Số lần đọc/download: 4968 / 215
Cập nhật: 2016-06-17 07:57:22 +0700
Chương 5 -
T
rong khi đó Lilik ra xe mang đồ xuống. Chúng tôi mở chai Haig and Haig, rồi một chai Bordeaux hảo hạng cho Moricand (và cho cả chúng tôi), và khoái trá nhìn chai Pernod với chai Chartreuse mà anh ta còn nhớ đem theo, không khí sặc khói thuốc, trên sàn giấy dây vứt bừa bãi.
Leon cởi nút áo sơ mi lụa, hỏi: “Hoa sen mày còn xài được chứ? Chắc tao phải cho mày cái khác. Suốt băm sáu tiếng đồng hồ chưa được chợp mắt. Chúa ơi, được ngủ vài tiếng thì hay quá! À này, đêm nay cho tao ngủ được chứ? Không chừng hai đêm. Tao cần nói chuyện với mày. Chúng tao tính giúp mày làm ăn lớn. Chứ sống ăn mày thế này suốt đời đâu có được, phải không? Đừng nói gì cả, tao biết mày sắp nói gì... À mà các tranh thủy mặc của mày đâu cả rồi? Lấy tao xem nào! Mày biết tao chứ, tao có thể mua nửa tá mang đi. Nếu như xem được”.
Bỗng anh thấy Moricand đang phì phà một điếu Ma ní nhỏ.
Anh thốt: “Chứ thằng cha có mắc chứng gì? Nó ngậm cây cỏ thối ấy làm gì cho bẩn mồm? Chứ không phải mình vừa cho nó một mớ xì gà ngon là gì?
Moricand đỏ mặt bảo hắn để dành. Xì gà ngon quá không muốn hút ngay. Hắn cần được vuốt ve ít lâu rồi mới hút.
Leon hét: “Mẹ kiếp, nói thế mà nghe được! Bảo hắn là hiện giờ hắn ở Mỹ. Chúng ta đâu có phải lo ngày mai, phải không? Bảo hắn cứ hút hết đi tao về Los Angeles sẽ gửi cho hắn cả một hộp”. Anh quay đầu, hạ bớt giọng: “Chứ thằng chả nó lo cái gì không biết? Ở bên kia xưa nay nó chết đói à? Dù sao, cũng thây kệ nó. Này, tao nói bọn bay nghe một chuyện hài hước tao mới nghe đêm trước. Rồi mày dịch lại cho thằng chả nghe. Tao muốn xem thằng chả có cười không chớ”.
Vợ tôi toan dọn cơm, nhưng vô ích. Leon đã bắt đầu kể câu chuyện đùa của anh, chuyện tục, khiến Lilik cười ré lên như ngựa hí. Giữa câu chuyện, Leon ngưng lời, cắt một khoanh bánh, rót một ly rượu, cởi giày cởi tất, xâm một quả ô liu, và cứ thế. Moricand trố mắt nhìn anh. Đối với hắn đó là một mẫu người mới. Mẫu người Mỹ chính hiệu con nai mà! Tôi dám chắc hắn đang thú vị lắm. Thưởng thức ly Bordeaux, hắn liếm môi liếm mép. Món lachs ăn lạ miệng. Còn bánh ngô, hắn chưa từng thấy, chưa từng nếm. Tuyệt thú! Ausgezeichnet!
Lilik cười rũ rượi, nước mắt chảy dòng. Chuyện thú vị, lại chuyện tục, nên khó dịch.
Leon nói, “Thì đã sao? Chứ bộ bên xứ hắn người ta không xài cái ngôn ngữ này sao?”
Anh ngắm nhìn Moricand xâm thịt, nhắm rượu, phì phà điếu Havane to tướng.
“O.K. Bỏ câu chuyện đi. Hắn đang nhồi đầy bụng, thế cũng đủ rồi. À này, mà bảo hắn làm gì nhỉ?”
Tôi nói: “Thấy chiêm tinh chiêm tiếc gì ấy mà”.
