Số lần đọc/download: 4249 / 12
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Chương 4 -
K
hi cha nuôi nhắc đến lần thứ ba chuyện chọn vệ sĩ, Seung Gun không giữ được vẻ điềm đạm, ôn hòa, anh nói gay gắt:
- Cha! Con là một công dân bình thường với đời sống giản dị bình thường. Con cũng không có cô bạn gái nào đeo đầy nữ trang, đủ hấp lực để con đem theo thân mình làm vật hy sinh.
Vụ trưởng Jang nói kiểu không gì thay đổi được quyết định của ông:
- Con là con ta. Còn là người nổi tiếng. Con sáng giá hơn Lee Min Young rất nhiều. Tên tội phạm kia nếu tiếp tục hành động, sẽ nhắm vào con.
- Đó chỉ là giả thuyết, Seoul hàng mấy triệu người và con không đánh đổi tự do của con một cách lố bịch.
- Không có gì lố bịch. Đồng nghiệp con cả tuần nay ra đường đều có vệ sĩ.
- Con không thể là họ,
Seung Gun đứng lên. Vụ trưởng Jang chận lại.
- Con không được cãi lời cha. Tên tội phạm đang ở đâu đó và Min Young bị tấn công là sự thật.
Seung Gun bất thần nhảy bay qua ghế bành thoát tầm tay bố nuôi, phóng thẳng ra xe, nhấn ga chạy vù.
Hú hồn! Bất giác anh mỉm cười rồi phá lên cười to một mình, thật khác với tính trầm lặng, ít nói của con người thật trong anh. "Chắc rằng cha nuôi sẽ tố khổ với bố một thôi một hồi".
Seung Gun không cười nữa, anh còn hai phim quảng cáo trong tuần, một cho tập đoàn điện tử, một cho hãng dầu gội đầu nổi tiếng. Bố nuôi anh trong chức vụ, rất dài tay, sớm muộn gì sẽ chụp được anh ở một trong hai nơi đó. Nghĩ đến chuyện quanh mình lố nhố đám vệ sĩ. Gun rởn óc, đến con người thứ hai trong anh, một nam diễn viên điển trai, sáng giá với nụ cười luôn trên môi, tính ân cần, nồng hậu, thoải mái, vẫn không chấp nhận nổi điều này.
"Tốt nhất là chuẩn bị sẵn lương thực để.... trốn".
Quyết định rồi, Seung Gun cho dừng xe ngay bãi đỗ một siêu thị lớn. Như thường lệ, để có chút "tự do" những nơi đông người, Seung Gun chụp lên đầu chiếc mũ vải che đi phần nào mái tóc phủ gáy, dấu đôi mắt sau chiếc kính đen to đùng rồi đàng hoàng bước vào siêu thị. Seung Gun biết, chỉ cần anh không cười, không một ai có thể nhận ra thần tượng Kim Seung Gun.
Có thứ gì thấp thoáng qua mắt Seung Gun. Anh đang đi cầu thang cuốn từ tầng 1 lên tầng 2 rất nhanh. Seung Gun cố nắm bắt bằng cách đảo nhanh tầm mắt. Một dải lụa tím lả lướt, một bóng hình thấp thoáng gần xa. Seung Gun ngỡ mình hoa mắt, anh lắc mạnh đầu. Không, vẫn dãi lụa tím và lần này rõ hơn là mái tóc xõa tự nhiên phủ kín bờ vai... Seung Gun lướt qua rất nhanh những đám đông, anh vừa nhìn thấy một tà áo dài VN. Tim anh đập mạnh trong lồng ngực, chẳng rõ vì sao. Anh muốn nhìn thấy cô gái rõ hơn, nhìn tận mặt.
Cô gái biến mất, có rất nhiều thang máy, chẳng biết cô ở thang máy nào. Seung Gun vào đại một cửa, bấm số lên tầng 5, anh đi quanh. Cô gái như chưa từng hiện diện.
