Số lần đọc/download: 2344 / 59
Cập nhật: 2015-08-15 08:04:27 +0700
Chương 3: Biên Giới Đẫm Máu
S
au 5 năm xa cách, Văn Bình lại đặt chân lên tỉnh đảo Hồng-Kông. Đối với chàng, Hồng-Kông là một trong những nơi lưu lại nhiều kỷ niệm nhất. Đúng ra trong 5 năm qua, chàng đã tới phi trường Kai-Tak nhiều lần, và nhiều lần chàng đã thức trắng đêm bên chai rượu huýt-ky và người đẹp giải sầu ở Kowloon thơ mộng, song đây là lần đầu chàng trở lại tình đảo Hồng-Kông theo mệnh lệnh công tác của ông Hoàng.
5 năm trước… Ba giai nhân, Nancy, Bét-ty và Y-von lần lượt tử nạn vì chàng. Lòng tràn đầy hối hận, điệp viên Z.28 bỏ Sở, róc tóc, mặc áo cà-sa, gắng quên tục lụy trong ngôi chùa cổ hoang vu gần Thát-luông, Vạn-tượng, song định mạng oái oăm đã lôi chàng quay lại, khi Thu Thu bị sa vào tay địch dọc biên giới Lào quốc, và oái ăm hơn nữa là địch chẳng phải ai xa lạ: địch là Timôsenkô, chồng của Suzy, người đẹp Phù Tang trước kia là tình nhân khắn khít của chàng.
Văn Bình đinh ninh không phải hoạt động ở Hồng-kông nữa. Ông Hoàng cũng đã tế nhị, tìm cách tránh cho điệp viên Z.28 khỏi phải sống giữa những kỷ niệm đau buồn. Nhưng rồi định mạng éo le lại một lần nữa đưa chàng về một nơi mà chàng muốn lánh xa.
Chàng muốn báo tin cho ông tổng giám đốc biết song không kịp nữa. Mẫu giấy giấu trong cái lược vàng mà Yên Hà trao cho chàng đòi hỏi chàng phải có mặt tại Hồng-kông đúng 24 giờ sau. Sở có nhân viên đặc biệt ở Macao nhưng chàng không biết tên và biết mặt.
Phương tiện duy nhất của Văn Bình là gã bồi liến láu của lữ quán Bela Vista….
Nhưng chàng không thể nào gặp hắn được nữa.
Sau khi Yên Hà chết, chàng lẳng lặng về khách sạn. Đến gần cửa phòng, chàng đụng gã bồi quen thuộc.
Thấy chàng, hắn có vẻ sửng sốt. Tuy nhiên, vẻ sửng sốt này chỉ thoáng qua rồi tan biến. Văn Bình mỉm cười:
- Chào anh.
Hắn lí nhí:
- Thưa, ông mới về….
Vừa nói, hắn vừa quày quả định đi nhưng Văn Bình đã gọi giật lại, giọng khô khan:
- Thong thả, tôi có chuyện cần nói với anh.
Gã bồi đưa tay lên trời:
- Thưa, tôi đang bận… Nếu ông cho phép, đúng nửa giờ nữa, tôi xin gặp ông.
Văn Bình lắc đầu:
- Tôi cũng đang bận, và có lẽ còn bận hơn anh rất nhiều. Vả lại, tôi cũng chỉ nói chuyện với anh lần này nữa mà thôi.
Lời nói của Văn Bình như cái đinh đóng chặt gã bồi vào tường. Hắn còn băn khoăn, chưa định xử trí ra sao thì Văn Bình đã xô cửa, kéo hắn theo. Như cái gối bông, hắn chúi xuống ghế xa-lông, mặt xanh như tràm đổ. Có lẽ hắn đã đoán biết sự thật.
Văn Bình trợn mắt:
- Anh kinh ngạc là đúng. Vì anh không thể nào ngờ được tôi còn sống mà về đây.
Gã bồi đáp như máy:
- Vâng… tôi không ngờ….
- Không ngờ nên mới mất mạng, nghe chưa? Anh bán tôi cho người ta lấy bao nhiêu?
- Tôi lạy ông.
- Bao nhiêu?
- Thưa, người ta bắt buộc tôi…
- Tôi biết… Không phải bây giờ mới biết… Mà là biết trước khi tới Macao gặp anh. Một phần gia đình anh còn sống tại Trung Hoa lục địa, lẽ ra anh không được ông Hoàng thu dụng làm mật báo viên. Anh cần hiểu rằng ông Hoàng đã kết nạp anh vào tổ chức một cách cố ý. Từ lâu, Tình Báo Sở Bắc-kinh lập danh sách Hoa kiều hải ngoại có thân bằng quyến thuộc ở sau bức màn tre, và dĩ nhiên là họ không quên ghi tên anh… Tôi không kết tội anh dầu anh là nhân viên hai mang….
- Vâng, tôi xin thâm tạ lòng nhân từ của ông. Nếu ông tha chết, tôi xin mang thân khuyển mã ra đến đáp….
Văn Bình không phải là người dễ xúc động. Khi cần, chàng có thể xuống tay hạ sát những người đàn bà đẹp nhứt làm tay sai cho tình báo địch. Đối với chàng, gã bồi của lữ quán Bela Vista không có giá trị bằng con kiến, chàng muốn đè bẹp đi lúc nào cũng được.
Song chàng chưa thể giết hắn. Chàng phải để hắn sống để lôi đối phương vào xiếc. Chàng cần am tường một vài chi tiết cần thiết.
- Anh báo tin cho họ biết là tôi rời khách sạn để tiếp xúc nhân viên bí mật phải không?
Chàng hỏi gã bồi bằng giọng ôn tồn. Hắn đáp rụt rè:
- Thưa phải.
- Báo tin cho ai?
- Thưa, tôi không biết tên và biết mặt. Theo chỉ thị, tôi gọi điện thoại cho một số định trước. Lạy ông… vì thương cha, thương mẹ còn bị kẹt ở Quảng Châu nên tôi làm bậy. Quả thật, tôi không hề có ý định hại ông… Xin ông tha tội….
- Anh đừng lạy lục nữa, tôi đã đồng ý bỏ qua rồi. Anh gọi giây nói cho họ và họ dặn anh ra sao?
Gã bồi nhìn đồng hồ tay:
- Thưa, họ dặn tôi chờ ở khách sạn. Lát nữa, đúng 7 giờ, tôi sẽ gặp cán bộ Tình Báo Sở ở ngoài cửa.
Văn Bình đặt bàn tay lên vai gã bồi:
- Để làm gì?
Hắn chắp tay, dáng điệu van lơn:
- Thưa ông, họ hẹn trả tiền. Tùy lượng ông… nếu ông phản đối, tôi sẽ không đến nơi hẹn.
- Họ sẽ bỏ tù cha mẹ anh.
- Thôi thì tôi cũng liều.
Văn Bình cười mỉm:
- Tôi không phản đối đâu. Anh cứ tới gặp họ.
Lẽ ra chàng phải nói "tôi rất thương hại anh, anh là thằng đàn ông ngây thơ và ngu ngốc nhất thế giới, anh đừng vác mặt tới chỗ hẹn là hơn, vì như vậy là tự mang thân vào hang cọp dữ…" Chàng nhìn gã bồi một giây đồng hồ. Suýt nữa chàng đã nói rõ cho hắn biết. Song nghĩ đến sứ mạng, nghĩ đến công việc tối hệ đang chờ chàng ở Hồng-kông, chàng đành nín lặng.