“Hắn mà biết cái đếch mẹ gì. Chiêm tinh! Ai mà cần cái khỉ khô ấy? Bảo hắn hãy chiêm hắn đi cái đã... Ờ mà này, để tao cho hắn ngày sinh tháng đẻ của tao. Xem hắn giở nghề ngỗng gì”.
Tôi bảo Moricand biết. Hắn nói hắn chưa chuẩn bị. Nếu không sao, để hắn ngắm Leon thêm tí đã.
“Hắn bảo gì?”
“Hắn nói cho hắn khoái khẩu cái đã. Nhưng hắn biết rằng anh là loại phi thường”. Tôi nói ra thế để đỡ căng thẳng.
“Hắn nói đầy một mồm. Mày nói đúng lắm. Tao là loại phi thường, thằng nào ở vào địa vị tao đến phát điên. Mày bảo giùm tao với hắn rằng tao hiểu hắn lắm, nghe?” Đoạn quay nhìn thẳng Moricand, anh nói: “Sao rượu... vang đỏ đó? Ngon chứ hả?
Moricand đáp: “Tuyệt?” Hắn có biết người ta xỏ xiên gì hắn ngay mũi hắn đâu.
Leon nói: “Sư anh, nhất định phải tuyệt. Thằng này mua mà lại. Chỉ nhìn qua thằng này đủ biết cái gì ngon dở”.
Anh ngắm nhìn Moricand như thể hắn là một con rái cá làm trò vậy, đoạn quay bảo tôi: “Ngoài nhìn sao ra thằng chả có gì làm khác không?” Với cái nhìn trách móc, anh nói thêm: “Tao chắc thằng chả không thích gì hơn là ngồi gãi háng suốt ngày. Sao mày không bắt thằng chả làm việc? Bắt hắn cuốc vườn, trồng rau, xới cỏ. Hắn cần phải làm. Tao biết rõ mấy cái thằng chó đẻ này. Chúng như nhau hết à”.
Vợ tôi tỏ vẻ khó chịu. Nàng không muốn làm mất lòng Moricand.
Nàng bảo Leon: “ở phòng anh ấy có cái chắc anh xem phải thích”.
Lilik nói, “Ừ, Leon à, đúng sở thích của anh”.
“Mấy người định chơi khăm tôi phải không? Chứ cái gì mà bí mật ghê thế? Đốt mấy người đi!”
Chúng tôi nói ra. Kể cũng lạ, Leon hầu như chả buồn quan tâm.
Anh nói: “Thứ đó Hollywood thiếu quái gì. Chứ mấy người muốn tôi làm gì - thủ dâm chắc?”
Buổi chiều trôi qua. Moricand lui về phòng. Leon đưa chúng tôi ra xem chiếc xe anh mới tậu, có thể chạy trăm rưỡi cây như chơi, trên chả cứ đường thẳng. Bỗng anh nhớ có mấy món đồ chơi cho Val để đàng sau xe. Vừa thò tay trong thùng xe, anh nói: “Thằng Bufano dạo này đâu nhỉ?”
“Đi Ấn thì phải”.
Anh cười khì: “Lại đi thăm Nehru hẳn! Tao chịu không hiểu nổi làm sao cái thằng ấy nó đi khắp mà không có lấy một xu dính túi mà đi được. À mà dạo này, chúng mày làm gì ra tiền?”
Nói đoạn anh thọc tay vào túi quần, lôi ra một xấp giấy xanh có kẹp, rút ra vài ghim.
Đặt tiền vào tay tôi, anh nói: “Này, cầm lấy. Trước khi đi thế nào tao chả nợ mày”.
Bỗng anh lại hỏi: “Mày có gì hay đọc không? Tao thích cuốn Giono mày cho tao mượn nhớ không? Thế còn thằng cha Cendrars mà mày không ngớt vãi ra quần thì sao? Đã có cái gì của hắn được dịch chưa?” Anh vứt nửa điếu Havane hút dở, lấy gót chân xéo lên, và thắp điếu khác. “Mày tưởng tao không bao giờ đọc sách hẳn. Mày lầm, tao đọc dữ lắm... Một ngày kia mày sẽ viết cho tao một truyện phim - và mày sẽ có nhiều xìn. Nhân tiện” - anh hất ngón tay cái về phía phòng Moricand - “thằng chó nó rút ruột mày phải không? Mày khờ quá. Mày làm sao mà mắc bẫy?”
