No man can be called friendless who has God and the companionship of good books.

Elizabeth Barrett Browning

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Vu Duy
Upload bìa: Vu Duy
Số chương: 10
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 47
Cập nhật: 2020-12-23 17:01:13 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4 - Truyện Thứ Ba - Điệp Viên Huyền Thoại Ở Đông Kinh
ái chết của nữ điệp viên H.21 Mata Hari là một sự kiện lịch sử đã được chính thức xác nhận. Không phải một người mà hàng chục người chứng kiến vụ hành quyết đã chính thức xác nhận. Hồ sơ lưu trữ của bộ Chiến tranh và tòa án quân sự nước Pháp cũng đã chính thức xác nhận. Ấy thế mà huyền thoại vẫn còn...
Theo huyền thoại, Mata còn sống. Rất nhiều người tin nàng còn sống kể ra cũng lạ. Theo huyền thoại, tử tội chỉ có mặc mỗi cái áo choàng trắng muốt. Khi sĩ quan chỉ huy hô bắn, nàng phanh áo, để lộ tấm thân trần truồng tuyệt mỹ khiến binh lính bủn rủn gân tay bắn chệch ra ngoài. Một huyền thoại khác cho biết là đạn dược hôm ấy đều giả, tử tội giả chết để rồi được tình nhân của nàng cứu thoát mang ra nước ngoài mai danh ẩn tích theo kiểu... Phạm Lãi đội tên Đào châu cặp kè với giai nhân Tây Thi chu du Ngũ hồ.
Tiến sĩ Richard Sorge cũng vậy. Ông có thể được coi là điệp viên huyền thoại của thế kỷ 20.Trong 8 năm hoạt động tại Đông kinh dưới lốt nhà báo, thân đảng Quốc Xã Đức, ra vào các sở bộ cao cấp như chỗ không người, bạn thân với những yếu nhân có thẩm quyền định đoạt vận mạng Viễn Đông và thế giới trong thế chiến thứ 2. Sót (Sorge) đã cung cấp cho Sít-ta-Lin và cơ quan tình báo Liên Sô những tin tức vô cùng quý giá, đến nỗi lời nói và tự tin bậc nhất như nhà độc tài thép Sít cũng phải tuyên bố "chính Sót đã cứu chúng ta". Chúng ta đây là Liên sô. Quả là Sót đã cứu thành trì Cộng sản Quốc tế khỏi sụp đổ năm 1941 vì năm 1941 nhờ Sót báo tin Nhật không có ý định xua quân tấn công Tây bá lợi á nên Sít-ta-Lin mới dám rút hết lực lượng từ biên giới phía đông qua phía tây và cứu thủ đô Mạc tư Khoa khỏi gọng kềm bách chiến bách thắng của Hít-le.
Nhưng cũng như mọi điệp viên khác, như mọi người hoạt-động nguy hiểm khác, tiến sĩ Sót bị lộ tẩy, bị sa vào tròng mỹ nhân muôn thuở, bị bắt, bị lôi ra tòa rồi bị hành quyết. Mata bị bắn thì Sót bị treo cổ. Hồ sơ của khám đường Sugamo ghi rõ tử tội Sót bị xử giảo vào buổi sáng 7-11-1944 hồi 10g36.
Rồi huyền thoại bắt đầu...
Huyền thoạiSót có vẻ gần với thực tế hơn huyền thoại nữ điệp viên H.21. Mấy tuần trước ngày hành hình, Sót được quản đốc khám đường mời viên nha sĩ nổi danh ở Đông kinh đến tận phòng giam nhổ răng sâu cho Sót và làm răng mới. Sắp chết thì làm răng làm gì? Khi trước, Mata Hari cũng xin được trám răng thì y sỹ nhà lao khuyên thôi, lấy cớ rằng đục khoét rất đau. Cho nên huyền thoại nghĩ rằng Sót được lắp răng giả để trở về với đời sống của loài người.
Một tiệm may lớn được lệnh may cho Sót một bộ đồ thật đẹp. Sao vậy? Người ta giải thích là phong tục Phù tang muốn tử tội yết kiến thần Chết trong bộ đồ thật tươm tất. Tuy nhiên những kẻ biết chuyện cho rằng Liên xô bí mật can thiệp để cứu Sót.
Trên nguyên tắc, mỗi khi kiều dân ngoại quốc bị xử tử thì đại diện ngoại giao xứ họ phải có mặt, nhưng ngày 7-11-1944, không có một người Đức hoặc người Nga nào hiện diện. Sau cuộc hành quyết một giờ, thi thể tử tội được trả cho thân quyến để mai táng. Ozaki, đồng lõa với Sót, đã bị treo cổ cùng ngày với Sót. Tại sao người ta chỉ trả xác Ozaki mà quên xác Sót!
Cuộc hành quyết diễn ra giữa lúc hải quân Thiên hoàng bị đánh thua liểng xiểng gần chính quốc -ở phía Nam tướng Mắc-At-tơ giải phóng Phi luật Tân, thủ đô Đông kinh ráo riết chuẩn chiến. Nói rõ hơn, Nhật đang xuống giốc. Hoàn cảnh này thuận tiện cho một cuộc dàn xếp ngầm giữa hai cơ quan an ninh Nga-Nhật.
Sau ngày Nhật đầu hàng, cửa lao thất được mở rộng. Người ta cố gắng tìm những đồng lõa thân cận của Sót hầu khám phá sự thật của huyền thoại. Song kẻ thì chết trong tù, người được trả tự do đã biến dạng. Nữ nghệ sĩ Kiêu-mi, cô gái Nhật được Phản gián dùng làm mồi lôi cuốn Hạng võ Sót, khi ấy đang còn sống.
Nàng chẳng sống được bao lâu. Năm 1947 nàng trình diễn ca vũ tại một hí viện Thượng hải và gặt hái được thành công vẻ vang. Một đêm kia, giọng nàng bỗng khản đặc, nàng ngưng ca và vũ, cặp mắt nàng trợn trừng trong sự hoảng sợ vô biên, hướng về phía một người đàn ông cao, gầy, phục sức xuề xòa, ngồi gần. Người đàn ông này lặng lẽ đứng dậy, đủng đỉnh bước ra ngoài. Kiêu-mi thét lên một tiếng khủng khiẽp rồi chạy vùng vào hậu trường. Khoác vội áo choàng, nàng lẻn ra ngoài bằng cửa sau. Nàng đinh ninh bóng tối giúp nàng thoát hiểm.
Ba phút súng nổ, xé tan màn im lặng đêm khuya của thành phố Thượng hải. Một xác đàn bà nằm gục xuống rãnh nước bẩn thỉu. Nạn nhân là Kiêu-mi. Huyền thoại cho rằng siêu điệp viên Sót đã trả thù.
Kiêu-mi đã chết nên thật khó xác nhận người đàn ông trong hí viện là Sót. Nhưng cùng năm ấy, hai người có thẩm quyền đã gặp Sót hẳn hòi, bằng xương bằng thịt. Cũng tại Thượng hải.
Một nhà ngoại giao Pháp và một nhà báo Mỹ ngồi nhấm nháp tại một tửu quán tên là Long Bar. Họ không phải là tay mơ về tình hình Viễn đông. Đang uống rượu, đột nhiên nhà ngoại giao thốt lên "Trời ơi, Sót!". Nhà ngoại giao xô ghế, đứng dậy, tiến về phía người đàn ông được nhận diện là Sót. Nhanh như điện, Sót - nếu đúng là Sót - đã lẩn vào đám đông.
Điệp viên Sót đã được tôn làm Anh hùng Liên sô. Một tàu buôn lớn mang tên Sót hiện đi khắp ngũ đại dương. Một đường phố ở Baku cũng mang tên Sót. Chưa hết, nhà cầm quyền sô-viết còn in một con tem (cò) với khuôn mặt lạ lùng của điệp viên Sót.
Sót còn sống hay đã chết?
May ra vài ba chục năm nữa, hoặc vài ba thế hệ nữa, huyền thoại về Sót mới tan thành bụi...
Và đây là Richard Sorge...
I.
Một người được dùng đúng chỗ có giá trị bằng hai chục ngàn người ngoài mặt trận - Hoàng đế Nã phá Luân.
