Chướng ngại chỉ đe dọa được bạn một khi bạn rời mắt khỏi mục tiêu.

Henry Ford

 
 
 
 
 
Tác giả: Mỹ Hạnh
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 19
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 5780 / 35
Cập nhật: 2015-12-02 17:41:17 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5 -
ạt chết lặng nhìn cửa tủ quần áo mở toang. Thành bỏ đi, không đem theo gì ngoài ba bộ đồ anh mang đến lúc bước chân vô ngôi nhà này. Vì sao anh ra đi? Anh đã hứa rồi mà.
Đạt đau đớn đến quẫn trí, cứ đi quanh. Lẽ nào ...Bà Út quẹt nước mắt, kéo tay Đạt, gắt:
- Cậu sao vậy? Gọi ông chủ đi.
Đạt ngồi xuống giường, ôm đầu:
- Gọi làm gì? Ảnh đi rồi, không trở về đâu. Nhưng tại sao ảnh bỏ đi? Giận tôi hay vì lẽ gì?
Hỏi mà không đợi câu trả lời, Đạt thẫn thờ đi ra vườn. Sân vườn sáng rực điện do bốn ngọn đèn néon 1m2 đặt ở bốn gốc vườn chiếu vào. Đạt đặt thêm bốn ngọn điện này cách đây ba tháng lúc ấy Thành vừa mới về ở. Chẳng hiểu sao, Đạt nghĩ khi đêm về, chỉ cần khu vườn sáng như ban ngày, Thành sẽ đi không vấp té và đêm đen không bao giờ có trong lòng Thành.
Đạt biết mình ngốc nghếch với ý nghĩ này, nhưng anh lại vui sướng khi nhìn anh trai ngồi giữa sân vườn sáng rực, đầu hơi nghiêng, tóc rũ che vầng trán. Anh của Đạt đang lắng nghe tiếng thì thầm của đất trời, của lá, của hoa.
Nước mắt Đạt chảy ràn rụa, anh đi qua những lồng chim lớn nhỏ. Những cô hoàng yến, bạch yến, đang im lìm say ngủ, không hề biết người mỗi sáng, mỗi chiều nghe chúng hót đã ra đi.
- Anh Hai!
Đạt thụp xuống góc vườn có đám quỳ vàng hực, gào lên, oà khóc. Tất cả niềm vui, sự thoải mái bên Ánh từ giữa chiều, ngọn lửa tình le lói loé sáng đã tắt lịm biến mất trong Đạt, chỉ còn nỗi đau, máu thịt làm thắt tim anh.
Bà Út vừa kéo tay Đạt, vừa nói:
- Có khi nào vì cô bạn gái của cậu không?
Đạt ngẩng lên nhìn trừng. Bà Út nói:
- Từ bữa cậu đưa cô ta về chơi, cậu Hai lạ lắm. Cậu đi làm là cậu Hai ở miết trong phòng, không tập đàn, không dạo vườn. Có hôm, tôi thấy mặt cậu Hai buồn lắm.
- Nhưng anh Hai chưa gặp Ánh lần nào, sao cổ chọc ảnh giận được?
- Tôi không biết. Là tôi thấy sao nói vậy. Cậu bình tĩnh lại đi. Tôi gọi ông chủ rồi, ông đang trên đường đến.
Đạt đứng lên, vuốt mặt. Đột nhiên anh căm ghét tất cả. Tại sao người đau khổ lại là anh em Đạt? Và một lần nữa họ mất nhau, trong khi thủ phạm, cả kẻ chết và người sống đều an nhàn, vui sướng.
- Tôi không muốn gặp ông.
Đạt tuôn vào nhà, cùng lúc chiếc Mazda màu xám bạc dừng ngay khoảng sân trống. Ông Tiến Lợi bước ra quát:
- Đạt!