Ở tầng hai, quầy giải khát, Nam Trúc cùng mẹ chăm chú vào cuốn Catalogue giới thiệu khu siêu thị. Đúng là quá đồ sộ, rộng lớn với lượng hàng phong phú, đa dạng. "Quân dã man ăn cướp, quả là khá giàu mạnh". Bà Nam Bình thấy khí uất dâng nghẹn cổ, bà nói giọng khàn hẳn:
- Mẹ thấy chẳng có gì đặc biệt, hàng hóa ở đâu chẳng có Nam Trúc, không còn ngạc nhiên và nghi ngờ gì nữa. Mẹ cô đi du lịch Hàn Quốc có nguyên do, cô muốn rõ nguyên do đó. Thản nhiên, cô cười với mẹ nói:
- Loại bỏ tính du lịch ra trong chuyến đi này, thì vẫn còn một nguyên nhân để mẹ nhìn nước bạn một cách trung thực, đó là nghề cầm bút của mẹ. Mẹ chẳng nói, người viết lách, phải có cái nhìn rộng, nhìn được mọi vấn đề bằng cái nhìn khách quan sao? Chúng ta đâu chỉ xem và mua hàng hóa ở một siêu thị hả mẹ?
Bà Nam Bình hơi bối rối, bà không tự chủ được trong nhất thời, đến quên rằng Nam Trúc đã hai mươi sáu tuổi, một năm nữa thôi, cô lấy bằng tiến sĩ ngành sinh học và là cô gái thông minh, trung thực, nhạy cảm.
- Mẹ... à có hơi ghen tị, xin lỗi con. Chẳng là... - Một phút ngập ngừng bà nói tiếp - Đến năm 1975, họ còn rất nghèo, chỉ mấy mươi năm mà thay đổi đến vậy, nghĩ đến chúng ta còn bao khó khăn, mẹ...
- Rồi chúng ta sẽ được như thế hoặc hơn thế nữa, mẹ hãy tin con. Cô tươi cười cầm tay mẹ đứng lên - Nào, đi thôi mẹ. Ta lên tầng ba, ở đó họ bán gì con quên mất.
- Bán sản phẩm nông nghiệp chế biến, con mới dịch cho mẹ nghe đấy thôi.
- Lạy trời có vài món không cay.
Seung Gun xuống tầng 4, máy phone reo, anh mở đưa vào tai, là Tae Soo gọi giọng phấn khởi:
- Seung Gun, cậu ở đâu thế?
- Siêu thị trung tâm, mình đang...
- Tôi đến ngay, chờ nhé!
Tae Soo tắt máy, Seung Gun ngẩn ra. Cậu ta có chuyện gì? Anh cho máy vào túi, đi quanh gian hàng trái cây, chọn ít nho, táo. Ở gian hàng trái cây nhập khẩu thuộc khu vực châu Á, anh đi qua gian hàng Thái Lan, Trung Quốc, chẳng hiểu sao dừng trước gian hàng Việt Nam. "Ta từng đi qua đây bao nhiêu lần, nhưng chẳng khi nào nhìn thấy".
Ngần ngừ một chút, anh hỏi cô bán hàng hương vị vài loại trái cây và tên gọi. Cô bán hàng vui vẻ đáp theo cái chỉ tay của anh.
- Trái này đầy gai nhưng rất ngon. Nó ngọt và béo, tên là Sầu Riêng.
- Trái này cơm dày, mọng nước, rất ngọt, tên nó là trái vải. Cuối mùa rồi.
- Trái này mới đầu mùa, vừa nhập sang, vị chua chua ngọt ngọt, tên nó gọi là bòn bon.
Seung Gun thích trái cây, nhưng không thích trái thuần ngọt. Anh mua một cân bòn bon, ngắt một quả ăn thử, thấy hợp khẩu vị, rất thích liền mua thêm mất cân cho vào ba túi rồi xuống tầng ba.