Con đường đang rộng rãi và thẳng băng đột nhiên thu hẹp lại và ngoẹo xiên sang trái. Khi ấy, trời đã tối. Buổi tối ở thủ đô Đông Kinh ngày nay còn đông đúc, náo nhiệt và vui vẻ hơn cả ban ngày ở nhiều nơi khác trên thế giới, tuy vậy khi ấy quang cảnh lại thưa vắng, tẻ lặng và hầu như ảm đạm. Có lẽ vì khi ấy là đầu năm 1938, thế chiến thứ II chưa thật sự bùng nổ song nước Nhật đã mắc kẹt trong trận bão lửa với Trung quốc. Lý do chính có lẽ là trời mưa và lạnh. Mưa không to nhưng đủ khiến mọi người lười biếng, không thích ra đường, khí lạnh đầu xuân lại thấm sâu xương tủy nên trên con đường nhựa loang loáng ánh đèn không thấy bóng người.
Trừ một người đàn ông cao, gầy đang gò lưng trên chiếc mô-tô phóng nhanh như tên bắn.
Y có tấm thân nhiều xương hơn thịt, nét mặt chẳng có gì đặc sắc, chứ đừng nói là khôi tuấn tú, nhưng không hiểu sao đàn bà gặp y, nhìn y, trò truyện với y lại thường mê y. Dường như sức quyến rũ của y do từ cặp mắt sâu và sáng phát ra. Đàn bà mê y, phần nào cũng vì y có một lối phục sức cẩu thả phớt đời...
Mặt đường trơn như trải một lớp mỡ.Y vừa uống một bụng sa-kê, và ăn một bụng yakitôri, thịt gà nướng. Ngón tay y, da thịt y còn sặc mùi mỡ gà. Y cười lớn, và gia tăng tốc độ mặc dầu xe gắn máy đã chạy quá nhanh và khúc quẹo đã ngay trước mặt.
Y thuộc làu đường phố Đông kinh như cháo, nếu y không thay đổi lộ trình mỗi lần thì y nhắm mắt cũng không gặp tai nạn. Con đường rẽ góc vuông này đang còn xa lạ với y. Y nhận thấy nguy hiểm thì đã muộn. Y chỉ còn cách xuống số hộp, bóp thắng tay và đạp thắng chân.
Tiếng ren rét ghê răng nổi lên kèm theo mùi cao su cháy khét lẹt, chiếc mô-tô sơn đen đồ sộ bị kềm hãm bất ngờ đã chạy chồm lên vỉa hè rồi đâm sầm vào bức tường. Người cưỡi xe bị hất văng xa, áo quần rách bươm, thân thể đầy máu.
Nạn nhân chỉ choáng váng, chứ không ngất xỉu. Y cố gắng giây lâu mới ngồi dậy nổi, công chúng đã bắt đầu bu quanh, và đâu đây the thé tiếng còi của cảnh sát. Nếu là người khác thì những vết thương trầm trọng cầy sâu đến xương đã làm bất tỉnh. Nhưng y không được quyền bất tỉnh. Y thở một hơi dài trước khi lên xe vào bệnh viện. Y không dám nằm dài trên băng ca để được khiêng đi vì sợ bị coi là bịthương nặng. Mặc dầu máu tuôn xối xả, tứ chi đau rần, đầu nặng mắt hoay, hắn vẫn giữ nụ cười trên môi.
Đến nhà thương, y lắc đầu nhiều lần khi ngưòi ta định săn sóc cho y. Y kêu một nữ điều dưỡng lại gần, ghé tai nói tên và cho số điện thoại một người bạn, rồi ngồi điềm tĩnh và chờ đợi trên ghế.
Chờ đợi thật lâu, thật lâu bạn y mới đến. Y đã kiệt sức. Đầu y nặng như đeo tảng đá, hai chân y chơi vơi, tưởng chỉ đụng nhẹ là ngã vùi. Song y vẫn tỉnh táo táo. Y nói thầm "hừ, minh phải tỉnh táo, bắt buộc mình phải tỉnh táo...". Bạn y tất tả cúi xuống nghe y dặn. Bàn tay nhầy nhụa máu của y run run luồn vào trong áo lót, và lôi ra một phong thư nhỏ cũng đầm đìa những máu. Hai ngườikhông nói với nhau lời nào nửa. Bạn y nhét kỹ phong thư vào túi rồi hối hả quay đi sau khi đã yêu cầu nhân viên bệnh viện băng bó và chích thuốc khỏe cho nạn nhân.
Người mang phong thư vừa ra khỏi bệnh viện, nhòa mình trong bóng đêm dầy đặc thì người cưỡi xe mô-tô nằm lăn trên giường.
Bất tỉnh.
Và trong những ngày kế tiếp, nạn nhân sống trong cảnh nửa mê nửa tỉnh. Nhờ có sức khỏe, phương tiện điều trị tối tân, nạn nhân đã thoát khỏi tay Tử thần.
Nạn nhân này là Sorge. Tiến sĩ Richard Sorge -Siêu điệp viên tại Nhật trong thế chiến thứ II.
Khi Sót mê man, cảnh sát đã lục soát trong người y. Họ tìm thấy một số tiền lớn toàn bằng đô-la Mỹ. Món tiền kếch sù này có làm cảnh sát Phù tang ngạc nhiên không, họ không nói nên không ai biết. Nhưng chắc là không. Vì năm 1938, Sót đang là một thông tín viên báo chí người Đức, có liên hệ chặt chẽ với đảng Quốc xã của Hít-le, bồ bịch của sứ quán Đức, mà Đức lại là bồ bịch của Nhật. Vì năm 1938, Phản Gián Nhật chưa nghi ngờ Sót...
Nếu Sót ngất xỉu trước khi phong thơ được trao cho bạn, và nếu cảnh sát lục soát quần Sót sớm hơn 15 phút thì không hiểu vận mạng của Á châu hậu chiến sẽ ra sao.
Phải, vì những việc mà Sót đã hoàn thành trong 8năm công tác ở Nhật đã góp phần quyết định vận mạng của Á châu thời hậu chiến.
Sót, ông là ai?
II.
Sót ra đời năm 1895 tại Baku ở nam bộ Nga-sô. Ông nội là thư ký riêng của Kác Mác thủy tổ cộng sản dưới thời đệ nhất quốc tế. Khi Sót ra đời, phụ thân còn hành nghề kỹ sư trong một công ty dầu hỏa ở vùng núi Côcadơ. Cha ông người Đức, mẹ ông gốc Nga. Hồi nhỏ, ông rất siêng học, tính tình dễ mến, lại được cha mẹ nuông chiều hết mực. Đến tuổi thành niên, ông theo cha mẹ về Đức và nẩy ra khuynh hướng xã hội.
Trong thế chiến thứ nhất, ông chiên đấu trong quân ngũ Đức. Tình trạng hỗn loạn tại Đức sau chiến tranh đã làm ông chán nản và xô đẩy ông về phía đảng Cộng sản. Một thiếu phụ khá duyên dáng và có nhiều bản lãnh đã lôi kéo ông vào con đường mới. nàng là vợ của một giáo sư đại học, chồng nàng bận bịu sách vở và chai lọ hóa chất, quên nghĩ đến nàng nên nàng phải tìm thú vui riêng, và nàng gặp chàng sinh viên trẻ tuổi Sót. Nàng lớn hơn ông nhiều tuổi, đầy đủ kinh nghiệm yêu đương làm chàng trai ngây thơ si mê. Ông theo nàng sang Nga và gia nhập đảng Cộng sản Bôn-sơ-vích.
Tốt nghiệp tiến sĩ chính trị học, Sót là người thông minh trác tuyệt, sành tâm lý, giỏi tổ chức và viết lách. Ông nói được nhiều ngoại ngữ, như tiếng Nga, Anh, Pháp, ngoài tiếng Đức là tiếng mẹ đẻ, ông còn thông thạo tiếng Nhật và tiếng Tàu. Sót trở thành nhà báo cừ khôi. Từ nhiều năm nay chưa thấy một điệp viên nào hội đủ điều kiện và khả năng nghề nghiệp như Sót.
Ông được kết nạp vào ngành điệp báo, bí danh của ông trong Trung tâm 1 là Ram-xê (Ramsay). Ram-xê được gửi qua Trung hoa năm 1930. Ông tổ chức tại Thượng-hải một màng lưới do thám sô-viết đắc lực trong khi hành nghề thông tin viên báo chí cũng đắc lực không kém.