Tôi bảo anh câu chuyện dài lắm... để khi khác nói.
“Còn các bức vẽ của hắn thế nào? Tao có nên xem không? Chắc hắn cần bán chứ? Tao mua vài bức cũng chẳng sao - nếu giúp được chúng mày đỡ... Khoan đã, để tao đi làm một ly cái đã”.
Khi anh trở lại, miệng anh đã ngậm một điếu xì-gà mới rồi. Trông anh đỏ ửng.
Anh nói, mặt mày hớn hở: “Không gì bằng một ly rượu ngon. Nào ta hãy đi thăm cái thằng buồn chảy ấy. Mày gọi cho tao thằng Lilik, được không? Trước khi quyết định làm gì tao muốn biết ý kiến nó”.
Vừa bước vào phòng Moricand, Leon khụt khịt mũi. Anh kêu: “Trời đất quỷ thần ơi, bảo hắn mở một cánh cửa sổ coi!”
“Không được đâu, anh Leon. Hắn sợ trúng gió”.
“Thảo nào, chả trách hắn than rầm trời. O.K. Hình hiếc của hắn đâu, bảo hắn bày ra xem - và lẹ lẹ coi? Ngồi đây thêm mười phút nữa tao chết ngạt mất”.
Moricand từ từ lấy chiếc cặp xinh xắn của hắn ra. Hắn cẩn thận đặt xuống trước mặt hắn, đoạn bình thản châm một điếu gauloises xanh.
Leon nói: “Tao xin mày bảo nó quăng thuốc đi”. Anh móc túi lấy một bao Chesterfield và rút một điếu đưa cho Moricand. Moricand nhã nhặn từ chối, nói hắn không hạp thuốc lá Mỹ.
Leon nói: “Đồ ngốc! Thì này!” Anh đưa Moricand một điếu xì-gà to.
Moricand từ chối. Hắn giơ điếu thuốc lá Pháp khét lẹt của hắn lên và nói: “Tôi thích thứ này hơn”.
Leon nói: “Nếu vậy thì đ.m...! Bảo nó làm gì thì làm đi. Không lẽ ngồi cả buổi trong cái mồ này sao”.
Nhưng Moricand đâu phải giục mà được. Hắn có cái lối trình bày riêng các tác phẩm của hắn. Hắn không cho ai được sờ vào các bức vẽ. Hắn giơ ra trước hắn, chậm rãi giở từng trang một, giống như thể là giấy cổ phải dùng bàn xẻng xúc nhẹ. Thỉnh thoảng hắn lại rút chiếc khăn lụa ở túi ngực ra lau mồ hôi tay.
Đây là lần đầu tiên tôi được thấy công trình của hắn. Tôi phải thú thật là nhìn các bức vẽ tôi muốn lợm mửa. Toàn là những cái thác loạn, bạo dâm, phạm thánh. Nào những con quỷ dâm dật hãm hiếp trẻ con, nào các gái đồng trinh làm đủ chuyện thông dâm, nào các nữ tu dùng các thánh vật để thỏa mãn thú tính... nào là hành xác, tra khảo, chặt chân tay, nào là những cảnh xâu xé thịt người, và như thế. Nét vẽ tế nhị mẫn cảm lại càng làm cho người xem ghê tởm.
Đến Leon cũng phải sửng sốt. Anh quay nhìn Lilik hỏi ý kiến. Hỏi xem lại một vài tấm.
Anh nói: “Thằng chó chết biết vẽ đấy chứ nhỉ”.
Lilik chỉ vài bức mà anh cho là đặc biệt.
Leon nói: “Tao lấy. Bao nhiêu?”
Moricand ra giá. Một cái giá đắt, ngay cả với một khách hàng Mỹ.