Chàng thản nhiên hút Salem rời lữ quán Bela Vista.
Nhưng chỉ 10 phút sau chàng quay lại. Bóng tối đã phủ kín thành phố Macao chứa đầy bí mật.
Qua màn sương, chàng nhận thấy bóng gã bồi trong khung cửa lữ quán rực rỡ ánh đèn. Hắn ngần ngừ một phút, mắt dáo dác nhìn tứ phía. Có lẽ khi ấy hắn bắt đầu thấm sợ.
Núp sau thân cây đa to lớn, Văn Bình hy vọng gã bồi trở vào khách sạn. Tự nhiên một niềm trắc ẩn vô biên dâng ngập lòng chàng. Từ ngày nghề điệp báo xuất hiện, hàng ngàn hàng vạn người dại dột như gã bồi khả ái này đã lao đầu vào cạm bẫy một cách tin tưởng và lạc quan. Giá gã bồi được huấn luyện những bài học sơ đẵng về nghề nghiệp thì đêm nay một mạng người được cứu thoát….
Nhưng….
Gã bồi cứ lùi lũi đi ngược đường phố.
Hắn đi không được bao xa thì phải ngừng lại. Tội nghiệp! Hắn không có may mắn được gặp nhân viên của Tình Báo Sở để lãnh tiền và nghe những lời khen ngợi nồng nhiệt.
Vì một lưỡi dao sáng loáng đã bay qua màn tối cắm ngập vào yết hầu…
Gã bồi khôi ngô ngã vật xuống nền hè ướt át, không kịp kêu một tiếng.
Văn Bình nhún vai ném điếu thuốc cháy dở xuống đường, dí đế giày lên trên rồi gọi xe ra bến tàu.
Thường lệ, mổi lần từ Hồng-kông đi Macao hoặc ngược lại, Văn Bình đều đáp đò máy. Chàng khoái nhất chiếc Takshing, một trong ba chiếc phà cao tầng, đầy đủ tiện nghi và chạy rất đúng giờ. Từ Cảng Thơm tới địa ngục của thần đổ bác phải mất ba giờ. Ba giờ đồng hồ thần tiên, lênh đênh trên vịnh Deep Bay, quyện nước sông Châu Giang thành màu nâu, giữa hằng hà sa số ghe thuyền.
Tuy nhiên, đêm nay chàng lại về Hồng-kông bằng thủy phi cơ. Sau 20 phút, chàng đã tới bến.
Thế là sau 5 năm xa cách, Văn Bình lại đặt chân lên tình đảo Hồng-kông.
Lúc ánh đèn Hồng-kông lập lòe trước mặt là lúc chàng nhớ Macao kinh khủng. Chàng có cảm tưởng một phần đời chàng còn bị giữ lại Macao.
Xưa kia, mỗi khi chán chường, Văn Bình nẩy ra ý định đi Macao, làm nghề buôn vàng lậu. Vì ngoài kỹ nghệ cờ bạc, Macao còn là nơi mà kỹ nghệ buôn vàng lậu và thuốc phiện lậu bành trướng đến cực độ. Macao còn là sào huyệt của dân anh chị tứ chiến. Tàn quân của các hội kín hoạt động ở Hoa-Lục trước ngày Mao Trạch Đông nắm chính quyền thường dùng Macao làm tổng hành doanh. Chỉ sau một thời gian ngắn, Văn Bình có thể trở thành Foo Tak Yam, hoàng đế của thần đổ bác Macao…
Giờ đây, chàng lại chán chường vô tả. Chàng bỗng nhớ lại quán ăn Macao Inn trên đại lộ Cộng Hòa, gần tư thất tráng lệ của Foo Tak Yam, nơi chàng ăn gà Phi châu nấu trong nước dừa với Yên Hà, và cùng uống rượu vang Bồ-đào-nha trộn với huýt-ky.
Yên Hà… giờ đây nàng đã thành người thiên cổ….
Văn Bình thở dài. Đêm nay, chàng sẽ ngủ tại lữ quán Mandarin tại đường Connaught road. Trước kia tới Mandarin, chàng thường lên hồ tắm vùng vẫy hàng giờ. Đêm nay, tuy cơ thể mệt mỏi cần được xoa nắn, Văn Bình lại chẳng thích gì hết.
Chép miệng, chàng gọi điện thoại cho Hoàng Dung, đệ tam tham vụ lãnh sự quán Việt-Nam.
Hoàng Dung chẳng phải là người xa lạ đối với chàng. 5 năm trước, công tác tại Hồng-kông, chàng đã gọi điện thoại cho Hoàng Dung, cũng như đêm nay.
Đêm ấy, chàng ra lệnh cho Hoàng Dung trao ngay năm ngàn đô-la cho Rôdi, em ruột của cô gái nuốt lửa Nancy, và 10 ngàn đô-la khác cho bé Hồng, con gái của Y-von. Nancy và Y-von đã chết. Và chàng nhờ Hoàng Dung trình về với ông Hoàng là "trời đã tối rồi…"
"Trời đã tối rồi…"
"Trời đã tối rồi…" là ám ngữ có nghĩa là "vĩnh biệt". Chàng vĩnh biệt ông Hoàng, vĩnh biệt cuộc sống vào sinh ra tử để trở thành tu sĩ Phật giáo. Nhưng chỉ một thời gian sau, chàng phải trút bỏ bộ y vàng để lăn vào gió bụi 1. Văn Bình lại chép miệng.
Giọng nói quen thuộc của đệ tam tham vụ Hoàng Dung ngân vang ở cuối đường dây. Thời gian quan hắn vẫn còn giọng nói thánh thót như cô gái 18 giả trai.
Văn Bình nói:
- Ông Hoàng Dung phải không?
Có tiếng đáp:
- Vâng, Hoàng Dung đây, tôi xin nghe.
Theo nguyên tắc, Văn Bình phải nói mật ngữ. Song chàng lại nói bằng giọng úp mở:
- Giờ này anh chưa ngủ ư? Thế nào? Anh Hoàng Dung, anh nhận ra tôi không?
Hoàng Dung đáp ngay, không nghĩ:
- Trời đất quỷ thần ôi, té ra anh! Ông cụ ra lệnh cho tôi từ hai hôm nay. Báo hại tôi chẳng dám đi đâu hết, ban ngày thì ru rú trong lãnh sự quán, còn ban đêm phải đóng đô thường trực trong khách sạn, thậm chí đến giấc ngủ cũng không dám say sưa nữa.
- Cám ơn anh. Không ngờ anh còn nhớ tôi.
- Trời đất quỷ thần ôi, tôi quên anh sao được. Chắc hẳn xuống dưới mồ tôi vẫn nhớ, 5 năm trước, chỉ vì mấy tiếng "trời đã tối rồi…" của anh mà tôi mất ăn mất ngủ luôn mấy tháng trường.
- Ông Hoàng trù ếm phải không?
- Không. Ông cụ chỉ gọi tôi về Sàigòn để báo cáo tự sự. Sau khi hiểu nghĩa "trời đã tối rồi…" là "vĩnh biệt" là anh đã tự ý từ chức, tôi giật mình, tay chân run lẩy bẩy trong văn phòng ông tổng giám đốc. Ông Hoàng ngồi yên giây lâu rồi ngẩng đầu lên, giọng buồn sườn sượt:
- Thôi, cho anh ra.