Năm 1933, ông được chuyển qua Nhật. Trước đó, Trung tâm sắp xếp cho ông về Đức, tìm cách gây thiện cảm với đảng Quốc Xã, vì đó là chìa khóa giúp ông mở toang mọi cánh cửa ở Nhật. Ông trở thành đảng viên Quốc Xã trung kiên, kết thân với các lý thuyết gia và yếu nhân của Đảng. Sau đó, ông mầy mò xin việc tại báo Frankfurter Zeitung, và báo này phái ông sang Đông kinh.
Sót đóng kịch khéo léo đến nỗi đại sứ Đức ở Nhật khoái ông và tin ông hơn cả người thân. Ông lại cung cấp tin tức sốt dẻo cho viên đại tá tùy viên quân sự, sau này là đại sứ. Phương châm hành động của Sót là "muốn có nhiều tin thì phải cung cấp thật nhiều tin". Sót mượn cớ cung cấp tin cho Đại sứ quán Đức để lấy tin gửi về Trung Tâm.
Năm 1935, tân giám đốc Trung Tâm, tướng Urít-sơki (Uritskyi) gọi ông về Mạc tư khoa để giao công tác mới. Ông ghé lại Nữu ước, trên đường sang Đức, nói là để trình diện và thảo luận với ban giám đốc tờ báo mà ông là đại diện. Nhưng ông không về Đức: một đại úy G.R.U. từ Mạc-tư-khoa đến Nữu-ước trao tận tay Sót một sổ thông hành giả. Và Sót bí mật vượt bức màn sắt. Từ Nữu-ước, ông vẫn viết thư đều cho tòa bào của Đức và bạn bè ở Nhật, không ai hiểu rằng ông đang ở Mạc-tư-khoa và những bức thư này đã được viết sẵn từ trước do nhân viên Trung Tâm gửi đi lần lượt.
Chỉ thị của tướng Uritsơki: Sót phải lấy kỳ được những tin tức và tài liệu liên quan đến tiềm lực quân sự và chính sách đối ngoại của Nhật bản. Để hoàn thành điệp vụ, Sót được xử dụng những quyền hạn rộng rãi, hầu như tự do hành động, về tiền bạc được chi tiêu bao nhiêu cũng được, về cộng sự viên thì toàn là cán bộ thượng thặng.
Số một là Hozumi Ozaki, trước đây đã hoạt động với Sót tại Thượng hải. Ozaki còn trẻ, thông minh, quyền biến và uyên bác, lại là một ký giả sâu sắc, một nhà văn có chân tài và một học giả đầy triển vọng nữa. Ozaki quen biết rộng trong giới quý tộc và lãnh đạo, gần gũi hoàng gia, lại chơi thân với nhiều bộ trưởng, tướng lãnh, giám đốc. Ozaki được coi là công dân Nhật yêu nước nên hoạt động khá dễ dàng, không ai ngờ rằng Ozaki có khuynh hướng thân cộng từ lâu và sẵn sàng phản bội Tổ quốc để tôn thờ Liên bang Sô-viết.
Ozaki là nguồn cung cấp tin tức số một cho Sót trong thời gian 8 năm, từ khi bắt đầu đến khi tan rã. Tuy nhiên các cộng sự viên khác cũng không thua là bao. Toàn thể đều được Mạc-tư-Khoa lựa chọn. Mỗi người mang một quốc tịch, một dĩ vãng khác nhau. Mỗi người đến Đông kinh bằng con đường riêng.
Vu-kê-lích chẳng hạn (Branco de Voukelitch), trước kia y là sĩ quan trong quân đội Nam tư, y sang Nhật với danh nghĩa là thông tin viên một tạp chí Pháp. Rồi là Miagi (Yotoko Myiagi), nghệ sĩ Nhật và bạn lòng của y là Ki ta 2 cũng là con cháu Thái dương thần nữ. Cặp vợ chồng này sống tại Cựu kim Sơn, phục vụ hăng say Đảng Cộng sản Mỹ, Trung Tâm ra lệnh cho họ quay về Đông kinh, phụ lực cho hệ thống của Sót.
Sót chuyền tin về Trung Tâm bằng hai đường dây, điện đài vô tuyến và giao liên hàng không. Tài liệu mật được chụp vào phim nhựa vi-ti, mỗi cuộn gồm một ngàn tấm hình, nhân viên của Sót đích thân mang đi Thượng hải, trao cho giao liên Trung tâm. Sau này, tài liệu chụp gia tăng vùn vụt, Trung tâm phải đặt thêm trạm tiếp nhận ở Hồng kông, Mani và ngay cả ở Đông kinh nữa. Chính tiến sĩ Sót cũng đã đi Mani một lần, với tư cách là "giao liên ngoại giao" chính thức của tòa đại sứ Đức, ông đã lợi dụng được chuyến công xuất này để chở một xấp tài liệu tối mật cho tướng Urítsơki.
Những tin tức quan trọng có tính cách sốt dẻo thường được chuyển bằng điện đài, Trung tâm đã cử một chuyên viên điện-đài tháo vát đến giúp Sót. Chuyên viên này là Mắc (Max Clausen).
III.
Điều đáng ghi nhận là trong số các cộng sự viên sinh tử của trùm gián điệp Sót không có một người Nga nào. Họ hoạt động một thời gian dài mới bị lộ là như vậy 3. Chuyên viên vô tuyến Mắc là dân Đức chính cống cũng như Sót. Mắc cao lớn như đụn rạ, mặt luôn luôn đỏ, ngón tay chuối mắn thô ráp và cục cằn. Ngón tay y vụng về như thế, nhưng khi vào việc mới thấy chẳng vụng về tí nào. Y có thể một mình ráp lắp những điện đài tí hon nhất thế giới. Khi xử dụng điện đài, ngón tay y bay thoăn thoắt trên cần mã tự không khác ngón tay nữ nghệ sĩ dương cầm.
Mắc từng phục vụ dưới quyền Sót tại Thượng hải. Đến Nhật, Mắc hủy bỏ điện đài cũ rích do đồng nghiệp để lại, và tự tay chế tạo một điện đài tối tân có tầm xa 4.000 cây số. Để che mắt thế gian; Sót bố trí cho Mắc đứng chủ một cơ sở thương mãi chuyên in chụp tài liệu, hình ảnh. Cơ sở này đã in chụp nhiều tài liệu của chính phủ Nhật và thu được bộn tiền. Nhất cử lưỡng tiện, vừa lấy được tin, vừa phát triển được tài chính.
Điện đài của Mắc được dùng trong 6 năm không nghỉ, chuyển đi khoảng 250 bức điện. Năm 1939 gồm 23.139 tiếng được chuyển đi. Mức cao nhất đượcđạt vào năm 1940 với gần 30.000 tiếng.
Ngoài các cộng sự viên nòng cốt, tiến sĩ Sót còn được khoảng 30 điệp viên "hàng ngoài" phụ lực, quy tụ đủ mọi thành phần xã hội, từ ông thợ may già 57 tuổi đến anh thư ký trẻ 21, tòng sự tại Viện Khảo cứu Hóa học, một cơ quan tình báo của chính quyền,từ ông y sĩ giỏi đắt khách đến những chuyên viên hối đoái với vẻ mặt luôn luôn trịnh trọng.
Sót hoạt động rất khôn ngoan, các cộng sự viên phải tuân theo một số kỷ luật nghiêm mật: không được công khai lui tới nhà nhau nhiều lần, người nào làm việc người nấy, mỗi người có những mật báo viên bản xứ riêng biệt, công việc trước du hí sau, và đặc biệt không ai được tiếp xúc với đảng viên đảng Cộng sản Nhật.
Núp sau chiêu bài đảng viên Quốc Xã có thế lực ở chính quốc, Sót trở thành khách quý tại đại sứ quán Đửc. Ông ra vào văn phòng ông đại sứ như đi chợ 4, và kết thâm tình với tùy viên quân sự. Mỗi sáng, Sót ăn điểm tâm với ông tùy viên; trao đổi tin tức. Theo lệnh Sót, ký giả Ozaki liên lạc hàng ngày với thủ tướng hoàng thân Kônoi.
Mối lo canh cánh của Liên sô là Nhật có thể đột kích Tây bá lợi á. Năm 1933, Sit-ta-Lin bắt đầu được ăn no ngủ kỹ vì hệ thống do thám Sót đã nắm được tài liệu xác đáng cho thấy Nhật không đánh Nga mà là đánh Tàu. Sau đó, Sót đạt một thắng lợi phi thường: gửi về Mạc tư khoa những chi tiết về minh ước Đức-Nhật chống Quốc tế Cộng sản trước khi minh ước này được hai nước ký kết.