Leon nói: “Bảo hắn gói lại. Kể ra thì không đáng giá, nhưng tao lấy. Tao biết thế nào cũng có người sẵn sàng mua lại”.
Anh móc ví, đếm tiền thật nhanh, đoạn bỏ lại vào túi.
Anh nói: “Phải giữ tiền để tiêu. Bảo hắn về đến nhà tao gửi ngân phiếu cho hắn... nếu hắn tin tao”.
Lúc này Moricand hình như đổi ý. Hắn nói hắn không muốn bán riêng rẽ. Mua hết không thì thôi. Hắn ra giá cho cả tập. Một giá như nhát búa.
Leon thốt: “Bộ hắn điên. Để hắn ôm lấy mà thờ”.
Tôi bảo Moricand rằng Leon còn nghĩ lại xem đã.
Moricand nhìn tôi cười tinh quái và nói: Okay. Tôi biết rằng trong óc hắn, hắn cho là cá đã cắn câu. Hắn cầm chắc trong tay. Khi chúng tôi lui gót hắn còn lập lại: “Okay”
Vừa xuống thang, Leon vừa nói: “Nếu thằng chó chết hắn khôn lanh hắn cứ việc để tao sách chiếc cặp mang đi khắp, thế nào tao cũng kiếm được gấp đôi giá. Dĩ nhiên tranh có thể bẩn. Cái thằng chó đẻ nó mới tủn mủn chứ!” Anh hích tôi một cái thật mạnh. “Làm bẩn đồ bẩn thỉu đó cũng lôi thôi đấy chứ nhỉ?”
Xuống hết bậc thang anh ngưng một lúc, nắm cánh tay tôi.
“Mày biết cái thằng cha ấy làm sao không? Nó bệnh hoạn mà”.
Anh đưa ngón tay chỉ lên sọ.
Anh nói thêm: “Khi nào tống khứ được hắn đi rồi, mày nhớ tẩy sạch căn phòng”.
Cách đó vài đêm sau, khi ngồi ăn, chúng tôi dần dà nói đến vấn đề chiến tranh. Moricand đang lúc hào hứng nên chỉ lăm le kể lại những cái ba chìm bảy nổi của mình. Tôi cũng không hiểu tại sao trước đây chúng tôi lại không đả động đến chuyện này. Đành rằng trong thư từ hắn viết cho tôi từ Thụy Sĩ hắn cũng có nói sơ qua về những gì xảy ra từ cái đêm chúng tôi chia tay nhau vào tháng Sáu, 1939. Nhưng tôi cũng chẳng nhớ được bao lăm. Tôi được biết hắn gia nhập đội Lê-dương một lần nữa, chẳng phải vì lòng ái quốc mà để còn được sống sót. Vì hắn còn cách nào khác để có cơm ăn chốn ở? Dĩ nhiên nó ở Lê-dương cũng chỉ được vài tháng, vì không chịu nổi các khắt khe của đời sống ấy. Bị giải ngũ, hắn trở lại cái gác xép tại khách sạn Modial, dĩ nhiên lại càng tuyệt vọng hơn khi nào hết. Khi hắn ở Ba-lê thì quân Đức kéo vào. Sự hiện diện của quân Đức không làm hắn bận tâm bằng sự khiếm diện của thực phẩm. Cùng kế, hắn gặp được một anh bạn cũ hiện giữ một chức vụ quan trọng tại Đài phát thanh Ba-Lê. Anh bạn dùng hắn. Hắn có tiền, có ăn, có thuốc. Một việc làm bỉ ổi, nhưng... dù sao, giờ đây anh bạn đang nằm tù. Tội cộng tác với địch, hẳn nhiên rồi.
