch, nhiệt độ xuống mau lẹ cùng với bong tà chiều, những đợt gió lạnh buốt ùa tới. Chừng nửa tiếng sau mọi người đã dùng rìu và dao rựa xả xong con bò ra từng phần nhỏ xếp thành bốn gánh. Đúng lúc mọi người sắp xuống núi về thì từ bên sườn núi có tiếng hát lớn một bài ca ái quốc, giọng hơi khàn vì mệt mỏi nhưng ai nấy đều đoán giọng đó lúc bình thường hẳn trong và hay lắm. Tiếng ca vừa dứt, vẫn giọng đó hô lớn: "Việt Nam Muôn Năm!"
Các quang gánh thịt bò đều hạ xuống rồi không ai bảo ai mọi người nối đuôi nhau leo nốt quãng đỉnh để sang bên kia sườn núi xem có những ai và tiếng hát tiếng hô vừa rồi là của ai.
Sườn núi bên này thoai thoải hơn sườn núi phía đồn điền, thung thũng cũng nông hơn. Một còn đường đất và đá xám từ đỉnh núi này ngoằn ngoèo xuống thung lũng rồi lại vườn lên vắt qua một khe đèo để rồi mất hút sau màu cỏ úa, lác đác đây đó một vài thân cây thấp gầy guộc và trụi lá: đó là con đường đi tắt về huyện Thanh ba. Thi tiến tới đỉnh sau rốt, nàng giật mình nhói buốt ở tim. Ngay trước mặt nàng cách chừng ba mươi thước, trên khoảng nương phẳng, một thanh niên trạc hai mươi bốn hai mươi nhăm tuổi, khuôn mặt còn giữ được vẻ khôi ngô tuy toàn thân đã tiều tụy lắm. Quần áo rách tả tơi, chàng bị trói rụt cánh khủy và cột vào một thân cây khá cao nhưng dáng chừng bị sét đánh trong mùa mưa vừa qua nên phần lớn đã chết khô, chút ít cành lá còn lại thì vàng úa. Tiếng hát vừa rồi là tiếng chàng, tiếng hô vừa rồi là tiếng chàng. Xung quanh chàng chừng mười người du kích tay lăm lăm sung trường, lưỡi lê tuốt trần. Điểu khiển toán du kích đó chính là Mạnh chủ tịch huyện Thanh Ba. Sự xuất hiện của toán người bên đồn điền thật là bất ngờ, nhưng chủ tịch huyện Thanh Ba không lấy thế làm khó chịu, trái lại y càng được thể cho mọi người biết y có quyền sinh sát trong tay. Tân quay đi, lánh mặt trong khi y tiến lên chào đón ông Phán. Chàng trai tiều tụy có đôi mắt lãnh đạm nhìn toán người mới tới rồi thản nhiên cất tiếng hát một bài ái quốc khác.
Thi nghĩ thầm:
- Đã hơn một tháng nay trời lạnh buốt như thế này mà để người ta ăn mặc tả tơi như thế kia làm gì mà da thịt chẳng tím ngắt. Thi thực không ngờ nhân loại có thể đối với nhau dã man hơn cầm thú đến thế.
Lại có tiếng xì xào làm Thi ngửng đầu lên, toàn thân nàng lạnh toát: bốn người khiêng một chiếc quan tài sơn trắng vừa xuất hiện từ khúc quành xa.
Chàng thanh niên nín bặt một giây. Chàng biết giờ chết của chàng chẳng còn bao lâu nữa. Chàng hô lớn hai lần: "Việt Nam muôn năm! Việt Nam muôn năm!"
Câu nói cuối cùng của viên chủ tịch cũng vừa vang đến tai Thi:
- Thực là một tên Việt gian phản quốc!