Nhờ Sót, Liên sô đã biết trước Đức quốc xã sửa soạn xâm chiếm Đan mạch, Na uy, Hòa lan, Bỉ và Pháp. Nhưng họ đã ngậm miệng ăn tiền, không báo cho các nước này biết.
Các tin tức của Sót quá đúng, quá nhanh, nên nhiều khi làm cho Sít-ta-Lin hoài nghi. Bằng chứng là bức điện của Sót về việc Hít-le đang ráo riết chuẩn bị tấn công Liên sô. Họ Sít không tin. Anh-Mỹ đã từng nhiều lần thầm thì "ông ơi, ông nên đề phòng Hít-le, hắn sắp làm thịt ông đó", và họ Sít cho đó là mánh lới ly gián, tuyên truyền của bè lũ đế quốc. Họ Sít đã ký hiệp ước bất tương xâm với Hít-le, lẽ nào Đức trở mặt xâm lăng Liên sô?
Sít-ta-Lin ngây thơ đến nỗi mấy giờ đồng hồ trước khi chiến xa của Hít-le ào ào vượt biên, một đoàn tàu chở đầy cao su mua ở Mã-lai còn được chở qua Đức.
Té ra Hít-le trở mặt thật! Té ra Sót nói đúng! Nhà độc tài Sít thấy hố thì đã muộn, hơn nửa triệu (xin nhắc lại, hơn nửa triệu) binh sĩ Nga đã tử trận oan uồng. Muộn còn hơn không, từ đó đâm ra tin cậy Sót kinh khủng.
Và tiến sĩ Sót đã không phụ lòng trông cậy của nhà độc tài thép. Tháng 10-1941, đất Nga đang bị quân Đức cày nát, mấy triệu người chết sau mấy tháng binh lửa phũ phàng, nếu không được tăng viện kịp thời thì quê hương của cộng sản quốc tế sẽ rơi vào tay quốc xã. Nhưng lấy ở đâu mà tăng viện? Chỉ còn cách đưa những sư đoàn tinh nhuệ võ trang đầy đủ bị mắc kẹt ở phía đông, vì sợ Nhật bản mở mặt trận mới, đỡ đòn cho Đức.
Tiến sĩ Sót đã tiêm cho Sít một nhát thuốc hồi sinh.
Bức điện của ông gửi về Trung Tâm đã trình báo minh bạch là Nhật tiếp lục tôn trọng biên giới Sô viết, và chỉ thọc quân xuống miền nam, qua Phi luật Tân, Nam dương, trên biển Thái bình để chống Mỹ. Sót còn nói rõ là Nhật sẽ khai pháo đánh Mỹ trong tháng 12-1941, chậm lắm là đến tháng 1-1942.
Bức điện này là bức điện cuối cùng của hệ thống Sót. Trên thực tế, Nhật đã bất thần đánh Mỹ tại Trân châu cảng, ngày 7-12 năm ấy.
Cho dẫu bức điện ấy chưa phải là bức điện cuối cùng thì Sít-ta-Lin cũng không cần gì thêm nữa. Vì thời cuộc sắp đảo lộn hoàn toàn vì bức điện ngàn năm một thuở ấy. Liên sô cấp thời kéo các sư đoàn từ Tây bá Lợi á qua phía tây, giải vây Mạc-tư-khoa. Quân đội Đức đang hí hửng sửa soạn ăn gỏi thủ đô Sô viết, không dè những làn sóng người và võ khí không biết từ đâu tới đột ngột được tung ra ào ạt. Hit-le sửng sốt, kêu viên tham mưu trưởng đếnhỏi xuất xứ của viện binh. Viên tướng này cứng họng không thể nào đáp lại được.
Hit-le đâu dè sự thay đổi hướng lịch sử ấy chỉ do một cá nhân lẻ loi tạo ra.
Siêu điệp viên Sót.
IV.
Ngày 18-10-1941 Sót bị bắt.
Phàm điệp viên bị bắt là do hoạt động hớ hênh. Sót là điệp viên phi thường. Nhưng sự phi thường ấykhông có nghĩa là không hớ hênh. Có lẽ những hớ hênh này do tự kiêu mà ra. Sót thành công liên tục, thành công rạng rỡ nên nhìn ai cũng bằng nửa con mắt.
Chuyên viên điện đài Mắc sợ ông như sợ cọp. Đó là bề ngoài. Bên trong Mắc ngầm ghét Sót, ở Thượng hải, Mắc dính với một cô gái tên là An-na. Nàng không yêu chủ nghĩa cộng sản, nàng yêu Mắc. Sót tống khứ cặp trai gái về Mạc-tư-khoa. Mắc bị thất sủng, chẳng hiểu sao sau đó lại được phục hồi, và được quay về Thượng hải, với An-na kè kè một bên. Mắc rất trung thành, y là người Sót chờ đêm đó tại bệnh viện để trao bức thư giấu trong phong thư trước khi bị mê man.
Kể ra Sót khắc nghiệt cũng đúng:Mắc là con người ẩu tả. Dường như Mắc đi đến đâu, thần số đen theo đến đấy. Có lần mang những bộ phận điện đài hư cũ ra ngoại ô toan quăng xuống, Mắc bị cảnh sát rượt theo, đòi khám. Suýt nữa thì chết. Một lần khác, di chuyển điện đài tới địa chỉ mới, chẳng may một cảnh sát viên trèo vào ngồi lên thùng điện đài, Mắc phải hối lộ mới thoát hiểm.
Đôi khi, Sót đã khắc nghiệt một cách lầm lẫn tai hại. Y đưa quá nhiều mật điện cho Mắc chuyển đi, có những tin tức mới tiếp nhận được đã chuyển đi không phối kiểm để rồi phải gửi tiếp những bản đính chính, bổ khuyết. Mắc cằn nhằn "đánh hoài hoài như thế này chắc lộ". Nhưng Sót không nghe.
Sót không phải là chuyên viên diện đài nên không thể biết rằng mỗi chuyên viên có một lối đánh mã-tự riêng biệt. Ngay từ khi Mắc đánh những bức điện đầu tiên, ban kiểm thính của Sở Phản gián Tốc-kô-ka (Tokkoka) do đại tá Osaki 5 chỉ huy đã ghi được vào băng nhựa. Phản gián không hiểu được nội dung vì họ còn bết bát về khoản này, họ lại không tóm được chìa-khóa của mật mã. Họ cũng không biết được vị trí điện đài, vì nó luôn luôn di chuyển, hơn thế nữa dụng cụ tầm-đài họ còn bết bát như kỹ thuật khám phá mật mã. Họ bèn cấp tốc trang bị dụng cụ tầm-đài tân tiến do Đức chế tạo và bám sát điện đài của Sót như bóng với hình. Dầu sao Phản gián cũng đã phăng ra một điều quan trọng: những bức điện đã được chuyến đi đều do một người đánh. Nhưng phăng ra danh tính, sào huyệt, với đầy đủ bằng chứng đâu phải là chuyện dễ?
Thời Tam quốc, khi bị hộc máu chết vì quân sư Gia cát Lượng của Lưu Bị chơi khăm đô đốc Châu Du đã thốt lên câu nói lịch sử "Trời đã sinh ra Du sao lại còn sinh Lượng?". Sau này, nằm trong khám tử hình, chắc hẳn siêu điệp viên Sót, rành truyện Tam quốc, cũng đã than thở "Trời đã sinh Sót sao lại còn sinh đại tá Osaki "...
Vì nếu người đối đầu với siêu điệp viên không phải là siêu chỉ huy Phản gián Osaki thì sức mấy mà hệ thống Sót bị tan rã hoàn toàn...
Công việc của đại tá Osaki dễ mà khó. Dễ, vì ở Đông kinh không có nhiều ngoại kiều, và thông lệ ngoại kiều nào nhập cảnh cũng bị điều tra và lập thành hồ sơ. Nhưng lại khó, vì dân ở Đông kinh đông nhung nhúc như giòi, nhân viên điều tra, theo dõi lại ít. Bù lại, đại tá Osaki có tính kiên nhẫn và nhiều mưu lược. Ông tuần tự mở lại hồ sơ từng ngoại kiều, nghiên cứu, phân tích từng li từng tí và không quên lưu tâm đến những quán rượu, những chốn ăn chơi sang trọng.
Rủi mà hên cho Osaki, những bí mật tối cao của quốc gia bị lọt ra ngoài, nền an ninh Nhật bị đe dọa thật đấy, nhưng cũng nhờ sự thẩm lậu này mà nhiệm vụ mò kim đáy biển của Phản gián được giản dị hóa rất nhiều.