Anh dừng lại, quay đầu. Lòng chua chát tự nhủ: "Anh Hai nói đúng. Ta không thể nào, và bất cứ ai cũng không thể chống được sự áp đặt, hoặc những điều ông ta muốn".
- Chào ba.
- Tại sao nó bỏ đi? Từ lúc nào?
Ông Lợi ngồi ngay chiếc ghế đá, nóng nảy hỏi.
Đạt thản nhiên:
- Con rời nhà lúc hai giờ chiều, giờ mới về đến, ảnh đi khi nào, con không biết.
Ông Lợi hầm hừ:
- Nó bỏ đi phải có nguyên nhân, là ai?
- Con nghĩ, nguyên nhân đã có từ hơn mười năm rồi.
- Câm miệng! Tao không cần lời chỉ trích. Nó đã chịu ở đây, giờ bỏ đi, trách nhiệm thuộc về mày - Ông gào lên - Mày phải đem nó về cho tao.
Đạt hết chịu đựng nổi, anh bùng nổ:
- Ảnh không phải đồ vật, mà ba dùng sức, tiền là mua được. Ảnh không bao giờ quay về với ba và con sẽ không ép ảnh quay về dù là để sống với con.
Đạt lại trào nước mắt:
- Con không bao giờ bù đắp được những gì anh ấy phải chịu. Tội lỗi này con gánh trọn đời con. Ba đi đi.
Đạt đâm đầu chạy ra khỏi nhà. Ông Lợi gọi:
- Đạt! Đạt! Con đứng lại.
Đạt không nghe. Anh chạy mãi, trong mắt, trong tim không thấy gì ngoài đôi mắt màu mây vô hồn của anh trai và một trời lửa đỏ.
oOo
Thằng Lượm chưa làm được con diều cho bé Hậu vì một lẽ đơn giản, nó không có vật liệu để làm ra con diều, nên lời hứa vẫn chỉ là lời hứa.
Từ bữa hôm quỳ xơ mít tới giờ, hai đứa chẳng dám mon men đến gần khu nhà công nhân, càng không dám tới gần nhà ai quanh đó, chỉ đứng thật xa, nhìn đám trẻ trạc tuổi, đứa thả diều, đứa đánh tán, đứa rê banh ở khoảng đất trống gần lộ chính với vẻ thèm thuồng, cam chịu.
Hôm nay, như mọi ngày chủ nhật, kể từ lúc có việc làm, má tụi nó rời nhà từ sáng sớm. Thức ăn có sẵn từ hôm qua, tụi nó có quyền rong chơi đến giờ, quay ngửa trên bãi cỏ, nhìn những cánh diều bay lượn từ xa, thằng Lượm nghĩ ra một điều, nó vụt nhổm lên kéo con Hậu chạy ù.
Chạy một đỗi, con Hậu trì lại, hào hển:
- Chạy đi ...đâu vậy ...anh Lượm?
- Đi lượm lon với bịch nilông. Anh có tiền sẽ mua con diều nilông luôn cho em.
- Mà lượm ở đâu? - Con Hậu thì thào - Hồi đó má nói, bữa nay người ta không mua nữa mà.
- Còn, nhưng rẻ hơn thôi. Khu này mới mở, chắc chưa có ai tới lượm đâu. Lẹ lên em.
Thằng Lượm nói đại mà trúng. Hai anh em đi vòng vòng ngoài đường số 1, rẽ qua lối nhỏ hơn, qua dăm bảy lối rẽ, đã vác được cả bao lon bia, lon sữa và bịch nilông, kéo rê về. Hai đứa đi ngang qua con đường gần nhà và ngạc nhiên khi thấy một căn nhà mới toanh hiện ra ngay lối rẽ. Căn nhà xây tường mới, lợp bằng tôn cũ, với màu vàng mơ.
Căn nhà chiếm diện tích hai phần ba đất, phần còn lại là khoảng sân nền đất với hàng rào kẽm gai vừa được trồng quanh bằng hoa dâm bụt.