Anh đụng mặt Tae Soo ngay gian hàng đồ hộp, Tae Soo lôi tuột bạn đến thang máy, nói:
- Đi, mình đãi cậu một chầu.
- Về chuyện gì? - Seung Gun sững sốt hỏi.
- Chưa đọc bài viết về hiệp sĩ Lee Min Young của mình à? Nhờ cậu mình mới được buổi tâm sự ở nhà anh ta. Mới phần đầu bài viết thôi, ấn bản đã tăng gấp đôi. Tae Soo cười toe toét - Tổng biên tập gọi mình lên thưởng ngay, hứa hẹn một chức vụ mới.
- Lee Min Young nói cậu thực sự hấp dẫn anh ấy và có tài, nên điều này chẳng liên quan gì đến mình.
- Có đấy!
Thang máy mở ra, Tae Soo kéo Seung Gun vào. Vải lụa tím thấp thoáng, lả lướt, Seung Gun đẩy bật bạn, nhào ra khỏi thang máy, vừa kịp thấy có đến hai vải lụa bước vào thang máy bên kia, vừa kịp thấy gương mặt cô gái trang nghiêm không chút phấn son từ từ khuất dần sau cửa với mái tóc xõa dài tự nhiên hơi rối. Cô gái đưa tay vuốt ngược mái tóc... rồi biến mất.
Gun đứng lặng, thật lạ làm sao, anh có cảm giác mất mát. Tae Soo sau khi kinh ngạc, bắt dầu truy vấn, vẻ soi mói.
- Cậu tìm ai à? Là ai có thể bắt cậu vắt chân lên cổ chạy thế?
Seung Gun vẫy tay im lặng, chẳng biết nói sao. Họ vào thang máy lên thượng tầng. Nơi ấy có VIP rượu, có bar, nhà hàng. Seung Gun chọn góc vắng vẻ ngồi xuống, thần sắc bất thần.
Tae Soo gọi nước uống, im lặng theo dõi bạn. Chẳng lẽ cậu ấy gặp ma? Vớ vẩn, đến ma cũng không thể bắt Seung Gun đánh mất vẻ điềm đạm thong dong vốn có. Một người đẹp tuyệt thế hay bóng dáng tên sát nhân?
- Này, cậu phun ra đi chứ.
- Không có gì. "Phải, làm sao có gì được chứ. Một thoáng qua ngắn ngủi gắn liền với cái đau từ trong tâm thức và hai tiếng Việt Nam. Nơi đó, những người con đất nước Triều Tiên đã gây nên tội ác".
- Cậu không biết nói dối Seung Gun. Nhìn thẳng mình đi và hãy chia xẻ với mình. Chúng ta chẳng là đôi bạn suốt ba mươi năm đó sao?
Seung Gun nhìn vào ly nước thì thầm:
- Thật sự đấy Tae. Thật sự không có gì.
oOo
Tae Soo đẩy cánh cửa lùa, bước vào căn phòng chìm trong bóng tối. Những lúc không biết mình muốn gì, anh thường tìm đến đây, có khi không cần lời chào hỏi hay chuyện trò gì với bác, anh vẫn thấy được thanh thản, được thấu hiểu và đồng cảm sâu sắc.
- Tae Soo đấy à?
- Vâng, con chào bác - Tae Soo thấy mừng.
Hôm nay bác chào anh trước, hứa hẹn buổi viếng thăm đầy thâm tình, ấm áp và thú vị. Không hề nói ra, Tae Soo yêu quý bác như những người trong gia đình, và còn hơn thế, ở con người trầm cảm yếm thế đến từ chối được sống ấy lại là chỗ dựa tinh thần to lớn của Tae Soo.
Ông bác ngồi gục đầu bó gối, không hề ngẩng lên khi anh lại gần, như thường lệ, Tae Soo ngồi ở ghế bên cạnh im lặng chờ. Mấy chục năm rồi, thời gian quá dài để Tae Soo hiểu, phải làm thế nào đi vào thế giới riêng của bác mà không làm bác ấy sợ hãi, điên cuồng lên.
