Nguyên tác: Muder in Mesopotamie
Số lần đọc/download: 3378 / 71
Cập nhật: 2015-01-24 12:29:08 +0700
Chương 3: Những Lời Bàn Tán
Đã quyết định là tôi sẽ tới Tell Yarimjah vào tuần sau. Bà Kelsey khỏi phải lo chuyện về nước của tôi.
Trong khi chờ đợi ở nhà bà Kelsey, tôi nghe được một vài người bàn tán về đoàn khảo cổ Leidner. Một sĩ quan kỵ binh là bạn của bà Kelsey, bặm môi vì ngạc nhiên, kêu to:
- Nàng Louise xinh đẹp! Lại một trò nữa của bà ta.
Viên sĩ quan quay lại phía tôi:
- Cô biết không, chúng tôi mệnh danh bà là Nàng Louise xinh đẹp.
- Vậy bà ấy đẹp lắm? – tôi hỏi.
- Ít nhất là bà ta tự cho như vậy. Cứ tưởng mình là thần Vệ nữ hiện hình.
Bà Kelsey xen vào:
- Hãy lịch sự một chút, anh John! Anh thừa biết đâu chỉ mình bà nghĩ như thế. Khối ông chết mê chết mệt đấy thôi.
- Chị nói đúng. Tôi cũng công nhận bà ta có sức quyến rũ nhất định.
- Chính anh cũng suýt mất hồn vì bà ấy, phải không? - Bà Kelsey mỉm cười tinh quái.
Viên sĩ quan trẻ đỏ mặt, thái độ tỏ ra lúng túng:
- Phải công nhận bà ta rất có duyên. Còn ông chồng Leidner thì mê vợ đến sát đất… và tất nhiên, mọi người trong đoàn khảo cổ đều làm như thế với vợ của thủ trưởng.
- Họ có bao nhiêu người tất cả?
- Người đủ các quốc tịch. Một kiến trúc sư Anh, một giáo sĩ Pháp lo việc đọc những văn bản cổ. Còn cô Johnson người Anh, chuyên cọ rửa các vật cổ trong phòng thí nghiệm, rồi một ông nhiếp ảnh người Mỹ. Và vợ chồng Mercado… thì chẳng biết là người nước nào! Cô vợ còn rất trẻ, có dáng bộ uốn éo như rắn. Cô ta rất ghét nàng Louise xinh đẹp! Cuối cùng… là hai thanh niên. Một tập hợp con người hổ lốn, nhưng nói chung thì cũng được. Pennyman, ông đồng ý thế không?
John quay lại hỏi một người đứng tuổi ngồi trong góc, đang mân mê dây mục kỉnh. Nghe hỏi, ông ta giật mình nhìn lên.
- Ờ, ờ, rất được, đều dễ thương. Nhưng đó là nói riêng rẽ từng người một. Tôi đồng ý với ông rằng Mercado là một gã buồn cười.
- Ông ta để râu kiểu rất lố bịch – bà Kelsey nói chen.
Thiếu tá Pennyman coi như không nghe thấy, nói tiếp:
- Hai chàng thanh niên thì rất dễ có cảm tình. Chàng người Mỹ kín tiếng, chàng người Anh lại nói luôn mồm. Thông thường, thì ngược lại mới phải. Leidner là một chàng trai tuyệt vời, khiêm tốn và giản dị! Tôi nhắc lại, nói riêng từng người đều rất dễ thương, song không hiểu tôi có nghĩ sai không, chứ lần vừa rồi đến thăm họ, tôi có cảm giác xảy ra chuyện gì bất thường. Không ai có vẻ tự nhiên, thỏa mái. Không khí căng thẳng…
Hơi đỏ mặt như mỗi lần phát biểu ý kiến, tôi thử đưa ra lời giải thích:
- Có lẽ vẫn ngần ấy người tiếp xúc mãi với nhau, làm thần kinh căng thẳng. Trong bệnh viện tôi đã có kinh nghiệm.
- Đúng, - thiếu tá Kelsey đồng tình - Song đây mới là mùa bắt đầu khai quật, chưa đủ thời gian để phát sinh sự căng thẳng.
- Một đoàn khảo cổ cũng giống như cuộc sống trại lính thu nhỏ. Cũng có bè phái, kèn cựa, ghen tị - thiếu tá Pennyman nói.