Thi rợn người vì thấy âm thanh của câu nói đó của viên chủ tịch như có ma lực lôi được quỷ sứ tự âm ty lên. Thi ngồi thụp xuống cỏ, gần Thi khi đó có Liệt nhưng Liệt nhìn về phía bốn gánh thịt bò bên dưới nhường như có ý tránh không nhìn chàng thanh niên bị tội kia. Vân chạy vội đến em. Ông Phán linh cảm thấy đúng lúc phải về, ông cố làm vẻ thản nhiên tươi cười cáo biệt viên chủ tịch. Viên chủ thịch giữ nguyên nụ cười đầy quyền thế và cúi chào ông trang nhã không kém. Thi đứng dậy không dám quay nhìn chàng trai khốn nạn một lần cuối cùng. Nàng vội vã xuống núi như chạy trốn.
Tân đi sát Thi. Ông Phán cũng như Hãng hiểu rõ bộ thần kinh yếu ớt của Thi đương bị xúc động mạnh nên cả hai cùng vội vã tiến lên cùng Tân đi bao vây lấy Thi.
Một loạt súng vang lên rùng rợn đồng thời với tiếng thét thê thảm của Thi tưởng chừng chính nàng vừa bất ngờ bị đạn. Nàng thét "Ba ơi" rồi khụy xuống. Tân không kịp đỡ. Hãng và ông Phán vội vã quỳ xuống nâng Thi.
Ông Phán nói giọng muôn vàn âu yếm:
- Việc gì mà sợ, con ơi!
Đoàn người đi sau vừa tới cũng dừng lại. tân hỏi ông Phán:
- Thưa ông chúng tôi cử người đi nhanh về trước lấy cáng tới đây…
Ông Phán vội gạt đi:
- Xin các anh cứ về trước, chúng tôi dìu em về sau, các anh đừng lo.
Có tiếng thở dài, Tân giật mình quay lại: tiếng thở dài đó của Liệt đứng sau chàng. Liệt thương cảm cho bộ thần kinh quá yếu đuối của Thi chăng?
Mọi người đã tiếp tục tiến bước khuất sau khúc quanh. Trời đã bắt đầu mờ mờ tối. Đầu Thi dựa vào cánh tay Vân. Hai tay Thi nắm chặt lấy cổ tay ông Phán, giọng yếu ớt:
- Con sợ lắm ba ạ.
Ông Phán vuốt tóc nàng:
- Việc gì mà sợ, con.
Nói vậy nhưng giọng ông cũng run run, ông không nén nổi xúc động vừa xúc động vì cái chết của chàng trai bên kia sườn núi, vừa xúc động vì cái nhìn thất lạc tinh thần của Thi, y như ngày nào còn nhỏ nhân một hôm đi chùa Láng chơi gặp bão, một cành cây lớn rớt xuống đè ngang ngực, may mà thoát thoát chết; phổi nàng yếu, sức khoẻ nàng mong manh kể từ ngày đó. Hôm nay đây da nàng cũng xanh lướt như ngày đó, đôi mắt cũng nhìn sâu vào tai nạn như ngày đó, miệng mím lại, chịu đựng.
Ông Phán một bên, Hãng một bên cũng xốc nàng đứng dậy. Tân đi sau cùng Vân.
Tiếng ông Phán hỏi khẽ:
- Như thế này con tiến lên được chứ?
Thi gật đầu yếu đuối, rồi đôi chân nàng làm điệu nhịp nhàng bước, nàng thấy trời như tan đi, đất như tan đi, cả vũ trụ như đương tan đi, tan vào một lớp sương sáng.
Buổi tối, đã về khuya … khuya lắm … trong khi gia đình ông Phán thay phiên nhau săn sóc Thi trên nhà thí có tiếng đàn lục huyền cầm thánh thót cùng giọng ca se sẽ nức nở bài Nguyễn Thái Học. Đó là tiếng đàn và giọng ca của Liệt.
II
Còn một ngày nữa thì lớp huấn luyện bế mạc. Buổi sáng ấm có nắng vàng le lói. Tân dẫn tiểu đội lên đồi chè sau nhà lấy cũi đun và thấy Vân đã đứng dưới gốc cây trám cao vút tự bao giờ, đôi mắt nhìn về phía xa nghĩ ngợi, làn tóc mềm óng của nàng xõa xuống cổ.