- Hôm nay cháu có niềm vui.
- Vâng, cháu viết bài khá, được khen thưởng và thăng chức.
- Để được khen thưởng, thăng chức, đôi khi người ta đánh mất cả lương tri.
- Cháu không thể, bác đã dạy cháu từ thuở còn thơ, con người có thể đánh mất tất cả, trừ lương tâm làm người.
- Bác lừa dối cháu đấy. Bác có nói đến lương tri, khi mình không còn nó.
Có một điều mà Tae Soo cũng như cả nhà không bao giờ đề cập, đó là nguyên nhân biến bác anh thành một người trầm cảm, suốt mấy mươi năm từ bỏ thế giới bên ngoài, sống trong bóng tối. Bản thân bác anh cũng vậy.
Hôm nay trong những phút giây tỉnh táo đến lạ lùng, bác nói về nó, rõ ràng là thế. Cái nguyên nhân từ lâu anh không dám thừa nhận "Ta đủ nghị lực đón nhận không nếu...".
- Còn bao lâu nữa đến ngày 2 tháng 9?
Tae Soo ngầm thở ra nhẹ nhõm:
- Gần hai tháng nữa. Bác có chuyện gì vào ngày 2 tháng 9?
- Tae Soo sẽ đưa bác đến một nơi xa, được không?
Tae Soo trừng trừng nhìn bác, nhìn khá rõ trong bóng tối - Mình có mơ không nhỉ? Anh liếm đôi môi đột nhiên khô khốc.
- Đi xa... là thế nào ạ?
Ông bác từ từ ngước lên, gương mặt xanh bợt, hốc hác, thoáng rung động những thớ thịt.
- Là ra khỏi bóng tối tội lỗi tìm đến ánh sáng lương tri.
Dường như ông nhếch một nụ cười và cũng dường như ông đang nhỏ lệ.
- Nơi ấy xa lắm Tae Soo ạ. Bác phải đi hơn ba mươi năm.
Ông rời chiếc ghề gần ba mươi năm của mình, loạng choạng bước chân đi vào góc phòng. Tae Soo bật dậy, đưa tay đỡ lấy bác, ông né tránh bàn tay anh, thì thào:
- Đừng Tae Soo. Đừng để bàn tay trong sạch của con chạm vào xác thân tội lỗi. Bác luôn muốn con được thanh thản đối mặt với cuộc đời.
Tae Soo đau khổ nhìn bác, bất giác buột miệng:
- Bác ơi, cho dù bác lầm lỗi gì, thì thời gian của ba mươi năm tự trừng phạt mình đã quá đủ.
- Không Tae Soo! - Ông nói vẻ điềm tĩnh khiến anh hoàn hồn. Cũng câu nói tương tự, cách đây mười năm, ông lên cơn điên dại dẫn tới hành động tự sát - Đó không phải tự trừng phạt mà là trốn chạy thực tại. Bác vừa hiểu ra.
Ở góc phòng, ông xoay người bắt đầu đếm bước. Ông đi những bước chân vững vàng hơn, đều đặn, chậm chạp.
- Đã mấy lần con đến VN, Tae Soo?
- Dạ từ năm 1999 tới giờ, con đi mới hai lần theo công vụ chính thức.
- Bác không hiểu.
- Những chuyến công du nhà nước của chính phủ ta luôn hạn chế kinh phí. Tòa báo nếu thấy không ở tầm quan trọng, thường lấy tin qua hệ thống thông tin toàn cầu vì cử phóng viên theo rất tốn kém.
- Ra thế. Riêng lần này với con chẳng dễ dàng gì.
- Bác nói chúng ta đi VN phải không? - Anh hồi hộp hỏi.
Người đàn ông dừng bước chân run run.
- Bác chưa nói Tae Soo, đây thuộc về gánh nặng đời bác. Tại sao lại bắt con gánh vác chứ?