Tôi hoảng hồn, xin lỗi rối rít. Ông Hoàng lẳng lặng nghe tôi suýt soa, thiên hô bát sát, đoạn chép miệng:
- Không phải lỗi tại anh. Mà là tại tôi. Tôi thiếu tài, kém đức nên không giữ được Văn Bình. Thôi, cho anh ra. Nội ngày mai, anh hãy lên đường đi Hồng-kông. Như mọi lần, đây là một vụ bí mật, chỉ riêng nhân viên hữu thệ của Sở được biết. À, anh đã trao tiền đúng theo lệnh của đại tá Tống Văn Bình chưa?
- Hừ, anh lại dặm thêm mắm muối rồi. Ông cụ không bao giờ gọi tôi là đại tá cả. Cũng như không bao giờ tôi gọi ông cụ là tướng.
- Không, anh ạ, tôi nhớ đúng lắm. Tôi nhớ từng chữ như máy thu băng vậy. Ông Hoàng gọi anh là đại tá Tống Văn Bình bằng giọng trịnh trọng. Nghe ông Hoàng hỏi, tôi bèn mỉm nụ cười "cầu tài" vì thưa anh, tôi chưa chi đồng xu nào hết. Thì lập tức ông tổng giám đốc nổi cơn thịnh nộ. Trời đất quỷ thần ôi, từ 5 năm nay, không đêm nào tôi không nghe tiếng thét giận dữ của ông cụ bên tai.
- Anh nói lạ! Rất ít khi, gần như là không bao giờ, ông Hoàng lại giận dữ như anh nói.
- Vâng, tôi cũng nghĩ là ông Hoàng không bao giờ giận dữ cả. Nhưng từ hôm ấy trở đi, tôi mới biết là mình lầm, toàn thể nhân viên nam nữ trong Sở đều lầm. Cơn lôi đình của ông cụ còn dữ dội hơn mọi cơn lôi đình khác của thanh niên đầy huyết tinh nữa.
Lập tức, ông cụ đập tay xuống bàn, làm đống hồ sơ bay vèo lên trần và tứ tán khắp phòng. Trời đất quỷ thần ôi, trước kia tôi cứ đinh ninh ông cụ gầy đét như con cá mắm, chỉ một trận gió nhẹ là té xỉu, tôi không ngờ ông cụ còn mạnh như vậy. Cái đập tay xuống bàn khi ấy có thể đánh nát óc một con bò mộng có sừng nhọn hoắt, và gân cốt cứng rắn, của các đấu trường Tây-ban-nha.
Tôi đang riu ríu, không biết xử trí cách nào thì ông cụ đập luôn bàn tay phải xuống bàn, và lần này suýt nữa tôi chết giấc.
- Ông cụ đánh trúng người anh?
- Trời đất quỷ thần ôi, nếu ngón đòn ấy vào người thì đêm nay tôi không còn có mặt ở điện thoại để hầu chuyện cố nhân đại tá nữa. À, anh ơi, mình trò chuyện bằng điện thoại sao tiện. Đối phương có vành tai ở khắp Hồng-kông, tôi xin đề nghị….
- Không cần, anh cứ tiếp tục kể truyện đi. Đối phương nghe được thì càng tốt. Hoạt động một mình chán như cơm nếp nát, nên nhiều khi tôi muốn có bạn, có thật nhiều bạn, cho vui cửa, vui nhà.
- Tôi là thuộc viên, anh ra lệnh thì tôi tuân theo. mọi trách nhiệm xin anh chịu lấy. Tôi không dám mò về Sàigòn để giáp mặt ông tổng giám đốc như lần trước nữa đâu.
- Ông cụ đập tay xuống bàn… Rồi sao nữa?
- À, xin lỗi anh, tôi xin tiếp. Té ra nội ngoại công của ông cụ còn thâm hậu hơn nhiều đại võ sư trên hoàn vũ. Cái đập tay thứ nhì của ông làm cái chặn giấy bằng thép để trên bàn văng vào người tôi. Chắc anh đã thấy cái chặn giấy độc nhất vô nhị ấy! Eo ơi, nó lớn gần bằng trái ba-lông và nặng xỉu xỉu hai chục kílô… Tôi xoay người tránh, cái chặn giấy ấy lao vào tường, nghe rầm một tiếng, tranh ảnh treo trên tường rớt xuống như sung chín vậy.
Như người mất hồn, tôi đứng yên không cục cựa. May cho tôi, cửa phòng mở toang, Nguyên Hương và Lê Diệp bước vào. Nhưng cơn thịnh nộ của ông tổng giám đốc đã qua. Ông ngước nhìn hai người bằng con mắt lờ đờ, rồi cúi đầu xuống, gục vào hai bàn tay.
Ông ngồi như vậy rất lâu. Nguyên Hương thu lượm hồ sơ, xếp lại ngay ngắn trên bàn, còn Lê Diệp thì đứng khoanh tay một bên ông tổng giám đốc, người bất động, như phỗng đá.
Khoảng 15 phút sau, ông Hoàng mới ngửng đầu lên lại, và lần này thì mắt ông đỏ ngầu như pha máu loãng.
Ông nói với tôi, giọng buồn rầu:
- Anh đừng chấp tên già lẩm cẩm này nhé…
Tôi vội ngắt lời:
- Thưa, tôi đâu dám… Tôi còn ít tuổi, chưa đáng là con của cụ nữa là….
Ông Hoàng vội xua tay:
- Không, không, tôi không thích được gọi là cụ…. Nếu anh trọng tôi, thì cứ gọi tôi là ông. Vì như vậy tôi mới có thể gọi cộng sự viên của tôi là anh được…. Tôi chưa khi nào giận dữ như hôm nay… Hồi còn trẻ, tôi cũng hay giận dữ, nhưng chỉ giận như mọi người mà thôi. Hôm nay, vì sự từ chức đột ngột của Văn Bình nên tôi trở lại thời niên thiếu, giận dữ quá trớn, giận dữ liều lĩnh, giận dữ phi lý…. Văn Bình dặn anh chi 15.000 đô-la, anh nên làm ngay cho hắn vừa lòng. À, còn Rôdi, anh đã trả tự do cho cô bé ấy chưa. Tôi liền đáp rồi. Ông Hoàng xoa tay ra vẻ hỉ hả rồi nói:
- Thôi cũng được. À, chừng nào anh đến kỳ hạn nghỉ phép?
Tôi vội chụp lấy cơ hội quý báu:
- Thưa, theo nội quy thì mỗi năm nhân viên phục vụ ở hải ngoại được nghỉ phép 3 tuần. Tuy vậy, tôi làm việc ở Hồng-kông đã 2 năm mà chưa được nghỉ phép ngày nào. Nếu được ông chấp thuận, tôi xin qua Đông-kinh một thời gian.
Ông Hoàng bèn hỏi:
- Một thời gian là bao nhiêu lâu?
Tôi đáp:
- 6 tuần.
Ông Hoàng lắc đầu quầy quậy:
- Không được, không được. Anh cứ về Hồng-kông đi. Khi nào việc Sở rỗi rãi, tôi sẽ đánh điện cho anh biết.
Thế là tôi trở lại Hồng-kông. Và ở lì luôn cho đến hôm nay.