Ở ngay bên hàng rào, có người thanh niên ngồi xổm, mò mẫm cào đất, trồng những cây hoa hồng đủ màu.
Từ trong nhà, một đứa nhỏ trạc tuổi Lượm, kéo khoanh ống cao su dọc theo bờ rào, miệng liến thoắng:
- Chú Thành! Xong rồi. Ngon bá cháy luôn. Giờ cắm điện bơm nước nghen.
Người thanh niên lắc đầu:
- Đợi chú trồng xong đã. Tiến vô bê bịch rác ra đây dùm chú. Thật lạ, ông thợ xây nào cũng nhậu.
Chà! Một bịch to đùng, đầy những lon bia. Thằng Lượm liếm môi, lại gần nói:
- Cho tao, tao đổ rác dùm cho.
Thằng Tiến rành chuyện này sáu câu, nó tò mò nhìn hai anh em qua hàng rào hỏi:
- Tụi bây lượm lon hả? Ở đâu, sao hồi nào giờ tao hổng thấy tụi bây?
Bé Hậu chỉ tay qua lối rẽ, rụt rè nói:
- Em ở trong đó.
- Ở với ai?
- Dạ, với má và bà ngoại.
- Họ làm giống gì để tụi bây lượm lon? - Giọng thằng Tiến đầy vẻ hạch sách, tò mò lẫn quan tâm.
- Dạ, ngoại không đi được. Còn má ...làm phụ hồ.
Thằng Tiến chìa bịch lon. Thằng Lượm đỡ lấy định đi, người thanh niên đứng lên, gọi:
- Này cháu! Có muốn thăm nhà mới của chú không?
Thằng Lượm ngần ngừ. Anh mỉm cười nói vẻ dụ khị:
- Chú còn mấy lon nước ngọt, mình uống xong, cháu đem luôn lon về.
Con Hậu đang bíu cứng tay anh, nghe nước ngọt, mắt sáng lên, liếm môi, thì thào:
- Em uống Fanta.
Thằng Lượm gắt:
- Mày muốn quỳ xơ mít nữa hả? Nhớ má đã dặn gì không?
Như hiểu, người thanh niên tươi cười hướng đôi mắt khuất sau kính đen về hai đứa.
- Má dặn đừng xin và nhận thứ gì của ai. Đúng không? Nhưng đây là chú chân thành mời hai cháu mừng tân gia của chú bằng một ly nước ngọt thôi mà.
Thằng Lượm còn chưa quyết định, thằng Tiến đã đỡ bịch rác từ tay nó để xuống đất, nói:
- Mày hổng uống cũng cho con nhỏ uống chớ. Nó khát khô cả cổ họng kìa.
Vậy là anh em thằng Lượm làm khách đường hoàng bước chân vào ngôi nhà còn nồng mùi vôi mới.
Con Hậu có ngay lon Fanta và nó suýt thả rớt cái lon, khi người thanh niên gỡ kính để lên cái bàn gỗ nhỏ. Thằng Lượm chụp kịp, suỵt khẽ, người thanh niên nghe, liền nói:
- Chú tên Thành. Bị mù từ năm mười tám tuổi, do tai nạn. Đừng sợ. Giờ cho chú biết, hai cháu tên gì?
- Cháu tên Lượm, chín tuổi.
- Con tên Hậu, bảy tuổi.
Thành ngồi xuống bên Hậu, sờ lên tóc nó, vuốt nhẹ, hỏi:
- Hai đứa có đi học không?
- Dạ không - Con Hậu nói, chưa kịp nuốt ngụm nước ngọt, nó suýt sặc.
Thành vuốt ngực nó. Thằng Lượm liến láu:
- Nhưng tụi cháu biết đọc, biết viết hết trọi, chỉ có điều chưa biết viết lên vở thôi.
Nó hút một hơi coca, thở khà với vẻ khoái trá. Thành hướng về nó, hỏi:
- Vậy học bằng cách nào. Ai dạy?