Ông ôm đầu, hơi thở trở nên hổn hển nặng nhọc. Vẫn từ chối đôi tay Tae Soo đưa ra định dìu đỡ, ông trở lại ghế ngồi co ro hai chân, ghịt đầu xuống đầu gối.
- Tae Soo, hãy đi đi!
- Bác ơi! Tae Soo đau đớn theo ông - Con sẳn sàng chia... - Vâng, tạm biệt bác.
Anh gần như chạy ra khỏi phòng, gặp bà giúp việc, dặn mấy câu chăm sóc xong, phóng xe về nhà, vào phòng riêng khóa chặt cửa. Tae Soo về với thế giới của mình trong tâm trạng dằn dặt, rồi trở thành trống không vô cảm.
Chẳng biết đến bao lâu, điện thoại anh réo gọi, tiếng xe cán lên sỏi rào rạo vào nhà. Bố mẹ anh đã về mà anh lại không muốn gặp họ. Bấm tắt luôn điện thoại không cần xem ai gọi, Tae Soo khoác túi đồ nghề phóng viên lên vai, chuẩn bị bộ mặt tươi cười đi ra. Gặp bố mẹ ngay thềm, anh qua quýt:
- Con đi công tác đây, trễ lắm mốt về, bố mẹ đừng trông nhé.
Quen với nghề phóng viên đi đứng thất thường của con, ông bà chẳng ngạc nhiên gì. Bà mẹ dặn:
- Mở máy luôn nhé con, có gì mẹ gọi.
- Vâng, tạm biệt bố mẹ.
Tae Soo chạy xe về toà soạn, ngồi mãi ở bàn làm việc, nhìn qua lớp cửa kính trong suốt nghĩ vẩn vơ chuyện đời người. Nửa đêm rồi, thời gian như nước chảy mây trôi có bao giờ dừng lại. Anh ba mươi tuổi, nghĩa là đã sống hết nửa kiếp nhân sinh, vì sao không tự chủ được trước buồn đau người khác?
"Người ấy là bác ruột mày Tae Soo ạ. Thì sao? Mày có cuộc đời của mày kia mà. Chẳng ai chịu trách nhiệm cho ai dù người ấy là cha mẹ ruột. Mình thương bác ấy, thương đến không thể hiểu được. Mình muốn gánh hết bao tội lỗi đè nặng lên bác, muốn căn phòng kia không còn là tù ngục giam hãm bác. Mày biết được bao nhiêu nào? Nếu đó là nợ máu xương, là nỗi ô nhục? Hỡi trời! Thật khủng khiếp! Đừng dày vò mình nữa Tae Soo, hãy cứ sống như từng sống. Hãy vui vẻ, hãy làm tốt công việc, với chút lòng tham vọng vì sự nghiệp. Và hãy tìm cho mình một tình yêu.
Không, để làm gì chứ? Còn những buổi học thứ tiếng Việt thật gian nan trong buồng tối? Còn những phút im lặng thật tuyệt vời giữa bác và mình? Còn lời thề danh dự làm con người chân chính... Người chân chính không thể bỏ bạn mình, bỏ thầy mình và trên những điều đó, còn là bác ruột mình, người đã hy sinh cuộc đời hạnh phúc cho ba mình có được một tương lai sáng lạng. "Thứ tiếng này khó học lắm bác... Vì nó sâu sắc và đẹp cháu ạ... Thế VN có hùng mạnh không bác? Cháu chả nghe ai nói đến họ cả.. Vì họ khiếp sợ. Đó là một đất nước đẹp, lắm đau thương và rất kiên cường, họ đã thắng kẻ thù lớn nhất, dành độc lập tự do... Bác dạy nữa cho con đi, để mai sau con viếng thăm đất nước anh hùng ấy... Bác không thể... Hãy lớn hơn lên, con nhất định học nó, con thề đấy ".
oOo
- Mỗi tối, con nên học một lát, mẹ mới yên tâm.. du lịch.
Nam Trúc phì cười. Đôi khi mẹ cô khá ngây thơ.