Tân nghĩ thầm: "Chắc nàng đương nghĩ đến anh chàng sinh viên nghệ sĩ!"
Tân không ngờ Vân đã có người yêu từ mấy năm nay. Trước ngày kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Kha - người yêu của nàng - đã là tự vệ thành, sau khi chiến tranh bùng nổ lực lượng tự vệ biến thành trung đoàn thủ đô. Vân vừa được tin trung đoàn thủ đô rút khỏi Hà Nội theo đường bờ sông qua gầm cầu Long Biên, chẳng biết người yêu sống chết ra sao.
Tân tiến lên mỉm cười, Vân cúi chào lại tự nhiên như chỗ quen biết cũ, có lẽ vì nàng thấy vẻ Tân thẳng thắn không có gì là khuất tất.
Vân hỏi trước:
- Hôm nay đến lượt tiểu đội anh đi kiếm củi?
Tân không trả lời mà hỏi lại:
- Trời đẹp đấy chứ chị Vân?
Vân mỉm cười chưa kịp nói gì thì Tân đã hỏi sang câu khác:
- Chị Vân có hy vọng gì không?
Vân nhìn trời lơ đãng đáp:
- Chiến tranh thế này thì biết hy vọng gì hở anh?
Thấy Vân thủng thỉnh đi xuống dời khỏi gốc cây trám, e nàng ra về Tân hỏi tiếp để giữ nàng lại thêm chút nữa:
- Sao cây chè nào cũng chặt gần tới gốc thế này, chị Vân?
- Vào cuối đông - Vân đáp - tất cả những cây phải chặt như thế để sang Xuân nẩy búp. Sauk hi chặt những lá già được tuốt ra làm chè tươi chở xuống xuôi bằng thuyền, chắc anh biết?
Tân chú ý đến giọng nói dẽ dàng của Vân hơn là nội dung những lời nói đó. Chàng còn mỉm cười bâng quơ thì Vân đã cúi đầu chào từ biệt rồi thoăn thoắt đi vào hàng chè chưa chặt, cành lá lòa xòa.
Tân gom nhanh những củi chẻ thành đống lớn và khi ngẩng lên, chàng thấy trời xanh cao và khi trời trong lành một cách lạ.
Buổi chiều là lễ bế mạc, cán bộ được chỉ định phân công đi phụ trách chừng ngót hai chục trại di cư quanh vùng. Hôm sau mọi người lên đường, khiến đồn điền Lợi Ký bỗng vắng tanh vắng ngắt. Nơi đây chỉ còn lại chừng hơn mười cán bộ gọi là những cán bộ phụ trách trại trung ương.
Nhưng học và hành này là hai bộ mặt quá khác biệt chưa được một tháng mà đã tới mười trại kế tiếp nhau tan rã. Nguyên do không phải vì cán bộ bất lực mà vì đồng bào quen sống tự lập ở thôn quê nay không chịu được kỷ luật phân chia thành từng đội đi, về, ăn, nghỉ theo thời khóa biểu. Đồng bào bỏ trại đi tìm bà con ở các nơi khác, hoặc tự lực cánh sinh bằng cách mở cửa hàng buôn bán hoặc tăng gia riêng. Tân ở ngay trại trung ương - tức đồn điền Lợi Ký - trại này chỉ huy tất cả các trại khác. Khi quá phân nửa số trại đã giải tán, các cán bộ tăng gia sản xuất được thuyen chuyển sang những ngành khác hợp với khả năng cũ của từng người. Chính Tân cũng dự định xin thôi, về quê thăm mẹ, rồi sẽ nhận công tác khác sau.