- Dạ, má cháu dạy.
Và thằng Lượm kể Thành nghe cách học của anh em nó. Thằng Tiến trố mắt, nói:
- Trời! Sao mầy giống Trần Minh khố chuối đi học vậy.
Thằng Lượm thở ra, nói như cụ non:
- Tại bà ngoại tao bệnh hoài, một mình má tao đi phụ hồ, ngày hai chục ngàn, nuôi cả nhà, nên phải vậy thôi.
Thành nén tiếng thở dài, hỏi:
- Vậy hai đứa đi lượm lon, má biết không?
Thằng Lượm kể lể dài dòng:
- Hồi xưa, hoặc khi nào má cháu hổng có việc làm, thì má đi mua ve chai, còn tụi cháu đi lượm lon với bịch nilông. Giờ nghe nói, làm chỗ này việc nhiều lắm, ông chủ lại tốt, ngày nào cũng cho thợ phần ăn giữa buổi, nhà cháu ăn được ngày hai bữa, nên má hổng cho ai lượm lon nữa. Biểu ở nhà học toán.
- Vậy sao mày còn đi lượm lon? - Thằng Tiến hỏi vặn.
- Tại vầy.
Thằng Lượm kể chuyện bé Hậu quỳ xơ mít và lời hứa của nó, rồi nói:
- Mua xong con diều cho bé Hậu, tao vẫn đi lượm lon, có điều đi lúc rảnh thôi, và dấu má tao. Được nhiều tiền tao sẽ mua tập viết, để viết chữ đường hoàng.
Thằng Tiến nhìn anh em Lượm vẻ thương cảm lắm, nó chợt muốn kết bạn với hai đứa bằng cử chỉ đẹp.
- Tao nhiều tập vở lắm, năm rồi lãnh thưởng còn ối ở nhà. Tao với mầy "Đào Viên kết nghĩa" đi. Vậy của tao như của mày. Được không?
Thằng Lượm đâu biết Đào Viên kết nghĩa là cóc khô gì. Càng không hiểu lý lẽ "của tao như của mày" thằng Tiến nói. Những điều mẹ nó dạy, nó thuộc nằm lòng.
- Tao thích chơi với mày lắm, nhưng mẹ tao nói, thứ gì mình làm ra mới là của mình.
Con Hậu đã uống cạn lon Fanta, đứng lên xoa bụng rồi nói:
- Anh Lượm! Mình về nấu cơm.
Thằng Lượm nhìn bóng nắng, hết hồn đứng lên, nói:
- Chết rồi! Hổng kịp đi bán lon.
Thành hiểu, anh nói:
- Để đó chú giữ cho. Mai ghé lấy đem bán.
Hai anh em mừng rỡ, chào Thành rồi cắm cổ chạy về nhà. Thằng Tiến nhìn theo, tặc lưỡi:
- Trời! Tụi nó hổng nói, mình tưởng còn nhỏ chứ.
Thành cũng "thấy" được lúc sờ vào hai đứa. Cả hai bé choắt, gầy teo. Duy một điều Thành biết được, chúng dù nghèo đói, vẫn được mẹ chăm sóc và dạy dỗ đàng hoàng. Bộ quần áo bé Hậu đã có bốn mảnh vá, nhưng không hề có mùi hôi.
- Tiến nè! Chiều cháu đi học về ta cùng tới thăm nhà hai đứa nhé.
Thằng Tiến nhảy cẫng:
- Hoan hô.
Nhưng rồi nó gãi đầu:
- Trời! Còn đống lon của nó ề hề đây.
oOo
Thằng Tiến không đưa Thành đi tìm nhà anh em Lượm được, chỉ vì cơn mưa chiều bất chợt đến.