Một tàu lớn của Đức vượt qua hàng rào mìn đồng minh cặp bến ở Nhật, chở theo nhiều dụng cụ điện tử quan trọng. Trên đường về, tàu chất đầy cao su. Chỉ riêng một chuyến tàu với 6 ngàn tấn cao su chưa chế biến này đã đủ cung ứng nguyên liệu cần thiết cho kỹ nghệ Đức để sản xuất lốp vỏ xe dùng trong 3 tháng. Ngày giờ tàu rời bến, đường đi ngoằn ngoèo của nó trên biển rộng, và nơi nó sẽ gặp một tàu dầu của Nhật để lấy thêm nhiên liệu, tất cả đều được giữ bí mật tuyệt đối 6, chỉ riêng một số nhân vật cao cấp hạn chế thuộc hai bộ tổng tư lệnh Đức, Nhật là biết.
Hai con tàu vừa gặp nhau ở chỗ hẹn thì bị đánh đắm. Trước đó, ban kiểm thính bắt được một bức điện rất ngắn từ điện đài bí mật phát ra. Osaki suy luận bức điện này đã loan báo nơi gặp của hai con tàu để phe đồng minh hành động. Bộ tổng tư lệnh Nhật không phải là nơi dễ bị nghe trộm, lấy trộm tài liệu, Osaki đã kiểm soát kỹ càng. Cho nên ông bắt đầu nghi ngờ nhân viên sứ quán Đức. Cuộc điều tra cho thấy có một số nhân viên cao cấp ở đại sứ biết tin này. Thoạt đầu Osaki nghi ngờ viên phụ tá thân cận của đại sứ Đức, tiến sĩ Ravenbua (Ravensburg)...
Nhưng...
Một bí mật quốc gia trọng đại khác lại bị thẩm lậu. Hoàng thân thủ tướng Kônoi vừa bàn luận về việc chuyển quân đến gần biên giới Tây bá lợi á, chỉ mới bàn luận với một số ít bộ trưởng trong Nội các chứ chưa hạ lệnh cho bộ tư lệnh ngoài mặt trận thì Liên Sô đã biết, đại sứ Liên Sô tại Đông kinh đùng đùng tới gặp chính phủ để trao kháng thư.
Cũng có một bức điện bí mật được đánh đi trước đó. Như vậy có nghĩa là tên phản bội phải là kẻ được giới lãnh đạo cao cấp tin dùng? Tên phản bội này là ai? Trong một cuộc bệ kiến ngắn với Nhật hoàng, thủ tướng Kônoi đã cúi đầu làm thinh, không thể trả lời được khi ngài đặt câu hỏi: "Tên phản bội là ai?". Thủ tướng Kônoi đặt lại câu này trong phiên họp thu hẹp với đại sứ Đức và đạị tá Phản gián Osaki.
Tuy chưa biết "tên phản bội là ai", đại tá Osaki đã có thể nhìn thấy 3 tia sáng:
- Tên phản bội có liên hệ với sứ quán Đức.
- Tên phản bội có liên hệ với một vài yếu nhân lãnh dạo Nội các.
- Tên phản bội có liên hệ với Liên Sô cộng sản.
Đại tả Osaki bèn áp dụng chiến thuật xưa trái đất: mỹ nhân kế. Kiêu-mi (Kyomi), con gái duy nhất của nam tước Nomura, được Osaki tuyển chọn với sự chấp thuận của cha mẹ nàng, để dò xét tiến sĩ Ravenbua. Kiêu-mi từng sống ở tây phương, có học thức, con nhà quyền quý, lại có sắc đẹp tuyệt vời.. Nàng hát hay, đàn giỏi và đang học vũ điệu cổ truyền.
Ông đại sứ Đức nghi ngờ Ravenbua. Nhiều bằng chứng cho thấy Ravenbua có thể là "tên phản bội". Riêng Osaki nghĩ khác. Osaki hướng cuộc điều tra về phía tiến sĩ Sót mặc dầu Sót được ông đại sứ Đức tin cậy và che chở tuyệt đối.
Tuy vậy nghi ngờ là một chuyện, còn nắm bằng chứng để bắt giữ Sót lại là một chuyện khác.
Thì lãnh tụ Nhật cộng Ritsu bị sa lưới Phản gián.
V.
Ritsu không có liên hệ với hệ thống do thám của tiến sĩ Sót. Sở dĩ Ritsu bị bắt là vì nước Nhật vốn không ưa Cộng sản. Tháng 6-1941, Ritsu lại đưa ra những lời tuyên bố bợ đỡ quan thầy một cách quá đáng nên bị công an thộp cổ. Một lý do khác khiến y phải ngồi nhà đá: đại tá Osaki suy luận rằng tên phản bội ít nhiều có liên hệ với Liên Sô, nên thượng sách là nhốt lãnh tụ cộng sản Ritsu lại rồi dùng kỹ thuật thẩm vấn để moi móc bí mật hòng tìm ra đầu mối tổ chức gián điệp Sô-viết.
Kỹ thuật thẩm vấn của Nhật từng khét tiếng trên thế giới. Công an quốc xã Đức tra tấn không gớm tay, song so với Nhật thì còn thua một vực một trời. Ritsu khá gan góc, nhưng tượng đá công an Phù tang thẩm vấn cũng biết mở miệng nói huống hồ con người bằng xương bằng thịt đầy đủ hỉ nộ ai lạc. Do đó lãnh tụ Nhật cộng đã mở miệng...
Sẵn căm hờn, Ritsu khai phăng cho Kita, nữ đảng viên cộng sản Mỹ, người đồng chí trung thành kiêm bạn lòng của họa sĩ Myagi.
Nguyên ủy của sự căm hờn này như sau: trong những ngày đầu tiên của hệ thống Sót, Mạc-tư-Khoa huy động mọi tiềm lực để giúp Sót kết nạp điệp viên, và mở rộng hoạt động, cho nên Ritsu được yêu cầu tiếp xúc với Kita. Khốn nỗi khi ấy Kita đã cặp kè với Myagi, và được tổ chức vào hệ thống lấy tin của Sót. Myagi nằm trong đường dây của ký giả Ozaki, và Myagi ra chỉ thị minh bạch cho Kita chấm dứt mọi liên lạc với cộng sản đảng địa phương, và từ chối hợp tác với họ trong bất cứ trường hợp nào. Tuân hành đúng chỉ thị, Kita thẳng tay bác bỏ đề nghị của Ritsu. Cho đến nay, người ta vẫn không hiểu tại sao Trung tâm G.R.U. lại có thể hớ hênh đến như vậy.
Tại sao hạ lệnh cho Ritsu tiếp xúc với Kita mà lại quên hạ lệnh cho Kita chấp nhận đề nghị của Ritsu?
Dầu sao chăng nữa thì ván cũng đã đóng thuyền, trong thâm tâm Ritsu nghĩ rằng "con mẹ Kita không thèm hợp tác với mình thì mình khai ra nó cho bõ ghét ". Và Kita bị bắt.
Đại tá Osaki tiến từng bước một, tuy chậm mà chắc. Ông chỉ khai thác Kita, chứ chưa làm gì hết. Khai thác Kita dễ ợt, chưa tra tấn nàng đã khai tùm lum, và dĩ nhiên là trong số những ngưòi bị nàng nhắc đến tên phải có họa sĩ Miyagi.
Osaki vẫn tiếp tục cuộc phản công thận trọng, vì ông muốn quy tụ được thật nhiều bằng chứng trước khi xuống tay. Nếu quăng ngay mẻ lưới e chỉ bắt được tôm tép còn những con cá lớn sẽ chạy thoát. Vả lại, phương châm bất di dịch của nghề phản gián không hẳn chỉ là bắt điệp viên địch, mà là phá vỡ toàn diện cơ sở của địch.
Mùa hè trôi qua, Đông kinh đã bắt đầu mùa thu. Đầu tháng 10, nhân viên Phản gián gõ cửa nhà Miyagi. Khi ấy Miyagi đang bị bệnh đau phổi nặng. Biết bại lộ, y vớ con dao đâm vào người để tự tử. Nhân viên của Osaki đã nhanh tay cứu sống.