- Học lấy bằng tiến sĩ khác với học cấp ba mẹ ạ. Đừng can thiệp vào chuyện học của con được không mẹ?
- Không được, mẹ giờ còn mỗi con để lo lắng.
Nam Trúc nhíu mày. Mẹ và cô giao hẹn, bắt đầu lên máy bay là không nhắc đến ba nữa cơ mà. Cô lãng chuyện:
- Giờ ngày mai đi đâu mẹ? - Cô với tay lấy bản đồ trải ra bàn, chỉ vào những chỗ khoanh tròn, nói - Hai ngày ta đã đi hết ba siêu thị, hai trung tâm thương mại quốc tế, con nghĩ tạm đủ. Giờ hướng qua phần du lịch văn hóa nhé mẹ?
- Mẹ muốn đến... tham quan đài truyền hình, vài tòa báo lớn.
Nam Trúc ôm cổ mẹ rúc rích cười, nghe ấm áp trong lòng.
- Nơi đó có gì mà xem hở mẹ? Chỉ là một khối bê tông to đùng, những đống giấy, những điện thoạị tivi, máy tính.
Cô nhấc bổng mẹ để lên lòng mình, reo:
- Hôm nay mẹ nặng thêm một ký, con mừng là đã chọn được nơi ở có món ăn VN.
Bị con bế trong tay, bà Nam Bình vừa sung sướng vừa xấu hổ. Mấy hôm rồi, mẹ con khắng khít càng thêm khắng khít, lòng bà được an ủi nhiều, nhưng vẫn cứ lo lắng, sợ con phát giác những bí ẩn đời mình. "Anh có linh thiêng hãy giúp con, đừng để con nhìn thấy, nghe được những khổ hình em phải chịu. Em không muốn con đau đớn vì em".
Vẻ thoát hồn ở mẹ khiến Nam Trúc khựng lại. Cô im lặng dõi theo mọi hành động ở bà. Chín năm học xa nhà, tuổi mười tám đến hai mươi sáu có rất nhiều thay đổi, khác biệt. Tuổi mười tám cô hồn nhiên và vô tư lắm, mỗi năm về nhà hai lần, chẳng đủ cho rong chơi tụ họp cùng bè bạn. Nhà ba mẹ ở xa thành phố, nên hầu hết chỉ đến tối cô mới có mặt ở nhà. Rồi vài ba câu chuyện, rồi ăn uống, tắm rửa xong là ngủ vùi cho đến hôm sau. Cứ thế...
Tuổi hai mươi mốt cô chín chắn hơn, thật sự trưởng thành, nhưng bấy giờ cô hoàn toàn bị cuốn vào tương lai sự nghiệp bản thân. Cô vùi đầu vào việc học, lấy học bổng ngay sau khi tốt nghiệp, rất vui và tự hào khi nghe ba mẹ nói rằng "Con chính là niềm tự hào của ba mẹ, được học bổng cao học, xem như con đã trả hiếu cho ba mẹ rồi".
Bốn năm xa nhà, cuộc sống xa lạ đã trui rèn cô thành người nghị lực, mạnh mẽ. Cô học tập, làm việc, hoàn toàn độc lập bản thân và bắt buộc phải che dấu con người thật nhân hậu, trong sáng, đa cảm của mình theo đúng quy luật sinh tồn giữa một xã hội xa lạ. Phải, với cô, mãi mãi nước Mỹ là xa lạ.
Và cô phải quen với cách sống đó nên phần nào cô đã đánh mất chính mình chăng? Cô sống khép kín, luôn luôn đứng bên ngoài cuộc đời một ai đó, rất khách quan và lý trí. Giờ cô đã hiểu, cô mất quá nhiều thứ để tự bảo vệ mình trước muôn vàn rắc rối trong cuộc sống. Đã hai mươi sáu tuổi, cô chưa dám yêu ai và xuýt mất luôn tình yêu của mẹ, thứ tình thiêng liêng cao quý nhất ở mỗi con người.