Ban chỉ huy mới của trại Trung ương tại đồn điền Lợi Ký có sự thay đổi nhỏ. Anh chàng sinh viên nghệ sĩ trong ban giám đốc cũ được điều động lên Tuyên Quang không phải để chỉ huy một trại di cư nào mà để đem cái kiến thức về kiến trúc của anh dựng lên những nhà lớn bằng tre và nứa cho các cơ quan của bộ Tổng Tham Mưu. Thay vào anh chàng sinh viên đó là một cán bộ mới do ủy ban trung ương tản cư di cư xuống. Đó là một cán bộ già giặc trạc bốn mươi. Về thành tích tranh đấu thì khỏi phải nói vì anh đã từng tham dự cuộc vạn lý trường chinh dưới quyền Mao Trạch Đông.
Ngày Tân đã là bạn thân của gia đình ông Phán. Từ buổi chiều nghe tiếng súng xử tử trở về Thi bị ốm liệt giường ba ngày liền. Sau đó tuy nàng có trở dậy đi lại được nhưng nước da xanh lướt và cả gia đình ông Phán đều tỏ vẻ nghi ngại lắm mỗi khi thấy nàng thúng thắng ho. Trong buổi kháng chiến, giữa nơi đèo heo hút gió này rủi bệnh lao tái phát làm sao đủ thuốc men chữa trị cho nàng?
Một lần nói chuyện với Thi, Tân có gợi đến chuyện anh chàng sinh viên nghệ sĩ bị điều động lên Tuyên Quang. Tân đã nhấn mạnh tiếng "bị" để tỏ ra rằng chàng đồng tình với Thi giữ anh chàng ở lại trại trung ương. Nhưng nghe Thi trả lời thì việc đó cũng không có gì đáng chú ý. Hình như thảm cảnh chàng trai bị xử tử trên núi còn ngự trị ngột ngạt tâm trí nàng khiến mọi hình ảnh khác, tình cảm khác, rung động khác trở thành mờ nhạt hẳn như ánh đom đóm, ánh sao bị mờ nhạt dưới ánh lửa tàn bạo của một đám cháy rừng. Và cũng kể từ ngày có cuộc xử tử, Mạnh viên chủ tịch huyện Thanh Ba, năng lui tới đồn điền Lợi Ký. Mạnh đã gửi mua từ Hà Nội mấy thứ thuốc cần yếu cho Thi. Nhưng lần nào cũng vậy hễ thoáng thấy Mạnh tới là Thi vào buồng nằm, bà Phán cũng vội vào theo để lấy chăn đấp ấm cho nàng. Thường thì ngoài phòng khách chỉ còn ông Phán, Hãng và Vân ngồi tiếp viên chủ tịch.
Cũng vào dịp này Tân, Mạnh có nói chuyện với nhau đôi lời và nhắc lại kỷ niệm thời còn cùng nhau hoạt động bí mật tại làng; nhưng câu chuyện rất gắng gượng về phía Tân, thường thuờng Tân lấy cớ rút lui ngay. Tân vẫn thấy không có cảm tình với Mạnh.
Có tin viên chủ tịch hỏi Vân làm vợ, kế đó là tin Thi bị thổ huyết. Tân ngờ rằng Thi thổ huyết vì hay tin Mạnh hỏi Vân. Tân lên nhà thăm được ông Phán cho hay nhờ có thuốc của Mạnh mua cho kịp thời, Thi đã thoát mọi nguy hiểm.
Trong câu chuyện thường tình với ông Phán, có hôm Tân vờ quay sang hỏi ý kiến Vân đương ngồi đan ngay bên. Vân ngẫng nhìn rồi trả lời bỡ ngỡ, tâm hồn nàng còn để tận đâu đâu. Tân chú ý ngắm Vân nhiều hơn: toàn thể thân hình Vân đều chắc lẳn, đôi cánh tay tròn khoẻ, nhưng cái vẻ sức lực đó không làm giảm những nét mềm điêu luyện của đường cong thân thể và nhất là không làm giảm đường nét thanh tú của khuôn mặt tròn với nước da hồng của nàng. Cứ mỗi lần Tân nghĩ thân hình chắc lẳn và đẹp đó phải nằm gọn trong tay viên chủ tịch kia, chàng lại ao ước thầm rằng tin trên chỉ là tin đồn hão. Nhưng không đó là tin xác thực. Mạnh đích thân nộp lễ ăn hỏi rồi đến ở liền ba hôm trước ngày cưới Vân, Vân còn ở lại đồn điền.