Đêm nay, hắn ôn lại cả cái thời kỳ ấy, và rất tỉ mỉ. Như thể hắn cảm thấy cần phải trút hết nỗi lòng. Thỉnh thoảng tôi cũng không theo kịp. Vốn không bao giờ quan tâm đến chính trị, đến thù hằn, đến thủ đoạn, đến tranh chấp, tôi không còn hiểu mô tê gì khi đến cái giai đoạn ác liệt theo lời hắn là người Đức buộc hắn phải sang Đức. (Họ còn chọn cho hắn một bà vợ nữa là khác). Đến đây câu chuyện bỗng rối tung. Tôi không còn rõ tại sao một anh mật vụ Đức lại dí súng vào lưng hắn. Dù sao cũng là cả một cơn ác mộng vừa phi lí vừa khủng khiếp. Hắn có làm cho người Đức hay không - có bao giờ hắn cho biết rõ ràng cái vị trí của hắn đâu - tôi cũng chẳng bận tâm. Nếu hắn cứ điềm nhiên bảo tôi là hắn từng phản quốc tôi cũng chẳng bảo sao. Có điều tôi tò mò muốn biết - là làm cách nào mà hắn thoát được cả mớ bòng bong ấy? Làm cách nào hắn thoát được mà không sứt mình sứt mẩy?
Tôi sực để ý là hắn đang kể tôi nghe hắn trốn thoát ra sao. Lúc ấy không còn ở Đức, mà ở Pháp... hay Bỉ hay Lục Xâm Bảo gì đó? Hắn đang mò về hướng biên giới Thụy Sĩ. Tay lết hai chiếc va-li nặng hàng bao ngày, bao tuần. Có hôm hắn kẹt giữa quân đội Pháp và quân đội Đức, hôm sau kẹt giữa quân đội Mỹ và quân đội Đức. Đôi khi băng qua khu trung lập, đôi khi là khu phi chiến. Đi đâu thì cũng vẫn chỉ một chuyện: không có, không nơi trọ, không ai giúp đỡ. Phải làm mình đau ốm mới được chút cơm thừa canh cặn, mới có chỗ ghé lưng, và cứ thế. Thế rồi hắn ốm thực. Mỗi tay một chiếc vali, hắn lê bước khắp nơi, vừa phần sốt run lập cập, vừa phần đói khát, choáng váng, xây xẩm mặt mày tuyệt vọng. Đại bác nổ rền mà hắn vẫn nghe ruột gan hắn cồn cào lạo xạo. Trên đầu đạn bay vèo vèo, khắp nơi xác chết thối nằm chất đống, các bệnh viện ngập người, cây cối trơ trụi, nhà cửa tan hoang, dọc đường toàn những kẻ không nhà, đau ốm, què quặt, thương tích, bị bỏ rơi, vô thừa nhận. Thân ai kẻ ấy lo! Chiến tranh! Chiến tranh! Và giữa đám người ấy, hắn đang quờ quạng: một công dân Thụy Sĩ trung lập với một tờ thông hành và một cái bụng lép kẹp. Thỉnh thoảng một anh lính Mỹ vứt cho điếu thuốc. Nhưng thiếu phấn Yardley. Thiếu giấy vệ sinh. Thiếu xà phòng thơm. Và vì thế hắn mắc bệnh ngứa. Không những ngứa, mà còn chấy rận, mà còn hoại huyết.
Có tất cả sáu mươi chín quân đội chiến đấu quanh hắn. Hình như họ không quan tâm đến sự an toàn của hắn. Nhưng chiến tranh rõ ràng sắp kết liễu. Xong rồi nhưng còn tảo thanh. Chả ai biết tại sao mình chiến đấu và chiến đấu cho ai. Quân Đức kiệt lực, nhưng vẫn nhất định không hàng. Đồ ngu. Ngu bỏ mẹ. Thật ra, ai cũng kiệt lực cả, trừ bọn Mỹ. Bọn Mỹ ngây ngô đến đâu phè phỡn đấy, bạc đà đầy nghẹt thức ngon, túi chật ních thuốc lá, kẹo cao su, rượu, lúc lắc, thôi thì đủ thứ. Những chiến sĩ mang đồng phục lương cao nhất xưa nay. Tiền để đốt thì có, còn để mua bán gì thì không. Chỉ mong sao đến Ba Lê, mong sao có dịp hiếp dâm các cô gái Pháp lẳng lơ hoặc các mệ già nếu như thiếu gái. Và khi tiến đi thì đốt rác-trước con mắt thất đảm sững sờ của những dân đói. Lệnh truyền. Nhổ trại! Gập hết! Tiến, tiến... tiến tới Ba Lê! Tiến tới Bá Linh! Tiến tới Mạc Tư Khoa! Mặc sức càn quét, mặc sức say sưa, mặc sức hãm hiếp. Nếu không được, thì ỉa lên! Nhưng đừng kêu rên! Đi tới, tiến tới, tiến lên! Gần tới đích rồi. Thấy chiến thắng rồi. Thượng cờ lên! Hoan hô! Hoan hô! Thây kệ tướng lãnh, thây kệ đô đốc! Xông bừa tới! Đời người dễ có mấy lần!