Chờ cho Hoàng Dung xả hơi 15 phút. Văn Bình mới chêm vào một chuỗi cười ròn rã. Hoàng Dung phản đối:
- Anh cười tôi ư?
Văn Bình vẫn cười:
- Không. Tôi cười cái nghề nghiệp phải gió này. Đinh ninh không bao giờ quay lại Hồng-kông nữa, té ra vẫn quay lại như thường. Dạo này anh được mạnh không?
- Vẫn mạnh như voi.
- Hà, hà, chắc anh đã vớ được thang thuốc đại bổ của Từ Hi thái hậu.
- Chẳng phải đâu. Với số lương tháng chết đói đệ tam tham vụ thì chỉ mời người đẹp nhảy vài ba đêm là cạn túi. Sở dĩ tôi luôn luôn béo tốt là vì ở nhà quanh năm. Nhưng anh là thượng khách của tôi. Anh chỉ cần ngoắt tay ra hiệu là tôi xin đến làm hướng đạo. Trời đất quỷ thần ôi, Hồng-kông dạo này chỉ thấy người đẹp là người đẹp. Người đẹp đổ xuống biển hàng tấn cũng chưa hết.
- Yêu cầu anh xếp hồ sơ gái đẹp của anh lại. Sở có cái xe hơi nào tốt không?
- Có. Hai chiếc. Một chiếc Rolls cao tồng ngồng sơn màu kaki. Và một chiếc Renault 10, riêng của tôi. Anh cần xe hả? Tôi đề nghị anh dùng chiếc Rolls. Tuy bề ngoài cũ kỹ, nó lại chạy nhanh như tên bắn. Đạp nhẹ vào ga là vọt ngay lên 120 cây số.
- Bất tiện quá. Tôi cần một chiếc xe nhỏ.
- Thì anh xài tạm cái Renault 10 của tôi vậy. Nó còn mới nguyên.
- Hừ, đồ Renault 10 chỉ chạy ngang xe bò. Phiền anh kiếm xe khác.
- Chịu.
- Làm nghề này không bao giờ được dùng tiếng "chịu". Cái gì cũng có thể làm được hết.
- Chuyện! Anh là đại tá hiện dịch, chính hiệu con nai vàng. Nếu anh muốn, anh có thể đeo sao vào cổ áo nữa. Còn tôi, tôi chỉ là một chú tham vụ cà mèng. Giả sử ông tổng lãnh sự biết tôi là nhân viên đặc biệt của ông Hoàng thì cũng đỡ tủi thân, vào phòng khỏi phải đứng mỏi đầu gối, đằng này…. Nhưng anh đã đoán rõ, ông tổng lãnh sự đinh ninh tôi là nhân viên ngoại giao chân chỉ hạt bột….
- Tòa tổng lãnh sự có xe tốt không?
- Có khá nhiều. Ông tổng lãnh sự mới sắm riêng một cái Honda 800S tuyệt đẹp nữa. Xin nhớ rằng đây là 800S, loại đua đặc biệt, trong nháy mắt có thể lên tới 180 cây số một giờ.
- Tốt lắm. Anh mượn dùm cho tôi.
- Trời đất quỷ thần ôi, ông tổng lãnh sự còn quý xe hơi của ông ấy hơn cả cậu thanh niên quý cô vợ đẹp 17 tuổi nữa. Xin ngồi chung một lát cũng không được nữa là….
- Ồ, vậy thì anh mượn liều một buổi.
- Tôi lạy anh cả tơi lẫn nón. Anh muốn tôi mất luôn cái ghế tham vụ này chăng?
- Anh vừa nói đệ tam tham vụ là chức vụ cà mèng thì còn lưu luyến gì nữa! Vả lại, tôi không tin là ông tổng lãnh sự của anh có đôi tay khá dài để đòi bộ Ngoại Giao cho anh về nhà xua gà. Sáng mai, tôi cần chiếc Honda đua của ông tổng lãnh sự. Anh nhớ đem đến tận khách sạn cho tôi.
- Anh đã nghĩ ra mưu kế nào chưa?
- Đồ ngốc!
- Vâng, anh cứ tiếp tục chửi nữa đi. Thà bị anh chửi còn hơn bị thất nghiệp.
- Hà, hà. Ông Hoàng không bằng lòng để anh thất nghiệp xuông đâu. Ông cụ sẽ ráng tìm cho anh một công việc hợp với khả năng tại Chí Hòa.
- Chí Hòa? Nhà lao Chí Hòa?
- Dĩ nhiên. Anh sẽ bị triệu hồi về tội…. úi chà, mỗi cái tóc là mỗi cái tội, muốn bỏ tù anh thì ông Hoàng sẽ ngh+ĩ ra hàng trăm tội khác nhau, tội nào cũng đủ làm anh mục xương trong xà-lim.
- Trời đất quỷ thần ôi, tôi chịu đầu hàng rồi. Lần này, tôi cầu Trời khấn Phật là lần cuối cùng anh đặt chân đến khu vực của tôi. Và tôi cũng hy vọng lần này anh mất mạng.
- Tính tôi vốn thích bè bạn nói đùa. Nhưng anh đã nói đùa xong chưa?
- Rồi. Lạy anh ngàn lạy, xin anh dạy cho một mưu kế mượn tạm chiếc xe đua Honda.
- Ông tổng lãnh sự có vợ chưa?
- Rồi. Bà vợ hiền khô.
- Hiền khô mới là điều nguy.
- À, may quá ạ. Bà vợ đã về Sàigòn hôm nay rồi.
- Tuyệt. Sáng sớm, anh hãy đến phòng riêng ông tổng lãnh sự hỏi thăm sức khoẻ.
- Tôi hiểu rồi. Chắc anh muốn tôi mời ông tổng lãnh sự uống ly cà-phê sữa nóng buổi sáng?
- Vậy ra anh cũng còn đôi chút trí khôn. Nhớ pha thuốc cho vừa đủ, chỉ cần ông ta kéo một giấc đến 8, 9 giờ tối. Trưa hay chiều mà thức dậy thì khốn. Đề nghị anh dùng viên thuốc số 3, dùng một viên thôi.
- Vâng. Chào anh nhé.
- Chưa hết. Loại xe hơi Honda 800S này ở Hồng-kông có độ bao nhiêu chiếc?
- Vì rẻ mà xinh nên nhiều người mua. Dạo này, xe hơi Nhật tràn ngập thị trường châu Á, ở đâu cũng thấy.
- Cám ơn anh. Tôi không phải là khách hàng của xe Nhật và anh cũng không phải là quảng cáo viên cho họ. Hồng-kông có độ bao nhiêu xe Honda 800S?
- Chừng hai chục.
- Hai chục thì được lắm. Xe của ông tổng lãnh sự sơn màu gì? Đỏ hay trắng?
- Trắng. Anh hỏi màu xe làm gì?
- Giờ đây anh lại ngốc rồi. Màu đỏ chói lọi như mặt trời dùng bất tiện. Nhất là dùng cho công tác sắp tới. Đêm nay, anh nhớ vẽ hai bảng số mới, và làm luôn giấy tờ giả, phù hợp với số xe.
- Trời đất quỷ thần ôi, tôi không quen cái nghề làm giấy tờ giả.