Lúc ấy, Nhân đi thăm nuôi chưa về. Chỉ còn mẹ Nhân và anh em thằng Lượm đối đầu với cơn mưa đầu mùa. Lúc mới mưa, hai đứa khoái lắm, được tắm thoả thích mà không cần đi mua nước gánh về. Rồi chúng lấy đủ thứ đồ dùng để hứng được nước, đổ vào đôi thùng thiếc.
Hứng nước đầy xong, hai đứa đã lạnh run, định đi thay đồ, chợt hoảng hồn thấy nước cứ ngập dần. Cả hai đâm bổ vào nhà, lay bà ngoại, nhưng bà đã mê man từ lúc nào.
Thật ra, mấy hôm nay, bà Hiền đau lắm. Bà rơi từ giàn giáo xuống, bị xe chở đá công trường cán nát hai chân. Vết thương đã lành, nhưng hậu quả là bà tàn tật suốt đời, lẫn những cơn đau triền miên khi trái gió trở trời.
Miệt bà đang ở, nhà nước chưa xây cống rảnh và chưa làm hệ thống cấp nước, nên phải đi mua nước về sinh hoạt và khi mưa, nước ngập rất nhanh.
Anh em thằng Lượm lay mãi, bà ngoại không tỉnh, biết là gay go. Mới mười tuổi đầu, nhưng thằng Lượm kinh nghiệm nhiều chuyện khó khăn rồi, nó không sợ hãi lắm, nói với con Hậu:
- Anh vác ngoại, mày che mưa, đem gửi bên kia nghe.
Con Hậu la:
- Không được. Ngoại không muốn ra ngoài đâu.
- Còn hơn để ngoại ngập nước sao. Đồ ngu!
Thằng Lượm khi quyết tâm thì nó như có sức mạnh thần kỳ, tấm thân gầy gò của nó cõng bà ngoại gọn ơ. Con Hậu trùm miếng ni-lông lên, thằng Lượm chệch choạng từng bước chân, lún sâu xuống đất nhão, đi qua lán công nhân xây dựng gọi vang.
- Mấy cô chú ơi! Cứu ngoại con với.
May cho nó, trong lán còn vài công nhân nghỉ ốm và chị cấp dưỡng đang vo gạo nấu cơm. Họ kinh ngạc khi đỡ tấm nilông, thấy một người đàn bà cụt hai chân sốt mê man. Thằng Lượm bệu bạo:
- Ngoại con bị đau mà nhà ngập nước, cho con gởi ngoại đợi má con về.
- Được. Được - Dấu vẻ thương cảm, chị cấp dưỡng đỡ bà Hiền để nằm xuống cái giường khuất gió. Chị lăng xăng quát gã công nhân đưa thuốc hạ sốt, quát lấy mền, lấy dầu xoa.
Hơi yên tâm, anh em thằng Lượm tuôn về nhà, nhưng không kịp rồi. Thùng cạc tông đựng áo quần và mền chiếu đều ngập nước. May mà hôm qua mẹ nó mua được cái thùng đạn mỹ đựng gạo. Hú hồn.
Vậy là trong mưa, hai đứa lấy áo quần thấm nước ra giặt lại nước sạch, vắt khô cho vào cái thau nhôm, thả nổi lình bình trong nước. Những thứ nào sức cả hai không giặt nổi thì túm chặt lại, cột vào cột nhà. Sau đó, hai đứa mới chạy qua bà ngoại.
Thấy cả hai lạnh tím người trong bộ đồ ướt sũng, chị cấp dưỡng quát:
- Sao hổng thay đồ?
- Dạ, quần áo ngập nước rồi - Lượm run cầm cập nói.
Chị cấp dưỡng kêu trời luôn miệng, mà biết làm sao. Anh công nhân nói:
- Lấy quần đùi tụi tui cho nó mặc đỡ đi, rồi lên giường trùm mền lại, để vậy nhiễm bệnh chết.
Hai đứa bị lột hết đồ, thay quần đùi với áo công nhân rộng thình, bị tộng lên giường. Lượm không chịu, nói:
- Cho con về giữ nhà.