Khỏe như Ritsu còn phải mở miệng huống hồ họa sĩ Miyagi chỉ là bộ xương sắp bị vi trùng Kốc đục ruỗng. Cho nên Phản gián nắm thêm được nhiều tin tức quan trọng. Đọc lời khai của Miyagi đại tá Osaki suýt ngã ngửa. Điều không ai ngờ đã xảy ra. Thượng cấp trực tiếp của Miyagi là Hozumi Ozaki, người được Thủ tướng và Chính phủ Nhật tin cậy, hoàn toàn tin cậy.
Đến lượt ký giả Ozaki bị bắt. Từ Ozaki đến Sót, con đường không còn xa lắm nữa. Bị động ổ, biết bị nghi ngờ, Sót bèn khôn ngoan đánh lạc hướng phản gián bằng cách bố trí cho tiến sĩ Ravenbua bị chộp quả tang với một cuộn phim tài liệu quốc phòng. Đại sứ Đức giam lỏng Ravenbua, và về chính quốc xin chỉ thị. Bá linh ra lệnh đưa Ravenbua về nước, để ra trước Tòa án binh về tội phản quốc. Ravenbua sửa soạn xuống tàu. Các đại dương đều bị đồng minh phong tỏa, Ravenbua có nhiều cơ hội bị chết dọc đường. Hoặc nếu thoát bom đạn đồng minh thì cũng bị chết do 12viên đạn của tiểu đội hành quyết. Ravenbua bị oan...nhưng làm sao giải oan được cho y?
Và mỹ nhân kế được thi hành...
Kiêu-mi, cô gái quý tộc được Osaki tiến cử làm bạn với Ravenbua với mục đích dò xét, bủn rủn tay chân khi nghe tin Ravenbua bị áp giải về Bá linh chịu tội. Nàng xúc động mãnh liệt vì trong thời gian gần gũi Ravenbua nàng thấy chàng có nhiều tính tốt, và đem lòng yêu nàng. Nhiều lần chàng ngỏ ý muốn cưới nàng làm vợ, ông đại sứ Đức phản đối, chàng bèn xin từ chức. Kiêu-mi cảm thấy có phần nào trách nhiệm trong vụ Ravenbua.
Nàng bèn tất tưởi đến gặp đại tá giám đốc Phản gián Osaki.
Osaki là bạn đồng ngũ của cha nàng. Mắt đỏ hoe, nàng hỏi:
- Bác có tin là Ravenbua phản bội không?
Đại tá Osaki lắc đầu:
- Không.
- Tại sao trong tủ sắt của Ravenbua lại có cuộn phim chụp tài liệu mật của chính phủ?
- Người khác ở trong sứ quán lén mở tủ bỏ vào để ru ngủ sở Phản gián.
- Bác đã biết rõ người ấy là ai?
- Rồi. Biết từ lâu.
- Tiến sĩ Sót?
- Phải, Tiến sĩ Sót!
- Tại sao bác không bắt giữ Sót và giải oan cho Ravenbua?
- Hừ... Ravenbua bị oan là đáng đời. Tôi đã gặp y, yêu cầu y cho tôi biết rõ thêm về Sót nhưng y từ chối, y nói là y không thể làm hại một người bạn tốt. Làm việc công, việc nước, mà ôm chặt tình cảm cá nhân vụn vặt như Ravenbua thì chết là đúng...
- Bác Osaki ơi, xin bác giúp cháu, bác bắt giữ Sót...
- Bắt giữ một nhân vật như Sót đâu phải dễ. Cô đừng quên Sót là cộng sự viên thân cận sáng giá nhất và cũng là bạn tri kỷ của ông đại sứ Đức, muốn tóm cổ y tôi phải xuất trình bằng chứng.
- Bác chưa có bằng chứng? - Chưa!
- Bây giờ bác tính sao, hả bác?
- Phải làm cách nào để Sót bị bắt quả tang với tài liệu. Có như vậy thì Ravenbua mới được minh oan. Sót và đồng bọn mới có thể bị xử tử. Nghĩa là phải lừa Sót... Phải lôi Sót vào tròng....
- Thưa bác, bác dạy gì cháu chưa hiểu....
- Cô chưa hiểu là phải, vì cô còn ít tuổi. Tiến sĩ Sót là một điệp viên có nhiều tuổi đời cũng như tuổi nghề. Phàm làm nghề này thường mắc 3 nhược điểm, hầu như là cố tật, đó là rượu chè, tiền bạc và.. đàn bà. Muốn lôi điệp viên địch vào tròng, người ta luôn luôn nghĩ đến ba nhược điểm này. Tôi đã nghiên cứu Sót rất kỹ: y uống rượu rất nhiều, hễ ngồi xuống bàn là có chai rượu mạnh một bên, song khả năng chịu đựng của y cao hơn mức trung bình rất nhiều, trong nhiều bữa uống đông đảo, thiên hạ say bí tỉ, chân nam đá chân xiêu hoặc nằm quay lơ thì Sót vẫn tỉnh bơ. Nói vậy không có nghĩa là y không bao giờ say, chẳng qua vì y có tài biết trước chừng bao nhiêu ly y sẽ chếnh choáng, mà hễ đã chếnh choáng là y ngừng uống, chứ đừng nói là chờ đến lúc say tít cung Trăng mới chịu tốp lại... Đó là vấn đề rượu. Còn về tiền... Cô có để ý tới cách phục sức của Sót không?. Lúc nào y cũng ăn mặc cẩu thả, bất cần thiên hạ. Y cũng chẳng thèm thuê nhà sang, đồ đạc sang, sắm xe cộ sang, y chỉ sống bình thường như mọi người, có cũng được mà không có cũng được. Về khoản đàn bà. Sót còn ghê gớm hơn nữa. Nói cô bỏ lỗi, y vốn khinh miệt đàn bà, y cho rằng đàn bà là giống thấp hèn, là đồ chơi hàng ngày....
- Thưa bác, đàn bà không phải là giống thấp hèn hoặc là đồ chơi hàng ngày của.....
- Dĩ nhiên, tôi hoàn toàn đồng ý với cô. Quan niệm vừa nói chỉ là quan niệm của Sót.
- Và là quan niệm sai lầm...
- Trên lý thuyết, nó sai lầm, nhưng trên thực tế, nó lại đúng. Chắc cô chưa biết nhiều về tiến sĩ Sót. Y không đẹp trai lắm, song tạo hóa đã cho y một sức lôi cuốn lạ lùng, bất cứ đàn bà con gái nào gặp y cũng đều bị y mê hoặc. Phụ nữ đã dính vào y là chết cứng, không dứt ra được nữa, trong khi ấy y vẫn tỉnh táo như không, y xài một vài lần rồi vứt bỏ không thương tiếc. Có thể nói Sót là con người không có tình cảm. Một gã khổng lồ không tim.....
- Thưa bác, cháu không tin Sót là con người bách chiến bách thắng. Khổng lồ đến như Samson...
- Là vì có Dalila.
Kiêu-mi chỉ nói mấy tiếng rồi ngưng bặt. Nàng chợt hiểu. Đại tá Phản gián Osaki cũng vậy. Ông nhắc đến giai nhân Dalila trong Thánh kinh công giáo rồi ngưng bặt, đầu cúi xuống đống hồ sơ dày cộm trên bàn. Bên ngoài trời đã khuya. Tuy hai người, một già một trẻ không nhìn nhau, không nói với nhau một lời, song cả hai đều nghĩ đến câu chuyện thần thoại Samson và Dalila trong đêm khuya tiền sử.
Samson, phán quan xứ Do thái, có sức khỏe chẻ núi băng sông, lần nào quân Phi-lít-tin (Philistins) kéo đến toan tấn công Do thái cũng bị Samson đánh thua không còn manh giáp. Đối phương bèn dùng mỹ nhân kế, và anh hùng Samson đâm ra mê thuyền quyên Dalila. Nhiệm vụ của nàng là khám phá ra bí quyết sức khỏe địch muôn người của Samson.
Khỏi cần điều tra xa xôi, nàng làm cho anh hùng chết mê chết mệt rồi hỏi thẳng chàng:
- Anh ơi, tại sao anh lại khỏe như vậy? Muốn đánh anh thua thì phải làm thế nào?
Tráng sĩ đang còn tỉnh nên lựa lời dối trá. Samson nói là muốn trói chàng phải lấy 7 sợi dây cung còn tươi, chưa khô. Dalila lừa chàng ngủ để trói lại. chàng chỉ cựa nhẹ là 7 sợi dây kiên cố bứt tung.