- Cách đây không lâu, hồi tôi hoạt động ở Đông Kinh, ông đại sứ cũng rụt rè như anh. Ông đại sứ chỉ quen với thông hành thật trăm phần trăm thì tôi lại đòi làm thông hành giả, và đóng dấu chiếu khán vào thông hành giả ấy. Kể ra công việc ông đại sứ còn khó hơn công việc này nhiều… ông đại sứ là ông vua, là tai mắt của nước nhà ở hải ngoại mà còn làm được thông hành giả thì cái ngữ đệ tam tham vụ cà mèng như anh có thể in cả bạc đô-la giả nữa. 2
- Vâng, vâng, tôi xin tuân lệnh.
- Khi mang xe tới, phiền anh cho tôi một khẩu súng ru-lô và một túi đạn.
- Cái đó thì bao nhiêu cũng có.
- Tôi chỉ còn một khẩu thôi. Và là thứ tốt. Thứ vớ vẩn, chưa bắn đã hư thì anh khổ với tôi.
- Anh yên tâm. Tôi mới kiếm được mấy khẩu Nagant tuyệt trần. Anh thích Nagant 7,62 li nhẹ hay nặng?
- Nagant, loại Pieper 1889, 7 phát, bắn khá chnh xác, nhưng hơi nặng. Loại Nagant nhẹ nhất của Nga-sô lại được coi là nặng nếu so sánh với Colt cảnh sát của Hoa-kỳ. Dùng nagant thà dùng Colt bỏ túi, bắn đạn 32 vì tầm bắn gần bằng nhau mà súng Colt bỏ túi chỉ nhẹ bằng nửa súng Nagant Sô Viết.
- Trời đất quỷ thần ôi! Nghe anh nói, tôi phải lắc đầu le lưỡi, và có cảm tưởng anh là tự điển súng đạn.
- Hừ, làm cái nghề này thì cái gì cũng phải biết, và cái gì cũng phải nhớ, và một trong những điều phải nhớ nhất là vũ khí. Nhớ như vậy rất có lợi mỗi khi lâm trận. Trong nghề điệp báo, năm thì mười họa chúng ta mới dùng súng dài hoặc súng máy, ngay cả trên đất nhà, vì loại súng này rất cồng kềnh, khó thể che giấu, tầm bắn lại quá dài, không thích hợp cho những cuộc đụng đô sáp lá cà.
Súng lục là võ khí lý tưởng, song mỗi loại súng có những đặc điểm khác nhau. Súng cỡ 22 thì dùng trong khi bắn bia, hoặc trong những nơi chật chội. Muốn được hữu hiệu và chính xác hơn thì dùng cỡ 32-20 và cỡ SpeC.I.A.l 38-40 hoặc 44-40, hoặc 45. Đó mới là súng Colt của Mỹ. Trên thế giới còn hàng chục loại súng, cỡ súng khác nữa. Riêng súng Colt lại có hàng chục thứ đạn khác nhau, hàng chục thứ nòng dài ngắn khác nhau, mỗi thứ đạn, mỗi thứ nòng có một sức công phá riêng cho mỗi trường hợp. Nhân viên đặc biệt bắt buộc phải luyện tập một trí nhớ phi thường. Như anh chẳng hạn, dường như anh đã tốt nghiệp ưu hạng lớp "trí nhớ" tại trường Cây Mai mà….
- Vâng, tôi tốt nghiệp ưu hạng ở Cây Mai cách đây 8 năm. Nhưng thú thật là chưa bằng một phần trăm của anh.
- Hừ, anh quá khiêm nhượng…. Tôi thấy anh là nhân viên ưu tú. Nếu không, anh đã không được phục vụ ở Hồng-kông. Nhưng thôi, chúng mình giữ điện thoại gần nửa giờ rồi, đối phương nghe được thì hỏng bét.
- Ừ nhỉ, tôi quên bẵng. Trời đất quỷ thần ôi….
- Này, ông bạn đệ tam tham vụ yêu quý! Từ nãy đến giờ anh đã nhắc đi nhắc lại đúng 8 lần câu "trời đất quỷ thần ôi". Đàn bà đẹp không thích nghe đàn ông chửi rủa đâu nhé!
- Ừ nhỉ, tôi xin lỗi anh. Anh gớm thật! Tôi rủa bâng quơ mà anh cũng đếm.
- Chúc anh ngủ ngon. Tối mai, phiền anh đến trước khách sạn để lấy lại chiếc Honda. Tôi hy vọng là nó sẽ còn nguyên vẹn, không trớt sơn, và nhất là không bẹp đầu và bể máy….
Không đợi Hoàng Dung trả lời; Văn Bình gác máy điện thoại. Chàng mỉm cười, nghĩ đến bộ mặt nhăn nhó ở cuối đường dây của Hoàng Dung. Chàng cố ý kéo dài câu chuyện tầm phào trong điện thoại. Tuy là nhân viên lão luyện, Hoàng Dung vẫn không phăng ra ẩn ý của chàng. Chàng hy vọng hắn sẽ sống sót lần này để hồi hương.
Vì ông Hoàng đã quyết định cho Hoàng Dung về nước vào dịp cuối năm dương lịch.
Văn Bình tắt đèn, vươn vai, ngáp một cái thật lớn, thật kêu, rồi nằm duỗi trên giường.
Chàng là du khách trẻ tuổi và đẹp trai duy nhất ở Hồng-kông đêm nay chịu nằm khoèo trong phòng khách sạn, không xuống đường hòa mình vào ánh sáng nê-ông rực rỡ, vào mùi son phấn và da thịt thơm tho của thiên đường dạ lạc.
x x
x
Như thường lệ, những tia nước lạnh tiếp theo bữa tắm nước nóng làm Văn Bình khoan khoái. Chàng vẫn đa mang cái thói quen đặc biệt này của người Tây phương. Mỗi lần lưu lại Hồng-kông, chàng lại tắm nóng lạnh hằng ngày nhiều lần, tưởng như mỗi bữa tắm mang tới cho chàng một liều thuốc bổ.
Sở dĩ chàng có cảm tưởng này là vì ở Hồng-kông nước rất hiếm. Lẽ ra chàng đã mặc xong quần áo và xuống dưới đường, nhưng nước lạnh thần tiên làm chàng quên hết.
Bỗng chàng giật mình.
Tấm gương lớn trong phòng tắm vừa phản chiếu một người đàn ông báp thịt rắn chắc, không có một gờ-ram mỡ thừa, da dẻ rám nắng, ngực nở tròn, bụng thót lại, chân thuôn dài, miệng cười tươi, hàm răng trắng đều, mớ tóc phất phơ trên vầng trán rộng - còn cuồng loạn hơn tóc ông Robert Kennedy, và chỉ nuôi thêm một thời gian nữa là gần bằng tóc bít-tơn - và đôi mát sáng, chứa chan tình cảm một cách lạ lùng….
Ngường đàn ông cường tráng, khôi ngô này là chàng.
Chàng nhún vai bước ra khỏi bồn tắm cẩn gạch men hồng. Bộ ngực nở nang, và bắp thịt cánh tay tròn trịa của Văn Bình là kết quả của nhiều năm kiên nhẫn tập luyện, mỗi ngày đánh hàng trăm lần vào cái ma-ki-oa-ra, bó rơm được người Nhật dùng để tập karaté… Và đôi chân dẻo dai kia, đôi chân có thể chạy việt dã 40 câ số một hơi một nghỉ, hoặc vượt lên hàng đầu trong cuộc thi tốc độ 400 thước quốc tế…. còn có một đặc tính độc nhất vô nhị khác nữa mà cả đàn ông lẩn đàn bà trên hoàn vũ đều thèm chảy nước dãi….