- Nam Trúc! Con sao vậy? Như người mất hồn, ngước nhìn lên thấy con vậy, bà lo lắng hỏi.
Cô ôm tay lên mặt mẹ, từ từ cúi xuống hôn lên trán bà thật dịu dàng.
- Mẹ, con đang nghĩ, làm thế nào mà con xa mẹ hằng bao năm như vậy? Làm thế nào để mẹ con ta mãi mãi là hạnh phúc của nhau?
- Con luôn là hạnh phúc, là niềm tự hào của cha mẹ.
- Không đâu. Con thật ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình, nhiều năm..
Nhìn thẳng con, bà ngắt lời:
- Hãy tin mẹ. Nếu ba con còn sống, cũng nói như thế. Làm cha mẹ hạnh phúc lớn nhất là con cái ăn học thành tài, trở thành người hữu dụng cho đất nước, con trong sáng, nghị lực, học hành giỏi giang, tâm địa minh chính, cầu tiến mà không vọng ngoại, vong bản. Bậc làm cha mẹ, mà cả những người quen biết con, đều rất tự hào về con.
- Con tốt đẹp đến thế sao? - Nam Trúc lẩm bẩm - Vậy vì lý do gì mẹ không tin con?
Bà Nam Bình sững sờ, bối rối. Cô nhìn sâu vào mắt mẹ hỏi vẻ buồn:
- Vì sao hả mẹ? Mẹ đang dấu con chuyện gì?
- Mẹ không có - Bà gạt phắt, quả quyết.
Cô buông thõng tay, trở lại nét tươi cười khi thấy mặt mẹ nhợt nhạt - Mẹ chắc chứ? Nếu biết mẹ dấu điều gì con sẽ giận đấy. Nào, giờ mẹ muốn nghỉ ngơi hay dạo phố đêm?
Thở ra nhè nhẹ, bà Nam Bình nói hấp tấp:
- Du lịch cho ra du lịch chứ, mẹ muốn xem đêm Seoul thế nào? Vả lại, đêm trời mát dịu hơn.
- Đồng ý với mẹ - Cô cười thật tươi - Trang phục thế nào đây mẹ?
- Áo dài, chiếc áo gấm dệt hình trống đồng Ngọc Lũ ấy.
- Vậy con mặc áo thổ cầm.
Nửa giờ sau, hai mẹ con thong dong dạo quanh đường phố Seoul. Trời vẫn còn dư âm của nắng chiều oi bức, đi băng qua một đại lộ lớn, Nam Trúc nghĩ đến những bãi biển quê nhà.
- Có lẽ dành vài hôm đi biển mẹ ạ, nghe dưới lễ tân giới thiệu, biển không xa lắm. Chớ trời nóng thế này, đánh áo dài suốt ngày mệt thật.
- Do mẹ muốn họ biết mình là người VN - Bà nói gằn.
Thấy mẹ có vẻ quan trọng hóa, Nam Trúc bật cười, lắc đầu định nói thì điện thoại reo. Mở xắc tay lấy máy đưa lên tai, không nghe nói gì, cô nhìn số, tặc lưỡi:
- Hết pin mẹ ạ. Là Khoa gọi cho con, chắc có chuyện cần báo.
Cô nhìn quanh rồi nhìn sang bên kia đường.
- Có điện thoại công cộng bên kia, để con qua lấy thẻ.
Bà Nam Bình nhìn tòa nhà chọc trời ngay chỗ bà đứng bằng vẻ tò mò:
- Con đi gọi đi, mẹ chờ ở đây.
Nhìn đường phố rực rỡ sáng như ban ngày, người, xe lại qua tấp nập, Nam Trúc lắc đầu chỉ tay vào bên trái:
- Mẹ vào đó xem thử, cửa hàng này bán hàng giảm giá.
Bà Nam Bình gật đầu, nhưng khi Nam Trúc qua đường bà lại lững thững đi dọc hè phố.