Dalila không nản lòng. Nàng tiếp tục tạo cho anh hùng khổng lồ những rung cảm chưa từng có. Một ngày kia, trong cơn say tình chếnh choáng, chàng quên cả giữ gìn, chàng thú nhận với giai nhân rằng bí quyết sức khỏe siêu phàm của chàng nằm giấu trong mái tóc, Nàng bèn liên lạc với quân Phi-lít-tin, anh hùng Samson đang nồng nàn giấc điệp bên cạnh người yêu thơm tho thì bị cạo trọc đầu.
Hết tóc, Samson trở nên yếu như sên, kẻ địch xông lại, bắt giữ. Tội nghiệp Samson dại gái... chàng bị kẻ địch móc mù mắt, tống vào nhà giam.
Đạị tá Osaki đứng dậy:
- Khuya rồi, cô về đi.
Kiêu-mi vẫn ngồi, nét mặt nàng đanh lại:
- Thưa bác. cháu chưa muốn về, cháu cần ở lại bàn với bác và xin chỉ thị của bác.
- Về việc gì?
- Cháu tình nguyện làm Dalila.
Đại tá Osaki và giai nhân quý tộc Kiêu-mi đã bắt tay ngay vào việc. Tiến sĩ Sót mắc cái bệnh thay cũ đổi mới hầu như mỗi đêm, bản chất kiêu căng lại chỉ ưa cái gì khó khăn và hiếm có nên không thể ngoảnh mặt làm ngơ trước miếng mồi xác thịt độc nhất vô nhị là Kiêu-mi. Chưa bao giờ Sót một cô gái hội đủ điều kiện như nàng. Dĩ nhiên có người đẹp hơn. Nhưng không được tươi trẻ bằng. Không được học thức bằng. Và không quý phái bằng. Chiếm được Kiêu-mi, con gái của một nam tước tên tuổi trong hoàng gia, Sót sẽ có thể giã từ đất Nhật một cách hiên ngang. Sau bao nhiêu thành công nghề nghiệp, y tự nhủ sẽ đạt một thành công tình ái lớn lao.
Siêu điệp viên Sót không ngờ rằng cái đêm đầu tiên ông được quàng vai bá cổ Kiêu-mi, được thưởng thức thân thể êm mát của nàng cũng là đêm cuối cùng của cuộc sống tự do trên cõi thế.
Đêm ấy, Sót nhận được một tin quan trọng. Tin Nhật sửa soạn đánh úp Trân châu cảng. Ông cũng đã sửa soạn chu đáo. Ông ra lệnh cho Mắc chuyển bức mật điện. Ông dự tính hú hí với giai nhân một lát rồi vù trốn khỏi Đông kinh.
Nhưng Dalila đã nắm được nhược điểm của Samson....
VI.
Gần nửa đêm, Sót dìu người đẹp ra khỏi hộp đêm Phú Sĩ. Đông kinh dưới thời đại chiến thứ hai chỉ là móng tay so với Đông kinh tân tiến, cuồng loạn, hỗn tạp, si mê ngày nay, tuy vậy hộp đêm Phú Sĩ hồi đó cũng đã là một trung tâm hò hẹn sang trọng của giới thanh lịch quốc tế. Kiêu-mi với những điệu vũ cổ truyền gợi cảm, là cái đinh của hộp đêm, cho nên sự cặp kè của nàng đã làm ông nở mũi hãnh diện.
Như để nhấn mạnh thêm tài ba chinh phục phái yếu của mình, Sót mặc bộ com-Iê nhàu nát nhất và thắt cái cà-vạt cẩu thả nhất trong thiên hạ đều diện dạ phục. Ông lại mời giai nhân trên chiếc xe hơi méo mó, sọc sạch, đậu cạnh giẫy xe hơi bóng loáng.
Mặt Sót vui vẻ lạ thường. Kiêu-mi đã đoán được lý do. Ông vui vẻ vì sắp "bẻ khóa động đào", điều nấy dĩ nhiên, nhưng lý do thầm kín và quan trọng hơn nhiều là ông vừa nhận được một mảnh giấy nhỏ. Nàng thoáng thấy một người trao tận tay ông, vì trong hộp đêm quá đông người, sáng lại lờ mờ nên ông chưa đọc. Trước khi ra xe với Sót, nàng đã nghe giọng nói chắc nịch của đại tá Osaki trong điện thoại:
- Tôi lặp lại: cô phải lấy kỳ được mẩu giấy mà Sót vừa nhận được. Phải đoạt được mẩu này mới giải oan nổi cho Ravenbua và lôi Sót ra tòa án...
Gió mát tạt vào xe, Sót lái thật nhanh. Ông hứa đưa nàng đến một thắng cảnh quen thuộc bên trong thành phổ, nhưng, ơ kìa... ông lại thay đổi lộ trình. Có lẽ ông đánh hơi thấy bị lộ. Ruột gan Kiêu-mi nóng ran. Ông ôm nàng hôn, nàng chỉ kháng cự yếu ớt, nên Sót lại tưởng nàng thành thật yêu mình, Sót đề nghị "chúng mình đi chơi với nhau cả đêm nay nhé!" nàng bận suy nghĩ, không đáp, ông lại tưởng nàng đồng ý, và phóng ra ngoại ô.
Đến một khoảng tối, Sót đậu xe, rút mẩu giấy ra. Ông ló đầu ra cửa xe, lợi dụng ánh đèn đường từ xa hắt lại để đọc. Đoạn ông lục túi lấy quẹt máy. Ông bật hai lần, lửa không cháy. Quẹt máy đã hết đá. Thật may cho Kiêu-mi. Nếu có lửa, Sót đã đốt mẩu giấy định mạng ra than, ông nhún vai, xé mẩu giấy thành nhiều miếng vụn, vứt bay lả tả theo giỏ, rồi quay sang Kiêu-mi hôn nàng:
- Đi nhé!
- Em sợ lắm.
- Sợ gì? À, anh hiểu rồi, em sợ ông già.
- Vâng, chẳng gì ba em cũng là sĩ quan cao cấp, lại là vị nam tước có tiếng tăm, nếu em đi thẳng một mạch ba em báo tin cho cảnh sảt tìm kiếm thì nguy.
- Có khó gì đâu. Em gọi điện thoại về nhà, nói là đến thăm một người bạn gái...
- Vâng. Nhưng ở đây làm gì có điện thoại.
- Ngay trước mặt em kia kìa... Em sợ ông già đến nỗi chẳng còn nhìn thấy được gì nữa.
Sót quá tự tin, quá kiêu căng nên đã xét lầm Kiêu-mi. Nàng đã nhìn thấy
trạm điện thoại công cộng trước ông. Song nàng chờ ông đề nghị trước. Sót mở cửa xe:
- Em gọi cho ông già, còn anh đi mua thuốc và bao quẹt. Nhanh lên em.
Nàng không quay số về nhà mà là cho đại tá Osaki đang ngồi chờ tại văn phòng. Khi nàng lên xe theo Sót ra ngoại ô thì đại tá Osaki cũng lên xe đến ngã tư Sibu và Nogi. Đoàn xe của Phản gián gồm nhiều chiếc trang bị dụng cụ vô tuyến và đèn pha sáng rực. Binh sĩ chặn bốn ngả đường lại, và dưới những cơn gió mạnh và cơnnmưa lất phất, họ rọi đèn tìm nhặt những vụn giấy tơi tả trên mặt đường và rớt vào các vườn kế cận. Sót đã thận trọng xé thật nhỏ, song Osaki đã huy động một số lớn chuyên viên và binh sĩ chỉ riêng làm một việc lượm các vụn giấy, lần lượt đem dán vào một tờ giấy lớn.
Gần một giờ đồng hồ sau những giòng chữ viết tay hiện ra:
"Không hải quân Nhật sẽ tấn công căn cứ Trân châu Cảng của Mỹ, 4 giờ sáng ngày 16 tháng 11 năm 1941") 7
Thế là đủ. Đại tá Osaki ra lệnh cho đoàn xe Phản gián xả hết tốc lực phóng về Atami.
Nhật là xứ có nhiều bãi biển đẹp. Atami có thể được coi là nơi có bãi biển đẹp nhất nước Nhật. Du khách thường gọi Atami là Riviera của Nhật 8. Đặc điểm của Atami là có nhiều nước nóng. Suối nuớc nóng nóng nhất của Nhật là suối Oyu. Đến thăm Atami, du khách thường được nghe kể chuyện con chó Tôby thân yêu của vị sứ thần Anh quốc bị xẩy chân ngã xuống suối chết và được dân chúng địa phương làm ma chay đàng hoàng, có sư tụng kinh, có cúng cơm, và sau đó còn lập bia kỷ niệm nữa.