Đó là đôi chân không biết mệt bao giờ.
Văn Bình từ tốn chọn cái sơ-mi trắng nhất trong va-li, ngần ngừ một phút rồi khoác vào người. Không hiểu sao hôm nay chàng lại nảy ra ý định phục sức diêm dúa mặc dầu phải lái xe trên con đường ngoằn ngoèo đầy bụi, và tiếp xúc với người lạ từ Hoa-Lục tới tới một nơi không lấy gì làm hữu tình.
Chàng buột miệng:
- Hay là….
Hay là người ấy lại là đàn bà… Chàng không dám nghĩ thêm nữa. Yên Hà đã chết. Ba giai nhân của tình đảo Hồng-kông đã chết. Chàng rất sợ nếu người ấy là phụ nữ.
Tuy vậy, chàng vẫn kèm theo chiếc sơ-mi Arrow Gia-nã-đại một cái cà-vạt lụa Ý-đại-lợi màu xanh lấm chấm vàng nhạt giá tiền 25 đô-la, với bộ com-lê bằng hàng tê-ry-len Anh quốc mà một nhà may danh tiếng ở Kowloon vừa hoàn thành đúng 24 giờ sau khi đặt hàng.
Chàng tháo đáy dưới của va-li, rút ra khẩu súng Luger quen thuộc, cán bóng loáng đã tróc hết sơn mạ. Chàng bỏ súng vào bao vải, đeo tòng teng dưới nách. Áo vét ba khuy của chàng chỉ cài khuy cuối cùng, hai khuy trên để hở, hầu chàng có thể luồn tay thật nhanh vào trong bất cứ lúc nào để lấy võ khí.
Chàng xoạc chân như người xuống tấn, trong chớp mắt, khẩu Luger tuột xuống, nằm gọn trong lòng bàn tay. Một lần, hai lần, ba lần… bao vải được bôi mỡ trơn tru không gây ra một trở ngại nhỏ nhặt nào. Vì khi cần súng, gặp trở ngại là chết.
Chàng bỏ thêm một sạc-giơ đạn vào túi áo, rồi chắt lưỡi khi nhớ tới khẩu Colt 38 SpeC.I.A.l mà Hoàng Dung đã lo liệu cho chàng. Giờ này chắc khẩu súng tuyệt hảo này đã nằm gọn trong hộc xe trong chiếc Honda bất hủ sơn trắng của ông tổng lãnh sự.
Song Văn Bình không cần tới súng 38 SpeC.I.A.l. Cũng như không cần tới xe hơi đua Honda 800S.
Chẳng qua chàng mượn tay Hoàng Dung để thử lại đáp số của một bài toán.
Đại lữ quán Mandarin ở gần bến đò Star Ferry, trên bến Victoria, đối diện Kowloon, xa chừng một cây số rưỡi.
Văn Bình chỉ đảo mắt một vòng là tìm thấy chiếc Honda 800S xinh xắn nằm ngoan ngoãn sát lề. Chàng đã dặn kỹ Hoàng Dung: cho xe vào sát lề rồi gọi tài xế về ngay, không được lảng vảng quanh đấy.
Theo nguyên tắc sơ đẳng nghề nghiệp, Văn Bình phải đi vượt qua nơi đậu xe rồi đi lộn lại, để khám phá xem có ai khả nghi không. Song không quan tâm tới.
Vì chàng tin là địch đang rình rập.
Và trong chừng hai, ba phút nữa, chàng có thể biết rõ.
Đến bên xe, chàng dừng lại, châm lửa hút thuốc Salem. Honda 800S là một báu vật trong làng xe đua quốc tế. Liếc sơ qua, chàng biết đây không phải loại 800 thông thường, lòng máy 701 phân khối, nặng 700 kilô, tốc độ tối đa 155 cây số một giờ. Mà là loại 800 đặc biệt, động cơ được chế tạo bằng hợp kim nhẹ, có thể đưa tốc độ lên tới 180 cây số, không thua Ferrari hoặc Porsche.
Tuy nhiên, chàng không có thời giờ suy luận về biệt tài của ông chủ hãng xe đua và xe gắn máy Honda, tay trắng tạo nên sự nghiệp khổng lồ, vì chàng còn phải qua đò máy.
Thái độ khoan thai, chàng mở cửa xe, chui vào trong, bề cao của xe hơi có 122 phân nên chàng phải khom lưng xuống. Nhưng chàng chỉ ngồi trước vô-lăng, nhìn quanh quất giây lát, như để tìm kiếm cái gì, rồi bước ra ngoài, mở nắp ca-bô.
Cái chàng tìm kiếm đã nằm chềnh ềnh ở đường giây nối đề-ma-rơ vào bình điện 12 vôn.
Đó là một hộp nhỏ bằng gói thuốc lá Salem.
Thuốc nổ là một trong những bài học nhập môn trong trường gián điệp. Kinh nghiệm của nhiều năm hoạt động đã giúp Văn Bình nhận diện dễ dàng mọi loại chất nổ, và đối phó nhanh chóng, hữu hiệu. Hộp nổ này vừa được chế tại tại Tiệp-khắc, tuy nhỏ mà công phá cực mạnh. Việc ráp gắn rất giản dị, vỏ ngoài của nó bằng kim khí có từ thạch, để gần động cơ xe hơi là hút chặt lấy. Chất bột G, đựng trong hộp đủ phá nát một chiến xa hạng nặng.
Văn Bình đã đoán đúng.
Đối phương bám gót chàng từng giờ, từng phút. Họ đã theo chàng từ Macao về Hồng-kông, và nghe hết cuộc điện đàm của chàng với đệ tam tham vụ Hoàng Dung.
Họ đã quyết định giết chàng.
Nhanh nhẹn, chàng gở hộp nổ ra khỏi đề-ma-rơ, cắt giây nổ, rồi cất vào trong xe. Rồi chàng vui vẻ huýt sáo miệng lái chiếc Honda 800S ra khỏi lề đường.
Trước mặt chàng, con đò máy tối tân hai tầng mang cái tên bóng bẩy Meridian Star, Ngôi Sao Kinh Tuyến, đứng sừng sững, sửa soạn rời bến, Văn Bình quẹo trái, xả hết tốc lực, rồi biến vào một hẻm nhỏ. Chàng xuống xe, tắt máy, rồi lững thững đi ngược về phía bến đò sang Kowloon.
Nửa phút sau, một chiếc Mercedes sơn xanh thẫm vút tới. Nhưng chàng đã núp dưới mái hiên và lẫn vào đám bộ hành đông đảo. Hồng-kông, cũng như các thị trấn có đông người Trung Hoa trên thế giới, là nơi thích hợp cho những cuộc tránh né. Nhân viên của địch phải bưu đầu, sứt trán may ra mới tìm được tung tích chàng.
Lát sau, Văn Bình ung dung bước xuống phà.
Bầu trời đang quang đãng bỗng tối sầm lại. Một đám mây đen cuộn tròn, vần vũ trên không, trong khi gió khơi chuyển động dữ dội.
Hồng-kông lại sắp gặp bão.