Ngày dự tiệc cưới Vân, Tân nghĩ đến các câu các cụ xưa nói: "Trai thời loạn, gái thời bình." Quả thực đàn bà không làm chủ được định mệnh của họ trong cơn phong ba của đời. Dù có nhan sắc dù có học thức như Vân lúc "bắt phong trần cũng phong trần như ai." Mã Giám Sinh. Phẩm tiên rơi đến tay hèn!
Điều đau khổ cho Vân là sau ngày cưới hai tuần lễ thì Kha người yêu của nàng, tìm được đến đồn điền.
Khi trung đoàn thủ đô rút khỏi Hà Nội, Kha theo bộ lên Ba Vì rồi Tam Đảo. Trung đoàn hình như ngưng hoạt động hẳn. Gặp một người làng. Kha hay tin mẹ tản cư lên Tuyên Quang. Tự thấy nhiệm vụ cấp bách của mình đã xong chàng bèn xin giải ngũ dự định lên Tuyên tìm mẹ rồi trở về tiếp tục ghi tên học y khoa. Tới Tuyên chàng được người quen cho hay mẹ đã trở về Thạch Thất ở tại làng H. gần chân núi Ba Vì. Tiện đường Kha tính chuyện về Phú Thọ trước vì chàng hay tin bác sĩ T; phụ trách trường Thuốc khi đó đã cùng một số sinh viên tới làng Đại Hồng cách tỉnh lỵ Phú Thọ chừng hai cây số. Trước khi tới địa điểm này để xin ghi tên. Kha tìm tới đồn điền Lợi Ký. Đường vào đồn điền hun hút mà hồn Kha mở rộng như đại dương. Kha muốn dành sự xuất hiện bất ngờ này cho Vân. Sự xuất hiện. Sự xuất hiện quả bất ngờ nhưng đau đớn. Ông bà Phán và Hãng chỉ mang mảng biết cảm tình giữa Kha - Vân nên vẫn coi chàng như người hàng xóm thân cũ và niềm nở tiếp đón chàng theo cương vị đó. Hiểu Vân và Kha chỉ có Thi.
Trong một lúc nhà vắng vẻ. Vân ngồi trên giường Thi gục mặt lên đầu gối nức nở. Kha bình tĩnh nhưng âm thầm đứng đối diện ở góc phòng.
Bây giờ thì chàng còn e lệ giữ kẽ gì nữa. Vân nói qua tiếng khóc nghẹn ngào:
- Thời tao loạn em còn biết nghĩ gì? Sao anh không về trước đây nửa tháng em vẫn còn kịp phản đối lễ cưới. Bây giờ thì ….
Kha yên lặng. Có tiếng ông bà Phán ngoài sân, chàng vội ra phòng khách.
III
Buổi gặp mặt đầu tiên ở đồn điền Lợi Ký, Tân mến Kha ngay. Cái quyến rũ mãnh liệt ở Kha có lẽ do thái độ cởi mở vừa chân thực vừa man rợ của chàng. Chỗ này cần mở thêm dấu ngoặc: Kha mới nhiễm tính cách man rợ từ sau những ngày xông pha nơi khói lửa kinh thành. Giữa cảnh tên bay đạn lạc, mạng người treo trên sợi tóc, Kha đã chứng kiến nhiều cặp tình nhân bám vào thời gian tự hiến dâng để chung hưởng hạnh phúc …
Chính Tân muốn gần Kha. Trong số ngót hai mươi trại di cư được thiết lập sau hơn hai tháng hoạt động nay tan rã còn ba trại. Việc Tân xin rút lui khỏi trại Trung ương cũng dễ. Thoạt Tân có ý muốn rủ Kha cùng về quê thăm mẹ rồi sẽ đến trường Thuốc sau, nhưng Kha khuyên nên đến gặp bác sĩ T. ghi tên trước rồi hãy về quê vì nghe đâu trường Thuốc sắp chuyển lên Bắc Kạn thì phải.