Sót thuê một ngôi nhà mát trên vịnh Atami. Mặc dù Sót áp dụng phương pháp lẩn trốn tài tình, nhân viên Phản gián vẫn bám sát, và khi Sót vui thú với giai nhân trong căn nhà gỗ nên thơ thì bên ngoài những bóng đen giàn thành vòng tròn chia nhau mai phục, luôn luôn liên lạc bằng vô tuyến điện thoại với đại tá Osaki.
Thoạt dầu, điệp viên Sót chỉ định ở lại một lát rồi đi. Nhưng Kiêu-mi đã có đủ bản lãnh giữ chân ông. Bản lãnh này là tấm thân trần trụi tuyệt mỹ của nàng. Vì nhiệm vụ, vì tổ quốc, nàng đã hiến thân cho điệp viên Sót. Sót không lạ gì đàn bà, nhưng rất ít khi ông được chiếm trọn thể xác một người đàn bà tuyệt sắc như Kiêu-mi, và đây là lần đầu một cô gái tuyệt sắc, học thức, thuộc giòng giõi quý tộc ngã vào tay Sót. Cơn truy hoan thần tiên làm Sót ngủ thiếp.
Trời rạng sáng Sót mới bàng hoàng bừng tỉnh. Chợt nhớ đến đêm qua, đến đại tá Osaki, ông vội vã mặc quần áo, rót rượu uống trước khi ra xe. Sót nâng ly huýt-ky lên môi, chưa kịp nhắp, phải đặt xuống vì có tiếng đập cửa. Sót lặng người một phút, tay chân cứng lại. Nhưng ông lấy lại bình tĩnh và bước ra cửa.
Khách đến thăm Sót là đại tá Phản gián Osaki.
Osaki rút trong túi ra tờ giấy dán đầy mẩu xé vụn và nói, giọng dịu dàng:
- Chào tiến sĩ Sót. Hẳn ông đã hiểu lý do tôi đến thăm ông sáng nay.
Sót từ lừ nâng ly rượu, uống cạn một hơi rồi nói:
- Vâng, tôi hiểu. Tôi xin uống ly rượu này để mừng sự thành công vẻ vang của đại tá.
VII.
Khám đường Sugamô ngày 7-11-1944. Đối với tử tội của xà lim số 133 thì ngày 7-11 này cũng giống như 1088 ngày đã trôi qua. Thường thường tử tội không phải chờ đợi quá lâu trong khám. Tuyên án sau một thời gian ngắn là thọ hình. Tử tội Sót chờ đợi những 3 năm giòng dã nên không còn tin là mình sẽ phải thọ hình nữa.
Khám tử hình gồm khá đông "thân chủ". Nhưng không ai được đối xử hậu hĩnh bằng Sót. Giường ngủ có nệm êm lưng, áo quần luôn luôn sạch sẽ đẹp mắt, ăn uống lúc nào cũng đầy đủ, đôi khi còn thừa mứa nữa, tuy nước Nhật đang lâm chiến, toàn dân phải thắt lưng buộc bụng, Sót được quyền chọn sách báo để đọc, và hơn ai hết, Sót đoán được là chiến tranh sắp chấm dứt với thắng lợi về phe đồng minh, nghĩa là Nhật sẽ bại trận và Liên sô sẽ là một trong những nước thắng trận.
Ông đã tận tình giúp Liên sô. Chắc chắn Liên sô và thống chế Sít-ta-Lin, và Trung Tâm, và đại tướng tư lệnh Urítsơki, sẽ tận tình cứu ông ra khỏi xà lim 133.
Sáng hôm ấy, một điều lạ xảy ra. Người mở khóa xà-lim không phải là gã cai ngục có bộ mặt xác chết trôi mà là quản đốc khám đường Mátsumôtô lẳn mình nghiêm trang trong bộ nhung phục đại tá, ngực gắn đầy huy chương.
Mátsumôtô khom lưng chào tử tội rồi hỏi:
- Ông đúng là tiến sĩ Sót?
Sót hơi xanh mặt, đáp "phải" một tiếng. Đại tá quản đốc hỏi tiếp:
- Có đúng, ông sinh tại Baku ngày 12 tháng 4 năm 1895 không?
Thủ tục hỏi căn cước này, Sót đã biết tường tận. Quản đốc khám đường từng hỏi như vậy trong các xà lim tử hình trước giờ áp giải tử tội ra phòng xử giảo. Bất giác Sót đưa tay lên rờ cổ:
- Tiến sĩ Sót, tuân lệnh ngài bộ trưởng Tư Pháp, tôi xin thông báo với ông là giờ thọ hình của ông sắp tới.
- Ngay bây giờ?
- Vâng, ngay bây giờ, trừ phi ông muốn một bức thư, bức thư cuối cùng, hoặc viết cái gì đó...
"Cái gì đó" là điều Phản gián Nhật luôn luôn nhắc đến trong những ngày Sót bị giam. Họ muốn ông khai hết. Nhưng ông chỉ trả lời bằng sự nín lặng. Họ cũng không tra tấn ông như đã tra tấn những đồng lõa của ông và những người xa gần dính líu đến những tổ chức gián điệp cộng sản do ông cầm đầu. Có lẽ họ biết tra tấn là vô ích, ông thà chết chứ không chịu nói. Họ hy vọng một ngày nào đó, ông sẽ xin khai đế xin đổi mạng sống. Ông không khai vì ông hy vọng một ngày nào đó, Liên sô sẽ đưa ông ra khỏi nhà giam.
Không ai biết được trong giây phút nghiêm trọng ấy, tiến sĩ tử tội Sót đang nghĩ những gì. Nghĩ đến việc cung khai để xin ân xá chăng? Hay là nghĩ đến thói đời đen bạc? Liên sô đã làm thinh. Không thèm đếm xỉa tới mạng sống của siêu điệp viên Ram-xê. Thậm chí đồng chí Mắc, chuyên viên điện đài, cũng trút hết trách nhiệm lên đầu Sót để được nhẹ án.
Đúng là thói đời đen bạc...
Những người chứng kiến cuộc treo cổ hôm ấy -mà thật ra cũng chẳng có ai — thuật lại là Sót tỏ ra hết sức can đảm. Sót từ chối khi quản đốc khám đường đề nghị mời linh mục vào cầu nguyện cho tử tội. Sót điềm tĩnh đứng cho ba người khoác áo choàng đen, đầu phủ vải đen kín mít, trói ông lại và tròng nút thòng lọng vào cổ, trước khi chụp luôn vuông vải đen xuống đầu và vai ông.
Cái thạp dưới chân tử tội tụt xuống, để lộ hố vuông đen ngòm, tử tội lủng lẳng chơi vơi, xương cổ gẫy kêu răng rắc. Quản đốc khám đường nói là Sót đã đền tội.
Nhưng...
1 Trung Tâm (le Centre, the Center) là tiếng lóng mà giới điệp báo quốc tế dùng để chỉ cơ quan gián điệp G.R.U. tức Phòng IV Hồng quân Liên sô.
2 Kitabayashi. Thiếu phụ này là người Nhật sinh trưởng ở Mỹ và lấy quốc tịch Mỹ.
3 Thật đáng tiếc, nếu hồi ấy Nhật không chống Tây phương thì đâu đến nỗi. Vì từ năm 1929, tình báo Mỹ đã có một hồ sơ về Sót, với những bằng chứng Sót là đảng viên đảng Cộng sản trung kiên. Hồ sơ của tình báo Anh (Intelligence Servicer) còn rõ hơn nhiều.
4 Đại sứ Đức là tiến sĩ Herbert von Dirksen, sau này được thay thế bởi đại tá tùy viên quân sự Eugen von Ott, là bạn thân của gián điệp Sót.
5 Xin đừng lộn vói Ozaki, nhân vật thứ hai trong hệ thống gián điệp của Sót. Osaki là một tên thông thường ở Nhật, cũng như Tí, Sửubên ta...
6 Đó là tàu Aachen (Đức) và Inari-Maru.
7 Sự thật là Trân châu cảng bị tấn công vào ngày 7-12-1941.
8 Riviera là bờ biển từ Nice, đông nam nước Pháp, trở xuống, được coi là nơi nghỉ mát thần tiên nhất.
Z.28 - 13 Giờ Định Mạng Z.28 - 13 Giờ Định Mạng - Người Thứ Tám Z.28 - 13 Giờ Định Mạng