Văn Bình không phải là nhà thơ dễ bị rung cảm trước sự biến đổi đột ngột của thời tiết. Đối với chàng thì nắng cũng như mưa, trời quang đãng cũng như giông tố hãi hùng, chàng không hề quan tâm.
Tuy nhiên, hôm nay chàng lại quan tâm đặc biệt. Vì chàng phải rời Kowloon, tiến sâu về phía Hoa-Lục.
Chàng phải đến sát biên giới Trung cộng để gặp 44, con người bí mật.
Chắc phải có lý do quan trọng nào đó 44 mới hẹn chàng đến nơi này, dưới họng súng của lính tuần biên cộng sản. Nếu trời bão lớn, chàng có thể lỡ hẹn.
Và 44 cũng có thể lỡ hẹn.
Theo kế hoạch, nếu lỡ hẹn hôm nay không biết đến khi nào 44 mới có thể xuất đầu lộ diện được lần nữa.
Con đò máy từ từ rẽ sóng giữa một rừng ghe thuyền san sát. Chàng có cảm tưởng là tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nhưng như có phép thần, đoàn ghe thuyền đang bám chặt lấy nhau, bỗng rời xa, nhường lối cho chiếc phà máy phăng phăng lướt nước.
Một con tàu lớn bóng loáng nước sơn và kền trắng từ xa tiến tới. Văn Bình lẩm bẩm:
- Đúng là bão thật rồi.
Hết chiến hạm này đến chiến hạm khác nối đuôi nhau tiến vào hải phận Hồng-kông. Đây là một đơn vị chủ lực của đệ thất hạm đội Mỹ. Chắc chắn trên đoàn tàu đã có một nhân viên quan trọng C.I.A. đội lốt sĩ quan hải quân. Một phần kết quả công tác Văn Bình hôm nay sẽ được chuyển cho C.I.A., đổi lấy ngoại tệ mà ông Hoàng cần thiết, như nắng hạn gặp mưa rào.
Chiến hạm Mỹ ghé Hồng-kông để tránh bão. Một công đôi ba việc, họ ghé Hồng-kông để chờ cuộc tiếp xúc của Văn Bình.
Con đò máy rùng mình nhè nhẹ trước khi cập bến.
Đặt chân lên bộ, Văn Bình lấy giờ ở cổ tay cho đúng với đồng hồ treo trên cái tháp sừng sững ở bến tàu. Đồng hồ bến tàu nổi tiếng không sai phút nào. Đồng hồ tay của Văn Bình cũng đúng phắc. Vậy mà hai đồng hồ lại chênh lệch nhau 3 phút.
Văn Bình thở dài nhè nhẹ.
Thiên hạ đi lại có vẻ vội vàng. Có lẽ họ sợ thời tiết thay đổi bất thần. Tuy nhiên, những câu chuyện đầu Ngô mình Sở nói bằng giọng oang oang như cãi lỗn vẫn tiếp tục tuôn ra trên miệng người Tàu.
Bỗng dưng Văn Bình cảm thấy người Tàu gần gũi với chàng, thân thiết với chàng hơn ai hết. Chàng cố tìm ra nguyên nhân của sự gắn bó mặn nồng ấy.
Rồi bật cười:
- Phải rồi…. Vì người Tàu có nhiều đàn bà đẹp… đẹp mà nhỏ nhắn, lại biết chiều chuộng đàn ông.
Văn Bình tản bộ chầm chậm về phía đường Salisbury. Trên vai chàng, lủng lẳng cái máy ảnh Yashica cỡ nhỏ. Bình sinh, chàng thích chụp hình, nhưng không thích đeo máy hình tòng teng, dạo phố, dầu trên đường phố hải ngoại không ai quen biết chàng.
Dĩ nhiên, chàng thích chụp hình đàn bà. Song chàng thích nhất phong cảnh rừng sâu. Mai kia, nếu không còn cơ duyên ở bên ông Hoàng nữa, chàng sẽ biến thành nghệ sĩ nhiếp ảnh, phát lá chặt cành, tiến vào rừng rậm, những khu rừng rậm huyền bí mà quen thuộc ở cao nguyên miền Nam, để thu vào ống kính những con thú lạ.
Văn Bình vốn là bạn của rừng núi.
Từ thuở còn để chỏm và mặc quần hổng đít, chàng đã mê rừng núi. Cậu bé Văn Bình đeo túi tên và cái ná nặng chình chịch, len lỏi khắp chốn sơn thâm cùng cốc, theo cha bắn hạ voi độc và cọp dữ. Lớn lên, nổi tiếng thiện xa, giơ súng lên là thú rừng phải ngã, Văn Bình đâm ra ham thích chụp hình.
Nhưng cuộc sống trôi nổi rồn rập đã choán hết thời giờ của chàng. Hôm nay, với cái máy ảnh của ông Hoàng trên vai, Văn Bình cũng không có thời giờ thu cảnh đẹp của Hồng-kông muôn thuở vào phim nhựa.
Vì lẽ giản dị cái máy hình Yashica Nhật-Bản, lắp ống kính 1,8, và có ống kính télé chụp xa 135 li dự phòng, chỉ được dùng với mục đích nhận diện.
Văn Bình dừng lại, mở nắp máy ảnh. Du khách tới Hồng-kông đều đeo máy ảnh, và thường có cử chỉ như Văn Bình. Song Văn Bình mở nắp máy ảnh không phải để sửa soạn bấm nút, mà cốt để đọc lại hàng chữ số viết bằng bút chì nguyên tử đỏ trên mặt trái làn da.
Đó là bảng số của một chiếc xe hơi đang chờ chàng trên đường Salisbury.
Chàng nhờ tham vụ Hoàng Dung mượn xe của ông tổng lãnh sự là để bắt địch xuất đầu lộ diện. Sự thật chàng đã có xe khác. Nếu sau này Hoàng Dung biết được tự sự, hắn sẽ nổi cơn điên mà chết vì chiếc xe dành cho Văn Bình trên đường Salisbury là của ông tổng lãnh sự Việt-Nam tại Hồng-kông bằng xương bằng thịt.
Hoàng Dung đinh ninh ông tổng lãnh sự quý xe hơi hơn gia phả, và là nhà ngoại giao chính hiệu không dính dấp tới hoạt động của ông Hoàng. Hắn không thể ngờ rằng ông tổng lãnh sự nghiêm trang và dè dặt ấy lại là nhân viên thân tín của Sở. Để mượn xe, Hoàng Dung bỏ thuốc mê vào tách cà-phê sáng của ông tổng lãnh sự, nhưng ông ta không ngủ say như Hoàng Dung dự tính.
Hoàng Dung vừa ra khỏi nhà với chiếc Honda thì ông tổng lãnh sự đã ngồi dậy.
Văn Bình lại mỉm cười khi nghĩ đến tấn trò khôi hài giữa ông tổng lãnh sự và viên đệ tam tham vụ.
Chàng bách bộ một quãng nữa song chưa thấy chiếc xe nào đúng với bảng số được ghi trong bọc da của máy ảnh. Chàng bèn quẹo trái, mắt dáo dác nhìn tứ phía.
Nó đây rồi… Nó đang nằm ngoan ngoãn trước cửa một tiệm bán kỷ vật cho du khách ngoại quốc.
Nó sơn màu đen, màu Văn Bình không thích và mang bảng số định mạng CHU-35.