Bửa cơm tối đôi bạn ăn cùng gia đình ông Phán - cũng là bữa tiệc tiễn hành - có Mạnh. (Kha nhất định ra đi ngay hôm sau). Rượu say chếnh choáng, Mạnh đọc bài thơ tự trào. Đó là bài thất ngôn Đường luật trong đó Mạnh tự riễu bộ răng vồ của mình nhưng lại nêu ưu điểm là đêm đến giá có kẻ trộm vào nhà rờ thấy bộ răng, tưởng mình còn thức đương cười ắt phải vội rút lui có trật tự.
Mọi người cười vui. Kể cả Kha. Riêng Tân nghĩ thầm "Tự riễu cái xấu về thể chất, phải chăng Mạnh hoàn toàn vững tin vào uy thế tinh thần của mình: uy thế của một đảng viên chủ tịch huyện?
Sau bữa tiệc tiễn hành tối Kha xin phép ông bà Phán lên giường nghỉ nói là mai phải đi sớm. tám giờ sáng hôm sau Tân và Kha từ biệt đồn điền Lợi Ký. Cả gia đình ông Phán ra đứng ở thềm tiễn, chỉ thiếu có Vân. Trước khi khởi hành chừng mười lăm phút Vân làm như sực nhớ ra điều gì vội vã cầm lẵng mây rồi tất tả theo đường lên đồi nói là chè tươi nhà uống đã gần hết nàng cần phải đi hái thêm. Thi lo lắng nhìn theo bóng chị. Mãi đến lúc Vân gần khuất sau đồi Kha mới kín đáo nhìn theo, nụ cười vô cớ trên môi vẫn giữ vẻ bình thản nhưng đôi mắt thật ngao ngán.
Thi muốn Kha ở lại đồn điền lắm. Thâm tâm Thi muốn Kha vĩnh viễn ở lại đồn điền! Từ xưa trong gia đình, nàng quen khuôn mặt hiền từ của cha mẹ, khuôn mặt quắc thước của anh, từ ngày có thêm gương mặt người ngoài - khuôn mặt của Mạnh - nàng thấy nghẹt thở. Nhìn khuôn mặt của Mạnh nàng còn như nghe nổ bên tai tiếng súng tử hình. Nhìn khuôn mặt Mạnh, nàng thấy gớm, như thấy mình bị đầy ải. Khuôn mặt Kha xuất hiện. nàng hiểu mối tình của chị, nàng hiểu nỗi khổ tâm của chị, nàng muốn giữ bên nàng khuôn mặt quyến rũ của Kha làm bóng mát cho sa mạc tâm hồn, làm thế quân binh cho bộ thần kinh của nàng khỏi thác loạn.
Đến lúc Tân cùng Kha sắp ra đi rồi thì Thi còn thiết tha nhắc lại riêng với Kha lời đề nghị hôm qua của nàng:
- Em còn yếu lắm giá anh ở lại vài ngày thì hay.
Kha không nhìn Thi, chàng lơ đãng nhìn đi đâu và đáp khẽ.
- Giá anh ở lại được!
Thi theo Hãng tiễn Kha và Tân ra tận bờ suối … Nàng tần ngần nhìn theo bóng Kha cho đến lúc khuất.
Nắng xuân chói chang, mây trời vừa ban sớm trắng như sữa giờ đây nhuộm màu vàng lộng.
Ba Sinh Hương Lửa Ba Sinh Hương Lửa - Doãn Quốc Sỹ Ba Sinh Hương Lửa