- Năm nay, có thêm vài người mới - thiếu tá Kelsey nhận xét.
Viên sĩ quan kỵ binh tính trên đầu ngón tay:
- Xem nào. Có Coleman và Reiter là người mới. Emmott và vợ chồng Mercado năm ngoái không tham gia. Cha Laviguy cũng là người mới chiêu mộ, để thế chỗ giáo sư Byrd không theo đoàn được vì lý do sức khỏe. Carey là người cũ. Hắn và cô Johnson là thành viên của đoàn ngay từ đầu, tức đã được năm năm.
Thiếu tá Kelsey nói:
- Tôi cứ tưởng họ hòa hợp với nhau lắm, như một đại gia đình hạnh phúc. Xét về bản chất con người, đó là điều lạ, phải không cô Leatheran?
- Hờ… không biết ông nói vậy có đúng không. Trong bệnh viện, tôi thấy người ta kèn cựa nhau về những chuyện vặt vãnh.
- Phải, sống với nhau lâu quá, con người sinh ra nhỏ nhen – thiếu tá Pennyman tiếp. – Nhưng trong chuyện này, tôi thấy có điều gì nghiêm trọng hơn. Leidner là người rất hiền, khiêm tốn, xử thế khôn khéo nên vẫn giữ được đoàn kết trong đoàn. Vậy mà hôm nọ, tôi đến, thấy có không khí không thỏa mái.
Bà Kelsey bật cười to:
- Ông không biết nguyên nhân ư? Đập vào mắt thế mà.
- Bà định nói gì?
- Tất nhiên, tôi nói bà Leidner.
- Thôi đi bà, hãy nghĩ mà xem: bà ấy rất đáng yêu, không gây sự với ai.
- Nào tôi có bảo bà ấy thích gây sự đâu, nhưng cứ có mặt bà ấy là sinh chuyện.
- Thế nào? Tại sao?
- Tại sao? Tại sao? Vì bà ấy buồn chán. Bà không phải nhà khảo cổ, chỉ là vợ nhà khảo cổ. Bà chẳng quan tâm những phát minh khoa học, do dó bà phải tự bày ra chuyện, làm cho mọi người phải kình địch nhau.
- Mary, mình không biết thì đừng nói. Chỉ tưởng tượng hão.
- Vâng, thì tôi tưởng tượng, nhưng rồi ông sẽ thấy tôi đúng. Không phải ngẫu nhiên người ta ví nàng Louise xinh đẹp với Mona Lisa. Có thể bà ta không ác ý, dù sao vẫn thích thú nhìn mọi người quẩn quanh bên mình như những con rối bị mình giật dây.
- Bà ấy rất yêu chồng.
- Ồ! Điều ấy khỏi nói. Không phải chuyện quan hệ lăng nhăng, nhưng nàng Louise xinh đẹp là chúa hay làm dáng.
- Ôi, đàn bà! Sao họ đối xử tử tế với nhau thế!
- Ông định nói giống lũ mèo cái cào cấu nhau chứ gì. Nhưng nên nhớ là chúng tôi đánh giá nhau không lầm đau.
Thiếu tá Pennyman trầm ngâm:
- Cứ cho những lời đoán định của bà Kelsey là đúng, cũng chưa đủ giải thích được bầu không khí thù nghịch ở đó. Tôi có cảm tưởng rõ rệt là dông tố sắp nổi lên đến nơi.
Bà Kelsey nói:
- Ta không nên làm cô Leatheran hoang mang. Ba ngày nữa cô đã đi Tell Yarimjah.
Tôi cười, đáp:
- Có thế nữa, tôi cũng không sợ.
Tuy nhiên, tôi cũng nghĩ nhiều về những điều nghe được, nhất là câu nói kỳ lạ của giáo sư Leidner: “Bà ấy sẽ cảm thấy an toàn hơn” còn theo tôi mãi vào trong giấc ngủ. Những nỗi sợ hãi lạ lùng của bà Leidner liệu có ngấm ngầm ảnh hưởng đến những thành viên khác của đoàn? Hay là nỗi lo âu đè nặng lên đoàn đã ảnh hưởng đến hệ thần kinh của người phụ nữ ấy?
Tôi chỉ còn một cách là chờ đợi.