Trước khi mở cửa xe, Văn Bình đi vượt qua, xây lưng lại, nhìn vào tủ gương của tiệm bán kỷ vật. Trông con mắt hau háu của chàng, người lạ tin chàng quan tâm đến những cái bát Khang Hy xin xắn và quý giá nằm trong tủ.
Thật ra, chàng mượn tủ để quan sát chiếc xe. Chàng tỏ vẻ bằng lòng khi nhận ra chiếc Triumph GT-6 do Anh quốc chế tạo. Loại xe đua lòng máy 2.000 phân khối này nhỏ bé nhưng xinh đẹp, tốc độ 175 cây số một giờ, nếu gắn thêm 2 bình xăng phụ thì trên vòng đua không kém thần mã Ferrari hoặc Mustang Shelby.
Ông tổng lãnh sự không đến nỗi cà mèng về nghệ thuật chọn xe hơi, Văn Bình tự nhủ như vậy. Chiếc GT-6 này có người đẹp ngồi một bên, tóc buông lơi để đùa trong gió trong khi phóng ngoài 200 cây số một giờ thì trên đời không có gì thần tiên bằng.
Đáng tiếc là Văn Bình phải đi một mình.
Chàng không có ý định vượt biên giới vào Trung cộng nên không cần phóng xe với tốc độ kinh hồn.
Sau khi nhìn kỹ qua tủ gương không thấy bóng dáng nào khả nghi, Văn Bình từ từ quay lại, và bước về phía xe Triumph. Tuy nhiên, chàng chưa mở cửa xe vội. Chàng dựa vào vè trước, đưa máy ảnh lên để đo ánh sáng, như thể sửa soạn chụp hình. Ròi chàng giả vờ nâng máy ảnh ngang mắt, bấm nút.
Bây giờ chàng có thể lên đường được rồi.
95 mã lực của chiếc GT-6 reo lên tròn trịa. Văn Bình lái ra giữa đường. Trên vòng đua, chàng phóng nhanh như tên bắn. Nhưng hôm nay, chàng cảm thấy sợ hãi tốc độ. Dường như một sức nặng vô hình và cô cớ đang đè cổ họng chàng.
Một phút sau, chàng mới sực nhớ một điều quan trọng. Xe cộ ở Hồng-kông và ở vùng đất mới trên lục địa do Anh quốc kiểm soát, đều chạy bên trái, như ở bên Nhật.
Hộp số của chiếc GT-6 tuân lệnh Văn Bình một cách ngoan ngoãn. Nệm mút khá dày ôm khít lấy sống lưng mệt mỏi của chàng. Chàng chắt lưỡi vứt điếu Salem cháy dở xuống đường.
Trên đường tới bến đò, xe buýt và tài xế chạy thành hàng dài, đông đặc. Dáng điệu thận trọng, chàng quẹo vào đường Nathan Road. Tới phút này mà gặp tai nạn thì nguy to. Và nguy hơn nữa là động cơ ngậm miệng, không chịu nổ ròn nữa….
Cũng may ông tổng lãnh sự đã cho xe vào ga-ra coi lại máy móc trước khi giao cho Văn Bình…
Con đường trước mặt mỗi lúc một mở rộng, dân chúng mỗi lúc một thưa thớt. Những chiếc xe buýt hai tầng sơn đỏ đầy nhóc hành khách lùi dần về phía sau.
Văn Bình lái vào đường Waterloo.
Mấy phút sau, chàng tới đường Biên Giới. Danh từ Boundary Street, đường Biên Giới, rất đúng, vì nó là biên giới ngăn cách Kowloon, thị trấn tân tiến tràn ngập hàng hóa sang trọng, giai nhân diễm lệ, ánh đèn nê-ông muôn màu rực rỡ với những làng xã địa đầu của Hoa-Lục thầm lặng, tiêu điều và cô quạnh.
Rời đường Biên Giới, chiếc GT-6 dấn vào Đất mới. Nhà cầm quyền Anh quốc ở Hồng-kông vẫn tiếp tục kiểm soát giải đất này, tuy nhiên, người ta không thể đoán biết bao giờ Bắc Kinh sẽ đòi lại.
Ba chục cây số phía trước là làng Lo Wu, và Lo Wu là ải địa đầu của Trung Hoa cộng sản. Trong quá khứ, Văn Bình đã tới Lo Wu một lần. Như thường lệ, chàng tới Lo Wu với một người đàn bà.
Nhưng khác thường lệ, người đàn bà đi với Văn Bình tới vùng sát nách Hoa-Lục ấy lại không đẹp. Nàng cùng đi với Văn Bình tới Lo Wu để tiếp xúc với một nhân viên tình báo Hoa-Lục.
Hôm ấy, trời mưa day dứt, Văn Bình lái chiếc Riley đầy bùn trên con đường ảm đạm. Đến nơi, cuộc gặp gỡ bị đình hoãn. Vì nhân viên tình báo Hoa-Lục đã bị sa lưới dọc biên giới, và gục ngã dưới làn đạn súng máy tàn bạo.
Dọc đường về Kowloon, nàng không nói nửa lời. Rồi hai người chia tay. Mãi sau chàng mới biết đêm ấy nàng uống độc dược từ giã cõi đời. Vì nạn nhân gục ngã dưới làn súng máy tàn bạo của binh sĩ Trung cộng ở Lo Xu là ý trung nhân của nàng….
Văn Bình nhìn sang băng bên, tưởng như đang ngồi trên chiếc Riley 4/72, loại xe của hãng Austin, Anh quốc ra đời năm 1959 mà cao tồng ngồng và cỗ lỗ sĩ như xe trong bảo tàng viện. Người đàn bà Tàu ngồi bên không có đặc điểm nào trong khuôn mặt cũng như thân hình dáng làm chàng chú ý, song đôi mắt của nàng lại rất lạ lùng.
Mắt nàng to và đen dưới hàng mi dài rậm rạp, luôn luôn xáo động, như báo hiệu giông tố hãi hùng ở nội tâm. Nhìn mắt nàng, Văn Bình có cảm tưởng là con đường đi Lo Wu giăng đầy mây xám, gió thổi cát bay, đá chạy, như trong truyện phim ma quái.
Hôm nay, đường đi Lo Wu cũng đột nhiên giăng đầy mây xám. Một trận gió lớn không biết từ hướng nào thổi lại, làm bụi bay mù trời.
Lòng Văn Bình se lại.
Trời xế chiều.
Mặt trởi đang cắt một đĩa tròn màu vàng tươi tắn trên nền mây đều đặn vụt biến mất. Không gian nhuộm đầy màu xám. Rồi mặt trời lại hiện ra, đỏ lòm.
Cảnh vật biên giới, cây cỏ, đường sá, tất cả đều nhuộm màu đỏ kỳ dị.
Màu máu….
Văn Bình nói nhỏ một mình:
- Hừ, chắc lại có chuyện….
Chiếc GT-6 hăm hở lao đầu về phía biên giới đẫm máu.
--------------------------------
1 xin đọc Bí mật Hồng-kông và Tia sáng giết người đã xuất bản. Tân Quang, 54 Lê Văn Duyệt (Chở Đủi) tổng phát hành.
2 xin đọc Phù Tang nổi sóng, quyển thượng và quyển hạ, đã tái bản, Tân Quang, 54 Lê Văn Duyệt, tổng phát hành.