Thật là khoái tỉ! Thật là bừa bãi bẩn thỉu! Thật là cuồng loạn ghê tởm!
(“Tôi là Tướng Thế-thế chịu trách nhiệm về cái chết của hằng bao kẻ thân yêu của quí vị!”)
Như một bóng ma, anh bạn Moricand của chúng ta, giờ đây óc rỗng bụng không, mò mẫm dọ đường, lẩn lút như chuột giữa các đạo quân đối chiến, bao vòng họ, sát nách họ, đánh lừa họ, đâm đầu vào họ, sợ quá khi nói tiếng Anh đúng giọng, khi nói tiếng Đức, khi nói bừa nói đại, bất cứ cái gì miễn sao thoát thân, miễn sao qua lọt. Nhưng lúc nào cũng khư khư hai chiếc va-li bên mình, giờ đây nặng hàng tấn, lúc nào cũng nhắm về hướng ranh giới Thụy Sĩ, dù phải vòng vo, phải lắt léo, phải lộn đi lộn lại, đôi khi phải bò bốn cẳng, đôi khi đi thẳng, đôi khi nghẹt thở dưới xe phân, đôi khi nhảy choi choi như mắc chứng giật gân. Luôn luôn tiến tới, trừ khi bị đẩy lui. Sau cùng cũng đến được biên giới, để thấy được biên giới bị phong tỏa. Lại trở gót. Lại trở lại khởi điểm. Giữa hai hỏa lực lại bị tháo dạ. Sốt rét, rồi lại sốt rét. Tra vấn. Chủng ngừa. Tản cư. Lại đụng độ với những đạo quân khác. Chiến tuyến khác. Điều động khác. Chiến thắng khác. Triệt thoái khác. Dĩ nhiên lại thêm nhiều thương vong. Thêm nhiều diều hâu. Thêm nhiều luồng gió thối.
Tuy nhiên lúc nào cũng khư khư ôm chặt lấy tờ thông hành Thụy Sĩ, lấy hai chiếc vali, lấy chút minh mẫn mỏng manh còn lại, lấy tia hi vọng, tuyệt vọng ở tự do.
“Trong vali có những gì mà anh quí đến thế?”
Hắn đáp: “Tất cả những gì tôi quí nhất”.
“Cái gì chẳng hạn?”
“Sách, nhật ký, những gì tôi viết, những....”
Tôi nhìn hắn sửng sốt.
“Trời đất thiên địa! Anh bảo là những...”
Hắn nói: “Ừ, những sách, những giấy tờ, lá số, những gì trích ở Plotinus, Iamblichus, Claude Saint-Martin...”
Tôi không sao nhịn được, tôi bật cười. Tôi cười là cười. Tôi cười tưởng không muốn dứt.
Hắn phật ý. Tôi xin lỗi.
Tôi nói: “Anh lết tất cả các của nợ ấy đi khắp như kéo một con voi, bất chấp rằng anh có thể mất mạng vì chúng?”
“Người ta không thể vứt bỏ tất cả những gì người ta quí báu khơi khơi như vậy!”
Tôi nói: “Tôi thì tôi vứt!”
“Nhưng cả đời sống tôi là gắn liền với các của nợ đấy”.