Chị cấp dưỡng nạt liền:
- Nhà mày như bãi đồng nát, ai vô đó ăn trộm hử? Mày ngâm nước bị bệnh, má mày mới khổ đời đó.
Hai đứa chui vô mềm ấm, lập tức ngủ khì. Bà Hiền ngấm thuốc cũng hạ sốt. Chị cấp dưỡng nhìn ba bà cháu, cảm cảnh than:
- Đời thiệt bất công! Sinh chi con người khổ như vầy. Má nó tưởng gió thổi cũng bay, làm sao nuôi nổi chừng nấy con người?
Anh công nhân châm thuốc, lơ đãng:
- Nghe nói chị ta phụ hồ cho bên công trình một, chỗ ông Đăng.
Người công nhân nhìn qua căn nhà lều chìm dưới màn mưa, lắc đầu quầy quậy:
- Mình ở mấy tháng mà hổng biết trong nhà tới bốn người, thiệt là ...Cha! Hổng biết mấy cái cột tre với ba miếng tôn mục đó chịu nổi trận mưa rửa trời này không?
Rồi mưa cũng tạnh, Nhân về tới nhà, hốt hoảng gọi vang.
- Má ơi! Lượm ơi! Hậu ơi!
Chị cấp dưỡng chạy qua, nói:
- Ở bên này, chị ơi.
Nhân tất tả đi qua, nhẹ nhõm. Cảm ơn mọi người rối rít và dù không muốn, Nhân đành gởi tạm họ qua đêm, bởi vật dụng đều ướt sũng.
Đêm ấy, lót lòng bằng hai chén cơm đậu muối, Nhân thức trắng, gánh đất đổ nền cho cao hơn và dọn dẹp lại căn nhà, nhưng trông nhà không khá hơn tí nào sau cơn mưa.
Buổi sáng sớm, khi Nhân giăng đầy phơi mùng mền, áo quần xong, đám thợ xây dựng đến công trường, mấy cô cấp dưỡng đi chợ. Nhân bưng cháo qua, thấy mẹ đã thức, nhìn quanh ngơ ngác, bèn nói:
- Sao, má đau mà dấu con? May có mấy chị ở đây giúp đỡ. Nếu không, con biết làm sao?
Bà Hiền nín thinh, nói lảng:
- Hai đứa ngủ dữ. Gọi dậy thôi con.
Nhân tốc mềm, lay thằng Lượm và rụt tay hết hồn la:
- Thằng Lượm sốt dữ quá, má ơi.
Cả con Hậu, người cũng nóng như lửa. Nhân lật đật cõng mẹ về nhà, vét hết tiền cho vào túi, ghim lại, dặn mẹ:
- Cháo con nấu ăn luôn trưa, mẹ đói ăn đỡ, để con đưa hai đứa đi khám bệnh.
Nhân cõng thằng Lượm trên lưng, cột con Hậu trước bụng, lần dò đi ra lộ. Người chị đầm đìa mồ hôi, lê từng bước. Con đường bình thường giờ thành quá xa. Con Hậu lên cơn co giật, khiến Nhân sảng sốt, giữa đoạn đường đất vắng tanh, chị gào to:
- Cứu con tôi với. Cứu dùm với.
Tiếng la khiến người thanh niên đeo kính đen và đứa con trai đang lui cui khoá cổng ngẩng lên nhìn, chạy lại gần. Đứa con trai la:
- Anh em thằng Lượm, chú Thành ơi!
- Tụi nó sao? - Thành hỏi giật.
Nhân nức nở:
- Cứu ...cứu dùm con tôi.
Thằng Tiến đỡ con Hậu từ tay Nhân, nói nhanh:
- Tụi nó sốt dữ. Con Hậu co giật rồi.
- Lau nước mát cho nó - Thành ra lệnh.
Thằng Tiến nhúng khăn lau đại.
- Đem lau khô, thật khô, thay áo quần nhanh. - Thành nói.
Quần áo đâu mà thay? Thằng Tiến lấy khăn tắm của Thành đưa cho Nhân, chị quấn con Hậu kín bưng, mắt nhìn Thành đau đáu, trong khi thằng Tiến chạy ù ra nhà lấy đồ đứa em. Như thấy hết mọi việc, Thành nói:
- Giờ mình đứa cháu vô bệnh viện đi chị.
Nhân cõng thằng Lượm trở lại trên lưng, Thành đón bé Hậu, nói:
- Chị đi trước đi.
Thành đi sau Nhân, lắng nghe bước chân chị, đi theo không hề vấp. Qua tới nhà Tiến, nó ôm bộ đồ chạy theo, nói:
- Để cháu cõng bé Hậu cho. Má cháu gọi taxi rồi.
Mười phút sau, họ đến bệnh viện Trưng Vương. Thằng Lượm nằm cấp cứu để theo dõi. Con Hậu nhập viện ngay.
Nhân vét hết tiền trong túi chỉ đủ đóng viện phí ba ngày cho con Hậu. Thằng Tiến kề tai Thành thì thầm, anh nhìn chị từ tốn:
- Tôi có đem theo tiền. Chị cần cứ lấy tạm.
Đến giờ Nhân vẫn chưa tỉnh hồn. Chị rối rắm đến không hề tự hỏi vì sao Thành biết anh em Lượm. Chị như người máy, lấy tiền, đi mua thuốc, quanh quẩn mãi từ cấp cứu đến khoa nhi.
Quá trưa, hai đứa bớt sốt, tỉnh lại, kêu đói. Nhân sực nhớ, tặc lưỡi:
- Trời! Anh em bây làm má hết hồn. Cơm cháo gì cũng không nhớ.
Nói mới dứt câu, thằng Tiến lò dò xách cà mên vô, nháy mắt với thằng Lượm, nói:
- Chú Thành nói đem cháo cho hai đứa.
- Chú Thành! - Lượm bất ngờ.
Thằng Tiến liến láu kể chuyện xảy ra lúc sáng, rồi thao thao:
- Trời! Chú Thành hay bá chấy luôn. Cấp cứu rẹt rẹt, nếu không, con Hậu tiêu rồi.
Nhân đem cháo cho con Hậu, vừa đi, vừa nghĩ về Thành. Anh ta sao tốt quá vậy? Quen hai đứa con mình hồi nào? Vì sao cứ dấu cặp mắt sau cặp kính râm to thế?
Rồi Nhân cũng biết rõ, chị ái ngại lắm. Trời ơi! Người ta mù loà mà mình làm phiền quá thể.
Chị càng ngại hơn khi Thành ngồi mãi ở bệnh viện không về.
Trời tối dần, thằng Tiến đã về nhà. Nhân lo cho mẹ, cứ bồn chồn đi lại. Thành lắng nghe và nói:
- Có phải chị muốn về lo cho bác không? Nếu vậy, chị cứ đi, để hai đứa cho tôi.
Chẳng còn cách nào, Nhân lắp bắp cảm ơn Thành, tất tả đi. Thành gọi lại:
- Chị đừng sợ tốn kém, cứ đi honda ôm cho nhanh ...
Khi Nhân trở lại bệnh viện, đã thấy thằng Lượm nói chuyện với Thành như sáo. Thấy mẹ, Lượm khoe:
- Em đòi ăn thêm chén cháo, xong ngủ rồi. Bác sĩ nói, sốt cảm thôi, vài bữa sẽ khỏi.
Nhân thở phào, lén nhìn Thành, lòng tràn ngập sự mang ơn. Trái tim anh ấy không mù loà.
Ánh Mắt Trong Tim Ánh Mắt Trong Tim - Mỹ Hạnh Ánh Mắt Trong Tim